Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Bài đáng chú ý: Đảng vẫn để Đại Tướng sống thêm

Nỗi băn khoăn của Đại tướng Giáp



Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã qua đời tại Hà Nội chiều ngày 4/10, thọ 102 tuổi.

Trong buổi phỏng vấn ngày 5/10, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể về những điều mà ông và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trao đổi trong những lần gặp gỡ hiếm hoi.

BBC: Ông có thể chia sẻ cảm nhận khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đối với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là một tổn thất lớn cho nhân dân nước tôi. Tôi vô cùng xúc động và bàng hoàng khi nghe tin đại tướng qua đời.

BBC: Điều gì làm cho ông nhớ nhất về Tướng Giáp?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Nhiều điều lắm, nói không xuể. Trước kia tôi cũng là quân nhân, nhưng từ năm 1960 thì tôi được điều ra khỏi quân đội để đi làm việc khác nên tôi cũng ít có dịp gần với đại tướng.

Chỉ khi đại tướng và tôi đã nghỉ hưu thì tôi có đến thăm đại tướng mấy lần. Đó là những lần hiếm hoi mà tôi và đại tướng gặp nhau, và chúng tôi nói chuyện với nhau rất thân tình.

Khi biết tôi sắp đến, lần nào ông cũng mặc quân phục chỉnh tề rồi mới xuống phòng khách tiếp tôi. Sau này tôi có đến thăm đại tướng mấy lần nữa, nhưng phong thái của đại tướng vẫn như thế.

Một đồng chí cấp trên tiếng tăm như thế mà tiếp một người bình thường như tôi, lúc bấy giờ đã nghỉ hưu và cấp bậc chỉ ngang với một thứ trưởng, như thế, thì đó là một phong thái khiến tôi cảm kích.

Điều băn khoăn nhất

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

BBC: Trong những lần gặp hiếm hoi đó, hai người thường trao đổi về những vấn đề gì ạ?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Trao đổi về tình hình đất nước. Về những vấn đề mà chúng tôi cùng quan tâm và có lẽ cũng hợp ý với nhau, như vấn đề không nên phá hội trường Ba Đình, không nên khai thác bauxite Tây Nguyên, hay việc sát nhập cả tỉnh Hà Đông vào Hà Nội để mở rộng. Đó là những điều ̣Đại tướng không đồng ý.

BBC: Điều gì về tình hình đất nước khiến ông Giáp băn khoăn nhất, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đại tướng băn khoăn về tình hình đất nước sao mà chậm phát triển đến thế. Đáng lẽ ra sau khi chiến thắng rồi, phải phát triển mạnh hơn chứ?

Các nước cùng trình độ, người ta tiến rất xa rồi mà đất nước ta lại tụt hậu. Đó là những điều đại tướng băn khoăn nhất.

BBC: Khi những kiến nghị của Tướng Giáp lên chính phủ không được tiếp nhận thì ông đón nhận điều này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đại tướng tỏ thái độ bình tĩnh như xưa nay thế thôi.

Ngay cả khi người ta đưa đại tướng phụ trách về sinh đẻ có kế hoạch thì đại tướng vẫn làm công việc với tinh thần trách nhiệm cao, với thái độ rất bình tĩnh, không hề tỏ ra bất mãn.

BBC:Tướng Giáp từng có một câu nói rất nổi tiếng rằng "từ 'lo sợ' không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do". Việt Nam đã có được độc lập, tự do trọn vẹn mà ông Giáp hằng mong chưa, theo ông?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi nói vắn tắt thế này: Bây giờ kinh tế thì sa sút lắm rồi. Hiện thời thì bị Bắc Kinh khống chế, phần nào lệ thuộc vào người láng giềng phương Bắc. Đây là điều làm tôi rất bất bình.

BBC:Những ngày qua báo chí nước ngoài đã viết rất nhiều về Tướng Giáp. Có ý kiến nói ông là một nhà quân sự tài ba, nhưng cũng có ý kiến nói ông thành công vì chấp nhận tổn thất quá lớn, điều mà đối thủ của ông không chấp nhận được. Ông nghĩ sao về hai luồng ý kiến này?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Rõ ràng là người ta đem chiến tranh đến cho đất nước chúng tôi chứ không phải ông Giáp gây chiến tranh. Pháp đến muốn đô hộ chúng tôi thì phải đánh, mà họ có lực lượng quân sự rất to lớn, Mỹ cũng thế thôi.

Một nước còn kém về các phương tiện vũ khí thì tự nhiên phải có tổn thất thôi. Chiến tranh tất nhiên phải có tổn thất, phía nào có vũ khí phương tiện tốt hơn thì có thể sát thương đối phương tốt hơn.

Nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ đi độc lập tự do. Không phải do chúng tôi gây ra chiến tranh mà do người ta mang chiến tranh đến cho chúng tôi, buộc chúng tôi phải chống lại. (BBC) 

Ngô Minh - Vì sao tôi viết " Tướng Giáp trong tôi"?

Tướng Giáp trong tôi là cuốn truyện ký tôi viết riêng về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người anh cả của Quân dội nhân dân Việt Nam, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 6/2013. Từ năm 1995, sau Đaị hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V, tôi bắt đầu viết hàng chục bài về Đại tướng. Khi thì một truyện lý, ghi chép, khi thì bài thơ, hay bài giới thiệu trường ca đầu tiên về Tướng Giáp của Hoàng Bình Trọng, bài bình về hai câu thơ cách tân của nhà thơ Bút Tre :Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên / Giáp ta thắng trận Điên Biên trở về…”, hay vai trò của Đại tướng là linh hồn của Đường Hồ Chí Minh trên biển.v.v.. Tôi là người khái tính, không quen viết những cái ngoài mình. Tôi chưa bao giờ làm thơ ca ngợi bất cứ một vị lãnh tụ Việt Nam nào ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  Sau tết âm lịch Quý Tỵ, tôi bỗng có linh cảm Đại tướng sẽ đi xa mãi mãi không biết lúc nào, vì ông đã 103 tuổi, đại thượng thọ, vị tướng còn sống duy nhất trong 50 vị tướng thiên tài mọi thời đại của nhân loại , đã nằm Bệnh viện quân y 108 suốt mấy năm nay. Vì thế tôi đã sửa chữa, nâng cấp các bài viết, thơ, tập hợp lại thành cuốn sách Tướng Giáp trong tôi. Lúc đầu tôi lấy tên sách là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tôi, nhưng như thế nghe khách sáo quá. Thực tình thì tôi đã  hai lần gặp Đại tướng, đã đến thăm nhà, chụp ảnh chung với Đại tướng và đã đọc thơ cho ông nghe. Tôi coi Đại tướng như một người Chú (đại tướng thua ba tôi 2 tuổi), hơn nữa tôi là một người lính của ông , nên lấy tên sách Tướng Giáp trong tôi sẽ gần gụi, thân mật hơn. Cuốn sách này đã được giới thiệu kỹ trên 2 blog Quà tặng xứ mưa : ngominh.vnweblogs.com và ngominhblog.wo rdpres.com trong tháng 6 và tháng 7-2013

Trong nhận thức của tôi, nước Việt Nam thế kỷ XX có nhiều biến cố và nhân vật quan trọng góp phần làm nên diện mạo lịch sử đất nước và ảnh hưởng đến cả lịch sử thế giới. Nhưng rồi tất cả sẽ chỉ còn trong ghi chép lịch sử, đối với tôi, chỉ có hai con người vĩ đại sống mãi, không chỉ trong sách vở mà cả trong lòng người dân Việt Nam và thế giới. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó rất nhiều nhà sử học uyên bác, học giả lớn của thế giới khẳng định, mặc dù có nhiều người trong họ nhiều năm là người đối địch với hai nhân vật vĩ đại trên. Nhận thức đó tôi đã trình bày rõ trong Lời thưa đầu sách và đã được biên tập viên và Tổng biên tập NXB Thuận Hóa đồng tình.

 Tôi biết, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những lúc bị những thế lực cực đoan trong lãnh Đảng Cộng sản cô lập, mưu toan loại ông  ra khỏi vai trò Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam để họ điều khiển cuộc chiến theo ý mình, như cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Nhưng tất cả họ đã thất bại. Cuối cùng Cuộc Tổng tấn công Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn phải do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới, quyết chiến, quyết thắng, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”.  Sau năm 1975, họ còn bày ra cả vụ án “Năm Châu- Sáu Sứ” để mưu triệt hại ông, loại ông ra khởi guồng máy chính trị đất nước . Họ cho ông là người phản quốc , làm tay sai cho thực dân Pháp. Những tháng ngày đó, tôi cứ tự hỏi: Một vị Tổng tư lệnh đã chỉ huy quân đội đánh thắng cả hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ, sao lại là tay sai cho chúng được ? Thậm vô lý. Điều tệ hại là những người mưu hãm hại Đại tướng đều là những người lính xưa,dưới trướng của ông . Nhưng rồi mọi việc cũng được sáng tỏ đôi phần và những kẻ mưu hại ông một lần nữa thất bại . Giá mà lãnh đạo đảng Công sản các khóa sau này, xét lại vụ án này cho rõ trắng đen như thư của Đại tướng đề nghị mấy lần lúc sinh thời thì minh bạch biết bao nhiêu.

 Trong tập sách Một trăm ngày vượt Trường Sơn, viết về những ngày vượt trường Sơn vào Nam đánh giặc của tôi, tôi đã xúc động viết một đoạn về Tướng Giáp khi gặp một bức hình của Đại tướng dán ở một binh trạm. Đó là tấm hình Đại tướng ngồi võng đung đưa trên đường Trường Sơn khi vào thị sát để chỉ huy chiến dịch Đường 9- Lan Lào năm 1970. Vì vậy trong tập sách đó tôi  về Đại tướng; “Say này, đọc tài liệu tôi mới biết chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tác giả của Nghị quyết 15 trình  Bộ Chính Trị về  tiến hành đấu tranh quân sự chính trị để giải  phóng miền Nam năm 1960; cũng chính Đại tướng đề xuất với Bác Hồ  mở đường Hồ Chí Minh với việc thành lập “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”, tiền thân của Binh Đoàn 559 và cử ông Võ Bẩm, là cán bộ quân sự trưởng thành ở chiến trường Liên khu 5, đã từng vượt Trường Sơn thời chống Pháp, làm đoàn trưởng. Đại tướng cũng là người ra lệnh  mở đường vận tải trên biển từ năm 1960, mà sau này thường gọi “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, chính Đại tướng sau chuyến đi thị  sát chiến trường  vùng Nam Khu Bốn năm 1969 bằng  máy bay trực thăng , đã quyết định mở đường lên Tây Trường Sơn và sử dụng cả ô tô để vận tải, nhằm đưa nhanh hàng đến với các chiến trường miền Nam.  Hồi mới giải phóng tôi rất ngạc nhiên khi đọc  sách “Đại thắng mùa Xuân” của tướng Văn Tiến Dũng không thấy dòng nào nói về về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả. Năm năm 2000, đọc  sách Đại thắng mùa xuân ở Tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, mới hay tướng Giáp là người Tổng chỉ huy toàn bộ cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Năm 1975, ông đã tán thành ý kiến đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam để đánh đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột . Đại tướng đã đề xuất Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, các tướng Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân  gồm  20 sư đoàn giải phóng Sài Gòn. Võ Nguyên Giáp hết lòng yêu thương chiến sĩ và không ít lần Người đã khóc trước thương vong của bộ đội, nhân dân trong chiến tranh. Thượng tướng Trần Văn Trà viết rằng :” Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính”. Bởi ông đã từng khóc người cha Võ Quang Nghiêm bị bọn Pháp  đày đoạ đến chết ở nhà lao Thừa Phủ, Huế, vì  ông không chịu khuyên con trai của mình về cộng tác với bọn thực dân xâm lược . Ông đã từng khóc thương người vợ Nguyên Thị Minh Thái  bị  giặc Pháp bắn chết  bỏ lại đứa con  mới mười tháng tuổi. Ông có những  nỗi đau mất  mát lớn như rất nhiều gia đình Việt Nam, nên ông hiểu nỗi đau của  người lính. Đó là chất người rất đậm đặc trong tâm hồn  đại tướng. Đó là sự thật lịch sử mà không  có  bất cứ ai xoá mờ được. Theo hồi ức của tướng  Lê Trọng Tấn, tháng 3- 1975, sau khi  ở Buôn Ma Thuột giặc bị thất thủ ,  Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quyết  tử thủ ở Đà Nẵng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp  đã ra lệnh cho Trung tướng Lê Trọng Tấn phải gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày, không cần chờ chiến dịch tấn công Huế thắng lợi. Vì nếu kéo dài , địch co cụm sẽ gây tổn thất lớn cho chiến sĩ ta. Trung tướng Lê Trọng Tấn  giải trình là đánh 3 ngày rất khó, Võ Nguyên Giáp đã “nổi giận”. Tướng Lê Trọng Tấn kể lại:” Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp tôi thấy anh Văn nổi giận với tôi ”. Và Đà Nẵng đã được giải phóng chưa tới 3 ngày . Ông dặn các tướng lĩnh dưới quyền :” Một người chỉ huy giỏi là một người đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất. Sinh mạng của con người là vô giá và không gì có thể bù đắp được nỗi đau mất mát trong chiến tranh”, Đại tướng tâm sự với hoạ sĩ Cù Huy Hà Vũ khi hoạ sĩ vẽ chân dung cho mình rằng :”   Tựu trung lại là phải giành thắng lợi tối đa với xương máu tối thiểu. Tôi là Võ nhưng lại là Văn vì tôi thương người, thương anh em chiến sĩ lắm”. Vâng, Văn. “Anh Văn” là cái tên thân mật của Đại tướng mà quân và  dân cả nước thường trìu mến gọi.“Văn” . Văn tức là “Nhân văn” - Đó là  cội nguồn của Thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp !

         Qua các binh Trạm Trường Sơn  bộ đội thường nhắc  đến những câu nói nổi tiếng của tướng Giáp “ đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” . Võ Nguyên Giáp là một vĩ nhân, một thiên tài quân sự không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới trong mọi thời đại, nên không thế lực nào  che mờ được hình ảnh vị Tổng Tư lệnh trong lòng nhân dân. Mỗi người lính như tôi luôn ngưỡng mộ Đại tướng. Tôi coi bức ảnh Đại tướng thăm bộ đội Trường Sơn là một niềm an ủi lớn đối với những người vượt Trường Sơn một thời . Võ Nguyên Giáp thiên tài , từng đánh bại hàng chục đại tướng của Pháp và Mỹ, chưa kể đám tướng  lĩnh quân đội Sài Gòn và trung với nước như thế, sao lại một thời có kẻ mưu xoá tên ông, hình ảnh ông khỏi lịch sử ?. Có lúc ông không còn được tin dùng. Có lần ở Huế, không hiểu được lệnh ai, một tay tự xưng  là nhà văn quân đội từ Hà Nội  vào và được tỉnh  tổ chức tập trung hàng trăm cán bộ cốt cán ( cả đương chức cả về hưu)  để cho hắn  nói xấu đại tướng Võ Nguyển Giáp suốt buổi liền, gây xôn xao trong dư luận  nhân dân. Trong dân gian lúc đó có câu ca dao “ Nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt  vòng”.  Đó là chuyện bi hài và đau xót của dân tộc trong thời tao loạn. Những lúc như thế Đại tướng  Võ Nguyên Giáp vẫn ung dung bình tĩnh, đặt  quyền lợi của Đất nước và của Đảng lên trên hết.  Nhưng Đại tướng là Tổng tư lệnh của lòng dân. Mà nhân dân chính là chủ nhân của lịch sử. Cỏ làm sao che được mặt trời !”. Cứ đọc sách Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức ( Phần 2: Quyền Bính, chương 15) thì sẽ rõ hơn những điều tôi đã viết.

   Thế mà , ngay cả  sau này, năm 2010, trong lễ Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, trong báo cáo tổng kết lịch sử của Bộ Tư lệnh hải Quân không  một lần nhắc đến tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả cuốn sách Huyền thoại tàu không số của nhà văn Đình Kính viết theo đơn đặt hàng của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng không có một dòng nói về  Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ nhà văn khả kính mà tôi rất nể trọng này đã viết theo ý của người đặt hàng chăng ? Vì việc đó mà trong  cuốn sách Cổ tích tàu không số ( NXB Hội Nhà văn năm 2011),  tôi đã có hai chương viết về vai trò của Đại tướng Tổng tư lệnh tối cao. Đó là  chương Linh hồn của đoàn tàu không số và chương Giải phóng Trường Sa. Rõ ràng không có Võ Nguyên Giáp thì không thể có thắng lợi vang dội của những con tàu không số bí mật vận chuyển vũ khi vào Nam trên biển Đông. Cũng không thể có việc nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa trước con mặt thèm khát của giặc ngoại bang.  Tư tưởng và đánh giá của tôi về Đại tướng đã được NXB Hội Nhà văn đồng thuận .

  Sau này làm sách Tướng Giáp trong tôi, tôi cũng đưa lại hai chương này vào sách để cho người đọc hiểu rõ hơn về sự thiên tài của vị tướng kiệt xuất của dân tộc. Cho đến hôm nay, đã 4 tháng sau khi phát hành, kể cả Cục xuất bản của Bộ Văn hóa-TT-DL qua thẩm định, không ai có ý kiến gì về những nhận định, đánh giá chủ quan của tôi về Đại tướng Tổng Tư lệnh tối cao Võ Nguyên Giáp. Mới hay, viết sách là để nói lên sự thật lịch sử, chứ không phải để “đánh bóng danh tiếng”. Tôi đã cho ấn hành cuốn Tướng Giáp trong tôi với mục đích tối hậu đó.

Ngô Minh(Blog Ngô Minh

Tướng Giáp (Hết)

(Rút từ Bên thắng cuộc- Phần 2: Quyền Bính- Chương 15)
 
“ Thống chế đi đặt vòng ”
Tháng 12-1976, tại Đại hội IV, tuy vẫn còn là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng theo thứ bậc mới trong Bộ Chính trị, tướng Giáp bị xếp sau Lê Đức Thọ. Năm 1977, tướng Giáp thôi chức bí thư Quân uỷ Trung ương, theo Điều lệ mới, chức vụ này sẽ thuộc về Tổng bí thư. Năm 1980, ông phải giao chức bộ trưởng Quốc phòng cho Đại tướng Văn Tiến Dũng (269). Trước Đại hội Đảng lần thứ V, “Vụ án chống Đảng” tưởng đã khép lại từ năm 1967, lại được ông Lê Đức Thọ đưa ra bàn trong Bộ Chính trị.
Trong buổi Bộ Chính trị họp nghe “Vụ án chống Đảng”, theo ông Võ Văn Kiệt (270): “Anh Thọ cũng đưa ra những thông tin như Trần Quỳnh (271) kể nhưng anh Giáp bác bỏ. Tuy nhiên, anh Thọ vẫn kết luận. Bộ Chính trị không có cơ sở gì để quyết khác với những điều anh Thọ nói. Anh Lê Duẩn không nói gì, anh Phạm Văn Đồng không nói gì. Có thể có những uỷ viên Bộ Chính trị biết vấn đề anh Giáp nhưng tôi thì không biết”.
Về sau ông Kiệt chất vấn ông Phạm Văn Đồng: “Anh hiểu anh Giáp, anh có tiếng nói trong Bộ Chính trị, đó là cái gì?”. Ông Đồng chỉ nói: “Tôi cũng biết uy tín anh Giáp trong dân”, rồi cười. Ông Kiệt nói: “Uy tín trong dân của một con người là không thể xem thường. Nếu khai thác được uy tín đó của anh Giáp thì sẽ có lợi cho dân cho nước. Tôi không đồng tình với cách cư xử của một số anh với anh Giáp. Tôi kính trọng sức kiềm chế của anh. Đó cũng là bản lĩnh, nghị lực của một nhân vật lớn”.
Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể ông Lê Duẩn, một hôm ông Giáp gọi điện thoại kêu ông Đại tới nhà, ông Đại nói: “Ông Giáp hẹn tôi 13 giờ, nhưng 15 giờ tôi mới đến. Gặp, ông bảo là đã chờ tôi lâu lắm rồi. Ông khoác vai tôi rồi nói: Đại đưa hộ thư này trực tiếp tới anh Ba giúp nhé. Té ra chiều hôm đó có cuộc họp bàn về vấn đề của tướng Giáp. Tối tôi đưa thư cho ba tôi, ông nói: tào lao”. Ông Hồ Ngọc Đại kể tiếp: “Có lần, tôi sang nhà số 2 Nguyễn Cảnh Chân chúc Tết Lê Đức Thọ. Tới nơi, tôi thấy ông Giáp cũng vừa đến. Từ trong nhà ra, ông Thọ đi qua trước mặt mà không thèm chào ông Giáp một câu, bước đến ôm lấy tôi. Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm”.
Tại Đại hội V, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Nguyễn Văn Linh được đưa ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Hoàng Tùng cho rằng: “Lê Đức Thọ phải đưa cùng lúc năm người ra khỏi Bộ Chính trị để khỏi mang tiếng nhưng thực chất của việc thay đổi này là nhằm vào ông Giáp”. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tùng: “Trước đó, cả ông Thọ và ông Lê Duẩn đều nhiều lần công khai đánh giá thấp khả năng, kể cả khả năng cầm quân, của tướng Giáp”.
Năm 1983, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao kiêm nhiệm chức chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch trong khi Tố Hữu vào Bộ Chính trị giữ chức phó thủ tướng thường trực. Dân gian truyền nhau : “Nhà thơ làm kinh tế / Thống chế đi đặt vòng”.
Năm 1984, Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, báo chí đăng hàng loạt hồi ký, bài viết của cả người Việt và người Pháp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp, vị tư lệnh chiến dịch đã đánh bại hai viên tướng Pháp này.
Ngày 7-5-1984, đúng ngày kỷ niệm chiến thắng, báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bức ảnh chụp Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, nhưng thay vì nêu tên từng cá nhân, Nhân Dân chỉ chú thích: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định chủ trương tác chiến Đông-Xuân 1953-1954”. Các bài viết trên tờ Quân Đội Nhân Dân cũng không có tên “Võ Nguyên Giáp”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, khi Đại tướng Hoàng Văn Thái công bố hồi ký “Điện Biên Phủ- Chiến dịch lịch sử”, đăng nhiều kỳ trên báo Quân Đội Nhân Dân, trong mấy kỳ đầu, tờ báo này đã tự ý cắt bỏ tên của tướng Giáp. Khi có sự kiện bắt buộc phải nhắc đến vai trò của ông, báo Quân Đội Nhân Dân bèn gọi theo chức vụ “tổng tư lệnh” hoặc “bí thư Tổng Quân uỷ” thay vì gọi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” hoặc “anh Văn” thân mật. Tướng Hoàng Văn Thái nổi giận đòi ngưng, tên của tướng Giáp thỉnh thoảng mới xuất hiện trở lại trên tờ Quân Đội Nhân Dân trong hồi ký của ông Hoàng Văn Thái.
Tờ Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân trong hai ngày 7 và 8-5-1984 đã dành gần như toàn bộ 4 trang A3 để nói về Điện Biên. Nhưng, trong xã luận, trong các bài diễn văn đã không hề có tên tướng Giáp. Trên số báo ra ngày 8-5-1985, hai tờ Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân cùng đưa tin về lễ “Mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 30 chiến thắng Điện Biên Phủ” tổ chức tại Hà Nội vào chiều 7-5, cùng nhắc tới Võ Nguyên Giáp trong danh sách “Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh”, nhưng chỉ bằng một cái tên trống không - xếp sau Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Nguyễn Hữu Thọ - không “đại tướng” và không nói gì tới vai trò của ông trong “chiến thắng” mà “cả nước” đang “nức lòng ca ngợi” ấy (272).
Trong khi đó, báo chí đầu thập niên 1980 lại đăng dồn dập nhiều loạt bài mô tả vai trò của Bí thư Lê Duẩn như là một “tổng tư lệnh trên thực tế” của cuộc “kháng chiến chống Mỹ”(272). Trong loạt bài Thời Thắng Mỹ, Thép Mới dẫn lời Lê Đức Thọ kể chuyện năm 1955, Lê Duẩn đã tiên tri cuộc chia tay Bắc-Nam sẽ kéo dài hai mươi năm (274). Cũng trong loạt bài này, Lê Duẩn được mô tả như là một người đề xuất hầu hết các chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Bác là người đầu tiên tán đồng những ý kiến đề xuất của anh Ba trước Bộ Chính trị, ngay sau khi anh ra Bắc” (275). Theo Thép Mới thì: “Sự vĩ đại của Bác Hồ là lắng nghe” anh Ba và sau khi nghe, Bác bảo với anh: “Chú nói đúng” (276).
Tháng 3-1985, tướng Giáp, lúc này đã không còn chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vào Huế dự lễ mừng “10 năm giải phóng”. Cùng đi với ông có tướng Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu trưởng và tướng Lê Phi Long. Họ được đón tiếp khá nồng hậu và được bố trí nghỉ tại khu nhà nghỉ xưa kia của Ngô Đình Cẩn.
Tướng Lê Phi Long kể: “Anh Văn gọi tôi tới cùng đi dạo chơi quanh vườn và nói: ‘Lâu nay các cậu có nghe người ta nói gì không?’. Tôi trả lời. Anh bảo: ‘Sao không thấy nói lại! Trong tình hình phức tạp hiện nay, con người ta có thể bị phân hoá thành ba thái độ: một là thẳng thắn đấu tranh bảo vệ sự thật, chân lý; hai là trong khi chưa có điều kiện nói ra sự thật thì ngồi yên kiên trì chờ đợi; ba là cơ hội, xuyên tạc, sẵn sàng đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật. Các cậu có đủ dũng khí thì theo cách một, chưa có điều kiện thì chọn cách hai, còn cách ba, thì phải tuyệt đối tránh”.
Hôm sau, đoàn của tướng Giáp vào Đà Nẵng bằng đường bộ. Trên đèo Hải Vân, khác với không khí nồng hậu mà Huế dành cho Đại tướng, Đà Nẵng chỉ cử một tỉnh uỷ viên trẻ măng, vô danh ra đón, không có đại diện Quân khu, Tỉnh đội. Tướng Lê Phi Long nhớ lại: “Chúng tôi rất bực mình, nhưng anh Văn vẫn bình thản”.
Đêm ấy, đoàn nghỉ ở nhà khách Mỹ Khê, sáng hôm sau, theo chương trình, sẽ đến đặt vòng hoa tại đài liệt sỹ trước khi dự lễ mừng chiến thắng. Nhưng đợi mãi, không thấy ai phát thư mời và phù hiệu cho đoàn của “anh Văn”. Các sỹ quan đi cùng hỏi thì được trả lời: “Ai không có giấy thì coi như không được mời”.
Lễ mừng Chiến thắng Đà Nẵng năm ấy được tổ chức trọng thể vì có Tổng bí thư Lê Duẩn tới dự. Tướng Lê Phi Long kể: “Chúng tôi rất băn khoăn, liền xin ý kiến của anh Tấn và anh Văn”. Trong đoàn có ý kiến đề nghị thôi không dự lễ nữa. Tướng Giáp suy nghĩ rất lâu rồi nhẹ nhàng nói: “Chúng ta vào đây không phải vì lễ lạt mà còn để viếng những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đã tổ chức viếng thì phải tổ chức trang trọng, chu đáo theo đúng nghi thức quân đội”.
Lập tức, tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức một lễ viếng riêng có đủ tiêu binh, quân nhạc và đích thân một vị trong Bộ Tư lệnh phải tháp tùng. Sáng hôm sau, xung quanh đài liệt sỹ, dân chúng kéo đến rất đông. Những người dân ấy không phải đến vì được triệu tập mà đến để nhìn tướng Giáp.
Trong lễ “kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 30-4-1985. Võ Nguyễn Giáp vẫn được ngồi trên “Đoàn Chủ tịch”, nhưng trong danh sách mà báo Nhân Dân ngày 1-5-1985 đăng, ông được xếp đứng sau chín người, trong đó có nhiều người từng là cấp dưới của ông trong chiến tranh như Văn Tiến Dũng, Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch,… Đây là thứ bậc dựa trên chức vụ trong Đảng mà ông nắm giữ trong thời điểm 1985. Tên ông chỉ được đặt bên cạnh hai chức danh: uỷ viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Từ sau khi tướng Giáp rời khỏi Bộ Quốc phòng, báo chí nhà nước không bao giờ gọi ông là “đại tướng”. Nhưng, cũng trong suốt thời gian ấy, Võ Nguyên Giáp gần như rất ít khi rời khỏi bộ quân phục của mình. Trong những chuyến công du hiếm hoi mà ông được cử, Võ Nguyên Giáp luôn mặc bộ lễ phục cấp tướng sang trọng màu trắng.
Ông vẫn sống trong biệt thự 30 Hoàng Diệu. Quân đội, ngay cả trong thời kỳ Lê Đức Anh làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vẫn giữ lực lượng vệ binh gác nhà ông. Nhưng, cao hơn cả mọi nghi lễ là sự ngưỡng mộ mà các tướng lĩnh, quân đội, dân chúng dành cho ông. Tên tuổi tướng Giáp càng bị biên tập khỏi các trang báo Nhân Dân thì nhân dân lại càng nhắc đến ông trong đời thường của họ. Là một ông thầy dạy sử, có lẽ tướng Giáp biết được vị trí trong lịch sử của mình. Ông đã đi qua những tháng ngày bị xếp xuống hàng cuối cùng trên những khán đài, lặng lẽ và sừng sững.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VII, năm 1991, tướng Giáp chính thức rời khỏi chính trường. Cho dù vụ “Năm Châu-Sáu Sứ”, theo ông Võ Viết Thanh, chỉ là một vụ án được dựng lên, Bộ Chính trị đã chưa một lần minh oan như ông đề nghị. Mãi tới năm 1994, trong lễ “kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, tên tuổi của ông mới chính thức được nhắc lại trong một “diễn văn nhà nước”. Đó là bài diễn văn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc vào tối 6-5-1994: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”. Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Trước đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê lên Điện Biên Phủ kỷ niệm 40 năm, diễn văn của Đoàn Khuê không hề nhắc một câu tới anh Giáp”.
Cho dù trong bài diễn văn được viết công thức và rào đón của ông Kiệt, phần nói về tướng Giáp vỏn vẹn chỉ có năm mươi chín từ, nhưng chỉ cần cái tên tướng Giáp được xướng lên cũng đủ làm cho Cung Văn hoá Việt-Xô oà vỡ. Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng tướng Giáp, từ lâu ông đã có một gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng những giọt nước mắt của những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh trên má họ; trong khi, tiếng vỗ tay kéo dài.
Huy Đức
------------------------
Chú thích
(173) Nguyễn Thị Sứ sinh năm 1934 tại Kiên Giang, thường trú tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Từng tham gia lực lượng Thanh niên Tiền Phong nhưng sau năm 1954 chọn ở lại miền Nam.
(174) Khi chính quyền Ngô Đình Diệm lập ấp chiến lược, ba má ông Võ Viết Thanh đã lớn tuổi, chống không vô ấp. Tối 26-8-1962, một toán lính đồn Lương Phú, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, đóng giả giải phóng quân vào nhà “mời hai bác ra gặp giải phóng quân về”. Ông bà cảnh giác không đi, liền bị trói dẫn ra bờ sông cắt cổ. Sáng hôm sau, Chính quyền Sài Gòn tung tin, “Gia đình có hai con đi tập kết, hai con đi giải phóng quân mà Việt cộng còn về giết thế này, cho nên không ai ở ngoài ấp chiến lược được”. Về cáo buộc bắt hai cán bộ quân báo, theo ông Võ Viết Thanh: Chiều 30-4-1975, trinh sát bắt được hai người: Phan Mậu, nguyên trung đoàn trưởng, Sư đoàn 5, đầu hàng Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân; Lê Đức Phượng, một tình báo viên được Cục II đánh vào năm 1954 nhưng sau đó khi bị lộ đã phản bội. Ông Thanh, khi ấy là Chính trị viên một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn quân báo 316, chỉ đạo thả. Nhưng, ngày 2-5-1975, ông Thanh nói: “Lữ đoàn trưởng đi giao ban Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh về, truyền đạt lệnh: Trong khi còn tranh tối tranh sáng cần xử lý ngay những tên đã gây tội ác. Anh yêu cầu tôi cho bắt lại hai đối tượng đã tha vào chiều 30-4. Tôi truyền lệnh cho đại đội trinh sát rồi từ đó bị công việc cuốn đi, không kiểm tra lại việc này nữa”. Sau Đại hội, ông Võ Viết Thanh cho lục lại toàn bộ hồ sơ, thì được Tư lệnh Quân khu Thủ đô cho biết, Lê Đức Phượng vừa mới được Cục II cấp tốc lập hồ sơ công nhận liệt sỹ. Theo ông Võ Viết Thanh: “Sau này, khi đối chất trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, Tư Văn phải công nhận, Phượng không phải là đại uý cũng không phải là đảng viên. Tư Văn nói: Do có sự nhầm lẫn ở phòng chính sách”.
(175) Sau khi Võ Viết Thanh bị đưa ra khỏi danh sách ứng cử Ban chấp hành Trung ương, ngày 24-6-1991, Lê Đức Anh viết bức thư thứ 2: “Kính gửi anh Linh, anh Tô, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trước đây khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội VI, tôi đề nghị với Bộ Chính trị Khoá V cho phép tôi được chuyên trách làm công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, không làm việc gì khác. Bộ Chính trị lúc bấy giờ không chấp nhận và nói tiếp tục làm thêm một khoá nữa. Theo sự phân công của Đảng, tôi đã cố gắng chấp hành nghiêm túc quyết định của Đảng. Hiện nay tuổi đã lớn mà vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng cần thiết đó. Nay do công việc cần thiết tôi có thể tiếp tục làm việc thêm vài năm nữa như nghiên cứu phối hợp chiến lược quốc phòng-an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế trước tình hình diễn biến rất phức tạp. Nếu Đảng phân công công việc cao hơn, nặng hơn không hợp với sở trường của tôi, trong khi tuổi đã lớn, chắc chắn tôi sẽ không làm được, có hại cho công việc của Đảng, của Tổ quốc. Xin Đảng cho phép tôi, phân công cho tôi chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và cùng với anh em nghiên cứu nâng cao những kinh nghiệm đó ứng dụng vào tình hình mới, và xin được rút khỏi danh sách đề cử vào Bộ Chính trị Trung ương khoá VII. Mong các anh chấp nhận. Lê Đức Anh”(Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2005, trang 243). Lê Đức Anh ra viện khi Đại hội Đảng lần thứ VII bắt đầu. Ông Võ Viết Thanh kể: “Giờ giải lao, đích thân Lê Đức Anh tìm tôi, rồi nắm lấy tay tôi kéo ra một hàng ghế bên hành lang Hội trường. Ông nói: Việc xảy ra khi tôi đang bị chảy máu dạ dày, phải nằm viện nên không biết. Chuyện Bảy Thanh thì tôi biết rõ là không có vấn đề gì. Để từ từ rồi mình tính”. Ông Võ Viết Thanh nói: “Nghe ông Lê Đức Anh nói vậy tôi cũng xúc động, nghĩ, Cục II làm như vậy có thể chỉ do mối quan hệ giữa tôi với Tư Văn. Nhưng, khi tôi chuẩn bị rời Bộ Nội vụ về Sài Gòn, anh Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, gọi tôi lên nói thì tôi mới giật mình. Anh Ba Ngộ nói: Bảy Thanh ơi, tôi không biết Lê Đức Anh đối xử với anh thế nào nhưng, sau Đại hội, ông ấy bảo tôi đừng để Bảy Thanh ở trong ngành mà nên chuyển ngay Bảy Thanh sang Bộ Thương mại”.
(176) Năm 1983, sau gần bảy năm lặn lội với lực lượng Thanh Niên Xung Phong, ông được ông Võ Văn Kiệt yêu cầu về công tác trong ngành Công an. Trong năm đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Thành phố. Năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông chính thức trở thành uỷ viên Trung ương khi Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Mỹ Hoa chỉ là uỷ viên dự khuyết. Trung tướng Võ Viết Thanh là anh hùng Quân đội. Bị buộc phải ra đi ở một thời điểm mà không ai nghĩ là còn có kẻ thù. Không chỉ gạt được tướng Giáp ra khỏi chính trường, vụ “Năm Châu - Sáu Sứ” còn chặn được con đường của ông Võ Viết Thanh, người mà ông Võ Văn Kiệt hy vọng sẽ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi ông trở thành Thủ tướng.
(177) Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Tướng Giáp kể: “Ông ngoại tôi vốn là một lãnh binh theo nghĩa quân Cần Vương”. Những năm học ở Trường Quốc Học Huế, cậu Giáp thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ Phan cho mặc sức sử dụng kho sách của mình. Giáp cũng chơi thân với thầy giáo Đặng Thai Mai. Năm ông mười sáu tuổi, người Pháp đuổi học Nguyễn Chí Diểu. Giáp khởi xướng một cuộc bãi khoá để phản đối. Vì sự kiện ấy Giáp cũng bị đuổi học, về làng. Anh Nguyễn Chí Diểu đến An Xá tìm Giáp: “Chúng tôi đã lập Đảng Tân Việt”. Giáp bảo: “Tôi đi với anh”. Võ Nguyên Giáp là người đã góp phần tích cực đưa Tân Việt tham gia Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 10-1930, Giáp bị bắt cùng với thầy Đặng Thai Mai và nhiều người khác, trong đó có Nguyễn Thị Quang Thái, em gái nữ sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Năm 1929, Giáp cùng thấy Mai ra Hà Nội, vừa dạy sử ở trường Thăng Long, vừa tự học lấy bằng cử nhân luật và kinh tế. Một trong những học trò của tướng Giáp, ông Bùi Diễm, người đã từng là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hoà năm 1965, viết: “Những gì về ông Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân rất ly kỳ… Hình như ông đã in tất cả trong đầu và sử trở thành một phần trong con người ông. Ông như chìm đắm vào thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới đó” (Bùi Diễm, Trong Gọng Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai xuất bản năm 2000, trang 21, 22, 23). Năm 1946, khi ông Đặng Thai Mai chuyển từ Sầm Sơn ra Hà Nội, Giáp tìm tới thăm, lúc này cô con gái của thầy Mai, Đặng Bích Hà đã là một cô gái xuân mười chín. Họ lấy nhau và có bốn người con. Sau 1954, cả gia đình tướng Giáp, kể cả người con gái của ông và bà Quang Thái, Võ Hồng Anh, sống quây quần trong biệt thự 30 Hoàng Diệu.
(178) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, trang 36
(179) Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái cưới nhau năm 1935. Năm 1940, khi cùng Phạm Văn Đồng sang Vân Nam gặp Nguyễn Ái Quốc, Giáp chia tay với người vợ trẻ khi họ vừa có Hồng Anh, con gái đầu lòng. Sau đó, Nguyễn Thị Quang Thái bị Pháp bắt rồi chết ở trong tù vào năm 1944. Theo lời kể của Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái tướng Giáp: “Năm 1929, cha tôi lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái trẻ, thông minh và rất xinh của Nguyễn Thị Minh Khai. Trong chuyến tàu cha tôi trở lại Huế, tới Vinh thì gặp mẹ tôi lên tàu, cùng với một nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó mẹ tôi mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng, gương mặt sáng. Nhưng điểm gây ấn tượng với cha tôi nhất là đôi mắt”.
(180) tướng Giáp là người đội mũ phớt trong bức hình chụp “34 chiến sỹ này” nên về sau Lê Đức Thọ đã gọi ông là “ông tướng mũ phớt”.
(181) Năm 1948, với tư cách là uỷ viên Thường vụ Trung ương, ông Thọ được cử vào Nam, nơi ông Lê Duẩn đang là bí thư Xứ uỷ Nam Bộ. Trong một hội nghị do Xứ uỷ tổ chức vào năm 1949, Lê Đức Thọ đã xuất hiện như một cấp trên, chỉ trích Xứ uỷ Nam Bộ bằng những lời lẽ nặng nề. Theo ông Võ Văn Kiệt, người có mặt trong hội nghị này: “Mặc dù phái đoàn (anh Lê Đức Thọ) có những đánh giá không sát với chiến trường Nam Bộ, nhưng trước hội nghị, anh Ba vẫn nhận lấy trách nhiệm một cách nghiêm túc. Phát biểu của anh Ba như tiếp thêm nguồn sinh lực và làm cho hội nghị trở nên hào hứng khi anh phân tích có sức thuyết phục bằng tầm bao quát sâu rộng và những lý lẽ được minh chứng bằng thực tiễn sinh động”. Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn, ông Lê Kiên Thành, nói rằng, khi mới vào Nam Bộ, ông Lê Đức Thọ là cấp trên và ông cũng có ý định thay thế Lê Duẩn giữ chức bí thư Xứ uỷ, nhưng đã bị ông Lê Duẩn thuyết phục hoàn toàn. Ông Lê Đức Thọ sau đó đã chủ động xin ở lại làm phó cho Lê Duẩn.
(182) Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911, tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cha là Phan Đình Quế, làm hương trưởng, chánh hương hội ở xã, từng được ban hàm cửu phẩm. Hai vợ chồng ông Phan Đình Quế sinh được tám người con, trong đó có ba người theo cộng sản: Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (Đinh Đức Thiện), Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ). Năm mười lăm tuổi, khi đang học tại trường tiểu học tại Nam Định, Lê Đức Thọ đã tham gia bãi khoá và dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Ba năm sau ông tham gia Đông Dương Cộng sản Đảng, làm bí thư chi bộ học sinh. Tháng 11-1930, thì bị bắt, bị kết án mười năm khổ sai và bị đày đi Côn Đảo. Ông được tha trước thời hạn vào năm 1936. Nhưng, năm 1939, do có hai đảng viên phản bội, gần như tất cả các tổ chức cộng sản ở bốn tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình đều bị vỡ, trên 500 nguời bị bắt, trong đó có ba anh em Phan Đình Khải. Theo Hoàng Tùng, một người cùng quê, bị bắt chung, “Phan Đình Khải bị tra tấn rất dã man vẫn không khai”. Sau khi ra khỏi nhà tù Sơn La, Lê Đức Thọ bắt đầu được giao phụ trách công tổ chức và huấn luyện cán bộ (từ tháng 9-1944) và được chỉ định làm uỷ viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ. Ông Thọ là một trong số các nhà lãnh đạo của Đảng dự hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương đêm 9-3-1945, hội nghị đề ra chủ trương “phát động một cao trào cách mạng đi tới cuộc tổng khởi nghĩa”. Ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, tháng 8-1945 và kể từ sau Cách mạng tháng Tám được chính thức giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Từ năm 1956, sau khi ông Lê Văn Lương nhận án kỷ luật trong vụ cải cách ruộng đất, Lê Đức Thọ chính thức làm trưởng Ban Tổ chức Trung ương
(183) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, tr 36
(184) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(185) Bài diễn văn ngày 9-7-1956 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn: “Tháng 7-1956 đã đến, cuộc tổng tuyển cử đúng kỳ hạn theo hiệp định Geneva quy định đang bị đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam phá hoại. Nhưng, trong thời gian hai năm qua nhân dân ta đã thu được những thắng lợi to lớn: miền Bắc được giải phóng và bước đầu được củng cố, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam được giữ vững và rèn luyện, sự đồng tình quốc tế ngày càng vững thêm… Chủ trương của chúng ta là thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, và chúng ta nhận định rằng trong điều kiện trong nước và thế giới hiện nay, sự nghiệp thống nhất nước nhà của Việt Nam ta có khả năng hoàn thành bằng phương pháp hoà bình… Chúng ta đã kháng chiến lâu dài để tranh thủ hoà bình, hoà bình được lập lại là một thắng lợi của nhân dân ta. Hoà bình càng được củng cố lâu dài thì thắng lợi của ta càng có điều kiện phát triển. Chúng ta kiên quyết đấu tranh lâu dài để thực hiện thống nhất nước nhà. Đó cũng tức là cuộc thi đua hoà bình giữa chế độ chính trị của miền Bắc và chế độ chính trị của miền Nam ở trong phạm vi một nước” (Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956).
(186) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(187) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(188) Trong bài phát biểu trước cuộc mit tin ở Hà Nội ngày 9-7-1956, tướng Giáp nói: “Trong tình thế hiện nay, chủ trương đó (thi đua hoà bình) là chủ trương chính xác duy nhất. Nhận định trên hoàn toàn phù hợp với sự phân tích tình hình thế giới của Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, đại hội đã nêu ra những hình thức mới tiến lên chủ nghĩa xã hội trong đó có đường lối hoà bình phát triển không dùng đến vũ trang đấu tranh” (Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956).
(189) Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 17-1956, trang 797-798.
(190) Sách đã dẫn.
(191) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(192) Sách đã dẫn.
(193) Nhiều tác giả, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, trang 35-36.
(194) Nhiều tác giả, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002.
(195) Phạm Văn Trà, Đời Chiến Sĩ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009.
(196) Nhiều tác giả, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, trang 36.
(197) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster 2003, trang 26
(198) Sách đã dẫn
(199) Hai đại đội Quân Giải phóng đã đọ súng với một lực lượng quân Việt Nam Cộng hoà đông gấp bốn lần, có thiết vận xa M113, máy bay, pháo binh và cố vấn Mỹ. Kết quả, phía Việt Nam Cộng hoà: sáu mươi chết, 109 bị thương; cố vấn Mỹ: 3 chết, 8 bị thương. Phía Quân Giải phóng, ngay trong đêm rút lui an toàn về Đồng Tháp mươi.
(200) Viện trưởng Viện Triết học, Hiệu phó Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
(201) Tháng 4-1963, ông Ung Văn Khiêm đã bị cho thôi chức Bộ trưởng Ngoại giao sang làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
(202) Tháng 9-1963, Đại tá Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm phó Tổng tham mưu trưởng và vào “cuối mùa đông” năm đó ông được cử vào Nam. Theo ông Lê Đức Anh: “Trước ngày ra đi ông Văn Tiến Dũng căn dặn: ‘Vào tới nơi anh báo cáo với hai anh Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trà, bàn với các anh thực hiện Nghị quyết 15: Việc thứ nhất, ra sức xây dựng lực lượng quân sự tại chỗ; thứ hai, miền Đông Nam Bộ thì nên mở rộng ra hướng biển Đông; thứ ba, cố giành và khai thác nhân tài, vật lực để phát triển cách mạng’. Sau đó, ông Lê Đức Anh sang gặp ông Lê Duẩn tại số 6 Hoàng Diệu, ông Lê Duẩn nói: ‘Ba ý kiến đó đúng. Nhưng thêm một điều quan trọng nữa, là chú trọng xây dựng lực lượng cách mạng và hoạt động vũ trang ở trong đô thị và vùng ven đô” (Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2005, trang 63). Khi ấy, ở Trung ương Cục ông Nguyễn Văn Linh đang là bí thư; ở Bộ chỉ huy Miền, tướng Trần Văn Trà làm tư lệnh, cả hai đều nói: “Thế thì chúng ta cứ làm theo ý của anh Ba Duẩn và anh Văn Tiến Dũng” (Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2005, trang 65).
(203) Theo Đại tướng Phạm Văn Trà: “Ngày 1-12-1963, tôi được thông báo về nhận nhiệm vụ mới… Chúng tôi hành quân vào tập kết ở Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Tại đây, các đồng chí Tô Ký, Đồng Văn Cống, quán triệt tình hình nhiệm vụ, động viên và bố trí chuẩn bị lần cuối thật chu tất cho chuyến hành quân xa” (Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời Chiến Sĩ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009, trang 87).
(204) Giữa năm 1963, Sắc lệnh cấm treo cờ của các giáo phái, các nhóm tôn giáo và các đảng phải chính trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tạo ra một làn sóng chống đối. Trong cuộc biểu tình tại Huế vào ngày 8-5-1963, binh lính đã nổ súng vào đoàn người biểu tình. Ngày 11-6-1963, tại Sài Gòn, trước ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt, hoà thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Bức ảnh chụp vị sư già ngồi thiền trong khi lửa cháy được truyền đi khắp thế giới như một bằng chứng về sự mất lòng dân của Ngô Đình Diệm. “Giọt nước tràn ly” khi ngày 21-8-1963, lực lượng của Ngô Đình Nhu bất ngờ khám xét hàng loạt chùa chiền, bắt đi hơn 1.400 nhà sư.
(205) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 35
(206) Ngày 2-11-1963: 6:20, ông Diệm gọi điện thoại cho tướng Trần Văn Đôn xin đầu hàng và được an toàn tới phi trường để ra đi cùng với Ngô Đình Nhu; 6:45 tướng Khiêm được ông Diệm cho biết nơi hai anh em ông đang trốn; 7:00 tướng Big Minh sai Mai Hữu Xuân đi đưa ông Diệm về Bộ Tổng Tham Mưu; 8:30 hai anh em Diệm và Nhu bị giết trong một chiếc xe M113, trên xe khi ấy có Đại uý Nguyễn Văn Nhung, cận vệ tướng Big Minh. Không rõ ai đã ra lệnh giết hai ông Diệm - Nhu vì sau đó ít lâu Đại uý Nhung đã chết và được công bố là “tự tử”.
(207) Mật danh các chiến trường miền Nam: B-2 gồm các tỉnh Nam Bộ; B-3 Tây Nguyên. Các chiến trường Campuchia gọi là K; Lào gọi là C.
(208) tướng Giáp khẳng định với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trong cuộc gặp ngày 23-6-1997 tại Hà Nội. Năm 2005, tài liệu giải mật của Nhà Trắng cho thấy Tổng thống Johnson biết là không có cuộc tấn công thứ hai vào ngày 4-8. Tuy nhiên, sự kiện ấy đã không được Nhà Trắng báo cho Quốc hội và ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng cũng bất ngờ khi nghe tướng Giáp nói.
(209) Đại tướng Phạm Văn Trà kể: “Ngày 14-8-1964, đoàn chúng tôi chính thức lên đường. Đoàn xe ô tô của Tổng cục Hậu cần đưa chúng tôi về Nam theo đường số 1. Toàn đoàn trên dưới 160 anh em, hầu hết là sĩ quan cấp uý… Trước đó hơn một tuần, không quân Mỹ đã ào ạt đánh phá Đồng Hới, Quảng Bình, Vinh - Cửa Hội, Nghệ An, Lạch Trường, Thanh Hoá, Hòn Gai, Quảng Ninh… Bà con ở Vinh kể lại, ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom trúng kho xăng Bến Thuỷ, mặc dầu xăng dầu ta chuyển sơ tán từ trước, chỉ còn dầu cặn, nhưng khói lửa vẫn bùng cao hàng nghìn mét” (Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời Chiến sĩ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009, trang 92).
(210) Theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa, tướng Trần Quý Hai là người thân tín của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
(211) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 42
(212) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 124.
(213) Mikhalowski, được nói là “đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông nói: “Tôi được uỷ nhiệm của các đồng chí lãnh đạo chúng tôi đến tìm hiểu ý kiến của các đồng chí về việc này… Tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống Mỹ thấy các đồng chí bác bỏ khả năng đàm phán thì chỉ còn con đường đẩy mạnh chiến tranh” (Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách dã dẫn, trang 127-128). Nhưng, Hồ Chí Minh còn tỏ ra cứng rắn hơn cả Phạm Văn Đồng: “Tại sao Mỹ phải đi gõ cửa khắp nơi? Chính Mỹ gửi quân đội Mỹ đến đây, bây giờ Mỹ phải đình chỉ xâm lược, như vậy vấn đề sẽ giải quyết. Mỹ phải cút đi!… Chúng tôi không muốn trở thành người chiến thắng. Chúng tôi chỉ muốn Mỹ cút đi! Gut-bai (Goodbye)” (sách dã dẫn, trang 128). Mikhalowski cố gắng: “Chiến tranh ghê gớm sẽ kéo dài năm năm, mười năm. Tại sao không vận dụng chiên thuật chính trị để đạt được kết quả tương tự? Rất có thể là Mỹ bây giờ cũng muốn rút lui theo một phương thức nào đó” (sách dã dẫn, trang 129). Hồ Chí Minh: “Mỹ có mạnh hơn Pháp, nhưng ngay nay chúng tôi cũng mạnh hơn trước kia… Khi chống Pháp, chúng tôi có một mình, bây giờ có cả phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ chúng tôi” (sách dã dẫn, trang 129). Mikhalowski: “Nhưng phe xã hội chủ nghĩa của chúng ta không nhất trí. Chỉ có các đồng chí là đổ máu. Giá phải trả sẽ rất cao” (sách dã dẫn, trang 129). Hồ Chí Minh: “Nhân dân Việt Nam không sợ. Nếu đời chúng tôi không hoàn thành thì con cháu chúng tôi sẽ hoàn thành” (sách dã dẫn, trang 129).
(214) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 147.
(215) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 147.
(216) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 148.
(217) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 149.
(218) Raymond Aubrac (1914-2012), và vợ ông, bà Lucie (1912-2007), là hai nhân vật kiệt xuất trong cuộc Kháng chiến của người Pháp chống Phát xít Đức (1940-1944). Trong thời gian lãnh đạo chính quyền ở Marseille, nửa cuối năm 1944, Raymond Aubrac đã tận tình giúp đỡ giới “lính thợ” (ONS) người Việt ở vùng này, những người mà về sau trở thành những hạt nhân đầu tiên của phong trào Việt kiều ở Pháp. Mùa hè 1946, khi tới Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm gặp Raymond Aubrac. Chỉ sau một lần tiếp xúc, chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân cận trong phái đoàn (Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng, đóng vai ‘tuỳ viên quân sự’, Phạm Văn Đồng, người sẽ cầm đầu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị Fontainebleau…) đã trở thành “khách” thường trú tại ngôi nhà của ông bà ở Soisy-sous-Montmorency (cách Paris 16 km về phía bắc). Cũng trong thời gian này, bà Lucie đã sinh hạ con gái út là Elisabeth (Babette) mà Hồ Chủ tịch nhận làm cha đỡ đầu. Ngoài chuyến đi đến Hà Nội năm 1967, năm 1975, khi chiến tranh vừa chấm dứt, Raymond Aubrac đã thuyết phục được McNamara trao cho chính phủ Việt Nam toàn bộ các bản đồ các bãi mìn dọc theo “bức tường McNamara” (theo Nguyễn Ngọc Giao).
(219) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 215.
(220) Phạm Văn Đồng đã nói cụ thể với hai sứ giả của Washington: “Có hai loại vấn đề: thương lượng và giải pháp. Muốn có thương lượng, chúng tôi đứng trên lập trường nguyên tắc của chúng tôi: phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc mới có thể thương lượng. Trong quá trình thương lượng, chúng tôi biết chúng tôi phải nói gì. Mỹ hãy chuẩn bị về phía họ!”. Aubrac: “Thế nào là việc ném bom không điều kiện?”. Phạm Văn Đồng: “Tôi muốn họ ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không quá khó tính”. Marcovich: “Có lẽ là một việc ngừng ném bom trên thực tế, không tuyên bố”. Phạm Văn Đồng: “Chúng tôi không khó tính về điểm này. Điều chủ yếu là ngừng không điều kiện. Chúng tôi sẽ không nói chuyên dưới sự đe doạ của bom đạn”. Marcovich nhắc lại điều mà một năm trước đó Sainteny đã nói: “Hoa Kỳ không muốn chịu mất thể diện. Kissinger đã nói với chúng tôi: làm thế nào giúp họ rút đi” (Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 218).
(221) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 228.
(222) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 228-229.
(223) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 42
(224) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(225) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(226) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(227) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(228) Báo Nhân Dân số ra ngày 7-1-2008.
(229) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(230) Theo Vũ Kỳ: “Hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau, nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Thời gian trôi đi chầm chậm. Thấy vẻ Bác trầm ngâm đượm buồn… Từ ngày Bác trở về nước sau hơn ba mươi năm xa tổ quốc, có năm nào Tết đến mà Bác không đến với đồng bào và chiến sĩ đâu… Chỉ có mùa xuân này Bác phải xa tổ quốc. Bác bảo tôi: chú mở cái băng gì vui vui cho Bác nghe với. Tôi biết Bác thương nhớ nhất các cháu nhỏ nên tôi chọn một băng có nhiều bài hát thiếu nhi mở cho Bác nghe. Khi một giọng hát ngây thơ của một em bé hát bài “Bé bé bồng bông… em đi sơ tán, mai về phố Đông”, tôi thấy Bác mỉm cười. Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Tiếng Bác Hồ ngân vang. Trong căn phòng vắng chỉ có hai người”. Bài thơ trên đây được Hồ Chí Minh làm trong gần ba tháng khi đang ở Bắc Kinh và đã được thu thanh khi ông về Hà Nội hồi cuối tháng 12-1967 (Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998).
(231) Đặng Kim Giang là một trong bốn chỉ huy quan trọng nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, với vai trò chủ nhiệm cung cấp của mặt trận, ông đã đảm bảo mỗi ngày năm mươi tấn gạo cho chiến dịch. Năm 1958, ông được phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1962, ông ra làm thứ trưởng Bộ Nông trường.
(232) Ông Nguyễn Kiến Giang, người bị bắt giam sáu năm và quản chế ba năm, nói: “Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa. Người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế thôi, chứ còn trên thực tế, bị giam ở xà lim mấy năm, thêm mấy năm quản chế, khoảng gần mười năm, cho đến khi trở về Hà nội với tư cách là một người công dân, tôi cũng không biết là tôi có tội gì. Cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa”.
(233) Ngày 27-1-1972, Ban Chấp hành Trung ương mới ra nghị quyết tước quân hàm trung tướng của ông Nguyễn Văn Vịnh, khai trừ đảng tịch ông Vịnh, ông Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng và Lê Liêm. Ngày 13-10-1977, sau khi giữ đảng tịch, giữ quân hàm thiếu tướng cho tướng Vịnh, Quyết định số 255 do chính Lê Đức Thọ ký, viết: “Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh biết Đặng Kim Giang là phần tử xấu có quan điểm chống lại Nghị quyết 9 của Đảng vẫn quan hệ trao đổi một số quan điểm sai trái về đường lối chống Mỹ, tiết lộ những tin tức cơ mật về quân sự, chính trị với Giang. Giang đã sử dụng những tin ấy để hoạt động chống Đảng và cung cấp cho người nước ngoài. Nhưng tác hại không lớn. Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang và không biết Giang hoạt động chống Đảng có tổ chức như sai lầm của 3 uỷ viên Trung ương: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng”.
(234) Từ năm 1973, ông Phạm Văn Hùng là thư ký ông Võ Văn Kiệt.
(235) Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, tr 39.
(236) Theo ông Nguyễn Nhật Hồng, trưởng phòng B29, một phòng đặc biệt phụ trách chi viện cho miền Nam: Trong năm 1967, Trung ương cho in 10.000 hòm tiền “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”; vì số tiền này dự định phát hành trong năm 1968 nên có mật danh là “hàng 68”. Khi ấy, ở Trung ương Cục cũng đang tồn 14.000 hòm tiền “Chánh phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam”, mật danh là “hàng 65”. Dự kiến, tuỳ theo tình hình, giải phóng ở cấp độ nào thì dùng “hàng” ở quy mô ấy.
(237) tướng Giáp phát biểu với các tướng lĩnh làm công tác Tổng kết chiến tranh ngày 9-2-1999 - Theo tướng Lê Phi Long.
(238) Lê Duẩn phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, tháng 12-1967: “Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Ông giải thích: “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa… (theo) quan niệm của Lênin: khởi nghĩa ở đô thị là một cuộc cướp chính quyền, là giai đoạn đầu tiên của chiến tranh cách mạng, không có cuộc khởi nghĩa nào rồi là xong đâu, như ta làm Cách mạng Tháng Tám rồi, ta phải kháng chiến chín năm nữa”. Nhưng, ông nhấn mạnh: “Cuộc khởi nghĩa ta nói đây là một giai đoạn cuối cùng, không phải giai đoạn đầu, không phải là một cú, mà là một giai đoạn… Ta có lý luận quân sự,… có những lực lượng quân sự khá mạnh, những chủ trương lớn và những mũi nhọn khá mạnh đánh ngay vào tim nó; vùng dậy cả về quân sự, chính trị trong một thời gian. Ở đây ta có nhảy vọt lên, nó có nhảy vọt xuống, ghê gớm lắm, không lường thế nào cho hết đâu. Nếu Sài Gòn bị sập một cái, nửa triệu người, vài ba chục vạn người cầm súng cho ta đánh nó thì lắm vấn đề lớn lắm, không lường hết được” (Báo Nhân Dân số ra ngày 7-1-2008).
(239) Báo Nhân Dân số ra ngày 7-1-2008.
(240) Đại tá Tư Chu giải thích: “Theo kế hoạch chiến đấu Đợt Một Mậu Thân thì các đơn vị Biệt động có nhiệm vụ xung kích, cố giữ các mục tiêu trong vòng một giờ, sẽ có các tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn của các phân khu tiến vào tiếp ứng để đánh chiếm toàn bộ mục tiêu, tiêu diệt cơ quan đầu não của Mỹ-Nguỵ, đồng thời có binh biến của một số đơn vị nguỵ quân, có nổi dậy của hàng vạn thanh niên và quần chúng ở các quận nội đô để giành quyền làm chủ các địa bàn, mục tiêu ta chiếm được. Trên thực tế, không có binh biến cũng như nổi dậy, bộ đội chủ lực thì có nơi không vào kịp, hoặc không vào được, chỉ có các đơn vị biệt động đánh vào 5 mục tiêu một cách đơn độc, có đơn vị phải chiến đấu cho đến người cuối cùng”.
(241) Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, tr 39.
(242) Ở Huế: Khoảng 2:40, một tiểu đoàn đặc công người Huế, 2 trung đoàn bộ binh người miền Bắc và một tiểu đoàn hoả lực tràn vào chiếm Thành. Trong 6 ngày đầu của cuộc tấn công, Đại tá Tỉnh trưởng Thừa Thiên Phạm Văn Khoa phải trốn trên xà nhà của một bệnh viện. Quân Giải phóng đã trụ được 26 ngày và một số ngày trong khoảng thời gian này, cờ xanh - đỏ - sao vàng đã được kéo lên cột cờ cao nhất ở Huế. Nhưng, Huế đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn của cả đôi bên: 14.000 thường dân chết; 24.000 dân thường bị thương, chưa kể gần 3.000 lính Sài Gòn và lính Mỹ; 627.000 người dân mất nhà mất cửa. Có nhiều người Huế đã bị bắt đi, bị thủ tiêu. Huế, đã trở thành một biểu tượng khiến cho khi nói về Mậu Thân, người dân miền Nam đã nghĩ ngay đến màu tang tóc. Ở miền Tây, theo Đại tướng Phạm Văn Trà: “Tiểu đoàn chúng tôi, ngày xuất quân với 7 đại đội đủ quân, xấp xỉ một nghìn tay súng, sau khi kết thúc đợt 1, chỉ còn trên một trăm cán bộ, chiến sĩ. Có tiểu đoàn, khi đánh vào Cần Thơ bộ đội ngồi chật cả trăm xuồng, khi ra chỉ vài chục chiếc, mỗi chiếc chở vài ba anh em. Đành rằng, trong chiến tranh, không phải lúc nào cũng lấy việc ‘đếm xác’ của hai bên trên chiến trường để kết luận sự thắng bại; nhưng để tổn thất lớn là điều chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ; đặc biệt đối với chúng tôi là những người cầm quân trên chiến trường… Tôi nhớ khi đó anh em trong đơn vị đã truyền nhau mấy câu lục bát:
Vòng cung đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom;
Hay là:
Tưởng là lên lộ đi xe
Ai ngờ trở lại không ghe, không xuồng.
Chủ nhân của mấy câu lục bát ấy, một phong viên mặt trận, bị phát hiện và chịu nhận hình thức cảnh cáo”(Phạm Văn Trà, Hồi ký Đời Chiến sỹ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009, trang 142-143). Trên thực tế chiến trường, Cuộc Tổng công kích và khởi nghĩa đã bị nghiền nát. Tài liệu kiểm điểm của Khu uỷ Khu IX, nơi ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư từ năm 1970, viết: Do“chăm bẵm vào khả năng giải phóng hoàn toàn”, Khu uỷ đã tập trung toàn lực, tấn công vào đầu não đô thị. Quân đội Mỹ và Sài Gòn, nhân cơ hội ấy, tiến hành “Bình định đặc biệt”,“Bình định cấp tốc” ở vùng nông thôn, gom dân vào ấp, cán bộ đảng viên bị dạt ra khỏi dân. Quân đội Sài Gòn đóng thêm 1000 đồn bốt. Trong số 250 xã Miền Tây Nam Bộ, cuối năm 1968, có 50 xã, đảng viên phải ly hương; 40 xã khác, chỉ còn một hoặc hai đảng viên. Các trung đoàn chủ lực cũng bị đánh dạt sâu về Trà Vinh, U Minh. Trong khi số lượng du kích sụt, tân binh lại không tuyển được ngay cả trong những “xã giải phóng”… Trong Chiến dịch Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt đã vào sâu tận nội thành Sài Gòn, chiều mùng Một Tết, ông đã có mặt ở một xóm nhỏ gần đình Bình Đông, Quận Tám. Tiền phương của Sài Gòn cũng nhận được những lệnh liên tiếp tập kích vào đô thị để “giành thắng lợi tối đa”. Những người trực tiếp ở chiến trường như ông đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói: “Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc”. Hơn 11 vạn quân giải phóng đã hy sinh trên toàn chiến trường, còn thương vong của dân chúng thì không thể nào tính được. Phần lớn căn cứ địa Quân Giải phóng ở nông thôn đã trở thành “đất trắng”. Chưa bao giờ quân Giải phóng ở trong tình trạng như vậy, có những sỹ quan chỉ huy cấp sư đoàn cũng chịu không nổi, phải ra đầu hàng chính quyền Sài Gòn. Ngày 9-2-1999, khi nói chuyện với các tướng lĩnh làm Tổng kết chiến tranh, tướng Giáp nói: “Có đồng chí chỉ huy gửi điện cho tôi nói rõ tình hình bộ đội tan tác, ẩn nấp trong rừng mặn ngập nước ở phía Đông Nam Sài Gòn, tướng không chỉ huy được quân nữa. Ở Huế, anh Trần Văn Quang gửi tôi một bức điện dài 16 trang, xin rút. Tôi đồng ý và viết điện trả lời. Sáng hôm sau giao ban thấy bức điện vẫn để nguyên trên bàn, tôi hỏi tại sao chưa gửi thì anh Văn Tiến Dũng trả lời: ‘Việc này hệ trọng phải đem ra bàn bạc trong tập thể Quân uỷ đã, mình anh quyết định sao được’. May mà lúc đó ở dưới, anh em đã rút. Đồng chí Tư Chu, chỉ huy Biệt Động Sài Gòn, cũng có kể cho tôi nghe thực cảnh bộ đội sau năm 1968. Thiệt hại to lớn quá. Giá đắt quá! Về Huế thì anh Đặng Kinh, khi ấy là phó tư lệnh Mặt trận, biết quá rõ. Sau này anh ấy ra Bộ báo cáo và để lại nhiều tài liệu quan trọng. Những băn khoăn về Mậu Thân còn dai dẳng, thời gian cũng không thể che lấp được. Lịch sử đang đợi những người còn sống phải làm rõ, nhất là những người có chức, có quyền”.
(243) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 47
(244) Sách đã dẫn.
(245) Sách đã dẫn.
(246) Xem Phụ lục: Đánh & Đàm.
(247) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa xuân Đại thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 48-49.
(248) Sách đã dẫn, trang 54.
(249) Sách đã dẫn, trang 55.
(250) Sách đã dẫn, trang 55.
(251) Sách đã dẫn, trang 55.
(252) Sách đã dẫn, trang 55.
(253) Mật danh của Khu IX.
(254) Các tướng lĩnh cho rằng Trần Quỳnh đã bịa đặt khi viết trong Hồi ký: “Mọi việc quân sự, Lê Duẩn trực tiếp làm việc với Bộ tổng tham mưu, có khi làm việc trực tiếp với Cục tác chiến. Nơi làm việc có khi là trong Bộ Quốc phòng, có khi tại nhà riêng của Lê Duẩn, có khi tại khu nhà khách Trung ương Quảng Bá, có khi là khu nghỉ mát Đồ Sơn. Sau đó anh em ở Bộ tham mưu, Cục tác chiến làm đề án trình Quân uỷ, rồi Quân uỷ trình ra Bộ chính trị quyết định. Cách làm việc của Lê Duẩn có tính cách gia đình, không biên bản không ghi âm. Lê Duẩn nói, anh em ghi chép. Chính cách làm việc này để lại hậu quả là kẻ có dã tâm nhận ý kiến của Lê Duẩn làm của mình”.
(255) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa xuân Đại thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 67.
(256) Trần Văn Trà, Hồi ký Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP HCM 1982.
(257) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 493
(258) Quân lực Việt Nam Cộng hoà lúc đó ở trong tình trạng: “Không đủ để thay thế các thiết bị hư hỏng hoặc mất mát; Giảm 50 phần trăm hiệu năng của số máy bay đã hạ cánh thuộc 11 phi đội hàng đầu; Giảm 30 phần trăm sự hoạt động của các tầu biển và 82 phần trăm đối với các tầu sông; Quân nhu y tế sẽ sử dụng hết vào cuối tháng Năm năm 1975; Nhiên liệu cho lục quân sẽ cạn kiệt vào cuối tháng Tư năm 1975; Vào cuối năm tài khoá 1975, Quân đội sẽ chỉ có một phần tư số dự trữ đạn dược tối thiểu cần thiết để đối phó một cuộc tấn công lớn; Các máy bay và thiết bị mặt đất không dùng đến sẽ bị hư hỏng nhanh chóng” (Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 496).
(259) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa Xuân Đại Thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 93.
(260) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong Đại thắng Mùa Xuân, Nhà Xuất bản Chinh trị Quốc gia 2000.
(261) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2002, trang 664.
(262) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2002, trang 665.
(263) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2002, trang 666.
(264) Tiền thân là Mặt trận Quảng Đà, gồm Quân đoàn II, Quân đoàn IV, Sư 3 và Quân khu V. Ngày 16-4-1975, lực lượng của “Cánh quân Duyên Hải” đã đánh vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn III Sài Gòn ở Phan Rang, bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Không quân Phạm Ngọc Sang và lúc bấy giờ đã đánh vỡ tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa, đưa một đạo quân gần bốn vạn người, cùng với 2.500 xe pháo các loại trong đó có gần l00 xe tăng thiết giáp, 250 xe kéo pháo vào khu vực tập kết.
(265) Điện ngày 7-4-1975 của tướng Giáp gửi Lê Trọng Tấn:
“Mệnh lệnh
1- Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2- Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ.
Văn”.
(265) Trong cuốn Tổng tập Lê Duẩn, cả ông Lê Hữu Đức và bà Diệu Muội đều nhầm là ngày 29-4-1975.
(267) Trong chiến tranh, Cục Tác chiến là cơ quan trực tiếp báo cáo tình hình chiến trường và chuẩn bị các tài liệu, kể cả soạn thảo các nghị quyết cho Quân uỷ và Bộ Chính trị, và các bức điện ký tên các nhân vật trong Bộ Chính trị. Theo Trung tướng Cục Trưởng Tác chiến Lê Hữu Đức, trong suốt 55 ngày đêm của Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ có bức điện ngày 9-3-1975 là do chính tay ông Lê Duẩn viết, “Tất cả những bức điện ký tên Anh Ba khác đều do cơ quan Tác chiến chúng tôi dự thảo, anh duyệt và ký tên, cơ quan Tác chiến chuyển qua Cục Cơ yếu điện đi”.
(268) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 667.
(269) Cũng năm ấy, ông Phạm Hùng được cử thay thế Bộ trưởng Nội vụ Trần Quốc Hoàn; Nguyễn Cơ Thạch chính thức làm Bộ trưởng Ngoại Giao thay thế Nguyễn Duy Trinh; ông Tố Hữu được cử làm Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế.
(270) Khi ấy là uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị.
(271) “Vụ án Chống Đảng” mà Lê Đức Thọ tiến hành được trợ lý của Tổng bí thư Lê Duẩn, ông Trần Quỳnh, kể: “Đặng Kim Giang khai, linh hồn của tổ chức là Võ Nguyên Giáp. Họ liên lạc với Đại sứ Tchecbakov”. Đại sứ Tchecbakov được coi là một “sĩ quan tình báo” của Liên Xô. Theo Trần Quỳnh thì đích thân Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Lê Duẩn về “vai trò của Võ Nguyên Giáp trong tổ chức chống Đảng này”. Trần Quỳnh viết: “Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đề nghị kỷ luật những người cầm đầu: Khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức, quản thúc một số, nhưng cho hưởng nguyên các chế độ đãi ngộ… Riêng về Giáp kỷ luật được đề nghị là khai trừ khỏi Bộ chính trị, Lê Duẩn không đồng ý. Lê Duẩn nói rằng chúng ta đang cần đến sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng Miền Bắc và nhất là trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam. Giáp là người của Liên Xô, nếu kỷ luật Giáp sẽ động đến Liên Xô ảnh hưởng không nhỏ đến sự viện trợ của Liên Xô. Tôi đề nghị cứ để Giáp ở lại trong Bộ chính trị. Ta sẽ có cách làm việc với Giáp làm cho sự ở lại và có mặt của Giáp không gây ra những hậu quả có hại”.
(272) Chỉ có tờ Tổ quốc, cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam, vào dịp 7-5-1984 vẫn phát hành một số đặc biệt nói về Điện Biên Phủ, trong đó ca ngợi tài năng và, lần đầu tiên nói đến quyết định “kéo pháo ra” của tướng Giáp. Tuy tờ Tổ quốc là của Đảng Xã hội, nhưng tổng biên tập, ông Hàm Châu vẫn là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nên việc ca ngợi tướng Giáp đã khiến ông Hàm Châu bị Ban Tuyên huấn của Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc nhở. Theo ông Hàm Châu: Ông Phan Quang, vụ trưởng báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương, gọi ông lên hỏi: “Vì sao đã có chỉ thị không nhắc tên cá nhân anh Giáp mà Tổ quốc vẫn đưa?”. Chủ trương không nhắc tên Võ Nguyên Giáp trong các bài kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một “chỉ thị miệng” chỉ được Lê Đức Thọ truyền đạt tới ba cơ quan báo chí lớn: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Thông tấn xã Việt Nam. Trong cuộc gặp này, Lê Đức Thọ nói: “Từ nay đừng bao giờ nhắc đến tên cái ông tướng đội mũ phớt nữa”. Ông Hàm Châu nói: “Thậm chí, Lê Đức Thọ còn định lấy ngày thành lập đội du kích Bắc Sơn, 14-2-1941, thay vì ngày thành lập Đội tuyên truyền giải phóng quân 22-12-1944 làm ngày thành lập quân đội”. Cho dù “chỉ thị miệng” này ngay sau đó được các đồng nghiệp ở báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân truyền đi. Nhưng, về lý thì không thể kỷ luật những người không nhận được lệnh này một cách trực tiếp. Phan Quang chấp nhận giải trình của Hàm Châu. Ông Hàm Châu nói: “Thâm tâm, chính Phan Quang cũng không đồng ý với chỉ thị của ông Lê Đức Thọ”.
(273) Nhân sinh nhật lần thứ 75 của Tổng bí thư Lê Duẩn, báo Nhân Dân số ra ngày 7-11-1982 đăng bài “Sáng tạo, một tấm gương lớn” của Thép Mới viết về cuộc đời của Tổng bí thư Lê Duẩn. Sau khi nhắc đến Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Thép Mới coi “Đề cương cách mạng miền Nam” như một loại sách “Bình Mỹ” mà Lê Duẩn đã “thai nghén từ Biên bạch tới Sài Gòn” để sánh với sách “Bình Ngô” mà Nguyễn Trãi ngồi ở “góc thành Nam, lều một gian” viết 600 năm trước. Dẫn lại một nhận xét về Lê Duẩn của Hoài Thanh: “Mỗi lần anh phát biểu ý kiến, chúng ta đều thấy có gì mới và sâu, soi sáng rất nhiều cho chúng ta”, Thép Mới viết: “Có sức nghĩ của những con người là chỗ dựa cho mạch nghĩ của cả một thế hệ và là điểm tựa chắc chắn cho cả mai đây”. Từ năm 1984, Ban Bí thư cử một nhóm viết tiểu sử và hồi ký cho Tổng bí thư Lê Duẩn, nhóm gồm ba người: Thép Mới, Bùi Tín và Đống Ngạc, thư ký riêng của Lê Duẩn. Nhóm được ông Lê Duẩn trực tiếp kể về mình tại nhà nghỉ Hồ Tây hoặc tại Đồ Sơn. Cùng nghe có ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng. Đến buổi thứ 5 thì Bùi Tín xin rút. Loạt bài, Thời Thắng Mỹ (đăng 17 kỳ liên tiếp mỗi tuần từ số báo Nhân Dân ra ngày 21-1-1985), về sau xuất hiện trên báo Nhân Dân chỉ còn đứng tên Thép Mới.
(274) Trong phần nói về cuộc tập kết năm 1955, Thép Mới viết: “Đến giờ kéo neo tàu chạy, anh Ba nắm tay anh Sáu (Lê Đức Thọ): ‘Anh ra thưa với Bác là tất cả đồng bào, đồng chí trong này ngày đêm mong Bác sống lâu, mạnh khỏe. Anh cho tôi gửi lời chào Bác, anh Trường Chinh và tất cả các anh ngoài đó. Tình hình này thì dễ đến mười tám, hai mươi năm nữa, anh em ta mới lại gặp nhau”. Lịch sử Nam-Bắc sau đó đã bị phân chia đúng 20 năm: 1955-1975 như… “tiên tri” của Lê Duẩn.
(275) Thép Mới, Thời Thắng Mỹ, đăng 17 kỳ liên tiếp mỗi tuần từ số báo Nhân Dân ra ngày 21-1-1985.
(276) Thép Mới, sách đã dẫn.
(Quê Choa)

Đoan Trang - "Thời thanh niên sôi nổi" của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Một cuộc khảo sát do báo Sinh Viên Việt Nam thực hiện năm ngoái với hơn 500 sinh viên một số trường đại học và cao đẳng tại TP.HCM cho thấy: 45,6% bạn trẻ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại; 27,1% bạn trẻ không hài lòng với cuộc sống hiện tại; 27,3% bạn trẻ đang băn khoăn và chưa nghĩ về hạnh phúc ở hiện tại nhưng hơn một nửa trong số 27,3% ấy tin rằng mình sẽ hạnh phúc trong tương lai.

Cũng theo khảo sát trên, các “kiểu” hạnh phúc được các bạn xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: 39% bạn trẻ mong muốn kiếm được việc làm phù hợp với năng lực và sở thích, có cơ hội thăng tiến, kiếm được nhiều tiền để thỏa mãn ước mơ học tập và du lịch, chăm sóc chu cấp cho người thân; 33% quan tâm đến sức khỏe; 17% quan tâm đến tình yêu; 11% muốn trang bị đầy đủ các vật dụng hiện đại như xe máy, điện thoại di động, laptop, máy ảnh…

Bạn trẻ, bạn nghĩ sao khi đọc những thông tin này? Về phần mình, tôi nghĩ nếu có một tỷ lệ hơn 40% sinh viên Việt Nam thực sự hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại thì đó là điều tốt, rất nên mừng cho các bạn ấy. Tuy thế, trong trường hợp ấy tôi sẽ hơi ngạc nhiên. Tôi nhớ tới câu nói của nhân vật Khảm trong truyện ngắn nổi tiếng “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Người xưa được phong thần dễ nhỉ?”, và tôi cũng muốn hỏi với đúng thái độ ấy: “Người trẻ bây giờ hạnh phúc dễ nhỉ?”.

Nói như vậy dĩ nhiên không phải vì tôi muốn sinh viên Việt Nam phải bất hạnh, cuộc đời phải thăng trầm, sóng gió. Ai dám mong điều đó chứ? Nhưng, đôi khi tôi cứ nghĩ, sao các bạn trẻ lại phải tự giới hạn diện quan tâm và mức độ đa dạng của cuộc sống của mình thế nhỉ? Một doanh nhân, luật gia Việt Nam – ông Nguyễn Trần Bạt – từng nói thế này: “Đặt những vấn đề của đất nước vào trong đời sống tinh thần của mình là cả một công nghệ để nâng mình lên một tầm khác. Tôi thấy rất nhiều thanh niên ngồi với nhau là nói chuyện bia rượu, hoa hậu, bóng đá… Tôi ít thấy ai nói chuyện đất nước, nói chuyện rừng ngập mặn, hiện tượng nóng lên của trái đất. Tôi cầu mong cho thế hệ trẻ bây giờ có nhiều người học được những phẩm chất như vậy, đem nhốt vào trong đời sống tinh thần của mình những vấn đề sống còn của đất nước mà suy nghĩ”.

Nhưng mà thôi, đầu xuân năm mới, chẳng nhẽ lại chúc nhau “một năm ly kỳ, gay cấn” như nhà văn Thảo Hảo từng gợi ý trong tiểu phẩm “Tôi muốn đời tôi màu gì”. Khi viết những dòng này, tôi cũng không có mảy may ý nghĩ rủ rê, hô hào, kích động bạn thanh niên xuống đường biểu tình chống tăng học phí. Tôi chỉ muốn nói là, các bạn trẻ hãy thử mở rộng diện quan tâm của mình đến khoa học, đến nghệ thuật, đến chính trị, đến quản lý và lãnh đạo xem sao. “Thử một lần cho biết”, các bạn sẽ thấy cuộc đời có thêm màu sắc, rất đáng sống.

Thay cho mọi lời chúc mừng năm mới, tôi viết bài dưới đây về một nhân vật đã, đang, và sẽ còn là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, xin coi đó như một món quà tặng các bạn đầu xuân 2011 này.

* * *
"THỜI THANH NIÊN SÔI NỔI" CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Năm 2011 này, vị tướng thân yêu của quân đội và nhân dân Việt Nam tròn 100 tuổi. Đã có quá nhiều sách báo cả trong và ngoài nước viết về ông – nhà quân sự tài ba, người xây dựng và dẫn dắt quân đội Việt Nam, vị tướng huyền thoại của chiến dịch Điện Biện Phủ lừng danh toàn cầu… Nhưng không mấy ai biết về tuổi trẻ, về thời học sinh – sinh viên của tướng Giáp. Và đó cũng là những “bí ẩn” hấp dẫn mà rất nhiều người muốn tìm hiểu.

Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, trong một gia đình nhà nho ở làng An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha ông dạy học, bốc thuốc, mẹ làm ruộng. Viết về gia cảnh họ Võ ngày ấy, một nhà sử học người Úc, TS. Robert J. O’Neill, ghi lại trong cuốn “Tướng Giáp – chính trị gia và chiến lược gia” (1969) (1) rằng Võ Nguyên Giáp “sinh trưởng trong một gia đình có thu nhập đủ để ông có thể học hành tới nơi tới chốn, nhưng không dư dật tới mức tạo cho ông một cách tiếp cận truyền thống về đường công danh”.

Cũng phải hiểu rằng, trong hoàn cảnh thời ấy, “thu nhập đủ để ông có thể học hành tới nơi tới chốn” nghĩa là đảm bảo cho chú bé Giáp không phải là một đứa trẻ thất học, nhưng việc theo được hay không hoàn toàn do năng lực của Giáp quyết định. Mà nhà cũng chỉ đủ tiền cho hai anh em trai Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho ăn học thôi, các chị em gái không được ưu tiên.

Từ bé, Võ Nguyên Giáp đã chăm chỉ, hiếu học. Người anh em đồng hao của tướng Giáp sau này là Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại rằng cậu Giáp học chăm và rất giỏi, “hai năm học ở trường tiểu học Đồng Hới, cậu luôn đứng đầu lớp và vào kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu tỉnh. Thời ấy, việc đỗ đầu tỉnh có tiếng tăm lắm. Gia đình hoan hỉ. Cậu về làng được quý trọng”. (2)

Tính hiếu học ấy được hình thành từ tấm bé và sẽ mãi là một phẩm chất nổi bật ở Đại tướng. Một người thân của tướng Giáp cho biết, Võ Nguyên Giáp là một trí thức suốt đời tìm hiểu, suy nghĩ, học hỏi, “dù là tuổi hai mươi, hay là khi tóc bạc”. Ông đọc sách rất nhiều, luôn chịu khó tiếp xúc và lắng nghe, với một sức thu nhận bằng năm bằng mười người khác, đến mức trong giới nghiên cứu lịch sử quân sự phương Tây có chuyên gia đánh giá: “Tướng Giáp là cả một văn phòng”.

Trong nhà giam thực dân.
Ảnh tư liệu, không rõ nguồn.
Tuổi 20 nồng nàn nhiệt huyết

Mùa hè năm 1925, Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Cậu đỗ thứ nhì, loại khá. Nhập học, tháng nào cậu cũng đứng đầu lớp, có tên hàng đầu trên bảng danh dự, được cấp học bổng. Và không phải là một cậu thiếu niên học giỏi nhưng lúc nào cũng chỉ cắm đầu vào sách vở mà thờ ơ với thế sự: Ngoài việc học, Võ Nguyên Giáp sớm có sự quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội, đến đất nước thuở ấy đang trong cảnh nô lệ. 14-15 tuổi, cậu đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu để hàng tuần nghe cụ nói chuyện. “Biệt nhãn” của cụ Phan cũng đã sớm nhận ra tinh thần cách mạng hay một thiên tư nào đó tiềm ẩn trong con người Võ Nguyên Giáp. Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại, hồi đó, “anh Giáp được cụ Phan chú ý và rất thương. Cụ có mấy chục bộ sách cổ kim, thấy anh Giáp hăng hái, nhiệt tình và ham học, cụ bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp””. TS sử học Robert J. O’Neill cho rằng: “Khi Giáp còn đi học, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã được hình thành một cách có sức thuyết phục và đầy cảm hứng bởi cụ Phan Bội Châu”. Nhưng sự thực có lẽ còn hơn thế: Sáng dạ, tinh thần ham hiểu biết, chịu khó học hỏi, mối quan tâm đến quốc gia, dân tộc, tất cả những phẩm chất ấy cộng thêm những tâm sự của nhà cách mạng già Bến Ngự đã hun đúc nên ở Võ Nguyên Giáp một năng lực chính trị vượt trước tuổi, trước đa số các bạn thanh niên cùng thế hệ.

Tuổi 20 của Võ Nguyên Giáp, như Trung tướng Phạm Hồng Cư đã viết, là một thời kỳ sôi nổi, làm việc cật lực: “Làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng. Là chiến sĩ cách mạng, là thầy giáo dạy sử, là nhà báo, là sinh viên…” (3). Nếu chỉ là một chàng thanh niên thông minh, học giỏi, nhưng thờ ơ với “chuyện chính trị”, Võ Nguyên Giáp hẳn không bao giờ làm việc hết mình, sống hết mình để có một tuổi trẻ như thế, và nhiều khả năng là chúng ta sẽ chỉ có một “thầy ký, thầy thông, thầy cãi” vô danh thay vì một vị tướng tài ba, một nhà chính trị chiến lược như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu tiên, bằng tiếng Pháp: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường tại Sài Gòn. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Sau đó, anh tổ chức một phong trào bãi khóa để phản đối việc nhà trường đàn áp học sinh, đuổi học Nguyễn Chí Diểu, cấm học sinh đọc sách báo yêu nước v.v. Với vai trò người cầm đầu, anh bị đuổi học. Nhưng không gì có thể dập tắt khát vọng học tập, đấu tranh, làm cách mạng giải phóng trong lòng người thanh niên yêu nước. Cũng Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại, những ngày ấy, anh Giáp vùi đầu vào tự đọc, tự học, lên một kế hoạch học tập rất nghiêm. Anh đọc đi đọc lại, thuộc lòng từ đầu chí cuối cuốn kịch thơ Andromaque của Racine, Le Cid của Corneille. Anh tập làm văn theo cuốn Stylitstique (Tu từ học). Anh liên lạc để tự học theo một trường giáo dục phổ cập bên Pháp... Cũng thời gian này, anh bắt đầu làm quen với chủ nghĩa Marx. Rồi anh gia nhập đảng Tân Việt, một đảng mà theo anh là có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt, hướng tới sứ mệnh làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Ở Tân Việt, Võ Nguyên Giáp làm công tác tuyên huấn, viết tài liệu tuyên truyền cách mạng. Từ năm 1928, anh kiêm thêm vai trò biên tập viên của Tiếng Dân, tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Song song với làm cách mạng, anh Giáp vẫn tự học Tú tài, và năm 1933, anh đỗ Tú tài phần thứ nhất, hạng ưu, với tư cách thí sinh tự do. Niên khóa 1933-1934, anh học chuyên khoa triết tại trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội, năm 1934, đỗ Tú tài toàn phần. Đây là một bước đệm để anh tiến tới trở thành sinh viên của Đại học Luật khoa Đông Dương.

Chăm chỉ, ham mê, và xuất sắc

Những người thầy cũng như bạn học cũ của Võ Nguyên Giáp đã dành nhiều lời tốt đẹp để nói về anh Giáp. GS, NGND Nguyễn Thúc Hào, bạn Võ Nguyên Giáp ở trường Quốc học, kể: “Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm “major”, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai... Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi”.

GS Marcel Ner, từng dạy triết ở trường Albert Sarraut, rất quý mến Giáp. Có bài của trò Giáp được GS chấm 17 điểm, vượt hẳn người thứ nhì chỉ được 14 điểm. Ông từng kể lại với ký giả Pháp gốc Việt Gérard Le Quang – tác giả của cuốn Giáp hay chiến tranh nhân dân (1973): “Giáp là một cậu học trò nghiêm chỉnh và say mê việc học hành. Đã xảy ra một chuyện lạ, khiến chúng tôi xích lại gần nhau. Khi thanh tra đang dự lớp tôi, tôi hỏi bài anh Giáp. Anh đứng dậy, nhưng chưa nói được câu nào, đã ngất đi … Trước đó, Giáp từng bị kết án, bị cầm tù, vì đã cùng với một số bạn học quyên góp từng xu cứu tế cho những nạn nhân người An Nam tham gia nổi dậy ở xứ Nghệ. Nay Giáp, cho dù ngập vào việc học hành, vẫn thức rất khuya để chữa bài (cho học trò con nhà khá giả) để phụ thêm vào khoản trả học phí…”. (4)

Vừa học đại học, vừa dạy thêm, vừa viết báo chính trị và làm cách mạng, Võ Nguyên Giáp hầu như không còn thời gian rảnh rỗi. Và không phải không có lúc anh kiệt sức, chuệch choạc. Gérard Le Quang viết:

“Ai cũng biết rằng sự nghiệp chính trị và đường học vấn không phải lúc nào cũng song hành, nhất là khi anh lại còn phải kiếm sống nhờ dạy học. Đây hẳn là lý do khiến Giáp đã phải đúp năm thứ hai, do không qua được kỳ thi tháng 10”.

Tuy thế, tinh thần ham mê học tập, năng lực tổ chức và khả năng làm việc gấp đôi, ba người thường, khiến Võ Nguyên Giáp luôn là một sinh viên nổi bật. Theo Gérard Le Quang, “Giáp học khá, đặc biệt xuất sắc ở những môn mà ông say mê, và vào những lúc mà, sau các hoạt động chính trị, vẫn lại thời gian dành cho học tập. Giáo sư Grégoire Kherian dạy kinh tế chính trị và luật vẫn còn nhớ về Giáp như một học trò ưu tú: “Vào năm thứ hai (1935), Giáp đã làm một luận văn xuất sắc về cán cân thanh toán Đông Dương. Tôi đã cho anh ấy tới 17 điểm với nhận xét sau đây: “Một chuyên luận xuất sắc về một đề tài ít được biết đến. Bài có cách trình bày sáng sủa, có phương pháp, và có cá tính”. Bài được giải nhất trong cuộc thi Kinh tế chính trị học cuối năm đó”.

GS luật Gaetan Pirou, quan chức cấp cao của Pháp sang thanh tra Đông Dương về giáo dục, đã chú ý đến Giáp và đề xuất việc đưa anh sang Paris du học, “ra khỏi môi trường thuộc địa”. Sau một ngày suy nghĩ, Giáp từ chối. Le Quang cho rằng đây chính là thời điểm Võ Nguyên Giáp quyết chí lựa chọn con đường cách mạng.

Lời kết

Nhiều năm sau trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, giới nghiên cứu phương Tây vẫn đặt câu hỏi, điều gì làm nên thiên tài quân sự cùng tầm nhìn chiến lược của nhà chính trị Võ Nguyên Giáp?

Họ, cũng như chúng ta, chẳng thể nào đưa ra câu trả lời chính xác cuối cùng. Nhưng từ những điều ít ỏi được biết về “thời thanh niên sôi nổi” của Đại tướng, chúng ta có thể thấy rằng, thiên tư của một người trẻ tuổi chẳng là gì khác ngoài tinh thần hiếu học, ý chí nỗ lực vươn lên không ngừng, hăng hái đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn không phải chỉ cho chính mình mà cho toàn thể dân tộc, cùng đất nước.
 
Đoan Trang
________________
Chú thích:
[1] “General Giap - Politician and Strategist” do NXB Cassel Australia xuất bản năm 1969.
[2] “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” – Phạm Hồng Cư, NXB Thanh Niên, 2004.
[3] “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” – Phạm Hồng Cư, NXB Thanh Niên, 2004
[4] “Giap ou la guerre du peuple”, NXB Denoël, Paris, 1973.

(Blog Đoan Trang)

Đảng vẫn để Đại Tướng sống thêm

Tướng Võ Nguyên Giáp
Việt Nam ém nhẹm tin Tướng Giáp qua đời trong nhiều giờ

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại có tiếng vang quốc tế cuối cùng của Việt Nam, trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:09 phút chiều ngày 4/10/2013 sau hàng trăm ngày nằm ở Bệnh viện Quân y 108.

Các nguồn tin báo trực tiếp cho BBC và qua Facebook dưới dạng bình luận trong khoảng từ 6:30-7:30 tối cùng ngày và trong vòng một tiếng sau đó một loạt các nhà báo đã đưa tin trên trang cá nhân của họ trên mạng xã hội với ít nhất 15 triệu người sử dụng.

Hai văn phòng của BBC Tiếng Việt ở cả Bangkok và London đã gọi điện thoại liên tục trong một tiếng sau đó để cuối cùng có thể xác nhận tin qua gia đình và qua Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người được thư ký của Tướng Giáp thông báo.

Sau khi đã có những nguồn khả tín nhất có thể, BBC đưa tin trên Facebook đầu tiên vào lúc khoảng 20:40 phút.

Một loạt các hãng tin quốc tế cũng đưa tin trong khoảng từ 20:00 trở đi.

Tuy nhiên Đảng đã để vị Tướng huyền thoại sống thêm một ngày.

Nói là Đảng để vì các cơ quan truyền thông quan trọng của Đảng, trong đó có Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói, Thông Tấn xã, báo Nhân Dân và Quân đội Nhân Dân cũng biết tin này sớm, và không ít người trong số họ cũng muốn đăng, nhưng không được phép.

Có người làm trong báo Đảng đã đưa ảnh của vị Đại Tướng lên Facebook cá nhân để tỏ lòng kính trọng và cũng để bày tỏ thái độ với những người quản lý báo chí.

Trong khi đó những tờ báo và trang tin ở vòng ngoài như VnExpress đã đưa tin gần như cùng lúc với BBC.

Một lãnh đạo của trang tin này viết trên Facebook sau khi báo chạy tin: "Ngày ấy cha mình mất, mình đã cố gắng báo tin nhanh nhất có thể được cho mọi người. Bổn phận."

'Bổn phận'

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng Cộng sản lại không thấy cái "bổn phận" đó?
Câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn vì người thọ ngoài 90 đã là hiếm và trên 100 còn hiếm hơn.

Cứ cho là người ta chỉ nghĩ tới khả năng vị Tướng sẽ ra đi vào một ngày nào đó từ khi ông 93 tuổi, thì tới nay họ đã có gần 10 năm để chuẩn bị.
Các lãnh đạo hiện thời đã có thể chuẩn bị mọi chi tiết kín kẽ cho một điều tất yếu.

Nhưng dường như điều này không xảy ra, hoặc người ta không muốn làm theo những gì đã hoạch định sẵn.
"Cuối cùng hàng triệu người Việt Nam vẫn tin là Đại Tướng còn sống khi họ thức dậy trong ngày 5/10."
Cuối cùng hàng triệu người Việt Nam vẫn tin là Đại Tướng còn sống khi họ thức dậy trong ngày 5/10.

Nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam đã bị những đối thủ cạnh tranh quốc tế hạ gục ngay trên sân nhà.

Ít nhiều điều này cũng lý giải chuyện vì sao Tướng Giáp sẽ là huyền thoại có tiếng vang quốc tế cuối cùng của Việt Nam trong nhiều năm tới đây.

Những khai quốc công thần tầm cỡ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, bất chấp những ý kiến trái chiều, có những tố chất thiếu vắng ở các nhà lãnh đạo lớp sau này.

Xin đơn cử một chuyện rất đơn giản.

Trong chuyến thăm mới đây tới Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị kênh truyền hình Canal+ của nước này chế nhạo vì đề nghị kéo rèm che nắng, kéo tay Thủ tướng Pháp để báo là ông không hiểu gì vì chưa có lời dịch trong tai nghe và nhất là vì phát âm tên của người tương nhiệm thành Dăng Mắc Ê Rô (Jean-Marc Ayrault).

Nói vậy cũng không khác gì người nước ngoài đọc chệch tên Thủ tướng Dũng thành 'Rụng'.

Điều này gần như không bao giờ có thể xảy ra với một số lãnh đạo của nhà nước Việt Nam non trẻ cách đây hơn nửa thế kỷ.

'Vững như bàn thạch'

Tướng Giáp và phóng viên Hoa Kỳ Tim Karr hồi năm 1995
Nhà báo Hoa Kỳ Tim Karr nói Tướng Giáp đáng ra có thể làm nhiều hơn để Việt Nam phát triển

Trở lại chuyện liên quan tới Tướng Giáp, những ý kiến đóng góp của Tướng Giáp trong 10 năm trở lại đây trên thực tế cũng không có sức nặng đối với những người cầm quyền, nổi bật là chuyện ông không tán thành việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Nhưng một số phóng viên nước ngoài, trong đó có nhà báo Tim Karr của Hoa Kỳ, cũng nói Tướng Giáp đã không sử dụng "vị trí vững như bàn thạch trong lịch sử Việt Nam" để làm nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Tướng Giáp qua đời khi Việt Nam chỉ còn hai năm nữa là đã thống nhất được 40 năm.

Nhưng chuyện Việt Nam 'sánh vai với các cường quốc năm châu' được nói tới cách đây gần 70 năm vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm thành hiện thực.

Nhà thơ cách mạng của Việt Nam Tố Hữu đưa vào thơ những dòng: "Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống."

Chuyện Đảng ép các báo để Tướng Giáp sống thêm nhiều tiếng là hành động bắt giới truyền thông "quỳ xuống" trước truyền thông quốc tế.

Và tương tự, nhiều người dân có lẽ cũng đang bị bắt "quỳ" khi mà vị thế của Việt Nam đang còn bấp bênh trong khu vực và quốc tế sau 27 năm Đổi Mới.

Nguyễn Hùng
Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com

Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức với nghi lễ quốc gia đặc biệt

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cho biết trung ương sẽ sớm có thông báo chính thức và khẳng định tang lễ Đại tướng sẽ được tổ chức trang trọng với nghi lễ quốc gia đặc biệt.
Tối 4-10, trên nhiều trang mạng trong ngoài nước đưa thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc khai quốc của nước Việt Nam mới đã qua đời lúc 18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013, tại BV Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, khi ông vừa qua tuổi 103.

Ông Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, quê hương sinh ra vị tướng huyền thoại, cho biết đã nhận được tin báo từ một lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu. Đang họp Hội nghị Trung ương 8 tại Hà Nội, ông Bính cho hay đang đợi thông báo chính thức từ trung ương để tỉnh nhà phối hợp trong việc tổ chức tang lễ.
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cho biết trung ương sẽ sớm có thông báo chính thức và khẳng định tang lễ Đại tướng sẽ được tổ chức trang trọng với nghi lễ quốc gia đặc biệt.
Người anh cả của quân đội
Không biết từ bao giờ, nhiều người dân đã theo dõi tin tức về tình hình sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự cảm thương và lo lắng thật sự.
Những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Đảng - với những nhân vật lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… - vốn vẫn được xem là hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản: Tận tụy, dấn thân, hy sinh vì lý tưởng chung và đều có cái “tầm” của những nhà trí thức.

Và như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hiện thân đầy đủ của thế hệ đó. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có lẽ cũng hiếm có một vị tướng quân đội nào được quân và dân kính trọng như thế và được gọi bằng những cái tên thân thương: “Anh Giáp”, “anh Văn”, “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”…
Đại tướng gặp ông Bùi Duy Ly, phóng viên ảnh chiến trường báoQuân đội nhân dân. Ảnh: TƯ LIỆU
Một trong những người từng làm việc với tướng Giáp là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từng có lần chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng trong đời quân ngũ, ông đặc biệt yêu quý và nể phục hai người: “Nhất anh Giáp, nhì anh Thanh” (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - PV). Ông Vĩnh nhận xét rằng ngoài việc là một vị tướng giỏi, kiệt xuất, Võ Nguyên Giáp thu phục lòng người chủ yếu bởi phẩm chất “nhân” trong ông. “Ông ấy luôn luôn quan tâm, luôn nghĩ đến người khác, nghĩ đến lính, đến điều kiện ăn ở, sống và chiến đấu của họ và nhất là xương máu của họ” - tướng Vĩnh nhớ lại.
Vị tướng dũng và nhân
Thiên hạ thường hay có những câu như “lính thì ác, quan thì bạc”, hoặc “nhất tướng công thành, vạn cốt khô” (một vị tướng đánh thành, vạn bộ xương khô) nhưng điều đó không bao giờ đúng với Võ Nguyên Giáp. Ngay từ những ngày đầu thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), “anh Văn” đã ngủ rừng, ăn cơm muối, lặn lội đi tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng cùng các đội viên.

Người nhỏ tuổi nhất trong đội này là Đại tá Kim Sơn, giờ đã 83 tuổi, coi “anh Văn” như thần tượng: “Suốt một năm trời từ cuối năm 1942 cho đến khoảng tháng 9, tháng 10-1943, ông Giáp đi trên những con đường núi, từ Cao Bằng cho tới giáp Tuyên Quang, Thái Nguyên, qua khoảng 20 xã miền núi. Có những quả núi cao hơn ngàn mét. Quần chúng ở đó phần lớn là đồng bào dân tộc, đời sống khó khăn và trình độ thấp. Địch khủng bố trắng, bắn chết người, bêu đầu cắm cọc. Thế mà ông Giáp vẫn chẳng nề hà gì”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con xã Thanh Xương trong chuyến lên thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên (7-5-1954 _ 7-5-1984). Ảnh: TTXVN

Những người lính của ông Giáp đã tham gia xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, bước chân vào cuộc chiến đấu không cân sức với quân đội viễn chinh thiện chiến, vũ khí tối tân của thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng gây chấn động địa cầu khi người đứng đầu lực lượng chiến thắng mới 43 tuổi.

Các nhà phân tích vẫn bàn chủ yếu về thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, mà ít nhớ đến một vị tướng vừa dũng vừa nhân - người đã căn dặn lính phải hết sức giữ gìn hình ảnh của “bộ đội Cụ Hồ” trong những ngày sát cánh cùng dân trên chiến khu Việt Bắc, người đã quyết định kéo pháo ra khỏi trận địa, hoãn cuộc tấn công ngày 26-1-1954 vì muốn đảm bảo “đánh chắc tiến chắc”, đã đánh là phải thắng, tránh hao tổn xương máu quân dân.

Người cộng sản học suốt đời

Xuất thân từ một gia đình nhà nho, là sinh viên xuất sắc ở ĐH, có thời kỳ làm ông giáo dạy sử-địa, Võ Nguyên Giáp có những phẩm chất của một trí thức ngay từ khi còn rất trẻ, mà nổi bật trong đó là tính ham học, coi trọng tri thức. Ông được nhiều học giả phương Tây đánh giá là có “một thứ tiếng Pháp hoàn hảo”. Còn Đại tá Kim Sơn thì không giấu sự khâm phục: “Ông Giáp vốn là trí thức, rất giỏi tiếng Pháp đã đành, ông ấy còn biết cả tiếng dân tộc, nói được, dịch được Việt Minh ngũ tự kinh nữa chứ”.

Là một trí thức, Võ Nguyên Giáp đọc, học và tự học suốt đời. Ngay cả vào những thời kỳ khó khăn nhất, ông vẫn học, vẫn tìm hiểu thông tin, vẫn lắng nghe và quan sát, vẫn cố gắng gắn mình với đời sống của nhân dân và đất nước. Ông là người đã cảnh báo rất sớm về nạn phá rừng, tàn hại môi trường cũng như lên tiếng về sự cần thiết phải khai thác dầu khí, phát triển kinh tế biển…

Huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã nhắm mắt. Nhưng những gì quân và dân nhớ về ông vẫn đọng lại mãi: Một danh tướng, một nhà trí thức, một người cộng sản chân chính của “thế hệ đầu tiên”.

Đêm qua, hàng loạt báo điện tử trong nước đã chạy tin, ảnh giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của vị danh tướng. Nhiều trang tin quốc tế, mạng xã hội ngay lập tức đưa tin về sự ra đi của vị danh tướng được nhiều bách khoa quân sự thế giới xếp ngang hàng với những vị tướng quân sự uy tín nhất trong lịch sử.

New York Times viết: “Ông là một người rất lôi cuốn và hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác. Ông có thể dùng sức hút của bản thân để lên tinh thần cho quân sĩ, làm bùng cháy trong họ sự sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Những người hâm mộ ông đặt ông ngang hàng với MacArthur, Rommel và những chỉ huy quân sự vĩ đại khác của thế kỷ XX”. Qua mạng xã hội Twitter, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cựu phi công Mỹ từng bị bắt giam ở Hà Nội trong chiến tranh, viết: “Tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Một chiến lược gia quân sự tài ba, người từng nói với tôi rằng chúng ta là những “kẻ thù danh dự””.

Tổ chức 2 ngày quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Theo thông báo của Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 5/10/2013, Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.
Thông báo về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, được gửi cùng một thông cáo đặc biệt, tóm tắt tiểu sử và danh sách Ban lễ tang.
Thông báo ghi rõ: "Linh cữu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013.
Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.
Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình).
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Trong hai ngày tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 12 và ngày 13/10/2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí"./.
(TTXVN)

Minh Diện - Vừng ơi, mở cửa ra


Thế là lại qua một kỳ thi tốt nghiêp phổ thông trung học. Lần này cả nước có 946.000 thì sinh, trong đó 854.000 thí sinh là học sinh trung học, 91.000 thí sinh là học sinh các trường giáo dục thường xuyên. Ngành giáo dục đã thành lập 2.296 hội đồng thi, huy động 142.000 cán bộ coi thi và 23. 000 cán bộ chấm thi. Số cán bộ chiến sỹ công an làm nhiệm vụ an ninh và bảo vệ các phòng thi lên tới hàng chục ngàn và cán bộ các cơ quan ban ngành đoàn thể cũng xem xem cỡ đó.Đâu chỉ học sinh đi thi mà cả phụ huynh đi thi, vậy là hàng triệu người trong cả nước bị cuốn vào hai cuộc thi liền kề nhau cùng tiền bạc và bao nhiêu thắt thỏm lo toan.

Sức người đã vậy còn sức của ? Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục-Đào tạo, số tiền nhà nước phải bỏ ra là gần 1.000 tỷ đồng. Nếu tính trung bình mỗi phụ huynh phải bỏ ra 1.000.000 đồng chi phí các khoản cho con em mình đi thi, thì cũng ném vào đó khoảng 1.000 tỷ nữa. Số tiền đó gấp 6 lần tổng thu ngân sách năm 2012 của tỉnh Yên Bái.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, nơi thấp nhất đạt 94%, nơi cao nhất 100%, bình quân cả nước đạt 98%. Có người vui mừng vì thành tích ấy, nhưng không ít người băn khoăn tự hỏi, huy động ngần sức người, sức của chỉ để loại ra 2% thí sinh thôi sao? Vậy thì công nhận quách 100 % tốt nghiệp cho rồi , còn bày vẽ thi cử làm gì cho tốn công tốn của? Điều làm mọi người băn khoăn đặt câu hỏi ấy chính là cái tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngểu, mập mở hư ảo cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Nhớ lại ngày ông Nguyễn Thiện Nhân mới nhậm chức Bộ trưởng giáo dục, và tuyên bố “nói không với bệnh thành tích”, ra tay kiểm soát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm đó tỷ lệ đỗ chỉ đạt hơn 20%, thậm chí có lớp 0%. Nhưng, rồi cùng với việc nhà giáo Đỗ Việt Khoa xông xáo chống tiêu cực thi cử, như nhân vật Đôn Kihôtê của Cevantes đánh nhau với cối xay gió , bị đánh tơi tả, thì như có phép thần thông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhảy vọt lên 99 %, và cứ như thế liên tục đến ngày nay.

Người ta cho mang điện thoại di động vào phòng thi, phao thi phập phồng ngoài cửa sổ, cổng trường, giám thị ngang nhiên gà bài cho thí sinh ... phòng thi như cái chợ trời mua bán điểm ! Căn bệnh thành tích của thầy giáo, cô giáo, cùa trường và địa phương, cộng với thói háo danh háo thắng bon chen của phụ huynh học sinh đẻ ra bao nhiêu chuyện nhố nhăng phi đạo đức.


Tôi được biết hầu hết các nước trên thế giới bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lâu rồi. Ở Đức học sinh được hướng nghiệp từ tiểu học, lên trung học cơ sở học theo năng khiếu. Chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm, học xong là chuyển sang học nghề. Không phải ai cũng lên trung học phổ thông rồi vào cao đẳng, đại học. Học lên cỡ đó phải có ý tưởng rất nghiêm túc. Những học sinh trung học phổ thông không chỉ được bồi dưỡng kiến thức mà còn coi trọng phát triển nhân cách, tư duy độc lập. Người ta cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập ba năm học , rất minh bạch công khai.

Pháp là nước vẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông , nhưng làm rất gọn nhẹ thiết thực , không ầm ào khoa trương lãng phí sức người sức của như ở ta. Có lẽ ít người để ý, là tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở Pháp chỉ đạt từ 70-75 %, kém ta 23 đến 28 %. Nhưng đó là kết quả đích thực, không ai nghi ngờ giá trị của cái bằng tốt nghiệp được trao cho người thi đỗ.

Còn ở Việt Nam, như Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ thừa nhận : “ Cái tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học cao ngất ngưởng ấy chỉ là kết quả ảo, chất lượng không thực!” Xin nói thêm, nói trắng ra, là kết quả đó mang nội hàm của học vẹt, học gạo và sự thông đồng gian lận. Chính vì vậy mà Bộ giáo dục đào tạo đã phải đề ra quy định khống chế trần tốt nghiệp. Đó là một biện pháp chống tiêu cực. Nhưng cái sáng kiến lấy thành tích chống lại bệnh thành tích ấy không có tác dụng, ngược lại như tưới xăng chữa lửa, bệnh thành tích càng trầm trọng thêm.

Thật đáng buồn cho những tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học được cấp từ những cuộc thi ít chất lượng nhiều bê bối ấy. Nó chỉ là cái giấy thông hành cho học sinh thi vào các trường cao đảng , đại học. Sau cuộc thi ấy, những em đỗ coi cái bằng ấy là đồ bỏ, phần lớn không đỗ chỉ còn là một vật kỷ niêm buồn thời cắp sách đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Loan tâm sự trên một trang Web : “ Tôi không biết học sinh của mình làm gì với tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?”

Đúng vậy , chẳng cơ quan nào nhận một người nửa thầy nửa thợ vào làm việc . Ba năm học chay mớ kiến thức dàn trải, có học sinh chưa viết thành thạo một tờ đơn xin việc, chưa biết xử lý một cái bóng đèn hư con chuột, phỏng tấm bằng tốt nghiệp đó giá trị gì?

Vậy mà mỗi năm đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng tổ chức cuộc thi vô bổ ấy. Số tiền đó có thể xây dựng được hàng chục ngôi trường khang trang cho con em chúng ta khỏi phải học trong những căn nhà tranh vách đất.

Ngày 31-7-2013, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Bộ giáo dục nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phồ thông. Theo bà tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95-96 % . Chỉ duy nhất một năm khi thực hiện cuộc vận động hai không, thắt chặt thi cử, thì có trường chỉ đỗ tốt nghiệp 10-20% , thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu thắt thì phải thắt khâu quản lý, thắt quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này!”

Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là tấm gương phản chiếu toàn bộ nền giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay. Một nền giáo dục mà ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải thừa nhận trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 15-8-2013 vừa qua : “Chất lượng giáo dục phổ thông chưa đảm bảo mức tối thiểu!” Phó giáo sư tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ cho rằng đó là một hành động dũng cảm của Bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo.

Tháng 4 -2010, Phạm Vũ Luận được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao quyền Bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo, thay Nguyễn Thiện Nhân , hai tháng sau, ngày 18-6, ông được Quốc hội thông qua Nghị quyết bổ nhiệm chức Bộ trưởng với số phiếu tín nhiệm rất cao 83,98%. Lúc đó , dù là người “ không thích tạo dấu ấn cá nhân” nhưng chắc ông không thể ngờ rằng, ba năm sau , ngày 11-6-2013, mình lại là một trong ba quan chức có số phiếu tín nhiệm thấp nhất (Tín nhiệm cao 86,tín nhiệm 229, tín nhiệm thấp 177). Giờ giải lao phiên họp ấy , nghe nói Phạm Vũ Luận đã lảng tránh trả lởi nhà báo, bằng lời nói đúng với tâm trạng cùa mình: “ Xin lỗi nhé, tôi đang rất buồn!”


Buồn là phải! Bởi từ khi ông ngồi trên chiếc ghế ấy, ngành giáo dục nhiều tai tiếng quá. Thi cử gian lận nổi cộm vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) nhà giáo mất phẩm chất nổi cộm vụ Sầm Đức Xương (Bắc Cạn) sách giáo khoa in cờ Trung Quốc, không in quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt, thạc sỹ đi bán trà đá, cử nhân đi phụ hồ, nạn dạy thêm tràn lan , bạo lực học đường như cơm bữa... Nhà giáo là người lái đò qua sông, truyền đạo làm người cho các thế hệ sau, mà để xảy như thế , thì như Chu Văn An đã nói : “ Không xứng làm thầy!”

Giáo dục Việt Nam đã lụi lại quá xa so với thế giới. Ở trong nước cũng lạc hậu với sự phát triển kinh tế xã hội.

Đề án đổi mới giáo dục lần này là quyết tâm của toàn ngành giáo dục, đối với Phạm Vũ Luận còn là sự đặt cược toàn bộ sinh mạng chính trị của mình vào nửa nhiệm kỳ Bộ trưởng còn lại. Ông Phạm Vũ Luận khẳng định rằng lần này không phải là cải cách giáo dục mà là một cuộc “Đổi mới toàn diện và căn bản”, làm thay đổi quan điểm tư duy và triết lý giáo dục, không đào tạo con người thụ động mà đào tạo con người có tinh thần độc lập , có đầu óc phê phán, trung thực , con người luôn luôn cởi mở với cái mới, con người giàu tính sáng tạo . Phạm Vũ Luận gọi đây là “trận đánh lớn” và tỏ ra rất quyết liệt để giành chiến thắng. Ông đã nói với phóng viên báo VnExpress : “Bước vào trận đánh , từ tường đến lĩnh đến binh lính phải quyết tâm , tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện “Đề án đổi mới giáo dục” lần này là một trận đánh lớn!”

Giáo sư Hoàng Tụy nhận xét : “Theo tôi, đây là lần đầu tiên chúng ta có một Đề án nghiêm chình nhất về đổi mới giáo dục!” Còn Phó giáo sư tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ thì đánh giá : “ Đây là đề án đổi mới nhất của Bộ giáo dục từ trước đến nay, nhưng đáng tiếc là vẫn còn những điềm chung chung”

Theo phó giáo sư tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, đề án đã vạch ra những yếu kém của ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề. Đó là một hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông giữa các trình độ đào tạo, phương thức giáo dục sách vở, giáo điều, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu sử dụng cùa thị trường lao động, đội ngũ lãnh đạo và nhà giáo chất lượng chưa cao. Mặt hạn chế của Đề án đổi mới giáo dục là chưa vạch rõ phương hướng khác phục mà vẫn là những biên pháp chung chung. Ví dụ như bảo đảm sự công bằng giữa trường công lập và trường dân lập thế nào? Xóa bỏ những đặc quyền đặc lợi ra sao? Đề án nhắc tới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả tin cậy, sử dũng được công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học làm căn cứ cho tuyển sinh dạy nghề và cao đẳng đại học, tiến tới giáo dục bắt buộc 9 năm ở bậc phổ thông nhưng chưa dứt khoát được là sẽ làm thế nào?

Đề án rất hay và rất nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết.

Nhưng một nhà giáo rất có uy tín lại nói với tôi: “Với chính sách như hiện nay mà giáo dục Việt Nam chỉ tụt hậu như vậy thì đã lả kỳ tích”. Ông tỏ ra hoài nghi vì: “Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, đảng đã nêu “Giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu” nhưng có chuyển biến đâu.

Hội nghị Trung ương 8 lần này lại tập trung bàn về Đổi mới toàn diện giáo dục. Tôi đã từng hy vọng và thất vọng, giờ lại khấn: “VỪNG ơi mở cửa ra!”
Minh Diện

Nước Mỹ đang kiệt quệ?”

Phạm Lê Vương Cac – Cùi các FB

Trên các phương tiện truyền thông quốc tế đang xôn xao về việc một số cơ quan của chính phủ Mỹ phải ngưng hoạt động vì “không có tiền”.
Mới nghe qua như là chuyện hài, vì chính phủ là cơ quan hành pháp của một quốc gia mà không có tiền để hoạt động.
Phải chăng “ngày tàn” của trùm tư bản đã đến như phán đoán của những người theo trường phái Macxit?
Tìm hiểu lý do của việc này thì không phải như vậy, mà đây chỉ là quyết tâm của đảng Cộng Hòa nhằm gây sức ép để ngăn chặn việc thực hiện Luật Cải Tổ Y Tế của Tổng Thống Obama và đảng Dân chủ.
Còn nhớ cách đây khoảng 4 mấy năm, dự luật Cải tổ Y tế do Tổng thống Obama đề xướng với khoảng chi ngân sách 700 tỷ Đô la nhằm giúp cho hàng chục triệu người dân Mỹ, đặc biệt là những người nghèo.
Nhưng dự luật này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là Đảng Cộng Hòa.
Vậy phải chăng đảng Cộng Hòa chỉ đại diện cho tầng lớp thượng lưu mà không ngó ngàng gì tới những người nghèo?
Tôi đã tìm thấy câu trả lời này nhân buổi gặp gỡ và trao đổi về vấn đề này với một Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt vào một buổi làm việc thiện nguyện cũng trong khoảng thời gian đó.
Ông ấy nói rằng, nếu Dự Luật Cải Tổ Y Tế này được thông qua thì ông ấy sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp từ việc này. Nhưng ông ấy lại là người phản đối quyết liệt Dự luật này.
Khi được hỏi lý do vì sao lại như vậy, ông ấy đã lấy điện thoại ra, giới thiệu với tôi về hình ảnh 2 đứa con của ông, một đứa 7 tuổi và một đứa 3 tuổi.
Rồi ông nói: “Khoảng tiền đó không phải từ trên trời rơi xuống, mà đó là ngân sách của quốc gia. Nếu bây giờ mình mượn xài trước thì thế hệ sau này sẽ phải trả”
Ông nói tiếp: “Mình không muốn 2 đứa con của mình khi lớn lên phải mang gánh nặng trả nợ giùm cho mình.”
Sau khi nghe ông nói vậy, tôi chỉ biết gật gù, trong đầu chợt có suy nghĩ: ước gì ông này mang quốc tịch Việt Nam.
Qua đó ông cũng cho hay, nước Mỹ có trữ lượng dầu mỏ ngoài khơi vô cùng lớn, nếu khai thác vẫn có thể cung cấp đủ cho người Mỹ xài trong vài thập kỷ tới.
“Nhưng, như bạn biết đấy, nước Mỹ là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện nay. Không phải vì nước Mỹ không có tài ngyên dầu mỏ, mà vì Quốc hội không cho phép khai thác các mỏ dầu, nên đành chấp nhận bỏ tiền ra mua từ các nước khác”, ông nói.
Lý do theo ông đưa ra vẫn là vì thế hệ tương lai, Quốc hội Mỹ coi đây như là một tài sản cần phải gìn giữ cho thế hệ tương lai, qua đó gìn giữ cho vị thế của nước Mỹ.
Qua câu chuyện này, ta có thể đánh giá nước Mỹ đang “kiệt quệ” như thế nào?
Còn đối với tôi, tôi đã nhìn thấy sự kiệt quệ của đất nước này, kể từ ngày đào bới tìm kiếm boxit ở Tây Nguyên.

Danlambao 5/10/2013

Blogger Châu Văn Thi bị CA bắt cóc


Cập nhật: Lời nhắn của blogger Nguyễn Hoàng Vi:
Sáng mai, gia đình Thi, chị em mình và 1 số anh em SG sẽ đến sân bay TSN hỏi về việc bắt giữ Thi… Anh chị em ở SG muốn đi cùng thì liên hệ mình sđt 0905 37 50 17 nhé…


CTV Danlambao – Rạng sáng ngày 5/10/2013, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức bắt giữ anh Châu Văn Thi sau khi anh này vừa đáp chuyến bay trở về Việt Nam. Châu Văn Thi là một blogger trẻ tại Sài Gòn, đồng thời cũng là người đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho phái đoàn liên minh EU vào hôm 10/9/2013.
Có mặt tại sân bay, bạn gái của Châu Văn Thi là cô Nguyễn Thảo Chi cho biết: Lúc 00 giờ 10 phút (Rạng sáng ngày 5/10), Thi có gửi tin nhắn thông báo máy bay đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 00 giờ 40 phút, Thi gọi điện thông báo khẩn cấp về việc đang bị giữ lại tại khu vực hải quan.

Những sự thật cần phải biết (phần 24) – Tội bán nước và tham nhũng có tên Lê Khả Phiêu

Đặng Chí Hùng (Danlambao) Lê Khả Phiêu là một cán bộ cộng sản gộc có nhiều tội lỗi với nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên nổi bật là hai trọng tội: Bán nước và tham nhũng. Trước đi vào tìm hiểu hai sự việc đó chúng ta điểm qua thân thế của Lê Khả Phiêu trên báo đảng:
I. Về thân thế Lê Khả Phiêu:

Hai phe và ngồi cùng bàn tròn


Đỗ Như Ly (Danlambao) – Trước tiên, phải nói rõ phe là một tập hợp, lực lượng, số đông người, chứ không phải từ lóng của dân Hà Nội thời bao cấp chỉ người buôn đi bán lại những đồ nhu yếu phẩm hay tem phiếu mắm muối, kim chỉ, gạo bắp, khoai mỳ… Ở cái thời những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, lúc đó thế hệ chúng tôi – tuổi chưa thành niên, ngồi trên ghế nhà trường – được “tuyên truyền và giáo dục” là thế giới được chia làm hai phe rõ ràng là: Phe Xã hội Chủ nghĩaPhe Tư bản Chủ nghĩa! Phe xã hội chủ nghĩa thì bách chiến bách thắng, còn phe tư bản thì đang giãy chết!

Bản Lên Tiếng của các Chức sắc Tôn giáo Việt Nam

Về Pháp lệnh tôn giáo năm 2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh năm 2012
“…Các tôn giáo tự bản chất là những xã hội dân sự và mọi tín hữu đều là những công dân bình đẳng. Họ có những quyền và nghĩa vụ như mọi xã hội dân sự và mọi công dân khác. Những quyền và nghĩa vụ này – trên nguyên tắc- được xác định trong Hiến pháp và các bản văn dưới luật hình thành theo tinh thần tự do dân chủ, phù hợp với các Công ước quốc tế về nhân quyền. Thành ra không thể có và không được có những luật riêng cho tôn giáo. Như thế là đàn áp và kỳ thị! Chúng tôi thấy mình không có bổn phận chấp hành những luật lệ như thế….”

Teacher Dinh Dang Dinh’s health in alarming state: His cancer spreads


VRNs * Translated by Jasmine Tran (Danlambao) – From Saigon, teacher Dinh Dang Dinh’s daughter has informed VRNs of his health status: “Yesterday (02/10/2013) my mother was informed my father is suffering from cancer spreading to the nodes, which hasn’t yet reached the liver or the lungs. My father already knew of this but he has been optimistic and told my mother he hoped that the cancer would be only in its first stage.”

Thầy giáo Đinh Đăng Định bị ung thư chạy  -(Bản tiếng Việt)

Ăn mặc & ăn nói


“Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chúng tôi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới.”  - Nguyễn Tấn Dũng
Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Có lần, bên bàn nhậu, tôi nghe một cha nói (y như thiệt) rằng hồi năm 1941 Nhà Nước Thuộc Địa đã trao tặng giải thưởng và cấp bằng tưởng lục cho một người dân Việt vì đã chế ra cái đèn dầu Hoa Kỳ – hiện vẫn còn được lưu dụng, ở nhiều nơi.
Cùng thời điểm này, chính xác là vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, xảy ra trận Trân Châu Cảng.

Bạn tốt hay bạn tồi?


Nguyên Anh (Danlambao) – Trong chuyến công du một loạt nước nhằm vận động giới doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. xin Worldbank tiếp tục biện trợ IDA và xin xỏ Đan Mạch tiếp tục cho vay nguồn vốn ODA đã được công luận nói đến nhiều nhưng có một chi tiết mà nhiều người không biết đến Mít Tờ Bin (biệt danh mới của đồng chí X từ sau chuyến Pháp du) của chúng ta đã yêu cầu Chú Sam dỡ bỏ lệnh bán vũ khí sát thương cho chính quyền CSVN!

Ông Võ Nguyên Giáp qua đời

Dân Làm Báo – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời vào lúc 6 giờ chiều ngày 4 tháng 10 năm 2013 tại Viện quân y 108. Ông hưởng thọ 103 tuổi.

Những giấc ngủ trưa cần thiết cho tương lai


Trần Quốc Việt (Danlambao) – Thủ tướng cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng tuyên bố trên tờ Paris-Match số ra ngày 22 tháng Chín năm 1978: “Trong ba năm qua, chúng tôi đã trả về cho cuộc sống dân sự và cho gia đình của họ hơn một triệu người mà trước đây bằng cách này hay cách khác đã cộng tác với kẻ thù.”
Lần đầu tiên một trong những người đứng đầu chế độ cộng sản ở Việt Nam công khai thừa nhận điều mà tất cả những người Việt và thế giới đều biết rõ là cả Việt Nam là một tù lớn kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Hình ảnh nhà tù lớn mang tên Việt Nam ấy hôm nay lại hiện lên trong lòng nhiều người khi họ nhìn thấy cảnh hàng hàng lớp lớp hàng rào người và hàng rào sắt vây dày đặc quanh tòa án để ngăn chặn những người đến dự phiên tòa xử anh Lê Quốc Quân. Hay nói một cách hình ảnh hơn, Việt Nam là xã hội nhà tù với những hàng rào cố định dựng lên quanh các nhà tù và những hàng rào di động chặn người trên đường phố.

Đảng được xem như đứng trên Hiến Pháp vì chúng ta đã vô tình mặc nhiên chấp nhận


Nguyễn Chí ĐứcTrong khi tôi xem những người như tôi mắc một căn bệnh “ma túy Cộng Sản” và gọi những người từng là đồng chí thực chất là những người “lầm đường lạc lối” thì mọi người lại tôn vinh với những thuật ngữ như “cựu đảng viên”, “đảng viên lâu năm”, “đảng viên cấp tiến/phản tỉnh”… Để ý một số tuyên bố, kiến nghị trong quá khứ và mới đây vẫn có lác đác những người ghi đại loại như: cựu đảng viên, đảng viên 40-45 tuổi Đảng, đảng viên đã thôi sinh hoạt. Cái đó nên khoe và hãnh diện trong cùng dòng Cộng Sản hơn là xưng danh vào các văn bản có tính cách đại chúng…

Ôi Quê Hương của những câu hò Ví, Dặm


Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Năm 1930, Bác lập nên phong trào “Xô Viết Nghệ Tịnh” để ưu tiên quậy nát quê nhà: “Trí Phú Địa Hào, Đào tận gốc trốc tận rễ” và 83 năm sau, không xa lăng Bác ngự, đám cháu ngoan học tập và lao động theo gương bác Hồ sùng sục các nhà nghỉ, khách sạn để kiểm tra ráo riết và tìm kiếm những nhóm người đông và có giọng Nghệ An, Hà Tĩnh…
Nghĩ mà xót thương cho quê hương của những câu hò Ví, Dặm…

Khối 8406: Tuyên bố về việc nhà cầm quyền Cộng sản ngày càng dồn dân vào đường cùng


Kính thưa
Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Các chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế. 
Trong thời gian gần đây, giữa lúc tình hình chính trị ngày càng khắc nghiệt do việc nhà cầm quyền CSVN ban hành những luật lệ mới nhằm tiêu diệt tự do ngôn luận và tự do tôn giáo hơn nữa (Nghị định 72 và Nghị định 92) cũng như do nguy cơ một đảng pháp mạo danh “Tân Hiến pháp” sắp thành hình; giữa lúc tình hình kinh tế ngày càng suy thoái với tài chánh quốc gia cạn kiệt, vật giá leo thang, thất nghiệp lan tràn, công ty xí nghiệp giải thể hàng loạt khiến dân tình điêu linh khốn khổ và thủ tướng CSVN phải đi cầu cứu Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Bộ Thương mại Hoa Kỳ; giữa lúc tình hình xã hội ngày càng bất ổn do nạn cán bộ đảng viên đoạt đất dân lành, côn đồ cướp bóc lộng hành nông thôn thành thị, công an đỏ và xã hội đen dần dần đồng hóa, thì nhà cầm quyền cộng sản, thay vì an dân bằng những chính sách sáng suốt và can đảm, phục thiện và nhân đạo, lại ngày càng đẩy đồng bào vào ngõ cụt, vì lo sợ toàn dân đứng lên hỏi tội quan chức và thanh toán chế độ. Sau đây là những vụ việc điển hình:

Liệu tại “Hội nghị 8” này Nguyễn Phú Trọng có thể làm mưa làm gió?


Nhà báo Châu Thành (Danlambao) – Có lẽ trước cảnh “Nhân (bất) Hòa”, “Địa (chẳng) Lợi” mà “Thiên (đã không) Thời”; nên mở đầu hội nghị 8 của BCH trung ương đảng cộng sản Việt Nam, những trận bão lụt kinh hoàng đã giáng thảm họa xuống đầu nhân dân các tỉnh bắc miền trung. Hàng vạn gia đình với nhà cửa cuốn trôi cùng hàng vạn người đói rét! Trong lúc ấy những lãnh đạo đảng vẫn ung dung com-lê, cà-vạt sang trọng bàn chuyện của đảng, không hề có một lời chia sẻ đau thương với những người dân bất hạnh! Mãi đến hết mưa bão, sau khi các trang mạng phê phán quá, mới có lời thăm hỏi và kêu gọi quyên góp giúp đỡ.

Từ chức? Chuyện hài thưa Tướng Vĩnh!


Nguyên Anh (Danlambao) – Truyền thông nước ngoài loan tin tướng Nguyễn Trọng Vĩnh một nguyên lão công thần gầy dựng lên chế độ CSVN yêu cầu đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng từ chức vì không được tín nhiệm trong đó nổi lên vụ không kỷ luật được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với những kết quả đưa nền kinh tế Việt Nam trở nên bi đát!

Mẹ nữ sinh Nguyễn Phương Uyên kiện công an cướp tài sản


VRNs (03.10.2013)  – Bình Thuận – Ngày 28.09 vừa qua, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên đã gởi Đơn tố cáo an ninh công an cướp tài sản đến ông Bộ trưởng công an.
Bà Nhung nói với VRNs: “Chính ông trung tá Lương Quang Tuấn đã trực tiếp cướp túi xách của tôi”. Làm sao bà biết người lấy túi xách bà là công an? Bà Nhung cho biết: “Ông ta mặc quân phục, có đeo bản tên, chính tôi đã đọc được. Sau này xem lại video clip trên mạng tôi càng thấy rõ bộ mặt ông an ninh này”.

Hội nghị 8 xơ cứng – trễ tàu – lạc hậu


Phạm Trần (Danlambao) – Hội nghị Trung ương 8 Khóa đảng XI CSVN họp từ 30/9 đến 09/10/2013 tập trung thảo luận 5 vấn đề lớn: 1) Đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội. 2) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 3- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 4) Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 5) Công tác xây dựng Đảng (gồm cả 2 công tác: xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng).

Đôi lời của một công dân gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Lý Trung Nam (Danlambao) – Trước đây nhiều người thường nói ông là lú lẫn, tôi không tin, vì chắc đây là thế lực thù địch, lợi dụng dân chủ để làm diễn biến hòa bình (nói như các ông hay nói). Tuy nhiên thời gian gần đây tôi có theo dõi những phát ngôn của ông thì tôi thấy “bọn thế lực thù địch” nói có lý.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã làm được gì từ khi nhậm chức Tổng Bí thư?


Nguyễn Phạm Trường Sơn (Danlambao) – Một điều mà ai cũng thấy là từ ngày lên ngai Tổng Bí thư tại Đại hội XI đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng chưa để lại bất kỳ một dấu ấn nào dù là mờ nhạt thể hiện vai trò của người đứng đầu giai cấp lãnh đạo, ngược lại, mọi hành động, lời nói của ông đều thể hiện sự giáo điều, bảo thủ, không có thực tiễn đã trở thành trò cười, sự chế nhạo của quần chúng nhân dân. Mỹ danh “Trọng Lú” mà người dân đã “tặng” cho ông đã thể hiện tất cả. Thử điểm lại các hoạt động của ông trong thời gian qua:

Chẹc! Chẹc! Từ nói dối tiến lên bước mới: nói… văng mạng!


Nhạc sỹ Tô Hải – Chưa bao giờ suốt nửa thế kỷ sống và làm việc ăn lương để nói dối trong hệ thống tuyên và giáo của “đảng tiền là phong” với phương châm “nói dối để chiến thắng kẻ thù không có tội”, mình lại thấy một sự nổi loạn một cách tiêu cực để vạch trần sự dối trá trong nội bộ cái đảng tư bản đỏ tiếm danh cộng sản để “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” như lần này…. Trừ những con người hiện đang sống vô gia cư, chết vô địa táng, chạy bữa sáng lo bữa chiều, tiến sỹ thật mà nghèo mạt rệp, những công nhân, sinh viên thạc sỹ thất nghiệp cả triệu người… ra, mình luôn luôn giữ vững niềm “bất tín nhiệm chiến lược” với các vị lương đảng chi tiền chục triệu/tháng, nhà đảng cho 2, 3, 7 tầng, nói gì mình cũng cho là: nói dzậy mà không phải dzậy đâu! 
Và thấy có nhiệm vụ phải giãi bày với lớp trẻ đang còn ít kinh nghiệm đánh giá con người (nhất là bọn cơ hội chính trị) ngày hôm nay…

Đi về đâu về đâu…


Minh Dân (Danlambao) – Sắp đến hạn tuyên kết cái hiến pháp sửa đổi của nước gọi là CHXHCNVN, nhân nghe bài hát Thuyền và Biển của Thanh Trang, thơ của chị Xuân Quỳnh, xin phép chị được hát cải lời bài thơ để tả tình cảm con dân trước ngày đại họa:

“Có những thể loại đam mê bệnh hoạn như ‘khu vườn kinh dị’”!!!???

Khải ĐơnThật lạ lùng, ở cái thế giới kì cục này: Chính quyền, nghệ sĩ, nhà điêu khắc, dịch giả và cả nhà báo cho mình cái quyền đi vô vườn nhà người ta, coi ngó gật gù, xong đi ra phán một câu xanh rờn ông tạc tượng vầy tụi tôi không thích, ghê rợn wá, nên đập bỏ đi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét