Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Tin ngày 08/8/2013 - tiếp

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI


TIN BÁO ĐỘNG: NHÀ BÁO VÕ TÙNG – VÕ DUY ĐÔNG báo Pháp Luật ĐÃ BỊ BẮT

Theo tin tức VA vừa nhận được, nhà báo bút danh Võ Tùng – Võ Duy Đông vừa bị C45 Bộ công an bắt.  Anh là phóng viên của Báo Pháp luật TP.HCM, phụ trách khu vực Đồng Nai.
Được biết Pháp luật TP.HCM đã  họp báo với công an Đồng Nai và tin tức sẽ được đăng tải vào sáng ngày mai.
Loạt phóng sự nóng hổi về tệ nạn mãi dâm mà phóng viên Võ Tùng đang thực hiện là:  Bình Dương qua mặt Đồng Nai: Múa sex và… tới bến
Thông tin ban đầu cho biết việc nhà báo bị bắt có liên quan đến tiền bạc!
Được biết, nhà báo từng thành công với loạt bài phóng sự “Nhức nhối nạn đóng “hụi chết” cho CSGT trên quốc lộ 20″ đã đem về GIẢI BA giải thưởng BÁO CHÍ THÀNH PHỐ LẦN THỨ 31 – NĂM 2013 cho báo Pháp Luật.  Thời gian vừa qua, phóng viên Hoàng Khương từng bị án 4 năm tù vì thực hiện loạt phóng sự CSGT nhận hối lộ.
Đã từng có nhiều kết luận của giới nhà báo chuyên nghiệp về việc viết báo rất nguy hiểm tại Việt Nam.  Từng có những vụ đánh án do Công An cung cấp thông tin nhưng kết quả là phóng viên bị đi tù.  Có những vụ kết án phóng viên gây làn sóng bão táp trên làng báo cũng như dư luận.
Sự việc không đơn giản khi phóng viên bị kết án nhưng không được tòa soạn,  hội nhà báo, và các nhà báo đoàn kết lại đấu tranh bảo vệ quyền tác nghiệp của chính nghề báo.
TIN CẬP NHẬT: Theo tin từ Bộ Công An, nhà báo  bị bắt can tội cưỡng đoạt tài sản: Vòi tiền 1 quán bar, nếu không đưa tiền sẽ cho lên báo.

votung-phapluat

Bắt phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM vì nghi nhận hối lộ


Đây là phóng viên vừa thực hiện xong loạt bài điều tra về các sai phạm của các quán bar trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 11h ngày 7/8 tại một nhà hàng của một khách sạn ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Vào thời điểm trên, khi PV Duy Đông (tức Võ Thanh Tùng, 31 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM) đang nhận tiền của chủ một quán bar thì bị lực lượng Công an (Bộ Công an) ập đến bắt giữ.
Theo nguồn tin ban đầu, ông Tùng bị bắt cùng tang vật là một xấp USD vừa nhận từ tay chủ quán bar. Cùng bị bắt với ông Tùng còn có 2 người tên Tài và Minh được cho là cộng tác viên đã giúp phóng viên này thực hiện một số loạt bài điều tra trong thời gian qua.
Ngay sau đó ông Tùng được đưa về nhà riêng ở huyện Vĩnh Cửu để tiến hành lệnh khám xét nhà.
Đến gần 18h cùng ngày, việc khám xét được hoàn tất và cơ quan Công an đã thu giữ khoảng 6 thùng tài liệu gồm máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim…và áp giải cả 3 ra xe công vụ về cơ quan điều tra.
Được biết PV Duy Đông (Võ Thanh Tùng) vừa thực hiện loạt bài đăng trên Báo Pháp luật TP.HCM viết về các sai phạm ở các quán bar ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai như: Múa cột, ma túy trong các quán bar ở Đồng Nai; Bình Dương qua mặt Đồng Nai múa sex và tới bến…
Trước đó, loạt bài phóng sự điều tra: Nhức nhối nạn đóng “hụi chết” cho CSGT trên QL20 của nhà báo này tạo sự quan tâm lớn của dư luận.
THEO KIẾN THỨC

Bình Dương qua mặt Đồng Nai: Múa sex và… tới bến

  Trên số báo trước, chủ quán bar MTM (Đồng Nai) khẳng định với chúng tôi: “Không có quán bar nào “sạch” cả!”. Để hút khách, các quán luôn có màn múa cột, cắn thuốc lắc, say rượu và đánh nhau… (xem bài “Sẽ đề nghị rút giấy phép quán bar vi phạm”).
Các quán bar ở Bình Dương cũng không là ngoại lệ nhưng còn có thêm chuyện các cô phục vụ sẵn sàng đi khách sạn với khách…
Trong những ngày thâm nhập các quán bar, chúng tôi thấy gần chục quán bar như Roma, Thuận Thiên, Đêm Màu Hồng, 106, D1… công khai trong việc cho vũ công múa cột để thu hút khách.
Tuyến, một đại gia buôn bán phế liệu ở huyện Tân Uyên, cho biết trừ một bar ở Thủ Dầu Một tương đối kén khách, số còn lại rất xô bồ. Khách vào quán bar phần nhiều là công nhân và những tay giang hồ. “Mại dâm, ma túy, đánh đấm thường xảy ra sau khi đám dân chơi vào các quán bar”. Về màn múa cột trong các quán bar, Tuyến buông chắc nịch: “Cái đó gần như công khai và theo định kỳ các ngày trong tuần”.
Múa cột trong bar D1 ở Bình Dương. Ảnh: DĐ
Theo chân Tuyến, đêm 6-7, chúng tôi đến bar D1 ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương). Gần 22 giờ nhưng quán chật cứng khách, chủ quán đã phải tận dụng luôn lòng lề đường để làm chỗ đậu xe. Theo Tuyến, bar D1 tổ chức múa cột tương đối sớm vì hầu hết khách đến bar này là công nhân, một số chuyên gia người Hàn Quốc, Đài Loan làm việc ở các công ty trên địa bàn và họ thường rời quán sớm để hôm sau đi làm.
Tại quán này, chỉ hơn 22 giờ nhưng các dancer đã trình diễn tiết mục múa cột thứ hai. Hai dancer mặc đồ thiếu vải lắc lư những động tác khiêu dâm trong tiếng hò reo của hàng trăm thanh niên. Sau khi nhét những đồng tiền bo từ khách vào đồ lót, hai dancer càng diễn bạo hơn, uốn éo những động tác không thể tục tĩu hơn…
Một anh bạn đi cùng lấy điện thoại định ghi hình liền bị bảo vệ hét vào tai: “Ông chụp ảnh là bị “vòng trong” đập máy đó”.
Tiếp tục lắc lư với chiếc cột bóng loáng được khoảng 15 phút thì hai dancer này rời cột, xuống tận từng bàn uống rượu và nhảy múa cùng khách. Cứ nhảy chán thì các vũ công lại xuống “giao lưu” với khách, sau đó lại lên cột uốn éo…
Sau nhiều ngày thâm nhập, chúng tôi thấy nhiều thanh niên non choẹt vào bar uống rượu, nhảy nhót. Nhiều người không ngại hút bồ đà, cắn thuốc lắc để tăng độ “phê”.
Sau khi uống hết hai thùng bia, Tuyến cho biết: Khách tìm đến các quán bar còn vì cái vụ kia. Sau khi tắt nhạc, những em phục vụ sẵn sàng tới bến với khách.
Để chứng minh, Tuyến dùng điện thoại viết: “Off nhạc, ăn tối với bọn anh nhé” rồi đưa điện thoại cho một phục vụ tên Th. xem. Đọc xong, cô này viết lại: “Tới sáng luôn hả anh, cho em 7 xị nha?” rồi chuyển cho Tuyến.
Sau khi ra dấu OK, Tuyến yêu cầu Th. rủ thêm ba cô và địa điểm gặp nhau là một khách sạn ở Lái Thiêu. Chúng tôi tính tiền, bước ra khỏi quán, đồng hồ lúc này gần 1 giờ sáng.
Theo ThS Lê Minh Công, giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, quán bar không phải xấu, rất phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam nó bị biến tướng, trở thành điểm tụ tập của nhiều thanh niên hư hỏng và gây nhiều hệ lụy xấu đến một bộ phận thanh thiếu niên khác.
Tám năm trước, Chính phủ chỉ đạo tạm ngưng cấp mới giấy đăng ký kinh doanh quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường để rà soát, đánh giá. Lúc đó, Chính phủ nhận định: Các vi phạm ở quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường ngày càng nghiêm trọng như sử dụng băng đĩa ca nhạc có nội dung cấm phổ biến; tổ chức múa khỏa thân, khiêu dâm; sử dụng heroin, thuốc lắc; biến địa điểm kinh doanh thành nơi ăn chơi sa đọa; hoạt động mại dâm hoặc môi giới mại dâm; sử dụng hung khí hoặc thuê bảo kê giết người…
Sau tám năm, nhận định của Chính phủ vẫn còn nguyên giá trị.
THEO PHÁP LUẬT TP

Sự im lặng khó hiểu

Bị từ chối thô bạo, bị giội gáo nước lạnh là tâm trạng của nhiều phóng viên khi tham gia phiên họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 5-8. Gần như tất cả phóng viên đặt câu hỏi đều có câu về giá điện, nhưng Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa điều hành đã kiên quyết không trả lời bất cứ câu nào.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khi tham gia “dân hỏi, bộ trưởng trả lời” đã nói rằng có tâm trạng… khó tả mỗi khi tăng giá điện. Phải chăng “khó” nên Bộ Công thương quyết không nói thêm cho dân hiểu?
Ngay từ câu hỏi đầu tiên của buổi họp báo, vấn đề giá điện đã được nhà báo nêu ra. Hầu như ai đứng lên cũng có thắc mắc về giá điện. Trong đó, có nhiều câu hỏi rất cần sự hồi đáp công tâm của Bộ Công thương như: xin công khai giá thành điện cập nhật; doanh thu của EVN tăng 23% sao vẫn tăng giá; xin so giá điện VN với Lào và Indonesia… Hay cũng có những câu hỏi rất chính đáng của người dân được phóng viên chuyển tải như Bộ Công thương có thể công bố lộ trình tăng giá để người dân chuẩn bị?
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, ngành điện và Bộ Công thương đã giải thích đủ rồi và “không trả lời nữa!”… Bà thứ trưởng liệt kê bộ trưởng Bộ Công thương, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, rồi phó tổng giám đốc EVN đã trả lời… VTV1. Nhưng thưa bà thứ trưởng, bộ trưởng và các đơn vị liên quan chỉ trả lời trong vài phút thì liệu đã thấu đáo, đã đủ rồi đối với một vấn đề mà người dân rất quan tâm? Thậm chí khi vừa kết thúc họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ đã lên gặp chủ tọa để khẳng định những câu hỏi được đưa ra trong buổi họp báo là mới và chưa được trả lời thì bà Thoa lại đưa lý do… hết giờ!
Việc thẳng thừng từ chối báo chí dường như đang đi ngược lại với yêu cầu công khai minh bạch hơn về giá điện của Thủ tướng Chính phủ. Công khai minh bạch là yêu cầu tất yếu ở một xã hội có trình độ phát triển cao, khi mà nhà nước phải tăng trách nhiệm giải trình và thái độ phục vụ. Thực tế, ngay bộ trưởng Bộ Công thương dù được cung cấp đầy đủ thông tin nhưng đứng trước việc tăng giá điện, còn có “tâm trạng khó tả”. Thế mà khi người dân, qua công luận đặt câu hỏi thì lãnh đạo ngành công thương lại một mực từ chối trả lời, từ chối giải thích thì thật khó hiểu.
Từ năm 2011 đến nay, EVN đã năm lần tăng giá (hai lần năm 2011 và hai lần năm 2012). Giá điện không chỉ tác động đến mọi mặt đời sống mà còn như một cú đánh mạnh vào khả năng phục hồi của các doanh nghiệp. Phóng viên hỏi trong cuộc họp báo công khai, về một vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, nhưng rất tiếc lãnh đạo ngành công thương lại chọn cách im lặng. Câu hỏi đặt ra là ở Bộ Công thương, chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có được quán triệt trên thực tế hay lại là “dân biết, dân cứ bàn”?…
THEO TUỔI TRẺ

CÓ BAO NHIÊU CON CÁN BỘ LÊN ĐƯỜNG NHẬP NGŨ?


Chị gọi điện cho tôi, nói với giọng thảng thốt : “Em ơi! Có cách nào chạy cho thằng con chị khỏi bị gọi nhập ngũ, nó rớt Đại học rồi!. Có trường nào chị gởi, bao nhiêu tiền cũng được… Nếu không được chắc chị cho nó đi du học bên Sing, trường nào cũng được, miễn làm sao nó khỏi đi lính!”.
Tôi hỏi chị : “Đi nghĩa vụ quân sự giờ chỉ có 2 năm mà chị, sao không để nó đi, rồi về học Đại học cũng không muộn mà?”.
Chị cúp máy cái rụp, sau đó nhắn tin :”Tôi tưởng anh làm báo có thể giúp cháu, không ngờ anh tệ hại đến thế!”.
Mấy hôm nay, lần lượt các trường Đại học công bố điểm.
Cộng đồng mạng xôn xao về quy định vẫn phải nhập ngũ, khi có giấy báo nhập học sau giấy gọi nhập ngũ.
Các gia đình có tiền đang chạy bằng mọi cách, để con khỏi đi lính.
Một số tờ báo cũng ra sức “tư vấn” cho thanh niên khỏi nhập ngũ…
Cha mẹ nào mà không thương con?.
Nhưng quốc gia nào mà khộng cần những người lính, vậy đi lính bây giờ chỉ là con nhà nghèo, những gia đình không có điều kiện kinh tế?..
Tôi nhớ, hồi học trung học thời chiến tranh biên giới Tây Nam, lớp tôi có đến gần 50% sĩ số học sinh nam lên đường nhập ngũ và gần 1/3 bạn bè đã không trở về…
Với nhiều quốc gia đang trong trạng thái chiến tranh như: Israel, nam nữ thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự được xem là bắt buộc; hay Hàn Quốc, bất luận là nhân tài hay người của công chúng, từ 18 đến 35 tuổi đều phải thi hành nghiêm luật nghĩa vụ quân sự 24 tháng (như trường hợp ca sĩ Bi Rain hay siêu sao Lee Jun Ki hay siêu cầu thủ Park Chu-Young)…
Việt Nam với “truyền thống yêu nước nồng nàn”, sao lại có nhiều người muốn từ bỏ nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ngay cả khi ở thời bình?.
Hay bây giờ yêu nước chỉ là đóng góp tiền “Góp đá xây Trường Sa”, đóng tiền An ninh quốc phòng, hô hào bảo vệ Tổ quốc trên báo chí, truyền thông… còn nghĩa vụ đi lính thuộc về trách nhiệm con nhà nghèo?..
Thử thống kê coi có bao nhiêu con quan chức từ cấp phường xã trở lên lên đường nhập ngũ?…
THEO MAI THANH HẢI BLOG

Nhiều hành khách hết sức bất bình về cách cư xử của Vietnam Airlines

Khoảng mười hành khách mua vé chuyến bay đi từ Busan – Korea tới Hà Nội trên chuyến bay VN427 của Vietnam Airlines (VNA), theo lịch khởi hành lúc 10.30 ngày 25 tháng 7 năm 2013 đã hết sức bất bình về cách cư xử của hãng.
Một trong những nạn nhân của VNA đã tường thuật lại toàn bộ sự việc như sau.
Ngày 24 tháng 7 (trước ngày bay 1 ngày), nhân viên bán vé đã gọi điện đến nói rằng bên hãng muốn xác định về việc có đi trong chuyến bay ngày mai không, vì ngay mai khá đông nên nếu đi thì đề nghị ra sớm để làm thủ tục.
Ngày 25 tháng 7, tôi tới sân bay từ lúc 6 giờ 15 phút sáng, và ngồi chờ cho tới 8 giờ 15 phút sáng mới nhận được thông báo bắt đầu làm thủ tục cho chuyến bay đi Hà Nội. Trong khi đó, chuyến bay đi TPHCM từ Pusan sớm hơn chừng 30 phút cũng cùng làm thủ tục tại quầy làm thủ tục trên. Khi xếp hàng chờ làm thủ tục ký gửi hành lý, có một nhân viên người Hàn, không đeo phù hiệu tên có ra hỏi mọi người ai đi chuyến bay Hà Nội thì mong ra ngoài chờ để cho những người đi chuyến bay HCM làm thủ tục trước, vì lúc đó rất đông. Hơn chục hành khách đã vì thông cảm với hãng nên bỏ hàng đang xếp từ khá lâu để nhường cho những người làm thủ tục chuyến bay đi HCM trước. Sau đó nhân viên người Hàn đó nói đưa anh ta hộ chiếu và vé và họ sẽ làm thủ tục bên quầy thương gia giúp cho việc làm thủ tục nhanh chóng hơn. Anh ta hẹn tới 9h45 phút quay lại quầy làm thủ tục đó.
Tuy nhiên, lúc 9 giờ 30 phút, khi chúng tôi quay lại thì nhận được thông báo từ anh nhân viên người Hàn đó là toàn bộ ghế trong chuyến bay đi Hà Nội đã hết, do đó bây giờ hãng đưa ra hai giải pháp cho khoảng hơn chục hành khách đang đứng chờ.
Một là, hãng sẽ cho ngồi trên ghế hạng thương gia để bay vào HCM, rồi sau đó hỗ trợ vé từ TPHCM bay ra Hà Nội (anh ta còn giải thích là ngồi ghế này rất thích, giá vé ghế này đắt gần gấp đôi ghế bình thường).
Hai là, hãng sẽ đưa lên sân bay Incheon (Seoul) để bay về Hà Nội vào chuyến bay đêm ngày 25 tháng 7.

Trong sự việc này, hành khách đã hết sức bất bình về cách cư xử của VNAvới mình.

1. Bán số vé nhiều hơn số ghế có thể chở trong chuyến bay ngày hôm đó.
2. Khi đã biết sự việc đó từ ngày hôm trước hoặc lâu hơn, nhưng không có phương án nào đưa ra để hỗ trợ hành khách.
3. LỪA những người đang xếp hàng với lý do nhường chỗ cho người đi chuyến bay HCM để nhằm mục đích giữ hộ chiếu và vé. Khi chúng tôi đòi lại để làm thủ tục, nhân viên quầy nhất định không chịu trả.
4. Khi xảy ra sự việc, mặc dù trong quầy có một số nhân viên người Việt Nam đã không ai đứng ra giải thích một cách rõ ràng cho hành khách. Vì những người bị lừa chủ yếu là người lao động nên họ không đủ khả năng và trình độ tiếng Hàn để đòi hỏi hay cãi lý với anh nhân viên người Hàn. Tệ hơn, không có một lời xin lỗi nào được đưa ra.
5. Chuyến bay này phần lớn là người Hàn sang Việt Nam vào kỳ nghỉ hè, tuy nhiên không một người Hàn nào bị gạt lại mà toàn bộ là người Việt Nam trong đó chủ yếu là anh em đi lao động thấp cổ, bé họng, đuối lý không biết cãi thế nào. Không lẽ người Hàn họ đắt giá hơn người Việt nên họ được đi, còn người Việt man rợ nên muốn đối xử thế nào cũng được?
Chúng tôi phần lớn là những người đi lao động, xa quê hương. Để được về quê là cả niềm mong mỏi vài tháng hoặc thậm chí vài năm trời. Khi về, bố, mẹ, gia đình háo hức thuê xe ra từ quê thậm chí vượt mấy trăm cây số từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh… ra Hà Nội để đón. Điều gì sẽ xảy ra khi một đoàn người đi đón phải vạ vật ở sân bay chờ người thân tới cả ngày trời? Khi mua vé, giá vé của VNAcũng không phải là rẻ (ví dụ thời điểm Tết vừa rồi, VNA giá 810 ngàn won, trong khi Asiana khi đó còn khai thác đường bay Pusan – Hà Nội chỉ có 710 ngàn won/2 chiều). Dù mua vé không rẻ, nhưng VNA đã có cách đối xử không hề tử tế đối với những hành khách của mình.
Ngoài sự việc bất bình trên, vào dịp Tết năm ngoái tôi và hơn chục hành khách khác cũng bị một sự việc khác hết sức bất bình là khi về tới Hà Nội thì được hãng thông báo là “do hành lý quá nhiều không chở hết trên chuyến bay, do vậy hành lý ký gửi của một số hành khách sẽ về tới Hà Nội trong chuyến bay ngày hôm sau”. Bất bình hơn khi ngày hôm đó, tôi là một trong những người đầu tiên làm thủ tục cho chuyến bay, nhưng hành lý vẫn bị về chậm một ngày. Điều đó có nghĩa hãng hoàn toàn biết trước ngày hôm đó có nhiều hành lý, hoặc dành chỗ để chở những mặt hàng khác!? Do vậy, ngày hôm đó không ít gia đình thuê xe đi đón người thân và chở hành lý đã phải ở lại Hà Nội để chờ tới hôm sau mới nhận được hành lý.
Vẫn dĩ nổi tiếng là hãng hàng không “Sorry Airlines” với những chuyến bay bị chậm, trễ nhưng để xảy ra những sự việc trên thì thay vì khẩu hiệu “đem văn hóa Việt Nam đến thế giới” thì thiết nghĩ hãng nên “học văn hoá thế giới để mang về VNA”.
THEO NGUYỄN VĂN PHƯƠNG

Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận


Những ai cho rằng, Nghị định 72 hạn chế quyền tự do ngôn luận thì đó là tư duy ngụy biện.
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2013. Tuy nhiên, một số ý kiến thiếu thiện chí đã cố tình hiểu sai và cho rằng, Nghị định 72 là “cuộc tấn công tàn khốc nhắm vào quyền tự do thông tin”.
Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông về vấn đề này.
PV: Thưa ông, dư luận trong và ngoài nước, nhất là những người thường xuyên sử dụng Internet rất quan tâm tới việc ban hành Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Ông có thể nói rõ, văn bản pháp luật này ban hành nhằm mục đích gì?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Internet là một lĩnh vực mới ở nước ta. Việt Nam chính thức hòa mạng Internet ngày 19/11/1997. Trong 15 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc đối với việc ứng dụng các dịch vụ Internet ở Việt Nam. Với môi trường mới này, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp vì Internet là thế giới phẳng. Cho nên, nếu chúng ta không có chế tài, không có những quy định để phát huy những mặt tích cực thì những mặt tiêu cực, hạn chế của nó sẽ có tác động đến đời sống xã hội, đến văn hóa, nhận thức, tư tưởng, lối sống, đặc biệt lối sống của thanh thiếu niên. Bất cứ một quy định nào khi ban hành bao giờ cũng nhằm đạt mục đích quản lý và phát triển.
Tôi muốn nhắc lại vấn đề này để thấy tư duy của chúng ta có nhiều thay đổi. Khi Internet mới ra đời, Chính phủ ban hành một quyết định tạm thời là quyết định 21. Lúc đó, tư duy là quản lý được đến đâu thì phát triển đến đó. Nếu anh quản lý được 5 thì cho phát triển 5. Nhưng sau mấy năm, khi internet bắt đầu phát triển, chúng ta xây dựng Nghị định 55 với tư duy phát triển đi đôi với quản lý, nhưng quản lý không làm ảnh hưởng đến phát triển. Đó là bước đột phá về mặt tư duy. Đến bây giờ, khi xây dựng Nghị định 72, tư duy của chúng ta là quản lý phải theo kịp sự phát triển của Internet.
PV: Ông có thể giới thiệu một vài điểm đáng chú ý của Nghị định 72?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Nghị định 72 chú trọng đến thông tin trên Internet, thứ nhất là thông tin điện tử, mạng xã hội và game online. Đây là 3 lĩnh vực đang được xã hội hết sức quan tâm. Mạng xã hội, trang tin điện tử, game online là gì? Chúng ta phải có những quy định cụ thể để những lĩnh vực trên ngày càng phát triển, nhưng là phát triển lành mạnh, bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Một vấn đề đáng chú ý nữa là nghị định phân biệt rõ 5 loại trang tin điện tử như: trang tin điện tử tổng hợp, trang tin điện tử cá nhân, trang tin điện tử của các doanh nghiệp… Quy định như vậy để những ai muốn lập trang tin điện tử thì họ phải biết họ có quyền gì và giới hạn đến đâu, rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
PV: Thưa ông, với quy định, các trang web cá nhân hoặc trang do cá nhân lập ra trên các mạng xã hội sẽ không được phép “cung cấp thông tin tổng hợp”. Theo giải thích của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định như vậy là nhằm chấm dứt tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, làm như vậy là hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ông nghĩ sao về điều này ?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Về mặt hình thức có vẻ ràng buộc. Nhưng theo tôi, khi pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất. Tôi biết tôi được làm gì và không được làm gì. Chứ làm mà không biết mình đang làm cái gì, đúng hay sai thì còn nguy hiểm hơn. Chẳng hạn như việc, cá nhân biến trang thông tin điện tử của riêng mình (blog) thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp. Còn những ai bảo rằng, đưa ra quy định như vậy là hạn chế tự do ngôn luận, theo tôi đó là tư duy ngụy biện.
PV: Khi xây dựng nghị định 72, Bộ Thông tin và Truyền thông có tham khảo kinh nghiệm của các nước không, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Mỗi nước có một đặc thù riêng nhưng nền tảng chung về mặt công nghệ, chúng ta phải đảm bảo. Những nơi làm làm tốt mạng xã hội trên thế giới, chúng tôi đều tham khảo để áp dụng cho phù hợp với thực tiễn.
Quan trọng là áp dụng phù hợp bởi vì con người của mình khác, trình độ dân trí cũng khác. Dân chủ phụ thuộc vào nền tảng kinh tế- xã hội. Vì dụ những nước rất phát triển nhưng vấn đề dân chủ cũng còn vô vàn thứ phải bàn. Còn nước chúng ta ở trình độ phát triển như vậy thì vấn đề dân chủ thế nào cũng phải phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
THEO VOV

Y đức ở đâu?


Những vụ bê bối liên tục xảy ra ở các bệnh viện gần đây có phải là hồi chuông báo động về “y đức” trong xã hội hiện nay?
Trang nhất báo Tuổi trẻ số ra sáng thứ Tư 7-8 đưa một “chuyện động trời” ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội: hàng ngàn người xài chung kết quả xét nghiệm. Theo bài báo, có khoảng 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện này được dùng chung cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Trong số này có rất nhiều nhóm (từ 3-4 người, thậm chí 5 người) có chung chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm… Đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định, vụ “động trời” này không đơn giản là sai sót về chuyên môn như lý giải của những người trong cuộc mà là giả mạo, gian lận, gây hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra vụ gian lận kết quả xét nghiệm này từ hai tháng trước và thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội cho rằng, đây còn là một thủ thuật rút ruột quỹ bảo hiểm y tế…
“Chuyện động trời” ở bệnh viện Hoài Đức bị phát giác chưa lâu sau nhiều sự cố gây chấn động khác; chẳng hạn như trường hợp bé sơ sinh ở Núi Thành bị bệnh viện đa khoa Quảng Nam trả về cho gia đình “lo hậu sự” khi bé vẫn còn sống mới ngày 5-8 vừa qua, hay trường hợp các em bé sơ sinh ở Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc-xin chủng ngừa viêm gan B… Còn vô số những câu chuyện khuất tất khác vẫn xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện, từ việc nâng giá thuốc, lạm dụng yêu cầu xét nghiệm hay “nuôi bệnh” để trục lợi… đôi khi được hé lộ trên báo chí.
Tuy không thể lấy một vài trường hợp riêng lẻ để quy kết chung về một ngành nghề, nhưng những sự cố liên tục như vậy không khỏi khiến cho người dân lo lắng và đặt nghi vấn về hoạt động của hệ thống y tế nước nhà, làm niềm tin của xã hội đối với ngành y bị lung lay dữ dội.
Điểm chung của những chuyện buồn này là gì? Sơ sót nghề nghiệp hay là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người mặc áo blouse trắng mà xã hội vẫn tôn vinh là “thầy thuốc”? Làm thế nào để chấm dứt thực trạng đáng buồn này để người dân có thể yên tâm đặt sinh mệnh và sức khỏe của mình, của con em mình vào bàn tay chăm sóc của thầy thuốc?
THEO TBKTSG

Nợ xấu, VAMC và DATC

Thị trường đang có sự nghi ngại về con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại và về sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tiến trình xử lý nợ xấu.
Phải chăng nợ xấu quá lớn, và đang tiếp tục tăng, nên vượt ngoài khả năng kiểm soát và xử lý?

Bóng ma chưa hiện hình?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận: “Nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay ở mức lớn, có nguyên nhân chủ quan của hệ thống ngân hàng và nguyên nhân khách quan của những khó khăn, yếu kém kinh tế trong nước”. NHNN chỉ trích dẫn những số liệu nợ xấu của các nước đang phát triển (do Việt Nam cũng là nước đang phát triển?) ở khu vực châu Âu năm 2012 là 11,2%. Lý do mà cơ quan này đưa ra về việc không công bố con số vì số liệu nợ xấu không phải là một con số bất biến mà thay đổi theo thời điểm thống kê số liệu, nguồn số liệu và phương pháp xác định…
Thông tin như vậy là chưa đầy đủ. Con số về nợ xấu là không bất biến, nhưng lại là vấn đề nóng của 2 năm nay. Vì vậy việc đưa ra một con số, cho dù ở chỉ ở một thời điểm nhất định thì vẫn nên, để người dân có hình dung cụ thể hơn về “con ma” nợ xấu. Thực tế không phải NHNN chưa từng công bố về nợ xấu. Trung tuần tháng 7/2012, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của NHNN từng cho biết: đến 31/5/2012, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng qua hệ thống thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,47%.
Còn theo hệ thống giám sát của NHNN ghi nhận nợ xấu hệ thống khoảng 8 – 10%, cụ thể tới ngày 31/3/2012 là 8,6%. Và trong số nợ xấu đó có đến 40% là nợ có khả năng mất vốn. Đây là những con số chính thức, xin nhắc lại để bạn đọc phần nào hình dung được. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay đã hơn một năm – thời gian đủ để hình dáng của con ma nợ xấu thay đổi. Không phải NHNN không có, mà họ chưa, hoặc có lẽ là không muốn công bố. Nhưng nếu chỉ nghe nói tới con ma đó mà chưa từng được nhìn thấy, thì rõ ràng nỗi sợ hãi sẽ càng tăng. Chính sự tù mù, chỉ có thể tưởng tượng, suy đoán về con ma này đã dẫn đến nghi ngại trong dư luận: Phải chăng nợ xấu quá lớn, và đang tiếp tục tăng, nên vượt ngoài khả năng kiểm soát và xử lý?
Ngay khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, Ngân hàng Á Châu (ACB) lập tức tỏ ý muốn bán nợ xấu và nói rất rõ họ sẽ bán khoảng 1.500 tỷ đồng trong số 3.090 tỷ đồng nợ xấu. Điều đáng nói ở đây là với tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,9%, tức dưới 3% thì không phải là mức cao để phải cậy nhờ đến chuyên gia VAMC. Vậy tại sao ACB lại sốt sắng như vậy? Vì họ muốn cho công chúng biết rằng nợ xấu của tôi chỉ dưới 3%? Vì họ muốn mở hàng để VAMC “đắt khách”? Điều này e là khó, vì gần đây một số ngân hàng thương mại công bố nợ, hết quý II/2013 nợ xấu của họ dưới 3%: Vietcombank 2,7%, Sacombank 2,46%; Ngân hàng Quân đội dưới 2,5%…
Những con số này đều giảm hoặc được giữ nguyên so với quý I/2013. Điều này hơi đặc biệt. Vì rõ ràng hoạt động của các tổ chức tín dụng những tháng qua rất khó khăn. Vốn cho vay mới khó, thu hồi vốn cũ cũng chẳng dễ dàng gì. Vậy mà nợ xấu không tăng như dự báo, mà còn giảm?! Trong khi đó, cuối tháng 6 vừa qua, ông Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, có khoảng 30 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%. Và theo kết quả cuộc điều tra do Vụ Dự báo Thống kê của NHNN tiến hành cho thấy: trên 50% tổ chức tín dụng dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Bắt tay hay dẫm chân nhau?

Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy khẳng định, sau ngày khai trương công ty sẽ bắt tay ngay vào việc xem xét các món nợ vì họ đã có danh sách cụ thể, chỉ là xem món nào “lọt lưới” VAMC. Như vậy có thể hiểu không phải món nợ xấu nào VAMC cũng nhận xử lý, cho dù NHNN yêu cầu bất cứ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ cho VAMC. Ở đây có hai cách hiểu: được bán hay phải bán?
Được bán có lẽ là những ngân hàng như ACB – khi nợ xấu của họ ở mức dưới 3%. Phải bán sẽ áp dụng cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Nhưng rõ ràng nhiều ngân hàng sẽ không muốn mình phải bán nợ xấu. Thế khác nào thừa nhận mình yếu kém. Việc có tên trong danh sách bán nợ cho VAMC sẽ ảnh hưởng nhất định đến uy tín, tên tuổi của ngân hàng trên thị trường – điều mà ngân hàng rất kị khi ngày nay thương hiệu chính là thứ tài sản vô hình rất quan trọng. Đó là về phía người bán.
Về người mua – công ty VAMC thì sao? Hoài nghi, đó là cái nhìn đối với VAMC ngay từ khi còn trong trứng nước. Hiện hoài nghi này chưa hết. Vì, cho dù được sinh ra sau hơn 1 năm “thai nghén” và khai trương muộn 1 tháng so với dự kiến, VAMC vẫn chưa chuẩn bị được những cơ sở cả về vật chất và pháp lý đủ để tạo lòng tin cho mọi người. Nếu ví Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC là “xương sống”, thì hiện cơ thể này vẫn chưa có “tay chân” khi hai văn bản quan trọng khác để VAMC hoạt động là Thông tư hướng dẫn Nghị định của NHNN, và quy định cụ thể về nội quy hoạt động của Hội đồng thành viên VAMC… vẫn chưa được ban hành.
Trong khi đó, về lý thuyết, VAMC có không ít quyền: được thực hiện các hoạt động thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm, hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại khoản nợ, chuyển nợ thành vốn góp… Ngoài ra, VAMC còn thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng”. Có thể nói, phạm vi hoạt động của VAMC là khá rộng mà chưa có định chế tài chính nào ở Việt Nam hiện nay thực hiện nhiều mảng nghiệp vụ như vậy, ông Nguyễn Hữu Thủy cho biết. Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi khả năng đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, NHNN trong vấn đề xử lý nợ xấu, ông Thủy cho rằng, VAMC là công cụ đặc biệt của NHNN để góp phần xử lý các khoản nợ xấu chứ không phải là công cụ vạn năng. Và điều mà ông Thủy lo ngại nhất chính là thiếu sự đồng thuận của các ngành, các cấp.
Lo ngại này là thực tế, vì hiện đã có Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính: DATC – doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt. Nay lại có một VAMC – Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công cụ đặc biệt của NHNN. Hai công ty này sẽ bắt tay, hay dẫm chân lên nhau trong vấn đề xử lý nợ? Hiện VAMC bị hoài nghi là chỉ vì lợi ích của ngành ngân hàng. Nhưng cho dù VAMC có gỡ nợ xấu chỉ cho ngân hàng, thì công bằng mà nói chính doanh nghiệp cũng được lợi. Vì chẳng phải nợ xấu đa phần chính là những khoản cho doanh nghiệp vay đó thôi. Sự nghi kị giữa DATC và VAMC sẽ là rào cản lớn cho tiến trình xử lý nợ xấu.
THEO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Mỹ xem xét nghiêm túc bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho VN

Chiều 7/8, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài David B. Shear khẳng định Mỹ nghiêm túc xem xét việc bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng kèm theo một số điều kiện.


Theo Đại sứ David B.Shear, từ năm 2006, Chính quyền của Tổng thống Bush đã dỡ bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, lệnh cấm bán vũ khí sát thương vẫn chưa được dỡ bỏ. Đại sứ cho biết, phía Việt Nam bày tỏ mối quan tâm về việc Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm này.
Một trong những điều kiện để dẫn tới việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí là vấn đề nhân quyền. Trao đổi với báo chí ngày 7/8, Đại sứ David B.Shear cho rằng xung quanh vấn đề này từ đầu năm 2013 đến nay Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể.
Trước đó, vào ngày 4/6/2012, tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Cụ thể hoá ‘Đối tác toàn diện’
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thành công tốt đẹp và quan hệ hai nước được nâng lên tầm ‘Đối tác toàn diện’.
Theo Đại sứ David B.Shear, ‘đối tác toàn diện’ là mối quan hệ có nội hàm rộng khắp, trên nhiều lĩnh vực khác nhau và sẽ được cụ thể hoá ngay trong những tháng cuối năm 2013 như trong tương lai gần, hai nước sẽ ký kết nghị định hợp tác về hạt nhân dân sự, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đại sứ cho biết, không chỉ kinh tế, đầu tư, giáo dục, hai nước cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự, Mỹ cũng tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh như dỡ bỏ bom mìn, vật liệu nổ; tẩy độc dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng…
Đại sứ Mỹ cũng cho biết Bộ Quốc phòng hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở Bản ghi nhớ ký vào tháng 9/2011.
Đại sứ cho biết để quan hệ Việt – Mỹ được nâng tầm ‘Đối tác toàn diện’ đã trải qua một quá trình xây dựng lòng tin lâu dài từ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, tới các hiệp định về kinh tế…Việc trở thành ‘Đối tác toàn diện’ phản ánh lòng tin đã được nâng cao lên mức mới.

Quan hệ Việt – Mỹ – TrungVề ảnh hưởng của Trung Quốc trong mối quan hệ Việt – Mỹ, Đại sứ David B.Shear cho biết Mỹ luôn xem Trung Quốc là đối tác quan trọng và mong muốn Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Theo Đại sứ, mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên sẽ giúp bảo đảm nền hoà bình, ổn định trong khu vực. “Không gì có lợi cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ – Việt Nam – Trung Quốc” – Đại sứ nhấn mạnh.
THEO TIỀN PHONG

TP.HCM sẽ có Thị trưởng?

Ngày 7/8, Thành ủy TP.HCM đã họp hội nghị bất thường cho ý kiến vào dự thảo tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.

Lập Ủy ban hành chính

Theo tờ trình, chính quyền đô thị TP.HCM sẽ xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, được tổ chức thành 2 cấp: chính quyền TP.HCM trực thuộc TƯ và chính quyền cơ sở.
Mỗi cấp đều có HĐND và UBND. Quận-huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền mà chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên.
Cấp hính quyền TP.HCM – thành phố trực thuộc TƯ, có quy mô toàn bộ 24 quận, huyện hiện nay của TP, trong đó trọng tâm là 13 quận nội thành: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú.



Tại 13 quận này, sẽ có các cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP.HCM dưới hình thức Ủy ban hành chính, có Chủ tịch Ủy ban hành chính quận (hoặc Quận trưởng) do Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm, bãi miễn. Tương tự, dưới quận cũng sẽ tổ chức các Ủy ban hành chính tại mỗi phường, có Chủ tịch Ủy ban hành chính phường (hoặc Phường trưởng).
Chính quyền cơ sở gồm 4 đô thị thành lập mới và các xã, thị trấn. Các đô thị thành lập mới lấy tên là thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc. Đây được xem là cấp dưới cấp chính quyền TP.HCM.
UBND tại 4 đô thị mới này do HĐND cấp tương ứng bầu, UBND TP.HCM phê chuẩn. Người đứng đầu mỗi đô thị mới, TP đề nghị gọi là Chủ tịch hoặc Thị trưởng và có ngạch bậc tương đương với Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Cụ thể, khu đô thị Đông (hay TP Đông) gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích 211 km2, trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao, giải trí.
Khu đô thị Nam (TP Nam) gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh, phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.
Khu đô thị Bắc (TP Bắc) gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn, là nơi phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao.
Khu đô thị Tây (TP Tây) gồm quận Bình Tân, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh. Đây là đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL, phát triển mạnh dịch vụ, khu công nghiệp và các khu dân cư.
Còn tại các xã và thị trấn, là cấp chính quyền cơ sở có HĐND và UBND, với cơ chế tự chủ cao (tương đương chính quyền 4 thành phố vệ tinh), do Chính quyền TP quản lý theo cơ chế phân cấp. Người đứng đầu thị trấn gọi là Chủ tịch hoặc Thị trưởng.
Về cơ chế phân cấp, điểm chú ý là thẩm quyền về tài chính công đã phân định rõ ngân sách TƯ và địa phương. Đối với ngân sách TƯ, việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm, chịu sự giám sát của TƯ. Còn địa phương hoàn toàn tự chủ thu chi và tự chịu trách nhiệm.
Đề án mô hình chính quyền đô thị TP.HCM cũng nhấn mạnh đến đổi mới chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn theo hướng gọn nhẹ, quản lý đa ngành, giảm đầu mối, hạn chế cấp trung gian. Đặc biệt, xác định rõ quyền và trách nhiệm trong quản lý của các sở ngành chuyên môn theo nguyên tắc mỗi nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.

Người dân sẽ được hưởng lợi?

Trả lời báo chí bên hành lang hội nghị, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM tổ chức chính quyền thành 2 cấp sẽ thực chất hơn, với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thay đổi quan niệm về công vụ cũng là một điểm đột phá mà ông Lịch nêu. “Sẽ không còn tình trạng phường, xã trở thành cái máng xối, mọi việc đều đổ xuống họ. Cái nào cấp dưới làm thì cấp trên không làm nữa mà chỉ kiểm tra, giám sát”, ông Lịch nói.
Thay đổi quan điểm chức năng của các sở ngành của TP cũng là một điểm đột phá. Từ đó, sở ngành không chỉ là tham mưu mà thực chất là quản lý nhà nước, bớt đi số vụ việc phải dồn hết lên UBND TP.


Ông Trần Du Lịch cũng nhận định rằng, mô hình chính quyền đô thị này sẽ tạo ra bộ máy chính quyền tinh gọn, trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả được nâng cao. “Thành phố lớn, nếu tổ chức những đô thị trực thuộc như vậy sẽ năng động hơn. Hiện nay, chưa kể các xã và thị trấn, riêng 4 TP trực thuộc, nếu năng động và sáng tạo sẽ giống như TP.HCM nhân lên 4 lần vậy. Các phúc lợi công cộng sẽ thực chất hơn với người dân”, ông nói.
Trả lời câu hỏi người dân sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình chính quyền đô thị này, ông Lịch cho rằng, hệ thống phúc lợi công và các dịch vụ cơ chế hành chính, người dân sẽ hưởng nhiều hơn. “Tương lai, phúc lợi của TP này hơn TP kia thì người dân có thể so sánh. Các TP sẽ phải cạnh tranh hơn để phục vụ dân tốt hơn, chính quyền sẽ thi đua với nhau để nâng phúc lợi lên”, ông Lịch nhận định.
Đề án sẽ được lấy ý kiến người dân, các chuyên gia, nhà khoa học… để hoàn thiện trong thời gian tới, trước khi trình QH và Chính phủ xem xét.
THEO VIETNAMNET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét