LTS: Để đáp ứng yêu cầu của đông
đảo bạn đọc, Tuần Việt Nam xin giới thiệu lại nội dung cuộc giao lưu
với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH và TS. Nguyễn
Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền và lý luận Báo Nhân Dân trước thềm Đại
hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII dự kiến diễn ra vào tháng 1/2016.
Kỳ 1:
Tham nhũng được khuyến khích bởi công thần "tự diễn biến"
Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ cần tiếp tục hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền XHCN. Muốn vậy, trọng tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật và
thực thi pháp luật là gì khi mà hiện nay nhiều ý kiến đánh giá còn quá nhiều vấn
đề tồn tại trong xây dựng và thực thi luật? (Nguyễn Văn Luyện, 46 tuổi, Hà
Nội).
Ông Nguyễn Minh Phong: Quả thật đang còn tồn tại nhiều vấn đề và bất
cập trong xây dựng và thực thi luật, gắn với bối cảnh chuyển đổi đặc thù của
Việt Nam, với quá trình hội nhập quốc tế và đặc biệt với bối cảnh thế giới có
nhiều phức tạp.
Cũng như bất kỳ một quốc gia nào khác, sự hoàn thiện và chất lượng của luật
có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong định hướng, điều chỉnh, thúc đẩy và quản lý
sự phát triển toàn diện của đất nước, cả về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội
và các quan hệ với bên ngoài...
Trọng tâm lớn nhất trong việc hoàn thiện và thực thi pháp luật là việc tiếp
tục hoàn thiện Hiến pháp, kể cả Hiến pháp năm 2013, đồng thời thể hiện và luật
hoá Hiến pháp thông qua hệ thống các luật định đầy đủ, đồng bộ, cụ thể và tiên
tiến; trong đó, các luật cần nhiều hơn và đầy đặn hơn, sớm đi nhanh vào cuộc
sống hơn; còn các nghị định và thông tư hướng dẫn không được chậm trễ, làm méo
mó, thậm chí thu hẹp lại các nội dung của luật định, kiểu "trên mở - dưới thắt",
đồng thời không được phép vô hiệu hoá luật và Hiến pháp. Số lượng và nội dung
của các Nghị định và Thông tư cần thu nhỏ lại, trong khi Luật và Hiến pháp phải
mở rộng và toàn diện hơn. Tất cả các quy định luật pháp phải mang tính pháp chế
cao, thống nhất và tuyệt đối không bị chi phối bởi bất kỳ ý chí cá nhân và "khẩu
dụ" nào.
Hơn nữa, cần có sự phân công và kiểm soát cả ba quyền: Lập pháp, Hành pháp,
Tư pháp. Trong đó, làm rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, khuôn
khổ luật định và các chế tài cần thiết cho từng tổ chức cá nhân có trách nhiệm
trong hệ thống quản lý Nhà nước.
Trong quá trình đó, cần thực hiện tốt việc lấy ý kiến phản biện, thẩm định,
đánh giá tính hai mặt của sự tác động từ các luật định, chính sách Nhà nước, đã
đang và sẽ ban hành. Nhận diện và sớm điều chỉnh những bất cập, kẽ hở, mặt trái
trong các quy định, nhằm giải thiểu các tác động tiêu cực của luật pháp và sự
lạm dụng các kẽ hở trong hệ thống luật pháp.
Một điểm nữa rất quan trọng là phải tuyên truyền rộng rãi, đảm bảo sự nhận
thức đúng đắn, cách hiểu rõ ràng, một chiều các quy định của luật pháp; giảm
thiểu tình trạng diễn đạt luật pháp tuỳ tiện theo nhiều cách nhằm trục lợi, cơ
hội, hoặc vì mục tiêu lợi ích nhóm, cá nhân.
Để thực thực thi luật pháp nghiêm túc và có hiệu quả, cần thực hiện việc phân
cấp và độc lập cần thiết đối với các hoạt động tư pháp; đảm bảo Viện kiểm sát và
Toà án chỉ hoạt động tuân theo pháp luật. Bất kỳ một cá nhân nào đều không được
phép đứng ngoài, đứng trên, ra lệnh cho pháp luật.
|
Ông Vũ Mão tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Vũ Mão: Từ sau ĐH 6 của Đảng ta có đề cập nhiều tới việc xây dựng
Nhà nước pháp quyền, đó là điều tốt và thể hiện trong ý thức của những người
lãnh đạo có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu nội hàm của Nhà nước pháp quyền.
Trong Dự thảo văn kiện có đề cập tới vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng
chưa sâu sắc, còn thiếu về nội hàm.
Thực trạng hiện nay là luật còn thiếu rất nhiều, mới đáp ứng khoảng 50% số
luật cần có. Nói cụ thể: ta có khoảng trên 300 luật, các nước trên thế giới có
1.500 - 2.000 luật, chứng tỏ ta còn phải tích cực xây dựng nhiều văn bản mới.
Nhưng điều quan trọng hơn, các luật của ta hiện nay đa số là luật khung, do đó
luật muốn vào cuộc sống phải chờ nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ.
Dự thảo văn kiện chưa làm rõ những thiếu sót này cũng như chưa đưa ra những
giải pháp thiết thực, đây là vấn đề cần bổ sung trong dự thảo.
Đảng sẽ làm gì để đưa đất nước thoát khỏi phận nước nghèo, chuyển sang một
giai đoạn phát triển mới? (Mỹ Hòa, Kiên Giang).
Ông Vũ Mão: 30 năm đổi mới là một chặng đường gian khổ nhưng cũng vinh
quang. Toi cho rằng giai đoạn đầu của đổi mới là mạnh mẽ và mang lại nhiều kết
quả. Nên lòng dân phấn chấn, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng. Bây giờ, tiến tới
ĐH 12 này, ta phải tạo ra một không khí đổi mới, ít nhất bằng ngày ấy và với
những nội dung ở tầm cao hơn nữa. Khẩu hiệu khi đó là Đổi mới hay là chết. Khẩu
hiệu này đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị, ý nghĩa.
Tôi cảm nhận không khí tiến tới ĐH 12 hiện còn trầm lắng quá. Vì vậy, ngay từ
những ngày này, phải tạo ra một không khí mới. Có như vậy mới đưa nước ta thoát
nghèo chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và phải làm rất nhiều việc từ cơ
chế, chính sách, pháp luật, tạo ra một không khí dân chủ nhiều hơn nữa để mỗi
người dân, mỗi một đảng viên coi sự nghiệp cách mạng này là của chính mình.
Một điều khách quan không thể tránh, đồng thời là một điều lành mạnh trong
một xã hội dân chủ tiến bộ, là những ý kiến khác, thậm chí đối lập với Đảng.
Theo các ông, với tư cách là lực lượng duy nhất cầm quyền, Đảng đảng Cộng Sản
Việt Nam nên ứng xử với các ý kiến này như thế nào? (Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội)
Ông Vũ Mão: Trong một xã hội dân chủ và tiến bộ, việc có nhiều ý kiến
khác nhau, thậm chí rất tâm huyết đóng góp vào việc xây dựng đất nước là rất cần
thiết. Đảng ta phải khuyến khích những việc làm như thế. Công bằng mà nói, trong
30 năm đổi mới, việc lắng nghe ý kiến của cán bộ, Đảng viên và nhân dân có tiến
bộ hơn trước nhưng chưa đủ mức cần thiết.
Con người ta dù ở cương vị nào thì một thói quen thường có là thích nghe
những ý kiến thuận chiều, thích được ca ngợi và đề cao. Nhưng người xưa nói rằng
"thuốc đắng giã tật" nghĩa là phải biết lắng nghe những ý kiến trái chiều, phải
bình tâm, phân tích để tìm ra những khía cạnh tốt trong đó mà tiếp thu.
"Căn bệnh nguy hiểm nhất của
những người lãnh đạo là kiêu ngạo cộng sản." |
Lenin và chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói: Căn bệnh nguy hiểm nhất của
những người lãnh đạo là kiêu ngạo cộng sản.
Trước đây, khi hoạt động cách mạng, những bậc tiền bối phải dựa vào, lắng
nghe dân nên đã làm nên đã làm nên sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Còn bây giờ, Đảng là người lãnh đạo đất nước, xã hội, thực chất sự lãnh đạo
này nằm trong tay những người có quyền lực cao nhất. Do đó, hiện tượng thiếu
dân chủ độc tài, độc đoán dễ có thể xảy ra. Chúng ta không có đảng đối lập, có
nghĩa ý kiến của lãnh đạo Đảng ta là duy nhất. Chính vì thế Đảng ta đã đề ra
phải có phản biện xã hội. Nhưng chủ trương đó hiện nay chưa biến thành hiện thực
vì chưa có cơ chế, luật pháp. Những người tâm huyết đóng góp ý kiến cũng không
phải là ông Thánh, điều quan trọng người lãnh đạo phải biết lắng nghe, phân tích.
Cái nào đúng thì tiếp thu, cái nào chưa đúng hay do chưa có thông tin đầy đủ thì
phải có thông tin trở lại.
Điều đáng lưu ý là một số đồng chí đã từng kinh qua lãnh đạo nay cũng nhìn
thấy có nhiều vấn đề trong Đảng và trong xã hội, nhiều người không nói nhưng
trong lòng họ không vui. Có những người nói đôi khi mạnh mẽ quá, thậm chí cực
đoan thì theo tôi trong những trường hợp ấy, chúng ta phải kiên trì đối thoại
trên tinh thần đồng chí để tìm ra chân lý và tìm ra hướng đi phù hợp.
Thưa ông Vũ Mão, tôi rất tâm đắc với việc thi tuyển cán bộ vào vị trí lãnh
đạo của bộ GTVT và tỉnh Quảng Ninh. Tại sao việc làm đó được xã hội hoan nghênh
và ủng hộ để nhiều người có đức có tài, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết được cạnh tranh
công bằng vào các vị trí quan trọng cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc lại không
được nhân rông ra các bộ ngành và địa phương? (Phạm Khoáng, 71 tuổi, Thái
Bình).
Ông Vũ Mão: Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo của bộ GTVT cũng như của
tỉnh Quảng Ninh là những tín hiệu rất tốt. Việc làm ấy thể hiện những người lãnh
đạo của Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh có tư duy đổi mới.
"Đảng là người lãnh đạo đất nước, xã hội, thực chất sự lãnh đạo này
nằm trong tay những người có quyền lực cao nhất. Do đó, hiện tượng thiếu
dân chủ độc tài, độc đoán dễ có thể xảy ra. Chúng ta không có đảng đối
lập, có nghĩa ý kiến của lãnh đạo Đảng ta là duy nhất. Chính vì thế Đảng
đã đề ra phải có phản biện xã hội."- Vũ Mão. |
Tôi nghĩ rằng từ những hiện tượng ấy, những kinh nghiệm ấy, đáng lẽ lãnh đạo
cấp cao của Đảng, Nhà nước phải cho nghiên cứu tổng kết và nhân rộng ra. Hình
như các đồng chí lãnh đạo còn bận nhiều công việc quá nên chưa quan tâm vấn đề
này, nhưng thực ra, đây là vấn đề rất quan trọng. Tôi cũng đồng tình với độc giả
Phạm Khoáng là phải kiên trì, phải đòi hỏi đất nước ta phải triển khai mạnh mẽ
vấn đề này.
Trách nhiệm của Ban tổ chức các cấp của đảng, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung
ương khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cấp mà những nhân sự này đảm
nhiệm các vị trí trong cơ quan chính quyền nhưng trình độ lãnh đạo, trình độ
quản trị bộ máy của nhân sự đó yếu kém, để xảy ra tham nhũng, để mất đoàn kết
nội bộ, cơ quan, tổ chức do người đó đứng đầu yếu kém? ví dụ như những bộ trưởng
bị đánh giá là yếu kém thì trách nhiệm Ban tổ chức Trung ương tới đâu?
Người đứng đầu Ban tổ chức có chăng nên phải chịu sự chất vấn của đại biểu?
2. Bác Hồ từng nói phải làm trong sạch đội ngũ đảng viên, có kết nạp thì cũng
phải có đào thải, vậy tại sao trong thời gian qua những cá nhân liên quan tới
tham nhũng, mất đoàn kết, mất uy tín của đảng lại không bị khai trừ (nhất là
đảng viên giữ vị trí cao), phải chăng cần phải thay dổi điều lệ đảng thì mới làm
được hay phải thay đổi thủ tục, quy trình nào để loại bỏ được những kẻ sâu mọt
vẫn mang thẻ đảng? Trung Quốc họ ngay lập tức khai trừ khi đảng viên bị điều tra
và khẳng định là vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng. (Lê Nam Thành, Khánh Hòa).
Ông Nguyễn Minh Phong: Ban tổ chức các cấp của đảng, đặc biệt là Ban
Tổ chức Trung ương có nhiệm vụ, trách nhiệm lớn trong việc lựa chọn và giới
thiệu nhân sự lãnh đạo các cấp. Những cán bộ - sản phẩm mà họ lựa chọn tiến cử,
giới thiệu nếu có chất lượng thấp thì rất nguy hại lâu dài và khó đánh giá hết
cho sự nghiệp chung và đơn vị mà cán bộ đó sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo.
Trên thực tế cho thấy, nhiều cơ quan còn nặng về tuân thủ "đúng quy trình",
mà chưa quan tâm đầy đủ tới chất lượng cán bộ trong khi thực hiện quy trình này.
Đặc biệt, đang còn thiếu những quy định liên đới trách nhiệm giữa những lãnh đạo
các cơ quan tổ chức nhân sự với chất lượng nhân sự mà họ giới thiệu. Trong nhà
máy, người công nhân làm ra sản phẩm sai thì bị phạt lỗi, thậm chí đuổi việc,
vậy mà trong công tác nhân sự chưa có ai chịu trách nhiệm về các cán bộ - phế
phẩm của quy trình công tác cán bộ.
Đặc biệt, công luận đang bức xúc và cảnh giác trước nguy cơ xuất hiện một bộ
phận cán bộ được làm lãnh đạo nhờ tích cực chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, sẵn
sàng bỏ tiền chi phí "đầu vào", để hy vọng "hoàn vốn và thu lời" sau khi đắc cử,
có chức có quyền. Hơn nữa, những người này sẽ chỉ bổ nhiệm những người lãnh đạo
cấp dưới, trình độ thấp hơn mình, kéo theo hệ luỵ về xu hướng "lùn dần" về trình
độ, năng lực và đạo đức trong một bộ phận lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, đẩy
mạnh chống tham nhũng ngay trong công tác cán bộ phải là cội nguồn và trọng tâm
trong chống tham nhũng, là giải pháp quan trọng hàng đầu của mọi giải pháp để
tìm kiếm những người tài - đức đích thực, ngăn chặn những kẻ cơ hội, "con buôn"
tiếp cận với quyền lực của Đảng và Nhà nước.
(Còn nữa)
Tuần Việt Nam
Nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/279501/khong-chon-nguoi-kieu-ngao-cong-san-lam-lanh-dao.html