Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Dân Chủ là một thứ bảo hiểm

-Nguồn:Dân Chủ là một thứ bảo hiểm
Ngô Nhân Dụng

Sau bài bình luận tuần trước một vị độc giả đã viết thư tỏ ý ông thích một lời kết luận: “Dân chủ tự do không hứa hẹn thiên đường. Nhưng sẽ giúp xã hội loài người tránh rơi xuống địa ngục.”
Ý tưởng đó chắc không mới. Nhiều người chắc đã nghĩ, đã nói từ hàng trăm năm nay rồi, vì đó cũng là một bản chất của chế độ dân chủ tự do. Tự do dân chủ không phải là một bảng lộ trình hứa hẹn ở cuối đường sẽ tới những bồng lai tiên cảnh. Ngược lại, những phong trào chống lại thể chế dân chủ tự do thì lại hay vẽ ra viễn tượng một xã hội hoàn hảo; khi biết là chúng chỉ là những lý thuyết viển vông thì đã muộn.

Trên thế giới đã nhiều lần có những người nổi lên chống thể chế dân chủ, như các đảng cộng sản, các đảng phát xít, hay các đảng tự gọi là theo chủ nghĩa “xã hội quốc gia” từng nắm quyền ở Ðức “quốc xã,” ở Ai Cập thời 1950-60, cho tới Miến Ðiện của Tướng Newin từ đầu thập niên 1960. Những phong trào đó đều đưa ra các chủ nghĩa, các khẩu hiệu nức lòng người; có lúc đã lôi cuốn hàng triệu người tin theo, nhiều người sẵn sàng chết để xây dựng một thiên đường hạ giới. Khi đề cao Tự do, người ta không vẽ ra những hình ảnh viển vông mà chỉ hứa hẹn mọi người sẽ không bị thúc ép.
Quyền tự do của mỗi con người và quyền tự do của một dân tộc, cùng một chữ mà trong hai trường hợp có ý nghĩa khác nhau. Những dân tộc bị lệ thuộc người nước khác đều khao khát tự do; nghĩa là muốn thoát khỏi cảnh bị người nước khác cai quản. Họ có thể hy sinh mạng sống cho đồng bào mình được tự do. Nhưng khi được tự do rồi, người ta sẽ sử dụng quyền tự do đó như thế nào? Trong xã hội mới đó, mỗi người được tự do hay không? Chưa biết, vì khi đang tranh đấu đòi độc lập, người ta chưa bàn, sợ mất tình đoàn kết. Người ta chấp nhận hai chữ Tự Do một cách chung chung. Ít thấy ai khi tranh đấu lại hô hào: “Tự do hay là chết, với điều kiện chúng ta sẽ tổ chức xã hội như thế này, như thế này, vân vân!” Hô một khẩu hiệu như thế thì dài quá, khó lôi cuốn người ta hô theo!
Bởi vậy, mới có những cảnh “hoán nô dịch chủ;” đổi kiếp từ nô lệ người chủ này sang làm đầy tớ cho chủ khác. Chúng ta đã chứng kiến cảnh nhiều lãnh tụ anh minh kêu gọi người khác hãy theo mình tranh đấu cho tự do, thà chết cũng không sợ; nhưng sau đó chính họ lại cai quản mọi người mà chẳng thấy ai được tự do cả. Nhiều dân tộc đã trải qua kinh nghiệm này, sau khi tranh đấu đòi được độc lập, thường phải bắt đầu tranh đấu đòi tự do trở lại!
Chủ nghĩa Cộng sản là một thứ tín ngưỡng trần tục, hứa hẹn một xã hội lý tưởng không khác gì thiên đàng; cho nên đã mị hoặc nhiều người hàng thế kỷ. Ngoài ra, còn những đảng chủ trương dân tộc cực đoan kiểu quân phiệt Nhật Bản cũng hấp dẫn nhiều người vì họ đề cao một nước, một sắc dân. Họ hứa hẹn đưa cả dân tộc lên đỉnh vinh quang, cho mọi người thấy họ cũng tham dự trong đó, chia sẻ một cõi huy hoàng. Lời hứa hẹn của các nhóm tín ngưỡng cực đoan như al Qeada còn lôi cuốn mạnh mẽ hơn nữa vì người ta được hứa hẹn sẽ sống vĩnh viễn trên một cõi thiên đường.
Trong khi đó, người ta chỉ tha thiết đòi tự do, khi các quyền tự do bị chà đạp; ít thấy ai không dưng đề nghị một “chủ nghĩa dân chủ,” vẽ ra một cảnh thiên đường hạ giới, lôi cuốn người khác. Thường chỉ có ai đã phải sống trong nô lệ đến mức không chịu nổi, mới thiết tha đòi được tự do với khẩu hiệu “Tự do hay là chết.” Ðối với những người chỉ mới nghe về hai chữ tự do, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng. Vì thể chế tự do dân chủ không hứa chắc sẽ đưa mọi người đến một cõi tốt đẹp hoàn hảo!
Thể chế Dân chủ Tự do chỉ tạo ra một khung cảnh để mọi người sống chung với nhau. Nó cống hiến một hình thức xã hội để sống chung chứ không hứa hẹn một nội dung cụ thể. Nội dung, tức là con người sẽ sống với nhau như thế nào trong xã hội dân chủ, nội dung này tùy theo đặc tính mỗi dân tộc mà thể hiện. Có xã hội thích tranh luận, dùng lý lẽ chiếm phần thắng như ở Pháp; có nơi muốn giữ trật tự, hòa hợp, nhường nhịn như ở Nhật. Có những xã hội muốn nhấn mạnh đến đức công bằng như ở Ðức, ở Na Uy; do đó giảm bớt nhiều quyền tự do lựa chọn của cá nhân, trao cho guồng máy nhà nước nhiều quyền hành. Có xã hội lại đề cao tự do cá nhân nhiều hơn, như ở Mỹ. Ở nước Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1930 đa số ngả về đức công bằng, chịu hy sinh một số quyền tự do lựa chọn. Ðến thời kinh tế trì trệ trong thập niên 1970, người Mỹ lại thấy cần khuyến khích sáng kiến tư nhân, bèn giảm bớt quyền hạn của nhà nước. Nếu trong cùng một thời gian mà nhiều nhóm người ý kiến khác nhau thì sao? Chỉ có một cách quyết định chung, là bỏ phiếu, một “luật chơi dân chủ”. Luật chơi ở đây là đa số thắng thiểu số. Nhưng nếu một khối đa số cứ thắng hoài, rồi lạm dụng quyền hành bắt nạt những người thiểu số thì sao? Phải thêm vào “luật chơi” một điều nữa để đặt thêm giới hạn trên quyền hành. Ðó là bảng liệt kê những “quyền làm người,” nhân quyền. Dù các anh có liên tiếp thắng cử nhờ chiếm đa số, các anh không được xâm phạm đến những quyền căn bản của người thiểu số; như quyền tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, vân vân. Chính vì vậy, các phong trào dân chủ bao giờ cũng nhấn mạnh đến nhân quyền.
Với cái khung tự do dân chủ, có dân tộc thiết lập chế độ nghị viện để Quốc Hội nắm nhiều quyền; có nước lại chọn một chế độ trao nhiều quyền hành cho một vị tổng thống. Trong mỗi loại đó, vẫn còn có thể vẽ ra nhiều kiểu tổ chức xã hội khác nhau. Nước Na Uy khi mới độc lập, vào đầu thế kỷ 20, đã chọn chế độ quân chủ lập hiến thay vì chế độ cộng hòa. Nghị viện nước này mời một ông hoàng Ðan Mạch sang làm vua, ông hoàng đã yêu cầu phải trưng cầu dân ý, dân chấp thuận ông mới nhận chức. Một ông vua được mời như vậy có lợi hay không? Hơn một thế kỷ sau cuộc lựa chọn đó, dân Na Uy bây giờ vẫn có vẻ rất hài lòng! Bởi vì hiến pháp đã tạo một cái khung cho cuộc sống cả xã hội, có một ông vua cũng không ngại gì, được một ông vua tốt càng may. Nhiều người nói rằng chế độ dân chủ tự do ở nước Mỹ cho phép một người rất tầm thường cũng có thể làm tổng thống. Vì người đó không nắm mọi quyền quyết định; mà nếu ông hay bà ta tệ quá thì cùng lắm cũng chỉ làm khổ dân trong bốn năm thôi!
Kết luận là cùng một cái khung dân chủ tự do, người dân mỗi nước có thể chọn những nội dung khác nhau. Tất nhiên, trình độ dân trí, nhất là trình độ của những người làm chính trị cao hay thấp, sang hay ngu, sẽ quyết định nội dung của cuộc sống xã hội. Nhưng dù nội dung như thế nào, thể chế dân chủ có thể giúp chúng ta tránh nhiều cái xấu, cái ác thường do chính quyền gây ra; nhờ có những giới hạn trên quyền bính. Nếu quyền hành không được giới hạn, thì không phải là một chế độ dân chủ.
Nhiều người không để ý đến tính chất “phòng ngừa” này, vì họ mơ mộng và không đủ tự tin hoặc không tin vào người dân. Họ không tin trong chế độ dân chủ người dân có khả năng đóng vai ngăn ngừa cái ác, cái xấu; cho nên họ đi tìm những thể chế chính trị ba xạo hão huyền. Chúng ta phải thận trọng khi nghe các nhà chính trị hứa hẹn những giấc mơ lớn, đưa ra những viễn ảnh lý tưởng. Cuối cùng, khi biết không thể thực hiện được những điều mơ mộng, lý tưởng đó, người ta sẽ phải nói dối. Họ nói dối làm cho mọi người bắt chước, ai cũng học nói dối cho giỏi. Ðạo đức cả xã hội sẽ suy đồi.
Phải lo việc ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, vì đó là một mối rủi ro bất trắc trong cuộc sống chính trị. Ở nước nào cũng vậy, kể cả các nước dân chủ lâu đời rồi, người nắm quyền, dù cấp cao hay cấp thấp, cũng hay lạm quyền, mối rủi ro đó lúc nào cũng có thật. Thường khi muốn đề phòng rủi ro bất trắc, người ta đi mua bảo hiểm. Thiết lập một thể chế dân chủ chính là “mua bảo hiểm” cho xã hội. Tức là đề phòng khuynh hướng lạm quyền của nhà nước bằng cách đặt ra trước các giới hạn bắt họ phải theo. Ai đã sống trong một xã hội mà nhà nước nắm hết mọi thứ quyền, mới thấy khi cả xã hội “không được bảo hiểm” thì rất nguy hiểm! Nếu trình độ của những người nắm quyền lại quá thấp thì mối nguy hiểm đó càng lớn!


-Dân Chủ ích lợi gì?-Ngô Nhân Dụng

Ở các nước dân chủ, mỗi lần có một cuộc vận động tranh cử, người ta lại thấy nhiều bất mãn về không khí chính trị.
Như cuộc vận động tranh cử hiện đang diễn ra ở nước Mỹ chẳng hạn. Ngược lại, tại một nước độc tài, một cuộc bầu cử hơi tự do một chút cũng khiến mọi người thêm tin tưởng rằng cơ chế chính trị dân chủ hy vọng sẽ giúp quốc gia sẽ tiến bộ hơn. Như tình trạng ở Nga trong mấy ngày nay. Chế độ dân chủ giống như một cái bánh: Ðược nếm một chút thì người ta thèm muốn ăn nhiều hơn; nhưng khi được ăn mãi thì lại dễ thấy chán!
Sang năm nước Mỹ mới có bầu cử tổng thống và Quốc Hội. Nhưng không khí chính trị đã sôi nổi, hào hứng nhờ các nhà chính trị bên đảng Cộng Hòa đang giành nhau để được đảng đưa ra làm ứng cử viên tổng thống. Một tháng nữa mới có những cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa nhưng từ nửa năm nay đã có hàng chục nhà chính trị rất sáng giá vận động hòng được đảng đưa ra đối đầu với đương kim Tổng Thống Barack Obama. Hãy tạm coi họ đều là những ứng cử viên tổng thống. Với tình trạng kinh tế đang trì trệ và khó hy vọng khá lên nhiều trong 12 tháng tới, ai chính thức được làm ứng cử viên Cộng Hòa sẽ hy vọng được làm tổng thống nước Mỹ từ năm 2013.
Nhưng chính cuộc vận động sôi nổi này làm nhiều người thấy chán nản. Theo dõi các cuộc tranh luận của họ, có những vị ứng cử viên tổng thống làm người ta phát chán. Nhiều người Mỹ tự hỏi: Cái ông (hay bà) này mà sẽ làm tổng thống của tôi hay sao? Thí dụ như ông Herman Cain, nhà triệu phú chủ nhân nhiều tiệm ăn thành công, có tài ăn nói, có lúc đã vượt lên đứng hàng đầu. Ông đưa ra một chính sách thuế rất giản dị, ai cũng hiểu được, gọi là “999,” ba thứ thuế cái nào cũng đánh 9%. Ai cũng biết các suất thuế như vậy sẽ làm ngân sách chính phủ Mỹ thiếu tiền tiêu, nhưng nếu có ai đặt câu hỏi thì ông Cain coi như chuyện đó không quan trọng! May mắn cho đảng Cộng Hòa, có đến 4 phụ nữ xuất hiện tố cáo ông đã sách nhiễu tình dục họ; rồi chính ông cũng thú nhận đã từng ngoại tình. Sau cùng ông Cain phải rút lui, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Một ứng cử viên sáng giá khác là ông Rick Perry, thống đốc tiểu bang Texas. Ông có những khẩu hiệu rất hay, dựa trên thành tích đã quản trị thành công trong một tiểu bang vào hạng lớn và giầu nhất nước Mỹ. Có lúc ông đã vượt lên chạy hàng đầu, qua mặt cả Mitt Romney và Newt Gingrich; được coi như niềm hy vọng của đảng. Nhưng bây giờ ông đã xuống, rất thấp. Ông Perry có cái tật hay quên một cách thảm hại, đặc biệt là quên tên! Ðãng trí một lần thì dễ được bỏ qua, vì ai cũng có lúc quên; nhưng quên đến mấy lần, quên toàn những chuyện quan trọng, thì những người ủng hộ ông cũng phải lo! Một lần, lên ti vi tranh luận với các ứng cử viên khác, ông trình bày dự án chính trị sẽ thi hành khi lên làm tổng thống: Chính phủ liên bang to lớn quá, phải cắt bớt (Ai cũng đồng ý!). Cho nên Tôi, Perry, sẽ xóa bỏ bớt ba bộ trong chính phủ Mỹ. Thứ nhất là Bộ Thương Mại; thứ hai là Bộ Giáo Dục; và thứ ba là bộ... bộ nào nhỉ, quên mất rồi!
Mới ngày hôm qua, ông Rick Perry lại biểu diễn tính đãng trí một lần nữa. Ðang đi vận động ở Iowa, nói chuyện với ban biên tập tờ báo lớn nhất tiểu bang, The Des Moines Register, ông Perry chỉ trích Tổng Thống Obama đã Ðề Cử Hai Thẩm Phán Tối Cao, “thí dụ như là...” Nói tới đó ông Perry lúng túng nghĩ không ra cái tên vị thẩm phán này. Ông tự hỏi thầm, nhưng ai cũng nghe thấy, “Không, không phải là Montemayor...” Một nhà báo có hảo ý nhắc tên vị nữ thẩm phán: “Sotomayor.” Ông Perry sung sướng nhắc lại: “Sotomayor, đúng, Sotomayor.” Sau đó, ông chỉ trích các quan tòa Tối Cao Pháp Viện đã can thiệp vào “quyền tự do cầu nguyện” ở trong các trường học. Ðó là một đề tài rất hấp dẫn. Cho nên ông lên tiếng phản đối “Tám vị thẩm phán tối cao không do dân bầu ra; thành thật mà nói, họ không chịu trách nhiệm với ai hết!” Ý kiến này sẽ được nhiều người đồng ý. Chỉ có một điều bất ổn, là Tối Cao Pháp Viện nước Mỹ xưa nay vẫn có chín vị thẩm phán. Ðề tài Tối Cao Pháp Viện là do ông Perry chọn, để ông phê phán định chế này. Tôn giáo là một lãnh vực ông được rất nhiều người tán thưởng. Vậy mà ông quên cả con số 9 người hay 8 người. Nhiều người sẽ tự hỏi: Sao ông không chịu học trước khi lên trả bài?
Chắc cuối cùng ông Rick Perry khó qua mặt được Mitt Romney và Newt Gingrich để giành lấy vai trò ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa. Nhưng các màn biểu diễn tính hay quên khiến nhiều người đã thất vọng về khả năng chính trị của ông. Và nếu ông cứ tiếp tục vận động thêm vài tháng nữa, có lúc người ta sẽ thất vọng cả về những chuyện tranh cử và bầu cử sơ bộ. Liệu hai chính đảng lớn ở Mỹ không tìm ra cách nào khác để chọn một ứng cử viên chính thức hay sao?
Chưa hết, hãy chờ đến sang năm. Khi đảng Cộng Hòa chọn xong rồi, cuộc tranh cử giữa ông Barack Obama với, hoặc ông Mitt Romney hoặc ông Newt Gingrich, sẽ diễn ra với những cảnh đấu đá, chê bai, bới móc và có khi bôi bẩn nhau rất nặng nữa. Dân chúng sẽ còn chứng kiến nhiều cảnh không phải lúc nào cũng hay ho, đáng ngưỡng mộ. Vậy mà, sau cùng, một trong mấy người đó sẽ lên làm tổng thống cai trị dân Mỹ trong bốn năm! Có cách nào khác hay không?
Nhưng khi nhìn lại những vị tổng thống được kính trọng nhất trong lịch sử Mỹ, như ông Lincoln, như hai ông Roosevelt, ta thấy ông nào cũng đều đã trải qua những cuộc tranh cử giống y như vậy cả! Ðọc lịch sử nghe những điều các đối thủ bôi nhọ ông Lincoln, phải thấy là kỳ lạ!
Chế độ Dân Chủ có một khuynh hướng kỳ lạ này, là rất thích phơi bầy những cái xấu của mình! Sống giữa các cuộc vận động tranh cử, nhiều người phải phát chán. Một người quan sát ngoại quốc sẽ lại đặt câu hỏi: Có cách nào khác (coi lành mạnh và sạch sẽ hơn), để chọn một người cai trị quốc gia hay không?
Ở một nước độc tài thì khác hẳn. Chế độ độc tài rất giỏi trong nghề che đậy, giấu diếm. Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại. Dân chúng biết càng ít càng tốt!
Thử nhìn ông Vladimir Putin mà coi. Ông ta chỉ xuất hiện trước công chúng để đóng trò một người hùng; chỉ thua Thống Chế Stalin ngày xưa mà thôi! Putin bắn súng. Putin đấu võ. Putin cưỡi ngựa (cởi trần, khoe bộ ngực lực sĩ). Putin lái máy bay, lái cả tầu ngầm. Putin đứng giữa đoàn nữ vệ binh (các cô y phục rất khiêm tốn). Ðầy rẫy trên truyền hình, trên báo, trên màn ảnh lớn, trên cả nhãn hiệu Vodka. Ông Putin còn được các đồng chí Trung Quốc chọn trao giải Hòa Bình mang tên ông Khổng Tử nữa!
Trước đây hai tháng cả nước Nga và cả thế giới chỉ thấy một chính quyền Putin vô địch, được toàn dân ngưỡng mộ, kính yêu, không ai thay thế nổi; sang năm ông chắc chắn sẽ làm chúa tể Ðiện Kremlin thêm 12 năm nữa. Ai than vãn hay tỏ ý nghi ngờ sẽ bị công an mật vụ hỏi thăm, nhiều nhà báo can đảm đã mất mạng.
Nhưng chỉ cần cho dân chúng bỏ phiếu tự do hơn một chút, bầu không khí đã thay đổi. Tự nhiên hàng chục ngàn người dân bỗng thấy họ mạnh dạn hơn. Họ dám xuống đường tố cáo bầu cử gian lận! Một phụ nữ nói, “Trước đây tôi không bao giờ đi biểu tình. Vì sợ cũng có, mà còn vì tôi nghĩ đi biểu tình cũng chẳng thay đổi gì được. Nhưng bây giờ khác. Chủ Nhật này tôi sẽ đi biểu tình!” Một người dân bình thường bỗng thấy can đảm. Vì bắt đầu tin tưởng vào những quyền tự do căn bản của thể chế tự do dân chủ: Tự do hội họp; và tự do phát biểu. Chắc những quyền đó phải hấp dẫn, phải đưa tới những kết quả tốt hơn tình trạng độc tài! Một điều chắc chắn: Những người Nga đi biểu tình ngày mai, Chủ Nhật 11 tháng 12 năm 2011, đều mong muốn đất nước họ được tự do dân chủ hơn.
Ðể làm gì? Tất nhiên, để cuộc sống kinh tế, xã hội tốt đẹp hơn. Ðể con cháu họ sống hạnh phúc hơn. Nhưng, sẽ đến ngày nước Nga tự do dân chủ thật, các cuộc bầu cử sẽ có nhiều ứng cử viên tham dự, họ sẽ tranh luận với nhau trước công chúng, cãi nhau như mổ bò, y như ở Mỹ bây giờ. Và sau đó nhiều người sẽ thất vọng, sẽ tự hỏi: Có cách nào khác để chọn người cai trị mình hay không?
Nhưng chúng ta biết, chế độ dân chủ tự do không bảo đảm sẽ tìm ra những người lãnh đạo tốt nhất, giỏi nhất, đẹp trai hay xinh gái nhất nước để trao quyền. Dân chủ tự do là một chế độ không hoàn hảo, và không hứa hẹn những kết quả hoàn hảo. Dân chủ tự do không cam kết sẽ tạo ra một xã hội “lý tưởng” - như các chủ nghĩa viển vông thường mê hoặc những người dại dột.
Vậy thì đâu là giá trị đặc biệt của thể chế dân chủ tự do khiến loài người đã mất bao công tranh đấu, theo đuổi, muốn thực hiện bằng được? Hiện nay ở nước Miến Ðiện người ta cũng náo nức đặt những viên đá đầu tiên xây dựng con đường tự do dân chủ cho các thế hệ tương lai. Nhiều người dân các nước Á Rập cũng đang hào hứng xây dựng xã hội mới dân chủ tự do hơn.
Ưu điểm của chế độ tự do dân chủ là nó tạo ra một cái khung, cái sườn cho cuộc sống chung; để giới hạn quyền hành của những người đóng vai cai trị. Khi sống trong khung cảnh pháp lý đó, có thể ngăn ngừa được những tai hại do tình trạng lạm quyền sinh ra. Chỉ cần cho người dân quyền thay đổi người cầm quyền một cách tự do, khuynh hướng lạm quyền sẽ bị hạn chế. Trong một nước độc tài thì tham nhũng, bất công, đàn áp, tham quyền cố vị sẽ khó sửa chữa được. Khi được tự do, người ta có hy vọng thay đổi. Dân chủ tự do không hứa hẹn thiên đường. Nhưng sẽ giúp xã hội loài người tránh rơi xuống địa ngục. Vì vậy loài người vẫn tiếp tục khát khao tự do dân chủ.

-






Thư trao đổi giữa một bạn đọc và trang Bauxite Việt Nam – (BoxitVN). “hôm nay ngành công an yêu cầu tôi mấy điều sau (tôi đành chấp nhận và ký):… Rút tên trong bản kiến nghị thả TS Cù Huy Hà Vũ và Blogger Điếu Cày  Vì sự bình yên trong gia đình và cuộc sống của cá nhân tôi, mong Bác Chi và BBT thông cảm, hãy xóa tên tôi trong danh sách đề nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ”. – Thông báo ! (blog Tô Oanh). “Từ hôm nay, tôi chính thức  đóng cửa  Blog này và cũng vì nhiều lý do tôi đã đề nghị được rút tên ra khỏi danh sách đề nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ và Bloger Điếu Cày. Mong bạn đọc thứ lỗi cho ông giáo già nghỉ hưu này”. – Bức tranh “Tuyên thề” TS Cù Huy Hà Vũ vẽ trong tù – (BoxitVN).- - Nghệ sĩ Tạ Trí Hải – (DLB). “Họ thừa biết bác không có gia đình, cũng chẳng có ai là người nhà ở HN cả. Đó chỉ là cái cớ để giữ bác trái phép suốt một ngày trời chỉ vì tội đi biểu tình bảo vệ tổ quốc. Hôm đó đến tận 6h tối họ mới chịu thả bác Hải. Bị chủ nhà trọ ở phố Đào Duy Từ đuổi, bác cứ lang thang với cây đàn”.
Suy ngẫm về hai từ “Nhân Dân” (DT). -Năm 13 tuổi bị công an bắt vì tội đọc sách đồi trụy (FB Đặng Thái Minh/ TTXVA).-Chủ tịch HĐND Thanh Hóa ‘yêu cầu đại biểu không ngủ gật’  —  (NV).--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét