Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Dân làm thay việc quan tòa & Bùi Tín - Lệnh Đảng hay lòng Dân?

Bùi Tín - Lệnh Đảng hay lòng Dân?

11.11.2013
Quốc hội Việt Nam sắp bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp 2013.

Cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lẫn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều quảng cáo cho văn kiện này. Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) Ông Trọng tuyên bố rằng bản Dự thảo Hiến pháp mới đã được Trung ương xem xét kỹ và hoàn thiện để đưa ra Quốc hội thông qua, sau khi công dân toàn quốc đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị. Ngày 21/10, khi tuyên bố khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ý tin tưởng rằng bản Dự thảo Hiến pháp cũng như Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua thuận lợi, «đánh dấu một bước hoàn thiện quan trang của thể chế chính trị của Nhà nước ta».

Ban biên tập bản Dự thảo Hiến pháp cũng đã thảo ra bản giải trình dày 150 trang quảng cáo cho công trình của mình, nêu rõ một số vấn đề được trao đổi, tranh luận, như về danh xưng của nước Việt Nam (vẫn giữ danh hiện nay), Điều 4 vẫn được giữ với cách thể hiện khác trước ra sao, kinh tế vẫn theo định hưóng xã hội chủ nghĩa với sở hữu nhà nước là chủ đạo, tài nguyên quốc gia trong đó có ruộng đất vẫn đều thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý…Bản giải trình huênh hoang rằng đã tiếp nhận được 26.090.828 ý kiến của cử tri, đã cân nhắc lựa chọn đưa vào dự thảo những ý kiến có giá trị nhất. Vẫn là kiểu quảng cáo kiểu đại ngôn!

Để làm yên lòng các ông bà nghị còn phân vân, theo báo Tuổi Trẻ ngày 24/10,trong cuộc gặp cử tri thủ đô, rồi sau đó trong cuộc họp ở tổ đại biểu Quốc hội sáng 23/10, ông Nguyễn Phú Trọng còn lên giọng quảng cáo rằng «Bản dự thảo đã tiếp cận đến chân lý, đã thể hiện khát vọng, hào khí của nhân dân».

Thế nhưng 14.785 công dân, phần đông là trí thức, sinh viên, đã ký kiến nghị không những bác bỏ dứt khoát những nội dung chủ yếu của bản dự thảo mà còn đưa ra một bản dự thảo khác để so sánh và đối chiếu, nhưng lãnh đạo đã cố tình làm ngơ, không mảy may đếm xỉa đến, cao ngạo phủ định toàn bộ, còn coi là tài liệu phản động, không được phổ biến công khai, chính thức.

Ngay trong ban biên tập bản dự thảo cũng có những tiếng nói không đồng tình với bản dự thảo. Theo Tuổi Trẻ số ra ngày 24/10/2013, Đại biểu Trần Du Lịch nói rõ với phóng viên báo này rằng «quả thật dự thảo đã thay đổi đến 140 điều trong Hiến pháp 1992, chỉ giữ nguyên có 7 điều, nhưng đó chỉ là hình thức, vì một số vấn đề quan trọng nhất cần thay đổi lại bị gác lại». Ông Lịch tỏ ra nghi ngờ con số hơn 20 triệu ý kiến của cử tri, cho đó là con số bịa đặt vụng về. Theo đài phát thanh Hà Nội ngày 25/10, Đại biểu Dương Trung Quốc tỏ ý còn bức xúc hơn, cho rằng: «Thay Hiến pháp là việc hệ trọng, vài chục năm mới có một lần, cần làm thật chu đáo, cứ nên lấy thêm ý kiến toàn dân đến cuối năm nay, không nên vội vã, nhiều vấn đề chính trị-kinh tế-ngoại giao cần trao đổi sâu sắc thêm. Lại một cơ hội hiếm có bị bỏ qua».

Vậy xin được hỏi các vị lãnh đạo đảng và nhà nước, bản Dự thảo Hiến pháp lần này «đã tiếp cận đến chân lý» ở chỗ nào?. Phải chăng là ở chỗ vẫn khẳng định học thuyết Mác-Lênin là cơ sở lý luận của nhân dân ta, cả khi toàn thế giới đã lên án, vứt bỏ nó, lại được ghi ở ngay nhưng dòng mở đầu của Hiến pháp mới. Phải chăng nó đã tiếp cận đến chân lý khi vẫn khẳng định con đường quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi cái chủ nghĩa bí hiểm ấy đến cuối thế kỷ này vẫn chưa thể thành hiện thực, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định.

«Bản dự thảo thể hiện khát vọng và hào khí của nhân dân» ở những chỗ nào? Phải chăng ở chỗ vẫn không cho nhân dân quyền phúc quyết Hiến pháp, vì bản dự thảo ghi rõ «trưng cầu dân ý phải do Quốc hội quyết định», nghĩa là ban phát, theo đúng hướng suy nghĩ Hiến pháp là văn kiện quan trọng đứng sau cương lĩnh của đảng CS? Cho đến nay đảng CS vẫn khinh miệt nhân dân, cho rằng nhân dân không đủ trình độ để có quyền phúc quyết. Như vậy là thể hiện hào khí của nhân dân ư?

Đối với nông dân chiếm gần 70% số dân ta, đảng CS vẫn khẳng định ruộng đồng đất đai là thuộc quyền sở hữu của toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý và có quyền thu hồi, điều này chỉ khơi dậy thêm khát vọng và hào khí của nông dân đang công khai đứng dậy đòi lại quyền sở hữu tư nhân chính đáng bên cạnh sở hữu công và sở hữu tập thể. Nông dân Hà Đông, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng… đã tỏ rõ khát vọng và hào khí ấy, các vị đại biểu của dân có nhìn thấy và nghe rõ hay không?

Thật tội nghiệp cho gần 500 ông, bà nghị đang bị kẹt cứng giữa kỷ luật nghiêm của đảng và quyền tự do cùng trách nhiệm là đại biểu của nhân dân, bị xâu xé trong nội tâm bởi cảm giác theo đảng là trái ý nhân dân, mà theo đúng nguyện vọng của nhân dân thì ắt phải chống đảng, chống lại bản dự thảo rõ ràng là lạc hậu, là giáo điều, là xa rời thực tế, xa rời chân lý và thời đại này.

Những ngày tới, trước khi bấm vào máy bỏ phiếu tán thành hay bác bỏ bản dự thảo đã bị cả một tập thể trí thức có chất lượng cao nhất bác bỏ với đầy đủ lý lẽ, mổi đại biểu hãy suy tính cho thật kỹ, đứng về phía những người lãnh đạo đuối lý, nói lấy được, tham quyền tham nhũng quay lưng lại với dân, hay là chọn con đường của lương tâm và trí tuệ, con đường sáng đẹp để làm lại từ đầu, bắt tay thảo ra một Hiến pháp thật sự mới, mang bản chất nhân văn, dân tộc và thời đại.

Đây là một thử thách nghiêm cách trong cuộc đời mỗi con người. Toàn dân, đông đảo cử tri, đặc biệt là cử tri từng bỏ phiếu bầu cho các vị, đang chăm chú quan sát từng vị trong cuộc bỏ phiếu này.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Dân làm thay việc quan tòa


Bên ngoài TAND Hà Nội trước một phiên xử. Ảnh minh họa. (AFP photo)

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-11-11

Khoảng 10 năm về trước, cơ quan công an, Viện Kiểm sát Nhân dân rồi giới "cầm cân nẩy mực" Bắc Giang - nói theo lời tác giả Khánh Sơn của bài "Án tù oan trái và 'tòa vô cảm' " - đã "thở phào nhẹ nhõm" bởi hồ sơ vụ án cuối cùng đã khép lại sau khi các cơ quan công quyền cho là có "đầy đủ bằng chứng không thể chối cãi" để kết án tù chung thân về tội "sát nhân" đối với người nông dân chất phác Nguyễn Thanh Chấn quê xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; và người tù oan khuất này thậm chí có thể "dựa cột" – tức bị hành quyết - nếu cha của ông không là liệt sĩ.

Nhưng, sau 10 năm đằng đẵng ngồi tù, nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn được "tạm thời giải oan" khi hôm mùng 6 tháng 11 này, Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định hủy bản án phúc thẩm tù chung thân dành cho ông Chấn như vừa nói sau khi hung thủ Lý Nguyễn Chung ra nhận tội.

Dân tự giải oan

Blogger Võ Văn Tạo thắc mắc rằng "nếu Chung không nhận tội, ông Chấn vẫn ở tù. Vậy thì nghĩa vụ làm sáng tỏ vụ án, trừng phạt tội ác, bảo vệ công lý của cơ quan điều tra, VKS và tòa án để ở đâu ?".

Qua bài "Chênh vênh pháp lý từ vụ 'người tù chung thân'", blogger Thanh Nhã nêu lên câu hỏi rằng các cơ quan tố tụng liên hệ đã làm gì trong suốt 10 năm đọa đày số phận của một con người trong khi, trớ trêu thay, "người chứng minh nỗi nghiệt oan này không phải đến từ cơ quan chức trách như tòa án, viện kiểm sát hay công an mà chính là tự gia đình của ông Chấn. Nỗi oan ức thấu trời xanh, một lần nữa do chính tay người dân giải oan bằng cái thứ nghiệp vụ rất nông dân: gửi đơn, khiếu nại, tự điều tra…".

Việc "người dân giải oan" đó khiến blogger Đào Tuấn liên tưởng tới "tiếng trống Đăng Văn". Qua bài "Khi những người phụ nữ nổi trống kêu oan trước Tam Tòa", tác giả Đào Tuấn nhắc lại chuyện một phụ nữ thôn dã miệt Vĩnh Long là bà Nguyễn Thị Tôn, hồi năm 1840, đã trải qua cả tháng trời vượt biển bằng ghe bầu đến Kinh Thành Huế phủ đầu trước Tam Tòa trong Đại nội Hoàng Thành, gióng lên 3 hồi trống Đăng Văn kêu oan cho chồng. Nhà văn Đào Tuấn kể tiếp, sau tiếng trống Đăng Văn ấy, Vua Minh Mạng đích thân duyệt lãm vụ án và ra tuyên cáo tha tội tử hình cho chồng phụ nữ kêu oan Nguyễn Thị Tôn, đó là thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Rồi tác giả nêu lên câu hỏi rằng "Phải chăng những hồi ‘kích cổ Đăng Văn’ vẫn đang hãi hùng vang lên đến tận bây giờ khi những người vợ nhẫn nại, với hy vọng và tuyệt vọng, suốt 10 năm qua ròng rã kêu oan cho chồng?!". Nhà văn Đào Tuấn lưu ý:
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào bị cáo chứng minh được mình bị ép cung, bị nhục hình khi chỉ mỗi mình bị cáo đối mặt với điều tra viên ?
- Tác giả Thanh Nhã
"Thúc trống Đăng Văn” suốt 10 năm trong sự mù lòa của nữ thần công lý, người vợ của bị án chung thân Nguyễn Thanh Chấn đã phải “tự xử” bằng cách mua máy ghi âm. Ghi lén lại toàn bộ lời tố cáo hung thủ từ chính người nhà của y. Và sau đó, đã đem những bằng chứng đó nộp cho chính những người đã luận tội oan chồng mình. Và thật chua chát, công lý bấy giờ mới chợt tỉnh giấc. Thậm chí còn chưa kịp nhận ra rằng việc để người dân phải tự giải oan, còn có thể nói gì hơn, đang là một biểu hiện cho sự bất lực của công lý. Công lý đã ở đâu khi “tiếng trống kêu oan” vẫn không ngừng được những Nguyễn Thị Tôn đương đại với thân tàn ma dại gõ suốt 10 năm qua? 

Từ vô tội thành có tội 

Hóa ra, theo nhà văn Đào Tuấn, công lý trong vụ án Bắc Giang bị giam cầm sau 4 bức tường đá. Hóa ra công lý được thực thi bằng cách không cho người tù oan khuất ấy ngủ, bằng cách để “đại bàng thăm hỏi” khiến nạn nhân bị bầm dập, bằng cách “dạy thực nghiệm hiện trường” để gán ghép hành động phạm tội cho người vô tội. Như vậy thì làm sao người dân có thể tin vào một thứ "công lý chỉ tạo ra oan khiên", thứ "công lý như những lưỡi kiếm cắt phựt sợi dây niềm tin cuối cùng". Với kiểu "công lý hà hiếp" đó, nhà văn Đào Tuấn lưu ý tiếp, không chừng sẽ đến một lúc người dân sẽ tự xử để tìm công lý bằng chính cái cách người ta đã "thực thi công lý” đối với mình.

000_Hkg7852839-250.jpg
An ninh canh gác bên ngoài khu vực TAND TPHCM trong một phiên xử. Ảnh minh họa. AFP photo

Qua vụ người tù oan chung thân Nguyễn Thanh Chấn, Tác giả Thanh Nhã báo động:

... rất nhiều vụ án mà mỗi lần ra tòa, bị cáo liên tục kêu oan trong khi tại cơ quan điều tra thì nhận tội. Ai cũng nói mình bị ép cung, bị điều tra viên dùng nhục hình, mớm cung với đủ thứ thủ thuật. Nhiều vụ án khác nhau, nhiều số phận pháp lý khác nhau, nhưng mỗi lần nghe bị cáo phân bua, tòa đều bác. Đáp án chung cho các trường hợp này là: không có cơ sở để xác định bị cáo bị ép cung, bị nhục hình. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào bị cáo chứng minh được mình bị ép cung, bị nhục hình khi chỉ mỗi mình bị cáo đối mặt với điều tra viên ?

Qua bài "Với cách làm án kiểu này, ai cũng có thể là 'ông Chấn dự bị' ", blogger Lê Đức Dục lưu ý rằng nếu không có tấm bằng Tổ quốc ghi công cha là liệt sĩ thì ông Nguyễn Thanh Chấn có thể đã "dựa cột" (như đã từng có hàng ngàn người "dựa cột" đầy oan khuất như vậy), và thế là "xong một kiếp người". Tác giả giả sử "xong kiếp người" của nạn nhân mang tên Nguyễn Thanh Chấn ấy, thì "kiếp đời" của thân nhân, từ vợ, con, cháu, chút chit của ông vẫn "chưa xong" vì họ vẫn phải mãi mang vác trĩu nặng cái "nỗi nhục ê chề là con cháu của một kẻ giết người", mà lại đi giết "một người đàn bà chân yếu tay mềm đang cắp nách con thơ" chỉ vì điều mà giới đàn áp người dân cô thế cùng phe thiếu đạo đức nghề nghiệp gọi là "nhục dục và cướp của". Tác giả Lê Đức Dục nêu lên câu hỏi rằng làm sao trả lại 10 năm cuộc đời tù tội của nạn nhân ? Bao nhiêu tiền đền bù cho ông mới đủ? Blogger Lê Đức Dục nhấn mạnh:

Thật ra 10 năm tù đó chỉ là sự thiệt thòi rất nhỏ so với cuộc đời của những đứa con ông đã tan nát từ ngày người cha nhận bản án, làm sao đong đếm nỗi đau đến từ hàng xóm, từ bạn bè, từ xã hội? Con không dám đến trường vì bị miệt thị là con của kẻ giết người, dang dở học hành, đóng kín tương lai, vợ hóa tâm thần, mẹ già suy sụp…Vì thế, khi án oan nay dù được cởi, nhưng đường tới tương lai của những đứa con ông thật khó để làm lại khi 10 năm qua, khoảng thời gian tạo dựng nền móng tương lai của một người trẻ bị chôn vùi trong oan khuất và tủi nhục, điều đó kinh khủng hơn cả 3.680 ngày ngồi tù oan của ông Chấn!

Tác giả lưu ý rằng từ thân phận nông dân vô tội này, sau khi qua các "cửa ải" công an, VKS, tòa án, thì bổng biến thành kẻ sát nhân tàn bạo. Theo cung cách điều tra, xét xử như vậy, thì bất cứ ai ở xã hội VN hiện nay, một ngày nào đó, cũng có thể “trở thành ông Chấn"! Hay nói cách khác, với cách "làm án" như vậy, mỗi người dân trong nước đều là "ông Chấn dự bị !

Ai cũng có thể là nạn nhân 

Blogger Cánh Cò cũng có nhận định tương tự, rằng "mười năm oan sai là cái cớ để người dân khắp nơi soi lại chính mình trong xã hội mà họ đã cảm thấy nhiễu nhương nhưng chưa thật sự xác định rằng một ngày nào đó chính họ sẽ là nạn nhân...". Và người tù oan khuất Nguyễn Thanh Chấn "nghiễm nhiên trở thành trường hợp điển hình về hành vi bất nhân của công an điều tra và sự toa rập của hệ thống tòa án" VN hiện giờ.

Blogger Cánh Cò nhắc lại rằng nạn nhân bị bắt, bị kết án giết người cướp của và cơ quan điều tra đã mang ông ra tòa mà không có vật chứng hay nhân chứng nào trong khi Hội đồng xét xử chỉ dựa vào cáo buộc của Viện kiểm sát để rồi phán quyết "bản án tử hình nhưng sau khi xét rằng cha của bị can là liệt sĩ nên đã ân xá thành chung thân". Và trong 10 năm lao lý oan khuất ấy, blogger Cánh Cò nhấn mạnh, người tù oan khiên này đã trải qua "những đêm dài khủng khiếp", bị tra tấn dã man bởi những kẻ máu lạnh mang thẻ đảng và ra sức "đạt chỉ tiêu", dù kinh nghiệm nghiệp vụ thừa sức cho những kẻ ấy biết rằng "ông Chấn không phải là phạm nhân". Như vậy là ông Chấn bị buộc phải "hợp tác", thậm chí bị bắt "thực hiện hành vi giết người theo kịch bản của công an", như ông kể lại với báo Dân Trí mà blogger Cánh Cò trích dẫn, rằng "ông đã phải thức suốt mấy đêm liền để tập diễn lại hành động giết người của mình. Dùng một người tù khác giả làm nạn nhân để tập bê, tập đâm bằng thìa, tập bao giờ cho thuần thục thì thôi. Sau đó, ông Chấn được di lý tới một ngôi nhà dân ở ngoài trại để quay phim thực nghiệm hiện trường trong một buổi sáng".
Thật ra 10 năm tù đó chỉ là sự thiệt thòi rất nhỏ so với cuộc đời của những đứa con ông đã tan nát từ ngày người cha nhận bản án, làm sao đong đếm nỗi đau đến từ hàng xóm, từ bạn bè, từ xã hội? - Blogger Lê Đức Dục
Như vậy là, theo Cánh Cò, sau khi bị bức cung, bị giam chung với đầu gấu, bị đánh đập, tra tấn, ông Chấn cuối cùng phải tham gia vở kịch do cán bộ điều tra đạo diễn; rồi ra tòa bị án tử hình được giảm xuống còn chung thân nhờ người cha liệt sĩ; rồi sau 10 năm bị tù đầy, ông vừa được tạm tha.

Một điều cũng gây băn khoăn đáng kể trong công luận là nạn nhân nhanh chóng "cảm ơn đảng và chính phủ đã cho tôi sống lại lần nữa" ngay khi bước chân ra khỏi cổng trại giam. Tức là, blogger Cánh Cò lưu ý, người tù oan khuất này lại đi cảm ơn chính "những kẻ đã tạo chứng cớ giả, ép cung, tra tấn, hành hạ và tạo ra kịch bản bắt ông học cho thuộc về việc ông giết người, điều mà ông hoàn toàn không làm".

Nhưng điều này không khó hiểu vì, blogger Cánh Cò nhận thấy, nạn nhân "chỉ là một sản phẩm tuyệt hảo của chế độ” sau khi bị cấy “lá bùa ơn đảng, ơn chính phủ” vào người; và điều này cũng thể hiện "sự sợ hãi tột đỉnh của nạn nhân đối với chế độ", thể hiện niềm tin của nạn nhân sau cảnh tù oan nghiệt tột cùng, rằng chỉ có đảng và nhà nước mới "hóa giải" được tình cảnh áp đặt đó cho nạn nhân.

Blogger Cánh Cò không khỏi lưu ý rằng niềm tin ấy "giống như thuở sơ khai con người tin vào mọi loại thần linh, kể cả quái vật hung ác, để tồn tại. Blogger Cánh Cò giải thích:

Nếu không là quái vật thì làm sao một nhân viên điều tra lại có thể ung dung tạo dựng một kịch bản giết người và bắt người khác đóng để sau đó kết tội sát nhân ? Nếu không phải là quái vật thì tại sao từ Chánh án, Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi dư sức biết bằng chứng là ngụy tạo vẫn kết án tử hình đối với một con người đang sống bình thường và chưa một lần phạm pháp ? Nếu không phải là quái vật thì tại sao trong 10 năm trời người vợ bất hạnh cùng khổ ấy chạy kêu cứu khắp nơi mà không một cơ quan nào đoái hoài tới dù chỉ là một lời kính chuyển?

Nếu không là quái vật thì tại sao bản án đã được thi hành gần mười năm, bị can đang nằm trong tù mà phóng viên báo chí vẫn viết bài khơi lại diễn tiến câu chuyện như đang xảy ra và kết luận rằng đã giết người lại còn kêu oan! Nếu không là quái vật thì tại sao tới hôm nay những tay giết người hay liên can đến vụ án ấy vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật và vẫn lên tiếng như những nhà đạo đức? Bộ trưởng Tư pháp không cảm thấy có liên đới. Bộ trưởng công an lại càng không. Viện trưởng viện kiểm sát tối cao vô can, Thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao cũng vẫn còn rất xa với đường ranh trách nhiệm.

Và blogger Cánh Cò nhấn mạnh, "những quái vật ấy nếu không được ông Nguyễn Thanh Chấn quỳ lạy như lạy thần linh với câu bùa chú 'Ơn đảng, ơn chính phủ' thì mới là chuyện lạ.

PGS TS Hoàng Ngọc Giao: "Thay đổi chính sách để hạn chế oan sai"

Đó là nhận định của PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển. Theo ông Giao, để giảm oan không thể chỉ có chính sách đơn lẻ mà phải thay đổi chính sách, nhất là phải có cảnh sát tư pháp độc lập.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Nguyễn Khánh

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nói: “Qua vụ việc điển hình của ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng ta có cơ hội nhìn lại để thay đổi. Và nếu chúng ta dám làm, tôi tin chắc những vụ bức cung, án oan không hết nhưng sẽ được giảm thiểu”.

“Anh có quyền im lặng...”

* Điều băn khoăn qua vụ án không chỉ là quá trình thực thi công lý của VN, mà cả trách nhiệm của cơ quan chức năng nữa. Không hiểu sao họ có thể kết tội một người dễ như thế?

- Dư luận đang chủ yếu nhằm vào tòa án, nhưng trách nhiệm nặng hơn phải ở viện kiểm sát chứ. Nhiều trường hợp luật sư rất khó tiếp cận thân chủ để bảo vệ, vì có quan điểm cho rằng ở VN ngoài cơ quan điều tra đã có viện kiểm sát giữ vai trò giám sát, đảm bảo tuân thủ pháp luật rồi. Viện kiểm sát với trách nhiệm của mình lại để cơ quan điều tra mớm cung, ép cung, tạo dựng hồ sơ, để tòa xử sai... thì vai trò của họ rất lớn, hơn cả tòa án.

* Luật sư được tham gia hỏi cung sẽ tránh được ép cung. Thực tế việc này ở VN như thế nào, thưa ông?

- Tại các nước văn minh, để có công lý, luật nói rất rõ ràng điều đầu tiên điều tra viên phải nói với người dân khi tạm giữ họ là: “Anh có quyền im lặng. Mọi lời nói của anh có thể chống lại anh. Anh có quyền mời luật sư”. Nếu điều tra viên không chứng minh được đã nói câu này, mọi hoạt động tiếp theo của anh ta có thể được coi vô hiệu. Việt Nam cũng quy định ngay khi tạm giữ hình sự, trong 24 giờ cơ quan điều tra phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Nhưng trên thực tế luật sư VN rất khó được tham gia. Vì người bị tạm giữ đã ở trong trại rồi, nếu không có thân nhân thì phải có chữ ký của bị can, luật sư mới được bào chữa. Nhưng có trường hợp luật sư đến, cán bộ điều tra ra bảo “bị can nói không cần luật sư nữa”. Thậm chí ngay cả khi có giấy chứng nhận bào chữa rồi, luật sư đến gặp bị can thì trại giam trả lời cán bộ điều tra đi vắng, bận họp... Ngoài ra, giấy chứng nhận bào chữa không có giá trị bắt buộc, nên nhiều khi muốn được vào gặp bị can còn tùy thuộc mối quan hệ, “hiểu nhau” thì tạo điều kiện, còn không thích thì thôi. Rồi còn rất nhiều lý do như quá trình điều tra, phải giữ bí mật, tránh thông cung... Rất tùy tiện nên mới sinh ra nhiều chuyện như vậy.
Ghi âm, ghi hình
* Câu hỏi lớn nhất là làm gì để tránh những Nguyễn Thanh Chấn tiếp theo?

- Theo tôi, nghị quyết, luật có hết rồi. Chỉ cần Bộ Công an ban hành thông tư hay quy trình nghiệp vụ, có chế tài cụ thể, chỉ đạo thực hiện nghiêm sẽ giảm được rất nhiều khả năng ép cung, án oan. Ví dụ chuyện luật sư tham gia, luật nêu rồi, phải bắt buộc làm. Một điều nữa, các nước đều làm là trong phòng lấy lời khai bắt buộc phải có camera giám sát để ghi hình, ghi cả tiếng. Bản ghi hình đó phải được coi là một hồ sơ trong vụ án. Nếu đưa đương sự ra chỗ khác “tra”, lời khai không được ghi nhận trong băng sẽ bị coi vô hiệu. Điều này có thể làm ngay, nó cũng có lợi cho cả cơ quan điều tra. Bởi nhiều trường hợp ra tòa bị cáo phản cung, nói tôi không khai thế, bị ép cung. Có băng ghi thì sẽ không cãi được, đỡ khó cho tòa, mất uy tín cơ quan điều tra.

* Nhưng như thế chưa đủ, bởi điều tra viên có rất nhiều cách khác?

- Theo tôi, VN nên học theo kinh nghiệm các nước phát triển là tách cán bộ quản lý trại giam khỏi ngành công an, đưa sang ngành tư pháp, bởi ngành này quản lý việc thi hành án. Điều này rất quan trọng. Trước đây, Bộ Tư pháp đã nhận ra vấn đề, đề nghị vào luật nhưng chưa được chấp nhận. Nay đã đến lúc chúng ta nghiêm túc xem lại. Các nước đa số làm thế rồi. Cần thể hiện quyết tâm cải cách tư pháp.

* Quan trọng nhất là hiện nay cơ chế bắt người, cơ quan điều tra quyền lực to quá?

- Ở các nước, muốn khởi tố bắt tạm giam người, cơ quan điều tra phải có căn cứ chứng minh phạm tội, có điều kiện cụ thể. Như Mỹ, cơ quan điều tra biết mười mươi có ma túy ở tòa nhà kia nhưng họ phải theo dõi ngày đêm, chụp ảnh, quay phim để có bằng chứng, trình tòa rồi mới có thể được lệnh khám. VN thì ngược lại, chỉ cần có cái gọi là dấu hiệu phạm tội theo đánh giá của cơ quan điều tra, hay có lời khai là đã có thể khởi tố bắt người. Lời nhận tội có thể là do hứa hẹn, kiểu “cứ khai đi, không sao đâu”, người dân không biết nên ký, thế là bắt luôn. Đó không phải điều tra bằng nghiệp vụ mà bằng quyền lực, rồi từ đó “đào” tiếp. Mà nhiều khi “đào” tiếp sự việc không như anh nghĩ, thả ra thì ảnh hưởng đến thành tích, uy tín cả cơ quan và bản thân, thế là anh dựng hồ sơ, ép cung...

Bên cạnh án oan, số người chết tại cơ quan công an thời gian gần đây do tự tử hay... bị bệnh, chỉ theo thông tin trên báo chí thôi, đã đáng báo động trong hệ thống tư pháp. Nếu không quyết liệt đưa ra biện pháp cần thiết, tác động xã hội sẽ khôn lường đối với cả hệ thống chính trị.

CẦM VĂN KÌNH

(Tuổi trẻ)
Điều tra viên phủ nhận ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn
Ngày 10-11, đại tá Phạm Văn Minh, giám đốc Công an Bắc Giang, cho biết các điều tra viên thuộc tổ điều tra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn thời điểm năm 2003 đã có báo cáo giải trình. Theo đó, họ khẳng định không đánh đập, không ép cung hay hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Chấn khai như cáo buộc của ông Chấn tại đơn tố cáo.
Sáng 10-11, lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Giang đã nghe ban giám đốc Công an tỉnh báo cáo về các vấn đề liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Báo cáo tại buổi làm việc này, đại tá Phạm Văn Minh trình bày các điều tra viên phủ nhận việc ép cung, bức cung và hướng dẫn khai đối với ông Chấn. Do đó, việc xem xét trách nhiệm của các điều tra viên này phải chờ cấp trên.
Theo đại tá Nguyễn Văn Chức - chánh văn phòng Công an Bắc Giang, có bức cung, mớm cung hay không thì chưa rõ, nhưng thẩm quyền của việc điều tra kết luận này thuộc về Viện KSND tối cao. Ông Chức cũng cho biết các cán bộ trong tổ điều tra vụ án gồm Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Hữu Tân. Ông Tân đã mất nên chỉ có bảy người phải báo cáo tường trình. Những người này đều đang là lãnh đạo, chỉ huy cấp huyện và cấp phòng. Hiện nay, Công an Bắc Giang chưa có xử lý gì về mặt chức vụ hay công tác vì phải chờ ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công an.
Thời điểm năm 2003, khi xảy ra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Phạm Văn Minh là thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm đối với ông Minh chưa được đặt ra.
MINH QUANG

Hạ Đình Nguyên - Nhân vụ án Nguyễn Thanh Chấn, nghĩ đến Quốc hội & cuộc ép cung dân tộc


Sau 10 năm ngồi tù với cái “án giết người”, ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do, vì kẻ giết người thật sự – Lý Nguyễn Chung – tự ra đầu thú, mọi sự đã phơi bày ra ánh sáng.

Án oan sai của nền tư pháp thì quốc gia nào cũng có, nhưng đặc điểm ở đây là sự ép cung quá điển hình mà lại đồng bộ.

Ngày 15/8/2003 định mệnh ấy, khi người nông dân tên Chấn đi lấy nước, đúng lúc có người phát hiện xác phụ nữ tên H ở cùng thôn, bị giết hại. Thế là ông trở thành kẻ giết người sau những màn ép cung, trên cơ sở vết dấu chân gần giống nhau.

Vì ngu dốt và đúng hơn, vì bệnh thành tích của điều tra viên đãchuyển hóa thành lập trường kiên định, họ dùng bạo lực để ép cung, bất kể sự phân trần phải quấy, buộc ông Chấn phải nhận tội, phải nói theo, làm theo chỉ dẫn và còn tập cho ông thuần thục những động tác để tái diễn hiện trường y như thật! (Có lẽ giống người Bắc Triều Tiên khóc thương lãnh tụ).

Hai phiên tòa sơ thẩm, rồi phúc thẩm vẫn thản nhiên kết luận y án “giết người”. Vì ngu dốt, vì thành tích của hệ thống tòa lại đã chuyển hóa thành lập trường kiên định?

Vợ ông 10 năm kêu oan cho chồng. Nhưng những lá đơn khiếu nại của người đàn bà khốn khổ vẫn bị gạt bỏ, không đếm xỉa tới. Tất cả họ đều kiên định lập trường!

Cái ngu dốt, cái thành tích để tiến lên cõi quan trường bây giờ đã nâng lên một tầng cao và trở thành niềm tin. Và niềm tin đó được cùng nhau củng cố trong một hệ thống. Sự lừa dối đã mặc bộ y phục công lý hoàn chỉnh, sự bất lương thì ẩn dưới niềm tin.

Bất ngờ 10 năm sau, cái luận lý biện chứng hùng hồn như đinh đóng cột vang lên ở các chốn công đường, bây giờ bỗng đổ vỡ ra từng mảnh. Có lấp liếm sửa thế nào thì mọi chuyện cũng đã bay qua, ông Chấn đã 10 năm cơ thể hao mòn, sinh lực cạn kiệt, gia đình điên đảo. Cái tụt hậu toàn diện ấy của gia đình ông không thể gỡ nổi.

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đòi hỏi phải tiến hành thủ tục để minh oan! Không, vì chưa đủ. Đúng ra phải là lời thú tội chân thành làm gương cho kẻ khác! Và lời thú tội phải diễn ra trên diện rộng, toàn ngành tư pháp. Vì hệ thống ấy đã tạo nên những con người không đủ lương thiện và không đủ chuyên môn. Cái cốt cách thiển cận không mang nổi sự lếu láo của “hồng và chuyên”.

Thử lắng nghe tiếng quanh co phát ra từ bản chất, dù sau mọi đổ vỡ:

Giờ bị cáo oan sai thì trách nhiệmlà do Quốc hộichứ biết sao được?”. Và: “Chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì. Giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.

Ai có thể lay chuyển để khơi dậy lương tri của những con người như thế? Và để làm gì chứ? Họ nói họ đã quên rồi, họ đã chuyển “công tác” khác… Thật đơn giản! Sở Khanh dù lẩn trốn hay ngồi tù, Tú Bà vẫn y án đòn roi.

Cái oan của Nguyễn Thanh Chấn, cũng đơn giản như cái sai của Dương Chí Dũng, vốn là điển hình trong muôn một của ngành Tư pháp và ngành Hành pháp, vì có cùng một nguồn gốc, và hậu quả như nhau. Vì ông Chấn có ra tù, ông Dũng có vào tù, thì đau khổ ông kia cũng đã nhận, tiền ngàn tỉ của quốc gia cũng đã mất.

Và ngành Lập pháp – các ông bà nghị hôm nay đang hùng hổ trong Quốc hội – tiếp tục kiên định lập trường thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp – một bản án có tính thời đại trên hồ sơ ép cung dân tộc – đã được sắp đặt và dàn dựng, mặc cho đơn khiếu nại, phản đối và tiếng gào thét kêu oan của dân chúng diễn ra khắp nơi. (*)

Mai kia, đất nước có tụt tận đáy loạn ly, thì họ – những kẻ bạo hành ép cung dân tộc – vẫn ngồi trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà to của mình, mắt mờ chân run, chẳng đáng để làm gì (như đã và đang thấy)!

Và họ chẳng cần quan tâm hậu thế phê phán ra sao, mụ mẫm ngồi trơ ra đấy, dù lịch sử có ghi lại vết nhơ.

Họ vẫn sắp nhấn nút “y án”!

Một bản án định mệnh của dân tộc!

 
Hạ Đình Nguyên
9–11–2013

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
-------------------------------
(*) Trích vài dòng “đơn khiếu nại” và cảnh báo tiêu biểu:

Kiến nghị 72: “Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền.”

Nguyễn Sĩ Dũng (trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, ngày 04/11): “Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác. Tôi có cảm giác là hàng chục triệu người dân đã hội nhập với thế giới hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn so với nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.”

Jonathan London - Dũng cảm Chính trị

Nhiều đồng ý rằng Việt Nam đang phải đối mặt với một tình trạng hết sức lo ngại. Đất nước có đầy đủ các tiềm năng mà không thể lên được vì bộ máy bị hổng một cách nghiêm trọng. Những nguyên nhân đã được phân tích rõ rồi trong rất nhiều bài nghiên cứu. Những thể chế xã hội chính trị của đất nước (tức là những ‘luật chơi chính thức và phi chính thức’) đã thành một rằng buộc không cho phép đất nước cất cánh, không cho phép toàn dân đều được tham gia đời sống xã hội chính trị kinh tế của đất nước mình một cách tự do. Khẳng định như vậy chẳng có liên quan đến âm mưu của ai cả mà là tình trạng khách quan của đất nước.

Nói “dũng cảm” là một yếu tố xã hội gắn liền với người Việt Nam, là đúng. Nhưng ta nên suy ngẫm về ý nghĩa của từ này. Ở Việt Nam, khi ta nói về khái niệm “dũng cảm” thì người ta rất hay nghĩ về những chuyện lịch sử, trong khi ít đề cập những vấn đề trước mặt của chúng ta hiện nay.
Dũng cảm có nhiều loại. Không cần là nhà tâm lý học hay nhà văn học đề khẳng định: dũng cảm không có nghĩa là không sợ mà là có thể khắc phục sự sợ để làm một cái gì đó cần thiết trong một bối cảnh nhất định, bất chấp những đe dọa và trở ngại trước mặt. Như vậy dũng cảm là một cái chúng ta gặp thường xuyên, không chỉ liên quan đến chiến tranh hay một tai họa. Chẳng hạn, người nào cũng phải sống trong vòng những thể chế, những bối cảnh tổ chức, những tình trạng vật chất nhất định. Có khi chúng ta phải có đủ dũng cảm để đối phó với những hạn chế thường trực này.
Tôi có một người bạn hai mười mấy tuổi có con 9 tuổi, chồng mất do tai nạn giao thông khi cháu mới 4 tuổi. Trình độ học không cao. Chưa được đào tạo. Không có việc làm ổn định. Vẫn phải phục vụ nhà chồng. Mẹ ruột nghiện cờ bạc. Mất tiền của cả nhà mấy lần. Bố cựu chiến binh, bán hàng trên vỉa hè. Người tốt lành nhưng sức kinh tế không có. Cách đây mấy tháng bạn nữ này mới biết bị ung tư đoạn 3. Không có tiền để điều trị. Vẫn phải lo tiền con ăn học, nuôi con dù không thể chia sẻ với con thông tin về căn bệnh của mình. Cá nhân này có bao nhiêu rằng buộc thể chế mà vẫn cố gắng. Đó được gọi là dũng cảm, cho dù là một câu chuyện rất đỗi bình thường ở Việt Nam. Có thể gọi đó là dũng cảm hàng ngày và chắc chắn Việt Nam không thiếu cái đó!
Hãy nói về chính trị. Và tôi xin bắt đầu qua việc đề cập một tác phẩm quan trọng được viết cách đây hơn 40 năm, đó là cuốn sách ‘Thoát ra, trung thành, và tiếng nói” (‘Exit, Loyalty, and Voice’) do Albert Hirschman viết vào năm 1970. Theo Hirschman (người đã từng được giải thưởng Nobel về kinh tế học, ở bất cứ bổi cảnh tổ chức nào (và ở đây ‘tổ chức’ có nghĩa là xã hội), ta luôn luôn có ba phương án cơ bản đối với cách ứng xử của mình. Một là thoát ra, thức là tránh việc. Hai là trung thành, thức là im lặng và theo lệnh dù đồng ý hay không đồng ý với ‘cấp trên’. Và ba, con đường khó nhất, có nguy cơ nhất, và yêu cầu dũng cảm nhất, là lên tiếng.
Là một người Mỹ, đã từng lớn lên và được sống trong một xã hội mà thực sự có tự do về ngôn luận (dù có nhiều vấn đề khác) tôi không dám khuyên bảo cho ai sống ở Việt Nam hay các nước khác (mà có chế độ đọc đoán) rằng là: khi nào thì nên thoát khỏi, khi nào thì nên im lặng và trung thành, và khi nào thì nên lên tiếng. Nhưng, là người quan sát xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thấy vấn đề mà Hirschman đã làm sáng tỏ rất liên quan đến chính trị của Việt Nam hiện nay.
Ngay trong ĐCSVN có rất nhiều người đang đối phó với cụm phương án này. Từ nhóm 72 đến Lê Hiếu Đằng , từ Dương Trung Quốc đến Lê Trấn Gia vừa qua. Tôi chẳng có ý gây chia rẽ mà chỉ quan sát tình hình mà thôi. Và ngoài bộ máy cũng thế thôi. Nhiều người Việt, từ mọi phía, mọi quan điểm, mọi hoàn cảnh xã hiộ (mà có quan tâm đến chính trị và tình trạng của đất nước) đều đang đối phó với ba phương án này. Vâng, cũng có nhiều người vẫn chưa có tư duy đọc lập. Đó là chuyện bình thường ở các nước mà từ lâu đã có những trở ngại. Như Miến Điện, chẳng hạn, vào ngày 23 tháng 10 trong một bài phát biều Bà Aung San Suu Kyi đã chia sẻ:
Dân của chúng tôi đang mới bắt đầu biết tự do tư duy có thể tồn tại. Nhưng chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn quyền của họ để suy nghĩ một cách tự do và sống theo lương tri của họ được bảo toàn. Quyền này chưa được đảm bảo 100 phần trăm. Chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa trước khi luật cơ bản của lãnh thổ, là Hiến pháp, sẽ bảo đảm quyền để sống theo lương tri của chúng tôi.

Có lẽ, ở Việt Nam cũng vậy.
Jonathan London
(Xin lỗi ông)

Đào Tuấn - 3 vị Bộ trưởng và những câu hỏi không thể trả lời

“Một giường ghép nhiều bệnh nhân, chỉ chừa một lối đi rất nhỏ nhưng vẫn không đủ chỗ nên nhiều bệnh nhân phải kê giường ra ngoài hành lang để nằm”- đây là thực tế ở Bệnh viện Ung bướu mà ĐBQH Đồng Hữu Mạo đã nhắc tới trước nghị trường.
“Có phải đất nước chúng ta quá nghèo nên không có tiền để xây bệnh viện đủ chỗ cho bệnh nhân?”, ông Mạo nêu câu hỏi. Và sau đó trả lời bằng một câu hỏi khác “Ai cũng thấy các cơ quan công sở nhà nước được xây dựng khang trang. Nhiều công sở sang hơn cả khách sạn hạng sang”.
Nghe ông Mạo, lại nhớ đến hai chữ nguy nga “lộng lẫy như cung điện” mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc vừa tháng trước đã dùng khi phàn nàn về những cái công sở.

Tại sao ngân sách khó khăn đến mức đầu tư cho bệnh viện cũng phải cắt giảm mà công sở “nguy nga như cung điện”.
Câu hỏi này, thưa Chủ tịch Phước, thưa ĐBQH Mạo, người dân có muốn cũng không thể trả lời, dù thực tế, họ là người đóng thuế, gom góp mồ hôi nước mắt để xây nên những cái “cung điện” đó.
Nhắc đến thuế, lại bật cười trước khi hay tin một quan chức ngành thuế tuyên bố “đang thực hiện ký cam kết “không tham nhũng” trong toàn cán bộ, viên chức”.
Thế là sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong một phiên họp Chính phủ thẳng thắng nói về tình trạng “cưa đôi thuế”, một trong những nguyên nhân khiến ngân sách thất thu trầm trọng. Ngành thuế ngay lập tức trả lời bằng một thái độ “bức xúc” với một câu trả lời tỉnh queo, rằng “làm gì có chuyện đó”, rằng chúng tôi đã có “thư ngỏ” trực tiếp gửi cho các DN. Và bây giờ, na ná như một lời thề không tham nhũng.
Ngành thuế có thể coi đó là một câu trả lời. Nhưng đối với nhân dân, những người đóng thuế để nuôi sống cán bộ thuế, quyết tâm chính trị và những lời cam kết sao mà giống chuyện chém gió vỉa hè. Chém xong, gió thổi, và mọi sự lại hòa cả làng. Rất đơn giản là người ta không thể chống tham nhũng chỉ bằng việc kêu gọi đối tượng tiềm năng phải hứa, phải thề.
Nhưng câu hỏi lớn nhất, khó nhất mà dân chúng phải nghe, và phải tự trả lời, là tự sự cực kỳ thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh.
“Tài nguyên lớn nhất của Việt Nam là con người. Nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi là Bộ trưởng, muốn nhận một cháu học tiến sĩ giỏi đang làm bên ngoài 50 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ về Bộ, cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác. Nhưng tôi không nhận được vì không trả lương như vậy được, và nếu tôi cho nghỉ việc mấy người kém để tuyển cậu ấy vào thì tôi sẽ bị kiện ngay”.
Ông Vinh, một trong những Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất, đã thẳng thắn ngay cả trong cách thừa nhận sự bất lực. Một sự thẳng thắn hiếm hoi nhưng cần thiết.
Người dân đã được nghe nói về tình trạng 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Ngay sau đó, họ được Bộ trưởng Nội vụ khẳng định “Chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ”. Và bây giờ thì đến câu chuyện những người kém cũng không thể “đuổi” được, không phải vì sợ bị kiện, mà vì cơ chế cán bộ khiến cho một vị Bộ trưởng cũng có thể bị kiện nếu đuổi một người kém.
Những người người kém, trong tình trạng “sinh đẻ vô kế hoạch” khi, nói như ĐBQH Trần Du Lịch: “Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi”, hay như ĐBQH Danh Út: Không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như quyết định 36 của Chính phủ, có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng.
Chính cái bộ máy cồng kềnh, với những không ít nhân tố “kém” và “dốt”- chữ dùng của Bộ trưởng Vinh, đã sinh ra tình trạng kém hiệu quả, lãng phí cán bộ, không kích thích lao động, và đó là cái “nhân” của quả “vung tay quá trán” trong chi tiêu.
“Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà cán bộ dốt, không thu hút được người tài thì làm sao có chính sách tốt được”- Bộ trưởng Vinh nói và dường như ông đã phần nào trả lời những câu hỏi cho ngành thuế, cho xây dựng cơ bản, bằng cách đặt một câu hỏi lớn vào chính sách cán bộ.
Chỉ tiếc là đồng bào cử tri thì không thể trả lời giúp cho Bộ 
(Blog Đào Tuấn)

'Đại án tham nhũng': Đề nghị 2 án tử hình

Một số vụ án kinh tế lớn đã xảy ra ở Agribank

Hai bị cáo bị đề nghị án tử hình trong phiên xử vụ án tại công ty con thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đây là một trong 10 vụ được Viện KSND tối cao Việt Nam gọi là "đại án".

Trong vụ án đưa ra xét xử từ ngày 6/11, 11 bị cáo, thuộc Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), trực thuộc Agribank, bị cáo buộc gây thiệt hại 541 tỉ đồng, trong đó tham ô 80 tỉ.

Phát biểu sáng ngày 11/11, VKSND TP HCM đề nghị tuyên phạt mức án tử hình với ông Vũ Quốc Hảo, 58 tuổi, nguyên tổng giám đốc ALC II, vì tội tham ô, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Đặng Văn Hai, 56 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH và Xây dựng Quang Vinh, bị đề nghị án tử hình về tội tham ô tài sản, tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 18-20 năm tù về tội cố ý làm trái.

Cáo trạng nói từ năm 2008 đến 2009, ông Vũ Quốc Hảo cùng các đồng phạm móc nối với các doanh nghiệp bên ngoài ký 10 hợp đồng thuê, mua tài sản khống để giải ngân số tiền gần hơn 600 tỷ đồng làm thất thoát của nhà nước 530 tỷ đồng.

Dự kiến phiên tòa còn kéo dài đến ngày 20/11.

Trách nhiệm?

Agribank, một ngân hàng quốc doanh, là ngân hàng lớn nhất Việt Nam cả về vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ nhân viên, mạng lưới hoạt động và số lượng khách hàng.

Tại tòa, đại diện Viện KSND TP HCM nói: “Sai phạm xảy ra tại ALC II còn có trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam."

"Cơ quan điều tra xác định ông Đỗ Tất Ngọc (nguyên Chủ tịch HĐQT Agribank), Nguyễn Hữu Lương (Trưởng ban kiểm soát HĐQT Agribank) và ông Võ Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT Cty ALC II)," người này nói.

Trong một vụ án riêng rẽ, hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tiết lộ đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số 10 đại án được Viện KSND tối cao Việt Nam có các vụ khác cũng liên quan Agribank:
  • Vụ án kinh tế tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP HCM
  • Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank
  • Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank
(BBC)
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ”


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hiến pháp năm 1946 thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt”. 
 
Thủ tướng phát biểu tại lễ công bố Ngày Pháp luật lần đầu tiên của Việt Nam...

“Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại lễ công bố Ngày Pháp luật (9/11).

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua đã quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật. Hôm 8/11 vừa qua, lễ công bố Ngày Pháp luật lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ” và sự kiện Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 9/11/1946, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hiến pháp năm 1946 thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt”.

Nhấn mạnh Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là hình thức pháp lý cao nhất thể hiện tư tưởng, đường lối, cương lĩnh của Đảng, ý chí, nguyện vọng và những lợi ích cơ bản của nhân dân, vì vậy, theo Thủ tướng, “các tổ chức của Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi công dân, mọi cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, hệ thống pháp luật nước ta nhìn chung chưa thực sự đồng bộ. Chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu.

Và ông yêu cầu, cần lưu ý thực hiện một số nội dung sau.

Thứ nhất, Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp để phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân; không phô trương, hình thức.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân tích cực huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, thống nhất.

Thứ sáu, cung cấp đầy đủ, tiện ích các dịch vụ pháp lý phục vụ nhu cầu về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch và các dịch vụ pháp lý khác để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ bảy, phát huy dân chủ, vận động, thu hút nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; cố kết lòng tin, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh.
(VnEconomy)

Có hay không việc Trần Huỳnh Duy Thức bị tra tấn?


Sáng ngày 8/11, tôi cùng mấy đứa con, cháu lên đường đi Xuyên Mộc mà lòng đầy bất an sau khi nhận được tin Thức bị ép cung bằng roi điện. Trong tâm trạng lo lắng, tôi nghĩ đến những tình huống xấu nhất. Tôi cố trấn an mình bằng những suy nghĩ tích cực, nhưng sau đó nỗi lo vẫn quay trở lại vì tôi nhận ra trong điều kiện thiếu thốn, khan hiếm thông tin thì mọi khả năng đều có thể xảy đến.

Gia đình bắt đầu đi lúc 10h sáng để lên kịp vào buổi đầu giờ chiều. Thật may là lúc đến nơi, chỉ có gia đình tôi cùng một anh đứng tuổi cũng đi thăm người thân của mình. Như mấy lần trước, gian phòng thăm gặp được bố trí để chỉ có một mình chúng tôi, nên anh đứng tuổi nọ phải ngồi chờ bên ngoài dù phòng vẫn còn dư chỗ.  Một đứa cháu đi cùng thấy vậy, nó chợt nói: “Cậu Tám bị biệt giam, nên nhà mình cũng bị phân biệt.” Tôi nghe mà chạnh lòng và buồn – chạnh lòng vì không biết Thức còn bị biệt giam đến bao giờ, buồn vì tôi thấy thực tế vẫn đang diễn ra những phân biệt đối xử, hay thậm chí là đối xử hà khắc, thô bạo đến đau lòng với những người tù nhân lương tâm trong các trại giam, cho dù phát biểu từ phía Nhà nước luôn phủ nhận điều này.

Trong lúc chờ, tôi có hỏi cán bộ trại giam về thời gian được phép thăm thì được trả lời là không quá 60 phút, tuy nhiên tùy trường hợp nếu nội dung trao đổi không đúng nội quy thì họ sẽ cắt giữa chừng và kết thúc buổi thăm. Nội quy từ đâu, cụ thể như thế nào thì tôi không được cho biết rõ, chỉ biết mấy cuốn tạp chí kinh tế bằng tiếng Việt gia đình cầm theo để gửi vào cho Thức đọc đều bị từ chối mà không có lời giải thích. 10 phút chờ đợi cộng với nỗi lo lắng càng khiến tôi nóng lòng gặp Thức ngay. Cuối cùng Thức cũng bước vào. Thầm cảm tạ trời phật, tôi thấy gánh nặng trong lòng như vơi đi một nửa. Tôi ôm chặt đứa con của mình để cảm nhận nó vẫn nguyên vẹn và lành lặn trong vòng tay. Lúc đó tôi chỉ có mong muốn duy nhất là mang đứa con trai vô tội này ra ngay khỏi chốn lao tù bất kể mọi chuyện. Để con tôi không còn phải sống trong thiếu thốn mọi bề, không còn bị người ta đối xử hà khắc. Để con tôi được bình an.

Nhưng thực tế nghiệt ngã vẫn còn, và tôi phải đối diện với nó. Trong cái ôm, tôi cố gắng hỏi nhỏ: "Con có bị chích roi điện không?" Thức trả lời là không. Các chị và em trai Thức cũng nhận được câu trả lời tương tự. Nghe vậy cả nhà ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, một lúc sau khi đã ngồi xuống nói chuyện, tôi nhận ra người dẫn Thức ra hôm đó lại chính là trung tá Uông Ngọc Hồi, người mà theo nguồn tin gia đình được biết đã chích roi điện vào cổ Thức, trong khi những lần thăm trước tôi chưa từng thấy vị trung tá trên. Việc khác thường này khiến tôi cảm thấy bất an.

Mặc dù vậy, có một điều vui là tinh thần Thức vẫn ổn định. Thức nhắc về chuyện làm sáng tỏ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và kết quả này sẽ là tiền lệ án cho các trường hợp oan sai khác. Thức nói trước đây và hiện tại có rất nhiều án oan sai ở nhiều nơi, nhưng lại bị ém nhẹm. Việc ông Chấn được giải oan là trường hợp đầu tiên thấy, và đó là dấu hiệu rất tốt.

Chuyện ăn uống, sinh hoạt vẫn rất khó khăn. Thức than phiền chế độ hà khắc của trại giam vì liên tục bị xét phòng, cửa sổ buộc phải mở liên tục, buổi tối đi ngủ không được tắt đèn, thư viện chậm cho mượn sách... Thức dặn gia đình không nên gửi vào nhiều đồ ăn vì sau khi qua kiểm tra, xét duyệt, thức ăn phải bỏ đi rất nhiều do hư hỏng. Thức cũng hỏi thăm các thư đã gửi về cho mọi người trong nhà nhưng hầu hết đều nhận rất trễ (hơn một tháng, hoặc hiện chưa nhận được dù đã gửi rất lâu).

Buổi thăm kéo dài trong khoảng 50 phút thì kết thúc. Trước khi ra về, trại giam bất ngờ yêu cầu con dâu tôi ký xác nhận vào biên bản ghi lại nội dung buổi thăm gặp. Gia đình ai cũng ngạc nhiên, vì trước đây chưa hề có tiền lệ này. Trại giam, hay một cơ quan nào khác, sẽ xem xét nội dung cuộc nói chuyện của chúng tôi cho việc gì?

Chia tay Thức ra về, nhìn dáng Thức bước đi lầm lũi vào sâu bên trong trại mà không quay lại vẫy tay chào gia đình như mọi khi, tôi chợt thấy không yên trong lòng. Xâu chuỗi lại những sự việc khác lạ của buổi thăm gặp lần này, có cơ sở để nghi ngờ rằng đang có một sự việc bất thường diễn ra đối với Thức. Đằng sau sự việc này dường như có uẩn khúc mà hiện giờ tôi chưa khẳng định được. Thông tin gia đình nhận được hôm trước liệu có là đúng, và Thức đang chịu một áp lực nên không thể báo cho gia đình? 

Tôi chỉ mong câu trả lời của Thức là sự thật để tôi biết con mình được bình yên. Việc Thức bị biệt giam đã là sự trấn áp về mặt tinh thần rất lớn. Nay nếu Thức tiếp tục bị tra tấn về thể xác thì người cha già này không thể chịu đựng nổi.

Tôi không muốn nuôi trong lòng những mối nghi ngờ. Nhưng khi mà sự minh bạch trong thông tin là không có, trong khi có quá nhiều những việc không thể hiểu được đã xảy ra với con tôi, thật tôi không biết phải tin vào điều gì nữa.

Thay mặt gia đình, xin chân thành cám ơn sự nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ của mọi người với Thức và gia đình tôi. Có mọi người tôi cảm thấy không cô đơn và có thêm sức mạnh để tiếp tục con đường đòi tự do cho Thức.

Tháng 11/2013

Trần Văn Huỳnh
 
 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Ở Việt Nam sướng hơn ở Mỹ” 

(so sánh khập khiễng lắm bác ơi, bác mà có 2 ông con không nghề nghiệp, thu nhập phập phù, nay khoai mai sắn.... thì lúc đấy bác mới biết thề nào là "sướng" bác ạ)

(Soha.vn) - Nhiều lần đến Mỹ thăm con, nhà thơ Vũ Quần Phương nghiệm ra rằng: Ở Việt Nam có nhiều thứ “sướng” hơn so với đất nước siêu cường có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Vũ Quần Phương không chỉ được biết đến là nhà thơ, nhà phê bình văn học, nguyên đại biểu Quốc hội khóa IX, nguyên chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội mà ông còn là cha đẻ của hai công dân đáng tự hào của Việt Nam trên đất Mỹ. Đó là Giáo sư Vũ Hà Văn, người đã vinh dự được nhận Giải thưởng Polya - một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM), đang giảng dạy ở Trường ĐH Yale; và ông Vũ Thanh Điềm, đang là chuyên gia của hãng Google nổi tiếng.

Hiện các con trai đều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, nhà thơ và vợ vẫn sang Mỹ để thăm con cháu. Hàng năm, nhà toán học Vũ Hà Văn đều về nước vào dịp hè để giảng tại Viện toán cao cấp và các trường đại học ở Việt Nam, các cháu cũng tranh thủ hè về thăm ông bà.
Những dịp sang thăm con cháu như vậy, nhà thơ Vũ Quần Phương luôn cảm thấy “ở Việt Nam sướng hơn ở Mỹ”. Cùng nghe ông kể những câu chuyện cuộc sống thường ngày, giản dị nhưng cũng đầy ý vị, sâu sắc trong những ngày ông sống tại Mỹ.
Thói quen ăn uống và nhịp sống là điểm khác biệt đầu tiên mà nhà thơ cảm nhận được: “Ở Mỹ, có văn hóa fast food là đồ ăn nhanh; nhưng Việt Nam lại có "nhậu lai rai”. Bữa trưa, người Mỹ vừa cầm sandwich vừa nhai, vừa chạy đấy là cái “khổ”; còn ở ta “sướng” hơn, được tận hưởng trọn hương vị của bữa ăn mà không phải vội vàng”.
Người Mỹ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, bởi họ phải thường xuyên làm bù giờ để tăng năng suất. Nhịp sống công nghiệp khiến người Mỹ “khổ” ngay trong cách ăn uống. Ở Việt Nam tuy kém phát triển hơn Mỹ nhưng được làm tại các công ty Nhà nước, không chịu áp lực về tiến độ công việc, thời gian cho bữa trưa đủ để “nhậu lai rai”, tận hưởng cái “sướng” của con người.
  Người Mỹ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, bởi họ phải thường xuyên làm bù giờ để tăng năng suất
Người Mỹ "khổ" ngay trong cách ăn, phải tận dụng tối đa
thời gian để làm bù giờ tăng năng suất.
Câu chuyện của những gia đình người Việt tại Mỹ cũng rất phong phú. Nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ, bố mẹ và các con ăn khẩu phần riêng. Gia đình nào quan tâm thì mới giữ được bữa ăn truyền thống. Có những gia đình còn giữ được bàn thờ tổ tiên, còn lưu được không khí Việt Nam nhưng cũng có những nhà máy lạnh kín cửa cả ngày thắp hương không được.
Một cái “khổ” nữa khi sống ở Mỹ là: Bên Mỹ thuê người giúp việc rất khó và đắt. Nếu là người Việt Nam mỗi giờ dọn cho ban ngày giá đã 10USD, còn người Mỹ sẽ lấy tới 15-20USD.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng dí dỏm kể: “Vậy nên, anh Văn vẫn phải phụ trách nấu cơm, tới phiên mình là có sáng kiến hỏi các con xem có muốn ăn pizza không. Thế là nhanh nhất, mỗi đứa xé một miếng là xong bữa ăn. Các cháu nó thích, chứ tôi thấy khổ lắm. Tôi vẫn thích ăn bữa cơm truyền thống như ở ta hơn”.
Chính vì vậy, “người Mỹ sống cô đơn và họ giải quyết nhịp sống công nghiệp bằng cách vào rừng ở”- nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ điểm thú vị mà ít người biết tới.
Người Mỹ giải quyết nhịp sống công nghiệp bằng cách vào rừng ở. Thành phố lại là nơi của dân nghèo, của những người làm dịch vụ như quét đường, rửa đường, công việc phải bám lấy phố phường. Còn công chức sống trong rừng, cách thành phố 30- 40km, mỗi gia đình ở trong biệt thự rộng từ 4.000 tới 9.000 mét vuông đất giữa đỉnh đồi. Tại đó, không có các cửa hàng, quán cà phê, hiệu cắt tóc… nếu có nhu cầu người Mỹ phải đi bằng ô tô tới khu thương mại giống như khu Royal City ở Việt Nam. Cuộc sống tại thành phố khiến người Mỹ căng thẳng, về với thiên nhiên tuy cô đơn nhưng chống được những áp lực mà lối sống công nghiệp hối hả tạo ra.
Nhà thơ giãi bày: “Ở bên đó mà không biết lái xe, không giỏi ngoại ngữ thì cũng như người vừa què, vừa câm lại vừa điếc. Tôi không thích ứng được là vì tuổi tôi lớn rồi, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Người ta hỏi thì tôi cuống và lần sau lại không muốn nói chuyện nữa, dần dần mất bạn. Không sang thì nhớ con, nhớ cháu nhưng sang rồi, tôi thấy nhớ môi trường, cách sống ở nước mình”.
Trong con mắt của ông Vũ Quần Phương, người Việt Nam sinh sống ở Mỹ còn có nhiều bi kịch. Bởi lẽ, trong nhiều gia đình Việt, con cái lớn lên không tâm sự được với mẹ, đến tuổi tìm hiểu muốn thủ thỉ, nhỏ to chuyện chồng con lại không đủ vốn tiếng Việt để nói, ngược lại, mẹ lại không đủ vốn tiếng Anh để chuyện trò, đặc biệt là những vấn đề tế nhị và “khó giãi bày”. Điều đó tạo nên khoảng cách giữa 2 mẹ con khiến các bà mẹ Việt Nam đều rất buồn.
Do đó, mỗi lần sang thăm con bên Mỹ, nhà thơ Vũ Quần Phương luôn muốn các cháu của mình giữ được văn hóa Việt Nam. “Tôi dạy chúng bằng cách: ở nhà, tôi yêu cầu nói tiếng Việt, ghi nhật ký bằng tiếng Việt, vào buổi tối, phải đọc to truyện ngắn bằng tiếng Việt cho bố mẹ nghe".
Với Vũ Quần Phương, quê hương nguồn cội luôn luôn nơi ông luôn hướng về. Có lẽ chính vì vậy mà con trai Vũ Hà Văn của nhà thơ đã tự hào: “Tôi vẫn không có ý định từ bỏ tấm hộ chiếu phổ thông bìa xanh của Việt Nam”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét