Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

VN lo âu việc giới hoạt động dân chủ ứng dụng hiệu quả mạng xã hội & VN và nền văn hóa nhà mặt tiền

VN lo âu việc giới hoạt động dân chủ ứng dụng hiệu quả mạng xã hội


Blogger Nguyễn Lân Thắng viết trên Facebook về vụ anh bị bắt giữ rằng 'tốn quá nhiều tiền của người thọ thuế cho tôi kể từ hôm qua, tôi xin lỗi mọi người'

01.11.2013
Một blogger cổ xúy cho dân chủ Việt Nam loan tin trên trang mạng xã hội này việc anh bị bắt tại Việt Nam và sau cùng được thả ra. Sự kiện này sau đó đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới trên Facebook.

Truyền thông quốc tế bình luận rằng đây là một dấu hiệu nữa cho thấy các trang mạng xã hội đang trở thành một công cụ phổ biến và hết sức hữu dụng, được phong trào cổ xúy cho tiến bộ xã hội và dân chủ ở Việt Nam ứng dụng hiệu quả, khiến cho chế độ toàn trị lo âu.

Thông tấn xã AP nói một tin nhắn bằng video được các nhà hoạt động đăng lên các trang mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới tối hôm thứ Tư vừa qua, ngay sau khi nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Lân Thắng bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ ở sân bay Nội Bài, vào lúc anh từ nước ngoài trở về sau chuyến đi được giới truyền thông mô tả là “quốc tế vận” cho dân chủ Việt Nam.

Trong tin nhắn,  anh Nguyễn Lân Thắng nói: “Khi các bạn xem video này, thì chắc chắn tôi đã bị an ninh bắt giữ.” Anh Thắng thu sẵn tin nhắn ngay trước khi về Việt Nam và nhờ bạn bè loan tải trên các trang mạng xã hội nếu anh bị bắt giữ.

Chiều hôm sau, cũng qua Facebook, anh Thắng cho biết đã được nhà cầm quyền thả ra. Anh Thắng viết trên trang mạng xã hội về vụ anh bị bắt giữ rằng “tốn quá nhiều tiền của người thọ thuế cho tôi kể từ hôm qua, tôi xin lỗi mọi người.”

Thông tin được lan truyền tiện dụng, nhanh chóng và hiệu quả như vậy khiến nhà cầm quyền có những cách đối phó thận trọng hơn.

Bài viết trên trang blog của ông Nguyễn Tường Thụy, bạn của anh Nguyễn Lân Thắng, là một trong những người thân đến phi trường Nội Bài để đón anh Thắng hôm thứ Tư, nói rằng cách “tiếp dân” để trả lời những câu hỏi mà các quan chức coi là nhậy cảm trong thời đại mạng xã hội phổ biến này là áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống” truyền thống.

Ông Thụy kể rằng khi nhóm những người thân của anh Thắng, trong đó có vợ của anh Thắng và ông Thụy, tìm cách vào được phòng hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài để hỏi rằng “an ninh sân bay có giữ anh Thắng hay không, lý do, và bao giờ thả ra,” thì các nhân viên ở đó đã tìm cách “hoãn binh,” và bảo nhóm của ông Thụy ra ngoài chờ mươi phút.

Khi nhóm của ông Thụy trở lại thì văn phòng bị bỏ trống, không còn ai. Theo lời ông Thụy: “Cái sự trốn này thường xuyên xảy ra ở các cơ quan vấp phải sự chất vấn của công dân. Thường là bí quá, họ trốn biệt để mặc khách làm chủ phòng làm việc của họ.”
(VOA)

Tại sao Mỹ cần quan tâm tới Hiến pháp VN

Vinalines
Việt Nam vẫn tập trung nhiều nguồn lực cho các công ty nhà nước

Hai cây viết Hoa Kỳ vừa có bài viết giải thích tại sao Washington cần theo dõi những sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam.

Murray Hiebert, Phó Giám đốc và Kyle Springer, Chủ tịch Sumitro về Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington (CSIS) nói điều cần theo dõi nhất là Điều 19 của sửa đổi Hiến pháp đang được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp hiện nay.

Một số nhà lãnh đạo Việt Nam nói họ muốn duy trì Điều 19 của Hiến pháp về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Hai cây viết của CSIS nói điều này trái với cam kết muốn tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương mà ông Trương Tấn Sang đưa ra khi thăm Hoa Kỳ hồi tháng Bảy và những tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng trong tháng trước với hãng Bloomberg cũng ở Hoa Kỳ về việc tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài trong vòng năm năm tới.
Bản thân Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương cũng có điều khoản đòi hỏi các nước tham gia phải coi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như nhau, theo hai cây viết.

Họ cũng dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ nói rằng cho tới nay Việt Nam là một trong những nước hợp tác tích cực nhất trong đàm phán để ký kết hiệp định và sự hợp tác này có cả trong những lĩnh vực được cho là khó khăn như doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường.

Hấp dẫn thứ hai


Hoa Kỳ hy vọng sẽ sớm hoàn tất đàm phán TPP.

Hai tác giả Hiebert và Springer cũng nói những tranh cãi về vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam diễn ra trong lúc nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại ở mức hơn 5% so với mức 7% mà Hà Nội mong muốn.

Đầu tư nước ngoài cũng đã chậm lại và đóng góp 51,6% vào Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong năm 2012 so với 53.3% của năm 2010.

Mặc dù vậy, hai cây viết dẫn một khảo sát mới đây về triển vọng kinh doanh tại các nước ASEAN trong năm 2014 do Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore mà theo đó các doanh gia Mỹ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng đã giảm xuống 1.300 từ con số 12.000.

Nhưng, họ nói, việc để tồn tại nền kinh tế hai tầng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước đi về hai hướng khác nhau gây tác hại xấu tới tiềm năng phát triển của đất nước cũng như khả năng cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài.

Hai tác giả nói chính quyền và các doanh gia Hoa Kỳ muốn thấy Hà Nội có các bước đi để khẳng định các cam kết cải cách mà họ đã đưa ra và chứng tỏ họ là đối tác khả tín giữa lúc Washington và Hà Nội đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương.
(BBC)

Khánh Sơn - Vụ Cát Tường và sáu thi thể khác

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường
Vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường đang gián đoạn vì chưa tìm thấy thi thể nạn nhân

Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi chị Lê Thị Thanh Huyền (Hà Nội) bị tử vong sau khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Theo lời khai của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, xác chị Huyền bị ném xuống sông Hồng với mục đích phi tang, sự việc đã gây rúng động dư luận về y đức của vị bác sĩ này.

Trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam đang lúng túng trong việc điều tra và xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào, thì người thân và hàng trăm người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi hàng ngày bên bờ sông Hồng, mong tìm được thi thể của người xấu số.

Ngoại cảm

Xung quanh sự việc đau lòng này, đã xuất hiện nhiều vấn đề khiến chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn lại.

Đơn cử như việc xuất hiện liên tục các “nhà ngoại cảm” chẳng hạn, mỗi người một ý, họ vừa gieo hy họng vừa gieo thất vọng cho người nhà nạn nhân và dư luận quan tâm, họ vừa làm đa sắc thêm tình hình khi cách đây chưa lâu, đài truyền hình Việt Nam (VTV) lần lượt có những chương trình “bóc mẽ” cái gọi là “ngoại cảm”, một lĩnh vực đang làm mưa làm gió trong những năm gần đây.
"Nhưng chẳng thấy bất cứ một ai, bất cứ một tổ chức hay cơ quan nào lên tiếng về 6 thi thể bạc mệnh trôi sông kia. Ai dám chắc rằng, những cái chết kia là không dã man, và không bất hạnh như chị Huyền!?"
Đáng chú ý hơn, trong suốt quá trình tìm thi thể chị Huyền, người ta đã lần lượt phát hiện ra 6 thi thể khác trôi dạt trên sông Hồng và các khu vực lân cận.
Đáng buồn thay khi 6 thi thể này ngay lập tức bị quên lãng, gần như tất thảy đều lắc đầu ngao ngán vì …đó không phải là chị Huyền.
Rõ ràng, đây là một sự thật đau lòng!

Những ngôn ngữ về đạo đức, lương tâm vẫn đang hàng ngày, hàng giờ được lan truyền khủng khiếp trên mạng internet, người ta căm phẫn trước hành động vô nhân tính của bác sĩ Tường, người ta xót xa cho sự bất hạnh của chị Huyền.

Nhưng chẳng thấy bất cứ một ai, bất cứ một tổ chức hay cơ quan nào lên tiếng về 6 thi thể bạc mệnh trôi sông kia cả. Ai dám chắc rằng, những cái chết kia là không dã man, và không bất hạnh như chị Huyền!?

Tự vấn

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường
Bác sỹ Tường chỉ chỗ ném xác nạn nhân

Tôi tự hỏi rằng, phải chăng “dư luận” đang quan tâm đến vụ việc “thẩm mỹ viện Cát Tường” phần nhiều là do sự tò mò, hơn là những bản năng về đạo đức?
Sáu thi thể trôi dạt được tìm thấy trong 10 ngày (và tính cả chị Huyền nữa là 7), liệu những người có trách nhiệm đã giật mình về các vấn đề an ninh hay chưa?

Và cách ứng xử của các cơ quan nhà nước, phải chăng đang đơn thuần chỉ là “đối phó” với dư luận? nhằm sớm nhất có thể xoa dịu nỗi đau và những sự căm phẫn?

Đến lúc này, người ta mới cuống cuồng cho kiểm tra hàng loạt các cơ sở y tế, thẩm mỹ, khẩn trương quy và làm rõ trách nhiệm... Chả nhẽ họ chấp nhận “chữa cháy” theo kiểu “chạy theo dập lửa” mãi như thế được sao?

Chưa có câu trả lời, chỉ có những tiếng thở dài ngán ngẩm. Và đương nhiên, một chút nhíu mày cho 6 thi thể bạc mệnh kia, hình như vẫn đang là điều xa ngái?!!

Khánh Sơn
Gửi cho (BBC) từ Hà Nội
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

VN và nền văn hóa nhà mặt tiền

Nhà mặt tiền có giá cao hơn nhiều nhờ điều kiện kinh doanh.
Nếu như ai đó sống ở Anh quốc, họ có thể đi xe ô tô chạy tới 120 km/h. 
Sau khi đi ra khỏi nhà, hòa vào đường cao tốc, đáp ứng phù hợp di chuyển các công việc thường ngày. Đơn giản được như vậy nhờ sự quy hoạch tập trung cho các nhu cầu phục vụ xã hội như các siêu thị, cao ốc, văn phòng.
Các xí nghiệp, nhà máy được xây dựng xa trung tâm thành phố. Các khu dân cư, trường học bố trí hợp lý.

Nếu như ai đó nhận định xe máy cản trở quy hoạch đô thị thì ngược lại, chính tính ưu việt nhà mặt tiền tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu thiết thực của người sử dụng xe máy dẫn đến phát triển “nền văn hóa xe máy”.

Khác với các quốc gia đang phát triển, tại Việt nam, hầu hết các nhà mặt tiền đều có giá rất cao. Sở dĩ như vậy vì nhà mặt tiền tận dụng, khai thác tối đa cho việc kinh doanh. Từ mua bán lẻ tất cả các mặt hàng “thượng vàng hạ cám”,các dịch vụ ăn uống, văn phòng công ty, trường học,… Điều này đã tạo thành nếp sống “văn hóa nhà mặt tiền”.

Việc dàn trải kinh doanh trên phục vụ đa số cho các nhu cầu cấp thiết sinh hoạt hàng ngày của người dân, từ thôn quê, vùng ven vào thành phố, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn và những người có nhu cầu trong khu vực.

Thực tế người ta mua sắm theo yêu cầu hàng ngày không thể đi bộ một vài cây số, không thể đi phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, mà chỉ có văn minh xe máy mới đáp ứng hữu hiệu và thuận tiện. Kéo theo hình thành những vỉa hè làm nơi để xe máy, tiện lợi cho việc mua sắm nhưng lại cản trở giao thông, người đi lại.

Thực tế tồn tại là trụ sở các cơ quan từ trung ương đến địa phương cũng bố trí rải rác, manh mún ở mặt tiền các tuyến đường trong thành phố. Các phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được yêu cầu đi lại hàng ngày thì việc sử dụng xe máy là nhu cầu tất yếu.

Chưa kể các trường học từ tiểu học, phổ thông đến cao đẳng, đại học cũng chiếm mặt tiền trong thành phố. Việc chở con đi học trong một vài cây số nếu không sử dụng xe máy thì dùng phương tiện gì cho phù hợp. Giờ tan học là ác mộng của tất cả các phương tiện giao thông đi qua khu vực này.

"Văn minh mặt tiền"
"Quan chức có địa vị cao trong xã hội họ cũng mang nặng tư tưởng mặt tiền, tậu vài nhà mặt tiền và muốn giữ bầu trời riêng cho cơ quan mình giữa trung tâm thành phố"
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nạn kẹt xe, văn hóa mặt tiền góp phần không nhỏ.

Khẳng định rằng, nếu quy hoạch đô thị tập trung, hợp lý cho các đối tượng trên, khai thác chiều cao, bỏ văn hóa mặt tiền, tăng cường phương tiện giao thông công cộng và lộ trình các phương tiện này đáp ứng di chuyển hợp lý, cũng như hình thành tập trung các khu vực buôn bán lẻ, áp dụng và nhân rộng mô hình tương tự cửa hàng tạp hóa 7 Eleven cho các khu vực dân cư thì sẽ không có các vấn nạn trên.

Cần thực hiện một cách đồng bộ và quyết tâm thì lượng xe máy tham gia giao thông trong thành phố sẽ giảm rõ rệt, giảm ách tắc giao thông, phát huy dịch vụ giao thông công cộng, tạo thói quen mới cho người dân đi bộ khoảng cách gần.

Sự thay đổi này là khả thi, không tốn nhiếu thời gian, xuất hiện thêm nhiều quỹ đất phục vụ dân sinh, môi trường.

Nhất là tạo năng lực thông hành cao, giảm kẹt xe, làm tiền đề cho việc loại dần “nền văn minh xe máy, văn minh mặt tiền”.

Nhưng ở Việt nam hiện tại, có thể chẳng ai ủng hộ việc này. Quan chức có địa vị cao trong xã hội họ cũng mang nặng tư tưởng mặt tiền, tậu vài nhà mặt tiền và muốn giữ bầu trời riêng cho cơ quan mình giữa trung tâm thành phố.

Chính "Nền văn hóa nhà mặt tiền" của Việt nam đã tạo ra nền “văn minh xe máy” và cản trở sự phát triển của cộng đồng.

Bài thể hiện lối hành văn và phong cách của tác giả, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.
(BBC)

Israel oanh tạc căn cứ quân sự của Syria


Israel được cho là đã tiến hành nhiều vụ oanh kích nhằm vào Syria trong năm nay

Chiến đấu cơ của Israel đã oanh kích một địa điểm gần thành phố ven biển Latakia của Syria, theo quan chức chính phủ Hoa Kỳ.

Một quan chức cho biết vụ không tạc trên có mục tiêu triệt hạ một số tên lửa do Nga sản xuất, vốn sắp được chuyển vào tay lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Thành phố cảng Latakia, thành trì quan trọng của Tổng thống Bashar al-Assad, là nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Alawite của ông này.

Israel được cho là đã tiến hành ít nhất ba cuộc tấn công từ trên không vào lãnh thổ Syria trong năm nay.

Tin về vụ oanh kích được loan tải sau khi Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) vừa công bố tất cả những thiết bị sử dụng cho việc chế tạo vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy sớm hơn một ngày so với thời hạn.

Hoạt động của OPCW được Liên Hiệp Quốc chấp thuận sau khi có cáo buộc quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào khu vực dân sự, điều vốn bị chính quyền ông Assad bác bỏ, và sau khi Hoa Kỳ cùng Pháp đe dọa sẽ can thiệp quân sự.

Thời điểm nhạy cảm

"Tôi hy vọng những ai lâu nay vẫn nghĩ tiêu cực về chúng tôi sẽ thay đổi suy nghĩ và hiểu rằng Syria đã, đang, và sẽ luôn là một đối tác mang tính xây dựng."
Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad
Một quan chức chính phủ Mỹ nói vụ oanh tạc của Israel diễn ra vào giữa đêm thứ Tư, rạng sáng thứ Năm.

Các tin ban đầu cho biết nhiều tiếng nổ đã được nghe thấy gần thành phố Latakia, nhưng không nói rõ nguyên nhân.

"Nhiều tiếng nổ đã được nghe thấy gần căn cứ phòng không ở khu vực Snubar Jableh," Tổ chức theo dõi Nhân quyền Syria, có trụ sở đặt tại Anh, cho biết.
Cả Israel và Syria vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.

Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên từ chính phủ Hoa Kỳ nói các tên lửa bị Israel nhắm vào là loại SA-125s do Nga chế tạo.

Israel gần đây đã liên tục nhấn mạnh sẽ hành động nếu nước này biết được vũ khí, bất kể là loại thông thường hay hóa học, được Syria chuyển sang cho các nhóm vũ trang trong khu vực, đặc biệt là Hezbollah.

Phóng viên BBC ở Beirut, Jim Muir, nói vụ oanh tạc diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm, khi mà Nga, nước sản xuất những vũ khí mà Israel được cho là vừa hủy diệt, đang cùng với Hoa Kỳ tổ chức hội nghị về tiến trình hòa bình tại Syria.

Nga, đồng minh thân cận của Tổng thống Assad, là nước đã không ngừng viện trợ vũ khí cho quân đội chính phủ Syria trong suốt cuộc nội chiến tại đây.
Ông Assad trước đó đã tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel trong tương lai.


Chính phủ Syria sẽ phải thống nhất với OPCW về lịch trình giải trừ vũ khí hóa học

'Đối tác mang tính xây dựng'

Một thông cáo từ OPCW vào thứ Năm 31/10 nói các nhóm thanh tra của tổ chức này đã tiến hành điều tra 21 trên tổng số 23 địa điểm lưu trữ vũ khí hóa học ở Syria.

Tổ chức này cũng nói hai địa điểm quá nguy hiểm cho công tác điều tra, tuy nhiên thiết bị từ những nơi này đã được chuyển đến những vị trí nơi chúng có thể được điều tra.

Thứ trưởng Ngoại giao Syria, ông Faisal Mekdad, nói với BBC rằng chính phủ của ông đang cộng tác, và đóng góp vào công cuộc giải phóng Trung Đông khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

"Tôi hy vọng những ai lâu nay vẫn nghĩ tiêu cực về chúng tôi sẽ thay đổi cách nghĩ và nhận ra rằng Syria đã, đang, và sẽ luôn là một đối tác mang tính xây dựng." ông nói.

Từ đây cho đến giữa tháng 11, OPCW và chính phủ Syria sẽ phải thống nhất một kế hoạch cụ thể về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này.

Syria sẽ phải tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học của mình trước giữa năm 2014.

Số vũ khí hóa học mà Syria đang sở hữu được cho là bao gồm khoảng 1.000 tấn chất độc thần kinh sarin, chất độc mù tạc lưu huỳnh, và một số vũ khí hóa học bị cấm khác, và được trữ tại hàng chục địa điểm khác nhau.

Cuộc nổi dậy chống lại ông Assad nổ ra hồi năm 2011 đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và hơn hai triệu người khác phải rời bỏ đất nước, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.
BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét