Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Ngày 16/9/2013 - Ai cho tôi lương thiện

AI CHO TÔI LƯƠNG THIỆN?

Súng lại nổ, máu lại đổ trên quê tôi.
Không phải tiếng súng chống ngoại xâm.
Không phải tiếng súng của bọn khủng bố…
Cũng không phải của bọn tội phạm hình sự hoặc một kẻ điên khùng nào, mà là tiếng súng của người lương thiện bị cùng đường.
Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nhà báo Thái Vũ , và nhiều bạn bè từ thành phố Thái Bình, nơi xảy ra vụ án, gọi điện, viết Gmail cho tôi,kể lại câu chuyện xảy ra ngày 11-9-2013 với tâm trạng đau buồn.
Đặng Ngọc Viết sinh năm 1971, là con trai thứ ba của ông Đặng Ngọc Vu, nguyên quán thôn Dục Dương, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, thường trú tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Nửa thế kỷ trước , ông Vu theo tiếng gọi của Đảng lên đường cầm súng chiến đấu vì lý tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!” Ông bị thương, và bị nhiễm chất độc mầu da cam ở chiến trường Tây Nguyên. Năm nay ông Vu đã ngoài 80, bi liệt không đi lại được. Ông có người con trai tên Đặng Vinh Quang, cũng nhiễm chất độc da cam, bị bệnh động kinh, dân làng gọi là “thằng ngớ ngẩn”. Vừa qua , Quang nói được một câu dài nhất trong cuộc đời 44 tuổi của anh : “ Thương em tôi quá! Nó chết ai nuôi tôi!” Đó là khi Đặng Vinh Quang nghe tin em trai Đặng Ngọc Viết tự tử.
Đặng Ngọc Viết là con trai thứ ba, may mắn hơn anh, khỏe mạnh, đẹp trai,và thông minh, mỗi tội “nhát như cáy”.
Học hết cấp ba, Viết lấy vợ và năm 1996 cả hai vợ chồng đi xuất khẩu lao động ở Nga. Mẹ vợ phải bỏ tiền ra chạy, chứ Viết nghèo không lo được. Vợ chồng chăm chỉ làm ăn, gửi tiền về nuôi con trả nợ. Năm 2008, Viết muốn về nước, nhưng chị Thu chưa muốn về, vợ chồng đâm ra mâu thuẫn, rồi ly dị.
Viết về nước, phải nuôi mẹ già, cha bệnh, anh tâm thần nên rất cực. Theo phán quyết của tòa án, chị Thu nuôi hai con,mỗi tháng Viết phải góp một triệu.
Ông Đặng Ngọc Vu buồn bã khi nói về người con của mình:
“Chiều qua, nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay tôi và bảo hôm nay con bắt tay ông, con đi trước ông (chết trước – PV), tôi có hỏi nó là mày đi đâu thì nó không nói mà bỏ đi luôn. Nó đi lối trong làng và ra chùa ở bên Đông, rồi cũng không biết như thế nào nhưng đến chiều tối thì tôi thấy mấy anh công an vào báo gia đình ra nhận có đúng người nhà hay không. Xảy ra sự việc như thế, tôi buồn và thương con tôi quá….”. Ông Vu cũng nhấn mạnh: “Vừa rồi sự việc xảy ra như thế do nguyên nhân vấn đề đất, người được chia hay không được chia, hơn thiệt thì mới xảy ra như thế…”.
Bà Bùi Thị Kim, mẹ vợ Viết nói :
- Hai cháu ở với tôi. Thấy thằng Viết khó khăn tôi không hỏi, nhưng tháng nào nó cũng đưa 3 triệu.
Nhận xét về chàng rể đã ly hôn với con gái mình , bà Kim chân thành:
- Nó hiền lành, không rượu chè, trai gái. Tôi chẳng chê nó được điểm nào trong hơn mười năm làm rể tôi.
Ông bố đẻ Viết nói:
- Mẹ ốm đau một mình nó chăm thuốc thang. Nó là đứa con hiếu thảo.
Những người hàng xòm của Viết bảo : “ Anh ấy hiền lành, ít nói và không có điều tiếng gì với bà con hàng xóm”. Năm kia anh Viết bỏ tiền thuê làm một bộ khung nhà bạt tặng cho xóm để che nắng mưa phục vụ các đám ma chay.Viết cũng hay mua kẹo phát cho bọn trẻ con.
Mới cách đây hơn một tuần, Viết nói với con trai mình và bọn trẻ:
-Tết trung thu muốn ăn bánh gì bố mua cho, kẻo bố sắp đi xa!
Bọn trẻ chưa được ăn bành Trung thu thì xảy ra chuyện tày đình. Cái nhà bạt Viết tặng cho xóm, hôm nay làm đám ma cho Viết.
Câu chuyện buồn bắt đầu từ hồi tháng 3-2013, khi thành phố Thái Bình triển khai dự án “Khu tái định cư Trần Kỳ-Kỳ Bá”.
Gia đình Đặng Ngọc Viết ở số 345 đường Ngô Thì Nhậm, tổ 48, phường Kỳ Bá, có căn nhà ngói 3 gian trên diện tích đất 220 mét vuông, bị chính quyền ra quyết định thu hồi 181,6 mét vuông, chỉ còn cái rẻo 24,6 mét vuông , bề ngang chưa đầy 3 mét.
Thời điểm đó, giá đất thị trường khu vực này hơn 10.000.000 đồng một mét vuông, nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình chỉ áp giá đền bù gần 7. 000.000 đồng một mét đất ở, đất nông nghiệp mấy trăm ngàn. Nhân dân bức xúc khiếu nại , họ đưa các quy định, quyết định của nhà nước ra , không giải quyết, dân bức xúc nhưng “ ở dưới chín tầng địa ngục đành ngậm bồ hòn làm ngọt!”
Theo tính toán của Trung tân phát triển quỹ đất, gia đình Đặng Ngọc Viết được bồi thường 70 mét vuông theo giá “đất ở”, 111,6 mét vuông theo giá đất “nông nghiệp”, tông cộng 300.000.000 đồng. Thật vô lý khi cùng một thửa đất, chỉ cần một mảnh giấy cho “chuyển mục đích sử dụng” sang đất ở là có giá gấp nhiều lần đất nông nghiệp.Các Trung tâm phát triển quỹ đất lời khẳm là nhờ như vậy. Thu hồi đất nông nghiệp giá bèo, làm quyết định chuyển mục đích xử dụng sang đất ở,giao cho các đại gia làm dự án, bán lại ngay cho những người dân vừa bị giải tỏa giá gấp 10 lần. Buôn ma túy cũng không lời bằng Trung tâm phát triển quỹ đất. Vì vậy có người nói thẳng là :
“Trung tâm cướp đất!”, hay là “Trung tâm những con quỷ ăn đất”?.
Rốt cục 181,6 m2 đất của Đặng Ngọc Viết chỉ được bồi thường 300.000.000 đồng, bình quân 1.724.000 m2, chưa bằng 1/5 giá thị trường. Ngôi nhà ngói 3 gian được bồi thường 190.000.000 đồng, tổng cộng 490.000.000 đồng. Nhờ bố và anh nhiễm chất độc da cam, thuộc diện chính sách, được ưu tiên thêm 14.000.000 đồng nên gia đình Đặng Ngọc Viết có số tiền bồi thường 504.000.000 đồng.
Cầm số tiền ấy Viết đi dạm mua nhà khắp nơi, vào cả miền Nam cũng không thể mua được, vì giá cao quá. Một căn nhà cấp 4 xập xệ , diện tích vài chục mét vuông, trong hẻm, cũng phải tiền tỷ. Thất vọng,Viết quay về làm đơn gửi Trung tâm quỹ phát triển đất, xin trả lại tiền để lấy nền nhà khu tái định cư.
Lẽ ra Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình phải giải quyết cho người ta. Dủ người ta đã trót nhận tiền đền bù, giờ xin hoàn lại cũng nên chiếu cố. Lúc nào cũng bem bẻm vì người nghèo, và cái mục đích thành lập “Trung tâm phát triển quỹ đất” mà liên bộ Tài chính, Môi trường, Nội vụ đề ra đã chả đề cao lợi ích của dân hay sao? Ấy thế mả họ tử chối.
Bà Bủi Thị Kim, mẹ vợ anh Viết nói:
- Nó viết năm sáu lá đơn và đen giấy tờ lên tỉnh năm sáu lần nhưng không được giải quyết. Nên nó bức xúc lắm. Nó lo cho con trai sau này không có nhà do tiền đền bù không đủ mua nhà mới!
Ông Tư, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình còn sống sờ sờ đấy nghĩ gì về lời bà Kim nói, và phải chịu trách nhiệm thế nào về cái chết của ông Dũng phó giám đốc, của anh Viết ? Không chỉ ông mà cấp trên của ông cũng không thể phủi tay trách nhiệm, càng không thể lấp liềm đổ tội cho anh Viết là “con bạc” là do “buồn chuyện gia đình”.
Tôi lại nhớ chuyện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Khi bị thu hồi hai chục héc ta đầm tôm mình đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt, chết cả đứ con thơ, Đoàn Văn Vươn cũng năm ,sáu lần đi khiếu nại ,chầu chực xin xỏ các vị lãnh đạo từ huyện lên thành phố , nhưng cứ như đụng dầu vào đá. Lần sau thất vọng hơn lần trước. Có lần Đoàn Văn Vươn đội lá đơn trên đầu quỳ dưới chân Nguyễn Văm Hiền, van lạy: “Chú ơi nếu chú không nghĩ lại thì hày giết hết gia đình con đi!” Nhưng lão phó bí thư kiêm chủ tịch huyện ấy vẫn “trơ trơ mặt sắt đen xì, mặc bay tham khóc , làm gỉ mặc bay!”
Cái cảm giác uất ức vì bị dồn vào chân tường,cứ dâng lên. Khi hoàn toàn bế tắc thì cũng là lúc mất hết kiên nhẫn. Dostoevsky đã từng viết như vậy. Kẻ cùng cùng nghĩ quẩn!
Đoàn Văn Vươn , với bản lĩnh một cựu chiến binh,một kỹ sư và hơn Đặng Ngọc Viết 10 tuổi, cũng không thể kìm nén được nữa. Vì đâu phải là cuộc sống của riêng anh? Anh tính nước liều gây ra tiếng nổ, đẩy vụ dân sự thành hình sự, để cấp trên biết nỗi oan ức của mình, của nhiều người.
Nhưng bây giờ làm gì có quan tòa De Rezario và công tố Moreau?(Vụ đồng Nọc Nạn). Cả nhà Đoàn Văn Vươn phải đứng trước vành móng ngựa vì tội giết người và chống người thi hành công vụ,bị tủ, tài sản bị phá sạch.
Tiên Lãng chỉ cách thành phố Thái Bình quê tôi 50 cây số , theo quốc lộ số 10. Vụ án Đoàn Văn Vươn là tấm gương để Đặng Ngọc Viết soi vào.
Người vợ sau sắp cưới của Đặng Ngọc Viết kể:
-Anh ấy nói sẽ liều chết! Tôi động viên khuyên nhủ , anh nổi khùng. Trước ngày xảy ra việc đáng tiếc, trong đám cưới người bạn cùng làng, anh ấy bảo: “Tao sẽ chết ở chùa Đông Sơn”. Lúc đó ai cũng tưởng anh Viết say nói nhảm.
Bà mẹ vợ cũ của Viết kể:
- Nó bảo đã phóng to một cái ảnh thờ. Nếu bị dồn vào đường cùng sẽ bắn mấy phát rồi tự tử. Tôi tưởng lúc bực nó nói vậy, nên chỉ mắng nó vài câu, vì nó nhát như cáy!
Một kẻ “nhát như cáy” và ăn ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ và chòm xóm như vậy, tại sao lại bắn người khác rồi tự sát? Và nếu như ông Nguyễn Hải Trường, Chánh văn phòng Uy ban nhân dân tỉnh Thái Bình bảo rằng, Đặng Ngọc Viết không bức xúc về vấn để đất đai…(!?).
Thế thì hỏi thẳng ông Trường rằng, mâu thuẫn gia đình sao lại xông thẳng lên Trung tâm Phát triển Quỹ đất nằm ngay trong UBND thành phố, và réo gọi, tìm đúng ông Dũng và bà Lan Anh? Và ông có biết cú nhắn tin thách thức trơ tráo của bà Lan Anh hay không?
Hãy nghe ông Trường lý giải : “Nếu cho rằng ông Viết quá bức xúc vì giá đền bù không thỏa đáng thì không đúng. Khung giá đất có quy định , không có chuyện thấp hay cao. Hơn nữa phần lớn người dân đồng tình, không hiểu sao ông Viết lại manh động như vậy?”
Một chánh văn phòng cấp tỉnh mà chỉ nói lấy được . Thử hỏi khung giá đất ai đặt ra? Đâu phải do thiên định? Khung giá đất chỉ là khái niệm do chính quyền đặt , giá áp đặt chỉ nhằm mục đích có lợi cho chính quyền. Cái giá ấy đi ngược với cả chính sách của đảng và nhà nước. Chính sách đề ra bồi thường theo giá thị trường, nhưng thực tế khung giá bồi thường chỉ bằng 20-30%, thậm chí có nơi chỉ bằng một phần mười . Chính sách đề ra là tạo thuận lợi cho dân có cuộc sống tốt hơn sau khi bị thu hồi đất, nhưng thực tế đẩy dân vào đường cùng.
Ông Trường nói phần lớn người dân đồng tình ư? Ông không biết hay cố tình làm ngơ 85-87% các vụ khiếu kiện là đo đất đai, do bất công trong áp giá đền bù giải phóng mặt bằng? Ông quên vụ nhân dân tỉnh nhà nổi dậy vào năm 1997 rồi hay sao?
Đất đai nhà cửa ruộng vườn của dân bị giải tỏa, cưỡng đoạt, chuyện dân oan đã thấu tận trời.
Chỉ cách vụ án Thái Bình nửa tháng, ngày 28-8-2013, ở tổ 16, phường Hòa Xuân quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), anh Thanh đã treo cổ tự tử cũng vì bị thu hồi đât. Anh Thanh nhỏ hơn Viết một tuổi, ba đứa con, đứa lớn vừa đậu đại học, đứa nhỏ mới một tuổi. Trước gia đình anh làm ruộng, nhưng có công đất của anh bị Trung tâm quỹ đất thu hồi thực hiện dự án liên hợp thể thao Hòa Xuân, anh Thanh phải đi phụ hồ kiếm sống. Ai không muốn sống, con giun con dế còn muốn sống nữa là…
Số tiền gia đình anh Thanh được Trung tâm phát triển quỹ đấi bồi thường 700.000.000 đồng , bằng 1/5 giá thị trường, nhưng chỉ trà trước 230.000.000 đồng. Anh Thanh và nhiều bà con đề nghị cho tái định cư ở khu vực E2, họ đồng ý nhưng bào chờ.
Chờ hoài không thấy “ Giấy xanh” tức là cấp đất tái định cư. Nhìn trước nhìn sau, thấy ai chạy “ cò” thì có đất. Gíá chạy giấy xanh 80 triệu, đưa trước 30 triệu. Nóng lòng có chỗ nương thân khỏi ở nhờ, Thanh bỏ ra 30 triệu tạm ứng cho “ cò”. Nhưng anh cả tin không làm giấy tờ cẩn thận , bị lừa mất tiền toi, đất vẫn không có.
Chiều 27-8, ăn cơm xong anh mếu máo nói với vợ:
- Chắc anh không lo được nhà cho mẹ con em rồi! Phiếu đất chưa có, tiền đền bù cũng không được nhận hết, lại để cò lấy mất tiền…
Vợ khuyên chồng đừng buồn, nhưng nừa đêm, chờ vợ con ngủ hết, anh Thanh lẻn ra sau nhà lấy sợi dây dừa treo cổ chết.
Ôi bao nhiêu cảnh thương tâm như thế chỉ vì bị dồn ép đến đường cùng.
Đặng Ngọc Viết là thế. Anh bị dồn vào đường cùng, bế tắc đến mức không muốn sống nữa. Anh mua khẩu súng Colt Trung Quốc, lắp sẵn 6 viên đạn,chọn tấm hình cho các con làm di ảnh. Quả là anh đã chuẩn bị kỹ như người lính cảm tử quân năm xưa!
Bà Bùi Thị Kim kể:
-Trước kia thằng Viết mỗi khi tới nhà tôi , miệng nó oang oang : “Công ty của mẹ vẫn tồn tại chứ ạ!?”. Nó gọi cái quán bún rươu của tôi là công ty đấy.
Bà Kim chùi nước mắt nói tiếp:
-Nhưng khoảng tám giờ sáng 11-9, nó tới, nhìn mặt buồn lắm. Nó hỏi em vợ và hai con nó đâu, nó muốn tâm sự . Tôi làm cho nó bát bún, nó ăn hết, rồi ngồi chờ. Tôi hỏi, có chuyện gì thế con? Nó bảo không mẹ ạ! Rồi nó chào tôi phóng xe đi.
Cái thời khắc 13 giờ 29 phút hôm đó, Đặng Ngọc Viết bước vào Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình, không say rượu, không sử dụng ma túy như người ta đã toan buộc tội anh, mà bình tĩnh nổ liên tiếp 5 phát súng, trúng năm người, cướp đi sinh mạng của anh Vũ Ngọc Dũng và làm bị thưng 4 người khác. Cái cách giết người ấy không phải cách của một kẻ cuồng sát máu lạnh,nó như như sự quằn quại của một con thú bị trúng thương!
Ông Đặng Ngọc Vu kể: “Chiều hôm ấy nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay và bảo , hôm nay con bắt tay ông rồi con đi trước. Tôi hỏi đi đâu? Nó không nói, lặng lẽ đi ra lối chùa làng Đông Sơn … Chiều tối thì công an đến bảo gia đình ra nhận xem có đúng người nhà không.
Xảy ra sự việc như thế tôi buồn quá. Thương con tôi quá! Như thế có phải do nguyên nhân vấn đề đất đai không?…
Trước khi tự kết liễu cuộc đời bằng viên đạn cuối cùng, Đặng Ngọc Viết đã xin nhà chùa một chén cơm chay và quỳ xuống dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm cầu nguyện rất lâu. Bát cơm chay tượng trưng cho sự đoạn tuyệt , và cũng là để minh chứng cho lòng mình. Đặng
Ngọc Viết quỳ dưới chân Đức Quan Âm Bồ Tát để sám hối, xin người tha thứ cho việc mình đã làm.
Đó là tội ác. Bất luận lý do gì, cướp đi mạng sống của người khác cũng là tội ác. Theo luật nhân quả và lẽ đời, một cái ác diệt trừ cái ác tệ hại từ trong bản chất để cứu những người khác lại là việc thiện!?
Nhưng cái gọi là “tội ác” đó lại từ chỗ một người bị dồn đến chân tường mà phải chọn đến cái chết!
Chắc chắn một cuộc đời đã ngoài 40 vói biết bao vật lộn, băng bật, biến trài, Đặng Ngọc Viết rất muốn sống lương thiện, và xưa nay anh đã là người lương thiện (qua di ảnh đã thấy anh rất hiền). Nhưng, cũng như trong tác phẩm của Nam Cao đã lột tả, Chí Phèo la lên trong nỗi trầm uất không còn lối thoát: “Tao muốn lương thiện, nhưng ai cho tao lương thiện?”. Thì thế, cuộc đời đã đẩy Đặng Ngọc Viết đến hành động như vụ giết người rồi tự sát mà mọi người đều đã am tường. Ai đã dồn những người lương thiện như Đoàn Văn Vươn ,Đặng Ngọc Viết đến đường cùng. Và tiếng súng Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết liệu có còn tái diễn?
THEO MINH DIỆN, BÙI VĂN BỒNG BLOG

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Nguyễn Vạn Phú - Làm báo kiểu mới

Trái ngược với nhiều tiên đoán bi quan về tương lai của báo chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy báo chí đang phát triển mạnh! Thoạt nghe rất trái tai nhưng cũng rất dễ đồng tình với nhận xét này nếu chúng ta không đánh đồng “báo chí” với “báo in”.
Ngày xưa, có lẽ thói quen của nhiều người là sáng ra, cầm tờ báo đọc một mạch các tin bài quan trọng rồi thôi. Có ai sáng đã đọc rồi, trưa vẫn tìm báo đọc, chiều tìm tin mới và tối loay hoay lùng sục các sạp báo coi còn sót tờ nào nữa không! Hiếm lắm.
Nhưng đó chính là hình ảnh cách đọc báo của nhiều người hiện nay. Họ đọc sáng, đọc chiều, đọc tối; họ đọc trên máy tính, quay sang đọc trên máy điện thoại di động, tối về nằm đọc trên máy tính bảng. Họ đọc tờ này, nhảy sang tờ khác, tin trên mạng này, qua tin trên mạng khác. Họ đọc bất kỳ khi nào có bạn bè giới thiệu.
Như vậy đã có thể kết luận được chăng, rằng nhu cầu tin tức vẫn tăng mạnh, chỉ có điều cái phương tiện chuyển tải thông tin không còn là tờ báo in nữa mà thôi.
Vậy cái nghịch lý nhu cầu đọc tin tăng, nhu cầu đọc báo in giảm, sẽ dẫn chúng ta đi đâu, sẽ đưa tương lai báo chí về chỗ nào?
Trong một bài viết gần đây, giảng viên trường Harvard Kennedy School Nicco Mele tiên đoán tương lai của báo chí là mô hình báo nhỏ. Dù Mele không nói mô hình báo nhỏ là như thế nào, có thể hình dung theo kịch bản dưới đây. Đã từng có người giả định trong tương lai một nhạc sĩ chỉ cần có 1.000 người hâm mộ thật sự, sẵn sàng trả 100 đô-la mỗi người trong một năm cho nhạc sĩ này yên tâm sáng tác, không còn phải lo lắng giữa “nhạc thị trường” hay “nhạc nghệ thuật”. Mô hình này có thể tồn tại là nhờ tính kết nối thông qua Internet.
Nay giả thử một một nhà báo, có chừng 5.000 người theo đọc (trên blog cá nhân hay trên Facebook), mỗi người sẵn lòng bỏ ra chừng 100.000 đồng/năm trả cho nhà báo này để được đọc tin bài do anh sản xuất, vị chi anh ấy sẽ có thu nhập chừng 500 triệu đồng/năm! Nghe như chuyện giả tưởng nhưng cứ nghĩ lại, mỗi tháng, bấm 10.000 đồng (bằng giá hai tờ báo ngày hiện nay) chuyển cho anh nhà báo qua điện thoại di động để được đọc tin bài mà mình thích, e cũng không đến nỗi quá viễn vông. Vấn đề là bản quyền bởi nếu tin bài nào đăng lên đều bị nơi khác lấy lại vô tội vạ thì mô hình này sẽ đổ vỡ ngay.
Và nghĩ xa hơn một chút, người đọc làm “fan” một hai nhà báo kiểu đó thì được còn bắt họ đọc gì cũng phải trả tiền kiểu đó, chắc chắn cũng không khả thi. Nói cách khác, mô hình nhà báo đơn độc như trên ắt chỉ thành công với một số người đếm được trên đầu ngón tay và như thế cũng không giải quyết được gì cho mô hình báo chí và nghề báo trong tương lai.
Từ đó mới thấy những mô hình làm báo mới xuất hiện có lý của nó và có thể thành công. Đó là một mô hình dựa vào mô hình xuất bản của Amazon, loại bỏ nhà xuất bản trung gian, chỉ còn người đọc và nơi phát hành sách. Áp dụng vào báo chí, đó là sự loại bỏ cơ quan báo chí, chỉ còn lại người viết và nơi chuyển tải nội dung đến tận tay người đọc.
Trở lại giả định nói trên, thay vì 5.000 người, anh nhà báo có đến 50.000 người đọc, đương nhiên “phí nuôi sống” anh sẽ tụt xuống còn 10.000 đồng/năm chứ không còn phải đến 100.000 đồng/năm như trước nữa. Hay nói cách khác có chỗ nào đó bán sỉ, tập hợp được 10 anh nhà báo như thế thì người đọc vẫn trả tiền như cũ nhưng đọc được bài viết của 10 người thay vì chỉ 1 người. Đó là bộ khung của mô hình báo quy mô nhỏ của tương lai.
Sẽ có người lo ngại, như thế những ai viết chuyện giật gân, câu khách sẽ sống khỏe và dần dần sẽ chỉ còn những bài viết rẻ tiền, dung tục? Rất có thể như vậy nhưng cũng rất có thể nhu cầu thông tin của con người không xoay quanh chuyện xì-căng-đan của các sao giải trí; họ thật sự cần những kiến giải giúp hoạch định cuộc sống.
Lấy ví dụ, các doanh nhân đang lo chuyện phải cạnh tranh khi thuế nhập khẩu giảm ắt rất muốn biết một phân tích sâu tình hình, kèm theo là những khuyến nghị hữu ích. Lúc đó chắc họ sẵn sàng trả tiền để đọc bài đang cần tìm và không chịu bỏ xu nào cho loại bài nhảm nhí.
Như vậy, tương lai của tổ chức báo chí gồm đầu ra nhỏ, phục vụ cho một số đối tượng chứ không phải đại trà, thu tiền người đọc chứ không phải sống nhờ quảng cáo. Đã có những tổ chức báo chí kiểu mới như thế đang sống được, sống khỏe ở các nước.
Cách viết tin bài cũng thay đổi để làm sao người làm tin bài như một nhà tư vấn, một người bạn tâm tình, vừa cung cấp chuyện mới, vừa giải thích nó là gì, nó tác động đến cuộc sống ra sao, cần phải có thái độ như thế nào. Cách đưa tin cũng phải thay đổi, ưu tiên cho sự tương tác với người đọc. Người đọc phải có tiếng nói, như thể tạo dựng một cuộc trò chuyện thì tin bài mới có sức lan tỏa. Người đọc sẽ giúp lọc tin sai, tin viết ẩu, họ sẽ làm giám khảo nghiêm khắc cho mỗi bài viết. Bốn cột trụ làm nên nghề báo vẫn còn đó mà người bình thường không thay được: xác minh, giải thích, chứng kiến và điều tra.
Vấn đề còn lại là tính tổ chức của tòa soạn bởi để một bài báo có chất lượng ra đời, đâu phải chỉ là công sức của người viết, nó còn là sự kiểm chứng thông tin của nhiều người khác, là công sức biên tập, là sự hỗ trợ thông tin nền, là sự động não tập thể về đề tài và hướng triển khai, là uy tín của một tổ chức giúp người viết tiếp cận được nguồn tin. Nhìn ở góc độ này, cuộc tìm kiếm mô hình báo chí cho tương lai vẫn tiếp diễn.
Nguyễn Vạn Phú

Bộ Y tế 'kiện' Bộ Giáo dục

Cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ Giáo dục.
ngành y, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế
Một giờ học điều dưỡng

Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.

Bộ GD-ĐT có quy định việc mở ngành đào tạo do sở GD-ĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng. 0946551078

Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.

"Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.

Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này. Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Từ đó, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Đồng thời , cần có khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng lựa chọn.

Bộ trưởng nói gì?

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, ông Nguyễn Minh Lợi, đại diện Bộ Y tế đã đề cập đến thực trạng mở ngành đào tạo y dược tại một số ĐH đa ngành.

Ông Lợi nêu quan điểm, y là một ngành đặc thù nên quá trình đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thẩm định mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường ĐH đa ngành, ngoài công lập được phép đào tạo y dược trong điều kiện không đảm bảo.

"Thiết bị thực hành thiếu, bệnh viện lại cách xa trường học đến vài chục cây số. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc giảng dạy mà còn khiến chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu", ông Lợi phân tích.

Về vấn đề này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.

Họ cho biết, việc này tưởng như rất bài bản, đúng quy trình nhưng trên thực tế có chuyện các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành đã thuê của các đơn vị phân phối. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ đem đi trả. Chất lượng đào tạo của những trường này cũng rất kém.

"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh" - lời Bộ trưởng Luận.

Ông Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, cả hai bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.
Nguyễn Hiền
(VNN)

Cần nhận thức đúng về tự do và quyền con người

QĐND - Tự do và quyền con người là những giá trị cao quý của nhân loại. Không có chế độ xã hội nào, không có nhà nước đương đại nào phủ nhận giá trị đó. Sự khác biệt về nhận thức lý luận đối với những phạm trù, khái niệm trừu tượng như khái niệm tự do và quyền con người cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những quan niệm ấu trĩ, sai lầm về “tự do” và “quyền con người” đã khiến cho người ta có hành vi vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Chẳng hạn dựa vào nhận thức sai lầm về tự do ngôn luận, một số blogger trong “Câu lạc bộ nhà báo tự do” viết bài xuyên tạc chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoặc dựa trên “công thức” xơ cứng, sai lầm về pháp luật: “Điều gì luật pháp không cấm thì đều có quyền làm”, người ta kêu gọi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992.
Vậy tự do là gì và trong đời sống thường nhật, người ta phải hành động như thế nào cho phù hợp với quan niệm đúng đắn về tự do?
Khái niệm tự do trong triết học được xem là một giá trị cao quý, cơ bản của nhân loại. Theo nhà triết học Locke (John Locke 1632-1704) “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào". Như vậy tự do ở đây chỉ là khả năng của con người. Còn nhà triết học cận đại Hegel (G.W Friedrich Hegel 1770-1831) thì cho rằng: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Như vậy, ở đây tự do không chỉ là nhận thức mà cả ở hành động. Tuy nhiên, theo Hegel, muốn có tự do thì trước hết phải nhận thức được cái tất yếu, cái quy luật. Người ta nhận thức được quy luật đến đâu thì hành động tự do được bảo đảm đến đấy. Vi phạm quy luật, tất yếu sẽ bị mất tự do. Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, loài người còn có giá trị khác, cao quý không kém tự do, đó là ý thức về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với dân tộc và gia đình. Phải chăng, đây mới là giá trị phân biệt loài người với phần còn lại của thế giới.
Trong chính trị, quy luật cơ bản liên quan đến sự tồn tại, phát triển của một dân tộc trước hết là quyền dân tộc tự quyết. Quyền này bao gồm: Quyền xác lập chế độ chính trị, thể chế quốc gia và hệ thống pháp luật. Tất cả các quốc gia, kể cả tổ chức chính trị lớn nhất hành tinh như Liên hợp quốc đều phải tôn trọng quyền đó. Với quyền này, các nhà nước có quyền áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó có xây dựng và thực thi pháp luật để bảo vệ chế độ của mình. Những hành vi chống lại chế độ chính trị và nhà nước hiện hữu là vi phạm quy luật, tất yếu sẽ mất tự do. Nhận thức đúng đắn về tự do của cá nhân không thể không nhận thức đúng quy luật này. Nói một cách đơn giản: Không có quyền tự do cá nhân nào được phép đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính trị, lợi ích của Nhà nước.
Bây giờ trở lại vấn đề quyền con người, xem quyền con người (QCN) là gì? Vì sao có những người cho rằng, họ chỉ “thực hiện những quyền con người của mình, đã được pháp luật ghi nhận” mà lại bị bắt bớ, xét xử?
Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Với tư cách là một giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: Nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Khái niệm này là phương hướng cho sự phát triển của nhân loại.
Với tư cách là một giá trị pháp lý, QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng. Có thể nói cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận với nhau những chuẩn mực chung về quyền con người. Những chuẩn mực này được ghi trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, 1948[1], “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa”, 1966[2]. Tuy nhiên, Luật quốc tế về quyền con người không trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và người dân ở mỗi quốc gia. Các nhà nước nội luật hóa những công ước đã tham gia vào hệ thống pháp luật của mình, trên cơ sở đó các quyền con người ở mỗi quốc gia mới được bảo vệ trên thực tế.
ở Việt Nam, các quyền con người đã được nội luật hóa trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Nói cách khác, việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam đã được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Viện dẫn quyền con người nói chung mà không dẫn ra được những quyền đó được quy định như thế nào trong pháp luật quốc gia là thiếu tính thuyết phục, là không thể chấp nhận.
Trong luật quốc tế về quyền con người, không có quy định nào về “quyền tự do” nói chung. Một số quyền con người gắn với khái niệm tự do hình thành những quyền tự do cơ bản. Chỉ những quyền tự do cơ bản này mới được pháp luật bảo hộ. Đồng thời, những quyền (tự do) này phải chịu một số hạn chế của pháp luật. Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” 1966, các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; về tự do ngôn luận, báo chí; về tự do cư trú, đi lại; Về tự do lập hội, hội họp được ghi nhận. Đồng thời, Công ước này cũng khẳng định những quyền này có thể bị hạn chế “để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác” [3]. Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam, một số quyền công dân cũng bị hạn chế. Điều này thường được quy định theo luật (sau khi quy định về nội dung quyền - Đối với Hiến pháp), hoặc được quy định trong khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, Điều 88, Bộ luật Hình sự về “Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, Điều 89, “ Tội phá rối an ninh”…
Sở dĩ quyền tự do ngôn luận, báo chí của các blogger trong “câu lạc bộ nhà báo tự do” không được Nhà nước ta chấp nhận vì trên trang mạng của họ đã có hàng trăm bài xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo chính sách của Nhà nước.
Sự tồn tại và phát triển của xã hội nói chung, điều chỉnh mối quan hệ xã hội nói riêng không chỉ có pháp luật mà còn có những giá trị khác, trong đó có hệ thống giá trị đạo đức và văn hóa. Những hành vi nào đó, cho dù pháp luật không cấm hoặc chưa cấm, nhưng không phù hợp với đạo đức, không được xã hội chấp nhận thì người ta không nên làm.
VỌNG ĐỨC
--------------------------
[1] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 28.
[2] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 249, 294.
[3] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 255.
(Báo QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét