Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

“Thay đổi thể chế” là thay đổi cái gì? Ai thay đổi? - Trận chiến chính trị Việt Nam nóng dần giữa lúc nền kinh tế chao đảo - Chiến lược bất đối xứng giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trận chiến chính trị Việt Nam nóng dần giữa lúc nền kinh tế chao đảo

Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Theo Agence France-Presse
Việc bắt giữ một trong những ông trùm ngân hàng hàng đầu của Việt Nam phản ánh một cuộc đấu tranh quyền lực trong số các nhà lãnh đạo Cộng sản giữa lục họ đang tìm cách giải quyết những vấn nạn kinh tế đang ngày càng bất ổn tại nước này, các chuyên gia cho biết.
Nguyễn Đức Kiên (ảnh chụp năm 2011), người “bảo trợ” của ngành ngân hàng Việt Nam và là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá ACB Hà Nội. Ảnh: Internet
Ông Nguyễn Đức Kiên, cổ đông tại một số ngân lớn ở Việt Nam và người đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (Asia Commercial Bank – ACB), đã bị bắt giữ vào hôm thứ Hai vừa qua. Tiếp theo ông là cựu giám đốc ngân hàng ACB, Lý Xuân Hải, cũng chính thức bị cơ quan an ninh giam giữ ba ngày sau đó.
Các vụ bắt giữ trên được biết là liên quan đến kinh tế nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào xác định rõ ràng. Vụ việc đã gây ra nhiều hoảng loạn cho giới đầu tư và khách hàng, khiến chỉ số chứng khoáng Việt Nam tụt dốc và giá trị thị trường mất khoảng 5,0 tỷ USD, dẫn đến tình trạng tháo chạy cũng như rút tiền hàng loạt lên đến cả trăm triệu USD tại các chi nhánh ngân hàng ACB.
Nhưng theo báo cáo của nhóm tình báo Stratfor thì “mối quan tâm lớn hơn là tiềm năng đối với các bất ổn chính trị trong nước. . . việc ông Kiên bị bắt có thể biểu hiện sự bất hòa ngày càng gia tăng giữa giới tinh hoa chính trị và phe nhóm [trong Đảng Cộng sản Việt Nam]”.
Ông trùm yêu bóng đá Nguyễn Đức Kiên, năm nay 48 tuổi với mái tóc bạc trắng, được cho rằng có mối quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và con gái của ông – một doanh nhân ngành ngân hàng được đạo tạo ở Thụy Sĩ.
Từ những năm 1990 khi Việt Nam mở cửa kinh tế, quyền lực được dần chuyển từ đảng sang nhà nước – và kể từ khi đảm nhận chức vụ vào năm 2006, ông Dũng được cho là thủ tướng mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.
Ông Dũng, người tái đắc cử nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai hồi đầu năm 2011, đã sử dụng quyền lực để tích cực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế theo mô hình chaebol của Hàn Quốc (mô hình tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình), dựa vào các doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lúc đầu, tốc độ tăng trường hàng năm của Việt Nam tăng lên hơn bảy phần trăm mỗi năm và nhanh chóng trở thành một nơi yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả ngân hàng toàn cầu khổng lồ Standard Chartered, trong đó ngân hàng này sở hữu 15% cổ phần của ACB.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2012 chỉ ở mức 4,4%, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm gần 30% trong cùng thời kỳ và theo ngân hàng nhà nước thì các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang ở “mức báo động”. Tiếp theo đó là một loạt các chỉ gay gắt trích ngày càng gia tăng đối với cách điều hành của ông Dũng.
“Chưa bao giờ xã hội Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều biến động làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và đe dọa sự sống còn của toàn bộ chế độ chính trị như hiện nay”, một cựu phó chủ tịch Quốc hội nay đã về hưu nói với Agence France-Presse.
“Một số nhà lãnh đạo Đảng nay đã mất kiên nhẫn, và cảm thấy đây là thời điểm để hành động nhằm loại bỏ các mối đe dọa đó và lấy lại niềm tin của công chúng”, ông nói thêm với điều kiện yêu cầu được giấu tên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử thủ tướng ngày 26 tháng Bảy, 2011. Ảnh: Báo Người Lao Động
Trong một bài viết gay gắt vào hôm thứ năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – một trong những đối thủ chính trị của ông Dũng – cho biết: “Việt Nam hiện nay đang bị áp lực bởi những đổ vỡ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước”.
Ông chỉ trích “sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” của một bộ phận không nhỏ cán bộ – ẩn ý như đề cập đến ông trùm bầu Kiên với xe Rolls Royce đắc tiền – và kêu gọi cải cách kinh tế cũng như chấn chỉnh lại hệ thống chống tham nhũng.
Một vòng đấu đá mới giữa các phe nhóm đã bắt đầu và “chiến trường chính là cải cách kinh tế và tính trung thực bao gồm cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, và thanh trừng tham nhũng ở quy mô lớn “, ông Carl Thayer – chuyên gia về Việt Nam nói.
“Ông Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang lặp đi lặp lại một điệp khúc cũ nhưng thực tế rằng tham nhũng là một trong những mối đe dọa lớn đối với tính hợp pháp của hệ thống độc đảng tại Việt Nam”, ông Thayer nói.
Sự bất mãn của công chúng về tình hình tham nhũng đang sôi sục và đã nhiều lần nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực trong năm nay.
Trường hợp của một người nông dân sử dụng thuốc nổ tự chế để phản đối công an địa phương cưỡng chiếm đất đai hồi tháng Giêng vừa qua đã được các trang báo đưa lên trang đầu.
Ông Thayer chỉ ra tầm quan trọng trong việc quyết định tước bỏ quyền kiểm soát ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ tay thủ tướng và giao lại quyền hạn này cho Đảng.
Ông Dũng trước đây đã chịu nhiều áp lực đối với các vụ tham nhũng trong các doanh nghiệp nước mà ông đã ra sức thúc đẩy, và trong năm 2010 ông buộc phải chấp nhận trách nhiệm cá nhân cho sự sụp đổ của tổng công ty khổng lồ Vinashin.
Một số nhà quan sát dự đoán rằng trong khi việc bắt giữ ông Kiên sẽ không buộc ông Dũng phải rời ghế thủ tướng nhưng sẽ có thêm nhiều đồng minh của ông Dũng có thể được nhắm làm mục tiêu.
Ông Kiên “có thể là người nổi bật và giàu có nhất” nhưng cho đến nay ông không phải là người đầu tiên và tất nhiên cũng không phải là người cuối cùng, ông Thayer –  giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc nhận xét.
Riêng ông Dũng, các chuyên gia bình luận rằng ông đã đưa ra các biện pháp nhằm tự bảo vệ chính ông, bằng cách đánh giá cao những nỗ lực của công an trong việc điều tra tham nhũng liên quan đến cải cách ngân hàng và kêu gọi trừng phạt thủ phạm “bất kỳ đó là ai”.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

“Thay đổi thể chế” là thay đổi cái gì? Ai thay đổi? (Việt Hoàng)

“…Nếu muốn như vậy thì trước hết chính quyền Việt Nam cần nhanh chóng trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo (theo đề nghị của giáo sư Hoàng Tụy), tiến tới việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại ôn hòa với đại diện mọi tầng lớp nhân dân…”
 
Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là một văn bản khá dài với nhiều nội dung, tuy nhiên một “thông điệp” quan trọng mà dư luận bàn tán và quan tâm nhất đó là “thay đổi thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền…”. Có hai nội hàm đằng sau thông điệp này, một là ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ nói cho vui như bao lần khác và tiếp tục cho người dân Việt Nam ăn bánh vẽ, hai là ông dọn đường dư luận để tiến hành những thay đổi quan trọng như cải cách thể chế... Nếu là trường hợp đầu tiên thì không có gì để nói. Bài viết này là để phân tích những gì mà ông Dũng có thể làm và nên làm trong trường hợp muốn Việt Nam thay đổi.
“Thay đổi thể chế” là thay đổi cái gì? Tất nhiên đó là thay đổi “thể chế chính trị”. Điều này có nghĩa là phải thay đổi tư duy chính trị, từ một thể chế toàn trị mà đảng cộng sản đứng trên và đứng ngoài luật pháp thành một nhà nước dân chủ và pháp trị. Một nhà nước dân chủ dưới cái nhìn của thế giới văn minh là một nhà nước mà trong đó người dân là chủ nhân thật sự của đất nước, vì vậy người dân; thứ nhất: Có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; thứ hai: Có quyền lập hội, đoàn và các tổ chức của riêng mình; thứ ba: Có quyền tự do bầu cử và ứng cử vào các cơ quan công quyền. Mô hình của nhà nước pháp trị tuy có ít nhiều khác nhau nhưng phải dựa trên nền tảng “tam quyền phân lập” giữa ba cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mục đích là để giám sát lẫn nhau, không cơ quan nào được lạm dụng quyền lực.
Sự nhìn nhận dân chủ giữa thế giới văn minh cũng như những người dấn thân cho dân chủ với chính quyền Việt Nam rất khác nhau. Thông điệp của ông Dũng chắc chắn phải do một nhóm cố vấn của ông cùng viết ra chứ không phải một người và thật là ngạc nhiên về sự nhìn nhận của họ về dân chủ. Trong thông điệp có đoạn viết “tăng cường sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân” hay đoạn “dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.v.v. Mấy chục năm nay, chưa cần “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” mà người dân Việt Nam khốn khổ như thế nào thì ai cũng thấy rõ, giờ lại “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của đảng” thì đất nước sẽ đi về đâu? Đổi mới là đổi mới cái gì?
Đảng cộng sản Việt Nam cần phải hiểu rằng đất nước Việt Nam là của chung, là của tất cả 90 triệu người Việt trong nước và gần 4 triệu người Việt ở hải ngoại. Chính vì đất nước Việt Nam là của chung nên nó không thể nào lại đồng thời là “chiến lợi phẩm” hay “phần thưởng” để ban tặng cho ai, hoặc một nhóm người nào đó vì đã từng “có công với đất nước”.  Luận điệu “vì đảng cộng sản có công giải phóng đất nước nên giờ đương nhiên phải cầm quyền vĩnh viễn”, “không có đảng cộng sản thì không có ngày hôm nay”…là những suy nghĩ thiếu hiểu biết, nông cạn và phản động. Nước Việt Nam có lịch sử gần 4000 năm và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử với bao triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… Những vị vua và anh hùng dân tộc trong lịch sử đã có công rất lớn trong việc dành lại độc lập và đánh đuổi ngoại xâm. Hậu thế ghi nhận công lao của họ và lịch sử không bao giờ quên ơn họ nhưng không thể vì thế mà con cháu họ lại có quyền thừa kế…đất nước Việt Nam. Đảng cộng sản cũng không là ngoại lệ. Nếu có công họ sẽ được lịch sử ghi nhận. Nếu họ muốn tiếp tục cầm quyền và lãnh đạo đất nước thì họ phải có chính danh trong hiện tại. Chính danh đó chỉ có được nếu họ được đa số người dân Việt Nam lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng và minh bạch với sự tham gia của tất cả các đảng phái khác nhau.
Không thể nào có được một thể chế “dân chủ độc đảng”, đó là một luận điệu bịp bợm. Đã một đảng lãnh đạo thì không thể có sự cạnh tranh chính trị và người dân không thể lựa chọn cho mình những gì tốt đẹp mà sự cạnh tranh mang lại vì họ không có gì để so sánh. Một đảng lãnh đạo cũng không thể nào tự thay đổi được vì không có áp lực để thay đổi. Đảng là gì? Đảng là tập hợp của những người có cùng chí hướng. Là “đồng chí” với nhau, làm sao có thể đấu tranh dứt khoát với nhau được? Nhất là khi không bị áp lực trừng phạt của nhân dân? Như là mất quyền lãnh đạo.v.v.
Thế nào là đảng cầm quyền? Đảng cầm quyền là một đảng chính trị được người dân tín nhiệm và lựa chọn để quản lý đất nước. Đảng cầm quyền cũng giống như giám đốc điều hành được hội đồng quản trị (tức là người dân Việt Nam) bầu ra để điều hành đất nước. Nếu họ làm tốt thì sẽ được tiếp tục tín nhiệm và lựa chọn, nếu làm dở họ sẽ bị thay thế bởi một đảng chính chính trị (người điều hành) khác. Đảng chính trị (cũng như giám đốc điều hành, họ) được ủy quyền của người dân để điều hành đất nước vì vậy họ chỉ là người “giúp việc cho nhân dân” được nhân dân trả lương và có bổn phận làm tốt công việc của mình. Không có chuyện ơn nghĩa gì ở đây. Những khẩu hiệu như “đảng quang vinh, muôn năm”, “ơn đảng, ơn chính phủ” là những câu lộng ngôn, láo lếu và ngược đời. Không một người làm thuê nào được phép nói với người chủ của mình như vậy. Đánh giá một đảng chính trị tốt hay xấu là do người dân chứ không phải do đảng chính trị đó muốn mà được.
Khi đảng cộng sản “thay đổi” được tư duy như vậy thì cho dù người dân có phàn nàn hay kêu ca gì thì họ cũng phải lắng nghe và sửa chữa. Một trách nhiệm mà các chính quyền dân chủ phải làm thường xuyên đó là “trách nhiệm giải trình”. Bất cứ một thắc mắc hay nghi hoặc gì của người dân (thông qua báo chí) được đưa ra thì nhà nước phải nhanh chóng giải trình một cách thành thật và nhanh chóng để người dân an tâm. Nếu có chuyện bất đồng ý kiến của người dân thì cũng là chuyện đương nhiên, không có chính phủ nào có thể làm hài lòng tất cả người dân của mình, nhưng không thể vì thế mà đàn áp và bịt miệng họ bằng bạo lực. Việc thân nhân các nhà đấu tranh cho dân chủ và bất đồng chính kiến Việt Nam đang bị giam giữ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ là một sự sỉ nhục đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Tại sao nhà nước này lại không lắng nghe tiếng nói của người dân mình? Tại sao quốc hội Việt Nam lại không tạo điều kiện cho họ ra điều trần trước quốc hội mình mà đẩy họ phải vượt đại dương sang tận nước Mỹ để điều trần và kêu gọi lòng từ bi, sự giúp đỡ của người ngoại quốc? Danh dự và thể diện của quốc gia đã bị đảng cầm quyền vứt vào sọt rác như vậy sao? Một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xử sự như vậy sao?
Nếu ông Dũng và chính phủ Việt Nam không thay đổi tư duy chính trị theo cách nhìn nhận của thế giới văn minh thì mọi lời kêu gọi đổi mới đều vô ích và nhanh chóng gặp thất bại. Bất cứ sự thay đổi nào, đầu tiên và trên hết là phải đem lại quyền lợi cho người dân sau đó mới đến chính phủ. Lòng dân có an thì chính quyền mới ổn vững. Mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa đã thất bại thật sự trên thực tiễn lẫn trong lý thuyết. Thay đổi là đòi hỏi tất yếu của lịch sử và đó cũng là qui luật của tự nhiên. Những cái gì không phù hợp đương nhiên sẽ bị đào thải. Ông Dũng không còn nhiều lựa chọn: “Ông sẽ chỉ còn hy vọng thoát hiểm nếu dám nhanh chóng và táo bạo đứng hẳn vào hàng ngũ dân chủ, đáp ứng một cách quả quyết nguyện vọng dân chủ của nhân dân để được nhìn nhận như là một nhịp cầu cần thiết bắc sang kỷ nguyên dân chủ” (Nguyễn Gia Kiểng-Trước hết là một thái độ).
Nếu muốn như vậy thì trước hết chính quyền Việt Nam cần nhanh chóng trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo (theo đề nghị của giáo sư Hoàng Tụy), tiến tới việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại ôn hòa với đại diện mọi tầng lớp nhân dân. Công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của người dân. Chấp nhận đối thoại với các đảng chính trị của người Việt trong và ngoài nước tiến tới việc thừa nhận đa nguyên chính trị và đối lập dân chủ. Kiên quyết và thành tâm chấm dứt mọi hình thức sử dụng bạo lực đối với người dân, nhất là đối với những người bất đồng chính kiến. Một việc mà chính quyền cần làm ngay là nhanh chóng xét xử tên Lê Văn Điệp, phó công an xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội vì tội “lợi dụng chức quyền, đánh người gây thương tích nghiêm trọng” mà nạn nhân là ông Huỳnh Ngọc Tuấn.
Để làm những việc trên là không hề đơn giản, nhưng ông Dũng có thể làm được vì ông nắm được quân đội, công an và kinh tế. Quan trọng nhất là nếu ông Dũng thay đổi thật sự thì ông sẽ nhận được ủng hộ của toàn thể nhân dân Việt Nam và đó mới là sức mạnh thật sự. Lực cản từ trong nội bộ đảng cộng sản và các nhóm lợi ích là rất lớn, tuy nhiên thay đổi để tiếp tục tồn tại trong vinh quang như giới lãnh đạo quân đội tại Miến Điện sẽ tốt hơn rất nhiều so với số phận của Mubarak (Ai Cập) hay Gaddaphi (Lybia).
Những việc của ông Dũng thì ông phải làm, không ai làm thay ông được. Còn đối với nhân dân Việt Nam nói chung và tầng lớp trí thức tinh hoa Việt Nam nói riêng thì chúng ta có việc của chúng ta và chúng ta cũng phải tự làm chứ không ai làm thay chúng ta được. Không thể ngồi “há miệng chờ sung” hay đặt mọi hy vọng vào sự “dấn thân” của ông Dũng. Chúng ta cần “thẳng thắn và dứt khoát” rằng: Dân chủ không phải là một khuynh hướng chính trị mà là một quyền. Và đã là quyền thì chỉ có đòi hỏi chứ không thể thảo luận hay nhân nhượng. Người cần khiêm tốn và cần tranh thủ sự ủng hộ là họ, người người lãnh đạo cộng sản muốn đổi mới chứ không phải là chúng ta. Chúng ta là chủ nhân của đất nước vì vậy chúng ta phải tiếp tục đòi hỏi những quyền lợi chính đáng thuộc về chúng ta. Dù chưa mạnh nhưng chúng ta là một tương lai bắt buộc sẽ đến và họ là những người đang bơi ngược dòng lịch sử. Chúng ta sẽ đến đích dù họ có muốn hay không muốn. Nếu họ (những người cộng sản) muốn dân chủ cho Việt Nam và chia sẻ cùng một khái niệm về dân chủ như chúng ta thì chúng ta sẽ đồng hành cùng họ.
Cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ cho Việt nam là một cuộc đấu tranh bằng sự chính nghĩa, trí tuệ và nhân cách. Vì thế nó phải xuất phát từ tầng lớp trí thức và phải do trí thức lãnh đạo, dẫn dắt. Cuộc thay đổi này cần và nên diễn ra trong hòa bình vì vậy vai trò dẫn đường của giới trí thức tinh hoa là rất quan trọng. Việc nhanh chóng xuất hiện một tổ chức đối lập chính trị hùng mạnh làm đối trọng, để giúp và buộc đảng cộng sản phải thay đổi như Miến Điện là rất quan trọng. Tất cả những ai có điều kiện (có hiểu biết về chính trị, muốn tham gia vào chính trường để thay đổi xã hội và phụng sự nhân dân…), thì nên tham gia vào một đảng chính trị dân chủ, nhất là những người có uy tín trong xã hội và không bị gặp khó khăn khi xuất hiện công khai. Những bạn trẻ nếu chưa thật sự tự tin thì, trước mắt, hãy tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự, tập làm việc trong môi trường có tổ chức, có mục đích và có lý tưởng rõ ràng. Nên dành thời gian tìm hiểu về các tổ chức chính trị để có thể ủng hộ và giới thiệu họ đến với người dân. Dù bất cứ hoàn cảnh nào thì cuộc đấu tranh này phải đi qua giới trí thức tinh hoa, nhất là giới trí thức trẻ, những người có tư duy độc lập và chưa “nợ nần” gì chính quyền như lớp trí thức lớn tuổi.
Thông điệp mà chúng ta gửi đến đảng cộng sản đó là: Dân chủ là quyền và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam vì vậy chúng tôi sẽ làm tất cả để dành lấy nó, dù đảng cộng sản có ủng hộ hay không.
Việt Hoàng

Chiến lược bất đối xứng giữa Việt Nam và Trung Quốc

Đặng Khương chuyển ngữ
Gary Li, Defense News
Vào ngày 17 tháng Một vừa qua, Việt Nam đã công bố tàu chiến tự chế đầu tiên của nước này. Dường như các thay đổi có rất nhiều điểm giống tàu hộ tống Tarantul của Nga, tuy nhiên, chiếc tàu mới này được trang bị các tên lửa và hệ thống súng pháo tương đối khá tối tân.
Tàu pháo hiện đại đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất. Ảnh: QĐND
Mặc dù kỹ thuật của Việt Nam vẫn chưa gây nhiều ấn tượng so với các tiêu chuẩn tàu chiến hiện đại, nhưng sự công bố này phản ánh sự nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển hải quân ở khu vực nhằm cạnh tranh với lực lượng ngày càng tăng của nước hàng giềng lớn hơn, Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam dường như đã mạnh tay hơn đối với các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, họ cũng đang phải đối mặt với các thiếu hụt năng lượng, và tương tự như Trung Quốc trong quá trình cải cách, họ cũng đang thèm khát các nguồn tài nguyên phong phú này. Một số mỏ dầu lớn ngoài khơi của Việt Nam, chẳng hạn như Bạch Hổ, được dự kiến ​​sẽ cạn kiệt vào năm 2020, do đó làm tăng thêm nhu cầu khám phá và đi sâu ra ở các lưu vực mới một cách cấp bách hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng minh rằng họ sẽ sẵn sàng và có thể làm gián đoạn tất cả các hoạt động này thông qua các nỗ lực kết hợp giữa Hải quân và các lực lượng bán quân sự đặc trách vùng biển. Nước này đang ra sức để đạt được mục tiêu bá chủ Hải quân vào năm 2050, với tàu sân bay đầu tiên đã được đưa vào thử nghiệm trên biển cách đây không lâu.
Trong khi nhiều dự đoán và nỗ lực được tập trung vào sự phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc trong một thập kỷ qua, thì ít có ai để ý đến các tham vọng quân sự ngày càng gia tăng của Việt Nam. Trong năm 2009, Việt Nam đã mua 6 chiếc tàu ngầm tấn công với động cơ diesel loại Kilo của Nga với khoảng $3,2 tỷ USD, một số tiền đáng kể trong ngân sách quốc phòng của nước này và là hợp đồng xuất khẩu hải quân lớn nhất của Nga.
Hồi cuối năm 2011, nhà máy đóng tàu Schelde của Hà Lan đã ký với Việt Nam các hợp đồng xây dựng bốn tàu hộ tống loại Sigma, trong đó 2 chiếc sẽ được xây dựng trong nước nhưng nằm dưới sự giám sát của Hà Lan.
Cho tới thời điểm này, Hải quân Việt Nam không phải là cơ quan duy nhất được nâng cấp hạm đội. Cảnh sát biển Việt Nam (VMP) đã mua một số tàu tuần tra nước ngoài từ các tập đoàn Damen của Hà Lan, trong đó bao gồm cả loại hơn 1.000 tấn và có thể mang theo máy bay trực thăng, và đây sẽ là tàu lớn nhất của VMP. Việc này sẽ cung cấp năng lực đáng kể cho VMP trong việc đối trọng lại với số lượng tàu 1.000 tấn cộng với Cơ quan Giám sát hàng hải của Trung Quốc ở Biển Biển Đông.
Đây chưa phải hoàn toàn là các điểm chính. Hợp đồng này còn bao gồm các sản xuất được cấp phép và xây dựng các cơ sở bảo trì chuyên ngành, cùng lúc họ cũng đang giúp Việt Nam thiết lập các ngành nghiên cứu hải quân và phát triển cơ sở hạ tầng. Và thời điểm thuận lợi này cũng giúp Việt Nam có lợi thế hơn trong lúc Trung Quốc không có khả năng mua vũ khí nhập từ nước ngoài (do lệnh cấm vận hoặc lo ngại ‘sao chép kỹ thuật’, như trong trường hợp với nước Nga), cũng như Việt Nam đã đề ra các chiến lược liên minh với đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ.
Ấn Độ tuyên bố hồi tháng Chín năm 2011 rằng họ sẽ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam, trong lúc Việt Nam đã có hệ thống phòng chống ven biển, kể cả hệ thống Bastion của Nga. Đây có lẽ không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Ấn Độ đã thực hiện quyết định này, trong lúc một công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ (ONGC) đưa ra công bố kế hoạch để cùng Việt Nam khám phá và phát triển các mỏ dầu ở ngoài khơi Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam đào tạo các chuyên gia cho các tàu ngầm Kilo mới, dự tính sẽ được chuyển giao vào năm 2014.
Tuy nhiên, điều hợp lý để tự hỏi rằng phải chăng những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua đều là vô ích. Hải quân Việt Nam đã không bao giờ có uy tín nhiều như phía quân đội, lực lượng chính trong việc quyết định cuộc chiến Việt Nam đẫm máu ở thế kỷ trước.
Trong buồng lái tàu HQ-272 – Ảnh: QĐND
Nhưng hướng này hình như đang được thay đổi, và các nhà nước Việt Nam đang nổ lực  tuyên truyền cũng như phấn đấu để tăng khả năng tuần tra của các lực lượng biển, đặc biệt là trong các đơn vị đồn trú tại quần đảo Trường Sa.
Sự tăng trưởng Hải quân này nhằm mục đích để chuẩn bị cho các khả năng xung đột trong tương lai ở ngoài khơi [Biển Đông]. Kinh phí cho lực lượng Hải quân cũng đã tăng lên đáng kể trong vài năm gần đây.
Về mặt chiến lược, Việt Nam thực sự có lợi thế hơn nhiều so với Trung Quốc. Lâu nay Việt Nam miêu tả mình như một kẻ yếu trước thế giới, nhưng thực sự họ lại sở hữu phần lớn các đảo tại quần đảo Trường Sa đang có nhiều nước tranh chấp, trong khi Trung Quốc chỉ có một nửa các rạn san hô và các bãi đá ngầm. Trong khi hạm đội Trung Quốc không ngừng mở rộng cùng với kỹ thuật tiên tiến thì họ phải cũng trải qua một khoảng cách [đường biển] khá rộng để có thể đặt chân lên các vùng mà họ tuyên bố có chủ quyền.
Mặt khác, Việt Nam  đang tuyên bố chủ quyền với một khu vực có thể nói là ngay trước cửa nhà của họ. Đội bay của các hạm đội và tàu ngầm với tên lửa có thể tấn công và rút lui vào các cảng khá dễ dàng, trong khi hạm đội Trung Quốc có thể bị thiệt hại hoặc bị tiêu diệt trước khi về lại các cảng ở xa bờ.
Việt Nam không cần phải cạnh tranh để có đủ số lượng tàu hải quân với Trung Quốc, nhưng thay vào đó họ có thể sự dụng giáo lý chiến tranh du kích ở ngoài khơi Biển Đông. Một chiến lược tuy không đối xứng, nhưng kết hợp với các liên minh kịp thời, cùng lúc cũng là các đối thủ của Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ được chuẩn bị tốt cho cuộc xung đột sắp tới. Cho dù điều này hóa ra là một cuộc chiến tranh ‘tâm lý’, thì các khả năng thương thuyết và quyết định vẫn phải được mang mổ xẻ ở hội nghị bàn tròn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ đảm bảo họ có tất cả các lá bài tốt nhất trước khi ngồi xuống để đàm phán ở hội nghị bàn tròn.
Gary Li là người đứng đầu của về Phân tích Chuyên ngành Hàng hải & Dự báo Hàng không, tại London.
© 2012 Bản tiếng Việt TCPT

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét