Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY

Việt Nam chấp thuận kế hoạch sáp nhập hai ngân hàng cổ phần

Kế hoạch sát nhập thứ ba liên quan tới hai ngân hàng DaiA Bank với HD Bank của Việt Nam (Reuters)

Kế hoạch sát nhập thứ ba liên quan tới hai ngân hàng DaiA Bank với HD Bank của Việt Nam (Reuters)
Báo chí trong nước, hôm nay, 29/10/2012, đưa tin là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bật đèn xanh cho dự án sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á (DaiA Bank) với Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank).
Đây là dự án sáp nhập thứ ba trong khuôn khổ kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng mà chính phủ Việt Nam bắt đầu tiến hành từ năm 2011.
Theo hãng tin Reuters, tính đến cuối tháng Ba năm nay, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chiếm 8,6% tổng tín dụng, mức cao nhất tại Đông Nam Á. Nguyên nhân chính của tình trạng này là trong nhiều năm qua, nguồn tín dụng được đổ vào lĩnh vực bất động sản quá lớn và các ngân hàng đã không giám sát chặt chẽ những khoản cho vay.
Ông Tô Duy Lâm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã nhận được văn bản từ Ngân hàng Nhà nước Trung ương, chấp thuận kế hoạch sáp nhập này.
Vẫn theo quan chức này, « DaiABank và HD Bank đều là những ngân hàng hoạt động tốt, không nằm trong diện 9 ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc của chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ». Đại diện hai ngân hàng nói trên từ chối bình luận về thông tin này.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép thực hiện dự án hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần là Đệ Nhật, Tín Nghĩa và Saigon. Tháng Tám vừa qua, dự án sáp nhập thứ hai được thực hiện. Ngân hàng Habubank có tỷ lệ nợ xấu lên tới hơn 16%, chủ yếu do đã cấp tín dụng cho hai doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nghiêm trọng là tập đoàn Vinashin và công ty cổ phần thủy sản Bình An. Do vậy, Hububank bị sáp nhập vào ngân hàng SHB.

Hiến pháp tăng quyền Chủ tịch nước?

Hiện giữ chức Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang có thể sẽ có thêm nhiều quyền hạn

Tin từ Việt Nam cho hay trong cuộc thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang có ý kiến đề nghị tăng quyền của Chủ tịch nước nhằm kiểm soát chặt hơn hoạt động của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Chủ tịch nước, chức vụ hiện nằm trong tay ông Trương Tấn Sang, sẽ có thể phong hàm cấp tướng, đô đốc hải quân và bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng.
Nếu các đề nghị này được Quốc hội Việt Nam thông qua tới đây, đây sẽ là chuyển biến quan trọng về thể chế nhưng cũng xác nhận quyền lực mà Đảng Cộng sản Việt Nam trao cho Chủ tịch nước.
Theo Bấm báo Việt Nam, Chủ tịch nước ở cương vị đứng đầu Nhà nước sẽ đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác.
Dư âm Hội nghị 6
Hồi giữa tháng 8 năm nay, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã họp tại Quốc hội Việt Nam để bàn về việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung gồm Lời nói đầu, chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Theo báo chí Việt Nam khi đó, họ cũng nghe các ý kiến về các chương đề cập đến Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và Chính quyền địa phương.
Nhưng từ sau Hội nghị Trung ương 16 diễn ra trong hai tuần liền tới giữa tháng 10 vừa qua, công tác sửa đổi Hiến pháp 1992 mang thêm ý nghĩa mới.
“Đảng lãnh đạo Chính quyền không có nghĩa là Đảng phải tham chính, sa đà vào các công việc sự vụ của Hành pháp”
LS Nguyễn Bính Châu
Đó là nhu cầu giám sát cơ quan hành pháp, cụ thể là Chính phủ và các bộ ngành, theo sau các đổ vỡ về làm ăn, gây ra nợ xấu trầm trọng cho nền kinh tế.
Hội nghị Trung ương kết thúc với quan điểm được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra nói rằng cần chỉnh đốn Đảng và các cơ quan Nhà nước.
Ngay sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã mở đợt “phê bình và tự phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban lãnh đạo”.
Sau đó, đến hôm 22/10, theo tường thuật của truyền thông trong nước, ông Nguyễn Tấn Dũng, ở cương vị Thủ tướng Chính phủ đã “nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ”, trước Quốc hội.
Ông đề cập cụ thể đến sai phạm của Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế dẫn đến những ‘tổn thất nghiêm trọng’ ở Vinashin và Vinalines.
Ông Dũng nói Chính phủ và từng thành viên đã ‘thành khẩn nhìn nhận những yếu kém’ và ‘chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất’ trong việc thực thi chức trách.
Việt Nam liệu có theo mô hình Trung Quốc với quyền cho Chủ tịch nước rất lớn?
Tuy thế, việc Đảng Cộng sản tăng quyền lãnh đạo được đề cao qua Hội nghị Trung ương cũng đặt ra câu hỏi rằng Đảng sẽ làm gì để thực hiện quyền lực đó.
Tuần qua, các thảo luận tại Việt Nam về vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng đã làm nảy sinh chủ đề này.
Cho tới gần đây, Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng nắm chức vụ này nhưng đang có ý kiến để cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phụ trách Ban Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng.
Hôm 26/10, dự thảo Luật phòng chống tham nhũng đã bỏ quy định Thủ tướng là Trưởng ban này.
Nhưng cũng theo báo chí Việt Nam, vấn đề để ông Trọng lo công việc đó không đơn giản vì thiếu cơ sở pháp luật.
Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” chỉ được ghi trong một điều là điều 4 Hiến pháp, và ngoài ra không có các văn bản gì cụ thể.
Chưa kể, ngay trước thời gian họp Hội nghị Trung ương 6, đã có ý kiến trong giới luật gia tại Việt Nam cho rằng “Đảng lãnh đạo Chính quyền không có nghĩa là Đảng phải tham chính, sa đà vào các công việc sự vụ của Hành pháp, phải ngồi vào ghế và làm việc của Chính quyền”.
Viết cho BBC đầu tháng 10, Luật sư Nguyễn Bính Châu từ Tp. HCM cho rằng Đảng “nên tập trung trí tuệ làm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, hoạch định đường lối chính sách và tổ chức chính quyền, thanh tra Chính phủ, lập danh sách Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, bổ nhiệm các chức danh chủ tịch, trưởng các sở các phòng ban tỉnh thành quận huyện”.
Rất có thể việc tăng quyền lực của Chủ tịch nước, một vị trí cho tới nay bị cho là chỉ mang tính hình thức, là cách Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam thể chế hóa những biến đổi sau Hội nghị 6.
Trong các nước còn theo chế độ cộng sản, Trung Quốc, Cuba và Bắc Triều Tiên đều để cho Chủ tịch nước có quyền khá lớn.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch nước cũng là Chủ tịch Đảng còn ở Cuba, hiện ông Raul Castro vừa làm Chủ tịch nước, vừa nắm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng).

 

Thiên Kim: Từ vọng cổ đến tân nhạc



Thoibao Canada

Thiên Kim xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ. Mẹ cô là ca sĩ Thanh Trúc, người một thời mang tiếng hát đến tiền đồn. Cậu là nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chín, tác giả nhiều ca khúc quen thuộc như: “Không”, “Ai Đưa Em Về”, “Tình Khúc Chiều Mưa”, “Đêm Tình Yêu”, “Cho Người Tình Xa”… Cha cô là cựu SVSQ khóa 16 trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, Trần Ngọc Toàn, bút hiệu Lê Phong, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 Kinh Ngư, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tác phẩm đầu tay của ông là “Dòng Sông Trước Mặt”, viết chung với các cây bút của TQLC (1971). Ông cũng là tác giả của truyện dài “Vào Nơi Gió Cát”(1990) và “Vết Thương Việt Nam”(1996) xuất bản ở Hoa Kỳ.
Thiên Kim, tên thật là Trần Thiên Kim, được thân mẫu hướng dẫn ca hát từ năm 12 tuổi, khởi đầu ca vọng cổ sau chuyển qua tân nhạc.
Năm 1986, lần đầu tiên Thiên Kim chính thức bước lên sân khấu trình diễn. Năm 1988, khi dự cuộc thi “Tiếng hát truyền hình”, với nhạc phẩm “Xa Vắng” của Nguyễn Văn Hiên, dù đã trình bày xuất sắc ca khúc này, Thiên Kim chỉ đạt được giải Nhì vì ban giám khảo quyết định dành ngôi vị “thủ khoa” cho một tiếng hát ở Hà Nội. Kể từ ngày đó, tên tuổi Thiên Kim được nhiều khán giả biết đến. Thiên Kim thường xuyên trình diễn ở các đại nhạc hội, chương trình ca nhạc và ở vũ trường Liberty, Maxim
Queen Bee… Sài Gòn.
Tháng 11, 1995, Thiên Kim định cư tại miền Nam Cali, và bắt đầu xuất hiện trên sân khấu ca nhạc hải ngoại qua các cuốn băng video của Trung tâm Diễm Xưa và Tình vào năm 1996.
Tháng 4, 1997, Thiên Kim ký hợp đồng với Trung tâm Thúy Nga. Sau khi kết thúc hợp đồng với Thúy Nga, Thiên Kim cộng tác với Trung tâm Asia từ cuốn Asia 35 và là ca sĩ độc quyền của trung tâm này.
Thiên Kim học đàn tranh với nhạc sĩ Văn Vỹ. Đầu tháng 10 vừa qua, Trung tâm Asia đã phát hành CD đàn tranh do Thiên Kim độc tấu.
Ngày 17 tháng 11 này, tại Capitol Banquet Hall, 6435 Dixie Rd, Mississauga, Thiện Kim sẽ trở lại với khán giả Toronto trong đêm kỷ niệm 8 năm SBTN hiện diện tại Canada và chung kết Tiếng hát Canada 2012. Và lần này, ngoài những ca khúc slow nhẹ nhàng quen thuộc cô thường trình bày, Thiên Kim cho biết cô sẽ mang đến một không khí sôi động cho chương trình dạ vũ bằng các bài hát đủ mọi thể loại.
Thanh Tâm

 Ngu hết chỗ nói

Nguyễn Thông blog
Cơn bão số 8 đang hoành hành một dải dài các tỉnh ven biển miền Bắc, suốt từ Quảng Ninh vào tới Quảng Bình. Trên báo chí xứ ta, đã hai hôm nay, cứ lôi bão Sơn Tinh ra réo. Khốn nạn, ngu gì mà ngu hết chỗ nói.
Tôi chả biết ai, nước nào đặt tên cho cái cơn bão này nhưng tôi nghĩ chắc là Việt Nam. Thế giới chẳng thiếu gì tên mà phải lấy tên của Việt Nam, vả lại họ có biết gì về Sơn Tinh. Nhưng đã là người nước Nam ta thì phải biết. Từ nhỏ đã được cha ông rót vào tai truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, há chẳng biết Sơn Tinh là Thánh Tản Viên, là phúc thần, thần bảo hộ cho cuộc sống dân lành hàng nghìn đời nay. Có nhẽ đâu Sơn Tinh lại phá phách, hủy hoại, thành mối tai họa cho con người?
Đứa nào xúc phạm dân tộc như thế, đem chém nó đi. Hay là đã đến lúc chúng nó chẳng cần đếm xỉa gì đến đạo lý, tín ngưỡng dân tộc nữa.
28.10.2012
Nguyễn Thông

 Bôxít Tân Rai: “Chưa tính được đến năm nào thì có lãi”

Ông Trần Xuân Hoà, chủ tịch hội đồng thành viên Vinacomin

(trước đây các chuyên gia cũng đã nói nhiều rồi mà!!!!)

SGTT.VN – “Vì đây là dự án bôxít đầu tiên mà chúng tôi làm, nên phải làm đã thì mới biết đến năm nào thì có lãi. Còn nếu đòi hỏi năm đầu tiên mà dự án phải có lãi ngay thì không nước nào trên thế giới tính thế cả, bởi phải tính cho cả đời dự án”, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Trần Xuân Hoà nói vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị.

Đường vào nhà máy bôxít Tân Rai. Ảnh: Vĩnh Hòa
Sau nhiều lần trì hoãn vận hành thử nhà máy Tân Rai, tại cuộc họp đầu tháng 10 vừa qua, thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang đã yêu cầu Vinacomin và ban quản lý dự án bôxít Tân Rai “chốt” mốc cuối cùng chạy thử nhà máy alumin vào ngày 1.11, vậy đến thời điểm này có thể khẳng định nhà máy sẽ chạy thử đúng thời gian nói trên không, thưa ông?
Dự án đang phải đợi pha mầm (hydrat) cho đảm bảo, sau 20 ngày kể từ ngày pha mầm mới ra sản phẩm, lúc đó mới quyết định thời điểm chạy thử.
Tức là vẫn chưa biết được ngày nào thì dự án sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm?
Đến giờ này vẫn chưa biết được ngày pha mầm nên hạn ngày 1.11 vẫn phải lùi lại. Cũng phải nói thêm đây là một dự án tập trung cả dự án điện, dự án hoá chất nên anh em trên đó cũng đang rất nỗ lực.
Đấy là lý do chính hay còn lý do nào khác vì những lần chậm tiến độ trước đây thì đã có rất nhiều lý do được đưa ra như: nhà thầu nước ngoài chưa chịu bàn giao phần việc của mình, rồi khâu tuyển bôxít sau khi khai thác… thưa ông?
Lý do chính chỉ có thế thôi – là đợi pha mầm.
Tới thời điểm này, với các yếu tố giá thành (như giá đầu vào gồm than, hoá chất, rồi lãi suất… và giá đầu ra của sản phẩm là giá alumin xuất xưởng, giá nhôm ngoài thị trường…) thì Vinacomin đã tính được dự án có lãi, hoà vốn hay lỗ như có chuyên gia từng cảnh báo?
Một dự án bao giờ cũng tính cả đời, có nước nào mà đời dự án tính ngay năm đầu có lãi không? Như nhà máy đồng của chúng tôi, ban đầu tính phải mất ba năm là lỗ, bây giờ mới bắt đầu có lãi. Chưa kể, đối với những dự án đầu tư ở vùng sâu vùng xa thì còn các ý nghĩa xã hội khác nữa.
Vậy với dự án bôxít Tân Rai thì dự kiến mất bao năm mới bắt đầu có lãi?
Vì đây là dự án bôxít đầu tiên của chúng tôi nên phải làm cái đã mới biết được.
Mới đây sau cuộc thị sát do viện CODE (thuộc liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, một chuyên gia của chính Vinacomin là ông Nguyễn Thành Sơn tỏ ra rất lo ngại, ông Sơn cho rằng Vinacomin nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho dừng một dự án (Nhân Cơ), chờ để thí điểm xong Tân Rai nếu thấy có hiệu quả thì làm tiếp cũng chưa muộn, ông thấy sao?
Chính phủ chỉ đạo chúng tôi làm thí điểm cả hai dự án, đấy là cái “cốt”. Còn mình là “quân” của Chính phủ thì (phải) làm theo chỉ đạo.
Nhưng nếu làm cả hai dự án cùng lúc, tức là dồn cả vốn vào đấy, thì Vinacomin sẽ rất khó khăn, nhất là để đầu tư vào ngành chính là than?
Cái đó phải hỏi Chính phủ. Tất cả vốn của dự án này Chính phủ lo hết. Với lại cả nước bây giờ đang khó khăn về vốn liếng cả chứ đâu riêng gì dự án nào.
Chí Hiếu (thực hiện)

Kiểu gì cũng lỗ?

Ông Nguyễn Thành Sơn, giám đốc ban quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin) tính toán (Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 8.10.2012): tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của Tân Rai chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỉ đồng (việc chậm tiến độ một năm đã làm tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1.100 tỉ đồng so với ban đầu), lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là mười năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2.220 tỉ đồng/năm.
Nếu đạt 100% công suất thiết kế (0,6 triệu tấn/năm), mỗi năm nhà máy sẽ phải tiêu dùng khoảng: 1,2 triệu tấn bôxít qua tuyển (khai thác tại chỗ); 0,4 triệu tấn than cám (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 1,6 triệu đồng/tấn); 0,2 triệu tấn than cục (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 4 triệu đồng/tấn); khoảng 0,1 triệu tấn hoá chất và đá vôi… thì tổng chi phí vận hành khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Như vậy, giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai thấp nhất cũng khoảng 375 USD/tấn.
Nhưng theo ông Sơn, giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2.300 USD/tấn, thì giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345 USD/tấn. Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc – dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định là 20%, thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Kể cả trong trường hợp được miễn cả thuế xuất khẩu – và tạm thời chưa nộp ngân sách, mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD thì mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.

 

Số tập đoàn, tổng công ty “chắc chắn dưới 10”

VnEconomy

 Người phát ngôn Chính phủ thông tin về số lượng tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới…

Số tập đoàn, tổng công ty “chắc chắn dưới 10”
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 28/10.
Dự kiến trong tháng 11 tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có ấn định số lượng các doanh nghiệp nói trên.
Thông tin này được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 28/10.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, về tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty, hiện nay, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì có 11 đơn vị là tập đoàn kinh tế, có 10 doanh nghiệp là tổng công ty 90, 91.
Ông Đam nói, mấy năm trước, khi có chủ trương cho các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, Chính phủ đã cho phép thí điểm một số tập đoàn kinh tế. Hiện nay, sau một thời gian thực hiện đương nhiên phải đánh giá kết quả của việc thí điểm đó như thế nào.
Trong số 11 tập đoàn kinh tế hiện nay, tới đây Chính phủ sẽ sắp xếp lại theo hướng là Thủ tướng chỉ có quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp đối với một số ít các tập đoàn, số còn lại sẽ giao cho các bộ chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và các bộ liên quan cùng quản lý và có trách nhiệm trực tiếp.
Về số lượng “chốt” các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Đam cho biết, hiện Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét để biểu quyết giữ lại bao nhiêu nên chưa thể công bố được.
Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ khẳng định, “trong số 21 tập đoàn, tổng công ty thì tới đây chắc chắn sẽ còn dưới 10 doanh nghiệp nữa mà thôi”.
Ông cũng lưu ý, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty nói trên, nếu tới đây không còn giữ nguyên mô hình thì cũng không có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ dừng hoạt động mà sẽ tiến hành sắp xếp theo mô hình, tái cấu trúc lại theo quy định để phù hợp với năng lực quản lý.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty cũng không có nghĩa là làm ngay mà phải có lộ trình. Bởi lẽ, việc tái cơ cấu này có liên quan đến việc bán phần vốn nhà nước đang nắm giữ. Nếu thị trường đang tốt thì bán cổ phần ra ngoài sẽ có lời, nhưng nếu thị trường xấu mà vẫn bán sẽ lỗ.
Trả lời cầu hỏi của báo giới về tiến trình tái cơ cấu tập đoàn Vinashin và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể tại EVN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đối với Vinashin, việc cơ cấu lại tập đoàn này là việc rất quan trọng nên phải có đề án tái cơ cấu riêng. Hiện Chính phủ cũng đã xin ý kiến của Bộ Chính trị nhưng Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu kỹ và làm rõ thêm một số vấn đề trước khi có quyết định cuối cùng.
Riêng với việc xử lý trách nhiệm cá nhân tại EVN, hiện Chính phủ đã chỉ đạo thay Chủ tịch Hội đồng Thành viên, cơ cấu lại EVN Telecom… Trong đó, có việc thành lập một hội đồng kỷ luật để bàn và xem xét các hồ sơ liên quan đến trách nhiệm nguyên Chủ tịch EVN cũng như liên quan đến các thành viên khác. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thường thì có thể trong tháng 11 tới, hội đồng sẽ họp và đưa ra kết luận chính thức.

 Nợ xấu ngân hàng: Điểm nghẽn nền kinh tế

VnEconomy

 Nợ xấu đã ở vào ngưỡng báo động và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế…

Nợ xấu ngân hàng: Điểm nghẽn nền kinh tế       Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6-10% trên tổng dư nợ (khoảng 2,5-2,8 triệu tỷ đồng).
Nợ xấu đã ở vào ngưỡng báo động và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế. Nếu xử lý nợ xấu chậm ngày nào thì ngân hàng và doanh nghiệp sẽ gặp thêm khó khăn ngày ấy.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước thì số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6-10% trên tổng dư nợ (khoảng 2,5-2,8 triệu tỷ đồng).
Thực tế nhiều khoản nợ ở Việt Nam không “quá xấu”, bởi các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84%, tài sản này có giá trị bằng khoảng 135% khoản nợ xấu. Nhiều khoản nợ được trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng đã trích lập trên dưới 70.000 tỷ đồng cho việc này. Có thể gọi đây là các khoản nợ không sinh lời và hoàn toàn có cơ sở để xử lý.
Tuy nhiên, phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nướcđang phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ nút thắt này, ngoài ra cần có sự tham gia của Bộ Công Thương để giải quyết hàng tồn kho nói chung và bất động sản nói riêng.
Nợ xấu đang trở thành gánh nặng không chỉ cho hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong khi con số nợ xấu chưa thống nhất được là bao nhiêu, thì con số nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước công bố được xem là con số nợ chính thống nhất.
Tuy nhiên, ông Kiêm cũng cho rằng, với thực trạng kinh tế hiện nay, yêu cầu giải quyết ngay bài toán nợ xấu đang rất cấp bách. Bởi nợ xấu đang trở thành gánh nặng không chỉ cho hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế. Nếu xử lý chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó có thể khơi thông vốn thêm ngày ấy, từ đó sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
Trên thực tế, vấn đề xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đãđược đưa ra từ cuối quý 1/2012 nhưng theo nhiều chuyên gia, đến nay, quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra rất chậm chạp. Các phương án xử lý nợ xấu đãđược bàn nhiều, đặc biệt là phương án tính đến việc thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy các giải pháp trên được triển khai. Sự chậm chạp trong khâu xử lý nợ xấu đã và đang để lại những hậu quả xấu cho hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nếu nợ xấu tiếp tục ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, còn ngân hàng thì sẽ ngày càng bị ăn mòn vào lợi nhuận và điều này đãđược chứng minh rất nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận giảm mạnh trong quý 3 này.
Để giải quyết dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 11 này sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ngay sau khi thông tin được đưa ra không ít ý kiến cho rằng, không nên thành lập Công ty xử lý nợ xấu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, mà nên lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau.
Bởi khi để xảy ra nợ xấu, trước hết trách nhiệm chính trong việc thu hồi nợ xấu là chủ nợ (ngân hàng thương mại) và con nợ (doanh nghiệp) vay vốn.
Thực tế các ngân hàng thương mại vẫn đang rất nỗ lực để giải quyết trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình. Nhưng khi nợ xấu đãđến ngưỡng báo động, nếu cứ để các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự xử lý, thì số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng do vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng, hàng hóa chậm tiêu thụ.
Như vậy, nền kinh tế sẽ mất đi một lượng vốn lớn, do vốn không được quay, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được, hệ thống ngân hàng tiếp tục khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính. Khi nợ xấu quá ngưỡng cho phép (dưới 5% trên tổng dư nợ là bình thường), thì phải có biện pháp xử lý nợ xấu từ nhiều phía, trong đó có biện pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu nợ xấu tiếp tục ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, còn ngân hàng thì sẽ ngày càng bị ăn mòn vào lợi nhuận. Ông Cấn Văn Lực
Vì vậy, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, xử lý nợ xấu có rất nhiều biện pháp nhưng biện pháp từ nội tại các ngân hàng thương mại phải được coi là chủ yếu thông qua việc nâng cao quản trị rủi ro và trích đúng, đủ dự phòng theo qui định. Còn xử lý nợ qua Công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước không phải là giải pháp tối ưu cho các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.
Để xử lý nợ xấu phải dùng nhiều nguồn: nguồn cơ bản phải từ trích dự phòng rủi ro của mỗi ngân hàng thương mại; nguồn từ Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan trọng nhưng nguồn này nên thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn/hoặc ứng vốn để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại danh mục tài sản và bù đắp vào những tổn thất rủi ro trong kinh doanh ngân hàng; các ngân hàng thương mại cũng cần có phương án xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của chính ngân hàng thương mại và ở một chừng mực nhất định có thể mua nợ từ các ngân hàng thương mại khác.
Khi nợ xấu tại các ngân hàng được cải thiện, thì Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước thu hồi khoản vốn cho vay dưới hình thức tái cấp vốn hay ứng vốn này… Nhưng dù giải pháp nào được thực hiện, các ngân hàng có vấn đề nợ xấu cần phải được tái cấu trúc và kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý liên quan.
Chỉ có như vậy, nợ xấu mới được giải quyết triệt để và từ đó giúp khơi thông được dòng vốn trong nền kinh tế.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

 

Bong bóng bất động sản

Giăng Giang (Danlambao) Bất động sản Trung Quốc và Việt Nam đã bị sụp đổ, chứ không phải là đang đứng trên bờ vực sụp đổ như nhiều người chưa có tầm nhìn chính xác. Khi một cơ chế ba rọi giữa tư hữu và công hữu của một nhóm người không lấy gì làm thông thái lắm, của một bọn “xách giỏ mỏm bò ngồi đầu mả” chuyên môn chụp giật, gỡ… Từ những sợi tóc vi mô thì qua một thời gian ngắn đầu tiên, mới cởi trói một phần cơ chế CS, người ta thấy dường như cũng có một chút tiến bộ. Nhưng đó chỉ là những tiến bộ ảo đang cướp giật công sức của nhân dân để khoe khoang, tô vẽ. Chúng đã sai từ cái nôi của cơ chế:
1. Đất đai là tài nguyên của nhà nước quản lý, mà nhà nước chỉ là vài anh cán bộ có chức to, thiếu học hành, thiếu đạo đức, lại được tùy ý riêng của mình để áp đặt quản lý, tự do qui hoạch, áp giá bồi thường [ăn cướp có luật], làm cho nhân dân không dám tin tưởng nữa.
2. Nhân dân nghèo thì lấy gì tiêu thụ bất động sản đã cộng rất nhiều thứ phí trong đó (cả 10 sắc thuế  + phí tham nhũng + phí hành chánh + phí độc quyền v.v…)
3. Chỉ có quan lại tham nhũng trực tiếp và một số ít người dân nhờ nịnh bợ cán bộ, nhờ thân thế cán bộ mà tham nhũng gián tiếp mới có tiền tiêu thụ bất động sản.
4. Đến khi tài sản nhiều quá rồi thì sợ đàn anh trấn lột nên cũng phải ngưng tiêu thụ.
5. Khi bọn cán bộ lớn nhìn thấy nguy cơ cộng sản Tàu sẽ bị nhân dân Tàu tiêu diệt, nên chúng ngừng mua bất động sản mà chỉ dành tiền gởi ra nước ngoài để củng cố hậu sự cho con cháu.
Những nguyên nhân đúng là như vậy, nhưng bọn cộng sản luôn luôn chỉ ra những đường quanh ngoằn nghèo để cho thế giới mù tịt. Với cơ chế như vậy thì đương nhiên bất động sản phải bị đổ vỡ mà thôi. Có điều sụp đổ bất động sản, cho sụp đổ cả kinh tế thì đảng CS vẫn sẽ dùng bạo lực để trấn áp nhân dân, buộc nhân dân dù phải có chết đói hàng loạt thì cộng sản vẫn thống trị. Nhân dân  Việt Nam không dám hy sinh và đứng lên giành lại quyền sống, quyền làm chủ đất nước thì mãi mãi làm nô lệ cho cộng sản mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét