Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Tin ngày 22/8/2013 - tiếp theo

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Không thể cho người dân khởi kiện cơ quan ra “văn bản trên trời”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã khẳng định: Không thể giao quyền khởi kiện các cơ quan Nhà nước ra văn bản trái luật cho người dân, bởi vì “các nước khác không làm như vậy”.
Ngày 20.8, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã khẳng định: Không thể giao quyền khởi kiện các cơ quan Nhà nước ra văn bản trái luật cho người dân, bởi vì “các nước khác không làm như vậy”.

Có lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách?



Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Có sự nể nang hay không trong xử lý khi Bộ Tư pháp chỉ nhắc nhở các bộ hoặc các cơ quan đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trái quy định? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Những gì thuộc về kỹ thuật thì chủ yếu là rút kinh nghiệm. Còn nếu có nội dung trái luật chúng tôi mới yêu cầu sửa”.
Ông Cường dẫn chi tiết: Từ đầu nhiệm kỳ tới hết tháng 7.2013, Bộ Tư pháp đã phát hiện 172 văn bản có vi phạm, trong đó chỉ có 24 văn bản vi phạm về nội dung. Bộ đã gửi 18 văn bản trình bày với các bộ, ngành để sửa và bộ ngành đã tiếp thu.
“Chúng tôi rất kiên quyết, không nể nang. Nghị định của Chính phủ ban hành không phù hợp, trái quy định thì cũng tiếp thu sửa ngay, như việc ghi họ tên cha mẹ trong CMND, Nghị định về tang lễ cán bộ công chức… Không có chuyện nể nang nhau” – ông Cường nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và ĐB Chu Sơn Hà đều đặt vấn đề: Có “tham nhũng” về chính sách pháp luật vì có nhiều văn bản của các bộ “đá nhau”. Thậm chí, việc các dự án luật “đưa vào rút ra” xảy ra nhiều khiến người ta nghi ngờ có vấn đề lợi ích nhóm trong xây dựng luật, pháp lệnh. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì ngăn chặn việc xây dựng luật phục vụ lợi ích nhóm?
Trả lời câu hỏi rất khó này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phủ nhận vấn đề lợi ích nhóm trong làm luật khi cho rằng: “Quy trình xây dựng VBQPPL rất đầy đủ và qua nhiều tầng nấc, trừ thông tư và thông tư liên tịch chưa có sự kiểm soát tập trung thôi. Từng quyết định của Thủ tướng, Nghị định của Chính phủ đều phải theo quy trình rất chặt chẽ”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng không khẳng định là không có chuyện tham nhũng chính sách: “Cũng có thể có xuất hiện, nhưng vấn đề đó rất khó vì kiểm soát rất chặt. Nhưng cũng không loại trừ khả năng có lỗ hổng trong kiểm soát”.

Không thể cho người dân khởi kiện

“Bộ trưởng nghĩ sao nếu cử tri muốn Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ để trao quyền khởi kiện cho người dân khi cơ quan Nhà nước ban hành quy đinh, thông tư trái với nghị định hay nghị định trái với luật?” – ĐB Nguyễn Bá Thuyền hỏi thẳng.
“Đây là chuyện đã bàn và trong luật tố tụng xét xử hành chính cũng đã đưa ra nhưng chưa có cơ sở. Ở các nước, người ta xem câu chuyện lập pháp là việc của Nhà nước nên cũng không đưa các VBQPPL ra tòa án. Còn việc bồi thường khi có một VBQPPL trái luật thì các nước cũng không quy định Nhà nước phải bồi thường vì nó xem như một sản phẩm của quản lý Nhà nước” – Bộ trưởng Cường giải thích.
Chưa hài lòng, ĐB Bá Thuyền đứng lên truy tiếp: Bộ Tư pháp được giao kiểm tra giám sát các VBQPPL nhưng không làm tròn trách nhiệm. Vì vậy, người dân muốn Bộ giao cho họ quyền đó để họ khởi kiện là lẽ thường. Còn việc bồi thường của Nhà nước khi ra văn bản sai cũng là đương nhiên, Nhà nước sai mà không bồi thường là không được vì chúng ta sống trong xã hội thượng tôn pháp luật, khi người dân làm sai thì Nhà nước bắt bồi thường và ngược lại…
Trước sự gay gắt của ĐB Thuyền, Bộ trưởng Cường “nhường bước”: Chúng ta sẽ sửa Luật Tố tụng hành chính và chúng tôi sẽ nghiên cứu xem có nên để người dân có quyền khởi kiện cơ quan quản lý ra VBQPPL trái quy định hay không!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi ngắn gọn: Bộ trưởng không cần phải nói nhiều, chỉ cần đánh giá xem chất lượng VBQPPL bây giờ tốt hơn hay dở? Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp luật tốt hay dở?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự tin trả lời: Theo tôi, chất lượng văn bản ngày càng tốt hơn, nhất là qua khâu thẩm định báo cáo đã nêu rõ. Còn về vấn đề văn bản hướng dẫn luật chậm hay nợ, chỉ riêng năm 2013 đột xuất tăng lên do lý do khách quan, còn kỷ cương ban hành luật nói chung chặt chẽ, luật và pháp lệnh có hiệu lực trực tiếp. Cái gì thuộc về chính sách, kể cả văn bản hướng dẫn có chậm thì cũng hồi tố để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách.
THEO DÂN VIỆT

Từ mẫu và dì ghẻ

Không phải cứ có “phân cấp rõ ràng” thì ở đâu các vị bộ trưởng cũng sẽ “thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.
Sau khi kiên nhẫn lặng thinh trước những tiêu cực “to như cái đình” của ngành y tế, cuối cùng, trong một hội nghị nội bộ, đóng vai trò người chỉ đạo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên cũng bày tỏ chính kiến . Báo chí dẫn lời bà khẳng định: “Phân cấp có rồi, ai sai người đó chịu”. Rồi thì “Ai làm không nghiêm, sẽ phải xử lý nghiêm”.
“Chính phủ là cung cấp đủ tài chính để làm sao vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ. Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tiêm chủng, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Chính quyền thực hiện nhiệm vụ triển khai tiêm chủng. Còn tại nơi thực hiện tiêm người tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình. Có quy định đầy đủ rồi”- Bộ trưởng nói.
Còn vụ Hoài Đức thì: “Cả một khoảng thời gian dài thu tiền như thế, để phiếu xét nghiệm như thế mà không ai biết thì chúng ta cũng phải nói đến trách nhiệm trực tiếp, rõ ràng của trưởng khoa, giám đốc bệnh viện, kể cả công tác thanh kiểm tra cũng yếu”.
Thế là rất rõ ràng, vì có “phân cấp rõ ràng”, cho nên, dù “từ mẫu” hay dì ghẻ, tất nhiên không có chuyện “con dại cái mang”.
Xem trong tất cả các phát ngôn này, rõ ràng, không thấy đâu bóng dáng trách nhiệm của Bộ trưởng.
Và điều tệ nhất, tất tật những gì Bộ trưởng nói đều đúng. Không ai có thể buộc trách nhiệm vào bà. Cũng như chẳng có lý do gì để bà từ chức như một ai đó đang “lảm nhảm” ở một đâu đó.
Đọc tới đây, hẳn nhiều bạn đọc sẽ chưa quên scandal truyền máu nhiễm HIV xảy ra ở Ả rập Xê út hồi đầu năm khiến thế giới rúng động.
Reham al-Hakami, một bé gái 12 tuổi, bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu đã được bệnh viện đa khoa Jazan truyền máu đã bị nhiễm HIV.
Khi dẫn lại sự việc này, báo Quân đội nhân dân mô tả: Việc công khai chỉ trích các quan chức chính phủ ở A-rập Xê-út hiếm khi xảy ra.
Nhưng vụ việc của bé al-Hakami lại châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích công khai dữ dội trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Hội Nhân quyền Quốc gia yêu cầu các nhà chức trách tiến hành điều tra nghiêm túc vụ việc và tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý xứng đáng cho nạn nhân, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách bắt giữ các nhân viên y tế có dính líu. Daoud al-Sharian, một MC nổi tiếng của kênh truyền hình nhà nước MBC, đã kêu gọi Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah phải từ chức. “Tôi ước, chỉ một lần thôi, rằng một vị bộ trưởng sẽ phải từ chức vì những lỗi lầm do nhân viên của họ gây ra”- Al-Sharian nói.
Tội nghiệm cho Bộ trưởng Al-Rabiah. Đã có “phân cấp rõ ràng” mà. Ông cũng đâu có phải là người đã trực tiếp truyền thứ mắc dịch đó vào người bệnh nhân.
Khổ cho Al-Rabiah, ngay cả chiếc iPad, món quà mà ông tặng cô bé trong chuyến đích thân tới thăm tại bệnh viện, cũng bị nhạo báng là “nên được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là khoản bồi thường rẻ mạt nhất từ trước tới nay”.
Một cách bối rối, Bộ trưởng Al-Rabiah sau đó thanh minh iPad là thứ mà cô bé ao ước và ông thật thà “Nếu tôi không đến thăm cô bé thì tôi thấy mình thật đáng trách”.
Bộ trưởng Al-Rabiah sau đó không từ chức, dù ngành y tế Ả Rập Xê út đã sa thải tới 7 quan chức y tế cao cấp. Chắc là vì ở Ả Rập có “phân cấp rõ ràng”. Và đề cao nguyên tắc “Ai làm không nghiêm, sẽ phải xử lý nghiêm”.
Nhưng không phải cứ có “phân cấp rõ ràng” thì ở đâu các vị bộ trưởng cũng sẽ “thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.
Tháng 10.2008, Bộ trưởng Y tế Chile, cũng là một phụ nữ, đã tuyên bố từ chức sau vụ bê bối “quên” không thông báo kết quả dương tính HIV cho 25 bệnh nhân tại một bệnh viện địa phương ở Iquique.
Nữ Bộ trưởng nói bà quyết định từ chức bởi “sự việc xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân Chile với ngành y”, đồng thời “hủy hoại hình ảnh của chính phủ”.
Hẳn nhiên, ở Chile, cũng có “phân cấp rõ ràng” khi Bộ trưởng cũng quản lý bằng “ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, đôn đốc thực hiện”. Ở Chile, Bộ trưởng Y tế tất nhiên cũng không phải hàng ngày xuống từng bệnh viện để trả kết quả xét nghiệm. Và ở Chile, cũng có chuyện “Ai làm không nghiêm thì xử lý nghiêm”. Nhưng ở Chile, nơi y bác sĩ không được trân trọng gọi là “từ mẫu” như ở ta, Bộ trưởng chịu trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của ngành y tế ngay trước hành vi của một vài nhân viên xét nghiệm nào đó, ở một bệnh viện hẻo lánh nào đó. Và ở Chile, một thành viên Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh chính phủ bằng sự từ nhiệm cá nhân.
Một bộ trưởng không thể “con dại cái mang”, chịu trách nhiệm trước từng sự cẩu thả của một những nhân viên xét nghiệm trên khắp đất nước. Điều đó đúng. Nhưng cũng đúng như việc bà phải chịu trách nhiệm trước những điều tiếng của ngành y, trước niềm tin và sự “hoang mang trong xã hội” đối với một ngành về nguyên tắc mà người dân đang gửi cả mạng sống và niềm tin.
THEO ĐÀO TUẤN

Vụ hàng chục xe buýt bịt đường: “Mới là trận dạo đầu!”

Published on August 22, 2013   ·   No Comments Sự việc 20 xe buýt dàn trận, “khóa” đường ngày 18/8 đã khiến giao thông trên đường Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương ách tắc suốt 4h liền. Đến nay, tình hình vẫn còn rất căng thẳng.
Phía doanh nghiệp có các lái xe tổ chức dàn trận tuyên bố: Đấy chỉ mới là trận dạo đầu, nếu như họ vẫn tiếp tục bị giành tuyến, cướp khách.

Dàn trận “khóa” đường


Nghe phong phanh Sở Giao thông vận tải Hải Dương sẽ cho tuyến xe buýt 207 chạy thêm tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, thuộc nội thành TP Hải Dương, các hãng xe buýt lâu nay chạy trên cung đường này rơi vào tâm lý lo lắng. Gần 6 giờ sáng ngày 18/8, một số lái xe tuyến 208 (do hai công ty Đức Khoa, Đức Chiến quản lý) phát hiện nhiều xe tuyến 207 (do Công ty Hoa Anh Đào và Hải Hưng quản lý) bắt khách trên đường Nguyễn Lương Bằng. Thực tế, tuyến đường này đã được xe 208 khai thác ổn định gần 7 năm nay. Xe tuyến 207 cũng đã có thị phần ở những cung đường khác.
Thấy vậy, các lái xe tuyến 208 gọi cho các lái xe của các đầu buýt khác đến hiện trường. Cuộc vây đường, “khóa” tuyến, chặn đối thủ được tổ chức tự phát khiến cho người đi đường được phen kinh hãi.
Anh Trần Văn Minh, một người dân có mặt tại hiện trường lúc đó, cho biết: “Ban đầu là một xe của 208 quay ngang lại, sau đó chỉ trong vòng 15 phút, hàng chục xe rầm rập ở các ngả kéo về dàn kín đường. Mọi hoạt động giao thông ngưng trệ. Nhiều xe khách, xe buýt của hãng khác và mấy xe buýt 207 cũng bị khóa đuôi”.
Chị Hà Thị Mai, một hành khách trên tuyến 208 kể: “Tôi và một số hành khách đã lên xe rồi bỗng dưng xe không đi nữa. Tài xế bảo hôm nay không chạy nữa, tất cả nghỉ biểu tình. Một lúc các xe khác gần đó cũng rầm rầm kéo đến đứng đỏ đường. Khí thế và liều mình y như trong phim hành động. Hành khách chúng tôi sợ quá bảo nhau xuống xe đi hướng khác”.
Hơn 20 chiếc xe buýt của tuyến 208 chặn đứng con đường chủ lực của nội thành Hải Dương. Các xe khác đang đi trên đoạn đường ấy cũng vô tình bị khóa lại, gián tiếp làm dày thêm “đường băng” cản đường. Cứ 7 phút lại có một xe buýt đi qua và đến đó thì… dừng lại.
Trong tình thế đó, các xe buýt 207 vẫn không hủy tuyến, cứ đúng lịch 20 phút lại xuất bến một xe. Vì thế đoạn đường trên càng căng thẳng. Khoảng gần 1 tiếng sau, số xe buýt đoạn trước cổng bệnh viện tỉnh đã lên tới 40 chiếc. Người đi đường và người dân đổ dồn tới xem khiến khung cảnh càng thêm nhốn nháo.
Đường Nguyễn Lương Bằng có tới 4 bệnh viện lớn và nhiều trường học. Nếu tình trạng “khóa” đường kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cấp cứu bệnh nhân cũng như việc học của trẻ. Vì vậy CSGT tỉnh đã khẩn trương huy động lực lượng lớn các chiến sĩ tới giải quyết vụ việc.

“Chúng tôi cần có cháo để ăn”

Xe buýt tuyến 208 về bãi sau cuộc dàn trận ngày 18/8
Xe buýt tuyến 208 về bãi sau cuộc dàn trận ngày 18/8

Công an tỉnh Hải Dương sau khi tìm hiểu nội tình sự việc đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương tới hiện trường giải quyết. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã cùng lực lượng công an tỉnh thuyết phục, giải thích, yêu cầu các doanh nghiệp di chuyển xe để lưu thông đường.
Hàng chục lái xe buýt đã đồng ý cho dàn xe ra hai bên đường, mở lối cho các phương tiện qua lại. Cuộc thỏa thuận sau đó diễn ra ngay tại hiện trường. Phía tuyến 208 bức xúc tố hành động lấn tuyến, cướp khách của xe 207. Họ muốn xe 207 phải cam kết bằng văn bản có xác nhận của Sở là không được chồng tuyến, lấn tuyến của nhau, để cùng nhau tồn tại.
Tuy nhiên phía xe 207 không chấp nhận vì theo họ việc điều chỉnh tuyến đã được Sở nghiên cứu, xem xét và chấp thuận có văn bản. 207 không cướp đường mà đi theo sự cho phép của Sở.
Trước tình hình trên, đại diện Sở GTVT quyết định “tuyến nào trở về tuyến đấy, không điều chỉnh tuyến nữa để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách và tình hình an ninh trật tự trên tuyến đường”. Cuộc họp giải tán, các xe 208 rút xe thông đường.
Tưởng mọi việc êm xuôi, nhưng ngay sau đó, nhiều xe 207 vẫn tiếp tục đi vào đường Nguyễn Lương Bằng bắt khách. Thấy vậy, các lái xe 208 tiếp tục hô hào nhau quay ra chặn đường. Đường Nguyễn Lương Bằng lại tắc nghẽn.
Trước sự ngang bướng của hai bên doanh nghiệp, lực lượng CSGT tỉnh phải khẩn trương trở lại hiện trường. Công an tỉnh bắc loa yêu cầu các lái xe “tháo xe mở đường”, nếu không sẽ dùng biện pháp mạnh. Tuy nhiên đến 12 giờ trưa cùng ngày, tình trạng này mới tạm chấm dứt.
Đại diện Công ty vận tải Đức Khoa và Đức Chiến, cơ quan chủ quản của tuyến buýt 208 cho biết, đoạn đường Nguyễn Lương Bằng là nơi có lượng khách tương đối lớn mà hàng loạt các hãng đang cùng nhau khai thác lâu nay. Các doanh nghiệp đang đứng trước hàng loạt khó khăn, đối mặt với nguy cơ phá sản nhưng Sở lại cho thêm một tuyến với hàng chục đầu xe vào khai thác. “Lâu nay chúng tôi đã không có cơm để ăn rồi. Giờ phải để chúng tôi ăn cháo với chứ. Tuyến 207 chạy Hải Dương – Uông Bí đã có đất sống rồi, tại sao Sở lại dồn tuyến Hải Dương – Bắc Giang chúng tôi vào con đường cùng?”, ông này nói.
Một số lái xe tuyến 208 cương quyết: “Biết làm như vậy là sai nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Việc dàn trận vây đường ngày 18/8 mới là trận đầu mở màn, nếu vẫn bị giành khách, cướp tuyến chúng tôi sẽ tổ chức “khóa” đường quy mô hơn trong vài ngày tới”.
THEO DÂN TRÍ

Suy nghĩ từ một bài viết và những lời bình luận trên facebook

Đối với tôi, việc giảm án cho Phương Uyên là một bước đi vô cùng lớn của Đảng Cộng sản trong việc hiểu biết lẫn nhau giữa những người khác chính kiến.
Một trong những quyền của con người là quyền được nói. Nếu ai nói khác mình thì giết, thì chém là việc của thời trung cổ, không phải thế kỷ 21.
Tôi sinh ra ở đây, con tôi chắc sẽ sống ở đây, con các bạn chắc cũng sẽ vậy.
Bạn sẽ nghĩ gì khi một ngày, Việt Nam có một thể chế Chính trị khác, con bạn nói lên những điều nó nghĩ theo cách các bạn nghĩ và hàng loạt những lời bình luận theo kiểu: “Ngu quá!”, “Tổ bà con mặt…dầy”, “Giết cả nhà nó đi”…..chĩa về phía con bạn?
Và tôi cũng thực sự không biết người bình luận chửi Phương Uyên hay họ chửi chính tác giả bài viết.
Nhưng dù là chửi ai thì tôi cũng không cho là phải.
Đảng Cộng sản lãnh đạo Cách mạng Việt nam từ năm 1930 đến nay đã được 83 năm. Trước năm 1975, không thể phủ nhận, đa số người Việt đã theo ông Hồ Chí Minh, ủng hộ cuộc chiến tranh của dân tộc.
Có lẽ rất nhiều lần, các bạn cho rằng Chính Quyền Mỹ cướp phá Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây nhiều tội ác đối với dân tộc này….
Phải cay đắng mà nói rằng, các bạn nói không sai.
Tôi không thích và không bao giờ chấp nhận việc can thiệp của Hòa kỳ theo cách này.
Trên đời, chẳng ai làm đúng hết. Có kẻ sai nhiều, kẻ sai ít, và có kẻ sai rất nhiều. Một thằng tướng cướp, gây nhiều tội ác, nhưng khi nó hoàn lương, trở thành công dân mẫu mực thì chẳng có gì mà phải suốt ngày nói về quá khứ của nó.
Người Mỹ đã sớm nhận ra sai lầm của họ trong cuộc chiến ở Việt Nam từ rất lâu rồi. Nhưng với vai trò đầu tàu thế giới, chúng ta không nên đòi hỏi công bằng từ cường quốc này vì từ ngày có trái đất đến nay, đã bao giờ có công bằng thực sự hay chưa?
Sai lầm vốn là bản chất của con người, không có sai, làm sao có đúng, nhưng vấn đề là phải biết mình sai. Chủ nghĩa Phát xít đã phạm những sai lầm ghê gớm cho nhân loại, nhưng biết nhìn nhận sai lầm đã giúp người Đức, người Nhật ngửng cao đầu tiến bước và vô hình dung, họ đã một lần nữa bắt thế giới phải nể phục vì khả năng hồi sinh và sức mạnh tập thể.
Cuộc chiến chống Mỹ và Chính phủ thân Mỹ – Việt nam Cộng Hòa, kéo dài 20 năm đã cướp đi khoảng trên dưới 3 triệu người Việt Nam kể cả hai phía.
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi là chúng ta muốn độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc hay Chủ Nghĩa Xã Hội?
Nếu các bạn còn nghĩ rằng Chủ nghĩa Xã hội và Chủ Nghĩa Cộng sản là có thực thì xin các bạn dừng lại tại đây và đừng đọc bài viết của tôi nữa.
Bạn tôi có nói rằng trái đất rộng, có kẻ được sinh ra nơi đất đai trù phú, kẻ sinh ra nơi khô cằn, kẻ được sinh ra lành lặn dưới ánh sáng mặt trời, kẻ bị sinh ra tật nguyền nơi tối tăm dơ bẩn, kẻ được sống nơi bờ biển cát trắng, kẻ sống trên đồi núi hiu quạnh….Và loài người đang tìm mọi cách để được ấm no cho mình, cho gia đình mình trước, sau đó là nghĩ cho đồng loại để bất công đừng có quá nhiều trên hành tinh này.
Nhưng thử hỏi, từ ngày trái đất được sinh ra đến nay, đã bao giờ hết bất công chưa?
Chúng ta không buông súng chấp nhận bất công, song hãy hiểu cho rằng bất công là một phần trong cuộc chơi.
Lý tưởng của Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ. Người “anh, em” Trung Quốc thì không đáng tin cậy, Bắc Triều Tiên thì quá nhiều tai tiếng, người bạn bên kia bán cầu là Cuba thì cũng không khấm khá gì. Vậy, phải chăng chúng ta là “đỉnh cao của thế giới” trong khi chúng ta mới chỉ đủ ăn, còn rất nhiều người còn rất khổ, không đủ những chi phí chữa bệnh thông thường, không có quyền tối thiểu của con người là được sống ấm no, được chữa bệnh và luôn bị đe dọa bởi ông hàng xóm không lấy gì làm hữu hảo.
Vấn đề độc lập dân tộc và ấm nó hạnh phúc:
Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ người Nhật, người Hàn, người Philippin, và ngay cả người Đài Loan không có độc lập dân tộc. Còn ấm no hạnh phúc thì không ai phủ nhận điều kiện của những quốc gia này hơn chúng ta gần như về mọi mặt, trừ Philippin.
Song, việc ấm no hạnh phúc hay không còn phụ thuộc vào bản thân người dân nước đó chứ không phải lúc nào cũng do ngoại cảnh.
Các bạn sẽ bảo rằng: “À cái thằng này, ý mày nói là cuộc chiến chống Mỹ là vô nghĩa hả, mày là thằng phản động hả, giết cả nhà mày đi, hơn 3 triệu đồng bào chết là vô nghĩa hả, mày bảo chúng tao là ngu hả, hơn 3 triệu vong linh là ngu hả, đồ phản quốc…..”
Vâng, nước Đức, nước Nhật, và cả nước Ý đã có một thời rất ngu.
Nếu bạn cho đại chiến thế giới thứ II là cần thiết, không đúng, không sai thì tôi cũng cho là cuộc chiến chống Mỹ 20 năm của chúng ta là cần thiết và không đúng, không sai.
Song rất tiếc là đa số người Nhật, người Đức và cả người Ý đều cảm thấy hổ thẹn và sai lầm về cuộc chiến đó.
Còn bạn nghĩ thế nào về cuộc chiến của chúng ta thì tùy bạn.
Đảng Cộng sản thành lập năm 1930, tháng 8 năm 1945 khai sinh nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, đến nay đã được 83 năm thì cũng chỉ là một triều đình, một thể chế Chính Trị trong 4000 năm lịch sử. Đảng Cộng sản chỉ đại diện cho dân tộc Việt nam khoảng từ năm 1945 đến vài năm sau năm 1975. Sau đó, lòng tin của người dân vào Đảng đã mất đi và đến nay, không thể phủ nhận là còn rất ít. Bạn ra ngay ngoài cửa, tất nhiên không phải cửa của Bộ Công an, và hỏi tất cả người dân lao động xem họ nghĩ gì về Đảng. Bạn đừng mặc áo cảnh sát, hãy ăn mặc lôi thôi như một người dân bình thường. Họ sẽ cho bạn câu trả lời.
Nếu bạn tự cho mình là “số ít tinh hoa” hay “vượt trội” của dân tộc Việt Nam thì bạn hãy đừng quên rằng, Đảng Cộng sản là đại diện của giai cấp công – nông hay của những kẻ khốn khổ.
Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, không phải “số ít tinh hoa” hay “vượt trội”.
Ngày xưa, tôi được học chính trị như thế.
Những người khốn khổ mà không tin Đảng nữa thì Đảng sẽ dựa vào ai?
Bầu trời xanh kia hết mưa lại nắng. Một ngày, thể chế của các bạn sẽ không còn nữa. Tôi mong muốn một sự thay đổi, nhưng hơn hết, tôi muốn một sự thay đổi từ trong từng con người Việt Nam, không phải giết, chém, chửi nhau là ngu, là đồ nọ, đồ kia.
Việc đó tôi thấy hợp hơn ở một khung cảnh chợ búa ít học chứ không phải một môi trường tranh luận lành mạnh.
THEO HUY QUANG

Bầu Thụy ôm hận: Dễ bỏ bóng đá, khó dứt chứng khoán

Nhảy vào chứng khoán để kiếm tiền, theo bóng đá là đam mê và để làm thương hiệu nhưng trên cả hai lĩnh vực Bầu Thụy đều không mấy thành công. Đến nay, Bầu Thụy đã bỏ bóng đá một cách dễ dàng nhưng với chứng khoán năm lần bảy lượt đào thoát vẫn không xong.
Chán bóng đá, ngán chứng khoán
Chiều tối 20/8, CLB XM Xuân Thành Sài Gòn của ông chủ tịch Nguyễn Xuân Thủy đã ra thông báo không tham dự nốt 2 vòng đấu cuối V-League 2013 và chính thức giải tán đội bóng. CLB này cũng đã thông báo hủy vé đi Gia Lai tham dự vòng 21 vào cuối tuần này.
Đây là thời điểm chấm dứt cho mọi dây dưa bóng đá của ông Thụy. Đầu mùa giải này, sau rất nhiều lùm xùm và tai tiếng, ông Thụy đã rút một chân khỏi bóng đá khi chuyển giao đội bóng lại cho người em quản lý. Ông Thụy dù được xem là ông Bầu đích thực nhưng đã không còn dính dáng gì đến đội bóng CLB XM Xuân Thành Sài Gòn về mặt pháp lý.


Câu chuyện “làm bóng đá” hay “chơi chứng khoán” của anh em nhà bầu Thụy đã nổi tiếng bởi chỉ trong một thời gian ngắn dưới “triều đại” hai doanh nhân này, việc thay đổi tên CLB, thay đổi chủ tịch, sa thải HLV, dọa bỏ giải, bỏ giải… diễn ra thường xuyên và thu hút sự chú ý của dư luận. Trong khi với chứng khoán, bầu Thụy đổ đống tiền ra để sở hữu hẳn một CTCK, để rồi vào ngay tốp 50 người giàu nhất trên TTCK nhưng cũng không lâu sau lại tìm cách bán bỏ.
Đam mê là vậy nhưng bầu Thụy có lẽ cũng chóng chán bóng đá, nhường ghế chủ tịch cho em hối cuối năm ngoái để làm bóng đá “đâu ra đấy chứ không ăn đong ở xổi nữa” và giờ đây không chỉ bỏ giải, SG.XT cũng bất ngờ bị giải tán.
Cách đây vài tháng, giới đầu tư trên TTCK xôn xao về việc bầu Thụy tuyên bố rút khỏi chứng khoán sau một thời gian ngắn ôm mộng lấn sâu vào lĩnh vực này bằng việc mua đứt một CTCK và đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành.
Cuối tháng 3/2013, ông Nguyễn Đức Thụy đăng ký bán toàn bộ 24,45 triệu cổ phiếu chứng khoán Xuân Thành (VIX), tương đương 81,5% vốn. Với thị của VIX khi đó khoảng 8.000 đồng/cp, bầu Thụy sẽ thu về khoảng 200 tỷ đồng.
Tuy vậy, việc thoái vốn của ông bầu này đã diễn ra không theo ý muốn. Báo cáo quản trị của VIX 6 tháng đầu năm cho thấy, ông Nguyễn Đức Thụy vẫn còn nắm giữ 22,25 triệu cổ phần VIX, tương đương 74,17% cổ phần của CTCK này. Điều này có nghĩa bầu Thụy chỉ thoái được một phần khá nhỏ trong tổng số cổ phiếu năm giữ.
Cuộc chơi đốt túi
Trong thông báo về việc rút khỏi bóng đá, lãnh đạo CLB XM Xuân Thành Sài Gòn cho rằng họ đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức vào đội bóng nhưng VFF và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã không mang đến sân chơi công bằng cho các đội tham dự, đặc biệt làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà tài trợ là Tập đoàn Xuân Thành.
Hiện tượng các đại gia đua nhau đầu tư vào bóng đá có một thời gian trở thành cái mốt. Tuy nhiên, dấn thân vào lĩnh vực này đồng nghĩa với việc phải chi rất nhiều tiền mà nguồn thu không thấy đâu bởi đây được coi như một hình thức quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Gần đây, khi mà nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều ông bầu bóng đá cũng đang thay nhau bỏ bóng đá hoặc có ý định bỏ bóng đá như trường hợp bầu Kiên, bầu Thọ, bầu Trường, bầu Hương.
Có rất nhiều lý do khiến các ông bầu từ giã bóng đã nhưng chuyện tiền bạc có lẽ cũng là yếu tố then chốt.


Trong trường hợp bầu Thụy, là ông chủ của nhiều doanh nghiệp xi măng, điện, bảo hiểm… nên ban đầu thâm nhập vào làng bóng đá doanh nhân này đã chi rất nhiều tiền. Ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành đã bơm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá. Bên cạnh đó, những khoản thưởng và những vụ chơi ngông thuê cả giàn ca sĩ, người mẫu lên sân để biểu diễn, cổ vũ… cũng đã ngốn không ít tiền của vị doanh nhân này.
Xét về góc độ làm thương hiệu, sự thành công của bầu Thụy khi đầu tư vào bóng đá là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cái gì cũng có thời và nếu chỉ xét về mặt tài chính và hiệu quả đó hẳn là một cuộc chơi đốt túi của đại gia này.
Ở mảng chứng khoán, VIX sau khi vào tay bầu Thụy đã hoạt động khá tệ hại. CTCK này thua lỗ hơn 51 tỷ đồng trong năm 2012, so với kế hoạch đề ra lãi 39,7 tỷ đồng. Thương vụ mua vào hơn 17,3 triệu cổ phiếu VIX (để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 81,5%) có lẽ cũng là một vụ thua lỗ của bầu Thụy bởi mức giá của cổ phiếu này khi đó đứng ở mức cao, khoảng 12.500-15.500 đồng/cp (so với mức giá 8.000 đồng/cp hiện tại).
Rao bán khá lâu nhưng cho đến nay đại gia này mới bán được 2,2 triệu cổ phiếu. Không biết bầu Thụy có thực sự muốn thoái toàn bộ tại VIX hay không nhưng nhìn diễn biến trên TTCK, cùng với triển vọng khá đen tối của phần lớn trong số 105 CTCK hiện tại, nhiều NĐT cho rằng đại gia này thực sự muốn thoát khỏi cỗ máy không sinh lời, thậm chí ngốn tiền này.
Trong khi chưa bán CTCK, quyết định thoát khỏi bóng đá có vẻ dễ dàng hơn bởi nó thuần túy chỉ là quyết định từ các ông chủ, ra thông báo là xong.
Gần đây, nhiều doanh nhân có tiếng trên TTCK đã có những quyết định khá táo bạo để tái cấu trúc doanh nghiệp, phù hợp với một môi trường mới như trường hợp bầu Đức (ông Đoàn Nguyễn Đức) bỏ thủy điện như “rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi”; ông Đặng Thành Tâm bỏ ngân hàng… Với bầu Thụy, quyết định có thể gây sốc nhưng dễ hiểu vì những cuộc chơi tốn kém đã đốt quá nhiều tiền của ông.
Theo VEF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét