Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

‘Tọa sơn quan hổ đấu’ - Đọc báo của Đảng dân biết tin ai? - Chuyện đi theo lề trái lề phải

‘Tọa sơn quan hổ đấu’

Lê Diễn Ðức
Chúng ta còn nhớ, ông Nguyễn Bá Thanh, phó ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã không hề thông báo trước, “bất ngờ xuất hiện” ở phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm vào sáng Thứ Bảy ngày 14 tháng 12, 2013.Ông Dương Chí Dũng khai trước tòa rằng, vào khoảng 18 giờ ngày 17 tháng 5 năm 2012, “có một người quen” đã báo cho ông biết ông “đã bị khởi tố, sẽ bị bắt và cần đi tránh xa”. Tuy nhiên, việc này ông Dũng nói đã khai tại cơ quan điều tra và “xin phép không khai tại tòa”.

Dương Chí Dũng vẫn nhận bản án tử hình sau thái độ có vẻ thách thức và nhạo báng công lý bằng nụ cười khi nói chuyện với công an trong phiên tòa và bình thản đọc thơ trước hội đồng xét xử.

Trong phiên tòa ngày 7 tháng 1, 2014 ông Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt trong một phòng theo dõi riêng. Không biết thực chất ông Nguyễn Bá Thanh có hứa hẹn hay cam kết gì, hoặc giả cùng đường trước tội chết mà trâu đầm vấy bùn, Dương Chí Dũng đã khai ra mối quan hệ với ông thượng tướng, thứ trưởng Bộ Công An và trưởng ban điều tra chuyên án Vinalines, Phạm Quý Ngọ.

Dương Chí Dũng khai đã đưa cho Phạm Quý Ngọ 510 ngàn đôla và 1 triệu đôla liên quan tới việc chuyện “đổi công năng cảng Sài Gòn” của công ty Vạn Thịnh Phát, trong đó có sự can dự của Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang và một số nhân vật khác. Lời khai của Dương Chí Dũng đã góp phần dẫn đến một vụ án mới, vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.

Cựu trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, ông Nguyễn Ðình Hương khẳng định: “Tội làm lộ bí mật quốc gia về vụ án để tội phạm chạy trốn là tội rất lớn, lớn hơn tội nhận hối lộ”. “Cộng thêm nguyên nhân của việc làm lộ bí mật này không phải vì tình cảm gia đình, không phải anh em mà xuất phát từ một cục tiền thì lại càng nghiêm trọng”, ông Hương nhấn mạnh, theo tờ Vietnam.net.

Mặc dù lời khai chưa phải là chứng cớ pháp lý, nhưng thực sự câu chuyện đã làm rung chuyển tháp ngà. Những người có liên quan, thuộc lực lượng an ninh, đều là thân hữu của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong thực tế, ông Nguyễn Tấn Dũng là người trực tiếp chỉ đạo các dự án lớn của tổng công ty Vinalines, mà ụ nổi 83 M chỉ là một phần nhỏ trong sự thất thoát, nợ nần hàng tỷ đôla của Vinalines.

Tưởng cũng nên nhớ lại rằng, 6 tháng 2 năm 2012, khi Cục Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm về Tham Nhũng (C48) tiến hành điều tra tại Vinalines, thì ông Dương Chí Dũng, được thủ tướng cho thôi chức chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines để bộ trưởng giao thông bổ nhiệm giữ chức cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, đúng với “quy trình”!

Ngày 17 tháng 5 năm 2012, C48 đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, tổng giám đốc Vinalines. Dương Chí Dũng đã bỏ trốn và bị truy nã.

Ngày 22 tháng 5 năm 2012, C48 thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án tham ô tài sản trong việc lựa chọn nhà thầu mua ụ nổi 83M và lập, phê duyệt dự án xây dựng nhà máy tàu biển phía Nam xảy ra tại Vinalines. Tuy nhiên, ban chỉ đạo chống tham nhũng vẫn còn trực thuộc ông Nguyễn Tấn Dũng, nên vụ án có vẻ như được để yên.

Phạm Quý Ngọ leo lên các bậc thang danh vọng khá nhanh và êm ái. Từ thường vụ tỉnh ủy, ủy viên UBND tỉnh Thái Bình, đại tá, giám đốc công an tỉnh, ngày 14 tháng 2 năm 2006, được thủ tướng quyết định thăng quân hàm thiếu tướng, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Nhân Dân; ngày 11 tháng 7 năm 2006, được đề nghị bổ nhiệm kiêm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, thay thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, người điều tra vụ án PMU 18; ngày 28 tháng 1 năm 2008, được thủ tướng tấn phong tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Nhân Dân, Bộ Công An; từ ngày 1 tháng 1, 2010 làm tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm; ngày 12 tháng 8 năm 2010, được bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Công An và ngày 18 tháng 1, 2011 trở thành ủy viên trung ương đảng khóa XI; ngày 22 tháng 7 năm 2013, được thăng cấp thượng tướng.

Tướng Ngọ đã từng là đạo diễn của kịch bản lấy khu đất vàng là trụ sở của Tổng cục Cảnh sát giao cho đại gia Thái Bình Tiền Còi. Là thân hữu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy chưa phải nằm ở cung bậc cao nhất, nhưng là mắt xích quan trọng của cả đường dây lợi ích.

Nhắm vào tướng Ngọ có nghĩa là cuộc chơi đã ngã ngũ. Phe Nguyễn Phú Trọng-Nguyễn Bá Thanh muốn dùng con bài Vinalines để kéo cái uy của Nguyễn Tấn Dũng xuống. Chính vì thế, báo chí được bật đèn xanh, cho phép rộng rãi loan tin ra công luận lời khai của Dương Chí Dũng, không chỉ tường thuật mà còn được ghi âm, ghi hình.

Cuộc so găng giữa các phe phái trên thượng tầng của đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) đã từng diễn ra căng thẳng tại các hội nghị trung ương 6 và 7 khóa 11 với thắng lợi đảo ngược của ông Nguyễn Tấn Dũng và sự ê chề của phía Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ðôi lúc cho ta cảm tưởng như ông Trọng mất hết tự tin của một người đứng đầu đảng mà không có thực quyền, bị thao túng. Tham vọng hết nhiệm kỳ thủ tướng vào năm 2016 sẽ leo lên chức tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước với quyền hành rộng hơn (mà hiến pháp 2013 mới quy định) của ông Nguyễn Tấn Dũng có lẽ làm khó chịu nhiều đối thủ chính trị.
Vụ án Vinalines và vụ “Bầu Kiên” của ngân hàng ACB, là những bản nhạc đầu tiên cho khúc hợp xướng phản công lại phe Thủ Tướng Dũng.

Ngày 9 tháng 1 năm 2014, tòa án Hà Nội quyết định trả hồ sơ vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB và yêu cầu bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết chưa được sáng tỏ. Cùng lúc, ban chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo sẽ giám sát Ngân Hàng Nhà Nước nhằm ngăn ngừa tiêu cực tại một số ngân hàng trong năm 2014.

Không ai lạ gì Bầu Kiên, một bố già sành sỏi và có quan hệ vào loại thượng thừa với các quan chức nhà nước trong lĩnh vực an ninh-tài chính-ngân hàng. Tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, vừa mới về hưu, là cố vấn của Nguyễn Tấn Dũng, cũng đồng thời là cố vấn của Bầu Kiên. Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cũng có quan hệ thân cận với Bầu Kiên. Nhưng âm mưu thâu tóm ngân hàng, lừa đảo chứng khoán, buôn vàng ảo, v.v... của Bầu Kiên không thể không có sự tiếp tay của các thế lực quyền-tiền trong cả hệ thống.

Toàn bối cảnh cho thấy không có lĩnh vực kinh tế nào mà không có bàn tay lông lá của hệ thống an ninh, công an, sân sau vững chắc của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, “tọa sơn quan hổ đấu”, chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, đây chỉ là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng quyền lực trong nội tình của ÐCSVN khi mà Nguyễn Tấn Dũng nổi lên với mức độ lộng quyền và lạm quyền thái quá. Từ hồi thập niên 50 của thế kỷ trước, cuộc tranh đua giữa Lê Duẩn và Hồ Chí Minh cũng đã diễn ra quyết liệt, âm thầm. Những đòn thù thanh trừng nội bộ tàn bạo của tập đoàn Lê Duẩn-Lê Ðức Thọ là vết nhơ trong lịch sử của ÐCSVN. Thời Lê Ðức Anh-Ðỗ Mười, các phe phái cũng gây chia rẽ ghê gớm...

Muốn vụ án được làm tới nơi tới chốn thì phải lập ban chuyên án để điều tra. Ban chuyên án này có thể là một ủy ban thuộc Quốc Hội, cũng có thể thuộc ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương. Nhưng muốn gì thì vẫn phải thông qua Bộ Chính Trị, nơi mà đa số thành viên nằm trong phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng.

Cuộc chiến này sẽ chẳng mang lại thay đổi tốt đẹp gì cho tiến trình dân chủ của Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng là một người mác-xít bảo thủ. Bản thân Nguyễn Bá Thanh tay cũng đã nhúng chàm trong một số dự án ở Ðà Nẵng mà Bộ Công An đã từng hủy bỏ hồ sơ không khởi tố. Tới một giới hạn nào đó, cùng lắm có thể làm suy giảm ảnh hưởng của Nguyễn Tấn Dũng, chặt vây cánh của ông ta và cảnh báo.

Rồi quân cờ sẽ được sắp xếp trở lại bình yên. Trong vụ án Năm Cam, thứ trưởng Bộ Công An Bùi Quốc Huy, trung tướng, tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh, bị đi tù và được giảm án nhanh chóng để về “vui thú điền viên” trong vòng chưa tới hai năm. Trái đất vẫn chậm chạp quay, sông vẫn hiền hòa đổ nước ra biển cả, người dân vẫn sống trong tình trạng cam chịu.
Phạm Quý Ngọ, thậm chí cao hơn, Ðại Tướng Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Ðại Quang, nếu có mệnh hệ gì, cũng sẽ chỉ đến mức đó. Không đi sâu hơn được nữa! Mục đích là chỉ triệt hạ uy tín nhau, kẻ nọ kéo người kia xuống, nhưng sẽ không làm đổ bể bàn ngọc. Ðảng ta vẫn “quang vinh” và lãnh đạo. Sẽ chẳng có chức chủ tịch nước kiêm tổng bí thư vào đại hội 12! Bối cảnh phe phái hiện nay sẽ không cho ra đời một kịch bản như thế. Nguyễn Tấn Dũng càng không xứng với chức vị ấy! Nhưng cơ cấu quyền lực tay ba chủ tịch nước-tổng bí thư-thủ tướng qua cuộc chiến sẽ được xác lập lại hợp lý.

Kami - Đọc báo của Đảng dân biết tin ai?

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay thông tin là thứ tài nguyên vô giá, vì nhờ biết đến các thông tin người dân có sự hiểu biết về các mặt của đời sống xã hội và kết quả cuối cùng là tạo tiền đề để làm cho xã hội phát triển vượt bậc. Song thông tin nói trên là các thông tin tốt, đa dạng, đa chiều được chọn lọc một cách khoa học nhưng không mang mục đích nhằm bưng bít sự thật. Vì ai cũng biết đằng sau của sự độc quyền thông tin bao giờ cũng là hình bóng của kẻ độc tài.

Thể chế chính trị hiện nay của Việt nam là một nhà nước theo chế độ chính trị XHCN với ý thức hệ chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với mô hình chính trị nhất nguyên chống đa nguyên, với duy nhất một đảng chính trị có quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì thế các lãnh đạo ở Việt nam không ngại ngần để thẳng thừng tuyên bố rằng họ không chấp nhận cho báo chí tư nhân tồn tại, vì theo họ thông tin là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến sự ổn định của chế độ nên phải được độc quyền của đảng. Đó là lý do vì sao mà dư luận cho rằng Việt Nam hiện có hơn 800 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình và hàng trăm báo, trang tin điện tử... nhưng có chung một Tổng Biên tập.

Tuy vậy các thông tin từ báo chí Việt nam nhiều khi cũng khiến bạn đọc hoang mang, không biết đâu là sự thật. Cùng một vấn đề, một nội dung song các lãnh đạo đảng và nhà nước nói theo một cách hoặc mỗi tờ báo lại nhìn nhận vấn đề không giống nhau. Điều đó nhiều khi khiến bạn đọc nghi ngờ tư cách của những người đứng đầu nhà nước, nếu không muốn gắn cho họ hai chữ phản động. Xin được dẫn 02 ví dụ mới nhất:
1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có hành động phạm pháp do xuyên tạc Hiến pháp?
Trong những ngày đầu năm mới năm 2014, một sự kiện chính trị được báo chí, dư luận xã hội quan tâm, và được các nhà bình luận đánh giá cao đó là Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bản Thông điệp đầu năm mới được báo Tuổi trẻ, một tờ báo lớn chạy title "Đổi mới thể chế, mở rộng dân chủ" có lẽ là title ngắn gọn, chính xác nhất về ý nghĩa và nội dung của bản thông điệp này.
Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN được đánh giá như là một luồng gió mới mang lại nhiều hứa hẹn về vấn đề cải cách chính trị. Một vấn đề được coi là cấp bách trong bối cảnh thể chế chính trị cũ không có khả năng đáp ứng năng lực cạnh tranh của Việt nam trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mà theo ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì "Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại."  . Và cũng theo Thủ tướng nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân. Điều đó đã thể hiện một lý luận phù hợp với thực tiễn Việt nam, đồng thời nó cũng cho người ta thấy nguyên nhân vì sao cho dù đã mở cửa cải cách về kinh tế 27 năm, song Việt nam không thể hóa Rồng, hóa Hổ như các quốc gia khác ở châu Á trong lúc họ chỉ cần một thời gian ngắn hơn như vậy.
Theo định nghĩa, thể chế chính trị hay chế độ chính trị là những quy định luật lệ của một chế độ xã hội, và là sự tổ chức pháp lý các chuẩn mực xã hội, sự thiết lập các tổ chức nhà nước và xã hội. Người ta ví thể chế chính trị là nền tảng của một căn nhà. Và Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia dân tộc, đó là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Chỉ có Hiến pháp là văn bản pháp lý chính trị cao nhất và duy nhất có khả năng ấn định thể chế chính trị cho một nhà nước.
Những đòi hỏi của Thủ tướng Dũng thông qua bản Thông điệp đầu năm mới hoàn toàn không hề đơn giản, nó không chỉ chỉ ra những bất cập của thế chế chính trị hiện tại mà theo ông Dũng cần phải đổi mới. Quan trọng hơn điều mà Thủ tướng nêu lên là đổi mới thể chế xảy ra vào đúng ngày bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Việc này dễ cho người ta nghĩ rằng ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gián tiếp phê phán và muốn hủy bỏ bản Hiến pháp mới nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam để viết lại một bản Hiến pháp mới có nội dung phù hợp hơn. Theo từ điển tiếng Việt từ cải cách có nghĩa là sửa đổi cái cũ đã trở thành lạc hậu để cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình. Do vậy khi Thủ tướng kêu gọi cải cách thể chế thì gián tiếp ông Thủ tướng đã cho rằng thể chế chính trị hiện nay của Việt nam nay là lạc hậu và không còn phù hợp.
Gần đây, ngày Chủ nhật 12.01.2014, trong mục "Chống Diễn biến Hòa bình" báo Quân đội Nhân dân - Cơ quan của Quân ủy TW và Bộ Quốc phòng có bài viết "Phủ nhận và xuyên tạc Hiến pháp là phạm pháp" của tác giả Bắc Hà và Linh Nghĩa. Điều đáng chú ý là bài viết ngày xuất hiện sau đúng 02 tuần khi Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đời và điều đó khiến cho người ta phải đặt câu hỏi phải chăng đó là tín hiệu chuyển tới và ngầm phê phán mạnh mẽ Thủ tướng. Nhất là khi bài viết cho rằng đó là điều "không thể chấp nhận được cả về mặt chính trị, pháp lý và đạo lý. Sự xuyên tạc Hiến pháp trên thực tế là hành động phạm pháp." (!?).
Nếu hiểu theo báo QĐND thì nghiễm nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một người đứng đầu Chính phủ đã có hành động phạm pháp do xuyên tạc Hiến pháp. Vì thế nên không thể chấp nhận được cả về mặt chính trị, pháp lý và đạo lý. (!?)
2. Việt nam có hay không báo lá cải?

Hiện tượng các trang báo lá cải là khuynh hướng đang phát triển của không ít tờ báo chạy theo lợi nhuận, để thu hút bạn đọc những tờ báo này sẵn sàng đưa các tin tức rẻ tiền hòng để lôi kéo một số đông bạn đọc ít hiểu biết hoặc có những nhu cầu tìm kiếm các thông tin có chuẩn mực đạo đức dưới chuẩn. Hiện tượng này có hay không thì có lẽ ai ai cũng biết, thậm chí người ta còn có thể chỉ ra đích danh những tờ báo "bẩn" trong số các tờ báo chạy theo xu hướng này.
Ngày 21.11.2013 báo Dân trí có bài viết "Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Việt Nam không có báo lá cải". Theo đó bài báo cho biết, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son, Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đã nêu nhiều biểu hiện, tác động tiêu cực của báo lá cải đối với giới trẻ, bà Trang băn khoăn, những biểu hiện phức tạp về tội phạm vị thành niên hiện nay có bắt nguồn từ xu hướng không lành mạnh này. Và Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang chất vấn bằng câu hỏi: “Trả lời phỏng vấn vừa qua, Bộ trưởng có đề cập nguyên nhân dẫn đến việc này là từ công tác quản lý báo chí của nhà nước. Thời gian tới, Bộ chủ trương làm gì để chấm dứt tình trạng này?”
Bộ trưởng TT-TT đã trả lời rằng: “Đối với nhà nước ta hiện nay, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của nhân dân nên phải khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. Tuy nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đây là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải chứ Việt Nam không có báo lá cải”.
Và ngày 15.1.2014, báo Tiền phong có bài viết "Không thể để báo lá cải hoành hành" mà theo báo Tiền phong cho biết "Trước thực trạng một số đơn vị báo chí thiên về khai thác mặt trái, giật gân nhằm câu khách, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định: “Điều này ảnh hưởng đến uy tín nền báo chí cách mạng, làm công chúng bức xúc". Theo đó bài báo cho biết ngày 14.1.2014, tại Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp của báo chí cho sự nghiệp phát triển chung, ông Đinh Thế Huynh thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót. Trong đó ông Đinh Thế Huynh đã nhắc tới thực trạng một số cơ quan báo chí vì chạy theo lợi ích kinh tế một cách phi văn hóa, vô trách nhiệm với xã hội; buông lỏng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống; thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót ở mức nghiêm trọng, không thể khắc phục hậu quả. Trưởng Ban Tuyên giáo nói. “Không thể để tình trạng các báo có xu hướng lá cải tiếp tục hoành hành. Và những người làm báo phải dũng cảm, biết hy sinh, dám từ bỏ nếu có lợi ích trong việc ra đời những phụ trương, những “ấn phẩm bẩn”.

Hai thông tin trên trái ngược nhau hoàn toàn, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son bảo không có báo lá cải, nhưng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định là có thì bạn đọc biết tin ai nói đúng?
Còn nhớ tại Hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo sáng 9.1.2013 tại Hà Nội, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên giáo là: “Mỗi người nghĩ một khác, mỗi người thích đi một hướng thì làm sao chở con đò sang sông được”. Nếu lấy câu nói này của ông Tổng Bí thư đem ra để soi hai trường hợp ví dụ nêu trên, để thấy mức độ đáng tin cậy trong các tin tức của nền báo chí cách mạng Việt nam ở mức độ nào?
Và quan trọng hơn là người dân nếu chỉ đọc duy nhất báo của đảng thì sẽ biết tin vào ai?
Ngày 15 tháng 01 năm 2014
© Kami
(Blog Kami)

Nguyễn Tiến Dũng - Chuyện đi theo lề trái lề phải

Thiên tài không đi lẫn với bầy cừu… nhưng vẫn phải đi theo lề tạo ra bởi các… con ngựa !

Đây là chuyện về lịch sử hình thành nguyên tắc đi xe bên trái hay bên phải ở các nước trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, có xấp xỉ 2/3 số nơi trên thế giới là đi theo nguyên tắc bên phải, còn 1/3 là theo nguyên tắc bên trái. Tuy nhiên, trong lịch sử, không phải lúc nào cũng như vậy. Và các nguyên tắc này không phải do người nào bịa ra, cũng chẳng phải do “Napoleon ép đặt”, mà là do các con ngựa tạo thành!

Thời đế chế la mã, có các tuyến đường đá được xây nối rất nhiều các thành phố khác nhau ở châu Âu và vùng bắc Phi quanh Địa Trung Hải. Phương tiện vận tại chủ yếu trên các con đường đó là xe ngựa. Những người đánh xe ngựa thường thuận tay phải, cầm roi ngựa tay phải, quất vào lưng con ngựa từ phải sang trái, trong khi tay trái giữ dây kéo cổ ngựa. Để tránh tai nạn xảy ra do quất roi vào người đi hướng ngược lại, thì các con ngựa phải đi theo lề bên trái, roi quất ra phía ngoài đường. Các nhà khảo cổ, khi phân tích các con đường lã mã còn lại, cũng công nhận lý thuyết đi theo lề trái này là đúng. Ví dụ tại các mỏ đá La Mã, đường phía bên trái lún hơn đường phía bên phải, và phía lún phải là đường đi ra, vì xe nặng hơn nhiều so với khi đi vào.

Sau khi đế chế la mã sụp đổ, nhiều đoạn đường bị dân các thành phố phá đi, vì không muốn dân ngoại lai sử dụng các con đường đó đến quấy rầy. Tuy nhiên, kiểu đi theo lề trái vẫn còn lại, và tồn tại ở Anh cho đến ngày nay.

Cũng từ thời La Mã, khoảng cách giữa các bánh xe cùng trục của cỗ xe ngựa đã được chuẩn hóa để tiện đi lại trên các con đường (tạo thành rãnh cho các bánh xe). Khi nước Anh bắt đầu có đường tầu hỏa, thì lấy luôn khoảng cách La mã đó làm khoảng cách giữa các bánh xe tầu hỏa, tức là độ rộng của đường tầu hỏa.

Ở Pháp, vào thế kỷ 18, các con đường được xây dựng lại, với công nghệ mới tốt hơn so với thời La Mã. Nước Pháp khác nước Anh ở chỗ ít biển và sông ngòi hơn, vận tải phần lớn bằng đường bộ. Bởi vậy việc làm các cỗ xe ngựa sao cho kéo được nhiều đồ là quan trọng. Để kéo được nhiều đồ, thì cần đặt nhiều ngựa trước đầu xe. Nếu đặt 2 con thì người lái xe có thể ngồi trên xe điểu khiển ngựa, đặt 4 con vẫn ngồi trên xe điều khiển được, nhưng khi đặt đến 6 con thành 3 hàng, thì ngồi bên trong xe điều khiển rất vất vả, nên thường có người ngồi lên một trong các con ngựa để điều khiển dễ hơn. Mà phải ngồi con ngựa bên trái, vì ngồi bên phải mà quất sang tít phía bên trái thì khó hơn. Khi ngồi con ngựa bên trái, thì xe ngựa lại phải đi theo lề bên phải mới dễ điều khiển hơn (tương tự như xe ô tô), và bởi vậy khi xuất hiện các xe 6 ngựa, ở Pháp người ta chuyển sang đi theo lề bên phải. Các xe “vận tải nặng tấn” do ngựa kéo này chỉ phổ biến trong khoảng 40 năm, sau đó người ta thay bằng đường sắt, nhưng 40 năm đủ để nguyên tắc đi theo lề phải trở thành luật lệ mọi người tuân theo (khi đa phần đi theo lề phải, thì ai đi theo lề trái sẽ chuốc lấy tai nạn giao thông vào mình).

Cùng với chiến tranh Napoleon, các nước như Ý, Tây Ban Nha, … bị Pháp chiếm, cũng trở nên đi theo lề phải theo Pháp. Không phải ở nơi nào cũng vậy, vì vùng Tây Ban Nha thời đó mà Pháp không chiếm thì vẫn đi theo lề trái, nhiều năm sau mới chuyển sang lề phải. Khi Pháp bị thua, các nước châu Âu khác tự hỏi “không còn Pháp nữa thì ta đổi lại đi theo lề trái như cũ ?”, nhưng do thói quen đi theo lề phải đã ngấm sâu, nên họ không muốn đổi lại thêm lần nữa.

Điều tương tự xảy ra ở Mỹ: vùng Miền Đông nước Mỹ thời đó chủ yếu theo phong tục của Anh, đi theo lề trái. Nhưng những người tiên phong đi khám phá miền Tây thì đi theo lề phải. Lý do là các cỗ xe của họ rất nặng và to, nhiều ngựa kéo, như là ở Pháp, nên người đánh xe cũng ngồi ngựa bên trái và đi theo lề phải cho tiện.


Canada từng có một ngày hội gọi là Free Lunch Day. Khi Canada muốn thống nhất luật lệ đi lại trong nước vào những năm 1920, chuyển hết thành đi theo lề phải, thì có một vấn đề lớn đặt ra: đấy là có những đàn bò trước nay vẫn đi theo lề trái và đã quen như vậy. Làm sao có thể bắt bò chuyển lề được. Người ta nghĩ ra cách giải quyết, đó là cho dân chúng nghỉ một hôm, và hôm đó đem làm thịt các con bò “lề trái” đi! Do nhiều bò đem ra thịt như vậy, nên thịt bò hôm đó trở nên rẻ vô cùng, và người ta phát không cho mọi người ăn.

Vùng Siberi cận Đông ở Nga là vùng có tỷ lệ tai nạn xe cộ cao nhất nước Nga. Vấn đề là, tuy đi theo lề phải, nhưng phần lớn xe là nhập từ Nhật, và các xe này lại có tay lái bên phải. Lái xe lề phải mà tay lái cũng bên phải, thì kém an toàn hơn so với tay lái bên trái hay là lái theo lề trái. Thế nên thỉnh thoảng Siberi lại đệ đơn xin đổi luật lái xe của vùng đó thành lái lề trái, nhưng chính phủ trung ương không chịu, vì trong cùng một nước nơi lái lề trái nơi lái lề phải cũng dễ đâm nhau.

Nếu không muốn bị đi theo lề trái hay lề phải thì sang châu Phi. Nhiều phố xá bên đó lái xe “đan nhau” một xe chiều này đi kẹp giữa hai xe đi chiều kia, chứ không có lề nào hết

(Trong toán học và kinh tế, đây là những vấn đề hội tụ, locking, nguyên tắc vi mô dẫn đến nguyên tắc vĩ mô, … Bài thừ giấy vẽ voi này là tóm tắt một số ý của một báo cáo ở một hội nghị quốc tế về toán kinh tế)
 
Nguyễn Tiến Dũng

Ông Phạm Trung Cang không có mặt tại Việt Nam

http://sohanews2.vcmedia.vn/2014/cang-cb98c-crop1389757775030p.jpg
Ông Phạm Trung Cang
TT - Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ông Phạm Trung Cang (sinh ngày 24-10-1954, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB) hiện không có mặt tại Việt Nam.Ông Cang xuất cảnh khỏi Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào ngày 24-12-2013.

Trước đó, ông Cang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - C46) ra quyết định khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 18-9-2012.

Ngày 20-9-2012, C46 có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an thực hiện lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang. Tới ngày 7-10-2013, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang được gỡ bỏ và ngày 24-12-2013, ông Cang rời khỏi Việt Nam.
  (Tuổi trẻ)

Kiều nữ Hải Dương khóc mếu: “báo Người Đưa Tin vu khống tôi!“

(Kienthuc.net.vn) - Kiều nữ Hải Dương Phạm Thị Thanh Ngọc khẳng định trước báo giới, chị hoàn toàn bị oan và báo Người Đưa Tin vu khống!
Gặp gỡ báo giới chiều nay (15/1) tại quán cafe Opera số 5 Đặng Thái Thân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng kiều nữ Hải Dương có luật sư Vũ Anh thuộc đoàn luật sư Hà Nội, luật sư Hoàng Sang thuộc đoàn luật sư TP HCM.
 Bà Ngọc khẳng định mình bị vu khống. 
Nói về lý do tại sao biết được mình bị vu khống, chị Ngọc cho biết, ngày 26/12, chị đang ở Mỹ và nhận đươc điện thoại từ 1 người bạn báo tin. Chị đã vô cùng bất ngờ và lặng khóc trong đêm vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Sau thời gian suy sụp tinh thần, chị đã liên lạc với luật sư Vũ Anh, đồng thời cũng là bạn thân hơn 20 năm, để nhờ anh minh oan.

Nghẹn ngào trong nước mắt, chị Ngọc tâm sự: “Tôi rất đau lòng khi bị báo Người Đưa Tin bôi nhọ, tôi không muốn những người đọc được tiếng Việt đánh giá tôi là một người như báo chí đã bịa đặt. Tôi đã khóc rất nhiều, uất ức rất nhiều bởi dù rất yêu con người Việt Nam, tôi cũng không thể ngờ một ngày mình lại vướng phải chuyện này”.
Kiều nữ Hải Dương khẳng định, dù có xa xứ thì chị vẫn hiểu mình phải tuân theo truyền thống, văn hóa của phụ nữ Á Đông, kín đáo và tế nhị. Sự việc này thật sự là quá đau xót đối với cá nhân, gia đình tôi và cộng đồng.
Nói về thông tin cưỡng dâm mà báo Người Đưa Tin đăng tải, kiều nữ Hải Dương nói: “Tôi không hiểu báo đó lấy thông tin từ đâu ra. Tôi muốn nói với các bạn ở đây rằng, việc đưa thông tin như vậy, không những tôi mà nhiều người khác cũng như tôi bị làm phiền, mất thời gian. Với cá nhân tôi thì không bao giờ có chuyện đó. Tôi hoàn toàn bị oan và báo Người Đưa Tin vu khống! Một chi tiết rất nhỏ là nhà tôi không có chuông. Xây từ 2001 đến nay không có chuông thì bấm vào chỗ nào?”
 
Trong khi đó, luật sư Hoàng Sang khẳng định: “Tôi khẳng định đó là sự vu khống bịa đặt. Tôi đã gửi đơn công an tố giác tội phạm”.
 
“Trong bài 3 của báo đó đăng và khẳng định có người bị chị Ngọc trèo lên bụng. Những tình tiết đó là vô lý. Họ còn khẳng định có clip. Vì thế, sau buổi trao đổi này, tôi và luật sư Vũ Anh sẽ đến báo Người Đưa Tin để làm việc”, luật sư Hoàng Sang phân tích.
 
Luật sư Hoàng Sang cho biết, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật và trách nhiệm dân sự với tờ báo đã đưa tin vu khống. Theo điều 122 bộ luật Hình sự, tội vu khống có thể bị phạt nặng nhất tới 7 năm tù.
  Nhóm PV 

Xã hội đang rất cần có thêm nhiều "người hâm"

(GDVN) - Xã hội ngày nay “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều”, những việc làm cao đẹp thường bị cho là chỉ có ở “người hâm”…?
Chị Hoài ( xã Nghĩa Phúc Nghĩa, Tân Kỳ, Nghệ An) đã nhặt được một bọc tiền hơn 10 triệu đồng nằm trên đường, với tấm lòng không tham của chị Hoài đã trình báo chính quyền địa phương và tìm cách trả lại người đánh rơi. (Ảnh VOV Online)
Trước đây trưởng thôn hay trưởng khu mỗi tháng chỉ được trợ cấp vài đồng mà việc làng việc xã thì bề bộn tứ phía. Thu nhập ít nhưng trách nhiệm cũng chả kém phần nặng nề, "rách việc". Bởi vậy những ai đảm nhiệm chức vụ đó đều bị coi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, dân làng gọi là…hâm.
Đúng là chỉ có hâm mới nhận công việc đó. Một người khôn, tỉnh táo chả dại gì nhận vài đồng bạc phụ cấp để mua việc vào người. Việc làng xã thì lấy đâu ra “mầu mè, bổng lộc” nhưng những “người hâm” này vẫn nhiệt tình cống hiến chẳng chút đăn đo. Một mặt để cho đỡ buồn lúc về già nhưng ý nghĩa cao đẹp hơn họ muốn được làm việc, muốn được cống hiến, có ích cho xã hội, vi mô là làm đẹp xóm làng, thôn bản.
Đó là chuyện thôn bản. Còn cao xa hơn là chuyện ở nghị trường.
Rất nhiều những vị Đại biểu Quốc hội còn đương nhiệm hay đã “về vườn” luôn được nhiều người nhớ đến.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Dương Trung Quốc, Đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Lê Như Tiến, Đại biểu Nguyễn Thị Khá…là những người mà trong mỗi lần họp Quốc hội thường có những câu hỏi "oái ăm", những phát ngôn “đụng chạm”.
Họ đấu tranh, họ dám “đụng chạm” cũng chỉ vì họ là những vị đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Họ tâm huyết với đời, với xã hội và trăn trở với những nỗi khổ của người dân. Những câu hỏi “oái oăm” và “đụng chạm”, họ chẳng được gì ngoài sự dè chừng, khó chịu của người mà họ đề cập đến và hậu quả thì phức tạp khôn lường.
Vậy họ chả là “người hâm” thì là gì?
Trong khi đó cũng có những vị đại biểu, cũng là đại diện của nhân dân nhưng luôn tìm con đường “an toàn” nhất. Họ né những vấn đề tế nhị, chẳng màng đến bức xúc, những trăn trở của người dân đã gửi gắm trong mỗi lần tiếp xúc cử tri. Họ “bo bo” lo giữ ghế, chả muốn đụng chạm đến ai vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Trong những phiên chất vấn Quốc hội, chúng ta không khó để nhận ra những vị Đại biểu toàn hỏi “câu thừa”, hỏi những câu mà “ai cũng biết”, chả đụng chạm đến ai.
Như vậy là họ rất khôn nhưng xã hội có cần những người khôn như thế?.
Bỏ qua chuyện thôn bản, nghị trường. Hằng ngày đọc báo, chúng ta vẫn thấy ở nơi này nơi kia có những tấm gương cao đẹp về tình người.
Ngày 3/11/2013, Nguyễn Trọng Khánh, sinh năm 1995, sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhặt được một chiếc ví. Bên trong đó có một số giấy tờ tùy thân và số tiền là 16.920.000 đồng.
Khánh cùng bạn là Đinh Văn Hiếu đã mang chiếc ví và toàn bộ số tiền đến cơ quan Công an để trả lại cho người bị mất.
Việc Khánh trả lại 17 triệu bị nhiều người cho là dại dột. Thậm chí có người ác miệng còn nói do "ăn chia không đều".
Vậy mới thấy thời buổi bây giờ, làm người tốt thật khó. Giá trị đạo đức bị đảo lộn, khi mà những kẻ cơ hội, tham lam lại được xem là người khôn, còn cậu sinh viên tốt bụng lại bị phán xét. Chỉ có một từ để lý giải hiện tượng này, đó là hành động của Khánh rất "lạ".
Rồi cũng mới đây, trong lúc đang đi chơi trên đường về đến gần đền Bì (xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), em Bùi Duy Nhất, học sinh lớp 6C Trường THCS Đoàn Lập bất ngờ nhìn thấy một chiếc ví màu đen. Mở ví ra, Nhất bàng hoàng khi thấy bên trong đầy tiền. Em đã đứng chờ chơn 2 tiếng đồng hồ để đợi người mất tiền quay lại nhưng không có ai quay lại.
Sau phút suy nghĩ, Nhất mang chiếc ví về nhà nhờ bố mẹ tìm người đánh rơi. Về đến nhà mọi người vô cùng bất ngờ trước số tiền lớn trị giá hơn 30 triệu đồng tiền mặt gồm: 1.500 USD và 1,3 triệu đồng tiền mặt cùng toàn bộ giấy tờ quan trọng, đăng ký xe của 2 vợ chồng anh Trần Ngọc Tin, trú tại thôn Đông Xuyên Ngoại (xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng).
Có địa chỉ người rơi ví. Nhất đã cùng bố mẹ tìm tới địa chỉ nhà anh Tin và trả lại số tài sản bị đánh mất. Vô cùng bất ngờ và mừng rỡ trước hành động cao đẹp của em Nhất, anh Tin đã ngỏ ý muốn tặng lại em Nhất 1 triệu đồng để em mua đồ dùng học tập, tuy nhiên em đã không nhận.
Và có những người nhận nuôi hàng chục đứa trẻ mồ côi hay miệt mài tham gia các công tác xã hội không một chút suy nghĩ vụ lợi cá nhân.
Ở cái xã hội nhiều bon chen, “người khôn của khó”, những việc làm cao đẹp thường bị gán ghép cho hai từ “người hâm”.
Nhưng xã hội lại đang rất cần những “người hâm” như họ./.
(GDVN)  

Bộ Tài chính yêu cầu không tăng giá xăng

(TNO) Mặc dù giá bán cơ sở hiện cao hơn giá bán thị trường đối với xăng Ron 92 là 605 đồng/lít, nhưng để ổn định giá dịp Tết, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp không được tăng giá bán như dự kiến từ 14 giờ ngày 15.1.

Giá xăng dầu đang có diễn biến bất lợi đối với người tiêu dùng - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo tính toán của Bộ Tài chính, kể từ ngày 16.12.2013 đến 14.1.2014, bình quân 30 ngày giá bán cơ sở của xăng Ron 92 là 25.815 đồng/lít cao hơn 605 đồng so với giá bán hiện hành 24.210 đồng/lít. Tương tự, dầu điêzen cao hơn 52 đồng/lít, dầu hỏa cao hơn 849 đồng/lít và dầu ma dút cao hơn 253 đồng/kg.

Trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở theo tính toán như trên, để thực hiện chia sẻ hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, sau khi thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán; thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành.

Để góp phần bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục không tính lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa. Khôi phục 250 đồng/lít lợi nhuận định mức với mặt hàng dầu điêzen (từ 0 đồng/lít lên 250 đồng/lít). Đồng thời, ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu điêzen từ 100 đồng/lít xuống 0 đồng/lít;

Giảm sử dụng Quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu hỏa từ 890 đồng/lít xuống 520 đồng/lít (giảm 370 đồng/lít).
(Thanh niên) 

Chuyện vui: Bức tranh "Đồng chí Lenin đang ở Warzwa"


Tại Liên Xô, vào thập niên 60. Bộ Văn hóa mở một cuộc thi vẽ, đề tài cố nhiên là cuộc đời của đồng chí Lenin. Tuy nhiên, ban tổ chức muốn thay đổi đôi chút vì dân tình đã quá chán chường những đề tài muôn thuở như "Đồng chí Lenin ở điện Smolny", "Đồng chí Lenin trên chiến hạm Rạng Đông" hay "Đồng chí Lenin tại Đại hội Quốc tế Cộng sản". Vì vậy, họ muốn tìm một cái gì mới mẻ. Một đề tài mới cho cuộc thi được nghĩ ra: "Đồng chí Lenin ở Warszawa". Hàng loạt bức tranh được gửi đến ban tổ chức, các giám khảo phải làm việc rất căng thẳng. Nhưng có một tấm không hề phù hợp với đề tài, thậm chí ban giám khảo cũng không hiểu ý nghĩa của nó, do đó người ta phải triệu tay họa sĩ đến.

Chàng họa sĩ xuất hiện trước Hội đồng, lập tức anh bị hỏi:

- Bức tranh này dính gì đến đề tài ‘Đồng chí Lenin ở Warszawa’”?

Trong tranh, một nam và một nữ đồng chí đang trong tư thế âu yếm. Người ta hỏi họa sĩ:

- Nữ đồng chí này là ai?

Họa sĩ đáp:

- Thưa, là nữ đồng chí Nadezhda Krupskaya - vợ Lênin ạ.

- Tốt. Nhưng đồng chí này không phải đồng chí Lenin! Đồng chí ấy là ai vậy?

- Dạ, là đồng chí tài-xế của đồng chí Lenin ạ.

- Thế đồng chí Lenin đâu?

- Dạ, đồng chí Lenin ở Warszawa ạ.
 
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Theo blog J.B Nguyễn Hữu Vinh
 

Kiên Giang: Vụ truy xét Đoàn Hữu Hậu sao gọi là lừa đảo?

Báo NB&CL số 50 (880 )ra từ 6 đến 12/12/2013 có đăng bài “ Kiên Giang: Cần một bản án công bằng, khách quan” phản ảnh việc ông Đoàn Hữu Hậu bị Tòa án tỉnh Kiên Giang xử phạt 2 năm tù. Sau đó Tòa án nhân dân Tối cao tuyyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng bộ luật TTHS. Cơ quan Tố tụng tỉnh Kiên Giang “viết lại” bản Kết luận điều tra, truy tiếp…

nhà báo Đoàn Hữu Hậu
Ngày 29/11/2013 và ngày 08/01/2014 bà Đinh Ngọc Diễm ở Thị Trấn Dương Đông huyện Phú Quốc, Kiên Giang người “ bị hại” trong vụ án đã gửi đơn yêu cầu đến Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu xem xét… Từ thông tin “mật” trong đơn, chúng tôi đã thu thập thêm chứng cứ chứng minh “vụ án” đã bị hình sự hóa.

Từ đơn yêu cầu của “ bị hại”…


Các bài liên quan:

Trong đơn yêu cầu đề ngày 29/11/2013 bà Diễm nêu: “Thật ra tôi không phải là “nguyên đơn” trong vụ án ...Trước đó Công an TP Rạch Giá đã có công văn trả lời với tôi là vụ việc tôi với ông Hậu không có dấu hiệu phạm tội hình sự, bảo tôi có khiếu nại thưa đến Tòa Dân sự để được xem xét. ( những chữ in nghiêng là nguyên văn)

Đó là công văn số 30 / CV-CATP (AN) do Trưởng Công an TP Rạch Giá Trung tá Phan Bữu Đường ký ngày 25/01/2011 xác định vụ việc của ông Đoàn Hữu Hậu và bà Đinh Ngọc Diễm là giao dịch Dân sự, đôi bên tự thương lượng giải quyết… Trong đơn bà Diễm ghi: “ ông Trần Đức Long – Công an tỉnh Kiên Giang gặp tôi nêu vấn đề…”

“Vấn đề” mà ông Long – Công an tỉnh Kiên Giang nêu là “xúi” bà Diễm tố ông Hậu, để ông lấy tiền lại giùm.

Bà Diễm thừa nhận: “ ông Đoàn Hữu Hậu cũng nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn làm thủ tục khiếu kiện cho tôi thời gian xét xử sơ thẩm ở Tòa án huyện Phú Quốc. Tôi nghỉ rằng ông Hậu không có ý tưởng lừa đảo

Người “ bị hại” đã khẳng định không có ý tưởng lừa đảo. Vậy cơ sở nào cơ quan tố tụng truy tố?

Trong đơn đề ngày 08/01/2014 bà Diễm nêu: “Tôi có nói chuyện với chị Loan vợ ông Hậu là chú Võ văn Đoàn Cán bộ điều tra có nói với tôi là kêu ông Hậu nộp tiền cho Công an để Công an hướng dẫn làm đơn bãi nại. Được biết chị Loan có nộp cho Công an 50 triệu đồng vào ngày 25/4/2012. Sau đó tôi mới biết là đã khởi tố vụ án. Thật tình thì không phải tôi dụ dỗ chị Loan nộp tiền, mà là ý kiến của chú Đoàn.

Tôi xin khẳng định trong lúc tôi bế tắt, không cơ quan nào giải quyết trong vụ khiếu nại đòi đất, thì ông Đoàn Hữu Hậu đã giúp đỡ đăng báo, hướng dẫn tôi làm thủ tục khiếu kiện và thắng kiện 50% bản án số 42/ 2010/ DTST ngày 16/8/2010 Tòa án huyện Phú Quốc. Tôi đã trà tiền bồi dưỡng cho ông Hậu tổng cộng 70 triệu đồng. Nhưng vì ông Hậu không tiếp tục giúp đỡ tôi, nên tôi đòi tiền lại. Tôi đã nhiều lần khẳng định là ông Hậu không có lừa đảo… Khi cơ quan điều tra Công an tỉnh mời tôi làm việc, tôi cũng chỉ đưa đơn khởi kiện Dân sự theo hướng dẫn của CATP.

Nhận định “bất nhất”, của cơ quan tố tụng

Người “bị hại” đã khẳng định như vậy, nhưng trong Cáo trạng số 23/ KSĐT-KT ngày 09/9/2013 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kiên Giang mô tả (Trích): “ Vào năm 2008 bà Đinh Ngọc Diễm có tranh chấp phần đất 300m2 ở cạnh nhà bà Diễm, vụ kiện đã được Tòa án huyện Phú Quốc thụ lý…” Một sự suy diễm không căn cứ.

Cơ quan CSĐT ra Bản kết luận điều tra số 09/KLĐT-PC46, ngày 03/9/2013 với phần Nhận xét và đề nghị: (trích )“ Đoàn Hữu Hậu lợi dụng danh nghĩa nhà báo dùng lời nói gian dối như hứa giúp cho Tạo được án treo, hứa giúp cho Diễm được thắng kiện, giới thiệu Tạo và Diễm gặp ông Trương Thanh Hùng đễ tạo lòng tin với Tạo và Diễm. Vì tin nhầm Hậu có thể lo giúp được mình nên khi Hậu yêu cầu Bùi văn tạo và Đinh Ngọc Diễm đưa tiền cho Hậu để Hậu chạy án thì Tạo và Diễm đưa tiền ngay cho Hậu. Từ đó Hậu đã chiếm đoạt Tạo và Diễm số tiền 98.000.000 đồng . Hành vi nói trên của Đoàn Hữu hậu đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 BLHS …

Bản kết luận “ viết lại” lần thứ hai nầy, đối lập với bản kết luận trước đó, số 03 KLĐT-PC46, ngày 13/6 / 2012 nhận xét và đề nghị: (trích) Sau đó ông Hậu lợi dụng ảnh hưởng của mình tìm đền những người có chức vụ quyền hạn nhờ những người này giảm nhẹ hình phạt cho Bùi văn Tạo, xử cho bà Đinh Ngọc Diễm thắng kiện. Việc ông Tạo không được giảm nhẹ hình phạt, bà Diễm không thắng kiện là kết quả ngoài ý muốn của Đoàn Hữu Hậu.

Hành vi nói trên của bị can phạm vào tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, được quy định tại Điều 291 của Bộ luật hình sự nước CHXHCNVN…

Trong tờ trình gửi đến cơ quan chức năng các ông Nguyễn văn Toàn, Phù Đôn Tùng ở Thị Trấn Dương Đông, ông Đỗ Thanh Nam, Trương Thanh Hùng ở TP Rạch Giá trình bày có biết sự việc bà Diễm nhờ ông Hậu giúp đỡ làm hồ sơ, hướng dẫn thủ tục khởi kiện ở huyện Phú Quốc, với thỏa thuận thưởng 10% kết quả xử án ở huyện và chịu mọi chi phí. Vậy số tiền bà Diễm đưa 70 triệu đồng, trong đó 20 triệu là chi phí đi lại, 50 triệu đồng là số tiền trả công 10% của kết quả xử án ở huyện Phú Quốc. Điều nầy là hợp lý, phù hợp với chứng cứ, nhân chứng. Vậy thì làm gì có việc “lừa đảo…”?! Bà Đinh Ngọc Diễm người “ bị hại” đã gửi đơn yêu cầu Tòa án, Viện Kiểm sát tỉnh Kiên Giang, đã lộ ra những “ bí mật” mà trong hồ sơ vụ án không đề cập tới.

Vụ ông Bùi văn Tạo

Ông Bùi văn Tạo ở ấp Hòa B xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng đánh ông Trần Như ý bị thương ở đầu. Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang giám định gây tổn hại thương tích 62%. Tạo cho rằng vết thương đó là do bị té xe, chứ không phải Tạo đánh. Tạo nhờ Hậu hướng dẫn giúp đỡ, giải oan. Căn cứ vào tỷ lệ thương tật 62% thì Tạo vi phạm vào Điều 104 BLHS, khoản 3 , sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm

Đoạn ghi âm : bà Diễm, bà Nhì
Bấm vào để nghe bà Diểm

Bấm vào để nghe bà Nhì

Bấm vào để nghe nhân chứng
Tạo đưa tiền 3 lần, tổng cộng 28 triệu đồng, để Hậu đi lại, giao dịch, tìm chứng cứ, gặp người có trách nhiệm hỏi phương thức thủ tục, làm đơn xin giám định lại, hướng dẫn Tạo nộp đơn, soạn thảo bản tự bào chữa trước Tòa cho Tạo.

Ngày 9/5/2011,Phân viện khoa học hình sự, ra bản kết luận giám định số 1480/C54B …giám định Trần Như Ý có tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 48,65%

Ngày 15/6/2011 Tòa án huyện Giồng Riềng tuyên xử phạt Tạo 3 năm tù. Phí người bị hại kháng án, đề nghị tăng mức hình phạt. Hậu soạn cho Tạo bài bào chữa trước Tòa.

Tòa án tỉnh xử phúc thẩm y án. Tạo đã tự nguyện thỏa thuận trừ 8 triệu tiền chi phí đi lại, Hậu đã gửi lại cho vợ Tạo 16 triệu đồng, còn nợ lại 4 triệu đồng.

Bản kết luận Điều tra và cáo trạng ghi:“ Sau khi xử phúc thẩm Tạo đòi 20 triệu đồng Hậu không trả, sau nhiều lần mới trả 16 triệu…” là một sự suy diễn, áp đặt.

Giấy nhận tiền của bà Võ thị Thôi vợ của Tạo ghi rõ là đã nhận 16 triệu đồng. Trong đó 10 triệu đồng trả trước khi cơ quan điều làm việc. Cáo trạng ghi “mập mờ” dễ hiểu nhầm là ông Hậu cố tình không trả. Vì lúc đó cha ông Hậu đau nặng nằm viện thời gian dài, rồi chết, phải lo tang chế, chôn cất…nên chậm trả.

Đây là quan hệ giao dịch dân sự. Không có dấu hiệu nào là “ lừa đảo…” Nếu không có sự tiếp giúp hướng dẫn, làm thủ tục hợp pháp của ông Hậu, thì ông Tạo đã bị xử ít nhất là 7 năm tù theo khung quy định của pháp luật.

Cố truy cho có tội

Vụ án đã được Tòa án Tối cao hủy án. Nay cơ quan tố tụng “ viết lại” để truy cho có tội, với những chứng cứ “mơ hồ”. Dư luận đặt ra là tại sao cùng ngành Công an, cùng là chịu sự tác động của một hệ thống pháp luật, cũng là một hành vi, nhưng sao Công an TP Rach Giá nói không phạm tội, Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh khởi tố phạm tội. Công an TP Rạch Giá đã bỏ lọt tội phạm hay Công an tỉnh cố tình truy xét ?

Việc cán bộ Công an đến nhà “ người bị hại” động viên tố cáo rồi điều tra khởi tố, là điều không bình thường. Người dân đặt dấu hỏi “Đàng sau vụ việc nầy là gì?”

Từ khi bị hủy án,Tòa án tỉnh Kiên Giang đã hai lần hoãn xử, sự việc kéo dài gần hai năm. Cơ quan tố tụng đã bị “sa lầy” về việc kết tội “bị cáo” Đoàn Hữu Hậu.

Mong rằng Tòa án tỉnh Kiên Giang sáng suốt, không xử oan người vô tội. Chúng tôi tiếp tục theo dõi vụ án và thông tin đến bạn đọc khi có thông tin mới ./.

Hồng Ân ( Điều tra)

Tác giả gửi trực tiếp đến TTHN

Gửi kèm: hình ảnh minh họa
Đoạn ghi âm : bà Diễm, bà Nhì


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét