Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Đâu là nguyên nhân sâu xa để Trung Quốc có âm mưu độc chiếm Biển Đông?


Nguyễn Hữu Quý

Có rất nhiều bài báo của các nhà phân tích hàng đầu thế giới cho rằng, sở dĩ Trung Quốc âm mưu động chiếm Biển Đông chủ yếu xuất phát từ nguồn lợi dầu mỏ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Trung Quốc trên đường vươn tới trở thành một siêu cường, thậm chí còn muốn thay Mỹ để thống trị thế giới trong tương lai. 

Theo tôi, nghĩ như vậy là đúng nhưng chưa đủ. 

Chúng ta đều biết rằng, tham vọng “mở mang bờ cõi” luôn luôn là khát vọng và đã trở thành truyền thống trong lịch sử Trung Quốc; chẳng thế mà Trung Quốc nơi sản sinh ra môn cờ vây, mà mục đích duy nhất của ván cờ là: chiếm được nhiều "đất", càng rộng càng tốt 

Ngay sau khi đánh bật Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và đẩy Tưởng ra đảo Đài Loan, chính quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc đã vẽ nên tấm bản đồ “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại”; và như các bạn đã thấy, trong tấm bản đồ nói trên được in trong cuốn “Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, Trung Quốc còn muốn lãnh thổ của mình gồm: một phần lớn vùng viễn đông trung Trung Á của Nga; toàn bộ nước Triều Tiên (Bắc Hàn, Nam Hàn), cùng với Bu Tan, Miến Điện, Nê Pan, Thái Lan, CPC, Lào, Việt Nam… và còn kéo tận xuống Malaysia, đồng thời chiếm luôn eo biển Malaca. 

Tuy nhiên, việc có thực hiện được cuồng vọng như tấm bản đồ trên hay không còn tùy thuộc vào tình hình thế giới trong tương lai; nhưng luôn luôn cảnh cáo thế giới, và đặc biệt với các nước lân bang của Trung Quốc rằng, người Tàu có mưu đồ thực hiện âm mưu với khoảng thời gian tính đến cả hàng nghìn năm. 

Có một điều chắc chắn để khẳng định rằng, nếu trong hiện tại, Trung Quốc có sức mạnh vượt lên trên Mỹ về tiềm lực quân sự, thì than ôi, không chỉ Biển Đông mà có thể là cả Việt Nam và Lào như được báo trước là sẽ bị sáp nhập vào Trung Quốc trong tương lai gần. 

Hiện tại, mặc dù vẫn còn rất sợ Mỹ, chưa thể đối đầu với Mỹ… nhưng Trung Quốc đã muốn xé bỏ Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS 1982) đã được chính Trung Quốc ký kết; thì rõ ràng, đến khi trở thành siêu cường số 1 thống trị thế giới thì việc thực hiện tham vọng lãnh thổ như bản đồ nói trên là hoàn toàn nằm trong khả năng của người Trung Quốc. 

Nói như vậy để thấy được nguy cơ đến từ sự phát triển của Trung Quốc đối với Việt Nam. 

Trở lại với vấn đề chính là: Đâu là nguyên nhân sâu xa để Trung Quốc có âm mưu độc chiếm Biển Đông? 

Để ngắn gọn, theo tôi, có mấy nguyên nhân (động lực) chính như sau: 

1. Nhu cầu về dầu mỏ chỉ là bước tính trong ngắn hạn của Trung Quốc, mặc dù nhu cầu về dầu mỏ là vấn đề (yếu tố) quyết định để trong vòng 20-30 năm tới Trung Quốc bằng mọi biện pháp nhằm đạt đến vị trí số một thế giới cả về tiềm lực kinh tế và quân sự.

2. Nếu độc chiếm được Biển Đông thì Trung Quốc sẽ đạt được: 

a. Chiếm được nguồn thủy sản quan trọng để duy trì sự ổn định của Trung Quốc (đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn người trên một vùng biển rộng lớn…), không chỉ đáp ứng cho 1,40 tỷ người hiện tại mà có thể là 2 tỷ người trong vòng 50 năm tới. 

Trong khi biến đổi khí hậu sẽ là thách thức lớn của nhân loại trong tương lai, theo đó, hàng triệu Km2 lục địa của Trung Quốc bị sa mạc hóa do nạn khai thác và hủy hoại môi trường hiện nay gây ra, thì ổn định cuộc sống cho 2 tỷ dân từ nguồn lợi biển sẽ là vấn đề sống còn Trung Quốc (ổn định về chính trị, từ đó hy vọng không bị chia tách thành nhiều quốc gia nhỏ mà Trung Quốc đã xâm lược, sáp nhập vào lãnh thổ của Trung Quốc từ trước đây)… 

b. Có một điều chắc chắn, khi đã độc chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ thiết lập lại luật hàng hải quốc tế, mà theo đó, khi tàu bè quốc tế đi vào vùng biển này ắt phải “nộp thuế” cho Trung Quốc; đây sẽ là nguồn thu đáng kể nuôi sống nhân dân Trung Quốc; bởi vì Biển Đông là một trong những đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới như mọi người đã biết. 

c. Độc chiếm được Biển Đông, Trung Quốc cũng khống chế được Nhật Bản; bởi vì kinh tế và sự phát triển của quốc gia Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào tuyến hàng hải quan trọng này. 

Cần nhớ rằng, Trung Quốc chưa từng có ý từ bỏ trả thù Nhật Bản, đây là nỗi nhục lớn nhất của người Trung Quốc trong lịch sử hiện đại. Nếu như Việt Nam là đích đến của Trung Quốc trong việc sáp nhập lãnh thổ, đồng hóa, tiêu diệt giống nòi Lạc Việt thay bằng dòng máu Hán, thì với Nhật Bản là “rửa hận” vì đã hạ nhục Trung Quốc trong chiến tranh thế giới thứ II. 

Làm suy yếu Nhật Bản, đồng thời vươn lên làm bá chủ nhằm có cơ hội trả thù nước Nhật… là một bước đi âm thầm, lặng lẽ, kiên trì… của giới lãnh đạo Trung Hoa ở bất kỳ các giai đoạn nào của lịch sử kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II trở về sau này. 

Cách đây hai năm, con trai đầu của tôi khi đó đang chuẩn bị vào đại học, đã mấy lần cháu nói với tôi về nhận định của cháu rằng: Ba ạ, khoảng 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ gây nên một cuộc chiến tranh rất tàn khốc, trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng của họ là tiêu diệt khoảng 60-70% nhân dân Việt Nam ở thời điểm đó. 

Có thể nhiều người cho rằng, đây là ý tưởng quá xa vời; tuy nhiên, theo tôi, với giới lãnh đạo Trung Quốc thì không có gì là họ không dám làm. Ngay cả nước Mỹ xa xôi mà họ còn muốn dùng vũ sinh học để hủy diệt, để đưa người Hán sang đó định cư... mặc dù có thể phải hy sinh một nửa số dân Trung Quốc, tức là khoảng 600-700 triệu người, như tướng Trì Hạo Điền - Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã từng "mơ ước" cách đây mấy năm khi y còn sống. 

Lịch sử Trung Quốc đã cho thấy, hiếm có một lãnh đạo thế giới nào từ cổ đến kim mà dễ dàng ra các quyết định “thí” dân như các lãnh chúa Trung Hoa xưa, miễn là thực hiện được ý đồ "thiên tử"; và ngay trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, chính Mao Trạch Đông, y là hiện thân cho sự khẳng định này. 

Trung Quốc hiện đã bỏ chế độ “mỗi gia đình chỉ có một con”, chuyển sang thực hiện mối gia đình được phép có 2 con; đây là hiểm họa không chỉ chính bản thân của Trung Quốc mà là hiểm họa trực tiếp đối với Việt Nam và Lào. 

Không bao lâu nữa, Lào sẽ như là một tỉnh của Trung Quốc, hoặc chí ít, dân số Lào sẽ là thiểu số ngay chính trên quê hương của họ. 

Nếu Lào còn duy trì chế độ một Đảng là nhân dân cách mạng Lào như hiện nay thì việc mua chuộc Bộ Chính trị của độc đảng duy nhất tại Lào là việc làm dễ như trở lòng bàn tay của người Trung Quốc,  và Trung Quốc đã thành công, như họ đã thực hiện đối với Miến Điện; mà đến nay, chính người Miến Điện đã cay đắng nhận thấy, miền Bắc Miến đã như là một quận thuộc Trung Hoa. 

Than ôi, nòi giống Lào sẽ như là Tân cương, Tây Tạng… trong tương lai gần. Một nguy cơ đe dọa Việt Nam từ phía Lào đã biết trước mà không sao thoát ra được. 

Hiện tại, do chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con” từ gần 30 năm qua, hậu quả là Trung Quốc hiện đang “dư thừa” 40-50 triệu đàn ông; Lãnh đạo máu lạnh ở Bắc Kinh cũng đang muốn “thí” bớt số lượng người này nhằm cân bằng giới tính bằng một cuộc chiến tranh, tuy nhiên, do chưa thể thắng Mỹ trong cuộc chiến trước mắt, cho nên Trung Quốc chưa thể thực hiện được. 

Như vậy, với chính sách trở lại mỗi gia đình được phép có hai con, thì trong vòng một hoặc hơn một thế hệ nữa (25-30 năm), thì dân số Trung Quốc khoảng gần 2 tỷ cũng không có gì là ngạc nhiên cả. 

Khi đó, việc gây nên một cuộc chiến tranh, vừa để “thí” bớt dân số nội địa tại Trung Quốc; vừa là để tiêu diệt nòi giống Việt Nam và Lào nhằm “phân bố lại dân cư” theo bản đồ “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại” như đã nói trên đâu có gì là ngạc nhiên. 

d. Độc chiếm được Biển Đông là chặn đứng được tương lai phát triển của người Việt, càng có cơ hội thâu tóm, biến Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc... tiến tới sẽ làm một cuộc cách mạng "giải phóng Việt Nam" như đã từng đối với Tây Tạng sau ngày Mao nắm chính quyền. 

Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã từng bước nô dịch Việt Nam bằng mọi cách (đặc biệt như qua đường phim ảnh) và có vẻ như từng bước một Trung Quốc đã đạt được thành công; việc hơn 700 tờ báo lớn nhỏ của nước ta buộc phải “im hơi lặng tiếng” trước vận mệnh dân tộc trong suốt một thời gian dài và đang diễn ra hôm nay là một bằng chứng của nguy cơ này. Đến nỗi, trong bài viết “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộccủa nhà bào kỳ cựu Lê Phú Khải, tác giả đã phải thốt lên: Tôi không ngờ các nhà báo lão thành mà xưa nay tôi từng ngưỡng mộ lại có thể vô cảm đến thế, dối trá đến thế, hèn hạ đến thế! 

Hỡi ôi, đến các “nhà báo lão thành”, chắc hẳn trong số các vị đã có không ít người đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mà đến nay lại trở nên vô cảm, dối trá, hèn hạ, qua đó để chúng ta biết, sự nô dịch của Trung Quốc đối với Việt Nam đã thành công đến mức nào! 

Đấy là còn chưa kể đến còn có hàng ngàn người vì đang si mê tiền bạc..., đã để Trung Quốc lũng đoạn gần như toàn bộ nền kinh tế nước nhà, rồi đến các "làng Trung Hoa", thậm chí là Đông Đô Đại Phố... đã và đang được thiết lập gần như ở khắp các tỉnh thành trên toàn cõi Việt Nam...

Xem ra, mô hình này đang báo động điều mà Trung Quốc đã thực hiện cách đây hơn 35 năm như đã từng thực hiện đối với dân tộc CamPuChia; tức là xây dựng một đội ngũ tay sai người Việt, để chính người Việt tự ra tay tiêu diệt người Việt, như Pol Pốt – Iêng xa ry đã tiêu diệt gần 50% dân số của dân tộc mình chỉ sau hơn 4 năm từ 1975-1978 (diệt 2,7 triệu người, trong tổng số gần 7 triệu dân CPC ngày đó). 

Liệu dân tộc Việt Nam với khí phách hàng ngàn năm đánh tan phương Bắc, có kịp thức tỉnh để tự cứu lấy mình? 

Như vậy, bằng mọi biện pháp, phải “cắt” bằng được “đường lưỡi bò”, đó chính là sự sống còn của người Việt Nam, nếu như không muốn bị “láng giềng hữu nghị” tiêu diệt. 

Dân tộc Việt Nam, hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu!

Trong khi nước Mỹ đã và đang khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, thì trong cái họa đã nhìn thấy, nhưng cái phúc còn lớn hơn nhiều.

"Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí" - điều này chắc ai cũng biết?! 

20.7.2011

------------------
*****

Nỗi đau nước Việt: 1979-Sự thật về quan hệ VN-TQ trong 30 năm qua

Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Đôi lời với bạn đọc: Tôi cho rằng đây là nỗi đau của nước Việt là bởi, đã biết dã tâm của bọn bành trướng, với một bản đồ chúng in ra mà biên giới của chúng là toàn bộ 3 nước Bán đảo Đông dương, ngoài ra còn kể cả Thái Lan, Myanmar , rồi cuối cùng vẫn xác định đi theo họ... để đến hôm nay như mọi người đã thấy dã tâm của chúng. 

1979: SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA



Thưa chư vị,
Sáng nay, mưa gió nhưng có việc phải đi, tôi đến thăm Họa sĩ Trịnh Quang Vũ - người đã từng từ chối hợp tác làm phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" với hãng Trường Thành, và tôi đã phỏng vấn trực tuyến trên Nguyễn Xuân Diện-blog tháng 9 năm ngoái. Ông cũng là họa sĩ thiết kế mỹ thuật của phim "Hà Nội trong mắt ai" của Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Khi tôi nói chuyện với ông rằng có nhiều vị hỏi tôi về cuốn sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" do NXb Sự thật (nay là Nxb Chính trị quốc gia) in và phát hành năm 1979. Thư viện Hán Nôm và thư viện gia đình tôi không có bản sách này, thì ông vội lên thư phòng ở lầu 2 lấy xuống trao cho tôi mượn.

Cuốn sách này in xong và nộp lưu chiểu tháng 10 năm 1979 với 65.200 cuốn. Một con số phát hành khủng khiếp. Sách dày 110 trang, trong có nhiều bản đồ và tư liệu "quý" về mối quan hệ Việt - Trung.

Xin chân thành cảm ơn Họa sĩ Trịnh Quang Vũ và xin trân trọng giới thiệu một số trang của cuốn sách, đồng thời cũng mong muốn Nxb Chính trị quốc gia cho tái bản và phát hành rộng rãi cuốn sách này, với số lượng khoảng 1 triệu bản.

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA CUỐN SÁCH











Mời đọc thêm cuộc phỏng vấn Họa sĩ Trịnh Quang Vũ
do Nguyễn Xuân Diện thực hiện tháng 9 năm 2010


NXD: Thưa ông, Ông đã xem đoạn phim Quảng Cáo phim: Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long chưa ạ?

TQV: Tôi đã xem. Do cô Yên Thảo, PV của báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh mở cho xem, khi cô ấy tới hỏi chuyện tôi.   
NXD: Ông có nhận xét ban đầu gì về đoạn phim đó? Những cảm nhận ban đầu của ông là gì thưa ông?  

TQV: Tôi thấy rõ ràng là một phim TQ. Chứ ko phải phim VN. 
 
NXD: Vì sao thế ạ? 
 
TQV: Tôi thấy bối cảnh không gian và nền phim đằng sau mang yếu tố và phong cách TQ, tôi nghĩ rằng ai xem đoạn phim đó cũng có cảm nhận như vậy. Tôi thấy long bào và giáp trụ cho người ta cảm nhận đang xem phim TQ. Tôi nói điều này vì trước đây tôi có vẽ 1 bộ giáp trụ triều Lý dựa trên tượng Kim Cương chùa Long Đọi cho 1 phim tài liệu - truyện "Đinh Tiên Hoàng đế "(đây, kịch bản đây; đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, kịch bản của TS. Nguyễn Hạnh Lê).



Phim đó tôi chỉ nhận là cố vấn về cổ trang, và chỉ những bộ trang phục người ta yêu cầu (trong đó có bộ giáp trụ của tướng thời Lý và trang phục Đinh Tiên hoàng thời còn là 1 trong 12 sứ quân).  

NXD: TS. Đoàn Thị Tình, người cố vấn trang phục cho phim Lý Công Uẩn cũng nói là giáp trụ trong phim là dựa theo tượng Kim Cương ở chùa Đọi?
 

T.Q.V: Vấn đề trang phục giáp trụ, xin để cho các nhà duyệt phim và khán giả tự nhận xét. Như thế, khán giả sẽ so sánh giữa: 1. Tượng Kim Cương chùa Đọi, 2. Giáp trụ trong phim. 3. Giáp trụ do tôi vẽ (xin cung cấp đây).  

NXD: Mời quý vị xem để so sánh.




Giáp trụ trong phim


Tượng Kim Cương đời Lý ở chùa Long Đọi. Ảnh: Internet



Thiết kế giáp trụ thời Lý, do HS Trịnh Quang Vũ dựa vào tư liệu tượng Kim Cương chùa Đọi thiết kế cho phim Đinh Tiên hoàng đế.

NXD: Thưa ông, thế còn trang phục nhà vua, ông thấy sao? Theo sự nghiên cứu của ông, thì vua nhà Lý có đội mũ bình thiên không?


TQV: Vua Lý có đội mũ bình thiên. Ngoài mũ bình thiên vua Lý còn đội mũ Quyển Vân và mũ Phù dung. Mũ bình thiên chỉ đội khi có đại lễ. Còn chủ yếu là đội khăn.
 

NXD: Trong phim thì Vua Lý cũng có đội mũ bình thiên khi thiết triều. Như vậy đúng là vua Lý rồi!

 
TQV: Ngay ở TQ, mũ bình thiên mỗi đời cũng khác nhau. Mời anh Diện xem tập tư liệu này. Đây là sách trang phục về 5000 năm của TQ.


Nguyễn Xuân Diện và HS Trịnh Quang Vũ cùng xem lại đoạn phim quảng cáo:


TQV nói tiếp: Ở VN, thì đời nào vua cũng đội mũ bình thiên, từ đời Lý (tư liệu An Nam chí lược của Lê Trắc) đến đời Nguyễn (ông Vũ cho xem ảnh Vua Khải Định đội mũ bình thiên), trừ đời Lê - Trịnh (tk 16 - 17 - 18, kể cả vua Lê lẫn chúa Trịnh).


Vua Khải Định đội mũ bình thiên (Ảnh do Ông Trịnh Quang Vũ cung cấp) 

NXD: Thế đời Lê Trịnh không đội mũ bình thiên thì các cụ vua chúa đội mũ gì ạ? 

TQV: Đời Lê Trịnh, vua và chúa đội mũ Xung thiên. Đây là ảnh mũ Xung Thiên (cho xem ảnh).



Trong sách Trang phục triều Lê Trịnh của Trịnh Quang Vũ.


Thời Lê, cả vua lẫn chúa đều đội mũ Xung thiên (có hai cái cánh chống thẳng lên trời). Vua chúa đều đội cùng loại mũ. Nhưng áo thì khác màu. Vua Lê mặc màu vàng đỏ. Chúa Trịnh mặc áo màu tía.

NXD: Thưa ông, đoạn phim chúng ta vừa xem, ở những giây phút đầu của đoạn phim quảng cáo, phải chăng là diễn viên đội mũ bình thiên
và rồi sau đó, có một hình ông vua Lý cũng đội mũ bình thiên nữa. Hai mũ này khác nhau, mũ ông trước chỉ có 4 tua ở 4 góc (phải chăng diễn viên đội ngược mũ). Mũ của ông sau thì có 9 tua. Ý kiến của ông thế nào?

TQV: Mũ bình thiên, về nguyên tắc phải có 12 tua, gọi là miễn lưu, là chuỗi xâu ngọc và san hô. Tua phải ở trước mặt và đằng sau, chứ không phải ở hai bên. Mười hai tua tượng trưng cho 12 tháng nông nghiệp (Cái này là theo Lịch triều hiến chương loại chí của cụ Phan Huy Chú - ông Vũ nói).

NXD: Còn cảnh đám ma trong phim, ông có ý kiến gì không?

TQV: Người Việt cổ tóc dài, xõa tóc. Trong đám tang thì phải xõa tóc.

NXD: Thưa ông, các nhà làm phim có mời ông tham gia làm phim này với tư cách là cố vấn trang phục không?

TQV: Họ có mời tôi. Và họ đưa đến đây kịch bản văn học và 1 tập tài liệu giới thiệu chung về phim (đạo cụ, hình ảnh, trang phục...). Người mang đến cho tôi là Ông Trịnh Văn Sơn, giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành và Ông Phạm Xuân Hải, Trưởng phòng Thiết kế của công ty đó.








Sau buổi đó, họ hẹn một buổi để làm việc chính thức tại nhà tôi, thì tôi có điện lại cho họ là tôi bận. Vì thế không có buổi tiếp xúc sau đó. Từ đó họ cũng không liên hệ gì nữa.   

NXD: Thưa, ông có trả lời PV của báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh rằng ông đã từ chối tham gia tư vấn phục trang cho bộ phim vì hai lý do: Thứ nhất, phim lịch sử của Việt Nam thì không thể quay ở Tàu được, mình phải có phim trường đã rồi hãy làm phim lịch sử. Thứ hai, kịch bản có quá nhiều chi tiết sai và thời gian để thực hiện bộ phim là quá ngắn.  


TQV: Đúng vậy. Sau khi xem tài liệu, thì tôi mới nghĩ rằng mình không nên tham gia phim này. Vì vậy, tôi hủy cuộc gặp lần thứ hai với lý do là bận.  


NXD: Xin hỏi ông câu hỏi cuối, như vậy để làm một phim về đề tài lịch sử, từ góc độ một họa sĩ, một nhà nghiên cứu về lịch sử trang phục, thì theo ông vấn đề cốt lõi đáng lưu ý nhất là gì ạ? 


TQV: Về mặt văn hóa, VN có ảnh hưởng văn hóa TQ. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Về tổ chức quan chế, tuy là các triều đại VN dựa theo mẫu hình TQ, nhưng vẫn có nhiều khác biệt. Văn hóa VN là văn hóa Đông Nam Á (xăm mình, xõa tóc, ăn trầu, răng đen...), đặc biệt là giao thoa với văn hóa Chăm-pa, thì trang phục, họa tiết, hoa văn làm nên sự khác biệt với Trung Quốc. Hãy xem các hiện vật đào được ở hoàng thành Thăng Long. Rất Đại Việt, rất khác TQ. Làm phim về đề tài lịch sử là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Nhưng nhiệm vụ của người đạo diễn và họa sĩ thiết kế mỹ thuật trong sáng tác tạo hình cho phim lịch sử (bao gồm kiến trúc, trang phục, màu sắc, họa tiết, phong cách...) là phải nghiên cứu kỹ càng, dựa trên các tư liệu cổ chắc chắn và có căn cứ, làm cho người xem cảm nhận được 1 cách rõ ràng những nét đặc trưng khác biệt của người Việt Nam chúng ta! Tóm lại, tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử Việt Nam (dù nhà nước hay tư nhân làm, dù làm ở VN hay ở bất cứ đâu) sẽ phải làm cho người xem cảm nhận được linh hồn, truyền thống và tinh thần Việt Nam.  


NXD: Xin cảm ơn Ông!




Trịnh Quang Vũ - Nguyễn Xuân Diện

Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc... & bài đăng trên BVN ngày 20/7/2011

20/07/2011


Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc


Lê Phú Khải

imageTháng 7-2007. Những cơn mưa tầm tã vào lúc chập tối kéo dài tới khuya khiến nhiều đêm tôi không sao chợp mắt được. Hàng trăm nông dân từ các tỉnh miền Tây kéo lên biểu tình tại TP HCM đêm nay làm gì dưới những cơn mưa tầm tả kéo dài đó? Đã cả tháng, đồng bào kéo nhau lên Văn phòng Quốc hội 2 tại đường Hoàng Văn Thụ TP HCM để đòi lại ruộng đất bị mất trắng, bị giải tỏa mà đền bù không thỏa đáng... Băng rôn, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu viết trên giấy dán lên áo, ảnh Chủ tịch Hồ Chí minh… đỏ rực cả dãy phố vòng từ đường Hoàng Văn Thụ sang đường Hồ Văn Huê. Đọc những khẩu hiệu trên băng rôn không khỏi thấy đau lòng: “Thủ Tướng ơi... cứu lấy dân!”, “Đả đảo chính quyền tỉnh X... dối Đảng lừa dân”, có khẩu hiệu còn trích cả lời ông Thứ trưởng Đặng Hùng Võ viết trên báo lề phải: “Tham nhũng ruộng đất là tham nhũng xương máu của dân”... Dưới những khẩu hiệu đó là những gương mặt đen xạm, hốc hác, quắt queo, những hốc mắt sâu hoắm, buồn tủi và căm giận trôi dạt, lan tỏa từ những hốc mắt đó... 


Trên đường phố, những chiếc xe hơi bóng loáng, những chiếc xe hai bánh đời mới chở những cặp đùi nõn nà lướt qua, phảng phất mùi nước hoa ngược gió bay lại, phả vào những gương mặt dúm dó đang trương ảnh Bác Hồ! Có ai đó nghĩ hộ những người nông dân mất đất kia rằng, ruộng đất bị cướp giật của họ đã biến thành những chiếc xe bốn bánh, hai bánh bóng loáng kia, từ công cuộc “đổi mới” do Đảng cầm quyền phát động và lãnh đạo (!).


Cũng có những bà con dân phố nghĩ đến đồng bào đi biểu tình rời quê lên đây cả tháng trời, màn trời chiếu đất, đói khát nên đến tiếp nước, tiếp thức ăn cho họ. Có người khôn ngoan hơn, đã gọi một thanh niên chở sau xe đạp sọt bánh mì đầy, trả tiền hết cả sọt bánh... rồi nhờ anh ta chở vào đám biểu tình phát cho bà con. Anh thanh niên này đã bị những người mặc thường phục bất thần xông ra đánh túi bụi, trào cả máu mồm máu mũi lên những chiếc bánh mì anh đang phân phát... 


Tôi có đủ kinh nghiệm của một người viết phóng sự điều tra về tranh chấp ruộng đất ở Đồng Bằng sông Cửu Long những năm cuối thập kỷ 80, nên hiểu rõ những ai sẽ có mặt ở những cuộc biểu tình! Những người quay phim chụp ảnh mặc thường phục nhan nhãn ở đường Hoàng văn Thụ lúc này. Nhưng hễ có một “con nai vàng ngơ ngác” nào đó giơ máy chụp hình lên thì lập tức bị cướp máy ngay, bị kéo về đồn công an ngay! Cả tháng rồi, hàng trăm người biểu tình với cờ quạt rợp trời, căng lều, căng bạt, trải ny lông nằm la liệt tại một ngã ba sầm uất ở trung tâm thành phố... Vậy mà, cả trăm tờ báo, của một thành phố được xem là cái nôi của báo chí Việt Nam, thậm chí tờ báo Tuổi trẻ ở ngay liền đó... vẫn im khe! Các đồng nghiệp của tôi vẫn ung dung ngồi trong phòng máy lạnh như không có gì xảy ra. Thậm chí, có báo còn đăng ảnh một cuộc biểu tình ở một nước Mỹ La-tinh xa xôi nào đó! Một số không nhỏ các đồng nghiệp của tôi đang bận rộn đến quay phim chụp ảnh, đưa tin về một công trình nào đó mới khởi công để nhận những bao thư “nặng túi”! Các “bậc thầy” báo chí, các nhà báo lão thành lúc này vẫn đang được các trường tuyên huấn, các lớp đại học báo chí mời đến giảng bài, các đài truyền hình mời lên tivi... và các vị đó đang lớn tiếng: Nhà báo phải bám sát cuộc sống, phải trung thực, nhân dân cần được thông tin và có quyền được thông tin đầy đủ như luật báo chí đã ban hành, vân vân và vân vân. Tôi không ngờ các nhà báo lão thành mà xưa nay tôi từng ngưỡng mộ lại có thể vô cảm đến thế, dối trá đến thế, hèn hạ đến thế!


Đừng có ai nghĩ rằng nhà báo bây giờ còn nghèo như một câu “ngạn ngữ” thời bao cấp: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo... cộng lại thành nhà nghèo!”. Không ít các đồng nghiệp của tôi như con cáo già đang ngồi co mình ở các tòa soạn, nhưng chỉ một tin tức lộ ra ở đâu đó, xí nghiệp này, công ty kia có chuyện tiêu cực, tham nhũng, được nội bộ tố giác... là họ lao tới gặp lãnh đạo đơn vị, chí ít thì xin cái quảng cáo vài chục triệu để hưởng phần trăm (thường là 2-30%), nếu nắm đầy đủ chứng cứ tư liệu rồi, thì họ ra giá, tống tiền lãnh đạo đơn vị. Những lần “đánh quả” như thế, họ có cả trăm triệu. Có vị Viện trưởng một viện khoa học lớn ở TP HCM than phiền với tôi: Mỗi lần có cuộc triệu tập ra Hà Nội họp hành gì đó thì một nhà báo của một cơ quan báo chí lớn bậc nhất của nước ta, đều đến xin Viện trưởng một cái vé máy bay để đi họp! Không cho thì sẽ bị moi móc, trả thù... Mà cho thì khó coi quá! 


Tôi còn biết ở Cần Thơ có một ông cũng thường trú như thế, mỗi lần đi họp ở Hà Nội còn đi nhiều cơ quan, xuống cả các huyện để mỗi huyện “xin một cái vé máy bay” như thế! Đến nổi người ta gọi ông “nhà báo cá rồ”. Nghe đâu giờ ông ta có cả đồn điền trên Tây Nguyên để... dưỡng già!


Có lần tôi đang đi chiếc xe cúp cà tàng trên đường phố, bỗng bị một chiếc xe phân khối lớn ép vào vỉa hè. Hoảng quá, tôi tưởng mình bị cướp! (Mà kẻ cướp nào lại thèm nhắm vào chiếc xe khốn khổ của tôi?). Lúc bình tĩnh được thì nhận ra một đồng nghiệp trẻ. Anh này là con trai một vị Giám đốc đài phát thanh và truyền hình lớn ở miền Trung. Anh ta tốt nghiệp ngành báo chí, nhưng vì người cha là một cán bộ cách mạng lão thành, liêm chính, không chấp nhận xin xỏ và hối lộ để con được làm việc ở một cơ quan báo chí ở TP HCM... Anh ta phải đi làm cộng tác viên cho các báo ở thành phố. Quý mến người bạn trẻ này, nhiều lần tôi đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu long có xe hơi đưa đi, tôi thường kêu anh đi cùng để có cơ hội hành nghề, kiếm sống ở cái thành phố ồn ào này. Nào ngờ hôm ấy anh là người ép xe tôi vào lề đường! Anh ta ôm lấy bờ vai gầy guộc của tôi cười nói: Bây giờ em khá rồi! Liếc nhìn chiếc xe phân khối lớn của anh, tôi tin là anh ta nói thật. Tôi hỏi: – Làm gì mà khá? Trả lời: – Chạy quảng cáo cho các báo! Nói rồi, anh ta dúi bao thuốc ba số (555) đã hút dở vào túi áo tôi, bằng một giọng rất tự tin, nói: – Một nhà báo như bác thì không thể đi chiếc xe thế này được. Tết này bác đi với em, đến các cơ quan, xí nghiệp, công ty... mà bác quen biết, không cần bác nói gì cả, chỉ cần bác đi cùng em đến đó thăm hỏi lãnh đạo, thế là đủ... Sau Tết em sẽ đổi xe cho bác... Tôi cảm ơn người bạn trẻ có lòng tốt với tôi, nhưng không dám nhận lời! Tôi buồn mất mấy ngày sau đó. Vừa thương một đồng nghiệp trẻ, ban đầu rất hăng hái, say sưa với nghề báo... nhưng không được cuộc đời tiếp nhận, phải bỏ nghề. Lại thấy thật khôi hài cho cái thằng tôi! Đi cái xe tàn tã nhất Sài Gòn hoa lệ, có khi khởi động đến toát mồ hôi mà xe không nổ máy. Chính cái xe này, có lần tôi đến họp báo ở “Nhà hàng nổi” trên sông Sài Gòn (Nay không còn nữa), lúc dắt xe vô, người bảo vệ đã quát: - Đến giờ này mà chưa chở đá đến cho người ta! May quá, ông Ca Lê Thuần, Giám đốc Sở Văn hóa lúc đó, người chủ trì họp báo đã chạy lại nói: Mời anh PK vào, mọi người đã đến đông đủ (Hôm đó xe tôi cũng không nổ được máy!). Giám đốc Thuần đã cứu tôi một bàn thua trông thấy trước anh bảo vệ to lớn! 


Nhưng câu chuyện trên không “đau” bằng một lần, chúng tôi, các nhà báo thường trú của TW và TP HCM đến dự lễ khánh thành một công trình được tài trợ nước ngoài của Hội người mù TP HCM. Sau lễ khánh thành, ông Chủ tịch Hội người mù thành phố là một người đàn ông rất đẹp trai, nói tiếng Anh với khách quốc tế rất lưu loát, đã cầm một tệp phong bì phát cho từng nhà báo, mỗi lần phát cho một phóng viên, ông ta có lời cảm ơn rất lịch thiệp. Nhìn một người mù tay run run phát “bao thư” cho các nhà báo sáng mắt, tôi thấy trái tim mình như đang rỉ máu! Đến phần tôi, tôi phải kéo ông Chủ tịch lại một góc và nói nhỏ vào tai ông: Tôi đến đây tay không là đã thấy băn khoăn lắm rồi, nhận quà của người mù nữa thì còn gì để nói... 


Tôi có “phản bội” các đồng nghiệp của tôi không?! Xin các nhà đạo đức học trên cõi đời này cho ý kiến!?


Chuyện đồng bào miền Tây lên thành phố biểu tình đòi đất năm 2007 mà tôi đã nói ở trên phải được nói thêm là, tôi đã trà trộn vào đám biểu tình, hỏi và nghe được nhiều điều bổ ích về các nguyên nhân đi khiếu kiện ruộng đất. Có bà mất ruộng vì Chủ tịch xã cướp ruộng của bà cho vợ bé của ông ta. Có nhiều nguyên nhân đi đòi đất mà tính chất, nội dung của việc đi đòi đất rất... Nam Bộ! Đó là trường hợp bà cụ có 15 công ruộng (mỗi công 1000 m2). Năm 1980 vô tập đoàn sản xuất, thực hiện lời kêu gọi của Đảng “nhường cơm xẻ áo”, cụ đã hiến 11 công đất, chỉ còn được giữ lại 4 công do nhà có bốn nhân khẩu. Những công đất đã hiến cho các hộ tiếp tục mần ruộng thì bà cụ không đòi. Duy chỉ có một hộ, nhận ruộng của bà, nhưng lại cho thuê “sổ đỏ” sở hữu ruộng, lấy tiền đi chơi đề, thì bà nhất định đi thưa kiện để đòi lại. Lý do của bà cụ chỉ đơn giản vậy thôi. Theo cụ thì ruộng đất của ông bà để lại cho con cháu là để mần ăn. Đem ruộng của ông bà “nhường” cho kẻ chỉ quanh năm rong chơi, cờ bạc là trái đạo lý ông bà. Tôi bàng hoàng khi nhận ra “cái đạo lý ông bà” của người nông dân Nam Bộ cao hơn hẳn cái nền chính trị hoang đường mà các đảng Cộng sản trên thế giới đã áp đặt cho dân tộc của họ, trong đó có Việt Nam. Không phải ai cũng yêu quý ruộng đất mà đem cào bằng ruộng đất để đi tìm sự công bằng! Nhà văn Dương Thu Hương đã gọi cái sự thắng thế của những người Cộng sản một thời là “sự hàm hồ của lịch sử”! Bà cụ mà tôi đã gặp trong đám biểu tình này, đang làm một việc là đi chống lại sự hàm hồ của lịch sử! Đương nhiên là cực kỳ gian khó. Tôi đã thu thập tất cả những lý do, những tình huống đi khiếu kiện đòi ruộng đất trong cuộc biểu tình dài ngày đó của nông dân các tỉnh miền Tây năm 2007 ở Văn phòng Quốc hội 2 tại TP HCM để viết một phóng sự điều tra. Kèm theo bài phóng sự là những hình ảnh mà tôi đã chụp được bằng phương pháp nghiệp vụ, chụp toàn cảnh, cận cảnh, nội dung các khẩu hiệu được trương lên (không có khẩu hiệu nào chống chế độ cả). Không một báo lề phải nào dám đăng những phóng sự điều tra như thế cả. Nếu có đăng thì họ sẽ cắt xén, gọt dũa những sự thật gai góc, chỉ để lại những gì có thể vừa lòng, lọt tai cấp trên mà thôi! Cuối cùng tôi phải ra tận Hà Nội, đến tận Văn phòng Chính phủ ở số 2 đường Bách Thảo, đưa tận tay bài viết đó đến Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tại văn phòng Phó Thủ tướng phụ trách chống tham nhũng của ông. Phó Thủ tướng đã tiếp tôi một buổi chiều và xem kỹ những bức ảnh về cuộc biểu tình mà tôi đã chụp. Nhưng đã là một bài báo thì nó phải được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, để tạo dư luận xã hội, cách làm đi bằng con đường “tiểu ngạch” của tôi như thế là “không giống ai”! 


Cuộc biểu tình của nông dân miền Tây năm 2007 đó, đã được dọn dẹp vào ban đêm bằng cách các địa phương đưa xe lên rước về. Nếu “giải thích” mà ai không nghe thì được ném lên xe đưa về! Sáng hôm sau tất cả các báo ở TP HCM đều đưa tin, nông dân miền Tây đã “ vui vẻ” ra về!!!


Sau này, tôi đã nhờ nhà thơ Hoàng Hưng đưa bài viết đó lên mạng Talawas với nhan đề “Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Cần có cuộc Hội thảo khoa học về khiếu kiện ruộng đất...”. Khi bài viết đã được tung lên mạng rồi, gặp một số quan chức ở Đồng bằng Cửu Long, nhiều người đọc được đã bảo tôi: Bài của đồng chí rất trung thực, có thiện chí, có nhiều phát hiện... vì sao không đưa các báo đăng!


Thế đó, các giáo trình báo chí ở các quốc gia dân chủ đều dạy rằng, nhà báo là người đứng trên cây cầu để canh chừng con tàu chính phủ. Nó báo cho con tàu đó thời tiết xấu hay tốt ở phía chân trời. Nhưng ở các quốc gia toàn trị thì báo chỉ để làm vừa lòng cấp trên, chỉ để làm cảnh và để “đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống” chứ không phải làm theo quy luật của nhận thức là đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng để rồi Nghị quyết Đảng sẽ tự nhiên đi vào cuộc sống! 


Lối tư duy ngược này là thảm kịch của những nhà nước độc tài và sớm muộn sẽ dẫn đến sụp đổ. Hiện tượng Vinashin là một ví dụ rất điển hình. Không phải các nhà báo không biết đầu tư lớn cho ngành đóng tàu Việt nam (thực chất là đóng vỏ tàu) là phi hiệu quả. Giữa những năm 90, tôi đã được Tiến sỹ P.N.H, chuyên gia hàng đầu của VN về đóng tàu biển, ông tốt nghiệp hạng ưu ở Liên Xô về... đưa cho 1 tập tài liệu phản biện về việc đầu tư cho nghành đóng tàu VN. Đưa cho tôi tài liệu, ông hy vọng là để một nhà báo lâu năm lên tiếng hộ cho quan điểm của các chuyên gia đóng tàu VN... Nhưng báo chí chỉ được phép minh họa đường lối của Đảng và nhà nước mà thôi! Cho ăn kẹo cũng không một Tổng biên tập nào dám đăng bài của các nhà báo lúc đó phản đối đầu tư cho Vinashin. Chỉ đến khi chuyện vỡ lỡ thì nhân dân là người chịu thiệt thòi nhất, vì gánh chịu nợ nần chồng chất, nhưng các nhóm lợi ích thì đã no nê! Và chẳng ai bị kỷ luật về món nợ khổng lồ ấy!


Bây giờ thì rừng vàng đã bị phá gần hết, rừng đầu nguồn đã cho nước ngoài thuê, tài nguyên dưới lòng đất đã cạn kiệt, đến than cũng phải đi nhập về, bauxite cũng phải khai quật lên để bán cho người Tàu, chỉ còn biển bạc, đảo vàng ngoài khơi thì đường lưỡi bò đang lăm le liếm hết. Biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc mà ông bà ta gìn giữ bằng máu xương từ bao đời, nay đồng bào Quãng Ngãi, đồng bào miền Trung ra khơi đánh bắt tôm cá thì bị giặc Tàu bắn giết, cướp bóc bất kỳ lúc nào. Nhân dân Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phẫn nộ biểu tình khí thế bừng bừng mà 700 tờ báo, gần trăm đài phát thanh truyền hình trên cả nước vẫn im khe, không dám đăng một tấm hình, một dòng tin nào về những cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân. Chỉ có Thông tấn xã VN đưa một cái tin về biểu tình ngày 5-6 vừa qua thì lại xuyên tạc trắng trợn sự thật: “một số người tự phát tụ tập đi ngang qua...”. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến lời nhà văn Nguyễn Khải trong tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” của ông rằng, người ta đã “nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không biết xấu hổ, nói dối không biết khiếp sợ...”! Các nhà báo nước ta từng có thời áo vá cơm khoai, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, vác cây bút đi phụng sự chính nghĩa dân tộc, đánh Tây đuổi Nhật năm xưa... Nay báo chí nước ta vì miếng cơm manh áo, vì muốn yên thân “sống mòn” lại dễ dàng làm nô bộc cho các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, quay lưng với vận mệnh của Tổ Quốc hay sao?


Nếu mai mốt bọn Tàu cộng với máu AQ truyền kiếp, lại thêm bệnh “mót” làm siêu cường thời đại, điên cuồng kéo dàn khoan khổng lồ của chúng ra khai thác dầu trên vùng biển đặc quyền của nước ta đã được luật pháp quốc tế thừa nhận... mà đội ngũ báo chí “hùng hậu” của ta vẫn im khe, chỉ “anh bán thuốc cao” Lại Văn Sâm khua môi múa mép trên tiết mục “Ai là triệu phú” của đài Truyền hình Quốc gia thì bài viết này của tôi xem như “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” đã tha hóa và thối rữa đến chân lông.

Gần 40 năm viết báo từ Bắc chí Nam, làm cả báo nói, báo hình, báo viết, báo mạng... đi từ minh họa đến phản biện, phải chăng số phận đã giao cho tôi viết lời ai điếu này cho nền báo chí VN hôm nay. Tôi mượn chữ “Ai điếu” của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu để tưởng nhớ ông trong bài viết này.


Không phải không có lý do mà nhân loại đã đặt tự do ngôn luận, tự do báo chí lên hàng đầu trong những quyền về con người.


Tự do thông tin ở thời đại thông tin toàn cầu sẽ cứu các quốc gia nhỏ bé không bị các “siêu cường mới” nuốt chửng; Sẽ cứu cả các đảng cầm quyền biết đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân cứu đất nước khỏi bị các đế quốc mới xâm lược nếu không muốn tự sát.


Vai trò của các nhà báo vô cùng quan trọng trong thời khắc lịch sử này. Hỡi những người anh em báo chí đồng huyết, đồng bào, đồng chủng, đồng quốc của tôi.

TP HCM 7–2011


L.P.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét