Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Ngày 18/12/2013 - Dưới bóng hoàng hôn xã hội chủ nghĩa

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Dưới bóng hoàng hôn xã hội chủ nghĩa

Người ta nhìn thấy một gương mặt âm u trong buổi chiều tà của một vở diễn mà ở đó, sân khấu nhuộm máu khô, rác rến và những bàn tay người chới với kẽm gai… Một cuộc triển lãm xếp đặt nghệ thuật chăng? Không phải thế, đó là hiện thực sinh động, một hiện thực làm rơi nước mắt trên miền Nam Việt Nam hiện tại. Một miền Nam sau ba mươi mấy năm, người Cộng sản đã mang những thứ ấy để trưng bày, chưng diện và sơn phết lên số phận của vài mươi triệu người. Đừng nghĩ rằng đây là một sự hoang tưởng hay một đoạn văn siêu thực!
Sở dĩ tôi dám bạo miệng nói như thế, vì tôi quá đau buồn khi nghĩ đến những người tài xế xe, cũng có lúc họ hầm hố, găng tơ, nhưng đó là những khi họ quá bức bách, căng thẳng bởi cuộc sống thường nhật, bởi những cây dùi cui và màu vàng vừa quen thuộc vừa đe dọa – màu vàng cảnh sát giao thông. Và, đau buồn nhất là giữa con người với con người, chẳng còn tình người, người bóc lột người, người đối xử với người còn tệ hơn cả thú vật, không còn yêu thương, không còn niềm tin, không tôn trọng và cũng không còn nốt lòng tự trọng!
Vì sao? Vì sau ba mươi mấy năm, nhà nước Cộng sản đã mang hai thứ rác kinh hoàng, dị hợm nhất để nhuộm miền Nam Việt Nam, đó là lòng tham và chủ nghĩa Cộng sản. Hai thứ này, tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó là hai mặt mâu thuẫn để phát triển của một chủ đích, âm mưu hay là một lý tưởng độc tài!
Lần vứt rác đầu tiên vào miền Nam của người Cộng sản, có thể nhắc đến nền kinh tế tập trung bao cấp. Từ một miền Nam hoa lệ, trù phú và hào sảng, trong chốc lát bỗng tan tác, người thì bỏ chạy, kẻ thì mất trắng, chết chóc, tù đày, những người dân từ chỗ giàu có, tự tin trở nên nghèo khổ và tự ti. Với đời sống tem phiếu, xếp hàng nhận miếng ăn, cái đói luôn đe dọa đã đẩy con người xuống hàng súc vật, làm thí xác để rồi chờ ban phát miếng ăn. Không hơn không kém.
Chính môi trường này cộng với quyền lực của các ông, các bà lương thực, thuế vụ nói riêng và cán bộ mũ cối nói chung đã đẩy con người đến chỗ sợ đói, sợ chết và sợ bị mất phần, phải xuống nước và thậm chí không ít người phải khúm núm trước các ông các bà lương thực, cán bộ mũ cối và cầu cạnh họ với hy vọng mình không bị cắt xén miếng ăn…!
Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, nạn hôi của bùng phát, “kẻ chiến thắng” đã chẳng ngại ngần lùng sục, lấy bất kì cái gì đang có của “bên chiến bại”, không ngoại trừ vợ con và số phận, mạng sống của đối phương. Nạn hôi của đã biến miền Nam Việt Nam thành một cái chợ hay một bãi tha ma tràn ngập tiếng kêu than và oán hận, cừu thù dậy sóng. Và vết dấu của nạn hôi của kéo dài, loang rộng mãi về sau này, khi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa xuất hiện.
Chưa xong, đó chỉ là một sọt rác bản năng mà người Cộng sản mang vào miền Nam, sọt rác tư tưởng cũng không kém phần li kì, gay cấn, nó nghiễm nhiên biến sự cướp giật, vô cảm thành một chủ nghĩa, chủ thuyết và đương nhiên, hành vi cướp giật, máu lạnh trở nên vững chãi hơn, có cơ sở lý luận hơn khi chủ nghĩa Cộng sản Mác – Lê nin, Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh chính thức bước qua cửa giảng đường, biến thành “hòn đá tảng tư tưởng” của hàng hàng lớp lớp thế hệ sau này.
Không cần biết đúng sai, không cần biết thế giới đã lên đường, đã bước vào đại lộ văn minh từ lâu, không cần biết học sinh, sinh viên có ưa hay không ưa thứ tư tưởng này, nó được xếp vào môn bắt buộc phải học và được đào tạo theo qui trình học thuộc lòng, đến kỳ thi lại chép những thứ mình đã học thuộc lòng ra giấy để vượt qua kì thi. Bất kì học sinh, sinh viên nào không thuộc lòng nó (đừng hòng giở tài liệu để sao chép, riêng môn học liên quan đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản, giám thị phòng thi hét ra lửa!) thì mới hy vọng có tấm bằng sau này. Và nó nghiễm nhiên nằm lòng, ăn sâu vào não trạng nhiều thế hệ, dù muốn hay không muốn!
Cái gì đến cũng phải đến, những ai đoạn tuyệt với nó cũng đã hiện diện, cũng đã lên tiếng kêu gọi nhân quyền, dân chủ, cởi mở, bảo vệ lãnh thổ… Những ai bị nhiễm sắc của nó cũng lộ diện đầy rẫy trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Câu chuyện chiếc xe chở bia đi qua bùng binh Biên Hòa, ôm cua bị lạc tay lái làm đổ nhào bia ra đường và thay vì người dân dừng lại để giúp đỡ cho người bị nạn, họ đã thi nhau xúm vào giành giật, hôi của, cướp cạn. Mười mấy ngàn thùng bia Tiger bay vèo trong vòng chưa đầy ba mươi phút, người tài xế từ chỗ kêu gào, van xin người ta đừng lấy bia của mình chuyển sang cuống cuồng bốc lấy bốc để, chạy đua với thiên hạ để giữ lại chút tài sản đang bốc hơi của mình. Không còn gì đau đớn và nhục nhã hơn!
Lạ ở chỗ, sau một thời gian dài người tài xế không may và ông chủ xe của anh ta chờ đợi bảo hiểm giải quyết, bảo hiểm kết luận đây không phải là tai nạn mà đây là một vụ cướp. Cuối cùng, bên công ty vận tải hỗ trợ 20 triệu đồng, chủ xe và người tài xế phải bỏ ra 270 triệu đồng để trả nợ nếu không muốn ngồi tù(?).
Thử đặt vấn đề: Nếu đây là một vụ cướp, thì vụ cướp này không tầm cỡ về kinh tế nhưng lại có qui mô rất lớn và diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, ngay ở bùng binh, giữa trung tâm và tai mắt an ninh. Vậy lúc này công an giao thông đang ở đâu mà không đến vãng hồi trật tự giao thông? Cảnh sát cơ động, công an khu vực ở đâu mà không đến dẹp loạn, bảo vệ an ninh và tài sản cho nhân dân?
Suy cho cùng, chiếc xe chở bia kia cũng phải đóng mọi thứ thuế theo qui định của pháp luật, không ngoại trừ cả thuế an ninh để đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông. Lẽ ra khi có cướp, ngành an ninh phải vào cuộc, phải truy đuổi, điều tra và thu hồi tài sản cho khổ chủ mới đúng chứ!
Cho dù con số thu hồi không nguyên vẹn chăng nữa nhưng chí ít nó cũng cho thấy nền an ninh Việt Nam không phải là thứ an ninh giả cầy chỉ biết mè nheo và trấn lột. Nhưng không, chính sự thiệt hại của chủ xe, của tài xế cũng như những khó khăn phía trước của những người tội nghiệp này cộng với thái độ hoàn toàn im lặng của ngành an ninh thành phố Biên Hòa sau hơn hai tuần dư luận xôn xao, đến nước họ tự cảm thấy nhột, buộc lòng phải lên tiếng gọi là điều tra, truy tố… đã cho thấy họ vốn là thứ an ninh giả cầy, bản chất họ là vậy, vì họ được học hành, được đào luyện trong môi trường Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Sau ba mươi mấy năm chiếm miền Nam, qui đất nước về một mối, cái điều mà nhà nước Cộng sản làm được nhiều nhất, đó là biến miền Nam Việt Nam thành một hố rác của lòng tham, đánh mất tự trọng, tội ác, vô cảm,bất chấp… trên nền tảng một hệ thống cai trị luôn mở đường để những thứ này tiến xa hơn, đạt ngưỡng “đỉnh cao trí tuệ” của chủ nghĩa Cộng sản. Tự dưng, nhìn vào hiện tình đất nước, cảm giác buồn và ớn lạnh thoáng qua, cứ như đang ngồi giữa sân ga vắng và đâu đó xa xa là tiếng lao nhao kêu than, tiếng trống điếu tang, tiếng chửi thề… Dưới một hoàng hôn đỏ ối màu máu! Đau thật là đau!

 DANH DỰ NĂNG LỰC VƯƠN TỚI BÌNH QUYỀN

                                                                 Nguyễn Hoàng Đức
 .
Danh dự là thứ cao nhất của con người, bằng chứng là, nó là thứ cá nhân, sắc tộc hay quốc gia nhiều khi phải chứng minh và đổi bằng máu mới có được. Danh dự không hề đơn giản và dễ hiểu một chút nào, bởi vì nó là bài học có giá của sinh mệnh. Danh dự là thứ cao quí tột cùng người cao thượng buộc phải có. Và người bình thường cũng buộc phải có luôn. Triết gia Kant, người được mệnh danh là “ông hoàng của phúc âm mới”, cho rằng: muốn giữ được thanh danh tốt thì con người ta buộc phải thực hiện bổn phận của mình trong bất kể hoàn cảnh nào, cái mà ông gọi là “mệnh lệnh tuyệt đối” ( l’imperative absolue).
Người đạo đức giữ mình, không chịu vong thân trong mọi hoàn cảnh, vì họ coi đạo đức là mệnh lệnh tuyệt đối, không có sự lựa chọn thứ hai, hoặc không  có thỏa hiệp cho bản thân mình, chẳng hạn như thấy đói thì ăn cắp, rồi đổ cho hoàn cảnh, thấy việc phải ra tay như “anh hùng thấy sự bất bình chẳng tha” lại lủi trốn lấy cớ tôi đang bận việc khác. Trái lại, người tầm thưởng tùy tiện, giống như ký sinh thay đổi theo nhiệt độ môi trường hay hoàn cảnh, thì được đâu âu đấy. Thí dụ dễ hiểu thế này, một chiếc xe tốt, máy của nó khởi động trong mọi thời tiết dù nóng sa mạc hay lạnh đóng băng, phanh của nó làm việc cả lúc khô và trơn, đèn của nó có thể rọi cả trời quang lẫn sương mù… nó sẽ là cái xe tốt, gây tin tưởng cho người lái, và có giá trị cao. Trái lại mấy cái xe gia công phọt phẹt bạ chỗ nào cũng nằm vật ra. Dễ thấy hơn, các phương tiện ở nhiều nước tiên tiến, tổng số chúng chỉ sai vài phút trong cả năm. Riêng tầu Việt Nam trong một chuyến chậm vài giờ là bình thường, nên người Việt mới hát “tầu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng”.
Khi tôi bàn về danh dự, có ý kiến cho rằng, thời buổi khó khăn này còn bàn đến “danh dự” – thứ cao xa mà làm gì? Nói thế không khác nào bảo: thời đói kém này, chúng ta cứ bàn đến chữ nghĩa, giáo dục để làm gì? Ở đời người ta cứ lầm tưởng: không ăn, không uống thì chết. Nhưng không biết được rằng, không thở thì còn nhanh chết hơn. Tuy vậy, vì không khí không mất tiền mua nên người ta coi thường nó. Cái máy bay rất hiện đại, nhưng nếu không có thứ hướng dẫn sóng của ăng ten, cái tưởng là phụ họa nhưng lại quan trọng nhất, thì máy bay không dám cất cánh. Thời nay, các công ty xuất khẩu ý tưởng như Google hay Facebook… thường đạt giá trị cao hơn hẳn thứ lao động cơ bắp hay móc tài nguyên lên bán. Vì thế nếu coi danh dự là xa hoa phù phiếm không thiết thực, thì là cách của “ăn lấy đặc, mặc lấy dầy”, tưởng thực dụng sẽ no ấm, nhưng lại là đói kém nhất. Trước kia trong quân đội có câu “tư tưởng không thông vác bình tông không nổi”. Danh dự cũng vậy, nó là tư tưởng, là ăng ten dẫn dắt hành động của con người, nếu nó không được đặt trúng vị trí, thì cơ thể sẽ không thể nào vận động.
Danh dự đâu có đơn giản là danh dự mà nó là khối đô-mi-nô đầu tiên làm lăn đi tất cả các con đô-mi-nô khác. Trước hết, người nô lệ không thể được gọi là có danh dự, bởi như người ta nói “hạng cổ cày vai bừa”, “kiếp chó ngựa nô tài”, hay “đồ kẻ dưới, công dân hạng hai”… Vì thế muốn có danh dự, việc đầu tiên con người đều khao khát vươn lên, rồi bình đẳng. Dịp vừa qua, thế giới chứng kiến một bản mẫu về bình đẳng độc nhất vô nhị trong lịch sử, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, người da đen, đã phấn đấu hơn nửa thế kỷ nâng dân Nam Phi cũng như da đen trên toàn thế giới lên địa vị ngang bằng với người da trắng, khi ông mất đã được cả triệu người da đen đến thăm, được cả trăm lãnh tụ các nước trong đó có nhiều cường quốc đến viếng.
Thế giới đã chứng kiến những cuộc đấu tranh đòi ngang bằng rung động lịch sử toàn cầu như giải phóng nô lệ, giải phóng phụ nữ, giải phóng các dân tộc… Khi một phụ nữ da đen Mỹ đầu tiên không chịu đứng lên giành chỗ cho người da trắng, chị đã tạo ra tiền lệ để những phụ nữ da đen khác không phải nhường chỗ cho người da trắng. Việc tưởng nhỏ nhưng đó là một cuộc đại chiến trong tâm hồn, và nó cũng trực tiếp liên quan đến sinh mệnh của chị. Chị đã đòi bình quyền, và như vậy cũng là đòi danh dự ngang bằng cho mình, để không phải làm trâu chó.
Bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau. Mà là bình đẳng trong bổn phận. Khi ông chủ da trắng đề nghị tối thứ bảy trông con cho ông đi có việc, một nữ người ở da đen ở Mỹ nói: “Thưa ông hôm đó là ngày nghỉ của tôi”.
       “Tôi sẽ trả cô gấp đôi lương!”
        “Cũng được nhưng để hôm khác. Còn thứ bảy này tôi đã hẹn đi nhảy với bạn trai. Mong ông về đúng 18 h chiều, tôi phải về đúng giờ để còn chuẩn bị”.
Đấy là bình đẳng trong chức năng khác biệt, và trong bổn phận thuộc về mỗi người. Người ở nữ da đen dù chỉ là kẻ làm thuê, nhưng đã ngang bằng với ông chủ trong hợp đồng mà cả hai đều phải tuân thủ và tôn trọng lẫn nhau. Tôi làm cho anh. Anh trả tiền cho tôi theo đúng tinh thần hợp đồng. Nếu ai vi phạm thì phải ra tòa. Dù là chủ anh cũng không có quyền ép buộc tôi làm việc thêm cho dù chỉ một buổi tối. Cái bình đẳng đó từ đâu mà ra? Dứt khoát từ ý thức về danh dự. Khi cô người ở từ chối đề nghị của ông chủ, cô đã không sợ theo kiểu khiến ông chủ bất mãn có thể mất việc, mà cô nghĩ, tôi không nhường cho ông cả ý thích, lẫn cuộc đời của tôi, nếu phải mất việc tôi sẵn sàng đối mặt với nó, nhưng sẽ có công đoàn và pháp luật bảo vệ tôi.
Ở đời nơi bất công thì khỏe bắt nạt yếu, lớn bắt nạt nhỏ, nam bạo hành nữ, khôn ăn hiếp dại, trẻ lấn át già, quan lại đè nén dân chúng… nhưng trong xã hội bình đẳng thì không vậy, bởi vì người ta có hệ thống công quyền đủ tốt đẹp và công lý để bảo vệ những người yếu. Ở Mỹ, có một câu chuyện hiển nhiên nhưng rất đẹp. Anh chàng đần độn kia bảo với mọi người: thằng khôn nó được hưởng cái khôn của nó, còn tôi ngu tôi hưởng cái ngu của tôi. Theo ý anh ta, người khôn có rất nhiều thành tựu, vinh quang và tiền của. Còn anh ta ngu, thì được hưởng đúng cái gì trong khả năng của mình, không bị những kẻ khôn lạm dụng hay bắt nạt, bởi vì dù anh ta ngu vẫn có pháp luật để bảo vệ mình.
Bình đẳng là thử thách khó khăn đầu tiên của loài người vì hầu hết người ta đều thích ăn trên ngồi trốc, nhưng bình đẳng có lẽ cũng là phát hiện muộn mằn bậc nhất trong lịch sử loài người. Những năm mới đây, Liên Hiệp Quốc phát hiện, ở nước nào không có bình đẳng nam – nữ thì đều nghèo đói, bởi lẽ thay vì công việc được chất lên vai hai người thì chỉ được đặt lên vai nam giới, còn phụ nữ ở nhà. Vì vậy, thước đo một quốc gia tiến bộ giầu mạnh cũng chính là thước đo giải phóng để phụ nữ bình quyền. Và còn cụ thể hơn là bằng chứng mà tỉ lệ phụ nữ điều hành quốc gia.
Trước khi trời đất lấy lại cân bằng, nó phải trải qua giông tố. Ngay trong gia đình hay xã hội muốn: cha không nói oan, quan không nói hiếp, chồng không có nghiệp nói thừa thì mỗi người phải cố gắng rất nhiều. Mới đây có ý kiến cho rằng, người Việt thông minh sao nước Việt nghèo đói vậy? Ngay cả nước Mỹ mới đây cũng có một chuyện rất xôn xao dư luận, khi một giáo sư người Mỹ đánh động vào trái tim của các bậc phụ huynh cường quốc rằng “trẻ con Mỹ chẳng có tư chất gì đặc biệt cả”.
Cuộc đời chính là sân khấu lớn cho văn học. Mà triết gia Hegel xác định, không thể có thứ văn học lớn nhờ sụt sịt vài khó khăn nheo nhóc của đời sống, bởi vì thứ nhân vật sống trong khó khăn chỉ là thứ co ro dày vò cuộc đời túng thiếu đói khổ, ở đó làm sao xuất hiện những trai hùng gái liệt đang đương đầu làm vỡ tung những bi kịch lớn của thời đại. Dân tộc chúng ta đã trải qua nhiều biến cố hào hùng, sao chúng ta vẫn buộc phải nói “văn học chúng ta không tương xứng với tầm vóc của thời đại?” Còn lý do nào khác hơn là bởi chúng ta đâu có đào sâu vào ý nghĩa danh dự của người con người, một con người có chiều cao lớn vọt khỏi những tem phiếu giành cho giá áo túi cơm.
Nước Nhật nghèo tài nguyên bậc nhất, nhưng vì là quốc đảo nên ý thức trọng danh dự rất cao, vì thế trong cả chiến tranh lẫn hòa bình họ đều chứng tỏ khả năng “hiệp sĩ” của mình. Danh dự luôn luôn là câu chuyện của ông chủ, còn đầy tớ thì cần “ăn để mà sống”. Một cá nhân hay một dân tộc muốn tự chủ về mình luôn cần ý thức về danh dự. Nhà văn thì phải cần danh dự hơn ai hết! Vậy mấy bài thơ lẻ cảm xúc lè tè liệu có đủ bậc thang để bắc lên danh dự? Chúng ta sẽ bàn tiếp về việc này. Danh dự như không khí để thở, mong rằng ít ra nó cũng mang tính “thời sự” ngang ngửa như cơm áo?!
NHĐ 15/12/2013
Tác giả gửi cho NTT blog

Hỏi Tức Là Trả Lời?

Những câu hỏi cho nền kinh tế Việt Nam
Alan Phan
20/6/2012

Trong nền kinh tế quốc gia, người dân là khách hàng, là nhà đầu tư và các quan chức là người bán hàng. Mục tiêu là sự thỏa mãn của “Thượng Đế”. Ngoài việc làm cho túi tiền của dân càng ngày càng phồng to, bộ máy lãnh đạo phải tạo thương hiệu, hay “niềm tin” của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của mình. Ít nhất là họ phải tin rằng người bán sẽ giao đúng món hàng, đúng giờ và đúng giá…như lời hứa.

Khi nói chuyện kinh tế, nhiều chuyên gia thường lên giọng nghiêm túc và dùng những danh từ khó hiểu nhất pha lẫn những khẩu hiệu chánh trị rồi kèm theo những con số thường là do các nhóm lợi ích cung cấp để không ai thấy rõ những mục tiêu riêng của mình và phe nhóm. Thực ra, sự điều hành kinh tế của một quốc gia không khác gì việc điều hành một doanh nghiệp. Một nền kinh tế cũng cần doanh thu (thuế, hàng xuất khẩu, kiều hối…), vốn đầu tư (FDI, FII, dự trữ ngoại tệ, vốn vay..), chi phí (nhân sự, giá vốn hàng hóa hay dịch vụ, hậu cần…), lời hay lỗ (dòng tiền âm hay dương…), tài sản và nợ, thương hiệu (niềm tin và sự thỏa mãn của người dân), mức tăng trưởng v.v

Do đó, chúng ta có thể đánh giá khả năng thành công hay thất bại của một nền kinh tế dựa trên những chỉ tiêu áp dụng cho doanh nghiệp. Khi họp để bàn về một dự án hay một doanh nghiệp, hội đồng thẩm định của quỹ đầu tư thường lưu ý đến 4 yếu tố then chốt trong vấn đề khả thi: sản phẩm hay dịch vụ; ban quản trị; kế hoạch tiếp thị và hiệu quả tài chánh.

Một quản lý quỹ thông minh thường biết bỏ qua những “gương và khói” (smoke and mirror), những hình thức đánh bóng hoành tráng để che đậy yếu kém và những chi tiết thực sự vô nghĩa với sự thành công của dự án. Các công dân có kiến thức và tầm nhìn cũng phải đánh giá một nền kinh tế thật chính xác, khoa học và cân bằng về hiệu quả của đồng tiền bỏ ra, qua thuế hay nợ công hay tiền in thêm (một hình thức thuế).

Einstein có nhắc chúng ta là “không ngừng đặt câu hỏi”. Sau đây là những câu hỏi của tôi, có thể thiếu sót, nhưng chắc chắn sẽ giúp tôi đánh giá tốt hơn cơ hội và rủi ro trong tương lai nền kinh tế xứ này.

  1. 1.            Sản phẩm hay dịch vụ trong mô hình kinh doanh

Như một doanh nghiệp, mỗi một quốc gia đều có thế mạnh cạnh tranh và đặc thù dân tộc trong những chủ đạo của nền kinh tế. Với yếu tố địa lý và dân số, Singapore đã thành công khi sử dụng dịch vụ tài chánh quốc tế cho xứ sở. Mỹ có mũi nhọn công nghệ cấp cao và thị trường tiêu thụ khủng; trong khi Trung Quốc dựa vào mô hình sản xuất công nghiệp thông dụng cho toàn cầu. Nhật có lợi thế của một văn hóa rất tổ chức để thâu tóm thị trường tiêu dùng chất lượng; trong khi Ấn Độ biết lợi dụng lượng dân số có học, biết Anh ngữ để dành phần thắng trong công nghệ phần mềm.

Việt Nam đang đổ tiền đầu tư nhiều nhất vào lãnh vực gì? Lãnh vực đó có sản phẩm hay dịch vụ gì đặc thù hay có lợi thế cạnh tranh gì trên thương trường quốc tế? Chúng ta đang đầu tư dàn trải và xu thời hay chuyên sâu và bền vững? Sự lựa chọn sản phẩm và dịch vụ có thông minh và sáng tạo hay ngu xuẩn và sao chép?

  1. 2.            Ban quản trị

Hai nhân tố quan trọng của nhà lãnh đạo là kiến thức và kinh nghiệm. Kiến thức đây không phải là bằng cấp, kiếm được từ trường lớp hay đi mua từ chợ, mà là một dòng suy tưởng và phân tích được bổ sung hàng ngày qua đám mây của nhân loại. Kinh nghiệm là những thành quả từ chiến trường thực sự, thua hay thắng, bằng công sức của chính mình và đội ngũ bao quanh.

Hai nhân tố trên sẽ giúp cho nhà lãnh đạo có một tầm nhìn xa, chính xác; cũng như một phán đoán sắc bén hơn khi trực diện những đòi hỏi của tình thế. Dĩ nhiên, lãnh đạo không thể đi xa hơn các nhân tài trong nhóm quản trị; giá trị thực của toàn đội ngũ cộng hưởng sẽ là vũ khí then chốt khi lâm trận.

Cho Việt Nam, ban quản trị kinh tế của chúng ta có hội tụ được những người giỏi nhất về kiến thức và kinh nghiệm để diều hành? Lãnh đạo có đủ tự tin để chiêu mộ những người tài giỏi hơn họ? Nhân sự lãnh đạo được tuyển chọn như thế nào, qua phe nhóm bè phái hay qua các kỹ năng và kinh nghiệm thực sự? Nhìn qua lý lịch và thành tích của 30 người quan trọng nhất đang diều khiển bộ máy kinh tế xứ này, người dân nhận định ra sao? Và vấn đề đạo đức? Chúng ta có nên bắt chước vài quốc gia đòi hỏi một liệt kê tài sản của các lãnh đạo và gia đình họ, trước và sau khi nắm quyền? Chúng ta có dám để những chuyên gia hay định chế độc lập phân tích và phán xét nhân sự và bộ máy điều hành?

  1. 3.            Kế hoạch tiếp thị

Một nhà hiền triết Trung Quốc dạy,” Muốn thống trị thiến hạ thì hãy phục vụ mọi người”. Phục vụ và đáp ứng được nhu cầu để khách hàng thỏa mãn là một kế hoạch tiếp thị thành công.Đây thực sự là một hành động liên tục, chứ không phải một vài khẩu hiệu khôn ngoan hay một cô người mẫu đẹp mắt trong một phút quảng cáo trên TV.

Trong nền kinh tế quốc gia, người dân là khách hàng, là nhà đầu tư và các quan chức là người bán hàng. Mục tiêu là sự thỏa mãn của “Thượng Đế”. Ngoài việc làm cho túi tiền của dân càng ngày càng phồng to, bộ máy lãnh đạo phải tạo thương hiệu, hay “niềm tin” của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của mình. Ít nhất là họ phải tin rằng người bán sẽ giao đúng món hàng, đúng giờ và đúng giá…như lời hứa.

Trong các dịch vụ của chánh phủ, quan trọng là công ăn việc làm, an ninh, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa và bảo hiểm xã hội cho những người kém may mắn. Ngoài ra, một nhiệm vụ “mềm” nhưng cần thiết là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng với sự minh bạch, trung thực và sáng tạo.

Các lãnh đạo kinh tế ở Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu này chưa? Những người dân đang sinh hoạt hàng ngày có “tin” vào những giải pháp đề nghị, những dự án dài hạn, những thực thi luật lệ, những tiêu xài đa dạng của chánh phủ? Cụ thể hơn, họ có tin là chánh phủ đang làm tất cả để bảo đảm giá trị của đồng tiền VN, để khả năng thu nhập và mua sắm gia tăng đều đặn, để môi trường sống phù hợp với sức khỏe công cộng, để xã hội bớt bức xức về tệ nạn văn hoá?

  1. 4.            Hiệu quả tài chánh

Sau cùng, mọi nhà đầu tư đều muốn đồng tiền của mình được sử dụng hiệu quả và sinh lợi thương trực. Ngoài các con số về lợi nhuận và doanh thu, họ quan tâm nhất đến chỉ số hoàn trái (ROI: return on investment). Dù kế hoạch, ban quản trị, kỹ năng tiếp thị…có hay giỏi đến đâu, nhà đầu tư sẽ cho là vớ vẩn (Bull S.) nếu công ty liên tục thua lỗ.

Câu hỏi người dân thường đặt ra cho mọi chánh phủ là “trong nhiệm kỳ của ông hay bà, đời sống chúng tôi có khả quan hơn không?”. Về vật chất, về sức khỏe, về tinh thần, về tương lai con cái…tôi có nhiều hy vọng và lạc quan hơn không? Các ông bà đã đem tiền thuế, tiền nợ công, tiền các ông bà tự in ra…đầu tư vào những thứ gì và hiệu quả tài chánh của chúng là thế nào? Các ông bà tiêu xài trong tiết kiệm và cẩn trọng số tiền của chúng tôi hay thích đi xây những văn phòng hoành tráng, mua những siêu xe, mở những tiệc tùng liên tục.. để hưởng thụ?

Trong 10 dự án đầu tư thì luôn có một vài lỗ lã, nhưng nếu cả 10 đầu tư đều lỗ nặng thì không ai muốn bỏ 1 xu vào quỹ của các ông bà. Trong khi đó, nếu chúng tôi thu lợi được 30-50% mỗi năm, thì chuyện các ông bà ăn bớt 5-10% cũng ổn thôi. Còn nếu chúng tôi đã lỗ 20-30% rồi mà lại còn chi cho các ông bà quản lý thêm 20-30% nữa; không sớm thì muộn, chúng tôi sẽ lăn quay ra chết…vì ngu và điên. Đặt các ông bà xây 1 khúc đường mà giá cao hơn thị trường gấp đôi lại hư hỏng khi chưa sử dụng…thì xử trí sao đây? Ngoài đời, khi bỏ 16 triệu mà mua nhầm một Iphone dỏm từ Trung Quốc thì phải quay lại cửa hàng …đấm vỡ mặt thằng bịp.

Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của bất cứ dự án đầu tư nào. Thời thế, may mắn, quan hệ, biến động xã hội, thiên tai…đều có thể trở thành những tác động chủ yếu. Nhưng chúng ta phải tùy thuộc vào những phân tích định lượng nêu trên để đánh giá cơ hội thành công của dự án; cũng như những rủi ro khiến chúng ta “tiền mất tật mang”.

Do đó, qua lăng kính của 4 góc nhìn chính, người dân có thể đoán được là các nhà lãnh đạo kinh tế Việt Nam có đủ khả năng đưa con thuyền này vượt sóng cao, ra biển lớn, ganh đua ngang hàng với mọi đối thủ và đối tác trong ngôi làng toàn cầu? Hay là chúng ta phải cầu nguyện mỗi ngày?

Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét