Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý

Hiệu Minh - Ai sẽ thay đổi nước Việt?

Chính tôi sẽ đổi. Ảnh: HM
Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên là thời kỳ đô hộ 1000 năm Bắc thuộc, nước Văn Lang bị xâu xé và chưa có tên chính thức trên bản đồ thế giới. Cho tới năm 938, sau trận Bạch Đằng giang nổi tiếng, Ngô Quyền đã giành độc lập cho nước Việt từ tay Trung Quốc phong kiến. Dù chỉ xưng vương, nhưng có thể nói Ngô Quyền là người đầu tiên đặt nước Việt vào vị trí xứng đáng trên quả địa cầu.

Đế vương họ Ngô đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước. Là một trong 14 anh hùng trong lịch sử nước Việt, Ngô Quyền được coi là người đã thay đổi nước Việt lần đầu tiên. Ông trị vì 6 năm rồi mất.
Nhà Ngô rơi vào nội chiến với 12 sứ quân trong nhiều năm. Rất may có vị tướng quân xuất thân từ trẻ trâu là Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau dẹp loạn, dựng nên nước Đại Cồ Việt. Ông xưng vua, đứng đầu quốc gia, như một thách thức đối với phương Bắc. Đó là một nhà nước chính thống đầu tiên trong lịch sử Việt nam. Từ tiết đế sang vương, từ vương sang vua, Đinh Bộ Lĩnh là người thay đổi nước Việt lần 2 mang tính quyết định.
Suốt gần 1000 năm sau đó, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn của Phật giáo, văn hóa kiểu phong kiến Trung Quốc và đặc biệt là Nho giáo. Người Âu bắt đầu đi thám hiểm. Các giáo sỹ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, thay chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ (latin). Người Pháp biến nơi này thành thuộc địa. Lần này nước Việt bị thay đổi bởi người Pháp, nhất là chữ Việt có như ngày nay là nhờ giáo sỹ Alexandre de Rhodes.
Gần một thế kỷ đô hộ của Pháp kết thúc bằng Điện Biên Phủ. Ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi Việt Nam bằng trận chiến cuối cùng. Pháp rút nhưng Việt Nam bị chia cắt làm hai. Người Mỹ nhảy vào vẽ lại bản đồ nước Việt, nhưng cũng chỉ kéo dài được 21 năm (1954-1975), để cuối cùng chiếc xe tăng 390 của anh Vũ Đăng Toàn, sau khi đâm đổ chiếc cổng thép của dinh Độc Lập sáng ngày 30-4-1975, đã thay đổi số phận nước Việt một lần nữa.
Như vậy trải qua mấy ngàn năm, người Việt, người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc thi nhau thay đổi mảnh đất này. Lúc huy hoàng, khi thất bại, khi đổ máu thành sông, cuối cùng dân tộc Việt có đất nước như hôm nay.
Câu hỏi tiếp theo là, ai sẽ là người thay đổi Việt Nam trong tương lai. Trong entry trước, tôi có nói thế hệ 9X là những người chủ trong vài thập kỷ tới. Nhiều bạn lo lắng, với cách sống như thanh niên hiện nay, liệu họ có đảm đương nổi cây thánh giá nặng trĩu do cha anh để lại. Dù muốn hay không, họ phải vác cây thánh giá của quá khứ, tốt hay xấu đều do họ và có cả trách nhiệm của chúng ta đang sống.
Để giúp 90X, thế hệ 60X, 70X, 80X, phải làm gì bây giờ, bằng cách nào.
Ở tầm vĩ mô, ĐCS VN đang nắm vận mệnh của đất nước phải thay đổi đầu tiên. Hãy học bài học của Đông Âu và nhiều cuộc cách mạng mầu, từ đó tìm con đường đi lên.
Tại sao thế hệ trẻ đều có xu hướng tìm đến với thế giới phương Tây nếu có dịp. Running man chạy theo đội Arsenal. Travelling woman vươn tận châu Phi. Gần 20 ngàn du sinh VN đang học tại Mỹ, chục ngàn khác đang ở Tây Âu. Chắc chắn họ phải có một giá trị phổ quát mà cả nhân loại hướng tới. Bỏ qua, chúng ta mất đi cơ hội thay đổi nhanh và tốt hơn.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bác có nick là Nông Dân khi comment trong entry trước
  1. Để thay đổi đất nước, để khắc phục những bất cập của xã hội Việt Nam hiện nay là trách nhiệm của mọi người, mọi lứa tuối. Thế hệ 9X hôm nay, sau 10 năm nữa, họ sẽ phát triển cả về chất và lượng, họ sẽ là thế hệ quan trọng nhất trong việt phát triển và hòa nhập của Việt Nam khi đó. Nhưng họ sẽ là thế hệ dấn thân cho sự phát triển của dân tộc, hay họ vẫn duy trì nếp tư duy “ăn mày quá khứ, ăn cắp tương lai” hoặc tiếp tục chia rẽ “địch ta” với những người cùng dòng máu Việt hồng.
  2.  
  3. Trách nhiệm này còn thuộc về thế hệ đi trước. Thế hệ 9X sẽ làm như thế nào khi cha anh của họ đã “ăn hết không từ một thứ gì?”, khi họ phải trả một đống nợ từ vốn vay của nước ngoài, từ phát hành trái phiếu mà cha, anh của họ làm, những đầu tư không hiệu quả. Kể cả những người hôm nay đang thuộc thế hệ U60, U70 và cả U80, đang có trách nhiệm không, khi họ biết rõ là hiện nay người ta đang nhồi nhét cho con cháu mình nhiều điều dối trá.
  4.  
  5. Muốn thế hệ 9X sẽ thay đổi đất nước, thì những người thuộc thế hệ đi trước phải biết tự trọng, phải trung thực với chính mình, và trung thực với con cháu. Các cháu trong thế hệ 9X sẽ học rất nhanh và cũng bắt chước cũng rất nhanh.
Trong hang Cua thuộc tầm vi mô, bạn đọc có biết tôi mong muốn gì không? Đó là những đóng góp chân thành cho đất nước hơn là ngồi than vãn mà không đưa ra giải pháp gì.
Hướng tới tương lai. Ảnh: HM
Dạo này blog nóng dần, số comment mang tính negative nhiều hơn. Một số bạn đọc đã email riêng góp ý, muốn tránh cho blog khỏi bị rơi vào tình trạng “đọc mà thấy khói bốc lên đầu”. Góp ý cho người ta nghe được mới là nghệ thuật. Không thể chửi và bắt người ta thay đổi. Đó là cách ít văn hóa và không hiệu quả.
Nếu không thể làm như hơn 100 trí thức vừa ra “Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị”, ký tên tuổi đàng hoàng của người chính nhân quân tử, mang sinh mạng chính trị, thậm chí cả tù tội, để đổi lấy sự công bằng xã hội, thì các bạn cũng nên tạo sự chính danh cho bản thân trên thế giới ảo, hơn là núp dưới các nick khác nhau. KTS Trần Thanh Vân lên tiếng thì chắc chắn hơn là một ktsvanvan. Một đòi hỏi quá đơn giản và dễ làm.
Không thể đưa đất nước tiến tới dân chủ bằng sự giấu mặt. Muốn người khác thay đổi, thì bạn hãy thay đổi chính mình, đòi hỏi sự công bằng dân chủ bằng tên tuổi của mình. Làm được điều đó, bạn đang đóng góp vào phát triển như những tướng quân huyền thoại Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Võ Nguyên Giáp đã tạo nên những bước ngoặt Việt Nam.
Ai là người thay đổi nước Việt? Tại sao không phải chính là các độc giả đang đọc đến cuối entry này.
Hiệu Minh. 23-09-2013
PS. Khi tôi nháp xong entry này thì đọc được tin 9X và chuỗi cửa hàng doanh thu hàng chục tỷ, nói về cô bé sinh năm 1990, trượt đại học, nhưng đã thành triệu phú đô la. Chủ nhân tương lai của đất nước chính là những 9X năng động này.
  (Blog Hiệu Minh)

ThS Đăng Minh - Nhìn ngược thì lóa


Cuộc tranh luận đáng chú ý diễn ra trên mạng Internet liên quan điều luật 258, BLHS “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” giữa hai luồng quan điểm dường như đối lập nhau. Đáng nói, nếu như trước đó, một số blogger đã có chủ ý ra cái gọi là “Tuyên bố 258”, dụng ý kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng mạng nhằm xóa bỏ điều luật này và gửi tuyên bố tới đại diện Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam thì ngay lập tức, nhóm này đã nhận được những phản hồi “nặng cân”.
Mạng Internet có “phản bác Tuyên bố 258” với số lượng người tham gia diễn đàn tăng vọt. Nếu như, nhóm đưa ra cái gọi là “Tuyên bố 258” viện dẫn rằng điều luật 258, BLHS thiếu tính khoa học dẫn tới việc khởi tố, bắt giam một số người là “vi phạm nhân quyền” thì phía ngược lại, nhóm tham gia diễn đàn “phản bác Tuyên bố 258” cũng có đủ cơ sở, lý lẽ khẳng định tính pháp lý, khoa học của điều luật 258 và đưa ra các chứng lý chứng minh việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, bắt giam và xét xử những bị can, bị cáo này là khách quan, đúng luật.
Xem việc tranh luận trên các diễn đàn này cho thấy, cộng đồng mạng, nhất là các diễn đàn xã hội đã không còn là “đất riêng” cho những cá nhân (blogger) vận động người khác tham gia, ủng hộ quan điểm được cho là trái với xu thế khách quan, thậm chí có tính cực đoan. Ngược lại, các blogger, nhất là những bạn trẻ (trong đó có nhiều học sinh, sinh viên) đã không bị cuốn hút vào lối viết phản khoa học, cực đoan của một nhóm nhỏ. Họ đã có chính kiến, có bản lĩnh và thể hiện được tiếng nói, tư duy của mình trước một vấn đề, một sự kiện.
Xem như diễn đàn “phản bác Tuyên bố 258” (hiện chưa rõ những cá nhân lập ra diễn đàn này) thì rất nhiều bạn trẻ đã tham gia dưới các dạng bình luận (comment) với chính kiến rất rõ ràng, đặc biệt là nhiều ý kiến với lập luận sắc sảo, khẳng định tính pháp lý, khoa học của điều luật, từ đó không đồng tình với một số blogger lạm dụng danh nghĩa diễn đàn để làm điều gây hại cho lợi ích Nhà nước, tập thể, lợi ích của chính các cá nhân tham gia diễn đàn... Chẳng hạn, trong “phản bác Tuyên bố 258”, viết: “Các bạn có một nhóm rất nhỏ nhưng lại luôn dùng các cụm từ mạng lưới blogger Việt Nam, cộng đồng blogger trẻ... và dùng danh nghĩa này "đối thoại" với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế...”. Phản bác này cũng lập luận: “Yêu nước vốn là bổn phận thiêng liêng của bất cứ người dân của một dân tộc nào. Vì yêu nước nên giả sử có một cách nhìn, một chính kiến, một chính sách khác đối lập với Nhà nước cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên yêu nước kiểu Trần Ích Tắc yêu cầu ngoại bang can thiệp vào nước mình là một hành động không yêu nước chút nào, nếu không nói đó là hành động phản quốc”.
Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, không thể lấy danh “mạng lưới blogger trẻ” để áp vào cái gọi là “Tuyên bố 258” vì thực tế, tuyên bố này chỉ là của một số ít cá nhân, chiếm tỷ lệ quá nhỏ bé so với cộng đồng blogger trẻ. Trong khi đó, hầu hết các blogger trẻ bày tỏ quan điểm phản ứng với các lập luận mà nhóm này đưa ra, từ đó phê phán việc nhóm “Tuyên bố 258” đã vi phạm dân chủ, quyền, lợi ích của chính các cá nhân tham gia diễn đàn...
Rõ ràng, chính kiến của các blogger đã rất thẳng thắn và sẵn sàng bảo vệ quan điểm, lý lẽ của mình chứ không bị hút vào những trò nhảm nhí, cực đoan. Ở đây, chúng tôi cho rằng, việc tham gia diễn đàn nào cũng vậy, dù trên mạng Internet hay trong đời sống xã hội, mỗi người cần trang bị những kiến thức cơ bản để có quan điểm, lập trường riêng, từ đó bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải và phê phán, chỉ trích cái sai, cái tiêu cực. Đối với điều 258, BLHS “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, cho tới nay, các nhà lập pháp, hành pháp có đủ căn cứ khẳng định tính khoa học của điều luật. Điều luật chỉ xác định hành vi phạm pháp đối với trường hợp “lợi dụng” và hành vi này phải “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Nếu hành vi không lợi dụng, chỉ là hoạt động tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp và các quyền tự do dân chủ khác thì được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Quy định trên của điều luật phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, năm 1966. Khoản 2, Điều 19, Công ước quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Khoản 3, Điều 19, Công ước ghi: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy, quyền tự do dân chủ không phải “vô biên giới” và Công ước đã giới hạn, phải tôn trọng quyền của người khác và phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội. Tính pháp lý, khoa học của điều luật 258 rõ ràng tuân thủ tối đa nguyên tắc này của Công ước quốc tế.
Quan điểm, chính kiến như thế nào là quyền cá nhân, nhưng thiết nghĩ trong tranh luận cần xuất phát từ động cơ lành mạnh để bám các lý lẽ, luận cứ khoa học. Nếu vì động cơ xấu, nhìn ngược vấn đề thì ta dễ bị lóa, lúc đó mọi sự lập luận chỉ là ngụy biện mà thôi
ThS Đăng Minh
(CAND)

Tự do ngôn luận và các giới hạn về tự do ngôn luận

Thời gian gần đây, một nhóm người tự nhận là "đại diện giới bloger Việt Nam" đưa ra cái gọi là "tuyên bố 258". Qua ngôn từ đã sử dụng, có thể thấy nhóm người làm ra "tuyên bố" này dường như muốn áp dụng hình mẫu tự do ngôn luận kiểu phương Tây vào Việt Nam? Tuy nhiên, "hình mẫu" mà họ muốn mô phỏng lại có những chế tài hết sức nghiêm ngặt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về tự do ngôn luận trong giới hạn của pháp luật đã được quy định trong Công ước nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights) và giới hạn của tự do ngôn luận tại Pháp.

Công ước nhân quyền châu Âu (Công ước) có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Công ước đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người, trong đó quyền tự do ngôn luận được ghi trong Ðiều 10 của Công ước, theo đó: "1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. (Tuy nhiên) điều luật này không có nghĩa ngăn cấm các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh phát thanh, truyền hình, điện ảnh. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực vàtính độc lập của các cơ quan tư pháp". Như vậy, nếu khoản 1 của Ðiều luật này quy định nguyên tắc chung về tự do ngôn luận, theo đó ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà khôngphân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định việc thực thi các quyền đó và các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Vì mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.
Khi nói đến quyền tự do của con người, phần lớn các luật gia ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng của học thuyết cho rằng con người rất dễ lạm dụng quyền của mình được hưởng, sự lạm dụng đó rất dễ gây phương hại cho người khác (summum jus, summa injuria - tạm dịch: tự do quá trớn sẽ tạo ra sự bất công). Vì vậy, không thể có tự do không giới hạn. Xuất phát từ quan điểm đó mà Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn các công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Ðó là quyền tự do ngôn luận phải nằm trong nguyên tắc bảo đảm "an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật, bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp".
Nước Pháp là một trong những quốc gia tham gia soạn thảo bản Công ước và là một trong những nước được coi là hình mẫu trong việc tôn trọng tự do ngôn luận. Trên thực tế, trước khi có Công ước, nước Pháp đã xây dựng cho mình một hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhằm bảo đảm đến mức tối ưu quyền tự do ngôn luận của người dân thông qua Luật tự do báo chí 1881 (Luật 1881). Luật này được coi như là bộ luật gốc điều chỉnh các hành vi bày tỏ ngôn luận của mọi người.
Pháp luật về tự do ngôn luận của nước Pháp đưa ra các giới hạn, các chế tài nghiêm khắc trừng trị người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Và cần chú ý, vì Bộ luật Hình sự không thể ghi hết các tội danh phát sinh trong thực tế, do đó nhiều văn bản luật không phải là Bộ luật Hình sự vẫn quy định các hình phạt mang tính hình sự. Trước hết đó là việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ (Ðiều 29 Luật 1881), bảo vệ, chống lại việc xâm phạm đời tư (Ðiều 9 Bộ luật Dân sự), chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo (Ðiều 32 Luật 1881), kích động bạo lực, gây hận thù (Ðiều 24 Luật 1881). Ngoài ra pháp luật nước Pháp cũng đưa ra các quy định nhằm bảo vệ một số lợi ích cơ bản của quốc gia, như cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Ðiều 413 - 9 Luật hình sự), hoặc các tài liệu liên quan đến vụ án đang trong quá trình xét xử, ca ngợi tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người (Ðiều 24 Luật 1881). Sau đây là một số thí dụ cụ thể:
Ðiều 29 Luật 1881 quy định: "tất cả những nhận định hoặc quy kết cho một sự kiện gây thiệt hại đến danh dự hoặc nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến sự kiện đó đều bị coi là hành động vu khống". Ðiều luật này đưa ra định nghĩa về bôi nhọ là: "tất cả những phát ngôn có tính chất lăng nhục, sử dụng thuật ngữ miệt thị hoặc chưa được kiểm chứng". Phạm vi áp dụng của Ðiều 29 rất rộng, vì không chỉ áp dụng để bảo vệ uy tín, danh dự cho một cá nhân, mà cho cả các cơ quan, tổ chức. Án lệ đưa ra hàng loạt cơ quan, tổ chức cần phải được bảo vệ trước hành vi vu khống, đó là: các cơ quan nhà nước (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 26-4-1952), Quốc hội, trường đại học, Hội đồng nhân dân (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 23-5-1955), bệnh viện công (án lệ Tòa dân sự ngày 30-9-1998; tòa hình sự ngày 3-7-1996), cơ quan cảnh sát (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 3-12-2002).
Bản án của Tòa phá án hình sự ngày 3-12-2002 là một thí dụ về việc trừng phạt hành động vu khống cơ quan nhà nước. Tóm lược sự việc: một luật sư bị kết án hình sự sau khi được nhận định đã viết một bài phản đối các hành vi của cảnh sát; vì vị luật sư đó cho rằng các hành động của cảnh sát giống như bọn "Gestapo" (mật vụ của Ðức Quốc xã trước đây), hoặc cho rằng các hành động của cảnh sát là "dã man". Tòa án nhận định: "nếu việc thực hiện các quyền tự dongôn luận được bảo đảm bằng khoản 1 Ðiều 10 của Công ước thì theo quy định tại khoản 2 của Công ước, việc thực hiện đó phải tuân thủ các giới hạn và các chế tài được quy định tại Luật 1881; đây chính là mục đích của Ðiều 30 Luật 1881 khi đưa ra các chế tài cần thiết trong một xã hội dân chủ nhằm bảo vệ trật tự công và uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước và trong trường hợp này là cơ quan cảnh sát". Một thí dụ khác cho thấy, người đưa tin có thể bị kiện về tội vu khống đối với cá nhân, đó là việc nêu cụ thể danh tính của một người nào đó trong một vụ việc mang tính hình sự hoặc cần có kết luận cuối cùng của tòa án hay cơ quan chức năng, như ai đó chỉ cần nói câu "Nicolas đã ăn cắp 10.000 euros của mẹ" thì sẽ bị coi là hành động vu khống.
Về các vi phạm trên mạng internet, trước hết cần khẳng định internet cũng chỉ là một trong các phương tiện để mỗingười thể hiện ý kiến của mình. Do đó việc bày tỏ quan điểm trên internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật 1881. Án lệ của Pháp đã đưa ra rất nhiều vụ việc lạm dụng internet để vu khống, bôi nhọ. Mới đây nhất là việc tòa án công nhận nhiều quyết định sa thải nhân viên do đã lạm dụng facebook để vu khống, nói xấu người khác. Vụ việc đầu tiên là vào năm 2010, một số nhân viên của một công ty viết trên "tường" của facebook các câu chê bai doanh nghiệp của mình. Họ đã bị cho nghỉ việc. Các nhân viên này kiện ra tòa với lý do facebook chỉ là nhật ký mang tính đời tư (cá nhân) cho nên họ có quyền viết lên đó các suy nghĩ của mình. Tuy nhiên Tòa lao động vùng Boulogne-Billancourt đã chứng minh rằng "bức tường" facebook đã không còn mang tính riêng tư khi mọi người đều vào và đọc được. Do đó tòa đã công nhận quyết định sa thải của công ty (báo Le Monde ngày 19-11-2010).
Mới đây nhất liên quan đến lĩnh vực hình sự: là việc Tòa hình sự Paris xử phạt số tiền 500 euros và phạt án treo đối với một nhân viên trực tổng đài vùng Caen do đã viết trên facebook của mình một số câu, trong đó có câu "một ngày chết tiệt, thời gian chết tiệt, công việc chết tiệt, văn phòng chết tiệt, sếp chết tiệt" ("Journée de merde, temps de merde, boulot de merde, boite de merde, chefs de merde"). Tòa án nhận định: "việc phát ngôn một cách xúc phạm đã vượt quá giới hạn của một sự chỉ trích thông thường" để ra phán quyết trừng phạt nhân viên này. Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, nhân viên kể trên còn phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn dân sự (cơ quan nơi người này làm việc và cán bộ phụ trách trực tiếp của nhân viên này) mỗi người là 1 euro (báo Le Monde ngày 17-1-2012). Phần lớn các ý kiến ủng hộ quyết định của Tòa án đều cho rằng mạng xã hội không phải là không gian riêng tư vì người sử dụng internet không thể kiểm soát được lượng người truy cập vào tài khoản của mình. Quan điểm này cũng được Công tố viên tuyên bố trước Tòa phúc thẩm Versailles: "Facebook là một không gian công cộng và việc tự do ngôn luận phải bị giới hạn" (trang web của Ðại học Cezanne tại địa chỉ http://junon.univ-cezanne.fr)

Ths, LS Vũ VĂN TÍNH
NCS Ðại học Paris 2 - CH Pháp
(Báo Nhân dân)

Đào Tuấn - Đến Ngô giáo sư cũng phải lắc đầu

Phó Thủ tướng Chính phủ từng đưa ra một con số định lượng, rằng có tới “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Phó trưởng ban dân vận TƯ dẫn “những người bị quan” cho rằng “tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50”. Còn tư lệnh ngành nội vụ thì khẳng định “Số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%”.

Phó Thủ tướng không nói chơi. Bộ trưởng cũng không nói đùa. Còn nhân dân thì chỉ biết là có hai, ba con số khác nhau, dù chỉ cùng một tình trạng.

Có thể, “công chức cắp ô” khác với “không hoàn thành nhiệm vụ”, bởi thực tế, ít người không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Nhưng trong một lĩnh vực cần sự chính xác tuyệt đối như chuẩn nghèo chẳng hạn, lại đang có những sự khác biệt tính bằng chỉ số %. Tỷ lệ hộ nghèo là một ví dụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước năm 2012 là 11,1%, trong khi đó cũng là tỷ lệ hộ nghèo, cũng năm 2012, con số của Bộ LĐ-TB&XH là 9,6%.

1,5% chênh lệch, có nghĩa là hàng triệu hộ chứ không ít.

Ngay chỉ tiêu việc làm, con số Tổng cục thống kê đưa ra hồi tháng 5 là 1.347.000 người có việc làm mới còn của Bộ Lao động là 1.520.000.

Và nói đến số liệu, không thể không nhắc lại phát ngôn nổi tiếng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, rằng Số liệu “có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy về cơ bản có thể chấp nhận được”.

Thế nào là chưa chính xác nhưng có thể tin cậy. Rất khó giải thích.

Hôm qua, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội, lại có hàng loạt con số khác nhau được “bêu dương” như những bằng chứng về sự tồi tệ của thống kê.

Mỗi năm, trên báo cáo, hơn 1 triệu lượt người được dạy nghề. Nhưng 50% trong độ tuổi 15-34 đang thất nghiệp.

Đăng ký thất nghiệp giảm tới 20 ngàn người. Nhưng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 16 ngàn.

Thậm chí, câu hỏi còn được đặt ra với con số đẹp như báo cáo: 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí.

Trước nghị trường, thứ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Duy Đông bắt đầu bằng câu “bộ trưởng yêu cầu số liệu phải thực”. Ông bật mí “Nội bộ cũng cam go với nhau từng con số. Các vụ viện đấu tranh trên tình thần xây dựng nhưng cũng rất thẳng thắn”.

Hóa ra, vấn đề là ở chỗ 60% số liệu do Bộ KH và ĐT công bố, 40% còn lại do các bộ, ngành, địa phương và dù chung tiêu chí đánh giá, cứ hễ có hai cơ quan đánh giá là có những số liệu khác nhau với sai số từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu.

Tất nhiên, những con số dù khác nhau, cũng có những điểm chung nhất định: Đó là sự tù mù. Đó là nụ cười khẩy của nhân dân. Và những chính sách vỗ tay lên trán 7 ngày không biết căn cứ vào số liệu nào để ban hành cho sát với thực tế.

Tháng trước, báo chí, với một vẻ hân hoan không che dấu, đưa tin rằng Hot boy từng đoạt huy chương vàng Olympic toán sẵn sàng bảo lưu việc học để có được cơ hội bước vào ngôi nhà chung của “làng mẫu Việt”.

Ồ, ra là vấn đề con người khi Olympic toán thích làm người mẫu hơn là làm toán.

Nhưng không chỉ chuyện nhân sự ngành thống kê- nhân tố chính thứ trưởng Đông thừa nhận “năng lực không thể khẳng định đã đáp ứng được”, với những thông số chênh lệch quá xa như thế, ngay cả GS Ngô Bảo Châu có lẽ cũng sẽ phải lắc đầu. Không ai muốn nói thật cả, nguyên do địa phương bộ ngành nào cũng muốn có thành tích là hoàn thành nhiệm vụ, để trong các báo cáo gửi thành tích gửi Bộ trưởng Nội vụ, sẽ có một con số được nêu ra: chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
  Đào Tuấn
  (Blog Đào Tuấn)

TPP - Một góc nhìn khác

Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán mật giữa 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nói là đàm phán mật vì các văn kiện và nội dung đàm phán không được công bố, và chỉ có một số ít đối tượng trong chính phủ và các tổ chức hữu quan của các nước thành viên được biết đến.
Mặc dù là đàm phán mật, nhưng một số tài liệu và nội dung liên quan đến đàm phán đã rò rỉ ra ngoài. Từ đó, công luận mới phần nào nắm bắt được sự việc và có những phân tích, mổ xẻ.
Tuy được gọi là một hiệp định thương mại với mục đích là khuyến khích thương mại giữa các thành viên và thống nhất các biểu thuế và các luật định thương mại khác, song trong 29 điều khoản của TPP, chỉ có 5 điều khoản là liên quan đến thương mại. Còn lại liên quan đến những vấn đề phi thương mại như giới hạn sự riêng tư trên Internet, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền kiện tụng đòi bồi thường, tự do hóa tài chính…

Theo TPP, nông dân nuôi trồng, sản xuất lương thực thực phẩm có thể phải chịu thiệt hại khi không thể cạnh tranh được (về giá) với lương thực thực phẩm nhập ngoại

  
> TPP: Để không là bánh vẽ
>
TPP: Thời gian không còn nhiều
>
Doanh nghiệp trong nước còn lơ mơ về TPP
>
Nông nghiệp trước ngưỡng cửa TPP
>
Không bông hồng nào không có gai
Cũng như mọi thỏa thuận song và đa phương khác, TPP cũng sẽ mang đến những lợi ích và thiệt hại khác nhau cho từng quốc gia, từng nhóm lợi ích nếu nhìn từ các góc độ và lập trường khác nhau. Tuy nhiên, có một số tác động tiêu cực được cho rằng sẽ xảy đến với không chỉ một (nhóm) nước nào đó mà với hầu như mọi nước thành viên. Đó là:
Làm suy yếu các quy định và luật lệ về bảo vệ môi trường: TPP cho phép các công ty đa quốc gia kiện và đòi chính phủ các nước thành viên bồi thường cho những thiệt hại gây ra khi các chính phủ này thực thi một số luật định liên quan đến môi trường vì mục đích công cộng như cấm hay dần loại bỏ các hóa chất độc hại, khai thác gỗ rừng, giấy phép khai mỏ, chương trình năng lượng sạch v.v... mà có thể làm phương hại đến lợi ích của các công ty đa quốc gia đó (ví dụ, khi chính quyền địa phương yêu cầu các dự án năng lượng tái tạo phải dùng các thiết bị phát điện tái tạo trong nước sản xuất, chứ không được nhập khẩu, do đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu về thiết bị nhập khẩu).

Làm suy yếu quyền tự do trên Internet: Điều khoản về sở hữu trí tuệ sẽ tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo nội dung, hạn chế khả năng của các công ty công nghệ tạo ra các sản phẩm mới, và khả năng của người dùng Internet sử dụng nội dung theo cách thức mới.

Làm phương hại đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm: Trong khi các công ty đa quốc gia buôn bán và chế biến lương thực thực phẩm thu được lợi nhuận khổng lồ thì nông dân nuôi trồng, sản xuất lương thực thực phẩm lại là người chịu thiệt hại khi không thể cạnh tranh được (về giá) với lương thực thực phẩm nhập ngoại. Về an toàn thực phẩm, TPP buộc chính phủ phải cho phép nhập các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trong nước, cũng như hạn chế việc kiểm tra thực phẩm và các sản phẩm.

Tác động tiêu cực đến các luật về sức khỏe, an toàn, môi trường, người tiêu dùng và lao động: Một số điều khoản trong TPP cho phép các công ty/nhà đầu tư được kiện đòi bồi thường các khoản “lợi nhuận tương lai” từ những luật định liên quan. Bởi thế, chính phủ các quốc gia sẽ phải tránh ban hành các điều luật mà có khả năng làm phương hại đến lợi nhuận của các công ty này, dẫn đến kiện tụng và bồi thường nặng nề. Quyền được kiện cáo các chính phủ trở thành một trở ngại cho chính phủ thực thi các hành động bảo vệ công nhân, người tiêu dùng, sức khỏe và môi trường.

Làm tăng chi phí y tế vượt quá khả năng chi trả: Dưới áp lực của Mỹ, có thể TPP sẽ có những điều khoản mở rộng sự bảo vệ độc quyền dược phẩm (ví dụ, bảo vệ nhãn hiệu độc quyền với thời gian kéo dài, làm tăng giá thuốc), tước đi khả năng tiếp cận với dược phẩm giá rẻ của đại chúng, đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam. TPP còn buộc hệ thống y tế công cộng mở cửa cho các hãng dược phẩm với sự kiểm soát lớn hơn về giá thuốc của chúng, hạn chế khả năng đàm phán của quốc gia được mua thuốc với giá rẻ, cũng tức là hạn chế cung cấp dịch vụ y tế với giá rẻ cho đại chúng.

Ngăn chặn hoạt động của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và các luật định về tài chính, ngân hàng: Điều khoản về doanh nghiệp nhà nước cũng được áp dụng cho các ngân hàng thuộc sử hữu nhà nước. Những đặc quyền mà các ngân hàng nhà nước đang được hưởng hay đảm nhận (ví dụ như tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của chính phủ) sẽ bị coi là đặc quyền bất công bằng, vi phạm quy định tự do thương mại của TPP, và do đó bị cấm hoặc bị kiện cáo.

Về ảnh hưởng của TPP lên luật định ngân hàng: TPP yêu cầu tự do hóa tối đa cho hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bao gồm cấm đối với các hạn chế về quy mô của tổ chức tài chính (vốn là một biện pháp phòng chống chuyện “quá lớn để cho phá sản”), cấm việc đặt ra các vách ngăn giữa các loại hình tổ chức tài chính, cho phép sử dụng các sản phẩm tài chính phái sinh độc hại, cũng như cho phép vốn được tự do lưu chuyển vào và ra khỏi quốc gia thành viên.

Lưu ý rằng việc lơi lỏng/bất lực trong kiểm soát lưu chuyển vốn, đặc biệt là luồng “tiền nóng”, là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới. Trước nguy cơ này, đã có hơn trăm nhà kinh tế học, trong đó có nhiều người nổi tiếng, cùng ký vào một đơn thỉnh cầu gửi đến các đoàn đàm phán TPP kêu gọi cho phép các chính phủ được kiểm soát và chế tài lưu chuyển vốn mà không bị rủi ro, bị kiện cáo, đòi bồi thường.

Tóm lại, nếu được thông qua như những gì đã biết hiện nay thì, ngoài những tác động tích cực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa các nước thành viên, mặt trái của TPP được cho là tước đi sự tự chủ của chính quyền ở mọi cấp trong các quốc gia thành viên, đồng thời khuyến khích các hành động thương mại mang tính hủy diệt cộng đồng và môi trường - theo cách nhìn nhận của một số nhóm người.
 
TS. PHAN MINH NGỌC
  (DNSG)
 

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp kể nguyên do vụ Mỹ Yên

Qua cuộc trao đổi với Linh Mục Trần Công Nghị của Viet Catholic, lần đầu tiên, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giám mục Giáo Phận Vinh, khái quát toàn bộ diễn biến vụ Mỹ Yên. 
Giáo dân giáo hạt Nhân Hòa hành hương về linh địa Trại Gáo ngày 18/9/2013. Hàng ngàn giáo dân đổ về giáo xứ Mỹ Yên mỗi ngày với tinh thần như trong ảnh, chắc chắn là thực tế làm chế độ Hà Nội cảm thấy bất an. (Hình: Web Giáo phận Vinh).

Theo đó, chiều 22 Tháng Năm, trước ngày Tòa Án Tối Cao xét xử phúc thẩm 14 thanh niên Công Giáo tại trụ sở Tòa Án Nghệ An, thân nhân và bạn hữu của những thanh niên này đã đến linh địa Trại Gáo để cầu bình an cho họ. Lúc thánh lễ đang diễn ra, trên đường đến Trại Gáo, khách hành hương bị một nhóm người lạ mặt, không mặc cảnh phục chặn đường, vì vậy đã xảy ra cãi vã, xô xát. Bị đám đông phản kháng mạnh, những người ngăn chặn bỏ chạy. Vài người chạy vào nhà viên xã đội trưởng, nơi công an đã tập trung từ trước. Ba người bị dân chúng khống chế và bị đánh.

Được cấp báo, đội an ninh của giáo họ Trại Gáo vội vàng đến đưa nạn nhân về Nhà Văn Hóa xóm 13 để bảo vệ. Đang dự thánh lễ, ban hành giáo của giáo họ Trại Gáo nhận được điện thoại cầu cứu của công an huyện Nghi Lộc. Họ cấp tốc chạy xuống và phải phá ổ khóa để đưa nạn nhân vào đó ẩn trốn. Ba người này khai là công an và người ta thấy giấy tờ, cũng như sắc phục công an trong cốp xe.

Bên ngoài, dân chúng tụ tập mỗi lúc một đông, do linh mục phụ trách giáo xứ đi vắng, Hội đồng mục vụ đã điện thoại cho tòa giám mục xin giúp đỡ. Cùng lúc đó, ông Vũ Chiến Thắng, phó giám đốc ông an Nghệ An, và ông chủ tịch huyện Nghi Lộc gọi điện thoại cho Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, đề nghị hợp tác để giải quyết sự việc. Thấy tình hình càng lúc càng phức tạp, lúc 19 giờ 45, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và hai linh mục lên đường. Trong khi phía chính quyền dù năm lần, bảy lượt hứa hẹn sẽ có mặt nhưng giờ chót vẫn không đến.

Khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp có mặt, tình hình bớt nguy hiểm nhưng vẫn còn rất căng thẳng vì trong đám đông có cả giáo dân lẫn những người không phải giáo dân. Theo yêu cầu của dân chúng, một biên bản đã được soạn thảo. Tuy nhiên, khi biên bản này được đọc, đám đông phản đối dữ dội vì cho rằng chưa đúng sự thật. Người ta phải viết lại biên bản. Đa số dân chúng tạm chấp nhận biên bản viết lại nhưng vẫn chưa chịu giải tán. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp vừa yêu cầu mọi người giải tán, vừa yêu cầu chính quyền đưa xe đến chở người bị thương về nhưng chính quyền vẫn không cử người tới.

Phải mất một khoảng thời gian mới tìm được xe chở nạn nhân về với sự bảo vệ của phái đoàn tòa giám mục. Trên đường về, phái đoàn này phải quay lại nhà ông xã đội trưởng để cứu những công an bị vây, còn mắc kẹt ở đó. Sau khi phái đoàn về, dân vẫn tiếp tục tụ tập ở khu vực này và một chiếc xe gắn máy bị phá.

Hai ngày sau, hôm 24 Tháng Năm, đại diện huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương đến cám ơn hội đồng mục vụ và đội an ninh của giáo họ Trại Gáo vì đã tích cực giải cứu cán bộ công an đêm 22 Tháng Năm. Chính quyền các cấp cũng nhiều lần bày tỏ sự cảm kích với Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và các linh mục trong giáo phận. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ đàn áp giáo dân Mỹ Yên, hệ thống truyền thông Việt Nam bóp méo toàn bộ diễn biến, vu khống hội đồng mục vụ Trại Gáo “bắt giam người trái pháp luật”.

Sự kiện ngày 22 Tháng Năm trở thành nghiêm trọng khi chính quyền không những không xử lý một cách nghiêm minh hành vi sai trái của cán bộ công an mà còn cố tình dựng án để bắt hai giáo dân giáo họ Trại Gáo theo kiểu bắt cóc, bất chấp Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam.

Ngày 27 Tháng Sáu, trên đường đi đám cưới cháu, ông Ngô Văn Khởi bị cảnh sát giao thông chặn lại và bị năm thanh niên bịt mặt dẫn đi không nêu lý do. Vài ngày sau gia đình mới nhận được thông báo nhưng giấy lại ghi nhầm với một ông Ngô Văn Khởi khác (sai địa chỉ và tên vợ).

Cùng ngày 27 Tháng Sáu, khi ông Nguyễn Văn Hải chở cháu là Nguyễn Huy Hoàng, 5 tuổi, đi khám bệnh thì bị công an bắt giữ trên đường về, công an cũng không nêu lý do bắt giữ và không tiến hành bất cứ thủ tục nào. Cháu Nguyễn Huy Hoàng bị bỏ lại giữa đường.

Tuy phẫn nộ trước hành vi sai trái của chính quyền và không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào, nhưng suốt hai tháng sau đó, giáo dân vẫn kiên trì đối thoại. Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh nhiều lần gặp gỡ, làm việc với chính quyền, yêu cầu giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt để tránh những phức tạp có thể xảy ra.

Chính quyền chỉ hứa sẽ giải quyết nhưng không làm gì. Vì thế, dân chúng càng ngày càng thêm bức xúc và không còn tin ở giải pháp đối thoại.

Ngày 30 Tháng Tám, thân nhân của ông Khởi, ông Hải cùng một số giáo dân Mỹ Yên tập trung ôn hòa tại trụ sở xã Nghi Phương đòi thả người. Hôm đó, theo yêu cầu của công an tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã đến trụ sở xã Nghi Phương, đề nghị chính quyền đáp ứng yêu cầu của giáo dân, đồng thời kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng, mọi người rút lui trong trật tự.

Sáng Chủ Nhật 1 Tháng Chín, chính quyền tỉnh Nghệ An mời Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tham dự cuộc họp đặc biệt để giải quyết vấn đề. Phía chính quyền có chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, trưởng ban tôn giáo, hai phó giám đốc công an tỉnh là ông Vũ Chiến Thắng và ông Nguyễn Hữu Cầu, và một số người liên quan.

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cho biết, đa số thành viên cuộc họp đồng ý tìm biện pháp giải quyết vấn đề để tránh hậu quả xấu, nhưng ông Nguyễn Hữu Cầu khăng khăng yêu cầu Giám Mục Nguyễn Thái Hợp phải đứng ra bảo lãnh cho ông Khởi và ông Hải tại ngoại. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp từ chối viết đơn bảo lãnh tại ngoại, vì về nguyên tắc, luật không quy định việc tổ chức tôn giáo đứng ra bảo lãnh. Mặt khác, Giáo Phận Vinh không chấp nhận việc chính quyền cố tình đánh lạc hướng và làm phức tạp sự việc ngày 22 Tháng Năm, nhằm kết án và truy cứu nhiều người dân chất phác, vô tội khác, trong khi những hành vi sai trái của các cán bộ lại được bao che.

Ngày 3 Tháng Chín, thân nhân của hai nạn nhân và giáo dân Mỹ Yên lại tập trung đến trụ sở xã Nghi Phương đòi thả người. Sau khi chờ đợi và trao đổi căng thẳng, cuối cùng, chính quyền địa phương đã viết “Giấy cam kết”, hứa thả hai nạn nhân trước 16 giờ ngày 4 Tháng Chín, thậm chí còn tuyên bố “nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Sau khi nhận được “Giấy cam kết”, mọi người tự động rút lui.

Cùng thời gian đó, công an đề nghị tòa giám mục có văn bản yêu cầu thả người để cơ quan điều tra có căn cứ thả ông Khởi và ông Hải về dự lễ tấn phong giám mục phụ tá. Do vậy, chiều ngày 3 Tháng Chín, tòa giám mục đã có thư đề nghị thả người.

Sáng 4 Tháng Cín, lễ tấn phong diễn ra tốt đẹp, với khoảng 22.000 người tham dự. Trưa hôm đó, văn phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài nhận được thư ‘hỏa tốc’, mời Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đến họp tại trụ sở tỉnh Nghệ An vào lúc 15 giờ, nhưng giám mục không thể đến tham dự cuộc họp này, vì chương trình làm việc trong ngày tấn phong giám mục phụ tá đã được sắp đặt từ trước không thể thay đổi. Sau này người ta mới biết, lúc hẹn gặp Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tại trụ sở UBND tỉnh, chính quyền đã chuẩn bị xong kế hoạch trấn áp dân tại Nghi Phương.

Khoảng 15 giờ 30 ngày 4 Tháng Chín, tin tưởng vào “Giấy cam kết” mang tính chất “lừa đảo” của chính quyền, thân nhân ông Khởi, ông Hải và một số giáo dân Mỹ Yên đã tới trụ sở xã Nghi Phương để nhận hai ông về nhà. Khi đến nơi, họ ngỡ ngàng nhận ra đã bị chính quyền lừa: Không hề có chuyện thả người.

Trên thực tế, ngay từ sáng 4 Tháng Chín, chính quyền đã điều động công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, cảnh khuyển,… án ngữ lối vào trụ sở xã Nghi Phương.

Một số người lạ mặt đã lẩn vào đám đông để quấy rối, ném đá về phía công an và cảnh sát cơ động, một số giáo dân cũng làm theo. Thế là lực lượng vũ trang của tỉnh Nghệ An sử dụng lựu đạn cay, dùi cui, thuốc nổ, thẳng tay đàn áp dân chúng, làm cho hơn 30 người bị thương, trong đó có ba người bị chấn thương sọ não nặng.

Tuy có nhiều giáo dân bị lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đánh trọng thương nhưng nhà cầm quyền vẫn chối là đã thẳng tay đàn áp thường dân. (Hình: VRNs)

Trong cuộc trao đổi với Viet Catholic, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp xác nhận, cả báo Nghệ An, đài phát thanh, đài truyền hình Nghệ An, đã đăng tải nhiều bài viết và phóng sự có nội dung xuyên tạc sự thật, xúc phạm đến uy tín và danh dự của cả ông lẫn toàn thể linh mục và giáo dân Giáo Phận Vinh. Tệ hơn là trong buổi phát hình tối Chủ Nhật, 15 Ttháng Chín, đài truyền hình quốc gia cũng lập lại những luận điệu của đài truyền hình Nghệ An, chụp cho Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nhiều “tội danh” như: cấu kết với thế lực phản động trong cũng như ngoài nước, kích động nhân dân hận thù với nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết nhân dân, đi ngược lại với chủ trương của Dức Giáo Hoàng và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tâm sự, nhiều lúc ông tự hỏi có nhà nước pháp quyền nào trên thế giới hiện nay cho phép các phóng viên nặc danh và cơ quan truyền hình nhà nước tự tung tự tác, muốn bôi nhọ ai tùy ý, tự do chụp mũ cho người khác một cách vô căn cứ những thứ tội nghiêm trọng, vốn chỉ những tòa án đặc biệt mới có quyền tuyên án? Điều này cho thấy sự thao túng, vô pháp luật và xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một xã hội.

Vị giám mục này nhận định, đã có một thời người ta tôn vinh gian dối và cho đó là phương pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất. Trong quá khứ, các chính thể độc tài có thể đánh lừa được dư luận hay ít nhất là gây hoang mang, sợ hãi và bêu xấu đối phương bằng phương pháp tuyên truyền này. Tuy nhiên, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã giúp nhân loại dễ dàng lột mặt nạ những gian dối và lừa lọc đó.

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp giải thích, theo Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công giáo, cộng đồng chính trị và giáo hội độc lập cũng như tự trị trong lĩnh vực riêng của mình nhưng cả hai đều phục vụ con người. Giáo hội và cộng đồng chính trị có thể làm cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn “để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách thế phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian”.

Chính trong viễn tượng đó, Tòa Thánh Vatican đã đề nghị định hướng mục vụ: “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI kêu gọi Giáo Hội Việt Nam “đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người nhưng đồng thời cũng đóng góp cho việc phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là lúc Việt Nam cũng đang từ từ mở cửa về phía cộng đồng quốc tế”.

Do vậy, vị giám mục này nhấn mạnh: “Đối thoại không đồng nghĩa với thỏa hiệp, nhất là thỏa hiệp với bất cứ giá nào. Niềm tin tôn giáo và chân lý không thể mặc cả hay dễ dàng nhượng bộ”.  Giáo Huấn Công Giáo mời gọi mọi người can đảm chống lại bất công, bạo lực, gian dối và sai lầm nhưng vẫn tôn trọng người sai lầm và không hề chủ trương lấy ác báo ác. Càng không tôn bạo lực làm kim chỉ nam cho cuộc sống và biện pháp giải quyết mọi vấn đề. Đối thoại được Giáo Hội Công Giáo chọn lựa như cách thế thích hợp nhất để giải quyết những xung đột và tranh chấp. Tuy nhiên, đúng như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI lưu ý, sự thật vẫn giữ vai trò quan trọng nhất.

Theo Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, trong vụ Mỹ Yên, lẽ ra phải khiển trách những người sai phạm khi chặn đường và bắt người trái phép, chính quyền đã bao che cho cấp dưới và tiếp tục lấp liếm, trấn áp dân chúng. Vì vậy, họ đã biến tình trạng bình yên thành bất ổn và chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Không những họ đã bày binh bố trận để trấn áp những nông dân chất phác trong tay không có một tấc sắt, mà còn tiếp tục công khai dùng phương tiện truyền thông mạ lị, vu khống giám mục, linh mục, giáo dân Vinh là “bạo loạn, cấu kết với bên ngoài để âm mưu tạo phản”.

Vị giám mục này nêu thắc mắc, trong cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng hiện nay, Việt Nam cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết, thế thì tại sao lại có những hành động đẩy đất nước vào tình trạng thụt lùi rõ rệt về nhân quyền và tự do tôn giáo? Không phải vô lý, khi có người đặt câu hỏi: Chính quyền Nghệ An có chủ đích gì khi dàn dựng kịch bản này?
  (Người Việt)

Dân tự thiêu trước cổng công an phường

(NLĐO) - Trưa 24-9, tại đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TP HCM, một người đàn ông bất ngờ tự thiêu trước sự bàng hoàng của nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Lắm (SN 1996, bảo vệ nhà hàng Tao Ngộ), người chứng kiến sự việc, kể khoảng 11 giờ 11 phút, mọi người thấy một người đàn ông mang theo bình đựng đá màu đỏ đến ngồi ở ghế đá trước cổng Công an phường 8, quận 3.

“Chúng tôi cứ tưởng ông ngồi chơi nên không để ý lắm. Bất ngờ, người này mở bình đựng đá, trút xăng từ trên đầu xuống rồi bật quẹt đốt”- anh Lắm kể.


Hiện trường xảy ra vụ tự thiêu
Mọi người đang dọn dẹp hiện trường
Nghe tiếng người dân kêu cứu, Công an phường 8, quận 3, đã nhanh chóng chữa cháy và đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Nhiều người dân khu vực cho biết người đàn ông này làm nghề  sửa xe ở ngã tư đường Pasteur - Võ Thị Sáu.

Bệnh viện Quận 1 (đường Hai Bà Trưng, quận 1) cũng xác nhận một người đàn ông tên Sơn đã được đưa đến cấp cứu vào khoảng 12 giờ cùng ngày. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy.

Tin-ảnh: Kh. Miên
(Người Lao động)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét