Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tham nhũng vì người hay thể chế?

Tham nhũng vì người hay thể chế?


Trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên sau khi được bầu vào chức Tổng Bí thư tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Một năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng ông không muốn ‘tạo dấu ấn’ cho riêng mình trong cương vị mới này.
Nhưng sau gần ba năm tại chức, xem ra ông đã để lại không ít ‘dấu ấn’ và có nhiều phát biểu khá ‘ấn tượng’.
Chẳng hạn, trong lần tiếp xúc cử tri tại Quận Ba Đình, Hà Nội vào đầu tháng 12 này, khi cử tri bày tỏ bức xúc về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam ông đã nói: ‘Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh’.
Ví dụ thật ‘dí dỏm’ và phát biểu rất ‘ấn tượng’ trên của ông Tổng Bí thư đã được báo chí trong nước trích dẫn và đặc biệt cư dân mạng bình phẩm rất nhiều trong những ngày qua.
Câu nói ấy của ông được bàn luận nhiều vì – dù không nói trực tiếp – ông coi bản chất của con người là không lương thiện, gian trá, dễ đi bị tha hóa, sẵn sàng làm điều xấu để đạt được mục đích của mình vì ngay cả ‘Đường Tăng’ (một người thuộc giới tu hành) ‘tới đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh’.
Bản chất con người thiện hay ác luôn là một đề tài quan trọng và cũng là một chủ đề gây nhiều tranh luận – đặc biệt trong triết học, nhân bản học hay giáo dục.
Nhưng cứ cho rằng con người có tính bản ác, dễ bị tha hóa và ‘tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ’ như ông Trọng khẳng định, một câu hỏi được đặt ra là tại sao tham nhũng ở Việt Nam lại nhiều hơn những nước khác?
Nói cách khác, phải chăng người Việt có tính bản ác nhiều hơn – hay ít hướng thiện hơn – người châu Âu, Mỹ hay những nước như Đông Nam Á khác như Singapore nên mới đi hối lộ và tham nhũng nhiều như vậy?
Không phải vì bản chất
Các vụ án lớn xảy ra tại những tập đoàn nhà nước (như vụ Vinashin)
Theo chỉ số tham nhũng của Tổ chức minh bạch Quốc tế (Transparency International) năm 2013, Việt Nam bị xếp thứ 116 – sau xa các nước ASEAN khác như Singapore (5) và Malaysia (53) – trên 175 quốc gia, lãnh thổ được Transparency International (TI) khảo sát, đánh giá.
Kết quả của TI cũng cho thấy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam trong những năm qua cũng không giảm mặc dù Đảng Cộng sản đã có những chiến dịch, chủ trương chống tham nhũng rầm rộ – như việc ‘kiểm điểm, tự phê bình và phê bình’ theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI – vì năm 2010 Việt Nam cũng bị TI xếp thứ 116.
Điều đáng nói là nếu dựa trên chỉ số của Tổ chức minh bạch Quốc tế, không ai có thể hay dám khẳng định rằng người Việt dễ bị tha hóa hay tham nhũng hơn người Malaysia hoặc người thuộc các nước châu Âu, như Đan Mạch và Phần Lan.
Trái lại, nếu nhìn qua những chỉ số ấy và so sánh với các chỉ số khác – như dân chủ hay tự do báo chí – chắc ai cũng có thể hiểu được tại sao ở Việt Nam hay Bắc Hàn có nhiều tham nhũng hơn những quốc gia như Đan Mạch hay Phần Lan.
"Và qua những ví dụ trên, có thể khẳng định rằng tham nhũng nhiều hay ít không phải là ở bản chất con người mà là ở thể chế chính trị"
Có thể nêu ra một vài ví dụ, chỉ số cụ thể.
Ngoại trừ Singapore, hầu hết 20 quốc gia, lãnh thổ được TI đánh giá có ít tham nhũng nhất năm 2013 là những nước được The Economist và Reporters Without Borders (Tổ chức phóng viên không biên giới) xếp đầu trong chỉ số dân chủ và chỉ số tự do báo chí của mình năm và 2013.
Cụ thể hơn, năm nước đứng đầu về chỉ số minh bạch (hay có ít tham nhũng nhất) – là Đan Mạch, New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy – cũng là năm quốc gia được The Economist xếp đầu về chỉ số dân chủ.
Do vậy, có thể nói ở đâu có một thể chế chính trị cởi mở, dân chủ, có tự do báo chí thì ở đó tình trạng tham nhũng ít vì trong một xã hội như thế mọi lời nói và hành động của một chính trị gia hay một đảng phái chính trị luôn bị người dân, các phe đối lập và đặc biệt báo chí theo dõi, giám sát, phanh phui.
Và qua những ví dụ trên, có thể khẳng định rằng tham nhũng nhiều hay ít không phải là ở bản chất con người mà là ở thể chế chính trị. Một ví dụ cụ thể hơn để chứng minh điều đó là trường hợp Bắc và Nam Hàn. Ai cũng biết cả hai quốc gia này đều thuộc bán đảo Triền Tiên, có chung ngôn ngữ và văn hóa, nhưng chỉ khác nhau về thể chế chính trị.
Một nước thì có đa đảng, dân chủ, tự do – được Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp thứ 50 về tự do báo chí và The Economist xếp thứ 20 về dân chủ. Bên kia là một thể chế độc tài, gia đình trị – bị xếp gần cuối bảng (chỉ trên Eritrea) về tự do báo chí và xếp cuối bảng về dân chủ.
Vì sự khác biệt về thể chế đó trong khi Nam Hàn được Tổ chức minh bạch thế giới xếp thứ 46, Bắc Hàn bị xếp cuối bảng (cùng với Somalia).
Một yếu tố khác có tác động lớn đến nham nhũng là pháp luật. Cụ thể, trường hợp của Singapore cho thấy nếu một quốc gia có pháp luật nghiêm minh, quốc gia ấy sẽ có ít tham nhũng. Với vị trí thứ năm (cùng với Na Uy), Singapore – một quốc gia được coi là có hệ thống pháp luật rất nghiêm minh, hệ thống tư pháp khá độc lập – là nước Á châu duy nhất được TI xếp vào 10 nước ít tham nhũng nhất năm 2013 dù đảo quốc này bị Tổ chức phóng viên không biên giới xếp thứ 149 và The Economist xếp thứ 81.
Vì thể chế, pháp luật
Vụ án Vinalines được dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi.
Có thể nói ở Việt Nam tham nhũng nhiều – hơn những quốc gia khác như Đan Mạch, Phần Lan, Singapore tại – vì nước này thiếu dân chủ, thiếu tự do báo chí và pháp luật không nghiêm minh. Các chỉ số về dân chủ, tự do của Việt Nam đều thua các quốc gia trên. Việt Nam cũng không có một hệ thống luật pháp nghiêm minh.
Cụ thể, Việt Nam đều thua xa Singapore về hai chỉ số phụ khác được Tổ chức minh bạch Quốc tế xem xét để đánh giá tình trạng tham nhũng của một quốc gia là chỉ số về độc lập của hệ thống tư pháp (judicial independence) và chỉ số về thượng tôn pháp luật (rule of law).
Chẳng hạn, về thượng tôn pháp luật, với 1.69 điểm (chỉ số này được đo từ -2.5 đến 2.5), năm 2010, Singapore có tỷ lệ thượng tôn pháp luật là 93%, trong khi đó với số điểm -0.48, tỷ lệ về thượng tôn pháp luật ở Việt Nam chỉ có 39%.
Qua những chỉ số trên, việc ông Nguyễn Phú Trọng coi bản tính con người là hối lộ, tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam không thuyết phục chút nào.
Một lý do khác được ông đưa ra để giải thích tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là ‘do đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, coi thường giá trị con người. Đó là mặt trái của kinh tế thị trường’. Lý do này xem ra cũng không thuyết phục lắm vì đa số các nước tham nhũng ít – cũng là những nước phát triển – là những quốc gia áp dụng nền kinh tế thị trường.
Hơn nữa, Việt Nam cũng không phải hoàn toàn theo kinh tế thị trường vì vẫn còn có ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Và trong một chừng mực nào đó sự kết hợp (hơi khập khiễng) này là một trong những lý do dẫn đến nạn tham nhũng vì trong một nền kinh tế như vậy các doanh nghiệp nhà nước được nắm vai trò chủ đạo và hiện tại những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lớn, tham nhũng nhiều lại là những tổng công ty hay doanh nghiệp nhà nước.
"Không biết ‘cái nhìn khoa học, biến chứng về tham nhũng’ của ông Trọng là gì. Nhưng những chỉ số, ví dụ cụ thể trên chứng minh rằng nếu một quốc gia thực sự dân chủ, có tự do báo chí và hệ thống luật pháp nghiêm minh – hay có một hoặc hai trong ba yếu tố này – nước ấy chắc chắn sẽ có ít tham nhũng"
Hai vụ tham nhũng lớn – được coi là trong những ‘đại án’ đã và đang bị xét xử trong những ngày này liên quan đến một công ty con của Ngân Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Vinaline – là những ví dụ điển hình.
Trong phát biểu của mình tại buổi tiếp xúc với cử tri đó Giáo sư Nguyễn Phú Trọng cũng khuyên rằng vì ‘Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh’ nên ‘phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng’.
Không biết ‘cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng’ của ông Trọng là gì. Nhưng những chỉ số, ví dụ cụ thể trên chứng minh rằng nếu một quốc gia thực sự dân chủ, có tự do báo chí và hệ thống luật pháp nghiêm minh – hay có một hoặc hai trong ba yếu tố này – nước ấy chắc chắn sẽ có ít tham nhũng.
Chẳng hạn, nếu để cho báo chí được tự do phát giác, phanh phui các vụ tham nhũng – từ nhỏ đến lớn – chắc chắn tình trạng tham nhũng của Việt Nam không nhiều như vậy. Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam cho đưa ra xét xử những vụ tham nhũng lớn với những bản án rất nặng, như chung thân hay tử hình đối với một số lãnh đạo ngân hàng Agribank và Vinalines.
Cho tiến hành xét xử những vụ tham ô – còn được gọi là những ‘đại án’ – đó và nghiêm minh trừng phạt những kẻ tham nhũng là một việc nên làm để giới hạn tệ nạn tham nhũng.
Nhưng một câu hỏi khác được đặt ra là còn bao nhiều người trong những tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác – hay quan chức lớn nhỏ của Việt Nam – tham nhũng mà chưa được phanh phui, xét xử, trừng phạt?
Hơn nữa, những vụ ‘đại án’ ấy chắc chắn được ngăn ngừa hay bị giới hạn – tránh gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước, cho nhân dân và một số cá nhân không phải mất sinh mạng – nếu có một xã hội thực sự dân chủ, cởi mở và báo chí được tự do điều tra tham nhũng hay pháp luật nghiêm minh.
Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.
(BBC)

Phan Châu Thành - Ba vấn đề lớn trong các “đại án kinh tế” (2)

Phần 2: Những nguyên nhân phá sản từ Mô hình kinh tế Nhà nước

Trong Phần 1 – Những vấn đề pháp lý trong các “đại án tham nhũng”, chúng tôi đã chỉ ra những nguyên nhân trong hệ thống pháp lý đã tham gia tạo nên (như là những cái bẫy pháp lý) sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế nhà nước (KTNN) như Vinashin, Vinalines…

Nhưng những cái bẫy pháp lý (thường là ngu xuẩn và vô bổ như NĐ 49/CP) giăng trên đầu và xung quanh các tập đoàn KTNN đó, khiến chúng tự mắc vào và tự sập bẫy cũng chỉ là bối cảnh mà hệ thống pháp lý kinh tế của thể chế này vô tình tự dựng nên cho các con cưng của mình – các doanh nghiệp KTNN, mà thôi. Chính cái cơ cấu tổ chức và phương cách quản lý kinh tế của nhà nước này, hay còn gọi là mô hình tổ chức kinh tế nhà nước, với 127 các tổng công ty và tập đoàn KTNN ở trung tâm và “là chủ đạo” để đảm bảo “định hướng XHCN”, mới khiến các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty và tập đoàn KTNN đó trở thành những cỗ máy tự động vận hành đến… sự sụp đổ tất yếu của chúng, như Vinashin và Vinalines hay như nhiều công ty NN khác đã tự “vận hành” tự sát, mà chúng ta đã đang và sẽ còn thấy nhiều.


Vậy điều gì trong cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý của các tổng công ty và tập đoàn KTNN khiến chúng sẽ tất yếu đi đến phá sản? Đó là điều tôi xin sẽ trình bày trong phần 2 này.

Thứ nhất, về tổ chức, sau gần trăm năm thí nghiệm trên hàng chục quốc gia với hàng tỷ dân số, “phe” XHCN vẫn chưa tìm ra mô hình tổ chức đơn vị kinh tế XHCN cho mình thì tất cả (những quái thai thí nghiệm mang tên công xã, HTX, liên hiệp xã, xí nghiệp, nông trường, liên hiệp các xí nghiệp…) đã sụp đổ khắp nơi trước hay cùng bức tường Berlin năm 1991. Còn lại ở Trung Quốc và Việt Nam người ta đều vội vã học theo mô hình công ty hay tổng công ty của bọn tư bản “thối tha”, để tồn tại.

Nhưng VN đã áp dụng ba “cải tiến” chính, cơ bản để chúng vẫn đảm bảo “tính XHCN”: đầu tiên là, sở hữu “toàn dân” - do đảng sở hữu và đảng cử người “đại diện sở hữu” các công ty đó (Chủ tịch HĐTV), tức là công ty chỉ có 1 (một) cổ đông duy nhất, thay vì công ty phải do nhiều cổ đông sở hữu và các cổ đông đó bầu ra chủ tịch HĐTV; hai là, công ty nhà nước thực chất không có pháp nhân độc lập vì công ty không được độc lập mà phải phụ thuộc đảng/nhà nước, và vì đảng hay nhà nước chỉ có và chỉ là một pháp nhân duy nhất; và ba là: đảng bổ nhiệm trực tiếp luôn Giám đốc/Tổng giám đốc điều hành công ty/tổng công ty thay vì chủ tịch HĐTV chọn thuê người điều hành.

Với ba điều chỉnh chính trên, mô hình công ty, tổng công ty hay tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam không còn là công ty (The Corporate body) như là một trong những thành tựu sáng tạo vĩ đại nhất của Loài người (à quên: của bọn tư bản thối tha) sau mấy thế kỷ trải nghiệm từ thế kỷ 18, thời Adam Smith đến nay, nữa, mà chỉ còn là những quái thai XHCN mới của Việt Nam.

Hiện đảng và nhà nước VN có ba mô hình chính là công ty TNHH một thành viên (!), tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó mô hình tập đoàn vẫn đang là “thí nghiệm”. Chính những mô hình tổ chức công ty XHCN quái thai này đã, đang và sẽ biến những con người vận hành chúng thành những quái nhân như Phạm Thanh Bình và Dương Chí Dũng, đưa các tổ chức kinh tế quái thai đó đến những cái chết tất yếu như Vinashin, Vinalines...

Ở Vinashin, chúng ta thấy ông Bình được đảng “thí nghiệm” bổ nhiệm cả hai chức danh chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Tập đoàn (mãi đến khi tập đoàn đã sập ông Bình mới nhường chức tổng giám đốc cho ông…), nên ông đưa cả tập đoàn đến cái chết ngoạn mục hơn Vinalines.

Ở Vinalines, đảng rút kinh nghiệm bổ nhiệm 2 ông Dũng và Phúc độc lập nhau, đúng “thiết kế”, nhưng thiết kế lại sai ở chỗ làm tổng giám đốc và chủ tịch HĐTV luôn luôn đối chọi nhau kịch liệt. Đó là chuyện đã xảy ra ở Vinalines và đang xảy ra ở mọi doanh nghiệp nhà nước, làm chúng không thể hoạt động hiệu quả. Bởi vì, chủ tịch HĐTV có “quyền” có thế nhưng không có “lực”, còn tổng giám đốc thì có “lực” mạnh hơn nhưng lại vẫn phải theo chỉ đạo của chủ tịch. Đó là một trong những lực cản cơ bản khiến các doanh nghiệp nhà nước không bao giờ hoạt động thành công lâu dài và phát triển bền vững được. Bao giờ cũng có kẻ này lấn lướt kẻ kia trong hoạt động (không đúng thiết kế) hoặc hai bên căng nhau thì hoạt động kinh doanh càng bị ảnh hưởng xấu…

Nhưng nếu chủ tịch và tổng giám đốc bắt tau nhau “đoàn kết” thì sao? Thì… mỗi khu rừng sẽ có hai chúa sơn lâm, vui vẻ “chia nhau sơn hà”, dân sẽ khổ hơn gấp đôi và nhà nước mất vốn nhanh gấp đôi…

Thứ hai, về chính sách, các doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ và ưu tiên mọi nguyền lực (tài chính, đất đai, các quyền ưu tiên…) và được độc quyền “chức năng” trên thị trường. Các tập đoàn và tổng công ty đầu nghành còn có chức năng quản lý chuyên môn ngành nữa – họ là những người chấp bút viết ra các kế hoạch, chiến lược và chính sách cho cả ngành thay chính phủ mà chính phủ chỉ việc thông qua rồi đưa vào thực hiện. Nghị định 49/2006/NĐ-CP là một ví dụ về khả năng thao túng chính sách của các tổng công ty và tập đoàn nhà nước “đầu ngành”…

Nói chung các chính sách quản lý kinh tế các ngành của nhà nước VN hiện nay đều do các doanh nghiệp nhà nước viết ra. Vấn đề không chỉ là các chính sách đó chỉ có lợi cho họ, mà trước hết là các chính sách đó chỉ có tầm nhìn của họ chứ không có tầm nhìn của cả quốc gia, vì lợi ích lâu dài của cả nền kinh tế.

Thứ ba là về phương cách điều hành kinh doanh, khi được cho tự do toàn quyền mở rộng kinh doanh bằng “vốn tự có”, hầu như tất cả các tổng công ty và tập đoàn đều nhảy ra kinh doanh ngoài ngành của mình. Vinashin thì lập các đội tàu và kinh doanh vận tải biển, còn Vinalines thì mở nhà máy mới (nhập ụ nổi) để kinh doanh… đóng và sửa chữa tàu thuyền, và cả hai đều sa lầy và chìm xuồng ở lĩnh vực mở rộng vốn không phải “sân nhà” của họ đó.

Tại sao vậy? Vì cả hai (hay mọi tập đoàn nhà nước) đều luôn nói dối và nói quá lên với chính phủ về tương lai sáng lạn của ngành mình để xin chính phủ cho đầu tư lớn, và khi đã được chính phủ cho vốn đầu tư lớn rồi thì cả hai (hay tất cả) vốn đều biết ngành mình rất khó nhai (mà đã giấu diếm không nói thật) nên để “bảo vệ’ vốn được giao thì tốt hơn là đầu tư vào ngành “ngon ăn hơn” của bên kia... mà mình “biết là ngon”. Thế là có ngay một vài thuyền trưởng láu cá và thất sủng của Vinalines được Vinashin “trọng dụng” lập nên các “Vinashin-lines”, còn một vài giám đốc cơ hội và thất thế của Vinashin được Vinalines “tin cậy” mời về để dựng lên các xưởng “Vinaline-shin” cho các ông Bình, Dũng… tạo nên những bãi lầy tài chính, kinh doanh (và đạo đức), làm các ông sẽ phải chết chìm và chết chùm trong đó.

Vậy nếu chính phủ không cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nữa (như hiện nay) thì vấn đề đầu tư kém hiệu quả sẽ được giải quyết? Không. Khi không được kinh doanh ra ngoài, lấn sân – tức là không được “phình to ngang”, mà vẫn đang có vốn lớn để phải đầu tư đúng ngành, các doanh nghiệp nhà nước sẽ… ”phình to dọc”. Phình dọc là khi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lớn đúng ngành nhưng họ biết chắc (và ai cũng biết) kiểu gì cũng chết, đằng nào cũng sẽ lỗ - nhưng họ vẫn đầu tư!

Tại sao họ biết lỗ mà vẫn làm? Bởi vì ba lý do chính sau: Cứ đầu tư là họ cơ hội rút ruột công trình chia nhau, lời lỗ tính sau (lý do quan trọng nhất); Họ đã xin vốn (khống và vống lên), Nhà nước đã cho vốn là họ phải đầu tư, nếu không kỳ sau họ sẽ không xin được vốn nữa! Và, đầu tư là họ có công trình, có thành tích, tạo công việc cho nhân viên, các sếp dễ thăng tiến cao hơn, còn kết quả đầu tư…tính sau!

Ví dụ cho kiểu “phình dọc” bất chấp hiệu quả này là các công trình thủy điện của EVN, các nhà máy chế tạo nhiên liệu sinh học ở Bình Phước, Phú thọ… của PV Oil (PetroVietnam), lọc dầu Bỉm Sơn, Thanh hóa (PVN)… và vô số các “công trình” khác của các tổng công ty tập đoàn kinh tế nhà nước.

“Phình dọc” cũng sẽ dẫn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến những cái chết kinh tế lớn, nhưng chúng khó bị phát hiện từ ngoài hơn, vì thế càng nguy hiểm hơn khi chúng tích tụ và bùng phát.

Thứ tư là về quản lý vốn và hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước. Chính phủ giao vốn và tài sản lớn của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước mà không có một chế tài nào cụ thể về trách nhiệm của đối với những người “đại diện nhà nước” về quản lý vốn và hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước đó, ngoài hy vọng vào đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp họ sẽ bảo toàn vốn. Thật quá vô cùng dễ dãi! Đại đa số người được giao tài sản lớn “của nhà nước” như thế đều dần dần tự coi mình như chủ, cảm thấy mình là chính chủ sở hữu. Và thế là đảng đã “đẩy” họ ra sức… sở hữu tài sản được giao “đại diện”! Chỉ đến khi doanh nghiệp sụp đổ, vốn và tài sản nhà nước đã tiêu tan hết, đã bị “đại diện sở hữu” sở hữu hết, như Vinashin hay Vinalines, thì nhà nước mới can thiệp thì đã quá muộn. Nhưng nếu nhà nước ngồi vào kiểm tra công việc hàng ngày thì không thể làm được, và doanh nghiệp thì mất tự chủ, tự do, sáng tạo…

Gần đây, một số doanh nghiệp nhà nước đưa ra sáng kiến quản lý: nếu doanh nghiệp lỗ 2 năm thì giám đốc sẽ bị cách chức. Thế có giải quyết được vấn đề quản lý hiệu quả doanh nghiệp không? Không. Vì mọi doanh nghiệp trong mọi nghành đều có chu kỳ thăng trầm: vài năm phát triển và năm khó khăn, các giám đốc đều biết điều đó và nếu gặp năm khó khăn thì họ sẽ báo cáo láo rằng vẫn lãi chút chút để được “qua đò”, và khi gặp những năm phát triển tốt thì họ cũng vẫn báo cáo “chỉ lãi chút chút” để dự phòng hay bù lại cho những năm khó khăn…

Không cần dọa cách chức thì hiện nay đại đa số giám đốc các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm thế rồi. Và cái phần lãi thực nhưng “để dự phòng cho khi khó khăn” nên không được báo cáo đó thì ai quản và quản thế nào? Điều đó là nguyên nhân phổ biến bắt đầu cho mọi tham nhũng, mà tham nhũng là khởi điểm và kết thúc của phá sản doanh nghiệp.

Đó là nững con đường tất yếu mà các doanh nghiệp nhà nước, cách này hay cách khác, đều sẽ phải đí qua, vì chúng được sinh ra với “bản năng” như vậy - để đến kết cục không thể tránh: phá sản, như Vinashin hay Vinalines hay v.v… và v.v…

Vậy vấn đề nằm ở đâu và làm sao tranh điều đó?

Vấn đề nằm ở cấu trúc tổ và chức quản lý quái thai của các công ty nhà nước, với các “cải tiến” như trên từ mô hình doanh nghiệp của tư bản – công ty hay corporate body.

Chỉ có thể tránh kết cục phá sản của nền kinh tế với những cái chết kiểu Vinashin, Vinaline… bằng cách xóa bỏ các công ty nhà nước theo mô hình công ty XHCN quái thai như trên, và thay hoàn toàn bằng các công ty tư nhân và công ty cổ phần (qua cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước) – các "corporate bodies".

Tất nhiên, đảng và nhà nước ta không thể làm thế, vì họ không thể để mất “định hướng XHCN”, cho dù điều đó mang lại sự thịnh vượng của cả dân tộc – trong đó có họ. Với đảng CSVN, quyền lợi của họ cao hơn quyền lợi dân tộc.

Chỉ còn một khả năng: đảng sẽ cố giữ các doanh nghiệp nhà nước như thế, và chúng sẽ lần lượt hay cùng nhau chết thảm như Vinashin, Vinalines và đảng tất nhiên cũng rã đám theo, nhưng các cán bộ đảng thì đã thành tư bản đỏ rồi.

Chỉ có nhân dân là luôn phải trả giá đau đớn nhất trong cái chết tất yếu của nền kinh tế “định hướng” đó. Vấn đề là, nếu đã biết vậy thì nhân dân có sẽ để cho đảng làm vậy với dân không?

Tôi tin rằng: không.
Phan Châu Thành
(Dân luận)

Dương Chí Dũng và con bài chưa lật

Ông Dương Chí Dũng, ​​56 tuổi, cựu chủ tịch của Vinalines nghe tuyên án tại Toà án nhân dân Hà Nội ngày 16 tháng 12, 2013.
Ông Dương Chí Dũng, ​​56 tuổi, cựu chủ tịch của Vinalines nghe tuyên án tại Toà án nhân dân Hà Nội ngày 16 tháng 12, 2013. AFP
Nghe bài này

Bản án tử hình cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc chưa ngã ngũ vì còn phúc thẩm và nhất là còn phiên tòa thứ hai xử vụ Dương Tự Trọng đàng sau nó vẫn còn nhiều uẩn khúc. Mặc Lâm có thêm chi tiết.

Trong bản tuyên án ngày 16 tháng 12 chủ tọa đã đọc một cáo trạng dài về tội trạng của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng với bảy người khác trong vụ án Vinalines với điểm chính yếu là chia chác nhau trong vụ mua ụ nổi 83M. Dương Chí Dũng lúc ấy là Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Vinalines còn Mai Văn Phúc trong vai trò Tổng giám đốc Vinalines hai người đã toa rập nhau khai khống nâng giá chiếc ụ nổi phế thải này của Nhật Bản lúc ấy đang nằm chờ sẻ thịt tại Nga.

Sự thiệt hại trong vụ tham ô này lên đến 366 tỷ. Số tiền quá lớn đó được Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phù phép và dĩ nhiên là có những liên hệ từ cấp lớn hơn trong hệ thống để rồi kết quả hai bản án tử hình đã khiến cả phiên tòa náo động khi thân nhân cả hai bị cáo òa khóc kêu gào là oan sai tại tòa.

Tương trợ Tư pháp, một yếu tố quan trọng bị bỏ qua

LS Trần Đình Triển, một trong bốn luật sư bào chữa chính cho bị can Dương Chí Dũng đã phân tích chi tiết rất quan trọng của vụ án này:

Việc mua ụ nổi 83 M đó từ một công ty bên Nga, công ty bên Nga này ký hợp đồng với công ty AP của Singapore và công ty Singapore này đã mua ụ nổi từ Nga và bán trở lại cho Vinalines. Trong hồ sơ vụ án có một bản hợp đồng váo ngày 7 tháng 7 năm 2007 giữa công ty AP của Singapore và Nga có nói chi cho bên thứ ba 1 triệu 600 ngàn đô. Còn hợp đồng giữa Tổng công ty Hàng Hải của Việt Nam với Singapore thì không thể hiện việc ăn chia trong việc mua bán này cả.

Vấn đề cơ bản ở đây là Việt Nam và Nga đã ký hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự và hình sự. Việt Nam và Singapore cũng đã ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự qua khối ASEAN. Đáng lẽ phải thông qua tương trợ tư pháp để nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga và Singapore chứng minh rằng ai là người thỏa thuận đến việc ăn chia đó và chia chác như thế nào thì bản án tử hình không ai bàn cãi cả.

Theo luật sư Triển thì số tiền hơn 1 triệu sáu trăm ngàn đô la này sau đó được chuyển về một công ty tư nhân mang tên Phú Hà mà chủ công ty này là em gái ông Trần Hải Sơn, Phó ban dự án của Vinalines. Số tiền này chuyển về qua hợp đồng hợp tác đầu tư liên quan đến việc xây dựng một dự án thông quan tại Hải Phòng và do đó không chắc gì có liên quan đến ụ nổi 83M.

Luật sư Trần Đình Triển cho biết chính ông đã yêu cầu tòa án chú ý đến yếu tố này nhưng bị bác bỏ, ông chia sẻ:

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi cũ kỹ gỉ sét 83M với giá hơn 24 triệu USD
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi cũ kỹ gỉ sét 83M với giá hơn 24 triệu USD. Files photos
Tại phiên tòa tôi đã trình bày rằng giả sử mai sau này phía công ty của hai nước Nga và Singapore có bằng chứng người ta chứng  minh rằng việc thỏa thuận này không liên quan gì tới ông Dũng và ông Phúc và hai ông này không ăn chia gì trong số tiền này, thậm chí nếu công ty AP của Singapore xác nhận số tiền này không liên quan đến việc  mua ụ nổi mà là đầu tư thì có dẫn đến oan sai hay không?

Chủ tịch Hội đồng Quản trị không có quyền?

Trong cáo trạng của VKS cho biết Dương Chí Dũng lúc ấy là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt việc mua sắm ụ nổi và tự tiện nâng giá lên gấp đôi so với dự toán ban đầu. Ông Dũng bị cáo buộc về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”,.

Trong phần bào chữa mà báo chí ghi nhận lại, LS Ngô Ngọc Thủy cho rằng, “bị cáo Dũng chỉ là Chủ tịch HĐQT, là người phải thực hiện ý kiến của tập thể HĐQT mà thôi. Sai sót của bị cáo xuất phát từ sai sót của cả HĐQT” và “Việc xây dựng nhà máy, mua ụ nổi là phù hợp với chủ trương của Bộ GTVT. Bị cáo Dũng chỉ nóng vội phê duyệt Dự án trong khi thẩm quyền là của cấp trên chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân”.

LS Thủy đã không thuyết phục được HĐXX vì với tâm lý của người Việt Nam khi đã là Chủ tịch HĐQT thì đương nhiên có quyền tuyệt đối còn những thành viên khác có đồng tình hay không thì cũng không làm gì khác được vì Vinalines là một doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị không khác gì một tổng bí thư nho nhỏ trong cơ quan này.

Trong khi tòa yêu cầu Dương Chí Dũng khai báo người đã tiết lộ thông tin cho ông này biết là ông ta đang bị điều tra về ụ nổi 83M để kịp bỏ trốn trước khi vụ án bắt đầu vài ngày, Dương Chí Dũng đã làm cử tọa bực bội khi liên tiếp trả lời là ông ta đã khai báo với cơ quan điều tra. Khi tòa nhắc lại yêu cầu thì Dương Chí Dũng cũng nhắc lại câu trả lời của mình như vậy.

Nhân vật bí ẩn.

Dư luận nổi giận với cách tránh né này và cho rằng hành động này là có chủ đích ít nhất là kéo dài thời gian chuẩn bị cho người trực tiếp rò rỉ thông tin cho Dương Chí Dũng chạy trốn.

LS Bùi Quang Nghiêm giải thích thái độ của Dương Chí Dũng dưới cái nhìn của luật pháp, ông nói:

Nếu không có vụ án khác trước khi ông Dũng bị khởi tố vì ông ta trốn đi nước ngoài thì phải làm rõ người gọi cho ông nên đi trốn trong vụ án này. Nhưng do sẽ có một vụ án riêng về việc tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài mà trong đó có nhiều bị can khác nữa kể cả em trai ông Dũng là Dương Tự Trọng là bị can trong vụ này cho nên ông Dũng trả lời như vậy trước tòa là có thề chấp nhận được.

Khi được hỏi với bản án tử hình trên cổ chắc gì Dương Chí Dũng thành khẩn hợp tác với tòa án để khai ra người từng ban ơn cho ông  ta vì có khai thật cũng phải chịu chết thà không khai còn được tiếng không phản bội.  Luật sư Bùi Quang Nghiêm giải thích trình tự của vụ án này nếu xảy ra sau khi phiên phúc thẩm của Dương Chí Dũng:

Bản án tử hình hiện nay cũng chưa có hiệu lực pháp luật. Giả sử có hiệu lực pháp luật đi chăng nữa nhưng ông Dũng vẫn còn liên quan đến vụ án khác thì vẫn phải giải quyết cho xong cái vụ án còn lại. Qua kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi thì giả sử như bản án phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Dương Chí Dũng liên quan đến án tử hình thì chưa thi hành án mà phải chờ giải quyết xong vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài thì mới thi hành án.

Con chủ bài sẽ hành động ra sao?

Tuy nhiên sự việc có thể phát sinh một kịch bản khác nếu người tiết lộ tin tức cho Dương Chí Dũng lại là một nhân vật tầm cỡ, đã có vai trò trực tiếp trong vụ ăn chia ụ nổi mà cả 9 bị can đều ra sức che dấu. Bảy người không bị tử hình chắc sẽ cam tâm với hy vọng giảm án nhưng Dương Chí Dũng không thể đem sinh mạng ra che dấu cho ông ta.

Hành động vững vàng thậm chí ngâm thơ trước tòa cho thấy Dương Chí Dũng rất tin tưởng khi đối diện với HĐXX. Có lẽ ông ta đã nhận được một lời hứa nào đó rất nặng ký cho số phận của mình.

Lời hứa ấy nếu trôi tuột vào không gian thì không nên lấy làm lạ bởi đem Dương Chí Dũng đi bắn hay bắt ông ta chịu cam phận im lặng để giữ cho cả giòng họ được cho là danh giá của ông ta yên thân thì cũng là nước cờ đã được tính trước.

Người dân chờ đợi phiên xử Dương Tự Trọng, em ruột của Dương Chí Dũng trong vụ án tổ chức cho anh vượt biên trốn tránh sự truy nã của công an. Tuy chưa diễn ra nhưng nhiều người cho rằng bản án đã được tính trước như mọi khi, có điều nhân vật bí ẩn ấy có xuất hiện hay không thì còn phải chờ xem thái độ của người tử tù Dương Chí Dũng.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-12-17

Đào Tuấn - Một cái “lỗ đen” cho những kẻ bị lộ


2 án tử hình đã được tuyên trong tiếng gào khóc của thân nhân và sự… bình thản của các bị án tử hình. Đây không phải là án tử hình đầu tiên đối với một tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, nhưng chắc chắn, phải đến khi bản án tử hình dành cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines được tòa tuyên chiều qua, người dân mới thực sự tin rằng một “tiền lệ” mới bắt đầu được mở ra: Tham ô, tham nhũng nghiêm trọng dứt khoát phải trả giá bằng mạng sống.
Một chiếc ụ nổi được sản xuất từ năm 1965, già nua và hỏng hóc đến mức không thể có bất cứ hoạt động nào khác, ngoài việc chưa chìm. Ấy thế mà, cũng chỉ bằng 24 chữ cái, những người có trách nhiệm ở Vinalines đã biến nó thành con số 9 triệu USD. Và số tiền tiêu tốn cho cái ụ nổi chưa chìm đó lên tới 500 tỉ đồng. Mỗi tháng 1 tỉ đồng, và một năm mất 12 tỉ riêng cho việc… neo đậu. Thực tế là chỉ qua việc mua một chiếc ụ nổi, những quan chức ở Vinalines đã tham ô hơn 28 tỉ đồng và qua đó, gây thiệt hại 366 tỉ.
Nếu phải bày tỏ cảm xúc, chắc chắn, đó là sự phẫn nộ không chỉ ở số tiền tham nhũng quá lớn, mà còn từ việc hành vi tham nhũng được thực hiện quá dễ dàng.
Phải nói thêm là trước khi tòa tuyên án, thì “tòa án công luận” đã kết án tử hình đối với Dương Chí Dũng. Người dân có lý khi bày tỏ sự đồng thuận với mức án nghiêm khắc này, coi đó như việc cụ thể hóa cam kết chống tham nhũng “không có khoảng trống”. Cũng như chỉ hôm qua, họ kể cho nhau nghe chuyện Dương Chí Dũng thản nhiên bảo “Anh cảm ơn em” khi nhận hàng vali tiền.
Nhưng bản án tử hình được tuyên ngày hôm qua chỉ ra biết bao nhiêu những cái “lỗ đen”. Cái lỗ đen từ cơ chế quản lý khiến người ta có thể “thổi” giá một đống sắt thành một chiếc ụ nổi. Lỗ đen từ không ít DNNN “mua cái gì cũng đắt. Làm cái gì cũng nhanh hỏng”. Lỗ đen từ cơ chế kiểm soát khi cái ụ nổi đồng nát, qua biết bao cơ quan kiểm tra, bao cơ quan giám định, qua bao nhiêu chữ ký được đàng hoàng thanh toán bằng tiền thuế của người dân. Lỗ đen trong quy định kiểm soát tài sản và thu nhập của quan chức nhà nước khi nền kinh tế tiền mặt và sự hình thức trong kê khai, khiến trong thực tế, tình hình tệ đến mức là tội phạm ở Việt Nam thậm chí chẳng cần phải rửa tiền.
Và vô số những “lỗ đen” này đang cho thấy lỗ đen lớn nhất trong chính bản án: Tử hình sẽ chỉ là biện pháp xử lý với một cá nhân phạm tội tham ô tài sản. Còn “lỗ đen” đối với xã hội nếu như sau án tử đó, những lỗ đen khiến người ta tham nhũng, đến mức độ phải tử hình, không được lấp kín.
“Lỗ đen” là từ dùng mà “khắc tinh của án tử hình” - luật sư nổi tiếng nhất thế giới Judy Clarke - nói về những bản án tử hình. Một đất nước có quá nhiều “lỗ đen” cũng có mặt trái là cơ chế phòng bệnh và sự kiểm soát cũng đang có “lỗ đen”. Dù ủng hộ, dù đồng thuận với án tử hình ngày hôm qua, nhưng có lẽ, không một người dân nào muốn có thêm bất cứ một bản án tử hình nào cho nhóm tội tham nhũng nữa. Vấn đề căn cơ, vì thế, phải là cơ chế ngăn chặn, để có muốn người ta cũng không thể tham nhũng, để không có án tử hình đối với tội danh tham ô tài sản, chứ không chỉ là đào một cái “lỗ đen” cho “những đồng chí bị lộ”.
Đào Tuấn

Dương Chí Dũng đứng lặng như tượng nghe lĩnh án tử hình

Dân Việt - Khi nghe HĐXX tuyên phạt án tử hình, người nhà bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã gào khóc khiến phòng xử ầm ĩ, chủ tọa phiên tòa đã phải yêu cầu lực lượng cảnh sát đưa họ ra khỏi phòng xử.



Dương Chí Dũng đứng lặng như tượng nghe lĩnh án tử hình
Đúng 17 giờ 40 bản án dành cho Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm mới được HĐXX tuyên xong.
14 giờ 40, HĐXX bước vào phòng xử và bắt đầu tuyên án, do vụ án phức tạp, nội dung dài nên chủ tọa phiên tòa thẩm phán Ngô Thị Ánh và thẩm phán thứ hai Đào Vĩnh Tường phải thay nhau đọc. HĐXX đã cho phép một số bị cáo có sức khỏe yếu được ngồi nghe án.

Bị cáo Dương Chí Dũng đã đứng nhô cao sát vành móng ngựa, các bị cáo còn lại đứng phía sau. Trong suốt thời gian nghe tuyên án bị cáo Dũng đứng lặng như tượng, không có một chút nhúc nhích nào ngoài việc chớp mắt.

Phải sau hơn 3 tiếng đồng hồ, bản án mới tuyên xong. Các bị cáo bị nhận mức án như sau:




1.Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines bị tuyên tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.


2.Mai Văn Phúc – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines nhận án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt tử hình.

3.Trần Hữu Chiều – nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Quản lý dự án của Vinalines 10 năm tù về tội Tham ô tài sản, 9 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt 19 năm tù.

4.Trần Hải Sơn – nguyên Phó ban Quản lý dự án 14 năm tù về tội Tham ô tài sản, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 22 năm.

5.Mai Văn Khang – nguyên thành viên Ban Quản lý dự án nhận 7 năm tù.

6.Bùi Thị Bích Loan – nguyên Trưởng ban Tài chính nhận 4 năm tù.

7.Lê Văn Dương – nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận 7 năm tù.

8.Huỳnh Hữu Đức – nguyên Phó Chi cục trưởng Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan Khánh Hòa nhận 8 năm tù.

9.Lê Ngọc Triện - nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong nhận 8 năm tù.

10. Lê Văn Lừng - nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong nhận 8 năm tù.

Các bị cáo trên đều về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX tuyên 4 bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều khắc phục khoản tiền đã tham ô hơn 28 tỷ đồng, buộc Dương Chí Dũng và 9 bị cáo trong vụ án bồi thường khoản thất thoát vì hành vi cố ý làm trái trong việc thực hiện dự án, mua ụ nổi 83M gây thất thoát gần 367 tỷ đồng.

HĐXX tuyên tịch thu số tiền 3900USD của Dương Chí Dũng khi bị cáo này bị bắt giữ; 500 triệu đồng của gia đình Trần Hải Sơn nộp; 340 triệu đồng gia đình bị cáo Trần Hữu Chiều nộp; 2 tỷ đồng do bà Trần Thị Hải Hà nộp.

Tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án đối với ngôi nhà 2910 tòa nhà Sky City ở Láng Hạ, Đống Đa, HN, căn nhà ở tòa nhà Pacific ở Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, HN, 2 căn hộ này do “bồ nhí” của Dương Chí Dũng đứng tên. Tiếp tục kê biên căn nhà ở ngõ 26 đường Nguyên Hồng, Láng Hạ liên quan đến Dương Chí Dũng.

Kê biên căn nhà liên quan đến Mai Văn Phúc ở đường Lê Quý Đôn, TP Hạ Long.
Lương Kết

Đà Nẵng thay hàng loạt chức danh lãnh đạo chủ chốt

Ông Võ Công Trí (trái) được bầu làm phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Khá
TTO - Sáng 17-12, Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã tổ chức bầu chức danh phó bí thường trực Thành ủy Đà Nẵng và công bố quyết định bổ nhiệm hàng loạt chức danh lãnh đạo chủ chốt của TP.

Theo đó, ông Võ Công Trí, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy được bầu vào chức danh phó bí thư thường trực Thành ủy với 100% số phiếu.

Ngoài ra, Thành ủy Đà Nẵng cũng công bố quyết định cho ông Nguyễn Thanh Quang, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng để giữ chức trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức bí thư quận ủy Hải Châu để giữ chức danh bí thư Đảng đoàn, giới thiệu để UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng hiệp thương bầu vào chức danh chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.

Ông Đặng Việt Dũng, Thành ủy viên, thôi giữ chức giám đốc Sở Giao thông vận tải TP để giữ chức bí thư quận ủy Hải Châu.

Ông Trần Đình Hồng, Thành ủy viên, thôi giữ chức bí thư huyện ủy Hòa Vang và được bổ nhiệm làm phó Ban thường trực Ban Tổ chức Thành ủy.
(Tuổi trẻ)

Biển Đông và Nhân quyền : Yếu tố căn bản trong quan hệ Việt-Mỹ

Cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 16/12/2012. REUTERS/Brian Snyder
∇ Bấm vào để nghe bài tường thuật
Kể từ ngày 14/12/2013 vừa qua, sau nhiều lần bị đình hoãn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry rốt cuộc đã chính thức đi thăm Việt Nam từ ngày ông nhậm chức, trong khuôn khổ vòng công du Đông Nam Á cũng sẽ đưa ông qua Philippines. Theo giới phân tích, đây là một chuyến thăm rất được Hà Nội và Manila mong đợi, trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của cả hai đều bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông, và cần đến sự hiện diện của Mỹ để hạn chế tham vọng bành trướng ngày càng rõ của Bắc Kinh.

Tại Việt Nam, lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ đã không phụ lòng mong đợi của nước chủ nhà khi loan báo quyết định tăng cường giúp đỡ Việt Nam trong lãnh vực an ninh trên biển – một hình thức gián tiếp hỗ trợ Việt Nam bảo vệ tốt hơn vùng Biển Đông của mình. Tuy nhiên, ông John Kerry cũng không quên nhắc lại một trong những mối quan tâm lớn của Washington trong quan hệ với Hà Nội. Đó là Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa tình hình nhân quyền.

Nhận xét chung về vòng công du của Ngoại trưởng Mỹ qua Việt Nam và Philippines lần này, các nhà phân tích đều nhấn mạnh đến khía cạnh « bù đắp » thiếu sót của Hoa Kỳ cách nay không lâu, khi chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải bỏ lỡ hai Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của khu vực là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Indonesia, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei. Lợi dụng sự vắng mặt của lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc được cho là đã « mặc sức tung hoành » và biểu thị uy lực của mình.

Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ tại các hội nghị đó được cho là rất đáng tiếc trong bối cảnh Hoa Kỳ bắt đầu chuyển ưu tiên qua vùng Châu Á Thái Bình Dương trong chiến lược gọi là xoay trục hay tái cân bằng.

Riêng đối với Việt Nam, chuyến viếng thăm của ông John Kerry là dịp để hai bên thúc đẩy quan hệ tiến thêm một bước nữa, gần nửa năm sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chính thức loan báo sự hình thành của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ Việt, một bước chuyển mới trong bang giao song phương.

Là một chuyên gia theo dõi sát tình hình Biển Đông trong mối quan hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ, Trung Quốc, cũng như nhiều cường quốc khác, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã xác định trở lại tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách châu Á mới của Mỹ.

Theo giáo sư Long, Việt Nam có một vị trí ưu tiên trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ qua vùng châu Á Thái Bình Dương, do đó nêu biết tranh thủ, Việt Nam có thể có thêm hậu thuẫn của Mỹ, tăng cường được tiềm lực của mình, hạn chế được sự lân lướt của Trung Quốc, vốn đang muốn áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Ngoài việc cần phải làm rõ chính sách Biển Đông của mình, Việt Nam cần phải tạo điều kiện để chính quyền Hoa Kỳ vận động được sự ủng hộ của dư luận Mỹ. Trong vấn đề này, việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam là điều cần thiết

Sau đây, mời quý vị nghe phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long trong bài trả lời phỏng vấn của RFI.

Trọng Nghĩa
Theo RFI


Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)

"Đại án" tham nhũng gần 5000 tỉ đồng, thủ phạm vẫn nhởn nhơ

Chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng, vụ án “Huỳnh Thị Huyền Như” trở thành một trong những “đại án” tham nhũng vì mức độ vi phạm nghiêm trọng. Nhưng cho đến thời điểm này, Huyền Như vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật.
 
Quan điểm của cơ quan tố tụng
 
Trong suốt thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, với chức danh Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank chi nhánh TP HCM) Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân, hiện chưa thu hồi được 3.900 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 3.400 tỷ đồng được thực hiện tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam, bằng thủ đoạn chủ yếu là dùng chứng từ giả rút tiền, chuyển tiền, sử dụng trái phép tiền trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam.
 
Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố Huyền Như xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của một số ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân toàn bộ số tiền trên.
 
Với kết luận này, các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân gửi tiền tại Ngân hàng Công thương sẽ phải “đi tìm” Huyền Như để đòi tiền. Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng gửi tiền.
 
Tuy nhiên, trước đó, trong hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương Việt Nam đối với hơn 1.400 tỷ đồng tiền gửi của Công ty CP chứng khoán Phương Đông (ORS), Công ty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Á Châu.
 
Ngân hàng Công thương là đơn vị bị hại, bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền này. Trên cơ sở xác định Ngân hàng Công thương là đơn vị bị hại, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát tại thời điểm tiền bị chiếm đoạt để xác định Huyền Như có phạm tội tham ô không.
Theo Cơ quan điều tra, Huyền Như không phạm tội tham ô vì: Huyền Như không được Ngân hàng Công thương giao hoặc ủy quyền quản lý tiền, tài sản của Ngân hàng mà chỉ được giao nhiệm vụ kiểm soát, xét duyệt các giao dịch chuyển tiền của khách hàng.
 
Đồng thời, Cơ quan điều tra vẫn khẳng định Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm với các khoản tiền gửi như Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu khi yêu cầu điều tra bổ sung. Trách nhiệm là của cá nhân Huyền Như.
 Thủ phạm thoát tội trong “đại án” tham nhũng ngành Ngân hàng
Chiếm đoạt số tiền lên tới 4.900 tỷ đồng nhưng Huyền Như không hề bị truy tố tội danh tham nhũng nào
Có bỏ lọt tội phạm?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trách nhiệm đối với tài sản bị chiếm đoạt trong "đại án" này, ông Nguyễn Am Hiểu, nguyên Vụ Phó Vụ Pháp luật Kinh tế dân sự Bộ Tư Pháp cho biết: Đây là một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều giao dịch, vì vậy cần phải xem xét đánh giá từng giao dịch để khẳng định được ai là người phải chịu trách nhiệm cụ thể.

Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, trách nhiệm của ngân hàng là phải quản lý tiền và thực hiện các giao dịch của khách hàng đúng quy định pháp luật.Các ngân hàng có các quy định, quy trình chặt chẽ để kiểm soát, thực hiện các giao dịch đối với tiền gửi của khách hàng, đây chính là căn cứ xác định trách nhiệm quản lý tiền gửi.

Hầu như ở tất cả các ngân hàng hiện nay khách hàng đều có thể gửi tiền ở một nơi và rút tiền, giao dịch tại tất cả các địa điểm của ngân hàng đó trên toàn quốc, vì vậy không thể giao việc quản lý tiền của khách hàng cho một người cụ thể nào.

Chính vì vậy, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thu, chi, chuyển tiền của khách hàng là người được ngân hàng ủy thác trách nhiệm quản lý tiền của khách hàng.

Nếu những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thu, chi, chuyển tiền của khách hàng không thực hiện đúng chức trách của họ mà gây thất thoát tài sản thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát tài sản.

Ngân hàng có quyền yêu cầu những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thu, chi, chuyển tiền của khách hàng không thực hiện đúng chức trách của họ phải bồi thường cho ngân hàng. Những vấn đề này đều được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện nay và cũng là thông lệ quốc tế.

Còn theo ông Trần Minh Hải, Chuyên gia pháp luật: Theo quy định của Bộ luật hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Quản lý tài sản chính là việc trông coi, thực hiện việc dịch chuyển tài sản đó đúng nguyên tắc đã đề ra.

Thủ kho có trách nhiệm trông coi hàng hóa trong kho, cho xuất, nhập kho đúng nguyên tắc, có nghĩa là thủ kho có trách nhiệm quản lý hàng hóa trong kho, nếu thủ kho lấy hàng trong kho của mình là tham ô.

Huyền Như là Quyền Giám đốc phòng giao dịch, là người có chức vụ, quyền hạn. Huyền Như có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền, giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, có nghĩa là có trách nhiệm quản lý tiền của khách hàng. Khi thực hiện việc này, Huyền Như có trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ.

Huyền Như lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để lập chứng từ giả chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng là hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng Công thương. Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm với khách hàng gửi tiền.

Việc xác định tội danh của Huyền Như trong hành vi trên sẽ ảnh hưởng đến việc quyết định các vấn đề khác của vụ án, như các đồng phạm khác, trách nhiệm dân sự …

Nếu xác định tội danh của Huyền Như không chính xác, sẽ làm cho việc xử lý toàn bộ vụ án không chính xác, dẫn đến việc xác định sai trách nhiệm dân sự, gây oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Trong rất nhiều vụ án tham nhũng điển hình xảy ra tại Vinalines, Công ty tài chính 2 Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty Vifon … vừa qua, hành vi tham ô của các cá nhân có liên quan đã được các cơ quan pháp luật xác định chính xác trên cơ sở các nguyên tắc trên, không nhất thiết phải dựa vào văn bản giao, ủy quyền quản lý tài sản cụ thể của các doanh nghiệp này.

Theo Luật phòng chống tham nhũng, theo định nghĩa của Tổ chức minh bạch quốc tế, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để trục lợi cho cá nhân mình.

Trong các tội danh thuộc nhóm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự, tham ô là hành vi được xếp đầu tiên, nghiêm trọng nhất, chịu trách nhiệm hình sự nặng nhất, với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Dư luận đang đặt câu hỏi tại sao Huyền Như thoát tội tham ô, liệu “đại án” tham nhũng có bỏ qua hành vi tham nhũng nặng nhất.

Theo báo VTC News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét