Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Vụ Dương Chí Dũng: Đảng đang giăng lưới bắt con cá to? - Hiến Pháp, Thông Điệp và Thực Tế - Cái Tết thứ ba: Suy thoái cùng kiệt sức

Vụ Dương Chí Dũng: Đảng đang giăng lưới bắt con cá to?

Dương Chí Dũng tung ra 'át chủ bài' vào lúc cần thiết nhất?

Có bao giờ người dân Việt Nam theo dõi một phiên tòa như xem một bộ phim hình sự?

Phiên tòa xử Dương Tự Trọng vừa có yếu tố bất ngờ đột biến như sự kiện Chang Song-thaek ở Bắc Hàn, vừa có chi tiết ly kỳ hấp dẫn như vụ án Bạc Hy Lai ở Trung Quốc.

Một nhân vật phụ bỗng chốc thành tâm điểm của dư luận; một tử tội mà công chúng không tiếc lời nguyền rủa đột nhiên giành được cảm tình của nhiều người; một kẻ được cho là chết nhiều lần cũng chưa đáng tội bất ngờ có lời kêu gọi ân giảm.

Quả bom Dương Chí Dũng ném ra trước phiên Tòa xử em trai thật lợi hại!

Quả bom mang tên Phạm Quý Ngọ nổ vang đến nỗi nó át tất cả những gì nóng nhất đang diễn ra, từ ‘siêu lừa’ Huyền Như cho đến chủ quyền trên Biển Đông. Nó ‘làm lu mờ’ cả nhân vật chính của phiên tòa là Dương Tự Trọng.
Anh hùng vì nghĩa?

Thật hiếm thấy ở Việt Nam một nhân vật mới đứng trước Tòa đã có lời ca ngợi và khi bị kết án xong cũng có tiếng xót thương.

Tờ PetroTimes gọi Dương Tự Trọng là một ‘người vẹn tài vẹn tâm’ trong một ‘đại án nhân tâm’ mà bản án ‘có phần quá nghiêm khắc’.

Anh em nghĩa trọng tình thâm là điều hoàn toàn có thể hiểu được và thông cảm được.

Nhưng tình anh em dù lớn đến đâu cũng chỉ là việc của hai người trong khi việc nước ảnh hưởng đến muôn vạn người.

Ông Trọng có thể trọn tình nghĩa với anh trai nhưng không tròn bổn phận với đất nước. Tên là Tự Trọng nhưng lại không ngay thẳng với bản thân vì nhận tiền thuế của dân mà đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Sử dụng người và của công để làm việc riêng đã đành, mà việc riêng đó còn là hành động phạm tội. Nếu so với tội của thường dân thì lại càng thêm nặng.

Những việc kể trên dù sao Tòa cũng đã xử, nhưng có những việc Tòa không xử còn nguy hiểm hơn nhiều.

Dưới sự điều động của ông Trọng, một lực lượng tinh nhuệ kết hợp cán bộ công an với tội phạm truy nã và giang hồ cộm cán tạo thành một ‘liên minh hoàn hảo’.
Dương Tự Trọng được sự hỗ trợ đắc lực của các đối tượng tội phạm

Chính liên minh này đã thực hiện một nhiệm vụ phức tạp từ bắc chí nam, xuyên biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, kín kẽ có thể dựng thành phim trinh thám!

Quan hệ giữa ông Trọng với hai tội phạm này chặt chẽ như thế thì chắc gì họ chỉ được trưng dụng chỉ một lần?

Cơ ngơi hoành tráng của Dương Tự Trọng ở Hải Phòng là từ đâu mà có?

Số tiền hàng chục ngàn đô la mà ông ta chu cấp cho anh trai mình ở Campuchia là ở đâu mà ra?

Tham ô như Dương Chí Dũng là ăn trên mồ hôi công sức của người lao động. Còn đồng tiền mà tội phạm kiếm được lại đẫm máu và nước mắt của dân lành!

Chả trách ở một đất nước mà chính quyền cho là ‘không đâu bình yên bằng’ người dân lúc nào cũng nơm nớp vì trộm cướp!

Người chấp pháp lại hỗ trợ kẻ phạm pháp. Hành vi của ông Trọng là nguy hiểm với dân và sỉ nhục sự hy sinh của các công an khác.
Nên từ chức?

Số tiền mà Dương Chí Dũng khai trước Tòa đã hiếu kính ‘một ông anh’ ở Bộ Công an khiến ai cũng giật mình!

Thoạt nghe mà cứ tưởng là chuyện xảy ra ở đâu đâu! Người dân mỗi ngày kiếm được vài đô đã nổ đom đóm mắt mà có người phất tay một cái là có được từ nửa triệu đến cả triệu đô la!
Ông Phạm Quý Ngọ khẳng định không nhận tiền của Dương Chí Dũng

Dẫu sao thì đây cũng chỉ mới là lời khai, mà lời khai thì chưa khẳng định được gì cả.

Không may cho ông Ngọ là dư luận không nghĩ như vậy.

Họ chỉ đơn giản nhìn vào những căn hộ mà ông Ngọ đang sở hữu cùng với việc ông thân tình với Dương Chí Dũng và nằm trong số vài ba người biết được lệnh bắt khẩn cấp của thủ tướng - thế là họ tin.

Cho nên để giải tỏa nghi ngờ, tốt nhất ông Ngọ nên giải thích rõ ràng với báo chí, giống như Cảng Sài Gòn ra thông cáo sau khi có lời khai của ông Dũng.

Nếu ông Ngọ trong sáng thì việc điều tra khách quan xét cho cùng cũng là vì lợi ích của ông để tránh miệng đời dị nghị. Do đó, tôi nghĩ ông nên tạm thời từ chức để không ảnh hưởng đến cuộc điều tra.

Ông cũng đang điều trị bệnh thì càng phải nghỉ ngơi. Hội nghị Đảng ủy Công an có chủ tịch nước mà ông còn không dự được thì làm sao đảm đương chức trách?

Tạm rời chức vụ đối với ông lúc này là lợi cả đôi đường. Nếu sau này có kết luận trong sạch thì ông đường hoàng trở lại nhiệm sở thôi.

Nếu thật sự ông không nhận tiền thì dù một ngàn chi tiết Dương Chí Dũng khai ra cũng không thể xác minh được. Thiết nghĩ ông không có gì phải sợ.
Bạn trong hoạn nạn 
 
Ông Nguyễn Như Phong bênh vực ông Ngọ khi chưa có kết quả điều tra

Nhưng có khi nào lời trấn an của Đại tá Nguyễn Như Phong, tổng biên tập PetroTimes, rằng ‘mọi việc còn lâu lắm’ nên ông Ngọ không muốn từ chức lâu như vậy chăng?

Phải nói ông Phong là người bạn chí tình chí nghĩa của ông Ngọ. Lúc ông Ngọ hoạn nạn ông đã không bỏ rơi mà còn dám đi ngược chiều dư luận để bênh vực ông và đả kích Dương Chí Dũng.

Ông lo lắng cho ông Ngọ không khác chi việc của bản thân ông. Dương Chí Dũng còn chưa khai trước Tòa thì ông đã nhanh chóng hỏi thăm ông Ngọ về khả năng này để chia sẻ nỗi lo với bạn.

Có điều tôi chưa hiểu là ông Phong đã khẳng định ông Ngọ vô tội và Dương Chí Dũng khai man thì tại sao phải khởi tố vụ án điều tra lại?

Có khi ông có bằng chứng nào đó mà cơ quan điều tra chưa biết chăng? Chứ lập luận ông đưa ra tôi thấy không thuyết phục.

Ông lý giải Bộ Công an đã điều tra kỹ rồi mà ông Ngọ vẫn được thăng thượng tướng, nhưng ở đây tôi muốn hỏi ông rằng những người điều tra ông Ngọ đấy hoặc là cấp dưới, hoặc là chiến hữu với ông Ngọ – tức là những người cũng như ông đã tin ông Ngọ vô tội sẵn rồi – thì điều tra liệu có đáng tin?

Ông thấy khó tin tại sao ông Dũng đang bị điều tra mà đem túi tiền to đến nhà ông Ngọ lại không bị theo dõi? Nhưng liệu thứ trưởng công an có để cho thuộc cấp theo dõi việc hối lộ mình, nếu có, hay không?

Với tình tiết khai ra ông Ngọ, Dương Chí Dũng có được giảm tội chết?

Ông cáo buộc ông Dũng là ‘trâu lấm vẩy bùn’, nhưng ‘trâu lấm’ chờ án tử này đang muốn sống hơn bao giờ hết thì có đi ‘vẩy bùn’ để triệt mọi con đường sống?

Những lý lẽ đưa ra không vững thì càng làm cho người ta nghĩ rằng ông Phong đang lấp liếm. Mà ông càng lấp liếm thì người ta lại càng nghi ngờ không tốt cho ông Ngọ.

Chưa kể bài báo của ông Phong vào lúc cuộc điều tra mới bắt đầu càng khiến cho dư luận mất niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật và cuộc chiến chống tham nhũng. Trên khắp các diễn đàn mạng, người ta đồn đoán rằng ‘vụ việc sắp chìm xuồng’.

Còn kết quả điều tra mà Bộ Công an công bố cũng không khiến người ta tin rằng vụ việc 'sẽ được xử lý nghiêm'.

Ông Dũng khai nhiều chi tiết mà sao chỉ tập trung vào danh sách cuộc gọi điện thoại? Còn việc nghi phạm thay đổi lời khai thì có gì là bất thường? Nhất là lời khai chỉ đích danh người đang là thứ trưởng?
Có sự giằng co?

Về phần ông Ngọ, tôi nghĩ ông ở hoàn cảnh rất nhạy cảm. Một người vừa thân với Dương Chí Dũng vừa nằm trong ban chuyên án nên nếu xảy ra việc bỏ trốn thì chắc chắn ông Ngọ bị tình nghi nhiều nhất.

Ông Ngọ biết rõ điều đó nên có khi nào ông mạo hiểm như thế? Tự tin quá mức chăng?

Một Thế Giới là tờ báo đầu tiên nêu tên ông Phạm Quý Ngọ

Mọi việc vẫn đang điều tra, nhưng với diễn biến này người dân có lý do để mong đợi ở cuộc chiến chống tham nhũng.

Việc báo chí tường thuật tường tận lời khai của Dương Chí Dũng là bước đột phá trước đây ít người nghĩ tới.

Nó gợi nhớ đến phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai khi gần như tất cả chi tiết lời khai của ông Bạc được tường thuật trực tiếp.

Tuy nhiên nếu như phiên tòa ông Bạc, việc tường thuật là rành mạch còn ở Việt Nam dường như có sự dao động.

Tên ông Ngọ lúc ẩn lúc hiện trên báo mạng Một Thế Giới trong khi đại đa số các báo đều né tên 'một ông anh'. Thậm chí báo Nhân Dân lúc đầu còn không đề cập gì đến lời khai ông Dũng.

Làm báo ở Việt Nam phải nhạy về chính trị nên thông báo một cái tên như Phạm Quý Ngọ ai mà không run? Khó có thể tòa báo trong một phút sơ sót lọt ra tên ông Ngọ.

Không những thế, quá trình điều tra lời khai của Dương Chí Dũng từ khi bị bắt cho đến giờ dường như có gì đó trục trặc.

Lời khai chắc chắn được báo cáo lên Bộ Chính trị vì liên quan đến ủy viên trung ương. Thế thì tại sao Bộ Chính trị không chỉ thị thủ tướng tạm đình chỉ hay thuyên chuyển ông Ngọ để điều tra được khách quan?

Thay vào đó, Ban Nội chính chọn con đường để ông Ngọ tại vị nhưng trực tiếp điều tra.
Nuôi dưỡng tham nhũng? 
 
Ông Nguyễn Bá Thanh đang điều khiển cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng

Ông Dũng khai lót tay ba người, một thứ trưởng, một cục trưởng và một cán bộ điều tra. Ba người nhận đủ cả ba. Nếu đúng như vậy thì ở Việt Nam ai đủ tiền thì có thể một tay che cả bầu trời!

Xã hội nào cũng vậy, có quyền dễ dẫn đến có tiền. Mà tiền ai chẳng tham!

Nhưng ở Việt Nam, đồng lương ít ỏi thì cán bộ không thể nào gặm chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh để sống qua ngày được.

Chế độ độc đảng không có giám sát tạo ra một lỗ đen để mọi việc khuất tuất có thể xảy ra. Mà Ủy ban Kiểm tra và Ban Nội chính của Đảng không thể ba đầu sáu tay giám sát hết cán bộ đảng viên được.

Trong khi đó, Đảng kiểm soát báo chí tức là đã triệt tiêu một kênh giám sát hiệu quả. Đến tên ông Ngọ còn run thì báo còn dám làm gì?

Chẳng phải chuyện tham nhũng trong Dự án Đại lộ Đông Tây là nhờ báo chí Nhật phanh phui còn báo chí Việt Nam chẳng biết gì đó sao?

Muốn giám sát thì không ai làm tốt cho bằng đảng đối lập. Họ sinh ra là để giám sát chính quyền. Cứ xem người biểu tình Thái Lan kể rõ ràng những sai phạm của chính quyền Shinawatra sẽ biết.

Cơ chế giám sát thì không có trong khi cơ chế trừng phạt thì nằm trong tay Đảng nên bị bóp méo bằng ý chí chủ quan của Đảng.

Luật pháp không như sơn thì không đủ sức mạnh để răn đe tội phạm tham nhũng.

Bây giờ Đảng chống tham nhũng quyết liệt thì Dương Chí Dũng bị án tử hình, còn những lúc trước Đảng lơ là hay giả sử sau này Đảng lơi lỏng thì những người như Dương Chí Dũng lại thoát án tử hình chăng?

Rõ ràng luật lệ là theo ý chí chủ quan của Đảng. Cùng là Đảng Cộng sản nhưng Trung Quốc họ cho rằng xử tội ủy viên Bộ Chính trị thì sẽ củng cố sức mạnh của Đảng trong khi Việt Nam không kỷ luật ‘một ủy viên Bộ Chính trị’ vì 'có hại cho Đảng'.

Ông Ngọ không có mặt trong buổi họp Đảng bộ Công an có sự tham dự của chủ tịch nước

Giả dụ tham nhũng ở Việt Nam đã hoành hành không có thuốc chữa, lan rộng khắp nơi, lan sâu đến cơ sở và lan cao đến giới lãnh đạo thì Đảng có dám xử lý hết không?
Ván cờ của Đảng

Lời khai của Dương Chí Dũng đối với dân là bất ngờ nhưng đối với Đảng không có gì bất ngờ cả. Tất cả đều nằm trong vòng kiểm soát.

Người dân biết tường tận về lời khai của Dương Chí Dũng vì Đảng muốn cho dân biết. Chắc chắn còn nhiều ẩn khuất mà dân chưa được biết hoặc không bao giờ được biết.

Khi để cho Dương Chí Dũng công khai lời khai, Đảng chắc chắn đã cân nhắc kỹ.

Nếu lời khai là bất minh thì sẽ làm mất uy tín một ủy viên Trung ương Đảng, còn nếu Đảng không thể điều tra cặn kẽ thì sẽ mất lòng tin của dân.

Nếu không chắc phần thắng thì Đảng đã không giăng mẻ lưới này!

Với lời khai của ông Dũng, người dân đã đi từ cảm giác bất bình nhưng cuối cùng họ bắt đầu có lòng tin vào quyết tâm chống tham nhũng.

Nhưng lòng tin đang dâng rất cao đó giờ đang dần chuyển thành sự ngờ vực. Và nó sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu Đảng xử lý không thỏa đáng!
Nguyễn Lễ  
BBCVietnamese.com
  (BBC)

Dương Chí Dũng khai, đại gia Trương Mỹ Lan vẫn 'im lặng'

Đại án Dương Chí Dũng ngày càng căng thẳng và phức tạp khi xuất hiện hàng loạt những tình tiết mới. Lời khai của ông Dũng đã khiến cho dư luận hết sức bàng hoàng, và ráo riết đi tìm sự thật đằng sau lời khai đó.
Vạn Thịnh Phát bất ngờ “lộ diện” trong phiên xử Dương Tự Trọng
Đại án Dương Chí Dũng tưởng chừng như đã khép lại với mức tuyên án tử hình dành cho vị cựu Cục trưởng cục Hàng hải đầy tai tiếng này. Tuy nhiên, gần đây nhất, có mặt tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, với tư cách là một nhân chứng, Dương Chí Dũng một lần nữa lại làm rúng động dư luận, khi hé lộ danh tính bà Trương Mỹ Lan, người đứng hàng đầu trong giới bất động sản Sài thành liên quan đến việc đưa hối lộ để "lót tay" cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) sau khi Cảng Sài Gòn di dời.
Dương Chí Dũng khai, đại gia Trương Mỹ Lan vẫn 'im lặng' - Ảnh 1
Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thuộc Cảng Sài Gòn. Ảnh: Báo GTVT.
Lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa ngày 7/1 đã phần nào hé mở những tình tiết cần làm rõ. Qua đó, ngày càng có nhiều nhân vật đình đám nắm giữ quyền lực trong các lĩnh vực khác nhau bị kéo vào cuộc. Từ những tình tiết và thông tin Dương Chí Dũng cung cấp, ngày 8/1, TAND TP. Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự "làm lộ bí mật Nhà nước". Đồng thời, HĐXX còn đề nghị VKSND TP. Hà Nội có đề nghị với VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận hối lộ liên quan đến dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM). Nếu đủ căn cứ, các cá nhân có liên quan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Có lẽ phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng sẽ không có gì đáng nói, nếu Dương Chí Dũng không cung cấp thêm thông tin về vụ ông này đã nhận 1 triệu đô la từ tay bà Trương Mỹ Lan, nhằm hối lộ để lót tay cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) sau khi Cảng Sài Gòn di dời.
Tại tòa, Dương Chí Dũng đã khai nhận như sau: "Chị Lan nhờ chuyển cho một người khác. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: "Sẽ có người ở Hà Nội chuyển cho anh, khi gặp người đó thì anh đừng trao đổi số tiền này để đưa cho ai, hoặc làm gì". Chị còn dặn tôi như thế. Và anh Tiệp là người đưa cho tôi. Tức là có 2 người biết việc, chứ không phải mình tôi". Đồng thời, Dương Chí Dũng còn nói rõ thêm, thông qua sự giới thiệu của ông Lê Công Minh, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, Dũng mới quen biết và hợp tác với bà Trương Mỹ Lan.
Trước những thông tin trên, công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) đã có công văn gửi báo chí, khẳng định mối quan hệ giữa ông Dương Chí Dũng và bà Trương Mỹ Lan hoàn toàn là mối quan hệ cá nhân, không liên quan đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án chuyển đổi công năng khu Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội của Cảng Sài Gòn. Trong thông cáo, công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn khẳng định rõ, việc di dời, chuyển đổi công năng của khu cảng Nhà Rồng- Khánh Hội được thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, thông qua các văn bản, nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Cảng Sài Gòn đã đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án, trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án chuyển đổi công năng tại Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút, không tham gia dự án chuyển đổi công năng khu Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Hiện nay, dự án chuyển đổi công năng tại Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã hoàn tất hồ sơ, trong đó không có sự tham dự của Vạn Thịnh Phát.
Bà Lan có quan hệ như thế nào với Dương Chí Dũng?
Những lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa án đã khiến cho vụ án ngày càng trở nên phức tạp. Việc Dương Chí Dũng hé lộ bà Trương Mỹ Lan có liên quan đến việc đưa hối lộ số tiền 1 triệu USD đã khiến cho dư luận ngổn ngang trước những câu hỏi lớn. Để tìm ra câu trả lời chính xác nhất về tình tiết mới của vụ án, PV đã nhiều lần tìm gặp bà Lan, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời vì bà Lan thường xuyên vắng mặt tại công ty.
Theo tìm hiểu của PV, bà Trương Mỹ Lan hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đây là một trong những tập đoàn lớn và có tên tuổi tại TP.HCM. Không chỉ vậy, hiện nay Vạn Thịnh Phát còn là một trong những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ là 12.800 tỷ đồng. Cũng theo tìm hiểu của PV, tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 9 công ty con.
Được biết, trong giới kinh doanh, bà Lan là một thương nhân thành đạt và rất kín tiếng. Thế nhưng, dư luận biết đến tên tuổi của bà và thương hiệu của Vạn Thịnh Phát ngày càng nhiều từ sau đám cưới của cô cháu gái Trương Huệ Vân với nhạc sĩ Thanh Bùi. Và hơn thế nữa, bà Lan được các cơ quan chức năng và báo chí ráo riết “tìm đến” từ sau những lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra là liệu bà Lan có mối quan hệ như thế nào với đại án Dương Chí Dũng? Đó là câu hỏi mà không chỉ các cơ quan chức năng mà nhiều người dân cũng mong muốn có câu trả lời.
Sáng 11/1, PV tìm đến văn phòng đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên lầu 5 của tòa nhà Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để làm rõ những nghi vấn đặt ra. Tuy nhiên, tại đây một nhân viên lễ tân cho biết hiện bà Lan đã đi công tác nước ngoài và không biết bao giờ mới về nước. Ngay sau đó, PV đề nghị được gặp trợ lý để tìm hiểu một số thông tin về bà Lan. Sau gần 30 phút chờ đợi, thư ký của công ty cho biết bà Lan hiện vắng mặt tại công ty, còn việc bà Lan đi đâu thì nhân viên thư ký này trả lời là không biết.
Bên cạnh đó, nhân viên thư ký này đề nghị chúng tôi liên lạc với một người tên Thảo, Phó tổng giám đốc của công ty. Thế nhưng, khi chúng tôi liên lạc theo số điện thoại mà nhân viên thư ký này cung cấp thì không thấy ai nghe máy. Cho đến hôm nay bà Lan vẫn im lặng trước những tình tiết mới trong lời khai của Dương Chí Dũng. Cũng theo tìm hiểu của PV, bà Lan là doanh nhân có chồng người nước ngoài, nên thường xuyên đi công tác sang các nước.
Với số tiền đưa hối lộ “triệu đô”, có thể nhận mức án chung thân!?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng Luật Giải Phóng TP.HCM cho biết: "Lời khai của Dương Chí Dũng chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Nhưng đó là tình tiết để cơ quan điều tra xem xét và sẽ tiến hành xác minh. Sau khi xác minh, nếu có căn cứ về hành vi đưa hối lộ sẽ ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi đưa, nhận hối lộ. Hành vi này sẽ bị truy cứu theo Điều 289 Bộ luật Hình sự. Với số tiền đưa hối lộ đó, người đưa hối lộ có thể nhận mức án chung thân, trước đây mức án cao nhất cho hành vì này là tử hình".
Thơ Trịnh - Hoài Thương
(Người Đưa tin)
 

Phạm Đình Trọng - Hiến Pháp, Thông Điệp và Thực Tế


1. Ngay ngày đầu năm 2014, một tình huống bi hài đã diễn ra trong đời sống xã hội Việt Nam.

1.1.2014, ngày đầu tiên thực thi Hiến pháp 2013, một Hiến pháp lạm phát cao nhất những mĩ từ về Nhân dân. “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân...” (Điều 2). Nhân dân được mơn trớn, vuốt ve, đề cao đến mức tất cả danh từ chung “nhân dân” trong Hiếp pháp 2013 đều được đặc cách viết hoa.

Điệp ngữ “quyền con người”, “quyền công dân” có tần số xuất hiện trong Hiến pháp 2013 cao chưa từng có. Điều 3 Hiến pháp vừa véo von hứa hẹn: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân...” Đến điều 14 Hiến pháp lại du dương trong điệp khúc: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp 2013 có hẳn một chương với 35 điều trong tổng số 120 điều dành cho quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Với những ngôn từ hào nhoáng, cấp tập, hùng hồn, và đầy vẻ trang nghiêm đó, tưởng như người dân Việt Nam đã được Nhà nước Cộng sản Việt Nam nghĩ lại, nhận ra lẽ phải, trả lại quyền đương nhiên, thông thường của người dân một nước độc lập, tự do, quyền làm chủ Nhà nước và xã hội.

Nhưng điều bi hài ngay trong Hiến pháp 2013 là điều 3 Hiến pháp vừa thò cho người dân quyền con người, quyền công dân “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân...” thì liền vô hiệu ngay quyền đương nhiên, chính đáng đó của người dân bằng điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đó là sự trấn lột kiểu xã hội đen, dùng sức mạnh bạo lực của chuyên chính vô sản và dùng sức mạnh của số đông áp đảo nghị sĩ Cộng sản trong Quốc hội trấn lột quyền công dân của những dân đen.

Hiến pháp trao cho đảng Cộng sản Việt Nam quyền đương nhiên lãnh đạo Nhà nước và xã hội như một định mệnh nghiệt ngã, phũ phàng, cay đắng của người dân Việt Nam. Người dân không còn được quyền bầu chọn ra lực lượng chính trị thay mặt mình quản lí, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Cho đảng Cộng sản Việt Nam quyền đương nhiên lãnh đạo Nhà nước và xã hội, không cần lá phiếu bầu chọn của người dân, Hiến pháp 2013 không những vô hiệu điều 3, điều 14 mà còn vô hiệu nhiều điều khác.

Vô hiệu điều 27 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.” Quyền bầu cử chỉ là quyền làm robot bỏ phiếu theo sự điều khiển của đảng. Quyền ứng cử càng nhảm nhí hơn khi những người ứng cử không trong ý đồ của đảng sẽ bị các vòng “hiệp thương” thẳng thừng loại bỏ.

Vô hiệu điều 28: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.” Bằng lá phiếu, người dân bầu chọn người thay mặt mình quản lí Nhà nước và xã hội. Nhưng không cần lá phiếu bầu chọn của người dân, đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiễm nhiên lãnh đạo Nhà nước và xã hội rồi. Một đảng cầm quyền lì lợm như vậy thì hàng trăm, hàng ngàn kiến ghị của những tinh hoa đất nước chỉ là đàn gảy tai trâu, kiến nghị với hư vô!

Vô hiệu toàn bộ tinh thần Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là bước tiến lớn lao của lịch sử phát triển loài người, là giá trị nhân văn cao cả mà nhiều Nhà nước trên thế giới đang thực tâm, nghiêm chỉnh thực hiện. Nhưng với điều 4 dành độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội cho đảng Cộng sản, ngôn từ “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” được đưa vào Hiến pháp 2013 chỉ còn là ngôn từ sáo rỗng để lừa gạt người dân.

Dành cho người dân những từ ngữ lấp lánh vàng mã và sáo rỗng, dành cho đảng Cộng sản quyền cai trị vĩnh viễn, Hiến pháp 2013 còn tập trung toàn bộ của cải của đất nước, thâu tóm toàn bộ quyền lực và sức mạnh của Nhà nước vào tay đảng Cộng sản dù đảng đó đã là con nợ không còn khả năng chi trả món nợ khổng lồ của cải và máu xương vay của nhân dân, dù đảng đó đã bộc lộ sự tham lam vô độ, trước hết là tham lam quyền lực rồi dùng quyền lực đó tham nhũng của công và cướp bóc của dân. Cướp có môn bài, cướp được pháp luật Cộng sản bảo vệ diễn ra ngang nhiên, thường xuyên trên khắp đất nước là cướp mảnh đất máu, mồ hôi, nước mắt của người dân.

Hiến pháp 2013 giao toàn bộ của nổi của chìm của đất nước cho Nhà nước Cộng sản chính là giao cho đảng Cộng sản: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53). Người dân sống trong nhà mình, sống trên đất nước mình mà thân phận mong manh, bấp bênh, vô định như sống tạm, sống nhờ trên mảnh đất của người khác. Mảnh đất họ sinh sống có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, họ có thể bị đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào vì “Đất đai... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí”.

Với điều 51, Hiến pháp 2013 giao cho kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân là giao lưng vốn của đất nước, những đồng tiền mồ hôi xương máu của dân cho đảng Cộng sản nắm giữ để rồi lưng vốn đó cứ hao hụt, thất thoát hết ngàn tỉ đồng này đến ngàn tỉ đồng khác, là giao những ngành kinh doanh màu mỡ nhất, giầu mạnh nhất cho cán bộ của đảng Cộng sản, biến những cán bộ Cộng sản không biết kinh doanh thành những ông chủ tư bản đỏ để những ông chủ đó chỉ làm được ba việc: Tự xếp cho mình mức lương cao ngất ngưởng. Liên tục đòi tăng giá sản phẩm lên cao chất ngất để bóc lột người dân. Biến doanh nghiệp nhà nước thành sân sau của gia đình những ông chủ tư bản đỏ, những cán bộ cộng sản cấp cao.

Sau chiến tranh chỉ hai mươi năm, Nhật Bản, Hàn Quốc đã vươn lên thành những con rồng, con hổ trong nền kinh tế thế giới. Chiến tranh kết thúc đã gần bốn mươi năm, người dân Việt Nam vẫn là những thân cò, thân vạc tối ngày lầm lũi kiếm sống ở đầu bãi mon sông, quanh năm quần quật làm thuê ở công trường, xưởng thợ mà vẫn nghèo đói, không đủ cơm ăn áo mặc, ốm đau không có tiền vào bệnh viện, con cái không có tiền đi học. Tết Giáp Ngọ 2014, cả nước có 63 tỉnh thì 15 tỉnh phải xin nhà nước cấp gạo cứu đói vì kinh tế nhà nước là chủ đạo đã biến hàng tỉ tỉ tiền lưng vốn xây dựng làm giầu đất nước thành những triệu triệu đô la trong két sắt nhà quan chức của đảng, thành những triệu triệu đô la trong vali các quan chức của đảng mang đi hối lộ chạy chức, chạy quyền, chạy tội, thành những triệu triệu đô la trong tài khoản của các quan chức của đảng trong ngân hàng nước ngoài.

Sức mạnh vật chất của đất nước là của nổi của chìm, là nền kinh tế, Hiến pháp 2013 đã trao cho đảng Cộng sản Việt Nam. Sức mạnh bạo lực của đất nước là quân đội và công an, Hiến pháp 2013 cũng trao nốt cho đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực ra các chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam đã quản lí chặt chẽ từng con người, từng phân đội nhỏ trong lực lượng quân đội và công an, đã nắm chắc phần hồn của quân đội và công an. Nay Hiến pháp 2013 lại trao nốt phần xác của quân đội và công an được gọi chung là lực lượng vũ trang nhân dân cho đảng Cộng sản: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước..., có nhiệm vụ bảo vệ... Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa...” (Điều 65) Tổ quốc thì trừu tượng. Nhân dân là 90 triệu người nhưng cũng không là ai cả, chỉ là số không vì không ai có chút quyền hành gì với quân đội, công an. Vì thế quân đội và công an chỉ còn thuộc về những đảng viên Cộng sản đang nắm quyền chỉ huy họ. Quân đội và công an chỉ còn là của đảng, chỉ còn trung thành với đảng Cộng sản mà thôi.

Với sức mạnh chuyên chính vô sản, đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt điều 4 vào Hiến pháp 2013, đã vô hiệu hoàn toàn những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân ghi trong Hiến pháp, biến những từ ngữ về dân chủ, về quyền con người, quyền công dân chỉ còn là những ngôn từ sáo rỗng, những ngôn từ hào nhoáng vàng mã!

2. Thật bi hài khi ngay ngày đầu tiên thực thi bản Hiến pháp phản dân chủ được che đậy dưới những ngôn từ hào nhoáng về dân chủ, về quyền con người, quyền công dân thì ông Thủ tướng cũng là đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu cho sự ra đời bản Hiến pháp đó lại có thêm Thông điệp năm mới với những từ ngữ về dân chủ, về quyền con người, quyền công dân còn lấp lánh hơn cả ngôn từ trong bản Hiến pháp:
“Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
...
Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.”
Lời Thông điệp của ông Thủ tướng hùng hồn, lay động đến mức dấy lên cả một đợt sóng dư luận hưởng ứng Thông điệp Thủ tướng. Nhưng để hiểu giá trị thực của những ngôn từ như có cánh chấp chới bay trong Thông điệp của ông Thủ tướng xin đặt Thông điệp đó trong hai bối cảnh:

Một. Bối cảnh xã hội của Thông điệp, xã hội của Hiến pháp 2013 với điều 4 đổ bóng trùm lên Hiến pháp, vô hiệu mọi quyền con người, quyền công dân của người dân làm cho những ngôn từ về dân chủ, quyền con người, quyền công dân chỉ còn là vỏ ngôn ngữ sáo rỗng thì những ngôn từ trong Thông điệp của ông Thủ tướng cũng chỉ là vỏ ngôn ngữ mà thôi.

Hai. Bối cảnh phẩm cách người đưa ra Thông điệp, ông Thủ tướng. Phẩm cách đó đã hiện lên đầy đủ qua hai sự việc.

a) Trong những năm cầm quyền, ông Nguyễn Tấn Dũng đã lập kỉ lục là một Thủ tướng kí nhiều quyết định, nghị định phản dân chủ nhất, tước đoạt nhiều nhất quyền con người, quyền công dân của người dân.

- Nghị định 136/2006 cấm dân khiếu kiện đông người.

- Nghị định 11 và 12/2008 cấm công nhân đình công đòi quyền sống.

- Quyết định 97/2009QĐ-TTg ngăn cấm phản biện kịp thời, tự phát của những trí thức không ở trong những tổ chức do nhà nước cộng sản dựng lên.

- Nghị định 72/2012NĐ-CP cấm công dân thực hiện quyền tự do thu nhận, tìm kiếm, chia sẻ thông tin.

- Nghị định 208/2013NĐ-CP cho phép công cụ bạo lực Nhà nước được nổ súng bắn dân khi người dân tay không bị chính công cụ bạo lực Nhà nước gán cho tội chống người thi hành công vụ.

Với các nghị định và quyết định trên, người dân Việt Nam thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không những bị tước đoạt hầu hết quyền con người, quyền công dân mà với nghị định 208/2013 đến quyền được sống của người dân cũng có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào.

b) Được Quốc hội theo lệnh đảng Cộng sản bầu vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ, trong giây phút đầu tiên ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, ngay trên lễ đài Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trịnh trọng tuyên bố: “Với trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ tôi sẽ kiên quyết, quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay”. Oái oăm thay, lời tuyên chiến với tham nhũng của ông Thủ tướng ở diễn đàn Quốc hội lại không phải là phát pháo lệnh tấn công tham nhũng mà lại như lời kêu gọi, lời khuyến khích, cổ vũ đám quan tham nhũng vì ngay sau đó tham nhũng nổi lên đông như quân Nguyên, cuồn cuộn như thác lũ tàn phá tan nát nền kinh tế đất nước, làm kiệt quệ lưng vốn quốc dân, trống rỗng kho bạc, nhiều công trình phải đình đốn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp chết tức tưởi.

Thời ông Dũng làm Thủ tướng, tham nhũng trong bộ máy nhà nước rộng khắp và tệ hại đến mức ông Tổng bí thư đảng Cộng sản cầm quyền phải thở dài thốt lên: “Nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, sờ đâu cũng thấy tham nhũng”. Vậy mà ông Thủ tướng không thực hiện lời hứa long trọng trước quốc dân: Không chống được tham nhũng ông sẽ từ chức ngay!

Phẩm cách ông Thủ tướng đó. Giá trị lời nói, tuyên bố, Thông điệp của ông Thủ tướng đó!

3. Thông điệp của ông Thủ tướng: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Không những pháp luật không cấm mà Hiến pháp 2013 còn cho người dân quyền biểu tình, quyền hội họp, lập hội, quyền tư do ngôn luận. Ngày chủ nhật 19.1.2013 người dân thủ đô Hà Nội gọi nhau đến tượng đài Lý Thái Tổ tưởng nhớ ngày này 40 năm trước giặc Tàu cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tưởng nhớ những người con yêu của giống nòi Việt Nam đã nằm lại mãi mãi với Hoàng Sa, nhắc nhau nuôi chí giành lại mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên để lại. Cuộc tập hợp chính đáng, hợp pháp của lòng yêu nước đó đã bị lực lương đông đảo công cụ bạo lực của bộ máy hành pháp Nhà nước do ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu ngăn cản, chống phá, giải tán thô bạo. Người dự lễ tưởng niệm bị dồn đuổi, bắt bớ. Vòng hoa dâng lên hương hồn những chiến sĩ bỏ mình trong cuộc chiến đấu giữ biển Hoàng Sa bi lực lượng công cụ bạo lực nhà nước ném ra hè đường!

Ôi thật bi hài cho Hiến pháp - Thông điệp – Thực tế ở đât nước Việt Nam thời đảng Cộng sản cầm quyền! Ôi thật cám cảnh cho người dân Việt Nam sống trong một thời như vậy!
  Phạm Đình Trọng
  (Dân luận) 

-NHỮNG TẤM ẢNH ĐI VÀO LỊCH SỬ VÌ LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA MỘT THỜI ĐẠI, THỜI ĐẠI HÈN NHỤC

Huỳnh ngọc Chênh

Sau này khi nói đến sự hèn hạ thấp kém, con cháu chúng ta chỉ cần đưa những tấm ảnh nầy ra là đủ. Một thời đại sẽ được đánh dấu trong lịch sử qua các tấm hình sau mà không cần phải viết gì nhiều. Đó là thời đại Hèn Nhục
Đưa công an hoặc côn đồ giả danh công nhân sửa chữa công trình trước tượng đài vua Lý Thái Tổ
Và thành quả lao động của các “công nhân” ấy
Những loa phường chỉa vào mặt một nhà báo nước ngoài

Cái Tết thứ ba: Suy thoái cùng kiệt sức

Phạm Chí Dũng

Năm mới 2014. Trong bầu không khí sôi sục khí thế “đổi mới thể chế” từ bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một “nhà nước không làm thay cho dân”, thi thể cứng buốt của một nam thanh niên bất chợt được người đời phát hiện trong một ngôi nhà hoang nằm trên đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu tại thủ phủ nghỉ dưỡng miền Trung mang tên Đà Nẵng.
Sát Tết Giáp Ngọ. Cái Tết thứ ba liên tiếp nền kinh tế Việt Nam chìm trong cơn suy thoái kể từ khi nhóm lợi ích ngân hàng được thả cương trục lợi từ năm 2011.
Nhưng từ nhiều năm trước đó, người dân đã phải tự lo cho nhau trước khi được trời cứu.

Ngôi nhà hoang phế

Xác chết trong ngôi nhà hoang quê quán ở Quảng Nam là của một thanh niên hành nghề nhặt ve chai.
Những người dưng nhưng hảo tâm xúm lại giúp mai táng thi hài kẻ xấu số. Kẻ ra đi bất đắc kỳ tử ấy đã không chịu nổi đợt giá lạnh bất thường như một điềm gở vào những ngày cuối năm 2013.
Ngôi nhà hoang trơ tàn, thò ra những khung cửa trống hoác tối đen, với cả một khoảng trời trắng ngợp lộ thiên phía trên, khiến cho mưa gió dột từ nóc xuống bê bết cả cái nền nhà hiếm khi được gọt nhẵn.
Khắp đất nước, đâu đâu người ta cũng có cảm giác không thể sống động và buốt giá hơn về tình trạng hoang phế thân thể cùng tâm lý phế bỏ niềm tin.
Vào mùa đông năm 2013, báo chí đã lên cơn kích động trước tình cảnh những học sinh vùng cao phía Bắc áo quần xơ xác phải bắt chuột để ăn thay cơm. Nhiều cô giáo cũng phải ăn khoai trừ bữa, hệt như thời đói kém những năm 1978 – 1980.
Khẩu hiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyện không để giáo viên nào phải nghỉ việc đã mau chóng dạt về vùng thinh không hoang lạnh.
Lời chứng cuối cùng cho việc này là hình ảnh hàng loạt giáo viên từ Thanh Hóa đến Mũi Cà Mau phải rời bỏ mái trường thân yêu, còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân lại ấm áp trong bộ đồng phục mới ủy viên Bộ Chính trị.

Con tin mãn tính

Chợ búa những ngày sát Tết vắng tanh, không khác gì những ngày thường lặng gió.
Người dân Việt Nam luôn có đủ lý do để ủ dột trong một ngôi nhà dột nát toàn diện từ trên xuống dưới. Khi năm mới 2014 được bắt đầu bằng báo cáo thành tích của Chính phủ về “nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi”, đồng loạt 15 tỉnh đã xướng công văn xin gạo cứu đói. Chưa bao giờ kể từ thời mở cửa kinh tế 1990 đến nay, câu chuyện cứu đói lại dân gian đến như thế.
15 cũng là con số các nhà máy thủy điện đã đồng loạt xả lũ lên đầu dân chúng tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc vào nửa cuối năm 2013, mà đã dẫn đến một triết lý đúc kết không thể chí lý hơn “thủy điện xả lũ đúng quy định, chỉ có dân chết không đúng quy trình”.
Hơn năm chục mạng người đã bị hiến dâng trong cơn xả lũ mất nhân tính đó, trong lúc không có bất kỳ một quan chức hoặc một cấp thẩm quyền nào, từ Bộ Công thương đến các nhà máy thủy điện, phải gánh tội trước vành móng ngựa.
Khoảng cách biệt ghê gớm giữa chủ nghĩa thành tích và thực tiễn khác quan vẫn là khoảng tối bao trùm trong khu nhà hoang thể chế. Những địa phương kêu gào cứu đói lại chính là những nơi được tuyên dương thành tích tiên tiến về tăng trưởng GDP và cả về năng suất trồng lúa. Không kể đến những tỉnh “có lý do chính đáng” như Nghệ An, Quảng Bình khi phải trở thành nạn nhân của đợt xả lũ giết sống, ngay Khánh Hòa – một địa danh du lịch nổi tiếng ở miền Trung – cũng đã biến hiện tượng “GDP có chân” trở thành một thực thể di động.
Luôn cao gấp đôi GDP bình quân quốc gia, nhiều địa phương như Khánh Hòa dường như đã khiến ngân sách xóa đói giảm nghèo hỗ trợ cho tỉnh từ năm 1975 đến nay rất tương xứng với hình ảnh “gió vào nhà trống”.

Hiện tình đất nước đang lao xuống vùng đáy?
Không thể nói khác hơn là có quá nhiều cái thùng không đáy đang hiện hữu trong hiện tình đất nước đang lao xuống vùng đáy.
Những cái thùng được kết cấu bởi các nhóm lợi ích ngân hàng, bất động sản, vàng, chứng khoán và tất nhiên phải kể đến những nhóm lợi ích độc quyền chính sách như điện lực, xăng dầu, gas, sữa… Những cái thùng không đáy đó cũng kết dính với một phạm trù khá mới mẻ là “nhóm thân hữu”. Nhưng với người dân thì từ lâu nay đã không còn lạ lẫm: đó chính là các nhóm chính khách móc xích với các nhóm lợi ích để trục lợi sức dân.
Sự trục lợi thâm dày vô cảm và vô tận như thế đã làm nên một hình tượng quá cay độc từ năm 2011. Vào quý cuối của năm đó, những tay phản biện độc lập can đảm nhất trong công luận đất nước đã phải kêu lên “Nhóm lợi ích ngân hàng đang bắt toàn bộ doanh nghiệp, nền kinh tế và người dân làm con tin của nó”.
Bởi Tết năm 2012 đã chứng nghiệm cho chân lý này: ít nhất 55.000 doanh nghiệp phải phá sản và ngừng hoạt động; hàng chục ngàn công nhân không có tiền mua vé tàu về quê. Các đô thị tràn ngập sắc thái sầu muộn… Trong khi đó, giới ngân hàng vẫn ung dung thưởng Tết với mức bình quân lên đến 40-50 triệu đồng cho mỗi nhân viên, còn giới chủ gấp mười lần như thế.
Sát Tết năm sau đó, nền kinh tế lại được báo cáo của Chính phủ và giới chuyên gia cận thần tô hồng về triển vọng “thoát đáy”. Một quan chức tuyên giáo còn nói như chưa bao giờ được nói “Chưa bao giờ người dân Việt Nam ấm no như bây giờ”.
Trong khi đó, tình cảnh đón Tết của công nhân lao động trở nên thê thảm hơn cả Tết năm trước. Bắt đầu xuất hiện cảnh thưởng Tết bằng tất cả những gì tồn kho trong doanh nghiệp như hạt dưa, quần đùi…, và cả gạch cùng tương ớt.
Mãi lực thị trường đã liên tục đi xuống trong những năm qua. Bất chấp báo cáo về “thị trường đang phục hồi sức mua” của Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và đầu tư, các siêu thị lớn nhất vẫn phải cay đắng thừa nhận sức bán của họ đã giảm đi một nửa qua từng năm. Chợ búa những ngày sát Tết vắng tanh, không khác gì những ngày thường lặng gió. Chưa bao giờ hàng đại hạ giá từ 50% đến 80% xuống đường nhiều đến thế.
Vài chuyên gia trong hệ thống nhà nước ước tính tỷ lệ vòng quay vốn xã hội trong năm 2012 đã chỉ còn 0,8 lần so với hơn 2 lần vào thời hoàng kim năm 2007. Còn vào năm 2013, không hiểu do ẩn ý gì mà đã hầu như biến mất con số ước đoán này.
Cùng lúc, giới chuyên gia phản biện độc lập lại cho rằng việc sụt giảm đến 60% của vòng quay vốn xã hội như vậy vẫn còn là một cách nói khiên tốn. Bởi chỉ cần tính sức mua giảm đều 30% qua từng năm kể tử năm 2011, thì sau 3 năm suy thoái, vòng quay vốn xã hội phải giảm đến ít nhất 70%. Tất cả tình cảnh đó là khá tương đương với khung cảnh thời đại suy thoái của nước Mỹ vào những năm 1929-1932.
Còn báo chí, bị nén chặt trong một tâm thế lò xo ép, chỉ dám buột miệng “Dân kiệt sức cả rồi…”.

Ánh mắt vô hồn

Năm 2013 cũng là cao trào chưa hề kết thúc của rất nhiều cái chết vì nghèo khó. Từ Bắc chí Nam, người dân phải chứng kiến không biết bao nhiêu vụ nhảy cầu, uống thuốc trừ sâu, dùng xăng tự quyết… Những cái chết tập thể của ba mẹ con ở tỉnh nọ đã làm rúng động tận tâm can những người còn lương tri sót lại.
Nhưng bỏ mặc mọi khốn khó nhiễu nhương như thế, triết lý có giá trị đương đại nhất vẫn là “phong bì không chứa nổi tiền hối lộ”. Hình ảnh phổ cập khó có thể bi tráng hơn là những chiếc cặp Samsonite đầy ngoại tệ với giá chót một triệu USD – được minh họa tối thiểu bằng khối lượng 5 kg mà ông chủ Vinalines khai đã tuồn cho Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ.
Lồng trong bối cảnh hiện hình chủ nghĩa tư bản dã man từ ba thế kỷ trước, xã hội Việt Nam lại đang nổi lên làn sóng phẫn uất ngày càng bất khuất của nhiều tầng lớp nông dân và công nhân. Thu hồi đất vô lối và bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt…, chưa kể đến nguy biến suy sụp kinh tế đang khiến giới đảng viên hồi hưu phải nhận thức lại điều được gọi là “kiên định ý thức hệ cộng sản”.
Một trong những bằng chứng rõ rệt nhất cho tình trạng ngân sách có nhiều dấu hiệu cạn kiện là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội và cả quỹ lương hưu. Chẳng cần theo dự đoán đến năm 2030 mới vỡ, chỉ mới đến giữa tháng Giêng năm 2014, nhiều cơ quan vẫn chưa có tiền để trả cho cán bộ nhân viên. Tại Sài Gòn, một số cán bộ hưu trí đã phải đến tận trụ sở ủy ban nhân dân thành phố để kêu cứu.
Đó cũng là bối cảnh mà lần đầu tiên, những quan chức có trách nhiệm của nhà nước như bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh phải thốt lên từ “vỡ nợ”, còn giới chuyên gia nhà nước như các ông Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên đã không còn quá ngần ngại khi ám chỉ về tương lai “đổ vỡ” của ngân hàng.
Ánh mắt vô hồn vô vọng của một em bé ăn xin lang thang trên hè phố Sài Gòn những ngày lạnh lẽo giáp Tết năm 2014 có lẽ cũng đủ để khoát tả toàn diện cái tương lai của “nhà nước kiến tạo phát triển” trong thông điệp đầu năm nay của thủ tướng Việt Nam.
Cũng là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng Việt Nam bị trực chỉ nguy biến đổ vỡ, khi trước đó đã chưa từng tồn tại đặc ngữ này trên cửa miệng giới phát ngôn của Đảng và chính quyền.
Cùng với một dự thảo về tình trạng phá sản ngân hàng được nêu ra bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2014, có lẽ không ai dám chắc là giới ngân hàng sẽ bằng an tuyệt đối vào cuối năm nay, khi ít nhất 500.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ hiện hình không phương cứu chữa.
Một cơn động kinh suy thoái kép đang chực chờ. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp có lẽ sẽ không thể kém thua tính trạng 26% và 27% của Tây Ban Nha và Hy Lạp hiện thời.
Thế nhưng điều không thể hiểu nỗi là nhiều số liệu thống kê năm 2013 cũng nằm trong tình trạng không thể suy thoái hơn. Trong khi vào đầu năm 2013, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải lên tiếng chính thức về chẵn 100.000 doanh nghiệp phải giải thể và phá sản – chiếm gần 20% số doanh nghiệp đăng ký trên cả nước, thì đến cuối năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn kiên định với báo cáo tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc chỉ khoảng 2%.
Trong trường hợp này, khoảng cách giữa dối trá và chân thật đã lên đến hàng chục lần.
Rõ là cái thành tích bất minh như thế của các bộ ngành chức năng đã trực tiếp ngược chiều với lời trần tình “yêu trung thực, ghét giả dối” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông mới nhậm chức vào năm 2006.
Ánh mắt vô hồn vô vọng của một em bé ăn xin lang thang trên hè phố Sài Gòn những ngày lạnh lẽo giáp Tết năm 2014 có lẽ cũng đủ để khoát tả toàn diện cái tương lai của “nhà nước kiến tạo phát triển” trong thông điệp đầu năm nay của thủ tướng Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Phạm Chí Dũng từ TPHCM.

Không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ


Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014  -REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Thanh Hà  -RFI

Nợ Trung Quốc tăng nhanh trong một thời gian ngắn kỷ lục : tăng 400 % trong vỏn vẹn 4 năm. Sự ngông cuồng của các chính quyền địa phương là nguyên nhân đẩy nợ công của Trung Quốc lên cao. Kịch bản Trung Quốc vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả sẽ tai hại hơn so với khủng hoảng ở Mỹ năm 2008-2009.
Hãng xe Pháp, Peugeot, chịu áp lực của chính phủ để mở cửa mời đối tác Trung Quốc, Đông Phương, tham gia vốn. Đối lập Syria đồng ý tham dự hội nghị Genève 2. Iran chính thức thi hành thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Hàng chục ngàn người biểu tuần hành trên đường phố Paris, chống dự luật nới lỏng các biện pháp cho phụ nữ phá thai. Đó là những chủ đề chiếm nhiều trang báo trong ngày. Dù vậy các tờ báo dành khá nhiều chỗ cho Châu Á.
Phần trang kinh tế của tờ Libération mở ra với bức ảnh tháp Eiffel đồ sộ ngự tọa ngay giữa tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh là một Paris thu nhỏ : Nhà ở được kiến trúc theo mô hình của khu phố Haussmann sang trọng tại Paris, tháp Eiffel, đồi Montmartre, Khải Hoàn Môn. Thông tín viên của tờ báo mở đầu bài viết bằng một câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc đang theo chân Hy Lạp, trở thành một quốc gia nợ nần chồng chất ? Tháng trước Viện kiểm toán quốc gia công bố một bản báo cáo, theo đó tổng nợ công của Trung Quốc đã tăng 400 % trong bốn năm qua : Tỷ lệ nợ công so với GDP của nền kinh tế số 2 trên thế giới đang từ 17 % nhảy vọt lên thành 58 %.
Tích chung cả nợ của Nhà nước lẫn tư nhân, thì tỷ lệ này tăng từ 131 % năm 2008 lên thành 215 % vào năm 2013. Đành rằng nợ công của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản (250 % GDP) hay của Hy Lạp (160 % GDP), nhưng các con số nói trên cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc mắc nợ quá nhanh trong thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây. Các con số nói trên càng đáng quan ngại hơn, khi biết rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng giảm sụt.
Tại sao nợ công của Trung Quốc lại tăng vọt trong thời gian gần đây ? Tác giả bài báo trả lời : Đó là do thái độ ngông cuồng, tiêu xài quá trớn của các chính quyền địa phương. Trong hai năm rưỡi vừa qua, tổng nợ công ở cấp địa phương tăng thêm 67 %, đạt ngưỡng 2.200 tỷ euro.
Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một giờ lái xe, khoảng 3 000 ngôi biệt thự sang trọng vẫn chưa tìm được chủ. Tại một thành phố khác ở miền đông bắc Trung Quốc thì có tới hàng chục ngàn căn hộ do chính quyền bỏ tiền ra xây để rồi « ngồi trên một núi nợ cao không thua gì dãy Hy Mã Lạp Sơn » ! Thế rồi vùng Nội Mông, thành phố Hàng Châu, hay tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đang « dở khóc dở cười ». Nơi thì ủy ban nhân dân thành phố không có sáng kiến nào hay hơn là dựng lên một chiếc tháp Eiffel cao 100 mét để phô trương sự phồn thịnh, chỗ thì đầu tư đến 10 triệu đô la để xây một bức tượng hình con cá khổng lồ ngay cổng vào của thành phố.
Libération nhận xét : Sự điên rồ đó không chỉ dừng lại ở các tỉnh lẻ, mà đã ngấm vào cả các thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, từ Trùng Khánh tới Quảng Đông … Hiện nay, cứ trên 100 tòa cao ốc đang được xây dựng trên thế giới thì có tới 60 công trình đang mọc lên tại Trung Quốc. Như lời một chuyên gia kinh tế người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh, Michael Pettis, « một phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc được dùng để xây các tòa cao ốc không người ở, để kiến thiết những phi trường không bóng người qua lại hay những nhà máy vô dụng, để rồi nợ nần cứ tăng lên mãi ». Còn theo lời một người trong cuộc thì tình trạng nợ nần ở cấp địa phương Trung Quốc đã « hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát ». Không còn ai nghi ngờ về viễn cảnh Trung Quốc bị vỡ nợ. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia này nói thêm khi đó thì tác động sẽ còn nguy hại hơn so với những gì đã xảy ra tại Mỹ hồi năm 2008/2009.
Phật giáo và bạo lực ở Sri Lanka
Vẫn về Châu Á, trong lĩnh vực xã hội độc giả của Le Figaro không khỏi bất ngờ vì bài phóng sự mang tựa đề « Bạo hành của Phật giáo tại Sri Lanka ». Thông tín viên của tờ báo nhắc lại một sự kiện đã xảy ra từ tháng 8/2013 khi một nhóm các tu sĩ Phật giáo ném đá vào một ngôi đền Hồi giáo, bắt giữ và hành hung một số tín đồ theo đạo Hồi. Tác giả ghi nhận : Trong năm qua (2013) đã có khoảng 20 ngôi đền của người Hồi giáo bị tín đồ theo đạo Phật tấn công. Khó có thể nghĩ rằng con cháu nhà Phật lại có những hành vi thô bạo như vậy. Nhưng tại Miến Điện, cộng đồng Hồi giáo, người Rohingya, bị cộng đồng người theo đạo Phật sách nhiễu. Ở miền nam Thái Lan, người dân đã từng trông thấy các vị tu sĩ tay cầm gậy gộc để tự vệ trước các làng sóng nổi dậy của người theo đạo Hồi.
Riêng tại Sri Lanka, liên hệ giữa bạo lực và đạo Phật là một nét đặc trưng lịch sử. Trong quá khứ người Tích Lan theo đạo Phật từng kiểm soát đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tại quốc gia nhỏ bé này. Trong mắt họ, các cộng đồng Hồi giáo đến Sri Lanka lập nghiệp từ hơn một ngàn năm trước và chủ yếu là các thương gia, luôn là những « kẻ xâm lược ». Hiện tại, 8 % trên tổng số 21 triệu dân Sri Lanka theo đạo Hồi.
Vào tháng 7/2012, giới tăng ni Sri Lanka đã lập ra một tổ chức quá khích mang tên mang tên BBS (Bodu Bala Sena) với mục đích « bảo vệ các giá trị nền tảng văn hóa của người Tích Lan Phật giáo ». Tổ chức này thu hút rộng rãi quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Trong các cuộc hội họp, người ta thường trông thấy các nhà sư mặc áo cà sa màu vàng nghệ hô hào những khẩu hiệu như là « người Hồi giáo cướp việc làm của chúng ta, họ thâu tóm các hoạt động kinh tế của nước nhà để rồi cai trị luôn cả chúng ta ». Tệ hơn nữa là khi các vị tu sĩ trẻ không ngớt lời thóa mạ cộng đồng Công giáo và Hồi giáo.
Một nhân chứng được Le Figaro trích dẫn tiếc là có những kẻ « khoác áo nhà tu để làm điều ác, để reo rắc nỗi sợ hãi cho những người chung quanh ». Đáng quan ngại hơn cả là có những phần tử cực đoan mượn áo nhà Phật để tuyên truyền, kích động quần chúng, bởi họ biết rằng không một ai dám lên tiếng chống đối một nhà tu hành. Tiến trình hòa giải dân tộc do Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa khới xướng còn nhiều chông gai.
Mỹ tha thứ cho Snowden ?
Nhìn sang phần thời sự nước Mỹ, Le Monde trở lại với một loạt những thông báo của Tổng thống Obama, cải tố hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi đưa ra nhận định « Vụ Snowden buộc Obama cải tổ NSA ». Báo Les Echos nói tới một chính sách cải tổ khá « hạn chế » đã được Tổng thống Hoa Kỳ đã phác thảo ra vào cuối tuần qua.
Nhìn từ Berlin, sau tiết lộ của Snowden là Hoa Kỳ đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức, Angela Merkel, những tuyên bố của ông Obama không đảo ngược được tình thế : Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai đồng minh này đã phần nào bị sứt mẻ.
Còn đối với nước Brazil sát cạnh, thì Brasilia vẫn chưa « nuốt trôi » viên thuốc đắng, sau khi biết là Tổng thống Dilma Rousseff và tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras trong tầm ngắm của NSA. Tờ báo kinh tế này nhận định : Không phải tình cờ mà Brazil tổ chức một hội nghị quốc tế về internet vào cuối tháng 4/2014 để bàn thảo về vấn đề quản lý thông tin trên mạng.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ hình ảnh của Edward Snowden trong công luận bắt đầu thay đổi : Cựu nhân viên tình báo người Mỹ này không còn là « kẻ phản bội » như khi anh trú ẩn ở Hồng Kông hay trốn ở phi trường quốc tế Matxcơva. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, một trong những ông trùm của NSA, Rick Ledgett, từng nửa úp nửa mở khi cho rằng ông sẵn sàng « ân xá » cho Snowden nếu như « đứa con hư » của ngành tình báo Hoa Kỳ này ngưng tiết lộ những thông tin mật ra bên ngoài.
Đương nhiên Nhà Trắng đã lập tức bác bỏ luận điểm của Ledgett. Nhưng gần đây, nhật báo New York Times số ra ngày mồng 1 Tết dương lịch đã tỏ ra khoan hồng hơn với Snowden khi đánh giá : Những đóng góp « hết sức to lớn » của Snowden về phương diện thông tin. Do vậy, nhân vật này cần bảo đảm được có một cuộc sống xứng đáng hơn thay vì phải sống lưu vong.
Lập trường này của tờ báo đã được nhiều nhân sĩ trí thức Hoa Kỳ tán đồng. Theo một cuộc thăm dò dư luận do đài ABC và báo Washington Post thực hiện chỉ có 35 % giới trẻ ở Mỹ cho là Snowden phải bị truy tố. Nhưng tỷ lệ đó tăng lên tới 57 % đối với những người được hỏi trong độ tuổi ngoài 30. Tóm lại, dư luận Mỹ còn rất chia rẽ về số phận của Snowden !
Học trượt tuyết ở Thụy Sĩ bằng tiếng Hoa
Trước khi khép lại các tờ báo trong ngày, xin được hỏi quý thính giả rằng, theo quý vị hiện nay, trào lưu thời thượng ở trạm trượt tuyết nổi tiếng Davos của Thụy Sĩ là gì ? Davos trong hai ngày nữa là nơi đón cả ngàn phái đoàn đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Từ lâu nay, các đại gia Nga có thói quen đến Courchevel vùng Savoie, Rhône Alpes của Pháp trượt tuyết. Tránh « đụng hàng » với du khách Nga, các nhà tư bản Trung Quốc chọn Davos, một thị trấn nhỏ ở mãi tận miền đông Thụy Sĩ để đọ sức với thiên nhiên. Theo tờ Le Figaro, sở du lịch của Davos đang tuyển chọn thầy dậy trượt tuyết biết nói tiếng Hoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của những vị du khách đến từ rất xa.
Tờ báo châm biếm nhận xét : Đương nhiên, nhu cầu tuyển dụng thầy dậy trượt tuyết đó không phải là để phục vụ 5 vị khách mời người Trung Quốc đến thuyết trình tại Diễn đàn Davos, mà là để phục vụ số lượng du khách ngày càng đông đến từ quê hương Mao Trạch Đông.
Theo thống kê, có khoảng từ 5 đến 10 triệu người Trung Quốc ngày nay say mê với môn thể thao này và những thành phần có điều kiện nhất chê « bụt nhà không thiêng ». Họ chê tuyết của Trung Quốc mà chỉ thích đi nghỉ ở vùng núi Alpes hùng vĩ mà thôi.
Trong năm 2013, khối lượng du khách Trung Quốc giữ phòng khách sạn tại Davos đã nhân lên gấp ba so với mùa đông 2012. Trung bình, một du khách Trung Quốc tiêu xài nhiều gấp đôi so với một du khách người Đức.

Viện bào chế Mỹ thu hồi thuốc nhỏ mắt Rohto làm tại Việt Nam


Quảng cáo sản phẩm trên trang web Rohto.com.vn
Quảng cáo sản phẩm trên trang web Rohto.com.vn

Trọng Nghĩa   -RFI

Hãng Mentholatum trụ sở tại tiểu bang New York (Hoa Kỳ) vừa ra thông báo về nhiều loại thuốc nhỏ mắt mang nhãn hiệu RHOTO chế tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bản thông cáo báo chí công bố ngày 16/01/2014, tập đoàn dược phẩm này nói rõ là quyết định thu hồi chỉ liên quan đến các sản phẩm làm tại Việt Nam, chứ không bao gồm các lô chế tạo ở Nhật Bản.
Bản thông cáo của hãng Mentholatum nói rõ rằng đây là quyết định tự nguyện của tập đoàn, sau khi phát hiện một số vấn đề trong khâu kiểm soát vô trùng tại nhà máy sản xuất của họ tại Việt Nam. Theo công ty này, không có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm làm ở Việt Nam không đáp ứng các thông số kỹ thuật, tuy nhiên biện pháp thu hồi đã được tiến hành nhân danh nguyên tắc cẩn trọng, phòng ngừa.
Các lô bị thu hồi bao gồm các loại thuốc nhỏ mắt Rohto Arctic, Rohto Ice, Rohto Hydra , Rohto Relief và Rohto Cool. Tập đoàn này nhấn mạnh là quyết định thu hồi chỉ nhắm vào các sản phẩm Made in Vietnam. Sản phẩm Rhoto chế tạo tại Nhật Bản không nằm trong diện bị thu hồi này và tiếp tục được lưu hành.
Thông cáo chỉ rõ : Mã số các lô hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ bao gồm chữ V, ví dụ như “Lot 3E1V”, nằm ở phía dưới bao bì bằng carton, và dưới đáy của chai thuốc nhỏ mắt. Xuất xứ từ Việt Nam có thể được xác định bằng từ “Made in Việt Nam” trên thùng carton, bên dưới tên và địa chỉ của công ty, cũng như trên nhãn dán phía sau chai thuốc.
Thuốc nhỏ mắt Rohto rất được phổ biến và ưa chuộng tại Việt Nam. Hãng Mỹ Mentholatum là công ty trực tiếp cho sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam. Đây là một tập đoàn rất lâu đời tại Mỹ, được thành lập từ năm 1889, từ một hãng nhỏ chuyên bán lẻ xà phòng và sản phẩm vệ sinh, Mentholatum phát triển thành một tập đoàn y tế và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu, nổi tiếng về chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, đến năm 1988, Mentholatum của Mỹ đã bị Hãng dược phẩm Rohto của Nhật mua lại. Rohto cũng là một hãng lâu đời tại Nhật, được thành lập vào năm 1899 tại Osaka, Nhật Bản, thoạt đầu chỉ là một hiệu thuốc gia đình nhỏ. Hiện nay, Mentholatum đã trở thành một công ty trực thuộc nhóm Rohto.
Quyết định thu hồi thuốc nhỏ mắt Rohto được chú ý vì sản phẩm Made in Việt Nam không chỉ được bán tại Việt Nam, mà cả tại những nơi khác trên thế giới, kể cả tại Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét