Quốc Anh - Phát triển kinh tế như những canh bạc!
Gần bốn mươi năm thống nhất Bắc-Nam, nhưng đất nước luôn cứ phải va vấp những chủ trương chắp vá, thiếu nhất quán và tùy tiện do một nhóm thiểu số áp đặt lên đại đa số quần chúng nhân dân và giữa các ngành, các cấp tranh ăn với nhau. Chính sách cải cách của nền kinh tế đất nước trong ba mươi tám năm qua luôn xáo trộn nên chẳng có một tác động chiến lược ổn định ở tầm vĩ mô, cũng chẳng có một động lực tiềm năng tích cực nào mang tính đột phá để làm cho nền kinh tế đất nước phát triển và chắp cánh bay cao! Phát triển kinh tế chủ yếu xăm soi, dòm ngó dựa vào việc lấy đất của dân là chính, khai thác cạn kiệt tài nguyên-khoán sản, chờ đợi những khoản nợ vay hoặc những dòng vốn từ nước ngoài đổ vào, tìm cách đánh thuế, thu phí trên đầu mỗi người dân và các doanh nghiệp. Vì vậy, nền kinh tế ấy chẳng thể nào đem lại lợi ích phát triển đất nước toàn diện hay vì lợi ích chia sẻ mang tính cộng đồng mà đó chỉ là một nền kinh tế chắp vá, vay mượn: một phần là do những chủ trương, chính sách lạc hậu, lỗi thời luôn đi sau thời đại của một nhóm thiểu số chủ quan, duy ý chí áp đặt và một phần tác động to lớn hơn do nhóm lợi ích trong bộ máy công quyền xà xẻo, chi phối lên toàn nền kinh tế đất nước của các bộ ngành từ trung ương xuống đến các sở ngành địa phương! Có thể nói nền kinh tế ấy hiện nay nó giống như những chiếc áo vá đã sờn cũ khi đắp vá chỗ này, nó sờn rách chỗ kia. Người chủ của chiếc áo vá kinh tế ấy nếu còn sĩ diện sẽ không dám mặc mỗi khi ra đường còn dám mơ nghĩ gì đến việc: “sánh vai cùng các cường quốc Năm Châu”.
Việc quản lý điều hành nền kinh tế đất nước lại được ví như những canh bạc? Khi các nhà quản lý, điều hành là những chủ xâu: chuyên gá bạc và tổ chức đánh bạc để nhằm chia chác, xà xẻo của công? Còn những con bạc khát nước chính là các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước đang đánh bạc cùng các dự án mà nhiều nhà khoa học cùng dư luận cả nước đã lên tiếng cảnh báo và chỉ trích như: boxit tây nguyên, Vinashin, Vinaline, nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các công trình Thủy điện đã và đang tàn hại đất nước, hủy hoại môi trường-hệ sinh thái, cùng vô số những dự án vô bổ khác đang từng giờ, từng ngày gây lãng phí, thiệt hại không thể nào kể hết….Những kẻ tổ chức gá bạc, đánh bạc cổ vũ, khuyến khích các con bạc sát phạt thoải mái để họ có cơ hội phân tán đống tiền nợ vay quốc tế, chia nhỏ khối tài sản của quốc dân mà họ đang nắm giữ. Những con bạc tha hồ vung tiền sát phạt trên núi tiền của dân, của nước? Nhưng sau mỗi cuộc chơi các con bạc thường là những kẻ thua bạc, còn những kẻ thắng bạc lại chính là chủ xâu vì cứ mỗi ván ăn qua, chung lại người tổ chức đánh bạc đều thu xâu trên mỗi ván bài. Chủ xâu là những chủ nợ, sẽ xiết nợ các con bạc khi họ đã sạch nhẵn túi tiền và đưa họ vào tù khi những con bạc không còn đem đến lợi nhuận cho họ nữa.
Họ vẫn đang tiếp tục đặt cược vào những canh bạc khi tiếp tục ném tiền
vào những dự án đã thấy rõ thua lỗ và nhiều bất cập như boxit tây
nguyên, tái cơ cấu Vinashin,Vinaline, hệ thống ngân hàng, cứu trợ bất
động sản, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án thủy điện 6, 6A ở tỉnh
Đồng Nai….
Nhớ lại những chủ trương, chính sách của nền kinh tế dưới thời quan
liêu, bao cấp (1975-1990) đã thiết đặt nên một nền kinh tế khuôn mẫu áp
đặt và độc quyền. Một nền kinh tế quốc doanh toàn diện và toàn trị đem
đến nhiều hệ quả của hàng loạt các sai phạm về chủ trương, chính sách.
Bởi với một cơ chế đóng đã đẩy cả nền kinh tế lao dốc không phanh, lạm
phát phi mã gây nên bao đau thương, mất mát cho miền Nam và khốn khổ,
bần hàn cho người dân cả nước. Gần bốn mươi năm trôi qua, một dân tộc
phải chịu cúi đầu, an phận hoang phí cả thời tuổi trẻ cống hiến. Thật
khốn khổ cho cả dân tộc Việt Nam! Với một khoản thời gian quá dài, đất
nước – dân tộc Việt Nam vẫn đang sống trong trì trệ, đói nghèo, lạc hậu
và đang phải đối mặt với nhiều kiểu cai trị bất nhân, một nền tảng dân
chủ giả hiệu. Với một chế độ-chính trị-xã hội như vậy làm gì có được nền
dân trí, văn minh để phát triển toàn diện.
Vì sao nền kinh tế đất nước không thể phát triển theo hướng tích cực?
1)- Chủ quan duy ý chí:
- Quốc hữu hóa hầu hết các nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ hiện đại so với
thời bấy giờ rồi để hoang phế, hư hỏng vì không đủ nguyên, nhiên vật
liệu để sản xuất hoặc không còn phụ tùng để thay thế.
- Hợp tác hóa nông nghiệp làm cho nông trang, đồng ruộng bị bỏ hoang vì
chủ nghĩa bình quân: làm nhiều, làm ít hoặc không làm (thường là cán bộ
chỉ đạo, tổ trưởng sản xuất) vẫn được hưởng sức lao động như nhau.
Tình trạng: “cha chung chẳng ai khóc” là nguyên nhân tạo nên một sức ỳ,
vô kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm của công nhân đối với nhà máy,
xí nghiệp và của nông dân đối với đất đai, ruộng đồng là nguyên nhân
chính đẩy lùi sự phát triển trong toàn xã hội.
- Chương trình kinh tế mới: (thực chất đây là một chính sách lưu đày gia
đình vợ con binh sĩ, sĩ quan, viên chức chế độ Sài Gòn ra khỏi thành
thị…) thực hiện không đến nơi đến chốn, thiếu sự quan tâm, hổ trợ và
chiến lược phát triển lâu dài. Vì vậy, việc phát triển xây dựng, khai
thác những vùng đất mới, đất hoang không còn mang ý nghĩa theo chiều
hướng tích cực nữa mà việc: “đem con đi bỏ chợ” làm cho nhiều hộ gia
đình phải rời bỏ các vùng kinh tế mới trở về sống lang thang trên các hè
phố, kiếm sống chủ yếu bằng những nghề tự do, tập trung chủ yếu ở các
thành phố lớn, nhiều nhất là thành phố Sài Gòn.
- Ngầm khuyến khích theo dõi, dò xét, tố cáo nặc danh giữa các hộ gia
đình, giữa làng xóm, láng giềng cộng với tình trạng pháp luật bị xem
thường, luật pháp không rõ ràng, minh bạch đã tạo nên sự, hoài nghi,
cảnh giác đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự chia rẽ, mất đoàn kết sâu
sắc trong cộng đồng dân cư vào thời kỳ đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tận
bây giờ.
- Năm 1978 xảy ra lũ lụt, mất mùa. Tình hình lương thực trở nên cấp
thiết, ở nông thôn nơi từng sản xuất ra lúa, gạo nhưng người dân lại đói
ăn phải dùng các cây lương thực khác để thay gạo trong những bữa ăn
hàng ngày. Nguyên nhân chính không phải hoàn toàn do lũ lụt, mất mùa mà
do chủ trương việc: “ngăn sông cấm chợ”. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm
bị cấm đoán không lưu thông được trên thị trường: “nơi dư thừa để ẩm
mốc, hư hỏng phế bỏ chứ không thể cung ứng, hoán đổi cho nơi thiếu
thốn”. Tình trạng thiếu ăn, khan hiếm lương thực, thực phẩm đã khiến cho
bà con, họ hàng và bè bạn ngại thăm viếng lẫn nhau vì mỗi khi họ hàng,
thân thích ở xa đến thăm lại là nỗi lo cho gia đình vì phải chia sẻ
khoản luơng thực, thực phẩm ít ỏi dự trữ trong những ngày tới mà điều
nầy là rất xa lạ với tập quán truyền thống ở nông thôn miền nam vốn lễ
nghĩa và hiếu khách.
Còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng phạm vi bài viết chỉ nêu lên
một vài nguyên nhân khách quan đã làm thay đổi cách sống, cách suy nghĩ
và cách nhìn của những tẩng lớp, giai cấp trong xã hội thời đó mà theo
tôi nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội hôm nay kéo theo nhiều
hệ lụy. Hệ lụy trước tiên là nhiều căn bệnh thờ ơ, vô cảm vẫn luôn tồn
tại và hoành hành trong lòng xã hội ngày nay:
· Vô cảm trước nổi đau, mất mát của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
Trình độ chuyên môn lẫn Y đức yếu kém của ngành Y tế! Rất nhiều trường
hợp chẩn đoán sai gây tử vong, hầu như ca mổ nào cũng nhiểm trùng, có
những trường hợp bỏ quên cả dao mổ, bông băng trong cơ thể bệnh nhân
thật khó chấp nhận.
· Vô cảm trước vấn nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, bệnh thành tích
của nhiều trường, nhiều địa phương trên cả nước. Việc thí điểm, cải
cách vô bổ thiếu tính hệ thống, khoa học, cùng việc học thêm, dạy thêm
tràn lan không theo nhu cầu thiết yếu của ngành Giáo dục đã gây lãng phí
thời gian, tốn công sức lẫn tiền của làm vất vã, khổ sở, mệt mỏi cho cả
phụ huynh và học sinh.
· Vô cảm trước những cây cầu, con đường cứ làm mãi mà không xong hoặc
vừa làm xong đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với cảnh ngập nước triền
miên mỗi khi mùa mưa về của ngành Giao Thông Công Chánh.
· Vô cảm trước cảnh lề đường, vỉa hè còn mới, còn tốt vẫn cứ bị đào xới
lên và vô số con đường vừa mới làm xong cứ mãi đào lên lấp xuống của các
ngành điện, điện thoại, điện chiếu sáng, cấp thoát nước…
· Vô cảm trước sức khỏe và sinh mạng của cộng đồng khi không có biện
pháp ngăn chặn hiệu quả việc hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng,
hàng hóa độc hại, thịt gia cầm súc sản nhiễm khuẫn, nhiễm bệnh với mục
đích đầu độc cả dân tộc từ biên giới phía bắc tuồn vào đất nước VN.
· Vô cảm trước nỗi thống khổ của người nông dân dù là nơi tập trung sản
xuất, tạo ra nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội, cho xuất khẩu.
Nhưng trãi qua bao đời, bao thế hệ vẫn không thoát ra được đói nghèo và
lạc hậu.
Không thể kể hết những điều trái khoáy, vô cảm và phi nhân vẫn luôn tồn
tại trong lòng xã hội. Đó là lan tràn các tệ nạn buôn bán trẻ em, phụ
nữ; lường gạt, hãm hiếp, giết người man rợ, ngang nhiên cướp nhà, cướp
đất, cướp của manh động, lan tràn ma túy, mại dâm….đủ thứ tai họa lơ
lửng, rình rập chực chờ giáng họa như: té cống, sụp hố, điện giật, gẫy
nhánh, cây đè và đủ loại tai nạn giao thông, đủ điều khuất tất xảy ra
hàng ngày, hàng giờ mà người dân phải đương đầu bởi cách ứng xử vô văn
hóa, thiếu lễ độ bởi hạch sách, nhũng nhiễu để kiếm chác của các cơ quan
công quyền; của những kẻ mặc sắc phục công an với danh nghĩa bảo vệ
chính quyền, bảo vệ nhân dân lại ra sức bắt bớ, đánh đập, giết người;
của những kẻ nhân danh công lý, hệ thống tòa án là những cái máy vô tri
khi tiếp tay xử nặng những người yêu nước.
Tệ nạn quan liêu hành chính đã tạo nên một cơ chế xin, cho của nhiều
ngành, nhiều cấp dẫn đến việc sản sinh ra nhiều căn bệnh trong xã hội:
cơ hội, bè phái, tham ô, lăng phí, nhũng nhiễu trục lợi cá nhân. Gây
lăng phí rất lớn về thời gian, công sức, tiền của! Của người dân và của
đất nước và những thói hư tật xấu này được tích lũy lâu ngày giống như
những ung nhọt tiềm ẩn trong một cơ thể bệnh tật của xã hội mà chưa có
phương pháp nào chữa trị hiệu quả. Khi chuyển đổi từ cơ chế tập trung
quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường mà không có bất kỳ một biện
pháp giám sát, kiểm tra hữu hiệu nào và những biện pháp công khai, minh
bạch tài sản của các cán bộ chủ chốt, của Đảng viên đầu ngành không được
thực hiện đến nơi, đến chốn chỉ mang tính hình thức thì những của cải,
tài vật do kiếm được từ buôn lậu, tham ô, tham nhũng, hối lộ và những
tài sản do tước đoạt từ công sức lao động của người khác, do tước đoạt
đất đai của nông dân, do chiếm dụng của công mà có: Vô tình đã được luật
pháp công nhận tính hợp pháp của nó.
Tất cả những tài sản bất minh không phải do chính công sức của cá nhân
bỏ ra đã tạo nên một tầng lớp giàu có đột biến trong xã hội, tạo nên sự
khác biệt và hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo ngày càng xa thẳm, xa
thẳm. Hầu hết tầng lớp này đã trở thành những kẻ quyền lực ăn trên, ngồi
trước, khinh rẻ người dân lao động, xem thường văn hóa, đạo đức truyền
thống và đã hình thành trong xã hội ngày nay một: “giai cấp tư sản kiểu
mới”, một giai cấp bốc lột tinh vi và tàn bạo hơn cả thời thực dân, đế
quốc trước đây. (Trích nhắc lại từ bài: “Học tập tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh – Quốc Anh” đăng trên trang blog X-cafe, ngày 18/11/2010).
2) – Quản lý, điều hành thường trái với quy luật vận động xã hội – tự nhiên:
Sau mỗi kỳ đại hội đảng toàn quốc hay nhiệm kỳ HĐND các cấp đi kèm với
việc bố trí, sắp xếp nhân lực vào những chức vụ lãnh đạo ta thường thấy:
một người chưa từng là bác sĩ hay có bằng cấp tương đương của ngành Y
lại là Giám đốc Sở y tế hoặc trưởng phòng y tế quận, huyện; một người
chưa từng là người thầy đứng trên bục giảng hoặc có bằng cấp tương đương
của một ngành khoa học, giáo dục lại Viện trưởng, Giám đốc Sở Giáo
dục-Đào tạo, trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận, huyện hoặc Hiệu trưởng
các trường THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học….. Không thể thực hiện chủ
trương việc điều động, luân chuyển một cách máy móc dễ gây xáo trộn vì
trái với ngành nghề gây lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực. Thực
tế trong xã hội có một số ngành nghề chuyên môn cần có kinh nghiệm lâu
năm trong nghề, càng sống lâu với ngành càng có tay nghề cao như: ngành Y
tế, Giáo dục, Tư pháp….Tùy theo nhu cầu cán bộ, nhân sự cho một bộ máy
vận hành trơn tru, đồng bộ không thể áp đặt theo đúng những chủ trương
lỗi thời và lạc hậu một cách máy móc và cảm tính.
Nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội thường giãi quyết theo cảm tính tự
phát hoặc phát động thi đua, phong trào. Ví dụ trong việc phòng chống
tham nhũng thay vì có những biện pháp quản lý chặt chẻ các nguồn vốn,
các dự án đầu tư họ lại áp dụng phương án: “điều động, luân chuyển cán
bộ” một cách máy móc với ý tưởng nếu thường xuyên luân chuyển, điều động
thì những cán bộ chuyên trách không đủ thời gian tạo vây cánh, bè phái
để có cơ hội tham nhũng. Cách giải quyết, xử lý không tận gốc rễ chẳng
khác nào tạo thêm kẽ hở cho bọn người bóc lột có cơ hội kiếm chác. Chẳng
những thế nó còn là nguyên nhân gây nhiều xáo trộn về năng lực lẫn
chuyên môn, về hành vi trách nhiệm và bổn phận của một công chức, công
bộc đúng nghĩa vì phải làm việc dưới môi trường không đúng với khả năng
chuyên môn, phải mất nhiều thời gian tìm hiểu để thích ứng với nhiệm vụ
mới.
Giáo dục học đường trước ngày 30/4/75 ở miền Nam thực sự quy cũ, nền nếp
vốn dĩ đã tạo nên một thế hệ nhân cách, đạo đức không lừa mị, giáo
điều, không chạy theo thành tích, bằng cấp. Nền giáo dục XHCN gần bốn
mươi năm qua ngày càng lộ rõ nhiều bất cập chẳng giống ai, nhưng lại hay
thích học đòi, bắt chước cho đúng kiểu mẫu văn minh phương tây, Nhật
Bản? Không nắm bắt học hỏi theo những điều hay, lẽ phải, lại thường so
sánh bằng cấp, học lực phải ngang bằng với những quốc gia phát triển?
Trước kia trường nam, trường nữ; lớp nam, lớp nữ được sắp xếp học tập
riêng biệt thì thời gian qua đã được cải lùi chung chạ xô bồ, xô bộn đi
ngược với quan niệm truyền thống Á đông vốn có: “nam nữ thụ thụ bất thân
– lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, đưa chương trình tìm hiểu sinh lý vào
bậc tiểu học… Rõ ràng là giáo điều, duy ý chí, vì những quan niệm sai
lệch nói trên đã góp phần kích thích những chuyển biến sớm về tâm sinh
lý, tìm hiểu vô bổ chuyện tình dục, gợi mở trong tư tưởng lớp trẻ nhỏ sự
tò mò, cố đi tìm hiểu những gì mà lứa tuổi của chúng chưa cần được biết
đến…khuyến khích lối sống yêu vội, sống cuồng. Và với cách dạy theo
kiểu nhồi nhét, học vẹt, nói theo đã xô đẩy cả một thế hệ trẻ đi vào ngỏ
cụt vì những nhận thức, quan niệm lệch lạc về tư duy lối sống, về nhân
cách.
Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm! Những con đường nội ô hay quốc lộ
không bị cày xới vì đạn bom nhưng bị đào xới bởi những con người từ rừng
sâu, bưng biền tràn vào chiếm cứ, lưu trú rồi đào bới lung tung. Và
những con đường hư hỏng ấy thường được khắc phục bằng những tư duy, sáng
tạo: trãi dầy đất đỏ bên dưới, tráng một lớp nhựa đường mỏng bên trên.
Mỗi khi làm đường bụi bay mù mịt, lầy lội vô cùng khó khăn cho việc đi
lại, nhưng chỉ sau vài trận mưa con đường đã bong tróc tạo nên vô số ổ
gà, ổ voi nên góp phần tạo ra công ăn, việc làm cho việc dặm vá đường,
sửa đường liên tục. Thời mở cửa, hội nhập việc làm đường có tiến bộ hơn
nhưng khi một con đường mới vừa trãi đá, tráng nhựa phẳng phiu: thì hôm
nay hết ông điện lực đào lên đặt cáp điện, ngày mai ông quản lý đô thị
vỡ ra lắp dây đèn chiếu sáng; bữa nọ đến ông Thủy cục cắt đường đặt ống
cấp, thoát nước; ngày kia tới ông tới điện thoại đặt cáp viễn thông…..
một con đường vừa mới làm xong lại cứ bị đào lên, lắp xuống liên tục bởi
không có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ. Đó là cách quản lý, điều hành
theo kiểu mạnh ai nấy làm và cách quản lý, điều hành xã hội lại được ví
như chuyện đào đường, làm đường?
Nhiều người so sánh ví von với ẩn ý thâm thúy: “nếu muốn biết gia chủ là
người thế nào, một doanh nghiệp làm ăn ra sao? Trước hết hãy quan sát
cái nhà vệ sinh, cái toillet trong nhà của họ! Nếu gia chủ là người kỷ
tính, ngăn nắp và sạch sẽ thì họ không thể nào để nhà vệ sinh hôi hám,
bẩn thỉu; một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, uy tín như ta thường thấy ở
nhiều doanh nghiệp Nhật Bản: khi đi vào những nhà vệ sinh của họ nếu có
thời gian nằm ngủ trong đó, vẫn ngủ thoải mái. Nhưng ngược lại với hầu
hết những nhà vệ sinh của các doanh nghiệp Việt Nam, Trung quốc, Đài
Loan chỉ khi nào bí quá mới dám bước vào chứ không thể ở lâu. Tương tự,
muốn biết một quốc gia đó có nền kinh tế phát triền như thế nào, có tiến
bộ hay không! Ta không cần tìm tòi, chuyên sâu nơi sách vở cho mệt trí
mà chỉ cần quan sát nề nếp sinh hoạt và những gì diễn ra trước mắt thì
sẽ hiểu rỏ chính sách kinh tế-xã hội của đất nước đó tiến bộ hay lạc
hậu: các quốc gia phát triển trên vỉa hè thường thông thoáng, không có
chuyện buôn bán bát nháo, xả rác mất vệ sinh và vào giờ hành chính, trên
đường phố rất ít xe cộ lưu thông. Trong lúc ở các đô thị lớn ở Việt Nam
điển hình là thành phố Hồ Chí Minh từ khoản 8-10h sáng hoặc 14h00-16h00
chiều, thuộc vào các giờ hành chính nhưng dòng xe cộ vẫn đông đúc qua
lại, vẫn còn nhiều người ăn nhậu trong các hàng quán, nhiều lề đường bị
lấn chiếm buôn bán, đậu xe không còn lối đi cho khách bộ hành….Những nhà
quản lý, điều hành họ cho rằng đây là một thành phố đầy năng động, sáng
tạo nhưng thực ra điều đó đã nói lên sự kém cõi trong cách quản lý, cái
lạc hậu trong việc phân công lao động một cách hợp lý và khoa học.
Ngày xưa, cha ông ta gắng công đào kênh: “dẫn thủy nhập điền” vỡ đất,
khai khẩn đất hoang; vừa khai thông những tuyến giao thông thủy huyết
mạch, vận chuyển giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa; nhiều con sông
gắn liền với lịch sử trong các cuộc đấu tranh trường chinh giữ nước
(vận chuyển những đoàn quân, vận tải lương thực tiếp ứng tiền tiêu).
Nhưng các thế hệ ngày nay, chẳng phải do nông cạn kiến thức mà thực ra
họ vì những nguồn lợi trước mắt lại ra sức chặn dòng, ngăn sông làm thủy
điện; lắp kênh rạch lấy đất làm sân golf, khu công nghiệp, xây dựng nhà
cao tầng. Nhiều nơi, nhiều chỗ đắp đập ngăn nước chỉ có nước thoát ra
mà không có nguồn nước chảy vào để tưới tiêu, canh tác; mặt khác họ lại
không quan tâm, chú trọng đến việc vận tải chiến lược đối với nền an
ninh quốc phòng trong tương lai…? Việt Nam từ ngàn xưa vốn là một nước
nông nghiệp, có ưu thế với vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông
Cửu Long đất đai phì nhiêu,trù phú, vì vậy không thể xem nhẹ nền nông
nghiệp nước nhà để chạy theo công nghiệp hóa một cách máy móc khi chưa
có một nền tảng phát triển nào vững chắc. Có thể chủ tâm phát triển nông
nghiệp làm tiền đề, làm bước đệm để tiến tới nền tảng công nghiệp, hiện
đại hóa đất nước? Trong tương lai vấn đề an ninh lương thực càng trở
nên cấp thiết, khi đó sẽ là lợi thế to lớn bởi vì cho dù văn minh, phát
triển đến mức độ nào con người cũng cần phải có cái ăn, cần no bụng mới
có sức để làm việc, để phát minh khoa học như ông cha ta xưa đã dạy: “có
thực mới dực được đạo” là như vậy.
Ngày 30/4/75, ngày quân đội miền Bắc xua quân đi xâm chiếm miền Nam và
khi họ vào tiếp quản các cơ sở kinh tế của miền Nam hầu như còn nguyên
vẹn, một nền kinh tế phát triển hơn hẳn Đài Loan và các quốc gia trong
khu vực lúc bấy giờ. Thế nhưng gần bốn mươi năm trôi qua, VN đang quay
trở về điểm xuất phát của cái thời trì trệ, quan liêu nói nhiều hơn làm?
Một mốc thời gian không quá dài so với lịch sử của một quốc gia, dân
tộc nhưng lại quá dài khi so sánh với một đời người hay cả một thế hệ.
Thử nhìn sang Nhật Bản một quốc gia bại trận sau thế chiến thứ hai, đất
nước bị tàn phá nặng nề! Nhưng xứ sở Mặt trời mọc đã viết nên một câu
chuyện thần kỳ khi chỉ mất mười năm để tái thiết đất nước (1945-1955),
chỉ mất mười lăm năm (1955-1970) cho một nền công nghiệp hiện đại và trở
thành một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới vào thập niên 1970-1980.
Xã hội Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII vẫn còn là một nhà nước phong kiến
với nền nông nghiệp lúa nước lạc hậu! Nhưng vì sao khi bước sang những
năm đầu của thế kỷ XX người Nhật đã là một Đế quốc hùng mạnh? Và sau
chiến tranh thế giới thứ hai họ chỉ mất ba mươi lăm năm để đạt nên kỳ
tích thật đáng ngưỡng mộ? (Nếu bánh xe lịch sử quay ngược được thời
gian! Việt Nam không “Bế quan tỏa cảng” mà mở cửa thông thương như Nhật
Bản-Thái Lan? Không giết giáo sĩ phương tây để Pháp có cớ xâm lược? Và
nếu sau bốn mươi năm, chế độ-chính trị-xã hội Việt Nam không đi mây,về
gió kiên định với “chủ nghĩa xã hội” thì đất nước, dân tộc Việt Nam đã
không phải hèn kém, khiếp nhược ngoại bang? Xã hội Việt Nam đã không
phải đối đầu với vô vàn những hoàn cảnh khuất tất, tai ương, đói nghèo
và lạc hậu như hiện nay).
Việt Nam luôn chuyên chú, để tâm chạy theo hướng phát triển công nghiệp
hóa, hiện đại hóa như Nhật Bản từng thực hiện và đã thành công? Nhưng
theo nhận xét của riêng cá nhân tôi giấc mơ công nghiệp hóa của VN theo
hướng phát triển của người Nhật sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Vì
Vương quốc Nhật Bản đã có nền tảng phát triển kinh tế thị trường để trở
thành đế quốc đã hơn trăm năm trước rồi! Cường quốc Nhật Bản biết tự
lượng sức trước tài nguyên khoán sản hạn chế, người Nhật nổi tiếng tiết
kiệm đối với tài nguyên nghèo nàn, càng ít tài nguyên họ càng phát triển
các kỹ năng khác (thương mại, xuất khẩu hàng công nghiệp…) để bù đắp,
thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên không được dồi dào. Dân tộc
Nhật là một dân tộc có ý chí quật cường, tinh thần ái quốc tuyệt vời,
tính kỷ luật, lòng tự trọng rất cao đó là câu chuyện thần kỳ và kỳ tích
mà Nhật Bản đạt được. Việt Nam muốn ngẩng cao đầu cùng các “cường quốc
năm châu” trước hết hãy học hỏi lòng tự trọng của người Nhật: tổ quốc là
trên hết. Vì vậy mỗi gia đình cán bộ lãnh đạo từ trung ương xuống đến
địa phương phải biết làm gương chỉ nên có một ngôi nhà để ở, một căn nhà
thờ họ vừa phải, một mãnh vườn nhỏ khi về hưu! Tất cả tư dinh, biệt thự
hãy mạnh dạn trả lại cho quốc gia làm công xưởng, nhà máy hiện đại để
canh tân phát triển đất nước. Trả lại đất đai, điền trang cho nông dân
sản xuất lương thực, thực phẩm và nên lấy ưu thế về sản xuất phát triển
nông nghiệp. Nên tập trung sản xuất theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp
có nghĩa là dùng động lực, cơ giới hóa thay cho sức người và sức kéo
(bò, trâu) mà người nông dân hiện nay vẫn sử dụng để sản xuất, canh
tác…hoán đổi đất đai nhỏ lẻ cho những gia đình nông dân canh tác riêng
rẻ, tập trung những vùng đất đai rộng lớn để thực hiện việc cơ giới hóa
nông nghiệp như Nhật Bản, Hoa Kỳ mới mong thoát khỏi đói nghèo để bước
vào thập niên phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
(Nhớ ngày Nam, Bắc chia đôi 20/7/2013)
© Quốc Anh
© Đàn Chim Việt
Một luận văn phản văn hóa và phản động
Bản luận văn gây “sốc”
Bản luận văn có những quan điểm gây “sốc” khi tán dương sự nổi loạn của
một nhóm thơ “cách tân” nhen nhóm cách nay hơn chục năm và hiện nay đang
leo lét. Nhà nghiên cứu- phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi đây là
“một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”.
Giáo sư Phong Lê 2 lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải
làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn
cũng như hội đồng chấm luận văn. Có người kêu lên: “Liệu Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội (nơi tổ chức thực hiện bản luận văn) có giải thiêng lịch
sử được không?” Có người nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang
nội dung chính trị phản động…”.
Tác giả bản luận văn xác nhận: Đối tượng của luận văn là Thực hành thơ
của Mở Miệng, với vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một
điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong
tư tưởng và nghệ thuật của họ… Và: Các tác phẩm được khảo sát là những
tập thơ cá nhân và nhóm của các thành viên Mở Miệng, cùng những người
đồng chí hướng (tr.16).
Bìa bản luận văn đang bị “ném đá”. |
Chữ “bên lề” của Đỗ Thị Thoan xuất phát từ lý luận về Giải trung tâm của
Derrida. Theo đó, họ quan niệm rằng trong một văn bản có quan hệ giữa
phần chữ viết và phần lề xung quanh, mà phần chữ viết là trung tâm, còn
phần lề là ngoại vi.
Bên lề là để ghi chú, giải thích, hiệu đính… và đó là cái khác với cái
trung tâm. Từ đó, sinh ra lý luận “Mỹ học của Cái Khác”. Đỗ Thị Thoan-
một trong những người coi hiện tượng nhóm Mở Miệng là “cái khác” của
dòng văn học chính thống, được mệnh danh là thơ phản kháng, thơ “bên lề”
và tập trung nghiên cứu “cái khác”, cái “bên lề” của nhóm này.
Từ đó, tác giả muốn nói trong chính trị cũng vậy. 2 mặt trung tâm và
ngoại vi đấu tranh với nhau dẫn đến giải trung tâm nghĩa là đến một ngày
các ngoại vi sẽ phá vỡ cái trung tâm.
Nhóm Mở Miệng là ai?
Bản luận văn nêu trên cho biết: Tháng 6/2002, tập “Mở miệng” gồm 4 tác
giả: Khúc Duy, Bùi Chát, Lý Đợi và Nguyễn Quán được xuất bản và nhóm Mở
Miệng chính thức hình thành. Tập thơ photo số lượng ít, chuyền tay bạn
bè và một số tập khác sau đợt kiểm tra đã bị thu hồi và tiêu hủy.
Vì, cái mà họ gọi là thơ, như chính họ thừa nhận là thơ dơ, thơ rác
rưởi, thơ nghĩa địa… ngôn ngữ thơ thô tục bẩn thỉu, nghệ thuật thơ bế
tắc lập dị.
Đặc biệt, họ đã dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ…
nhằm hạ bệ các thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân, bôi bẩn
các giá trị lịch sử- văn hóa của dân tộc, xúc phạm tình cảm của hàng
triệu đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu.
Chính vì vậy, nó đã không tồn tại được lâu trong đời sống văn hóa tinh
thần của nhân dân ta, như chính tác giả bản luận văn đã viết: “Mở Miệng
từ chỗ gây náo loạn, đã trở nên im ắng dần trong những năm gần đây.
Lẽ ra, Mở Miệng có thể trở thành một cú hích để xới lật nhiều vấn đề về
thơ đương đại cả lý thuyết lẫn thực hành và trên thực tế đã châm ngòi
cho một số cuộc tranh luận quan trọng như về thanh- tục trong thơ, về
thủ pháp giễu nhại… Nhưng các cuộc tranh luận đều diễn ra trên mạng và
không chứng tỏ nhiều ảnh hưởng với sự chuyển động của thơ Việt trong
nước” (tr.9).
Từ cổ xúy thứ văn chương tục tĩu…
Một sự “nổi loạn, cách tân” đã thất bại, đã bị cuộc sống chối bỏ và trên
thực tế đã gần như cáo chung như thế mà Đỗ Thị Thoan- một cán bộ giảng
dạy đại học sư phạm- lại bới lên để khảo sát và hết lời tán dương, cổ
xúy: “Việc Nguyễn Huy Thiệp nhét c… vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà để hạ bệ thần
tượng hoàn toàn khác việc Mở Miệng đưa chuyện c… đái ra nói công khai
như những kẻ mua vui nhàn rỗi cho quần chúng bằng thơ tiếu lâm…”
Không chỉ nói chuyện “c… đái”, thơ của nhóm Mở Miệng còn hào hứng miêu
tả những bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà, những hành vi làm tình,
hành lạc… bằng những từ ngữ thô tục, trần trụi nhất mà một người bình
thường không thể nhắc lại được, dù là để phê phán.
Những từ tục tĩu bẩn thỉu ấy được sắp đặt lổn nhổn bên nhau, được phát ra một cách lảm nhảm vô lối:
Tôi ném nước bọt lên tường/ Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột
dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè mỗi
khi chủ nhật… Tôi hành hạ tôi ba bữa/ Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức
chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời/ Tôi đánh răng vào buổi trưa/ Tôi
đâm ra/ Tôi cải tạo âm hộ…
Ấy thế mà Đỗ Thị Thoan ca ngợi: Những thi phẩm này (đúng là phải gọi
bằng từ “thi phẩm”) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng cảm xúc… (tr.64).
Và: Thái độ dám hủy bỏ thi tính của mình để đổi lấy một hành vi mới, tạo
ra một ý niệm mới về việc làm thơ là một thách thức với ý thức mỹ học
cũ (tr.84) v.v…
Từ việc đồng lõa, bênh vực và “tôn vinh” thứ thơ bệnh hoạn, tắc tị như
trên, tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca
ngợi những nhà văn “phản kháng” như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… để
rồi xuyên tạc và kích động: Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản
kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy.
Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô
trật tự, vô chính phủ… Và: Nhân văn Giai phẩm trước hết là một phong
trào dân chủ… Mở Miệng cũng bắt đầu bằng một phản ứng CHỐNG một thứ
quyền lực “vô hình” trong sự thiết lập sân chơi thơ trẻ của các sĩ phu
Bắc Hà và họ tạo thành một nhóm chơi (trò) chơi thơ với sự thống nhất về
bản sắc, ý hướng, dù thực hành cá nhân mỗi người lại khác nhau.
Phản ứng của những người tin tưởng vào cách mạng của quá khứ (tức nhóm
Nhân văn Giai phẩm) cũng hoàn toàn khác với phản ứng có tính chất phá
bỏ, giễu nhại, thiếu nghiêm trang của Mở Miệng (tr. 32).
Sau khi thừa nhận “nhu cầu cách mạng” để thực hiện “nhu cầu cách tân” về
nghệ thuật của nhóm Mở Miệng, thừa nhận họ văng tục và nói về c… đái
nhưng muốn lật đổ hơn là xây dựng (tr.31), tác giả Đỗ Thị Thoan không hề
giấu giếm đối tượng “cách mạng” và “lật đổ” không chỉ là những khái
niệm của văn chương học thuật mà là thể chế chính trị.
Bởi tác giả cho rằng: Cơn hưng phấn của thời Đổi Mới nhanh chóng biến
thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt chặt lại của chính sách, với Đại hội Đảng
VII năm 1991 (tr. 26). Tác giả còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt
tự do sáng tạo: Và bởi sự thống nhất trong một xã hội không chấp nhận đa
nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị
chèn ép… (tr. 37).
Đến đây, tác giả đã công khai biểu thị thái độ đồng tình với tư tưởng
chống cộng của các phần tử chống đối Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, mà
Mở Miệng chỉ là một nhóm nhỏ, trong đó: Tập Bài thơ một vần của Bùi
Chát, mặc dù là thơ tự do, nhưng tính chất một vần nằm ở từ khóa Cộng
sản. Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh
trong ngôn ngữ ý thức hệ... (tr. 71).
Và tác giả Đỗ Thị Thoan kết luận: Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là
biểu hiện của sự giải phóng, trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt
Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở
Miệng là một sự chối bỏ quyết liệt, dù tôi không muốn nhìn nhận họ như
một sự đại diện cho thế hệ, nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những
thành trì kiên cố của sự chuyên chế, khi niềm tin vào chế độ và sự tự do
đang có đã tan rã… (tr. 104).
... Đến bản luận văn trá hình, phản động
Rõ ràng “đây là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản
động”. Nó trá hình ở chỗ mượn cụm từ “góc nhìn văn hóa” để khảo sát một
hiện tượng văn học, nhưng thực chất để tung hô, cổ xúy cho một “thực
hành thơ bên lề” có tư tưởng chống đối cái trung tâm, cái chính thống,
chống lại định hướng, chống lại thiên chức phụng sự Tổ quốc, phụng sự
nhân dân của văn học và nhà văn.
Tán thưởng quan điểm “nổi loạn là điều kiện của sáng tạo”, xuýt xoa tấm
tắc khen “thơ rác, thơ dơ”, thơ tục tằn bẩn thỉu… thì “góc nhìn văn hóa”
ấy là văn hóa gì? Nó phản động ở chỗ chuyển từ ý thức phản biện khoa
học sang ý thức phê phán để chống đối, nổi loạn, lật đổ.
Trong khi toàn Đảng và toàn dân ta đang ra sức học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh thì nó tìm cách giải thiêng hình tượng Bác Hồ,
mang những bài viết, lời phát biểu và những bài thơ của Người ra để chế
tác và giễu nhại…
Đây là biểu hiện hết sức trắng trợn của những người tự nhận là “cách
tân, đổi mới” nhưng thực chất là mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị
hòng lật đổ chế độ, thay đổi thể chế.
Và đặc biệt, sự trá hình, sự phản động chính trị trong trường hợp này là
hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm, vì đây không phải là những tài liệu,
bài viết phát tán trôi nổi trên Internet để các cư dân mạng có thể tiếp
nhận ở những mức độ khác nhau, mà đây lại là một luận văn thạc sĩ cao
học, được làm và bảo vệ trong một cơ sở giáo dục- đào tạo bậc đại học
của Nhà nước, nên nó có tính pháp quy.
Theo đó, nó sẽ được lưu trữ trong thư viện quốc gia, làm tài liệu chính
thức cho các đối tượng nghiên cứu, tham khảo. Tác giả luận văn lại là
người giảng dạy văn học cho sinh viên sư phạm, nghĩa là những tư tưởng
của tác giả sẽ được tiếp nhận và sẽ được truyền lại cho nhiều thế hệ trẻ
nữa.
Đại học Sư phạm Hà Nội có liên can?
Được biết, sau khi bị dư luận lên tiếng và được cơ quan chức năng chấn
chỉnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Văn của nhà trường đã họp
“rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, trên thực tế chưa ai bị xử lý bất kỳ hình
thức kỷ luật gì.
Thậm chí có người còn phát biểu trên một số diễn đàn chính thống rằng
phê phán bản luận văn như vậy là kiểu “chụp mũ, quy kết” đã lỗi thời.
Đặc biệt, thạc sĩ Đỗ Thị Thoan vẫn tiếp tục lên lớp cho sinh viên và
dưới bút danh Nhã Thuyên vừa phát tán một tập tiểu luận mang tên “Những
tiếng nói ngầm” trên một số trang mạng ở nước ngoài, trong đó có những
trang mạng chống cộng nổi tiếng nhiều năm nay.
Trong tập tiểu luận này, Nhã Thuyên công khai tán dương, ủng hộ dòng thơ
“ngầm” chủ trương chống đối, lật đổ chế độ cộng sản; xuyên tạc lịch sử
dân tộc; chống lại “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh”…
Nhã Thuyên khẳng định: Thể thơ Mở Miệng là “đối trọng với nền thơ chân
chính”. Vậy, nền thơ chân chính phấn đấu cho cái chân- thiện- mỹ, còn
thơ đối trọng là thơ gì, nếu không phải là thứ thơ chống lại định hướng,
chống lại cái thiên chức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân?
Nhã Thuyên cũng thừa nhận là “họ đẩy thơ vào ngõ cụt, chiếu bí người đọc
bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ” cũng như “sẵn sàng thách thức những người
làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ”.
Song, trước một bài thơ cực kỳ tục tĩu ngay trong tựa bài, Nhã Thuyên
bình luận: “Nếu vượt qua được sự thách thức từ nhan đề tập thơ, người
đọc thơ có thể tiếp xúc với một kho từ vựng phong phú, sống động của đời
sống của những kẻ dưới đáy, của cái thường nhật, của cái tục đã bị áp
chế bởi văn minh”(?!)
Thử hỏi một người viết luận văn làm đề án cho thơ rác, thơ bụi, thơ lạc
chuẩn và đáng ngại hơn là cổ xúy những người làm thơ để làm chính trị
lật đổ có xứng đáng đứng trên bục giảng đại học nữa hay không?
Cái gọi là bản luận văn này có xứng đáng được xem như một công trình
khoa học hay không? Và những người tham gia hướng dẫn, chấm điểm, cấp
bằng… cho tác giả và bản luận văn này liệu có vô can trước những quan
điểm sai trái, phản động, nguy hiểm như đã trình bày ở trên?
Có một bộ phận văn học nghệ thuật đang lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc, vu khống, bôi bẩn những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Họ đang đi ngược tất cả những gì là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, hiện nguyên hình là những kẻ phá phách văn hóa, qua con đường văn hóa để thực hiện dã tâm chống chế độ, chống nhân dân.
(Báo Vĩnh Long)
Philippines muốn tổ chức “ngày biểu tình toàn cầu” chống Trung Quốc
Các báo lớn của Philippines (Inquirer, Philippine Star, Diplomat) đưa
tin: Từ 12h trưa đến 2h chiều ngày thứ tư, 24/7, Liên minh Biển Tây
Philippines (WPSC) sẽ tổ chức biểu tình chống Trung Quốc tại Tổng lãnh
sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila của Philippines. Cùng ngày, biểu tình
cũng sẽ diễn ra tại tất cả các tòa đại sứ và lãnh sự Trung Quốc ở Mỹ,
Anh, Italy, Canada, Australia, Đan Mạch, Israel, Campuchia, v.v. với địa
điểm và thời gian tùy mỗi nơi chọn.
WPSC là một liên minh phi chính phủ, với thành viên là các công dân mạng
(netizens), một số cựu quan chức cấp cao Philippines, cùng một loạt tổ
chức: Người Mỹ gốc Philippines vì nền quản trị tốt, Tinh thần Cách mạng
EDSA, Cựu chiến binh và những đứa con…
Chủ tịch của WPSC – cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines Rafael Alunan III –
thông báo tại một cuộc họp báo hôm 17/7, rằng 24/7 sẽ là một “ngày biểu
tình toàn cầu” của dân Philippines chống Trung Quốc.
Nhiều nghệ sĩ (ca sĩ, diễn viên, MC…) của Philippines cũng đã đến dự họp
báo, tuyên bố sẽ tham gia biểu tình, hát cổ vũ nhân dân Philippines
chống quân xâm lược Trung Quốc. Một số nhân vật nổi tiếng đang tiến hành
ghi âm một “ca khúc biểu tình ôn hòa” để đóng góp cho phong trào.
Thông điệp gửi chính quyền và nhân dân Trung Quốc
Thay mặt WPSC, ông Alunan tuyên bố: “Cuộc biểu tình có bốn thông điệp:
Chúng tôi phản đối hành vi hiếu chiến của Trung Quốc và sự vi phạm trắng
trợn luật pháp quốc tế trên Biển Tây Philippines. Chúng tôi yêu cầu
Trung Quốc hãy là một nước láng giềng tốt, tránh hành động đơn phương
trên khu vực biển tranh chấp, và chấm dứt các hành động gây hấn. Chúng
tôi yêu cầu Trung Quốc tìm con đường hòa bình để đi đến với một giải
pháp cho tranh chấp, trước khi họ chứng minh (tính đúng đắn của) các yêu
sách của họ trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Chúng tôi hướng tới nhân dân Trung Quốc – những người mà nhân dân
Philippines đã có một lịch sử lâu đời hữu nghị và hợp tác, ngay từ trước
khi Magellan đến Lapu-Lapu vào năm 1521. Chúng tôi không chống các bạn.
Chúng tôi chống lại chính sách vô luật pháp của chính quyền của các bạn
– xâm phạm chủ quyền, chiếm đóng, ăn cướp tài nguyên thiên nhiên, và đe
dọa – trên Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của chúng tôi.
Chúng tôi kêu gọi người Philippines ở khắp nơi, hãy đứng lên, như một
dân tộc có chủ quyền, có nhân phẩm, thách thức lại Trung Quốc, khi mà
Trung Quốc luôn đe dọa gây chiến mỗi lần chúng ta phản đối hành động vi
phạm tùy tiện của Trung Quốc trên Vùng Đặc quyền Kinh tế của chúng ta.
Chúng tôi lên án việc họ sử dụng một cách có hệ thống vùng biển lân cận,
sử dụng tàu hải giám và tàu ngư chính để ngăn cản ngư dân và sĩ quan
của chúng tôi, không cho đi lại tự do trên vùng biển của chúng tôi.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của chính phủ là hiện đại hóa và
chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang. Chúng ta phải có được phương
tiện để thực hiện tự vệ, càng sớm càng tốt, nhằm bảo vệ Vùng Đặc quyền
Kinh tế, chủ quyền, và danh dự dân tộc của chúng ta”.
“Chiến dịch toàn cầu”
WPSC mong muốn tổ chức một chiến dịch toàn cầu “để nói cho thế giới biết
sự thật về tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Philippines và Trung
Quốc”.
Ý tưởng người Philippines biểu tình trên toàn thế giới vào ngày 24/7 tới
đây xuất phát cách đây hai tháng, khi cựu Bộ trưởng Nội vụ Rafael
Alunan và một số blogger Philippines đọc được trên Facebook kế hoạch
biểu tình vào ngày 24/7 của tổ chức Người Mỹ gốc Phi vì nền quản trị
tốt. Ông Alunan nói: “Mặc dù những người Philippines đó đã tuyên thệ
trung thành với một lá quốc kỳ khác, nhưng trong tim, họ vẫn là người
Philippines”.
Đồng tổ chức “ngày biểu tình toàn cầu” 24/7, ông Roilo Golez, nguyên Cố
vấn An ninh Quốc gia, cho biết các cuộc tuần hành sắp tới sẽ là “điểm
khởi đầu cho một cái gì đó lớn hơn”, và dự định của WPSC là làm cho hoạt
động biểu tình trở thành rộng khắp.
Tổ chức Người Mỹ gốc Philippines vì nền quản trị tốt cho biết nhóm của
họ sẽ tiến hành biểu tình ở một loạt thành phố lớn trên toàn nước Mỹ:
Washington DC, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Houston, Denver,
Atlanta, và Saipan.
“Chúng tôi ủng hộ tất cả những ý kiến phản đối sự hiện diện và hành vi
xâm lược của Trung Quốc trên Vùng Đặc quyền Kinh tế của chúng tôi” – ông
Golez tuyên bố.
Địa điểm biểu tình chính ở Philippines là tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc ở
thành phố Makati thuộc thủ đô Manila. Báo chí địa phương dự đoán sẽ có
khoảng 5.000 người tham dự.
Vào tháng 5/2012, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng đã diễn ra
trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc, với khoảng 200 người, ít hơn rất
nhiều so với dự kiến.
Tờ Diplomat viết: “Biểu tình về các vấn đề chủ quyền vốn rất phổ biến ở
nhiều nước trong khu vực, kể cả Việt Nam, nước mà – cũng giống như
Philippines – thường phải tranh cãi với Trung Quốc xoay quanh các yêu
sách chủ quyền chồng lấn nhau trên Biển Đông Nam Á”.
Bên dưới bài viết của tác giả Zachary Keck trên tờ Diplomat hiện có 24
lời bình luận (comment), trong đó ngoài những ý kiến cổ vũ và kêu gọi
mọi người hưởng ứng Philippines, có cả một số comment như: “Tôi không
hiểu Trung Quốc đã làm gì sai. Tôi yêu Trung Quốc”, và “Ngu xuẩn, đó là
từ nên dùng nhất lúc này để nói về dân Philippines”. Comment này nhận
được một comment khác đáp lại: “Ngu à? Ngu là kẻ nghĩ rằng thực thi tự
do ngôn luận là ngu”.
Đại đa số ý kiến đều lên án Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh hành xử một cách trưởng thành theo luật pháp quốc tế.
(Tổng hợp từ các báo The Diplomat, Tribune Online, GMA News của Philippines)
(Blog Phạm Đoan Trang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét