Đào Như: TRUNG QUỐC ĐANG Ở ĐÂU?
TRUNG QUỐC ĐANG Ở ĐÂU?Đào Như
Lời Phi Lộ- Bài này tôi viết hồi tháng 3-2008 trong tình hình căng thẳng giữa ViệtNam với Trung Quốc qua những khủng hoảng về đường biên giới trên bộ phía Tây Bắc và những sự cố gây hấn của TQ tại Biển Đông. Thoạt tiên bài viết này có tựa đề “QUỸ ĐẠO MỚI-TRẬT TƯ MỚI-THẾ GIỚI MỚI-THEO CHỈ ĐẠO MỚI CỦA TRUNG QUỐC”. Mặc dầu tựa đề bài viết đã hoàn toàn thay đổi nhưng nội dung của bài viết vẵn được giữ nguyên như cũ. Sở dĩ tôi cho đăng lại bài viết này cũng vì tình trạng Biển Đông hôm nay trở nên xấu một cách tệ hại và vô cùng nguy hiểm do tham vọng bành trướng của TQ gia tăng quá đột ngột. Theo báo cáo của JapanTimes.org cuối tháng 12-2013: Trước sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nhật đang tìm cách võ trang nguyên tử qua ngã New Delhy và Pyongyang.
Tôi cũng xin gửi bài viết này đến các đồng nghiệp: Văn Kỳ Chương, Hồ Đắc Đằng, Dư Quốc Trung, Phạm Xuân Hỷ và Phan Thanh Hải cùng các đồng nghiệp thuộc tổ chức Medic-VN-Saigòn…Và cũng xin thông báo các bạn hay, GS Nguyễn Văn Út, vị Thầy khả kính của chúng ta vừa từ trần tại quê nhà-Saigòn-hôm 17-1-2014, thọ 92 tuổi. Chúng ta vô cùng thương tiếc Thầy Nguyễn văn Út-Cầu chúc vong linh Thầy sớm siêu thoát về cõi Vĩnh hằng…)…
Vô cùng tri ân quí vị độc giả-
Đào Như
*
Mao Trạch Đông và Richard Nixon tại Nhân dân Đại sảnh-BắcKinh-tháng 2-1972
I- TRUNG QUỐC: 1949-2000
- Năm 1949: Nhà Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được chính thức thành lập. Báo chí thế giới đều ngợi ca: chỉ có Chủ Nghĩa Cộng Sản mới cứu được Trung Quốc.
- Năm 1949-1976: Hơn 500 triệu người dân Trung Quốc sống dưới sự lãnh đạo tàn bạo của một người Cộng sản chuyên chính, Mao Trạch Đông! Tự do Dân chủ coi như điều cấm kị. Cũng trong suốt thời kỳ này, Mỹ thẳng tay cấm vận kinh tế và phong tỏa đất nước này. Hơn 500 triệu người dân Trung quốc, trong tình trạng một cổ hai trồng, sống đói rách nghèo khó, cô lập với thế giới bên ngoài, lạc hậu.
- Ngày 21-2-1972: Trong buổi găp gỡ ở Nhân Dân Đại Sảnh tại Bắc kinh Richard Nixon, Tổng thống Mỹ, bày tỏ cùng Mao Trạch Đông: Vì lợi ich của nước Mỹ, Chính phủ Mỹ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Mao Trạch Đông đáp từ: cũng vì lợi ích của nhân dân Trung Hoa, chúng tôi hoan hỉ chấp nhận đề nghỉ của chính phủ Mỹ (1)
- Năm 1976: Mao Trạch Đông qua đời, để lại đất nước Trung Hoa một xã hội Hậu Vệ Binh Đỏ, hoàn toàn đổ nát, từ kinh tế, vật chất đến tinh thần, chính trị và đạo lý.
- Năm 1978: Đứng trên đất nước Trung hoa đổ nát đó, Đặng Tiểu Bình với triết lý kinh tế thâu gọn trong 4 chữ: “Mèo Trắng Mèo Đen” đã thay đổi bộ mặt đất nước TQ một cách kỳ diệu, đến chính ông ta cũng phải ngạc nhiên, không dám tin mình có thể mang đến đất nước một phép lạ như vậy.
- Năm 1989: Sau thời kỳ hơn 10 năm cơm no áo ấm, thế hệ trẻ Trung Quốc đòi hỏi Tự Do Dân Chủ. Sự cố Thiên An Môn bùng nổ. Chính quyền Cộng sản TQ, dùng vũ khí súng đan xe tăng dập tắt sự cố Thiên An Môn một cách tàn bạo. Chân dung Mao Trạch Đông vẫn hiển hiện tại Quảng Trường Thiên An Môn. Mao Trạch Đông vẫn là một vĩ nhân của đất nước Trung Quốc.
- Năm 1991: Thành trì kiên cố của Vô Sản Thế Giới, Mạc Tư Khoa, sụp đổ! Chủ nghĩa Cộng sản bị xóa sổ, không còn đất đứng tại Âu Châu. Thế giới Tây phương ngoãnh mặt nhìn về đất nước TQ, vẫn thấy chân dung Mao Trạch Đông sừng sửng tại Quảng Trường Thiên An Môn, cờ đỏ búa liềm vẫn tung bay khắp đất nước TQ và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Trung Quốc vẫn đi lên…Một lần nữa Báo chí Thế giới mới ngộ ra rằng: chỉ có Trung Quốc mới cứu được Chủ nghĩa Cộng Sản.
- Năm 1998: Đảng Cộng sản TQ long trọng đón tiếp phái đoàn khổng lồ hơn cả ngàn người từ Hoa Thịnh Đốn đến dưới sự lãnh đạo của Bill Clinton, Tổng Thống Mỹ. Cuộc thương lượng giữa Mỹ và TQ tại Bắc Kinh từ 25-6-98 đến ngày 3-7- 98, được đúc kết trong bản tuyên bố chung dày 47 trang gồm mọi lãnh vực: Kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội..Nhưng không ai biết được sự thật phía sau bản tuyên bố chung còn có những thoả ước trong bóng tối, ngoại trừ Giang Trạch Dân, Bill Clinton và những yếu nhân của hai phe. Có một điều chắc chắn sau cuộc thương nghị lịch sử ấy nền Kinh tế và Quân đội TQ phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Báo chí thế giới thường hay nhắc đến lời cam kết giữa Mỹ và TQ trong tuyên bố chung năm 98: Mỹ và TQ sẽ giải quyết những xung đột xảy ra trong tương lai, nếu có, bằng cách hòa binh: dàm phán và thương lượng, nhất quyết sẽ không giải quyết bằng chiến tranh và vũ khí.
II- TRUNG QUỐC - NĂM-2000 VÀ NHỮNG NĂM SAU ĐÓ
Trước năm 2000, TQ là một quốc gia xuất cảng dầu hỏa và năng lượng hàng đầu các quốc gia Đông Á. Đến năm 2000 TQ trở thành một quốc gia nhập cảng dầu hỏa và năng lượng đứng thứ nhì trên thế giới sau Mỹ. Cả đất nước TQ trở thành những nhà máy khổng lồ sản xuất mọi mặt hàng trên thế giới! Dầu hỏa, năng lượng và nguyên liệu là sinh mệnh của nền kỹ nghệ TQ. Phát triển kỹ nghệ quyết định vận mạng tương lai của TQ. (2)Sau năm 2000, đối với TQ, vấn đề ý-thức-hệ đã trở thành quá khứ. Sự bùng nổ kinh tế của của TQ đã đẩy ý-thức-hệ Cộng sản vào bóng tối của lịch sử của đất nước này. Đồng thời sự bùng nổ kinh tế và quân đội của TQ đã vực dậy giấc mơ bá quyền và toàn trị của TQ từ ngàn xưa. Năm 2000, năm TQ tự soi mình trước lịch sử, tự đánh giá mình qua những hiện thực của thời đại và của riêng đất nước TQ. TQ nhìn thấy những ưu và khuyết điểm của tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. TQ lên kế hoạch khắc phục những sai lầm. Theo sự nhận định của Zheng Bijiang, nguyên Trưởng Ban Tổ Chức Đảng cộng sản TQ (3), và đồng thời cũng là sự nhận định của một số lãnh đạo cấp cao của TQ, thì phải chờ đến năm 2050 TQ mới đạt được nước phát triển tầm cỡ trung bình (Modernized Medium Level Developped Country).
Trước mặt, TQ có những khó khăn cần khắc phục:
1- Nghèo về tài nguyên, năng lượng và nước
2- Ô nhiễm môi sinh
3- Tiến bộ xã hội và tiến bộ kinh tế không đồng bộ
Có nhiều sự chênh lệch trên những cán cân cần phải ổn định:
1- Tổng sản lượng của Quốc gia cao mà tiến bộ xã hội còn thấp
2- Tăng trưởng chuyên môn kỹ thuật cao mà công ăn việc (job opportinuities) làm thì lại thấp
3- Các thành phố, các tiểu bang, thôn quê và thành thị, phát triển kinh tế không đồng đều chên
lệch ngày càng cao
4- Hiện tại TQ có hai hạng dân: Giàu và Nghèo.
5- Đổi mới càng nhiều thì sự vững chải của xã hội càng bị lung lay
6- TQ nhập cảng hàng hóa nước ngoài nhiều, nhưng đồng thời TQ cũng không muốn lệ thuộc
nước ngoài về hàng tiêu dùng
7- TQ đẩy mạnh nền kinh tế thị trường nhưng đồng thời cũng quan tâm đến những thành phần quần chúng không có cơ hội gia nhập trào lưu mới về kinh tế!
Để khắc phục những chênh lệch trên, Chính phủ TQ đề xuất ba đột phá lớn:
1- Canh tân biến cải nền kỹ nghệ xưa vì nó tiêu thụ nhiều năng lượng gây ra nhiều ô nhiễm
2- TQ hóa giải ý thức hệ cũ để phù hợp với nền an ninh, sự tăng trưởng và tinh thần hợp tác
của thế giới hiện tại
3- Một bước đột phá mạnh mẻ hơn: TQ phá bỏ mô hình xã hội lỗi thời của mình. Chính phủ TQ sẽ tạo dựng một mô hình xã hội mới.
Để có thể giải tỏa bớt áp lực của những khó khăn trên:
1- Chính phủ TQ khuyến khích các nhóm tư bản ở bờ biển phía Nam hay phía Đông Bắc của TQ đem vốn vào xây dựng cơ sở sản xuất ở trong tỉnh sâu trong lục địa hay các tỉnh ở tận phía Tây để họ có thể tiêu thụ nhân công thặng dư từ các tỉnh nông nghiệp ở đó. Dân chúng ở các vùng đó có cơ hội nâng cao thu nhập của mình có đời sống tốt hơn.
2- Hàng năm chính phủ TQ cho 10 triệu nông dân ở trong các vùng sâu ra các thành phố làm việc trong các cơ xưỡng kỹ nghệ.
Trong 50 năm tới kể từ năm 2000 Chính phủ TQ chia ra làm ba thời kỳ:
1- 2000-2010: TSL của quốc gia phải tăng lên gấp đôi (từ 2 trillion USD sẽ tăng lên 4 trillion
USD
2- 2011-2020: TSL của quốc gia TQ tăng lên gấp đôi một lần nữa. Thâu nhập mỗi đầu người sẽ là $3000 USD/mỗi năm.
3- 2021-2050: Xã hội TQ tiếp tục phát triển ở cao độ về mọi mặt kinh tế và xã hội. Sự canh tân Khoa học, Kỹ thuật và Văn hóa ở vào thời kỳ này sẽ đưa TQ tiến lên như một quốc gia phồn vinh, dân chủ và tiến bộ xã hội xã hội chủ nghĩa.
Tất cả ở trên, là mô hình phát triển kinh tế vươn lên trong hoà bình trong 50 năm tới kể từ năm 2000. Trên thực tế hôm nay sự bùng nổ kinh tế của TQ trong những năm sau năm 2000 đến nay, đã đưa TQ tiến lên quá nhanh, vượt kế hoạch dự định, vực dậy mộng bá quyền toàn trị của TQ quá sớm. Nhất là hai năm sau khi gia nhập WTO, (2003), TQ quốc có những vươn vai khỏe khoắn đụng chạm, va siết với thế giới bên ngoài, với Việt Nam ở Biển Đông, Nhật ở biển Đông Hải và với Mỹ trên thương trường năng lượng. Với chính sách mậu dịch song phương, hai bên cùng có lợi, không xâm phạm chủ quyền quốc gia của nhau, TQ đã dang tay với tới các nguồn năng lượng, tài nguyên và khoáng sản (dầu hỏa, khí đốt, cobalt, đồng...) ở tận châu Phi, Châu Mỹ Latin, Úc Châu và cả Canada. Để đem về cho mình một mối lợi kếch sù, Trung Quốc đã dang tay đục khoét nguồn năng lượng và khoáng sản của Châu Phi một cách vô nhân đạo, tàn phá thiên nhiên, hũy diệt môi sinh một cách vô trách nhiệm.(4) Trung Quốc đã xâm nhập Châu Mỹ La tinh cùng chung một phương thức: Mậu dịch song phương. TQ thao túng giếng dầu khổng lồ của Nam Mỹ Venezuella, Bolivia và đang cố gắng đục khoét khai quật những ngườn tài nguyên và khoáng sản của các quốc gia Nam Mỹ. TQ đã thành công, tạo nhiều ảnh hưởng tại các quốc gia tại vùng này: Venezuella, Brazila, Chile, Bolivia…và ngay cả Mexico, ở ngay sát nách Mỹ, một đồng minh dầu hỏa bất khả phân ly của Mỹ. (5)
Quan niệm xưa cũ của thế giới: sức mạnh của văn hóa đẻ ra sức mạnh chính trị, quân đội và kinh tế. Quan niệm này đã trở nên lỗi thời khi người ta thấy sự vươn lên của Mỹ ở thế kỷ 20, của TQ vào ba thập niên: 1978 – 2008. Chính sức mạnh của nền kinh tế, và Quân đội của TQ đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt văn hóa TQ, và nâng cao vị thế chính trị của TQ với thế giới hôm nay. Trên trang thời sự của tờ “The Japan Times” ngày 26 tháng 12 năm 2007, trên một tựa đề: “Trung Quốc Dương Cao Sức Mạnh”, Brahma Chelanney nói: (6)
“Vươn lên từ sự bùng nổ kinh tế và quân đội, Trung Quốc hôm nay theo đuổi chính sách dương cao sức mạnh! Trong quá khứ TQ đã từng thuyết giảng chỉ vương lên trong hòa bình! TQ hôm nay thật sự đã xoắn tay áo lên rồi, tin tưởng vào sức mạnh cơ bắp mà mình vừa đạt được: TQ tuyên bố chủ quyền của các đảo thuộc Việt Nam trong vùng biển Nam Hải; ra mặt kình địch với Mỹ, Canada, Đức vì các nước này tỏ vẻ Ưu ái Đức Đalai Lama…Trong những ngày gần đây( 11/2007)TQ đã\ ngăn không cho chiến hạm Kitty Hawk của Mỹ cặp bến HongKong và cũng không cho phép, hai chiến hạm rà phá mìn khác cũng của Mỹ cập bến HongKong để trú ấn bão tố! ”
Trung Quốc ngày nay là hiện thân của Trung Tâm Văn hóa, Chính trị, Quân đội trên toàn thế giới? Không cần nhìn đâu xa, chúng ta chỉ cần ngoái lại quá khứ trong vàng 2 tháng qua 12/2007- 1/2008 ta thấy ngay TQ hôm nay dưới cái nhìn từ thế giới bên ngoài và cái hào quang mà TQ đang mang trên đầu nó tự phát sáng như thế nào. Nhân tháp tùng chuyến viếng thăm TQ của Gordon Brown, tân Thủ tướng Anh hôm 18/01/2008, phóng viên của hãng thông tấn BBC London, James Reynolds nói:“ Trong một thời gian dài các lãnh đạo thế giới coi TQ như một nơi nào đó xa xôi khó gần…Chuyến viếng thăm TQ của ông Brown vào ngày 18/01/2008 chứng tỏ điều này: là nếu quí vị muốn hoàn tất một công việc có tính chất toàn cầu hoặc quí vị muốn công việc này tiến triển thì quí vị không có sư lựa chọn nào khác là phải tới Trung Quốc”(7)
Trong 2 tháng vừa qua từ 12/2007–1/2008, TQ đã là trung tâm của các hội nghị thượng đỉnh của các phái đoàn của những cường quốc tứ Âu châu, Mỹ và Á châu:
1- Vừa nhậm chức hồi tháng 9, sau khi viếng thăm Hoa Kỳ, tân Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda liền viếng thăm Bắc kinh vào ngày 28-12-2007 (8)với một thái độ cực kỳ hòa hoãn mà chính Yasuo Fukuda mô tả như một cuộc “đối thoại tâm tình”. Fukuda đã khái quát những điểm hoà đàm với Bắc kinh: việc tranh cải các giếng dầu ở biển Đông Trung Hoa mà Nhật có những nhượng bộ đáng kể; Sự tăng trưởng quân sự của TQ, cách đối phó với tình trạng Nóng Ấm Toàn Cầu. Trong cuộc thương thảo này Thủ tướng Nhật Fukuda cũng hứa là sẽ không tới thăm ngôi đền Yasukuni. Đáp lại các yếu nhân của Bắc kinh cũng không đến dự lễ tưởng niệm 70 năm vụ thảm sát Nam kinh. Sau chuyến viếng thăm này người ta thấy mối quan hệ song phương giữa Nhật và Trung Quốc ấm dần, một tàu chiến của TQ đã thả neo tại vịnh Tokyo.
2- Phái đoàn Ấn Độ do Thủ tướng Manmohan Singh dẫn đầu đến thăm bắc kinh vào ngày 13-01-2008 (9).Cuộc viếng thăm này có 3 mục đích: A- Đáp lại cuộc viếng thăm Ấn của Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch TQ, hồi năm 2006, B- Phát triển kinh tế và mậu dịch song phương giữa Ấn Độ và TQ có thể lên đến 40 tỷ USD/2008, (10) C- Đàm phán về biên giới. Nhưng người ta hy vọng vấn đề phát triển kinh tế là chủ yếu trong cuộc đàm phán này. Trước mắt Ấn Độ và TQ vấn đề tối ưu của họ vẫn là phát triển tối đa tiềm năng kinh tế. Thành công kinh tế sẽ cho họ sức mạnh chính trị và quân đội để nói chuyện một cách dứt khoác về biên giới sau này.
3- Một phái đoàn Mỹ đã viếng thăm TQ trong ngày 12/1/08. Đây là cuộc đàm phán vô cùng hệ trọng cho Khu Vực Thái Bình Dương Đông Á và Đông Nam Á. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ lần này không phải là những những nhà lãnh đạo chính trị hay kinh tế cấp cao của toà Bạch Ốc mà là một quân nhân: đô đốc Timothy Keating, Tư Lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương. (11) Điều đó cho ta thấy tầm quan trọng của cuộc đàm phán này không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chiến lược của khu vực Thái Bình Dương, nhất là vùng biển Đông hải và Nam hải mà Trung Quốc ngang nhiên mạo nhận là hải phận của họ. Tên tuổi của Timothy Keating trong những tháng vừa qua được báo chí và các hãng truyền thông nói đến nhiều là vì Timothy Keating có đến thăm Hà Nội ngay sau sự cố khu hành chánh Tam Sa ở đảo Hải nam của Trung Quốc được thành lập. Điều này cho phép chúng ta biết chắc chắn vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của ta sẽ được đặt trên cán cân thương lượng tại bàn hội nghị giữa Timothy Keating và các chóp bu lãnh đạo của Bắc Kinh. Là người Viêt, khi nghĩ đến vấn đề này ai cũng phải thấy xốn xang đau xót. Lãnh hãi, lãnh thổ của tổ quốc ta, sau hơn 33 độc lập, thống nhất, vẫn còn bị ngoại bang thao túng như mặt hàng trao đi bán lại. Timothy Keating đàm phán với giới lãnh đạo cấp cao của Bắc kinh trên 4 thành phố khác nhau của TQ: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và HongKong trong thời khoảng 5 ngày. Ngay chặng đầu tiên tại Bắc Kinh, Timothy Keating tuyên bố trước mặt các phóng viên của hãng tin ABC: “Tôi muốn cả TQ và Mỹ đều có một nhận thức rõ ràng hơn nữa về việc tôi là ai, anh là ai, chúng ta là ai..”. (12) Không ai biết được những gì đã xẩy ra trong năm ngày thương lượng đó. Thân phận các quốc gia trong vùng ra sao? Ai còn ai mất? Lãnh hải của Nhật, ViệtNam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Indonesia …sẽ ra sao? Sử liệu sẽ bị ngụy tạo đến đâu? Timothy Keating và Hồ Cẩm Đào vẽ lại bản đồ châu Á Thái Bình Dương, và chia vùng ảnh hưởng như thế nào? Theo Tân Hoa Xã thì:“ Trần Bình Đức trong cuộc họp mặt với Timothy Keating tại Bắc Kinh cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ cắt đứt các mối liên hệ với Đài Loan, và ngưng bán vũ khí cho hòn đảo này, nơi mà Bắc Kinh xem như một tỉnh phản loạn của Trung Quốc”.(13) Sự thật, trước đó có một sự hòa hoãn và nới rộng chính sách cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Trung Quốc làm cho cả thế giới sửng sốt: theo bản tin ngày 3 tháng 1, 2008 của đ/báo VOA thì Mỹ đồng ý bán công nghệ nhạy cảm (chế tạo vũ khí nguyên tử) cho Trung Quốc với mục đích giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội(14)Việc dỡ bỏ tối đa cấm vận vũ khí của Mỹ với TQ trong thời điểm này có phải chăng được xem như thái độ hòa hoãn của mỹ chuẩn bị cho cuộc đàm phán sau đó giữa Timothy Keating và các cấp lãnh đạo TQ? Người Mỹ hiểu hơn ai hết cuộc đàm phán sẽ diễn ra dưới áp xuất của suy thoái kinh tế Mỹ.
4- Theo nguồn tin đ/báo BBC- London tân Thủ Tướng Anh, Gordon Brown hội đàm với thủ tướng TQ Ôn gia Bảo ngay khi ông vừa đến Bắc Kinh vào ngày 18/1/08.(15) Ông Brown cũng bộc lộ rõ ràng mục đích cuộc viếng thăm này là phát triển kinh tế khi ông nói với các nhà báo tại Bắc kinh: “việc hợp tác chặt chẽ với TQ sẽ tạo thêm hàng chục ngàn công ăn việc làm cho dân Anh…Trong lúc nền kinh tế toàn cầu trong cơn khó khăn và có nhiều chao đảo, tầm quan trọng của TQ và mối quan hệ gia tăng giữa Anh và TQ có vai trò hết sức lớn đối với sự thành công nói chung của nền kinh tế toàn cầu…” Trong cuộc hội đàm này, Thủ Tứơng Ôn Gia Bảo nói những câu ‘đón đầu’: “Dân chủ, Tự do, Bình đẳng, tình Bằng hữu luôn luôn là những giá trị chung mà loài người cùng chia sẻ..Nhưng con đường thực hiện Dân chủ tại các nước khác nhau gắng liền với điều kiện lịch sử và tình hình của các quốc gia đó…Mỗi nước đều có con đường khác nhau để tiến đến Dân chủ…”! Phóng viên James Reynolds của thông tấn BBC kết luận về cuộc hội thảo này như sau: (như chúng tôi vừa nhắc ở trên): “ Trong một thời gian dài các lãnh đạo thế giới luôn luôn coi TQ như một nơi nào đó xa xôi khó gần…Chuyến viếng thăm của ông Brown chứng tỏ điều này: nếu quí vị muốn hoàn tất một công chuyện quan trọng toàn cầu, hoặc quí vị muốn công việc này tiến triển, thì quí vị không có sự lựa chọn nào khác là phải tới Trung Quốc!”.
Thật sự James Reynolds có phần khuếch đại khi ông gọi việc thương lượng giữa Ôn Gia Bảo và Gordon Brown là “công chuyện quan trọng toàn cầu..”. Sự thật mục đích cuộc thương lượng này như Thủ tướng Anh xác định trước đó: “việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc sẽ tạo thêm hàng chục ngàn công ăn việc làm cho dân Anh”. Rõ là việc Gordon Brown tìm gặp Ôn Gia Bảo chỉ vì muốn tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn công dân Anh đang sống trong tình trạng “đói” công ăn việc làm. Chúng ta thấy, tất cả nhân loại, ngay cả những những quốc gia phát triển, những cường quốc về kinh tế hiện tại cũng như các quốc gia đang phát triển cao, và các quốc nghèo khó đều tìm đến Trung Quốc nếu họ muốn phát triển kinh tế của họ, giảm bớt thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, chận đà kinh tế đang suy thoái…Có ai dám chắc là vụ việc bán công nghệ nhạy cảm (Chế tạo vũ khí nguyên tử) của Mỹ cho Trung Quốc hồi đầu tháng 1/2008 không phải là cú ‘hich’ liều lĩnh của Mỹ để giảm thiểu đà suy thoái kinh tế của Mỹ?
Hiện nay(2008) thặng dư ngoại tệ của Trung Quốc là một ngàn ba trăm tỷ USD (one trillion 300 billion dollars).Với đà tăng trưởng kinh tế ở cấp hai con số như hôm nay, nhiều người đã nghĩ chắc chắn Thặng Dư Ngoại Tệ của TQ sẽ “hit” 1500 tỷ đô la trước tháng sáu năm 2008! Với số thặng dư ngoại tệ vô cùng to lớn này, TQ có thể mua ‘đứt’ các các ngân hàng, hãng xưởng, kỹ nghệ, những công ty đa quốc gia to lớn của thế giới kể cả ‘Exxon Mobil’, ‘Citry Group’, ‘Microsoft’…hay những hãng xưởng công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử tiên tiến! Mỹ đã một lần hoảng hồn suýt bán ‘đứt’ tâp đoàn dầu khí UNOCAL của mình cho TQ hồi năm 2005, khi Mỹ đánh tiếng bán 16 tỷ Mỹ kim, TQ nhảy vào đòi mua với giá 18,5 tỷ! Trước đó TQ đã thành công mua ‘đứt’ MAYTAG và LEVENO của Mỹ. Đó là với năm 2005 kinh tế Mỹ còn sung mãn, nhưng hôm nay với tình hình kinh tế suy thoái của Mỹ từ tháng 12 năm 2007, có ai biết được đầu tháng Giêng (Jan) năm 2008 Mỹ đã bán Công Nghệ Nhạy Cảm (Công Nghệ Hiện Đại Chế Tạo Vũ Khí Nguyên Tử) cho Trung Quốc bao nhiêu tỷ đôla? Vì kinh tế suy thoái, Mỹ cũng có thể đã bán và sẽ bán thêm cho TQ những bí mật công nghệ, khoa học và quân đội, nào ai biết được.
Học hỏi từ kinh nghiệm của Mỹ, TQ đã và đang tiếp tục xây dựng nhiều kho dầu dự trữ chiến lược tại tỉnh Triết Giang và các tỉnh khác, có khả năng cung ứng năng lượng cho kỹ nghệ TQ nhiều tháng, trong trường hợp nguồn dầu hỏa và năng lượng gặp khó khăn, bị nghẽn hay trì trệ.
III- TRẬT TỰ MỚI, THẾ GIỚI MỚI, QUỈ ĐẠO MỚI THEO KIỂU TRUNG QUỐC
Vừa kết thúc một loạt thương nghị với các cường quốc Âu, Á và Mỹ tại Bắc Kinh, vào ngày
20 tháng 1, 2008 chính phủ TQ liền công bố Khái niệm về Chiến lược mới cho toàn cầu, lập một trật tự thế giới mới, theo kiểu TQ, với tham vọng đặt thế giới trong quỉ đạo mới của mình! Nguồn tin của thông tấn BBC-London cho hay trong một báo cáo chiến lược về hiện đại hóa TQ, của cơ quan cố vấn thuộc học viện Khoa học TQ, các tác giả đã sử dụng khái niệm ‘chim bồ câu’ nhầm vẽ ra một trật tự thế giới mới. Shiron Chen, phóng viên chuyên về TQ của BBC-London nói: “TQ ngày càng có vẻ tự tin và sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế!..TQ bây giờ muốn dẫn đầu chứ không muốn đi theo các nguyên tắc về chính trị thế giới!”(16)Các lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra sơ đồ hình chim Bồ Câu. Chúng ta thử tìm xem hình thù của chim Bồ Câu mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẽ nó ra như thế nào? Chúng tôi cố gắng hệ thống lại những điều tường thuật của hãng thông tấn BBC-London về hình thù của chim Bồ câu ấy. TQ chọn chim Bồ câu vì chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. TQ muốn thế giới hiểu rằng chiến lược của TQ là chiếc lược hòa bình! Trong sơ đồ của khái niệm ‘Bồ Câu Hòa Bình’ TQ quốc thừa nhận vai trò của LHQ và muốn:
1- LHQ là cái đầu của chim bồ câu.
2- Thân của chim bồ câu được miêu tả gồm có: Liên-Hiệp-Châu-Á trong tương lai gồm có Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (TQ, Nga, Kazackhstan, Kyrgyzstan, Tajakistan và Uzbekistan), và Cơ chế ASEAN +3…
3- Tổ chức Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương, APEC, sẽ được giữ nguyên, sẽ là một cánh của chim bồ câu.
4- Cánh kia của chim bồ câu sẽ là cơ chế của tổ chức Á Âu và sẽ nâng tổ chức này lên thành một hợp tác kinh tế Âu Á.
5- Đuôi của chim bồ câu là Nam Mỹ châu Đại dương và châu Phi!
6- Thời gian cần thiết để thực hiện chiến lược này sẽ là trong vòng 20 đến 50 năm tới.
7- Trung Quốc sẽ điều chỉnh một số ưu tiên địa chính trị chiến lược và sẽ gia tăng sức mạnh của các nước này.
8- Trung quốc hy vọng sẽ thành lập trụ sở của Liên-Hiệp-Châu-Á trên đảo Hải Nam, biến hòn
đảo này thành khu vực mậu dịch tự do cho toàn bộ các nước châu Á đến đây thăm viếng đầu tư!
Sau khi đề ra chiến lược “Bồ Câu Hòa Bình”, Trung Quốc đang lắng nghe thăm dò theo dõi phản ứng của các nước láng giềng Á châu mạnh như Ấn Độ và Nhật.
Chiến lược ‘Bồ Câu Hòa Bình’, là chiến lược Chính trị Kinh tế toàn cầu: Cái đầu con chim Bồ câu (điểm1) lại là LHQ, một tổ chức ‘hữu danh vô thực’ mà TQ với tư cánh một trong 5 thành viên thường trực của HĐBA, TQ có quyền phủ quyết (veto) bất cứ lúc nào, bất cứ điều kiện nào! Mang nặng tính chất chủ quan, tự cao tự đại khi các lãnh đạo Bắc kinh tuyên bố tự mình“sẽ điều chỉnh một số ưu tiên địa chính trị chiến lược và sẽ tăng gia sức mạnh của các nước này! (điều 7). Thật là ngông cuồng ở vào thời đại này mà vẫn còn kẻ mơ tưởng mình là tên săn-đầm-quốc-tế, một giấc mơ cuối mùa, lạc hậu. Tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh mù quáng, không nắm vững yếu tố thời gian khi họ đề ra: “Thời gian cần thiết để thực hiện chiến lược này sẽ là trong vòng từ 20 đến 50 năm!( điều 6). Có phải chăng lãnh đạo của Bắc kinh có ý đồ ‘câu’ thời gian để mưu đồ việc gì? Không lẽ, họ không biết bây giờ là thời đại của phát triển công nghệ điện toán, vi tính, trong khoảng 20-50 năm tới nhân loại tiến xa đến mức độ nào, biết bao vật đổi sao dời, có ai dám chắc được những gì sẽ đến với nhân loại và địa cầu trong 20-50 năm tới? Chỉ trong vòng 20 năm tới thôi, không một ai dám chắc loài người sẽ thay đổi bô mặt của thế giới đến mực độ nào? Hãy tự soi lấy mình, 20 năm về trước có ai có thể biết trước được bộ mặt của TQ hôm nay? Hơn thế nữa, sư tiến bộ của thế giới trong 20 năm về trước chậm hơn nhiều so với sự tiến bộ của thế giới trong 20 năm về sau. Sự khác biệt này ta phải hiểu, ở cấp số nhân chứ không phải ở cấp số cộng. Chiến lược “Bồ Câu Hòa Bình” của TQ là một vỡ tuồng sơ đẳng. Một kịch bản thô lậu. Một chiến lược kinh tế chính trị toàn cầu mang hình thù kỳ dị, không phù hợp với tình hình thế giới hiện tại, không có tính hiện thực, đậm đặc chất hoang tưởng, biểu hiện tư tưởng bịnh hoạn, ngộ độc vì tham vọng.
Nhưng có một điểm, là người Việt, chúng ta phải chú ý là trong chủ mưu này, TQ có ý đồ thành lập trụ sở của Liên-Hiệp-Châu-Á trên đảo Hải Nam, ( điều 8) biến hòn đảo này thành một khu vực mậu dịch tự do cho toàn bộ các nước châu Á tới thăm viếng và đầu tư. Đây mới thật là cứu cánh, mục đích tối hậu của chiến lược “Chim Bồ Câu Hòa Bình” của Trung Quốc. TQ đã dàn dựng, ngụy trang rất công phu cho Liên-Hiệp-Châu-Á. Trong kế hoạch này mặc dầu không nói đến, nhưng mặc nhiên TQ coi mình là chủ quyền vùng biển Nam Hải trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của ta. Trung Quốc đưa ra một ‘Trật Tự Thế Giới Mới’ vuợt quá sức khái quát của họ, vượt quá tầm vóc của họ, nhưng trọng tâm cuối cùng lại là rất thực tế với tham vọng của họ! Cứu cánh của ‘Trật Tự Thế Giới Mới’ này là phát triển đảo Hải Nam thành một “Liên Hiêp Châu Á”. Tổ chức LHCA tại đảo Hải Nam chỉ là một kế hoạch mở rộng con đường ở hướng Nam Hải, và Nam Thái Bình Dương. Họ cần giải quyết điểm nghẽn trước mắt là Hoàng Sa và Trường Sa. Để mở đầu kiến trúc LHCA, Trung Quốc cho thiết lâp Khu Hành Chánh Tam Sa tại đảo Hải Nam! Thế giới cũng như chính phủ Việt Nam không những chỉ nhìn Hoàng Sa và Trường Sa là một tiềm năng lớn vể trữ lượng dầu hỏa và khí đốt, mà phải nhìn Hoàng Sa và Trường Sa là một điểm chiến lược vô cùng quan trọng trong việc ngăn cản TQ tiến về Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương…Hawai…
Tổ chức LHCA có sắc thái tương đồng với chủ thuyết “Châu Á của người Á châu” của quân phiệt Nhật những năm 40-45 của thế kỷ trước! TQ lại muốn đi trên con đường mòn cũ của quân phiệt Nhật? Chắc chắn TQ, cũng như quân phiệt Nhật trước kia, không thể tránh được đổ vỡ.
IV- THỰC TRẠNG TRUNG QUỐC HÔM NAY
Trong thực tế hiện nay xã hội Trung Quốc mang nhiều bộ mặt, xã hội đa dạng, nghịch lý, hàm chứa những mâu thuẩn, giàu nghèo, cộng sản-tư bản... Ở quảng trường Thiên An Môn: chân dung Mao Trạch Đông treo ở đầu này, chân dung Ông Già gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken) của Mỹ ở đầu kia. Nhiều thực khách Trung Quốc nối đuôi nhau dưới chân dung Ông Già KFC thưởng thức món gà rán của Mỹ. Không một ai quan tâm đến chân dung họ Mao! Ây thế mà chân dung Mao Trạch Đông vẫn tiếp tục treo tại Thiên An Môn, và mọi nơi trên đất nước Trung Quốc! Theo thông tấn BBC (17) “Bên dưới lớp sơn bóng, ngày nay không còn bao nhiêu chất ‘cộng sản’ nữa tại Trung Quốc…”.Tuy thế, chủ nghĩa Marx vẫn được các quan chức TQ nói đến, đảng Cộng Sản TQ vẫn còn cầm quyền, từ ‘đồng chí’ vẫn được các quan chức cộng sản TQ sử dụng hằng ngày mặc dầu họ dư biết từ ‘đồng chí’ quần chúng không còn ưa chuộng nữa, không được quần chúng dùng nữa. Từ ‘đồng chí’đã trở thành tiếng lóng của quần chúng để gọi những người đồng tình luyến ái, homosexuals. Chủ nghĩa cộng sản ở TQ hôm nay là chủ nghĩa trần trụi, không còn căn cứ địa, không còn điểm để bám, không còn lý do tồn tại. Thế mà nó vẫn tồn tại. Không tồn tại trong thực tế, nó tồn tại qua cách gọi, cách nói, các xung hô “đồng chí” của các quan lại TQ. Xã hội Trung Quốc hôm nay là một xã hội tư bản, thực tế, không còn nét hoa mỹ gian dối của xã hội Cộng-sản TQ truớc kia, một xã hội đã từng hứa sẽ chăm sóc người dân từ lúc lọt lòng mẹ đến lúc đi vào lòng đất. Người dân TQ hôm nay phải lo dành lấy miếng ăn trong tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Người dân giành lại quyền tư hữu, các khu vực tư doanh từng bước chiếm chỗ quốc doanh. Các doanh nhân giàu có, có trọn quyền hữu sản hóa đời mình, mua nhà to cửa lớn, mua biệt thự, đầu tư chứng khoán, nuôi con du học nước ngoài, tại Anh, tại Mỹ…Người dân TQ hiện nay tư do kinh doanh, tự do làm giàu. Chính phủ TQ cũng không cần biết người dân của họ thuộc thành phần nào, “mèo trắng hay mèo đen”? Một người thành công tại TQ ngày nay là người biết cách làm ra làm ra của cải, vật chất. Người Trung Quốc hợp thời hôm nay là người biết cách tăng thêm thu nhập bằng cách đầu tư vào thị trường chứng khoán! “Thị trường chứng khoán”, một ‘cụm từ’ mà Mao Trạch Đông từ lúc sinh thời đến lúc chết chưa bao giờ nói đến! Nhiều nhà giàu mới của xã hội TQ trở nên kịch cỡm: người dân Bắc kinh, Thượng Hải, Quế Châu…ngày nay, thà tốn 20 phút để lái xe hơi đi làm trên các con đường tắt nghẽn lưu thông còn hơn là bỏ ra 10 phút để đi xe đạp cọc cạch đến sở! Dân chúng TQ không còn được chỉ dạy phải ăn những gì, phải mặc như thế nào, phải làm việc ở đâu như cách đây 20 năm. Trung quốc ngày nay, trong hàng ngũ quần chúng cũng xóa bỏ các khác biệt chế độ hưởng thụ, chế độ bịnh phòng, chế độ ẩm thực. Tất cả tùy thuộc vào khả năng làm ra tiền, làm ra của cải vật chất. Trừ các cấp cao của chính phủ, của lãnh đạo, tất cả người dân Trung Quốc hiện đại đều hưởng chung một chế độ: “hưởng thụ theo khả năng”. Khả năng của anh làm tiền nhiều anh hưởng nhiều, anh làm tiền ít hơn anh hưởng ít hơn. Nhưng là người dân Trung Quốc phải biết điều này: bạn đang sống trong thời đại bao cấp về chính trị, bạn tự do làm giàu, làm ra của cải vật chất, tự do sống theo khả năng tiền bạc của mình làm ra, nhưng không được can thiệp vào đường lối chính trị, chính thể hay lãnh đạo đất nước. Bạn phải biết dừng lại trước tấm bảng “cấm vào” của nhiều khu vực trên đất nước TQ! Nếu bạn liều lĩnh thì bạn sẽ thấy ngay sự tàn bạo của “Chuyên Chính Vô Sản”, mặc dầu chủ nghĩa cộng sản hầu như không còn tồn tại trên đất nước TQ nữa! Thật là cả một sự mâu thuẩn! Là người TQ bạn phải xem Dân chủ, Tự do như là đặc ân từ chánh phủ, nhà nước ban cho, chứ không phải quyền lợi bạn phải có, phải được hưởng. Ổn định chính trị, xã hội tại TQ được xây dựng trên nền tảng và cơ chế như thế đó.
Nông thôn Trung quốc chưa bao giờ mang bộ mặt thảm hại như hôm nay ruộng vườn đất đai canh tác bị tước đoạt để xây dựng kỹ nghệ! Số diện tích còn lại, một phần không phải là ít, biến thành sa mạc do ô nhiễm và do ảnh hưởng thay đổi khí hậu toàn cầu! Người nông dân được phép nhập cư thị thành để kiêm sống. Michael Brislow, phóng viên của thông tấn BBC, tường thuật: “Các người từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm, hên lắm mới tìm được một phòng trọ chỉ đủ đặt một cái giường, trong lúc chủ điền bị tước đoạt lấy đất canh tác và công nhân thì bị quỵt tiền lương! Anh bảo vệ chỗ tôi trú ngụ, anh bị chủ nhân đánh đập khi anh đòi tiền lương! Trung quốc bây giờ không phải là thiên đường của giới công nhân như Marx đã vạch ra!..Tình trạng mâu thuẩn giữa giáo điều và những gì đang xẩ ra trên đường phố quá hiển nhiên cho du khách đến tham dư thế vận hội Bắc Kinh, 2008!..”(18) Sự thật cuộc sống của hàng trăm triệu nông dân nhập cư thành thị cuộc sống của họ thê thảm hơn nhiều những gì Brislow miêu tả. Trong hơn 10 năm qua chính phủ TQ cho phép mỗi năm 10 triệu nông dân được phép nhập cư thành thị để sinh sống, để đổi đời! Chính phủ trung ương không hề có kế hoạch giúp đỡ họ ngay cả những bước đầu tiên khó khăn trong nhập cư! Ngày làm việc trong công xưởng bị chủ nhân quỵt tiền công, bị chủ nhân đánh đập hành hạ là chuyện thường. Ngày không có chỗ đứng để ăn! Đêm không có chỗ nằm để ngủ. Họ là những người làm lương công nhật, sống trôi giạt, không hộ khẩu. Họ là kẻ nô lệ mới trong những độ thị, trong những thành phố của chính đất nước họ.
Trong những thập niên qua TQ phát triển kinh tế đầy ngoạn mục đến độ kỳ diệu, nhưng sự phát triển ấy cũng mang những khuyết tật tự thân của nó: Ô Nhiễm Môi Sinh, một trong những khuyết tật có tác hại nguy hiểm cho nền kinh tế đang phát triển mạnh của TQ. Trung quốc, trong những thập niên qua dẫn đầu thế giới về độ tăng trưởng kinh tế, và TQ cũng dẫn đầu thế giới về độ tăng trưởng ô nhiễm môi sinh. Vì quá ham làm giàu nhanh cho nên TQ đã quên lãng, không chú ý đến vấn đề ô nhiễm môi sinh, khi ý thức và nhận diện ra được nó thì đã quá muộn. Có người khôi hài bảo: tăng trưởng kinh tế của TQ trong những thập niên qua ở cấp 2 con số, thì sự tăng trưởng ô nhiễm môi sinh ở cấp 3 con số. Một số ruộng đồng TQ ngày nay vì ô nhiễm môi sinh và vì hiện tượng toàn cầu hâm nóng, đã hoá thành sa mạc! Trình độ ô nhiễm những con sông ở TQ đã đến độ trầm trọng, người dân TQ không có đủ nước sạch để uống, một số lãnh hải rộng lớn tại các cửa sông không còn thích hợp với các hải sản và sinh vật, không còn thích hợp cho ngư nghiệp! Môi trường sống tại TQ bị hũy diệt một cách tệ hại! Người dân TQ ở các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Châu, Kiều Châu…hay các thành phố ven biển thuộc các tỉnh Đông-Nam, những thành phố đang phát triển kỹ nghệ, nhiều tháng liên tiếp trong một năm họ không nhìn thấy được mặt trời cũng như mặt trăng, ban ngày cũng như ban đêm, lúc nào trên đầu họ cũng bị che phủ bởi một lớp mây mù vàng đục, đó là khói ô nhiễm từ các trung tâm kỹ nghệ! Hiện tại chính phủ TQ ý thức và cảnh giác cao độ vấn đề này! Nhưng điều trị xóa bỏ ô nhiễm môi sinh, trong sạch hóa bầu trời, địa thế, sông ngòi và lãnh hải không phải là một chuyện dể làm! Phải đầu tư nhiều tỷ USD, thậm chí có người bảo phải tận dụng hết tất cả lợi tức của TQ làm ra trong những thập niên qua (mấy chục Trillions USD) và một số thời gian nhất định từ 30 đến 50 năm mới hy vọng ‘làm sạch’ đất nước TQ. Sự phồn vinh kinh tế của TQ, sự phát triển hùng mạnh quân đội TQ, sự ổn định chính trị trong nước của TQ, được xây dựng trên những cơ sở nghịch lý, mâu thuẩn như vậy đó! Dưới cái lớp sơn giàu có, huy hoàng kiêu sa tráng lệ của thủ đô Bắc kinh và các thành phố Hàn Châu, Kiều châu, Quảng Châu, Thượng Hải…là cả một xã hôi trần trụi: quan chức tham nhũng, người bốc lột người, mọi người chen lấn chèn ép tranh sống.
Có phải chăng sự phốn vinh của TQ hôm nay là sự phồn vinh giã tạo, xây dựng trên sự bốc lột sức lao đông rẽ tiền của gần 1 tỷ Hán tộc? Cả đất nước TQ hôm nay là một người khổng lồ đi trên hai chân bằng đất sét? Một đất nước vượt lên quá nhanh, thiếu căn bản, mất quân bình, thiếu bền vững, dể đổ vỡ? Đó là câu hỏi đáng được nêu lên cho toàn thế giới phán xét! Giá trị của nền văn minh và tiến bộ của TQ hôm nay được đánh giá qua lịch sử văn minh của họ. Hơn 1tỷ 300 triệu người TQ hôm nay đang sống và phấn đấu để tồn tại và phát triển, họ đang sống với đầy đủ ý thức về tình trạng xã hội hiện tại của họ. Hơn 1 tỷ 300 triệu người TQ hôm nay, ta phải hiểu đó là khối Hán tộc trẻ trung nhiều tham vọng với lòng kiêu hãnh vô biên về lịch sử của đất nước họ, với lòng yêu nước cuồng nhiệt họ vượt lên tất cả những tệ hại của xã hội, với quyết tâm lớn là họ phải khôi phục lại những gì mà đất nước họ đã mất trong hai thế kỷ 19 và 20. Họ không bao giờ quên được nỗi nhục và gót giầy của người Tây phương đã chà đạp họ, họ không quên được những tấm bản: “Cấm Chó và Chệt” (Interdit aux chiens et aux Chinois” dựng ngay trên đất nước họ, trong các công viên thuộc khu tô giới của người Anh, người Đức, người Pháp…của những người Da Trắng, loài Bach Quỉ! Cũng như 85 triệu đồng bào Việt Nam ta, người TQ hôm nay có cái nhìn chân chính về nền độc lập mà họ đã đoạt được từ tay kẻ xâm lăng, sau muôn vàn cay đắng, nhục nhã và hy sinh xương máu. Họ kiên quyết gìn giữ bảo vệ nền độc lập. Họ kiêu hãnh về những thành tựu mà họ đạt được trong gần ba mươi năm qua từ mái xương mồ hôi và nước mắt của họ. Họ vẫn biết là họ bị bốc lột thậm tệ, từ vật chất đến tinh thần, từ cuộc sống vật chất đến tự do dân chủ. TQ hôm nay quan hệ với thế giới bên ngoài không còn trên ý thức hệ nữa ngay cả với ViệtNam, Nga và các nước Đông Âu cũ. Họ đã cắt lìa cái đưôi lòng thòng “định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng như họ đã dứt khoác cắt bỏ cái ‘đuôi sam’ trên đầu họ! Giai cấp trung lưu tại TQ hiện tại thỏa mãn với cuộc sống vật chất và tinh thần của họ. Xã hội TQ hôm nay là một xã hội “tiến hóa Darwin”: kẻ nào thích ứng với thời thế kịp, kẻ đó tồn tại và phát triển, kẻ nào không thích ứng kịp sẽ bị bỏ lại phía sau và bị loại trừ, bị triệt tiêu theo thời gian. Mỗi năm có 10 triệu người TQ rời bỏ ruộng đồng nông thôn, nhập cư thành thị để đổi đời, số người này cũng phải chấp nhận qui luật này.
Hiện tại TQ đang cố gắng chỉnh trang mọi mặt của xã hội của đất nước để tiếp đón thiên hạ đến TQ tham dư và thưởng ngoạn Thế Vận Hội tổ chức tại Bắc kinh vào tháng 8 /2008. Thiên hạ sẽ nhìn thấy tận mắt sự phát triển kinh tế kỳ diệu của đất nước này, chiêm ngưỡng những cảnh sắc thiên nhiên diễm lệ, kiêu sa, huy hoàng và lộng lẫy, đã là nguồn cảm hứng vô tận của nền thi ca phong phú Trung Quốc với những tên tuổi: Lý Bạch, Thôi Hộ, Đỗ Phủ…Có một vấn đề cả thế giới đang băn khoăn là làm sao TQ một sớm một chiều có thể khuất phục được ô nhiễm môi sinh để tiếp đón du khách Thế Vận Hội! Ấy thế mà, hơn 1 tỷ 300 triệu người TQ đang dồn hết sức lực làm sạch đất nước, bầu trời, sông ngòi và bờ biển TQ. Họ đang cố gắng giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi sinh của đất nước họ.Và họ đang thành công! Có ai ngờ! Không ai còn đặt vấn đề ô nhiễm môi sinh với Thế Vận Hội-2008 nữa! Ngay cả tổng thống G.W.Bush cũng đã quyết định tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Bắc kinh vào tháng 8-2008. Thật là kỳ diệu! Kỳ diệu chẳng khác nào Đặng Tiểu Bình với triết-lý chính-trị-kinh-tế thâu gồm trong 4 chữ “mèo trắng mèo đen” đã biến TQ từ một đất nước đổ nát kinh tế, chính trị đến cả đạo lý xã hội, trở thành một quốc gia phú cường về kinh tế, hùng mạnh về chính trị và quân đội, tiến bộ về khoa học, kỹ thuật công nghệ, trong một thời gian kỷ lục. Với 1 tỷ 300 triệu dân cuồng nhiệt yêu nước, một khối lượng lao động cơ bắp khổng lồ, với nguồn chất xám vĩ đại, Trung Quốc hôm nay có thể làm những việc vô cùng to lớn mà nhân loại chưa từng làm được, chưa từng dám mơ tưởng đến.
Qua chiến lược “Bồ Câu Hòa Bình”, chính phủ TQ hôm nay với giấc mộng lớn biến 1 tỷ 300 triệu dân TQ hiện nay thành một khối thực dân xâm lược mới, một tập đoàn quân phiệt với tham vọng bá quyền toàn trị, thách thức nhân loại và chấp nhận đương đầu với cuộc chiến tranh toàn diện, ngay cả cuộc chiến nguyên tử, vệ tinh, đến bất cứ từ đâu! Trong bản tin của Điện báo VOA ngày 22/2/08, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates cho biết: “ Hoa kỳ sẵn sàng chia sẻ các thông tin vời TQ về việc Hoa Kỳ mới đây đã bắn hạ một vệ tinh trinh thám vốn đã bị hư ”. Và bản tin nói thêm rằng:“Chính phủ TQ đòi hỏi Hoa Kỳ phải cung cấp đầy đủ thông tin về vụ bắn hạ vệ tinh này, và nói rằng họ đang trong tình trạng cảnh giác vì hành động này của Hoa Kỳ…”(19) Thật sự từ lâu mỗi khi Hoa Kỳ thí nghiệm vũ khí không gian chưa ai dám đặt ra những chất vấn và nghi kị gì về quyền lực của Mỹ trong không gian, họa hoằn chỉ có Nga. Hôm nay TQ đưa ra lời cảnh cáo cáo nặng ký và đỏi hỏi Mỹ phải phúc trình chính phủ TQ nghiêm túc về công việc bắn hạ một vệ tinh trinh sát của Mỹ ở cách trái đất 200km trong không gian. Có phải chăng đó cũng là thông điệp của TQ cho thế giới thấy rõ hôm nay Hoa Kỳ không còn là độc quyền sử dụng không gian bên ngoài trái đất, trong vũ trụ nữa. Cả thế giới càng ngạc nhiên hơn trước thái độ đáp ứng tích cực của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates với những đòi hỏi gay gắt của TQ, như ta thấy ở trên. Đó cũng là thông điệp của Robert Gates cho thế giới thấy sự lớn mạnh của Trung Quốc hôm nay là một thực tế hiển nhiên, không chối cải được?.
V- VIỆT NAM TRƯỚC THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC.
Năm 1956, sau ba lần bơi vuợt sông lớn Tương Giang, Châu Giang và Dương Tử Giang, Mao Trạch Đông đến dự buổi họp do Lâm Nghi Thiện tổ chức: “Kế Hoạch Thung Lũng Sông Dương Tử”, đó là đồ án xây đập ngăn sông Dương Tử, và biến đổi toàn bộ một thung lũng bao la thành môt hồ khổng lồ chứa nước phẳng lặng. Sau khi nghe xong buổi thuyết trình, Mao Trạch Đông lấy làm thích thú vô cùng. Chiều hôm ấy sau khi từ giả họ Lâm, Mao Trạch Đông rất hứng khí sôi nổi làm nên bài thơ lưu danh muôn đời: “Thủy Điệu Ca Đầu Du Vịnh” nói lên kỳ tích bơi qua sông lớn, vượt Dương Tử Giang, một con sông nhiều ghềnh thác hiểm nghèo, và cũng đồng thời để nói lên quyết tâm của họ Mao cải tạo thế giới và con người.
THỦY ĐIỆU CA ĐẦU DU VỊNH
(Tháng 6, năm 1956)
Tài Trường Sa thủy Ta đã từng uống nước Trường Sa,
Hựu thực Vũ Xương ngư nếm cá Vũ Xương
Vạn lý Trường Giang hoành độ Vượt Dương Tử quanh co vạn dậm
Cực mục Sở thiên thư Lên tận bầu trời Sở
Bất quản phong suy lãng dã Gió vùi sóng dập ta không sờn bước
Thăng tựa nhàn đình tán bộ, Thân nam nhi đâu núp dưới hiên nhà
Kim nhật đắc khoan dư Nay ta rỗi rảnh đến đây
Tử tại xuyên thượng viết Trên con sông này bậc Thầy đã nói
“Thệ giả như tư phù” Chết, là đi vào dĩ vãng như nước sông trôi
Phong, tường động, Gió dập cánh buồm
Quy, xà tỉnh Rùa rắn im hơi
Khởi hoằng đồ Khi chí lớn đang dệt thành
Nhất kiều phi giá nam bắc Chiếc cầu nối liền con lạch của trời đào
Tiệm đạp biến thong đồ để làm con đường Nam, Bắc thông thương
Cánh lập Tây Giang thạch bích Chúng ta sẽ bắt bức tường đá chận thượng nguồn phía Tây
Triệt đoạn Vu Sư vân vũ Và kéo lùi lại mây mù và mưa bão giăng trên đỉnh trời Ngô
Cao giáp xuất bình hồ Cả thung lũng sẽ trở thành chiếc hồ phẳng lặng
Thần Nữ ứng vô thắc Nếu nữ thần các núi chưa chết
Đáng kinh thế giới thù Thì bà sẽ ngạc nhiên vì thế giới đã đổi thay (20)
Nhầm thuần hóa con sông Dương Tử vốn nổi tiếng hung dữ nhất Trung Quốc biến con sông thành một nguồn nước phát triển nông nghiệp và nuôi dưỡng muôn dân Trung Quốc, là giấc mơ vạn đại của những vị minh quân của đất nước này! Nhưng trong suốt hơn 4000 năm biên niên sử của Trung Quốc, không có vị minh quân dám nói lên quyết tâm một cách táo bạo như vậy.Với Mao Trạch Đông, hơn thế nữa, thuấn hóa con sông Dương Tử mang ý nghĩa sâu sắc thách đố với thiên nhiên, với thần linh sông núi, thách đố với xã hội và lịch sử! Mao trạch Đông cũng thừa hiểu rằng dân tộc Trung Hoa phải chấp nhận biết bao là gian khổ và hy sinh tinh thần, của cải, vật chất, nhất là phải di dời hàng triệu mái nhà đã chôn sâu nguồn cội, lịch sử, truyền thống gia đình giòng họ qua mấy ngàn năm trong thung lũng bao la ấy, trong vùng thiên nhiên thuộc địa bàn qui hoạch! Có ai ngờ, dự án trên được chấp thuận trên nguyên tắc vào năm 1992, 16 năm sau khi họ Mao qua đời! Một Tỉ 300 triệu người Trung Quốc chính thức khởi công xây dựng dự án trên vào năm 1997 và hoàn tất thành công rực rỡ, thực hiện giấc mộng của Mao Trạch Đông vào năm 2004, hai năm trước kế hoạch!
Đó là bằng chứng có sức thuyết phục nhất về tham vọng của Trung Quốc và phương thức thực hiện tham vọng của họ! Khị đua ra chiến lược “Bồ Câu Hòa Bình”, lãnh đạo Bắc Kinh cũng thấy đồ án và kế hoạch của họ đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta cũng phải biết quyết tâm của họ mãnh liệt chẳng khác nào quyết tâm của Mao Trạch Đông trong kế hoạch thuần hoá con sông Dương Tử để mang lại lợi ích dinh dưởng ngàn đời cho dân tộc Hán! Họ có mưu đồ, họ có cụ bị, chiến lược và chiến thuật, có kế hoạch đoãn kỳ và trường kỳ, tất cả thế giới đang nằm trong qui hoạch của họ, như ta đã thấy!
Đối với Việt Nam, TQ quốc mỗi ngày một hung hãn. Đường lối ngoại giao của TQ đối với Việt Nam, đầy ngang ngược khiêu khích. Về phần chính phủ Việt Nam đương nhiên là thấy rõ bản chất xâm lăng và tham vọng thôn tính VN của TQ. Ta biết TQ muốn những gì, hung hãn đến đâu, tham vọng đến đâu. Nhưng với khối lượng và sức mạnh của 1tỷ 300 triệu con người, ta làm được những gì nếu ta trực diện đấu tranh vũ trang, chính trị với họ, mặc dầu ta biết rõ những ưu và khuyết điểm của họ? Ta có thể ngăn cản, giảm thiểu tham vọng của TQ đến mức độ nào? Hay ta sẽ đập tan hoàn toàn mộng bá quyền của TQ? Hay họ sẽ đè bẹp ta, sẽ khuất phục ta?! Đó là câu hỏi trước sau gì ta cũng phải dứt khoác trả lời. Với tiến trình kinh tế, chính trị và quân đội hiện tại, TQ mỗi ngày một mạnh hơn, mỗi ngày một hung hãn hơn, nguy hiểm hơn! Chiến lược “Bồ Câu Hòa Bình” có tính cách nung nấu thôi thúc vực dậy mộng bá quyền của 1 tỷ 300 triệu Hán tộc! Năm 2007 TQ đã xây dựng khu hành chánh Tam Sa tại đảo Hải Nam nói lên quyết tâm xâm lược Hoàng sa và Trường sa, và sau đó là tóm thâu vùng biển Đông hải và Nam hải. Đó là sự thật hiển nhiên, không chối cải! Hiện tại TQ chưa xoắn tay áo lên thực hiên mộng bá quyền được là TQ đang lo xây dựng thành công cho bằng được Thế Vận Hội tại Bắc Kinh năm 2008. Sau TVH là thời kỳ TQ cần thiết để củng cố dư luận, trang bị tinh thần, đẩy mạnh kinh tế và tăng trưởng GPD gấp đôi hay gắp 3 lần hiện tại. Trung Quốc cũng phải chờ lò vũ khí hạch nhân, nguyên tử và những trung tâm phóng vệ tinh của họ đủ tuổi trưởng thành. Theo Zheng Bijiang, nguyên Trưởng Ban Tổ Chức ĐCSTQ, lúc đó vào khoảng năm 2020! Cuộc chiến giữa TQ với Việt Nam, sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào như nó đã bùng nổ vào năm 79, những năm 80. Nhưng đó là những trận chiến trong giới hạn. Cuộc chiến toàn diện giữa TQ và Việt Nam sớm nhất cũng phải vào năm 2020 hay một vài năm sau đó, nếu theo đúng kế hoạch của Zheng Bijiang. Nghĩ đến thời khỏang này ai cũng phải đặt câu hỏi ta phải làm gì ngay từ bây giờ? Dĩ nhiên là ta cũng phải phát triển kinh tế, củng cố chính trị, tăng cường quân đội, hợp tác với thế giới tích cực xây dựng tổ chức LHQ có nhiều quyền lực hơn, hoạt động hiệu năng hơn…Nhưng vớí trên dưới 100 triệu dân, Việt Nam sẽ làm được gì khi đương đầu với gần 2 tỷ Hán tộc vào thời điểm ấy! Về số lượng họ chiếm thượng phong. Về phẩm chất họ vượt trội hơn ta nhiều lần! Họ còn có đầy đủ vũ trang nguyên tử, hạch nhân và vệ tinh..
Viết đến đây tôi sực nhớ đến thanh nhiên liệu nguyên tử mà ta nhận được từ Nga dưới sự bảo trợ của Hoa kỳ vào tháng 9-2007. Tuy được bảo trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, thanh nhiên liệu nguyên tử này được sản xuất do công ty TVEL ở thành phố Novosibirsk, Nga. Trên lý thuyết thì thanh nguyên tử này thuộc loại nhiên liệu với tốc độ uranium cao (High-enrich-uranium‘HEU’at 36% uranium-235) có thể được dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng nó đã được chế ngự và cải tạo bởi Tổ hợp nguyên tử Russian-American RERTR, thành thanh nguyên tử với tốc độ uranium thấp (Low-enrich-uranium ‘LEƯ’at 20% uranium-235) chỉ đủ khả năng sản xuất năng lượng phụng sự hoà bình! (21)Có điều ta cần suy ngẫm là ta nhận được thanh nhiên liệu nguyên tử này từ tay của hai siêu cường nguyên tử của thế giới, Hoa kỳ và Nga! Đó là sự ngẫu nhiên lịch sử? Không một ai dám chắc như vậy! Có thể có nhiều người nghĩ ngược lại, đó là sự sắp xếp, dàn dựng của lịch sử. Với ý nghĩ này sẽ vực dậy ý chí Việt Nam phải được vũ trang nguyên tử trước năm 2020. Vũ trang nguyên tử Việt Nam, không còn là một mơ ước, một hoài vọng nữa. Vũ trang nguyên tử Việt Nam đã là một nhu cầu thiết yếu, phải được thực hiện. Muốn bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, để được trường tồn cùng nhân loại, Việt Nam cần phải được vũ trang nguyên tử toàn diện trước năm 2020. Trước tham vọng của Trung Quốc, trước diễn biến của chiến lược “Bồ Câu Hòa Bình” của Trung Quốc, vũ trang nguyên tử toàn diện Việt Nam là bức xúc của thời đại Việt Nam hôm nay. Đó là điều không một ai chối cãi được./.
Oak park, Illinois,USA
19/3/2008
Đào Như
Bác sĩ Đào Trọng Thể
Thetrongdao2000@yahoo.com
NGUỒN THAM KHẢO
1- Bí Mật Cuộc Đời Của Mao Trạch Đông-
Nhà Xuất Bản Thế Giới- San Jose-1995
Tác giả: Lý Chí Tuy
2- Mô Hình và Lộ Trình Phát Triển Kinh Tế Của Trung Quốc
Điện báo: Niềm Tin Vào Tương Lai: http://niemtin.free.fr/mohinhtrungquoc.htm
Tác giả: Đào Như
3- China’s “Peaceful Rise” To Great Power Status
Foreign Affairs / October-November-2006
Author: Zheng Bijiang
4- Quan Hệ Trung Quốc Và Phi Châu
Diễn Đàn- Forum/Paris: http://www.diendan.org/the-gioi/trung-quoc-va-chau-phi/
Tác giả: Ngô Vĩnh Long
5- China’s Global Hunt For Energy
Foreign Affairs/ October-November
Authors: Davis Zweig & Bi Jianbai
6- China Puts Muscle To Policy
The Japan Times-12-26-07 http://viet-studies-info/kinhte/China_muscles_policy.shtml
Author: Brahma Chellaney
7- Thủ Tướng Anh Đến Trung Quốc
BBC- VN http://bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/01/080118_uk_china.shtml
Author: James Reynolds
8- Họp Thượng Đỉnh Trung Nhật
BBC.VN: http://bbc.co.uk/Vietnamese/regionalnews/story/2007/12/071228_japan_china.shtml
Author: BBC’s Reporter
9- Thủ Tướng Ấn Độ Tới Trung Quốc
BBC.vn: http://bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/01/080113_china_india.shtml
Author: BBC’s Reporter
10- Mô hình Phát Triển Kinh Tế Ấn Độ
Niềm Tin Vào Tương Lai http://www.niemtin.free.fr/ando.htm
Tác giả: Đào Như
11- ViệtNam- Hãy Vượt Lên Chính Mình
Diễn Đàn Cánh Én 22/Jan/2008
Tác giả: Đào Như
12- Đ/b Đảng CSVN- 15-1-08
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/thegioi/details.asp?topic=42&subtopic=242&ID+BT2112
Tác giả: Phóng Viên
13- Trung Quốc trấn An Hoa Kỳ Về Việc TQ Gia Tăng Quốc Phòng
VOA.com http://www.voanews.com/vietnamese/2008-01-15-voa9.cfm
Author: VOA’s Reporter
14 - Chính Sách Xuất Khẩu Mới Của Mỹ Có Thể Giúp TQ Hiện Đại Hóa Quân Đội
VOA.com http://www.voanews.com/vietnamese/2008-01-03-voa5.cfm
Author: VOA’s Reporter
15- Thủ Tướng Anh Đã Đến Trung Quốc
(See # 7)
16- Trật Tự Thế Giới Mới Theo Trung Quốc- BBC- 01-29-08
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/01/080129_chinesenewstratergic.sh...
Author: Shiron Chen
17- Bắc Kinh Mở Cửa Quá Nhanh- BBC Jan-07-08
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/01/080107_beijing_bulletin.sht...
Author: Michael Brislow
18- Bắc Kinh Mở Cửa Quá Nhanh- BBC Jan-07-08
( see # 17 )
19- Hoa Kỳ Sẵn Sàng Chia Sẻ Thông Tin Với TQ Về Vụ Bắn Hạ Vệ Tinh
VOA.com http://www.voanews.com/vietnamese/2008-02-22-voà.cfm
Author: VOA’s Reporter
20- Bí Mật Cuộc Đời Của Mao Trạch Đông
(see # 1)
21- Hoa Kỳ Giúp ViệtNam Xây Nhà Máy Nguyên Tử Lực Đầu Tiên
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=news&file=article&sid=3907
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét