Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Những câu hỏi về tướng Võ Nguyên Giáp & Có hay không đối lập ở Việt Nam? - Việt Nam có hai tân phó thủ tướng?

Sự Phát Triển và Đảng: Những Căng Thẳng Xã Hội (Chủ nghĩa) ở Việt Nam

Cuối tháng trước, bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị có cuộc gặp với người đồng nhiệm của Việt Nam, Phạm Bình Minh. Thông điệp của ông ta đưa ra là sự cải tiến toàn diện mối quan hệ giữa hai nước. Dĩ nhiên, điều này thật hợp lý đối với hai quốc gia xã hội chủ nghĩa còn sót lại trên thế giới khi có mối quan hệ khăng khít.

Tuy vậy hai quốc gia này lại có cùng chung nhiều thứ mà không chỉ là ý thức hệ.

Đó là cả hai đang chật vật để làm dịu những mối căng thẳng xã hội và kiềm chế ảnh hưởng của truyền thông xã hội, cũng như các cuộc chiến dài hơi khác như sự phát triển kinh tế ổn định, cải cách thị trường, tranh chấp đất đai, áp lực quốc tế đối với những vấn đề nhân quyền. Thực tế, Trung Quốc có thể học bài học từ những căng thẳng xã hội tại Việt Nam.

Đó là cuộc tranh luận nảy lửa trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam và cuộc tranh luận công khai tại các quán cà phê và trên truyền thông xã hội. Trận tuyến chính là việc đề cập về phương hướng của quốc gia – giữa một bên là những người muốn củng cố hệ thống của Đảng và một bên là những người muốn một hệ thống dân chủ và đa nguyên. Tình hình kinh tế là tâm điểm của cuộc tranh luận.

Nền kinh tế Việt Nam đang bị đình trệ và cố sức cạnh tranh với những thị trường lao động giá thấp như Bangladesh và sự hứa hẹn của Myanmar, nhưng nó cũng bị tổn thương vì sự cải tổ vụng về. Vào tháng 10 năm ngoái, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi vì sự quản lý “yếu kém” nền kinh tế của chính phủ ông ta. Và vào tháng 6, vị thủ tướng dày dạn trận mạc này bị vây hãm trong cuộc chiến quyền lực với chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông ta đã sống sót sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc Hội. Uy tín bị bào mòn của ông Dũng đã gây thêm một cú shock nhưng ông ta, người gánh chịu trách nhiệm đối với tình trạng bất ổn của nền kinh tế đất nước vẫn còn ngồi trong văn phòng.

Ông Dũng có những tham vọng rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhìn theo hướng cải tổ kinh tế của Hàn Quốc. Tuy vậy, ai cũng nhìn thấy ông ta đã thất bại với tham vọng thành lập các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hành trình của các tập đoàn tư nhân Hàn Quốc. Thay vào đó, các DNNN của Việt Nam mở rộng sang các lĩnh vực mà họ có quá ít chuyên môn và dẫn đến việc gánh khoản nợ khổng lồ. Kết quả là các ngân hàng đã cho các DNNN vay tiền giờ đang ngồi trên các khoản nợ xấu đạt đến 15% tổng số cho vay theo ước tính vào tháng 5. Tình trạng bất ổn này càng bị khuyếch đại do nền kinh tế trì trệ và vấn đề tham nhũng ngày càng tồi tệ, đã cùng nhau đưa Việt Nam thành điểm không hấp dẫn cho đầu tư và tình trạng bất ổn xã hội.

Tần suất các cuộc biểu tình đã tăng lên trong những năm gần đây. Đáng lo ngại hơn, xu hướng của những cuộc biểu tình trở nên bạo lực. Cả về hai phía, lực lượng an ninh và người biểu tình đều sử dụng cách thức hung hăng hơn. Như sự việc hợp đồng thuê đất 20 năm, được chính phủ ký vào năm 1993, hết hiệu lực vào năm nay, việc thu hồi đất đã trở nên phổ biến và việc giải tỏa đã trở nên bạo lực. Nông dân sử dụng mìn và vũ khí tự tạo để chống lại lực lượng an ninh. Trong khi đó, việc bắt bớ, bỏ tù người biểu tình và bất đồng chính kiến cũng không suy giảm.

Blogger, phóng viên và những nhà hoạt động tiếp tục bị giam giữ. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, nơi đưa ra bảng chỉ số tự do báo chí hàng năm, xếp Việt Nam đứng hàng 172 trên 179 quốc gia, trượt 7 bật so với năm 2010 – chỉ đứng cao hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp việc đàn áp và kiểm duyệt, hàng loạt các tiếng nói bất đồng chính kiến vẫn tiếp tục xuất hiện trực tuyến.

Lời kêu gọi trên phương tiện truyền thông cùng ký vào “Nghị Định 72″, tên gọi được đặt do sự đồng ký của 72 trí thức, luật sư được đệ trình lên chính chủ vào tháng 2 năm 2013.

Bản kiến nghị kêu gọi chính phủ mở một diễn đàn thảo luận công khai về hiến pháp, bãi bỏ điều 4 (trong đó khẳng định quyền cai trị của Đảng) và thực hiện thay đổi sang sở hữu tư nhân về đất đai. Mục đích của bản kiến nghị là đòi hỏi một hệ thống đa đảng. Sự lan tải bản kiến nghị thông qua các blog và truyền thông xã hội, và trong môi trường đi ngược với truyền thông do nhà nước kiểm soát thì không nghi ngờ việc vội vàng đưa một nghị định chống lại việc chia sẻ thông tin của chính phủ.

Vào ngày 1 tháng 9, từ kết quả những cuộc biểu tình được dẫn dắt bởi blog và truyền thông xã hội, chính phủ đã ban hành Nghị định 72, quy định các trang truyền thông xã hội và blog chỉ được sử dụng thông tin cá nhân và không được phép chia sẻ những bài báo. Nghị định với lời lẽ mơ hồ đã bị các nhóm nhân quyền coi rẻ và không nghi ngờ gì nó sẽ được sử dụng để chống lại các blogger và người sử dụng truyền thông xã hội. Câu hỏi đặt ra là nghị định có hiệu quả như thế nào trong việc bịt miệng họ. Theo kinh nghiệm trong quá khứ, dường như nó đã bị hiệu ứng ngược.

Mấu chốt để kiềm hãm căng thẳng xã hội là cải tổ nới lỏng chính trị và tăng cường tự do hóa kinh tế, Việt Nam đang cố gắng để giải quyết một cái gì đó thông qua việc sửa đổi hiến pháp 1992. Việc sửa đổi này nhằm cho phép thay đối kinh tế, điều sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn từ khi việc chuyển đổi kinh tế kế hoạch tập trung theo kiểu Xô-Viết sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Cùng với sự tranh luận dài hơi đối với việc cải cách đất đai, việc cải tổ hiến pháp cho phép một ít hy vọng về tự do hóa kinh tế.

Tuy nhiên việc mở ra cuộc tranh luận này dường như giống như việc chính phủ mở ra chiếc hộp pandora. Kế hoạch cải cách từng phần của chính phủ đã dẫn đến sự đòi hỏi thay đổi hệ thống độc đảng của người dân. Mặc dù các biện pháp của chính phủ nhằm xoa dịu dân chúng, như việc lấy kiến của người dân về hiến pháp trong ba tháng, nhưng phản đối vẫn không ngừng nổ ra.

Không khó để thấy sự tương đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là cả hai cùng đang vật lộn với vấn đề dân số và cuộc chiến dai dẳng giữa tăng trưởng và ổn định. Và cả hai ngày càng nhận thức được rằng những vấn đề đó không chỉ là mối quan tâm riêng của đôi bên.

Elliot Brennan  | The Interpreter
Ngày 8/10/2013
Bản dịch của Luna Nguyễn

* Elliot Brennan, viện sĩ thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh và Phát triển (Thụy Điển) và ủy viên không thường trú tại Diễn đàn Thái Bình Dương – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
(Defend the Defenders)

Kinh Dương Vương - ông là ai?

Như trong bài viết trước1, chúng tôi đã nhận định Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) - bộ sử quan trọng nhất của Việt Nam đề cập những sự kiện từ khởi thủy cho đến thế kỷ XVII - là một tư liệu được biên soạn trên tư duy đa nguyên “văn - sử - triết” của thời Trung Đại. Trong đó, bộ sử này đã sưu tập nhiều huyền thoại dân gian của đời sau để bù đắp cho những khuyết thiếu của sử liệu. Ở bài này, chúng tôi tiếp tục làm rõ hơn nhận định trên thông qua việc phân tích một nhân vật vốn được coi là thủy tổ của người Việt và nước Việt nhưng cứ liệu lại cho thấy chỉ là ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc.
Kinh Dương Vương và tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương
Theo như cách trình bày ở Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư, Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Vì thế Kinh Dương Vương được Ngô Sĩ Liên coi như vị thủy tổ đầu tiên của người Việt và nước Việt. Chẳng những thế, Kinh Dương Vương còn lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long để sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ - con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống bể. Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV bình luận đoạn này như sau: “Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”2.
Kể từ sau Ngô Sĩ Liên, phần lớn các bộ lịch sử Việt Nam đều công nhận Kinh Dương vương là thủy tổ của nước Việt. Ví dụ như sách Thiên Nam minh giám (thế kỷ XVII) mở đầu như sau:
Một trong bốn con tem thuộc bộ tem
“Dân gian truyền thuyết - Liễu Nghị truyền thư”
do Bưu cục Quốc gia Trung Quốc phát hành
năm 2004.
“1- Tượng mảng xưa sách trời đã định,
Phân cõi bờ xuống thánh sửa sang,
Nước Nam từ chúa Kinh Dương,
Tày nhường phải đạo mở mang phải thì.
5- Tới Lạc Long nối vì cửu ngũ,
Thói nhưng nhưng no đủ đều vui,
Âu Cơ gặp gỡ kết đôi,
Trổ sinh một bọc trăm trai khác thường.
Xưng Hùng Vương cha truyền con nối,
10- Mười tám đời một mối xa thư,
Cành vàng lá ngọc xởn xơ,
Nước xưng một hiệu năm dư hai nghìn”.3
Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). Năm 1840, đền cho dựng bia đá “Kinh Dương Vương lăng”. Năm 1940, đời vua Bảo Đại, đền làm thêm hai đại tự “Nam Tổ miếu” và “Thần truyền thánh kế“. Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về thăm đền và để lại bút tích gợi ý tỉnh Bắc Ninh có đề xuất lên Trung ương nâng cấp cơ sở thờ tự của tổ tiên. Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đến thăm đền và để lại những lời kỷ niệm sâu sắc về cội nguồn dân tộc4. Năm 2012, NXB Văn hóa dân tộc ấn hành cuốn Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương của các tác giả Trần Quốc Thịnh, Đỗ Văn Sơn, Biện Xuân Phẩm, tập hợp các tư liệu từ Toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Thủy Kinh chú… và từ các truyền thuyết, văn bia, thần phả, thần tích cũng như công trình nghiên cứu, tham luận của các học giả.
Ngày 25/2/2013, tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ hội kỷ niệm 4892 năm Đức thủy tổ khai sinh mở nước. Đến dự lễ khai hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành. Sau lễ dâng hương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Theo quy hoạch đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, dự án có tổng diện tích gần 40ha, gồm không gian bảo tồn di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ, với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng5.
Từ nhân vật của truyện truyền kỳ Trung Hoa?
Tuy nhiên, như ngay ở đầu bài viết, chúng tôi có ý nghi vấn, Kinh Dương Vương chưa chắc đã là nhân vật lịch sử có thật. Chứng cớ nào đề chúng tôi có thể đi đến nghi ngờ như vậy?
Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”.6
Chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?)7, rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang8.
Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu các đời sau. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường9. Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên10.
Liễu Nghị truyện được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đến thời Tống, truyện được Thượng Trọng Hiền chuyển thể sang kịch bản tạp kịch với tên “Động Đình hồ Liễu Nghị truyền thư”11. Liễu Nghị trở thành tích truyện rất được ưa thích trong văn hóa diễn xướng của người Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng ra đời, như nhà Tống có “Liễu Nghị đại thánh nhạc”; nhà Kim có “Liễu Nghị truyền thư”; triều Nguyên có “Liễu Nghị Động Đình long nữ”; thời Minh Thanh có “Quất bồ ký”, “Long tiêu ký”, “Long cao ký”, “Thẩn trung lâu”, “Thừa long giai thoại”12. Trong đó, cho đến nay, “Liễu Nghị truyền thư” (còn có tên “Thủy tinh cung”, “Liễu Nghị kỳ duyên”) vẫn được người Trung Quốc coi như là một kịch mục kinh điển của hý kịch Trung Hoa. Từ năm 1952, vở kịch đã nhiều lần được dàn dựng bởi các đạo diễn khác nhau, số lần trình diễn hiện chưa thể thống kê hết được13. Không những thế, tích truyện này còn trở thành đề tài làm tranh khắc ván và thư họa truyền thống (thủy mặc). Ngày 17/7/2004, Bưu cục Quốc gia Trung Quốc đã phát hành bộ tem “Dân gian truyền thuyết - Liễu Nghị truyền thư”, gồm bốn con tem với bốn hoạt cảnh: “Long nữ gửi thư”, “Thư gửi Động Đình”, “Cốt nhục đoàn tụ”, và “Nghĩa trọng tình thâm”14.
Những nhận định của sử gia đời sau
Đến đây có thể nhận định về nguồn gốc của các mô-típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Toàn thư. Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân - Âu Cơ, và coi đó như nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương - triều đại mà người Việt ngày nay coi như lịch sử đích thực của mình.
Các nhà Nho Việt Nam trong nhiều thế kỷ hẳn phải biết đến một tác phẩm có ảnh hưởng lớn như truyện Liễu Nghị. Bằng chứng là nhà thơ nổi tiếng Thái Thuận (Tiến sĩ 1475) cũng đã sáng tác bài thơ “Liễu Nghị truyền thư”. Nhưng đó là chuyện của văn học.
Còn với tư cách người viết sử, không ít sử gia thời Trung Đại đã phản đối cách lắp ghép của Ngô Sĩ Liên. Đầu tiên, phải kể đến những nhận định của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí Tiền biên. Ông viết: “Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy lại tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”15
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1856 - 1883) viết: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ”16. Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi”17.
Qua những trình bày ở trên, độc giả đã phần nào mường tượng ra con đường thu nhận biến đổi tích truyện từ truyện Liễu Nghị đến truyện Kinh Dương. Đây sẽ là những tư liệu thú vị để nghiên cứu về tiếp xúc văn học văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đồng thời cũng là “mẫu sử liệu” thú vị cho giới nghiên cứu khám nghiệm và giám định.
Đến đây, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Liam Christopher Kelley (Đại học Hawaii) để kết thúc bài viết này: Trải qua nhiều thế kỷ, những truyền thống mà họ [các sử gia] sáng tạo đã trở thành cái tự nhiên thứ hai (second nature). Thực tế, trong nửa thế kỷ qua, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thống được sáng tạo ấy (invented traditions) đã và đang trở thành những sự thực không thể thay đổi18
Trần Trọng Dương
-----------------------------
1 Đinh Bộ Lĩnh: Huyền thoại và lịch sử (Tia Sáng số 16, ngày 20/08/2013)
2 Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản dịch. 1998. Tập 1. Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.131-133.
3 Trịnh thị. (1624-1657). Thiên Nam minh giám. tr.4a. (Thư viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, ký hiệu HNv.006) trang 1a. Tham khảo phần phiên khảo của Hoàng Thị Ngọ, (1994). NXB Văn học. Hà Nội.
4 Thọ Bình - Bá Kiên. Đầu năm thăm lăng Kinh Dương Vương (ông nội vua Hùng). Theo tienphong.vn
5 Việt Cường. Bắc Ninh khai hội Kinh Dương Vương. http://vtv.vn
6 Chính Hòa thứ 18 (1697). Toàn thư. sđd. tr 133
7 Trần Thế Pháp. (XIV?). Lĩnh Nam chích quái. ký hiệu. A.1200 (Viện nghiên cứu Hán Nôm), tr.4a-4b.
8 Nguyễn Thanh Tùng. Giao lưu tiếp biến văn hoá Trung - Việt trong lịch sử: khảo sát sự tiếp nhận tích truyện Liễu Nghị truyền thư ở Việt Nam thời trung đại.
M. Durrand. 1959. Technique et Pantheon des médiems Vietnamien. BEFEO. Vol.XLV, Paris. [chuyển dẫn Ngô Đức Thịnh. 2009. Đạo mẫu Việt Nam. (Tập 1) NXB Tôn giáo. Hà Nội. tr.63- 64.
9 Tiền Chung Liên và cộng sự (tổng chủ biên). Tái bản 2000. Trung Quốc văn học đại từ điển (thượng). Thượng Hải từ thư xuất bản xã. Thượng Hải. tr.277.
10 Tiền Chung Liên và cộng sự (tổng chủ biên). Sđd. Tr.409.
Bản dịch tiếng Việt có thể tham khảo: Lí Triều Uy, Liễu Nghị truyện, Xuân Huy dịch, in trong “Tuyển dịch một số truyện truyền kì ưu tú thời Đường Tống”, Tạp chí Hán Nôm, 1990. – Số 2 (9). - Tr.90-109.
11 Tiền Chung Liên và cộng sự (tổng chủ biên). Sđd. Tr. 831.
12 Tiền Chung Liên và cộng sự (tổng chủ biên). Sđd. Tr. 831.
13 Quý vị có thể copy chữ Hán “柳毅传书” xem các trích đoạn vở kịch này trên http://www.youtube.com
14 http://www.fhstamp.com/bbs/read.php?tid=784
15 Ngô Thì Sĩ (soạn), Ngô Thì Nhậm (tu đính). 1800 (khắc in). Đại Việt sử ký tiền biên. Bắc Thành học đường tàng bản. Ký hiệu A2/2-7. Lê Văn Bảy, Dương Thị The, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thoa (dịch), Lê Duy Chưởng (hiệu đính). NXB KHXH.H.1997. tr.40.
16 Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 - 1883), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển I, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.591, tờ 4a- 5b.
17 Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 - 1883), sđd.: R.591, tờ 9b-10a.
18 Liam C. Kelley. The Biography of the Hồng Bàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition. Journal of Vietnamese Studies Vol. 7, No. 2 (Summer 2012), p. 122.
(Tia sáng)

“Ký ức buồn trong Đại hội VI của Đảng”: Đ/c Giáp bản thân có vấn đề lịch sử chính trị…


Đây là tên một chương có viết một đoạn dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tập hồi ký của tôi. Từng là người lính thời kháng chiến trong Quân đội do Đại tướng làm Tổng Tư lệnh, tôi chưa có dịp may diện kiến ông, mãi đến cuối năm 1986 một lần duy nhất nhìn thấy ông bằng xương bằng thịt trong Đại hội VI của Đảng, nhưng đã để lại trong tôi một ký ức buồn chôn chặt trong lòng từ bấy đến nay!

Đại tướng vừa qua đời, cả nước tiếc thương vĩnh biệt ông! Tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh ông trong Đại hội VI với lòng kính trọng, ngưỡng mộ đức tính hơn người ở ông! Tôi trích đoạn chính trong chương hồi ký nầygởi đăng trang Viet-studies, như một nén hương lòng tưởng niệm ông:

....

“…Tháng 12 năm 1986 tôi tham gia đoàn đại biểu tỉnh dự Đại hội lần thứ VI của Đảng. Lần đầu tiên tham dự đại hội Đảng, tôi vui mừng, háo hức hy vọng đại hội sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Khi đại hội sắp khai mạc, Đại tướng Lê Trọng Tấn một trong 72 đại biểu Quân đội tham dự đại hội đột ngột từ trần, tôi nghe nói dự kiến ông tham gia Đoàn chủ tịch, cơ cấu vào Bộ Chính trị và làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đoàn chủ tịch đại hội thông báo: “… đồng chí Lê Trọng Tấn từ trần sau một diễn biến tim mạch đột ngột…”. Lể tang Đại tướng Lê Trọng Tấn cử hành trọng thể, tôi cùng đoàn đại biểu tỉnh ở Nhà khách 37 Hùng Vương chào vĩnh biệt Đại tướng khi đoàn xe tang đi qua, lòng bồi hồi thương tiếc một vị tướng tài ba của Quân đội nay không còn nữa! Tôi nghe người ta kháo nhau rằng chỉ mấy ngày trước đây thôi, ông vẫn mạnh khỏe, đang tham gia công việc chuẩn bị khai mạc đại hội…”

...

“Trong Đại hội VI có một chuyện làm cho tôi day dứt mãi: Khi đến phần nhân sự, Đoàn chủ tịch gởi các tổ thảo luận danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa VI, do Ban chấp hành Trung ương khóa V giới thiệu không có tên Đại tướng Vỏ Nguyên Giáp, tôi nghe đồng chí Trưởng đoàn đại biểu tỉnh cho biết: Có một số tổ đại biểu hỏi Đoàn chủ tịch vì sao? Được Tiểu ban nhân sự đại hội giải đáp miệng theo kiểu úp mở rằng: Đồng chí Vỏ Nguyên Giáp bản thân “có vấn đề lịch sử chính trị…”. Tôi tìm hiểu thực hư cái gọi là “có vấn đề lịch sử chính trị” nghe “nói lóm” rằng, ngày xưa đồng chí làm con nuôi chánh mật thám Đông Dương nuôi dưởng ăn học…!? Và, rằng: Đồng chí Vỏ Nguyên Giáp có “tham vọng” làm chủ tịch nước…!? Trời ơi! một vị đại công thần của chế độ, đại Anh hùng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, mà ngày nay còn “có vấn đề lịch sử chính trị” sao?! Còn chuyện đồng chí có “tham vọng” làm chủ tịch nước hay không, nếu có cũng chính đáng thôi, vì còn có ai xứng đáng hơn đồng chí gánh vác trọng trách đó?

“…Gần cuối buổi họp sáng ngày 9 tháng 12 tại hội trường, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Đức Tâm thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày xong danh sách đề cử nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa VI, đại biểu sắp sửa rời hội trường, Đại tướng giơ tay xin phát biểu ý kiến, đại để Đại tướng nói: Đây là ý kiến tâm huyết của Đại tướng, vì là đại hội Đảng toàn quốc chớ không phải “tiểu hội”, nên phần nhân sự để phát huy dân chủ, cần dành thời gian chừng hai buổi thảo luận hội trường… Đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu bác ý kiến Đại tướng, đồng chí nói: “Đề nghị đại hội làm việc theo chương trình nghị sự…”.

“Tôi nghe nói đoàn đại biểu Quân đội ủng hộ Đại tướng tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa VI và đãm nhận trọng trách cao nhất trong Đảng, hay Nhà nước. Nhưng vì sao điều đó không thành hiện thực, chỉ có trời mới biết…!”

“Sau năm 1975, người ta đối xử với Đại tướng Vỏ Nguyên Giáp như thế nào nhiều người đã rõ! Khi ông đến thăm tỉnh… năm 1993 hay 1994 gì đó, nghe một đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nói với tôi với vẻ bất bình, rằng Đại tướng không được tỉnh đón tiếp trọng thị…! Những năm gần đây, Đại tướng đến ngưỡng trăm tuổi, dù gần đất xa trời vẫn quan tâm đến thời cuộc, những vấn đề trọng đại của đất nước Đại tướng đều đóng góp ý kiến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước chân tình, sắc sảo như vụ phá hội trường Ba Đình xây mới nhà Quốc hội, vụ khai thác bô-xít Tây Nguyên, vụ Tổng cục 2… nhưng ý kiến Đại tướng nào có ai coi trọng! Năm 2009, vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng những năm sau nầy, tôi thấy qua màn ảnh truyền hình, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến chúc mừng Đại tướng với thái độ “rất trân trọng”!? làm cho tôi
chợt nhớ hình ảnh Đại tướng trong Đại hội VI, tôi không thể không suy nghĩ…!”

Nguyễn Minh Đào
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 10-10-13 

Những câu hỏi về tướng Võ Nguyên Giáp

“…ông phải biết tại sao thế hệ thuộc hàng con cháu ông đang nắm quyền trong đảng và nhà nước đã có một thời không coi ông ra gì (1983-1984) và lại còn dám “bỏ ngoài tai” cả lời khuyên của ông bảo đừng để cho người Trung Quốc vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên…”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng cộng sản Việt Nam Võ Nguyễn Giáp, nhân vật lịch sử của hai cuộc chiến “chống Pháp giành độc lập” và “chống Mỹ cứu nước” của Việt Nam, theo cách nói của những người thuộc phe cộng sản trong cuộc chiến, đã từ trần lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi.

Ông là người sau cùng trong số những “tông đồ tiền phong” của người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930, ông Hồ Chí Minh, ra đi sau hơn 59 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc (07/05/1954) để Việt Nam bị chia đôi nhưng đã đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp lên hàng danh tướng với nhiều đánh giá chưa có sự đồng thuận ở hai chiến tuyến quốc gia và cộng sản.

Bài viết này không có mục đích cạnh tranh với lịch sử nhưng chỉ nêu lên một số “thắc mắc” dựa theo các sự kiện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp quân sự và chính trị của ông Giáp.

Tiêu diệt các đảng phái quốc gia

Thắc mắc thứ nhấtlà ông Võ Nguyên Giáp đã căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để chủ động lực lượng công an và quân đội tấn công, tiêu diệt các đảng phái quốc gia, đặc biệt Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng vào ngày 16/06/1946 tại Hà Nội rồi sau đó lan qua các địa phướng khác ?

Về phương diện thẩm quyển, tài liệu Bách khoa Toàn thư viết : “Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82-SL về việc ủy nhiệm Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký công văn hàng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ.Theo Sắc lệnh số 23/SL của Chính phủ ngày 21 tháng 3 năm 1946, Việt Nam công an vụ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, như vậy theo quy định luật pháp thì thẩm quyền chỉ đạo lực lượng công an nằm trong tay của phó chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng. Như vậy từ trước khi lực lượng công an nhân dân phá vụ án phố Ôn Như Hầu, Võ Nguyên Giáp đã không còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông cũng không ở trong nội các, nên về nguyên tắc theo quy định của pháp luật thì không có thẩm quyền trong việc điều động chỉ huy lực lượng công an và Vệ quốc đoàn. Phải đến khi sắc lệnh 230 ra ngày 30/11/1946 có hiệu lực thì ông Võ Nguyên Giáp theo quy định của pháp luật mới có thẩm quyền tổng chỉ huy lực lượng quân đội toàn quốc”.

Vẫn theo tài liệu của Bách khoa Toàn thư thì : “ Việt Nam Quốc Dân Đảng và sử gia người Mỹ Cecil B. Currey cho rằng : với sự trợ giúp của quân Pháp, chính Võ Nguyên Giáp là người đã chỉ huy lực lượng công an và quân đội khám xét và bắt giữ các thành phần chống đối. Theo nhà sử học người Mỹ Cecil B. Currey, ngày 15 tháng 6, Võ Nguyên Giáp bắt đầu chỉ huy lực lượng an ninh khám xét các tổ chức có thể đe dọa đến Chính phủ. Số 7 Ôn Như Hầu chỉ là nơi làm việc bình thường của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng công an dưới sự chỉ đạo của Võ Nguyên Giáp đã tấn công nơi này trong lúc Việt Nam Quốc Dân Đảng không đề phòng sau đó dựng hiện trường giả để có cớ tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng. Còn theo sử gia Trần Trọng Kim thì khi được hỏi về công việc, bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói với ông : "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".

Vậy mà vào thời buổi ấy, phe cộng sản đã tung ra tài liệu viết rằng : “Theo những kết quả điều tra và những kiến giải của Công An Nhân dân Việt Nam trong thời điểm đó, những tổ chức thực hiện kế hoạch đảo chính này do Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng thuộc Mặt trận Quốc Dân Đảng Việt Nam phối hợp với thực dân Pháp, dự định tiến hành vào ngày 14/7/1946. Cụ thể hơn, kế hoạch của Việt Quốc và Việt Cách là dự định nhân ngày Quốc khánh nước Pháp (14/7), khi quân đội Pháp sẽ diễu binh trên một số đường phố lớn ở Hà Nội, người của Quốc Dân Đảng sẽ ném lựu đạn vào quân Pháp, từ đó tạo cớ cho phía Pháp tấn công bao vây các cơ quan trung ương, bắt cán bộ lãnh đạo và nhân viên Chính phủ, lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dịp đó Quốc Dân Đảng sẽ tuyên bố đảo chính, lập Chính phủ mới.[6].[7] Do lực lượng công an đã điều tra, thu thập thông tin nên sớm phát hiện âm mưu của Việt Quốc, Việt Cách. Ngày 12/7/1946 lực lượng công an nhân dân đã tiến hành khám xét trụ sở bí mật của Quốc Dân Đảng ở số nhà 132 phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân). Cùng ngày, công an tấn công một loạt cơ sở khác của Quốc Dân Đảng ở Hà Nội, trong đó có nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội). Tiếp sau Hà Nội, lực lượng công an nhân dân đã tiến hành khám xét các cơ sở của Việt Quốc, Việt Cách ở Hải Phòng và một số tỉnh khác ở miền Bắc” (Bách khoa Toàn thư).

Tài liệu tố cáo tiếp : “Trong quá trình khám xét trụ sở của Việt Quốc, Việt Cách, công an đã thu được nhiều vũ khí, truyền đơn, tài liệu, giấy bạc giả, dụng cụ tra tấn... Việc phá vụ án này có ý nghĩa to lớn góp phần củng cố chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới còn non trẻ, để từ đó chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh chống lại sự tái xâm lược của thực dân Pháp trong giai đoạn 1946 - 1954”.

Nhưng, Bách khoa Toàn thư cũng lưu ý rằng : “Theo quan điểm của phía Việt Nam Quốc Dân Đảng và các nhà sử học như Cecil B. Currey (Hoa Kỳ), thì kế hoạch này không có thật và đây một vụ việc do phía Việt Minh, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, dựng lên nhằm triệt hạ đối thủ chính trị của mình là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Một số học giả khác như Gisèle Luce Bousquet và Pierre Brocheux (Pháp) thì cho rằng đến nay chưa ai biết sự thật vụ việc này như thế nào”.

Như thế rõ ràng một điều là ông Võ Nguyên Giáp có chủ động vụ tấn công các đảng phái quốc gia không ủng hộ đảng cộng sản Việt Nam, nhưng bằng chứng đưa đến lời cáo buộc của phe cộng sản để bảo vệ lý do tấn công chưa được làm sáng tỏ đối với một số học gỉa người nước ngoài.

Lịch sử quanh vụ này còn mang nhiều nghi vấn, nhưng Đại tướng Bộ trưởng công an Trần Đại Quang đã mau chóng lập lại “thành tích này” của ông Giáp, chỉ sau 3 ngày ông lìa đời, dựa theo quan điểm của phiá cộng sản năm 1946 để nói về tính “nhậy bén trong nhiệm vụ” của lực lượng công an.

Tướng Quang viết : “Trước những khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, trên cương vị bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo thống nhất tổ chức, nhiệm vụ và bổ sung cán bộ, củng cố lực lượng công an trong cả nước theo Sắc lệnh số 23-SL ngày 21/2/1946 do chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về thành lập Việt Nam Công an vụ.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và của đại tướng, lực lượng công an nhân dân đã đập tan nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của bọn phản cách mạng, đặc biệt đã đập tan âm mưu đảo chính của Quốc Dân Đảng câu kết với thực dân Pháp trong vụ án phản động xảy ra tại phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (gọi tắt là vụ án Ôn Như Hầu) trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ như “ngàn cân treo sợi tóc” (Báo Công an Nhân dân, 07/10/2013).

Và ngay chính ông Giáp, 49 năm sau ngày “càn quét” các đảng phái quốc gia 16/06/1946 để sau đó làm tan rã Chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng đầu tiên, cũng đã xác nhận vai trò của ông ngày ấy, theo lời kể của tướng công an Trần Đại Quang : “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao những thành tích, chiến công xuất sắc của lực lượng công an nhân dân thời kỳ này và chỉ rõ : “Vụ án Ôn Như Hầu đã trấn áp được bọn phản động. Nhưng trong lúc trấn áp vừa diệt được lực lượng chống đối, phá được cuộc đảo chính, lại tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân ; đoàn kết rộng rãi hơn nữa, kể cả dư luận trong nước cũng như ngoài nước... Vụ án Ôn Như Hầu là một thành tích tốt, rất tốt của công tác phản gián của ta, của công an nhân dân. Ý nghĩa của nó không những chỉ dập tắt âm mưu của bọn phản động câu kết với nước ngoài để cướp chính quyền ở Hà Nội - một hành động đảo chính để làm tay sai cho Pháp, mà còn làm cho mọi người, kể cả những người còn mơ hồ, thấy rõ bọn nào là bọn phản quốc và chính sách đại đoàn kết của Chính phủ, càng làm cho toàn dân ủng hộ chúng ta, tạo điều kiện cho chúng ta củng cố thêm chính quyền một bước. Tôi đánh giá vụ án đó là một vụ án rất quan trọng. Các đồng chí làm giỏi, sắc bén, có tinh thần trách nhiệm” (Bài phát biểu của đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo về vụ án Ôn Như Hầu, ngày 14/3/1995).

Chuyện quanh vụ án Ôn Như Hầu cũng giống như chuyện “cuộc Cách mạng mùa Thu” tháng Tám, 1945 do “đảng cộng sản lãnh đạo toàn dân đứng lên gìanh độc lập” chứ không bao giờ, theo như “kinh sách giáo điều” tuyên giáo của nhà nước, là “một cuộc cướp chính quyền từ tay chính phủ non yếu nhưng hợp pháp Trần Trọng Kim”.

Cải cách ruộng đất

Thắc mắc thứ hailà sau khi đất nước chia đôi, hai miền Nam-Bắc có hai chế độ chính trị khác nhau thì đã có trên 1 triệu người dân miền Bắc chạy bỏ cộng sản di cư vào miền Nam. Xã hội và người dân miền Bắc bắt đầu cuộc sống nô lệ nghèo đói. Cuộc cách mạng vô sản làm kiệt quệ cả sức người và tài nguyên đã đặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa miền Bắc vào hàng ngũ các quốc gia cộng sản hà khắc nhất Thế giới.

Thanh trừng bắt đầu tiếp nối từ Cuộc cải cách ruộng đất khốc liệt, tàn bạo và dã man ngay cả với những ân nhân của “cách mạng” từ năm 1953 đến năm 1956.

Ước khỏang có từ 10 đến 15,000 người mất mạng sống, tài sản gồm ruộng vườn, nhà cửa và của riêng bị tịch thu. Hàng ngàn gia đình bị phân tán, đầy đọa, ngục tù oan khiên khiến ông Hồ Chí Minh phải nhìn nhận sai lầm và sửa sai tại Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9 năm 1956 với lời tự phê bình : “Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc” (Tài liệu Bách khoa Toàn thư).

Tài liệu này cũng cho biết : “Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã nói về tình cảnh oan sai như sau, trong diễn văn đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc, ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại Hà Nội :”Qua cuộc Cải cách ruộng đất ta thấy bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy, có người ngực gắn tới hai huy chương kháng chiến bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình. [...] Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi ? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được ?”.

Vẫn theo Tài liệu này thì : “Ngày 29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia trực tiếp vào sai lầm chương trình Cải cách Ruộng đất, thay mặt chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng tại nhà hát lớn Hà Nội, kê khai sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố”.

Rất đáng chú ý là trong số các nạn nhân có cả cụ phó bảng Đặng Văn Hướng, bị đấu tố chết tại quê nhà Diễn Châu (Nghệ An).

Cụ Hướng là bố ruột của trung tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Đặng Văn Việt, từng là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.

Tài liệu Bách khoa Toàn thư viết : “Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton…Ngày 19 tháng 12 năm 1953, Luật Cải cách Ruộng đất được thông qua. Đầu năm 1954, gia đình ông trở thành nạn nhân của cuộc đấu tố tàn khốc. Cha ông bị đấu tố đến chết tại quê nhà khi đương chức là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh, gia đình ông ly tán khắp nơi. Bản thân ông bị rời khỏi chức vụ Trung đoàn trưởng, được điều sang Trung Quốc làm công tác luyện quân, thực chất bị loại trừ khỏi vị trí chỉ huy quân đội.

Năm 1954, ông trở về Việt Nam, được phân công giảng dạy ở Trường sĩ quan lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu”.

Tôi nêu ra trường hợp cụ Đặng Văn Hướng để thắc mắc không hiểu trong báo cáo trước Hội nghị 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng ngày 29/10/1956, tướng Võ Nguyên Giáp có nói gì đến trường hợp cụ Hướng không và chẳng nhẽ ông không biết trung tá Đặng Văn Việt, người Trung đoàn trưởng nổi tiếng dưới quyền ông là con của nạn nhân Quốc vụ khanh trong Chính phủ Hồ Chí Minh, đã bị “đầy” đi Trung Quốc ?

Và nếu ông Giáp bị rơi vào chỗ oan ức của trung tá Đặng Văn Việt thì ông sẽ xử trí ra sao, hay là ông cũng là người lính nên chỉ biết thi hạnh lệnh cấp trên để “đạt mục tiêu bằng mọi gía”, dù phải hy sinh bao nhiêu mạng lính trên chiến trường ?

Bởi vì, như lời cựu đại tá Bùi Tín, một người rất gần ông trong nhiều năm chiến tranh, từ tháng 8 năm 1945, đã viết : “Ông mang danh là một viên tướng «Sát Quân», sát quân một cách lạnh lùng” (VOA tiếng Việt, 09/10/2013).

Hai người bạn - Hai chiến tuyến

Thắc mắc thứ ba, từ câu nói của cựu đại tá Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, tôi lại nhớ đến lần tham quan Sài Gòn của tướng Giáp đầu tháng 5 năm 1975, sau khi Sài Gòn “được giải phóng”. Theo Nhà báo Bùi Tín thì đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh 20 năm xâm lăng miền Nam mà ông Giáp đã có phần trách nhiệm lớn xua hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ miền Bắc vượt Trường Sơn vô Nam đổ máu cho cuộc chiến mang danh nghĩa “giải phóng”, tướng Giáp mới có dịp đặt chân đến thành phố mang tên “hòn ngọc viễn Đông”.
Tôi thắc mắc không biết tướng Giáp đã nghĩ gì khi ông thấy cảnh sống nhộn nhịp và nhà phố nguy nga của Sài Gòn “được giải phóng” không giống như Hà Nội lạnh lùng, xác xơ “ không thấy phố/ không thấy nhà /chỉ thấy mưa sa / trên màu cờ đỏ” (thơ Trần Dần) ?

Cũng từ thành phố này, lệnh gọi quân-cán-chính và đảng viên các đoàn thể chính trị, xã hội và văn nghệ sỹ miền Nam đi “tập trung học tập cải tạo”. Và trong số những chính trị gia nổi tiếng phải đi “cải tạo” có cả người bạn thời chống Pháp của ông Giáp, luật sự, cựu dân biểu, cựu phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Tuyên.

Luật sư Trần Văn Tuyên
Luật sư Tuyên từng là giáo sư trường Thăng Long (Hà Nội) cùng với ông Giáp và một thời từng là bạn cùng chí hướng chống thực dân Pháp, nhưng ông Giáp đi theo cộng sản còn luật sư Tuyên, là một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng chống cả Pháp và cộng sản.

Sự thân thiện giữa hai nhân vật khác chiến tuyến được giáo sư Nguyễn Quốc Khải, viết trong Vietnam Review và báo Ngày Nay ngày 21/10/2005 như sau :

Trong lần cuối cùng gập gỡ nhau nhân hội-nghị sơ bộ với Pháp khai mạc vào ngày 19/4/1946 tại trường Yersin, Đà Lạt để chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau, tướng Giáp thuộc phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng-Hòa (Việt-Minh) còn kêu gọi luật sư Tuyên trở về hợp tác với ông Hồ Chí Minh. Sau khi bị từ khước tướng Giáp còn nói với luật sư Tuyên một câu bằng Pháp ngữ nguyên văn như sau : "Alors, tu restes toujours mon ami". (Dù sao anh cũng sẽ mãi mãi là bạn của tôi). Luật sư Tuyên và tướng Giáp vẫn kính mến nhau mặc dù hai người ở hai chiến tuyến khác nhau. Luật sư Tuyên đã nhắc lại kỷ niệm đó với một ký giả của tờ báo the Korea Herald trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/1972”.

Vẫn theo giáo sư Khải thì : “ Sau khi Miền Nam thất thủ, tướng Giáp cử một sĩ quan cao cấp vào Sài Gòn đưa thư đề nghị luật sư Tuyên viết thư cho Bộ Chính Trị tại Hà Nội để khỏi đi học tập cải tạo. Luật sư Tuyên đã cám ơn tướng Giáp nhưng không chấp thuận đề nghị của ông”.

Ngày 16/05/1975, chính quyền cộng sản tại Sài Gòn đã bắt luật sư Tuyên vào "trại cải tạo" tại Long Thành. Khi bị bắt buộc viết bản tự kiểm thảo, theo lời kể của gia đình, luật sư Tuyên chỉ viết có mấy hàng chữ : "Tôi không có tội gì với tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công".

Sau đó, luật sư Tuyên bị đưa ra giam và lao động cực nhọc tại một trại ở Hà Nam (Hà Sơn Bình). Theo các nhân chứng, ông bị ngất xỉu trong một buổi nghe quản giáo “thuyết giảng”. Sai khi y tá trại đến tiêm cho ông một mũi thuốc thì trại giam đã chở ông đi bằng xe vận tải chở đá.

Một ngày sau, trại giam loan báo louật sư Tuyên từ trần từ ngày 28 tháng 10 năm 1976 nhưng mãi đến năm 1978 thì chính quyền Hà Nội mới xác nhận cái chết của ông khi Chính phủ Pháp và các Tổ chức nhân quyền đòi cộng sản Việt Nam cho biết tin.

Khi qua Pháp vào tháng 6/1977 để xin viện trợ, thủ tướng cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng đã phải nói dối luật sư Tuyên vẫn sống và khoẻ mạnh vì sợ công luận Pháp nổi giận.

Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã từ chối rời Sài Gòn trước ngày 30/4/1975 dù có sự giúp đỡ của hai chính phủ Pháp và Mỹ. Ông nói với người con gái, bà Trần Đạm-Phương theo chồng sống tại Mỹ trước ngày 30/4/1975 : “Thà chết vì bàn tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, của bạn bè, của đồng chí và đồng minh".

Là bạn thân của luật sự Tuyên, tôi không biết tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ như thế nào về nhân cách con người của nhà cách mạng Trần Văn Tuyên cũng như “cách nói dối của ông Phạm Văn Đồng” ?

Nướng quân, một giá phải trả ?

Thắc mắc thứ tưlà tôi không biết tướng Giáp có suy nghĩ như thế nào khi ông nhìn thấy, hoặc không bao giờ được trông thấy hình những “thiếu binh” quân cộng sản chưa đầy 18 tuổi chết ở chiến trường rừng cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương mà chân họ vẫn còn bị cột giây xích sắt vào cây cao su để không được bỏ chạy khi lâm trận ?

Tại sao phải làm như thế với một người lính ? Cũng như tại sao chỉ vì nhu cầu “phô trương thanh thế chính trị tại bàn Hội nghị hòa đàm ở Paris năm 1972 mà nhiều trung đoàn chính quy quân đội miền Bắc đã phải “chôn chân” để bị thiệt hại nặng nề, có Tiểu đoàn chỉ còn 7 người sống sót, trong suốt 81 ngày đêm ở mặt trận cố thủ Cổ thành Quảng Trị ?

Ước tình có từ 5.000 đến 10.000 quân lính miền Bắc đã bỏ xác ở mặt trận này từ 28/06 đến 16/09/1972.

Tướng cộng sản Việt Nam Lê Phi Long được Báck khoa Toàn trích nói với BBC vào năm 2008 : "Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy, ai chủ trương, ai chịu trách nhiệm trước lịch sử ? Có cán bộ cấp trên giải thích rằng do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc đàm phán tại hội nghị Paris. Nhưng quyết định chiến trường phải là người lính”.

Cũng như trong trận tấn công Tết Mậu Thân của lực lượng cộng sản ở miền Nam năm năm 1968, ai trong Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam hay chỉ hai ông tổng bí thư Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phải chịu trách nhiệm vế số thương vong từ 85.000 đến 100.000 quân cộng sản bị loai khỏi vòng chiến, so với thiệt hại của đồng minh có trên 6.000 tử thương, ngót 30.000 bị thương và trên 1.000 quân bị mất tích.

Tính riêng tại Huế trong 26 ngày đêm thành phố bị quân cộng sản chiếm đóng cũng đã có từ 5.000 đến 6.000 người chết và mất tích, đa số bị quân cộng sản thảm sát bằng nhiều hình thức, kể cả chôn sống hay đập đầu cho chết vì muốn tiết kiệm đạn để chiến đấu.

Cuộc thảm sát thường dân vô tội ở Huế của bộ đội cộng sản có làm ông Giáp mủi lòng không, hay ông đã nghĩ gì về lời lên án của bà bộ trưởng y tế Dương Quỳnh Hoa của chính phủ gọi là Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói rằng các cấp chỉ huy quân sự miền Bắc có chủ ý để cho lính của Mặt trận Giải phóng miền Nam hy sinh đến 80% lực lượng trong cuộc tấn công Mậu Thân ?

Tướng Võ Nguyên Giáp không có mặt ở Việt Nam khi cuộc tấn công Mậu Thân xẩy ra mà ông đi chữa bệnh ở Hung Gia Lợi, nhưng ông lại là người tích cực sọan thảo kế họach tổng tấn công Việt Nam Cộng Hòa từ sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Cuối cùng thì miền Bắc, được quân viện ào ạt của Nga và Trung Quốc đã thắng cuộc chiến ngày 30/04/1975 vì miền Nam không còn súng đạn và yểm trợ của Hoa Kỳ. Nhưng sau chiến tranh, thay vì “trả thù tắm máu” thì chính quyền cộng sản đã hủy họai cả tinh thần lẫn vật chất của người miền Nam.

Ngoài các trại tù lao động được ngụy trang bằng danh từ mỹ miều “học tập cải tạo” đã làm cho nhiều ngàn quân lính Việt Nam Cộng Hòa bị chết vì lao động cực nhọc, thiếu ăn và bị đầy đọa nơi rừng thiêng nước độc, vợ con lính và công chức Việt Nam Cộng Hòa còn bị đuổi ra khỏi thành phố đến các khu kinh tế mới không nước, không nhà, không lương thực.

Rồi trên 1 triệu người miền Nam, trong số có hàng ngàn tinh hoa trí thức, đã phải liều chết vượt biên, vượt biển đi tìm tự do. Bao nhiêu chục ngàn con dân nước Việt, kể cả phụ nữ, trẻ em và người gìa đã chết chìm, bị hải tặc hãm hiếp, cướp bóc, bị giết mất xác trên biển Biển Đông chỉ vì không sống nổi với “đạo quân giải phóng miền Bắc”.

Chắc tướng Võ Nguyên Giáp phải biết tất cả những chuyện đau lòng và tủi nhục này vì ông đã dự phần vào việc sọan thảo và bàn bạc chính sách của đảng.

Nhưng không ai biết tướng Giáp đã nghĩ gì về câu nói của thủ tướng Võ Văn Kiệt : “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” (Tuần báo Quốc Tế, 18/04/2005).

Ông Kiệt nói không sai vì đất nước sau ngày chiến tranh chấm dứt tuy đã có độc lập nhưng người dân chưa có tự do và dân chủ như ông Hồ Chí Minh từng ước ao “không gì qúy hơn độc lập tự do”. Đói nghèo đối với số rất đông trong 87 triệu người dân vẫn thường xuyên năm này qua năm khác. Những người lính của Quân đội Nhân Dân cầm súng theo lệnh tướng Giáp đã được hưởng gì trong hòa bình sau hai cuộc chiến hay vẫn nghèo xơ nghèo xác để thấy người dân hai miền Nam-Bắc vẫn tiếp tục “xa mặt cách lòng” hơn bao giờ hết ?

Và sau 38 năm thống nhất đất nước, chưa bao giờ những kẻ có chức có quyền lại được tự do hành dân và được tự do tham nhũng làm giầu như thời hậu 1975.

Trong khi ấy thì văn hoá dân tộc bị suy đồi, lịch sử giữ nước và dựng nước của tiền nhân bị quên lãng chạy đua song song với mức lên cao các loại tội ác và bất công trong xã hội.

Bên ngoài thì nguy cơ xâm lược đã đến gần. Tài nguyên và biển đảo của Tổ tiên đang mất dần vào tay Trung Quốc. Bên trong thì tài nguyên, vật lực của quốc gia đang chạy vào túi riêng của các nhóm lợi ích quant ham, lòng dân ly tán, mất tin tưởng vào lãnh đạo lên cao.

Chắc hẳn là khi còn khỏe mạnh và tỉnh táo trước ngày phải vào ở trong quân y viện 108 cách nay vài năm, tướng Giáp đã biết những thứ gì dân “cần” và dân “thiếu”, cũng như ông phải biết tại sao thế hệ thuộc hàng con cháu ông đang nắm quyền trong đảng và nhà nước đã có một thời không coi ông ra gì (1983-1984) và lại còn dám “bỏ ngoài tai” cả lời khuyên của ông bảo đừng để cho người Tầu Trung Quốc vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên.

Ông bảo họ rằng : “Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng” (thư gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 2009).

Giờ đây, sau 103 năm sống trên thế gian và 73 đi theo cộng sản, ông Võ Nguyên Giáp đã ra người thiên cổ, mang theo những tấm Huy Chương chói lòa trên ngực của một quân nhân nổi tiếng xuống lòng đất quê hương Qủang Bình nhưng những thắc mắc quanh ông vẫn còn ở lại với lịch sử.
Phạm Trần
Theo Thông Luận

Tầm nhìn văn hóa khi chọn nơi an nghỉ của Đại tướng

Ngoài lý do về phong thủy, tâm linh, người kiến tạo lịch sử, vị tướng lẫy lừng của thế giới - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã quyết định chọn vùng đất Vũng Chùa - Đảo Yến để "yên giấc ngàn thu", hẳn sẽ còn có cả nguyên nhân chiến lược về: Quốc phòng, kinh tế, chính trị và văn hóa.
Như chúng tôi đã trao đổi ở bài trước, Vũng Chùa - Đảo Yến nằm trong Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang. Hòn La đang là cảng biển sâu, vốn được xem lý tưởng vào loại bậc nhất nước ta. Là tiềm năng kinh tế biển, nhưng vì nhiều lý do, nơi đây vẫn chưa được đầu tư, phát triển xứng tầm.
Việc Đại tướng chọn "viên ngọc" thô này làm nơi an nghỉ, sẽ góp phần nào giúp địa phương kêu gọi đầu tư, cùng với Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế toàn khu Bắc Miền Trung vốn đang còn đói nghèo.
Để hiểu thêm về mảnh đất này, chúng tôi đã ghé thăm nhà một số vị cao niên ở xã Quảng Đông. Ông Cao Sỹ Điều, một người sinh ra và lớn lên ở đây cho biết: "60 năm gắn bó với vùng đất ni, tui biết rõ về nó lắm. Cái tên Vũng Chùa - Đảo Yến đã có từ lâu rồi. Khi còn bé, tui nhiều lần ra Đảo Yến. Chỗ ni có một cái hang rất to, chim yến sinh sống trong đó nhiều lắm. Đằng sau Vũng Chùa là núi. Phóng tầm mắt ra biển, Đảo Yến như một bức bình phong giữa biển. Người dân quê tui cũng thường hay ra đây, nhìn về đó chỉ thấy một đường cung giao giữa trời và đất, bao la nghìn trùng. Biển ở đây, vừa có độ sâu lý tưởng vừa có dải cát trải dài, nước sạch, trong xanh. Hồi trước, bà con quê tui sống bằng nghề thu hoạch Yến, nhưng giờ có Công ty Yến sào Khánh Hòa vô làm, dân lại quay sang nghề đánh bắt".

Ảnh do PV của ĐS&PL phác họa

Như đã biết, quê hương Lệ Thủy của Tướng Giáp - nơi có con sông Kiến Giang hiền hòa chảy qua - là một địa danh nằm cuối đất Quảng Bình từ Bắc vào Nam. Nên không phải ngẫu nhiên mà Người chọn Vũng Chùa – Đảo Yến, một điểm đầu cực bắc của tỉnh Quảng Bình để "nghỉ ngơi". Từ nay, người từ phía Bắc muốn vào thăm cụ thì sau khi qua Đèo Ngang rẽ vào phần mộ dâng hương, cũng sẽ đi tiếp đến tận phía Nam tỉnh Quảng Bình để tham qua Khu di tích nhà ở xưa của Đại tướng.
Và ngược lại, người từ phía Nam khi ghé ra thăm Khu nhà lưu niệm ở Lệ Thủy, cũng sẽ đi tiếp đến điểm đầu của Quảng Bình để thắp nén nhang lên mộ phần của Người. Với lộ trình như vậy, đất và người Quảng Bình sẽ nhộn nhịp hơn. Nó phàn nào thúc đẩy rất lớn việc phát triển các dịch vụ du lịch trên quê nhà – nơi vốn phải trải qua nhiều thiên tai tàn khốc và mưa đạn của quân thủ. Có biển Nhật Lệ, Có Phong Nha - Kẻ Bàng, Sơn Đòong, từ nay, mảnh đất nghèo này sẽ hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch.
Cùng với việc đón nhận mộ phần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong khu vực Hoàng Sơn - Hòn La sẽ sớm xây dựng một căn cứ quân đội (ít nhất là cấp sư đoàn) để bảo vệ vĩnh viễn lăng mộ cho Người. Có quân đội thường trực, sự trăn trở về an ninh, quốc phòng về cái điểm "tử huyệt" sẽ phần nào được hóa giải. Một ý nghĩa nữa, khi chọn lựa nơi này của Đại tướng có liên quan đến vấn đề biển Đông – nơi tình hình chính trị - quốc phòng chưa bao giờ được chúng ta lơ là, xem nhẹ. Lăng mộ của cụ có mặt trước hướng ra biển Đông. Nhưng do đặc thù của eo biển nên từ trên tọa độ 130 của đỉnh núi Rồng, phóng tầm mắt qua Đảo Yến là chính trực hướng Đông Nam, nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn đang có nhiều biến động.
Tọa lạc trên đỉnh núi Rồng (hay còn gọi là Thọ Sơn), Người như ngọn hải đăng tinh thần luôn sáng ngời để dẫn đường, nhắc nhở con cháu muôn đời sau phải có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của tổ quốc – nơi bọn ngoại xâm đang lăm le dòm ngó.
Ban đầu, theo dự kiến sẽ có 3 địa danh được các nhà khoa học, phong thủy cân nhắc để chọn an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quê nhà thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy; Phong Nha – Kẻ Bàng và Vũng Chùa – Đảo Yến. Nhưng phương án cuối cùng được lựa chọn vẫn phải là Vũng Chùa – Đảo Yến - nơi sinh thời, chính Đại tướng đã lựa chọn.
Khi biết thông tin Đại tướng sẽ an nghỉ tại núi Rồng, nhiều người dân quê nhà ở làng An Xá rất buồn, có đôi chút hụt hẫng. Rồi sau, khi biết đó là nguyện vọn cuối đời của Cụ và tâm nguyện của gia đình, mọi người đều toại nguyện, thể theo. Một người con làng An Xá phân tích: "Cụ Giáp là người đã có những quyết định mang tính lịch sử và đi đến thắng lợi. Nếu cụ đã chọn Vũng Chùa, chắc là có nguyên do đặc biệt của cụ rồi. Dẫu sao, cụ đã về được với quê hương là tốt lắm, không thể đòi hỏi hơn. Chúng tôi rất bằng lòng".
Còn những người dân Vũng Chùa – Đảo Yến ở xã Quảng Thọ (Quảng Trạch) lại rất xúc động và háo hức. Ông Phan Công, một người dân sống sát biển Vũng Chùa nói: "Tui và rất nhiều người dân quê tui khi biết tin này đều xúc động không cầm được nước mắt. Nếu đây là nơi an táng Đại tướng thì đối với người dân quê tôi, đó là một niềm tự hào lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, một người mà ai ai cũng kính trọng. Nếu Đại tướng về an nghĩ vĩnh hằng nơi đây, chúng tôi nguyện sẽ bảo vệ, chăm sóc mộ phần thật tốt".
Những ngày qua, rất nhiều danh xưng đã được dùng để nói về Người. Nhưng qua sự chọn lựa điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình, Đại tướng vẫn khiến cho không ít người phải thốt lên sự “tâm phục, khẩu phục”. Vũng Chùa, Đảo Yến, Hòn La, Mũi Rồng... và nhân dân Quảng Bình đã chính thức được đón Cụ về an nghỉ. Đây sẽ là chuyến về thăm và ở lại với quê hương vĩnh hằng của Người.
Theo quan sát của phóng viên, bãi biển Vũng Chùa - Đảo Yến, dân địa phương vẫn gọi là Bãi Rõ dài hơn 1km. Khung cảnh nơi đây tuyệt đẹp với bờ cát trắng mịn màng, quanh năm không có gió to và sóng lớn. Trong cái nắng nhè nhẹ của một ngày tháng 10, những con sóng xanh biếc vỗ vào bờ mơn man, như háo hức đón cụ về nơi đây. Những con sóng, những luồng gió mát từ biển xanh ấy, từ đây sẽ vỗ về giấc ngủ ngàn thu cho Người – Vị tướng tài hoa, niềm tự hào của cả dân tộc Việt.

Xuân Hồng - Loan Nguyễn
 (ĐS&PL)

Vũ Qúy Hạo Nhiên - Chuyện tướng Giáp và Điện Biên Phủ




1.

Có người chê chiến thắng Điện Biên là một cuộc “nướng quân” – nhất tướng công thành vạn cốt khô. Tớ không đồng ý với nhận định đấy.

Để so sánh, trong Hell in a Very Small Place của sử gia Bernard Fall, có một chi tiết là vì bi bao vây và mất đường tiếp tế, trong những ngày trước khi quân Việt Minh tràn vào, Pháp bị thiệt mạng mất 1,037 người trong những cuộc hành quân ra ngoài vành đai, mà chả được kết quả gì.

(Trước khi in sách, Bernard Fall có viết một bài báo, cũng khá nhiều chi tiết, các bác có thể đọc ở đây. Ông bảo: “By the time the battle started in earnest on March 13, 1954, the garrison already had suffered 1,037 casualties without any tangible result.”)

Vậy cái đó có kể là “nướng quân” không?


2.

Trận Điện Biên không phải thắng vì nướng quân. Bernard Fall và hầu hết mọi nhà phân tích khác đến sau ông (thí dụ), đều cho rằng Pháp thua vì Pháp không ngờ Việt Minh mang được pháo lên tới sườn núi, vậy mà họ đã làm được.

Quân số Việt Minh tại Điện Biên Phủ đông gấp nhiều lần quân Pháp. Đó là vì phía Việt Minh nhận định (đúng) rằng thắng Điện Biên là thắng tất cả, nên trong tay có bao nhiêu quân đem ra xài hết. (Tư duy đó không xa lắm so với Chủ thuyết Powell trong chiến tranh Kuwait là phe ta phải áp đảo phe địch thì mới đánh.)

Có rất nhiều người chết, bị thương, trong trận này, tất nhiên. Bên Pháp chết và bị thương ước lượng từ 6,700 tới 8,900 người. Bên Việt Minh chết và bị thương 13,000 người theo con số của VM và 23,000 theo ước tính của phía Pháp. Nếu tin vào con số của Pháp, tỷ lệ là 3:1.  Tỷ lệ này không phải là nặng, nhất là nếu so sánh với các trận đánh khác trong suốt 100 năm chống Pháp.

Trận Ba Đình khi Pháp tấn công lực lượng của Đinh Công Tráng, chẳng hạn, được sách Pháp ghi lại là hàng ngàn quân khởi nghĩa thiệt mạng, phía Pháp mất 19 người chết, 45 bị thương.

Trận Tuyên Quang, Lưu Vĩnh Phúc tấn công đồn Pháp, phe Pháp chết 50, bị thương 224, trong khi phía quân Cờ Đen và lính nhà Thanh chết tới 1000 và bị thương 2000. Và Cờ Đen thua.

Các trận đánh khác cũng chắc cỡ vậy, nhưng số liệu thì không rõ vì sử Việt không ghi số người khởi nghĩa bị giết. Thí vụ trong trận Phan Đình Phùng đánh Vụ Quang, sử Việt Nam ghi lại là giết 100 giặc Pháp, nhưng không ghi số thiệt mạng của phe nghĩa quân.

Với lịch sử như vậy, nên chuyện hy sinh ở Điện Biên Phủ, và những câu trả lời phỏng vấn của tướng Giáp kiểu “tôi không hối hận” phải nhìn dưới góc độ tinh thần của kháng chiến khi đó.

Thêm nữa, tất cả những binh lính, dân công này đều là người tình nguyện, không có nghĩa vụ quân sự, không có bắt lính quân dịch. Rất nhiều người trong số họ con nhà khá giả, có học (và cũng vì vậy nhiều người trong số họ sau đó là nạn nhân Cải cách ruộng đất). Tớ đồ rằng khá đông người trong số họ hiểu tinh thần Nguyễn Thái Học là “không thành công thì cũng thành nhân.”

Cho nên, chuyện hy sinh 3 đổi 1 không những không phải là con số chênh lệch lớn, mà là con số xưa này các trận nghĩa đánh Tây đều như vậy, và cũng là con số chính những người lính đó hiểu và chấp nhận.

Hoàn cảnh như thế, không thể gọi là chuyện “nướng quân” được.

3.

Nói chung thì dân trong nước đánh quân đội chiếm đóng thì bao giờ cũng sẵn sàng chết nhiều hơn, một bài học vẫn còn kéo dài tới thời Việt Nam xâm lăng Kampuchea, Liên Xô chiếm Afghanistan, Mỹ đánh Iraq.

4.

Trận Điện Biên cộng với chiến tranh Algeria ngay sau đó dẫn tới sự sụp đổ nền Đệ Tứ Cộng Hòa của Pháp và giúp đưa đến sự tan vỡ của hệ thống thuộc địa toàn cầu. Trận Điện Biên là trận đánh cuối cùng của cộng sản mà có chính nghĩa.

Thế nhưng sau Geneve nhiều chiến sĩ Điện Biên bị đày đọa, nhiều gia đình kháng chiến bị quy tội địa chủ (thí dụ), bị đấu tố trong Cải cách rượng đất, bị thanh trừng trong Vụ án Xét lại. Sau thống nhất, tướng Giáp bị đẩy ra bên ngoài quân đội, đưa đi làm một việc tuy quan trọng nhưng ngoài vòng quyền lực chính trị và chẳng liên quan gì đến kinh nghiệm của ông.

Cho nên cuộc cách mạng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên, đã bị đảng Cộng Sản của hôm nay phản bội từ lâu rồi. Ngay cả đến hình thức bên ngoài, đảng CSVN cũng còn chả giữ được; Đã từ lâu, ít nhất là trong hơn chục năm trở lại đây, mỗi năm lễ tưởng niệm chiến thắng Điện Biên chỉ diễn ra trong vòng các cựu chiến binh, không có đại thần triều đình, trừ tấn tuồng hời hợt “TBT đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”

Đảng Cộng sản Việt Nam của ngày hôm nay không phải là hậu duệ của chiến thắng Điện Biên. Năm tới kỷ niệm 60 năm Điện Biên các ông có tổ chức tưng bừng thế nào đi nữa cũng quá trễ và không đủ. Nói theo tiếng Mỹ là too little too late. Nói theo tiếng Teen là có một sự vơ vào nặng.

Vũ Qúy Hạo Nhiên
(Blog Vũ Qúy Hạo Nhiên

Trận chiến tranh giành di sản chính trị của tướng Giáp

Chính quyền Việt Nam đã quyết định tổ chức lễ Quốc tang một cách trọng thể cho tướng Võ Nguyên Giáp trong hai ngày 12 và 13/10, với sự hiện diện của các lãnh đạo cao cấp nhất. Đọc qua những bài viết ca ngợi tướng Giáp hết lời trên báo chí chính thức những ngày qua, Hà Nội có vẻ như muốn biến vị cố Đại tướng này thành một biểu tượng mới của chế độ Cộng sản, mà không nhắc đến những lời chỉ trích của ông Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời.
Trước đây, chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc có nhắn lại là sau khi ông qua đời nên hỏa thiêu ông, rồi lấy tro rải khắp ba miền đất nước. Thế nhưng, giới lãnh đạo Hà Nội đã không làm theo ý nguyện của người quá cố, ướp xác ông và quàn trong lăng ở quảng trường Ba Đình, để mọi người đến viếng, bắt chước lăng Lênin của đàn anh Liên Xô.
Tướng Giáp thì sẽ được chôn cất tại một nơi tương đối hẻo lánh, cụ thể là Vũng Chùa - Đảo Yến ở tỉnh Quảng Bình, đúng theo ý nguyện của ông. Có lẽ cố Đại tướng không muốn yên giấc ngàn thu cùng chỗ với những người đã từng trù dập ông, trong đó có Lê Duẩn.
TƯớng Giáp trong một cuộc phỏng vấn của tuyền thông tại Hà Nội ngày 30/3/2004.

Thế nhưng, theo nhận định của giáo sư Jonathan London, thuộc đại học City University of Hong Kong, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, giới lãnh đạo Hà Nội đang muốn biến tướng Giáp thành « một biểu tượng cho tính chính đáng không thể bác bỏ của Đảng Cộng sản ». Nhưng ông Jonathan London nhắc lại rằng tướng Giáp đã rất bất bình với ban lãnh đạo hiện nay và ông đã chỉ trích ngày càng mạnh ban lãnh đạo này về cung cách quản lý kinh tế, cũng như về các vụ tai tiếng tham nhũng. Theo giáo sư London, cái chết của tướng Giáp là một thời điểm có tính chất quyết định của lịch sử Việt Nam, mở đường cho một trận chiến mới : Trận chiến tranh giành di sản chính trị của ông.
Hãng tin AFP cũng trích lời bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà bất đồng chính kiến đã từng bị giam nhiều năm, nhận định rằng : « Đảng có thể tiếp tục hưởng lợi từ những cố lãnh tụ như Hồ Chí Minh hoặc tướng Giáp trong nhiều năm nữa. Họ đã mất đi một huyền thoại sống, nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì họ không dựa trên cuộc sống của tướng Giáp, mà là trên hình ảnh của ông ».
Cho dù tướng Giáp là một người Cộng sản trung thành với lý tưởng cho đến hơi thở cuối cùng, những lời chỉ trích của ông về nạn tham nhũng và về các dự án công nghiệp gây tranh cãi như dự án bauxite Tây Nguyên coi như là một sự yểm trợ gián tiếp cho giới đối lập, theo nhận xét của bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Như lời tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh, « tướng Giáp qua đời, các nhân sĩ trí thức Việt Nam đã mất đi một người anh cả ». Tướng Vĩnh sợ rằng kể từ nay sẽ khó có ai can đảm lên tiếng ở Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam cũng cho rằng, tướng Giáp là một nhân vật không ai dám đụng đến và cho tới nay, coi như ông là chiếc ô dù che chở cho những ai bày tỏ chính kiến về những chủ đề nhạy cảm, như quan hệ Việt-Trung. Theo ông Carl Thayer, các lãnh đạo Việt Nam sẽ tìm cách che giấu những khía cạnh gây tranh cãi trong cuộc đời của tướng Giáp, kể cả những đấu đá nội bộ.
Hãng tin AFP trích lời một nữ blogger nổi tiếng ở Việt Nam cho rằng những đấu đá nội bộ giữa các nhóm đặc quyền, đặc lợì là những gì còn sót lại từ một đảng đã từ bỏ mọi ý thức hệ. Đối với blogger này, « người Cộng sản chân chính cuối cùng đã chết ».
(RFI)

Có hay không đối lập ở Việt Nam?

Ngày 4/10/2013 – Giới quan chức đảng và nhà nước vẫn có thể tạm ung dung thêm một thời gian nữa, bằng vào thực tồn gần như chưa hình thành một lực lượng đối lập nào ở Việt Nam.

Ngược lại, giới hoạt động dân chủ trong nước và cả hải ngoại lại có vẻ đang bỏ lỡ một cơ hội chưa từng có để làm nên một cái gì đó có tính “đối trọng chính trị”, đặc biệt sau khi tín hiệu “xoay trục” sang phương Tây đã phát ra bởi chuyến đi Hoa Kỳ của người đứng đầu nhà nước là ông Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013, sau đó là đợt công du Paris của người điều hành chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Cần nhắc lại, văn bản có tên “Kiến nghị 72” của một nhóm nhân sĩ, trí thức bất đồng tại Việt Nam vào đầu năm 2013 đã cùng lúc dẫn tới hai chủ đề nóng bỏng mà hệ thống truyền thông của Đảng bắt buộc phải tương tác: có cần bỏ điều 4 hiến pháp về độc đảng hay không; và liệu đã hình thành một lực lượng đối lập ở Việt Nam hay chưa.

Một số người hoạt động dân chủ nhiệt tình nhất đã cố chứng minh sự hiện diện một thế lực đối lập với chính thể, thông qua 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào năm 2011 và hoạt động thông tin đa nguyên đa đảng của giới truyền thông xã hội từ đó tới nay.


Nhưng lại có một sự khác biệt rất cơ bản trong não trạng của giới trí thức được xem là gần gũi với Đảng. Trong cuộc trao đổi với đài BBC Việt ngữ ngày 26/4/2013, ông Nguyễn Đình Tấn – một giáo sư thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, bày tỏ cách nhìn: “Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có”.

Suy nghĩ của ông Tấn chắc chắn mang tính đại diện cho một số không nhỏ trí thức trong hệ thống nhà nước – những người mà cho tới nay vẫn chưa tìm thấy lý do tồn tại nào khác ngoài mối liên hệ “còn đảng còn mình”.

Đối lập: có hay không?

Giáo sư Nguyễn Đình Tấn đã có lý, vì khách quan mà xét, câu trả lời là “Không”, cho đến thời điểm này.

Ngay cả đề xuất thành lập đảng Dân chủ Xã hội củaluật gia Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn vào tháng 8/2013, mà suýt chút nữa đã “thành công”, cũng dường như không tạo ra một ấn tượng đủ lớn đối với đảng cầm quyền về một đối trọng chính trị nào đó.

Trong thực tế, một đối thủ chính trị đúng nghĩa phải bao hàm ít nhất bốn yếu tố: cương lĩnh, nhân lực, tài lực và sức ảnh hưởng trong dân chúng. Hoặc tối thiểu, đối thủ chính trị phải thể hiện bằng một tổ chức nào đó, dù là “hữu danh vô thực”.

Về mặt tổ chức, trước đây đã có hai đảng ngoài đảng Cộng sản là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Tuy nhiên đến năm 1988 cả hai đảng này đều rút lui, và từ đó đến nay đã không tồn tại một đảng phái nào khác ngoài đảng Cộng sản. Do vậy, có thể xác định là đến thời điểm này, vẫn chưa có một đối thủ chính trị nào đối với đảng Cộng sản. Do vậy đánh giá của ông Nguyễn Đình Tấn về “Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ” là hoàn toàn đúng, nếu chỉ xét về mặt hình thức.

Tuy nhiên nếu xét về lòng dân, thực chất nội dung trong lòng xã hội và cả trong lòng chế độ lại khác rất nhiều hình ảnh tưởng như nhất quán bên ngoài. Khác hẳn với hoàn cảnh chế độ được “dân tin, dân yêu” vào năm 1988, tình cảnh hiện thời đang mô tả cho một cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng thấy của đại đa số dân chúng đối với hầu như toàn bộ hệ thống đảng và chính quyền các cấp.

Nếu đảng Cộng sản đủ can đảm chấp nhận tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý công khai và minh bạch về chủ đề đảng phái độc lập, rất nhiều khả năng sẽ có ngay một số tổ chức đảng ngoài đảng Cộng sản ra đời ngay vào thời điểm này.

Việc hình thành tổ chức và cương lĩnh ban đầu, kể cả hậu cần tài chính là không quá khó khăn đối với các nhóm chính trị độc lập, vấn đề còn lại là họ có tạo dựng được lực lượng và tạo được sức lan tỏa từ hoạt động của mình đối với quần chúng nhân dân hay không mà thôi.

Trước đây, người ta nhìn thấy hoạt động của vài ba nhóm dân chủ như Khối 8406 hay Bauxite Việt Nam. Nhưng trong thực tế, hoàn toàn chưa có một phong trào thống nhất về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Chỉ có nhóm “Kiến nghị 72” mới nên được xem là điểm khởi đầu có tính tập hợp khá rộng rãi, tuy nội dung tranh đấu vẫn còn khá hạn hẹp.

Hiện thời, hoạt động dân chủ đa phần mang tính tự phát, với các cá nhân rời rạc, manh mún về tổ chức và phân tán tại các địa phương, chưa có được sự kết nối giữa những thành phố chính như Hà Nội và Sài Gòn, giữa hai thành phố chính này với một số địa phương khác như Đà Nẵng, Nghệ An, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ… Cũng gần như chưa có mối liên kết giữa các nhóm dân chủ người Việt ở hải ngoại với các nhóm dân chủ trong nước.

Do vậy có thể vẫn còn khá sớm để hình thành một chính đảng đối lập, cho dù đó là nhu cầu của không ít nhân sĩ, trí thức và cả giai tầng công nông. Bởi điều quan trọng nhất đối với chính đảng không phải là tên gọi hay một cái gì đó hữu danh, mà là hiệu quả vận hành thực tế của nó, ảnh hưởng của nó đối với các giai tầng dân chúng chủ chốt như nông dân, công nhân, tiểu thương, kể cả đối với tín đồ tôn giáo.

Trong điều kiện còn quá mong manh về lực lượng, việc đẻ non chính đảng sẽ có thể lợi bất cập hại, thế mong manh về tính hiệu quả sẽ dẫn đến hụt hẫng về lòng tin của dân chúng, chưa kể phải tiếp nhận nhiều khó khăn từ tác động ngăn cản của đảng cầm quyền.

Hai kịch bản chuyển hóa

Một cách khách quan, hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam chỉ mới đang ở bước đi đầu tiên, nằm trong giai đoạn đầu tiên của thời kỳ quá độ trước khi tiến tới một sự hoàn chỉnh nào đó, chẳng hạn như mô hình xã hội dân sự ở Việt Nam.

Thông thường, kịch bản loại trừ nhau chỉ xảy ra trong điều kiện xã hội đã hình thành một lực lượng đối lập và tiến tới đối kháng đủ mạnh để có thể nhắm tới mục tiêu thay thế chính thể đương nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước suy sụp và khủng hoảng xã hội nổ ra. Hiện tượng “Mùa xuân Ả rập” tại một số nước Bắc Phi là một minh chứng gần gũi nhất.

Tuy vậy điều kiện của xã hội Việt Nam lại không giống như các nước Bắc Phi hay trường hợp lực lượng nổi dậy ở Syria, mà cho tới nay vẫn chưa hình thành một lực lượng đối trọng nào có tiếng nói đủ lớn, cho dù đã xuất hiện nhiều dấu hiệu về suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội. Do vậy, trong ít nhất 3-4 năm tới sẽ rất khó có khả năng xảy ra kịch bản đối đầu trực tiếp nhằm loại trừ lẫn nhau.

Thay vào đó, một kịch bản “mềm” có thể dễ hình dung hơn nhiều là sẽ xuất hiện những tổ chức dân sự, có thể cả những kết nối để hình thành những phong trào phản biện xã hội trong 3-4 năm tới, tạo nên một số thành tố đầu tiên của mô hình xã hội dân sự tại Việt Nam. Mà mục tiêu của xã hội dân sự không phải là tìm cách thay thế hay lật đổ nhà nước, mà chỉ tác động để nhà nước nên hoặc phải thay đổi những chính sách, con người và việc thực thi chính sách bất hợp lý, gây bất công xã hội hoặc khiến công phẫn trong dân chúng. Do vậy so với đảng phái chính trị, xã hội dân sự sẽ thu hút rộng rãi hơn các thành phần tham gia.

Cũng trong kịch bản “mềm”, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều phản ứng về tư tưởng dẫn đến hành động của ngày càng đông những cán bộ lão thành, đảng viên về hưu và cả một bộ phận công chức, viên chức đương nhiệm đối với chính thể, dẫn đến sự phân hóa tư tưởng và phân hóa nội bộ ngày càng trầm trọng.

Một số đánh giá mang tính ước đoán cho biết hiện thời trong nội bộ có ba nhóm quan điểm chính. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 30% trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước, bao gồm cả quan chức, được xem là nhóm “trung thành” và có quyền lợi thiết thân với chức vụ và các đặc quyền trong hệ thống. Ngược lại, nhóm thứ hai có khoảng 20% trí thức trong các cơ quan nhà nước, không phải đảng viên hoặc vẫn là đảng viên, nhưng có tư tưởng cấp tiến, muốn thay đổi, song chưa có điều kiện để thể hiện quan điểm và hành động của họ. Nằm giữa hai khuynh hướng vừa đề cập là nhóm thứ ba với khoảng 50% trí thức trong đảng và nhà nước- những người không gắn bó đặc biệt với quyền lợi và chức vụ, mang quan điểm trung dung.

Nếu thực tế gần đúng với những tỷ lệ trên thì một xã hội dân sự được tổ chức tốt sẽ có thể thu hút đến ít nhất phân nửa số trí thức đang làm việc cho hệ thống của đảng và nhà nước.

Kịch bản Miến Điện?

Trong những năm tới, sự chuyển hóa của nền chính trị Việt Nam rất nhiều khả năng sẽ chịu tác động về dân chủ và nhân quyền của quốc tế, sức ép của các nhóm và phong trào phản biện trong nước, và từ chính trong nội bộ. Do vậy, kịch bản chuyển hóa chính trị ở Việt Nam có khả năng sẽ là quá trình ma sát liên tục, bắt đầu từ dạng ma sát thô giữa các lực lượng chính trị mới và lực lượng chính trị cũ. Xu hướng dân chủ có thể sẽ dần hình thành ngay trong nội bộ đảng, được tác động bởi một nhóm người được xem là “cải cách”, “cấp tiến” hay đơn giản là chỉ muốn thay đổi vì những động cơ cá nhân nào đó. Cũng có một xác suất nhỏ trong 3-4 năm tới là nhóm người này sẽ tạo được ảnh hưởng mang tính quyết định và làm thay đổi hẳn cục diện chính trị đất nước.

Nếu khả quan, đến một thời điểm nào đó, ma sát thô sẽ chuyển thành ma sát tinh, và những “người cũ” sẽ tìm thấy một mối giao cảm nào đó với những “người mới”, và ngược lại.

Đặc biệt, nếu phong trào dân sự có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và những nhà nước nhân quyền ở Hoa Kỳ và Tây Âu, xác suất thành công của nó sẽ có triển vọng hơn hẳn.

Ai đó có thể cho cái cách như thế là “diễn biến hòa bình”, nhưng cứ nhìn vào tình cảnh hỗn loạn ở Syria và Ai Cập thì có lẽ chẳng chính khách Việt Nam nào muốn đất nước rơi vào cảnh đổ máu để không ai còn chốn nương thân.

Hiện nay, người ta đang bàn tán rất nhiều về những kinh nghiệm mà giới chính trị Miến Điện đã tích lũy được. Rõ ràng, Tổng thống Thein Sein và nhóm lợi ích chính trị của ông đã thành công trong việc tránh khỏi một cuộc đổ máu vô ích cùng nền kinh tế suy sụp.

Nếu giới chính khách Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ của phương Tây như Miến Điện và do đó có thể tạm phục hồi nền kinh tế, dân chủ cũng từ đó có triển vọng rõ rệt hơn, đặc biệt là đất nước tránh khỏi một cuộc đối đầu quyết liệt giữa dân chúng bất mãn và phẫn uất đối với nhiều chính quyền địa phương và cả với chính quyền trung ương…, thì đó sẽ là kịch bản tối ưu cho tương lai dân tộc.
Phạm Chí Dũng - Asiasentinel

Nguyễn Vĩnh Nguyên - Những khoảng trống giá trị

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ sáu, ngày 11 tháng mười năm 2013

Những huyền thoại thời chiến lần lượt ra đi. Những anh hùng của thời đổi mới cũng lần lượt ra đi. Điều mất mát lớn lao nhất của cộng đồng, không dừng lại ở sự vắng mặt của những con người, những cá nhân có công trạng trong những giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó, mà là sự khủng hoảng những biểu tượng các giá trị tốt đẹp, bền vững, có tính hướng đạo.
Dòng người đổ về Hà Nội, Quảng Bình trong những ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp không khỏi làm chúng ta liên tưởng đến một sự kiện khác, cách đây tròn năm năm, đó là đám tang của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngày ấy, người dân khắp nơi cũng đổ về Sài Gòn với một tâm trạng thành kính như vậy. Trong dòng nước mắt đau thương mất mát, có cả sự hàm ơn, sự xác tín vào những giá trị mà nhân cách người đã khuất đem lại cho cộng đồng.
Có lẽ, cách tưởng niệm âm thầm mà cảm nhận sự mất mát đau đớn nhất là giới trí thức. Khi đây là thành phần nhận thức rõ nhất nguyên lý tác động của sự hiện diện những cá nhân kiệt xuất, sự nêu gương của những biểu tượng anh hùng nhân dân thực thụ lên một xã hội đang đứng trước sự đảo lộn các giá trị. Khi đây cũng chính là thành phần nhận ra rằng, những giá trị, lý tưởng tốt đẹp về quốc dân đang mai một dần trong cuộc khủng hoảng lớn “có tính hệ thống”. Khi đây cũng là thành phần nhận ra sâu sắc nhất cái khoảng trống vắng, hoang mang trong tâm thức xã hội đang lớn dần, vì những huyền thoại sống trong đời thực đã không còn hiện hữu.

giá trị, Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt
Ảnh: Phạm Hải
Và cũng chính họ, giới trí thức, nhìn thấy được một toàn cảnh đáng ngại: xã hội chưa kịp sinh ra những chân dung lớn của thời bình trong khi các biểu tượng làm nên tầm vóc dân tộc, đất nước của thời chiến đã bỏ chúng ta ra đi.

Sau những ngày quốc tang Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người ta nói nhiều đến công trạng của ông trong việc cởi mở, đón nhận và tập hợp trí thức không phân biệt lý lịch, để cùng lo cho công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế trong những tháng năm đầu của thời bình và đổi mới. Trong những ngày này, nhiều trí thức trong ngành giáo dục, khoa học cũng nhắc lại câu chuyện trong những năm tháng cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với họ trăn trở ưu tư về phát triển đội ngũ trí thức làm khoa học, nhìn thấy chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc gia, lên tiếng đấu tranh vì một nền giáo dục lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của đất nước...

Những câu chuyện đó thường được kể lại với những đoạn kết có gì đó chưa thật trọn vẹn, hay có khi, là kèm theo sự nuối tiếc, băn khoăn. Chúng vẫn được kể lại như những lời nhắc nhở, thức tỉnh đầy thống thiết về trách nhiệm của những đầy tớ nhân dân về sự an nguy đất nước, sinh mệnh dân tộc trong một cuộc thế mới, đầy vận hội nhưng cũng lắm thử thách.

Đừng để những khoảng trống mãi là những khoảng trống.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
  (SGTT)

David Brown - Tướng Võ Nguyên Giáp ra đi

Một anh lính già lu mờ dần đi
Anh lính già trở nên mờ nhạt đi, không còn là anh hùng trong con mắt chính quyền đất nước của mình

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất đi hơn 24 giờ trước khi sự kiện dự kiến xảy ra từ lâu này được các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận. Cho đến trước 19:00, giờ Hà Nội, ngày 5 tháng 10, một “thông báo đặc biệt” trên tờ Nhân Dân, tiếng nói của đảng cầm quyền, mới báo cho bạn đọc biết rằng ông Giáp đã qua đời và sẽ được tổ chức quốc tang vào ngày 12 và 13.

Vào thời điểm đó, tin tức về cái chết của nhân vật huyền thoại của Việt Nam từng chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ đã lan nhanh trên toàn thế giới, đầu tiên là báo mạng của những người bất đồng chính kiến và sau đó là các đại diện báo chí quốc tế tại Việt Nam.

Như những nhà tiên tri mà Chúa Giêsu nói tới (Luke 4:24 , chẳng hạn), trong mắt của giới cầm quyền trong đất nước của mình, người anh hùng Điện Biên Phủ 102 tuổi không còn nhiều lắm vẻ của một anh hùng.

Các cáo phó của báo chí thế giới đều nhắm vào mối liên hệ chặt chẽ của tướng Giáp với Hồ Chí Minh và vai trò của ông như là kiến trúc sư của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và của cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 mà, với cái giá đáng kinh ngạc về mạng sống binh sĩ, đã làm dư luận Hoa Kỳ quay lại quyết liệt chống “Chiến tranh Việt Nam” của Mỹ.

Nhiều cáo phó toát lên vị mốc meo của lời văn chuẩn bị sẵn và ‘đóng hộp’ từ lâu. Thật vậy, cáo phó của Judy Stowe trên tờ Independent (Anh) (một bài khá tốt hơn trung bình) đã phải được viết ra trước khi bà chết cách đây sáu năm.

Các cáo phó trên báo chí quốc tế đều không giải thích lý do tại sao, dù đã có nhiều năm nghĩ đến điều đó, chế độ Hà Nội vẫn không chắc liệu họ nên tổ chức quốc tang cho tướng Giáp hay không. Và cũng thế, những cáo phó ấy rất hiếm lưu ý rằng vào những năm quyết định của cuộc “chiến tranh chống Mỹ,” cả Hồ Chí Minh lẫn Tướng Giáp đều đã bị đẩy ra bên lề bởi một thế hệ những nhà cách mạng trẻ hơn và thậm chí tàn nhẫn hơn, mặc dù sự kiện đó được xác nhận do một số học giả phương Tây từng được phép lục lọi trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia trong những năm gần đây.

Từ lâu nay, Tướng Giáp không còn được ưa chuộng với những người kế nhiệm ông trong Bộ Chính trị. Một lý do quan trọng là vì lòng yêu mến dai dẳng của ông trong quân đội khiến ông trở thành tiêu điểm hiển nhiên cho các phe nhóm hy vọng sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong chế độ. Trong chừng mực được biết, Tướng Giáp không bao giờ khuyến khích âm mưu như vậy. Tuy nhiên, về sau này từ vị trí an toàn lúc về hưu ông đã lên tiếng phê bình các xu hướng làm ông lo lắng.

Nhà quan sát Hà Nội nổi bật GS Carl Thayer tin rằng Tướng Giáp có thể sẽ được nhớ đến nhiều nhất tại Việt Nam vì những “can thiệp của ông bằng các thư gửi đến lãnh đạo cấp cao trong những năm cuối cùng, chỉ trích gay gắt vai trò của tình báo quân đội trong việc cung cấp thông tin có thể được sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến và cũng biện luận rằng đảng cần phải cởi mở và các thủ tục trong đảng cần phải dân chủ hơn”. GS Thayer tiếp tục: “Ông sẽ được coi như một quan chức đã về hưu vẫn còn có thể đưa ra lời khuyên một cách bình thản mà không thể lấy bất cứ lợi riêng bởi vì cái chết đang đối mặt ông, và điều đó sẽ được xem như là hành động đầy trách nhiệm và đạo đức theo văn hóa Việt Nam”.

Người tướng già này cũng góp uy tín của mình cho một làn sóng phản kháng nổ ra trong năm 2009 đối với một dự án quy mô lớn khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên. Trong một bức thư gửi cho các lãnh đạo chế độ, Tướng Giáp đã cân nhắc về những thiệt hại có thể có về môi trường và các nguy cơ về an ninh mà ông nhận ra qua việc cho phép các nhà thầu Trung Quốc gần như tự do nắm giữ việc phát triển dự án này trong một khu vực biên giới rất nhạy cảm.

Ở Việt Nam, theo quy tắc quốc tang là dành cho các quan chức đã từng là Tổng bí thư của Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Tướng Giáp chưa từng giữ bất kỳ một trong các chức danh này, vì vậy chắc hẳn cần thiết triệu tập Bộ Chính trị để tính toán việc tổ chức quốc tang một cách ngoại lệ. Nhưng, bây giờ vị tướng vĩ đại đã chết, tại sao chế độ phải gánh lấy khó khăn quyết định cho ông một lễ tiễn đưa lớn? Rất có thể đó là vì đám tang của tướng Giáp có thể không là một sự kiện hoàn toàn kiểm soát được. Ông được người dân yêu thương chân thật. Họ đau buồn việc ông qua đời hơn rất nhiều so với cái chết của bất kỳ ai trong của nhóm các lãnh đạo đương nhiệm. Dễ dự đoán thêm là những người bất đồng chính kiến sẽ lèo lái làn sóng tình cảm này, tìm cách làm cho nó thành một phương tiện chuyển tải nỗi thất vọng của họ với các chính sách hiện hành.

David Brown
Huỳnh Phan dịch

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ chuyên về Đông Nam Á và đặc biệt là về Việt Nam.



Nguồn: The Passing of General Vo Nguyen Giap - David Brown - Asia Sentinel.

Việt Nam có hai tân phó thủ tướng?

Hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

Tin cho hay hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được lựa chọn vào vị trí phó thủ tướng chính phủ, nhưng việc bổ nhiệm sẽ còn phải thông qua Quốc hội.

Nguồn tin của BBC cho biết quyết định trên được đưa ra trong Hội nghị Trung ương 8 vừa họp tại Hà Nội từ 30/9-9/10 và đã được Bộ Chính trị chấp thuận.

Việc bổ nhiệm hai ông Minh và Đam sẽ được trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp lần thứ sáu khai mạc vào ngày 21/10.

Khả năng Quốc hội phê chuẩn chức vụ cho hai ông được cho là gần như chắc chắn.

Ông Phạm Bình Minh sẽ kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, giống như hai người tiền nhiệm là Nguyễn Mạnh Cầm và Phạm Gia Khiêm.

Tuy nhiên ông vẫn chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Như vậy, sau khi hai ông Minh và Đam được phê chuẩn, Chính phủ Việt Nam sẽ có 5 phó thủ tướng là Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh.
Gia đình cách mạng
Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959, là con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Ông Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998), tên thật là Phạm Văn Cương, cũng từng giữ cương vị phó thủ tướng, lúc đó gọi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Là ủy viên Bộ Chính trị (1986–1991), ông được biết như một người có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Ông Thạch bị ra khỏi Bộ Chính trị và cũng mất chức bộ trưởng ngoại giao trong quá trình Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Ông Phạm Bình Minh làm ủy viên Trung ương từ năm 2009 và làm Bộ trưởng Ngoại giao từ 2011.

Ông Vũ Đức Đam, sinh năm 1963, là bộ trưởng trẻ nhất trong nội các của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông hiện đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Đam từng tu học tại Bỉ, có bằng Tiến sĩ Kinh tế.

Đây là nhân vật được cho là thăng tiến rất nhanh trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
(BBC)

Chính phủ thề sẽ không bảo lãnh nợ cho Vinashin

Chiều nay (10/10), tập đoàn cùng đơn vị tư vấn điện đàm với các chủ nợ trên thế giới về việc phát hành trái phiếu tái cơ cấu cho khoản vay 600 triệu USD trước đây.

Thông tin nêu trên được Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Nguyễn Ngọc Sự xác nhận với VnExpress.net. Theo đó, chiều 10/10, tập đoàn và Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) sẽ cùng các bên tư vấn điện đàm để ký phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu được Chính phủ bảo lãnh để tái cơ cấu khoản vay 600 triệu USD.

"8h tối nay tập đoàn sẽ chính thức công bố sự kiện này. Chứng chỉ lưu ký sẽ được niêm yết tại Singapore", ông Sự nói.

Vinashin sẽ công bố việc đàm phán xong khoản nợ 600 triệu USD vào tối nay. Ảnh: AFP

Tháng 3, Vinashin đã nhận được sự chấp thuận của đa số trái chủ về kế hoạch hoán đổi khoản vay 600 triệu USD kèm theo lãi thành 623 triệu USD trái phiếu, với kỳ hạn 12 năm, lãi suất đơn 1% một năm và được Bộ Tài chính bảo lãnh.

Trước đó, năm 2007, Vinashin đã phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế với thời hạn 8 năm để đầu tư cho các dự án của tập đoàn. Tuy nhiên, đến năm 2010 khi phải trả khoản tiền đầu tiên 60 triệu USD, ông lớn này tuyên bố không đủ khả năng tài chính để trả nợ khiến Chính phủ phải vào cuộc để tái cơ cấu.

Mới đây, Vinashin cũng được 18 tổ chức tín dụng trong nước tái cơ cấu cho khoản nợ trị giá 11.000 tỷ đồng dưới dạng phát hành trái phiếu. Ông Sự nhận định việc tái cơ cấu thành công các khoản nợ trong và ngoài nước cho phép Vinashin cải thiện được tình hình tài chính.

Tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 10, lãnh đạo Vinashin khẳng định trong năm 2013 tập đoàn sẽ tái cơ cấu xong nợ.

Phương Linh
  (VnExpress)

* DHK- Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả không phản ảnh quan điểm hay lập trường của DHK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét