TẢN MẠN CHUYỆN LIÊN XÔ,
TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
Phạm Gia Minh
Phần 2: Trung
Quốc cải cách
Những đặc
thù Trung Hoa
Đối với Phương Tây
nói riêng và người nước ngoài nói chung thì Trung Quốc trong lịch sử
xa xưa không đơn thuần là một quốc gia mà đó là cả một thế giới
riêng biệt, khó nắm bắt, khó tiên liệu, huyền bí và thực dụng… Thế
giới đó ngày nay tuy đã cởi mở hơn nhưng có lẽ chưa “phẳng” như thế
giới Phương Tây bên ngoài nên hẳn vẫn còn ẩn chứa nhiều điều
bất ngờ.
Cũng bởi sự khác
biệt với bên ngoài nên chính người TQ luôn nhấn mạnh tới những
đặc thù mang “màu sắc Trung Hoa” của mình. Tuy vậy, nếu đánh giá
theo “tháp nhu cầu” của Maslow (1) thì chắc họ cũng có những
khát vọng rất con người như chúng ta và không phải ngẫu nhiên, trong
những năm gần đây có tới 46% người giàu TQ mong muốn chuyển sang các
quốc gia phát triển Phương Tây sinh sống (2).
Nét nổi bật nhất
là người TQ có lối nghĩ và hành động nói chung là rất khác Phương
Tây và sẽ là không quá lời nếu như đặt tên cho sự khác biệt đó là
“phong cách Trung Hoa”.
Hình 1: Biểu đồ mô tả “Phong cách Trung Hoa”
Trung Hoa có Kinh
Dịch, thuyết Âm-Dương, Ngũ hành (một số luận cứ cho
rằng Hán tộc đã tiếp thu thuyết này từ Bách Việt trong quá trình
thôn tính và đồng hóa Phương Nam) và binh pháp Tôn Tử là những công
cụ tư duy độc đáo mang tính thực tiễn cao. Trải qua hàng ngàn năm
được mài giũa, những công cụ đó đã góp phần hình
thành nên một dạng “tiềm thức dân tộc” và văn hóa hành xử rất thâm
thúy, luôn có tầm nhìn chiến lược, linh hoạt thích nghi nhưng
cũng thực dụng không thua kém Tây phương.
TQ trong lịch sử
hơn 5000 năm luôn là một xã hội thiếu vắng quyền tự do cá nhân theo
cách hiểu của Phương Tây hoặc có thì rất hạn chế, và do vậy, TQ là
hình mẫu kinh điển của một nhà nước toàn trị, chuyên quyền dẻo dai, nơi
mà hệ thống đạo đức cá nhân Khổng giáo chẳng khác gì những sợi
dây xích mạ vàng lóng lánh nhằm trói chặt mọi thần dân vào cỗ xe
cai trị của các vị Hoàng đế - Thiên tử.
Nhà nước toàn trị
đó lại chăm sóc các thần dân của mình bằng thứ dinh dưỡng tinh thần
đặc biệt, đó là tư tưởng dân tộc Đại Hán - ta là trung tâm thiên hạ.
Các ngành
dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và công cuộc chuyển đổi kinh tế
Khác hẳn với nước
Nga bắt đầu chuyển đổi kinh tế từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung,
phi thị trường sang nền kinh tế thị trường bằng một “ cú nổ lớn” (Big
Bang) với chính sách tự do hóa triệt để giá cả và tư nhân hóa
hàng loạt, TQ lại thận trọng từng
bước vận dụng cơ chế thị trường, trước hết ở những vùng nông thôn
rộng lớn và sau đó là ở các khu vực hộ gia đình ở thành phố, trong
khi vẫn giữ nguyên sở hữu
nhà nước trong các ngành then chốt. Không giống như chính quyền mới
ở Nga xóa bỏ kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế ngay từ giai
đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kinh tế, chính quyền TQ, vốn là
chế độ kế hoạch hóa tập trung giống Nga tiếp tục lập kế hoạch cho
các hoạt động kinh tế chủ yếu trong những năm đầu quá trình chuyển
đổi. Việc kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ chỉ được từ
bỏ vào giữa những năm 90 thế kỷ trước tức là 15 năm sau khi công
cuộc chuyển đổi bắt đầu. Hiện nay chính quyền TQ vẫn nắm các doanh
nghiệp nhà nước lớn sau hơn 30 năm cải cách (4).
Quá trình chuyển
đổi kinh tế của TQ đã ngay lập tức dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao,
trong khi quá trình tương tự ở Nga đã dẫn tới hậu quả suy thoái
nghiêm trọng. Trong 10 năm từ 1990 tới 2000, GDP của TQ đã tăng với
tốc độ bình quân 10,3%/năm, trong khi GDP của Nga lại giảm
trung bình 4,8%/năm(3).
Khó có thể dùng
các lý luận của trường phái kinh tế học Tân cổ điển để giải thích
thỏa đáng quá trình chuyển đổi kinh tế từng bước thành công của TQ.
Đúng là thông qua các biện pháp tự do hóa và tư nhân hóa triệt để,
Nga đã tiến gần hơn tới một hệ thống thị trường tự do so với TQ. Tuy
nhiên, nền kinh tế được tự do hóa từng phần của TQ lại hoạt động
tốt hơn nhiều so với nền kinh tế được tự do hóa triệt để của Nga.
Theo phần tích ở
Phần 1 – chuyện Liên Xô sụp đổ (2.1) việc kinh tế Nga sụt giảm
nhanh chóng có lẽ sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta đánh giá đúng mức tầm
quan trọng của các dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường trong nền
kinh tế. Nói cách khác, lý thuyết chi phí giao dịch là chìa khóa
để giải thích những vấn đề phức tạp của quá trình chuyển đổi kinh
tế. Thị trường tự do không hoàn toàn “ tự do” và có những chi
phí khổng lồ gắn với những trao đổi khách quan trên thị trường. Mức
độ chuyên môn hóa và phân công lao động càng cao và các trao đổi
càng phức tạp thì xã hội sẽ phải đối mặt với các chi phí giao dịch
càng lớn. Như đã đề cập trong
Phần 1 (2.1) các ngành dịch vụ giao dịch của nền kinh tế Mỹ, nền
kinh tế thị trường có trình độ phát triển cao nhất, chiếm tới hơn
50% GDP của Mỹ vào năm 1970.
Khi bắt đầu quá
trình chuyển đổi, Liên Xô cũ đã đạt được trình độ phát triển công
nghiệp ngang bằng với các nước Phương Tây có trình độ chuyên
môn hóa cao. Tuy nhiên mức độ chuyên môn hóa cao cần phải có các
hoạt động trao đổi hay nói rộng ra là khu vực dịch vụ giao dịch thị
trường ở trình độ tương xứng. Trong hệ thống kế hoạch hóa tập trung,
bộ máy hành chính cồng kềnh đã xử lý tất cả các trao đổi hoặc giao
dịch giữa các công ty cũng như giữa các chủ thể kinh tế nhà nước với
người tiêu dùng. Là một hệ thống phi thị trường, nền kinh tế Liên Xô
chủ yếu
dựa trên các lĩnh vực phi giao dịch và thiếu trầm trọng nhiều ngành
dịch vụ giao dịch.
Rõ ràng độ “lệch”
khá lớn giữa trình độ chuyên môn hóa cao của nền kinh tế Liên Xô với
thực trạng phát triển yếu kém của các ngành dịch vụ giao dịch là một
khó khăn lớn cho quá trình chuyển đổi ở Liên Xô trong những năm đầu.
Chủ trương tự do hóa thị trường và tư nhân hóa theo kịch bản “ vụ nổ
lớn” đã làm cho bộ máy kế hoạch từng điều phối tất cả các hoạt động
sản xuất và trao đổi trong một nền kinh tế chuyên môn hóa cao đột
ngột bị sửa đổi trong khi đó các ngành dịch vụ cần thiết cho một nền
kinh tế thị trường hiện đại lại hầu như hoàn toàn thiếu vắng. Sự sụp
đổ của bộ máy hành chính đã tạo ra một “khoảng trống thể chế” ở nước
Nga dẫn đến sự ngưng trệ toàn bộ nền kinh tế công nghiệp hóa trình
độ cao.
Sai lầm mang tính
nhận thức chủ quan lớn nhất của các lãnh đạo Xô Viết thời “cải tổ-
Perestroika” chính là họ đã không nhìn ra vai trò của khu vực
dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường nên đã đồng loạt làm tê liệt
hoặc giải tán các cơ cấu của ĐCS cùng với bộ máy hành chính đồng cấp
trên bình diện ngành và lãnh thổ toàn Liên bang trong quá trình
chuyển đổi kinh tế.
Về nguyên tắc,
có thể giảm nhẹ đáng kể tấn bi kịch xã hội trong giai đoạn
đầu chuyển đổi nếu bảo lưu có chọn lọc và từng bước trao thêm những
chức năng điều hành kinh tế cho bộ máy hành chính sẵn có, tách vấn
đề hệ tư tưởng và đảng phái chính trị ra khỏi kinh tế một cách ôn
hòa, đồng thời nhanh chóng tạo dựng các ngành dịch vụ giao dịch thị
trường.
Quá trình tự
chuyển biến này có thể diễn ra êm thấm nếu xã hội dân sự (XHDS) ở
Liên Xô đã đạt một trình độ phát triển thích hợp cho phép các tổ
chức tự nguyện của người dân hỗ trợ và bổ sung cho những khiếm
khuyết tạm thời của bộ máy hành chính.( Một ví dụ đáng nhớ tại
nước Bỉ sau cuộc thỏa thuận bất thành ngày 13/6/2010, suốt 485 ngày
đất nước này không có chính phủ nhưng mọi hoạt động diễn ra vẫn bình
thường do XHDS ở đây đã đạt trình độ tự quản khá
cao). Điều đáng tiếc là dưới thời Xô Viết XHDS đã bị hiểu sai và do
đó không được tự do phát triển.
Tuy nhiên, nhìn
nhận một cách khách quan, di sản XHCN hơn 70 năm quá nặng nề
của Liên Xô đã là vật cản lớn đối với tiến trình chuyển đổi ôn hòa
và hiệu quả như mong muốn.
Ngược với Nga,
trình độ phát triển ban đầu thấp của nền kinh tế TQ là một điều may
mắn trên thực tế đối với việc chuyển đổi kinh tế của nước này. Ngoài
ra, chính sự lựa chọn phương thức chuyển đổi từng bước, trước hết ở
khu vực nông thôn có trình độ chuyên môn hóa thấp với các biện pháp
tương đối mạnh bạo, sau đó tiến tới khu vực thành thị với các
cải cách ôn hòa hơn và cơ bản vẫn giữ lại các hệ thống kế hoạch chủ
yếu. Lợi ích lớn nhất của phương thức cải cách trên là giữ được sự
liên tục của sản xuất ở khu vực thành thị có trình độ chuyên môn hóa
cao trong khi bộ máy kế hoạch xử lý giao dịch hầu như không bị ảnh
hưởng. Trong khi đó sản lượng ở nông thôn nơi chiếm 70% lực lượng
lao động đã tăng lập tức vì các lực lượng thị trường dễ dàng tăng
sản xuất ở kinh tế nông thôn, nơi cần ít dịch vụ giao dịch vì trình
độ chuyên môn hóa thấp.
Việc tự do hóa sớm
ở khu vực nông thôn kết hợp với chính sách mở cửa đã dẫn tới quá
trình công nghiệp hóa nhanh chóng các ngành kinh tế truyền thống nơi
đây và tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế của TQ trong 20
năm đầu chuyển đổi.
Một nguyên nhân
rất quan trọng giải thích sự thành công phát triển kinh tế TQ là
việc nước này mở rộng quan hệ kinh tế với các nước tư bản phát triển
rất đúng cách và bài bản nhờ vai trò trung gian của vùng lãnh
thổ Hồng Kông. Mô hình chuyên môn hóa hướng vào xuất khẩu mà các
nước công nghiệp mới nổi ở Đông Á áp dụng thành công cũng là nguồn
thông tin định hướng có ích cho TQ với vị thế là người đi sau.
TQ đã biết tận
dụng Hồng Kông như một địa điểm cung cấp các loại dịch vụ giao
dịch quan trọng, vốn gần như không tồn tại trong nền kinh tế kế
hoạch tập trung trước đây để giúp TQ tham gia thị trường thế giới.
Theo nhà kinh tế học Milton Friedman, Hồng Kông là “hình mẫu hiện
đại của thị trường tự do”, nơi mà quyền sở hữu được đảm bảo, xã hội
dân sự cởi mở theo các chuẩn mực Anh – Mỹ, pháp luật quy định minh bạch,
kinh doanh và thương mại tự do trong môi trường
pháp trị . Nhờ có Hồng Kông, TQ đã học tập được hình mẫu cho
việc phát triển ở Trung Quốc Đại lục các dịch vụ phụ trợ
thương mại đa dạng như kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm, giải quyết
tranh chấp bằng trọng tài, cung cấp tài chính cho hoạt động thương
mại, hậu cần Logistic và bảo hiểm phục vụ xuất khẩu …
Hồng Kông còn có
vai trò quan trọng cho sự hình thành và phát triển các thị trường
tài chính của TQ vốn không tồn tại dưới chế độ kế hoạch hóa tập
trung.
Chính quyền TQ đã
hướng tới Hồng Kông để có được kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm
trong việc xây dựng các định chế tài chính, hình thành các thị
trường chứng khoán, đề ra những nguyên tắc và quy ước kinh doanh
trong ngành tài chính giúp điều phối hoạt động của các ngân hàng
thương mại và các công ty quản lý quỹ ở TQ.
Hồng Kông cũng
cung cấp nhiều loại dịch vụ giao dịch khác thông qua đầu tư trực
tiếp vào TQ ví dụ như quảng cáo, phân phối bán buôn, bán
lẻ,bảo hiểm, tư vấn luật và kế toán v.v…
Nếu như trình độ
chuyên môn hóa lao động thấp ở nông thôn TQ là một điều kiện ban đầu
thuận lợi, tạo đủ thời gian cho việc phát triển các dịch vụ giao
dịch trong lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế TQ vốn dĩ gắn bó
chặt chẽ với mô hình kế hoạch hóa tập trung, thì Hồng Kông đã
thực sự chuyển các dịch vụ giao dịch tới nền kinh tế đại lục ở bất
cứ nơi nào cần các dịch vụ này. Điều này là một yếu tố có ý nghĩa
tích cực đối với sự phát triển của TQ trong tương lai(3).
Hơn thế nữa Hồng
Kông còn là cửa ngõ để giới tư bản đại diện cho cộng đồng hơn
20 triệu người Hoa trên thế giới chuyển vốn, công nghệ và kỹ năng
kinh doanh vào đại lục theo sự điều phối của quy luật “bàn tay vô
hình” và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.
Nhưng có lẽ điều kiện khách quan bên ngoài có tính chiến lược cho sự chuyển đổi
thành công của TQ đó là sự ủng hộ hiệu quả của Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp
lịch sử năm 1972 với “thông cáo chung Thượng Hải”, Mỹ đã bắt tay
với TQ để bao vây và làm suy yếu Liên Xô – một đối thủ ở ngay sát
nách của TQ lại cùng theo hệ tư tưởng Mác- Lê trong cuộc đua giành
vị trí lãnh đạo phong trào Cộng sản quốc tế. Đối với Mỹ thì Liên Xô
là đối thủ đáng gờm nhất trong chiến tranh lạnh sau Thế chiến II.
Quan hệ nồng ấm ngoạn mục giữa hai cựu thù Mỹ - Trung là biểu hiện rõ nét chủ
nghĩa thực dụng Hoa Kỳ, mặt khác nó cũng phản ánh trung thực lối suy nghĩ và hành động theo
“phong cách Trung Hoa” rất uyển
chuyển, mưu lược nhằm phục vụ tối đa cho lợi ích cốt lõi và bất
biến của một thể chế toàn trị, chuyên chế dẻo dai mang tinh thần
Đại Hán.
Quá trình
chuyển đổi còn dang dở
Nền tảng tư tưởng
cho quá trình chuyển đổi kinh tế ở TQ trong những năm qua được nhiều
nhà nghiên cứu nhìn nhận là một hình thái của chủ nghĩa Tư
bản nhà nước kiểu Lê nin (Corporate Leninism) (4), nó có nhiều
điểm tương đồng với truyền thống toàn trị và chuyên chế Á Châu thời
hiện đại.
Chính vì vậy, sau
hơn 30 năm cải cách nền kinh tế TQ ngày càng trở thành một nền kinh
tế thị trường “dựa vào quyền lực của chính quyền”. Cơ cấu
của hệ thống kinh tế - chính trị hiện nay được xây dựng để bảo đảm
ĐCS TQ sẽ luôn luôn là trung tâm chi phối, điều tiết mọi cơ hội
trong tất cả các lĩnh vực. Tại TQ hiện nay nhà nước nắm giữ 10 lĩnh
vực kinh tế trọng yếu như Tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, hạ
tầng,Viễn thông …Trong số 2037 công ty niêm yết trên 2 thị trường
chứng khoán ở TQ chỉ có 100 công ty tư nhân. Tuy khu vực nhà nước
nắm giữ hơn 75% vốn đầu tư nhưng chỉ sản xuất dưới 50% GDP (4).
Việc duy trì doanh
nghiệp nhà nước là hình thức sở hữu chủ đạo đối với tư liệu sản xuất
đồng thời được ưu ái về cấp vốn, đất đai v.v… là không phù hợp với
cơ chế khuyến khích “bàn tay vô hình” Adam Smith nhưng
lại bảo đảm cho ĐCS TQ những công cụ quyền lực cần thiết.
Các doanh nghiệp
tư nhân “có máu mặt” phần lớn là do các cựu quan chức hoặc người
nhà của họ nắm giữ mặc dù cũng tồn tại những doanh nghiệp tư nhân
“đích thực”. Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh chủ yếu
được quyết định bởi quan hệ của người chủ với các quan chức chính
quyền trung ương và địa phương nói chung để có được những đặc ân và
sự bảo trợ.Mặt khác, lợi nhuận của các công ty tư nhân phải chịu
một hình thức chiếm đoạt dưới dạng những khoản thu khác nhau của
chính quyền địa phương. Quan hệ tốt với địa phương sẽ giúp các công
ty này không bị chiếm đoạt quá nhiều.
Khiếm khuyết chủ
yếu của nền kinh tế thị trường “dựa trên quyền lực” là sự méo mó
tiêu chuẩn phân phối thu nhập khiến những người có địa vị hoặc quan
hệ cá nhân gần gũi với các quan chức chính quyền được hưởng lợi
nhiều hơn.
Tình trạng này
khuyến khích các hành vi tìm kiếm hối lộ hơn là nỗ lực cải tiến sản
xuất kinh doanh theo quy luật tiến hóa Schumpeter và
về lâu dài nó gây nên tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, hạn chế
tăng trưởng, kìm hãm đổi mới và sáng tạo mang tính đột phá
trong công nghệ, kinh doanh. Thậm chí nó còn nuôi dưỡng mầm mống bất ổn xã hội.
Trong những năm
gần đây căng thẳng xã hội ở TQ ngày một gia tăng, trung bình hàng
năm có hơn 10 vạn cuộc biểu tình. Điều này rất trùng hợp với hệ số
phân hóa giàu-nghèo Gini ở TQ là khá cao – 0,47 (2).
Để duy trì chi phí
sản xuất thấp nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và
tăng lợi nhuận cho giới chủ doanh nghiệp, TQ đã áp dụng
nhiều biện pháp, trong đó có việc áp dụng chế độ hộ khẩu mang tính
phân biệt và phó mặc việc phát triển mạng lưới an sinh – xã
hội đối với người lao động. Hiện nay ước tính chỉ có khoảng 80
triệu lao động có chế độ an sinh – xã hội, còn lại hơn 70%
tổng số lao động làm thuê có thu nhập thấp ước tính khoảng hơn 150
triệu (cũng có nguồn ước tính khoảng 260 triệu) “dân công “ (lao động
đa số từ nông thôn lên thành thị) không những không được
hưởng chế độ an sinh - xã hội mà còn không có quyền đình công theo
quy định của Hiến pháp TQ và không được phép tự tổ chức bảo vệ quyền
lợi của mình một cách tập thể. Chênh lệch thu nhập có tính cả các
khoản an sinh –xã hội giữa người có hộ khẩu và không có hộ khẩu có
thể lên đến 6 lần (5).
Nếu như tại các
nước Phương Tây mâu thuẫn chủ- thợ được giải quyết thông qua các tổ
chức dân sự như các nghiệp đoàn ngành nghề v.v… thì tại TQ Luật lao
động quy định không có thương lượng tập thể!
Trên thực tế, bạo
loạn đã nổ ra khi người lao động quá bức xúc mà không có cách nào
khác để thể hiện quyền lợi của mình. Phản ứng trước hành động này,
nhà nước TQ đã tăng ngân sách cho ngành công an để củng cố sức mạnh
đàn áp.Riêng ngân sách an ninh nội địa dành cho ngành công an năm
2011 đạt 90 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngân sách quốc phòng (5).
Rõ ràng sự ổn
định chính trị đạt được bằng đàn áp không mang tính bền vững vì thiếu tính cơ cấu
(6). Giải pháp toàn diện, ít tốn kém và bền vững
hơn chính là xây dựng những tổ chức XHDS hoạt động trong khuôn khổ
tôn trọng Hiến pháp nhằm giải tỏa một cách ôn hòa những mâu thuẫn xã
hội và thể hiện trung thực ý nguyện của các nhóm dân khác nhau trong
các cuộc đối thoại có tính xây dựng với chính quyền.
Có lẽ vấn nạn lớn
nhất trong nền kinh tế chuyển đổi còn dang dở ở TQ hiện nay là tham
nhũng. Với việc chấp nhận sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường trong
điều kiện đất đai và các tư liệu sản xuất, vốn đầu tư công vẫn
thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại được ủy thác và phân cấp cho các
doanh nghiệp nhà nước cùng các địa phương quản lý, sử dụng đã tạo
những “lỗ hổng thể chế” cho tham nhũng nở rộ. Khi mà hệ thống giám
sát hành chính được hình thành thời kế hoạch hóa tập trung không
theo kịp độ phức tạp và tinh vi của kinh tế thị trường thì các giám
đốc doanh nghiệp nhà nước và người đứng đầu địa phương có muôn vàn
cơ hội biến của chung thành tài sản cá nhân và giàu lên rất nhanh.
Người chủ tài sản thực sự là nhân dân trên toàn quốc và cư dân ở các
cộng đồng không có trong tay cơ chế bảo vệ quyền sở hữu của mình.
Chính việc thiếu vắng các tổ chức XHDS giúp chính quyền giám sát
việc ủy thác và phân cấp sở hữu toàn dân đã là một cơ hội bị bỏ lỡ
khiến cuộc chiến chống tham nhũng sau nhiều năm vẫn kém hiệu quả.
Tuy nhiên, việc
không tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp nhà
nước, nhất là nhiều doanh nghiệp chủ chốt đóng vai trò công cụ
quyền lực của ĐCS và nhà nước đã không cho chính quyền đóng vai trò
là một thực thể khách quan để đạt được các mục tiêu quản lý độc lập
của mình. Chính vậy mà tham nhũng vẫn có đất phát triển.
Sự hình thành
và phát triển khu vực dịch vụ giao dịch thị trường là yếu tố mang
tính thể chế. Không phải ngẫu nhiên tại các nền kinh tế thị trường
tiên tiến hàng đầu thế giới đều có các XHDS cởi mở với truyền thống
lâu đời và khu vực dịch vụ giao dịch phát triển đa dạng, ngày càng tinh
vi
. Đây có lẽ là “tài sản thể chế” quý giá nhất
trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của các nền kinh tế
phát triển trước.
Tuy TQ đã học hỏi
hình mẫu khu vực dịch vụ giao dịch thị trường Hồng Kông ngay từ giai
đoạn đầu quá trình chuyển đổi nhưng với bản chất cố hữu của nền kinh tế
thị trường “dựa trên quyền lực” nhằm
phục vụ một thể chế chuyên quyền toàn trị, nơi mà XHDS bị hạn chế
và cấm đoán nên khu vực dịch vụ này tự thân nó không thể phát triển
mạnh mẽ ở Đại lục. Ở đây chúng ta cần liên tưởng lại các điều kiện
cần và đủ trong nền kinh tế Xô Viết được đề cập ở
Phần 1 – chuyện
Liên Xô sụp đổ (2.1)
Hội nghị Trung
ương 3 khóa 18 (kỳ 2) ĐCS TQ gần đây trên cơ sở cân nhắc kỹ
lưỡng những nguy cơ và thách thức của xã hội TQ đã đề ra những định
hướng tiếp tục cải cách toàn diện và sâu rộng nền kinh tế TQ theo
hướng thúc đẩy mạnh mẽ yếu tố thị trường, cho nông dân nhiều quyền
hạn hơn trong sở hữu đất đai …
Tuy nhiên vẫn còn
bỏ ngỏ câu hỏi về tính mâu thuẫn giữa nguyên tắc thị trường tự do
với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nguyện vọng của hàng trăm
triệu “dân công” về cải cách chế độ hộ khẩu vẫn chưa được thỏa mãn
khiến tiến trình đô thị hóa và hiện đại hóa sẽ gặp chắc trở.
Mối quan tâm hàng
đầu mà trước đây nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lần khuyến cáo
về sự cần thiết phải cải cách thể chế chính trị song hành với cải
cách kinh tế hầu như vẫn chưa được quan tâm trong lần hội nghị quan
trọng này.
Các nhà quan sát
quốc tế đều có chung nhận định : TQ làm ra nhiều sản phẩm nhưng
không phát minh ra cái mới mang tính đột phá do xã hội TQ
không chấp nhận phê phán, phản biện.
Cảm nhận được sâu
sắc nét đặc thù đó nên một nhà nghiên cứu đã viết :” TQ sẽ không
theo một con đường quen thuộc hướng tới một điểm đến nhất định theo
cách nghĩ của chúng ta chỉ vì các nhà quan sát Phương Tây quá lười
biếng hoặc tự mãn về văn hóa để hình dung ra những khả năng
khác nữa” (5).
Và phải chăng, đó cũng là điều phù hợp với “bản sắc” và “ phong cách Trung Hoa “ ?
(còn phần 3 tiếp theo và hết)
Thăng long- Hà
nội 20/11/2013
Tài liệu tham
khảo
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-11-13(1) Wikipedia. “ Maslow’s Hierachi of Need.(2) Phạm Gia Minh. “ Mấy lời bàn về mô hình Trung Quốc: Thư ngỏ gửi GS Francis Fukuyama”.(2.1) Phạm Gia Minh. “ Tản mạn chuyện Liên Xô, Trung Quốc và Việt nam” Phần 1 : Liên Xô sụp đổ.(3) Li Tan. “ Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp” NXB “Trẻ”. 2008(4) John Lee. “ Chủ nghĩa hợp doanh Lê Nin của Trung Quốc”(5) Trần Hải Hạc. “ Bàn về chuyển hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung quốc”(6) Bùi Mẫn Hân (MinXin Pei). “ Sự cai trị của ĐCS TQ là mong manh hay bền vững”.www.tapchithoidai.org/ThoiDai25/201225_buiManHan.pdf
Học gì từ cách chống tham nhũng của Singapore
Thứ nhất, bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng, và
trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng. Nếu chỉ ‘những con cá nhỏ’ bị
bắt, thì toàn bộ chiến lược chống tham nhũng sẽ mất uy tín và thất bại.
Không chỉ được ca ngợi là quốc gia có môi trường trong sạch, Singapore còn được đánh giá có một Chính phủ trong sạch.
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để bảo đảm chính quyền trong sạch.
Ông nói cách hay nhất chống tham nhũng là ‘đi cùng thị trường’, thay vì thói đạo đức giả vốn đã tạo nên tham nhũng.
Giảm thiểu cơ hội tham nhũng
Khi Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền, họ nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển.
Trong ba yếu tố tạo nên tham nhũng, lúc ban đầu Singapore chưa thể làm gì với yếu tố lương bổng vì năm 1960, đây vẫn là nước nghèo với GNP trên đầu người là 443 USD.
Vì vậy, chính phủ phải tập trung vào hai yếu tố tạo tham nhũng còn lại: giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt.
Một luật chống tham nhũng mới ra đời, với 32 phần (thay vì 12 như trước đây).
Có một số sửa đổi quan trọng như án phạt tăng lên 5 năm tù, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận.
Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp.
Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ, vì ý định phạm pháp đã đủ để khép tội người này.
Một điều khoản khác trong luật quy định công dân phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như là một hành vi phạm pháp trong nước.
Tăng lương
Cho mãi tới thập niên 1980, khi đã phát triển kinh tế, Singapore mới đủ khả năng làm nốt phần còn lại trong chiến lược chống tham nhũng, là tăng lương cho nhân viên.
Tháng 3/1985, thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để bảo đảm chính quyền trong sạch.
Việc điều chỉnh lương năm 1989 và 1994 khiến lương của quan chức ở Singapore thuộc hàng cao nhất thế giới.
Các nhân viên trong khu vực nhà nước cũng được tăng lương và có thêm trợ cấp để giảm nguy cơ họ chạy đi làm cho khu vực kinh tế tư nhân.
Bài học
Theo Giáo sư Jon S.T. Quah – Khoa Chính trị học ở Đại học quốc gia Singapore, kinh nghiệm của Singapore không dễ lặp lại ở các nước vì hoàn cảnh đặc thù và vì những chi phí chính trị và kinh tế của việc trả lương cao.
Tuy nhiên, có sáu bài học mà các nước có thể tham khảo.
Thứ nhất, bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng, và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.
Nếu chỉ ‘những con cá nhỏ’ bị bắt, thì toàn bộ chiến lược chống tham nhũng sẽ mất uy tín và thất bại.
Thứ hai, phải có các biện pháp chống tham nhũng đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem lại để thay đổi, nếu cần thiết.
Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch.
Không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên, và bất kỳ thanh tra nào tham nhũng cũng phải bị trừng phạt và đuổi ra khỏi ngành.
Thứ tư, cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát.
Nếu cơ quan này trực thuộc cảnh sát, sẽ khó hoạt động hiệu quả, đặc biệt nếu có tình trạng tham nhũng ngay trong nội bộ cảnh sát.
Thứ năm, để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ sa ngã như hải quan, thuế vụ, công an giao thông, thì các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi quy định làm việc.
Thứ sáu, động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp cho họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Phải làm sao duy trì được nhân tài trong khu vực nhà nước vì nếu họ bỏ đi làm cho bên ngoài, những người kém khả năng ở lại sẽ càng dễ có nguy tham ô.
Vietnam Business Center in Singapore
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
Nghĩa trang Mai Dịch hết chỗ
Nghĩa trang Mai Dịch có gần 400 ngôi mộ của các lãnh đạo cao cấp |
Nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội dành
riêng để chôn cất lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các nhân
vật nổi tiếng đã không còn chỗ ở bên trong.
Báo trong nước dẫn báo cáo của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội nói diện tích trống tại đây không còn nhiều và trong thời gian tới Nghĩa trang Mai Dịch sẽ không cho chôn cất mới.
Hiện tại đây đang có 394 ngôi mộ của các vị lãnh đạo cấp cao, và 1.228 mộ liệt sỹ.
Trong số các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chôn cất tại đây có các Tổng bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...
Cạnh đó cũng có các nhà văn, thơ, nhà khoa học lừng danh như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Trần Xuân Bách...
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành liên quan và TP Hà Nội khảo sát, nghiên cứu chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp mới.
Bộ Xây dựng vừa đề xuất lựa chọn hai vị trí gồm: khu vực nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng về phía Nam, ở huyện Ba Vì; và khu vực xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.
Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 2) cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây theo hướng quốc lộ 32, có quỹ đất khoảng 100 ha. Tuy nhiên, địa điểm này khá xa, qua nhiều khu vực tập trung dân cư, dễ gây xung đột giao thông.
Khu vực xã Yên Trung cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây, tiếp giáp núi Ba Vì, cách dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình khoảng 1,2 km. Khu đất này được cho là có cảnh quan đẹp, phù hợp cho việc xây dựng nghĩa trang cấp quốc gia, với quỹ đất có thể khai thác sử dụng khoảng 100 ha.
Ngoài đề xuất hai địa điểm xây dựng nghĩa trang nói trên, Bộ Xây dựng cũng đề xuất ba vị trí để Chính phủ xem xét, quyết định xây dựng nhà tang lễ quốc gia mới.
Nghĩa trang Mai Dịch được xây dựng năm 1956 cạnh đường Quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây thuộc địa phận phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy Hà Nội, tổng diện tích là 59.053 m2.
Chính phủ Việt Nam có Nghị định 105/2012/NĐ-CP quy định rõ thành phần cán bộ cao cấp được tiêu chuẩn an táng tại đây.
Đó là các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý; lão thành cách mạng trước 1945 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.
Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cũng đủ tiêu chuẩn an táng tại Mai Dịch.
Trước đó là các cán bộ cấp cao nhất như tổng bí thư Đảng CSVN, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng... mà tang lễ được cử hành theo nghi lễ quốc tang hay tang lễ cấp nhà nước.
Tuy nhiên có trường hợp, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người qua đời đầu tháng 10/2013, đã được an táng tại quê nhà theo ý nguyện của ông.
Ngày 17/11 lễ 49 ngày cho Đại tướng đã được gia đình tổ chức tại quê nhà Quảng Bình, trong khi một lễ cầu siêu diễn ra ở chùa Sùng Phúc, Long Biên, Hà Nội.
(BBC)
Du học, những điều nên biết
Bài này tôi viết theo sự đặt hàng về đề tài của báo Nhân Dân, đã được
PV bổ sung thêm ý và đăng trên báo cuối tuần qua, với bút hiệu Anh Khuê
(tên con gái) và tên của PV xử lý bài. Các bạn có thể đọc bài đã xử lý ở
đây:
Du học, những điều cần
biết[1]
Du học, nhu cầu của thời đại
Đã trở thành thông lệ, trong vòng một thập niên trở lại đây mùa
tuyển sinh của trường đại học của Việt Nam cũng đồng thời là mùa hoạt động của
các trung tâm du học và mùa hội thảo thông tin giới thiệu chương trình đào tạo
của các trường đại học quốc tế. Với số dân gần cả trăm triệu người, lại là một
nước có dân số trẻ và truyền thống sẵn sàng đầu tư tối đa cho việc học, Việt
Nam đang được tất cả các nước xuất khẩu giáo dục đại học hàng đầu như Mỹ, Úc,
Anh vv quan tâm với tư cách là một thị trường quan trọng.
Có thể kể một vài con số ấn tượng. Theo báo cáo của Viện
Giáo dục Quốc tế (Mỹ), năm 2012 Việt Nam có vị trí thứ 8 trên toàn thế giới
trong số những quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Mỹ đông nhất, và là quốc
gia có vị trí thứ 5 nếu tính riêng khu vực Đông Á, chỉ sau những quốc gia rất
đông dân như Trung Quốc, hoặc có thu cập cao hơn Việt Nam rất nhiều lần Hàn Quốc,
Đài Loan, và Nhật Bản[2]. Một báo
cáo khác của tổ chức WENR (Mỹ) cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ
đã tăng liên tục trong những năm qua, từ khoảng 4,500 sinh viên vào năm 2006 đến
15,500 vào năm 2012, tức tăng hơn 300% trong vòng 7 năm[3]. Nhưng Mỹ
không phải là điểm đến duy nhất của sinh viên Việt Nam, cũng chưa phải là nơi
có số lượng du học sinh nhiều nhất. Theo số liệu thống kê của Cục Đào tạo với
nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2012 có đến trên 100,000 du học
sinh đang học ở nước ngoài, trong đó ba nước có số lượng cao nhất là Australia
(gần 25%), Hoa Kỳ (16%), và Trung Quốc (13%).
Thực ra, sự gia tăng nhu cầu du học trong thời gian không chỉ
có ở riêng Việt Nam, cũng không phải chỉ có ở các nước kém phát triển như Việt
Nam, mà là một xu hướng mới của toàn thế giới trong thời đại toàn cầu hóa hiện
nay. Ngay cả sinh viên các nước phát triển như Mỹ và châu Âu ngày nay cũng có
nhu cầu học tập ở một đất nước bên ngoài biên giới quốc gia của mình, vì điều
này sẽ mang lại cho họ những trải nghiệm quốc tế rất cần thiết trong môi trường
làm việc của một kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đối với du học sinh từ các nước
đang phát triển như Việt Nam thì cái những lợi của việc du học còn nhiều hơn gấp
bội. Trước hết, nền giáo dục đại học của các nước tiên tiến có chất lượng tốt
hơn nhiều so với giáo dục đại học của Việt Nam. Người học không chỉ được tiếp cận
với những kiến thức cập nhật nhất, được học hành trong những điều kiện tốt nhất
về sách vở tài liệu, phòng thí nghiệm và trang thiết bị tối tân, mà còn được có
cơ hội học và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ (ngôn ngữ của quốc gia mà họ chọn
để theo học), được tiếp xúc và tương tác với các nhà khoa học hàng đầu, được
giao lưu với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới, và được trải nghiệm một nền văn
hóa mới, một cuộc sống ở một thế giới văn minh hiện đại.
Có thể nói, thời gian 4, 5 năm học
đại học ở một nước tiên tiến là một cơ hội hiếm có đối với một học sinh vừa tốt
nghiệp trung học phổ thông, tạo ra những tác động hết sức quan trọng đối với sự
phát triển tính cách và trí tuệ của một sinh viên, thậm chí gần như đã biến đổi
họ thành một con người khác, tự tin hơn năng động hơn, và tất nhiên, có trình độ
chuyên môn vững vàng hơn. Không có gì lạ nếu các nhà tuyển dụng, mà đặc biệt là
các công ty đa quốc gia, thường dành ưu tiên trong tuyển dụng cho các ứng viên
như vậy.
Không chỉ có hoa hồng
Với những cái lợi vừa nêu, không lạ gì nếu ngày càng có nhiều
người Việt Nam ôm mộng du học, cho dù có phải trả toàn bộ chi phí. Cũng theo số
liệu của Cục Đào tạo với nước ngoài, trong số trên 100,000 người Việt Nam đang
đi du học trên khắp thế thì tuyệt đại đa số là du học tự túc, do cá nhân tự
trang trải chi phí. Và cần phải nhấn mạnh rằng đây là một sự đầu tư vô cùng lớn.
Chỉ riêng học phí cho một năm học ở Mỹ hoặc Úc – chưa kể chi phí ăn ở và sinh
hoạt – không thể tính dưới con số 20,000 đô la, có nghĩa là học phí cho một tấm
bằng đại học lên đến cả trăm ngàn đô. Nhưng điều đáng buồn là mặc dù bỏ ra số
tiền lớn như vậy nhưng không phải ai cũng thành công trong cuộc đầu tư này.
Cho
đến nay chưa có một thống kê cụ thể nào để có thể nói chính xác về tỷ lệ thất bại
hoặc rủi ro của các du học sinh, nhưng những câu chuyện chia sẻ trong cộng đồng
hoặc được đưa trên báo chí cho thấy con đường du học không phải là trải đầy hoa
hồng. Đã có những trường hợp xôi hỏng bỏng không, bỏ tiền bạc và thời gian ra để
đi học mất vài năm mà cuối cùng không thể nào học xong để lấy được tấm bằng
đành phải trở về nhà tay trắng, vì sinh không đủ sức – cả ngoại ngữ lẫn chuyên
môn – để theo đuổi ngành mình đã chọn. Nhẹ hơn là phải kéo dài thời gian học
hơn dự tính, đồng nghĩa với việc phải tốn kém thêm tiền bạc và thời gian, dẫn đến
việc gia đình phải vay nợ để trả tiền học cho con em mình, nếu không muốn phải
bỏ dở việc học do chưa học xong mà tiền đã hết.
Một rủi ro thường gặp hơn, đặc biệt là đối với những trường
hợp du học sinh hoặc thân nhân không có khả năng tự tìm trường mà phải thông
qua các môi giới, đó là phải bỏ ra một số tiền lớn để theo học ở những ngôi trường
tầm thường hạng hai, thậm chí cả những trường không hề được thừa nhận ngay tại
nước chủ nhà, và chất lượng của chương trình đào tạo thậm chí còn thấp hơn cả
những chương trình ở Việt Nam. Khi điều này xảy ra, thì đây không chỉ là một sự
lãng phí lớn đối với cá nhân người học và gia đình, mà còn là sự chảy máu ngoại
tệ đối với quốc gia, khi nguồn ngoại tệ trong dân bị thất thoát ra ngoài chỉ để
mua những món hàng dỏm không sử dụng được.
Ngoài những rủi ro về việc học tập,
du học sinh cũng có thể gặp những rủi ro khác như những va chạm với những người
xung quanh vì xung đột văn hóa, cảm thấy cô đơn, thậm chí trầm cảm, và trong
tâm trạng ấy đôi khi có những hành động dại dột mà không kiềm chế được. Còn nhớ,
cách đây vài năm, dư luận đã một phen xôn xao khi nghe tin về trường hợp du học
sinh Việt Nam treo cổ tự tử trong nhà trọ ở bên Mỹ. Tất nhiên, đây là một trường
hợp vô cùng ngoại lệ, nhưng những khó khăn về tâm lý của du học sinh khi phải ở
một mình ở nước ngoài cũng là điều cần phải xét đến khi ta đang lên kế hoạch
cho con em của mình đi du học.
Chuẩn bị tốt, tránh rủi ro
Như đã nói ở trên, quyết định đi du học là một đầu tư rất lớn
của cá nhân và gia đình cho tương lai của người học, một đầu tư tính bằng tiền
tỷ. Nếu đó là một đầu tư để làm ăn thì chắc chắn ta sẽ phải có bước chuẩn bị,
phải xem xét mọi thông tin, phải cân nhắc, đắn đo, xem xét kỹ lưỡng mọi mặt trước
khi thực hiện. Giấc mơ du học – giấc mơ
chính đáng của rất nhiều người trẻ và gia đình hiện nay – cũng đòi hỏi một sự đầu
tư tương tự nếu chúng ta không muốn biến giấc mơ ấy thành một cơn ác mộng.
Không
chỉ chuẩn bị về tiền – dù đây vẫn là điều kiện đầu tiên mà chúng ta phải xem
xét đến – mà còn là thông tin về trường đại học mình sẽ chọn, năng lực học tập
của bản thân, và dự tính về nghề nghiệp trong tương lai. Quan trọng nhất trong
quá trình chuẩn bị vẫn là những thông tin chính xác và khách quan chứ không phải
những lời “tư vấn” lấy được của các công ty du học thiếu trách nhiệm. Một lời
khuyên nhỏ dễ thực hiện: Hãy tận dụng các nguồn thông tin chính thức từ chính
phủ các nước, thường được đặt ở một bộ phận thông tin trong các đại sứ
quán/lãnh sự quán. Những thông tin này – được tiếp cận từ sớm, khoảng 1, 2 năm
trước thời gian quyết định đi du học – sẽ giúp ta lường trước những khó khăn và
tránh được những rủi ro đáng tiếc.
[1] Bài viết theo đặt hàng của báo Nhân Dân, viết xong 10/11/2013
[3]
http://wenr.wes.org/2013/06/vietnam-trends-in-international-and-domestic-education/
Hạ Đình Nguyên - Gửi thư cho gió và anh Dương Chí Dũng
Dù không quen biết, tôi lại có ý định viết thư cho anh đây, song không
biết anh ở đâu, đành gởi cho gió mang đi, có khi lại đến được tay anh
không chừng !
Thú thật, sau những ngày đầu xôn xao do câu chuyện của anh gây nên, tôi
cũng như nhiều người đã trở lại trạng thái bình yên như thường lệ, trong
tôi chẳng có một ấn tượng xấu nào về anh cả, ngược lại thấy vui vui,
cay cay thế nào !
Vả lại, sau anh là những hình ảnh khác lại ùa đến dồn dập, cũng rất thu
hút dư luận, nhưng anh vẫn là hình ảnh điển hình nhất, vì theo tôi, nó
hấp dẫn nhất.
Cũng như sau cơn bão đi qua, người ta nhìn thấy cảnh đổ nát hoang tàn,
đau thương rồi sực nghĩ về thân phận mỏng manh của con người, trên cái
hành tinh bí hiểm lắm chuyện nầy. Những thân thể người chết, già và trẻ,
những bức tường đổ vụn, những ngôi nhà thành đống gạch, những chiếc xe
hơi bẹp dúm nằm phất phơ đâu đó, và bao nhiêu công trình khác thành đống
xà bần vô dụng…, chẳng còn ra hình thù của một thứ sản phẩm nào liên
quan đến “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cả.
Anh cũng thế, anh Dũng à !
Sau cái tan tành đổ nát của Vinashin, thật không liên quan gì đến công
nghiệp hóa, hiện đại hóa ! Nhưng tôi muốn nói về tính cách của con
người, mà anh là biểu tượng. Cái đó thật là ám ảnh tôi.
Vì đâu chỉ có mình anh ?
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã dạy rồi :
“Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác…”
Cuộc chia chác tôi tưởng tượng là hoành tráng, linh đình, vui vầy, phải đạo, và ai cũng có phần.
Người lương thiện kinh hoàng về sự tham nhũng vượt tưởng tượng, lại hồn
nhiên, ngang nhiên, thong thả như hành vi ăn cướp, mà cách ăn cướp thể
hiện chính xác câu phương ngữ của Việt Nam :
Cướp đêm là trộm,
Cướp ngày là Quan !
Nó đã vượt khái niệm tham nhũng, chuyển sang hình tướng cướp ngày, mà là cái “cướp ngày” của quan.
Tôi nghĩ về anh như là nét điển hình để minh họa .
Câu chuyện dài của anh, cũng mang nét hiện đại và hoành tráng lắm, nhất
là cái cốt cách đó cũng khá thời thượng, thu hút tôi lắm. Nhưng điều
làm cho tôi chú ý nhất, thấy vui vui là do câu nói thật thà phơ phất của
tay đàn em anh đấy.
“Cảm ơn em !” là lời của anh thốt ra chân tình, khi nhận va-tiền từ tay
đàn em trao theo kế hoạch đã phân công, để sau đó trao cho vợ bé mua hai
căn hộ cao cấp, anh vẫn là người chu đáo.
Tôi nghĩ nó thế nầy, khi các Công an điều tra hỏi :
- Khi mang bao tiền đến cho Dũng, Dũng nói sao ?
Trả lời : nói : “Cảm ơn em !”
Tôi cảm động nhất là câu nầy.
Cái phong thái đàng hoàng lịch sự ấy, e dân Nam bộ không bì nổi. Tôi tưởng tượng khác xa :
- Ê mầy, để đó ! Đi kiếm cái gì thật “độc” nhậu chơi !
- Có ngay, anh Hai !
Cuộc nhậu có thể kéo dài nhiều hồi…, đó chỉ là một trong nhiều kiểu nhậu
phong phú của cư dân vùng đất có truyền thống khẩn hoang. Họ nói, phải
ăn nói như thế mới là thật, như thế kia họ cho là không thật, màu mè.
Nhưng với Dũng, tôi nghĩ là thật. Nhưng cái giống nhau của hai đầu Nam
Bắc của thời đại, là cái đạo lý Việt Nam rất đàng hoàng, được tóm gọn
bằng câu thơ rất dễ nhớ đã nhắc ở trên đã được ứng dụng sáng tạo:
“chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác…”.
Vâng, Anh Dũng à, đâu chỉ mình anh !
Chuyện của anh có nhiều kịch tính lắm, với các cao trào diễn ra liên
tục. Nầy nhé, cái Vinashin do nhóm anh làm chủ xị, sau giai đoạn huy
hoàng, nó như miệng núi lừa lúc chưa phun, nó sình lên xọp xuống bao
phen, như có bàn tay của Đại Thánh – Tôn Ngộ Không bụm lại, rồi cho nó
bùng lên, mọi người hồi họp, rồi nó lại xẹp xuống, chuyển sang lai rai
êm nhẹ. Rồi nó lại bùng lên. Người ta thấy anh nhún mình bay vút lên
không, nhẹ nhàng như chiếc lá, đậu trên cái Cục hàng hải/hải đăng gì đó
(xin lỗi tôi không rành lắm từ ngữ chính trị/chuyên môn). Người bình dân
thấy cái “ụ nổi” đang “chìm”, mà anh được thoát lên an toàn, lại uy
nghi đỉnh đạc, ai cũng ngạc nhiên, cực kỳ phân vân !
Mà đúng vậy. Anh có giấy bổ nhiệm “đúng quy định” của người đứng đầu địa
phận Hoa Quả Sơn, chắc như bắp ! Lại có Bình Hộ pháp bảo vệ “đúng quy
trình”, cũng đã thông qua đề huề nhiều loại thủ tục : thanh tra, kiểm
tra, và ý kiến “không có vấn đề gì” của cấp ủy các thứ nữa…
Lại bất ngờ như cơn bão Hayan xoay hướng, người bình dân được tin anh
trốn thoát, trước khi biết tin anh có vợ nhỏ, cả cái mật lệnh khám xét
nhà, khi mà hàng xóm vừa mới thấy loáng thoáng anh xì xúp cúng vái tổ
tiên.
Anh biến mất hút.
Và cả nước lại bắt đầu nghe ra rả “lệnh truy nả” anh, qua hệ thống loa phường.
Cơn bão đi qua, rồi gió lặng. Một buối đẹp trời, người ta bốc anh ra, từ đâu đó, như từ trong túi áo vậy !
Chuyện của anh hay ở chỗ, anh luôn bất ngờ, mà dồn dập.
Nhưng ở đoạn đầu đời của anh thì chưa ai rõ, có lẽ cũng hay. Từ trẻ con,
rồi sang tuổi thiếu niên, thanh niên, rồi trở thành ông quan to đùng
đùng, vui vẻ trên đống tàu Vinashin đồ sộ, hẳn là có phép màu của Đảng !
Đoạn đầu ấy thật là đẹp,. Bằng loại thang máy đặc biệt nào, trong
khoảnh khắc, anh đã leo lên từ điểm cao nầy đến điểm cao khác.
Nhưng điều tôi thích nhất, vẫn là câu : “Cảm ơn em!”
Tiếng “cảm ơn em !” đã truyền tải từ trên xuống dưới. Và tất nhiên có
đường truyền theo chiều ngược “cảm ơn anh” từ dưới lên trên, một hệ
thống mạng “hoàn thiện” đã phủ đầy cơ thể đất nước, không đợi đến “hết
thế kỷ” như lời tiên tri nửa mùa của ông Tổng.
“Cảm ơn em !”, “Cảm ơn anh !” vẫn tiếp tục vận hành, trên nền một tổng
thể vững vàng, nếu có cái bù lon đinh ốc nào lở văng ra thì cũng là tự
nhiên, phải có thôi !
Bây giờ là không phải, nhưng trước đây, anh đã là một quan lớn của bước
đầu tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trước khi hy sinh, anh đã
để lại những gì anh đã để lại, cho đất nước nầy ! Tôi vẫn nghĩ rằng anh
là một gương điển hình. Điển hình nhất không phải là sự kiện, bởi sự
kiện như anh thì rõ là không ít, mà cái độ to thì to hơn chứ không thua,
như cái Agribank, Vinaline, các loại nợ khó đòi khó hiểu nữa…
Điều tôi quan tâm nhất vẫn là cái tính cách, cái phong thái hồn nhiên thật hiếm có, khi anh nâng giá, khi anh chia tiền.
Cái tính cách ấy rất khó diễn tả.
Mà làm sao anh có nó được ?
Làm sao mà nhiều người có nó được ?
Anh lớn lên như thế nào nhỉ ? Rồi sau đó, làm thế nào mà anh làm quan
chứ ? Anh lên chức cũng giỏi, mà thấy cũng dễ ! Xin lỗi, tôi không rành
chuyện nầy lắm, cũng chưa nghe ai nói tới. Chỉ riêng cái đoạn anh bay
vọt lên cái chức cục trưởng gì gì đó, vào cái lần cuối cùng ấy, nó ngoạn
mục làm sao ! Nhưng cái độc đáo nhất mà người bình dân thấy được, là
anh thổi cái cục “ụ nổi” to lên gấp bốn lần, khiếp thật ! Thản nhiên,
khỏe re, vô tư lự ! Người thường không thể làm được, nghĩ tới còn chưa
dám.
Nầy nhé, 10.000 đô là lớn rồi. 100.000 đô là lớn nữa. Chính phủ ta vừa
mới cứu trợ khẩn cấp cho đất nước Philippin sau cái đại họa khủng khiếp
với số tiền là chừng ấy đấy. Riêng một tay anh thì chơi đơn vị triệu,
vèo một cái, cái “ụ nổi” từ 5 triệu đô lên 19,5 triệu đô, gấp 4 lần !
Còn bao nhiêu cái “ụ chìm” khác chưa nói ra. Tôi nhớ ngày xưa cả cái
VNCH bị đổ vì Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ 300 triệu, thế
đấy !
Thế mà anh làm được một cách tự nhiên, dễ ợt !
Nhưng làm sao anh có được cái tính tự nhiên đó ? Do trời sinh ra thế hay ai hướng dẫn đào tạo ?
Tôi ngắm cái ảnh anh hoài trên mạng, theo cái cách trầm ngâm thưởng
thức, ngưỡng mộ, không chán. Xem tướng mạo anh thì rất là bình thường,
không có chi đặc sắc, tôi cố tìm cái ẩn tướng nó nằm đâu, nhưng vẫn
không nhìn ra…
Trước đây, tôi ngồi hàng giờ để ngắm Tủ lạnh Kim jung Un, nó vừa hấp
dẫn, vừa khó chịu. Nó nửa nọ nửa kia,nửa già, nửa trẻ, nửa khôn nửa ngu,
nửa người nửa ngợm, khó hiểu lắm.
Tôi cũng không thể hiểu được anh !
Anh lấy tiền làm gì mà nhiều thế ?, mà hồn nhiên như thế ?
Anh nghĩ gì lúc ấy, hay không nghĩ gì cả ?
Anh không biết rằng đất nước nầy đang được ĐCSVN lãnh đạo toàn diện sao ?
Đảng rất ngoan cường, rất chặc chẻ, rất sáng suốt, lại có được một ông
Tổng cũng “cực kỳ”, ngời ngời lý tưởng đó sao ? Chắc chắn anh được dìu
dắt rất kỷ, mà cũng rất được tin cậy trong cái giai đoạn rất “tiến lên”
nầy.
Thế mà anh…hay thật.!
Cái ăn cướp của bọn “cướp tiệm vàng” ở Quận Tân phú,TP HCM thì không thể
so sánh, vì cái phong cách nó vội vội vàng vàng, không hợp pháp, thiếu
trí tuệ, lại thiếu lịch sự của chúng, nên vẫn gọi chúng là bọn “xã hội
đen” dù diễn ra giữa ban ngày. Nhưng đường đường một tư cách quan như
anh thì chẳng thể gọi là đen, mà có thể gọi là đỏ được chăng ? Vâng, bọn
“xã hội đỏ”. Đơn thuần là quán tính về màu sắc thì có thể nói vậy.
“Cảm ơn em !”
Nguồn tiền tươi đó chỉ là “5 tỉ đồng”, cái rất lẻ của khối tiền chẳn. Vì anh là một ông quan, một quan lớn.
Đất nước đã phủ đầy các loại ma quái.
Lấy cái chuyện nho nhỏ ra làm chứng :
15 tỉ đồng biến hóa thành 14 cái toilette (người bình dân gọi là hố xí) ở Thủ đô ngàn năm văn vật …
Chắc chắn có những tiếng “Cảm ơn em !” đâu đó.
Bổng dưng tôi muốn đi thăm Hà nội.
Cảm ơn anh Dương Chí Dũng cho tôi một đêm cảm xúc - không vô cảm.
Thân chào anh.
Người không quen.
Hạ Đình Nguyên
(Quê Choa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét