Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Năm Thìn Nói Chuyện Rồng… - Trần Văn Giang

-Nguồn: -Năm Thìn Nói Chuyện Rồng… - Trần Văn Giang

(Con Rồng Việt Nam)
Dân Việt, cũng như các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, xem Rồng (xin phép được viết “Rồng” chữ hoa trong bài này) như một linh vật đứng đầu Tứ linh (Long, Lân, Quy, và Phượng) có quyền lực vô biên, được thờ phụng và kính trọng; trong khi văn hóa Tây phương lại xem Rồng như một quái vật dị hình phun lửa và khói; hay là một ác thần sinh ra sấm chớp; chủ trương phá hoại hơn là xây dựng.


Từ xưa, qua lịch sử Á đông nói chung, con Rồng đã là biểu tượng của vương quyền, sức mạnh vô địch, sự thiện mỹ, lòng can đảm, sự thiêng liêng… Tất cả những câu chuyện, vật dụng, ngôi thứ có liên quan đến Rồng đều là chuyện cao cả, tốt đẹp và hạnh phúc. Rồng được tin là đem lại sự trường sinh, sung túc, ấm no và an vui cho mọi người. Rõ rệt, Rồng có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống hàng ngày cũng như văn hóa dân Việt từ lúc lập quốc. Hình tượng Rồng được đặt, khắc, chạm một cách công phu và trang trọng trong các kiến trúc văn hóa, cung điện hoàng gia, nơi công cộng cũng như nơi trang nghiêm thờ phượng (bàn thờ gia tiên, đình, chùa, miễu…) 

Hình dạng Rồng cũng là một đề tài lớn được bàn cãi. Theo huyền thoại, Rồng hình dạng giống một con rắn lớn có đầu to, chân ngắn và ngón chân có móng. Chúng ta thấy Rồng có (hoặc không có) sừng, Rồng có cánh, Rồng có vẩy, Rồng có râu, Rồng có móng, Rồng có đuôi… Rồng chân có 5 ngón (theo sách Trung Hoa) như đã được ghi chép:

“Từ đời Hán Cao Tổ, con Rồng 5 móng là biểu tượng cho uy quyền nhà vua – thiên tử. Hình tượng Rồng có ở trên áo bào, ngai vàng và các vật khác. Hoàng tử, con trai trưởng kế vị ngai vàng cũng được sử dụng hình tượng Rồng 5 móng.” 
(“Mỹ Thuật Đình Làng Đồng Bằng Bắc Bộ,” Tiến Sĩ Nguyễn Văn Cung – NXB Văn Hóa Thông Tin, trang 216).

Trong khi Rồng Đại Hàn chân có 4 ngón; Rồng Nhật Bản chân có 3 ngón. Rồng Việt Nam, theo tôi tìm hiểu (?), là loại Rồng chân có 3 ngón như Rồng Nhật Bản… bởi vì hình Rồng Việt Nam (chân có 3 ngón) được thấy chạm khắc trên bệ tượng Phật A-di-đà chùa Phật Tích tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (chùa này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ 4 - năm 1057 - thời nhà Lý); và Rồng gốm men trắng trang trí trên lan can tại Hoàng Thành Thăng Long (không rõ xuất xứ năm nào?) cũng có chân 3 ngón…

Về mầu sắc: Rồng vàng, Rồng xanh, Rồng đỏ, Rồng đen, Rồng “multi-TechniColor” (bụng mầu đỏ, lưng đen vằn mầu xanh, hông mầu vàng…) Việt Nam ta chuộng Rồng vàng (Golden Dragon) hơn cả.

Mặc dù không có cánh, nhưng người ta tin là Rồng bay được như trong cảnh, các bức tranh Rồng bay giữa trời và mây. Đôi khi, Rồng cũng được vẽ có cánh (“Phi Long”). Đây là một hình ảnh thiêng liêng mà chúng ta cũng thường thấy tiên, thiên thần… cũng có cánh.


Rồng trong phép Phong Thủy

Rồng tượng trưng cho sức mạnh và sự thống trị (nam giới) được xếp đặt, được vẽ chung với Phượng tượng trưng cho sự thanh cao của phẩm cách, sự trang nhã của học vấn cũng có dáng vẻ ngang tàng, kiêu hãnh (nữ giới). Hình ảnh Rồng-Phượng (cặp song ca Long-Phụng) như một biểu hiệu của sự kết hợp hoàn mỹ, sự thịnh vượng và trường cửu mà mọi người hoài vọng. Riêng hình Rồng còn được vẽ (hay chạm) thành hai con (Rồng) quay đầu về hai huớng khác nhau tượng trưng cho sự trường sinh và theo đúng phép âm-dương (?)

Con Rồng còn đóng phần trong việc khảo sát nghiên cứu phương vị (vị trí) tốt xấu của dương trạch (nhà và đất) ảnh hưởng đến vận số của những người sống trong (hay chung quanh) căn nhà hay thửa đất nào đó. 

Đứng trong nhà nhìn ra thì bên tay trái của căn nhà được gọi là “Con Rồng Xanh” (Thanh Long). Căn nhà hay cơ sở thương mại mà bên trái có đồi, cây cối hùng vỹ thì vượng về “Thanh Long.” Nếu “Thanh long” sụp lún, thấp lõm là tượng suy thoái. Phía Thanh Long có con sông hay dòng nước chẩy bao ôm vòng thì rất tốt (phong thủy gọi là thế “Rồng quẩy nước”). Nếu dòng sông chẩy lệch xa ra thì gia chủ khó hưng vượng về tiền tài. Ngoài dòng nước, mảnh đất nơi phía Thanh Long (phía trái) mà bị hao mòn là tượng hao tán tiền bạc; suy yếu về sức khỏe; Phía Thanh Long của căn nhà nếu có chợ thì bất lợi cho người con trai trong nhà đó (?) Bàn học, bàn làm việc của con trai không nên đặt quay ra hướng (có chợ) này… Nếu phía trái căn nhà có một dẫy cao ốc mà ở cuối dẫy cao ốc này tự nhiên có một kiến trúc nhô cao lên (hình tượng đuôi Rồng nổi lên) thì các nhà Phong thủy cho là dấu hiệu báo trước sự kiện người con trai út trong gia đình sẽ phải liên lụy đế vấn đề luật pháp, tranh tụng; phải cẩn thận.

Cũng nên biết, một số sách Phong thủy của các tác giả như Đoàn Văn Thông, Nguyễn Phúc Vĩnh Tung... có đề cập đến huy hiệu (“logo”) của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (QLVNCH) ngày trước với hình con Rồng vàng và cây kiếm vàng (xem ảnh kèm). 


Nhìn trên hình vẽ thì huy hiệu này giống như một con Rồng bị thanh kiếm đâm xuyên qua đầu (?) (Xin lưu ý, nhận xét này có thể không chính xác! Còn tùy cách nhìn của mỗi người!) Nhưng theo họ nhận định thì do biểu tượng huy hiệu đó (con Rồng bị thanh kiếm đâm xuyên qua đầu) mà hầu hết (?) các sĩ quan thủ khoa xuất thân từ trường ra (trước năm 1975) tử trận rất sớm (?) .... 
(Xin mở “link” sau đây để đọc thêm chi tiết về các sĩ quan tốt nghiệp thủ khoa các khóa của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt:http://nguyentin.tripod.com/tuonglanh_gocvobi-u.htm)

Tương tự, việc lựa chọn “logo” cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến vận may của một công ty, một doanh nghiệp. Thiết kế “logo” ngoài việc lựa chọn dạng hình nên có hình tròn và đường cong thì an toàn hơn những thiết kế có những hình nhọn, sắc bén, nhiều góc cạnh; thiết kế còn có thể sử dụng hình ảnh các con thú (trong “logo”) để chỉ sự dũng cảm, sức mạnh, sự nhanh nhẹn và chính xác của chúng, và cũng để lợi dụng ý nghĩa Cát tường của chúng trong phép Phong Thuỷ. Trong đó, Rồng là con vật thường được người ta chuộng nhất trong khi chọn biểu tượng - do tư tưởng sùng bái Rồng của văn hóa Á Đông; vì Rồng tượng trưng cho uy quyền tột đỉnh như Vua chúa ngày xưa; vì Rồng là đứng đầu trong Tứ Linh; Vì Rồng là biểu tượng hợp Thủy mà Thủy là tiền tài vậy, vì Rồng là một biểu tượng Cát lành trong Phong Thuỷ... Con Rồng nên thiết kế bay vút lên cao, giương nanh múa vuốt thể hiện cái nét "Tiềm Long thăng thiên" Rồng bay thỏa sức vẫy vùng, thần uy hiển hiện, tượng cho tham vọng và sự thăng tiến của công ty, của doanh nghiệp. Không nên nhốt Rồng lại trong các hình dạng chật hẹp - hàm ý bị vây kín, bị cầm tù rất xấu theo thuật Phong Thuỷ; do Rồng thật vốn có tính linh động, cần không gian rộng mở để tự do bay lượn mà làm mưa tạo Phúc.


Con Rồng Việt Nam

Con Rồng Việt Nam mang bản sắc riêng biệt Việt Nam, theo trí tưởng tượng riêng của người Việt không giống như Rồng Trung Hoa (và các quốc gia khác) trong các trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa hình Rồng, 

Các di tích về con Rồng Việt Nam còn lại khá ít do các biến động lịch sử qua thời gian và sự Hán hóa của từng triều đại phong kiến cho mãi đến nhà Nguyễn.

Từ thời xa xưa, người Việt thích sống quanh các vùng sông nước nên họ đã tôn sùng cá sấu như một con vật linh thiêng (vào thời kỳ này vùng đất người Việt sống còn rất nhiều cá sấu). Cá sấu tượng trưng cho sự trù phú và sức mạnh, người Việt đã thần thánh hóa loài cá sấu lên thành con "Giao Long" mà người Trung Hoa gọi sau này. Một cách thức tô điểm cho hình hài con cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng và cũng nhiều ý nghĩa hơn, rất có thể từ con Giao Long này mà người Trung Hoa đã tạo ra con Rồng Trung Hoa của họ. 

Con Rồng tồn tại cùng tâm thức của người Việt suốt từ thời Văn Lang - Âu Lạc. Trong cả ngàn năm bị đô hộ bởi Trung Hoa, trong hoàn cảnh chung của chính sách Hán hóa, hình ảnh con Rồng Việt Nam phát triển ít nhiều theo các ảnh hưởng, các xu hướng giống với con Rồng của người Hán. Đến khi giành được độc lập, thời kỳ nhà Lý lên nắm quyền, đặt tên nước là Đại Việt (để sánh ngang với Đại Tống của Trung Hoa), Việt Nam đã có con Rồng cho riêng mình và khác với con Rồng Trung Hoa. Văn hóa (Đại Việt) nói chung, trong đó có mỹ thuật đã khẳng định được cấp bậc và tính độc lập trong nghệ thuật thể hiện của mình. Xuất hiện từ việc trang trí kinh thành cung điện lộng lẫy, chùa chiền đồ sộ..., con Rồng Việt Nam được tạo từ bản chất văn hóa dân tộc, kết hợp với yếu tố văn hóa Chàm và văn hóa Trung Hoa.

Rồng Việt Nam có những đặc trưng Việt Nam rõ ràng như sau:

Thân Rồng uốn hình “sin” 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con Rồng – một linh vật cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. 

Đầu Rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác Rồng Trung Hoa. Rồng Việt Nam có bờm dài, râu cằm, không sừng (như Rồng Trung Hoa). Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con Rồng khác của các nước. Đặc biệt là cái mào ở mũi, gợn sóng đều đặn (có người gọi là “mào lửa”) chứ không phải là cái mũi thú như Rồng Trung Hoa. Lưỡi mảnh rất dài. 

Miệng Rồng luôn ngậm viên châu (ngọc). Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa Rồng hay cầm, nắm ngọc bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu Rồng luôn hướng lên như đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. 

Những điều đặc biệt, đã nêu ở trên, được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con Rồng phương Đông. Toàn thân Rồng toát lên sự uyển chuyển và một sức đàn hồi rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ.

Rồng Việt Nam là một hình tượng hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt. Tiếc rằng nó đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng và sự hủy diệt văn hóa đã xảy ra khi nhà Minh xâm lược Việt Nam.
(theo wikipedia Việt ngữ)

Về thời điểm, mốc lịch sử và ý tưởng của nhà điêu khắc gửi gấm qua các tác phẩm Rồng đá, có nhiều giả thuyết khác nhau. Song về thời điểm lịch sử qua hình tượng Rồng Việt Nam, sách đã từng chép như sau: 

Rồng thời Lý “Mào, mũi và bờm là những thành phần cơ thể được cấu tạo rất sinh động, bằng những nét độc đáo và được mang theo một ý thức nhất định: Mào thoát ra từ môi đến đường sống quyện với răng nanh, xoắn xuýt, rung rinh bốc lên như ngọn lửa; bờm ở sau gáy cuồn cuộn bốc lên nhiều đợt từ cổ họng, cùng với túm râu ở hàm dưới đều uốn lượn nhịp nhàng như làn sóng và bay lướt tựa lá cờ đuôi nheo được gió, mũi cấu tạo bằng những đường cong xếp chồng nhau phập phồng gây ra ấn tượng về nguồn nước…” 

Rồng Thời Trần “Thành phần cấu tạo của đầu Rồng không chặt chẽ như trước: Văn dạng xoắn ốc đôi không thể vắng ở bất cứ con Rồng nào thời Lý, thì nay mất dần, bờm và râu kém nhịp nhàng, mào không linh lợi, dần mọc thêm cái tai và cặp sừng cùng kiểu với cái mũi biến dạng đều thuộc về loại thú bốn chân.” 

Rồng thời Lê “Đầu to, bờm tóc thô dày, mũi lớn, nhiều sợi ria, tai thú, sừng vặn xoắn ốc rồi chẻ chạc, chân gân guốc xòe rộng các ngón.” Rồng thời Cảnh Hưng 1740-1786 (Nhà Hậu Lê – vua Lê Hiển Tông 1717-1786,) “Thể hiện yếu ớt, mảnh khảnh, đi vào công thức cân đối khô khan kết hợp với chạm nông, nên hình bẹt và cứng, lại bị biến dạng rắc rối. Râu Rồng thường bố trí đều đặn, đuôi cong xoắn lại hình xoáy ốc.” Có nhiều con Rồng thời Hậu Lê còn có dáng uể oải như đang buồn ngủ. Đó là dấu hiệu của thời đại vua nhà Lê bị chúa Trịnh đàn áp, tiếm hết quyền hành.

Rồng thời Nguyễn “Gượng gạo, ngơ ngác, chắp vá, vụn vặt, cố làm ra vẻ nghiêm chỉnh mà không đường hoàng được, bộ mặt trở thành gớm ghiếc, đe dọa… thường xuất hiện với phượng, lân, rùa để hợp thành bộ “Tứ linh.” 
(“Mỹ Thuật Lý Trần – Mỹ Thuật Phật Giáo,” Chu Quang Chứ – NXB Mỹ Thuật 2001, trang 307, 309, 310, 314, 315). 

Như vậy, ở mỗi giai đoạn phát triển con Rồng có một tính cách riêng, phù hợp yêu cầu thời điểm lịch sử xã hội. Nó chính là thứ ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, giúp chúng ta nhận biết tương đối chính xác thời khắc ra đời của các công trình kiến trúc, điêu khắc, và hội họa được sáng tạo không ghi niên hiệu.

Con Rồng trong dân gian gắn với cội nguồn nòi giống “Con Rồng cháu tiên.” Dân Việt, theo truyền thuyết cũng như văn hóa, qua tất cả các sử liệu được ghi chép lại, mặc dủ có nhiều mâu thuẫn, đều khẳng định một cách vững vàng, đã tự xem mình là con cháu của giống Rồng (và Tiên!) và luôn luôn tự hào về sự liên hệ thiêng liêng mơ hồ khó giải thích này. Chẳng hạn:

Các bộ sử lâu đời nhất của nước ta nước ta còn lưu giữ được cho đến nay, (ngoại trừ “Đại Việt Sử Lược” tác giả khuyết danh, viết dưới thời nhà Trần - khoảng cuối thề kỷ 14), đều chép tương tự nhau về Kỷ Họ Hồng Bàng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, như “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, và Ngô Sĩ Liên soạn thảo năm 1272 thời Trần, chép về Kinh Dương Vương như sau: 

"Xưa, cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua... phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ... Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân." 
(“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,” phần Ngoại Kỷ, quyển I, tr. 3).

“Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con trai của Kim Dương Vương. Vua lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng) là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: Ta là giống rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền Nam (có bản chép về Nam Hải). Phong con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vua...”
(“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,” quyển I – NXB Văn học, tr. 63).

Trong các bộ sử cận đại cũng ghi lại chuyện “con Rồng cháu Tiên.” Như sử gia Phạm Văn Sơn viết:

"Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra 100 con trai, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống bể Nam Hải, vì mẹ là giống Tiên, và cha là giống Rồng." 
(theo “Việt Sử Toàn Thư” tr. 38)

Rồng còn là sự che chở, bảo vệ; có khả năng vùng vẫy ngoài biển khơi, bay bổng lên thượng giới (thiên đàng), nằm cuộn trên mặt đất qua hình dáng của các dòng sông lớn (sông Cửu Long, sông Hồng), rặng núi dài. Dân Việt còn lập Miễu thờ Rồng dọc theo các con sông lớn nhỏ. mạch nước, bờ biển, vì vẫn tin là Rồng thuộc “dương” cai quản, làm chủ khí hậu và tất cả các nguồn nước chẩy như sông, thác, biển; và các nguồn gió mạnh như bão (storms) “lốc” (tornado, twisters). Rồng liên quan đến nước, hàm chứa ý nghĩa của sự phồn thực, những mong mưa thuận gió hoà; Rồng phun nước tưới cho cây trồng tốt tươi, bởi cư dân nông nghiệp, để cầu mong Rồng sẽ sẽ giúp dân về vấn đề thủy lợi cho mùa màng ngành canh tác hay ngăn cản gió bão cho nghề đánh cá ngoài biển. Nơi nào có Rồng che chở thì nơi đó được yên ổn làm ăn sinh sống.

Ý nghĩa xã hội của con Rồng trong dân gian dần dần mờ nhạt, khi mà ý thức hệ nho giáo phong kiến giữ địa vị độc tôn thì vua chúa lấy con Rồng làm biểu tượng uy nghiêm của ngôi báu, điều này được các sách chép, như sau:

“Con Rồng truyền thống Việt Nam bị ức chế, phải tiếp nhận nhiều chi tiết ở Rồng Trung Hoa và lộ rõ tính tượng trưng cho uy quyền nhà vua.” (“Mỹ thuật Lý Trần – Mỹ Thuật Phật giáo,” Chu Quang Chứ – NXB Mỹ Thuật, trang 309). 

Các trỉều đại phong kiến Việt Nam không bao giờ cần phải e dè trong việc lạm dụng chữ Rồng (“Long”) qua mọi hoàn cảnh, hình thức liên quan đến vua chúa. Từ Long nhan (sắc diện vua, chữ ‘mầu mè’ này còn được dùng để làm chữ tâu vua thay cho chữ “Bệ hạ, Thánh thượng”), Long thể (mình, thể lực, sức khỏe của vua), Long bào (áo vua mặc), Long sàng (giường vua nắm), Long xa (xe vua đi)… Rất oái oăm, đôi khi vua cũng bị “tổ trác” về chuyện Rồng chẳng hạn như vào những năm mất mùa gặp hạn hán hay tai họa lớn vì mưa bão lụt thì dân bất mãn mất tín nhiệm vua (đôi khi dân nổi loạn, truất phế vua); vì cho rằng vua thiếu đức độ (?) cho nên thần “Rồng” nổi giận giáng họa cho dân tình… Trong mùa hạn hán hay lụt lội, các chức sắc làng xã và đôi khi có cả sự tham dự của các quan triều đình do vua chỉ định tổ chức cúng bái, dâng tế lễ để cầu xin mưa, hoặc cầu xin hạ bớt bão lụt… Ngoài ra hàng năm, sau các vụ mùa (hay các lễ hội lớn) vua vẫn thường ra lệnh dân chúng phải cử hành các nghi lễ liên quan đến Rồng như: múa Rồng, đua thuyền Rồng, diễn hành / rước hình tượng Rồng… với chủ ý (dị đoan?) làm mọi cách cho Thần Rồng được hài lòng (?) và có như thế vua nhà ta được yên chí ngồi tại ngôi vị mà trị dân (!). 


Còn người Tuổi Thìn (con Rồng) thì sao?

Con Rồng là một chi thứ 5 của 12 con giáp. Con Rồng là một trong những con giáp hùng mạnh nhất.

May thay tuổi Rồng vị tha, thông minh, và bền bĩ. Biết chắc mình muốn gì và quyết tâm đạt cho bằng được.

Hơn thế nữa, tuổi Rồng tạo ảnh hưởng trên bạn bè dễ dàng và thường là trung tâm điểm gây chú ý trong những cuộc họp mặt giao tế. Như thế chưa đủ, tuổi Rồng lại đào hoa nữa chứ lị!

Bạn bè lúc nào cũng chú tâm lắng nghe theo Tuổi nầy xúi giục và khi tới lúc cho ý kiến, tuổi Rồng nắm phần chủ thắng.

Rồng thì lúc nào cũng mô tả lớn hơn sự thật. 

Tuổi Rồng kiêu hãnh bao nhiêu thì lại xuất sắc bấy nhiêu về mặt khởi công cũng như đốc thúc cho công việc được trôi chảy.

Tuổi Rồng nghĩ rằng mình sinh ra là để dẫn đầu!

Cả đời cũng không nghèo, nếu không muốn nói là khá giả hơn người, mặc dầu chẳng bao giờ. Tuổi nầy bị mãnh lực đồng tiền kích động.

Tuổi Rồng thà ôm súng bắn không đạn chớ không chịu buông súng. Nói vậy có nghĩa là tuổi Rồng biết lợi dụng thời cơ, luôn luôn tìm cách củng cố sức mạnh đáng kể của mình.

Dũng mãnh như vậy cho nên khi lâm cảnh bực bội thua thiệt, tuổi nầy vẫn vùng vẫy không biết chịu thua là gì.

Có vần đề? Cần câu trả lời? Cứ hỏi người tuổi Rồng! Thật ra Tuổi nầy chỉ muốn có một vai trò: lãnh đạo, làm vua, ra lệnh (thiệt tình!) 

Họ là người có tài lãnh đạo thật sự, tự biết mình phải làm gì để được ngồi cao hơn hết.

Qua mặt tuổi Rồng thì không nên làm - Coi chừng bị phun lửa phỏng da!

Lời khuyên cho tuổi Rồng: 

“Khôn ngoan là nên hấp thu những nguyên tắc về tùy thời, cảm thông và tha thứ. Cao hơn, mạnh hơn, tưởng như được người trọng nể, nhưng cũng khiến Tuổi nầy sống một cuộc sống không trọn vẹn.

Nếu như tuổi Rồng biết cân bằng giữa ước vọng thành công và biết tán thưởng chuyện nhỏ nhặt, họ sẽ sống một cuộc sống đáng sống hơn.”

Tam Hạp: Tuổi Rồng hạp với tuổi Tí (con Chuột) và tuổi Thân (con Khỉ).

Tứ Xung: Tuổi Rồng khắc / kỵ tuổi Sửu (con Trâu), tuổi Mùi (con Dê) và tuổi Tuất (con Chó).

Tóm lại, người nào sinh vào năm Thìn có đầy đủ các cá tính nổi bật của con Rồng như: có sức khỏe, giầu có, trường thọ; và tự tin vào khả năng của mình (đôi khi không chịu nghe ý kiến của người khác), tự đặt tiêu chuẩn thành đạt cho chính nình, bất khuất không chịu thua dễ dàng, cố gắng một mình vượt qua tất cả các trở ngại để đi đến thành công.
(theo Quỷ Cốc tiên sinh).



__________
Tham khảo:

- “Con Rồng Việt Nam” theo Wikipedia chữ Việt.
- “Con Rồng Việt Nam qua tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ‘Ông Rồng,’”Nguyễn Thượng Luyến. 


Trần Văn Giang
Xuân Nhâm Thìn - 2012


--

Con Rồng trong dân gian 

Năm 2012 cầm tinh con rồng nằm trong cung hoàng đạo, đứng vị trí thứ 5 trong số 12 con giáp, theo lịch Nhâm Thìn (壬辰) thuộc thứ 29 theo Thiên Can Địa Chi là: Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỷ Tỵ, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu…. chu kỳ sáu mươi năm (60), năm 2012 Nhâm thìn (thứ 29), năm 2024 Giáp thìn (thứ 41) 2036 Bình thìn (thứ 53) tới năm 2072 trở lại năm Nhâm thìn.
Về đời sống, trong khoa học cũng như thi ca của 12 con giáp như: hổ, rắn, khỉ, chuột được nuôi trong sở thú, heo, gà, chó, mèo, trâu, ngựa được thuần hóa thành gia súc, nhưng con rồng không thể tìm đâu ra trong thực tế. Rồng sống trong những câu chuyện thần thoại từ Á sang Âu trong các phim hoạt hình giả tưởng. Tuy nhiên con rồng là biểu tượng đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên chuyện huyền thoại Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng và nở thành một trăm người con….Rồng là biểu tượng của sự cao quý tốt đẹp, thăng hoa và thịnh vượng, rồng xuất hiện thể hiện cái đẹp chân, thiện, mỹ. Hình ảnh con rồng đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, những di tích lịch sử, cổ vật có hình rồng bay phượng múa, (long-lân-qui-phụng) được sử dụng trong kiến trúc tôn giáo, điêu khắc và hội họa, hình rồng mang bản sắc riêng. Từ đời Lý rồi qua các triều đại rồng có những khác biệt, thân rồng uốn hình 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. Đầu rồng có bờm dài, râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh, bốn chân mỗi chân có ba, bốn móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng vờn đớp viên ngọc quý (ở Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Hoa rồng hay cầm ngọc bằng chân trước). Rồng luôn tìm kiếm viên ngọc đó như một vật hình cầu lơ lửng ngay gần miệng rồng để diễn tả ý rồng nhả ngọc, rồng chầu ngọc, hay rồng tranh ngọc
Rồng ở các nước Á châu có nhiều khác biệt với rồng ở Âu châu, rồng Á châu có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay, là con vật linh thiêng. Ngược lại các nước Âu châu rồng “Dragon” là một loài quái vật thân con khủng long có cánh dơi là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ đều phun ra lửa hay nước phá hủy tất cả. Sức mạnh của rồng ở trong miệng và đuôi của nó
Những hình tượng đó đều sinh ra từ trí tưởng tượng của con người và là đặc điểm của mỗi nền văn hóa, nên rồng Đông phương có những nét khác rồng Tây phương.
-Fairy Dragon, rồng màu sắc sặc sỡ, có cánh chuồn chuồn hoặc cánh bướm, cổ dài, đuôi dài, mắt to.
-Azure Dragon, loại rồng thường có màu xanh lục hoặc xanh blue, sống rất thọ, hay gặp ở Bắc Cực.
-Chimera, loại rồng 3 đầu, hung ác, có sải cánh rộng, ở trong rừng núi cao, rồng mang sức mạnh của thiên nhiên là 4 yếu tố tạo nên vũ trụ: Gió, Lửa, Đất và Nước. Sự khác biệt về rồng của Đông phương cũng như Tây phương đều giúp con người nhận thức khám phá về thế giới thêm phong phú.
Hiện tượng vòi rồng hút nước

Vòi rồng hút nước là hiện tượng một luồng không khí lớn xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông xuống tới mặt đất. Lốc xoáy do có 2 luồng gió mạnh thổi ngược chiều và lệch nhau tạo nên xoáy mạnh cuốn nước lên cao giống như vòi rồng, sức hút ở trung tâm cơn lốc lên đến 100km/giờ. Do đó cơn lốc này có thể hút nước biển và cả những con cá đem lên trời, đường kính của vòi rồng có thể thay đổi từ 20m đến khoảng 50m. Người ta gọi vòi rồng âm Hán-Việt là “lục long quyển”, tiếng Anh Tornado có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha là tornar.
Nhìn từ xa vòi rồng có thể có màu đen hoặc trắng, tuỳ thuộc những thứ mà nó cuốn theo, vòi rồng xuất hiện ở trên đại dương thường hút nước biển lên cao tạo thành các cây nước (waterspouts).
Rồng sống trong huyền thoại

Trong dân gian, rồng vẫn là sự kích thích trí tưởng tượng tạo cảm hứng sáng tác cho con người. Ở Việt Nam hình tượng rồng đại diện cho uy lực triều đình, rồng được thêu lên áo bào vua. Áo vua được gọi là long bào, mũ vua được gọi là long quân, giường vua ngủ được gọi là long sàng, sân vua được gọi là long đình, xe vua dùng được gọi là long xa, thuyền vua ngự được gọi là thuyền rồng… Cột trụ chùa, cung điện, bia trụ xưa nay đều có hình rồng uốn éo theo chiều đứng, (loại rắn bò uốn éo theo chiều ngang).
Lý Công Uẩn lật đổ nhà tiền Lê năm Kỷ dậu 1009, lên ngôi tức Lý Thái Tổ trị vì (1010-1028) có công lập nên nhà Lý. Tháng 7 năm 1010 vua dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, có huyền thoại rằng khi vua đi thuyền đến Đại La thì rồng xuất hiện trên trời, báo điềm lành cho triều đại tốt đẹp nên vua đổi tên Đại La thành Thăng Long, có nghĩa là “rồng bay lên”. Từ đo bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới đối với vận mệnh của dân tộc trên đất Thăng Long. Vua Minh Mạng (trị vì 1820-1841) đổi Thăng Long (821 năm) thành Hà Nội năm 1831, nhà thơ Huy Cận đã hoài cổ Thăng long với “đất ngàn năm văn vật”:
Đây Thăng Long đất sắp tròn nghìn tuổi
Rồng bay lên ngày tháng tốt tâu vua
Lý Công Uẩn mắt thần nhìn nước non mở hội
Bốn phương trời Đại Việt lập kinh đô
Trong thi ca, tục ngữ lưu truyền, hay các truyện thần thọai ly kỳ, hấp dẫn đều do trí tưởng tượng trong đời sống dân gian đó là những ước mơ và khát vọng của con người về rồng…
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vược vũ môn hoá rồng.
Nghĩ con cá lý ngư cũng như thân thiếp
Chờ cho mãn kiếp tu hoá rồng
Thôi anh đừng mong vợ mong chồng
Để cho em xa lánh bụi hồng gió trăng
Nước lên khỏi bực tràn bờ
Thương thì nói vậy, biết chờ đặng không
Đặng không tôi cũng gắng công
Chừng nào ao cá hóa rồng sẽ hay.
Trí tưởng tượng thật phong phú, rồng không ấp trứng nhưng nở ra rồng
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu diu lại nở ra dòng liu diu
Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Sông Trà sát núi Long Đầu
Nước kia chảy mãi rồng chầu ngày xưa
Núi Long Đầu lưu danh hậu thế
Chùa Thiên Ấn ấn để hậu hoàng
Ai về xứ Quảng cho nàng về theo
Sự chệnh lệch về kiến thức trong tình yêu, tình vợ chồng xưa cũng như nay, quả là một trở ngại lớn lao trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình :
Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.
Một ngày tựa mạn thuyền Rồng
Còn hơn trăm kiếp nằm trong thuyền chài
Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
Nay tui hỏi thiệt : Mình thương tui không mình ?
Người xưa quan niệm “vua ngự rồng chầu” Huế là kinh đô có sông Hương núi Ngự. Nơi tham dự họp hội triều kiến của triều đình nên gọi là rồng chầu ngoài Huế, Ngựa tế Đồng Nai là nơi khai khẩn đất hoang mở rộng bờ cõi, đời sống của ngựa vất vả nhọc nhằn…
Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
nước sông trong chảy lộn sông ngoài
thương người quân tử lạc loài tới đây
Rồng đen lấy nước thì nắng,
Rồng trắng lấy nước thì mưa .. .
Cái đẹp phát xuất từ tâm tư con người, quan niệm của người bình dân thời xưa cho chúng ta thấy được một phần nhân sinh quan :
Lỗ mũi em thì tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất, anh thương
Anh đi mua gỗ đóng giường tám thang
Bốn góc thì anh bịt vàng
Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng
Ví von rồng qua các câu đố về tàu cau và con gà trống
Đầu rồng đuôi phụng le te
Mùa đông ấp trứng muà hè để con
Đầu rồng, đuôi phụng cánh tiên
Ngày năm bảy vợ, tối ngủ riêng một mình.
Thực vật và động vật mang tên rồng

Các loại cây xương rồng tên khoa học: Cactaceae có từ 24 đến 220 chi, tùy theo nguồn (90 chi phổ biến nhất), trong đó có từ 1.500 đến 1.800 loài. Cây xương rồng có nguồn gốc từ vùng sa mạc Mỹ châu và một số mọc trong rừng nhiệt đới, xương rồng có gai và thân, lá cây chứa nước dự trữ hai lá mầm và có hoa nở đẹp lâu tàn.…Trái Thanh long (Dragon Fruit) của Việt Nam thơm ngon xuất cảng ra thị trường thế giới….
Nhiều loại cá gọi là cá rồng, cá rồng Á châu (tên khoa học: Scleropages formosus) Cá rồng được tìm thấy ở một số nước như: Thái Lan, Indonesia (Bocneo, Sumatra), Malaysia. Úc loại cá nầy theo màu sắc và hình dáng chia ra làm 4 loại chính là:
Kim long quá bối Cross Back Goiden Maiaysia (giống này từ Malaysia):
Huyết long Super Red (giống này từ Indonesia)
Kim long hồng vĩ Red Tail Golden (giống này từ Indonesia)
Thanh long Green Arowana giống này có ở nhiều nơi trên vùng nhiệt đới.
Loài cá Rồng Lá Leafy Seadragon (Phycodurus eques), cá Rồng Tảo The Weedy Seadragon (Phylloptreyx Taeniolatus) là những loại cá đẹp trông giống như một thân cây có những cái lá thật lạ, lộng lẫy là những phiến da, treo khắp đầu, thân, đuôi, rồng lá sống ở độ sâu từ 5-35m, ở vùng nước ôn đới theo duyên hải miền Nam Australia trong khu rừng tảo bẹ dưới biển, ở Viện Hải dương Học Long Beach California có nuôi những loại đó.
Cá vượt vũ môn theo truyền thuyết cho rằng loại cá chép vượt vũ môn để hóa rồng. Người Tàu đời nhà Hạ quan sát mùa vượt thác của cá Hồi về những dòng suối trên cao để đẻ trứng, họ không hiểu về tập tính đời sống loại cá nầy nên bịa ra lối giải thích rằng đoàn cá thi vuợt qua các bậc cao gọi là vũ môn để hoá rồng bay đi, con nào không thành công thì chết.
Theo tài liệu dẫn chứng đó là loại cá Hồi Salmon/ Lachs dòng họ Salmonidae có 4 loại chính: Chinook, Coho, Sockeye và King Salmon. Đời sống hấp thụ cả cả hai môi trường đối nghịch là nước mặn lẫn nước ngọt. Cá Hồi được sinh trưởng tại vùng nước ngọt, nơi bắt nguồn của các con sông, suối, hồ. Sau đó chúng xuôi theo dòng ra biển sống tại các đại dương bao la. Đến mùa giao phối, chúng lại ngược dòng thời gian dài một vài tháng, quay về nguồn vượt thác để sinh sản rồi chết. Trứng nở ra thế hệ con cái lại tiếp tục quay ra biển sinh tồn duy trì nòi giống….
Những địa danh có hình tượng rồng

Sân rồng, thuyền rồng của ông kỷ sư Nguyễn Thành Nam (1909-1990), là người sáng lập Đạo Dừa; hay còn gọi là Hòa đồng Tôn giáo; Cuộc sống tu hành thức ăn chỉ là trái cây và dừa (nên người đời gọi Ông Đạo Dừa) ông thành lập đạo Dừa tại cồn Phụng ở Bến Tre vào năm 1963. Khu vực hành đạo của Đạo Dừa rộng khoảng 1.500m2 hiện vẫn còn “Sân rồng”, có hình 9 con rồng ôm thân cột, hình ông ốm nhỏ đứng giữa 9 bà vợ tượng trưng cho 9 con rồng (vợ nhưng không quan hệ tình dục?).
Sông chín rồng là sông Cửu Long, hay Cửu Long Giang (九龍江), là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang), cả hai đều chảy qua đồng bằng châu thổ rộng 3,3 hecta ruộng lúa phì nhiêu, nước sông chảy ra biển có chín cửa. Từ Hậu giang các cửa : Định An, Ba Thắc, Tranh Đề. Từ Tiền giang các cửa: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiêm, Cung Hầu, Ba Lai, nên sông Mê Kông còn được gọi là sông Cửu Long, tức “sông chín rồng”, ngày nay do môi trường thay đổi một cửa sông đã bị cát bồi biến mất một con rồng! nhưng trong lòng của nhân gian vẫn còn 9 con rồng
Sông Cửu Long chín cửa hai dòng
Người thương anh vô số
Nhưng anh chỉ một lòng với em
Ngoài ra còn có nơi mang tên long tức rồng: Vĩnh Long, Long Hồ, Bình Long, Long Bình, Hạ long, Phước Long, Long Mỹ, Long Hải, Long Xuyên, Long Khánh, Long An, Long Hồ, Long Đất, Long Thành, Long biên…ở Indonesia có đảo rồng
Những phim và sách mang tên rồng 

Các phim Tàu kiếm hiệp và võ thuật nỗi tiếng như: Ngoạ hổ tàng long, Mãnh long quá giang, Thiên long bát bộ, Long hổ đấu, các phim họat hình của Nhật: Truyền thuyết về rồng, Tales From Earthsea, legen of the Millennium Dragon 2011, ngoài ra còn có các loại phim Dragonnica, Dragon and Elf Beauty wallpaper from Dragons wallpapers; D War, Dinosaur and Dragon, Người con của rồng, Rồng xanh…. nhạc phẩm Con Rồng Việt Nam…
Loạt truyện Bảy viên ngọc rồng được phát hành với 3 loạt truyện, 17 phim hoạt hình, Video game. Năm 2008, hãng 20th Century Fox sản xuất bộ phim đầu tiên với người thật đóng trình làng năm 2009. Các tên tài tử điện ảnh võ thuật Tàu được nhiều người biết như Thành Long (Jackie Chang) Lý Tiểu Long (Bruce Lee) Địch Long, truyện Tam Quốc có Triệu Tử Long, Ngọa Long Khổng Minh Gia Cát Lượng, Đào Duy Từ có “Ngoạn Long Cương Vãn”….Tác phẩm “Con Rồng An Nam” của cựu hoàng Bảo Đại (1913-1997) hoàng đế thứ 13 là con “rồng nằm” cuối cùng của nhà Nguyễn đã qua đời và bị lãng quên trên xứ người.
Tác giả Bill-Hayton cựu phóng viên BBC tại Hà Nội viết “Vietnam Rising Dragon”. (là con rồng của tập đoàn đảng CSVN đang biến chủ nghĩa CS sang tư bản Việt Nam thành kiểu công ty gia đình. Tầng lớp mới giới thương gia, không tách khỏi đảng cộng sản mà lại là thành viên của đảng, hoặc có liên quan tới đảng), theo “chủ thuyết” COCC là bốn chữ cái đầu của Con Ông Cháu Cha hay 5C viết tắt là của “Con Cháu Các Cụ Cả”. Từ thế kỷ thứ 20 các nước tự do chọn người tài đức ra phục vụ quê hương và dân tộc, CS Việt Nam thì đi ngược lại bánh xe tiến hoá của lịch sử.
Nhật ký “rồng rắn” của cố trung tướng Trần Độ (1923-2002) là tác phẩm cuối đời, niềm vui chưa trọn vẹn. Tác giả nói đến nỗi niềm cay đắng đã phục vụ dưới chủ nghiã CS và bị khai trừ khỏi đảng. Ông viết để tặng “người đời và cuộc đời” những ai còn quan tâm đến tiền đồ của đất nước, ước mơ cuối cùng của ông chỉ có tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Bốn câu thơ sau đã nói lên nỗi lòng của tác giả:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
Nhìn lại năm Tân mão đi qua thế giới thay đổi, những người hiền tài hay ác độc đều phải ra đi theo luật tạo hóa “sinh lão bệnh tử”. Osama bin Laden, xuất thân trong gia đình giàu có tại sao ông hận đời, cuồng tín tổ chức khủng bố quốc tế giết người và cuối cùng phải chết theo định luật “dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đại tá Gadhafi của Lybia, 42 năm quyền lực thao túng dầu mõ đầu tư hơn 200 tỷ Mỹ Kim ra ngoại quốc… sống giàu sang, tham lam, thủ đoạn để rồi chết trong nhục nhã cô đơn, thân xác bị kéo lê trên đường phố, tất cả danh vọng tài sản đều bỏ lại, cát bụi trở về với cát bụi… Thế giới văn minh ngày nay loại bỏ người ác, cũng như chế độ độc tài ra khỏi quỷ đạo của trái đất, đây là bài học qúy giá cho những ai còn tham quyền cố vị, muốn cầm quyền theo lối cha truyền con nối.
Thế giới thương tiếc Steve Jobs là thiên tài của thời đại, nhiều phát minh cho ngành điện tử làm thay đổi đời sống truyền thông, đóng góp một sự nghiệp vỉ đại cho nhân loại… Ðịnh mệnh đã thu ngắn sinh mệnh của ông, dù ông có tài sản 8 tỷ US$ nhưng không mua được sự sống cho chính mình! Âu Châu khủng hoảng tiền tệ, Thái Lan Campuchia, Việt Nam bị ngập lụt. Tệ hại hơn nửa nhà cầm quyền Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, đàn áp các cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, bắt giam thành phần trí thức già- trẻ yêu nước bất đồng chính kiến vì họ muốn nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền tự do của con người, không đàn áp tôn giáo. Cố Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan (1927-2003) đã nói: ”If a person goes to a country and finds their newspapers filled with nothing but good news, there are goodmen in jail” (nếu bạn đến một nước mà bạn chỉ thấy trên báo toàn những tin tốt, thì những người tốt của đất nước đó ở trong tù) trường hợp nầy giống xã hội VN ngày nay.
Năm 2012 là năm Thìn, theo người Tây phương coi rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác, là đối tượng mà con người cần phải chinh phục, thì ngược lại Đông phương xem rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng… Dù quan niệm khác nhau nhưng năm Nhân thìn đến mọi người dù Âu hay Á đều mơ ước một tương lai tươi đẹp hơn, đời sống vượt qua những khó khăn về kinh tế, có công ăn việc làm, tránh chiến tranh và mong ước thiên tai không xảy ra để con người bớt khổ đau nghèo đói…Mong ước Việt Nam có tự do dân chủ và nhân quyền được tôn trọng, người dân được sử dụng các quyền tự do căn bản để xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, được sống trong an bình và công lý. Kinh tế Việt Nam phát triển, như những con rồng tại Đông Nam Á Châu bay cao, để chúng ta có thể tự hào là Con Rồng Cháu Tiên,
————————
Tài liệu tham khảo:
Thi ca bình dân Việt Nam Ng. Tấn Long-Phan Canh NXB Sống Mới Saigòn 1969
Ca dao trữ tình Việt Nam NXB Giáo Dục
Tài liệu, hình trên các Website và Wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét