Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Người Việt và định mệnh dân chủ

Sau gần 30 năm, Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội mới.

Xã hội Việt Nam ngày càng tiến xa khỏi mô hình cộng sản

Trải qua gần một thập niên đạt tốc độ tăng trưởng cao, nền kinh tế chững lại giữa lúc các vấn đề chính trị - xã hội khác vốn tích tụ từ hàng chục năm qua đang ngày càng trở nên nhức nhối và không thể giải quyết nếu không có cải tổ hệ thống triệt để.

Bên cạnh đó, tình hình khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang đe doạ an ninh khu vực và thế giới, mà quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và nguy hiểm nhất chính là Việt Nam.

Tình hình cả trong nước lẫn khu vực hết sức khó khăn đó buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải đưa ra lựa chọn tương lai cho đất nước cũng như cho chính họ, nhất là khi mà hầu như ai cũng đã nhận ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn tồn tại mỗi cái tên.

Chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang (24 – 26/7/2013), xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, diễn ra trong bối cảnh đó.

Sự kiện một Đảng Dân chủ Xã hội đang được xúc tiến thành lập và việc sinh viên Nguyễn Phương Uyên được thả tự do là những diễn biến phù hợp với xu thế này.

“Thay đổi hay là chết” là mệnh lệnh đang trở nên ngày càng thúc bách với cả những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh nước nhà lẫn những người đang gánh vác trọng trách trong bộ máy hiện hành.

Một hệ thống đa đảng và tam quyền phân lập – bước đầu tiên trên chặng đường dài và khó khăn.

Chặng đường khó khăn

Một số người vẫn cho rằng nếu thực hiện bước quá độ từ một nhà nước độc đảng sang một chính thể đa đảng, Việt Nam sẽ đi đến tự do và dân chủ. Tuy nhiên, điều này có thể không hoàn toàn đúng.

Trước đây, ngoài Đảng Cộng sản, Việt Nam còn có hai chính đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Hai đảng này chủ yếu lệ thuộc vào Đảng CS và đã bị giải tán từ năm 1988.

Khi hai chính đảng này còn hoạt động thì tuy về mặt hình thức Việt Nam là một quốc gia đa đảng, nhưng do độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong Lời nói đầu Hiến pháp 1959 và Điều 4 Hiến pháp 1980, nên trên thực tế, Việt Nam là một nước độc tài độc đảng, không tam quyền phân lập.

"Sau khi dân chủ hóa Myanmar đang trở thành đối thủ cạnh tranh nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam"
Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở chỗ liệu Việt Nam có thể thực hiện bước chuyển tiếp từ một nhà nước độc đảng sang một chính thể đa đảng hay không, mà là ở chỗ liệu điều đó có dẫn tới tự do và dân chủ hay không.

Một số quốc gia trên thế giới tuy theo thể chế tam quyền phân lập và đa đảng nhưng vẫn bị coi là chính thể độc tài, điển hình như Indonesia của Suharto và Philippines của Ferdinand Marcos trước đây hay Zimbabwe của Mugabe, Campuchia của Hunsen và nước Nga của Putin hiện nay.

Điều đó chứng tỏ con đường đi đến một nền dân chủ - tự do đích thực là một chặng đường đầy cam go, và một nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản toàn trị hoàn toàn có thể lại rơi vào một chính thể độc tài cá nhân, như Campuchia hay Nga chẳng hạn.

Ở Nga, sự sụp đổ đột ngột của nhà nước cộng sản khiến đất nước này rơi vào hỗn loạn một thời gian dài.

Nhà nước Nga bất lực, không duy trì trật tự xã hội mới bằng pháp luật tạo thời cơ cho các thế lực đen trong thế giới ngầm nổi lên, kiểm soát xã hội bằng thứ “luật lệ” riêng của họ.

Dưới thời Boris Yeltsin, giới tài phiệt cấu kết chặt chẽ với thế giới ngầm và các chính trị gia quyền lực đã thao túng và lũng đoạn xã hội.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các đảng phái chính trị đối lập chịu đủ thứ kìm kẹp của bộ máy quyền lực muốn duy trì địa vị quyền lực không bị thách thức của nó.

Đến thời Putin, sau khi dùng quyền lực nhà nước (vốn ít bị giám sát) để khống chế giới tài phiệt, Putin nhanh chóng thâu tóm quyền lực tuyệt đối bằng những bước đi hợp pháp.

Bên cạnh những biện pháp “truyền thống” như trấn áp lực lượng đối lập, khống chế và kiểm duyệt báo chí chặt chẽ, ông ta cũng không quên lợi dụng các “quy trình dân chủ” trước sự mất cảnh giác của Quốc hội cũng như nhân dân Nga để thâu tóm và duy trì quyền lực độc tài của mình.

Từ năm 1995, Hiến pháp Nga quy định những người đứng đầu các tỉnh, miền phải được dân cử thông qua hình thức bầu cử rộng rãi.

Năm 2006, theo “sáng kiến” của Tổng thông Putin, Hiến pháp lại quy định người đứng đầu các thực thể tỉnh, miền, nước cộng hòa tự trị trong Liên bang Nga là do tổng thống bổ nhiệm.

Ngày 14/11 và 26/11/2008, lần lượt Hạ viện (Duma) và Thượng viện (Hội đồng Liên bang) của Nga thông qua việc sửa đổi hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm, một động thái được những người hiểu biết lúc bấy giờ nhìn nhận là nhằm mở đường cho “triều đại” mới kéo dài 12 năm của Putin bắt đầu từ năm 2012.


Giải thể xong cộng sản, nước Nga rơi vào chế độ độc đoán kiểu Putin

Ở Campuchia, nhân tố “góp công” lớn nhất cho triều đại độc tài kéo dài của Hunsen chính là việc Hiến pháp Campuchia không giới hạn nhiệm kỳ của Thủ tướng, một khiếm khuyết phổ biến ở các chính thể độc tài khác như Indonesia hay Philippines trước đây và Zimbabwe hiện nay.

Bước đi cụ thể

Sự chuyển mình mạnh mẽ của Myanmar khiến cả thế giới phải dõi theo với một tâm thái thán phục.

Đối với Việt Nam, Myanmar không chỉ là một tấm gương về dân chủ hoá đất nước, đây còn là hiện thân của một nguy cơ mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Myanmar đang trở thành đối thủ cạnh tranh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu của Việt Nam và tiến tới sẽ là đối thủ cạnh tranh các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Để tránh vết xe đổ nói trên, Hà Nội cần lên kế hoạch cụ thể về lộ trình dân chủ hoá đất nước theo các bước sau:
  • Tiếp tục mạnh dạn trả tự do cho các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến đang bị giam cầm;
  • Cho phép thành lập các đảng phái chính trị ở Việt Nam;
  • Khẩn trương ban hành Luật về “Hội bất vụ lợi” trong kỳ họp Quốc hội tới đây để điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, một nền tảng quan trọng của trật tự xã hội tự do - dân chủ;
Ngoài ra, cần mở rộng Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992 bằng cách cho phép mời các chuyên gia quốc tế về luật Hiến pháp tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho Uỷ ban, đồng thời mời một số đại diện của các tổ chức quần chúng phi cộng sản tham gia vào Uỷ ban.

Gia hạn cho Ủy ban thêm 6 tháng nữa, đến ngày 31/3/2014, để trình một bản dự thảo Hiến pháp mới lên cho Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào cuối tháng Năm).

Bản Hiến pháp mới cần hết sức lưu ý những nguy cơ tiềm tàng có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Hiến pháp mới phải được toàn dân phúc quyết thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày Quốc hội chính thức thông qua;

Điều nữa là Tổ chức bầu cử Quốc hội mới chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Hiến pháp mới được phúc quyết.

Vỗ tay cần hai bàn tay

Bên cạnh lộ trình dân chủ hoá đất nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện, cộng đồng những người đấu tranh cho tự do, dân chủ của Việt Nam trong và ngoài nước cũng cần khẩn trương thực hiện những bước đi cụ thể để tận dụng tốt thời cơ đã chín muồi này.


Trước cơ hội do quan hệ Mỹ - Việt mở ra, các phe phái người Việt vừa cần lập liên minh đối trọng với đảng Cộng sản, vừa cần hòa giải dân tộc

Thứ nhất, các lực lượng phi cộng sản trong và ngoài nước cần liên kết với nhau và phải được thống nhất để hình thành nên một lực lượng đủ sức đối trọng với Đảng Cộng sản.

Một Việt Nam tự do, dân chủ trong tương lai chắc chắn là sẽ có nhiều chính đảng, kể cả Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, khi Đảng Cộng sản còn mạnh như hiện nay, đặc biệt là với sự ủng hộ của bộ máy công an, quân đội và tuyên truyền, còn các đảng phái chính trị khác thì nhỏ bé và tản mát, việc tập hợp các lực lượng này dưới một ngọn cờ là hết sức cần thiết.

Điều này vừa tạo ra một lực lượng đủ mạnh để đối trọng với Đảng Cộng sản, vừa tạo ra sự đoàn kết trong các lực lượng đấu tranh, tránh âm mưu phân hoá, chia rẽ tiềm tàng của Đảng Cộng sản;

Thứ nhì, liên minh các đảng phái đối lập nói chung và các đảng phái thành viên nói riêng cần vạch ra cương lĩnh chính trị và chương trình hành động cụ thể để tập hợp lực lượng, chứ không thể cứ nói suông là đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền;

Thứ ba, đây tối quan trọng là các bên cần thành tâm hoà giải, hoà hợp dân tộc vì mục tiêu chung: xây dựng và bảo vệ một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân văn và cường thịnh.

Hoà giải là hành trang không thể thiếu trên hành trình hướng tới mục tiêu cao cả đó và chúng ta cần dứt khoát là người cộng sản nên thành tâm vì giờ đã là năm 2013 rồi, không phải như thời 1945, 1954 hay 1975 nữa.

Những người Cộng sản đừng nghĩ rằng họ vẫn tiếp tục tự dối mình, dối nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế về ý thức hệ của họ.

Lịch sử đã sang trang và đây là cơ hội cuối cùng để những người cộng sản một thời như ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận không chỉ trở về với dân tộc mà còn khảng khái lên tiếng góp phần xây dựng một nước Việt Nam mới.

Như đã chỉ ra ở trên, dân chủ là điều không hề dễ dàng.

Nó đòi hỏi cả công sức lẫn sự hy sinh, nhưng những cơ hội và phần thưởng mà nó đem tới lại hoàn toàn tương xứng.

Nhân dân Việt Nam đang đứng trước cơ hội làm chủ vận mệnh của nước nhà.

Tuy nhiên, tự do và dân chủ không thể tới nếu người dân không thực sự dũng cảm đứng lên đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền làm chủ đất nước trong một xã hội văn minh, công bằng và nhân bản.

Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada và blogger Lê Anh Hùng từ Việt Nam.

Luật sư Vũ Đức Khanh
Viết từ Canada (BBC)

Việt Nam: Nợ xấu bất động sản dẫn đến khủng hoảng kinh tế ?

Một công trường xây dựng ở Hà Nội, 22/05/2011
Một công trường xây dựng ở Hà Nội, 22/05/2011 (Reuters)

Gần đây báo chí trong nước đã tỏ ra bất ngờ về tỉ lệ nợ xấu bất động sản, có thể lên đến 33-35% dư nợ thuộc lãnh vực này. Các con số thống kê của nhiều cơ quan khác nhau đưa ra chênh lệch cho đến nỗi, dư luận hết sức lo ngại nếu không đánh giá đúng tình hình, thì không thể nào đưa ra quyết sách đúng đắn, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho đất nước.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề trên.

RFI : Xin chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã vui lòng dành thì giờ cho RFI Việt ngữ. Anh nhận xét như thế nào về tỉ lệ dư nợ bất động sản có nhiều con số khác nhau, mà theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) thì lên đến 33-35% dư nợ ?

TS Phạm Chí Dũng : Con số của UBGSTCQG là một con số bất ngờ và đột biến, tức là đến 33-35% là nợ xấu trong dư nợ thuộc lĩnh vực bất động sản. Con số này được công bố lần đầu tiên, phát lộ vào năm 2013. Điểm hết sức đặc biệt là con số của ủy ban này lại hoàn toàn trái ngược với số báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 5/2013 chỉ là 5,68%.

Như vậy là, ngay giữa hai cơ quan quản lý mà độ chênh biệt của hai con số đã lên đến 6 lần. Sự khác biệt chưa từng thấy này nói lên điều gì? Nó làm cho người ta có cảm giác Việt Nam đang đứng trước một khúc ngoặt của những vấn đề nhạy cảm kinh tế - chính trị đang có chiều hướng bắt buộc bị bạch hóa dưới ánh sáng mặt trời.

Những quan chức can đảm của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã bạch hóa thế này: dư nợ bất động sản và và nợ xấu bất động sản thực chất cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng. Và khi một tổ chức của chính phủ phải công bố điều đó, tức tình hình tài chính – bất động sản đang rất nguy ngập rồi.

Cần nhắc lại, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã có một báo cáo rất chi tiết về các ngân hàng dính dáng đến nợ xấu và nợ xấu bất động sản vào cuối năm 2011. Song khi đó, con số nợ xấu ở nhiều ngân hàng mới chỉ dừng ở mức 10-15% thôi – như vậy đã gọi là cao rồi. Tất nhiên, nhiều ngân hàng vẫn cố giấu kín thực chất nợ xấu của họ. Những gì còn lẩn khuất trong bóng tối vẫn cố thu mình.

Nhưng sau công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã làm cho công luận cùng giới bất động sản trong nước kinh ngạc và cho là sát thực tế hơn nhiều các cơ quan khác, bầu không khí số liệu lại trở về thói quen khép miệng của nó. Vào tháng 8/2013, Bộ Xây dựng lại nêu ra một con số mới về tỉ lệ nợ xấu bất động sản chỉ có 6,5% - tức là có cao hơn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gần 1%. Rõ ràng, người ta vẫn quyết tâm phong tỏa số liệu nhằm bưng bít một cuộc khủng hoảng bất động sản – ngân hàng rất có thể sẽ xảy ra.

RFI : Năm 1997, Thái Lan cũng đã bị khủng hoảng tài chính và cũng có nợ xấu như Việt Nam bây giờ. Liệu Việt Nam có đang tái lập kịch bản của người Thái?

TS Phạm Chí Dũng : Có thể. Không khí trái ngược giữa các con số báo cáo và con số thực về nợ xấu ở Việt Nam rất dễ làm người ta nhớ lại trường hợp Thái Lan năm 1997. Trước khủng hoảng, tỉ lệ nợ xấu bất động sản tại quốc gia này được báo cáo chỉ có 5%, nhưng đến khi xảy ra khủng hoảng thì tỉ lệ này đã tăng vọt đến 50%, tức gấp đúng 10 lần.

Chính người Anh đã cung cấp cho giới điều hành mơ màng của Việt Nam cái minh chứng không hề mơ màng đó. Vào đầu năm 2013, John Sheehan – thành viên của tổ chức giám định bất động sản Hoàng gia Anh (FRICS), đã có một chuyến thăm Việt Nam, và đã cung cấp một kinh nghiệm là tỉ lệ nợ xấu thực bao giờ cũng cao gấp ít nhất 4 lần con số báo cáo.

Trong thực tế điều hành và của điều được gọi là “minh bạch hóa” số liệu ở Việt Nam, tỉ lệ nợ xấu được báo cáo thường dao động chỉ từ 6-10%. Nhưng vào cuối năm 2011, trong khi giới chuyên gia bất động sản bắt đầu nói toạc ra rằng có đến 50% nợ bất động sản là nợ khó đòi hoặc không thể đòi được, thì giới ngân hàng cũng bắt đầu thầm thì về chuyện có đến phân nửa nợ xấu ở các ngân hàng A, B nào đó là không thể đòi được.

Có đến hàng chục ví dụ cho những lời phát ngôn hoặc báo cáo mang tính bất nhất hoặc thiếu trung thực của các bộ ngành liên quan ở Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, khiến người dân và giới bình luận kinh tế quốc tế hầu như không thể có nổi một chút niềm tin bền vững vào cái thực trạng mà người ta gọi là “giả số liệu”.

Người Thái hay người Philippines trong cùng khu vực Đông Nam Á là những bài học nhãn tiền cho Việt Nam. Do phủ nhận sự minh bạch trong kiểm soát thị trường, họ đã phải nhận lãnh tai họa.

RFI : Việc thiếu minh bạch thì lâu nay Việt Nam vẫn bị chỉ trích. Không biết là có mối liên hệ nào giữa tính minh bạch ấy với việc Việt Nam đang chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP?

TS Phạm Chí Dũng : Chắc chắn là có, vì tính minh bạch là một trong những điều kiện đầu tiên để Việt Nam có thể tham gia TPP. Nhưng ở Việt Nam thì thái độ thiếu minh bạch đã phải trả giá. Sự chênh lệch giữa các số liệu của nền kinh tế Việt Nam đã góp một phần rất ấn tượng làm chậm bước tiến vào vòng chung kết TPP của chính nền kinh tế quốc gia này.

Chẳng hạn, trong khi số liệu báo cáo của chính phủ Việt Nam về nợ công quốc gia chỉ là 55%, thì các phản biện của giới chuyên gia độc lập lại lộ liễu hơn nhiều. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013 tại Nha Trang, một số chuyên gia phản biện người Việt ở Ba Lan đã tính toán tỷ lệ nợ công quốc gia lên đến 95%. Ngay lập tức con số này nhận được sự đồng cảm của khá nhiều chuyên gia và cả quan chức Việt Nam. Trước đó vào cuối năm 2012, phản biện đối với báo cáo nợ công của chính phủ, ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên tài chính của Liên Hiệp Quốc, đã tính toán về tiêu chí nợ nần này lên đến 106%.

Minh bạch lại là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam được tham dự vào bàn ăn TPP. Cho dù lộ trình thông qua TPP đối với Việt Nam đã được nước chủ nhà là Hoa Kỳ hứa hẹn “có thể sớm nhất vào cuối năm 2013”, nhưng giới quan sát quốc tế có lẽ đã thừa trải nghiệm để hiểu rằng TPP không chỉ gắn với điều kiện minh bạch về thị trường và cơ chế quản lý kinh tế, mà còn liên hệ mật thiết với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Còn trong lĩnh vực bất động sản, vẫn có thêm những minh họa khác về tính bất nhất. Trong khi những báo cáo được công bố hầu như liên tục của Bộ Xây dựng chỉ cho thấy con số tồn kho căn hộ vào khoảng 40.000 căn, thì con số thống kê của một số hãng tư vấn bất động sản quốc tế có văn phòng ở Việt Nam như CBRE hay Savills lại xác thực hơn nhiều. Nhìn chung, có thể đang tồn đến 200.000 căn hộ thuộc các phân khúc, trong đó có đến 70% thuộc về phân khúc cao cấp và trung cấp. Một số chuyên gia và doanh nhân bất động sản cũng xác nhận có đến chừng đó căn hộ đang tồn kho ở Việt Nam.

Một lần nữa, tính chênh lệch của số liệu báo cáo đã lộ diện: con số tồn kho nhà đất thực tế cao gấp 5 lần số báo cáo. Nếu so lại hai con số chênh nhau đến 6 lần về nợ xấu bất động sản giữa Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia với Ngân hàng Nhà nước thì mọi chuyện đều rất logic.

Logic đến nỗi mà nếu cuối năm nay Việt Nam được gia nhập TPP với tính minh bạch tồi tệ như hiện thời, nhiều người dân và giới bình luận sẽ nhìn rõ một sự phi logic không thể hiểu nổi.

RFI : Khi các con số khác biệt quá lớn như vậy thì thị trường bất động sản Việt Nam thực chất đang trong tình trạng như thế nào?

TS Phạm Chí Dũng : Tôi xin nêu một minh họa để đối chứng. Chuyên gia người Anh John Sheehan đã dành cho thị trường bất động sản Việt Nam một lời bình đặc biệt: “Tôi chia thị trường thành ba giai đoạn: sau khi xảy ra khủng hoảng gọi là giai đoạn phủ nhận, thường khoảng 2 năm; giai đoạn xử lý vấn đề nợ xấu mất khoảng 4 năm; cuối cùng là khi thị trường phục hồi, mất chừng 6 năm. Việt Nam đang ở nấc “phủ nhận””.

Một cách chính xác, thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn “phủ nhận” với việc người tiêu dùng mất niềm tin và quay lưng với thị trường. Nếu không vượt qua được hai năm 2013-2014 và không giải quyết được ít nhất một nửa núi hàng tồn kho căn hộ cao cấp và trung cấp, chưa cần hết giai đoạn phủ nhận sẽ có không biết bao nhiêu đại gia bất động sản phải chính thức ký vào “bản án tử hình” dành cho mình. Sông Đà, Vinaconex, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Phát Đạt… đều là những cái tên một thời danh giá, nhưng cho đến giờ đều thật khó để hình dung về thân phận của họ sẽ ra sao nếu thị trường không được “giải cứu”.

Muốn giải phóng núi căn hộ tồn kho đến 200.000 căn hộ, thị trường bất động sản Việt Nam có thể phải kiên tâm chờ đợi đến hàng chục năm, nếu quả thực nó muốn chờ và có thể làm được điều đó.

Nhưng kết quả thời gian đến hàng chục năm như vậy lại hoàn toàn có thể khiến thị trường… tự sát.

Bởi nửa đầu của năm 2013 đã trôi qua mà hệ số tiêu thụ căn hộ vẫn hầu như không nhích lên được bao nhiêu. Nếu vào năm 2012 hệ số này chỉ khoảng 5-10% theo thống kê của những hãng tư vấn bất động sản có uy tín, tình hình trong nửa đầu năm 2013 tuy có chuyển biến đôi chút song vẫn là quá ít so với những kích thích tố được tung ra từ phía Nhà nước và sự cố gắng của các doanh nghiệp bất động sản.

Các ngân hàng cũng vì thế đang rơi vào chính cái bẫy do họ giương ra từ năm 2011. Họ đã bắt các doanh nghiệp sản xuất và cả nền kinh tế trở thành con tin, nhưng cuối cùng chính họ cũng không thoát khỏi cái vòng kim cô tham lam vô cùng tận.

RFI : Như vậy số phận của các ngân hàng sẽ như thế nào, liệu có chết theo lãnh vực bất động sản hay không ?

TS Phạm Chí Dũng : Rất có thể. “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”, ngân hàng sẽ không thoát khỏi nghiệp chướng mà họ là một tác nhân gây ra.

Giữa năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã bắt buộc phải một lần nữa “tái cơ cấu nợ vay” cho các doanh nghiệp bất động sản, chuyển nhóm nợ từ xấu sang nhóm đỡ xấu hơn, và do vậy các ngân hàng vẫn còn thời gian để thu xếp việc thanh toán với con nợ đến giữa năm 2014, chứ không nhất thiết phải siết nợ thẳng thừng.

Dù cố giấu diếm, nhưng từ gần giữa năm 2012, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu phải tiết lộ về những con số nợ vay bất động sản, và sau đó vấn đề này trở thành một làn sóng rộng khắp các ngân hàng, biến thành tiếng kêu cứu ai oán của nhóm lợi ích đậm đặc này.

Vào thời điểm tháng 4/2012, số nợ vay được tái cơ cấu là 250.000 tỉ đồng. Nhưng mà trong hơn một năm qua, điều đáng buồn là chẳng ai làm được phần “hậu sự” cho các ngân hàng lẫn con nợ. Thậm chí nợ vay còn tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng, đưa con số hiện thời lên khoảng 272.000 tỉ đồng.

Nếu ngân hàng - chủ nợ lớn nhất của bất động sản - còn phải lâm vào vòng túng quẫn, người ta có thể hình dung tình thế đã trở nên bĩ cực đến mức nào. Những con số và tỉ lệ nợ xấu về bất động sản cho đến nay vẫn liên tiếp nhảy múa mà chưa chịu dừng chân. Cái chết đã lộ hình ở phía trước con đường.

RFI : Theo anh hậu quả sẽ ra sao?

TS Phạm Chí Dũng : Hậu quả chưa hẳn xảy ra tức thì đối với giới ngân hàng, nhưng đã hiện hữu đối với giới chủ đầu tư. Vào cuối năm 2011, hàng loạt vụ bể tín dụng đen bất động sản đã xảy ra ở Hà Nội, sau đó lan ra một số tỉnh thành khác. Vào giữa năm 2013, giám đốc doanh nghiệp Vĩnh Hưng, được xem là một trong những đại gia kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, đã bị bắt liên quan đến những bê bối về nợ nần, và đây là một vụ rúng động.

Câu hỏi đang được rốt ráo đặt ra là sau vụ Vĩnh Hưng, liệu có xảy ra những cú đổ vỡ nào khác? Và liệu có xảy ra một làn sóng dây chuyền đổ vỡ liên quan đến nhiều doanh nghiệp bất động sản, tất yếu kéo theo một số nhà băng liên quan về nợ vay?

Dĩ nhiên với nhiều chủ đầu tư bất động sản ở Việt Nam, đây là một thời buổi kinh hoàng, thời buổi mà họ chỉ “mong một cuộc sống không nợ nần”.

Vào năm 2011, báo chí bắt đầu đề cập những câu chuyện về đại gia chứng khoán phải tự tử hoặc nhập viện tâm thần vì thiếu nợ hoặc phá sản. Còn đến năm 2012, câu chuyện tương tự được tiếp nối với một số đại gia bất động sản. Hiện tượng xã hội đặc thù này đang như khuấy động một cơn khủng hoảng sắp tới ở Việt Nam.

Còn giờ đây, hiện tượng đang trở thành bản chất khi khó có thể kềm giữ những gì sẽ phải phát nổ.

Khác nhiều với thị trường bất động sản Mỹ và cũng khác khá nhiều với thị trường nhà ở Irland với nguồn cung tồn kho hạn chế, bất động sản Việt Nam đã ở vào thời kỳ cầm cự cuối cùng. Theo rất nhiều dự báo, thời kỳ đó sẽ không thể kéo dài đến hết năm 2014.

RFI : Không biết so sánh liệu có khập khiễng hay không, nhưng anh có thể nêu vài so sánh giữa thị trường bất động sản Việt Nam và Mỹ?

TS Phạm Chí Dũng : Có một “đồng pha” rất rõ trong “quan hệ bang giao” giữa hai thị trường bất động sản Mỹ và Việt Nam. Phất lên vào năm 2006 và đạt đỉnh vào năm 2007, thị trường nhà ở Mỹ đã có mức giá cao gấp đôi so với năm 2000. Còn với Việt Nam, tuy sóng nhà đất cũng đồng pha với Mỹ về thời gian và kể cả thời điểm, nhưng chuyện tăng giá thì hơn Mỹ nhiều, và có thể nói là theo đuôi…Trung Quốc. Đó chính là việc giá nhà ở tại Bắc Kinh đã tăng đến 800% chỉ trong 5 năm từ 2003 đến 2007. Trong khi đó, giá nhà đất ở Việt Nam cũng không hề kém cạnh, bốc lên tương đương với mức tăng chẵn một chục lần của giá vàng trong nước từ năm 2000 đến 2011.

Một “đồng dạng” khác là từ năm 2007 đến nay, chỉ số giá nhà đất S&P/Case-Shiller của Mỹ đã giảm khoảng 25-30%, trong khi mức giảm này cũng được các quan chức ngành xây dựng Việt Nam “định giá” cho mặt bằng giá nhà đất tại đây. Và gần đây hãng tư vấn bất động sản Saville ở Việt Nam cũng đã tính là giảm khoảng 30%. Dĩ nhiên với trường hợp thị trường ở Việt Nam, phần lớn các con số thống kê chỉ mang tính tương đối, thậm chí nặng về cảm tính và độ tin cậy là rất đáng nghi ngờ. Hiện tượng “loạn số liệu tồn kho bất động sản” diễn ra trong thời gian gần đây là một minh chứng hùng hồn.

Đúng ra, thị trường nhà ở Mỹ đã hồi sinh trước thị trường bất động sản Việt Nam ít nhất một năm rưỡi, tính đến giờ phút này. Từ cuối năm 2011, cùng với việc nền kinh tế Mỹ tiếp nhận những kết quả bắt đầu khả quan, số lượng nhà phát mãi của Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện tín hiệu giảm, trong khi số nhà khởi công mới dần tăng lên. Đà tăng răng cưa này đã diễn biến lặng lẽ trong suốt năm 2012, để đến cuối năm ngoái, giới phân tích Mỹ đã chính thức xác nhận rằng thị trường nhà ở quốc gia này đã chính thức “thoát khỏi suy thoái”.

Khác hẳn với Việt Nam, thị trường nhà ở Mỹ không hề có bong bóng, cho dù các đảng phái ở quốc gia này thỉnh thoảng vẫn nhắc lại từ ngữ bóng bẩy đó như một ẩn ý chính trị đối với đảng cầm quyền. Bất chấp số nhà ở bị niêm phong và đưa vào diện phải phát mãi là “khủng khiếp” trong năm 2008, chính sách tài chính hơn 900 tỉ USD của chính phủ Mỹ đã bắt đầu tỏ ra hiệu nghiệm. Tình trạng trì trệ lui dần.

Tới nay, 87% các thành phố ở Mỹ có giá nhà tăng, dẫn đầu là Sacramento thuộc bang California và Atlanta thuộc bang Georgia với mức tăng 39%, tiếp đó là Fort Myers thuộc bang Florida 36%, Reno thuộc bang Nevada tăng 33%, và Las Vegas thuộc bang Nevada tăng 31%. Đó cũng là lý do vì sao các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng tiến không ngưng nghỉ trong thời gian gần đây.

Nhưng với thị trường bất động sản Việt Nam lại hoàn toàn khác. Khoảng thời gian cuối năm 2011 chỉ là khởi đầu cho tan vỡ. Còn nguyên năm 2012 lại chứng kiến sự thê thảm không khác gì tình trạng vỡ bong bóng. Tuy không phải tất cả các phân khúc, nhưng chỉ riêng chuyện gần 200.000 căn hộ các loại tồn kho từ Bắc vào Nam đã là một cái gì đó không thể cứu vãn nổi.

Lúng túng và chậm lụt, các cơ quan và chính sách “giải cứu” thị trường bất động sản ở Việt Nam đã không làm được một việc gì có ý nghĩa từ năm 2010, khi tình trạng nợ xấu bất động sản vẫn chưa quá xấu, và cho đến nay – vào lúc mọi chuyện đã trở nên cám cảnh đến mức có giám đốc công ty kinh doanh nhà đất phải ra đường bán trà đá.

Tình hình như thế đã cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng và nền kinh tế của nước này nói chung đã bị lệch pha rất lớn so với đà phục hồi thị trường nhà đất và nền kinh tế Mỹ. Điều đó cũng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đã rất yếu ớt, như một người bệnh thâm căn cố đế và không còn sức đề kháng trước cơn ung thư di căn đang hoành hành.

Nếu không giải quyết được nợ xấu bất động sản, nền kinh tế Việt Nam sẽ không có khả năng nào đối ứng với hiệp định TPP, cho dù có được chấp nhận tham dự vào bàn tiệc này.

RFI : Vậy theo anh thị trường bất động sản Việt Nam mất bao lâu mới có thể phục hồi được?

TS Phạm Chí Dũng : Như phân tích của một tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường nhà ở Mỹ đã phải mất hơn 6 năm kể từ khi khủng hoảng để phục hồi trở lại, cũng như phải mất hơn 4 năm kể từ khi các chính sách giải cứu được áp dụng rộng rãi để thị trường tăng trưởng trở lại.

Còn với thị trường và cơ chế ở Việt Nam thì sao?

Một số nhà phân tích nêu ra một cách nhìn lạc quan hơn, căn cứ vào tính chu kỳ trong lịch sử vận động của thị trường bất động sản Việt Nam tính từ năm 1995. Khởi phát từ năm đó, thị trường này đã sôi trào vào năm 1997, để sau đó lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong khoảng 4 năm. Đến năm 2001, bất động sản Việt Nam lại một lần nữa bật dậy. Chu kỳ tiếp theo chìm lắng suốt từ năm 2002 đến năm 2006. Như vậy, tính bình quân cho khoảng lắng giữa các đợt tạo sóng là thời gian khoảng 5 năm.

Cho đến nay, đã 6 năm trôi qua kể từ năm 2007, vượt hơn cả một chu kỳ suy thoái trong dĩ vãng. Nếu theo cách suy diễn này, thị trường tất nhiên có đầy đủ cơ sở để phục hồi.

Tuy thế, làm sao để tạo “sóng” lại là một câu chuyện hoàn toàn lạ lùng và có lẽ còn trở nên dị hợm trong bối cảnh đương đại, khi trong 20 năm qua, giá nhà đất tại những thành phố lớn trên cả nước đã tăng đến 100 lần. Như vậy những người có nhu cầu thực tế về nhà ở sẽ nhìn vào cái cấp số nhân đó để tính toán cho phép thử cung - cầu trên thị trường hiện nay.

Đó cũng là tất cả những gì mà hệ quả của nợ xấu đang tác động, và trở thành tác động có tính quyết định.
Với tất cả những gì bất cập đến mức không thể chấp nhận trong lịch sử tồn tại của thị trường bất động sản, không ai có thể trả lời được câu hỏi sẽ mất bao lâu để phục hồi nó.

Chỉ biết rằng nếu bất động sản không được “siêu thoát” trong năm nay và cùng lắm trong năm sau, không biết nền kinh tế còn bị “phủ nhận” đến bao giờ.

RFI : Nếu dùng từ của anh là nền kinh tế bị “phủ nhận”, liệu xã hội Việt Nam liệu có lâm vào một cuộc khủng hoảng?

TS Phạm Chí Dũng : Rất có thể. Hiện thời, giới điều hành đầy quan liêu cùng các nhóm lợi ích ở Việt Nam đang phải đối diện với một phương trình có quá nhiều ẩn số.

Muốn giải quyết nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng thì phải xử lý tồn kho nói chung và tồn kho bất động sản nói riêng; muốn xử lý tồn kho bất động sản lại phải làm tăng tổng cầu và niềm tin tiêu dùng cho nền kinh tế. Nhưng ai cũng biết rằng muốn tăng tổng cầu kinh tế thì phải bơm tiền, trong khi nguồn tiền đang có dấu hiệu cạn kiệt do bị tồn kho và không giải quyết được nợ xấu. Chưa tính tới yếu tố bơm tiền hoàn toàn có thể sinh ra lạm phát…

Đây chính là một cái vòng luẩn quẩn mà sẽ dẫn tới “thời điểm Minsky” - tức thời điểm nền kinh tế phải chịu cảnh đổ vỡ dây chuyền, bắt đầu từ khối doanh nghiệp con nợ và ngân hàng chủ nợ không thu hồi được các món nợ, dẫn tới khả năng sụp đổ kinh tế.

Theo một số chuyên gia phản biện độc lập như Bùi Kiến Thành và Nguyễn Trí Hiếu, triển vọng giải quyết tồn kho bất động sản sẽ rất chậm và phải kéo dài ít nhất 4-5 năm. Nhưng ngay trong ngắn hạn năm 2013 và năm 2014, tình trạng nợ khó đòi của các doanh nghiệp bất động sản lại luôn có thể tạo nên sang chấn bùng vỡ cho giới ngân hàng chủ nợ, mà có thể kéo theo một làn sóng sụp đổ dây chuyền giữa một số ngân hàng lớn.

Nếu không thể giải quyết núi tồn kho bất động sản vào thời hạn “Minsky” giữa năm 2014, hoặc chậm lắm đến cuối năm 2014, rất nhiều khả năng nợ xấu bất động sản sẽ làm bùng vỡ nợ xấu quốc gia và đẩy các ngân hàng vào thế tồn vong. Thế tồn vong đó cũng có thể gây tác động tiêu cực không nhỏ đến chân đứng của một nền chính trị vốn đang chịu nhiều xáo động.

Nếu không tự thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của mình, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng rơi vào một cơn khủng hoảng mới còn ghê gớm hơn cả khủng hoảng 2008 và đợt suy thoái kéo dài suốt ba năm qua. Khủng hoảng kinh tế lại rất dễ dẫn đến khủng hoảng xã hội – một phạm trù vốn đã tiềm ẩn nhiều mầm mống được thể hiện trên nhiều đường phố. Khi đó, liệu một chính khách cao cấp nào – tổng bí thư, chủ tịch nước hay thủ tướng - có thể dám chắc là không xảy ra một cơn địa chấn về chính trị?

RFI : Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Thụy My (RFI)

Bùi Tín - Trả tự do cho Phương Uyên, thách thức còn nguyên ở phía trước

Trong cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc với ông Trương Tấn Sang, khi nói về vấn đề nhân quyền, Tổng thống Barack Obama nói: «Về vấn đề nhân quyền, chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn cả về tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được và những thách thức còn tồn tại».
Ý của ông Obama rất rõ ràng. Những thách thức đang tồn tại là ở phía Việt Nam. Sắp đến Việt Nam có vượt qua những thách thức ấy không? Tất cả vấn đề là ở đó.
Trước đó 2 ngày, Tổng thống Obama  trả lời các thượng nghị sỹ và dân biểu Mỹ quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam rằng ông sẽ đặt vấn đề nhân quyền thành điều kiện tiên quyết  trong quan hệ giữa 2 nước. Cũng không có gì rõ ràng hơn thế. Trả lời cho ngành lập pháp Mỹ, ông Obama cũng cố ý nhắn cho ông Trương Tấn Sang và Bộ Chính trị Hà Nội biết quan điểm của phía Hoa Kỳ. Chắc chắn ông Sang đã nghe được tín hiệu quan trọng này.
NguyenPhuongUyen-DinhNguyenKha05-danlambao

Lúc này Bộ Chính trị Hà Nội không được phép lầm lẫn. Họ không được chủ quan, kiêu ngạo, duy ý chí, không chịu lắng nghe theo như cố tật của họ; họ cần hiểu rõ thời điểm hiện nay là hệ trọng vô cùng.
Họ đã thấy rõ cả một phái đoàn Hạ nghị viện Hoa Kỳ sang Hà Nội tìm hiểu tình hình tại chỗ về nhân quyền. Phái đoàn đã đến Sài Gòn, An Giang, Nghệ An, Tây Nguyên.
Bộ Chính trị đã nghe Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức phản đối việc báo chí nhà nước ở Hà Nội loan tin thất thiệt là Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã « công nhận nhân quyền ở Việt nam đã có tiến bộ đáng kể» và yêu cầu cải chính. Lại thêm một trò ăn gian, bất lương của Hà Nội bị lật tẩy.
Đã vậy cái Nghị định 72 đã được đưa ra rất không đúng lúc. Nó vừa vô lý, trái luật, lại không sao thực hiện nổi, vô tác dụng trước khi có hiệu lực, vì khó hiểu, đầy chuyện mơ hồ, mù mịt.
Quả thật đã có vài dấu hiệu nho nhỏ theo hướng tiến bộ có thể thừa nhận. Việc xét xử ông Lê Quốc Quân được hoãn lại do «thẩm phán chủ tọa hội đồng xét xử ốm»; sau khi bắt các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy, công an có danh sách dự định bắt thêm chừng 20 blogger nữa, nhưng họ đã ngừng lại từ 2 tháng nay. Công an đã phải đấu dịu với vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực hơn 1 tháng; họ đã để  Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu xuất cảnh sang CH Liên bang Đức . Các nam nữ thanh niên sang Bangkok – Thái Lan để gặp các tổ chức quốc tế và vào đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội chỉ bị làm khó dễ, không bị bắt và đưa về trụ sở công an như trước.
Nhưng tất cả chỉ là những hành động ít ỏi, có tính chất đối phó. Những bước đi cần thiết còn ở phía trước. Ông Trương Tấn Sang đến Viện Nghiên cứu Chiến lược CSIS  bác bỏ bản đồ lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc, lẽ ra khi về nước ông phải trả ngay tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ và 2 sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, vì những người này bị tuyên án từ 6 đến 8 năm tù giam chính là do có cùng chung lập trường với ông Chủ tịch nước trong vấn đề chống bành trướng Trung Quốc. Quyền trả lại tự do cho công dân là quyền hiến định của Chủ tịch nước. Ông Trương Tấn Sang cần tỏ ra nhất quán với chính mình, nếu không ông chỉ là con người giả dối, 2 mặt.
Cả Bộ Chính trị và riêng Chủ tịch Trương Tấn Sang cần hiểu thật rõ rằng việc coi trọng nhân quyền đang  là vấn đề then chốt trong quan hệ quốc tế, và rằng Việt Nam cần các nước đối tác hơn là họ cần Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng cần nhận thức được rằng Tổng thống Hoa Kỳ phải đáp ứng yêu cầu về nhân quyền rất mạnh mẽ của ngành lập pháp ở vào thời điểm này, khi Đạo luật HR1897 được thông qua với tỷ lê 405/3, một tỷ lệ áp đảo gần  như tuyệt đối, theo đó Việt Nam có thể  bị trừng phạt rất nặng nếu vấn đề nhân quyền vẫn  trì trệ như hiện nay.
Hà Nội cũng chớ nên quên rằng thời cơ để được gia nhập tổ chức Đối tác XuyênThái Bình Dương (TPP) là cực hiếm và cấp bách, và rằng việc duy trì và tăng thêm 2 nguồn chi viện đầu tư ODA và FDI cho những năm tới phụ thuộc vào thái độ tôn trọng nhân quyền của Hà Nội cũng như  vào việc Bộ Chính trị có tôn trọng quyền con người của dân mình hay không. Đây là một cuộc trao đi đổi lại sòng phẳng cân bằng.
Nói cho cùng là chuyện chọn bạn tốt, chọn bạn tin cẩn, bạn hẩu chiến lược mà kết thân. Hãy đặt quyền lợi toàn dân lên trên hết. Kể ra tài sản riêng của các vị quyền cao chức trọng đã đủ, quá đủ rồi. Xin đừng quá tham, tham lam vô độ  rồi sẽ  không kịp hối.
Hôm 16/8/2013, qua phiên tòa phúc thẩm Long An, Bộ Chính trị đã phải lui một bước nhỏ, hạ mức án tuyên phạt thanh niên yêu nước Đinh Nguyên Kha từ 8 năm xuống 4 năm tù giam, hạ mức án của sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên từ 6 năm tù giam xuống 3 năm tù treo. Lãnh đạo đã tỏ ra bước đầu hiểu những thách thức còn tồn tại đối với họ. Nhưng hoàn toàn chưa đủ «độ» cần thiết. Hai thanh niên yêu nước chống bành trướng này hoàn toàn không có tội. Như Tổng thống Obama đã nói, «đối với họ một ngày bị tù cũng là quá nhiều».
Về nhân quyền, những thách thức vẫn còn khá nhiều ở phía trước. Các nhà báo Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy … và biết bao chiến sỹ chống bành trướng khác đang bị giam cầm cũng phải được tự do ngay, như em Phương Uyên đã trở về đàng hoàng với bà Mẹ tin yêu trong niềm vui chung của cả xã hội.
Đã sửa một lầm lỡ theo luật pháp thì mọi lầm lỡ tương tự cũng phải sửa ngay không trì hoãn. Luật pháp chỉ có một cán cân chung cho mọi người. Một cuộc đấu tranh mới đang được mở ra.
Ngay trước mắt để xem trong vụ án xử 2 thanh niên yêu nước chống bành trướng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, Bộ Chính trị và các quân sư, trợ lý đã tính kỹ một cách tỉnh táo đúng thời điểm hay không. Cách giải quyết qua loa, kiểu xoa dịu, không thực chất, chỉ kích thích dư luận thêm.
Chớ có chủ quan, vụng tính, mờ mắt vì tiền của, nhà đất, phán đoán sai lạc, quay lưng lại với dân, để mà hối không kịp.
Blog Bùi Tín (VOA)

Vũ Thư Hiên - Một chuyện bỏ đảng

Nhân chuyện ông Lê Hiếu Đằng nằm trên giường bệnh còn hô hào các đồng chí bỏ đảng (cộng sản), tôi xin hầu các bạn Facebook một chuyện bỏ đảng (tất nhiên ở nước ta là đảng cộng sản, đảng duy nhất, khỏi nhắc lại mà rườm) theo cách hi hữu, riêng tôi chưa từng gặp.
000_Hkg8239642-305.jpg

Chuyện bỏ đảng thông thường diễn ra theo cách êm - ấy là khi chuyển công tác, hay chuyển chỗ ở (các quan hay chữ gọi là chuyển địa bàn cư trú), đảng viên được cấp một tấm giấy gọi là giấy chuyển sinh hoạt đảng, để đảng viên tiếp tục họp chi bộ ở nơi mới chuyển đến. Không trình giấy ấy, bỏ bê không liên hệ với tổ chức đảng trong một thời gian nhất định, sẽ bị cắt sinh hoạt đảng (tức là không còn được coi là đảng viên nữa). Nhưng ra khỏi đảng cách ấy khác xa với việc bị đảng khai trừ. Người bị khai trừ coi như có dấu nung đóng lên mặt, đi đâu cũng gặp lắm chuyện lôi thôi, nhất là với các ông bà cán bộ tổ chức, với công an, khi anh còn trong tuổi làm việc. Ra sao cho êm có nghĩa là như thế. Chứ mà làm đơn xin ra đảng thì rách việc lắm lắm – hành động đó được đảng, và cả thiên hạ nữa, đánh giá như sự bôi gio trát trấu vào mặt đảng, rằng đảng chẳng ra cái chó gì, tôi không thích ở với các người nữa, tôi chán lắm rồi, tôi cút. Cái đó sẽ làm cho đảng cáu. Đảng toàn năng mà đã cáu thì hậu quả là khôn lường, người xin ra đảng sẽ lãnh đủ, đủ cái gì thì chẳng cần nhiều trí tưởng tượng cũng đoán ra.

Tôi có anh bạn là đảng viên cộng sản, anh này thấy người ta bày ra các trò gọi là đảng lãnh đạo toàn diện như buộc đảng viên phải thi hành mọi nghị quyết trên ban xuống, cấm ho he, chỉ một mực nhắm mắt chấp hành, như cái cách cơ cấu các cấp uỷ đảng (là sắp đặt trước ấy mà) trước các cuộc bầu bán trong nội bộ đảng, hoặc như trong các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân hay Quốc Hội thì cho người dặn trước cử tri nhớ gạch tên cái thằng số 8, con mẹ số 9…, những chuyện như thế với người khác coi như không sao, xưa nay vẫn thế, nhưng anh thì lại bực mình. Mới quyết định ra khỏi đảng.

Anh không viết đơn, mà gửi cho chi bộ của anh một tuyên bố. Anh viết thế này:

“… Trước nay, trong mọi việc tôi làm, trong mọi hành xử liên quan tới tư cách đảng viên. tôi thường tự vấn: tôi có xứng đáng với đảng không? Chưa bao giờ câu hỏi ngược được đặt ra: trong mọi việc đảng làm, đảng có xứng đáng với tôi không? Nay thì câu hỏi ấy đã được đặt ra, và câu trả lời là: đảng không xứng đáng với tôi. Nên tôi ra.”

Anh cho tôi xem lá đơn, à quên, bản tuyên bố ấy, trước khi gửi đi. Tôi băn khoăn, nói:”Thế này có căng quá không?”. Anh đáp: “Chuyện nó là thế thì mình viết đúng thế, có gì mà quá”!

Vào những năm 60 thế kỷ trước, cái cách bỏ đảng như thế là chuyện động trời. Tôi hồi hộp theo dõi hậu quả việc làm không giống ai của bạn mình. Tôi lo cho anh lắm.

May, rồi anh không bị làm sao hết. Người ta nói: đó là trường hợp đặc biệt - thời đảng còn trong bí mật mẹ anh từng che giấu, nuôi nấng rất nhiều các vị sau này làm to, từ chủ tịch nước trở xuống, nên người ta không nỡ xuống tay với anh. Phải người khác ấy à, có mà toi cả họ.

Vũ Thư Hiên (FB Vũ Thư Hiên )

Đài báo Việt Nam tự do làm hàng chợ?

Truyền thông Việt Nam hiện nay là một môi trường phát triển mạnh nhưng các nỗ lực kiểm soát vì lo ngại an ninh, cộng với sự phản ứng của dư luận thiếu niềm tin vào báo chí đứng đắn đã tạo ra một môi trường báo đài lệch chuẩn.

Truyền thông Việt Nam đang bùng nổ và có đầy cơ hội làm ăn

Một thống kê sơ bộ cho thấy, số đầu báo, tạp chí, bản tin trên TV, đài ở Việt Nam đạt con số không dưới 700 cho trên 90 triệu đầu dân nhưng về lý thuyết, cả nước chỉ có một vị tổng biên tập là Trưởng ban Tuyên Giáo của Trung ương Đảng Cộng sản.

Nhìn vào hàng loạt tựa đề tin tức giật gân trên báo mạng cả nước, khó có thể tin rằng vị tổng biên tập đầy quyền uy trên có thời gian và tâm trí quyết định về mọi bài báo, bản tin về các vụ 'chân dài', án mạng rùng rợn, tệ nạn xã hội.

Trên thực tế, sự kiểm soát chỉ tập trung vào an ninh chính trị cho hệ thống và toàn bộ phần còn lại là tùy vào cảm quan của các chủ báo, vừa ăn lương quan chức, vừa đóng vai tổng biên tập.

Quan báo làm hàng chợ

Điều đặc dị của Việt Nam là chính quyền trên 60 tỉnh thành đều có các đài truyền thanh, truyền hình riêng và quan chức nhà nước, sỹ quan quân đội, công an đã dùng thời gian công, tiền bạc công để ‘làm báo’.

Họ dùng lợi thế có sẵn về nguồn tin và nghiễm nhiên chiếm thị phần từ vị trí đặc quyền của mình, tạo ra một thị trường méo mó và hiển nhiên là đưa tin theo quan điểm quyền lợi nhỏ lẻ của ngành mình.

Một số còn vào cả cuộc chơi mạng xã hội để phát tán quan điểm riêng đôi khi mang tính ân oán giang hồ hoặc để đánh bóng tên tuổi.

Thị phần cho báo chí có nội dung lành mạnh bị thu hẹp vì có quá nhiều tác nhân tham gia nên cuộc chạy đua cũng khiến các báo đua nhau giật tít ‘khủng’, và bất kể từ vị trí nào cũng làm báo lá cải và sản xuất 'hàng chợ'.

Ví dụ điểm qua trang giaoduc.net (7/8/2013) trong mục Văn hóa có thể thấy các tựa bài như:

“Ngọc Trinh: Cú lột xác từ 'chân dài não ngắn' đến chủ cơ ngơi tiền tỷ”.

“"Hoa hậu 3 con" Thu Hoài khoe vai trần như thiếu nữ 18”.

Chuyên mục Xã hội của báo này có bốn bài dài về chủ đề ‘Đánh ghen kinh dị tại Bình Dương’ với các tựa đề như "Vụ đánh ghen, lột quần áo: Chồng giúp 'tình địch' làm đơn tố cáo vợ".

Không hiểu tính giáo dục của các bài đó nằm ở đâu?


Dù có 'định hướng' báo chí Việt Nam vẫn phải làm hàng chợ để sống

Trang web báo Công an TP. HCM cũng không thiếu các tin giật gân câu khách như trên, và còn đi sâu vào các chủ đề xã hội nhưng không hề mang tính phê phán và cũng không có chút gì về hoạt động của ngành công an.

Phóng sự điều tra: ‘Bướm đêm dập dìu’ của báo này viết về ‘đội ngũ gái vẫy khoác trên mình những bộ quần áo ngắn cũn, thiếu trên hụt dưới’ thi nhau mời khách lúc trời chập tối tại Sài Gòn, ghi rõ cả giá đi khách của các cô gái bán dâm.

Đó là về phía 'lề phải', còn báo mạng 'lề trái' cũng không phải là không thiếu các vấn đề, từ chất lượng bài vở, tính cá nhân chủ nghĩ̉a đến thói quen công kích dễ dãi như 'đánh hội đồng' với người trái ý.

Cào bằng lịch sử

Một trong những tiêu chí của báo chí là giải thích bối cảnh câu chuyện để người đọc nắm bắt được đầu đuôi của sự việc.

Nhưng tại Việt Nam, tin quốc tế cũng bị kiểm duyệt nên xảy ra tình trạng chỉ đưa tin chung chung mà né tránh toàn bộ phần lịch sử.

Ví dụ, tin về ông Kim Jong-un chỉ dừng lại ở chuyện lá cải như ông ta có mái tóc mới, vợ ông ta cũng dùng hàng hiệu mà không có câu nào về tình trạng kinh tế suy sụp ở Bắc Triều Tiên hay các trại trừng giới khủng khiếp.

Các chuyện về Nga, Cuba, Trung Quốc cũng bị cắt xén phần lãnh đạo nước này bị phê phán ra sao.
"Nhà nước phải dám 'cắt rốn' cho báo chí buông bầu sữa 'bao cấp tư tưởng' để được lớn cùng xã hội dân sự"
Chẳng hạn hồi tháng 4/2013, tin về tài sản tiền tỷ nhà cựu Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo có thể tìm thấy trên trang web soha.vn, của một công ty cổ phần tại Hà Nội trích lại trang Người đưa tin.

Nếu chỉ đọc báo Việt Nam, người ta có thể ngỡ rằng Nam và Bắc Triều Tiên không khác nhau bao nhiêu, và cũng không rõ cuộc chiến Triều Tiên 1953 do ai gây ra.

Báo chí Việt Nam cũng gần như đặt thời Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay 'ngang nhau', và mập mờ trong việc so sánh Trung Quốc thời Mao, thời Đặng và hiện nay.

Hệ quả của việc cào bằng khác biệt này đang tạo ra một cách tư duy né tránh các vấn đề nghiêm trọng của thế giới trong dư luận Việt Nam, khiến quốc gia mất đi tính nghiêm túc.

Vì sao có tình trạng kiểm soát thông tin mọi cách có chọn lựa, tùy đợt như hiện nay?

Như đã nói ở trên, sự bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế khiến truyền thông Việt Nam không phải là một môi trường khép kín như Bắc Hàn hay còn kém phát triển như Miến Điện.

Nhưng Việt Nam cũng không có phương tiện hoặc chưa có đủ nhân tài vật lực như Trung Quốc để tạo ra cả một thế giới mạng song song với thế giới và cấm toàn bộ các kênh bên ngoài như Facebook, YouTube.

Việt Nam vì thế chỉ có thể cấm từng lúc, từng giai đoạn, hoặc qua các vụ bắt bloggers để cảnh báo giới viết bài và đăng tải ‘ngoài luồng’, hoặc ra các quyết định nhắm vào từng đối tượng cụ thể như Nghị định 72 gần đây nhất nói về mạng xã hội.

Nhưng báo chí không chỉ là chuyện hoạt động chính trị về nhân quyền, dân chủ hay các luồng quan điểm trái chiều.

Quốc gia nào cũng cần có các kênh thông tin chính thức lành mạnh và năng động như một phần của sinh hoạt văn hóa, xã hội và tư tưởng.


Truyền thông Việt Nam cào bằng nhiều chủ đề lịch sử và quốc tế

Hệ quả và giải pháp

Việt Nam phần nào đã chấp nhận truyền thông là một phần của kinh tế thị trường - báo chí, truyền hình, truyền thanh là một loại hình kinh doanh – với các nhà đầu tư tư nhân, trong và ngoài nước cùng tham gia, mà mới nhất là đầu tư của Forbes.

Vì thế, có thể nói là phần hạ tầng cơ sở (infrastructure, hardware) và công nghệ kỹ thuật, các loại hình (genres, platforms) cho truyền thông Việt Nam đã có, khá hiện đại và còn tiếp tục pháp triển.

Nhưng phần thượng cần kiến trúc của báo chí chưa làm được việc chuyển tải thông tin, tư tưởng, quan điểm các loại nhằm tạo ra các cuộc thảo luận rộng rãi để công luận giám sát giới chức lập pháp và hành pháp.

Một trong số các giải pháp chính mà chính quyền có thể làm được là hạn chế́ con số báo chí hiện nay để giảm bới tính lá cải nói chung và sự lan truyền của các tin tức gây choáng, gây sốc làm nhiễu loạn dư luận nói riêng.

Về sự hỗn loạn của con số báo chí, đài phát thanh, phát hình ở Việt Nam, cần phải nhắc rằng số cơ quan công quyền được cho phép ra báo, phát hành tin tức ngoài lĩnh vực của họ lớn hơn nhiều so với một xã hội tự do như Anh Quốc.
"Ngoài những điều cấm đã ghi rõ, báo chí được tự do hoạt động và tự chịu trách nhiệm khi bị kiện cáo dân sự"
Chưa nói đến các trang blog cá nhân, các trang mạng xã hội, chỉ riêng con số các báo tỉnh, báo ngành ở Việt Nam, từ báo toà án tới dầu khí, đã vượt xa Anh Quốc, nước chỉ có chừng 10 tờ báo lớn ra ở London, Manchester và Glasgow.

Về truyền hình, cả Liên hiệp Vương Quốc Anh cũng chỉ có bốn đài chính chuyên về tin tức quốc tế và quốc nội là BBC, Channel4 (công lập), ITV và Sky News (tư nhân).

Tại Việt Nam, Nhà nước chỉ cần nắm các đài phát thanh, truyền hình lớn, và để báo chí cho xã hội tự quản lý.

Nhưng Nhà nước phải dám 'cắt rốn' cho báo chí buông bầu sữa 'bao cấp tư tưởng' để được lớn cùng xã hội dân sự.

Vì không được vào các lĩnh vực báo chí thực thụ, như phóng sự điều tra, đánh động dư luận về các vấn đề cơ bản, nhiều trang báo mạng Việt Nam bám vào phần rẻ tiền của thị trường lá cải.

Các đài báo chính thống hơn cũng liên tiếp khai thác mấy chủ đề đã trở nên nhàm chán: hoa hậu, giải trí, thời trang.

Nỗ sợ mất thị trường quảng cáo là điều không chỉ có báo Việt Nam mới gặp phải.

Cách đây 4-5 năm báo chí Phương Tây cũng lo ngại sự phát triển của mạng Internet làm họ mất thị phần vì tiền bán báo và nhận quảng cáo sụt giảm.

Nhưng sau khi chọn con đường trở lại tin tưởng vào bạn đọc, các báo Mỹ chẳng hạn, đã dũng cảm buông 'bầu sữa quảng cáo' từng chiếm 80% doanh thu của họ (theo The Economist 16/8), và áp dụng chế độ đọc trả tiền cho nội dung có chất lượng.

Nay, nhiều báo Anh và Mỹ đã có thu nhập tăng đều từ phí bạn đọc trả trực tiếp qua chế độ 'pay-wall', với riêng New York Times tính đến tháng 8/2013 có thu nhập 150 triệu USD từ lệ phí bạn đọc qua bạn đọc trên mạng, một thành công đáng kể.

Các báo khác ở Anh, Canada và một số nơi khác bắt đầu làm theo, và tin thời sự của BBC News Online cũng thu hút quảng cáo trên mạng ngoài nước Anh, đem lại nguồn thu cho tập đoàn này, cho thấy tin nghiêm túc vẫn có vẫn có một thị trường bạn đọc.

Một bước tiến khỏi tình trạng bùng nhùng hiện nay là Việt Nam lập chế độ kiểm duyệt công khai (như ở Đông Dương thời Pháp) để làm rõ điều gì cấm, điều gì được phép trong in ấn, xuất bản.


Ông David Hunt từ Ủy ban Khiếu nại Báo chí Anh (PCC) trả lời phóng viên

Sự kiểm duyệt như vậy ít ra còn văn minh hơn chế độ kiểm soát mờ ảo tùy nhu cầu chính trị hoặc phe phái từng lúc của các quan chức, và mạnh mẽ hơn cách ra văn bản sau rụt lại vì bị phản đối.

Tiến bộ hơn, Việt Nam có thể bỏ hoàn toàn cơ chế cơ quan chủ quản và lập ra Cục Giám sát Truyền thông như OFCOM và Ủy ban Khiếu nại Báo chí (Press Complaints Commission) ở Anh xem xét khiếu kiện khi báo chí phạm luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài những điều cấm đã ghi rõ, báo chí được tự do hoạt động và tự chịu trách nhiệm khi bị kiện cáo dân sự.

Nhưng dù lập ra kiểu gì và gọi tên là gì, cơ quan này cần hoạt động theo luật định và độc lập với các đảng phái, và chắc chắn không thể thuộc về một bộ nào đó để tránh chuyện cơ quan hành pháp vừa ra quy định, vừa tự xử lý các vụ việc của chính mình.

Như mọi lĩnh vực khác, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn trong thị trường truyền thông, thông tin và sự hỗn loạn hiện nay có thể xếp vào thời kỳ quá độ nếu mọi bên quan tâm thực sự muốn vươn tới một cuộc chơi mới, văn minh, giàu có và nhiều tri thức hơn.

Nội dung chính của bài viết đã được đăng trên trang Grupo RSB ở Brazil tháng 4/2013 và trình bày tại một hội thảo hè về Việt Nam tại Singapore 12/8 vừa qua. Tác giả là khách mời của nhiều hội thảo quốc tế về truyền thông và đã tổ chức các khóa học của BBC College of Journalism cho các nhà báo BBC cùng khách mời Đông Nam Á ở Bangkok, Jakarta và London.


Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com

Việt Mỹ đối thoại quốc phòng song phương

Trao đổi hải quân Việt-Mỹ
Hoa Kỳ và Việt Nam đã có nhiều hoạt động trao đổi thường niên

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Hoa Kỳ vừa chủ trì Đối thoại quốc phòng song phương Mỹ-Việt lần thứ 10 giữa hai bên tại Hawaii.

Cuộc đối thoại hàng năm diễn ra hôm thứ Năm tuần trước.

Thông cáo từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) nói hai bên cùng nhận thức được tính chât phức tạp và cấp bách của các thách thức an ninh trong khu vực cũng như trên quốc tế.

Những người tham gia đối thoại lần này cũng đã thảo luận cách thức phát triển và làm sâu thêm hợp tác quốc phòng hai bên, nhất là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Các chủ đề chính trong Đối thoại quốc phòng song phương lần thứ 10 bao gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và phản ứng thiên tai cùng các hoạt động hợp tác khác, theo PACOM.

Phía Hoa Kỳ một lần nữa bày tỏ quan tâm tới quyền tự do đi lại trong khu vực, và khẳng định hai bên Việt Nam và Mỹ chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á.

Đối thoại hàng năm

Đối thoại quốc phòng song phương là một trong ba cơ chế đối thoại liên quan tới quốc phòng mà Việt Nam và Mỹ tổ chức hàng năm.

Đó là các cuộc Đối thoại quốc phòng song phương (Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chủ trì, bắt đầu từ 2005); Đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng (do Bộ Ngoại giao hai bên chủ trì, bắt đầu từ 2008); và Đối thoại Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng hai bên chủ trì, bắt đầu từ 2010).

Có thể thấy hai quốc gia cựu thù đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng từ sau khi bình thường hóa quan hệ.

Các cuộc đối thoại không chỉ nhằm trao đổi quan điểm và kinh nghiệm, mà còn tiến tới các thỏa thuận hợp tác cụ thể và cần thiết.

Hiện nay hợp tác quốc phòng vẫn còn giới hạn trong các lĩnh vực nhân đạo, thiên tai, quân y... Việt Nam mong muốn mua vũ khí khí tài từ Mỹ, nhưng còn vướng rào cản là điều kiện về nhân quyền.
(BBC)

Biển Đông: Trung Quốc trấn an các nước láng giếng như thế nào?

Những tuyên bố chủ quyển về Biển Đông của Trung Quốc đang tạo ra rất nhiều căng thẳng trong khu vực, và ngày càng có nhiều yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ những tuyên bố này.
map-island-dispute

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tất cả các quần đảo và bãi đá ngầm tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Scarborough đã quá rõ ràng, dù cho việc này liên tục bị phản đổi bởi nhiều quốc gia khác. Điều mà Trung Quốc cần làm rõ là mức độ, bản chất và cơ sở của những tuyên bố chủ lãnh hải bao phủ gần hết toàn bộ khu vực Biển Đông. Trong năm 2009, Trung Quốc gửi tới Hội đồng về Giới hạn Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc một bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò tai tiếng; tấm bản đồ này đã không thể hiện rõ ràng những tuyên bố chủ quyền về những hòn đảo thôi hay cả các hòn đảo và nước.

Đáp lại những sự căng thẳng và bất ổn định trong khu vực đang ngày càng gia tăng, một vài học giả đã cho rằng Trung Quốc trấn an các làng giềng của họ và những nước khác trên thế giới bằng cách đưa ra những tuyên bố với mục tiêu làm giảm một số căng thẳng mà không giới hạn lại mức độ tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ.

Đầu tiên, Trung Quốc có thể sử dụng lý lẽ là các tuyên bố chủ quyền của họ phù hợp với Điều 58 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho phép các quốc gia có một khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) dài tới 200 dặm biển. Nhưng khi có mặt sự chồng chất chủ quyền với những khu vực xung quanh, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có lẽ không được xếp vào những khu vực đặc quyền kinh tế với chiều dài 200 dặm biển hay bất cứ nơi đầu gần đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền – một hiệp ước được đưa ra tại Tòa án quốc tế trong trường hợp Nicaragua v Colombia.

Thứ hai, Trung Quốc có thể khẳng định rằng đường chữ-U được truy ngược lại năm 1947, ban cho Trung Quốc quyền lịch sử trên khu vực biển bên trong đường lưỡi bò mà không bị thay thế bởi UNCLOS. Nhưng nhận xét này là sai lầm. Trung Quốc thực ra chưa từng tuyên bố rằng họ tuyên bố chủ quyền đối với mọi khu vực biển bên trong đường lưỡi bò, cho nên không thể có một quyền nào về khu vực biển đó có thể được tạo ra từ đường lưỡi bò này. Nếu bây giờ Trung Quốc tuyên bố là họ có chủ quyền toàn bộ vùng biển thì đây chính là lần đầu tiên, và ngày sớm nhất cho tuyên bố đó chính là ngày hôm nay. Việc đường lưỡi bò được vẽ từ năm 1947 không có nghĩa là tuyên bố chủ quyền tương đương bắt đầu tư năm 1947.

Thứ ba, Trung Quốc có thể thúc ép các bên liên quan sang một bên những tranh chấp và thay vào đó là cùng nhau hợp tác phát triển chung. Dù cho điều này có vẻ như một phương án thực tế để xúc tiến, nhưng nó cũng khó mà thành công. Thực tế là Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố quá ngang ngược nhằm tự ý tạo ra những khu vực chủ quyền đối với khu vực có nhiều nước liên quan; để rồi sau đó việc đòi các quốc gia khác phải chia sẻ tài nguyên bên trong các vùng biển này với Trung Quốc. Việc này thực sự khó mà được các quốc gia khác chấp nhận.

Cuối cùng, Trung Quốc có thể trấn an các nước láng giềng của họ rằng họ tôn trọng quyền tự do tàu bè qua lại ở Biển Đông. Điều này có thể được nói ra nhằm trấn an Hoa Kỳ, một quốc gia có mối quan tâm mạnh tới việc giữ cho vùng biển này ở trạng thái mở. Tuy nhiên, tuyên bố kiểu này có vẻ như không có ý nghĩa gì – khẳng định rằng Trung Quốc tôn trọng sự tự do tàu bè qua lại theo định nghĩa của riêng họ, điều này khác xa so với định nghĩa mà Hoa Kỳ và phần đông các quốc gia khác có.

Các quốc gia cần được trấn an bởi những thái độ và hành vi hợp lý, chứ không phải những lởi nói suông. Những tuyên bố mập mờ đối với phần lớn ở khu vực Biển Đông và những nổ lực ép buộc các nước khác tuân theo những tuyên bố này thì hoàn toàn không hợp lý chút nào. Cách duy nhất Trung Quốc có thể trấn an các nước láng giếng của họ là mang những tuyên bố này ra trước UNCLOS và luật pháp quốc tế. Trung Quốc nên chuẩn bị để đàm phán những giới hạn của các khu vực bị tranh chấp này, nếu mà điều này thất bại, thì cần phải nhờ tới tòa án quốc tế.

Huy Duong, Southeast Asian Sea Foundation/EAF

 Bài viết dài hơn được đăng trên Asia Sentinel, mời quý độc giả xem thêm tại đây.
 
Việt Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 

 © Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Vợ Bạc Hy Lai buộc tội chồng để cứu con?


Ông Bạc Hy Lai từng tham vọng tham đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc

Vợ của chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai sẽ chỉ chấp nhận cung cấp bằng chứng chống lại chồng mình trong phiên tòa xét xử ông nếu như đạt được một thỏa thuận nhằm bảo vệ con trai của hai người, hãng tin Reuters dẫn tin từ hai nguồn thân cận với con trai của ông Bạc và bà Cốc Khai Lai nói.

Ông Bạc, một lãnh đạo cao cấp đầy tính cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người mà tham vọng sẽ có mặt trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước đã tan thành bong bóng hồi năm ngoái, bị cáo buộc các tội danh tham nhũng, ăn hối lộ và lạm quyền.

Vụ án Bạc Hy Lai là vụ án kịch tính và gây chia rẽ nhất tại Trung Quốc kể từ suốt gần 40 năm qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người kiêm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, sẽ muốn phiên tòa xử ông Bạc khép lại tất cả tranh cãi, trong lúc ông đang muốn thúc đẩy các bước cải tổ kinh tế lớn trước kỳ họp kín Đại hội Đảng, sẽ diễn ra vào tháng Chín hoặc tháng Mười tới.

Đây là dịp mà ông Tập sẽ cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng, các nguồn tin thân cần với giới lãnh đạo Trung Quốc nói với Reuters.

Hy sinh vì con?

Một thỏa thuận theo đó ông Bạc sẽ bị kết tội một cách chóng vánh và bị bỏ tù nhưng không bị án tử hình, còn con trai ông sẽ không bị ảnh hưởng gì, có thể là điều mà cả hai bên cùng quan tâm, các nguồn tin nói.
"Bà Cốc rất yêu cậu Bạc, và chỉ có một cách duy nhất khiến bà chịu đưa ra chứng cứ chống lại ông Bạc, đó là thỏa thuận nào đó nhằm bảo vệ con trai của họ khỏi bị tấn công."
Một nguồn dấu tên
Vợ ông Bạc, bà Cốc Khai Lai, và cảnh sát trưởng của ông, ông Vương Lập Quân, đều đã bị án tù quanh vụ bê bối hồi tháng 11/2011, sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood ở Trùng Khánh ở mạn tây nam Trung Quốc.

Ông Bạc khi đó là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.

Ông Bạc hồi tháng Ba năm ngoái đã bị cách chức và kể từ đó người ta không thấy ông xuất hiện trước công chúng.

Con trai của hai ông bà, Bạc Qua Qua, vẫn đang ở Hoa Kỳ, nơi anh đang theo học năm đầu tại trường luật Columbia Law School ở New York.

Tin tức trên truyền thông nói bà Cốc có thể ra trước tòa làm chứng, và rất có thể bà đã đưa ra các bằng chứng bất lợi cho ông Bạc.

Một nguồn tin biết rõ tình hình nhưng không muốn nêu danh tính vì sự nhạy cảm của vấn đề, nói rằng chỉ có một thứ khiến cho bà Cốc chịu đồng ý làm chứng chống lại chồng mình: bảo vệ Bạc Qua Qua.

"Bà Cốc rất yêu cậu Bạc, và chỉ có một cách duy nhất khiến bà chịu đưa ra chứng cứ chống lại ông Bạc, đó là thỏa thuận nào đó nhằm bảo vệ con trai của họ khỏi bị tấn công," nguồn này nói, nhưng không giải thích thêm là kiểu tấn công gì có thể xảy ra.

Một nguồn tin khác nói cơ quan công tố đã không truy tố ông Bạc nếu như không có đủ bằng chứng chống lại ông.


Những hình ảnh tay chơi của Bạc Qua Qua trong các buổi tiệc tùng đã gây bão trên mạng internet ở Trung Quốc

"Bà Cốc Khai Lai không phải ra làm chứng để phiên tòa có thể diễn ra. Cả ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai đều có chung một mục tiêu: bảo vệ con trai của họ khỏi việc bị buộc phải chịu trách nhiệm", nguồn tin này nói.

Tại phiên tòa xét xử bà hồi tháng Tám năm ngoái, bà Cốc thừa nhận đã đầu độc ông Heywood và nói có mâu thuẫn kinh tế giữa họ, khiến doanh nhân người Anh đe dọa Qua Qua, các thông tin chính thức nêu trên truyền thông nhà nước nói.
Qua Qua, người con duy nhất của ông Bạc và bà Cốc, được theo học tại một trường tư danh tiếng của Anh, sau đó là các trường đại học Oxford và Harvard.

Các hình ảnh được tải trên trang Facebook của anh, chụp từ các buổi tiệc tùng, và các tường thuật hồi năm ngoái về lối sống tay chơi của anh tại Hoa Kỳ đã tạo ra một cơn bão trên mạng internet ở Trung Quốc.

Tuy bạn bè và những người quen biết nói anh muốn phản ứng lại một cách mạnh mẽ hơn trước những đánh giá tiêu cực đối với cha mẹ mình, nhưng Qua Qua đã không mấy lên tiếng công khai bởi sợ rằng mình sẽ làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ.

Bình luận trái ngược

Các cuộc điện thoại gọi cho luật sư Lý Quý Phương, được chính phủ chỉ định bào chữa cho ông Bạc, đã không được trả lời.

Lý Tiểu Lâm, một luật sư đại diện cho gia đình bà Cốc trước kia, nói ông không biết liệu bà Cốc có được gọi là làm chứng chống lại ông Bạc không.

"Không ai biết chắc là liệu bà Cốc sẽ xuất hiện hay không, cho tới ngày xét xử," ông Lý nói với Reuters.

Tuy nhiên, Lý Trang, một luật sư và là một gương mặt đối lập nổi tiếng của ông Bạc thời ông Bạc còn là Bí thư Thành ủy, nói ông cho rằng ít có khả năng bà Cốc sẽ ra tòa.

"Ít có khả năng là bà Cốc Khai Lai sẽ xuất hiện trước tòa, bởi tôi cho rằng họ không cần tới bà ấy. Nếu như họ không nghĩ rằng đã có đủ bằng chứng thì họ đã không đưa vụ việc ra xét xử vào lúc này," ông nói.
(BBC)

Vụ 'Bạc Hy Lai': Thêm một nhân vật liên quan từ chức

Cảnh sát canh giữ tòa nhà dự định để xét xử Bạc Hy Lai tại Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc ngày 25/07/2013.
Cảnh sát canh giữ tòa nhà dự định để xét xử Bạc Hy Lai tại Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc ngày 25/07/2013. (Reuters)

Hãng tin AFP hôm nay 19/8/2013, dẫn nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho hay, vị bác sĩ pháp y, người tham gia vụ án vợ ông bạc Hy Lai bà Cốc Khai Lai vì tội giết người, đã xin từ chức. Việc bất ngờ từ chức của vị bác sĩ pháp y, nhân vật quan trọng trong vụ án Cốc Khai Lai được thông báo trong lúc phiên tòa xử Bạc Hy Lai đang chuẩn bị mở vào ngày 22/8 tới đã gây không ít suy luận trong dư luận.

Bà Vương Tuyết Mai chính là người đã phát hiện thấy những chi tiết không khớp trong các bằng chứng kết luận đầu độc doanh nhân người Anh, được quy tội cho bà Cốc Khai Lai, vợ của quan chức cao cấp bị thất sủng Bạc Hy Lai. Chuyên gia pháp y họ Vương tham gia vụ án và không đồng ý với kết luận pháp y cho rằng đã tìm thấy trong tử thi của thương gia người Anh được phát hiện tại một khách sạn hạng sang tại Trùng Khánh năm 2011 có chất độc cyanur. Đây là bằng chứng để buộc tội bà Cốc Khai Lai đầu độc thương gia người Anh, dẫn đến việc bị tuyên án tử hình (nhưng cho hoãn thi hành án).

Nhật báo Global Times, hôm nay cho biết, vị chuyên gia pháp y này đã từ chức Phó chủ tịch Hội pháp y Trung Quốc nhưng vẫn giữ các chức vụ phó phòng công tố tại Viện Kiểm sát. Trong một đoạn băng video được công bố tuần qua, bà Vương Tuyết Mai cho biết lý do từ chức là vì có bất đồng liên quan đến một vụ án khác.

Tuần trước, chính quyền Trung Quốc cũng đã thông báo bãi nhiệm một vị thẩm phán từng kết án Vương Lập Quân, cựu giám đốc Công an Trùng Khánh, một mắt xích quan trọng trong chuỗi vụ án liên quan Bạc Hy Lai.

Mặc dù các vụ việc từ chức này đều có lý do, nhưng mọi diễn biến liên quan đến những nhân vật có ít nhiều dính dáng đến vụ án chính trị lớn này đều được dư luận ở Trung Quốc xâu chuỗi liên quan với vụ xét xử ông Bạc Hy Lai tới đây.

Trên các trang mạng ở Trung Quốc đã xuất hiện nhiều bình luận cho rằng những nhân vật trên đã biết quá nhiều và chính quyền đang chuẩn bị dọn đường cho vụ xét xử Bạc Hy Lai vì tội tham nhũng và lạm quyền, dự kiến sẽ mở ra vào sáng thứ Năm ngày 22/08 tới đây. Thời gian kéo dài phiên tòa không được ấn định.

Đa số giới quan sát tại Trung Quốc đều nhận định nhiều khả năng Bạc Hy Lai sẽ phải lĩnh án bởi những cáo buộc đưa ra khá nặng như nhận hối lộ hàng chục triệu đô la hay dùng quyền hành che dấu làm sai lệch hồ sơ vụ án giết người của vợ … Điều quan trọng hơn là ban lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay muốn nhanh chóng khép lại vụ bê bối lớn ở thượng tầng lãnh đạo, đồng thời cũng là dịp khẳng định quyết tâm chống tham nhũng và lộng quyền trong Đảng.
Anh Vũ (RFI)

Biển Đông: Philippines tin tưởng sự đoàn kết của ASEAN

Các Ngoại trưởng ASEAN nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết tại cuộc họp ở Brunei ngày 30/06/2013.
Các Ngoại trưởng ASEAN nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết tại cuộc họp ở Brunei ngày 30/06/2013.

Theo báo chí Philippines hôm nay, 19/08/2013, trong một nhận định về kết quả cuộc họp kín trong hai ngày 14-15/08 vừa qua tại Thái Lan, Ngoại trưởng Philippines, đã tỏ ý lạc quan về khả năng ASEAN có được lập trường thống nhất để đàm phán với Trung Quốc về bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Thái độ tin tưởng của Ngoại trưởng Philippines được biểu lộ vào lúc nước này đang bị Trung Quốc tập trung công kích và cô lập trên vấn đề Biển Đông.

Nhật báo Philippine Daily Inquirer đưa tin là hôm 17/08 vừa qua, trong một tin nhắn văn bản, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã xác nhận nguồn tin từng được Bộ Ngoại giao Thái Lan đưa ra hôm 14/08, theo đó Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á họp lại tại Hua Hin đã đồng ý là sẽ cùng nhau khuyến khích Trung Quốc ngồi vào bàn thảo luận về việc đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC.

Ông del Rosario đã tỏ ý tin tưởng rằng : « Với tinh thần đoàn kết và nói lên cùng một tiếng nói, ASEAN đã thống nhất quan điểm là sẽ thúc giục Trung Quốc chấp nhận nhanh chóng đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử COC ». Đây là một thỏa thuận mang tính chất ràng buộc mà phía Trung Quốc mới chỉ miễn cưỡng chấp nhận mở tham vấn với Hiệp hội Đông Nam Á, còn việc đàm phán không thấy nói đến.

Ngoại trưởng Philippines cùng với các đồng nhiệm ASEAN đã họp lại vào giữa tuần qua tại Thái Lan để hội ý trong nội bộ khối, chuẩn bị cho cuộc họp của ASEAN với Trung Quốc về COC vào cuối tháng này tại Bắc Kinh.

Theo ông del Rosario, nhân một cuộc họp song phương với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Manila trước đó, hai nước được xem là ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền ở Biển Đông bị Trung Quốc lấn lướt, đã cam kết làm việc với nhau để thuyết phục các nước ASEAN có một lập trường thống nhất, đặc biệt là trong việc kêu gọi Trung Quốc mở hẳn đàm phán thay vì chỉ tham vấn về COC.

Theo các nhà phân tích, trong một chừng mực nào đó, thái độ đoàn kết mà khối ASEAN biểu thị tại Thái Lan mới đây là một chuyển biến tích cực, trái hẳn với tình trạng chia rẽ bộc lộ vào năm ngoái khi chủ tịch luân phiên của ASEAN là Cam Bốt lại khăng khăng phục tùng quan điểm của đồng minh Trung Quốc để « nhận chìm » hồ sơ Biển Đông.

Sự đoàn kết được khôi phục của ASEAN tuy nhiên vẫn bị cho là còn rất mong manh, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái gây chia rẽ. Một trong các biện pháp đang được Bắc Kinh áp dụng là đả kích Philippines, nêu bật hình ảnh của một Philippines bị họ cho là « gây rối », làm tổn hại quan hệ hữu hảo của toàn khối Đông Nam Á với Trung Quốc. Một trong nhiều ví dụ : Báo chí Trung Quốc gần đây vẫn tiếp tục nã pháo vào Philippines. Mới đây, hôm 16/08, Nhân dân Nhật báo đã không ngần ngại cáo buộc Manila là « thường xuyên khiêu khích… liên tục tìm cách đa phương hóa và quốc tế hóa » vấn đề Biển Đông.
Trọng Nghĩa (RFI)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét