VIỆT NAM 1945-1995 – Chương 4: Hội nghị Genève và Hai Nước Việt Nam
PHẦN HAI: Chiến tranh Chống Pháp và Tị nạn 1954
Chương 4: Hội nghị Genève và Hai Nước Việt Nam
GS Lê Xuân Khoa“… kết quả của hội nghị Genève chỉ là những bản thỏa hiệp về ngưng bắn ở ba nước Đông Dương đúng với sự mong muốn của Pháp. Cam-bốt và Lào trở thành những quốc gia trung lập và bộ đội Việt Minh phải rút hết về nước. Riêng Việt Nam bị cắt làm đôi dưới hai chính thể hoàn toàn đối lập để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác còn lâu dài và khốc liệt nhiều hơn nữa. Việc đảng Cộng sản Việt Nam phải nhờ cậy sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Pháp cũng tạo thành một món nợ lớn khiến cho cả nước bị mắc kẹt trong lâu dài và phải trả bằng những giá quá đắt, từ việc phải rập khuôn mô hình cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, “chỉnh huấn trí thức” và “trăm hoa đua nở” trong thập kỷ 1950. Hơn tám năm chiến tranh đã làm cho miền Bắc phải chịu những thiệt hại to lớn về nhân mạng, tài sản và lợi ích dân tộc để chỉ đạt được một thắng lợi hạn chế do sự ép buộc của chính đồng minh của mình. Tiếp đến cuộc chiến hai mươi năm tại miền Nam, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn phải mắc nợ Trung Quốc nhiều hơn nữa”.Hai tháng rưỡi sau khi Pháp bị đánh bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, hiệp ước đình chiến Việt-Pháp được ký kết tại Genève ngày 21 tháng Bảy 1954, với sự tham dự của hai nước đồng chủ tịch là Anh quốc và Liên Xô, cùng với Pháp, Trung Quốc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), Cam-bốt và Lào. Hai nước hiện diện trong hội nghị nhưng không tự nhận là tham dự viên chính thức là Quốc Gia Việt Nam (QGVN)1 và Hoa Kỳ. Trong bản thỏa hiệp đình chiến Việt- Pháp và bản Tuyên cáo của hội nghị, quan trọng nhất là những điều khoản chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc với “lần ranh quân sự tạm thời ” là vĩ tuyến 17, và dự trù tổ chức tổng tuyển cử trong vòng hai năm về vấn đề thống nhất đất nước. Bản thỏa hiệp cũng qui định việc Quân đội Liên Hiệp Pháp rút khỏi miền Bắc và Quân đội Nhân dân Việt Nam rút khỏi miền Nam trong vòng 300 ngày, và trong thời gian đó dân chúng hai miền được tự do đi lại và chọn lựa nơi cư trú. Kết quả là ngót một triệu dân miền Bắc đã rời bỏ sự nghiệp và tài sản của mình để vào Nam xây dựng lại cuộc đời dưới chính thể quốc gia.
GS Lê Xuân Khoa
Trước khi tìm hiểu những sự việc đã diễn ra chung quanh những trường hợp ra đi, các phương tiện chuyển vận, tổ chức tiếp đón và định cư tị nạn 1954, chúng ta cũng cần biết đến và nhận xét về những hoạt động chính trị và ngoại giao ngấm ngầm hay chính thức, nhất là những động cơ vị kỷ —tức “quyền lợi quốc gia— của mỗi thành viên trong hội nghị. Tất cả những hoạt động đó cho thấy mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh tương lai của các dân tộc Đông Dương đều đã được thảo luận và quyết định sẵn bởi các nước lớn. Những kinh nghiệm đắng cay đó là những bài học cần thiết cho sự sống còn trong hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc còn tụt hậu, hay nói theo mỹ từ của ngày nay là các “quốc gia đang phát triển ”.
Riêng trong trường hợp Việt Nam, mối xung đột quốc gia-cộng sản, cuộc chiến tranh chín năm, và hội nghị Genève 1954 đã đem lại nhiều bài học đắt giá cho tất cả các phe liên quan đến cuộc chiến, trực tiếp hay gián tiếp. Những lỗi lầm trầm trọng của Pháp đối với phe quốc gia, chính sách lúng túng và quyết định ủng hộ Pháp của Hoa Kỳ, lãnh đạo yếu kém của những người quốc gia muốn dựa vào Pháp để chống cộng sản, và thái độ khâm phục lãnh tụ Mao Trạch Đông của Đảng Cộng sản Việt Nam đến độ trở thành lệ thuộc vào Trung Quốc từ 1950 đến 1954 đều là những bài học cần phải được ôn lại. Đáng chú ý là món nợ quá lớn của miền Bắc đối với Trung Quốc đã khiến cho mối quan hệ Việt-Trung trở nên phức tạp khiến cho tinh thần độc lập của Việt Nam đối với Trung Quốc cho đến nay vẫn còn phải chịu nhiều thử thách.
Chương 4: Hội nghị Genève và Hai Nước Việt Nam
Cuộc chiến tranh Việt-Pháp, sau gần chín năm tàn phá điêu linh với tổn thất khoảng một triệu người bị chết và bị thương,2 đã được các cường quốc kết thúc ở Hội nghị Genève ngày 20 tháng Bảy 1954 bằng việc cắt nước Việt Nam làm đôi với hai chính thể hoàn toàn đối lập ở hai miền Nam, Bắc. Thật ra, hiệp định Genève chỉ thỏa mãn được yêu cầu cấp thiết của Pháp là vấn đề ngưng bắn trong khi không có khả năng bảo đảm một nền hoà bình lâu dài, vì Quốc Gia Việt Nam , (được đổi tên là Việt Nam Cộng Hòa kể từ 23.10.1955) không chịu công nhận hiệp định này.
Trước tình hình nguy ngập về quân sự sau trận Điện Biên Phủ, các nhà lãnh đạo Pháp đều chỉ mong đạt được một thỏa hiệp đình chiến với VNDCCH trong khi tiếp tục duy trì QGVN trong khối Liên Hiệp Pháp.3 Để đạt mục đích ấy, ngoại trưởng Georges Bidault và thủ tướng Joseph Laniel đều không bỏ lỡ một cơ hội nào có thể hù dọa đối phương về khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự vào Việt Nam nếu hội nghị Genève thất bại. Ngay cả sau khi chính phủ Laniel sụp đổ vì không thể thuyết phục được chính quyền Eisenhower công bố ý định tham gia cuộc chiến ở Đông Dương, thủ tướng Mendès France vẫn không quên nhắc nhô Liên Xô và Trung Quốc về hiểm họa quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương với sự tham gia không thể tránh được của Hoa Kỳ.4
Khi ấn định thời hạn một tháng để đạt được thỏa hiệp tại hội nghị Genève, Mendès France không phải chỉ ra một “tối hậu thư cho chính mình” mà luôn cho cả phe đối thủ. Quyết định này không phải do bồng bột hay muốn được nổi danh mà chính là kết quả tính toán rất kỹ lưỡng của một chính tộ gia dày kinh nghiệm đã theo dõi rất sát và chống đối cuộc chiến ở Đông Dương trong nhiều năm. Vị thủ tướng Pháp gốc DoThái đã nhắm đạt tới những mục tiêu chính sau đây:
- thuyết phục Mát-scơ-va và Bắc Kinh —vốn không muốn trực tiếp đối đầu với Washington và đang theo đuổi những mục tiêu ưu tiên riêng— ép buộc cộng sản Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện thỏa hiệp, trái với kết quả mong đợi của phe đáng thắng thế trên chiến trường;
- thuyết phục Võ Nguyên Giáp và bộ chỉ huy quân sự cộng sản đình hoãn mọi dự định tổng công kích vào Hà Nội và đồng bằng Bắc Việt, vì những hoạt động quân sự này sẽ có ý nghĩa phá hoại những nỗ lực tại Genève trong “ba mươi ngày thương thuyết hoà bình”;
- thuyết phục đồng minh Anh và Mỹ đồng ý về sự cần thiết của một thỏa hiệp ngưng chiến tức khắc ở Đông Dương trong khi tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị lâu dài cho toàn vùng.
Trong suốt thời gian hội nghị Genève, Chu Ân Lai và Molotov đã “đi đêm” rất kỹ với phái đoàn Pháp, đến khi họ Chu hội kiến với Mendès France ở Berne, Thụy Sĩ, ngày 23.06.1954, thì mọi thỏa thuận đã gần xong. Ngày hôm sau, Jean Chauvel Đại sứ Pháp tại Genève thông báo cho Đại sứ Mỹ tại Pháp Douglas Dillon kết quả của phiên họp trong đó “Chu đã nói gần hết hai tiếng đồng hồ của phiên họp kể cả phiên dịch,” đưa ra những ý kiến mà Mendès France rất vừa ý:
- Về vấn đề Lào và Cam-bốt: Quân đội ngoại quốc, kể cả Việt Minh, phải rút hết ra khỏi toàn thể lãnh thổ Lào và Cam-bốt. Chính phủ của hai nước này sẽ giải quyết chuyện chính trị trong nội bộ của họ theo ý nguyện của đa số dân chúng. Chu không phản đối việc hai nước này duy trì chế độ quân chủ và cũng không chống lại việc họ ở lại trong khối Liên Hiệp Pháp, nếu họ muốn. Chu chỉ nhấn mạnh vào điều kiện không có căn cứ quân sự Mỹ ở Lào hay Cam-bốt.
- Về vấn đề Việt Nam: Chu nhìn nhận có hai chính phủ ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chu đồng ý với Pháp về việc giải quyết vấn đề Việt Nam qua hai giai đoạn: thứ nhất là giải pháp quân sự, cần thỏa thuận sớm hiệp định đình chiến; thứ nhì là giải pháp chính trị sẽ cần thời gian lâu hơn. Chu cho biết sẵn sàng thảo luận về việc chia vùng của hai bên nếu Mendès France muốn. Giải pháp chính trị sẽ do hai chính phủ ở Việt Nam trực tiếp điều đình và thỏa thuận với nhau. Chu nói thêm là Pháp có thể giúp đỡ trong tiến trình này, và không thấy có lý do gì mà nước Việt Nam thống nhất sau này lại không ở trong khối Liên Hiệp Pháp.
Chứng liệu trên đây cho thấy rõ ý đồ của Trung Quốc, ngoài chính sách “ngoại giao nụ cười” (diplomatie du sourire) đối với Tây phương để được yên ổn và có thì giờ phục hồi đời sống kinh tế sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, không muốn thấy một nước Việt Nam độc lập và thống nhất để có thể tiếp tục giữ miền Bắc ở trong vòng kiểm soát của mình. VNDCCH đã bị đồng minh Trung Quốc phản bội bằng việc loại trừ ảnh hưởng của VNDCCH đối với Lào và Cam-bốt, nhìn nhận chính phủ quốc gia ở miền Nam, và muốn chia cắt lâu dài hai nước Việt Nam như sẽ được phân tích thêm dưới đây.
VNDCCH cũng không thể trông cậy được gì vào Liên Xô, vì khu vực quan tâm ưu tiên của xứ này là Âu châu. Sau cái chết của Stalin, giới lãnh đạo Liên Xô lại càng mong muốn có hòa bình ở Đông Nam Á để khỏi phải bận tâm nhiều đến một nước xa xôi như Việt Nam. Sau này, VNDCCH lại càng thất vọng với Liên Xô khi lãnh tụ Khrustchev đề nghị Liên Hiệp Quốc chấp nhận cả hai nước Việt nam làm hội viên.
Như vậy, những điều thỏa thuận tại hội nghị Genève đã được Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc thu xếp với nhau trong những buổi họp riêng, không có sự tham dự của VNDCCH. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã chỉ được họ Chu báo tin và khuyến cáo chấp nhận. Thật là một nỗi đau đớn bất ngờ và một sự sỉ nhục đối với Đảng Lao động Việt Nam. Phái đoàn Phạm Văn Đồng sang Genève dự hội nghị trong tư thế của một kẻ chiến thắng, và ngay trong ngày đầu tiên đã đưa ra những đòi hỏi rất rõ rệt: Pháp phải thỏa thuận vô điều kiện về việc rút quân theo lịch trình ấn định và Việt Nam phải được thống nhất. Việc Trung Quốc và Liên Xô sắp đặt sẵn với Anh, Pháp một giải pháp cho Việt Nam đã làm mất hiệu lực của chiến thắng Điện Biên Phủ có thể dẫn tới sự thất bại hoàn toàn của Pháp. Cuối cùng, ngày 3 tháng Bảy, Chu Ân Lai gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở Liễu Châu gần biên giới Việt- Trung để yêu cầu những người bạn đồng minh của mình chấp thuận những điều kiện hòa đàm, với lý do là Hoa Kỳ có thể nhảy vào vòng chiến và trong trường hợp đó, Liên Xô và Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ cho Bắc Việt được.
Chỉ hai ngày sau cuộc gặp gỡ Chu Ân Lai-Mendès France, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Phát ngôn viên Đại tá Hà Văn Lâu, đã lên tiếng phàn nàn với đại diện Pháp rằng phái đoàn VNDCCH đã không được đối xử bình đẳng như phái đoàn Trung Quốc và không có một đại diện người Pháp nào ở cấp bộ trưởng để đối thoại. Trưởng phái đoàn Phạm Văn Đồng thì được các quan sát viên mô tả trong cuộc gặp gỡ lần, đầu với Mendès France ngày 11 tháng Bảy là có thái độ mềm dẻo nhưng chưa thật sự hợp tác. Theo Jean Lacouture, có lẽ vào ngày đó Phạm Văn Đồng vẫn còn bị “sốc” vì thái độ của Chu Ân Lai cho nên “khi bước xuống xe, đã có vẻ bị một cơn xúc động rất khó chịu —làm như bị nghẹt thở. Theo lời kể lại của Claude Cheysson, ông Đồng dường như ‘không thốt được nên lời vì tình huống lịch sử lúc đó làm cho ông bị nghẹn họng.’ Nhưng ông đã mau chóng lấy lại được bình tĩnh.”6
Đại sứ Jean Chauvel trong phái đoàn Pháp cho biết ông có cảm tưởng là “Việt Minh thực sự bị Mat-scơ-va và Bắc Kinh giật dây. Mỗi khi họ (Việt Minh) tiến lên hơi mau quá thì Chu Ân Lai và Vyacheslav Molotov lúc nào cũng có mặt ở đó để kéo họ về một lập trường thích hợp hơn.”7 Sở dĩ Bắc Việt không chỉ trích Liên Xô nhiều vì Liên Xô ở xa và có trách nhiệm chính ở Âu châu, không nguy hiểm bằng Trung Quốc vốn luôn luôn coi Việt Nam là một nước chư hầu. Sách giáo khoa về lịch sử Việt Nam xuất bản ở Hà Nội năm 1987 đã tố cáo hành động “phá hoại” và ý đồ chính trị xấu xa của Trung Quốc như sau:
Đáng lẽ với chiến thắng quân sự, với đấu tranh ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo của ta, với sự ủng hộ của nhân dân thế giới, ta có khả năng giành được thắng lợi lớn hơn. Nhưng do có sự phá hoại của phái đoàn Trung Quốc nên thắng lợi có sự hạn chế. Hạn chế đối với Việt Nam và với cả Miên và Lào. Ý đồ của những người lãnh đạo Trung Quốc là chỉ muốn chấm dứt chiến sự ở Đông Dương, tạo ra một khu đệm ở Đông Nam Á, ngăn chặn Mĩ vào thay thế Pháp ở Đông Dương, tránh được sự đụng đầu trực tiếp với Mĩ, bảo vệ biên giới phía Nam của Trung Quốc đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam, chia rẽ hòng làm suy yếu ba nước Đông Dương, từ đó dễ bề thôn tính các nước này làm bàn đạp bành trướng xuống Đông Nam châu Á. Vì vậy trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã nhiều lần bàn riêng với đoàn Pháp và đưa ra với Pháp những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản như: “chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà và chính quyền bù nhìn Bảo Đại, chia cắt Việt Nam, giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời việc giải quyết ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong khi đó lại không ủng hộ Việt Nam về lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời, về yêu cầu tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Lào, Campuchia trong thời hạn sáu tháng, về yêu cầu Lào và Campuchia có hai vùng tập kết”, mà còn thúc ép Việt Nam nhân nhượng Pháp….
Vì thế giải pháp Giơnevơ không phản ảnh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường và xu thế cuộc đấu tranh giữa ta với Pháp, cũng không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu chính trị của giải pháp do đoàn đại biểu của Việt Nam đưa ra. Vì thế nó đã ngăn cản nhân dân ba nước Việt nam, Lào và Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn.8
Gần đây hơn, bộ sách giáo khoa lịch sử năm 2001 đã giải thích lý do tại sao VNDCCH đã phải chấp nhận giải pháp Genève:
Nếu đế quốc Mĩ trực tiếp tham gia chiến tranh Đông Dương thì lực lượng so sánh giữa ta và địch sẽ có thể thay đổi không có lợi cho ta. Còn các bạn đồng minh chiến lược của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc đều theo một xu thế muốn kết thúc cuộc chiến tranh, không ủng hộ Việt Nam tiếp tục kháng chiến lâu dài nữa. Trung Quốc đã lựa chọn cùng tồn tại hòa bình mà họ cho rằng chỉ như thế mới phù hợp với lợi ích dân tộc của mình. Tại cuộc họp trừ bị ở Matxcova của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam trước khi khai mạc hội nghị Giơnevơ, Chu Ân Lai đã tuyên bố: trong trường hợp cuộc xung đột ở Đông Dương mở rộng, chính phủ của ông ta “không thể viện trợ thêm cho Việt Minh được nữa”. Trong những điều kiện đó, Việt Nam đã chấp nhận giải pháp Giơnevơ để lập lại hòa bình ở Đông Dương, không thể một mình tiếp tục cuộc chiến đấu, nhất là phải sớm trực tiếp đương đầu với đế quốc Mĩ.9
Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc đối với Việt Minh chỉ là hệ quả của sự thay đổi cơ bản về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, từ “đối đầu” sang “chung sống hòa bình” với thế giới tư bản do Hoa Kỳ lãnh đạo. Sau mấy chục năm chiến đấu chống Quốc Dân Đảng Trung Hoa, tiếp theo là hao mòn nhân lực và vật lực vào hai cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam, giới lãnh đạo Trang Quốc nhận thấy đã đến lúc cần phải chú trọng đến “lợi ích dân tộc” của mình. Cái chết của Stalin năm 1953 lại càng làm cho Mao Trạch Đông không muốn chuốc thêm gánh nặng và nguy hiểm trong cuộc chạy đua vũ khí với phe tư bản. Chính bài diễn văn của Trần Nghị, ủy viên Bộ Chính trị, nhân ngày giỗ đầu của Stalin (5 tháng Ba 1954), khi nhấn mạnh đến ưu tiên “Trung Quốc trên hết”, đã đánh dấu biến chuyển quan trọng trong sách lược chính trị của Trung Quốc, Những nét chính trong sách lược mới này là về mặt đối nội, thực hiện chương trình công nghiệp hóa và xã hội hóa nông nghiệp, trong khi về đối ngoại, theo đuổi chủ trương hòa hoãn với các nước tư bản.10
Mục tiêu chính của Trung Quốc ở Genève là ngăn chặn Hoa Kỳ lập căn cứ quân sự ở Đông Dương. Vì vậy, hợp tác với Pháp để giải quyết chiến tranh Đông Dương sẽ đem lại cho Trung Quốc một vùng đệm an toàn ở biên giới phía Nam. Ngoài ra, việc duy trì tình trạng hai nước Việt Nam sẽ giúp cho Trung Quốc tiếp tục củng cố ảnh hưởng với chính phủ cộng sản ở miền Bắc trong khi lại có thể giao thiệp ngay cả với chính phủ quốc gia ở miền Nam. Thái độ phản bội trắng trợn này được biểu lộ trong bữa tiệc do Chu Ân Lai khoản đãi để tiễn phái đoàn VNDCCH trước khi về nước. Chuyện bất ngờ là trong số thực khách lại có một đại diện của phái đoàn QGVN là Ngô Đình Luyện, bào đệ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Bất ngờ hơn nữa là giữa những ly rượu trao đổi tình hữu nghị, Chu Ân Lai đã gợi ý với Ngô Đình Luyện về khả năng thiết lập một phái bộ ngoại giao tại Bắc Kinh: “Dĩ nhiên là đồng chí Phạm Văn Đồng gần với chúng tôi hơn về ý thức hệ nhưng điều đó không loại trừ việc miền Nam có đại diện. Cả hai bên đều là người Việt Nam và tất cả chúng ta đều là dân Á châu, có phải không?”11
Giới bình luận thời sự quốc tế hồi ấy cho rằng Trung Quốc đang quan tâm tới vấn đề Đài Loan, không muốn Hoa Kỳ lập vòng đai bảo vệ Tưởng Giới Thạch và bao vây Trung Quốc, mong muốn gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc và thoát khỏi nạn phong tỏa về kinh tế. Vì những lý do đó, Trung Quốc sẵn sàng nhân nhượng trong việc giao dịch với các nước Tây phương. Nhận xét này đúng nhưng nếu từ đó suy ra rằng Trung Quốc cũng sẵn sàng hi sinh Việt Nam và từ bỏ mục tiêu cách mạng vô sản ở các nước Á châu thì lại là một sai lầm lớn. Dù không muốn cho Việt Nam thật sự độc lập và cường thịnh để có thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của mình, đúng với đầu óc bá quyền sẵn có từ mấy ngàn năm, Trung Quốc vẫn muốn và cần phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với VNDCCH. Khi ép buộc Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Đồng chấp nhận các điều kiện ở hội nghị Genève, ngoài sự biểu thị uy quyền của một nước đàn anh, Chu Ân Lai đã thực tình muốn thuyết phục các đồng chí đối tác của mình về bước lùi chiến thuật, phù hợp với lời dạy của Lenin: “Chính trị là tiếp tục chiến tranh bằng những phương cách khác.” Khi cần đến, Trung Quốc lại sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam cộng sản chiến đấu tới cùng như trong cuộc chiến chống Hoa Kỳ và VNCH những năm về sau.12
Về phía Liên Xô, quan hệ đối với VNDCCH đơn giản hơn nhưng cũng không ngoài mục tiêu “lợi ích dân tộc” của mình như Trung Quốc. Georgi Malenkov, lãnh tụ thừa kế Stalin, chủ trương xoa dịu tình trạng căng thẳng với các nước Tây phương. Mối quan tâm hàng đầu của Liên Xô lúc đó là tình hình ở Châu Âu trước những nỗ lực của Mỹ xây dựng Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu (European Defense Community-EDC). Dù không nhấn mạnh đến việc thuyết phục Pháp từ chối gia nhập EDC để đổi lấy cuộc ngưng chiến ở Đông Dương, Liên Xô vẫn muốn khai thác mâu thuẫn Pháp- Mỹ về sự hiện diện của Đức trong EDC và đã tỏ rõ thiện chí đối với Pháp tại hội nghị Genève, Với tư cách đồng chủ tịch hội nghị I cùng với Anthony Eden), ngoại trưởng Mikhai Molotov lúc đầu hỗ trợ cho những đòi hỏi của Phạm Văn Đồng, nhưng sau khi chính phủ Laniel bị đổ và Georges Bidault mất chức Bộ trưởng ngoại dao thì Molotov lại thiên về quan điểm của Mendès France. Con người nổi tiếng trong giới ngoại giao với biệt danh là “Mr. Niet” (Ông Phủ quyết) nay đã trở thành một nhà trọng tài có vai trò quyết định với những giải pháp dung hòa vào giờ phút cuối cùng. Chẳng hạn, chỉ sáu tiếng đồng hồ trước cuối thời hạn cam kết của Mendès France là 12 giờ đêm ngày 20 tháng Bảy, Molotov đã chấm dứt mọi chuyện bàn cãi về đường giới tuyến bằng câu: “Ta hãy thỏa thuận về vĩ tuyến 17…”, rồi chỉ vài chục phút sau đó lại đưa ra đề nghị hai năm để kết thúc những cuộc tranh luận gay go giữa Phạm Văn Đồng và Mendès France về thời hạn tổ chức tổng tuyển cử.13
Ngoài lý do trên, cũng như Trung Quốc, Nga Xô không xem thường lời đe dọa của Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng quân sự nếu hội nghị Genève thất bại. Lời đe dọa này đã được ngoại trưởng Dulles gióng lên hai lần (ngày 11.05 và 10.06) và được Đô Đốc Carney hưởng ứng ngày 27 tháng Năm. Viễn tưởng về một “cuộc hành quân Vautour”14 như đã được Mỹ dự tính yểm trợ cho Pháp trong trận Điện Biên Phủ nay có thể được đem ra thực hiện là một nỗi lo ngại vẫn ám ảnh trong đầu óc của hai ngoại trưởng Liên Xô và Trung Quốc.
Francois Joyaux, một chuyện gia nổi tiếng của Pháp về vấn đề Trung Quốc, trong tập nghiên cứu nhan đề La Chine et le règlement du premier conflit d’Indochine, Genève 1954 (Trung Quốc và việc giải quyết chiến cuộc Đông Dương lần thứ nhất, Genève 1954) không những chứng minh vai trò quyết định của Trung Quốc trong việc ép buộc VNDCCH nhượng bộ ở Genève mà còn tiết lộ ý định của Liên Xô không muốn để cho Hồ Chí Minh thống nhất đất nước, vì như vậy là “trực tiếp đưa Việt Nam vào sự thần phục Trung Quốc.” Căn cứ vào nguồn tin của một nhà ngoại giao Nga và sự am tường thái độ của Trung Quốc từ cả ngàn năm qua vẫn coi Việt Nam là một nước chư hầu, Francois Joyaux nhận định rằng hai cường quốc cộng sản đều muốn sử dụng Hà Nội như một quân cờ trong sách lược cạnh tranh ảnh hưởng của họ. Dù có những ý đồ khác nhau, Liên Xô và Trung’Quốc đều quan tâm đến việc kìm hãm sự lớn mạnh của Việt Nam đến độ cùng muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ ở miền Nam nước Việt.15
Ngoài áp lực của Liên Xô và Trung Quốc, chính VNDCCH cũng muốn chứng tỏ thiện chí hợp tác trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình có lợi cho mình tại hội nghị, nhất là sau khi biết thủ tướng Pháp đã quyết định hẹn cho ông thời hạn một tháng để đạt được thỏa hiệp. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt cũng rất lo ngại viễn tưởng Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến nếu chính phủ Mendès France thất bại và sụp đổ. Như nhà ngoại giao Lưu Doãn Huỳnh tiết lộ sau này:
Tất cả những cuộc bàn thảo giữa các nước xã hội chủ nghĩa ở Giơ-ne-vơ đều xoay quanh một vấn đề quan trọng — tôi muốn nói là một nhu cầu cấp bách. Đó là: Chúng tôi cần phải đạt được thỏa hiệp ở Giơ-ne-vơ để ngăn chặn việc can thiệp của Mỹ bằng quân sự ở Đông Dương. Đây là một trong những vấn đề chính trong mọi cuộc đàm luận “đóng kín cửa” của chúng tôi tại Giơ-ne-vơ.16
Quả thật sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Võ Nguyên Giáp và bộ chỉ huy quân đội cộng sản đã chuẩn bị đưa quân về giải phóng đồng bằng Bắc Bộ. Quân Pháp đã mất hết tinh thần và phải dàn mỏng lực lượng trên một địa bàn quá rộng, trong khi quân đội quốc gia lại càng không muốn chiến đấu dưới sự chỉ huy của Pháp. Trong hơn một tháng đầu của hội nghị Genève, bộ đội cộng sản vẫn tiếp tục tạo áp lực bằng những cuộc tấn công các tỉnh ở đồng bằng như Phủ Lý, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, và ngay sau khi Mendès France được Quốc hội Pháp tín nhiệm lập chính phủ mới. đã đánh một trận lớn ở An Khê, một vị trí chiến lược trên quốc lộ 19 nối liền cao nguyên miền Trung với bờ biển, tiêu diệt binh đoàn cơ động GM100 của Pháp. ít ngày trước đó, Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị uy hiếp Hà Nội nhưng bị cố vấn Trung Quốc ngăn cản: “Tôi nêu ý kiến trong Quân ủy dùng ngay khoảng một trăm xe đưa một bộ phận pháo binh 351 và một đơn vị chủ lực tránh về Tam Nông, Phú Thọ, phía tả ngạn sông Đà, uy hiếp phía tây bắc Hà Nội. Đồng chí Vi Quốc Thanh khuyên ta tránh sử dụng lực lượng lớn đề phòng vấp váp, để giữ trọn vẹn chiến thắng đã giành được.”17
Võ Nguyên Giáp cũng cho biết rằng, trong cuộc họp mặt ở Liễu Châu đầu tháng Bảy, khi được Chu Ân Lai báo tin rằng các cường quốc đã có sự đồng thuận về vĩ tuyến 17 và khuyến cáo Việt Nam chấp thuận, “bác (Hồ) và chúng tôi đều ngỡ ngàng.” Hồ Chí Minh yêu cầu ít nhất cũng phải giành được vĩ tuyến 16 như đã có tiền lệ trong trường hợp quân đội Đồng Minh tới giải giáp quân đội Nhật năm 1945. Họ Chu hứa sẽ cố gắng nhưng nếu không được thì cũng đành phải chấp nhận vì “vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tranh thủ cho được hòa bình và những điều kiện để thống nhất Việt Nam.” Sau cuộc gặp gỡ đầy bất mãn này, bộ chỉ huy quân sự VNDCCH tiếp tục gửi sang Genève những tin tức về tình hình suy yếu của “quân viễn chinh và quân ngụy”, với những điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công ngay cả ở các tỉnh Nam Bộ, nhưng “chúng tôi nhận được điện của cả đồng chí Môlôtốp và đồng chí Chu Ân Lai, nói đang có triển vọng sớm đạt được một hiệp định hòa bình, không nên đẩy mạnh nhịp độ hoạt động quân sự ở cả hai miền Nam, Bắc Đông Dương”.18
Việc Liên Xô và Trung Quốc ngăn chặn những cuộc tấn công của quân đội cộng sản Việt Nam đã làm cho giới chỉ huy quân sự Pháp rất hài lòng. Quả thật, trong những cuộc tham khảo liên tiếp với các chuyên gia quân sự từ trước khi được Quốc Hội chọn làm thủ tướng, Mendès France đã được nghe một tiếng nói thống nhất là cần phải giải quyết khẩn cấp vấn đề chiến cuộc ở Việt Nam vì toàn thể đoàn quân viễn chinh đang lâm nguy, Hà Nội và đồng bằng miền Bắc đang bị đe dọa. “Trong một cuộc thảo luận với bốn tướng lãnh, khi ông (Mendès France) gợi ý là cần phải kết thúc trong thời hạn một tháng, hai người hiện diện đã thốt lên: “Một tháng, lâu quá !” Rồi họ báo cáo về những dự đoán bi đát của tướng Salan, về ý kiến của thống chế Juin là phải di tản ngay ra khỏi Hà Nội….”19
Về phía đồng minh, thành công lớn nhất của Menđès France là giải tỏa được niềm nghi ngờ của Hoa Kỳ đối với lập trường chính trị của ông vì ông chống chiến tranh Việt Nam từ lúc đầu và chủ trương phải nói chuyện thẳng với cộng sản Việt Nam. Sau khi chấm dứt nhiệm vụ của Bidault với chính phủ trước, Mendès France kiêm luôn chức ngoại trưởng nhưng lại giao cho Đại sứ Pháp Jean Chauvel trách nhiệm vận động Hoa Kỳ tiếp tục thừa nhận và tham dự hội nghị Genève. Chauvel đã phải làm việc rất khó khăn vì ngoại trưởng Foster Dulles không tin tưởng ơ Mendès France, cho ông là người sẵn sàng “bán đứng Đông Dương” (brader l’Indochine).20 Nhưng Hoa Kỳ vẫn không thể để cho Pháp lâm vào thế yếu ở bàn hội nghị. Vì vậy, tại Washington ngày 29 tháng Sáu, Tổng thống Eisenhower và Thủ tướng Churchill cùng ký một bản thông cáo chung ấn định bảy điều kiện căn bản cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương tại hội nghị Genève:
- Bảo tồn sự toàn vẹn và độc lập của Lào và Cam-bốt bằng việc bảo đảm sự rút quân của các lực lượng Việt Minh ra khỏi hai nước này.
- Bảo tồn ít nhất là phân nửa phía nam của Việt Nam và, nếu có thể được, một vùng đồng bằng, trong khi lằn phân ranh không được vượt quá phía nam Đồng Hới (phía bắc vĩ tuyến 17).
- Không áp đặt lên Cam-bốt hay Lào, hay ở phần lãnh thổ được bảo tồn của Việt Nam những điều kiện hạn chế khả năng duy trì chế độ ổn định không cộng sản, nhất là quyền của họ được có đủ lực lượng bảo vệ an ninh quốc nội, được nhập cảng vũ khí và có thể yêu cầu sự giúp đỡ của các cỗ vấn ngoại quốc.
- Không gồm có một điều khoản chính trị nào có thể đưa đến việc bị mất cho cộng sản những vùng đất được bảo tồn.
- Không loại bỏ khả năng thực hiện sau này việc thống nhất nước Việt Nam bằng những phương cách hòa bình.
- Cho phép tất cả những người muốn dời chỗ ở từ một vùng này sang một vùng khác ở Việt Nam được di chuyển trong những điều kiện bình an và nhân đạo.
- Dự liệu một hệ thống kiểm soát quốc tế hữu hiệu.
Kết quả buổi gặp gỡ Mendès-Dulles là một bản thông cáo chung thuận lợi cho lập trường của Pháp. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn đồng ý để cho thứ trưởng Bedell Smith trở lại Genève với tư cách trưởng đoàn, dù không chính thức.22 Hai ngày sau đó, Foster Dulles lại gửi cho Mendès France một lá thư bày tỏ lòng kính trọng lập trường chính đáng của thủ tướng Pháp với lời kết luận: “Và tôi vui mừng thấy rằng chúng ta đã tìm được một đường lối —tôi hi vọng không có sự vi phạm những nguyên tắc của chúng tôi và không xảy ra bất đồng ý về sau— nhờ đó chúng tôi có thể biểu lộ rõ rệt sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ngài tại Genève.”23
Nhưng thắng lợi có ý nghĩa nhất đối với sự nghiệp chính trị của Mendès France là thắng lợi ngay tại quê hương của ông. Vì chống chiến tranh Đông Dương từ lâu và đặc biệt từ 1950 đã chủ trương điều đình thẳng với Việt Minh để chấm dứt chiến tranh và dồn nỗ lực vào việc ổn định kinh tế tài chánh cho nước Pháp, ông đã không được sự ủng hộ của đa số đồng viện trong quốc hội. Phe chính trị bảo thủ với sự hỗ trợ của giới tài phiệt ở Đông Dương chỉ trích Mendès France là thân tả, trong khi vì tính chất độc lập và những đề nghị cải cách của ông, phe cộng sản lại công kích ông là thân Mỹ. Tháng Năm 1953, Tổng thống Vincent Auriol, vốn có thiện cảm với chương trình phục hồi kinh tế và khả năng lôi cuốn các nhân tài trẻ tuổi của Mendès France, đã mời ông đứng ra lập chính phủ mới sau khi René Mayer bị Quốc Hội lật đổ. Tuy nhiên, ông vẫn không lấy được đủ số phiếu tín nhiệm. Vài tuần sau, việc lập chính phủ được giao cho Joseph Laniel, lãnh tụ nhóm ôn hòa.
Mặc dù hứa sẽ chấm dứt chiến tranh bằng con đường thương thuyết, thủ tướng Laniel và ngoại trưởng Bidault giữ vững lập trường không trực tiếp nói chuyện với chính phủ cộng sản Việt Nam. Bidault chủ trương lồng cuộc điều đình về Việt Nam vào khung cảnh của một giải pháp chính trị cho Triều Tiên sẽ được thảo luận ở Genève.24 Theo Laurent Césari, giáo sư Đại học Paris IV, Bidault muốn yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt can thiệp vào vấn đề Đông Dương; để đổi lại, nước Pháp sẽ thừa nhận Trung Quốc, bỏ phiếu ủng hộ nước này gia nhập Liên Hiệp Quốc, và dàn xếp cho việc bình thường hoá thương mại giữa Trung Quốc và các nước Tây phương. Theo kế họach này, mục tiêu trước mắt là chấm dứt việc Bắc Kinh viện trợ cho cuộc kháng chiến của cộng sản Việt Nam. Sau đó, Pháp sẽ mời Trung Quốc, Liên Xô và Hoa Kỳ cùng với Pháp giải quyết vấn đề Đông Dương và bảo trợ cho việc giải quyết hòa bình trực tiếp giữa hai phe đối thủ ở Việt Nam.25 Khi đó, vì không còn được sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam cộng sản sẽ lâm vào thế yếu và giải pháp Hồ Chí Minh-Bảo Đại (như đã từng được nêu ra vào giữa năm 1947) với một nước Việt Nam trung lập sẽ có nhiều hi vọng thành tựu.
Đó là giải pháp “hòa bình trong danh dự” cho nước Pháp nhưng ngoại trưởng Bidault đã không thuyết phục được Hoa Kỳ. Vì Mao Trạch Đông vừa chiếm được Trung Quốc đã đụng ngay với Hoa Kỳ ở mặt trận Triều Tiên, mối hận còn quá mới khiến chính quyền Eisenhower không chịu chấp nhận cho Trung Quốc có điều kiện trở nên lớn mạnh. Khi nhìn nhận mối liên hệ chính trị giữa hai vấn đề Đông Dương và Triều Tiên và đồng ý tìm giải pháp chính trị cho cả hai nước ở hội nghị Genève, Hoa Kỳ chỉ có ý muốn giúp cho chính phủ Laniel được tồn tại trước nguy cơ có thể bị thay thế bởi Mendès France. Bởi thế, vào tháng Chín, Quốc Hội Hoa Kỳ đã chấp thuận chi viện 385 triệu đô-la cho kế hoạch Điện Biên Phủ của Navarre. Cho đến khi Điện Biên Phủ lâm nguy và kế hoạch hành quân Vautour không thành thì nội các Laniel-Bidault không còn có lý do tồn tại nữa.
Chính phủ Laniel bị lật đổ ngày 12 tháng Sáu. Ngày hôm sau, Chúa Nhật 13, Mendès France được mời vào điện Elysée. Tân Tổng thống René Coty, mới nhiệm chức được sáu tháng và là người thuộc phe bảo thủ, nhìn nhận rằng tình trạng khẩn cấp của chiến tranh Đông Dương cần phải có một người như Mendès France ở hội nghị Genève. Sau khi tham khảo và duyệt xét tình hình với các nhà chỉ huy quân sự, phái đoàn Pháp ở Genève và các cộng sự viên thân cận, vị thủ-tướng-chỉ-định tự giao cho mình thời hạn một tháng để đạt được thỏa hiệp về vấn đề Đông Dương. Đây không phải là một thủ đoạn chính trị mà chính là một sự thể hiện quyết tâm đạt được kết quả. Mendès France muốn chứng tỏ lòng thành thật của mình và để cho phía đối phương không thể không nhận thấy rằng nếu một thỏa hiệp không được ký trước hạn kỳ 20 tháng Bảy, thì ngay sau khi ông từ chức, chính phủ và quốc hội Pháp sẽ không ngần ngại huy động toàn lực vào việc bảo vệ Đông Dương chống cộng sản, với chiều hướng quốc tế hoá chiến tranh và sự tham gia không thể tránh được của Hoa Kỳ. Đây là một tối hậu thư không chỉ riêng cho phái đoàn Pháp mà cho tất cả các phái đoàn thương thuyết tại hội nghị.
Ngày 17, Mendès France ra trước Quốc hội thuyết trình về đường lối của chính phủ trước khi có cuộc biểu quyết về vấn đề tín nhiệm. Ông nhấn mạnh vào mối quan tâm chung và niềm mong mỏi chung của đa số đại diện nhân dân là một cuộc ngưng chiến ở Đông Dương. Ông kêu gọi tất cả những người muốn thực hiện hòa bình hãy giúp cho ông “thương thuyết với đối phương trong tinh thần hoàn toàn độc lập.” Và ông long trọng cam kết:
Chính phủ mà tôi sắp thành lập sẽ tự đặt cho mình —và đặt cho đối phương— một thời hạn bốn tuần lễ để đạt được mục tiêu (ngưng bắn) ấy. Hôm nay là ngày 17 tháng Sáu. Tôi sẽ trở lại đây với quí vị trước ngày 20 tháng Bảy để tường trình kết quả. Nếu đến ngày đó mà chưa có một giải pháp thỏa đáng nào đạt được, quí vị sẽ không còn bị ràng buộc gì về sự thỏa thuận với chính phủ của tôi, và chúng tôi sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống.26
Mặc dù một số phần tử cực đoan đã gọi Mendès France là “phù thủy” và chế riễu “chính phủ của bốn ngày thứ Năm”, phe chủ chiến, nói chung, đã thấy rõ tình trạng tuyệt vọng của quân đội Pháp ở Đông Dương. Những người chống chiến tranh nhưng cũng chống đường lối độc lập của Mendès France cũng không thể phủ nhận sứ mệnh hoà bình cần thiết của ông. Khối đại biểu cộng sản mà một năm trước đã đồng loạt bỏ phiếu bất tín nhiệm việc ông lập chính phủ thì nay, qua lời phát ngôn viên Francois Billoux, quyết định sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông. Đặc biệt đáng chú ý là Mendès France, sau khi cám ơn Francois Billoux, đã nói thẳng ra rằng ông không muốn có sự ủng hộ của đảng cộng sản để trở thành thủ tướng:
Hồi nãy tôi có nhắc đến tình trạng các chiến sĩ của chúng ta ở Đông Dương. Tôi xin hỏi chính ông Billoux: mai đây các chiến sĩ của ta sẽ nghĩ như thế nào nếu biết rằng tổ quốc mà họ đang chiến đấu để phục vụ, tổ quốc mà họ đang hi sinh xương máu để phục vụ, sẽ được cai quản bởi những người được chỉ định, dù chỉ là một phần, bởi một chính đảng mà từ bao năm qua đã ruồng bỏ họ, đã lên án sự chiến đấu của họ và thậm chí đã từ chối bày tỏ lòng tôn kính “những người đã một lòng một dạ chết vì tổ quốc?” (Vỗ tay nhiệt liệt từ phía tả, phía trung, phía hữu và cực hữu.)
Chưa hết. Quyết định của tôi còn được thúc đẩy bởi những lý do chính trị. Mai đây chúng tôi sẽ sang Genève thương thuyết với những người đã là địch thủ của chúng ta từ nhiều năm qua. Tôi không muốn tạo trong đầu óc họ một mảy may ảo tưởng nào khiến cho họ tin rằng từ nay, trước mặt họ, nước Pháp được đại diện bởi một chính phủ mà nhờ đảng cộng sản mới có thể ra đời, một đảng đã bao nhiêu phen không phải chỉ bày tỏ cảm tình mà luôn cả tình đoàn kết với họ nữa.
Và trong một tháng nữa, khi tôi trở lại trước quí vị —với hi vọng sẽ mang theo một bản thỏa hiệp đã ký kết— tôi cũng muốn rằng quí vị sẽ không có một niềm hoài nghi nào về những điều kiện đã đưa đến thỏa hiệp này và quí vị sẽ không có một lúc nào nghi ngại rằng đã có một tình huống chính trị nào đó ảnh hưởng tai hại đến tư cách độc lập của phái đoàn Pháp ở Genève.... (Vỗ tay từ phía tả, phía cực hữu và một số hàng ghế phía hữu.)27
Kết quả là Mendès France được 419 phiếu tín nhiệm. Chỉ có 47 phiếu chống và 143 người không bỏ phiếu. Tức số phiếu để được Quốc hội tín nhiệm là 314.
Tóm lại, trước tình trạng tuyệt vọng về quân sự ở Việt Nam và sa lầy về chính trị ở Đông Dương, nước Pháp không còn có sự chọn lựa nào khác hơn là quan điểm của Mendès France về một cuộc đàm phán trực tiếp với đối phương để mau chóng đạt được thỏa hiệp ngưng bắn. Thêm vào đó, những biến chuyển thuận lợi trong đường lối đối ngoại của Liên Xô và Trung Quốc đã đem lại cho phái đoàn Pháp nhiều may mắn bất ngờ, nhất là sau khi Bidault đã ra đi, giúp cho Mendès France hoàn tất được sứ mệnh đúng thời hạn cam kết.28
Không kể thời gian một tháng rưỡi phái đoàn Pháp làm việc gần như giậm chân tại chỗ dưới sự lãnh đạo của Bidault, chỉ trong ba mươi ngày thương thuyết ở Genève, Mendès France đã đạt được hầu hết những điều mong muốn của Pháp so với những đòi hỏi của phái đoàn VNDCCH:
- về mục tiêu hội nghị: VNDCCH đòi cuộc thương thuyết phải nhằm đạt một thỏa hiệp bao gồm vấn đề ngưng bắn và giải pháp chính trị cho Việt Nam. Pháp muốn ưu tiên là thỏa hiệp về ngưng bắn, còn vấn đề chính trị được thảo luận riêng. Kết quả: Pháp được như ý muốn.
- về vị trí tập trung quân đội mỗi bên: Pháp đề nghị hình thức “da beo” tức là mỗi bên tập trung quân vào những vị trí nhất định, xen lẫn bên nhau như những đốm da beo. VNDCCH muốn hai bên tập trung quân vào hai miền riêng biệt, tạm thời ngăn cách bởi một đường giới tuyến. Kết quả: Pháp đồng ý ngay vì theo đề nghị này, quân đội Pháp sẽ được an toàn hơn.29
- Về thời hạn Pháp rút quân khỏi miền Bắc: phái đoàn Pháp đề nghị một năm, VNDCCH đòi rút nhanh trong vòng ba tháng. Cuối cùng, Molotov chọn thời hạn 300 ngày, sát với đề nghị của Pháp hơn.
- lằn giới tuyến giữa hai miền: Từ đầu đến cuối, Pháp giữ nguyên lập trường chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 18. VNDCCH lúc đầu đòi cắt ở vĩ tuyến 13 (giữa Qui Nhơn và Nha Trang), sau khi bị Chu Ân Lai “thuyết phục” thì chịu lùi lên vĩ tuyến 16. Rốt cuộc, giải pháp dung hòa là vĩ tuyến 17.
- thời hạn tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước: VNDCCH đòi thực hiện ba tháng sau ngày ký thỏa hiệp, rồi tăng lên sáu tháng. Pháp muốn để ngỏ ngày tổng tuyển cử cho hai chính phủ Nam, Bắc thảo luận sau. Molotov đề nghị 18 tháng nhưng cuối cùng lại quyết định là hai năm.
Theo thỏa hiệp ký ngày 21 tháng Bảy với Cam-bốt và Lào, VNDCCH đồng ý rút hết quân ra khỏi hai nước này. Vì Cam-bốt và Lào đã trở thành những quốc gia trung lập, các bộ đội Issarak (Cam-bốt) và Pathet Lào sẽ được sát nhập vào quân đội Hoàng gia ở hai nước. Riêng tại Lào, Pháp được giữ lại hai căn cứ và một số huấn luyện viên quân sự.
Điểm yêu cầu duy nhất của VNDCCH không cần phải bàn cãi và được Pháp đồng ý mau chóng là đề nghị thiết lập giới tuyến quân sự, đưa đến việc chia đôi đất nước. Ngày 25.5, Phạm Văn Đồng nêu ý kiến nên lập “những vùng lớn” có phân chia giới tuyến thay vì áp dụng hình thức “da beo” của Pháp. Ý kiến này được trình bày cụ thể trong phiên họp ngày 9 tháng Sáu. “Tạ Quang Bửu đi thẳng vào vấn đề. Ông ta thình lình mở một tấm bản đồ Đông Dương, long trọng đặt bàn tay lên vùng châu thổ sông Hồng Hà và tuyên bố: “Chúng tôi phải có chỗ này… Chúng tôi phải có một Nhà nước, phải có một thủ đô cho Nhà nước của chúng tôi, phải có một hải cảng cho thủ đô của chúng tôi,” Delteil và Brébisson đều ngạc nhiên và toan hỏi xem ông Bửu có thể nói rõ hơn chăng? Cử chỉ của ông… miền Bắc… một thủ đô… một hải cảng… Điều đó có nghĩa như thế nào? Chỉ có Bắc kỳ thôi? Hà Nội và Hải Phòng, không có miền Trung hay miền Nam?” Ông Bửu cắt ngang cuộc thảo luận, nhấn mạnh vào lợi điểm của thủ tục kín đáo và song phương, về những điều bất tiện của một hội nghị với chín phe tham dự và về tính chất bí mật của những cuộc đàm phán.”30
Dụng ý của phái đoàn Phạm Văn Đồng là muốn cho VNDCCH, thay vì chỉ là một chính phủ của quân du kích trong rừng núi, phải có danh nghĩa đối với quốc tế là một Nhà nước có lãnh thổ, có chủ quyền, có thủ đô và cửa biển giao thương với thế giới. Đề nghị phân chia giới tuyến là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với phái đoàn Pháp khiến cho họ rất đỗi vui mừng, về điểm này, Bộ trưởng các Quốc gia Liên kết Prédcric-Dupont nhận xét:
Về vấn đề thống nhất, ta cần phải biết rằng từ ngữ “thống nhất” có một âm vang mạnh mẽ với cả hai phe ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao cả hai phái đoàn, vì mục tiêu bầu cử, đều chụp lấy ý kiến ấy để bên này tố cáo bên kia là muốn chia cắt đất nước.
Chính vì nỗi lo ngại đó mà Bộ trưởng Quốc phòng Việt Minh mạnh mẽ đòi hỏi là chuyện thương thuyết phải được giữ bí mật. Chính vì thế mà ông ta lo sợ bị tiết lộ rằng chính ông đã đề nghị việc chia vùng… Việc thông báo này của tôi không phải để làm hài lòng Thủ tướng (Mendès France) rằng chính Việt Minh đã đưa ra sáng kiến chia làm hai vùng trong bản hiệp định đình chiến. Họ biết rất rõ là họ có thể gặp khó khăn về chuyện bầu cử là họ đã bỏ rơi Nam Kỳ.31
Việc các nhà thương thuyết Việt Minh muốn tranh thủ cho VNDCCH danh nghĩa chính thức của một quốc gia và một chính phủ trước mắt quốc tế là một điều dễ hiểu, nhưng họ đòi phải giữ bí mật vì lo ngại bị kết tội là chủ trương chia đôi đất nước và khó giải thích tại sao lại đề nghị như vậy. Tuy nhiên, trái với nhận xét của Frédéric-Dupont, VNDCCH không sợ gặp khó khăn về bầu cử vì họ muốn sớm có bầu cử và tin chắc rằng họ sẽ thắng thế trong cuộc bầu cử.
Tới đây, cần phải nói về phản ứng của Quốc Gia Việt Nam đối với hội nghị Genève. Ngay từ trước khi hội nghị nhóm họp, người Việt quốc gia đã phản ứng mạnh mẽ chống những cuộc thương thuyết ở Genève, nhất là chống chính phủ Pháp. Nhiều cuộc biểu tình của dân chúng đã diễn ra ở Hà Nội và những thành phố lớn tố cáo cả Việt Minh lẫn Pháp là phản bội dân tộc Việt Nam. Ngày 28 tháng Tư, Đại diện Cao ủy Pháp ở Hà Nội là Compain gửi điện văn vào Sài-gòn để báo cáo việc Hội đồng thành phố Hà Nội do thị trưởng Trần Văn Lai chủ tọa đã họp khẩn cấp và ra quyết nghị năm điểm hành động chống Pháp:
- Ngưng mọi cuộc đàm phán với Pháp.
- Tuyên cáo với thế giới rằng Việt Nam từ nay là một nước hoàn toàn độc lập.
- Triệu tập một Quốc Hội lâm thời.
- Huy động mọi lực lượng trên toàn quốc để đối phó với tình hình.
- Kêu gọi tất cả các thành phần chính trị đoàn kết thành một khối với nhân dân.
Trong cùng một ngày, Corapain gửi tiếp một điện văn khác cho biết Giám mục Lê Hữu Từ, cai quản khu công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, tố cáo “sự phản bội của nước Pháp” và nhận định rằng “những người quốc gia sẽ một mình theo đuổi cuộc chiến chống Việt Minh và chống nước Pháp.”
Ngày 31 tháng Năm, Đại sứ Pháp kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương báo cáo với chính phủ Pháp về phiên họp ở Sài-gòn ngày 7 tháng Năm của bốn tổ chức chính trị và tôn giáo lớn là Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, và nhóm Công giáo của Giám mục Lê Hữu Từ cùng nhiều đoàn thể và nhân sĩ không đảng phái khác. Kết quả phiên họp là sự ra đời của Mặt Trận Quốc Gia Cứu Quốc, với Chủ tịch đoàn gồm Phạm Công Tắc, Trần văn Soái, Lê Văn Viễn và Lê Hữu Từ. Sau hai ngày Đại hội 26 và 27 tháng Năm, Mặt Trận đã ra tuyên cáo ủng hộ Quốc trưởng Bảo Đại và phái đoàn chính phủ (Bửu Lộc) tại hội nghị Genève, và cương quyết “chiến đấu cho đến chết chông lại mọi mưu toan chia cắt lãnh thổ quốc gia cũng như mọi ý đồ thỏa hiệp với Việt Minh cộng sản.”
Bảo Đại cử phái đoàn tham dự hội nghị một cách miễn cưỡng trong một tư thế yếu kém vì Pháp giữ vai trò chủ động trong mọi cuộc thương thuyết. Trưởng đoàn Nguyễn Quốc Định cũng như người thay thế là Trần Văn Đỗ đã lên tiếng nhiều lần về sự toàn vẹn lãnh thổ và điều kiện bầu cử tự do nhưng ý kiến không được đem ra thảo luận mà chỉ được ghi nhận hay thảo luận riêng ở hậu trường. Phái đoàn QGVN cũng chỉ được Pháp thông báo các quyết định của tứ cường (Anh, Pháp, Mỹ, Nga) và Trung Quốc mà không được tham khảo ý kiến trước.
Dưới đây là một số sự việc chứng minh:
- Sau khi nghe tin tứ cường họp ở Berlin quyết định đưa vấn đề Đông Dương ra hội nghị Genève (xem chú thích 24), Bảo Đại đã nói với Georges Bidault ngày 21 tháng Tư là ông sẽ chỉ tham dự nếu được thư mời của các cường quốc, và nhấn mạnh là ông không chịu nói chuyện với “quân phiến loạn.” Ngày 23, Bảo Đại yêu cầu Tổng Thống René Coty triệu tập một cuộc họp của Thượng Hội đồng Liên hiệp Pháp nhưng không được thỏa mãn.
- Ngày 26, Bảo Đại ra tuyên cáo nói rõ “Việt Nam không thể chấp nhận việc nước Pháp sẽ điều đình với những phần tử hay những cường quốc chống lại quốc gia Việt Nam, vì như thế là trái với nguyên tắc của Liên hiệp Pháp mà nước Pháp thường viện dẫn… Nguyên thủ quốc gia cũng như chính phủ Việt Nam không coi mình bị ràng buộc bởi những quyết định đi ngược lại nền độc lập và thông nhất của đất nước.”
- Ngày 6 tháng Năm, Bidault gửi cho Bảo Đại một văn thư xác nhận lập trường của chính phủ Pháp chống lại sự ấn định trước giải pháp chia đôi nước Việt Nam: “Chính phủ Pháp, trong lúc này, không có ý tìm kiếm một sự giải quyết chính trị dứt khoát… Mục đích của chúng tôi là đạt được sự ngưng bắn… Ngay lúc này, tôi có thể xác nhận với Ngài rằng không có gì trái ngược với ý định của chính phủ Pháp hơn là việc chuẩn bị thành lập hai quốc gia có những đường lối quốc tế khác nhau, vì như vậy là làm hại cho sự thống nhất của Việt Nam…”
- Ngày 8 tháng Năm, một ngày sau khi Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và cũng là ngày khai mạc hội nghị Genève, Bảo Đại gửi một thông điệp cho đồng bào và những người bạn Pháp để chia buồn với các gia đình tử sĩ và vinh danh những người đã hi sinh cho chính nghĩa tự do. Nhân dịp này, ông kêu gọi hai dân tộc Pháp, Việt đoàn kết và tiếp tục chiến đấu anh dũng. Theo ông, việc thua trận ở Điện Biên Phủ không phải là một thất bại về chiến lược vì tổn thất nhân sự chỉ vào khoảng 5% lực lượng quân đội Liên Hiệp Pháp, về mặt tinh thần, sự thiệt hại này không hơn gì hậu quả cuộc triệt thoái ở Hoà Bình.33
- Ngày 12 tháng Năm, ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định lên tiếng ở hội nghị Genève, đặt câu hỏi tại sao Việt Nam vừa chấm dứt chế độ thuộc địa nay lại sắp phải trỡ thành một “chư hầu của Trung Quốc”? Ông nhấn mạnh rằng QGVN là một nước độc lập, thống nhất, có quân đội riêng, và đã được 35 nước công nhận. Ông khẳng định việc phái đoàn QGVN kiên quyết chống lại mọi sự chia cắt đất nước “trực tiếp hay gián tiếp, tạm thời hay vĩnh viễn.”
- Ngày 4 tháng Sáu, để chứng tỏ tư cách danh chính ngôn thuận của QGVN, hiệp ước Laniel-Bửu Lộc được ký tại Paris, xác nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam kể cả về mặt quân sự và ngoại giao. Đây là lần thứ năm Pháp nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam nhưng là lần đầu tiên Việt Nam được thừa nhận chủ quyền của một quốc gia theo định nghĩa của công pháp quốc tế.34
Hội nghị Genève kết thúc, ngoài những bản thỏa hiệp -đình chiến ở ba nước Đông Dương và các văn kiện về vấn đề bầu cử và về qui chế quân sự ở Lào và Cam bốt, còn có bản Tuyên cáo của Hội nghị không có ký tên và không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và QGVN. Hai phái đoàn này đều có những bản tuyên cáo riêng. Bản tuyên cáo của ngoại trưởng Trần Văn Đỗ xác định quan điểm về một cuộc đình chiến không có sự phân chia đất nước, dù là tạm thời. Phái đoàn QGVN phản đối việc hội nghị bác bỏ quan điểm này và phái đoàn chống lại nhiều điều khoản trong bản thỏa hiệp, đặc biệt là việc nước Pháp lạm dụng quyền ấn định ngày tổ chức tổng tuyển cử tương lai. Tóm lại, phái đoàn QGVN tuyên bố không chấp thuận hiệp định Genève và dành trọn quyền hành động để bảo vệ “quyền thiêng liêng” của dân tộc Việt Nam về tự do, độc lập và thống nhất lãnh thổ. Bản tuyên cáo của thứ trưởng Walter Bedell Smith cho biết Hoa Kỳ ghi nhận các bản thỏa hiệp và không đe dọa sửa đổi những bản thỏa hiệp này, theo như điều 2 của Hiến chương LHQ. Hoa Kỳ coi mọi hành động vi phạm thỏa hiệp đều có tính chất đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình và an ninh quốc tế. Đối với bản tuyên cáo của QGVN, Hoa Kỳ tái khẳng định lập trường cố hữu của mình là các dân tộc đều có quyền định đoạt lấy tương lai của mình và không bị ràng buộc bởi một thỏa hiệp nào xâm phạm đến nguyên tắc đó.
Một ngày sau (22.07) chủ tịch VNDCCH Hồ Chí Minh đưa ra lời hiệu triệu đồng bào, quân đội và cán bộ trên toàn quốc, giải thích thỏa hiệp Genève như một “thắng lợi to lớn” và việc chia đôi đất nước chỉ là một chuyện “điều chỉnh khu vực” hay “đổi vùng”. Không một lời nhắc đến chính phủ QGVN ở miền Nam, ông nói:
Để ngừng bắn thì cần phải tách đôi hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực.
Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị.
Trong khi đình chiến, quân đội ta tập trung vào miền Bắc, quân đội Pháp tập trung vào miền Nam, nghĩa là có sự đổi vùng. Một số địa phương trước kia là vùng Pháp chiếm, nay thành vùng giải phóng của ta. Ngược lại, một số vùng giải phóng cũ của ta, nay sẽ là nơi Pháp tạm đóng quân trước khi rút về Pháp….
Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẻ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc….
Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quí của chúng ta….”36
Những lời giải thích này đã khéo léo che đậy tình trạng đất nước bị chia đôi do áp lực của hai khối tư bản và cộng sản quốc tế và kêu gọi sự hợp tác của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người bất đồng chính kiến đã từng đứng trong hàng ngũ đối lập. Tuy nhiên, việc kêu gọi “đồng bào miền Nam… ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất…” cho thấy rõ là miền Bắc cũng không tin tưởng ở tính cách khả thi của giải pháp tổng tuyển cử được dự liệu bởi thỏa hiệp Genève, và sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh một mất một còn với chính phủ QGVN ở miền Nam.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công do Việt Minh lãnh đạo đã chứng tỏ truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam quyết chống lại mọi sự đô hộ của ngoại bang để giành lại quyền tự chủ. Trong suốt tám năm trời kháng chiến, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, dưới danh nghĩa mặt trận Việt Minh và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, luôn luôn nêu cao mục tiêu tranh đấu cho độc lập, tự do, và giải phóng dân tộc ra khỏi chế độ cai trị bóc lột tàn ác của đế quốc thực dân. Đó là chính nghĩa đã lôi cuốn được đông đảo nhân dân, quân đội và cán bộ hết lòng chiến đấu, chịu đựng bao nỗi gian lao, hi sinh bao nhiêu của cải và xương máu cho công cuộc cứu nước. Trong suốt tám năm lãnh đạo kháng chiến, đối với quốc dân, chính phủ và mặt trận Việt Minh không hề có một lời tuyên bố hay một bản hiệu triệu nào nói đến chủ nghĩa Mác-Lênin hay chế độ cộng sản như một lý tưởng hướng dẫn nhân dân chống Pháp. Đảng cộng sản, dưới tên “đảng Lao động”, không khi nào ra mặt công khai điều động cuộc kháng chiến. Chính quyền dân chủ cộng hòa được chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa là “chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước, tiến bộ.”37 Mãi đến năm 1953, khi luật cải cách ruộng đất được ban hành và chiến dịch tố khổ địa chủ, khủng bố trí thức được chính thức thực hiện ở một số địa phương, nhân dân và cán bộ mới bắt đầu hiểu biết và có kinh nghiệm sống về chủ nghĩa cộng sản.
Như vậy, thắng lợi của kháng chiến chống Pháp chính là thắng lợi của các tầng lớp nhân dân đã chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Công bằng mà nói, thắng lợi này đạt được chính là nhờ sự điều động của đảng cộng sản ở đàng sau mặt trận Việt Minh, với những ưu điểm về tổ chức và tinh thần kỷ luật, lý tưởng cách mạng, kỹ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tuyên truyền và nhất là sức mạnh lôi cuốn quần chúng của Hồ Chí Minh qua hình ảnh của một nhà cách mạng một lòng vì dân vì nước, đã tranh đấu gian nan ở hải ngoại trong suốt mấy chục năm. Chiến tranh chống Pháp là một cuộc chiến tranh có chính nghĩa và Việt Minh đã giành được chính nghĩa đó.
Nhưng như đã thấy, kết quả của hội nghị Genève chỉ là những bản thỏa hiệp về ngưng bắn ở ba nước Đông Dương đúng với sự mong muốn của Pháp. Cam-bốt và Lào trở thành những quốc gia trung lập và bộ đội Việt Minh phải rút hết về nước. Riêng Việt Nam bị cắt làm đôi dưới hai chính thể hoàn toàn đối lập để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác còn lâu dài và khốc liệt nhiều hơn nữa. Việc đảng Cộng sản Việt Nam phải nhờ cậy sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Pháp cũng tạo thành một món nợ lớn khiến cho cả nước bị mắc kẹt trong lâu dài và phải trả bằng những giá quá đắt, từ việc phải rập khuôn mô hình cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, “chỉnh huấn trí thức” và “trăm hoa đua nở” trong thập kỷ 1950. Hơn tám năm chiến tranh đã làm cho miền Bắc phải chịu những thiệt hại to lớn về nhân mạng, tài sản và lợi ích dân tộc để chỉ đạt được một thắng lợi hạn chế do sự ép buộc của chính đồng minh của mình. Tiếp đến cuộc chiến hai mươi năm tại miền Nam, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn phải mắc nợ Trung Quốc nhiều hơn nữa. Sau khi thống nhất đất nước, những cố gắng của Việt Nam tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, đi theo Liên Xô và tấn công Khơ-me Đỏ đã đưa đến chiến tranh biên giới đầu năm 1979, khiến cho mối đe dọa quân sự và kinh tế từ phương Bắc càng trở nên trầm trọng. Quan hệ khó khăn và căng thẳng Việt-Trung trước và sau 1975 sẽ được bàn tới trong những chương sau. Năm 1991, trước nguy cơ bị lôi cuốn theo sự sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, hai nước lại giao hảo với nhau nhưng chỉ còn là đồng chí chứ không phải là đồng minh. Việt Nam đã phải chứng tỏ thiện chí với Trung Quốc nhiều hơn trong khi chập chững theo sau những bước đổi mới của Trung Quốc. Đối với Việt Nam ngày nay, mối đe dọa của Trung Quốc về quân sự tạm thời ẩn khuất nhưng sự lấn át về kinh tế đang diễn ra rất đáng lo ngại.
______
Ghi chú:
[1] Danh hiệu “Quốc Gia Việt Nam” (QGVN) được sử dụng từ ngày 5 tháng Sáu 1948, sau khi Cao ủy Pháp tại Đông Dương Émile Bollaert và Thủ tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam Nguyễn Văn Xuân ký bản Thông cáo chung tại Vịnh Hạ Long nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. Sau khi Bảo Đại bị truất phế trong cuộc trưng cầu dân ý 23.10.1955, nền Đệ nhất Cộng hoà được thành lập ngày 26.10 và quốc hiệu “Việt Nam Cộng Hòa” (VNCH) được dùng để chỉ chính thể ở miền Nam cho đến 30.04.1975.
2 Về phía quân đội Liên Hiệp Pháp: 94,581 chết hay mất tích, 78,127 bị thương trong đó số tổn thất của ba nước Đông Dương là 18,714 chết hay mất tích, 13,002 bị thương. Tổn thất về phía Việt Minh không thấy công bố, chỉ được phỏng định là gấp ba lần con số của Pháp, số thường dân Việt Nam bị chết vì chiến tranh khoảng 250,000 người. (Spencer c. Tucker, editor, The Encyclopedia of the Vietnam War [New York: Oxford University Press], 2000), 64.
3 Vào ngày chót của hội nghị Genève, Cao úy Pháp ở Sài gòn đánh điện tín cho Bộ trưởng các Quốc gia Liên kết thúc giục chính phủ sớm ký thỏa ước với Việt Minh để có thể “đem lại độc lập cho Quốc Gia Việt Nam và sát nhập quốc gia này vào khối Liên Hiệp Pháp.” (CAOM, HCI-249)
4 Jean Lacouture, Pierre Mendès France (Paris: Editions du Seuil, 1981), 13.
5 The Pentagon Papers, (Gravel edition) vol. 1, doc. 64, “Telegram from Ambassador Dillon in Paris to Secretary of State Dulles on French-Chinese Talks, 24 June 1954,” 537-538.
6 Ibid., 247.
7 The Pentagon Papers (Gravel edition), vol. I, 173.
8 Trần Thục Nga, 62.
9 Lê Mậu Hãn, 127.
10 Đại Úy Galula, tùy viên quân sự Pháp ở Hong Kong, phân tích chủ trương “Trung Quốc trên hết” trong bài diễn văn của Trần Nghị như một lý do chính để rút bớt viện trợ quân sự cho Việt Minh. (Notes pour l’État-major des Forces Armées, 2è Division, Paris, No. 63/AMHK, 26.03.1954, CAOM, HCI- 77).
11 Kamow, 220. Những hành động phản bội của Trung Quốc đối với VNDCCH được tiết lộ trong cuốn bạch thư “Sự thật về những Quan hệ Việt-Trung trong Ba mươi năm qua” do Bộ Ngoại Giao Hà Nội xuất bản năm 1979
12 Mục tiêu trường kỳ về cách mạng vô sản ở Á châu được nói rõ trong một chỉ thị nội bộ do Lưu Thiếu Kỳ viết về quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới: “Sau cuộc cách mạng thắng lợi của ta, việc giúp đỡ bằng mọi cách cho các đảng cộng sản và nhân dân ở tất cả những quốc gia Á châu bị áp bức được giải phóng là một nghĩa vụ quốc tế mà đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc không thể tránh né. Đó cũng là một trong những phương cách kiện toàn thắng lợi của cách mạng Trung Quốc trên trường quốc tế.” Dẫn bởi Qiang Zhai, 21.
13 Lacouture, Pierre Mendès France, 255.
14 Kế hoạch hành quân “Vautour” (Kên kên) do Pháp đặt tên nhưng được hoạch định bởi Đô đốc Arthur Radford khi tướng Ely sang Hoa Kỳ vận động vào đầu tháng Ba, 1954. Kế hoạch này nhằm giải nguy cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ bằng việc sử dụng máy bay Mỹ từ hạm đội số 7 và Phi-líp- pin oanh tạc các vị trí đại bác và đạn dược của bộ đội cộng sản ở Điện Biên Phủ. Cuối tháng Tư, Eisenhower và Nixon còn dự định cung cấp cho Pháp hai trái bom nguyên tử nhỏ nhưng tuyên bô” Hoa Kỳ sẽ chỉ can thiệp nếu Trung Quốc nhảy vào vòng chiến.
15 Lacouture, Pierre Mendes France, 249, chú thích sô” 1.
16 Robert S. McNamara, Argument Without End (New York: Public Affairs, 1999), p. 83
17Võ nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử (Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân, 2000), 420. Nên biết thêm rằng Vi Quốc Thanh cũng chính là người mà, trước khi Trung Quốc tấn công Bắc Việt năm 1979, đã tuyên bố cần phải “dạy cho Việt Nam một bài học” (xem chương 9 dưới đây).
18 Ibid., 430.
19 Lacouture, Pierre Mendès France, 13. Hai người hiện diện mà Jean Lacouture nói đến ở đây là tướng Blanc (chỉ huy lục quân) và tướng Faỵ(chỉ huy không quân).
20Jacques de Folin, “Les belligérants à la table des négociations” trong La Guerre d’Indochine 1945- 1954. (Paris: Les Dossiers Historia, Éditions Tallandier, 1999), 74.
21Lacouture, Pierre Mendès France, 245.
22 Trước đó, Bedell Smith là trưởng đoàn Mỹ ở hội nghị Genève, nhưng chỉ vài ngày sau khi Mendès France làm thủ tướng, Bedell Smith trở về Mỹ để cho Đại sứ Alexis Johnson thay thế khiến cho Mendès France rất thất vọng.
23Lacouture, Pierre Mendès France, 245-246.
24 Tại hội nghị các ngoại trưởng tứ cường ở Berlin từ 25.01 đến 18.02. 1954 để thảo luận vấn đề thống nhất nước Đức, hội nghị cũng quyết định rằng vấn đề tương lai của Triều Tiên sẽ được thảo luận từ 26.04 tại Genève. Bidault đề nghị nối vấn đề Việt Nam với vấn đề Triều Tiên, được Eden và Molotov tán thành, nhưng đến giờ chót mới được Dulles chấp thuận.
25 Laurent Césari, L’Indochine en Guerres 1945-1993 (Paris: Éditions Bélin, 1995), 91.
26 Lacouture, Pierre Mendès France, 13.
27Ibid., 17.
28 Thật ra, vì thái độ cương quyết của Sam Sary, trưởng đoàn Cam-bốt, không chấp nhận những điều kiện thiếu đảm bảo cho nền độc lập và hòa bình của Cam-bốt, hội nghị đã phải kéo dài tới quá nửa đêm ngày 20.7. Một người (có lẽ trong phái đoàn Pháp) đã làm cho đồng hồ trong phòng họp ngưng chạy lúc 12 giờ. Sau cùng Molotov lại phải quyết định thêm một khoản cho phép “Cam-bốt có quyền kêu gọi sự trợ giúp của nước ngoài khi nền an ninh của quốc gia bị đe dọa” mới thuyết phục được Sam Sary. Do đề nghị của Mendès France, điều khoản này cũng được thêm vào bản thỏa hiệp với Lào quốc. Vì sự trì hoãn này, thỏa hiệp ngưng bắn Pháp-VNDCCH mãi đến 3 giờ 20 sáng 21.7 mới được ký. Trên thực tế, thỏa hiệp này đã đạt được hồi 17 giờ 20 chiều 20.7, trước khi thảo luận về Cam-bốt và Lào và bị Sam Sary đòi hỏi điều kiện đảm bảo an ninh cho Cam-bốt.
29 Hình thức “da beo” là do Bidault đề nghị ngay từ ngày đầu hội nghị (8 tháng 5).
30Lacouture, Pierre Mendès France, 221.
31 “Extraits du Procès-verbal de la séance du 23 Juillet 1954 à la Commis – sion de coordination pour les affaires d’Indochine”. (CAOM, HCI-249).
32 CAOM, HCI-150.
33 Tháng Mười một 1951, tướng de Lattre de Tassigny chiếm giữ vị trí chiến lược Hòa Bình, nhưng sau khi ông về Pháp chữa bệnh và mất vào tháng Giêng 1952, quân Việt Minh trở lại bao vây Hòa Bình. Tướng Raoul Salan, người kế vị de Lattre, thực hiện cuộc rút lui an toàn khỏi nơi này.
34 Tất cả những sự việc liệt kê ở đây đã được sắp đặt lại và trình bày vắn tắt từ cuốn Le Dragon d’Annam của Bảo Đại, 322-327.
35Ibid., 328.
36 “Lời Kêu gọi sau khi Hội Nghị Giơ-ne-vơ Thành công, 22.7.1954”, trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 7 (Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 1995).
37 Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 1995), 148. Dẫn bởi Lê Mậu Hãn, chủ biên, Đại cương Lịch sử Việt Nam, 58.
Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản Word © blog BS 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét