Cú trảm ở Đà Nẵng, bát mì ở Nội Bài
Chẳng bao giờ có một quán cóc mọc lên bên vỉa hè sân bay. Nhưng nếu
có, có lẽ, chẳng cần phải bộ trưởng ra nghiêm lệnh về một chất lượng
dịch vụ đáng lẽ chỉ có trong viện bảo tàng để những người hoài cổ nhớ về
thời bao cấp.
Tháng 10.2011, dư luận lên cơn sốt trước cú “trảm tướng” của Bộ
trưởng Đinh La Thăng ở sân bay Đà Nẵng. “Các ông đùa à”- Lời Bộ trưởng.
Và ngay sau đó, ông gọi điện thoại điều một “viên tướng” khác về Đà
Nẵng.
Ngay lập tức, dư luận nhớ lại lời tuyên bố trong ngày đầu nhậm chức
của Bộ trưởng xung quanh mấy chữ “vị tướng ra trận” để ca ngợi ông là
“Bộ trưởng của hành động”.
18 tháng sau cú “trảm tướng” ở sân bay Đà Nẵng, PV báo Lao Động từng
xin lỗi để thẳng thắn đặt câu hỏi với Bộ trưởng là ông đã trảm được bao
nhiêu? “Nhiều chứ. Hàng chục nhà thầu, Ban quản lý”- Bộ trưởng nói, dù
ông thay từ “trảm” bằng chữ “thay thế”.
Đằng sau mỗi nhà thầu là một thế lực kinh tế. Đằng sau mỗi “Ban quản
lý” là lằng nhằng những quan hệ. Và trong vô số những cái khó của công
tác quản lý, có lẽ, quản lý con người, nhất là liên quan đến những cái
ghế, những lợi ích, không hề đơn giản, không thể vô tình chỉ là “rút dao
chém xuống nước”.
Bộ trưởng Thăng đã không đùa. Và ít nhất “hàng chục nhà thầu”, và ít nhất “cả ngành GTVT” biết chắc như thế.
Bởi vậy, chỉ vài ngày sau khi bị Bộ trưởng đích thân phê bình, đề
nghị chấn chỉnh, thậm chí “lập đường dây nóng” xung quanh những tồn tại
trong khâu dịch vụ tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, giá mì tôm đã
giảm từ 40-50 ngàn xuống còn 20 ngàn.
Xung quanh những cái tệ ở Nội Bài, có người đã nói về nạn “cơm tù
giữa chốn văn minh” khi người ta “mài dao thật sắc, chém thật ngọt”.
Có người đã tổng hợp thái độ của nhân viên ở đây trong mấy chữ “Mặt
thì lạnh như tiền. Ăn nói thì thiếu nhân xưng. Thái độ thì khệnh khà
khệnh khạng”. Nơi đó, một chai nước đắt gấp 6 lần thị trường. Một cốc
trà đá cho những người nghèo khát và dám hỏi được hét với một cái giá
“ngất xỉu”: 35 ngàn. Nhân viên an ninh hỏi khách hàng bằng ánh mắt và
lời nói “như hỏi cung”. Và, “Nụ cười ở Nội Bài, có lẽ chỉ có trên những
poster hình cô tiếp viên mà thôi”.
Nói thêm, không phải chỉ những khách hàng thường dân phải chịu sự đối
xử đó. Hồi đầu tháng 4, trong công văn yêu cầu Vietnam Airlines chấn
chỉnh thái độ và chất lượng phục vụ, Bộ GTVT cho biết sự phản ánh đến
“kể cả (từ) một số khách hàng là khách ưu tiên và cán bộ cấp cao Nhà
nước”.
Trở lại với bát mì tôm. Với giá bát “mì tôm sân bay” 40-50 ngàn, người dân có sự lựa chọn nào?
Họ chỉ có thể “giơ cổ” để ăn một bát mì, có lẽ là đắng ngắt. Hoặc nhịn đói.
Nhưng nếu đó là một bát mì bán ngoài phố, trong một khách sạn, hay
tóm lại, điều gì sẽ xảy ra nếu đó là một bát mì bán ngoài khu vực sân
bay?
Tất nhiên, người dân lập tức tẩy chay, sẽ một đi không trở lại, sẽ
gọi công an vì cho rằng bị chặt chém, bị “cơm tù”. Họ thậm chí sẽ chửi
thề. Và người bán, chỉ có nước mang về nhà mà ăn.
Câu trả lời là hết sức rõ ràng. Nguyên do một bát mì được chém với giá 50 ngàn bởi vì chỉ có một người bán mì.
Bởi vậy, việc có một đường dây nóng, ngay lập tức phản ánh đến Bộ
trưởng về giá một bát mì tôm, dù hôm nay nhận được sự phản hồi tích cực
từ phía người dân, xem ra vẫn chưa phải là cách thức căn cơ cho câu
chuyện “bát mì Nội Bài”.
Chẳng bao giờ có một quán cóc mọc lên bên vỉa hè sân bay. Nhưng nếu
có, có lẽ, chẳng cần phải bộ trưởng ra nghiêm lệnh về một chất lượng
dịch vụ đáng lẽ chỉ có trong viện bảo tàng để những người hoài cổ nhớ về
thời bao cấp.
THEO ĐÀO TUẤN
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận: Bức xúc của người dân là có thật
Khẳng định không có chuyện
tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật, nhưng tại
phiên chất vấn sáng 20/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho
rằng, có thể có những nghị định thiếu kiểm soát.
Đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) chất vấn: Có bao
nhiêu dự thảo pháp luật của Chính phủ không qua Bộ Tư pháp thẩm định?
Không ít các văn bản ban hành vừa qua gây bức xúc trong dư luận, Bộ sẽ
làm gì để khắc phục tình trạng này?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) thì tỏ ra quan ngại liệu có lợi
ích nhóm, tham nhũng về chính sách trong việc ra văn bản quy phạm pháp
luật không?
Trước thực trạng các dự án luật hết đưa vào lại đưa ra, ĐB Chu Sơn Hà
(Đoàn Hà Nội) cho rằng: Lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật
hiện nay tương đối nhiều. Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn lợi ích
nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật sắp tới?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
ĐB Hà cũng chất vấn: Việc xử phạt hành chính áp dụng đối với người
không chuyển quyền sở hữu hay chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu?
Việc xử phạt thuộc Cơ quan Công an hay Cơ quan Thuế? Nhiều ý kiến cho
rằng, các văn bản đang chuyển toàn bộ khó khăn cho người dân, thuận lợi
cho cơ quan quản lý Nhà nước, ý kiến của Bộ thế nào?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) tỏ ra quan ngại và hỏi Bộ trưởng
liệu có lợi ích nhóm, tham nhũng về chính sách trong việc ra văn bản quy
phạm pháp luật không?
Trước đó, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Trần Văn
Tấn nêu về công tác kiểm tra văn bản còn tồn tại, hạn chế có nguyên nhân
do đâu và những giải pháp khắc phục của Bộ trong thời gian tới?
Trước câu hỏi của ĐB Khánh, Bộ trưởng Cường cho biết, trong báo cáo
đã nói rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ riêng Nghị định của Chính phủ và
Quyết định của Chính phủ, Bộ đã thẩm định 426 văn bản, mỗi văn bản
khoảng 50 nội dung. Như vậy tổng cộng có khoảng trên 20 vạn nội dung.
Bức xúc từ người dân có nhưng không nhiều so với 20 vạn nội dung đó.
Tuy nhiên, những bức xúc của người dân cũng có những nội dung Chính
phủ tiếp thu, ví dụ quy định CMTND có ghi họ tên bố, mẹ, việc này Bộ Tư
pháp đã nhận trách nhiệm, và hiện đang làm thủ tục cuối cùng để sửa. Bộ
trưởng Cường khẳng định, qua thẩm định của Bộ Tư pháp có để lọt văn bản,
thông tư.
Liệu các Bộ trưởng có khoán trắng cho Thứ trưởng, Vụ trưởng không?
Theo Bộ trưởng cái này đã có quy định rõ trách nhiệm về thể chế thuộc về
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Đối với chất vấn về có hay không vấn đề lợi ích nhóm, hay tham nhũng
về chính sách mà các ĐB nêu, Bộ trưởng khẳng định quy trình xây dựng văn
bản pháp luật rất chặt chẽ, qua nhiều khâu. Tuy nhiên cũng có thể có
những vấn đề không phát hiện được. Ví dụ, Nghị định về kinh doanh vàng,
xăng dầu, hay giá than, điện… chủ trương thì rất rõ để tiến tới cơ chế
thị trường, nhưng gần đây chúng ta đang thực hiện kiềm chế lạm phát nên
bước đi phải chặt chẽ. Khẳng định không có chuyện tham nhũng như ĐB nêu,
nhưng Bộ trưởng Cường cũng cho rằng, có thể có những nghị định thiếu
kiểm soát.
Liệu văn bản pháp luật có đẩy khó cho dân? Bộ trưởng Hà Hùng Cường
khẳng định, Chính phủ bao giờ cũng đề cập quan điểm phải chỉ đạo thế
nào? Việc sửa Nghị định 34 có quy định xử phạt người không chuyển quyền
sở hữu phương tiện. Ôtô và môtô có thể là phương tiện gây tai nạn, thậm
chí buôn lậu, hay làm việc khác… Việc đăng ký chuyển đổi để duy trì trật
tự quản lý. Lĩnh vực này thuộc về đăng ký nên tạm thời đưa vào nghị
định xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ đã hướng dẫn rõ trường hợp
nào bị xử phạt, trường hợp nào không.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận, thực trạng có một số dự
án trình chưa đúng tiến độ, nội dung một số dự án còn hạn chế.
Điều này có nguyên nhân chủ quan, do những dự án luật đi vào chuyên
sâu nên rất khó. Bên cạnh đó, nhiều đề nghị sửa đổi bổ sung còn phải chờ
tổng kết, ví dụ như Luật Hợp tác xã. Cũng có dự án luật đề nghị phải
xây dựng sửa đổi bổ sung một số điều, Ban Soạn thảo đồng ý phải xây dựng
luật sửa đổi nên đòi hỏi có thời gian, ví dụ Luật Khoa học và Công
nghệ.
Nguyên nhân khách quan do kinh tế – xã hội thời gian qua còn nhiều
khó khăn. Chúng ta phải tập trung cao cho việc đạt mục tiêu tổng quát.
Nhiều Bộ, ngành phải tập trung cao hàng ngày nên thời gian tập trung cho
thể chế có hạn chế nhất định.
THEO PETROTIMES
Chuyện lạ – “Cấm” công dân và nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ?
Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã ra văn bản gửi
Trưởng phòng CSGT các tỉnh, TP chỉ đạo về việc “Giả danh nhà báo ghi
hình CSGT”. Nội dung văn bản này đang khiến bất kỳ ai đọc cũng có thể
hiểu là từ sau khi có chỉ đạo này thì công dân, nhà báo sẽ không được
ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ?
Ngày 26/4, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ,
đường sắt (Bộ Công an) đã ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng
CSGT công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc “Giả danh nhà
báo ghi hình CSGT”. Trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh
thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời
nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ
hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý
của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo
cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển
cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Văn bản nêu trên mục đích nhằm “xử lý” hành vi giả danh nhà báo tuy
nhiên, ngôn ngữ trong văn bản thiếu rõ ràng gây khó hiểu. Theo đó, quy
định “đối tượng”, “quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được
sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” cần phải làm rõ. Theo đó, “đối
tượng” được nêu ở đây là ai? Là những người “có lời nói đe dọa, lăng mạ
hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ” hay bất kỳ người
dân nào chứng kiến và ghi nhận lại sự việc?
Theo tham khảo của PV Báo GĐ&XH, công ty TNHH Luật YouMe khẳng
định: “Về nguyên tắc, công dân được làm những điều mà pháp luật không
cấm. Cán bộ, công chức, chiến sỹ công an trong khi thi hành công vụ,
nhiệm vụ được giao chỉ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ở
đây, cần xác định rõ việc công dân thực hiện “quay phim, chụp ảnh hoạt
động TTKS” của CSGT có bị pháp luật cấm? Hoặc được thực hiện trong phạm
vi khu vực cấm hoặc hạn chế quay phim, chụp ảnh hay không? Nếu không
thuộc các trường hợp này mà CSGT cấm người dân hoặc phóng viên quay
phim, chụp ảnh là đã thực hiện những việc ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của
mình. Việc quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang thi hành công vụ không thể
hiểu ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể, mà là ghi
hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước
tại nơi công cộng (công khai) nên không cần phải được CSGT (hay bất cứ
cá nhân nào) ở có mặt ở nơi công cộng này “đồng ý”, hoặc “không đồng ý”.
Cùng đó, với quy định: “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho
cơ quan chủ quản…” cũng là khái niệm khó hiểu. Phải chăng trong trường
hợp nhà báo (có thẻ nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp) thực
hiện nghiệp vụ ghi hình, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ thì phải được “sự
đồng ý” của CSGT thì mới có quyền tác nghiệp? Động thái yêu cầu “tập
hợp, thông báo cho cơ quan chủ quản” do Đại tá Hà đưa ra là nhằm mục
đích gì? Phải chăng, trong trường hợp này, nhà báo vừa phải được sự đồng
ý của CSGT, được lực lượng này tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản
xong thì mới được tiếp tục tác nghiệp?
Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH Luật YouMe cho rằng, theo quy
định của Luật báo chí, thì nhà báo: “Được đến các cơ quan, tổ chức, thư
viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm
nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà
báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những
tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí
mật nhà nước” (khoản 1 Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày
26/04/2002 hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Báo chí). Như vậy, nghĩa vụ
cung cấp thông tin không thuộc bí mật Nhà nước là trách nhiệm (bắt buộc)
của cơ quan, tố chức. Do đó, hướng dẫn của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt
tại công văn số 1042/C67-P3 yêu cầu chỉ khi CSGT “cho phép”, “đồng ý”
thì nhà báo mới được quay phim, chụp ảnh là trái quy định của pháp
luật”.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng
định, nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí và khi nhà báo tác nghiệp đúng
Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản. Ngày 20/8, ông Hà Minh Huệ
sẽ có trả lời cụ thể PV Báo Gia đình và Xã hội trước nội dung ông văn
số 1042 của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an)
THEO GIA ĐÌNH
Tiết lộ động trời: Xét nghiệm nước tiểu cũng bị “nhân bản”
Sau khi sự việc “nhân bản” các xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài
Đức (Hà Nội) bị phát hiện gây chấn động dư luận, một vị GS nghỉ hưu
từng giữ chức vụ trưởng khoa xét nghiệm của một BV đầu ngành TƯ (xin
không nêu tên) đã tiết lộ với phóng viên LĐ&ĐS những điều “mắt thấy,
tai nghe” xoay quanh câu chuyện xét nghiệm ở BV.
Vị GS khi nghỉ hưu được mời làm thêm tại một BV tư nhân Hà Nội. Sau
một thời gian ngắn làm việc tại đây, ông đã vội xin nghỉ vì chứng kiến
những việc trắng trợn “ăn bớt” xét nghiệm của người bệnh. Ông kể:
“Có một công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên.
Sau khi kết quả khám sức khỏe được gửi về công ty, lãnh đạo công ty đó
đã ‘nổi giận’ vì có 7 nhân viên nữ trong một phòng cùng có thai đúng
thời điểm công ty đang có nhiều đơn hàng. Ông giám đốc này đã truy hỏi 7
cô nhân viên thì có 6 cô “ngã ngồi” khi nghe tin mình có thai, chỉ có 1
cô thừa nhận mình đang mang bầu.
Thấy có điều bất thường, công ty này đã yêu cầu BV làm rõ. Khi bị bại
lộ, BV vội vã làm lại xét nghiệm cho 7 cô nhân viên thì kết quả chỉ có 1
cô đang mang thai tháng thứ hai.
Chuyện vỡ lở mới hay, mấy nhân viên ở khoa xét nghiệm đó có ý đồ kiếm
chác nên đã dùng kết quả xét nghiệm nước tiểu của 1 cô rồi ”nhân bản”
cho cả 7 cô. Không may nước tiểu của người được xét nghiệm lại chính của
cô đang có bầu. 6 cô nhân viên ”bỗng dưng” mang bầu đã được minh oan và
ông sếp đó tuyên bố ”cạch mặt” BV đó.”
Những khuất tất trong việc làm xét nghiệm tại các BV mà thường là các
BV ở các huyện ngoại thành, BV tư nhân, phòng khám tư… rất khó phát
hiện, chỉ những người “trong chăn” mới tỏ tường.
Vị GS này cho biết: Việc khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để đi lao động xuất khẩu… thường bị “ăn bớt” rất tinh vi.
Do cạnh tranh giữa với nhau nên các BV đưa ra giá tiền cho mỗi gói
khám khác nhau. Những người đại diện của các đơn vị đi tìm BV để tổ chức
khám sức khỏe cho nhân viên luôn chọn BV nào có giá rẻ nhất hoặc có tỉ
lệ hoa hồng cao nhất. Để được chọn, không ít BV đã hạ giá xuống mức
thấp.
Chấp nhận mức giá thấp đó nhưng vẫn phải có lãi lớn nên BV tìm mọi
cách để giảm chi phí như mua lại máy xét nghiệm đã qua sử dụng, mua các
loại hóa chất, vật tư xét nghiệm rẻ tiền, mỗi que thử chẻ làm đôi để
dùng cho 2 người và thậm chí “nhân bản” xét nghiệm.
“Chứng kiến những việc làm đó, tôi đã vài lần lên tiếng góp ý, nhưng
họ nói rằng đây là lệnh của lãnh đạo, chúng em chỉ biết thực hiện. Có
người lại nói, khám sức khỏe định kỳ đâu có gì nghiêm trọng… Vì đồng
lương mà không ai dám tố cáo. Với lương tâm của người thầy thuốc, tôi đã
từ chối làm việc tại đây…”
Những chuyện mà vị GS này kể, vì lý do tế nhị nên không có bằng chứng
cụ thể, không rõ tên BV nào, nhưng điều này chắc chắn là đang tồn tại.
Phóng viên xin dẫn chứng về việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân
viên của một cơ quan tại một phòng khám tư ở Hà Nội (xin không nêu tên).
Một số người bỗng nhiên được “khoác” thêm nhiều bệnh.
Chị N.T.H sau khi nhận được kết quả xét nghiệm đã tá hỏa khi thấy bác
sĩ kết luận bị viêm gan B. Lo lắng bệnh tật, chị đã đến xét nghiệm lại
tại BV Bạch Mai thì kết quả ngược lại: Không mắc viêm gan B. Chỉ bởi kết
quả “giời ơi” đó mà chị H. đã mất ăn, mất ngủ cả tuần. Sau khi nhận
được thông báo không có bệnh, chị mới thở phào nhẹ nhõm và loan tin cho
tất cả mọi người tẩy chay phòng khám tư đó.
THEO LAO ĐỘNG
Hãy nhìn vào túi tiền của người dân!
Tuần trước Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 10397 đến các
tỉnh, thành phố để đốc thúc tăng cường các biện pháp quản lý, bình ổn
thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm. Nhưng
trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng sức
mua yếu của thị trường, phải giảm giá hoặc kiềm chế tăng giá bán để
giải quyết hàng tồn kho; người nông dân đang bế tắc trước nỗi lo nông
sản, sản phẩm chăn nuôi bị rớt giá… thì vấn đề Công văn 10397 đặt ra hơi
lạc điệu.
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính ban hành công văn này chỉ một tuần sau
quyết định điều chỉnh tăng giá điện lại cho thấy một vấn đề khác. Đó là
nguy cơ gây bất ổn về giá cả, trong điều kiện thực tế hiện nay, không
hẳn do quan hệ cung – cầu, mà chủ yếu đến từ quyết định điều chỉnh giá
các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Nguy cơ tiềm ẩn này đã được chỉ rõ
trong Công văn 10397 như sau: “Giá một số mặt hàng tiếp tục được điều
chỉnh theo lộ trình thị trường như giá điện; giá than cho sản xuất điện;
giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường tác động đến giá xăng dầu
trong nước; giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của
Nhà nước; giá dịch vụ giáo dục (học phí)”.
Vấn đề là ở chỗ, khả năng kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn trên lại
không nằm trong tay các địa phương, mà thuộc quyền quyết định của các bộ
ở trung ương, như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế…
Đến hết tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước chỉ tăng
2,68% so với tháng 12 năm ngoái. Đây là con số thấp. Nhưng nếu nhìn sâu
hơn vào vào rổ hàng hóa để tính giá, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những
nhân tố tác động mạnh nhất đến CPI bảy tháng qua chính là các mặt hàng
và dịch vụ thiết yếu. Ví dụ như chỉ số giá dịch vụ y tế tăng tới 58,43%
so với tháng 12-2012. Hoặc chỉ với hai quyết định tăng giá xăng, dầu vào
tháng 6-2013, lập tức đẩy chỉ số giá dịch vụ vận tải tăng 1,34% ngay
trong tháng 7.
Nhìn lại chính sách điều hành giá cả những sản phẩm và dịch vụ quan
trọng từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng như
xăng dầu, điện, than, có thể nhận ra các cơ quan quản lý nhà nước đã tỏ
ra quyết đoán và mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định cho tăng giá.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, do chỉ số lạm phát những tháng
đầu năm nay quá thấp, các bộ Tài chính và Công Thương đã có thể yên tâm
với mục tiêu CPI của năm nay nên không còn phải lo đến lạm phát khi
quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng năng lượng.
Nhưng không chỉ có thế, các chính sách điều hành giá cả còn cho thấy
các cơ quan quản lý nhà nước đang lo cho “túi tiền” của ngân sách, của
một số tập đoàn nhà nước hơn là túi tiền của người dân, của cộng đồng
doanh nghiệp nói chung. Chẳng hạn như, thay vì giảm giá xăng, dầu để
giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thì Bộ Tài chính lại quyết
định tăng thuế nhập khẩu và tăng giá xăng dầu. Các quyết định tăng giá
than bán cho điện, tăng giá điện cũng mang mục đích như vậy.
Rõ ràng, chính sách điều hành giá cả như vậy, trong bối cảnh rất khó
khăn như hiện nay, là chưa phù hợp. Nó không giải quyết được cái gốc của
vấn đề, mà chỉ xử lý được phần ngọn. Thế nên, thay vì chỉ nhìn vào CPI,
hay con số thu ngân sách và túi tiền của các tập đoàn Điện lực, Công
nghiệp than và khoáng sản, Xăng dầu, các bộ nên nhìn vào túi tiền của
người dân, của doanh nghiệp trước khi ban hành các chính sách về giá cả.
Vì suy cho cùng, dân giàu thì nước mới mạnh. Túi của người dân, của
doanh nghiệp có “rủng rỉnh” thì túi của ngân sách mới đầy. Doanh nghiệp
có sống được thì ngành điện, ngành than mới sống được.
THEO thesaigontimes
10 dấu hiệu cho biết chúng ta đang ở trong nền kinh tế giả tạo
(Mượn góc nhìn về thực trạng nền Kinh tế Mỹ để cùng suy ngẫm về kinh tế Việt Nam)
Đã tới lúc phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một nền kinh
tế giả tạo. Truyền thông được sử dụng để làm cho chúng ta tưởng rằng
mình đang có một nền kinh tế khỏe mạnh.
Cùng lúc với việc các nhà chính trị gia vỗ về nhân dân bằng những dự
đoán chắc như đinh đóng cột về sự khởi sắc của nền kinh tế, chúng ta
phải liên tiếp đón nhận những tin không vui từ các thống kê tài chính và
về sự kém cỏi của các tập đoàn trọng điểm quốc gia đang đứng trên bờ
vực phá sản vì nợ nần chồng chất. Đáng buồn tức hơn nữa là chính phủ lại
muốn dùng những đồng tiền thuế từ mồ hôi và nước mắt của người dân để
cứu chính những tập đoàn mà đã đưa nền kinh tế đến với sự khủng hoảng
Hàng ngày, chúng ta nghe thấy người người vẫn đang vất vả với hi vọng
mong manh tìm kiếm việc làm, dù cho phải làm những công việc trái với
ngành được đào tạo. Các chính trị gia vẫn với giọng điệu chắc nịch hứa
hẹn sẽ có việc, nhưng chính trị gia thì không thể nào tạo ra được việc
làm. Nhìn thấy cả dòng người xếp hàng hay dựng trại ở bên ngoài những
siêu thị lớn vào các ngày có chương trình khuyến mãi như thứ Sáu ngày
mười 13, hay trong các khung giờ vàng làm cho chúng ta tưởng rằng mình
vẫn đang sống trong một nền kinh tế cường thịnh. Nhưng đau buồn thay hóa
ra tất cả sản phẩm không được mua bằng tiền thật mà bởi thẻ tín dụng –
mua nợ.
Các tin tức trên mạng, trên truyền hình, trên báo hay trên đài đều có
chung một mục đích đó là làm mờ đi đôi mắt của chúng ta. Một người như
Kim Kardashian – bắt đầu nổi tiếng vào năm 2007 khi kiện Vivid
Entertainment vì đã phát hành video cô làm tình với rapper Ray J bốn năm
trước đó, đã chiếm được sự ưu ái của trang báo điện từ Huffington Post
khi cô được lên trang nhất của tờ báo này chỉ vì con mèo cưng của cô bị
chết. Có lẽ chẳng cần phải bàn luận thêm
Trong khi đó, những bản tin tài chính luôn làm cho chúng ta cảm thấy
nền kinh tế thật phức tạp và không một ai được phép nói sự thật về tình
hình kinh tế đất nước hiện nay trong các bản tin đó
Liệu bạn có đang bực bội hay phân vân một chút nào đó về nền kinh tế của chúng ta
Vậy thì hi vọng những dấu hiệu về một nền kinh tế giả tạo sau đây sẽ giúp bạn làm sáng tỏ được những phân vân mà bạn đang có.
Việc giả: Không chỉ những con số thống kê tỉ lệ thất nghiệp là
giả, mà các công việc hiện hành cũng là giả nốt. Trong số hàng ngàn
công việc chúng ta đang làm, liệu bao nhiêu thực sự mang lại giá trị cho
cuộc sống của loài người trên trái đất? Một con số nghiên cứu cho thấy
80% loại việc hiện hành có thể biến mất vào ngày mai mà không ảnh hưởng
chút nào tới sự tồn tại hay hạnh phúc của con chúng ta. Do phương thức
quản lý yếu kém, nhiều khi hàng hóa từ nhà sản xuất tới tay người tiêu
dùng phải trải qua một hệ thống phấn phối trung gian cồng kềnh và nặng
nề, làm cho giá cả bị đội lên rất nhiều so với giá xuất xưởng của chúng.
Nhiều công việc trong hệ thống đó chẳng hề mang lại chút lợi ích gì cho
xã hội loài người. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về điểm này ở ý tiếp theo.
Vấn đề – chứ không phải giải pháp, tạo ra việc làm: Chúng ta
không thể giải quyết những vấn đề thực sự bởi vì điều đó sẽ lại làm giảm
công ăn việc làm trong xã hội. Không thể chấm dứt chiến tranh và mang
những người lính đang trên chiến trường trở về nhà khi mà tỉ lệ thất
nghiệp đã tương đối cao. Chúng ta cũng không thể chấm dứt cuộc chiến
tranh chống buôn lậu ma túy và các hàng thuốc cấm vì điều đó sẽ làm cho
hàng ngàn nhân viên DEA [Drug Enforcement Administration], giám ngục nhà
tù của hệ thống luật pháp, nhân viên cảnh sát đi tuần, và toàn bộ những
ai đang làm việc để giúp đỡ họ. Chúng ta cũng không thể đơn giản hóa hệ
thống thuế má vì sẽ làm cho những nhân viên trông coi sổ sách, giáo
viên dạy kế toán, luật sư ngành thuế và nhiều người có nghề liên quan bị
thất nghiệp. Chúng ta cũng không thể đơn giản hóa bộ máy quản lý nhà
nước hay hệ thống y tế quốc gia vì những nhân viên văn phòng đang phục
vụ cho các hệ thống này hiện tại không có những kỹ năng đáng kể nào khác
mà có thể mang lại lợi ích cho xã hội. Chúng ta không thể dừng lại việc
giám sát người dân vì điều đó có thể làm cho hàng triệu người khác nữa
thất nghiệp. Sau cùng, điều gì sẽ xảy ra đối với các trường đại học khi
mà sinh viên nhân ra rằng những tấm bằng tốt nghiệp của họ không xứng
đáng với cái giá mà họ đã bỏ ra, hoặc là khi mà chính các sinh viên nhận
ra rằng họ có thể học được kiến thức tương tự như học ở đại học mà
không mất một đồng nào từ Internet. Nói một cách khác, chúng ta đang
sống trong một xã hội tự tạo ra vấn đề để mà sinh ra những việc làm –
những công việc chẳng mang lại lợi ích thực sự gì cho xã hội.
Đồng tiền không có giá trị: Đồng tiền chính là thứ ảo tưởng
nhất mọi thời đại. Tiền mà chúng ta đang dùng là được vay từ các tập
đoàn độc quyền tư nhân với lãi suất một cách ngẫu nhiên do họ tự đặt ra.
Chúng ta vay họ để dùng và chúng ta mang nợ. Đã có nợ thì phải trả trừ
khi luật pháp có sự thay đổi nào đó. Những đồng tiền này có giá trị
chính bởi vì luật pháp quy định như thế, và giá trị của đồng tiên thì
lên xuống theo lượng sản phẩm được cung ứng bởi những tập đoàn độc quyền
trên. Giá trị thực sự của tiền chỉ là con số không vì nó chỉ là một tờ
giấy với những hoa văn mỹ miều được in lên. Những thứ mang lại giá trị
thực sự cho con người đó là sức lao động, công cụ, tài nguyên, thực
phẩm, nước và năng lượng chứ không phải tiền.
Cục Dữ trữ Liên bang nay đã mua tới 90% nợ quốc gia: Cục Dự
trữ Liên bang đã cho chính phủ vay tiền thông qua việc mua trái phiếu
nhà nước. Chính phủ Mỹ đã phát hành trái phiếu trên thị trường tự do
thông qua hình thức đấu giá. Những ai tin tưởng và khả năng phát triển
kinh tế của chính phủ thì sẽ bỏ tiền ra mua những trái phiếu trên và
hưởng lãi theo kỳ hạn. Rõ ràng hiện nay chẳng còn mấy người muốn đầu tư
cho bộ máy của Obama khi nhìn vào kết quả đấu giá là 90% số trái phiếu
được phát ra được mua lại bởi chính Cục Dữ trữ Liên bang. Cách thức làm
này của chính phủ Mỹ chẳng khác gì cách làm của chùm lừa gạt đầu tư
Madoff. Bằng cách này, lãi suất có thể bị giữ ở mức thấp và rồi được đẩy
lên để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài. Theo như thuật ngữ phổ thông
thì toàn bộ hệ thống tài chính của chúng ta chỉ như một con hổ giấy, một
con cá gỗ hay bất cứ từ nào khác bạn muốn dùng để ám chỉ một thứ giả
tạo.
Làm thế nào để xác định được giá trị của một đồ vật? Quá trình
xác định giá trị của một mặt hàng nào đó trên thị trường đã trở nên rất
phức tạp và việc định giá chính xác cho một vật phẩm nào đó đã trở nên
gần như không thể. Giữa vòng vây của: sản phẩm được chính phủ trợ giá
như thực phẩm, xăng dầu, giáo dục, nhà đất, bảo hiểm và thậm chí cả xe
hơi; thuế, quy định và pháp luật; lợi dụng đồng tiền và tỉ lệ lãi suất;
việc Wall Street đánh bạc với đồng tiền của các nhà đầu tư; thì liệu
chúng ta còn có thể biết được giá trị thật của các vật phẩm nữa hay
không? Ví dụ, tại sau một lạng marijuana (cần sa – một loại cỏ có thể
mọc ở bất cứ đâu) lại có thể có giá lên tới 1.700 USD? Liệu đó có phải
là giá trị thực sự của nó dựa trên công sức lao động bỏ ra và dựa trên
quy luật cung cầu? Tất nhiên là không phải, giá trị của nó đã bị lạm
phát lên bởi vì pháp luật và các quy định hiện hành.
Thất bại thì được tưởng thưởng: Chúng ta đang sống trong một
nền kinh tế giả tạo mà ở đó sự thất bại lại được khen thưởng còn thành
công thì bị xử phạt. Công dân ở trên toàn đất nước đều được khích lệ
tiết kiệm và chăm chỉ làm việc để rồi bỏ tiền ra cứu vớt những chính phủ
hủ bại, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và thậm chí là những công
ty sản xuất ô tô kém cỏi. Và khi chúng ta chịu khó làm việc hơn và đạt
được những thành công nhất định thì chính phủ đánh thuế nặng nề để trả
tiền cho bộ máy chính quyền vô dụng. Tuy nhiên cách thu thuế vô biên này
còn xa mới có thể giải quyết được vấn đề tận gốc. Thực tế là những
phương án của các ngân hàng đưa ra mới chính là vấn đề, nó chỉ giúp làm
giàu cho những nhà đầu tư của các ngân hàng bằng công sức của giai cấp
trung lưu. Các tập đoàn ngân hàng toàn cầu đang chơi đùa ở các sòng bạc
hoàng gia với những đồng thuế của người dân, cả những đồng tiền của rất
nhiều thế hệ tương lai nữa. Và một sự thật đáng buồn là những sòng bạc
này được tạo ra để họ luôn thất bại và rồi do đó họ có thể tiếp tục lấy
tài sản của người dân. Mỗi ván chơi là được ăn cả ngã về không, nhưng mà
tiền của họ thì là giả còn tài sản của chúng ta thì là thật.
Các tập đoàn có cùng quyền lợi như người dân nhưng hình phạt thì khác: Khi
Tòa án tối cao ban hành luật cho phép các tập đoàn có quyền lợi được tự
do ngôn luận như con người, đó chính là một trong những cái đinh cuối
cùng đóng vào quan tài của nền cộng hòa. Các tập đoàn giờ đây có thể tài
trợ cho các cuộc bầu cử và mua chuộc những pháp chế cần thiết để họ có
thể hoạt động mà không bị xử phạt. Tập đoàn có thể được cấu thành từ con
người, nhưng nó không có cùng chuẩn nhân đạo như con người. Vấn đề này
đã được lên án quyết liệt trong bài báo “Nếu BP là một con người thì thế
nào?”. Theo như những gì được viết, nếu xét theo chuẩn mực đạo đức hiện
nay và những định nghĩa hiện hành về tội ác thì BP đáng lẽ ra phải bị
xử như một tên giết người biến thái và…bất tử. Và khi mà những tập đoàn
này đều có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ, chúng ta có cần nên xem
lại bộ máy lãnh đạo của chính mình? Bằng việc thay đổi định nghĩa, họ
đang cố gắng đổi trắng thay đen. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng
phải lòi ra và sự thật thì luôn tìm cách lộ diện.
Người dân đang mua những thứ họ không cần bằng những đồng tiền họ không có: Sự
chi tiêu thái quá của chính phủ đã có một phiên bản sao chép y hệt
trong hành vi của người tiêu dùng Mỹ. Mặc cho lạm phát, mặc cho tỉ lệ
thất nghiệp đang tăng và mặc cho sự sụp đổ của thị trường nhà đất, người
dân Mỹ vẫn đang tiêu tiền mà họ không hề có từ những chiếc thẻ tín dụng
điện tử. The Associated Press vừa đưa ra báo cáo cho biết trong tháng
10 năm 2012, người dân đã quét thẻ thường xuyên hơn và vay tiền nhiều
hơn cho việc đi học và mua xe hơi. Sự lạm dụng này đã làm cho nợ của
người tiêu dùng Mỹ trở nên cao nhất mọi thời đại. Cục Dự trữ Liên bang
cho biết từ tháng 9 tới tháng 10, người dân Mỹ đã vay thêm tới 14.2 tỷ
USD và hiện nay đã chạm mức 2.75 nghìn tỷ USD.
Việc vay tiền mua xe hơi hay đi học thực sự đáng lo ngại vì đây là những khoản đầu tư chỉ có lỗ.
Các nhà kinh doanh bị gán tội: Để có một cuộc sống đơn giản
bằng chính đôi chân của bạn giờ đã trở nên gần như không thể. Nước Mỹ
giờ đây là đất nước của nạn quan liêu, luôn muốn bóp ngạt những mô hình
kinh doanh nhỏ và xử phạt sự tự cung tự cấp. Có lẽ không có ví dụ nào
tốt hơn vì dụ về sự tấn công một mô hình trang trại tự cung ứng. Bằng
cách viện lý lẽ từ Agenda 21, chính phủ đã đóng cửa những trang trại hộ
gia đình bấy lâu nay hoạt động tốt đẹp và treo biển “khu vực được bảo
vệ” lên đó. Trong trường hợp gần đây nhất, một trang trại nuôi trai lấy
ngọc đã bị đóng cửa dựa trên những nghiên cứu khoa học và kết luận sai
lầm. Điều này làm cho một mô hình kinh doanh đã 80 năm với 50.000 nghin
khách du lịch mỗi năm và 30 công nhân làm việc full-time ở đây bị lâm
vào cảnh bơ vơ. Trong nhiều trường hợp tương tự, một điều đau buồn đó là
những khu trang trại do chính phủ cướp của người dân đã bị rơi vào tay
những kẻ chẳng hề quan tâm gì tới nền kinh tế địa phương ở đó. Một trong
những tính chất cố hữu của nền kinh tế giả tạo đó là tạo ra sự phụ
thuộc trong khi đáng lẽ ra thì không nên có một chút nào.
Công nghiệp hóa nô lệ: Bạn nghĩ rằng nô lệ đã biến mất từ thế
kỷ 19? Hãy nghĩ lại. Những tài phiệt đã thành công trong việc nô dịch
hóa bằng nợ từ quốc gia này tới quốc gia khác, trong mọi lĩnh vực ngành
nghề, các chính phủ bang cũng như địa phương và gần như tất cả mọi người
dân trên thế giới. Họ đã mua chúng ta và biến chúng ta thành người hầu
bởi những đồng tiền mà họ không hề có – họ chỉ đơn thuần hô “biến” và
thế là tự nhiên họ có tiền để nô dịch chúng ta. Thậm chỉ một người không
hề có liên quan hay dính lứu gì tới ngân hàng, không có thẻ tín dụng,
thì họ cũng vẫn phải trả tiền cho Cục Dự trữ Liên bang thông qua lạm
phát và thuế thu nhập. Tác giả của cuốn
“Confessions of an Enonomic Hit Man”,
John Perkins nhắc đi nhắc lại: Đã tới lúc những ngân hàng bóc lột tầng
lớp trung lưu bằng cách tăng thuế, giảm dịch vụ công ích, và lấy đồng
lương của bạn. Một ví dụ nữa rõ ràng hơn đó là việc bóc lột sức lao động
của tù nhân. Luật pháp và quy định hiện hành được tạo ra là để lợi dụng
sức lao động của tù nhân mà làm giàu cho những tập đoàn sở hữu các nhà
tù đó, trong khi đó thì những cộng đồng địa phương thì trở nên ngèo hơn
và nhiều nguy hiểm hơn.
George Carlin đã nói “Chúng ta gọi ‘Giấc mơ Mỹ’ là vì chỉ có mơ thì
mới tin vào điều đó”. Có lẽ nếu như chúng ta chỉ sống trong một đất nước
duy nhất thì sự tồi tệ đã dừng lại ở đó, nhưng chúng ta đang trải
nghiệm một giấc mơ chung của toàn cầu về một chính phủ mà có thể xử lý
mọi việc chỉ trong tích tắc. Tuy nhiên, trong thế giới thực chúng ta
đang sống, sự sụp đổ đã thực sự bắt đầu. Từ nay tới lúc chúng ta quyết
tâm không làm nô lệ nữa và xem xét 10 dấu hiệu đã nói ở trên, thì chúng
ta sẽ mãi đắm chìm trong sự ảo tưởng mà thôi. May thay, đã có những dấu
hiệu khả quan từ những cuộc biểu tình trên toàn cầu, những phong trào
thay thế tiền tệ, và rất nhiều giải pháp sáng tạo tại những đất nước bị
ảnh hưởng lớn nhất như Iceland, Greece, và Spain. Ở các nước này, người
dân đã dần dần tỉnh giấc và soi vào gương để nhận ra rằng nền kinh tế mơ
ước mà họ đã biết đã tạo ra nhằm làm cho họ lạc lối khi đi tìm giải
pháp.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013
Cục trưởng Cục báo chí “lên tiếng“ trước đề xuất gây khó nhà báo
Trước thông tin PLVN phản ánh về những bất hợp lý xung quanh
quy định tại hai Dự thảo Pháp lệnh liên quan đến việc xử lý các hành vi
cản trở hoạt động tố tụng của TAND, như quy định buộc nhà báo, phóng
viên trước khi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải có sự đồng ý bằng văn
bản của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án…, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục
trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tỏ thái độ không
đồng tình.
Ông Hoàng Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông)
Khẳng định về quyền tác nghiệp của báo chí tại Tòa, ông Lượng nhấn
mạnh, về nguyên tắc, nếu phiên tòa xét xử công khai thì các nhà báo,
phóng viên được quyền vào dự để tác nghiệp. “Theo tôi, phóng viên muốn
đưa tin một cách chuẩn xác thì họ phải có quyền ghi âm, ghi hình theo
đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hoạt động
của báo chí đều tạo điều kiện để nhà báo, phóng viên tác nghiệp, trong
đó có quyền tác nghiệp tại tòa án. Ngay khoản 3 Điều 8 Nghị định
51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Báo chí cũng nêu rất cụ thể về quyền hạn của
nhà báo:
“Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại
các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc
trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định
của pháp luật”.
Tinh thần chung của pháp luật là như thế, tại sao Dự thảo Pháp lệnh
xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND (gọi là
dự thảo Pháp lệnh 1-PV) lại quy định việc ghi âm, ghi hình phải được sự
đồng ý bằng văn bản của Chánh án tòa án nơi xét xử vụ án?. Tôi không
đồng ý với quy định này.
Vì sao? Vì quy định trên không thống nhất với các quy định hiện hành
và gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của báo chí. Nếu phóng viên
muốn ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được sự “đồng ý bằng văn bản…”
là tạo thêm một thủ tục, một giấy phép nữa, ngoài giấy giới thiệu của
Tòa soạn”, ông Lượng thẳng thắn.
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Báo chí thì không nên yêu cầu phải
xin phép việc ghi âm, ghi hình tại tòa mà phóng viên, nhà báo nói riêng
và những người tham dự phiên tòa nói chung khi ghi âm, ghi hình chỉ cần
thực hiện đúng các quy định tại nội quy phiên tòa là đủ.
Bởi vậy, để đảm bảo quyền tác nghiệp đúng pháp luật của báo chí mà
không ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa thì Dự thảo Pháp lệnh nên bỏ quy
định “ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn
bản của chánh án nơi giải quyết vụ án” và thay vào đó là quy định cấm
hành vi: “Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa không đúng theo hướng dẫn và sự
sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”.
Trong đó, phóng viên khi tác nghiệp tại phòng xử án cũng cần tuân thủ quy định này, không được làm ảnh hưởng đến việc xét xử.
“Tuy nhiên, tòa án cần sắp xếp vị trí để nhà báo, phóng viên tác
nghiệp một cách thuận lợi. Nếu phiên tòa xét xử vụ án được dư luận đặc
biệt quan tâm mà hội trường xét xử không đủ chỗ cho các nhà báo, phóng
viên tác nghiệp thì Tòa án có thể bố trí một phòng riêng có màn hình
truyền hình trực tiếp diễn biến của phiên tòa để báo chí đưa tin một
cách toàn diện về việc xét xử của tòa án”, ông Lượng đề nghị.
THEO PHÁP LUẬT TP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét