Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Đến lượt Thủ tướng phản công

Khai Xuân: Đến lượt Thủ tướng phản công

Đến nay thì phần lớn công luận đều thừa nhận hội nghị trung ương 6 là một thất bại thảm hại của phe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tuy nhiên, sở dĩ có nhận định đó là vì mức chờ đợi của xã hội đã lên quá cao cùng với các tuyên bố đầy hứa hẹn trước hội nghị, chứ khó có thể xem hội nghị 6 là thắng lợi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy kết quả sau cùng là xé được bản quyết định kỷ luật của Bộ Chính Trị nhưng uy tín và sĩ diện của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị sứt mẻ đáng kể, từ việc trở thành trò cười "đồng chí X" đối với cả nước đến việc bị coi là không xứng đáng nắm ghế trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng nữa, v.v. Chính vì vậy mà nhiều người chờ đợi ông Nguyễn Tấn Dũng, với quyền lực tài chính và công cụ công an còn nguyên trong tay, sẽ lập tức phục hận.
Nhưng quả đúng với bản chất nhiều mưu trí của ông Dũng – mà tùy góc nhìn, có người xem là "bản lãnh", có người gọi là "hiểm độc" – ông đã tạm án binh bất động để ổn cố lại hàng ngũ dưới trướng. Ông chỉ đi đó đây thăm các đơn vị công an, sinh viên để hô hào phải có “liêm sỉ”.
Trong khi đó, phe 2 ông Sang - Trọng liên tục ra tay: Từ việc chính thức chỉ định ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Đà Nẵng, ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương vừa tái lập; đến rình rang công bố các thành viên thuộc 3 ban của đảng gồm Ban Nội Chính, Ban Kinh Tế, Ban Chống Tham Nhũng; đến tường thuật rôm rả buổi họp Ban Chống Tham Nhũng đầu tiên do ông Nguyễn Phú Trọng chủ tọa.
Hiển nhiên, với quá nhiều các ban tương tự trong quá khứ, đặc biệt là những gì vừa xảy ra ở Hội nghị 6, công luận vừa dè dặt vừa hy vọng về 3 ban lần này. Nhưng đến khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng cất tiếng: "Tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng" thì giới đại gia và tập thể các quan chức cấp cao đều thở phào nhẹ nhõm. Câu nói này không khác gì câu "kỷ luật sẽ tạo thù hận" của cùng tác giả vào tháng trước. Vì giới nắm tiền và nắm quyền ở thượng tầng hiện nay đều biết rõ TẤT CẢ các thành viên thuộc cả 3 ban, kể cả 3 trưởng ban, đều dính chàm không chỉ trên tay mà còn khắp người nữa. Riêng ông Dũng thì không chỉ biết mà còn có luôn con số "chàm" ai đã nhận từ ông bao nhiêu và có luôn hồ sơ "chàm" từ công an – an ninh về các vụ tham ô của thành viên khác. Tóm tắt lại, ông Dũng biết tất cả các thành viên 3 ban đều đang đeo găng tay đi họp mà thôi và vì vậy cái ban của ông Trọng chỉ là đòn hù.
Có lẽ chỉ có 1 người mà ông Nguyễn Tấn Dũng quan ngại là ông Nguyễn Bá Thanh. Một phần lý do, vì ông Thanh nổi tiếng về bản tính đánh thí mạng — nghĩa là nhắm mắt ra đòn cực độc và bất chấp đối phương sẽ phản công và làm thiệt hại mình thế nào. Vụ giao tranh với tướng công an Trần Văn Thanh từ 2007 đến 2009 là một thí dụ điển hình. Và phần lý do còn lại là lời hứa đã lọt ra tới công luận, đó là lời hứa từ Bộ Chính Trị sẽ giao cái ghế thủ tướng của ông Dũng cho ông Thanh.
Với bản tính và lời hứa nặng ký đó, người ta không ngạc nhiên khi từ Đà Nẵng, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh trong những ngày chưa chính thức nhậm chức trưởng Ban Nội Chính, đã hăng hái nổ nhiều phát súng nhắm về hướng của phe nhóm thủ tướng. Hàng ngũ cán bộ và cả một vài tờ báo nhanh chóng truyền tai nhau các câu hăm dọa của ông Thanh: "Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều", hay "Một số ông giờ đang ngồi run", hay "Bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết." …. Tóm tắt lại, ông Thanh đã tuyên chiến lập tức: ông sẽ tỉa dần hàng ngũ quanh ông Dũng trước khi tiến vào tâm điểm chính là cá nhân thủ tướng. Rõ ràng ông Thanh dám làm điều mà ông Sang, ông Trọng rụt rè trong những tháng qua vì sợ đối phương vạch luôn bàn tay "chàm" của gia đình 2 ông.
Và đó là lý do mà ông Nguyễn Tấn Dũng phải lấy quyết định chuyển sang thế phản công. Đòn phản công của ông Dũng bao gồm cả hai mặt: thủ và công.
Thứ nhất về mặt thủ, ông Dũng cố hạ tối đa uy tín của Trưởng Ban Nội Chính trước khi ban này khởi động làm việc. Đó là việc xuất hiện ngày 17/1/2013 hồ sơ thanh tra và kết luận của Thanh tra Chính phủ trên báo chí, dù hồ sơ này mới đóng dấu “mật” chỉ mấy ngày trước đó. Kết luận này nói rằng thành phố Đà Nẵng mà ông Thanh vẫn đang nắm ghế bí thư thành ủy đã "gây thất thu ngân sách" hơn 3,400 tỷ đồng do định giá đất đai không chính xác hay giảm giá đất không theo quy định của nhà nước. Ngay sau đó Bộ Công an được Thủ tướng Dũng nhanh chóng và công khai giao nhiệm vụ nhập cuộc điều tra, "làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái". Nghĩa là hăm dọa sẽ truy tố hình sự một khi "tìm thấy chứng cứ".
Hai ngày sau, 19/1/2013, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến lập tức kêu oan về cả kết luận điều tra lẫn cách thức điều tra, bằng một văn bản dài và hàng loạt phỏng vấn với báo chí. Ông Chiến phản đối kết luận của Thanh tra Chính phủ vì "không có cơ sở"; phản đối việc "Thanh tra không chịu nghe giải trình của Thành phố"; phản đối việc "Thanh tra đưa kết luận này ra thông báo trên báo chí".
Ngày 29/1/2013, văn phòng thủ tướng, qua miệng của ông Vũ Đức Đam, một lần nữa công bố giữ nguyên kết luận về sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng và tiếp tục tiến hành lệnh của thủ tướng cho công an điều tra để truy tố. Ông Đam còn nói: "Thủ tướng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào… của thành phố Đà Nẵng".
Cho đến nay, hầu như tất cả công luận đều xem đây là một đòn công khai của ông Nguyễn Tấn Dũng đánh vào uy tín của ông Nguyễn Bá Thanh, đặc biệt nếu so với cách hành xử đầy tính châm chước của ông Dũng đối với chính quyền Thành phố Hải Phòng ngay sau vụ tai tiếng lớn ở Tiên Lãng.
Có xác suất cao trong những ngày tới, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương sẽ phải dành một phần thời giờ để trả lời các đoàn điều tra từ bộ công an và thậm chí có thể phải ra trước tòa để trả lời về các "sai phạm" trong quá khứ tại Đà Nẵng. Và dĩ nhiên các buổi này nhiều phần sẽ được công bố thoải mái trên báo chí.
Và dĩ nhiên, mọi đòn đánh nhắm vào ông Nguyễn Bá Thanh đều là lời cảnh cáo dằn mặt cho từng thành viên của cả 3 ban Nội Chính, Kinh Tế, và Chống Tham Nhũng của Bộ Chính Trị.
Thứ nhì trong thế công, ngày 21/1/13, tức là chỉ 3 ngày sau khi tung ra “hồ sơ mật” nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng Chống Tội Phạm (Ban Chống Tội Phạm) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng. Ban chỉ đạo này do cánh tay mặt của thủ tướng là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu và Bộ trưởng Công an, tướng Trần Đại Quang, giữ vai trò Phó ban thường trực.
Thoạt nhìn trên lý thuyết, người ta thấy có sự tách bạch khá rõ giữa Ban Nội Chính của Trung ương Đảng và Ban Chống Tội Phạm của chính phủ. Trên giấy tờ, Ban Nội chính có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương; định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án; thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Tức là những nhiệm vụ mang tính đối phó với nội bộ đảng.
Trong khi đó, cũng trên giấy tờ, nhiệm vụ của Ban Chống Tội Phạm là "phối hợp các cơ quan chức năng, các lực lượng để đấu tranh với các băng nhóm tội phạm nguy hiểm”, nghĩa là nhắm vào việc đối phó với xã hội bên ngoài.
Tuy nhiên, chỉ nhìn sâu hơn một chút, người ta đã có thể thấy rõ ngay mưu trí của ông Dũng khi tạo lập Ban Chống Tội Phạm như một vũ khí tấn công mới. Trước hết, Ban Chống Tội Phạm không bị giới hạn vào một lãnh vực phạm pháp nào. Cụ thể nó được cho phép “hoạt động trên nhiều địa bàn, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Đây là những thuật ngữ khá quen thuộc để cho phép loại quyền hạn không biên giới. Thế nào là "nghiêm trọng, phức tạp" hoàn toàn do văn phòng thủ tướng hay chính ban này định đoạt. Và tất cả mọi loại "sai trái" dù trong bất kỳ lãnh vực nào đều có thể qui về phạm trù mơ hồ của "an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội".
Nói cách khác, Bộ Chính Trị vừa tước ghế trưởng Ban Chống Tham Nhũng khỏi tay thủ tướng, ông Dũng cho lập ngay một Ban mới với quyền hạn còn rộng hơn nữa và hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của thủ tướng.
Kế đến Ban Chống Tội Phạm cũng không bị hạn chế trong phạm vi đối tượng. Nó không bị dừng lại ở cấp bộ nào, dù là địa phương hay trung ương, một khi đã tự kết luận đó là một vụ "nghiêm trọng, phức tạp". Và khi nhân danh đối phó với những kẻ phạm pháp, ban này không cần phân biệt đó là đảng viên hay dân thường. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, chỉ những người có quyền chức mới có cơ hội và phương tiện để phạm pháp nghiêm trọng, và đặc biệt, mới có khả năng lập "băng nhóm tội phạm". Và tuyệt đại đa số những người đang nắm chức quyền đều là đảng viên trung và cao cấp. Do đó, đối tượng chính của Ban Chống Tội Phạm là thành phần đảng viên có máu mặt, y như 3 ban của Bộ Chính Trị.
Về mặt bắp thịt, Ban Chống Tội Phạm của ông Dũng không kém gì Ban Chống Tham Nhũng của ông Trọng. Ban Chống Tội Phạm không những do phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cánh tay mặt của ông Dũng, cầm đầu mà còn đặt Bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang ở vị trí phó ban. Đây là yếu tố hệ trọng vì Công An là nơi đảm trách hầu hết công việc điều tra để các Ban dựa vào kết quả điều tra đó mà ra đối sách. Kinh nghiệm cho thấy, trong các vụ án chính trị cũng như kinh tế, những hồ sơ của cơ quan điều tra Bộ Công an có thể thay đổi, thêm bớt hoặc ngay cả dựng đứng, bịa đặt cho phù hợp với từng đối tượng, từng “chuyên án” đã được chỉ đạo. Với cách sắp xếp này trong Ban Chống Tội Phạm, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể thực hiện được hai điều: (1) Có thể ngăn chận hoặc ra lệnh sửa đổi bất kỳ bản điều tra nào của công an nếu xét thấy không có lợi cho phe nhóm ông; hoặc tùy tiện tung ra công luận các bản điều tra có nhiều thiệt hại cho các đối thủ. (2) Có thể ra lệnh cho công an tấn công các đối thủ dưới dạng mở hồ sơ điều tra, khám xét nhà cửa, kiểm tra tài sản, tạm giữ, tạm giam,…
Và một vũ khí trong bóng tối khác của ông Dũng cũng góp phần khiến bắp thịt của Ban Chống Tội Phạm đáng sợ hơn tất cả mọi ban khác. Đó là hệ thống riêng của cựu thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, người được xem là một hung thần theo truyền thống của trùm mật vụ Beria dưới thời Stalin trên đất Liên Xô. Công luận Việt Nam, báo chí lề trái vẫn tiếp tục ngờ vực bàn tay ông Hưởng trong những vụ đột tử, như cái chết mờ ám của ông Đào Duy Tùng năm 1994 khi đang là thường trực Bộ Chính Trị; cái chết vì ngộ độc của thứ trưởng bộ Công An Nguyễn Văn Rốp (Tư Rốp) năm 2001; cái chết bất ngờ của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Singapore; kể cả vụ ám sát hụt ông Ba Kiên Tham mưu trưởng Quân Khu 7 ở Campuchia,…. Tin tức về bàn tay trong bóng tối này đã trở nên thông thường trong dân chúng đến độ khi nghệ sĩ Kim Chi từ chối đề nghị ban khen của ông Dũng, bà nghĩ ngay đến xác suất một cái chết sắp được dàn dựng cho bà.
Với vũ khí Ban Chống Tội Phạm mang thẩm quyền vô giới hạn và có cả phương tiện công khai lẫn bí mật như vậy, ông Dũng thừa sức vô hiệu hóa cả 3 ban của Bộ Chính Trị. Điều này có thể thấy ngay qua một vài phóng chiếu cụ thể. Chẳng hạn như khi Ban Nội Chính sắp sửa truy tố một nhân vật nào đó thuộc phe ông Nguyễn Tấn Dũng theo lời khai của một số nhân chứng, thì các nhân chứng trong vụ án đột nhiên mất tích hay qua đời trong thầm lặng. Ở mức thấp nhất, các nhân chứng này bỗng nhiên bị công an bắt giam khẩn cấp vì những tội danh khác và bị điều tra về nhiều loại tội khiến các lời khai của họ với Ban Nội Chính không còn đáng tin và không đáng làm cơ sở buộc tội nữa. Đây là việc làm quá dễ trong chức năng phó Ban Chống Tội Phạm kiêm Bộ trưởng Công An của tướng Trần Đại Quang. Ở mức chủ động tấn công hơn nữa, khi Ban Nội Chính sắp điều tra một vụ việc gì không có lợi cho phe ông Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chống Tội Phạm còn có thể lập tức dùng một sai phạm nào đó ở hiện tại hay trong quá khứ, để mở màn "điều tra người điều tra" và tung ngay tin tức này ra báo chí.
Và dĩ nhiên Ban Chống Tội Phạm cũng sẽ rất hiệu quả trong việc tấn công ngược vào hàng ngũ của ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng để đánh trả mỗi khi Ban Nội Chính làm thiệt hại hàng ngũ dưới trướng ông Dũng. Diễn trình ăn miếng trả miếng này đã và đang liên tục xảy ra kể từ sau vụ đổ bể hệ thống ngân hàng. Thí dụ điển hình là các tấn công nhắm vào chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm, những người được xem là thành viên trong hệ thống làm ăn của ông Trương Tấn Sang.
***
Các đòn phép, và từ đó danh sách các "nạn nhân", sẽ gia tăng nhanh trong cuộc chiến giữa Ban Chống Tội Phạm và 3 ban của Bộ Chính Trị trong những tháng trước mặt.
Nhưng giữa lúc các ban giương cờ xí lên chuẩn bị đánh nhau lớn, chẳng ai thấy có ban nào nhắc tới vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử đất nước, đó là số tiền hàng trăm tỉ mỹ kim đã thất thoát qua các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Núi tiền khổng lồ đó không thể tan biến mà không để lại dấu tích gì. Phải chăng chẳng ban nào dám nói tới vì số "chàm" đó đã được chia và gởi lên quá nhiều cửa ở thượng tầng?
Nếu viết lại các phân tích của mình vào thời điểm giành giật "chống tội phạm - chống tham nhũng" hiện nay, hy vọng ông Nguyễn Văn An sẽ bổ túc vào cái tên mà ông đã khéo đặt cho cốt lõi của các tệ nạn và tình trạng không thể tự chữa của Đảng CSVN. Đã đến lúc gọi đó là các LỖI HỆ THỐNG CHÀM cho rõ nghĩa hơn chăng?
Phạm Nhật Bình – Lê Vĩnh
(DĐCTM)

Hòa Vân - “Bên thắng cuộc” và dư luận: Những cực đoan vẫn còn đó... nhưng không còn đe doạ được ai

Có lẽ chưa có một cuốn sách tiếng Việt nào đã được đón đọc rộng rãi, gây nhiều dư luận vừa tương phản từ rất đồng thuậnđến rất chống đối như cuốn sách này của Huy Đức. Bài này không trực tiếp nói về nội dung cuốn sách như một bài phê bình, điểm sách, mà tập trung nói vềdư luận ấy.

Về mặt đón nhận, mặc dù độc giả Việt Nam còn một bộ phận khá lớn quen “đọc chùa” hơn là mua sách, một chỉ dấu cho thấy sức lan toả của cuốn sách: khi bạn mở website của nhà sách trên mạng smashwords.com, nơi xuất bản và bán phiên bản điện tử của sách (cùng với amazone), bấm vào từkhoá “non-fiction” (cột bên trái), và dòng đầu bên phải, chọn “sort by best-sellers”, bạn sẽ thấy hai tập “Quyền Bính” và “Giải phóng” của “Bên Thắng cuộc” xếp hạng thứ nhất, trước các cuốn sách tiếng Anh. Điều này, chúng tôi đã kiểm tra mấy lần trong tháng 1.2013, và vẫn đúng khi bài báo này được lên khuôn (8.2.2013).

Nhưng nếu số người mua một cuốn sách là một chỉ dấu quan trọng về ảnh hưởng của nó, trong thời buổi internet những phản ứng muôn màu của người đọc thông qua các trang báo mạng, các blogs hay facebook (FB), còn cho thấy rõ hơn thành công hay thất bại của tác giả trong ý đồ chuyển tới người đọc những ý tưởng của mình, thông qua sự trình bày, phân tích dữ liệu mà mình dày công thu thập (tôi đang nói tới một cuốn sách “phi hư cấu”, không thuộc thể loại tiểu thuyết, văn chương khác). Có thể nói ngay, số người lên tiếng về cuốn sách, hoặc qua hình thức viết bài đăng báo, đăng trên blog hay trang FB cá nhân, hoặc qua những lời bình ngắn, quen được gọi là “còm”[1], cũng chưa bao giờ nhiều, sôi động như thế, ít ra theo quan sát của người viết bài này vốn mất khá nhiều thì giờ để theo dõi tình hình trong nước qua mạng. Nếu bạn gõ hai cụm từ “Bên thắng cuộc”và “Huy Đức” lên trang google (kể cả ngoặc kép để loại những kết nối với từng từ trong các cụm từ này), bạn sẽ thấy – vào sáng ngày 8.2, 8g40, giờ Paris – hơn 2 triệu kết nối. Tất nhiên, có rất nhiều trùng hợp, hàng ngàn hoặc nhiều hơn thế đường kết nối sẽ dẫn về cùng một trang mạng, nhưng dù thế chắc cũng chẳng ai có thể đọc hết những bài viết về cuốn sách có trên mạng và những “còm” về các bài viết đó[2]. Chỉ riêng đọc những còm sau những bài viết được đăng trên trang Ba Sàm cũng đã khó! Người đọc nhiều, người đọc xong viết ra phản ứng của mình như vậy cũng có thể nói là đông đảo hơn nhiều lần so với một quyển sách bình thường khác. Kể cả những người chưa đọc trang nào nhưng nghe người khác nói tới cũng nhảy vào tham gia “còm” v.v., tạo thành hiệu ứng “cơn sốt dư luận” như nói trên. Thành công đầu tiên của Huy Đức là ở đó, ở chỗ ít người đọc xong rồi có thể bỏ qua, quên đi, không bị ám ảnh, cật vấn trong chiều này hay chiều khác bởi những nội dung mà cuốn sách đề cập, hoặc bởi những phản ứng của người khác trên các nội dung ấy...

Thành công đó, nhiều người đã chỉ ra, là sự kết hợp một chủ đề “nhạy cảm” với một công phu đáng phục kéo dài nhiều năm trời trong việc tìm kiếm và sưu tầm dữ liệu[3]– cả dữ liệu “sống” ghi từ các cuộc gặp, phỏng vấn các chứng nhân tới các sách vở, báo chí - và một tài năng hiếm có trong việc xử lý, sắp xếp các dữ liệu đó nhằm phục vụ nội dung mà tác giả muốn chuyển tải. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi Huy Đức là một nhà báo “số một”của Việt Nam hiện nay.

Cũng có những người đọc bĩu môi “biết rồi, khổ lắm”, nhưng đó đa phần là những người viết các còm ngắn, ít đầu tư suy nghĩ, vào bài của những người khác. Còn trong số những người bỏ công viết bài để nói lên suy nghĩ của mình sau khi đọc sách thì số đông hơn là những người dù thích hay không cuốn sách vẫn công nhận không chỉ sự phong phú của tư liệu mà cả cái tài trình bày, độ khách quan của tác giả. Khiến cho những điều mình tưởng đã biết nay có được diễn giải, dẫn chứng cụ thể hơn, sâu chuỗi rành mạch làm nổi bật lên hơn nhiều điều quan trọng vẫn được ẩn giấu – chẳng hạn như quá trình cụ thể của một quyết định được những người cầm quyền đưa ra, như một quyết định tập thể, “nhất trí”, trong khi sự nhất trí đó thường là không có thực, và trong cái “tập thể” kia vẫn có những suy nghĩ rất khác nhau, thậm chí đối kháng nhau (kiểu ông Nguyễn Văn Linh thù dai ông Võ Văn Kiệt, dẫn tới một hệ quả không hề nhỏ là ông Đỗ Mười được bầu làm thủ tướng thay ông Phạm Hùng chứ không phải ông Kiệt v.v.). Một ít người đưa ra được lời phê bình ở cấp độ “học thuật” về các tư liệu mà tác giả đưa ra, như câu này của ông Lê Mai, một người từng làm công tác ngoại giao của “bên thắng cuộc”: “Điểm mạnh của “Quyền Bính”cũng như “Giải Phóng”là nhiều tư liệu, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, được thể hiện bởi một nhà báo lão luyện – công trình mang phong cách báo chí. Tuy nhiên, tác giả Bên Thắng Cuộc tái hiện một giai đoạn lịch sử VN hiện đại nhưng tư liệu gốc chiếm tỷ trọng không nhiều lắm, chỉ có một số bức điện, một số báo cáo, một số biên bản, một số nghị quyết, còn chủ yếu sử dụng các hồi ký và phỏng vấn nhân chứng– người viết nhấn mạnh. Đối với những người am hiểu, còn rất nhiều sự kiện lịch sử VN cực kỳ quan trọng, song có thể vì lẽ này, lẽ khác chưa được tác giả đề cập. Vì vậy, tính đầy đủ và chính xác của nó chắc rằng còn phải thảo luận nhiều”. Nhưng ông Lê Mai vẫn công nhận:”Dẫu sao, Bên Thắng Cuộc thực sự là một công trình rất đáng đọc, rất đáng tìm hiểu, rất đáng suy ngẫm, với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó”.  Dưới những góc tiếp cận khác, với ngôn từ khác, có thể coi đó cũng là kết luận của nhiều bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước như Dương Trung Quốc (bài trả lời phỏng vấn của BBC, ông Quốc không quên nhắc “không nên tuyệt đối hoá Bên thắng cuộc”),Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Xuân Long (một nhà khoa học hiện đang làm việc tại Mỹ), Vũ Anh, Đồng Phụng Việt (người Miền Nam sang Mỹ sau 1975) v.v. 

Nhưng nếu công phu và tài năng của tác giả tạo nên giá trị của cuốn sách và sự đồng thuận cao trong bạn đọc về giá trị ấy, thì chủ đề của nó và sự chọn lựa cách tiếp cận, cách xử lý các nội dung được đề cập của tác giả lại là lý do gây nên các tranh cãi trong dư luận. Nhất là trong những người vì lý do này hay lý do khác, chưa “tiêu” được cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm nay. Và như chờ đợi, những chống đối mạnh nhất dành cho Huy Đức và cuốn sách đến từ hai cực của sân khấu chính trị.

Nhà báo Vũ Ánh, một người “bên thua cuộc” từng bị giam giữ nhiều năm trong các trại cải tạo sau 1975, đã nhận xét: “Huy Đức đã sắp xếp những dữ kiện lịch sử sau 30 tháng 4 như một bản cáo trạng bày rõ những sai lầm của chính quyền được mệnh danh là “cách mạng”. Bản cáo trạng ấy không hề có lời lên án được đọc lên với giọng hùng hồn và ngược lại nó được kể lể với một giọng bình thản, thầm lặng lâu lâu lại xuất hiện một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng nó là những nhát dao sẽ để lại nhiều vết thẹo trên khuôn mặt cường quyền”. Nhưng như thế là chưa đủ để anh được các nhà chống cộng chuyên nghiệp ở quận Cam “tha thứ” vì cái tội đã từng là nhà báo “cộng sản”, đã “được” cộng sản cho đi Mỹ, một thứ tội tổ tông y như tội của những ca sĩ trong nước sang Mỹ biểu diễn từ khi hai nước nối lại bang giao. Phải biểu tình (trước toà soạn báo Người Việt, vì tội phổ biến bản in cuốn sách), phải lên mạng chửi bới, dù chưa đọc một dòng sách...

Ngược lại, cái giọng bình thản đó trong lời kể về các trại cải tạo, các vụ đánh tư sản, các diễn biến mở rồi lại trói đối với giới văn nghệ sĩ, các đấu đá giành quyền lực sau hậu trường v.v. lại làm cho các nhà tuyên giáo bế tắc, gần một tháng sau khi sách ra đời mới tìm được một người viết bài phản bác trên báo chính thống. Nhưng hình như chính tác giả bài viết đầu tiên ấy, nhà báo Nguyễn Đức Hiển trên Pháp luật TPHCM, cũng chẳng tìm thấy được lỗ hổng nào đáng kể trong các sự kiện được Huy Đức đưa ra trong “Bên Thắng Cuộc”, nên đành dùng một thủ thuật là lôi tính chính thống của “lịch sử” ra để đập cuốn sách, dù hiển nhiên là nó... lạc đề. Bởi, nếu ngay câu đầu của chương 1, tập 1 “Bên Thắng Cuộc”, tác giả viết: “Ba mươi tháng Tư năm 1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn hai mươi năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”, cuốn sách không hề tranh cãi về tính chất của cuộc chiến trên cơ sở những dữ kiện lịch sử diễn ra trước khi nó xảy ra. Huy Đức đã chủ yếu nói chuyện hôm nay để nhìn lại chuyện hôm qua. Hàng loạt những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội lớn nhỏ, sau khi chiến tranh kết thúc, được mô tả như nó đã xảy ra – ít ra là trong quan sát, tìm hiểu được của tác giả, mà như trên đã nói, sự tìm hiểu này không hề dễ dãi, hời hợt, mà công phu, kiên trì, qua hàng chục năm, hàng trăm cuộc tìm gặp để phỏng vấn các nhân vật liên quan, như chưa bao giờ người ta được thấy trong những cuốn sách, những bài báo của các tác giả trong nước. Điều đó không có nghĩa là sách không có sai sót! Thế thì, để không lạc đề, lẽ ra Đức Hiển phải tranh luận về các dữ kiện được đưa ra chứ, chúng có được phản ánh một cách trung thực không, cụ thể có những sai sót gì, cái nào là nghiêm trọng..., tác giả sách có dựa trên các dữ kiện đó để đưa ra những lập luận sai lạc nào hay không... Còn như, nếu qua những chính sách, những con người, những sự việc được mô tả trong sách, chính quyền cộng sản hiện lên như một bộ máy toàn tâm toàn ý hướng về việc giành và giữ quyền lực chính trị chỉ cho lợi quyền phe đảng của mình thay vì giành và sử dụng quyền ấy để mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, thì vấn đề là ở những chính sách, những con người đó hay là ở người mô tả chúng? Cũng cần nói thêm, những trang viết của Huy Đức về các nhân vật cầm quyền đâu phải là những trang bôi đen? Có người nghĩ ngược lại là khác. Chẳng hạn như trên blog của một bạn trẻ thuộc “bên thắng cuộc” ký tên là Teq, tác giả đánh giá là cuốn sách mang lại một điều “mới mẻ lớn” ở chỗ nó “đem đến những chân dung cụ thể về các vị lãnh đạo. Các vị lãnh đạo được nhắc tới trong sách, được kể một cách sống động, rất con người thường nhật”, khiến bạn ấy nghĩ rằng “dường như cuốn sách này được viết ra để thanh minh cho các vị lãnh đạo, bao trùm hơn nữa là cho chế độ”...

Trong khi Đức Hiển “lạc đề” thì nhóm các “nhà báo”trên tờ Công an TPHCM và trên những blogs “người nhà” chọn cách đánh quen thuộc hơn của lực lượng mà họ phục vụ: đánh bẩn dưới thắt lưng. Chửi rủa, bôi nhọ, vu khống..., với mục tiêu hiển nhiên là gieo nghi ngờ để hạn chế số người muốn tìm đọc cuốn sách đầy ắp những tư liệu tố cáo cái chế độ mà chúng phục vụ. Đồng thời tung ra lời đe doạ tác giả về những biện pháp bẩn thỉu hơn mà chúng có thể sẽ sử dụng cả ở bên Mỹ hay khi về nước.

Nhưng, như Huy Đức đã trả lời một bạn đọc trên trang FB “Sách Bên thắng cuộc” mà anh mở ra để quảng bá và tiếp nhận phản hồi về cuốn sách: “Không ai muốn hứng chịu “những điều không hay”nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sợ hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra”.

Đọc những bài viết về Bên thắng cuộc và các còm đi theo, người ta khó có thể không thấy rằng câu trả lời ấy cũng được đón nhận với sự đồng cảm chẳng kém gì cuốn sách. Ngày càng nhiều người không để cho sự sợ hãi dẫn dắt cuộc sống và những suy nghĩ của mình. Đó cũng là nét sáng hiếm hoi của tình hình chính trị -xã hội trong nước năm qua, giữ cho khỏi tắt ngọn lửa hi vọng cho tương lai.

Những cực đoan còn đó, nhưng chẳng còn đe doạ được bao người.

Hòa Vân

----------------
Ghi chú:

[1] Viết tắt từ từ tiếng Anh “comment”, “còm” đã trở thành một từ “thuần Việt” trong nghĩa là nó hoàn toàn không có trong từ vựng của ngôn ngữ gốc mà nó xuất phát !

[2] Riêng mặt báo Diễn Đàn đã giới thiệu trong mục “Thấy trên mạng” 12 bài viết từ nhiều chân trời chính trị khác nhau (không kể vài lần trích bài của chính tác giả Huy Đức), mỗi bài lại dẫn đến rất nhiều bình luận trên các trang báo, trang mạng khác không thể đếm hết. Để viết bài này, người viết đã chép vào một tệp riêng khoảng 40 bài đọc trên mạng, tuy nhiên do tính chất một bài báo ngắn sẽ không có các dẫn chứng cụ thể như trong một bài nghiên cứu.

[3] Tập I (Giải phóng) có danh mục 126 cuốn sách tham khảo và 608 chú thích (chiếm hết 100 trang chữ nhỏ). Tập II (Quyền Bính) ghi 69 cuốn sách, 52 hồi ký, bản thảo, sách nhiều tác giả... (một số đã được kể trong danh mục sách tham khảo của tập I nhưng không phải tất cả) và 654 chú thích chiếm gần 130 trang. Nói cuốn sách "đầy ắp những sự kiện, những thông tin" không phải là nói ngoa!

(Diễn đàn)

Cần thay đổi phương pháp giáo dục cổ hủ

Nhân dịp đầu năm mới, Kiến Thức khởi đăng loạt bài góp ý cải cách giáo dục. Đây là những ý kiến của thầy cô giáo, học sinh, bạn đọc... và các chuyên gia quan tâm đến "sự nghiệp trồng người".
Chính người thầy phải thay đổi
Những bất cập của hệ thống giáo dục đã được các chuyên gia mổ xẻ. Nhưng để đổi mới, chỉ nhìn ra bất cập thôi chưa đủ. Vậy giải pháp nào mới là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tế? Chiếc đũa thần nào khép được cánh cửa giáo dục đã lạc hậu, cũ kỹ, gỉ sét, không còn phù hợp nữa? Làm thế nào để không còn tình trạng thừa thầy thiếu thợ, học nhiều hiểu ít, chen đổ cổng trường xin học, ngồi nhầm lớp, quay cóp gian lận thi cử... Có lẽ phải là sự vào cuộc của cả hệ thống.
Sự chuyển dịch đầu tiên phải chính là người thầy. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, thực tế vẫn tồn tại nhiều thầy cô có phương pháp giáo dục cổ hủ, duy lý. Họ không chịu cập nhật những cái mới để theo kịp sự phát triển của học sinh. Trong khi đó, nếu thầy sai và không chứng minh được kiến thức, luận điểm của mình đưa ra là đúng và phù hợp thì tự nhiên, học trò sẽ đào thải thầy. Có những công nghệ, giải pháp, công thức... hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, giáo viên vẫn cứ lấy ra để giảng dạy cho học sinh. Với những em nhạy bén, chúng sẽ ngay lập tức nhận ra sự không phù hợp. Khi đó, sự kính trọng của người thầy của học trò cũng sẽ giảm bớt.
Học sinh phải chủ động, sáng tạo trong cách học, cách tiếp thu bài giảng. Làm chủ kiến thức của mình để không tự biến mình thành những con vẹt biết nói. Học sinh có nền tảng kiến thức để đánh giá chính giáo viên của mình. Khi học sinh tự nâng tầm của mình thì giáo viên - vì lo sợ bị đào thải - cũng sẽ phải cố gắng nhiều hơn.
Học sinh chủ động làm chủ kiến thức của mình để không tự biến mình
thành những con vẹt biết nói.  
Đổi mới toàn diện
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu chúng ta để tình trạng giáo dục lạc hậu thì không có cách nào chúng ta có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu". Trong các chỉ thị, nghị quyết thì giáo dục là một trong những ngành được nhiều mỹ từ đẹp đẽ, có sức hấp dẫn lớn như "quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", "cho tương lai", nhưng trên thực tế ngành giáo dục lại không được ưu tiên.
Theo GS Phạm Minh Hạc để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới SGK, làm cho SGK chính xác, thiết thực với phần thực hành tương thích (cần hoàn thành viết lại SGK trước năm 2015); trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, các cấp học đều học hai buổi/ngày; chấn chỉnh đội ngũ nhà giáo có tay nghề. Ngành giáo dục hiện vẫn cứ loay hoay với việc dạy chữ; từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học. Cải tiến mãi vẫn trong vòng luẩn quẩn... Đổi mới phải căn cơ, có lộ trình với những bước đi bài bản.
Tại sao lại có chuyện "mua bằng bán điểm", tại sao lại có tình trạng học thêm tràn lan từ mầm non, tiểu học? Tại sao bằng cấp từ các cuộc thi là "bằng thật" nhưng lại đẻ ra những sản phẩm người học "lại giả"; không chịu học hành rèn luyện, cứ hết năm lên lớp, cuối cấp nhận bằng. Làm sao giáo dục có chất lượng được. Chúng ta đã không điều khiển ngành giáo dục bằng chính quy luật tích cực của kinh tế thị trường. Có lúc chúng ta đã nhầm lẫn giữa việc chống "thương mại hóa giáo dục" với việc vận dụng các quy luật tích cực của kinh tế thị trường như "cạnh tranh", "cung phải đáp ứng cầu" quy luật "giá trị"? Cách đào tạo hiện nay chỉ khuyến khích người học học vẹt, chỉ biết làm theo không dám sáng tạo, không có khát vọng cống hiến.
Những phương pháp giảng dạy sáng tạo cũng đã được đề xuất, học trò hào hứng. Nhưng nó chỉ phù hợp với một đối tượng nhỏ hẹp và có tác dụng trong phạm vi nhất định. Còn để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cần có những quyết sách lớn, vĩ mô.
(Kiến thức)
 

Chỉ mỗi chuyện mừng trước mừng sau mà không nhường nhau được, thế thì làm được gì?

Cảm xúc

Tết này ra đường lại gặp những khẩu hiệu "Mừng Đảng, mừng Xuân"... Chuyện tưởng nhỏ như con thỏ, nhất là khi lòng dân đã quá rõ... Nhưng ý Đảng sao còn quá xa vời? Trong lòng bất giác trào lên một cảm xúc khó tả: Chẳng lẽ sự bảo thủ và trì trệ đáng sợ đến vậy? Chỉ  mỗi chuyện mừng trước mừng sau mà không nhường nhau được, thế thì lấy đâu ra dũng khí, dũng cảm để tiếp tục chèo lái con thuyền ?
Nói thật nhé! Hàng  ngàn lời phê và tự phê trong hàng vạn lần cuộc kiểm điểm cũng không bằng một động tác đơn giản là trả lại đúng chỗ của từ "đảng". Chỉ cần làm được thế đất trời sẽ hài hòa,  lòng dân được giải tỏa.... Cớ sao không làm? Hay chung quy chỉ tại...?    
Hà Nội, 28 Tết Quý Tị 
Trần Kinh Nghị
(Blog Trần Kinh Nghị) 

Nguyễn Thị Từ Huy - Chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng

"Dù có tạo ra khác biệt cỡ nào về quyền lực và vật chất, khi tước đoạt tự do của toàn xã hội thì thiểu số quyền lực và giàu có cũng không có tự do đích thực, tất cả đều cùng bị đẩy vào trạng huống của những kẻ nô lệ."
Để kết thúc một năm cũ
Việc những người nông dân mới đây ký tên vào Lời kêu gọi do những trí thức khởi xướng và việc những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ký tên vào văn bản do những người cộng sản soạn thảo đã làm tôi nghĩ đến điều này : chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng.
Không ai phủ nhận được sự khác biệt giữa các cá nhân, sự khác biệt giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp có nghề nghiệp khác nhau, có mức độ tài sản khác nhau… Nhưng liệu có thể phân biệt một cách hết sức rạch ròi giữa người miền Nam và người miền Bắc, giữa công nhân, nông dân và trí thức, giữa người trong nước và người sống ở hải ngoại ? Có thể nào vạch ra một ranh giới rõ rệt giữa những con người, có thể nào phân chia con người thành những chiến tuyến bất di bất dịch ? Có lẽ chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng. Thế nên những người chống cộng sẽ có một ngày ngỡ ngàng chứng kiến một nghệ sĩ cộng sản (mà nếu có sang biểu diễn ở Cali rất có thể sẽ bị họ tẩy chay) từ chối nhận bằng khen của người đứng đầu chính phủ mà bà cho là « làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân ». Nhưng Kim Chi nói là bà không chống cộng, bà chỉ chống cái xấu, cái ác, sự hủy diệt. Có lẽ những người chống cộng cũng đã không chống cộng nếu sau khi chiến tranh kết thúc họ được sống trong tình nhân ái, họ được đối xử bình đẳng, được nhìn nhận như là nạn nhân của một hoàn cảnh cụ thể chứ không phải như kẻ thù không đội trời chung, nếu họ có một cuộc sống bình an, có một cuộc sống của con người.
Chúng ta cùng có những nỗi niềm, dù có thể khác nhau nhưng đều là những nỗi niềm.
Các nhà văn miền Nam phải vào trại cải tạo dĩ nhiên bị tổn thương. Còn các nhà văn miền Bắc phải bị giam cầm như nhóm Nhân Văn, Hoàng Hưng, Hoàng Cầm, Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn… có bị tổn thương không ? Chúng ta đều tổn thương, với các mức độ khác nhau nhưng đều tổn thương. Sao vẫn không hết nhu cầu tiếp tục làm tổn thương nhau ? Tuổi thơ tôi từng trải qua những đêm dài bên bếp lửa mùa đông, ba tôi đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ về miền Nam, và ông khóc. Giảng viên và sinh viên miền Bắc tìm đọc các tác giả Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Mộng Giác, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền…với tất cả sự yêu mến chân thành của họ. Nhiều sinh viên miền Bắc ngày nay hứng thú làm các bài tập nghiên cứu về các nhà văn nhà thơ đô thị miền Nam trước 75, những nhà văn nhà thơ mà sinh viên ở không ít trường đại học miền Nam cho đến thời điểm này vẫn không được tiếp cận trong phạm vi trường đại học. Vậy sao không tin là người miền Bắc thật lòng với miền Nam ? Sao có thể gộp tất cả những người sống ở miền Bắc vào cái danh từ « người miền Bắc » đầy định kiến?
Hỏi thì hỏi vậy, nhưng tôi và nhiều người khác đều hiểu cái quá khứ đau thương mà người miền Nam phải trải qua sau khi chiến tranh chấm dứt.
Điều quan trọng là một bộ phận nhỏ trong xã hội, ở cả hai miền, bộ phận lãnh đạo có khả năng và trách nhiệm thực hiện quá trình hóa giải cho nỗi đau của những người dân của hai miền, cái bộ phận ấy cho đến giờ vẫn chưa có những động thái cần thiết cho sự hòa giải.
Tại sao những người lãnh đạo lại phải nhìn đồng bào của mình như những kẻ thù truyền kiếp ? Tại sao không thể nhìn nhận họ như là nạn nhân của thời cuộc, không hiểu rằng họ đã chẳng có lựa chọn nào khác ? (Mà suy cho cùng, có sai không khi nói rằng tất cả, bên này hay bên kia, đều là nạn nhân của thời cuộc ? ) Tại sao không thể đối xử với họ như là đồng bào, và như là con người ? Tại sao không thể làm như Nelson Madela ?
Tại sao giờ đây vẫn cứ phải tiếp tục nhìn đồng bào mình như những kẻ thù, tại sao vẫn phải luôn tìm kiếm kẻ thù, tại sao cứ phải biến mọi người thành kẻ thù, kể cả khi chiến tranh đã kết thúc?
Ngày nay khắp nơi đều xảy ra cảnh bất công. Nông dân trong Nam bị cướp đất, còn nông dân ngoài Bắc thì không ư ? Còn ai là không biết tới các vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Nam Định ? Công dân trong Nam « thắt cổ tự tử » chết trong đồn công an, còn công dân ngoài Bắc bị công an đánh chết công khai. Giờ đây còn ai không biết tới bi kịch của gia đình chị Thanh Tuyền và chị Kim Tiến ? Và càng ngày càng nhiều người phải vào tù vì các hoạt động đấu tranh cho quyền con người, cả ở miền Nam cũng như miền Bắc.
Bắc hay Nam có khác gì nhau ?
Những người như tôi là người ở đâu ? Sinh ra lớn lên ở miền Trung, từng làm việc ở miền Bắc và giờ đây sống ở miền Nam, tôi chẳng là người của miền nào, hay là người của cả ba miền ? Điều mà tôi biết rõ : tôi là người Việt Nam.
Liệu chúng ta có thể không chỉ nhìn mình như là người của một vùng nào đó, không chỉ nhìn mình như là người của một giới nào đó, để có thể vừa nhìn thấy mình vừa nhìn thấy cả người khác, để thấy rằng chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng ? Nếu một người như André Menras Hồ Cương Quyết có thể kiêu hãnh giơ tấm chứng minh thư lên để tự xác nhận mình là người Việt Nam thì chúng ta có nên cứ giữ mãi cái ranh giới bắc nam như một vết thương không bao giờ khép miệng ?
Chúng ta có nhiều thứ chung hơn là chúng ta tưởng, cho dù chúng ta ở bên nào : bên bị đạp vào mặt hay bên đạp lên mặt người khác, bên phải vào tù vì can đảm dám nói lên sự thật hay bên phải bịa ra những bản án kết tội những người vô tội. Dù chúng ta là những dư luận viên hay là những người cầm bút để phản biện thì hàng ngày có thể chúng ta vẫn đi trên cùng những con đường dưới cùng những hàng cây, thở cùng một loại không khí, uống cùng một nguồn nước, ăn cùng những thực phẩm như nhau. Con cái chúng ta có thể chơi đùa trong cùng một công viên, có thể đến cùng một trường học, có thể sẽ được dạy dỗ bởi những người thầy cất tiếng nói phản biện vì mong muốn một tương lai tốt đẹp cho học sinh sinh viên của họ. Một vài người thầy trong số đó, như Đinh Đăng Định, đã chấp nhận chịu bất công, chịu bị trừng phạt với hy vọng rằng con cái của chúng ta, con cái của chính các dư luận viên có một xã hội công bằng hơn, nhân văn hơn, có những trường học tiến bộ hơn, chất lượng hơn và không phải đi nước khác để tị nạn giáo dục.
Chúng ta đón cùng một cái tết, ăn cùng một loại bánh chưng. Chúng ta có cùng một quá khứ, có cùng một nguồn cội, có cùng những nỗi đau. Dù chúng ta là kẻ gây ra nỗi đau hay là kẻ chịu đựng nỗi đau thì đó cũng là nỗi đau chung của chúng ta. Và ngày nay chúng ta cùng đối diện với những vấn nạn chung của xã hội, với cái nguy cơ chung là an ninh quốc gia bị đe dọa.
Dù có tạo ra khác biệt cỡ nào về quyền lực và vật chất, khi tước đoạt tự do của toàn xã hội thì thiểu số quyền lực và giàu có cũng không có tự do đích thực, tất cả đều cùng bị đẩy vào trạng huống của những kẻ nô lệ.
Dù chúng ta có đứng về phía nào, phe nào, phái nào, dù chúng ta có mạt sát nhau, gây tổn thương cho nhau, trừng phạt nhau đến mức nào, thì khi mất nước chúng ta sẽ cùng là những kẻ nô lệ.
Chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng.
Sài Gòn, ngày 15/1/2013

Nguyễn Thị Từ Huy

(Diễn đàn) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét