- Trung Quốc tiếp tục phát hiện thêm mỏ dầu khí lớn tại Biển Đông (SM). - Tân Hoa Xã: Trung Quốc là ‘nạn nhân’ ở Thái Bình Dương (Infonet).
- Bắt đối tượng liên quan đến cán bộ ngân hàng tham ô 25 tỷ (VOV). - 3 cán bộ ngân hàng “thụt két” hơn 25 tỷ đồng để cá độ bóng đá (Giadinh.net).
- “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (LĐ).
- Bí thư Từ Liêm nói gì về nghi vấn “làm đẹp” đề án quận mới? (VnEco). - Quản lý đô thị đang giống quản lý nông thôn (VOV).
- Nghi vấn công an đánh dân (MTG). - Phú Yên: Vừa bị kỷ luật, PGĐ Sở Tư pháp lại đánh dân ngất xỉu (DV).
- Công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ phải thường xuyên liên tục (Tin tức). - Tìm mộ liệt sĩ: Ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng (VNN).
- Trốn chạy khỏi Triều Tiên – Nhiệm vụ bất khả thi (MTG). - Cô của Kim Jong-un sắp chết? (Infonet).
KINH TẾ
- Đình chỉ siết nợ kho cà phê cầm cố cho 7 ngân hàng (DT). - Giảm 6 ngân hàng vẫn còn nhiều ngân hàng yếu (ĐTCK). - Vụ “Cưỡng chế hơn 3.000 tấn càphê”: Đình chỉ thi hành án Quyết định của TAND quận 4 (LĐ).
- “Ế” 300 lượng vàng trong phiên đấu thầu sáng nay (VnEco). - Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới ngày càng giãn rộng (TT). - 14.700 lượng vàng đấu thầu hết veo trong phiên 75 (ĐT).
- Nhà đầu tư xả hàng, thanh khoản trên 3.600 tỷ đồng (TTXVN). - Khối ngoại rót tiền mạnh vào VCF (ĐTCK).
- EVN bán đứt 25,2 triệu cổ phiếu ABBank (Infonet).
VĂN HÓA-THỂ THAO
- Liên hoan Truyền hình: Phim lịch sử nở rộ (Infonet).
- Miền bình yên… (LĐ).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
- Nghiên cứu kỹ để tiến tới tuyển sinh riêng (GD&TĐ). - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về điểm khó khăn nhất của thi riêng (PLXH). - Phương án tuyển sinh mới: Nên lùi lại ít nhất 3 năm (MTG).
- Bài toán tổng thể giải quyết phân luồng (GD&TĐ).
- Giáo dục và dạy nghề hội nhập quốc tế (GD&TĐ).
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
- Bát nháo trông trẻ gia đình tự phát (bài cuối): Không quản được thì cấm? (LĐ). - Giảm bạo hành trẻ mầm non: mất bò mới lo làm chuồng? (TT). - Gặp người đàn ông quay clip vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em (VOV).
- “Hoa khôi xứ Thanh” tự lập bàn thờ cho mình trước khi quyên sinh (DT). - Người đẹp treo cổ trước công ty xi măng Vicem Tam Điệp: Đại gia lừa “cả tình lẫn tiền”? (PT).
- Cháy sát chợ Bàn Cờ ở TP HCM (VOV).
QUỐC TẾ
- “Không ai có thể ngăn Tổng thống Assad tái tranh cử” (VOV). - Căng thẳng ngoại giao gia tăng trước hội nghị quốc tế về Syria (Tin tức).
- Căng thẳng ngoại giao Mỹ-Ấn: Giúp việc “tống tiến” chủ nhà (VNN). - Mỹ nỗ lực xoa dịu căng thẳng ngoại giao với Ấn Độ (VOV).
- Trùm dầu mỏ Nga Khodorkovsky được ra tù (DT). - Nga phát triển trực thăng tấn công thế hệ thứ 5 (DT). - Siêu trực thăng thế hệ 5 của Nga có thể tấn công máy bay chiến đấu (ANTĐ). - 2014: Nga tiến hành 16 vụ phóng tên lửa đạn đạo (Soha). - Nga sẽ chế vũ khí diệt UAV dựa trên pháo-tên lửa Pantsir-S (GDVN). - Phương Tây “sợ” tên lửa Iskander của Nga (PT).
- Quân đội Ukraine sau 20 năm (ĐV).
2164. TRUNG QUỐC: GIÁ TRỊ CHÍNH TRỊ TIỀM ẨN CỦA HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 3
Thứ Tư, ngày 18/12/2013
TTXVN (Hong Kong 17/12)
Theo tờ “Đại công báo ” (Hong Kong), Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 3) khóa 18 đã mở cánh cửa để mọi người nhận thức về chính trị cầm quyền cũng như tư duy điều hành đất nước trong 10 năm tới của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Hội nghị Trung ương 3 đã thúc đẩy gói chính sách cải cách cũng như sách lược quản lý, mặc dù không có sự thay đổi căn bản về diện mạo “Chính tả kinh hữu” (chính trị khuynh tả, kinh tế khuynh hữu) của Đảng cộng sản Trung Quốc, tuy nhiên sức sống mà cải cách thị trường mang lại và sự nhấn mạnh hiện đại hóa quản lý nhà nước lại mang đến sự thay đổi “nhỏ, âm thầm, có lợi” đối với nền dân chủ trong tương lai ở Trung Quốc.
Quyết định của Hội nghị Trung ương 3 về cải cách sâu sắc toàn diện và những lời thuyết minh của ông Tập Cận Bình đổi với bản “Quyết định” này là một văn bản vô cùng tỉ mỉ xác thực, thể hiện tư duy cải cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc – một Đảng chính trị theo chủ nghĩa thực dụng. “Quyết định” đưa ra 60 vấn đề Trung Quốc cần giải quyết trong 10 năm tới, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt được thành quả trong các lĩnh vực trọng yếu và khâu mấu chốt. Điêu này cho thấy quyết tâm của ông Tập Cận Bình đã khiến cho kế hoạch cải cách có thể thực hiện.
Nói một cách khách quan, nội dung chủ yếu của kế hoạch cải cách lần này phù hợp với những yêu cầu chính của các nhóm xã hội mới nổi ở Trung Quốc trong suốt hơn 30 năm qua, bao gồm giai cấp tư sản dân tộc, những người có thu nhập kinh tế, mức sống và địa vị xã hội thuộc tầng lớp trung lưu như các học giả, doanh nghiệp, giới công chức ở thành phố và tri thức bình dân. Thậm chí ở một số phương diện còn vượt xa mong đợi. Nhìn từ lịch sử cải cách của Trung Quốc, một số phương diện cải cách dưới đây của Hội nghị Trung ương 3 rất đáng quan tâm:
Thứ nhất, lần đầu tiên đề cập Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu cải cách tổng thể là thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống điều hành, lãnh đạo đất nước và cơ cấu lãnh đạo. Điều này có nghĩa là gián tiếp thừa nhận cơ cấu, năng lực điều hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn ở giai đoạn tiền hiện đại. Những biểu hiện không theo kịp sự phát triển thời đại của hệ thống, cơ cấu điều hành lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là Đảng thay thế Chính quyền, không có sự phân chia giữa Đảng và Chính quyền, sự can thiệp của Đảng đối với công tác tư pháp… Do vậy, muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng phải sử dụng quan điểm lãnh đạo hiện đại hóa để chỉnh đốn Đảng, làm cho sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng phù hợp với hiện thực, yêu cầu của xã hội công dân, Chính vì vậy, trong tương lai, Đảng sẽ đưa ra nhiều biện pháp, chính sách lãnh đạo nhằm thể hiện và phù hợp với quan điểm điều hành hiện đại, trong đó chú trọng tới yêu cầu quyết sách dân chủ và trình tự dân chủ.
Thứ hai, nhận thức mới về mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường, nhấn mạnh cao độ vai trò của thị trường. Trong mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường, Đảng luôn cho rằng thị trường phát huy vai trò mang tính nền tảng trong việc phân bổ nguồn lực. “Quyết định” lần này đã
đổi thành thị trường có vai trò mang tính quyết định, đồng thời chỉ ra chức trách và vai trò chủ yếu của Chính phủ là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường và tối ưu hóa dịch vụ công cộng, đảm bảo cạnh tranh công bằng, tăng cường giám sát và quản lý thị trường, giữ gìn trật tự thị trường, thúc đẩy tiếp tục phát triển, cùng sung túc, bù đắp sự thiếu hụt của thị trường.
Sự thay đổi đối với việc xác định vai trò của thị trường cho thấy lập trường kiên định của Đảng trong thúc đẩy cải cách thị trường hóa, có lợi cho việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và chức năng của Chính phủ. Không những vậy, đằng sau thuyết minh mới này cũng ẩn chứa hàm ý chính trị nhất định. Từ sau khi đưa ra mục tiêu cải cách kinh tế thị trường vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc không quên nhấn mạnh nền kinh tế thị trường mà Trung Quốc xây dựng là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, và gọi nền kinh tế thị trường của các quốc gia phương Tây là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường chính là kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nếu xét từ góc độ kinh tế, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh thuộc tính xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chính là nhằm gia tăng sự can thiệp, kiểm soát đối với thị trường của Chính phủ. Sự can thiệp, kiểm soát này ngoài việc trực tiếp dùng bàn tay có thể nhìn thấy để quản lý kinh tế, còn thông qua việc ra sức phát triển doanh nghiệp nhà nước để khiến Chính phủ quản lý, kiểm soát tài nguyên quan trọng cũng như quyền định giá. Do vậy, nền kinh tế thị trường này là nền kinh tế không tự do. Đây cũng chính là nguyên nhân thụt lùi của cải cách thị trường ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Việc nâng tầm vai trò của thị trường lên mức “mang tính quyết định” có nghĩa là sự can thiệp của Chính phủ sẽ giảm đi, sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước sẽ bị hạn chế, kinh tế tư nhân và quyền sở hữu tài sản sẽ được bảo vệ tốt hơn. Thực tế, từ góc độ phân định chức năng của Chính phủ như trên sẽ thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ gần giống Chính phủ các nước tư bản chủ nghĩa. Một khi thị trường thoát khỏi sự ràng buộc của nhà nước, sức mạnh tự thân của nó sẽ giúp ích cho việc phát triển yêu cầu dân chủ.
Thứ ba, hiệp thương dân chủ sẽ là hình thức dân chủ được Đảng Cộng sản Trung Quốc chú trọng thúc đẩy. Sự lý giải của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân chủ có một số nội dung chính như sau: một, dân chủ là một phương pháp, nhưng không có mục đích; hai, ở các quốc gia khác nhau, nền dân chủ sẽ có hình thức thực hiện khác nhau; ba, con đường dân chủ đi từ dân chủ trong nội bộ Đảng đến dân chủ xã hội; bốn, trọng điểm thúc đẩy dân chủ hiện nay không phải là bầu cử dân chủ mà là hiệp thương dân chủ. Do vậy, Quyết định của Hội nghị trung ương 3 và sự lý giải của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đối với Quyết định này đều nhấn mạnh cần thúc đẩy phát triển hiệp thương dân chủ rộng rãi, nhiều cấp độ, quy chế hóa, đồng thời biến điều này trở thành nội dung quan trọng của công cuộc cải cách chính trị.
Bầu cử dân chủ là thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giải quyết vấn đề nguồn gốc, tính chính đáng của quyền lực điều hành. Rõ ràng, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không ra sức phát triển bầu cử dân chủ ở giai đoạn hiện nay. Tuy “Quyết định” và bản “thuyết minh” chỉ ra việc cần tăng cường vai trò của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc), thúc đẩy phát triển dân chủ cơ sở, song vẫn hạn chế bầu cử dân chủ ở một tầng lớp nhất định, và đặt trọng tâm vào việc phát triển hiệp thương dân chủ. Bởi vì vấn đề mà hiệp thương dân chủ giải quyết là sự tham gia chính trị của một công dân cũng như vấn đề dân chủ hóa quyết sách. Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng việc phát triển hiệp thương chính trị ngày càng phù hợp với thực tế giai đoạn hiện nay. Xét từ góc độ Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiệp thương dân chủ là biểu hiện quan trọng của đường lối quần chúng của Đảng trong lĩnh vực chính trị; là hình thức riêng, có ưu thế riêng biệt của nền chính trị dân chủ Trung Quốc; về cơ bản không làm tổn hại vị thế một đảng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, song bầu cử dân chủ lại không như vậy. Do vậy, Hội nghị trung ương 3 chỉ ra cần lấy vấn đề quan trọng phát triển kinh tế xã hội và vấn đề thực tế liên quan đến lợi ích thiết thân của quần chúng nhân dân làm nội dung để triển khai hiệp thương rộng rãi trong toàn xã hội, đồng thời kiên trì hiệp thương trước khi đưa ra quyết sách cũng như trong quá trình thực thi quyết sách; xây dựng hệ thống hiệp thương dân chủ với trình tự hợp lý, các khâu hoàn chỉnh. Song dù có như vậy, nếu như thực sự thúc đẩy hiệp thương dân chủ, cuối cùng vẫn là quá độ đến bầu cử dân chủ.
Thứ tư, thúc đẩy độc lập tư pháp. Trong thể chế dân chủ đã chín muồi, độc lập tư pháp là một bước không thể thiếu nhằm hạn chế quyền lực của Đảng, quyền hành chính và quyền lập pháp. Song ở Trung Quốc lại hoàn toàn ngược lại, quyền tư pháp chịu sự khống chế của quyền lực của Đảng và quyền hành chính ở mức độ lớn. Điều này chính là cội nguồn gây ra vấn đề tư pháp không công bằng và tình trạng tham nhũng trong ngành tư pháp, từ đó dẫn đến mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc hơn.
Trải qua nhiều năm phát triển, hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ý thức được việc nới lỏng sự kiểm soát đối với tư pháp, để tư pháp được độc lập ở một mức độ nhất định. Tuy có sự ràng buộc nhất định đối với quyền lực hành chính, song vì điều này giúp ích cho việc cải thiện mâu thuẫn xã hội, do vậy sẽ không tổn hại đến sự lãnh đạo cũng như địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Muốn bồi dưỡng ý thức pháp trị của quan chức lãnh đạo cần nâng cao trình độ Đảng cầm quyền bằng pháp luật, trao cho ngành tư pháp tính độc lập nhất định. Chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo quan chức lãnh đạo tôn trọng pháp luật, đảm bảo nhân quyền. Song, chỉ cần ngành tư pháp có tính độc lập, cuối cùng thế nào cũng từng bước thu hẹp quyền lực của Đảng.
Có thể nói, những cải tiến ở 4 phương diện trên của Hội nghị Trung ương 3 đều mang ý nghĩa chế độ và giá trị chính trị tiềm ẩn. Nếu như những cải tiến trên được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, xét từ lôgích phát triển, cuối cùng đều là hướng tới chính trị dân chủ.
***
(Tạp chí The Economist, số ngày 2/11/2013) Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sớm bộc lộ những tham vọng của họ đối với cải cách kinh tế
Điều hành đất nước lớn nhất thế giới đòi hỏi phải có sự hy sinh. Đối với 376 quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản trong Ban Chấp hành Trung ương, sự hy sinh bao gồm đôi lúc là những kỳ nghỉ cuối tuần. Từ thứ Bảy ngày 9/11 cho đến ngày thứ Ba của tuần tiếp theo, họ tập hợp tại Bắc Kinh lần thứ 3 kể từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư đảng khoảng gần một năm trước. “Hội nghị Trung ương 3”, như cách gọi hội nghị này, là cơ hội để ban lãnh đạo mới tỏ rõ quyết tâm của mình đối với cải cách kinh tế. Trong quá khứ, những cuộc họp tương tự đã gây chấn động thế giới. Chẳng hạn, Hội nghị Trung ương 3 năm 1978 đã đánh dấu thẩm quyền của Đặng Tiểu Bình đối với đảng, cho phép tầm nhìn của ông về “cải cách và mở cửa” thắng thế. Một Hội nghị trung ương 3 khác, hồi năm 1993, chuẩn bị cho sự cải tổ không nương tay đối với các doanh nghiệp sở hữu nhà nước (SOE) làm ăn thua lỗ.
Nếu quá khứ đem lại nguồn cảm hứng cho cải cách đầy tham vọng, thì hiện tại đặt ra nhu cầu bắt buộc phải có được nó. Trong những năm gần đây, tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể xuống dưới mức 8% – và nếu không phải nhờ kích thích tài chính kịp thời thì nó thậm chí còn chậm hơn nữa. Một số sự giảm tốc là không thế tránh được, hệ quả của việc thu hẹp khoảng cách công nghệ với phần còn lại của thế giới và sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động. Nhưng hai xu hướng kinh tế vĩ mô khác đang gây ra mối quan ngại. Chi tiêu đầu tư từng duy trì sự tăng trưỏng của Trung Quốc có vẻ đang tạo ra lợi nhuận sụt giảm mạnh. Đồng thời, tín dụng đang tăng trưởng nhanh hơn so với GDP. Điều đó cho thấy rằng người dân đang vay tiền để mua tài sản, đặc biệt là đất đai và bất động sản. Nhũng tài sản này càng được đánh giá cao, thì càng có nhiều người dân vay tiền.
Liệu ông Tập Cận Bình có khả năng đối phó với tình hình? Ông đã không làm gì tỏ ra xem thường những kỳ vọng. Là con trai của nhà lãnh đạo cách mạng thời kỳ đầu, ông có vẻ thoải mái hơn khi cầm quyền so với người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, người điều hành một Hội nghị trung ương 3 gây thất vọng vào 10 năm trước. Ông đã đem phong cách của mình vào nhiệm kỳ chủ tịch nước, không cần đến một vài sự phô trương và ngông cuồng vốn thường thấy ở cương vị này. Có lẽ là, giống như những nhà quý tộc ở mọi nơi, ông cảm thấy có thể tự do phá vỡ những thông lệ đã ăn sâu vững chắc vì chính những người như ông mới là người đã thiết lập ra chúng.
Trong mối quan tâm mãnh liệt tới cải cách kinh tế, ông Tập Cận Bình đã “lấn sân” của thủ tướng, Lý Khắc Cường, người giám sát nền kinh tế. Helen Qiao của Morgan Stanley chỉ ra rằng điều này không phải là không có tiền lệ: Giang Trạch Dân, chủ tịch nước từ năm 1993 đến năm 2003, cũng bận rộn với các vấn đề kinh tế. Đó cũng có thể là một dấu hiệu tốt. Cả chủ tịch nước lẫn thủ tướng đều có những quan điểm giống nhau về cải cách. Bằng việc can dự vào các vấn đề kinh tế, có lẽ ông Tập Cận Bình đang hậu thuẫn cho vị thủ tướng của mình hơn là gạt ông này sang bên lề.
Các nhà cải cách nắm giữ vị trí trong khắp chính phủ. Chu Tiểu Xuyên người từng giúp làm trong sạch các ngân hàng dưới thời Giang Trạch Dân đã trở thành thống đốc ngân hàng trung ương trong một thập kỷ. Từ nơi đó ông có thể giám sát việc tự do hóa lãi suất, tỷ giá hối đoái và các dòng vốn. Bộ Tài chính giờ đây do Lâu Kế Vĩ lãnh đạo, một nhà kỹ trị khác có tài năng trước đây điều hành Công ty Đầu tư Trung Quốc, một quỹ đầu tư chính phủ của nước này. Dưới thời Giang Trạch Dân, ông đã giúp chính phủ trung ương đòi lại một phần lớn hơn trong thu nhập tài chính của đất nước. Dưới thời Tập Cận Bình, có lẽ ông phải vận dụng lại giải pháp tài chính đó, đem một phần lớn hơn trả lại cho các chính quyền địa phương. Ngay cả Vương Kỳ Sơn, một chuyên gia tài chính có tư tưởng cứng rắn không đưa ra một chỉ đạo kinh tế nào trong chính phủ này, vẫn còn có thể sử dụng ảnh hưởng mạnh mẽ dù là gián tiếp đối với cải cách. Với tư cách là người đứng đầu chỉ huy các nỗ lực chống tham nhũng ông là một nhân vật đáng sợ đối với bất kỳ ông chủ bị thỏa hiệp nào của SOE có ý định gây cản trở sự tiến bộ.
Lộ trình ông Tập Cận Bình đệ trình trước Hội nghị trung ương 3 lần này đã được chuẩn bị từ nhiều tháng. Nó tận dụng lời khuyên của các bộ và mạng lưới rộng lớn hơn các viện nghiên cứu chính thức và các tổ chức tư vấn của Trung Quốc. Để chắp nối lại với nhau, ông Tập Cận Bình đã bổ nhiệm Lưu Hạc, một nhà cố vấn chính sách thận trọng, có tư tưởng cải cách được đào tạo tại trường Kennedy thuộc Đại học Harvard và là người được Cheng Li thuộc Viện nghiên cứu Brookings so sánh với Larry Summers, một viện sĩ lỗi lạc đã trở thành cố vấn kinh tế có uy tín lớn của Barack Obama. Là một nhà kỹ trị, ông Lưu không có quyền áp đặt những ý kiến của riêng mình. Nhưng với việc chọn ông này, rõ ràng là Tập Cận Bình tán thành một số điều mà ông Lưu ủng hộ.
Ông Lưu Hạc từng làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC), một tổ chức tư vấn phục vụ cho nội các của Trung Quốc. Ông đã tham gia viết báo cáo “Trung Quốc 2030” do DRC và Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2012 trình bày chi tiết các cải cách mà Trung Quốc cần có trong suốt hai thập kỷ tới. Trong những ngày gần đây, phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc đã và đang xôn xao bàn tán về một kế hoạch cải cách khác có tham vọng tương tự của DRC, được biết đến với tên gọi phương án “383”. Nó đưa ra 3 nguyên tắc cải cách toàn diện (“các thị trường hiệu quả đòi hỏi phải có các nhà nước hiệu quả và ngược lại” là một trong số đó), không ít hơn 8 ưu tiên cải cách (giảm tệ nạn quan liêu, chấm dứt độc quyền, cải cách quyền sở hữu đất đai, tự do hóa tài chính, cải cách tài chính công, cải các các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, thúc đẩy cải tiến và mở cửa đối với đầu tư nước ngoài) và 3 chiến lược chính để đạt được chúng.
Phương án 383 cho thấy rằng Chính phủ Trung Quốc cũng có những người chủ trương ủng hộ tự do hóa trong nội bộ của mình. Không chỉ những người ngoài chính phủ (chứ chưa nói đến người nước ngoài) mới đấu tranh cho sự nghiệp cải cách kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, DRC có thể tự do tán thành điều nó mong muốn mà không phải băn khoăn nhiều đến tính khả thi về chính trị. Ông Lưu không còn có được thứ xa xỉ như thế nữa. Kế hoạch của ông có thể lặp lại điệp khúc mở đầu của phương án 383 rằng nhà nước và thị trường phải tiến triển cùng nhau. Nhưng bao nhiêu phần trong 8 điều ưu tiên cải cách ở phần giữa sẽ trở thành văn kiện của Hội nghị trung ương 3 lần này vẫn thì còn chưa rõ ràng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thể được kỳ vọng sẽ tán thành các nỗ lực của chính phủ trong việc giảm tệ nạn quan liêu. Nó sẽ hứa hẹn chi tiêu nhiều hơn cho trợ cấp, chăm sóc y tế và nhà ở có thể mua được. Nó cũng có thể tăng thuế đánh vào tài nguyên thiên nhiên và tự do hóa hơn nữa giá điện. Nhưng không chắc là nó sẽ chấp nhận các cải cách cần thiết về tài chính và SOE để sửa đổi lại sự phân bổ vốn tổng thể không hợp lý.
Shen Jianguang thuộc Mizuho, một ngân hàng Nhật Bản nói rằng cải cách tài chính thì khó khăn vì nó đòi hỏi các chính quyền trung ương và địa phương phải đàm phán lại việc phân chia thu nhập và trách nhiệm. Chi tiêu của chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh, vượt xa thu nhập địa phương. Việc chi tiêu này cũng thường lãng phí. Các chính quyền địa phương tranh nhau thúc đẩy hoạt động công nghiệp hơn là các tiện nghi công cộng, đánh cắp thương mại và đầu tư từ các láng giềng của mình bằng cách sao chép bất cứ thứ gì có tác dụng ở hàng xóm lân cận.
Cả hai vấn đề đều sẽ được xoa dịu bằng khoản thuế hàng năm đánh vào giá thị trường của bất động sản. Điều đó sẽ đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho các chính quyền địa phương, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thu và chi. Nó cũng sẽ khuyến khích các chính quyền địa phương đầu tư vào những hàng hóa công mà làm gia tăng giá trị của bất động sản, chẳng hạn như không khí sạch hoặc hệ thống thoát nước tốt hơn, từ đó gia tăng cơ sở thuế. Tuy nhiên, bất chấp sức hấp dẫn về mặt lý thuyết của mình, khoản thuế như vậy đặt ra một số khó khăn trên thực tế, bao gồm cả sự cần thiết phải có sổ sách cập nhật về quyền sở hữu và các tính toán đáng tin cậy về giá trị của một bất động sản. Việc khắc phục được những trở ngại đó sẽ là một thử thách cho khả năng cải cách của ông Tập Cận Bình.
Các doanh nghiệp nhà nước là một nguồn đầu tư lãng phí khác. Sau phiên họp toàn thể năm 1993, hàng nghìn SOE làm ăn thua lỗ bị bán thu hồi hoặc sáp nhập, dẫn tới kết quả là khoảng 40 triệu người mất việc. Nhưng trong những năm gần đây, tình trạng rút khỏi hoạt động của các SOE đã dừng lại.
Ngay cả DRC cũng không dự kiến tư hữu hóa hoàn toàn các SOE. Phương án 383 của DRC thay vào đó lại chú ý tới Temasek của Singapore, một công ty cổ phần mẹ thuộc sở hữu nhà nước, như một hình mẫu tiềm năng. Nhà nước có thể là một nhà đầu tư kiên nhẫn, dài hạn đối với các doanh nghiệp, tìm cách tối đa hóa giá trị cổ phần của nó. Xiao Geng thuộc Viện nghiên cứu Toàn cầu Fung tại Hong Kong chủ trương rằng lợi ích của chính phủ trong các SOE nên do Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia, được thành lập nhằm bù đắp lỗ hổng trong các khoản trợ cấp của Trung Quốc, nắm giữ.
Các SOE bị đóng cửa vào những năm 1990 là những nguồn thất thoát ngân khố quốc gia. Tuy nhiên, nhiều SOE con lại, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ trung ương, lại làm ăn có lãi. Điều đó khiến cho việc lựa chọn trở nên khó khăn hơn nhiều: SOE là tổ chức không chê vào đâu được vì chúng là những “con bò đẻ ra tiền”.
Không may là chủ sở hữu trên danh nghĩa của các SOE không được lợi lớn. Các SOE trả cổ tức rất ít, và những gì mà chúng tạo ra không phải được thu lại bởi Bộ Tài chính mà là ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản sở hữu nhà nước (SASAC), cơ quan giám sát các SOE. Sau đó SASAC tái đầu tư những khoản lãi này vào các SOE trong phạm vi hoạt động của nó. Vì vậy, một thử thách khác đối với ông Tập Cận Bình là chính sách chia cổ tức. Ông sẽ thành công nếu các SOE được yêu cầu trả cổ tức cao hơn và không trả chúng cho SASAC mà vào các kho bạc của chính phủ trung ương. Do những trở ngại mà họ phải đối mặt trong việc cải thiện các SOE và tài chính công ở địa phương, các nhà cải cách tài năng bắt đầu nảy nở của Trung Quốc sẽ quyết tâm tiến tới nơi mà họ có thể, trong niềm hy vọng rằng các biện pháp nửa vời sẽ tạo động lực để hoàn thành công việc này. Trong một số trường hợp, chiến lược này có thể có tác dụng. Chẳng hạn, với việc cho phép các ngân hàng “ngầm” sinh sôi nảy nở, những người có tư tưởng tự do hóa của Trung Quốc đã gây áp lực đòi bãi bỏ quy định lãi suất. Cho đến khi các ngân hàng chính thức được phép tăng lãi suất trả cho các khoản tiền gửi, chúng sẽ để mất khách hàng vào tay các ngân hàng khác được điều chỉnh chút ít đem lại lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, cũng có những mối nguy hiểm tiềm tàng đối với “cải cách lệch” này, như Louis Kujis của Ngân hàng Hoàng gia Scotland gọi vậy. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc tự do hóa lãi suất và các dòng vốn mà không xóa bỏ bất kỳ đặc quyền nào của các SOE, thì nó có thể nhận thấy rằng của cải đơn giản là sẽ chảy tự do hơn vào cùng những doanh nghiệp mà vốn đã nuốt trọn nhiều hơn mức thông thường. Ngay cả những người cho vay thương mại, có khả năng đánh giá rủi ro và tự do đặt ra lãi suất, cũng thiết tha cho các hãng lớn vay tiền hơn, đó là những tổ chức chi phối các thị trường của họ và có thể trông cậy vào nhà nước nếu gặp rắc rối.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cao phương pháp phát triển dần từng bước một. Ngay cả phiên họp toàn thể trọng yếu năm 1978 cũng đã thay đổi đất nước từng bước một trong những năm tháng tiếp theo. Nhưng phát triển dần dần không giống như chậm chạp. Đã nhiều năm trôi qua kể từ sau những thay đổi lớn gần đây nhất. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc chờ 5 hoặc 10 năm nữa mới khôi phục lại cái đà cải cách, thì sẽ cần đến nhiều hơn là một dịp nghỉ cuối tuần kéo dài để sửa chữa những hệ quả.
Trong số các vấn đề kinh tế mà phiên họp toàn thể vào tháng 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối mặt, không có vấn đề nào hiện ra rõ ràng hơn là cải cách đất đai ở vùng nông thôn
Việc thế chấp một ngôi nhà trong làng là một vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Một quan chức địa phương đầy lo âu đã cảnh báo những người dân ở làng Gumian, một cộng đồng nông nghiệp nhỏ nằm giữa vùng đồi núi và những cánh đồng lúa ở tỉnh Quảng Đông, rằng họ có nguy cơ tiết lộ các bí mật nhà nước nếu họ nói chuyện với một nhà báo nước ngoài về kế hoạch vay mượn mới mà cho phép họ tận dụng giá trị của nhũng ngôi nhà của họ. Dầu sao thì họ vẫn nói; họ phấn khích vì điều đang diễn ra.
Đất đô thị ở Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước, và trong những năm 1990 nhà nước đã để cho một thị trường bất động sản nở rộ phát triển ở các thành phố. Điều đó tiếp tục trở thành động cơ to lớn cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng đất nông nghiệp, mặc dù không còn trồng trọt tập thể như trong các “công xã nhân dân” đầy tai ương dưới thời Mao Trạch Đông, vẫn nằm dưới quyền sở hữu tập thể được giám sát bởi các lãnh đạo đảng ở địa phương. Người nông dân không được phép mua hay bán mảnh đất họ canh tác hoặc những ngôi nhà mà họ ở. Điều đó làm cản trở nền kinh tế nông thôn, và các cơ hội của những người nông dân di cư ra thành phố nhưng sinh sống như những công dân hạng hai ở đó.
Do đó dẫn đến tầm quan trọng của những cuộc thử nghiệm giống như ở Gumian. Thận trọng và từng bước một, những cuộc thử nghiệm này đã và đang tiếp diễn trong nhiều năm. Một số đủ chín muồi để nhân rộng. Được xử lý một cách chính xác, một sự mở rộng như vậy có thể trở thành trọng tâm cai trị của Tập Cận Bình.
Ngày 7/10, ông Tập Cận Bình nói rằng chính phủ đang thảo ra một “kế hoạch tống thể” không chỉ cho cải cách hơn nữa, mà là một “cuộc cách mạng sâu rộng”. Lời lẽ như vậy là một phần của những sự chuẩn bị cho phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu từ ngày 9/11. Đây là phiên họp toàn thể lần thứ ba kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền; bởi vì hai phiên họp toàn thể đầu tiên trong nhiệm kỳ của một nhà lãnh đạo đảng phần lớn tập trung vào các vấn đề quản lý, bao gồm bổ nhiệm các vị trí trong đảng và chính phủ, các phiên họp toàn thể lần thứ ba là những phiên họp được mong đợi.
Và ông Tập Cận Bình đang biến phiên họp này trở nên đặc biệt quan trọng. Trong các cuộc trò chuyện riêng với các nhà lãnh đạo phương Tây, ông đã so sánh sự kiện này với hội nghị Trung ương 3 mà, vào năm 1978, chứng kiến sự xuất hiện của Đặng Tiểu Bình với tư cách là người hùng mới của Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời hai năm trước đó, và chuẩn bị cho sự chấm dứt của các công xã nhân dân. Quả thực, “cuộc cách mạng sâu rộng” là sự lặp lại có chủ tâm một thuật ngữ của Đặng Tiểu Bình
Yểm trợ trên không cho cuộc diễn tập trên mặt đất
Ông Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận như một người hùng mới có phẩm chất tương tự, một người không sợ đảm nhận những mục tiêu lớn — như với chiến dịch chống tham nhũng có ảnh hưởng sâu rộng của ông – và sẵn sàng phá bỏ những rào cản lớn còn tồn tại đổi với sự tái sinh của Trung Quốc với tư cách là một nền kinh tế thị trường. Bao nhiêu phần trong đó là lời nói đao to búa lớn thì vẫn còn phải xem xem. Nhưng có một số bằng chứng rằng thị trường đất đai nông thôn gần như tê liệt – một trong những điều vẫn còn là rào cản lớn nhất đó – đang trở thành ưu tiên. Vào tháng 8, một tờ báo do nhà nước kiểm soát nói rằng những cuộc thử nghiệm trong việc mua bán đất xây dựng ở nông thôn sắp được triển khai khắp cả nước. Tin tức này, sau đó từng bị đảng coi nhẹ, đúng là đã gây ra một sự xáo trộn. Caixin, một tạp chí của Bắc Kinh, nói rằng sự phấn khích là một dấu hiệu cho thấy “sức mạnh bị dồn nén [của cải cách đất đai] chỉ chực nổ tung”.
Mặc dù điều đó chắc chắn phải được thảo luận, nhưng cải cách đất đai sẽ không phải là trọng tâm của phiên họp toàn thể này: các quan chức đa ngụ ý, một cách khác thường, rằng phiên họp toàn thể của đảng sẽ bao gồm toàn bộ mọi phương diện của các vấn đề có liên quan đến cải cách thay vì chú tâm vào một lĩnh vực duy nhất. Nhưng chi tiết của điều được thảo luận không phải là chìa khóa đem lại hiểu biết về hội nghị này. Điều quan trọng là làm sáng tỏ những tuyên bố chính thức được “chế tác” và mã hóa cẩn thận sau đó, được thiết kế — như lời Stephen Green thuộc Standard Chartered, một ngân hàng Anh — nhằm đem lại “sự yểm trợ trên không” cho những chính sách sẽ được công khai sau đó. Xét cho cùng, phiên họp toàn thể năm 1978 nói rằng nó tán thành các công xã của Mao Trạch Đông, nhưng dẫu sao thì những cái gật đầu và nháy mắt của các nhà lãnh đạo có mặt ở đó đã khuyến khích các cải cách lan rộng trên khắp đất nước.
Các chính sách mà hội nghị lần này sẽ đem lại sự yểm trợ sẽ phản ánh niềm tin của đảng rằng Trung Quốc cần phải thay đổi cách nó đang phát triển. Mô hình tăng trưởng do đầu tư thúc đẩy từng sinh lợi rất nhiều trong những thập kỷ trước giờ mang lại những khoản lợi nhuận suy giảm; nó cần được thay thế bằng một mô hình phần lớn được kích thích bằng những cải thiện về năng suất và chi tiêu của người tiêu dùng. Phân tích này sẽ được sử dụng nhằm ủng hộ một loạt các biện pháp kinh tế, từ tự do hóa lãi suất đến đẩy mạnh cải tiến và nới lỏng kìm kẹp của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước (SOE) bóp nghẹt sự cạnh tranh đối với các lĩnh vực sống còn của nền kinh tế. Nó cũng nhấn mạnh sự cấp bách phải tạo ra một thị trường bất động sản ở nông thôn, một cải cách sẽ làm thay đổi không chỉ cuộc sống nông thôn mà còn cả cuộc sống thành thị.
Nhìn bề ngoài, tất cả việc đô thị hóa của Trung Quốc dường như là khá tốt. Tháng 1/2012, chính phủ tuyên bố rằng dân số thành thị đã đạt 51% (tăng từ mức chưa tới 18% vào năm 1978), lần đầu tiên vượt dân số ở nông thôn. Nhưng điều này là sai lệch. Khoảng 270 triệu người (gần 40%) thuộc dân số thành thị cư trú ở các khu vực đô thị, nhưng họ vẫn giữ “giấy đăng ký hộ gia đình” chính thức, hay hộ khẩu, ở vùng nông thôn. Điều này ngăn không cho nhiều người tham gia các thị trường bất động sản; không có khả năng bán nhà ở nông thôn, họ không thể mua nhà ở thành phố. Điều đó có nghĩa là họ không được quyền hưởng phúc lợi xã hội toàn diện dành cho những người có hộ khẩu thành phố. Ở Bắc Kinh, và một số thành phố lớn khác, nhiều người không được phép mua nhà hoặc ô tô, được cho là để hạn chế cầu. Các quan chức thừa nhận rằng điều này có gì đó rất sai lầm và nói rằng giờ đây chính là lúc cho “đô thị hóa kiểu mới”.
Dò đá qua sông
Dỡ bỏ các hạn chế về hộ khẩu cần cho phép những người nông dân đang sinh sống ở thành phố đổi bất động sản ở nông thôn của họ lấy một chỗ đứng đảm bảo hơn trên nấc thang đô thị. Điều đó cũng có thể đem lại sự thúc đẩy tiêu dùng ở mức độ lớn mà ông Tập Cận Bình và các đồng sự muốn tạo ra. Những người di cư đến từ vùng nông thôn tiết kiệm được từ thu nhập của họ nhiều hơn nhiều so với những người có hộ khẩu thành phố. Do đó họ là nguồn chi tiêu tiềm năng lớn. Tuy nhiên, để biến khả năng này thành hiện thực, họ cần có cách để bán hết mọi thứ ở nông thôn. Mặc dù giờ đây phần nhiều bị các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc chỉ trích, Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, đã mở đường cho cải cách đất đai nông thôn ở mức độ nào đó. Phiên họp toàn thể năm 2008, cũng là phiên họp thứ ba trong một kỳ đại hội, đã ủng hộ quan điểm Maoít về sở hữu tập thể đất nông thôn – nhưng đồng thời cũng kêu gọi “từng bước” thiết lập một “thị trường đô thị và nông thôn thống nhất” cho đất xây dựng, bao gồm đất sử dụng cho xây dựng nhà ở và nhà máy ở nông thôn. Và phiên họp toàn thể này tuyên bố rằng quyền lợi của người nông dân cá thể đối với đất nông nghiệp, cho đến nay vẫn bị hạn chế bởi những hợp đồng cho thuê bất động sản cấm đầu tư thời hạn 30 năm, có thể được mở rộng vô hạn định. Kể từ đó các nhà lập pháp đã lập luận xung quanh những sửa đổi đổi với Luật Quản lý Đất đai trọng yếu mà sẽ đặt các cải cách vào đúng chỗ. Nhưng việc tranh cãi ở trung ương đã không chấm dứt được sự vá víu vụng về ở các tỉnh.
Năm năm qua, người ta đã chứng kiến những cuộc thử nghiệm rộng khắp về quyền sử dụng đất nông thôn, chẳng hạn như việc thử nghiệm cho vay thế chấp ở Gumian. Sự thận trọng đã trở thành khẩu hiệu, ngay cả ở Quảng Đông, một tỉnh từng được sử dụng để thí điểm cải cách kinh tế từ thời Đặng Tiểu Bình. (Tập Trọng Huân, cha của ông Tập Cận Bình, là một quan chức cấp cao ở đó trong những năm trọng yếu sau 1978). Ví dụ, các khoản thế chấp ở Gumian chỉ có thể dùng để chi trả cho việc xây dựng nhà ở trong cùng một làng: không thể hướng ra thành phố với một bao tải đầy tiền mặt. Liu Hongzhi, người giám sát kế hoạch này, trích dẫn một thành ngữ nổi tiếng thường được cho là của Đặng Tiểu Bình, mặc dù trên thực tế là của một đồng sự: “Dò đá qua sông”.
Nhiều hộ gia đình ở Gumian đã tận dụng những khoản vay này để giúp họ xây các ngôi nhà cao 5 hoặc 6 tầng. Sự cần thiết phải có các tòa nhà cao tầng, và quy mô của chúng, là do gần đây đường ray tàu cao tốc chạy thẳng qua ngôi làng này bắt đầu được xây dựng. Tiền đền bù cho việc lấy đất và dỡ bỏ bất động sản trong quá trình xây dựng đường ray này được chi trả phần lớn cho nhà cao tầng; niềm hy vọng rằng một nhà ga mới sẽ khiến việc cho thuê phòng trở thành nguồn thu nhập nhỏ hấp dẫn là lý do giải thích cho quy mô của những ngôi nhà này. Tại một bữa tiệc chung sau khi hoàn tất việc xây dựng các ngôi nhà, những người dân làng không nao núng trước vị quan chức bị các bí mật nhà nước ám ảnh đã giải thích rằng họ vay chưa đến một phần mười phí tổn để xây những ngôi nhà của họ. Tuy nhiên, việc vay thêm chút ít có nhiều ý nghĩa nếu điều đó giúp họ có thêm phòng, khi điều kiện vay – lãi suất cố định 6%, thời hạn trả nợ là 5 năm – được cho là dễ dàng. Ông Liu nghĩ khả năng người dân không trả được nợ là không thể xảy ra, ông nói: “Không thể có khả năng không hoàn trả số tiên đó”. Đây chắc là một điều tốt. Nhưng sẽ phải làm gì nếu có ai đó thực sự không trả được nợ thì vẫn hoàn toàn chưa rõ ràng.
Trùng Khánh, một vùng phía Tây Nam với khoảng 30 triệu người, đã bắt đầu một kế hoạch tương tự cho phép người nông dân thế chấp nhà ở của họ vào năm 2010 khi được Bạc Hy Lai điều hành, vị bí thư thành ủy gần đây bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Kể từ đó các tỉnh miền Nam là Quý Châu và Vân Nam cũng triển khai những cuộc thử nghiệm tương tự. Cui Zhiyuan thuộc trường Đại học Thanh Hoa, cựu cố vấn của chính quyền thành phố Trùng Khánh, nói rằng các khoản vay thế chấp là nhỏ và người nông dân là những người đi vay “vô cùng thận trọng”. Sự quyết tâm mang tính ý thức hệ này của các cán bộ đảng vẫn chưa được kiểm chứng bởi những vụ tịch thu tài sản để thế nợ.
Thật khác thường, ở một đất nước chấp nhận rất nhiều những khía cạnh khác của chủ nghĩa tư bản, vậy mà ý thức hệ vẫn còn có ý nghĩa ở vùng nông thôn. Khái niệm sở hữu tập thể đất nông thôn được ghi trong hiến pháp và các quan chức tỏ ra miễn cưỡng ngay cả nói bóng gió rằng nó có thể được thay đổi. Một vài người trong số họ coi đó là biểu tượng của “chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc” mà đảng ủng hộ.
Các chính quyền địa phương lo lắng rằng quyền sở hữu bất động sản rõ ràng hơn cho người nông dân sẽ khiến việc dành riêng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy và nhà ở đô thị trở nên khó khăn hơn nhiều. Việc bán đất được trưng dụng cho các nhà đầu tư là một nguồn thu nhập trọng yếu của chính quyền địa phương, và đât đai được dùng làm vật thế chấp cho khoản vay của các chính quyền địa phương (một vấn đề đau đầu khác đối với ông Tập Cận Bình: nợ của họ đã và đang tăng lên). Ngoài hệ tư tưởng ra, các chính quyền này chống lại bất kỳ khái niệm nào về việc thay đổi một hệ thống đã mang lại rất nhiều lợi ích cho họ.
Tuy nhiên, bất chấp những mối quan ngại như vậy, các cải cách do ông Hồ Cẩm Đào đưa ra vẫn còn tồn tại và lan rộng. Trùng Khánh và Thành Đô, thủ phủ của tỉnh lân cận Tứ Xuyên, là những nơi tiên phong. Ngay sau phiên họp toàn thể lần thứ ba năm 2008 của ông Hồ Cẩm Đào, Trùng Khánh và Thành Đô đưa ra các kế hoạch mua bán đất đai nhằm mục đích giải phóng giá trị của đất nông thôn và đẩy nhanh đô thị hóa. Các kế hoạch này cho phép các nhà đầu tư đấu thầu để có được giấy chứng nhận đất được tạo ra bởi việc chuyển đổi đất xây dựng ở nông thôn thành đất nông nghiệp. Sau đó họ có thể sử dụng giấy chứng nhận đất này để xây dựng dựa trên một diện tích đất nông thôn tương đương tại một khu phát triển đô thị được phê duyệt. Trên lý thuyết, kết quả là sẽ không có tổn thất thực nào về đất nông nghiệp, và đem cơ hội cho người nông dân ở những khu vực mà các nhà đầu tư không tâm tới để hưởng lợi từ nhu cầu chưa thỏa mãn đối với đất đô thị. Trong giá bán giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 85% thuộc về chính những người nông dân: một sự công nhận khác thường, như ông Cui chỉ ra, rằng người nông dân cần chia sẻ giá trị gia tăng trên mảnh đất của họ. Phương tiện truyền thông Trung Quốc nói rằng thành phố Quảng Châu, ở Quang Đông, cũng đang lên kế hoạch phát động việc mua bán giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vào tháng 8 báo chí Trung Quốc đưa tin rằng Quảng Đông đã thông báo những quy chế dự thảo cho phép người dân trong làng ở tỉnh này mua nhà từ người dân của các làng khác trong cùng một thị trấn, và theo đó tiếp quản các quyền đối với mảnh đất. Nếu những quy tắc này được thông qua, Trung Quốc sẽ tiến ít nhất là một bước nhỏ hướng tới việc tạo ra một thị trường nhà ở ở nông thôn, ở tỉnh ven biển Chiêt Giang, thành phố Ôn Châu (điểm nóng cải cách kinh tế khác) đã tiến xa hơn. Vào tháng 10 nó đã thành lập một “Trung tâm Dịch vụ Quyền sở hữu bất động sản Nông thôn”, một trung tâm xử lý thanh toán trên lý thuyết cho phép người dân thành phố mua nhà từ những người dân làng trong cùng một khu vực. Truyền thông Trung Quốc cho biết trên thực tế, những người mua tiềm năng vẫn lo ngại rằng không có Luật Quản lý Đất đai được sửa đôi, sự phá lệ như vậy là quá mạo hiểm.
Mặc dù vậy, ở những nơi khác, rất nhiều người lại đang chấp nhận mạo hiểm. Gần khu vực ngoại ô, nhiều người nông dân xây nhà trên mảnh đất mà họ bán cho người dân thành thị, những người hy vọng luật này sẽ không bao giờ được thực thi. Theo một số ước tính, cứ mộí trong năm ngôi nhà được sử dụng bởi người dân thành phố Bắc Kinh thì về kỹ thuật lại nằm trên đất làng, và tại thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông tỷ lệ này có lẽ là gần một nửa. Đó là mớ bòng bong pháp lý rất lớn, mặc dù nhiều người nông dân ở các khu vực quanh đô thị được hưởng lợi. Và nó chẳng mang lại gì cho những người rời các ngôi làng cách xa thành phố, nơi những ngôi nhà bị tàn phá nặng nề, vô chủ đang trở thành một cảnh tượng ngày càng phố biến.
Trái đất này bị phân chia
Ông Tập Cận Bình vẫn chưa cho thấy các dấu hiệu giải quyết luật đất đai một cách trực tiếp. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận chức tổng bí thư, ông đã có bước tiến quan trọng hướng tới việc nới lỏng hơn nữa các cuộc thử nghiệm và cải cách. Một văn kiện chính sách về các vấn đề nông thôn được thông qua vào tháng 12/2012 và được công bố một tháng sau đó nói rằng vào cuối năm 2017, cần phải trao cho người nông dân các giấy chứng nhận chỉ ra chính xác những cánh đồng của họ nằm ở đâu, và rằng các giấy chứng nhận tương tự cho đất ở của họ phải được cấp “càng sớm càng tốt”. Đó sẽ là một nhiệm vụ nặng nề, với nhiều tranh cãi và cần nhiều sự trợ giúp từ công việc khảo sát bằng vệ tinh. Tuy nhiên, nếu không có sự phân chia ranh giới, một thị trường đất đai có trật tự không thể hình thành. Và giờ đây phương tiện truyền thông địa phương thường xuyên đưa tin về việc chuyên giao các chứng thư nhà ở cho những người nông dân vui mừng chưa bao giờ được cầm những thứ như vậy trước đây. Một số người dân làng Gumian, có nhiều tiền mặt từ dự án đường sắt, cho biết họ cần những chứng thư đi kèm với thế chấp nhiều hơn so với việc họ cần tiền.
Mong muốn đó phản ánh một trong những sức thu hút then chốt của cải cách đất đai – và một trong những lý do mà ông Tập Cận Bình có thể nhận thấy khó khăn. Việc đem lại cho người nông dân các chứng thư, và quyền tùy ý sử dụng chúng, sẽ làm suy yếu sự kìm kẹp thường mang tính chuyên chế đối với cuộc sống của họ mà quyền quản lý đất đai trao cho các tổ chức cơ sở đảng. Những người sống ở vùng nông thôn sẽ bắt đầu tương đối không bị đảng can thiệp vào cuộc sống hàng ngày, như những người dân thành thị bắt đầu trải qua vào cuối những năm 1990, khi nhà ở do 10.000 SOE quản lý được chuyển giao cho những người sử dụng chúng. Sun Dawu, người sáng lập của một tập đoàn lớn về kinh doanh nông nghiệp tại tỉnh Hồ Bắc ở phía Bắc, nói: “Không thể nói rằng những người nông dân có được nhân quyền trừ phi họ có được quyền sở hữu bất động sản”.
Sự thay đổi về chính trị không phải là điều mà ông Tập Cận Bình nhất thiết muốn đẩy nhanh, hoặc được coi là đang đẩy nhanh. Trong thời gian chuẩn bị cho phiên họp toàn thể này, ông đã và đang kiểm soát những con đường kinh tế theo xu hướng cải cách của mình bằng việc tỏ lòng kính trọng không đúng lúc một cách đáng ngạc nhiên tới Mao Trạch Đông và tiến hành cuộc đàn áp khắc nghiệt khác thường đối với sự bất đồng quan điểm và sự luận bàn trực tuyến ương ngạnh. Các quan chức được cho xem một bộ phim tài liệu về sự sụp đổ của Liên Xô như là lời cảnh báo đối với những ảo tưởng theo kiểu Gorbachev. Nếu ông nghĩ rằng nhu cầu cấp thiết lợi ích kinh tế đất đai quan trọng hơn những quan ngại về việc trao quyền cho người nông dân gây bất lợi cho các quan chức Đảng Cộng sản, thì có lẽ ông vẫn sẽ thận trọng về việc trở nên hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, ông không nhất thiết phải trở nên rõ ràng hơn nữa, chừng nào người ta còn hiểu thông điệp này.
Vào khoảng thời gian mà phiên họp toàn thể năm 1978 bàn về việc ủng hộ công xã nhân dân, một nhóm những người nông dân bần cùng ở tỉnh An Huy đã bí mật quyết định chia hết đất nông nghiệp ở làng của họ thành những mảnh đất nhỏ thuộc sở hữu tư nhân. Cuối cùng, vào năm 1981, đảng Cộng sản chính thức phê chuẩn “chế độ trách nhiệm hộ gia đình”, mặc dù một thời nó gọi điều này là đường hướng phạm thượng đối với nông nghiệp. Vào lúc đó gần một nửa số làng đang thực hiện điều này. Công việc năm tiếp theo đã chính thức bắt đầu việc xóa bỏ các công xã. Cải cách có ảnh hưởng sâu rộng đã diễn ra sau phiên họp toàn thể, nhưng là từ dưới lên. Điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét