Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Một ít sự thật về KINH DƯƠNG VƯƠNG

Một ít sự thật về Kinh Dương Vương

Lịch sử Việt nam có hai phần: phần sử truyền thuộc về huyền sử, phần sử chép thuộc về lịch sử, cả hai loại đều có chuyện thật và chuyện không thật. Tất cả những gì lịch sử ghi chép không phải hoàn toàn đáng tin, mỗi triều đại đều có thể xuyên tạc lịch sử theo ý đồ của họ. Chính trị có thể sử dụng lịch sử thành công cụ phục vụ lợi ích của nó. Những dụng cụ được chế tạo vì lợi ích của nhân loại có thể bị biến thành vũ khí sát thương khi vào tay kẻ ác, biết vậy nhưng không thể không dùng các vật đó, đập chuột lẽ đâu đập luôn bình.

Ta không thể cả tin vào huyền sử cũng như lịch sử, ai cũng có quyền hoài nghi. Lịch sử là phần nổi, huyền sử là phần chìm, không thể chỉ ôm phần nổi mà chối bỏ phần chìm, không có quốc gia nào, dân tộc nào tự trên trời rơi xuống mà phải trãi qua trình hình thành, quá trình này không chỉ vài trăm năm, vài nghìn năm, mà là năm nghìn, mười nghìn, trăm nghìn năm hay xa hơn hằng triệu năm, vì vậy tập thể nào cũng có một phần lịch sử bị bệnh “ quên quá khứ”, bổn phận của người đọc sử là phải tìm cách chữa căn bệnh trầm kha đó, những mãnh vở của huyền sử một phần nào sẽ giúp cho con người lần tìm lại cội nguồn của mình trong khi chờ những khoa học khác phụ trợ. Thế nên khi chưa hiểu biết hết lịch sử hay huyền sử đừng vội phỉ báng huyền sử, đó là thông điệp của tiền nhân gởi lại cho hậu thế với nhiều mật mã, nhiều ẩn ngữ, đừng vội thóa mạ những nhân vật huyền sử mà mang tội bất kính với tổ tiên. Đọc sử cũng nên học bài học đầu tiên là “tiên học lễ “ vậy.

Kinh Dương Vương (经阳王) không phải do châu Kinh (荊) và châu Dương (扬) ghép lại, vì các chữ đó khác nhau, tuy âm giống nhau mà nghĩa khác nhau. Cổ nhân đã hết sức tinh tế khi dùng chữ, chứ không lầm lẫn như suy nghĩ của Đào Duy Anh mà Liam C. Kelley đã viện dẫn : “Những chữ trong tên hai châu này đồng âm với những chữ “Kinh” và “Dương” trong cái tên Kinh Dương Vương [涇陽], nhưng chúng được viết khác nhau. Đào Duy Anh nhận ra điều này và cho rằng câu chuyện về Kinh Dương Vương có lẽ bắt nguồn từ khi người Việt đang sống dọc sông Dương Tử ở khu vực châu Kinh và Dương, và rằng qua nhiều thế kỉ người Việt truyền miệng câu chuyện này khi họ di cư về phía Nam đến đồng bằng Sông Hồng. Khi câu chuyện rốt cuộc được viết ra, ai đó đã chọn các từ đồng âm của Kinh và Dương, do đó làm mờ đi sự kết nối sử thực giữa Kinh Dương Vương và những vùng địa lí là “Kinh” và “Dương” mà ngày nay là miền Trung Trung Hoa. Do đó, Đào Duy Anh cho rằng một khi nhận ra nghĩa đen của Kinh và Dương, sự tồn tại của một Động Đình Quân cũng có nghĩa [cho thấy] rằng những cái tên đó đều gắn với một khu vực có cùng tên gọi, nơi mà ông nghĩ rằng đó là quê gốc của người Việt” (1)

Đất đai của người Việt không chỉ dừng lại ở hồ Động Đình mà còn vượt xa hơn về phía bắc.

Truyền thuyết nói Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế, họ Thần Nông. Viêm đế là vua miền viêm nhiệt (nhiệt đới) ý chỉ phương nam, họ Thần Nông chỉ sắc dân nông nghiệp, Thần Nông có cấu trúc chữ theo văn phạm Việt, nên Thần Nông chính là tổ của Bách Việt, người Hoa sau khi thống nhất Trung Hoa đồng hóa số dân Bách Việt nằm trong lãnh địa của họ, đã sáp nhập Thần Nông thành tổ của họ, vì vậy họ xưng là con cháu Viêm Hoàng (Viêm đế, Hoàng đế). Khi đã nhận Viêm đế làm tổ họ đồng hóa người Việt và văn hóa Viêt thành tài sản của họ. Hoa tộc sau này đổi thành Hán tộc không phải là một chủng tộc, họ là một tập hợp đa văn hóa, người Hoa Bắc và Hoa Nam không cùng gen, người Hoa Nam thuộc về chủng tộc Việt cùng gen với người Đông Nam Á.

Liam C. Kelley trong bài ““Hồng Bàng thị truyệnnhư một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại”(1) và Trần Trọng Dương trong bài “Kinh Dương Vương ông là ai?”(2) là người phát triển luận chứng của Kelly đều theo thuyết Hoa tâm không nhìn thấy vấn đề này.

Trước hết Kelley không khách quan khi cho rằng “Hồng Bàng thị truyện là một câu chuyện mang tính phả hệ về một thị tộc được định danh là Hồng Bàng, một cái tên chưa bao giờ được giải thích. Nó bắt đầu bằng việc chỉ ra những nguồn gốc của thị tộc này từ vị thủ lĩnh trong thần thoại Trung Hoa là Thần Nông”(1)

Theo thuyết Tam Hoàng (Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông) và Ngũ Đế gồm:

Hoàng Đế (黃帝)  Đế Chuyên Húc (帝顓頊) Đế Khốc/Cốc (帝嚳) Đế Nghiêu (帝堯) Đế Thuấn (帝舜) thì Tam Hoàng là tổ của các bộ tộc Việt. Trong Ngũ Đế chỉ trừ Hoàng Đế được viết theo cấu trúc Hán, còn bốn vị kia đều được gọi theo cách thức Việt. Phải chăng người Việt đã chiếm đa số trong các nhân vật khai sinh Trung Quốc? Vậy ai mượn ai (trong thần thoại)!

Khi nói Đế Minh đi tuần thú phương nam, tức là phải đi từ phương bắc, Thần Nông, Đế Minh, Đế Nghi là người Bách Việt, vậy thì để Đế Nghi làm vua phương Bắc không có nghĩa đất nước của Đế Nghi là đất nước của Trung Hoa, lúc đó chủng Hoa chưa có chỗ đứng trên vùng đất đó. Ta nghĩ sao khi mà ngày nay tên của đa số các địa danh lớn ở Trung Quốc vẫn còn gọi theo cấu trúc Việt : Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Nam, Giang Bắc, Giang Đông, Giang Tây, Hải Nam…

Lộc Tục được phong làm vua hiệu là Kinh Dương Vương, lấy tên vùng đất được phong làm vương hiệu. Kinh viết với bộ thủy là tên con sông Kinh, tức Kinh Thủy một chi lưu của sông Vị.

Nếu lấy ngọn Bắc Trọng Sơn làm phân giới, thì phía Bắc núi là huyện Thuần Hóa, phía nam núi là huyện Kinh Dương.

Do Kinh Dương ở về phía nam Bắc Trọng Sơn và phía bắc sông Kinh Thủy nên lấy dương làm tên theo thông lệ: “Sơn nam vi dương, thủy bắc vi dương”. Đây là cách đặt tên chịu ảnh hưởng thuyết âm dương của Kinh Dịch (Kinh của người Việt), lấy núi làm mốc, kéo dài đến con sông gần đó, vì vậy phía nam núi tức là phía bắc sông, tất cả đều nằm trong phạm vi của núi, nam thuộc dương nên vùng đó thường mang tên ghép là dương như Lạc Dương, Hán Dương, Nam dương…Do cách đặt tên giới hạn giữa núi và sông nên nảy sinh từ ghép Giang Sơn, Sơn Hà để chỉ đất nước.

Tên Kinh Dương đã có từ rất xưa, trong Kinh Thi, phần Tiểu Nhã, thơ Lục nguyệt đã có nhắc đến: “Xâm Hạo cập Phương/ Chí vu Kinh Dương” (Xâm phạm Hạo và Phương. Cho đến Kinh Dương)

Dân gian có thành ngữ “Kinh Vị phân minh”. Vị Thủy là chi lưu lớn của Hoàng Hà, phát nguyên từ Cam Túc đến Thiểm Tây nhập vào Hoàng Hà; Kinh Thủy cũng là một chi lưu của Vị Hà, phát nguyên từ Ninh Hạ, cả hai sông đến huyện Cao Lăng thành phố Tây An thì hợp lưu. Nước sông Kinh thì đục, nước sông Vị lại trong, hai dòng sông này khi gặp nhau hợp thành một lại không trộn lẫn với nhau mà chia làm hai phần trong đục rõ ràng.


 Ngày nay huyện Kinh Dương cũng như huyện Thuần Hóa đều thuộc thành phố Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây.

Hàm Dương là kinh đô của nhà Tần. Phía đông, nam của Hàm Dương là thành phố Tây An. Tây An và Hàm Dương đều là đất đế đô, các nhà Chu, Tần, Hán, Đường đều đóng đô ở đây. Nhà Chu khi mới lập đô thì đóng ở đất Phong hoặc đất Hạo (Cảo) nằm về phía tây thành phố Tây An. ( Với địa thế đó có thể Kinh Dương là Kinh đô của Xích Quỷ và vì thế Lộc Tục xưng hiệu là Kinh Dương Vương)

Kinh Dương là một phần của dãi Trung Nguyên (bao quát Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Tây) vùng đất mà sau đó được coi như đất phát địa của Hoa tộc hay còn gọi là Hán tộc.

Như vậy là đất của Kinh Dương Vương tuy nói là phía nam, nhưng phải hiểu là phía nam của Bắc Trọng Sơn, tức là bao gồm cả phần mà người Hoa gọi là Trung Nguyên hay là Hoàng Hà trung hạ du.

Về sau Hoa tộc vào chiếm Trung Nguyên, nước Xích Quỷ mất đất Kinh Dương Vương phải lui về phía Nam Trường Giang lập nước Văn Lang. Không nên dịch Xích Quỷ là quỷ đỏ, dịch như vậy là xuyên tạc (sẽ có bài riêng về danh xưng này)

Hoa tộc suy tôn Hoàng Đế là tổ tiên của người Trung Quốc. Sau khi chiến thắng Viêm Đế và Si Vưu, Hoàng Đế lên ngôi khoảng 2698 TCN đến 2599TCN

Viêm Đế dòng Thần Nông sống ở vùng Khương Thủy, phía Tây Bắc Trung Quốc (tỉnh Thiểm Tây) hiện nay.(Địa bàn này phù hợp với vương hiệu Kinh Dương)

Kinh Dương Vương cũng dòng Thần Nông lên ngôi năm 2879 TCN, vua nước Xích Quỷ, đô ở Kinh Dương (Thiểm Tây).

Đất nước Trung Hoa trước thời Hoàng Đế là đất của Thần Nông, tức của Bách Việt, lãnh thổ Viêm đế kéo dài từ tây sang đông bao gồm Thiểm Tây, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông. Si Vưu là lãnh tụ của các bộ lạc Cửu Lê ở phía nam Dương Tử giang, cũng có nghĩa là toàn bộ Trung Nguyên và Hoa Nam là đất của Bách Việt, Hoàng Đế thắng Viêm Đế, tiêu diệt Si Vưu chiếm đất Bách Việt rồi chiếm cả những gì thuộc về trí tuệ của Bách Việt (3).

Chuyện của Kinh Dương Vương, Kelley cho là được kiến tạo ở thời trung đại do chịu ảnh hưởng của truyện Liễu Nghị, tác giả truyện này là Lý Triều Uy, người thời Đường hư cấu. Truyện kể : Liễu Nghị thi hỏng, đi thăm bạn ở Kinh Dương (trùng chữ với Kinh Dương Vương) gặp người con gái chăn dê bị chồng bạc đãi. Nàng là con gái út của Long Quân hồ Động Đình lấy con trai thứ của Kinh Xuyên (thần sông). Nàng nhờ Liễu Nghị mang thư cho Long Vương để vua cha đến cứu. Liễu Nghị trao thư cho Long Quân, em trai Long Quân là thần rồng cai quản sông Tiền Đường nổi giận bay di giết con trai Kinh Xuyên đem cháu gái về định gả cho Liễu Nghị, Nghị từ chối, trở về nhân gian được Long Quân tặng nhiều báu vật trở nên giàu có, lấy hai lần vợ, cả hai đều chết yểu. Con gái út Long Quân cám ơn tri ngộ hóa thành thiếu nữ làm vợ Liễu Nghị, hai vợ chồng sau thành tiên. Em họ Nghị là Liễu Hỗ đi trên Động Đình Hồ gặp Nghị, Nghị truyền cho phép tiên, Hỗ đem chuyện kể với người đời nhưng không ghi chép lại, Lý Triều Uy thấy hay nên viết truyện này。

Kinh Dương Vương theo Toàn Thư “Tên huý là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. (Xét: Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi).(4)

Cả  hai câu chuyện có cùng motip, cưới con gái Động Đình Quân, còn thì các tình tiết đều hoàn toàn khác nhau. Chỉ dựa vào mỗi một chi tiết đó Kelley quả quyết Toàn Thư bắt chước truyện Liễu Nghị kiến tạo chuyện Kinh Dương Vương, chứ không thừa nhận Toàn Thư lấy từ truyền thuyết. Lời chú trong Toàn Thư chỉ muốn lưu ý rằng việc Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân không phải là sự kiện đơn độc mà có sự kế tục lâu dài cốt cho thấy đấy không phải là chuyện lạ. Kinh Xuyên và Kinh Dương tuy có chung con sông Kinh nhưng là hai vùng khác nhau, không có họ hàng, không thể đánh đồng làm một. Việc của Kinh Dương xảy ra trước việc của Kinh Xuyên xảy ra sau cách nhau hàng nghìn năm, cả vùng đất từ Kinh Dương đến Động Đình Hồ đều thuộc nước Xích Quỷ, việc thông gia giữa hai vùng lẽ nào không thể có, sao không thể nghĩ ý nghĩa câu chuyện muốn phản ánh sự liên kết giữa hai miền. Tại sao cứ khăng khăng cho rằng Liễu Nghị là truyện sáng tạo của Lý Triều Uy trong khi họ Lý xác nhận ông nghe kể rồi ghi lại: “Hỗ kể nhưng không chép lại” “ tôi thấy hay nên viết lại truyện này”. Đấy cũng là truyện khởi nguồn trong dân gian.

Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép:

“Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, cưới Long Nữ là con gái Động Đình Quân, sinh Sùng Lãm tức Lạc Long Quân”. Sách còn ghi Lạc Long Quân có lúc đi về Thủy Phủ.

Trong khi Toàn Thư chỉ chép vỏn vẹn một câu:

“Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”.

Đây là sự khác biệt rất lớn, Ngô Sĩ Liên gạt bỏ thần tích, với sử gia chỉ có ba nhân vật, ba con người mang tên Kinh Dương Vương, Thần Long, Động Đình Quân. Vua (Vương) Kinh Dương lấy con gái chúa (Quân) vùng Động Đình. Vương lớn hơn Quân, Lạc Long Quân là Quân không phải Vương, con Lạc Long mới là vua, Hùng Vương.

Tệ hại là do câu chú của một ai đó bắt quàng gây ra, nó gây bầu khí thần bí cho câu chuyện.

Thủy Phủ có thể là nơi trị vì của Long Vương, nhưng Thủy Phủ cũng có thể là một địa danh, hành cung của Kinh Dương Vương khi thị sát vùng Động Đình, ngày nay quanh hồ Động Đình vẫn còn vài chỗ mang tên Thủy Phủ.

Một gia tộc sau nhiều lần lưu tán con cháu mươi đời sau ghi lại trong gia phả nghe kể lại ông tổ nguyên gốc ở…, lấy vợ ở…, có chuyện này xảy ra…, họ tin còn ta thì nói rằng chẳng có văn bản nào ghi lại không đáng tin, anh tự kiến tạo không có chuyện truyền khẩu đâu, anh đừng thờ ông tổ vu vơ đó, nghe có ổn không?

Một dân tộc không  lẽ  không thể có truyền thuyết, họ ở đâu ra? Dân tộc Việt Nam chỉ xuất hiện từ thời trung đại? không có thời cổ đại? Cách đặt vấn đề của Kelley rất khoa học, rất uyên bác nhưng chắc là không cận nhân tình.

Với truyền thuyết vấn đề không phải là đúng hay sai, thật hay không thật, mà là nó có đấy, nó đã cấy vào tâm thức dân tộc, nó đã thành tín ngưỡng ta không thể chối bỏ nó. Với truyền thuyết ta chỉ có thể khảo sát để tìm ra những thông điệp, những mật ngữ được chuyển tải qua nhiều lớp ngôn ngữ trầm tích trong đó. Người trung đại không thể tự dưng kiến tạo truyền thuyết của dân tộc, không ai có khả năng đó và cũng không thể có hoàn cảnh và tình tự để tạo được mạch nguồn của truyền thuyết, con sông không thể tự tạo ra nguồn.

Tất nhiên không phải ai cũng có thể tạo ra truyền thuyết, không phải người thông thái bản lĩnh không làm được, lịch sử nhân loại cho thấy những bậc hiền triết của các dân tộc đều xuất hiện từ buổi sơ khai để dẫn dắt hậu nhân. Họ thâm uyên đến nỗi sau họ chưa chắc đã có người kế thừa.

Tại sao tổ tiên Việt Nam không để lại bản văn cho con cháu, có thể họ đã để lại nhưng đã bị mất đi, cũng có thể họ không để lại vì giấy má có thể bị tiêu mòn hay có thể sợ bị thất lạc vào tay kẻ địch, chúng ta chưa có cơ sở nào để xác định, có điều chắc chắn họ đã chuyển vào ngôn ngữ những mật mã để bảo tồn “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Những sách vở bao đời tiền nhân trước tác đã bị kẻ thù phương Bắc cướp sạch, bia đá cũng bị đập phá, trống đồng bị nấu chảy, chỉ còn miệng người là tồn tại, còn con dân là còn truyền thuyết.

Kinh Dịch tức Kinh Diệc (=Việt), là sáng tạo của Việt Nam người Hoa nhận là của họ, ai cũng tin, nhưng hỏi họ lý chứng ở đâu họ chỉ có thể trả lời “của tôi là của tôi”, người có của bị mất cũng vỗ tay phụ họa “của họ mà” trong khi đó ta có hằng tá lý chứng vẫn không thuyết phục nổi.

Tôi đã chỉ ra trên trống đồng có những hoa văn cách điệu quẻ Dịch, hào âm được khắc bằng chấm chấm (….), hào dương là vạch liền, có trước văn bản của Trung Quốc (5)

Tên các quẻ cơ bản của Kinh Dịch là Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Đoài, Ly, Khảm đều là chữ Nôm, học giả Trung Hoa không giải nghĩa được, chỉ có thể hiểu theo tiếng Việt nghĩa mới sáng tỏ(6).

Thông qua Kinh Dịch ta sẽ rõ Hồng Bàng thị truyện kiến tạo hay sáng tạo.

PHÁT HIỆN TRUNG THIÊN ĐỒ TRONG TRUYỀN THUYẾT



                                                                TRUNG THIÊN ĐỒ





Kinh Dịch có tám quẻ đơn:Càn còn gọi là Thiên có tượng là trời, là vua, là cha. Khôn còn gọi là Địa có tượng là đất, là hoàng hậu, là mẹ. Khảm còn gọi là Thuỷ có tượng là nước, là cá (ngư). Ly còn gọi là Hoả có tượng là lửa. Cấn còn gọi là Sơn có tượng là núi. Đoài còn gọi là Trạch có tượng là đầm (hồ). Chấn còn gọi là Lôi có tượng là sấm, là con trai trưởng. Tốn còn gọi là Phong có tuợng là gió, là cây( mộc).

Khi tám quẻ đơn chồng lên nhau ta được 64 quẻ kép, nhưng khi tám quẻ đơn được đặt trên vòng tròn ta sẽ được ba thiên đồ căn bản: Tiên Thiên Đồ thường được người Trung Hoa gọi là Tiên Thiên Đồ Phục Hy vì cho là do Phục Hy chế ra, Hậu Thiên Đồ  cũng được người Trung Hoa gọi là Hậu Thiên Đồ Văn Vương vì cho là do Văn Vương thiết lập, ở đây chúng tôi chỉ gọi là Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ vì đã chứng minh được Kinh Dịch do người Việt Nam sáng chế nên Phục Hy, Văn Vương  chẳng can dự gì vào việc sáng tạo các thiên đồ. Dịch đồ thứ ba chính là Trung Thiên Đồ đã được tổ tiên Việt Nam cất giấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền sử về nguồn gốc dân tộc “Con Rồng cháu Tiên”, một thông điệp về tình đoàn kết, nghĩa yêu thương giữa các dân tộc anh em, đồng bào mà còn chứa đựng một thông tin về di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó. Nếu chúng ta kết hợp những thông tin nằm rải rác trong các truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ, truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh ta sẽ thiết lập được một Trung Thiên Đồ mà người Trung Quốc chưa hề biết đến. Theo kinh Dịch, Lạc Long Quân thường được nhân dân gọi là Bố mỗi khi có việc cần giúp đở có thể ký hiệu bằng quẻ Càn có tượng là vua, là cha. Lạc Long Quân thường sống ở Thuỷ phủ ký hiệu là quẻ Khảm có tượng là nước. Lạc Long Quân diệt được Hồ tinh là con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm ở đầm Xác Cáo nay là  Hồ Tây, sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Đoài tức quẻ Trạch có tượng là đầm. Đất Phong Châu thời Thượng cổ có cây Chiên đàn sống hàng ngàn năm, chim hạc thường đến đậu ở đấy nên nơi đó còn gọi là đất Bạch Hạc( nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lâu ngày cây hoá thành yêu tinh dân gọi là thần xương cuồng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra sức đánh đuổi, cứu dân thoát khỏi sự bức hại của xương cuồng. Sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Tốn còn gọi là quẻ Phong có tượng là mộc. Lạc Long Quân cũng có công diệt được ngư tinh, con yêu ngư xà ăn thịt người, chuyện này cũng thuộc quẻ Khảm ký hiệu ở trên. Truyền thuyết thường nói chung là Lạc Long Quân (quẻ Càn) diệt hồ tinh (quẻ Đoài), diệt mộc tinh (quẻ Tốn), diệt ngư tinh (quẻ Khảm) để cứu dân, từ đó ta đã có được một vế của Trung Thiên Đồ: Càn-Đoài-Tốn-Khảm. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân nói với Âu Cơ (được tôn xưng là Quốc mẫu, là mẹ, ký hiệu là quẻ Khôn): “Ta là nòi rồng, đứng đầu thuỷ tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương họp lại mà sinh ra con, nhưng thuỷ hoả tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở với nhau lâu được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về Thuỷ Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi xuống biển, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên nhau”. Như thế là truyền thuyết đã xác định rất rõ tính cách tương phản giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân thuộc quẻ Khảm (Thuỷ) thì Âu Cơ thuộc quẻ Ly (Hoả). Truyền thuyết kể tiếp: “Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang”. Lên Phong Châu là lên núi ký hiệu là quẻ Cấn có tượng là núi, tôn người con cả ký hiệu là quẻ Chấn vì Chấn có tượng người con trưởng. Ta lại có thêm vế thứ hai củaTrung Thiên Đồ: Ly-Cấn-Chấn -Khôn. Đến đây ta đã khai quật  được Trung Thiên  Đồ từ lớp ngôn ngữ truyền thuyết, các quẻ xếp theo thứ tự Càn -Đoài -Tốn -Khảm -Ly -Cấn -Chấn -Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.(6)

Sở dĩ đồ đó được gọi là Trung Thiên, là chứng cớ chắc chắn để nói rằng Kinh Dịch là của Việt Nam vì nó là đồ duy nhất và là la bàn để người khai sáng dựa vào vị trí các quẻ được phân bố trên đó viết nên hào từ của Kinh, việc này vị trí các quẻ trên Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ không làm được(7)

Vậy “Hồng Bàng thị truyện” là sáng tạo hay được kiến tạo từ thời Trung Đại, trong khi không chỉ đến thời Trung Đại mà ngay đến thời Hiện Đại, Trung Hoa vẫn chưa biết có sự hiện hữu của Trung Thiên Đồ.

“Tưởng niệm Lạc Long Quân, dân làng Bình Đà, huyện Thanh Oai tổ chức lễ hội từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 âm lịch. Ngày 6 tháng 3 là ngày chính hội.

Theo Kinh Dịch, tính theo số Tiên-Thiên, quẻ Khảm hay còn gọi là quẻ Thuỷ đứng ở vị trí số 6, quẻ Ly hay còn gọi là quẻ Hoả đứng ở vị trí số 3. Vì vậy lấy ngày 6 tháng 3 để tưởng niệm Đức Lạc Long Quân là dựa vào tính chất của quẻ Khảm (số 6) và quẻ Ly (số 3). Hai quẻ này hợp lại là quẻ Thuỷ-Hoả-Ký-Tế, quẻ thứ 63 trong tổng số 64 quẻ Dịch

Quẻ Ký-Tế là quẻ duy nhất trong số 64 quẻ Dịch đạt đến độ lý tưởng hoàn chỉnh. Dịch quy định những hào ở vị trí số lẻ 1, 3, 5 phải là hào dương mới được kể là chính vị, nếu là hào âm thì gọi là thất vị (không đúng vị trí). Ngược lại những hào ở vị trí số chẵn 2, 4, 6 phải là hào âm mới được kể là chính vị, không đúng quy định đó gọi là thất vị. Số thứ tự của hào quẻ được tính từ dưới lên. Riêng hào 5 (hào cửu ngũ) còn được gọi là hào trung chính vì là hào dương mà lại là hào ở giữa quẻ ngoại. Cũng thế, hào 2 (lục nhị) còn được gọi là trung chính vì là hào âm và là hào ở giữa quẻ nội. Quẻ Ký-Tế, hào dương ở đúng vị trí dương, hào âm ở đúng vị trí âm được xem là quẻ chuẩn, chuẩn cho Dịch, chuẩn cho người, chuẩn cả cho trời đất vì đã đạt đến trung chính, nghĩa là đã đạt được Đạo. Trời đất trung chính thì mưa thuận gió hoà, xã hội trung chính thì cuộc sống yên ổn, thái bình. Cho nên toàn bộ Kinh Dịch, có thể nói như Nguyễn Hiến Lê: "Liệt kê ra thì cực phiền toái mà tổng hợp lại thì rất đơn giản chỉ gồm hai chữ trung chính như Trương Kỳ Quân đã nói: "Đạo lý trong thiên hạ (theo Dịch) chỉ là khiến cho việc không trung trở về chỗ trung, việc không chính trở về chỗ chính". Nguyễn Văn Siêu nhấn mạnh trung không phải là lưng chừng, không phải là trung bình cộng mà trung là đạt đến chỗ chí thiện.

Phải chăng qua ngày giỗ 6/3 Tổ tiên muốn để lại cho con cháu muôn đời lời di huấn về phép trị nước an dân cốt sao đạt đến chỗ trung chính.

Đạo trị nước tất cũng là đạo giữ nước, đó chính là thông điệp của ngày giỗ Tổ Lạc Long Quân” (8).

Tiền nhân làm việc gì cũng muốn gởi vào đó một hay nhiều thông điệp.

Kelley còn dẫn một đoạn sau đây để áp đặt Hồng Bàng thị truyện lấy ý tưởng từ truyện Liễu Nghị.

“Trong Liễu Nghị truyện, Liễu Nghị chuyển một bức thư cho Long quân hồ Động Đình sống dưới long cung vì lợi ích của con gái ông. Khi Liễu Nghị đến cung điện, văn bản ghi chép những thông tin sau đây:

[Liễu] Nghị hỏi [một người chỉ đường cho ông đến long cung]:

 – Động Đình quân đang ở đâu?

- Chủ nhân của chúng tôi đang ở gác Huyền Châu. Ông đang bàn bạc về Hoả kinh với Thái Dương đạo sĩ. Họ có lẽ sắp kết thúc rồi.

- Hoả kinh nói về cái gì?

- Chủ nhân của chúng tôi là rồng. Sức mạnh thần thánh của rồng liên quan đến nước; với một giọt nước ông có thể chụp lên cả các ngọn núi và thung lũng. Trong khi đó, Đạo sĩ là người. Sức mạnh thần thành cua người liên quan đến lửa; với một ngọn đèn, ông ấy có thể đốt cháy cung A Phòng [một cung điện được xây dựng bởi Tần Thuỷ hoàng đế]. Vì hai loại trí tuệ thần thánh là khác nhau về chức năng, nên sự biến hoá huyền diệu cũng rất khác nhau”.

Khi khẳng định của Lạc Long Quân với Âu Cơ có thêm một ý nghĩa mới sau khi đọc đoạn văn này, thì tất nhiên không có cách nào khác phải thừa nhận chắc chắn rằng tác giả Hồng Bàng thị truyện đã lấy ý tưởng từ Liễu Nghị truyện để giải thích rằng sự khác biệt giữa nòi rồng, Lạc Long Quân, và dòng tiên/trên cạn, Âu Cơ, là do sự khác biệt giữa lửa và nước” (1).

Ở trên ta đã biết chủ nhân Kinh Dịch là người Việt, họ là cha đẻ thuyết âm dương mà Trung Hoa chịu ảnh hưởng khá sâu đậm. Trung Thiên Đồ chỉ có ở Việt Nam ẩn tàng trong Hồng Bàng thị truyện.

Ta có thể chia Trung Thiên Đồ thành hai vế: A: Càn Đoài Tốn Khảm và B: Khôn Chấn Cấn Ly.

Vế A biểu tượng cho Lạc Long Quân (Càn), vế này có hình dạng con Rồng Dương với Càn 3 vạch (đầu rồng), Đoài Tốn đều có hai vạch hai bên (thân rồng), Khảm một vạch ở giữa (đuôi rồng).

Vế B biểu tượng cho Âu Cơ, vế này biểu tượng cho con Rồng Âm với Khôn 3 vạch đứt (đầu rồng), Chấn Cấn đều có hai vạch đứt hai bên (thân rồng), Ly một vạch đứt ở giữa (đuôi rồng).

Hai con rồng Âm Dương này cùng châu đầu vào quẻ Càn đặt ở phương Nam, cực dương biểu tượng mặt trời có ngọn lửa bao quanh. Đó chính là “Lưỡng Long triều nhật” thường thấy trên các mái đình, mái chùa, một dạng cách điệu của Trung Thiên Đồ.

Rồng Lạc Long Quân có đuôi là quẻ Khảm nên luôn liên hệ với nước.

Rồng Âu Cơ có đuôi là Ly nên luôn liên hệ với lửa, lại còn có Cấn/Sơn vì vậy thường ở núi. Rồng Âm Âu Cơ biến thể thành chim Phượng, hay là Tiên.

Lý Triều Uy chỉ là một Nho sinh đọc sách thánh hiền, học ngũ Kinh đứng đầu là kinh Dịch sao có thể nói ngược Hồng Bàng thị truyện lấy ý tưởng từ Liễu Nghị truyện được nhỉ?!

Keith Taylor từng viết rằng người Việt Nam “học cách để khớp nối các bản sắc phi Hoa vào các khái niệm thuộc di sản văn hoá của Trung Hoa và “lập luận rằng vua Hùng đã thực sự tồn tại”. Trái lại, Kelley chứng minh rằng:

“các vua Hùng không có thật. Thay vào đó, họ được kiến tạo ở thời trung đại” “sau đó khớp nối một bản sắc riêng vào các khái niệm thuộc di sản văn hoá của người Trung Hoa” (1)

Cả hai có kết luận khác nhau về vua Hùng nhưng lại cùng chung quan điểm là Việt Nam vay mượn các khái niệm thuộc di sản văn hóa của người Trung Hoa.

Có thật vậy không?

Có những câu hỏi cần được thảo luận

Tại sao những trang đầu lịch sử Trung Hoa lại đầy tên người gọi theo cách thức Việt?

Tại sao có rất nhiều địa danh Việt trên đất Trung Hoa? (9)

Vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương là gốc người nào mà tên Kiệt (14), Trụ không có nghĩa trong tiếng Trung lại có nghĩa trong tiếng Việt: Kiệt-kịt-Cặc, Trụ-chụ-đụ, kiện chứng cho hai tên này: người đàn bà của Trụ được gọi là Đắc Kĩ đọc theo phiên thiết là Đĩ. Kiệt Trụ không phải là vương hiệu mà là hỗn hiệu do dân chúng oán hận mắng nhiếc, vương hiệu của Trụ là Đế Tân. Tại sao dân chúng lại chửi bằng tiếng Việt : vua Cặc, vua Đụ, con Đĩ ? Dân nói tiếng Việt, vua mang tên Việt, vậy Triều Hạ, Triều Thương của ai? (10)

Kinh Dịch đứng đầu các Kinh của Trung Hoa ảnh hưởng đến mọi lãnh vực văn hóa, chính trị, triết học, văn học, quân sự của Trung Hoa là tác phẩm sáng tạo của người Việt (Nam), đó là nguyên tác không phải chuyển dịch,

Vậy thì thứ chữ để viết nên Kinh Dịch do ai sáng tạo?

Chữ Vương trong tước hiệu của Kinh Dương Vương trên Giáp cốt văn được      A- vương                B-ngọc Việt                                       



     C-Việt (kim văn)          D-cái Việt



viết theo hình (A) đó là hình dạng ngọc Việt (hình B), tượng trưng cho vương quyền được truyền từ thời nhà Hạ, qua nhà Thương đến nhà Chu. Chữ Việt (hình C) cũng mô phỏng cái Việt (hình D) quyền uy đó, còn người Việt Nam thì tự xưng là người Kinh 京, dân kinh đô, sao họ lại phổng tay trên người Hoa để chọn những chữ có tầm cao như vậy, nếu như họ không phải là người đã tạo ra chữ? (11)

Người Việt ở phương Nam, người Hoa ở phương Bắc, người Hoa miệt thị người phương Nam là man di (nam man), thế mà Kinh Dịch gọi phương Nam là phương văn minh, trong chữ Nam lại có chữ hạnh, còn chữ Bắc lại là hình ảnh của hai kẻ đâu lưng vào nhau, kèn cựa nhau, phản bội nhau. Vậy chỉ có người phương nam tạo chữ mới tự ca tụng mình, và trút nỗi hận người phương Bắc hay xâm lấn lên trên chữ thôi, chứ lý nào người phương Bắc cường bạo như vậy lại đi tự lăng mạ mình!(12)

Thiết nghĩ giải quyết được những vấn nạn đó ta sẽ trả lời được Việt Nam có hay không thời tiền sử, tiền sử Trung Hoa mượn những khái niệm văn hóa Việt hay Việt mượn của Hoa. Việt có chữ hay không? Chữ gọi là chữ Hán thật sự do ai tạo nên, ai đã biến đổi, canh tân, giản hóa để thành của mình. Việt mất bao nhiêu tài sản trí tuệ? Ai sáng tạo ai kiến tạo? Đâu là chân lý?
 
Nguyễn Thiếu Dũng
 
--------------------------
Chú thích:

1-bản dịch của Hoa Quốc Văn, http://leminhkhaiviet.wordpress.com/

2-http://xuandienhannom.blogspot.com

3-Ngô Sĩ Liên- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nomna.org

4-Nguyễn Thiếu Dũng, Chuyện về Kinh Dương Vương

5-Nguyễn Thiếu Dũng, Phát hiện Kinh Dịch trên trống đồng Đông Sơn

6-Nguyễn Thiếu Dũng, Bàn về tên gọi các quẻ cơ bản của Kinh Dịch

7-Nguyễn Thiếu Dũng, Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam

8-Nguyễn Thiếu Dũng, Ý nghĩa ngày giỗ Tổ

9- Nguyễn Thiếu Dũng, Địa danh Việt trên đất Trung Hoa.

10-Nguyễn Thiếu Dũng, Ghét đời Kiệt Trụ

11-Nguyễn Thiếu Dũng, Bi sử chữ Việt,

12-Nguyễn Thiếu Dũng, Mối liên hệ giữa tôi, vua, nhà nước và chủng tộc

13-Nguyễn Thiếu Dũng, Điều mách bảo của từ chỉ phương hướng

Các bài của Nguyễn Thiếu Dũng đã đăng trên anviettoancau.net, nhưng nay trang này không vào được, độc giả có thể đưa tiêu đề từng bài lên Google để tìm bài còn lưu trên các trang khác.

14- Kiệt 桀thông với kiệt榤: tội cung hình ngày xưa, con trai phạm tội dâm ô bị cắt bộ phận sinh dục.
 
(Văn hóa Nghệ An)

Muôn nẻo đường ... ăn

Quà vặt ở Hà Nội
Quà vặt ở Hà Nội

VHNA: Tuổi trẻ luôn khao khát khám phá và chiêm nghiệm về cuộc sống. Điều đó là cần thiết để làm cho sự hiểu biết, vốn sống và tâm hồn họ phong phú hơn. Các bạn trẻ đã phát hiện ra trong cuộc sống rất nhiều điều giản dị nhưng vô cùng tinh tế. Một chút muối vừng của chị hàng xôi cũng đủ làm cho họ hiểu và yêu cuộc sống hơn vì trong đó có sự cảm thông, chia sẻ đầy dịu dàng, nhân ái...Nhưng trước hết, hãy xem các món ẩm thực "quà vặt" của Hà Nội và Vinh như thế nào qua khám phá của một cô gái Vinh [20 tuổi] đang là sinh viên đại học ngoại ngữ HN. 

Đang nằm trên sân thượng đọc "Bánh mì thơm, cà phê đắng"của Ngô Thị Giáng Uyên, bị kêu xuống làm nước mắm chấm cá, tự dưng vừa băm tỏi, cắt ớt vắt chanh vừa thấy đói mềm rũ rượi lại tiếp thêm cảm hứng lảm nhảm của một tâm hồn.... ăn uống.

Tính ra thì đi không được nhiều nơi lắm nhưng món ngon vật lạ của xã hội thì mìnhcũng được ăn qua không ít. Riêng một năm ngoài Hà Nội cũng tự khám phá được nhiều thiên đường ẩm thực, nhiều món không cần được lăng xê trên mương cống các thể loại, mà khéo với nhiều người cũng không hợp khẩu vị, nhưng với mình thì như nhặt được vàng á. Hầu như mỗi nơi đến đều phải ăn cái gì đó và ngược lại mỗi món ăn cũng gợi nhớ lại một địa điểm phượt (nói phượt cho oai chứ là leo lên xe bus nó chở đi lòng vòng Hà Nội thôi) đáng nhớ. Thường thì vì túi tiền hạn hẹp nên hay ăn lang thang ở mấy quán ngoài vỉa hè, cũng không hẳn là thảm cảnh mà là cảm thấy ẩm thực đường phố quán xá nó rất đặc biệt, rất đặc trưng, vừa ăn vừa ngắm xe cộ phố phường, nhìn người ta nói chuyện, người ta cãi nhau, người ta buôn bán....cũng là một cái thú. Như cái lần đi lạc lên Đại học khoa học tự nhiên (không biết có phải không, trường đó nó nằm gần trường Dược mà mình nhớ KHTN ở dưới Nguyễn Trãi mà nhẩy) ăn bún thang ở trên vỉa hè, lần đầu tiên ăn bún thang của HN, người ta cho cả dọc mùng vào, trời nóng bún nóng ăn thì sướng đừng hỏi, về thấy lạ chuyện dọc mùng hỏi mấy đứa trong phòng mới biết là à miền Bắc (cả Đà Nẵng nữa) người ta ăn như thế. Rồi có lần đi ăn phở cuốn với bánh bèo ở đường nào quên tên trên quận Hoàn Kiếm, nước chấm ngon chua chua cay cay mặn ngọt hòa tan dễ chịu thanh mát cực kì, có điều quên tên mất rồi, thực ra là một cái xe nhỏ trước nhà, bày mấy cái ghế con, giá cũng mềm. Nhớ cả cái lần lên bờ Hồ, vốn là hết tiền ngủ qua trưa nhịn ăn sáng ăn trưa, đến chiều mẹ bảo gửi tiền phát là bật dậy đi phượt, chui lên phố cổ đói xếu mếu vô một hàng phở, bác bán hàng cũng cỡ tuổi mẹ thấy mình như sắp ngất đến nơi thì phải, múc cho một bát phở đầy hụ như cái chậu, quá nhiều cho 20k rồi giục ăn, tự dưng thấy rành cảm động, ai bảo người Hà Nội chỉ toàn người xấu tính tính toán chứ. Mà không phải mỗi một lần như thế, cái lần nhịn ăn đi lên rạp Ngọc Khánh xem phim suýt xỉu vì hạ đường huyết (thật là kịch tính) lết được đường Kim Mã, mình thì gọi bún mọc (hay bún chả gì đó) vì nó rẻ nhất, có 15k, mà bà cụ (hình như mẹ chồng dì bán hàng) nói với dì á "thôi thêm thêm thịt vào cho cháu nó,  ăn thêm cho có sức mà học cháu". Được ăn ngang suất 30k luôn, bây giờ không mấy khi đi ngang qua đó nhưng vẫn rất nhớ là nhớ bà cụ và dì bán hàng dễ tính dễ thương hẻm 575 (thì phải) đường Kim Mã. Người tốt everywhere. Tuy nhiên cũng có nhiều vụ đi ăn buồn cười, kể như cái bà béo bán nộm bò khô với bánh bột lọc (chính là bánh bèo Vinh keke) trên góc phố chi quên tên rồi dọc bờ Hồ, lần nào đi xe 9 lên cũng cố sức lết bộ lên chỗ bà này ăn, đắt thì đắt nhưng ngon bá cháy luôn, tại mình thích nước chấm  chua cay lắm, bà béo này rất dữ, quát rồi chửi khách chửi con chửi chồng ầm ầm. Mà đồ làm nhìn cũng bẩn bẩn. Kệ, chưa chết ngay đâu mà lo.

Nhiều khi miếng ăn cũng không phải cao lương mĩ vị gì, cũng không phải hương vị ngon nghẻ lắm gì, mà chủ yếu là hoàn cảnh xô đẩy đặc biệt, cứ nhớ mãi. Có đợt hết tiền, ra đầu cổng Đại học Quốc gia mua cái bánh mì Tượng Đình (to và dai như giày Thượng Đình) chui vô khoa Pháp miệng thì nhai bánh mắt thì đọc Trường An loạn, rõ ràng hôm đó rỗng túi chẳng được đi chơi, cũng chả làm được việc gì có ích, bánh thì vừa dai vừa giòn, cắn một phát bột bay lả tả, vô mồm chắc được 40% cái bánh, thế mà  truyện hay nên rất cao hứng vui vẻ, chả thấy đói, chả thấy mình thê thảm gì cả, chả thấy xấu hổ rầy riếc ngượng nghiếc gì cả, dọa được nhiều đôi di cư khỏi khoa Pháp hết, một mình một cõi vừa ăn vừa hát vừa đập ghế vừa đọc, ta dại ta tạo nơi vắng vẻ :)) Rồi có hôm (cũng lại) hết tiền nữa, tối đói quá không nhịn được mò ra đầu cổng kí túc mua xôi, mọi hôm đi qua dì bán xôi cứ cúi cúi vì thấy mình không mua cho dì nên cứ ngại ngại, hôm đó phi thẳng ra mừng rỡ vẫy vẫy, nhìn dì như nữ anh hùng, nữ hiệp sĩ trong phim, có 5k xôi lạc với ít muối vừng với ruốc (mình chỉ xin ruốc thôi nhưng chắc thấy mình háu đói quá dì cho thêm) quả là cứu tinh của đời mình. Chưa bao giờ trong đời thấy gói xôi nóng hổi  như thế, thấy mùi lạc thơm dễ chịu như thế, thấy ruốc muối vừng ngon hơn tất cả cao lương mĩ vị như thế, kiểu như mọi giác quan được cơn đói đánh thức, mà bình thường mẹ mua đầy có ăn đâu. Lại còn không dám ăn, áp gói xôi vô mặt cho ấm, về đến phòng thấy Linh Linh mới mua cơm, tự dưng cơn đói lại trỗi dậy, cũng từng đó cơm, từng đó món bình thường mình mua ăn chỉ để cho xong việc, chả đoái hoài gì, cũng thịt cũng rau mà sao thấy cơm trắng, thịt thơm, rau mềm hấp dẫn như vậy, xa vời như vậy, tủi thân kinh khủng. Đó có lẽ là lần đầu tiên và lần đáng nhớ nhất, bị cái đói giày vò kinh khủng, mới biết thế nào là đói thực sự, mới biết sao người ta lại gọi là "miếng ăn".

Ăn với mình nó đa hình vạn trạng lắm, có lúc ăn cho khỏi hạ huyết áp. Có lúc ăn cho no để còn làm việc, học hành, có lúc ăn cho vui với bạn bè, có lúc ăn ngon để thưởng thức kĩ thuật người nấu, hương vị món ăn, có lúc ăn để làm mồi cho...đọc sách (thói quen khó bỏ là vừa ăn vừa đọc sách, đọc đi đọc lại 1 quyển là hết một bát cơm), có lúc ăn là ghi nhớ một chuyện gì đó, có lúc là ăn để giải tỏa cảm xúc....Có người quan trọng ăn có ngon không, có người quan trọng ăn no, có người quan trọng ăn sang, có người quan trọng ăn với ai....Mình thì cái nào cũng quan trọng hết và đặc biệt là hoàn cảnh ăn. Cũng bánh tráng trộn bánh tráng nướng, mà ba lần ăn là ba cảm nhận khác nhau. Lần đầu vô Sài Gòn ăn là theo kiểu trào lưu, thấy người ta lăng xê thì mình cũng phải thử để về mà khoe, thành ra ăn xong thấy nó cũng...bình thường thì lại....thất vọng. Lần hai vô được thổ địa dẫn đi ăn gần trường Gia Định, trời mưa hơi hơi lạnh, ngồi trong mái che nhỏ nhỏ của cái xe đẩy, tận mắt thấy người ta tráng bánh, mùi thơm của thịt, hành tỏi....theo hơi lạnh bốc lên, vừa ăn vừa trộn bánh tráng vừa nói chuyện, vừa ngắm học trò cấp ba,  mới thấy đúng chất Sài Gòn, có lẽ là không khí thấm vào món ăn nên cứ nói đến bánh tráng trộn, bánh tráng nướng là thấy nhớ ơi là nhớ, đó mới là thứ lần đầu vào mình hào hứng đi tìm. Cho nên đã thất vọng toàn tập khi về Vinh ăn bánh tráng trộn đường Kim Đồng 25k. Quán nóng nực chật chội toàn các bạn sang chảnh như bà cố, mình như trẻ nít bị lạc, ăn chả có cảm giác ngon lành rung động gì hết. Quán đó về sau không bao giờ hẹn gặp lạ. Và kể cả ngay bây giờ khi mình đang dạng linh tinh lang tang thì món chôm chôm ướp lạnh cứ-thỉnh-thoảng-nhón-một-tí cũng sẽ được ghi nhớ với sự vô- cùng - hào - hứng.

Ăn với mình còn là cách xả xì trét trên cả tuyệt vời. Vui cũng ăn. Để ghi nhớ. Buồn cũng ăn cho đỡ buồn. Hồi đầu năm thi vượt cấp tiếng Anh tưởng trượt mua liền mấy cái xiên đỏ lòm ớt cay xè ăn cho ra nước mắt, ăn xong mua tiếp kem chanh ăn cho trung hòa. Trung thu ăn kem chanh, tập văn nghệ ăn kem chanh, mùa hè kem chanh, mùa đông cũng kem chanh, cái dung dịch lỏng lét như nước chanh đường để đông lạnh xanh xanh có thêm vài lát vỏ chanh, húp phát là hết mà cứ nhắc đến là thèm. Chả cá, chả rau, chả thịt, hồi đầu chưa quen trường mới áp lực nhiều cứ tan học là ăn hết 3, 4 xiên, về nhà cân tăng 3 - 4 cân . Ở trường ngoại ngữ thì nhiều thứ để ăn lắm, chè trang này, thực tế cũng không ngon lắm, ốc này (ốc thì chính xác là đi lên chỗ Tô Hiệu, có quán ốc Hải Phòng đầu năm đi ăn với mấy đứa cùng phòng ngon cực, có cả món tủ của mình là cút xào me).  Nói đến kem phải nhắc đến kem trường Đặng, kem ốc quế vỏ mỏng mỏng, kem mềm mềm xôm xốp phía trên đổ socola chảy, nghĩ đến mà thèm. Rồi kem chanh kem xương rồng các thể loại, một thời trường Phan ôn thi của tôi. Lên Hà Nội thích đi lên phố Tràng Tiền - con đường thượng lưu của miềng, ghé vào kem Tràng Tiền mua một cây ốc quế bự bằng nắm tay, vừa đi vừa mút vừa ngắm phố phường, vừa ngó qua các ô kính cửa sổ các cửa hàng xa xỉ. Lội xuống hồ Tây, hồ Trúc Bạch, đi lùi vào chỗ Hãng phim truyện Việt Nam ăn nem lụi, các thể loại chiên nướng khác, nước chấm ngòn ngọt chua chua cay cay mặn mặn, có bỏ mấy lát  đu đủ xanh làm nhớ đến mì trộn ở quán Xinh (đây là đọc truyện Thùy Chi thôi chơ chưa từng ăn mì trộn ở Xinh). Mùa đông ăn thịt xiên nướng chan tương ớt bên kí túc Sư phạm, nóng phỏng lưỡi, vừa ăn vừa liếm, nước mắt chảy luôn. Ở chỗ B2 mọi hồi cũng có một anh người Nghệ An bán xiên, giá rẻ hơn (hữu nghị đồng hương) nhưng không ngon bằng. Mà nói đến ẩm thực mà quên bánh bèo Nguyễn Văn Cừ, xoài dầm Hưng Bình và bánh mì chú Đà Nẵng là cả một thiếu sót lớn. Đến mức bạn cùng phòng hỏi mình, Vinh có đặc sản gì bật luôn "bánh mì Đà Nẵng. Ba địa chỉ này nhiều người ăn rồi và quen rồi nên mình bình loạn thêm là thừa, nó thành thương hiệu rồi. Và còn vô vô số những nơi khác đã đi qua, và đã ăn.

Ai nói ăn chỉ là ăn, ăn là phàm tục? Có ăn mới có sống đã, thích thanh cao thử nhịn vài bữa xem, cao luôn, lên trời luôn. Ăn cho mình sống, gánh hàng ăn, cửa hàng ăn, bao nhiều thứ nuôi con cái lớn, trang trải đời sống...Rồi thấy bảo vệ, công an đuổi, lật cả hàng hóa xuống (đừng thím nào vào tranh cãi luật pháp trật tự ở hạng mục này... mới biết. Có đi có ăn mới thấy vẫn còn người tốt, người dễ thương, hay chính xác là vẫn thấy những mặt tốt, mặt dễ thương ở con người. Người ta bảo văn hóa gì gì bị mai một thể hiện qua cách ăn sỗ sàng, không thanh lịch, chắc là họ chưa từng được hào phóng trút thêm cho một ít thức ăn khi đói, chưa từng biết được cái đói là thế nào. Hoặc là họ đã quên rồi. Dĩ nhiên đi ăn ở mỗi môi trường mỗi khác, cái lần đi Vietnam Airlines không quen cầm dao nĩa cứ loắng ngoắng tay chân hết lên, nhưng mà mình vẫn thích nhất đi ăn mấy quán độc độc trong ngõ hoặc vỉa hè, bình dân, tự nhiên, không kiểu cách, thoải mái, ngon lành. Hoặc đơn giản là trời lạnh run, mua vài cái xiên nướng đỏ lòm ớt, cay xè mắt mũi, rồi làm cốc kem chanh trung hòa.

Món ngon từng ăn không thể kể hết. Viết dài chắc không ai đọc đâu. Thôi đi rửa bát làm thanh niên gương mẫu nào.

Vinh, 8/ 2013
 
Phan Thanh Hào
  (Văn hóa Nghệ An)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét