Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Người Buôn Gió - Thương người em nhỏ, bây giờ ở đâu?

Cô giáo Hạnh
Cô giáo Hạnh
Phải chăng cô là nạn nhân của sự ngăn cản thông tin. Khi chưa có nghị định 72 mới ra vừa xong của CP, cách đây vài năm. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh trên bục giảng, đã gợi ý học sinh của mình chịu khó lên mạng để tìm kiếm thông tin bổ sung cho môn học. Lập tức từ phía tuyên giáo của chính quyền nổi lên một cơn thịnh nộ. Báo Dân Trí lên án hành động này và quy kết cho đó là “đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục”.
hanh

Cô giáo Bích Hạnh bị đuổi việc, lâu dần không ai nhắc đến cô nữa.
Một chiều nắng năm 2010, tôi đến Yên Thành của đất Nghệ An, đi theo Lê Quốc Quân về quê hắn dự đám giỗ bố hắn. Quân dẫn tôi đi thăm làng quê hắn, đến một góc làng có một ngôi nhà lúp xúp thì hắn dừng lại ngó vào, qua hàng rào tre mục lưa thưa, tôi thấy một mảnh vườn phía trước trồng rau cải bắp và vài loại nữa. Quân nói.
- Ông biết cô giáo Bích Hạnh không.?
- À tôi có nghe, cô ấy ở Quảng Nam à.?
Quân lắc đầu.
- Không , nhà cô ấy ở đây, cô ấy dạy học trong Quảng Nam, nhưng vì bảo học sinh tìm kiếm thông tin trên mạng, bị bọn nó đuổi dạy, giờ về nhà rồi, xin việc chẳng nơi nào nhận.
Quân đẩy cái cổng tre, chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà thấp lè tè, nền đất, trong nhà có bộ bàn ghế cũ để giữa nhà đã long tróc. Ở góc nhà có một bộ máy tính bàn sản xuất từ đời nào, một giá sách nhỏ. Tò mò tôi lại gần ngó vài thứ giấy tờ trên bàn, đó là những tờ giấy của ai đó đang soạn về một chương trình giáo dục.
Nhà chẳng có ai, ở quê người ta thường để cổng như vậy, hơn nữa thì ngôi nhà này có gì mà để trộm bõ công vào lấy. Chúng tôi ngồi ở ghế giữa nhà một lúc, thì cô giáo Bích Hạnh đi từ ngoài cổng qua sân, tay cầm thúng, tay cầm liềm. Quân cất tiếng chào, cô giáo chào chúng tôi, cất đồ vào bếp và quay lên nhà rót nước mời chúng tôi uống. Hỏi thăm công việc, cô cho biết chưa xin được nơi nào, chẳng đâu người ta nhận, giờ về nhà làm ruộng vườn cùng mẹ.
Tôi nhìn thân hình gầy gò, mảnh mai của cô, hình dung người con gái chịu khổ quyết chí học hành đến lúc có bằng thạc sĩ , vừa chớm ước mơ đứng trên bục giảng vài bữa thì bị tai họa giáng xuống. Mọi ước mơ, mọi công sức học hành giờ tan tành. Trở về nhà mẹ bên miếng ruộng, mảnh vườn tần tảo sống qua ngày.
Thế rồi dòng đời trôi, tôi cũng không gặp cô nhiều, thỉnh thoảng lại đi cùng Quân về quê. Chuyện trò hàng xóm, tiện nhắc đến cô thì biết cô vẫn ở nhà làm vườn, ruộng, viết sách gì đó.
Nghệ An xảy ra vụ án chống chính quyền của mười mấy thanh niên xứ Nghệ. Theo dõi tin tức về những người bị bắt, hoàn cảnh từng gia đình, từng con người. Họ ở khắp nơi trên tỉnh Nghệ An, có người ở tít tận cuối tỉnh giáp Lào, người giáp Thanh Hóa. Từ đầu này Nghệ an đến đầy kia hàng trăm cây số. Trên cái xe máy cà tàng tôi đến từng nhà người bị bắt, nghe chuyện gia đình họ. Người con đứa lên ba, đứa trong nôi. Người sắp cưới vợ, người đang nuôi mẹ già, người đang học hành dang dở…tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình họ, để bạn bè và những người quan tâm giúp đỡ là một phần nhỏ tôi thấy sức mình có thể làm được trong lúc họ bị tù đày.
Thế nhưng, giờ tôi thấy mình đã bỏ sót một gia đình. Đó là gia đình cô giáo Bích Hạnh, thật sự chuyện này tôi cũng mới biết không lâu. Hóa ra trong vụ ấy, có người bỏ trốn được, anh ta đã bị phát lệnh truy nã của cơ an an ninh điều tra bộ công an.
Thái Văn Tự, người đã bỏ trốn, nhờ có sự bỏ trốn của anh mà cơ quan an ninh điều tra đã bế tắc không khai thác được thêm thông tin về những người khác nữa. Bây giờ thì chẳng ai biết Thái Văn Tự ở đâu.
Tự là chồng của cô giáo Bích Hạnh. Họ cưới nhau lúc nào tôi cũng không biết, dù tôi có gặp Tự trước đó vài lần. Là một kỹ sư ngành tàu biển, đang có công việc và đồng lương tốt, Thái Văn Tự bỏ việc để theo đuổi con đường mà Tự và những người bạn cùng quê hương đã chọn. Mong cho đất nước có tự do, dân chủ và bác ái.
Giờ thì Thái Văn Tự bặt tăm chim trời cá nước. Những người bạn anh vào tù được người đời nhắc đến, Thái Văn Tự ẩn dật nơi nào không ai rõ, kể cả vợ con anh ta.
Cô giáo Bích Hạnh mang thai và sinh đứa con trai khi chồng cô đang trốn lệnh truy nã, giờ bên mảnh vườn, ruộng xơ xác nắng lửa miền Trung ấy, cái căn nhà lụp xụp thấp tè cũ kỹ ấy phải cưu mang thêm một sinh linh nhỏ bé nữa.
Đằng sau những người đấu tranh, là những mảnh đời, những số phận của mẹ già, vợ dại, con thơ cùng gánh chịu những gian khó với họ.
Thế nhưng đất nước chưa bao giờ dứt những người đấu tranh. Những lớp người này vào tù ngục, lại có lớp khác đứng lên tiếp tục đòi hỏi tự do, công bằng , chủ quyền cho đất nước, cho dân tộc. Sẵn sàng đối diện với thể chế khắc nghiệt luôn đưa họ vào nhà tù hay khắc chế bằng mọi phương thức.
Cảm ơn những người phụ nữ gày gò, sớm hôm bên mảnh ruộng vườn, tần tảo nuôi con. Không một lời ca thán, dãi bày như cô giáo Bích Hạnh. Từng ấy năm qua, một mẹ một con sống nhờ mảnh vườn, ruông , cô giáo Bích Hạnh âm thầm vượt bao khó khăn mà chưa bao giờ cô muốn kể cùng ai.
Chẳng biết bao giờ cô và cháu nhỏ gặp lại người chồng, để sống yên bình như bao gia đình khác. Con đường phía trước của cô thật mịt mờ, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh ấy vẫn tràn đầy nghị lực sống,vẫn kiên cường đối diện vật lộn với miếng cơm , manh áo hàng ngày như bao thân nhân của những người tranh đấu khác.
Cô vẫn gầy guộc như cánh hạc, giữa cuộc đời giông tố và khắc nghiệt này. Mong cho mẹ con cô vượt qua được mọi gian khó….những gian khó mà chưa ai biết được ngày nào sẽ qua.

Lê Diễn Đức - Người cộng sản phản tỉnh kiên hùng

Tròn 11 năm ngày Tướng Trần Độ mất, 9/08/2002 – 9/08/2013.
Nếu nói về những hình ảnh phản tỉnh trong giới chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thì khó có ai có thể đứng sánh bên cạnh Tướng Trần Độ.
Kể cả Trần Xuân Bách, là Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung Ương Đảng, nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở mức có tư tưởng cải cách, muốn đa nguyên chính trị. Tuy thế, ông chưa hề có hành động thực tiễn nào và tư tuởng của ông được chấm dứt bằng việc ông bị hạ bệ (năm 1990) và “không được đi nước ngoài, không được gặp hay tiến xúc với người nước ngoài, tất cả những gì về ông bỗng dưng trở nên kín kẽ. Và ông trở thành nhân vật vô danh tiểu tốt kể từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời” (2006).
Theo wikipedia, Tướng Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh ngày 23/09/1923, trong một gia đình công chức ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố ông là thư ký ở Toà thông sứ tại Hà Nội, thường gọi là quan phán.
Là người theo cách mạng từ lúc còn rất trẻ, 16 tuổi ông đã đi theo cách mạng, 17 tuổi gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương (1940) và bị bắt giam qua nhiều nhà tù… rồi trốn thoát và tiếp tục hoạt động.
Năm 1946, ở tuổi 23, ông làm Chính ủy Mặt trận Hà Nội, sau đó ông tham gia làm báo Vệ quốc quân (sau này là báo Quân đội Nhân dân) trực thuộc Cục Chính trị, từ số 21 trở đi ông là Chủ nhiệm báo.
Năm 1950, ông làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô, rồi Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 32 tuổi (1955), ông là Chính ủy Quân khu 3 và đến năm 1958 được phong hàm Thiếu tướng.
TranDo1

Cuối năm 1964, ông vào miền Nam Việt Nam với bí danh Chín Vinh, cùng với các tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm để gây dựng lực lượng vũ trang chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên. Từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Chuyển sang ngạch dân sự, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban, kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
Ông cũng là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992).
Ông là Ủy viên Trung ương ĐCSVN các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).
Như vậy, dường như gần cả cuộc đời, Tướng Trần Độ đã đi theo Đảng CSVN, sống chết vì Đảng và giữ những chức vụ quan trọng. Chính ông là người đã góp phần vào việc thiết lập nên chế độ và bảo vệ nó.
Tư tưởng phản tỉnh của tướng Trần Độ nảy nở sớm, ngay khi còn đương chức đương quyền, từ năm 1974, thông qua trải nghiệm “đi một quãng đàng, học một sàng khôn”.
Vào tháng 10 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cuốn “Chuyện tướng Độ” của nhà văn Võ Bá Cường. Cuốn sách mô tả chân dung của Tướng Trần Độ, một vị tướng tài ba, đồng thời cũng là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng.
Trong cuốn sách có thuật lại một đoạn, đại ý: sau 1974 đi công tác tại Cộng hòa Dân chủ Đức, ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ông đã viết một bức “Thư tâm huyết”, dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, suy nghĩ và mong muốn gửi tới lãnh đạo ĐCSVN. Trong thư ông nói về sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó, ông hiến những giải pháp, không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, chấp nhận gặp nguy hiểm. Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào hợp tác đầu tư, bất kể đó là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa.
Bắt đầu giữ chức Trưởng ban Văn Hoá Văn nghệ, ông đã thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, soạn thảo và cho ra Nghị quyết 5, vào tháng 12/1986, nới lỏng kiểm duyệt mà người ta vẫn dùng từ “cởi trói” cho giới văn hoá, văn nghệ. Nhờ Nghị quyết này, tự do sáng tạo nghệ thuật phát triển, sách báo được lưu hành dễ dãi hơn, các tác phẩm của văn nghệ sĩ trước bị cấm vì lập trường chống cộng sản của Nhất Linh, Khái Hưng được tái bản. Trong giai đoạn này, những tác phẩm hay và giá trị đã ra đời cùng với những tên tuổi còn danh tiếng đến hôm nay như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Trần Huy Quang…
Ông nói:
“Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp”.
Kinh hoàng và lúng túng trước sự kiện hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn biểu tình đòi cởi mở chính trị và các quyền tự do dân chủ, đã bị đàn áp đẫm máu, cùng với sự sụp đổ của hệ thống cộng sản tại Đông Âu, ĐCSVN đã chấm dứt tiến trình ba năm “cởi trói” này.
Với hội nghị Thành Đô tháng 9/1990, bắt tay với tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải, bám víu vào thành luỹ ý thức hệ cuối cùng để giữ chế độ, ĐCSVN đã khai tử những đòi hỏi về dân chủ và đa nguyên chính trị.
Mặc dù không áp dụng hẳn phuơng thức “mèo nào cũng được, trắng cũng như đen, miễn bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình, những năm đầu của thập kỷ 90, để cứu vãn nền kinh tế suy sụp, nhà cầm quyền CSVN buộc phải mở cửa ra thế giới bên ngoài, kêu gọi đầu tư và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh nửa dơi, nửa chuột của một nền “kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa” hoang dã va man rợ, tự do kinh tế nhưng đóng kín chính trị, bất công và bất bình đẳng xã hội nảy sinh ngày một nặng nề. Cảnh dân oan khiếu kiện mòn mỏi vì bị tước đoạt đất đai, công nhân trong các khu công nghiệp sống lam lũ, xây dựng các dự án bất chấp huỷ hoại môi trường, luật lệ hỗn loạn, tệ nạn rút ruột công trình, tham nhũng trở nên nhức nhối, không thể nào ngăn chặn…
Là nhân chứng của cuộc sống đương thời, Tướng Trần Độ không thể không đau lòng. Ông tiếp tục lên tiếng, công khai một cách can đảm. Và kết quả là ngày 4/01/1999 ông bị khai trừ khỏi đảng sau 58 năm “sống cùng đảng chết không rời đảng”. Tháng 7 năm đó, trong một lá thư ông viết:
“Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ.”
Ngày 3/12/2000, xem xã hội như bốn bánh xe của một cỗ xe: – Một xã hội công dân – Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi – Một nhà nước pháp quyền – Một nền dân chủ đầy đủ,  ông viết:
“Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng nhờ có nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm đựơc mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người chỉ là một ảo tưởng hão huyền. Thế mà đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân”.
Dường như có lúc ông cũng bất lực nhìn nhận bản chất của chế độ độc quyền cai trị bằng bạo lực của ĐCSVN, tạo nên một xã hội nhiễu nhương, nền tảng đạo đức truyền thống bị huỷ hoại, cái ác lên ngôi:
Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

 Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện

 Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
(Trần Độ)
Ông mất ngày 9/08/2002, nhưng mãi đến ngày 13/08 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13/08 cô phát thanh viên không mặc áo tang đen mà vận chiếc áo hoa trên TV, mới đọc thông báo. Tuy vậy đông đảo những người mến mộ ông ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội vào sáng ngày 14/8 đã kịp về viếng.
Đến cả khi ông đã chết, nhà cầm quyền vẫn lo sợ, hèn nhát và cực kỳ vô nhân đạo. Các vòng hoa có băng tang “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ” bị giữ từ ngoài cổng và phải vứt bỏ dòng chữ “Vô cùng thương tiếc” cùng hai chữ “trung tướng”. Vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền bị bỏ đi hai chữ “đồng chí’. Vòng hoa duy nhất được giữ nguyên là của tướng Giáp: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Ông Vũ Mão, đại diện Văn phòng Quốc hội, đọc điếu văn, có nhắc tới những chức vụ mà tướng Trần Độ đã đảm nhiệm và nói “rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng”…
Con trai trưởng của ông, sau khi kể những tình cảm với người bố và cám ơn tất cả mọi người tới dự tang lễ, đã nói: “Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội”.
Kết luận
 Tuớng Trần Độ là một hình ảnh nổi bật về sự ngộ nhận con đường đi theo ĐCSVN. Những khẩu hiệu “dân cày có ruộng”, “đại biểu của giai cấp công nhân tiên phong”, “ấm no hạnh phúc”… chỉ là trò lừa mị, bịp bợm. Ông không cải lương, nửa vời, chỉ muốn ĐCSVN thay đổi để giữ chế độ, mà thấy cần phải thay đổi tận gốc, bãi bỏ hoàn toàn sự độc quyền và đặc quyền, đặc lợi của ĐCSVN.
Là biểu tượng của khát vọng tự do, dân chủ, cuơng quyết và nhất quán, ông đã cho mọi người thấy rất rõ sự phản bội, phản phúc, đểu cáng của tập đoàn lãnh đạo hôm nay, một băng đảng mafia, bòn rút, chia chác lợi ích, làm khánh kiệt đất nước.
Ông là người cộng sản đã phản tỉnh sáng suốt, với khí phách kiên hùng:

 Công thần không làm phách

Danh toại chẳng cầu nhàn

Bút thần vung mấy độ

Ðáng mặt đại nghĩa quân.
(Trần Khuê)
Nhân ngày giỗ ông, xin được thắp nén nhang cầu mong ông an nghỉ nơi suối vàng và nếu hồn ông linh thiêng, hãy phù hộ cho con cháu vượt qua gian nan và khó khăn trong cuộc tranh đấu vì tự do dân chủ này.
 © 2013 Lê Diễn Đức – RFA Blog

Đồng Phụng Việt - Lạm bàn về “công” và “tội” với “cách mạng”

Nửa đêm đập cửa gọi con gái người ta ra “tâm sự”. Bị cự tuyệt, đập cửa kính xông vào rồi cưỡng hiếp con gái người ta…

Càn rỡ tới mức đó mà chỉ bị phạt ba năm tù!

Kháng cáo. Tòa Phúc thẩm giảm cho một năm, hình phạt chỉ còn hai năm tù vì… “gia đình có công với cách mạng”. (1)

* * *
Nghe nói, những người tham gia cuộc cách mạng để tạo dựng nên chính quyền này đều là vì muốn xóa bỏ áp bức, bất công.

Không dè công lao đó còn có thể chuyển nhượng cho con cháu hưởng sái!

Nghĩ đi rồi nghĩ lại thì hình như chưa hẳn là vậy.

Có những người mà sự cống hiến thuộc loại “đại công” song vẫn bị bạc đãi như tướng Trần Độ, cụ Nguyễn Hộ,…

Có hàng trăm người khác cũng cống hiến, đóng góp trực tiếp cho cách mạng hoặc chí ít cũng là thành viên của một “gia đình có công với cách mạng” như: Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) (4), Tạ Phong Tần (Công lý và Sự thật), Phan Thanh Hải (Ba Sài Gòn),… nhưng vẫn bị hành cho ra bã.

Sự khác biệt, mâu thuẫn trong cách đối xử với những người đóng góp cho “cách mạng” hình như nằm ở chỗ: Nếu tuân phục thì “cách mạng” sẽ cho hưởng công đã có. Thậm chí còn cho… chuyển nhượng, cho… thừa kế. Kể cả khi đương sự hoặc kẻ nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế phạm những tội phi luân, bại lý.

Còn không tuân phục, vẫn cú khăng khăng đòi xóa bỏ áp bức, bất công như tiêu chí “hồi nẩm” của “cách mạng” thì bất kể công lao tới đâu, “cách mạng” cũng sẽ hành xử hệt như A.Q của Lỗ Tấn: “Cách mạng là cách mẹ nó cái mạng chúng mày!”.

Cũng may là còn nhiều người, tuy có công với “cách mạng” nhưng vẫn giữ tinh thần cách mạng. “Cách mạng” dẫu có tinh tướng thế nào thì vẫn không đè họ được.

Đồng Phụng Việt
------------------
Chú thích:
(Blog Đồng Phụng Việt)

Thư của một blogger gửi Đại sứ quán Thụy Điển

florencia.jpg
Blogger Florencia Knightingale là người ngoài cùng bên trái.
Dưới đây là thư của blogger Nguyễn Vũ Hiệp (tên Facebook: Florencia Knightingale) gửi Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam để xin lỗi vì anh đã không thể có mặt tại cuộc tiếp xúc sáng nay của Đại sứ quán với đại diện Mạng lưới blogger Việt Nam.
* * *
Thân gửi bà Elenore Kanter, quan chức Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam,
Tôi vừa làm lỡ cuộc hẹn của chúng ta sáng nay. Chân thành xin lỗi bà và quý cơ quan vì sự việc đáng tiếc ấy. Xem chừng buổi trò chuyện bất thành của chúng ta đã làm một số thế lực bất lương khó chịu. Một tốp cảnh sát và mật vụ hùng hậu vừa gửi tới tôi một giấy mời “làm việc” đột xuất, vì một lý do bí ẩn nào đó mà họ nhất định không chịu nói ra. Tuần trước, một “lời mời” đường đột tương tự đã tình cờ làm lỡ cuộc gặp của tôi với Đại sứ quán Hoa Kỳ. Rút kinh nghiệm đau thương, sáng nay, tôi cương quyết từ chối.
Vì vậy, lúc này đây, tôi đang bị giữ ở nhà bằng vũ lực. Các anh mật vụ cho biết: họ được lệnh quản thúc tôi tại gia. Cơ bắp của họ chỉ cho tôi có hai lựa chọn: hoặc đến trụ sở công an để “làm việc” – vì cái lý do mà chỉ có họ mới biết; hoặc ngồi trong nhà, chờ buổi sáng trôi qua, và viết thư xin lỗi này.
Tôi không hiểu vì lý do nào mà những ngày này, sau khi giáng xuống vô vàn bản án chính trị thẳng tay, chính phủ nước tôi lại sợ một bản tuyên bố về quyền con người đến thế. Chúng tôi, các blogger Việt Nam, tin rằng họ sẽ phải sớm trả lời trước nhân dân và thế giới tiến bộ.
Mong Đại Sứ quán Thụy Điển, một người bạn đáng tin cậy của những người Việt Nam yêu tự do, hòa bình và công lí, giúp tôi chuyển câu hỏi này tới chính phủ nước tôi. Gửi trực tiếp thật khó, vì đôi tai của họ thường đóng kín với người dân thường.
Thân mến,

F.K.
________________________
Trước cổng Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội sáng nay, 7/8/2013.
Police in front of the Swedish Embassy in Hanoi this morning.
Ảnh: Blogger Nguyễn Chí Đức (nick Đông Hải Long Vương)
  1. 8h30: Blogger Nguyễn Vũ Hiệp (tên FB là Florencia Knightingale) bị hơn 20 nhân viên công an chặn cửa.
  2. 9h10: Công an đưa giấy mời Nguyễn Vũ Hiệp đi làm việc. Khi anh từ chối, họ bèn giữ anh trong nhà, không cho ra ngoài.
  3. Cùng lúc, blogger Lê Dũng (Lê Dũng Vova) được 5 công an theo sát khi anh bước chân ra đường.
  4. 9h22: Trước cổng Đại sứ quán, theo quan sát của nhân viên Sứ quán, có ít nhất 8 nhân viên công an và không rõ là có bao nhiêu dân phòng cũng như công an mặc thường phục.
  5. Quan chức Đại sứ quán cho biết họ để cổng mở, và rất vui được đón các blogger Việt Nam.
  6. 9h30: Bốn người của Đại sứ quán (gồm cả quan chức và nhân viên) đã ra cổng đón các blogger.
  7. 9h45: Một nhóm 5 blogger Việt Nam đã vào được trong Đại sứ quán, gồm: Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong, Nghiêm Ngọc Trai, Nguyễn Văn Viên.
  8. Một số người nước ngoài đi ngang qua khu vực Đại sứ quán, muốn vẫy taxi nhưng taxi nào cũng bị công an xua đi, không cho đỗ.
Hình ảnh đại diện Mạng lưới bloggers Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho bà Elenore Kanter, phó Đại sứ Thụy Điển. (Hình ảnh gửi từ máy tính trong nhà riêng của bà Phó Đại sứ, theo đề nghị của bà, để tránh việc CA tịch thu máy ảnh). 

Tướng tình báo trở lại Bộ Công an

Bộ trưởng Trần Đại Quang chúc mừng ông Bùi Văn Nam
Trung tướng Bùi Văn Nam trở lại Bộ Công an với vị trí thứ trưởng
Trung tướng tình báo Bùi Văn Nam được điều động trở lại làm thứ trưởng ở Bộ Công an sau gần hai năm làm người lãnh đạo cao nhất tỉnh Ninh Bình.
Ông Nam từng làm thứ trưởng Công an từ năm 2008 cho đến tháng 8 năm 2011 khi ông được bổ nhiệm là bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Quyết định này của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam dường như cho thấy ý muốn tăng cường sức mạnh cho bộ máy tình báo của công an để chống lại ‘các thế lực thù địch’.
Đích thân ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính trị phụ trách nhân sự của Đảng, đã công bố quyết định điều động này chiều thứ Ba ngày 6/8.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an cũng đã điền tên ông Bùi Văn Nam vào vị trí thứ trưởng thứ sáu của bộ.
‘Quan tâm đặc biệt’
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói sự bổ nhiệm này thể hiện ‘sự quan tâm đặc biệt của Đảng’ trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo của Bộ Công an nhằm ‘tăng cường sức mạnh’ cho cơ quan này trong tình hình mới.
Mặc dù chỉ mới lãnh đạo tỉnh Ninh Bình chưa được nửa nhiệm kỳ nhưng ông Nam được Bộ trưởng Quang ca ngợi là ‘đã hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ, đóng góp tích cực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội’ của tỉnh.
Ông Nam, năm nay 58 tuổi, quê quán ở tỉnh Nam Định, là người có nền tảng và kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực tình báo.
Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân, ông về công tác tại Cục A13, tức Cục tình báo và sau đó làm thư ký cho bộ trưởng Công an thời đó là ông Lê Minh Hương.
Sau khi ông Hương về hưu thì ông Nam cũng bị chuyển sang làm công tác đào tạo về tình báo.
Một thời gian sau ông lại được vời ra làm việc ở Tổng cục V, tức Tổng cục phụ trách tình báo của Bộ Công an, ở cương vị phó tổng cục trưởng và sau đó lên tổng cục trưởng.
Sau đó ông trở thành thứ trưởng Công an, được thăng hàm trung tướng và vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày 6/8, tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức lễ bổ nhiệm bí thư tỉnh ủy mới để thay thế cho ông Bùi Văn Nam.
Chủ tịch Trương Tấn Sang và ba tân thượng tướng (ảnh của website Chính phủ)
Hàng loạt lãnh đạo của Bộ Công an được thăng cấp trong thời gian gần đây
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, bí thư huyện Yên Khánh, được Bộ Chính trị phân công giữ chức bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Bà Thanh sẽ thay ông Nam phục vụ cho hết nhiệm kỳ đến năm 2015.
Quyết định cập rập?
Theo nguyên tắc về nhân sự của Đảng thì người đứng đầu Đảng bộ một tỉnh phải là ủy viên trung ương. Tuy nhiên, bà Thanh chỉ mới là ủy viên dự khuyết và phải đợi đến kỳ Đại hội tới của Đảng vào năm 2016 bà mới được vào Trung ương.
Điều này có nghĩa là tỉnh Ninh Bình sẽ có bí thư không phải là ủy viên trung ương trong suốt ba năm.
Bên cạnh đó, bà Thanh còn khá trẻ – chỉ mới 46 tuổi – và được lên làm lãnh đạo cao nhất của tỉnh trong khi chỉ mới làm lãnh đạo ở một huyện.
Dường như đây là sự cập rập trong quyết định sắp xếp nhân sự của Đảng khi họ cần điều động gấp ông Nam về bổ sung lực lượng cho công an mà không phải đợi đến hết nhiệm kỳ.
Cách đây hơn hai tuần, ba thứ trưởng của Bộ Công an đã được thăng hàm từ trung tướng lên thượng tướng.
Trước đó, bản thân Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng được thăng từ thượng tướng lên đại tướng và trở thành một trong số ít những vị đại tướng trong lịch sử ngành công an Việt Nam.
Với việc ông Nam quay về Bộ Công an, cơ quan này hiện nay có đến sáu thứ trưởng, xếp theo thứ tự là: Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thượng tướng Lê Quý Vương, Trung tướng Tô Lâm, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Trung tướng Bùi Quang Bền, Thượng tướng Trần Việt Tân và Trung tướng Bùi Văn Nam.
(BBC)

Lại chuyện báo chí

Chuyện nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, bỏ 250 triệu đô-la tiền túi để mua tờ Washington Post đang nóng trên các tờ báo nước ngoài.

Chuyện báo đổi chủ không có gì mới. Trước đó, New York Times vừa bán tờ Boston Globe với giá 70 triệu đô-la mặc dù cách đó 20 năm phải bỏ ra 1,1 tỷ đô-la để mua (Nhưng theo tờ Business Insider, New York Times đâu có thu được 70 triệu đô-la bởi họ phải đảm nhiệm nghĩa vụ trả tiền hưu trí cho nhân viên Boston Globe đến 110 triệu đô-la. Cho nên hóa ra giá bán là ÂM 40 triệu đô-la Mỹ). Trước đó nữa IBT Media mua lại Newsweek với giá như cho không.
Chuyện kinh doanh cũng không phải là đề tài chính. Bởi Washington Post đang lỗ, sáu tháng đầu năm lỗ gần 50 triệu đô-la. Tờ Slate giả định Post cứ lỗ, tài sản Bezos giữ nguyên thì ông này đủ sức bù lỗ cho tờ báo thêm 250 năm nữa!
Chuyện Bezos và Washington Post nóng là vì dân làm báo đang trông chờ Bezos tạo ra phép lạ, mở ra một con đường kinh doanh mới cho báo chí như ông từng xoay chuyển từ ngành bán sách, bán băng đĩa đến bán lẻ trực tuyến mọi thứ và xuất bản sách. Amazon dưới bàn tay lèo lái của Bezos đã thay đổi hẳn thói quen đọc sách của hàng triệu người (qua sách điện tử và máy Kindle).
Trước tiên, người ta nhận định Bezos không phải là người chơi ngông, ưa nổi tiếng mặc dù xét về mặt tài chính, quyết định mua tờ Washington Post rõ ràng không thể hiểu nổi. Một nhà phân tích nói: “It is a combination of good will and real estate – I mean, good will in the moral sense, not the financial sense”. (Câu này có từ good will đáng chú ý: Goodwill trong tài chính là tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, mạng lưới khách hàng… Nhưng ở đây người nói muốn dùng theo nghĩa bình thường, khi đó good will là thiện chí). Nhưng rõ ràng Bezos không phải mua tờ Post vì lòng thương hại một di sản đang trên đà xuống dốc.
Có lẽ trước hết phải trả lời câu hỏi vì sao báo chí đang rơi vào thế kẹt như hiện nay. Tờ Slate nói đúng khi cho rằng báo chí từng sống được nhờ kết hợp hai loại thông tin: thông tin sẵn có, chi phí thu thập không bao nhiêu như giá cổ phiếu, kết quả thể thao, thời tiết, lịch giải trí, thậm chí đến đoán số tử vi; bên kia là tin bài tổ chức công phu, chi phí thực hiện cao như các bài điều tra, phân tích, tổng hợp… Báo chí từng hưởng thế độc quyền cung cấp thông tin loại đầu, lấy tiền độc giả mua báo để tài trợ cho loại thông tin sau, khéo cân đối thì có lãi.
Nhưng nay Internet đã làm loại thông tin đầu phổ biến đến nỗi bất kỳ ai cũng tiếp cận được, hoàn toàn miễn phí. Nay đang là giai đoạn mọi người, do hưởng thông tin loại có sẵn miễn phí trên mạng nên bỏ qua loại thông tin sau, hoặc đòi nó cũng phải được miễn phí luôn. Nay cũng là giai đoạn các báo hoặc cho miễn phí hết hoặc đang loay hoay khóa bài, tính tiền đọc. Vậy là bế tắc, báo thua lỗ, người đọc rời bỏ báo in, báo mạng chưa làm ra đủ tiền để trang trải chi phí.
Các nhà báo kỳ cựu vẫn đang tin rằng nhân loại sẽ luôn cần báo chí, cần những nhà báo lọc giùm họ những thông tin nhiễu, những thông tin tạp nham, thay họ tiếp cận những nguồn tin người bình thường không thể tiếp cận. Nhưng làm cách nào, chọn mô hình nào thì ai nấy đều đang lúng túng.
Từ đó mới thấy kỳ vọng của nhiều người vào Jeff Bezos là rất lớn. Ông đã nghĩ ra các mô hình kinh doanh mới, từ các chuyện ai cũng biết trên Amazon đến những dịch vụ ít người biết hơn như cho thuê chỗ trên hệ thống máy chủ khổng lồ của Amazon, cho thuê kho hàng, hệ thống logistics bán hàng để ai cũng có thể bán hàng qua Amazon… Ít nhất Bezos cũng sẽ tìm cách bỏ từ “paper” (giấy) trong “newspaper” (báo) để chỉ còn news rồi tìm cách vận chuyển news đó đến tay người đọc có thu phí. Một cách khác nữa là “cá nhân hóa” tin tức để mỗi người nhận tin họ quan tâm ngay trên thiết bị riêng của họ.
Ý định của Bezos hé lộ phần nào trong bức thư ông gởi cho nhân viên Washington Post với hai ý liên quan đến nghề báo.
Ý đầu là chuyện cũ, Bezos khẳng định lại một nguyên tắc quan trọng: “Những giá trị của tờ The Post không phải thay đổi. Nghĩa vụ của tờ báo vẫn là với độc giả chứ không phải với lợi ích riêng của người chủ sở hữu nó”.
Ý thứ hai là chuyện mới, tương lai của báo chí: “Internet đang biến đổi hầu như mọi yếu tố của ngành báo chí: chu kỳ tin tức ngắn hơn, các nguồn doanh thu truyền thống đang cạn kiệt dần, và đang tạo điều kiện cho những loại hình cạnh tranh mới, có cái không hay ít tốn chi phí sản xuất tin. Không có sẵn lộ trình nào và vạch ra con đường tiến lên sẽ không dễ. Chúng ta cần sáng tạo, có nghĩa chúng ta cần thử nghiệm”. Con đường thử nghiệm mà Bezos muốn nhắm tới là nhu cầu người đọc, xem họ cần gì để từ đó sáng tạo ra những chiêu thức mới. Hãy chờ xem một người từng biến đổi ngành bán sách, bán lẻ qua mạng cũng như xuất bản sách trực tuyến sẽ làm được gì với ngành báo chí.
*                      *                      *
Trong khi đó, không thể không nói về chuyện báo chí nước nhà. Ngoài cái vấn nạn độc giả dần bỏ báo in, chuyển qua báo mạng như ở các nước khác trên thế giới, báo chí Việt Nam còn phải đối đầu với nhiều vấn đề hóc búa khác như cạnh tranh bằng các chiêu thức câu khách rẻ tiền, trắng trợn, bá đạo. Nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề bản quyền. Một khi chưa ngăn được các trang tin tổng hợp sao chép bài của báo một cách dễ dàng, vô tội vạ, làm sao nghĩ đến các mô hình kinh doanh tin tức qua mạng, kiểu khóa bài như New York Times.
Cái này ai cũng thấy từ lâu, chỉ có giới quản lý là mới ý thức được tầm quan trọng của bản quyền đối với tương lai của cả ngành báo chí.
Đoạn dưới, xin chép lại một mẩu đã đưa lên Facebook, có liên quan:
Thấy tờ VTC đưa tin không thể không viết vài dòng: “Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT báo cáo thực trạng hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn và chế tài xử lý những hoạt động báo chí trái phép”.

Có chuyện trái khoáy đó chính là do các cơ quan nhà nước cho phép sự ra đời, tồn tại và hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Sự bát nháo nếu có chủ yếu là do chính sách lỏng lẻo chứ đâu cần tìm nguyên nhân gì sâu xa.

Đầu tiên là Nghị định 97 (năm 2008) tự nhiên cho phép: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử trên Internet của tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước”. Nghị định 72 mới toanh cũng lập lại gần như thế.

Nói “tự nhiên cho phép” là bởi tin trên báo chí đâu có thuộc quyền sở hữu của các cơ quan nhà nước (nó thuộc quyền sở hữu của cơ quan báo chí), thế mà tự nhiên nghị định lại cho phép các trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại ngon ơ. Một khi đã cho phép như thế (dù có nói phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ) thì trước sau gì các trang này cũng sao chép, và sao chép chưa đủ nhu cầu thì tự hoạt động như một cơ quan báo chí – đó là cái lẽ rất thường tình. Lẽ ra chỉ nên có loại hình trang web doanh nghiệp và trang web của doanh nghiệp thì nói chuyện hoạt động của doanh nghiệp và đăng tải các thông tin chính sách liên quan đến họ. Không có lý do gì để cho phép họ đăng lại tin trên các báo? Không lẽ để cho họ cái quyền cướp lấy thông tin mà các báo phải dày công tổ chức thực hiện.

Không có một lý lẽ nào mang tính thuyết phục cho sự tồn tại loại hình trang tin điện tử tổng hợp. Bởi tin tức trên các trang báo điện tử chính thức đâu có bị giới hạn bởi không gian hay thời gian để mà khuyến khích có nơi nhân bản tin tức ra? Cho phép loại hình này là gián tiếp cho phép sự vi phạm bản quyền, sự bát nháo trong cạnh tranh câu khách bằng tin giật gân, tin nhảm nhí, tin mà “chính người viết cũng không dám cho con em mình đọc”.

Bây giờ giải quyết làm sao? Chấm dứt chuyện nửa dơi nửa chuột này, cái nào đủ điều kiện thì cấp phép làm báo điện tử; cái nào không đủ điều kiện thì đóng cửa. Đơn giản như vậy chứ đâu có gì phải “đề xuất giải pháp”.
Nguyễn Vạn Phú 
(Blog Nguyễn Vạn Phú )

Những đề xuất... ngộ nghĩnh!

Nếu những văn bản như xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ hai năm trở lên, chỉ được bày bán thịt bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 8 giờ… được coi là những văn bản mang tên “lú lẫn” thì gần đây, một số cơ quan còn đề xuất những văn bản lấn sân, lạm quyền mang tên… “ngộ nghĩnh”!.

Cách đây không lâu, ý tưởng đề xuất qui định nhà báo phải cung cấp nguồn thông tin cho thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Hội Nhà báo, các nhà báo và đông đảo quần chúng nhân dân thì gần đây, TAND lại đề xuất qui định xử phạt nhà báo đưa tin sai sự thật.

Cụ thể, Điều 25 Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND qui định: “1.Cảnh cáo đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm”.

Đây là qui định lấn sân, lạm quyền, tự cho mình những đặc quyền, đặc lợi.


Nói lấn sân, lạm quyền vì tất cả mọi hoạt động báo chí được điều chỉnh bởi Luật Báo chí mà Quốc hội đã thông qua. Xử lý hành vi “đưa tin sai sự thật” như thế nào đã được Luật Báo chí qui định, cụ thể: “Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân... – Điều 9”. Khoản 1 Điều 28 của Luật này còn khẳng định: “... Cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự”.

Như vậy là Luật báo chí đã qui định rất rõ ràng, cụ thể.

Về mặt tổ chức, Nhà báo và các cơ quan báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Ban Tuyên giáo và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ TT-TT. Về tổ chức xã hội, hầu hết các nhà báo đều là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Do đó, Luật báo chí và những văn bản dưới Luật được xây dựng, thực hiện thông qua các cơ quan này.

Chả lẽ với ba cơ quan trên không đủ trình độ, năng lực hay sao mà phải “lo” hộ?

Tất nhiên là không phải như thế mà nguyên nhân sâu xa có thể có hai lý do: Hoặc là sự hiểu biết non kém nhưng cũng có thể với mục đích tăng nhiều quyền lực và có lợi cho ngành mình.

Đưa ra đề xuất này, họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân. Hoạt động của báo chí là hoạt động theo luật và các công uớc quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia…

Từ những sự việc trên còn bộc lộ một kẽ hở trong khâu xây dựng luật, đó là bộ ngành nào thì trực tiếp xây dựng luật cho bộ ngành đó, nên khó tránh khỏi bị chi phối bởi tư tưởng lợi ích nhóm.

Có lẽ chính vì vậy, trong Dự thảo Hiến pháp sử đổi đã đề xuất thành lập Hội đồng bảo hiến. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống bởi đề cao tính thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền năng tối thượng của Hiến pháp là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị.

Trở lại với Dự thảo của TAND, có thể nói đây là một đề xuất lấn sân, lạm quyền, khiến dư luận có thể hiểu lầm là TAND coi thường các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này đồng thời bắt nạt báo chí – một “diễn đàn của nhân dân” như qui định trong Luật báo chí sửa đổi 1999. Một ý tưởng quả là… “ngộ nghĩnh”.

Giả sử các bộ ngành đều có ý tưởng tương tự thì khi đó, tất cả các bộ ngành đều có quyền phạt các nhà báo và cơ quan báo chí trừ… Bộ Thông tin – Truyền thông!

Càng “ngộ nghĩnh” hơn, tác giả của những ý tưởng này lại là hai cơ quan hành pháp và tư pháp.

Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng nếu TAND trình đề xuất trên, Quốc hội sẽ bác bỏ, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám  
(Dân trí)

Bắc Kinh điều chỉnh chính sách kinh tế

Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/12/2012.
Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/12/2012. (REUTERS/Carlos Barria/Files)

Trong hồ sơ kinh tế, báo Les Echos hôm nay đặc biệt chú ý đến nền kinh tế Trung Quốc qua bài viết : « Trung Quốc : Chính quyền đứng trước một ngã rẽ kinh tế khó khăn ». Êkíp lãnh đạo mới muốn lèo lái nền kinh tế bằng cách đầu tư ít hơn và thúc đẩy tiêu thụ, tránh cho mức tăng trưởng rơi xuống dưới ngưỡng 7%.

Theo báo Les Echos, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần trước cho biết chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường không hề che giấu tính phức tạp của hoàn cảnh hiện tại. Hai nhà lãnh đạo đều đang trong tình trạng hết sức khó khăn.

Vào lúc tăng trưởng chậm lại, cả hai đang lật sang một trang mới và củng cố thế lực của họ, thể hiện qua việc chống nạn tham nhũng như vụ án Bạc Hy Lai và vụ bắt giữ 4 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) tại Hoa Lục, do những cáo buộc hối lộ các quan chức chính phủ. Cả hai đang muốn củng cố quyền lực của họ bằng cách ra lệnh tổng kiểm toán tài chính công.

Theo các nhà kinh tế học của ngân hàng Pháp Société Générale, từ sau lần kiểm toán gần đây nhất vào giữa tháng 11, nợ của các chính quyền địa phương đã tăng từ 10.700 tỷ lên 17.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.130 tỷ euro)

Hai lãnh đạo tối cao của Trung Quốc cho biết mức tăng trưởng dưới 7% là sẽ không chấp nhận được (tỷ lệ này là 7,5% trong quý II). Theo nhận định của một chuyên gia, đây là một thời kỳ chuyển tiếp cơ cấu quan trọng đối với lãnh đạo Trung Quốc, với việc cần phải tái cân bằng các chi tiêu đầu tư theo hướng kích thích tiêu thụ các hộ gia đình.

Báo Les Echos nhận định giảm đầu tư thì dễ, nhưng tăng tiêu thụ nội địa thì rất khó. Mặc dù nhịp độ tăng trưởng yếu, lãnh đạo Trung Quốc vẫn không muốn có sự thay đổi quá lớn và sẽ ưu tiên các giải pháp nhỏ, đặc biệt là giúp các công ty vừa và nhỏ (PME) để tránh sự bất cân bằng.

Lựa chọn này được giải thích bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất là dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Do có ít thanh niên bắt đầu gia nhập thị trường lao động, nên không cần phải hành động tức khắc. Thứ hai là rủi ro về tài chính đang thực sự đè lên các doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty này đang bị nợ quá khả năng chi trả và nguy cơ phá sản tăng. Trước tình hình này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm bớt mức cấp tín dụng.

Sắp tới, lãnh đạo Trung Quốc cần đưa ra phương hướng quản lý kinh tế phù hợp cho thập niên tới.

Lê Vy (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét