Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Bài đáng chú ý: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” hay là chuyện KHÔN VẶT

Gs Tương Lai - Biểu tượng Phương Uyên

Đôi mắt sáng ngời sau cặp kính cận, nét mặt thùy mị nhưng kiêu hãnh nhìn thẳng vào chủ tọa phiên tòa, hình ảnh cô nữ sinh viên mặc áo trắng có phù hiệu nhà trường đứng trước vành móng ngựa xuất hiện trên các trang báo mạng, báo viết trong và ngoài nước có sức lay động mạnh mẽ xúc cảm và lương tri của nhiều người.


Liệu đã đến thời điểm để có thể viết : lay động xúc cảm và lương tri của người Việt Nam, của công luận quốc tế ? Công luận quốc tế thì có thể! Nhưng "lương tri của người Việt Nam" thì không biết phải  diễn đạt sao đây cho "phải đạo", cho dù chỉ nói về lương tri của người cầm bút!

Thì đấy! Tất cả các báo "lề phải", tức là "báo chính thống", "báo nhà nước", "báo quốc doanh" chỉ đăng vỏn vẹn mấy dòng với chỉ dẫn "theo TTXVN" về tội trạng của "đối tượng tuyên truyền chống nhà nước"! Không một báo nào dám đưa hình ảnh cô gái tuyệt vời ấy, trong khi báo mạng "lề trái" và các tờ báo lớn của quốc tế [báo giấy, báo mạng, báo hình] thì cơ man là tin, là hình ảnh, là bình luận. Họ dư sức, rỗi việc à? Không.Tuyệt đối không! Mà vì họ tỉnh táo chứ không "hôn mê", "để vuột khỏi tay họ điều được gọi là lương tâm nghề nghiệp" như cách nói của nhà báo Phạm Chí Dũng về các báo chí "nhà nước" tội nghiệp và đáng xấu hổ.

Thực ra, nói "lương tâm nghề nghiệp" của những nhà báo đang phải hành nghề báo chí nhà nước thì cũng tội cho họ quá! Nhất là sẽ oan cho khá nhiều người mà vì miếng cơm manh áo, cần phải nhẫn nhục để sống, phải tuân theo cái gậy chỉ huy từ một siêu "tổng biên tập" của hơn 700 tờ báo trong cả nước! Tuy biết rằng lương tâm không có răng nhưng nó cắn rứt, cũng phải đành ráng chịu, "đã mang lấy nghiệp vào thân..."!

Đặc biệt là các hãng thông tấn lớn có hàng triệu độc giả trên toàn thế giới thì suốt thời gian qua, từ khi tòa án Long An xử sơ thẩm và rồi phúc thẩm vụ án Phương Uyên, Nguyên Kha, đã liên tục đưa tin và bình luận. Từ tối 16.8.2014 sau khi tòa Long An tuyên ba năm tù án treo, trả ngay tự do tại phiên tòa cho Phương Uyên, thì hình ảnh cô nữ sinh viên áo trắng trước vành móng ngựa và rồi Phương Uyên trong vòng tay của mẹ, của gia đình và bè bạn tràn ngập trên các trang báo mạng, báo hình, báo nói.

Cùng với ánh mắt ngời sáng, nét cười rạng rỡ, sức âm vang của giọng nói Phương Uyên trả lời phỏng vấn của phóng viên các đài quôc tế có sức thu hút rất mãnh liệt : chững chạc, khúc chiết, vững vàng bằng sự trong sáng, hồn nhiên và không kém phần mạnh mẽ của tuổi trẻ tin vào chân l‎ý, biết rõ chính nghĩa thuộc về mình, với sự dịu dàng nữ tính của cô sinh viên mới 21 tuổi đời thiết tha với cuộc đời đã dám đương đầu với cả một bộ áy đàn áp có đủ âm mưu, thủ đoạn, phương tiện và bề dày kinh nghiệm của sự tráo trở và vô luân. Để rồi có được chiến thắng hôm nay.

Sức âm vang ấy vừa hiền hòa, vừa dữ dội!

Hiền hòa vì đây là giọng nói giàu âm sắc nữ tính của cô gái trẻ xinh đẹp, dịu dàng. Dữ dội vì sau tia chớp là sấm sét và dông bão. Sấm sét của sự phẫn nộ.  Dông bão của cuộc chiến đấu chống cường quyền, bảo vệ đất nước, giành dân chủ, tự do. Một khi lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm gắn làm một với cuộc đấu tranh giành dân chủ và tự do nhằm thực hiện quyền con người, quyền làm người trên một đất nước mà độc lập đã phải đổi bằng núi xương, sông máu của nhiều thế hệ Việt Nam, thì sức mạnh của nó sẽ là triều dâng thác đổ.

Không một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn chặn được cho dù có cố mượn y phục người của người xưa để sắm vai diễn trên sân khấu mới của lịch sử. Và sẽ chỉ càng thảm hại hơn khi cố sơn trét cho tấm biển han rỉ "cùng chung ý thức hệ" để khom lưng, quỳ gối trước những thủ đoạn tráo trở, lừa mị và trắng trợn trong chiến lược bành trướng Đại Hán chỉ cốt đổ bê tông cho cái ghế quyền lực đang lung lay.

Thật thê thảm khi để đạt được ý đồ đen tối đó, người ta đã dại dột tự phơi mặt ra trước công luận bằng bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An : "Uyên đã sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại nội dung không hay về Trung Quốc".

Thật nhục nhã, khi biển đảo bị xâm chiếm, ngư dân bị xua đuổi, đánh đâp, bắt bớ đòi tiền chuộc, thì người ta lặng thinh hoặc ấp úng lên tiếng chiếu lệ. Nhưng khi tuồi trẻ bày tỏ lòng yêu nước chống xâm lược thì bắt bớ, đàn áp và bỏ tù. Hèn hạ và trơ tráo đến cỡ ấy, sáu năm tù cho cô gái đã nói câu " nội dung không hay về Trung Quốc" thì chẳng còn gì để mà rao giảng về tư tưởng, đạo đức! Tòa án Việt Nam bỏ tù công dân của mình vì câu “Tàu Khựa Cút Khỏi Biển Đông” biểu lộ một độc đáo không tiền khoáng hậu của nền tư pháp Việt Nam đương đại. Có lẽ ông Tập Cận Bình phải gắn huân chương cho chánh tòa Long An và cấp trên của y đã mẫn cán thực thi bốn chữ "vận mệnh tương quan" trong 16 chữ * đang là kinh nhật tụng của ai đó.

Nghĩ đến cô sinh viên của thế kỷ XXI này đột nhiên trong tai vang vang câu nói nằm lòng trong bài học lịch sử thời tóc còn để chỏm : "Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cà kình ở Biển Đông, lấy lãi giang san, cởi ách nô lệ chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người". Tính từ năm 248 với vuộc khởi nghĩa Bà Triệu, lịch sử trải qua biết bao cơn dâu bể, và lịch sử đang được viết tiếp. Khi Phương Uyên xuất hiện ở cổng trại tạm giam, không ai giấu được niềm xúc động trào dâng của mình. Mọi người ào tới. Và rồi cô gái kiên cường ấy đã nằm trong vòng tay của mẹ, của gia đình, của đồng đội từng sát cánh với mình trong cuộc chiến đấu không cân sức. Chao ôi, chắc là bà Mẹ Đất Nước cũng thở phào nhẹ nhõm trong niềm an ủi : thôi thì đứa con gái trẻ trung, mỏng manh và hồn nhiên cứ hãy thoát khỏi chốn hang hùm nọc rắn đã, làm sao đoan chắc được những điều tồi tệ gì sẽ xảy ra cho con! Cuộc chiến đấu sẽ còn dài, đoạn đường phía trước còn lăm nỗi truân chuyên.Thế nhưng đâu còn là chuyện đánh lên một que diêm và có thể gió sẽ thổi tắt còn hơn là ngồi im trong bóng tối, mà là một ngọn lửa đang bùng lên.

Ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa có sức lan tỏa. Ở đây là sức lan tỏa của tình thương và lẽ phải. Thế nhưng, trước khi sẻ chia, thì phải có một ánh lửa tự cháy sáng đã chứ? Ánh lửa Phương Uyên đã tự cháy và vẫy gọi. Sự vẫy gọi của cô nữ sinh viên này thật da diết và mãnh liệt! Điều này thì trong thư đòi trả tự do cho Phương Uyên gửi ngày 30.10.2012 với 144 chữ k‎‎‎ý của nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước đã từng nói đến :
                                Nếu tôi không cháy lên
                                Nếu anh không cháy lên
                                Nếu chúng ta không cháy lên
                                Thì làm sao
                                Bóng tối
                                Có thể trở thành
                                Ánh sáng **
Để đến hôm nay, với Phương Uyên, ánh sáng tự do đã bước đầu đẩy lùi bóng tối tù ngục của chế độ toàn trị đang đè nặng lên đời sống của cả dân tộc, trong đó có tuổi trẻ của cô, của Nguyên Kha và của biết bao sức trẻ khác.

Nói như vậy bởi vì xã hội với thể chế "toàn trị [tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian] trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa". Đây là lời giải thích của Nguyễn Hữu Đang, một công thần của chế độ, Ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời khởi nghĩa CMT8), Trưởng ban Tổ chức , người dựng lễ đài Độc Lập để từ đó bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên đọc trước quốc dân đồng bào và trước thế giới, lại là nạn nhân khủng khiếp của chế độ.

Ông bị bắt vì đã đấu tranh đòi dân chủ và tự do qua bài xã luận viết trên tờ Nhân Văn số 6 in năm 1958! Người ta đã muốn biến phiên toà xử tự do báo chí thành phiên toà xử gián điệp, nhưng rồi đã thay đổi cáo trạng là một vụ phá hoại bằng những xuất bản phẩm nhằm thực hiện một vụ phá hoại chính trị. Không có cáo trạng, không xét xử, nhưng người ta ra sức tuyên truyền cho mọi người tin rằng có những hoạt động gián điệp trong vụ án này để dư luận tin rằng bị cáo là một tên phản quốc : "Ngay khi chúng tôi đến nhà tù, người ta đã tuyên bố: Các anh phải nhớ rằng một khi vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết. Người ta đã tuyên bố thế – tổng giám thị nhà tù tuyên bố chính thức, công khai trước tất cả các tù nhân chính trị. Đã vào đây là không có ngày trở lại, không bao giờ ra khỏi nơi này. Cho dù án của anh là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm – các anh cũng sẽ ở đây đến lúc chết... Vì sao? Vì các anh, lũ phản động, phản bội tổ quốc, phản bội cách mạng – các anh đáng chết. ...Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình.

...Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận…"***

Phương Uyên được ra khỏi trại giam một ngày sau kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người tù  quá cỡ Nguyễn Hữu Đang [15.8. 2013]. Có lẽ cháu chưa thể biết được những gì mà những người sớm nhận thức được sứ mệnh cao cả sau khi giành được độc lập thì phải đấu tranh giành dân chủ và tự do như cụ Nguyễn Hữu Đang, một lão thành cách mạng phải gánh chịu bởi chế độ toàn trị. Nhưng thiết tha yêu nước, căm thù bọn xâm lược, khát khao tự do dân chủ của Phương Uyên là kết tinh nguyện vọng và phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ. Cô gái mảnh mai và hiền dịu ấy đã vượt lên chính mình để đối diện với cường quyền với đủ các thủ đoạn lừa mị, dụ dỗ, đàn áp. Và vì thế, cô đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, khát vọng tự do và sự dấn thân vì đại nghĩa.

Frank Roosevelt đã thật sâu sắc khi chỉ ra rằng "Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người chính là sự sợ hãi, đấy là điều nhất thiết phải vượt qua". Bà Aung San Suu Kyi đã nhắc lại điều đó trong diễn văn nhận giải Freedom of Glasgow : " không phải quyền lực mà là sự sợ hãi làm cho người ta thối nát. Sợ mất quyền thế làm cho những kẻ đương quyền trở nên đồi bại, và sợ bị những kẻ quyền thế trừng phạt làm cho những người bị trị sai lạc"****

Người phụ nữ đang là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ ở Miến Điện, ngọn đuốc hy vọng chung cho các phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, đã khẳng định : "nhân quyền căn bản mà tôi xem trọng là thoát khỏi sợ hãi", và rằng "sợ hãi là kẻ thù đầu tiên mà chúng ta phải vượt qua khi chúng ta đề ra cuộc đấu tranh cho tự do và thường sợ hãi còn lại cho đến chung cuộc".

Phải chăng cô nữ sinh viên Phương Uyên đã vượt qua được sự sợ hãi để dám đối diện với bạo lực cường quyền, trở thành một biểu tượng của thế hệ trẻ không chịu khuất phục và không dễ bị lừa mị đem lại một nội dung đích thực cho nền độc lập của đât nước đổi bằng máu của cha ông bằng cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà nếu không có nội dung ấy, thì độc lập là vô nghĩa.

Quả đúng là "thường sợ hãi còn lại cho đến chung cuộc", nhưng nhìn vào ánh mắt, nghe giọng nói thanh thản và kiên nghị của cháu, đặt tay trên đôi vai mảnh mai và rắn rỏi khi ngồi cạnh cháu trong buổi cháu đến thăm vào ngày 17.8.2013, ngay sau ngày ra khỏi trại giam, người viết bài này tin rằng rồi cháu sẽ tiếp tục vượt qua được mọi thử thách.

Vì, bên cạnh cháu, đằng sau cháu, là sức mạnh của cả một lực lượng đông đảo sẵn sàng tiếp sức cho cháu như đã từng làm trong những ngày cháu ở trong tù. Đây cũng là cảm nhận của Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, và nhiều người khác đã ký tên đòi trả tự do cho Phương Uyên , những người từng vào tù ra khám ở Sài Gòn, Côn Đảo trước 1975, những người từng giữ trọng trách trong nhiều lĩnh vực của thành phố sau 1975, đã gặp gỡ chuyện trò với cháu trong bữa cơm thân mật vào ngày 18.8. 2013 khi Huỳnh Kim Báu, người đã nằm chắn ngang trước mũi xe trong cuộc biểu tình trước tòa án Long An, bất ngờ đưa Phương Uyên đến cám ơn .

Xin được gợi lại những lời trong kiến nghị đòi tự do cho Phương Uyên đã nhắc ở trên : "vì lòng yêu nước, ghét kẻ thù xâm lược, không chịu “hiền lành, ngoan ngoãn”như bản tính vốn có của cháu, mà dám dấn thân vào chuyện “mạo hiểm”, thì những người làm cha chú như chúng ta cần phải ứng xử như thế nào với cháu?... Chẳng lẽ bao nhiêu xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam đổ ra để rồi đất nước sẽ lại phải chứng kiến những sự kiện Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn mới, với những hành vi trấn áp bạo tàn mới, theo kiểu phát xít hóa đời sống xã hội?

Thực tế của mười tháng qua từ ngày Phương Uyên bị bắt, "những hành vi trấn áp bạo tàn mới theo kiểu phát xít hóa đời sống xã hội" đã không đe dọa được ai, ngược lại, lòng dân thêm phẫn nộ, diện mạo phản dân chủ, chà đạp nhân quyền đáng xấu hổ đang phơi bày trước thế giới và đang bị lên án. Và ai cũng hiểu được rằng, dưới áp lực nào mà một tòa án chỉ quen tuyên những bản án "bỏ túi", nơi mà những luật lệ về “an ninh quốc gia” được dùng để tội phạm hoá bất kỳ hành xử nào về những quyền dân sự hay quyền chính trị thì bỗng nhiên phải tuyên một bản án chưa có tiền lệ : án treo 3 năm cho cô sinh viên kiên cường không chịu cúi đầu!

Oái oăm thay cái cảm giác mừng cho Phương Uyên và nhục cho Tòa án chỉ chuyên tuyên những "bản án bỏ túi" mà luật pháp chỉ là trò hề! Cả buổi sáng tại tòa, quan tòa gầm ghè, đe nẹt cốt uy hiếp tinh thần nhằm làm nhụt ý chí cô gái mảnh mai đơn độc theo kiểu "trần trụi giữa bầy sói" để mềm lòng thốt ra một câu nhận tội nào đó để tòa vớ lấy mà gỡ thể diện. Nhưng rồi vở diễn đã phải hạ màn mà cả diễn viên và đạo diễn phải tuân theo một kịch bản mới. Kịch bản mới ấy người đạo diễn cũng không được biết, nói chi đến diễn viên.

Cũng phải thôi. Người ta quên mất rằng, thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức mà những công thức để thành công trước đây, thậm chí chỉ trong tháng trước, tuần trước, ngày hôm trước... có thể sẽ lạc hậu và đưa tới thất bại thảm hại trong hôm nay, trong ngày mai! Sẽ là không thừa với việc nhắc lại đây một ý tưởngđược trình bày trong "Tư duy lại cho tương lai" được xuất bản mười năm trước : "những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại : sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi".

Xu hướng dân chủ là sự phát triển logic của thế giới loài người. Vấn đề chỉ là thời gian. Sớm hay muộn là tùy thuộc vào sự vận động tự thân của mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia với những đặc điểm văn hóa, tập quán, truyền thống trong sự phát triển kinh tế và trình độ tiếp thu, vận dụng khoa học công nghệ mà thời đại đang mang lại. Và rồi, ở đâu mà bạo lực và cường quyền được đẩy tới một cách vô hạn độ thì sự khốn quẫn, sự sa đọa và sự phẫn nộ cũng lớn ngang như thế ở mặt kia. Khi nước đã tràn bờ thì mọi sự gia cố, che chắn ở từng công đoạn, từng mảng vỡ đều vô nghĩa và không thể cứu vãn. Vấn đề là biết chủ động chọn cho được phương án tối ưu, mà có khi cái đỡ xấu nhất trong những cái xấu lại có thể là cái tối ưu đó!

Cô sinh viên mảnh mai và mạnh mẽ vừa đứng trước vành móng ngựa kia có thể lại là đốm lửa cháy sáng vẫy gọi một thế hệ tuổi trẻ đấu tranh đưa ra trước vành móng ngựa những thế lực cản trở bước đi của lịch sử. Điều này chẵng có gì mới mẻ và ghê gớm lắm đâu. Cách nay 200 năm, Ph.Angghen nói về một thể chế “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên...Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm : họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào”.*****

Khi nói về "Biểu tượng Phương Uyên", người viết bài này suy ngẫm về điều ấy.
Gs Tương Lai
(Quê Choa)

Huy Phương - Khôn vặt

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”
-Tản Ðà: “Mậu Thìn Xuân Cảm”

Thuở còn trẻ đọc các chuyện đi sứ trong đó có chuyện Mạc Ðĩnh Chi, tôi thấy rất phục tài ứng đối của ông Trạng Nguyên này. Một lần Mạc Ðĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên, trong phủ trang hoàng lộng lẫy, giữa phòng có treo một bức trướng thêu hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất sinh động, Trạng ngỡ là chim sẻ thật nên đưa tay ra bắt, Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý cho là người phương xa bỉ lậu. Mạc Ðĩnh Chi nhanh trí chữa thẹn, vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh.
Trong khi mọi người đều kinh ngạc, ông nghiêm mặt giải thích: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân, nay tể tướng thêu lại thêu cành trúc với chim sẻ như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.”
Ngoại Trưởng Vương Nghị (trái) của Trung Quốc được Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam tiếp tại Hà Nội hôm 4 Tháng Tám. Văn hóa hai nước có một số điểm na ná giống nhau, nhất là trong lãnh vực ngoại giao (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Nay trên đầu đã hai thứ tóc, nghĩ lại chuyện xưa, muốn chửi gia chủ là ngu, treo tranh không biết ý nghĩa, hay mượn cớ chửi quần thần của nước người ta là đám tiểu nhân, mà làm trò “vờ vĩnh” rồi hung hãn xé tranh nhà người thì tài ngoại giao của Ðĩnh Chi quả thực cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Xem lại những chuyện thuộc giai thoại làng nho, đến những chuyện tiếu lâm dân gian thì giật mình thấy dân Việt trong đó có mình, xem chừng rất thích những trò nghịch lỡm, khôn vặt hay miệng lưỡi trí trá, đốp chát với người hơn là làm việc đứng đắn.
Những chuyện như Trạng Quỳnh gạt tiền bà chúa Liễu, làm sớ dâng sao chữa bệnh cho công chúa bị lên sởi, hay ăn cắp mèo của Chúa hay đến chuyện hai anh chàng “thông minh nhưng thất bại trong khoa cử,” Ba Giai tuột quần giữa chợ để đôi co với cô bán hàng là “nâu này của cô hay của tôi,” Tú Xuất giả mù qua cầu để nhìn các cô tắm truồng dưới suối, ra chợ mua chim để tìm cách bóp vú cô bán hàng, hay lừa quán cơm để đòi bồi thường mấy chục lạng bạc. Những chuyện lưu manh trò trí trá như vậy lại được dân chúng truyền tụng, viết thành tuồng, chèo, kịch để công diễn và già trẻ lớn bé xem chừng đọc một cách hả hê thỏa mãn. Không tin bạn cứ google “Trạng Quỳnh” và “Ba Giai Tú Xuất” thử xem tìm được bao nhiều trang web có “chuyên đề” về những nhân vật này.
Chắc chắn khả năng ngôn ngữ là một phần của trí thông minh, nhưng khả năng này có khi biểu hiện qua những bài hiệu triệu cảm động lòng người hay phân tích tổng hợp nâng cao dân trí, thì có khi chỉ là những trò “xảo ngôn” lừa lọc hay miệng lưỡi ganh đua vụn vặt, thứ vụn vặt quanh bữa cỗ ngoài đình làng. Thế nhưng ganh đua đốp chát nhỏ mọn ngoài đình lại không phải là trò của đám “tiểu nông” như các nhà trí thức chuyên nghiên cứu văn hóa Việt Nam vẫn thường hay đổ tội, mà là của đám nhà nho “tiểu trí thức,” trong đó quyền lực của quan lại cũng không mà sức lực của nông dân cũng không.
Người có quyền lực hay sức lực muốn can thiệp hay thậm chí áp chế người khác chắc không ai cần “nói cạnh nói khóe.” Ký cho đối phương một cái lệnh tống giam hay “quai” cho một cú vào hàm là giải quyết ngay công việc. Thế nhưng nếu không có sức có quyền, nói thẳng thì sợ bị đáp trả, thì tốt hơn hết có lẽ là “chỉ tang mạ hòe” (chỉ vào cây dâu mà lại mắng cây hòe). Ðối phương có biết mình ám chỉ thì không có bằng chứng cụ thể để đáp trả. Chẳng lẽ lại tự nhận là người ta đang chửi mình, rồi chửi lại.
Trò “chỉ tang mạ hòe” quả là khôn. Nhưng thiết nghĩ nó là loại khôn vặt, xuất phát từ thế của kẻ yếu. Mà đã chuyên khôn vặt thì khó mà có đầu óc khôn lớn. Người Việt chúng ta không nhiều thì ít thường hãnh diện về cái khôn ngoan lanh lẹ này nhưng qua thực tế lịch sử cái khôn vặt này chưa thấy đem đến phát minh sáng kiến, chính sách ích quốc lợi dân nào mà chỉ dẫn đến những trò tham vặt gian vặt.
Lại trong một xã hội mà “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương” như hiện nay ở Việt Nam, thì số người muốn dùng trí tuệ, tài năng, và công sức của chính mình để thành công lại càng khan hiếm. Ða số chỉ muốn dùng thủ thuật, mánh mung để đạt được kết quả hay tìm kiếm lợi nhuận trước mắt.Cẩm nang khôn vặt của Việt Nam chứa không ít ca dao tục ngữ, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau;” “lanh mồm miệng, đỡ chân tay,” “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn,” v.v. . .
Báo chí trong nước tường thuật không ít về những trò của dân Việt “hiện đại.” Trong lãnh vực học thuật có chuyện ông Tiến sỹ- Phó Giáo Sư Nguyễn Chí Bền, Viện Trưởng Viện Văn Hóa- Thông Tin (!)ăn cắp tài liệu nghiên cứu của GS Tô Ngọc Thanh về văn hóa chiêng cồng của đồng bào dân tộc để in sách làm của mình. Chơi trội hơn với tầm mức quốc tế là Thạc sỹ Lê Ðức Thông sinh năm 1981 bị các chuyên san Natural Science, Journal of Modern Physics, Physics Letters B, Europhysics Letters, tuyên bố rút bỏ các bài “nghiên cứu” của ông này và nhóm đồng tác “giả” vì tội đạo văn.
Trong lãnh vực văn nghệ thì nhạc sĩ trẻ Trương Tuấn Huy thú nhận lấy sáng tác “Chút Tình”của Trường Nhân, sửa tên thành “Chút Tình Phai” đem bán. Một nhạc sĩ tương đối có tên tuổi là Bảo Chấn thì cũng bị tố cáo “đạo” bản “Frontier” và “Crescendo” của Keiko Matsui để hô biến thành bài “Tình Thôi Xót Xa” và “Dường Như.” Nói về nạn nhân thì nhạc sĩ Trần Duy Ðức ở hải ngoại cũng bị các nhạc sĩ “tài hoa” ở trong nước “thuổng” bài “Nếu Có Yêu Tôi.” Chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn thì được một nhà xuất bản trong nước “cầm nhầm” đổi nhan đề, đổi tên tác giả và đem xuất bản, bán lấy tiền.
Trong chuyện chính trị Việt Nam thì ông tổ khôn vặt là Hồ Chí Minh. Từ chuyện cướp danh hiệu và công trình các bậc tiền bối như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, chuyện tổ chức tổ chức đón tiếp Pháp đến Hà Nội ngày 19-5 mà lại nói là mừng sinh nhật của mình, đến chuyện viết sách ký tên người khác để tự tâng bốc mình trước sau gì cũng bị phơi bày sự thật.
Một trong những chuyện tiêu biểu cho sự “khôn ngoan” của người đứng đầu miền Bắc được nhân dân “truyền tụng” là chuyện bắt tay một bộ trưởng Pháp của Hồ Chí Minh. Trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ Hải Ngoại Marius Moutet năm 1946, ông Hồ đang đi lên các bậc tam cấp thì ông Moutet giơ tay ra bắt tay khi đang đi xuống. Ông Hồ vờ không thấy, cúi xuống bế và âu yếm bé gái đi cùng ông bộ trưởng trong khi vẫn bước tiếp lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang hàng với Moutet, ông Hồ mới đưa tay ra bắt. Chỉ tội nghiệp cháu bé gái.
Nối tiếp tấm gương tiền bối lãnh tụ, các quan lại Cộng Sản đời nay lại tiếp tục ngụy tạo bằng chứng trốn thuế để bắt giam Ðiếu Cày và Lê Quốc Quân, ném đồ dơ vào nhà người đấu tranh dân chủ như Bùi Minh Hằng và Huỳnh Ngọc Hiếu, chụp mũ bằng bao cao su “qua sử dụng” như Cù Huy Hà Vũ, cho công an giả dạng côn đồ hay cho côn đồ giả dạng công an.
Không chỉ quê nhà mà chuyện quê người cũng lắm, chuyện “ở quanh đây, đâu là chuyện bất ngờ.” Từ chuyện nhỏ kiểu “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ.” Làm trong công sở thì ăn cắp giấy bút, làm bệnh viên ăn cắp bao tay, kim chích đem về nhà. Lại nghe chuyện một bà chủ tiệm nail không dám bỏ ra mấy đồng mua bao thư, mà đến nhà băng ăn cắp bao thư deposit ở chỗ máy ATM, để bỏ tiền trả lương nhân viên.
Ðến chuyện lớn, một số tổ chức đấu tranh dân chủ hải ngoại đôi khi cũng đâm lén vài dao vào lưng nhau, tranh công đoạt lợi, hay thập thò đi đêm, rồi chờ đèn xanh đèn đỏ, thay vì tập trung trí khôn xây dựng lực lượng, phát triển đường lối, ngày đêm chờ ngày phục quốc.
Ngẫm nghĩ lui tới thì quả thật khôn vặt sẽ dẫn đến tham vặt mà tham vặt lại dẫn đến khôn vặt. Cái trí khôn nhỏ bé thì chỉ thấy lợi trước mắt, không nghĩ đến hậu quả lâu dài hay sâu rộng. Cái lòng tham nhỏ bé thì chỉ vận dụng trí khôn vừa phải để học hành đối phó, để lừa lọc vài người.
Ðất nước bây giờ tụt hậu cả vài trăm năm so chỉ với những quốc gia trong vùng. Với cái “đỉnh cao” khôn vặt tham vặt đó thì có đến ngàn năm sau cũng khó thấy dân tộc này “rồng bay” hay “hổ nhảy.” Biết đến khi nào dân mình mới bớt cái khôn vặt và trưởng thành để hết là “trẻ con” như nhà thơ Tản Ðà đã phán?
Huy Phương
(Diễn Đàn Thế Kỷ)

Hoàn toàn được tự do ghi âm, ghi hình CSGT

'Nếu đàng hoàng thì sợ gì ghi âm chụp ảnh', trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính, Bộ Công an đã cho biết như vậy trước một số dư luận trái chiều về việc Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67) có văn bản 'phòng ngừa' việc bị quay phim, chụp ảnh trong khi thực thi công vụ.
Trả lời Thanh Niên, tướng Tô Thường cho biết chỉ mới nghe phản ánh qua báo chí và chưa được người ký ban hành văn bản trực tiếp báo cáo, tuy nhiên ông cho rằng: “Văn bản của cơ quan nào thì cũng không được đứng trên luật pháp, lực lượng CSGT khi thực thi công vụ một cách đàng hoàng thì hoàn toàn không ngại bất cứ ai quay phim chụp ảnh”.
http://du-lich.chudu24.com/f/d/090601/canh-sat-giao-thong-mac-thuong-phuc-lam-sao-biet-dang-thi-hanh-cong-vu.jpg

Trước đó, ngày 26.4, đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã ký Văn bản số 1042/C67-P3 gửi trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc “giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.
Trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với PV sáng 20.8, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Cục phó C67 cho rằng, văn bản của C67 là chỉ đạo nội bộ, mục đích là để cán bộ chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác trước một số đối tượng giả danh nhà báo nhằm mục đích xấu. Đồng thời văn bản này cũng không đưa ra bất cứ quy định cấm nào. “Nhà báo được quyền ghi hình chụp ảnh CSGT theo quy định của luật Báo chí. Còn đối với người dân, họ hoàn toàn được tự do ghi âm ghi hình CSGT ở những địa điểm không có biển cấm quay phim chụp ảnh. CSGT đang thực thi công vụ chứ không phải riêng tư nên người dân không cần phải xin phép”, ông Tuấn giải thích!
Thái Sơn
(Thanh niên)

Đoan Trang - Lạm dụng luật pháp


Vào khoảng 20h ngày thứ năm, 18/7/2013, 69 blogger và facebooker (gọi chung là blogger) Việt Nam đã đồng loạt công bố trên mạng bản Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam. Tựa đề và nội dung chính của Tuyên bố này là yêu cầu “Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”.

Đây là lần đầu tiên giới blogger chính trị ở Việt Nam có một hành động tập thể nhằm nói lên quan điểm chung của họ về việc Chính phủ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (và nghiễm nhiên gạt người dân ra ngoài trong quá trình thể hiện thành tích và chạy đua vào chiếc ghế đó).

Nhà nước với “bề dày” lạm dụng luật


Thực ra, nếu có thể được bày tỏ ý kiến một cách công khai, có tổ chức và thẳng thắn hơn, các blogger có quyền nói rằng: Nhà nước Việt Nam phải chấm dứt việc lạm dụng luật pháp cho mục đích “quản lý” mà thực chất là để có lợi cho mình và gây thiệt hại cho người dân, cho xã hội.

“Để thuận tiện cho hoạt động quản lý” là cái tư duy ăn sâu bám rễ đằng sau việc Nhà nước Việt Nam sử dụng hệ thống luật pháp và các văn bản dưới luật một cách tùy tiện, thỏa thích trong hàng chục năm qua, kể từ ngày thành lập chính quyền (năm 1945).

Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn trong hai năm 2012 và 2013 thôi thì chúng ta cũng đã chứng kiến thứ công cụ luật pháp ấy thể hiện sức mạnh của nó trong hàng loạt chính sách ích kỷ và vô tâm của chính quyền: Nghị định quản lý Internet cấm việc công dân phát biểu “vi phạm thuần phong mỹ tục” trên mạng; Thông tư về áp dụng mẫu chứng minh thư nhân dân mới có cả tên cha mẹ; Nghị định về xử phạt xe không chính chủ; cùng hàng chục quyết định tăng giá xăng dầu rất thoải mái của Bộ Tài chính.

Một bộ luật tối quan trọng của bất cứ nền luật pháp nào là Bộ luật Hình sự cũng bao gồm rất nhiều điều khoản chứng tỏ sự lạm quyền, hà khắc tới mức vô lý của Nhà nước. Điều 79, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, không gì khác là sự đàn áp quyền lập hội và hoạt động đảng phái, tham gia chính trị. Điều 88, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước”, và Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, tiêu diệt tự do ngôn luận, cấm công dân được “nói xấu” nhà nước hay là nói những điều Nhà nước không thích nghe.

Lạm dụng luật pháp – điểm chung của các chế độ độc tài

Cần nói thêm rằng không phải chỉ chính quyền Việt Nam mới nghĩ ra việc lạm dụng luật pháp để có thể trục lợi, hoặc dành phần lợi cho mình (gọi là “tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành”) và đẩy khó khăn, thiệt thòi về phía người dân.

Sử dụng luật pháp làm công cụ trấn áp, vẽ ra luật để xiết dân, là đặc điểm chung của mọi chế độ độc tài, toàn trị. Liên Xô từng luật hóa việc đàn áp đối lập chính trị bằng Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1927, theo đó, chính quyền có thể bắt giữ tất cả những công dân bị tình nghi là “có hoạt động phản cách mạng”, “kẻ thù của giai cấp công nhân”. Cũng nước Nga, năm 2012, chính quyền đã đưa ra một đạo luật tai tiếng nhằm vào các tổ chức phi chính phủ, kể cả tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Giám sát Nhân quyền, và Minh bạch Quốc tế. Hàng trăm tổ chức ở Nga bị thanh tra, lục soát, thu giữ tài liệu. Luật “nhân viên nước ngoài” này của Nga bị coi như một đạo luật vi phạm nhân quyền và phá hoại xã hội dân sự.

Quyền lực nào cũng tha hóa nếu không bị kiểm soát. Nhà nước nào cũng lạm dụng luật pháp, nhưng chế độ càng độc tài thì càng lạm dụng luật pháp nhiều hơn.

Ở Việt Nam, cho đến nay, rất nhiều người, trong đó có những người ủng hộ dân chủ-tự do-nhân quyền, vẫn quan niệm rằng “gì thì gì, phải sống và làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật đã”, “chấp hành trước, đấu tranh thay đổi sau”. Quan điểm đó nghe có vẻ rất hợp lý, chỉ có điều người ta chưa trả lời được câu hỏi: Vậy nếu nhà nước cố ý tận dụng luật pháp làm công cụ để xâm phạm tự do của công dân, vi phạm nhân quyền, thì sao? Vẫn cứ phải chấp hành (không biết đến bao giờ)?

Không có cơ chế bảo hiến, không có tòa án độc lập, không có quốc hội đại diện thực sự, người dân Việt Nam còn biết làm gì để bảo vệ tự do của họ trước Nhà nước? Đây là lý do đưa đến câu cửa miệng của nhiều người: “Thì làm thế nào được, luật pháp trong tay chúng nó, luật là của chúng nó mà”.

Trong lúc chưa thể có một sức ép nào đó buộc chính quyền phải xem xét lại hệ thống luật pháp, đặc biệt là những đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, thì việc vận động để xóa bỏ những điều khoản vi hiến như Điều 258 có thể được xem như một bước khởi đầu.

Luật pháp, theo đúng nghĩa, là để bảo vệ tự do của người dân chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của chính quyền.
Đoan Trang
(Blog Đoan Trang)

Chính sách nhân quyền mâu thuẫn của Việt Nam

Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/07/ 2013.)
Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/07/ 2013.)
Chính sách nhân quyền của Việt Nam được đánh dấu bằng những mâu thuẫn và nghịch lý, thể hiện qua việc tăng cường mở cửa nhưng tiếp tục trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Để làm rõ vấn đề này, giáo sư Carlyle Thayer đưa ra ba giả thuyết. Bài viết được đăng trên trang web Asian Currents thuộc Hiệp hội nghiên cứu Châu Á của Úc, tháng Tám năm 2013.
Bất kỳ đánh giá nào về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đều phải đối mặt với những mâu thuẫn trong việc thực hiện chính sách và nghịch lý lớn.
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có điều khoản về tự do ngôn luận. Điều 69 quy định « Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ». Mâu thuẫn trong thực hiện chính sách phát sinh từ Điều 4 về việc thành lập một hệ thống chính trị độc đảng. Điều này quy định, « Đảng Cộng sản Việt Nam ... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ».
Đồng thời Việt Nam phải đối mặt với một nghịch lý lớn. Kể từ đại hội Đảng gần đây nhất được tổ chức vào đầu năm 2011, Việt Nam đã tìm cách chủ động hội nhập vào hệ thống toàn cầu. Do tìm cách mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu, Việt Nam đã phải chịu áp lực yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền.
Ví dụ, Quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Joseph Yun, đã điều trần trước Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện ngày 05/06 : Chúng tôi đã nhấn mạnh với các lãnh đạo Việt Nam rằng người dân Mỹ sẽ không hỗ trợ việc nâng cấp đáng kể mối quan hệ song phương nếu không có những tiến bộ rõ ràng về nhân quyền. Các quan chức khác của Mỹ đã gắn vấn đề bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí và đạt thoả thuận về Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với « những tiến bộ rõ ràng về nhân quyền ».
Nghịch lý lớn là ở chỗ tình hình nhân quyền Việt Nam đã trở nên tồi tệ, không được cải thiện trong những năm gần đây, do đó gây khó khăn hơn cho mục tiêu tự đề ra là chủ động hội nhập quốc tế.
Bởi vì Việt Nam là một Nhà nước độc đảng không có cơ quan độc lập để bảo đảm là các quyền tự do nêu trong Điều 69 được tôn trọng. Những mâu thuẫn vốn có của thực tế chính trị này đã dẫn đến tình hình hiện nay, mở cửa chính trị chưa từng thấy thông qua internet và trấn áp cùng đồng thời tồn tại.
Trong đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam, trong năm 2012, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kết luận thẳng thừng: Việc đàn áp những người chỉ trích chính phủ và các nhà hoạt động trở nên tồi tệ, với những hạn chế nghiêm trọng về tự do ngôn luận, hội họp. Ít nhất 25 nhà bất đồng chính kiến ​​ôn hòa, bao gồm cả blogger và nhạc sĩ, đã bị kết án tù nhiều năm trong 14 vụ xét xử không theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thanh với kết luận này, báo cáo hàng năm về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập đến các sự kiện trong năm 2012, ghi nhận là « có một xu hướng đàn áp và khủng bố ngầm do Nhà nước yểm trợ nhắm vào những cá nhân có các phát biểu vượt qua ranh giới và đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như chỉ trích các chính sách đối ngoại của Nhà nước liên quan đến Trung Quốc hoặc chất vấn về sự độc quyền nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản ». Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhận thấy là « ở bề ngoài, ngôn luận cá nhân, báo chí công khai, và thậm chí phát biểu chính trị tại Việt Nam cho thấy có những dấu hiệu tự do hơn ».
Một đánh giá về sự phát triển quyền con người ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2013 cho thấy vẫn tiếp tục có những mâu thuẫn trong thực hiện chính sách nhân quyền của Việt Nam và nghịch lý của việc vừa tìm kiếm gia tăng cam kết với Hoa Kỳ vừa đẩy mạnh đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền trong cùng một thời gian.
Vào cuối năm 2012, cuộc đàn áp của Việt Nam đối với các nhà bất đồng chính kiến đã khiến Hoa Kỳ đột ngột hủy bỏ tham gia vào các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đối thoại này đã được tổ chức vào tháng Tư năm 2013. Đại diện của Hoa Kỳ là ông Daniel Baer, ​​Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Trong chuyến thăm này, ông đã bị ngăn chặn, không cho gặp những người bất đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phạm Hồng Sơn.
Hai tháng sau, ông Baer điều trần trước Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và lưu ý đến những mâu thuẫn trong việc thực hiện nhân quyền của Việt Nam. Một mặt, ông Baer ghi nhận : Các bước tích cực như việc thả nhà hoạt động Lê Công Định (cho dù đi kèm với những hạn chế tự do), tạo thuận lợi cho một tổ chức nhân quyền quốc tế thăm Việt Nam, và số lượng đăng ký hoạt động công giáo gia tăng một cách khiêm tốn ở Tây Nguyên ... các cuộc thảo luận giữa Chính phủ và Tòa thánh Vatican, và cũng như diễn biến tích cực tiềm tàng trong vấn đề nhân quyền cho những người LGBT [đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng giới, hoán tính/chuyển đổi giới tính] ... [và] tràn ngập ý kiến của ​​công chúng về dự thảo Hiến pháp ...
Mặt khác, ông Baer kết luận : Thế nhưng, những bước tiến này không đủ để đảo ngược xu hướng tồi tệ kéo dài trong những năm qua. Cũng không có các biện pháp tích cực riêng rẽ tạo dựng một mô hình phù hợp. Với số lượng ngày càng tăng, các blogger tiếp tục bị quấy rối và bị bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa trên mạng và các nhà hoạt động tiếp tục phải sống dưới đám mây đen ...
Giờ đây thì mọi người biết rằng, vào cuối tháng Ba và tháng Tư năm 2013, các quan chức Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu thảo luận về chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam kể từ sáu năm qua. Hoa Kỳ chính thức ngỏ lời mời vào tháng Bảy và Việt Nam đã chấp nhận. Không có bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tìm cách dàn xếp chuyến thăm của ông Sang bằng cách thả bất kỳ các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nào. Có một dấu hiệu mong manh. Ngày 08/07, chính quyền Việt Nam đột ngột hoãn phiên tòa xét xử nhà hoạt động vì dân chủ nổi tiếng, luật sư Lê Quốc Quân.
Tuy nhiên, vẫn trong sự mâu thuẫn, Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, có thể gây ra rủi ro cho chuyến viếng thăm Washington của Chủ tịch Sang. Trong hai tháng Năm - Sáu, Việt Nam kết án và áp đặt bản án khắc nghiệt đối với hai sinh viên đại học (Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha) và bắt giữ ba blogger nổi tiếng (Đình Nhất Uy, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào), nâng tổng số tù nhân chính trị và các blogger bị bắt trong nửa đầu năm 2013 lên tới 46 người.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 25 tháng Bảy. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama tuyên bố, "chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn về sự tiến bộ mà Việt Nam đang thực hiện và những thách thức tồn tại. Ông Sang thừa nhận sự khác biệt và tiết lộ rằng Tổng thống Obama hứa sẽ làm hết sức mình để tới thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ.
Một tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp, xếp vấn đề nhân quyền đứng hàng thứ tám trong số chín chủ đề thảo luận. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận lợi ích của đối thoại thẳng thắn và cởi mở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp các bất đồng về nhân quyền ". Không thấy đề cập đến những vấn đề nhân quyền mà Tổng thống Obama nêu lên. Điểm thứ tám của tuyên bố chung dành bảy trong chín dòng để tổng kết những gì Chủ tịch Sang đã thảo luận với đồng nhiệm Mỹ. Đáng chú ý, Chủ tịch Sang khẳng định rằng Việt Nam sẽ ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn và sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng đến thăm Việt Nam vào năm 2014.
Chuyến thăm của Chủ tịch Sang đã bị lu mờ bởi một cuộc tuyệt thực kéo dài của nhà hoạt động chính trị Nguyễn Văn Hải. Ông Hải thành lập Câu lạc bộ các Nhà báo tự do và hoạt động vì nhân quyền và cải cách dân chủ. Mặc dù có các quy định về tự do ngôn luận trong Hiến pháp, ông đã bị kết án tù 12 năm vì tiến hành « tuyên truyền chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa » thông qua các blog trên internet và các bài trên các đài phát thanh nước ngoài. Khi ông Hải bị bắt giam, Tổng thống Obama công khai kêu gọi trả tự do cho ông.
Ông Hải bắt đầu tuyệt thực vào cuối tháng Sáu để phản đối cách đối xử với ông ở trong tù, trong đó có việc kéo dài thời gian biệt giam. Hai ngày sau khi Tổng thống Sang kết thúc chuyến thăm Mỹ của ông, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam thông báo là họ sẽ điều tra những lời tố cáo của ông Hải. Ông Hải đã chấm dứt cuộc tuyệt thực vốn kéo dài trong 35 ngày.
Vậy làm thế nào có thể giải thích những mâu thuẫn trong việc thực hiện chính sách nhân quyền của Việt Nam ? Hơn nữa, làm thế nào có thể giải thích được nghịch lý là Việt Nam tìm cách gia tăng quan hệ với Mỹ đồng thời cùng lúc lại đẩy mạnh trấn áp ?
Có thể có ba giải thích, nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau, về những mâu thuẫn và nghịch lý của Việt Nam.
Trước tiên, việc tiếp tục đàn áp chính trị là kết quả của quá trình quan liêu của Bộ Công an (MPS). Khi một nhà hoạt động chính trị thu hút sự chú ý, Bộ Công an thường bắt đầu lập hồ sơ qua việc thu thập chứng cứ. Sau khi Bộ Công an xác định rằng một nhà bất đồng chính kiến đã vi phạm luật an ninh quốc gia được diễn đạt một cách mơ hồ của Việt Nam, cơ quan này bắt đầu một chiến dịch đe dọa và sách nhiễu nhà bất đồng chính kiến ​​và gia đình, bạn bè của người bất đồng chính kiến. Nếu nhà bất đồng chính kiến ​​từ chối sự kiềm tỏa của Bộ Công an, thì bộ này tìm kiếm sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền cao hơn để bắt giữ và tổ chức một phiên tòa.
Tại sao một số người chống đối bị đàn áp trong khi những người khác được phép phát biểu ý kiến ​​tương tự mà không trả thù? Nói cách khác, tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa gia tăng mở cửa và tiếp tục đàn áp?
Việt Nam công khai thúc đẩy mạng Internet và khuyến khích các công dân nói lên một số vấn đề. Tuy nhiên, các bất đồng chính kiến ​​sẽ là đối tượng bị trấn áp nếu họ vượt qua lằn ranh đỏ mà ai cũng biết như tiếp xúc với người Việt hải ngoại, đặc biệt là các nhóm hoạt động chính trị như Việt Tân mà chế độ coi là phản động. Tóm lại, Bộ Công an kết luận rằng những nhà bất đồng chính kiến ​​là một bộ phận của "âm mưu diễn biến hòa bình", theo đó các lực lượng thù địch bên ngoài liên kết với bọn phản động trong nước để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một giải thích khác cho rằng sự mâu thuẫn trong việc đồng thời mở cửa và trấn áp là đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản. Các nhà bất đồng chính kiến, đặc biệt là các blogger, nêu các vấn đề nhạy cảm liên quan đến tham nhũng, gia đình trị và lợi ích kinh doanh của các nhân vật chính trị hàng đầu. Trong những trường hợp này, các nhà bất đồng chính kiến ​​bị lôi ra để trừng phạt theo lệnh của các quan chức cao cấp của Đảng hay những người ủng hộ họ. Nói cách khác, các tính toán cân nhắc chính trị nội bộ là động lực chính của hoạt động trấn áp.
Giải thích thứ ba cho rằng việc đàn áp chính trị gia tăng tại Việt Nam được chỉ đạo bởi những người bảo thủ trong Đảng tìm cách cản trở gây rối, nếu như không phá hoại, sự phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh. Ví dụ, người ta cho rằng các nhân vật bảo thủ trong Đảng chỉ huy cuộc đàn áp các blogger hồi tháng Sáu, để phá hoại chuyến thăm Washington đầu tiên của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các nhân vật bảo thủ trong Đảng sợ rằng quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ sẽ làm cho quan hệ với Trung Quốc xấu thêm. Đặc biệt, họ nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động, những người chỉ trích việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ. Các nhân vật bảo thủ trong Đảng bác bỏ áp lực của Mỹ về nhân quyền, kêu gọi Hoa Kỳ gia tăng tài trợ để giải quyết những di sản chiến tranh bom mìn và chất độc da cam, và đòi Mỹ chấm dứt phân biệt đối xử cấm vận vũ khí. Lời giải thích thứ ba này giải thích nghịch lý của việc vì sao Việt Nam không giải quyết hồ sơ nhân quyền để củng cố quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Carlyle A. Thayer
Giáo sư danh dự, Đại học New South Wales ở Úc Học viện Quốc phòng.
(RFI)
 

Ra tuyên bố phản đối Nghị định 72

Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam cấm các cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng đã bị một nhóm các trí thức trong và ngoài nước lên án là ‘vi phạm Hiến pháp, pháp luật và các công ước quốc tế’.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng, các nhân sỹ trí thức này cũng yêu cầu Chính phủ chỉnh sửa lại Nghị định và kêu gọi Quốc hội thẩm tra lại tính hợp hiến và hợp pháp của Nghị định.
Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9 tới. Khi đó, các trang mạng cá nhân sẽ không được phép đưa lại các thông tin được lấy lại từ các nguồn khác.
Nghị định này đã bị cộng đồng blogger trong nước và các quan sát viên quốc tế lên án là ‘xâm phạm quyền tự do ngôn luận’ của người dân Việt Nam.
Người dùng Internet ở Việt Nam
Cộng đồng mạng ở Việt Nam sẽ thích ứng ra sao kể từ ngày 1/9 tới?
‘Tác dụng phá hoại’
Trong phản ứng mới nhất này, bản tuyên bố được 108 người ký tên đã dẫn ra những chỗ mà họ cho là vi phạm luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước này có tham gia.
Theo đó, quy định trong Nghị định 72 phân loại các trang mạng ra làm năm loại trong đó yêu cầu ‘trang thông tin điện tử cá nhân’ không được tổng hợp thông tin là trái với Luật Công nghệ thông tin, bản Tuyên bố này phân tích.
Theo Bộ Luật được Quốc hội thông qua vào năm 2006 này thì ‘trang thông tin điện tử... phục vụ cho việc cung cấp trao đổi thông tin’ và cũng không hề phân chia trang thông tin điện tử ra làm các loại riêng rẽ.
Ngoài ra, trong khi Luật Công nghệ thông tin chỉ có phạm vi hiệu lực đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động về mạng Internet ‘tại Việt Nam’ thì Nghị định 72 mở rộng việc chế tài ra các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân ở nước ngoài cung cấp thông tin vào Việt Nam.
Do đó, những người tham gia vào tuyên bố này bày tỏ quan ngại Nghị định 72 sẽ ‘bị vận dụng tùy tiện để ngăn chặn công dân Việt Nam thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, thu nhận và chia sẻ thông tin’.
Các nhân sỹ trí thức nhận định rằng Nghị định này ‘chỉ có tác dụng phá hoại lòng tin của người dân đối với sự trung thực và sáng suốt của chính quyền’ và ‘phá hoại uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế’.
“Nghị định 72... đi ngược lại các tuyên bố cải thiện về dân chủ, nhân quyền... của Nhà nước Việt Nam...đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước,” Tuyên bố viết.
‘Không thay đổi’
Trao đổi với BBC, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một blogger ở trong nước, giải thích lý do Tuyên bố này không được gửi đến những nơi liên quan được nêu trong Tuyên bố như Quốc hội và Chính phủ là vì ‘những kiến nghị chúng tôi gửi đến chẳng bao giờ được phản hồi’.
“Chúng tôi đã tính trước khả năng chính quyền không tiếp thu nên không kiến nghị mà ra tuyên bố để bày tỏ thái độ,” ông nói, “Còn tiếp thu hay không là quyền của người ta.”
Khi được hỏi có chuẩn bị sẵn sàng khi Nghị định 72 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/9 tới, ông Chênh nói rằng ông ‘vẫn giữ nguyên’.
“Hồi nào mình viết như thế nào, mình thu nhận thông tin và đưa thông tin như thế nào thì vẫn tiếp tục làm,” ông nói.
“Để xem người ta nhắc nhở như thế nào để tùy theo đó mà có thái độ phản ứng,” ông nói thêm, “Bên cạnh đó tôi vẫn trông chờ phản ứng của tập thể.”
Mặc dù ông nhận định rằng Nghị định 72 này sẽ ‘khó khả thi’ nhưng sẽ tác động trực tiếp các trang blog như trang cá nhân của ông.
“Trước khi có Nghị định 72, anh em blogger vẫn bị mời lên làm việc. Bây giờ có lẽ làm việc sẽ cấp tập hơn. Người ta sẽ yêu cầu điều này điều khác nhiều hơn,” ông nói.
(BBC)

Trà Giang - Quảng Ngãi: Lát cắt điển hình của chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Gần đây, tôi có một vài entry trên mục chính trị - xã hội của danluan.org về một số việc của Quảng Ngãi. Theo mục đó, nội dung của các entry đề cập đến khía cạnh chính trị nói chung, thể hiện trong lát cắt của một tỉnh, với những con người, sự kiện, hiện tượng chỉ diễn ra trong một tỉnh. Đã chính trị, trong đất nước này, ắt phải đựng chạm đến chế độ, đảng, những con người của hệ thống chính trị, và, nói to tát, những quá trình chính trị. Trong những đụng chạm ấy, có ông bí thư tỉnh ủy, có ván cờ người mà ông tham gia thiết kế, có chuyện tờ báo đảng của tỉnh tìm cách ngốn thêm tiền của dân một cách vô ích.

Ấy vậy mà trong tỉnh cũng có nhiều người đọc; thống kê của mạng cho biết mỗi entry đến hơn nghìn bạn đọc. Lại có hiện tượng in nhân bản, phát tán, trao đổi với nhau đến nỗi các vị lãnh đạo chủ chốt và các cơ quan tuyên truyền, các tổ chức đảng, các cơ quan an ninh phải vào cuộc để chỉ đạo truy tìm, xử lý cả về thông tin và kỹ thuật; cơ quan tuyên giáo của đảng phải có văn bản răn đe, cấm đoán cán bộ công chức. Đôi lúc thấy không khí có vẻ nóng lên trong cộng đồng đảng viên, cán bộ công chức, các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Người ta đem Trà Giang và danluan.org ra phê phán hoặc khen ngợi, chia sẻ. Chỉ có điều những động thái đó có vài chỗ chưa phù hợp lắm. Ấy là, người ta không biết rằng Trà Giang là bút danh, và là bút danh không phải của một người, và trên không gian mạng, thậm chí đó cũng chẳng là bút danh của ai. Mỗi entry phơi bày ra một số nội dung nào đó, được đọc, hiểu, cảm, sử dụng lại như thế nào là chuyện và quyền của người đọc, gắn với những liên hệ, quan tâm của họ với chuyện riêng của tỉnh. Tuy nhiên, và dĩ nhiên, đàng sau nội dung phơi bày đó, là chuyện chính trị của đất nước: Quảng Ngãi là lát cắt, là một mảnh điển hình mang đầy đủ những vấn đề bản chất của “chủ nghĩa xã hội” Việt Nam hiện nay.

Vùng đất này đã sục sôi từ thời kháng thuế, khất thực 1907 – 1909, tháng tám 1945, của vùng tự do từ An Tân đến Sa Huỳnh lộng gió 1945 - 1954, của phong trào học sinh đỗ tú tài bán, tú tài toàn trong chế độ cũ nhảy núi thoát ly 1963 – 1967, của Tết Mậu Thân 1968 với hàng ngàn chàng trai khỏe mạnh, chỉ sau một cái tết đã bỏ cày cuốc, sách vở đi theo “cách mạng”, chỉ với một niềm tin giác ngộ, dù bây giờ là nhầm lẫn và bị lừa, là chống ngoại xâm, chống áp bức, chống độc tài, chống bất công. Vô số trong họ đã nằm xuống mảnh đất này để làm nên chiến lợi phẩm mà ông bí thư tỉnh ủy đang hưởng hiện nay, góp phần biến nhân dân thành con tin của những người chiến thắng và sẽ cấm quyền. Khi nằm xuống với quê hương, rất nhiều trong số họ không biết gì về chủ nghĩa xã hội, về một đảng duy nhất độc quyền cai trị.

Mảnh đất này cũng chứng kiến vô kể những thăng trầm khi chiếc la bàn chính trị định hướng xã hội chủ nghĩa quay ngược 180 độ suốt 38 năm giải phóng, từ thời đảm phụ, nghĩa vụ lương thực, hợp tác hóa nông nghiệp, phá hoại đền chùa ở nông thôn, thuế siêu ngạch ở thị xã đến đổi mới tư bản hoang dã hiện nay, với không biết bao nhiêu cái bi hài của cuộc chơi cách mạng; trong đó, chỉ kể những cái xấu của chế độ cũ như hối lộ, tham nhũng đã được phục hồi ngay từ cuối năm 1975 trong các “công tác cách mạng” có liên quan đến tài sản, lợi ích của người dân, trong việc cấp bến vượt biên, cấp phép hồi hương cho Hoa kiều 1978. Nhiều cán bộ cách mạng đã vơ vét cả thùng đạn đại liên vàng ròng và hiện nay vẫn đang sống nhởn nhơ trong tỉnh, rủng rỉnh tiêu pha và đầu tư cho con cháu của nả vơ vét đó. Mấy chục năm cách mạng, mấy thế hệ con người Quảng Ngãi còn đến giờ với những hoàn cảnh, thân phận khác nhau, trong đó có những người, trước 1975, học hành chẳng ra gì, tham gia băng nhóm du côn chợ búa, thậm chí đã mon men chuẩn bị đi theo, tham gia vào bộ máy chiến tranh của Mỹ hoặc chính quyền Sái Gòn, nay đã trở thành những người cộng sản “trung kiên”, cán bộ lãnh đạo, “chính khách” trong tỉnh. Sự đời vẫn còn đó, vài chục năm nữa.

Mảnh đất này, là chủ nghĩa xã hội sau 38 năm, để mỗi buổi sáng dậy, 5 giờ, đài truyền thanh thành phố, qua hệ thống loa đến tận từng xóm dân cư, mở đầu bằng “Toàn dân… học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và sau đó là Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn hoặc Bông hồng cài áo của Phạm THế Mỹ, và v.v… Huề cả làng, chỉ có nhân dân và những người đã nằm xuống vĩnh viễn là không can dự gì.

Cái lát cắt gọi là chủ nghĩa xã hội Quãng Ngãi là như vậy; nó góp phần tạo nên hào khí của tỉnh oanh liệt đến mức qua hơn chục năm không tự chọn bầu được bí thư tỉnh ủy, nội bộ lục đục, đến mức trung ương phải điều động chỉ định cán bộ đâu đâu về lãnh đạo; để có người mặt búng ra sữa, nhờ hàm úy viên trung ương, lên tiếng dạy dỗ con dân tỉnh nhà.

Chính vì nói điều đó mà nghe đâu, trong một hội nghị cốt cán cấp tỉnh, ông bí thư rất trẻ đăng đàn phân tích, tranh luận với Trà Giang, gọi Trà Giang là kẻ địch với sự viện dẫn cả Mao Trạch Đông (sic), và trực tiếp kết luận ông đảng viên già tiền bối có ý kiến trong hội nghị với hàm nghĩa là suy thoái chính trị.

Hỡi ôi! Khi ông đóng vai chơi trò bí thư tỉnh ủy mà phát biểu như vậy thì cũng chỉ vì ông đang hưởng chiến lợi phẩm của các thế hệ “cách mạng” đi trước, với cái mục tiêu cũng thực dụng là “ăn cây nào rào cây ấy thôi”. Chỉ có điều, trong số những người đã đi qua các giai đoạn cách mạng đó, nay đã già yếu, bệnh tật, gần đất xa trời như ông Lê Hiếu Đằng mà chắc ông bí thư tỉnh ủy biết rất rõ, bây giờ lại muốn đi làm cách mạng một lần nữa; và dĩ nhiên, cách mạng để phủ nhận sự lãnh đạo độc tôn của Đảng cộng sản, như là một sự sử dụng bình thường cái quyền chính trị rất biện chứng về sự phủ nhận cái không còn phù hợp. Phủ nhận đảng là còn tôn trọng, còn thể hiện thái độ sòng phẳng, văn minh; đó chưa phải là sự chửi bới, khinh miệt. Chắc vì tin rằng ông bí thư cũng có cái tầm tư duy như vậy nên phong trào Con đường Việt Nam có lúc đã đưa tên ông vào danh sách mời tham gia. Dù sao, ông vẫn là bí thư của Quảng Ngãi chủ nghĩa xã hội.
Trà Giang
(Dân Luận)
 

Tâm thư xúc động của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến 1 ngày trước khi nhập học

LTS: Sau khi phát hiện và đưa tin về hoàn cảnh của bố thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến, chúng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ em Tiến, gia đình em từ nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Để bày tỏ sự cảm ơn chân thành, biết ơn sâu sắc đối với tấm lòng nhân ái đó, em Nguyễn Hữu Tiến đã viết một bức thư xúc động gửi về tòa soạn. Chúng tôi xin đăng tải trọn bức thư này của em
:
Khi biết mình sẽ được tiếp tục học đại học, em có nhiều cảm xúc vô cùng khó tả…vui sướng, hạnh phúc xen lẫn với lo lắng, băn khoăn.
Ngôi trường đại học không chỉ là ước mơ của hai anh em từ nhỏ, mà đó còn là sự kỳ vọng lớn nhất của bố mẹ trong những năm tháng khổ cực, nghèo khó.
Khoảnh khắc em biết được mình đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm, em chưa dám nói với bố mẹ. Bởi nhìn trong đôi mắt mệt mỏi của mẹ sau mỗi đêm mẹ đi vặt vịt thuê về, lòng em lại thắt lại, cảm giác bất lực khi mình không đỡ được gánh nặng trên đôi vai gầy của mẹ suốt những năm qua nuôi 4 chị em ăn học.
Còn bố, em không nghĩ rằng bố lại có thể sống trong ống cống ngoài thành phố. Em thương cảnh bố phải sống ở vỉa hè, ngủ tạm ở đường, lang thang từ góc này đến nơi khác để mưu sinh, gửi tiền về cho mẹ nuôi mấy chị em ăn học.
Hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (thủ khoa ĐH Y 29,5 điểm) và Nguyễn Hữu Tiền (đỗ ĐH Bách khoa với số điểm 26) là niềm tự hào của cả gia đình, trường lớp và xã Phương Tú.
Hơn 10 năm nay, để kiếm tiền nuôi con, chú Nguyễn Hữu Định, bố thủ khoa ĐH Y Hà Nội - Nguyễn Hữu Tiến đã sống tạm bợ khắp vỉa hè, lều bạt,thậm chí ở ngoài đường hay ống cống  ở Thủ đô
Vì vậy, qua bức thư này, em mong các anh chị nhà báo có thể giúp em gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến những nhà hảo tâm đã giúp đỡ em, cũng như gia đình em trong thời gian qua. Nếu không có sự giúp đỡ của các tấm lòng các bác, các cô, chú, anh, chị trong và ngoài nước trong thời qua, không biết em có thể yên tâm bước vào giảng đường đại học được không nữa!
 Cuộc sống của gia đình em đã thay đổi, thời gian tới, có thể bố không phải ở vỉa hè nữa, một chú tốt bụng nói sẽ cho bố em làm bảo vệ ở tòa nhà chú làm việc với mức lương ổn định và một cô giáo cũng đã nói sẽ cho ba bố con em ở khu nhà của cô...Còn rất nhiều sự giúp đỡ khác mà em không biết nói gì để cảm ơn.

Nghe tin được nhiều người giúp đỡ, em được các nhà hảo tâm tặng máy tính, học bổng tiếng Anh, mẹ em nghẹn ngào vì hạnh phúc. Thấy sự tự hào của mẹ trong đôi mắt đẫm lệ, hai anh em cảm thấy vui phần nào.

Em muốn gửi đến bố mẹ rằng: "Bố mẹ à, con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ con. Con biết, tuy gia đình mình còn nghèo nhưng tình cảm mà bố mẹ dành cho chúng con thì khó…gia đình nào có được. Từ bé đến lớn, hai anh em con chỉ muốn, chỉ biết học, học để bố mẹ vui, để giúp gia đình thoát nghèo".

Để đạt được kết quả này, một người mà em luôn biết ơn chính là thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 của hai anh em.

Thầy Bình và các thầy cô trong trường đã dạy dỗ và tạo điều kiện giúp đỡ 2 anh em em rất nhiều trong quá trình học tập. Đã nhiều lần thầy và nhà trường đã chủ động miễn giảm học phí cho 2 anh em. Thầy còn luôn động viên em và gia đình để em luôn có tâm lý vững vàng cố gắng phấn đấu.

Và lời cảm ơn cuối cùng, em xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả những tấm lòng hảo tâm đã động viên, gúp đỡ em và gia đình em trong thời gian qua.

Những món quà vật chất, tinh thần thật quý báu mà trong mơ chúng em cũng không nghĩ đến đã chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình và là động lực, tạo điều kiện giúp em tiếp tục được học tập, thực hiện ước mơ của mình.

Điều ấy đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống cho 4 chị em cố gắng học tập. Dù biết còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng em xin hứa sẽ hết sức cố gắng, đem cả con tim và khối óc của mình để học tập và rèn luyện, phục vụ đất nước.

Cảm ơn các anh chị nhà báo đã cho em được giãi bày tâm sự và bày tỏ lòng biết ơn của mình...Cảm ơn anh chị đã chia sẻ, động viên và là cầu nối với những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình em.

Trước khi lên thành phố nhập học, bố mẹ luôn căn dặn rằng: "Gia đình mình còn nghèo, cố gắng mà học con ạ. Thủ khoa đại học chưa là cái gì, học đại học còn khó hơn nhiều, cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp 3 nữa. Đừng bao giờ quên và không phụ công ơn của những người thầy, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình mình".

Một lần nữa, em muốn gửi đến các nhà hảo tâm đã đồng hành và sẻ chia với gia đình, tạo điều kiện tiếp bước em đến trường.

Thân gửi và cảm tạ anh chị nhiều!
Em Tiến
Nguyễn Hữu Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét