Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Bài viết đáng chú ý: Kiểu gì thì Nguyễn Văn Bé cũng phải thành Liệt sỹ nhá =))

Cô Gái Đồ Long - Thà chết chứ hổng chịu hy sinh!

1016867_633306613347890_1886648150_n.jpg
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bé chụp cùng bản tin về cái chết của mình trên báo Tiền Phong. Nguồn: Facebook.
Ngay sau 1975, khi thị trấn Xuân Lộc (Đồng Nai) được kiến thiết và xây dựng lại với chính quyền mới; người ta đặt tên cho con đường dài nhất là Nguyễn Văn Bé. Hồi nhỏ đi học ở đây, tui nhớ trong tài liệu từ phòng truyền thống của trường sơ lược, Nguyễn Văn Bé sinh năm 1941 quê ở Châu Thành (Sông Bé). Anh nhập ngũ tháng 7.1961, là Đảng viên ĐCSVN. Năm 1966, sau khi bị bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí, theo yêu cầu của Mỹ - ngụy Nguyễn Văn Bé phải giải thích công dụng của các loại vũ khí này, nhờ cơ hội đó anh đã dùng mưu cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng tiêu diệt 69 tên Mỹ - ngụy và nhiều xe tăng địch; hy sinh tan xác tại chỗ. Nguyễn Văn Bé được Ủy Ban MTDTGPMNVN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

536843_2771496741288_288764110_n.jpg

37 năm trôi qua, Nguyễn Văn Bé là tấm gương sáng được nhiều thế hệ học tập. Huyện Xuân Lộc bây giờ đã là Thị xã Long Khánh nên đường Nguyễn Văn Bé cũng được mở rộng hoành tráng, chạy dọc suốt chiều ngang thị trấn như con đường huyết mạch. Nhưng, tự dưng gần đây mấy bác lãnh đạo địa phương bất ngờ cho đổi tên đường Nguyễn Văn Bé thành Hồ Thị Hương; hầu như ai cũng thắc mắc nhưng không có câu trả lời chính thức nào. Dân chúng xầm xì với nhau rằng: “Té ra người ta mới phát hiện cha nội này hổng có hy sinh mà là chết vì bệnh!”. “Thì thiếu gì người chết bệnh mà vẫn đặt tên đường đó thôi, miễn sao những gì họ cống hiến là xứng đáng!”. “À… chắc còn chuyện gì khó nói.”. Người Long Khánh trà dư tửu hậu bàn tán rằng, Nguyễn Văn Bé bị thương và bị địch bắt làm tù binh trong một trận đánh, sau đó anh được đưa ra ngoài hạm đội chữa trị và chuyển qua Mỹ. Nhiều năm nay Nguyễn Văn Bé mang quốc tịch Hoa Kỳ và mới đây bất ngờ trở về (!). Tuy nhiên, theo một số tài liệu khác của quân đội Mỹ đưa ra, có thể tìm kiếm google - trong đó có cả tờ Times đáng tin cậy và nhiều tờ báo thời điểm 66-67 đăng tải hình ảnh anh Nguyễn Văn Bé còn sống, lại thế này: Năm 1966 Nguyễn Văn Bé bị bắt và đã chiêu hồi Mỹ - ngụy, tin đầu hàng của Nguyễn Văn Bé còn được in trong truyền đơn nữa. Vậy đó. Thực hư thế nào hổng chịu trách nhiệm nha, ai hỏi là tui nhất định không khai thằng cha Vixi đang núp trong bụi chuối đâu à. Túm quần lại là nhân vật Nguyễn Văn Bé có lý lịch không rõ ràng trong sáng. Hahahha…Thay vì ngồi chờ đợi các nhà sử học lật lại “Vụ án Nguyễn Văn Bé “ - mà có vẻ chuyện này hơi bị khó như “Vụ án Lê Văn Tám”, thị xã Long Khánh đã quyết định đổi tên cho chắc ăn. Thà quê còn hơn bị chê! Nhưng cũng có một trường hợp khác, đó là Trường THCS Nguyễn Văn Bé (206 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh – TP.Hồ Chí Minh). Trường này thành lập từ năm 1976, nhiều năm liền đạt thành tích Tiên tiến cấp Thành phố. Đã từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghi vấn về anh hùng liệt sĩ mà trường mang tên chưa sáng tỏ, nơi này đã viết lại lý lịch trong đó ghi rằng anh hùng Nguyễn Văn Bé mất ngày 24.3.2002. Thà chết chứ nhất định hổng chịu hy sinh! Dù gì đi nữa, tui cũng quýnh giá cao hành động dũng cảm của mấy bác Long Khánh. Chợt nhớ tới bữa rồi đi thăm chuồng cọp Côn Đảo, nghe cô hướng dẫn viên kể về một nữ tù đã can đảm mổ ruột ném vào mặt cai ngục, phản đối chế độ sinh hoạt hà khắc ở đây. Nữ tù này tên Nguyễn Thị Bé, sao không đặt tên đường chị này ha; chỉ cần đổi Văn thành Thị à hà hà
524822_2771725267001_1610806045_n.jpg
Đường Nguyễn Văn Bé mới đổi thành Hồ Thị Hương.
Thị xã Long Khánh nằm ngay trên trục quốc lộ 1A, chỉ cách Sài Gòn 80km về phía Đông Bắc; luôn được xem như cửa ngõ Sài Gòn. Cứ chạy qua khỏi cầu Sài Gòn phóng thẳng chừng 1 tiếng rưỡi là tới. Đây là quê hương thứ 2 của tui!
Vào lúc 5 giờ 40 sáng ngày 9.4.1975, cách đây đúng 37 năm đã mở đầu Chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh. Trận này là một mốc quan trọng quyết định tiến trình dẫn tới sự kiện 30.4.1975, vì Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) của QLVNCH để phòng giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn. Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham chiến gồm có: Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) tăng cường Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7), ngoài ra còn một trung đoàn tăng, thiết giáp, một trung đoàn pháo binh, sau còn được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn bộ binh 325) và một đại đội xe tăng (tổng quân số khoảng 40.000 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm chính ủy. "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn" nên Trận Xuân Lộc là nỗ lực cuối cùng của QLVNCH nhằm ngăn chặn bước tiến của QĐNDVN trên đường tiến vào Sài Gòn. Nhắc đến sự kiện này không thể không nhớ tới tướng Lê Minh Đảo chỉ huy sư đoàn 18 và 12 ngày đêm tử thủ cùng với các lực lượng dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, tăng thiết giáp và không quân còn lại.

988527_4588652129037_671008473_n.jpg
Đường Hồ Thị Hương.


Tại Xuân Lộc, một máy bay C-130 của KLVNCH đã thả một quả "bom cháy" CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 QĐNDVN. Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng lớn và giết chết hơn 2500 lính QĐNDVN. Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Trận Xuân Lộc kéo dài đến ngày 20.4 làm QĐNDVN thương vong khoảng 2.000 người (trong đó 1.888 người chỉ tính riêng Quân đoàn 4 theo số liệu của Việt Nam sau 1975) và theo số liệu ước tính của Mỹ tổng cộng khoảng 5.000 người. Chiến thắng Trận Xuân Lộc đã quyết định sự sụp đổ của chính phủ Sài Gòn.
Những năm gần đây, dân Long Khánh thỉnh thoảng vẫn còn đào thấy xương cốt của cả hai phe…
Cô Gái Đồ Long

(Blog Cô Gái Đồ Long)

Để Việt Nam là điểm dừng của FDI

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, các doanh nghiệp FDI cũng góp phần gia tăng xuất khẩu, thế nhưng thời gian gần đây, xuất hiện nhiều dự án FDI bị thu hồi, tiến độ chậm, dòng FDI bị chững lại. Phải chăng Việt Nam chỉ là điểm đến mà không phải là điểm dừng cho các nhà đầu tư nước ngoài?

khudautunuocngoai-daitu-hn-305jpg.jpg
Khu đầu tư nước ngoài Đại Tứ ở Hà Nội
RFA photo
Việt Nam đang mất dần lợi thế
Báo cáo ra ngày 10/7 của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy dòng vốn FDI của Việt Nam trong khoảng 5 năm vừa qua vẫn ở mức cao, số vốn FDI thực hiện luôn dao động trong khoảng trên dưới 11 tỷ đô la mỗi năm, đây được xem là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, dù cho vẫn còn những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô hay quá trình tái cấu trúc diễn ra chậm chạp.
Tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy tỷ lệ đóng góp của FDI trên GDP liên tục suy giảm trong vòng 6 năm qua, từ mức đỉnh cao 12% năm 2008 xuống chỉ còn 7% vào năm ngoái 2012.
Trong chương trình Dân Hỏi – Bộ Trưởng trả lời diễn ra tối hôm 7/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhận xét “Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI” so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hiện tại Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, và ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến FDI trở nên khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều vì thế môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm sút. Vì lẽ đó, việc thu hút FDI thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.
Nhận xét về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế P.G.S, T.S Ngô Trí Long cho rằng hiện tại Việt Nam mới chỉ là điểm đến chứ chưa thực sự hấp dẫn, để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài về lâu về dài, ông phân tích:
Thu hút đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam mới chỉ là điểm đến thôi, chứ chưa có một lực hấp dẫn hút đối với các nhà đầu tư bởi rất nhiều những cản trở và rào cản của nó, đặc biệt là môi trường đầu tư nhiều khi còn bất cập, vì thế hiện tại Chính phủ đang tập trung vào cải cách, hoàn thiện môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh thời gian vừa qua, nguồn lực thu hút lớn, nhưng so với môi trường đầu tư hiện nay, hoặc do những chính sách, hoặc do những rào cản cải cách hành chính, thủ tục hành chính hoặc môi trường đầu tư hiện còn rất nhiều bất cập, chính vì thế, nó chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo PGS, TS Ngô Trí Long nếu nhìn vào bức tranh tổng thể GDP hiện tại có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa vào 3 nhân tố: nguồn lực Nhà nước, khu vực ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài. Trong 3 phần này, đầu tư nước ngoài là một tiềm lực hết sức quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam bứt phá và phát triển, vì lẽ đó, nếu Chính phủ Việt Nam không thực sự cải cách, tạo môi trường thu hút vốn FDI tốt hơn thì đó sẽ trở thành lực cản đối với dòng vốn này.
Hiện tại, các dòng vốn đổ vào Việt Nam được chia thành 3 lĩnh vực chủ yếu: vốn đầu tư gián tiếp (thông qua hình thức mua cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán), nhưng dòng vốn này không ổn định, còn nguồn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) lại có xu hướng giảm dần, vì vậy, FDI là nguồn lực quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nhất là để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh?
Đánh giá về dòng vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, ông Earnest Z. Bower, Cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ người dành nhiều thời gian tìm hiểu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đưa ra nhận xét:
Rất nhiều các nhà đầu tư muốn đến Việt Nam trước khi lạm phát của Việt Nam bùng phát mạnh và nền kinh tế bắt đầu suy giảm. Rất nhiều tiền đã được đầu tư vào Việt Nam, hiện giờ thì những khoản đầu tư này vẫn đang nằm đó. Đã có rất nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới hiện thay đổi chiến lược, ngoài đầu tư vào Trung Quốc, họ muốn tìm đến các thị trường mới năng động, có tiềm năng tăng trưởng và Việt Nam là điểm đến cho họ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt để cạnh tranh hơn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư có chất lượng hơn, với số vốn lớn hơn gấp nhiều lần hay.
Để trả lời câu hỏi này, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục đổi mới và cải thiện chính sách để các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn và từ đó, họ có thể mang thêm đến Việt Nam nhiều công nghệ và vốn hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một điểm thu hút rất lý tưởng với cộng đồng đầu tư quốc tế.
Lời phân tích trên của ông Earnest Bower rằng Việt Nam cần chuẩn bị để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư có chất lượng hơn là chỉ nhắm đến số lượng vốn cũng phù hợp với các định hướng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra. Cụ thể, Việt Nam không chạy theo số lượng mà chuyển sang lựa chọn các dự án có chất lượng, dần chuyển từ lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Nếu cách đây 25 năm, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, là “điểm nóng” đối với các nhà đầu tư quốc tế, thì giờ đây, sau một phần tư thế kỷ, Việt Nam đang phải đối mặt với một người bạn trong khối ASEAN, đồng thời cũng là một đối thủ -- Myanmar, sau khi quốc gia này chính thức chuyển đổi sang chế độ dân sự.
Khi so sánh giữa Việt Nam và Myanmar, ông Earnest Bower, một lần nữa cho biết quan điểm của ông:
Myanmar hiện là một thị trường hoàn toàn mới, một quốc gia rộng lớn với khoảng 55 triệu dân, thế nhưng Việt Nam lại lớn hơn và có chính sách mở cửa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trước đó một thời gian dài. Mặc dù, Myanmar hiện đang là một điểm nóng, nhưng thực sự vẫn còn rất khó để có thể đầu tư tiền bạc ngay lúc này vì cơ sở hạ tầng cũng chưa có gì, chính phủ dân sự vẫn còn khá mới.
Bởi Việt Nam có một thời gian dài hơn thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên tận dụng cơ hội đi trước này bởi nếu không, Myanmar sẽ rất nhanh chóng theo kịp. Vì vậy, trong khoảng 10 năm tới, Myanmar sẽ là một đối thủ mạnh đối với Việt Nam và Việt Nam ngay lúc này cần phải tận dụng những lợi thế đang có để thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn.
Rõ ràng, để Việt Nam trở thành điểm dừng chân và phát triển lâu dài cho các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi Chính phủ phải có những chiến lược và định hướng rõ ràng và hơn hết cần phải nhận thức môi trường thu hút đầu tư sau 25 năm đã thay đổi rất nhiều và các đối thủ cạnh tranh cũng hoàn toàn khác.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-07-22

Nguyễn Lân Thắng - Biểu tình chống chính phủ ở Philippines

13262_198988380267001_1980427662_n.jpg
Quầy báo ở một cây xăng ven đường... bôi nhọ tổng thống tùm lum...


CẦN THỂ HIỆN NHÂN QUYỀN ĐÚNG CÁCH

(viết gửi báo QĐND hoặc ANTG, ANTĐ... cũng được)

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Tổng thống nước Cộng hòa Philippines đọc diễn văn báo cáo tình hình trước nhân dân cả nước, là lại có một thiểu số người tụ tập tại khu vực trước cổng Hạ viện Philippines, hò hét, kích động, gây rối.

Động cơ thứ nhất của những kẻ này là lợi dụng các quyền tự do dân chủ để bôi nhọ, vu khống Đảng và Nhà nước Philippines. Bằng cách làm này, họ hy vọng lôi kéo được một số người ngây thơ về chính trị, bản lĩnh chính trị yếu kém, hoặc nhận thức chưa đầy đủ đi theo họ. Thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng có mặt, những vị “tiến sĩ” này, “thạc sĩ” kia. Có người trong số họ vẫn nghĩ rằng việc mình tham gia bày tỏ thái độ chống phá Nhà nước Philippines như thế này là thể hiện “quyền tự do ngôn luận”, là giúp ích cho Nhà nước, cho đất nước (?!)

Động cơ thứ hai của những kẻ khởi xướng và tụ tập những nhóm đông người vào ngày đọc diễn văn của Tổng thống còn thâm độc hơn nhiều. Đó là hành vi lợi dụng quyền tự do biểu đạt, tự do tụ tập (vốn các thế lực thù địch phương Tây gán cho cái nhãn chung là “các quyền tự do dân chủ”) để vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người. Phải chăng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành “tiền đề cách mạng đường phố”, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân Philippines?

Toàn thể nhân dân Philippines kiên quyết một lòng đi theo tư bản chủ nghĩa và sẽ không bao giờ chấp nhận thái độ cùng hành vi gây rối của những kẻ xấu đó. Mưu đồ của họ sẽ thất bại hoàn toàn.

Cuối cùng, chúng ta cũng đừng quên rằng những kẻ tụ tập gây rối này vẫn còn một động cơ nữa là mượn chiêu bài “ủng hộ nhân quyền” để xuất hiện ở nơi đông người, trước ống kính giới phóng viên báo chí, nhằm mục đích thấp hèn là đánh bóng tên tuổi cá nhân.

Điều đáng trách là các phương tiện thông tin của các thế lực phản động lại cũng tham gia vào những sự kiện này. Họ xúm vào khai thác việc một số phần tử xấu lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá Nhà nước Philippines, cứ như thể biểu tình là cái gì hay ho lắm.

Đã đến lúc cần phải nhận rõ động cơ của những kẻ khởi xướng và tổ chức các cuộc tụ tập đông người này, nhận rõ bộ mặt xấu xa phản động của họ. Hỡi nhân dân Philippines, hãy thực hiện quyền công dân của mình bằng những hoạt động thiết thực, như là hăng hái thi đua lao động sản xuất, đóng thuế đủ, hãy học tập thật giỏi để trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đi bảo vệ đất nước. Xin đừng để bị kẻ xấu lợi dụng./.

Nguyễn Lân Thắng

Xe tải hạng nặng được dùng để ngăn hẳn một bên đại lộ cho người biểu tình tự do đi vào...

Bù nhìn Tổng thống...

Đốt hình nộm Tổng thống...

Trạm y tế chăm sóc cho người biểu tình..

Cảnh sát giữ trật tự...

(FB Nguyễn Lân Thắng)

Nhân quyền cho Việt Nam: TT Mỹ sẽ phải lắng tiếng?

Liệu nước Mỹ có kỳ vọng vào một cá nhân lãnh đạo nào đó của Việt Nam – người có hy vọng trở thành Thein Sein thứ hai để cứu vãn dân chủ, hòa hợp hòa giải các thế lực và cả các thế hệ, nhưng trên tất cả là vực dậy một nền kinh tế lụn bại đang sa chân vào vực thẳm khủng hoảng?
“A delicate line”
“Một đường đi mỏng manh” (a delicate line) có thể là biểu tượng mô phỏng cho kết quả của chuyến viếng thăm Nhà Trắng của nhân vật số 2 của chính đảng cầm quyền ở Việt Nam, sẽ diễn ra vào ngày 25/7/2013 và mở đầu cho một chu trình mới sau khi vòng tròn sáu năm trước tạm khép lại.
Và đó cũng là một phép thử cho những gì còn lại về lợi ích chiến lược chung đụng giữa Hoa Kỳ và đối tác cựu thù đang cần đến tinh thần chú Sam.
Đã từ lâu, giới chuyên gia sừng sỏ của Hoa Kỳ luôn nói đến các mục tiêu chiến lược, kinh tế và giá trị - một hệ tư tưởng mà giới ngoại giao địa chính trị của Mỹ đã tuân thủ không ít lần ở không ít quốc gia trên thế, chẳng hạn như Arap Saudi.
Xét theo logic có tính biện chứng lịch sử ấy, nếu triển vọng về chiến lược đồn trú tại khu vực biển Đông nói riêng và Thái bình dương nhìn rộng hơn của Mỹ có thể đạt được thông qua một “chiến lược toàn diện” nào đó với Nhà nước Việt Nam, thì lại khá chua chát cho phong trào dân chủ còn phôi thai và những người bất đồng chính kiến lẻ loi ở quốc nội, bởi chủ đề nhân quyền ở một quốc gia ngàn năm văn hiến có thể không còn quá quan trọng trong nhận diện về quyền lợi chiến lược của người Mỹ - như nhận xét của những chuyên gia phản biện không mấy lạc quan vào sự cải thiện của xu thế.
An ninh khu vực biển Đông lại đang hóa thân như một chủ đề then chốt cho cuộc gặp Obama – Sang, hay ngọn nguồn hơn là Sang – Obama vào ngày 25/7/2013. Bởi bất kể quan điểm “đi dây” ra sao giữa Bắc Kinh và Washington của chủ tịch nước, Việt Nam vẫn đang lọt thỏm trong mối nguy hiểm rất cận kề từ lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc”.
Trong khi đó, “kẻ thù số 1” lại không còn quá nguy cơ. Về mặt lý thuyết, cảng Cam Ranh ở Việt Nam vẫn có thể hóa thân thành Subic ở Philippines nếu chính sách “bảo vệ người Mỹ ngoài biên giới Mỹ” còn có tác dụng quân sự cũng như tiết giảm nhiều khoản chi phí không cần thiết cho Lầu năm góc.
Thậm chí, người Mỹ còn đang hứa hẹn cho Việt Nam gia nhập TPP trước cả Myanmar, dù rằng Thein Sein được đánh giá là người đi trước Hà Nội nhiều năm về công cuộc chuyển hóa dân chủ êm thấm và kỳ diệu hơn là tránh được một cơn can qua đổ máu vô ích.
Có lẽ chính vì thế mà đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã có một lời khẳng định là nếu Việt Nam không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền thì sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở Quốc hội Mỹ để thông qua hiệp ước TPP.
“Vì đất nước Hoa Kỳ có ưu thế để đưa ra những vấn đề này” - David Shear “tống đạt” một kết luận, được giới bình luận nhận định có giá trị như một lời cam kết.
Dĩ nhiên, lời cam kết này không thể làm cho Hà Nội hài lòng.
“Tôi nói điều này với các viên chức cao cấp của Việt Nam. Tôi nói với Chủ tịch Sang, tôi nói với Thủ tướng Dũng, tôi nói với Tổng bí thư Trọng, tôi nói với Bộ trưởng ngoại giao Minh. Tôi và các nhân viên ngoại giao đoàn nói điều này với tất cả các viên chức Việt Nam nào mà chúng tôi có cơ hội gặp” - David Shear trần thuật trước báo chí vào tháng 5/2013.

000_Hkg7943250-305.jpg
Từ phải qua: Chủ Tịch VN Trương Tấn Sang, TT Nguyễn Tấn Dũng, TBT Nguyễn Phú Trọng AFP photo
Ông cũng không quên nêu ra những điều Hoa Kỳ đã đòi hỏi ở Việt Nam: thả tù chính trị, tăng cường tự do ngôn luận, tự do hội họp, tăng cường tự do tôn giáo và công nhận thêm nhiều tổ chức tôn giáo, thông qua Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Còn thái độ của Hà Nội như thế nào – cho hiện tại và cho cả sáu năm qua, tính từ thời điểm một chủ tịch nước bước qua cửa Nhà trắng bằng con đường ngoại giao?
Một tuần sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tại Hà thành, đại sứ Liên hiệp châu Âu ở Việt Nam là Franz Jessen kể lại câu chuyện hấp dẫn về một hiện tượng “tâm lý học”: các quan chức Việt Nam hoàn toàn ý thức được các vấn đề mà họ đang đối mặt và đang gây lo ngại cho các đối tác.
Trước đó vào giữa tháng 2/2013, Franz Jessen đã có những cuộc gặp riêng với một số quan chức đầu ngành Việt Nam là tướng Tô Lâm - thứ trưởng công an, và Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh  Sơn. “Tôi khá ngạc nhiên khi tới đây và thấy sự thông hiểu vấn đề ở các bộ, bao gồm cả Bộ công an. Họ hiểu rõ nhưng vẫn chưa biết phải làm gì với những người, chủ yếu là ở trong nước, bày tỏ những ý kiến mà họ không muốn thấy” – ông kể lại.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh  Sơn còn nói với ông Franz Jessen là “Chúng tôi hiểu nhưng hãy cho chúng tôi thời gian”.
Nhưng đến giữa năm 2013, điều được gọi là ‘thời gian”đã chứng thực giá trị nhân từ của nó: chính quyền bắt một hơi 3 blogger và còn hứa hẹn sẽ “nhập kho” nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác.
Thế là dư luận trong nước lại càng có cớ để truyền tin cho nhau về một thực trạng khác biệt về chính kiến và quan điểm xử lý vấn đề nội chính và cả câu chuyện đối ngoại giữa một số nhà lãnh đạo nào đó.
Tình hình phát triển đến mức mà ngay cả một nhà ngoại giao như David Shear cũng phải tường tỏ. Trong một buổi gặp mặt cộng đồng người Việt ở Little Saigon, Nam California, viên chức này giải thích: “Ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về Hoa Kỳ rất là phức tạp. Có những người từng tham chiến trong chiến tranh, và họ chưa hoàn toàn thân thiện với Hoa Kỳ. Có những người giáo điều ý thức hệ và lo ngại về những biến đổi về xã hội và chính trị nếu bang giao quá mật thiết với Hoa Kỳ”.
Viên đại sứ này cũng mô phỏng một khái niệm mới mẻ “A delicate line”: “Vâng, họ đang đi một đường rất mong manh, mà phía chúng ta cũng vậy”.
Đã khá rõ ai, hoặc những ai, là kẻ “ném đá dò đường” trong bóng đêm tĩnh mịch.
“Thein Sein thứ hai”?
Chỉ có điều, đã chưa từng xuất hiện thuật ngữ “A delicate line” trong mối bang giao Hoa Kỳ và Trung Quốc từ đầu năm 2013 đến nay, và đặc biệt sau cuộc gặp Obama và Tập Cận Bình tại Nhà trắng vào đầu tháng 6 năm nay. Cũng không có điểm nhấn nào về nhân quyền mà phía Mỹ đặc tả về bầu không khí như bị bóp nghẹt tại Tân Cương, Tây Tạng và phần còn lại của Trung Hoa.
Còn với Việt Nam thì sao? Liệu ứng xử của người Mỹ với Hà Nội về vấn đề nhân quyền có mềm dẻo như được thể hiện với Bắc Kinh?
Hay ngược lại – cứng rắn?
Có lẽ đây là một ẩn số trong phương trình Bắc Kinh – Washington mà Hà Nội rất muốn giải mã. Tuy thế, dường như não trạng một số lãnh đạo vẫn chưa thật cảm thông với quy luật những ẩn số chính trị vào thời chiến tranh lạnh lại hầu như được quyết định bởi phương trình kinh tế.
Vào năm 2012, kim ngạch thương mại của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã lần đầu tiên vượt Mỹ, trở thành nước có tổng kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.
Các số liệu công bố của cả giới chức Trung Quốc và Mỹ cho thấy trong năm 2012, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đạt 3.866,76 tỷ USD, trong khi kim ngạch trao đổi buôn bán của Mỹ thấp hơn một chút - 3.862,86 tỷ USD.
Nếu năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, thì vào năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt đến 2.048,93 tỷ USD so với mức 1.563,58 tỷ USD của Mỹ.
Trong khi đó, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam, dù đã được “nâng lên một tầm cao mới” sau hơn một thập kỷ, vẫn chỉ vỏn vẹn 24 tỷ USD, chiếm có 2,4% tổng kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và khối EU trong năm 2012.
Không có gì để đối sánh với quan hệ Trung – Mỹ, điều hoàn toàn có thể chắc chắn là tương quan chính trị Việt – Mỹ sẽ không tránh khỏi nhiều điều kiện ràng buộc từ ông chủ Nhà trắng.
Nền kinh tế Việt Nam lại đang ở vào thế gần như suy kiệt về cái được định nghĩa là “nội lực”.
Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng bấp bênh nguy hiểm như giờ đây, với quá nhiều hệ lụy từ hệ thống ngân hàng và các thị trường đầu cơ như bất động sản, vàng, chứng khoán, cùng khối nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng và nợ công quốc gia và nợ nước ngoài có thể lên đến 95 - 106% GDP nếu tính theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, trong đó có đến vài chục tập đoàn kinh tế quốc doanh đang quá khó có khả năng thu hồi vốn từ đầu tư trái ngành những năm trước và quá khó có khả năng trả nợ cho Nhà nước từ tình trạng  chúa chổm hiện nay.
Tất cả đều như dẫn đến độc đạo khủng hoảng kinh tế và cả khủng hoảng xã hội trong không bao lâu nữa.
Nhưng với mối tương quan kinh tế quá dị biệt giữa hai quốc gia vốn là cựu thù, giới phân tích quốc tế lại càng ngạc nhiên về tâm thế lắng tiếng hoàn toàn không bình thường của chính quyền Obama, ít ra trong nửa đầu năm 2013 và vào nhiệm kỳ cuối cùng của một tổng thống – được quy định bởi hiến pháp Hoa Kỳ?
Phải chăng đó là một tâm thế bị động của giới chính trị Mỹ trước những chính khách cựu thù đang cực kỳ chủ động tìm kiếm mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”?
Còn nếu đó chỉ là một thái độ lắng tiếng giả tạo, liệu người Mỹ đang suy ngẫm gì về một “chiến lược mới” đối với Việt Nam?
Khác với cuộc gặp Bush – Triết vào năm 2007, giới lãnh đạo đương thời ở Việt Nam đang được xem là “phức tạp” – như ẩn ý của đại sứ Hoa Kỳ David Shear, hoặc ở vào thế “đa cực” mà không còn “nhất trí cao” trong cách nhìn của giới phân tích chính trị phương Tây.
Cách nhìn đó lại như mô tả một ốc đảo, trên đó mỗi người lại nhìn về một góc trời đối ngẫu.
Có lẽ đã xa hẳn rồi cái thời đồng thuận đồng nghĩa với tinh thần minh triết.
Trong những tháng tới đây, cùng với những chuyển động về TPP, không khí tiềm ẩn sắc tố quân sự trên biển Đông, và cả những dấu hiệu khác như hoạt động “lobby” của Việt Nam cho một ghế nhân quyền tại Liên hiệp quốc, người Mỹ sẽ chờ đợi và trông đợi gì đối với giới lãnh đạo Việt Nam?
Từng thấm trải kinh nghiệm và bài học từ một Myanmar quân phiệt và chuyên chế, liệu nước Mỹ - với tầm nhìn và cả với “giác quan thứ sáu” của họ - có kỳ vọng vào một nhân tố mới hay cụ thể hơn vào một cá nhân lãnh đạo nào đó của Việt Nam – người có hy vọng trở thành Thein Sein thứ hai để cứu vãn dân chủ, hòa hợp hòa giải các thế lực và cả các thế hệ, nhưng trên tất cả là vực dậy một nền kinh tế lụn bại đang sa chân vào vực thẳm khủng hoảng?
Không ít lần trong lịch sử, khủng hoảng vẫn có thể được xử lý bằng chính khủng hoảng. Nếu quả thực có được “giác quan thứ sáu”, người Mỹ sẽ làm gì để linh cảm chuyển hóa thành hiện thực?
Phạm Chí Dũng gửi RFA từ VN
2013-07-22

Điếu Cày tuyệt thực trong tù đến ngày thứ 30

Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24/09/2012.
Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24/09/2012. (DR)

Thêm nhiều cơ quan truyền thông quốc tế quan tâm đến trường hợp blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Báo chí Úc cũng như hãng AFP trong bản tin hôm nay 22/07/2013 cho biết người tù nhân lương tâm Việt Nam mà Tổng thống Mỹ Obama đã từng trực tiếp lên tiếng can thiệp đã tuyệt thực đến ngày thứ 30 tại nhà tù biệt giam tại Nghệ An.

Thông tin sáng lập viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do tuyệt thực từ tháng Sáu đã được loan tải trên nhiều trang mạng xã hội Việt Nam và truyền thông quốc tế. Trong bản tin hôm nay, hãng AFP cho biết blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đã tuyệt thực đến ngày thứ 30.

Sau những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo năm 2008, ông bị chính quyền Việt Nam kết án 30 tháng tù với tội danh « trốn thuế », rồi 12 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống chế độ » và hiện bị biệt giam ba tháng tại nhà tù Nghệ An.

Bà Dương Thị Tân, người vợ cũ của Điếu Cày cho biết là ông đã nhịn ăn cho đến hôm nay là đúng 30 ngày. Sức khỏe của tù nhân 61 tuổi này được mô tả là « rất yếu, không thể tự đứng dậy ». Con trai của ông (Nguyễn Trí Dũng) chỉ được phép gặp mặt cha « có 5 phút » và cho biết nhìn không ra thân phụ của mình vì vóc dáng rất tiều tụy.

Bà Dương Thị Tân cho AFP biết thêm là blogger Điếu Cày tuyệt thực để phản đối lệnh biệt giam của giám thị nhà tù gây sức ép buộc ông « ký giấy nhận tội » và « sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi chính quyền phải trả lời ».

Ông Nguyễn Văn Hải đã từng tuyệt thực 28 ngày trong năm 2011 và cuối cùng chính quyền phải đưa ông về một bệnh viện ở Sài Gòn để cấp cứu.

AFP nhắc lại là trong năm 2013 này đã có 46 nhà tranh đấu ôn hòa bị bắt giam. Nhiều vụ tranh đấu bằng tuyệt thực hay nổi loạn trong nhà tù để phản đối chính sách « đối xử tồi tệ » đã xảy ra trong những tháng qua. Nổi cộm nhất là vụ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực tại nhà giam Thanh Hóa, vụ thanh niên Công giáo ở Vinh và gần đây là trường hợp tù nhân ở nhà giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nổi loạn bắt giám thị.

Mạng « danlambao » nhận định tính mạng của Điếu Cầy « được tính từng giờ ».

Bản tin của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam ngày 22/07/2013 cho biết thêm gia đình của các tù nhân lương tâm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên..., đã ký một bức thư cầu cứu với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong tuần này.

Tú Anh (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét