Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

KHÔNG CÔNG NHẬN MẠI DÂM CÓ THỂ DO NGUYÊN NHÂN XUNG ĐỘT LỢI ÍCH NHÓM
Luật gia Trần Đình Thu
 

Sau ý kiến khá mới mẻ của bà Bộ trưởng Bộ lao động – thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng Việt Nam có thể hợp pháp hóa mại dâm một phần nào làm dư luận xôn xao, thì bà Cục phó Cục phòng chống tệ nạn xã hội Lê Thị Hà đã nêu ý kiến ngược lại hoàn toàn khiến nhiều người chưng hửng. Theo bà Hà, thì Việt Nam vẫn nên tiếp tục coi mại dâm là một tệ nạn như lâu nay chứ không nên hợp pháp hóa chúng. Phát biểu này dập tắt niềm hy vọng của khoảng 3 trăm ngàn chị em phụ nữ đang hành nghề mại dâm trên cả nước hiện nay.
Vì sao có hiện tượng một cán bộ cấp thấp trong Bộ LĐ-TBXH lại phát biểu ngược với quan điểm của vị đầu ngành của mình?
Tôi xin phép nói ra ngoài lề một chút trước khi đi sâu vào vấn đề trên. Cuối tháng 6 vừa qua, tôi dự và đọc tham luận tại một cuộc Hội thảo góp ý Dự Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong hội thảo, các chuyên gia quốc tế đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề xung đột lợi ích nhóm khiến dự luật bị can thiệp vào nội dung. Theo đó, ngành công nghiệp thuốc lá của một nước có thể gây ảnh hưởng lên tiến trình xây dựng luật này ở nước đó, tác động lên các chính sách y tế công cộng sao cho có lợi nhất cho bản thân của ngành công nghiệp này. Vì thế các chuyên gia đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trên.
Chúng ta thấy, việc xây dựng những thiết chế pháp luật rất nhiều khi không dựa trên lợi ích của toàn xã hội mà có thể bị chi phối bởi một nhóm lợi ích nhỏ.
Trở lại vấn đề hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, hợp pháp hóa mại dâm là có lợi hơn cho xã hội so với khi coi nó là một tệ nạn. Thế nhưng chúng ta vẫn không sao thực hiện được, dù có sự ủng hộ của một số cán bộ cấp cao.
Như vậy thì phải chăng vấn đề đã đụng chạm đến lợi ích nhóm?
Tôi cho rằng, bản chất là như vậy. Việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống các cơ sở phòng chống mại dâm đã triển khai lâu nay trên cả nước. Hàng loạt các trường phục hồi nhân phẩm phụ nữ có nguy cơ đóng cửa, nhiều dự án sử dụng ngân sách nhà nước sẽ dừng lại, nhiều cán bộ trong ngành phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Cục, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội sẽ thất nghiệp…  Đây chính là lực cản lớn nhất ngăn cản tiến trình hợp pháp hóa mại dâm hiện tại. Ẩn đằng sau lớp vỏ bọc về đạo đức, về kỷ cương phép nước… nhóm lợi ích này tác động thẳng lên các chủ trương chính sách của nhà nước theo hướng càng thu hút nhiều ngân sách đầu tư của nhà nước vào khu vực phòng chống mại dâm thì càng tốt. Thế là ngân sách nhà nước ngày càng hao tốn trong khi hoạt động mại dâm ngày càng tăng lên, nhiều hệ lụy khác từ việc cấm cản xảy ra.
Làm thế nào để chống lại sự can thiệp này? Vấn đề không hề dễ dàng khi việc xây dựng các văn bản pháp luật chuyên ngành ở Việt Nam luôn giao cho các đơn vị liên quan thực hiện. Chẳng hạn việc soạn thảo các văn bản pháp luật liên quan đến mại dâm được giao cho Cục phòng chống tệ nạn xã hội (nơi bà Lê Thị Hà làm Cục phó). Nhưng chính đơn vị này cũng là nơi được giao quyết định việc chi tiêu ngân sách quốc gia về phòng chống mại dâm. Thế là lợi ích nhóm được đặt lên trên lợi ích quốc gia.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét