Trong
vài thập kỷ qua, những người có cuộc sống khá giả trong xã hội phương
Tây đã bắt đầu nhận ra sự nguy hại của việc tiêu thụ thực phẩm bừa bãi:
chúng gây ra các bệnh béo phì, tiểu đường… Riêng ở Mỹ, hơn 1/3 dân số
mắc bệnh béo phì. Nó đã trở thành vấn nạn nhức nhối với những người dân
không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phát triển nói chung. Họ đã bắt đầu
khắt khe hơn với vấn đề thực phẩm và cố gắng thay đổi chế độ ăn uống của
mình : quan tâm xem hàng ngày mình ăn gì, loại thức ăn đó chứa nhiều
đường không, chứa bao nhiêu kcal… Ở 1 khía cạnh khác, chúng ta cũng đang
sống ở trong thời kỳ quá dư thừa về thông tin, nhưng hầu hết chúng ta
chưa hiểu về hệ quả của việc dư thừa đó với tâm trí của mình. Thực sự
thì ảnh hưởng của tin tức đối với tư duy cũng tương đồng với ảnh hưởng
của chất đường đối với cơ thể. Chúng đều dễ “tiêu hóa”. Truyền thông cho
chúng ta ăn từng mẩu “tin tức bọc đường” nho nhỏ, chẳng gây ra ảnh
hưởng nguy hại gì nhãn tiền để ta có thể ngay lập tức nhận ra, và ta dễ
dàng phớt lờ và tiếp tục nuốt chúng. Tiêu hóa từng mẩu nhỏ một, ta sẽ
chẳng có cảm giác chán ăn hay bội thực. Điều đó khác xa với việc đọc
những cuốn sách hoặc các bài viết dài trên tạp chí, nơi hàm lượng thông
tin đậm đặc. Chúng ta có thể tiêu thụ một số lượng vô hạn của các mẩu
tin vắn, và đó giống như là những viên kẹo dành cho trí não. Hôm nay,
chúng ta đã đạt đến kết quả tương đồng với cái chúng ta đã đến cách đây
20 năm trong lĩnh vực thực phẩm. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng tiêu thụ
thông tin không đúng cách có thể độc hại thế nào.
Tin tức gây lệch lạc
Lấy ví dụ sự kiện sau đây (mượn từ Nassim
Taleb). Một chiếc xe lái qua một cây cầu, và cây cầu sập. Giới truyền
thông tập trung vào điều gì? Xe. Người trong xe. Nơi ông ta đến. Nơi ông
dự định đi . Trải nghiệm ông đã phải trải qua trong vụ tai nạn (nếu còn
sống). Nhưng tất cả chúng chẳng đáng để chúng ta phải bận tâm nhiều.
Thế thì cái gì đáng để bận tâm? Đó là tại sao câu cầy sập, đó mới chính
là mối nguy hiểm tiềm tàng, có thể đang ẩn nấp trong các cây cầu khác
nữa. Chiếc xe ấy hào nhoáng, nó gây ấn tượng cảm xúc mạnh, và nhân vật
chính là một con người chứ không phải một vật vô tri khác. Thế nhưng
điều quan trọng nhất đó chính là việc khai thác khía cạnh đó để đưa tin
nhàn và tốn ít chi phí hơn nhiều so với việc đi phân tích các cây cầu.
Tin tức làm chúng ta bị lệch lạc hoàn toàn trong việc đánh giá cái gì là
nguy hại và cái gì thì không. Chủ nghĩa khủng bố bị phóng đại thái quá.
Stress do làm việc quá sức thì bị xem nhẹ. Ảnh hưởng của sự sụp đổ của
các ngân hàng lớn thì bị thổi phồng. Trách nhiệm của những nhà dự báo
kinh tế thì bị chẳng được nhắc đến. Người ta xem trọng phi hành gia quá
mức. Còn y tá thì bị đánh giá thấp. Danh sách cứ tiếp diễn mãi như vậy.
Bạn có nghĩ ra trong những tin tức mà giới truyền thông VN khai thác và
mổ xẻ thời gian gần đây, cái gì bị thổi phồng quá mức mà những thông tin
quan trọng khác bị phớt lờ không? Cứu nạn máy bay Malaysia gặp nạn? Vụ
Huyền Chíp? Hôi của? Chúng ta thường thiếu lý trí, sự bình tâm và dễ
dàng bị truyền thông dắt mũi. Chứng kiến trực tiếp một vụ tai nạn máy
bay trên truyền hình sẽ thay đổi thái độ của bạn đối với chính rủi ro
đó, bất kể một thực tế đã được chứng mình rằng xác suất thực sự của việc
rơi máy bay là cực nhỏ, và nó là phương tiện giao thông an toàn hơn ô
tô, tàu hỏa rất nhiều. Nếu bạn đang nghĩ rằng ý tưởng tin tức có thể ảnh
hưởng đến tư duy và thái độ của mình thật buồn cười, rằng mình hoàn
toàn có thể đọc nó mà không bị nó tác động hay làm cho mình bị lệch lạc
đi thì bạn đã lầm to. Những ông chủ ngân hàng và các nhà kinh tế học,
những người mà đáng lý quyết định của mình phải dựa trên lý trí và các
bằng chứng thực tế thay vì xu hướng của đám đông hay sự nhảy nhót nhất
thời của giá cả đã cho thấy rằng con người hành động dựa trên cảm tính
nhiều thế nào và ít dùng lý trí ra sao. Aritxtốt từng nói rằng để một
tâm trí có thể ngắm nghía, thưởng ngoạn một ý kiến, một quan điểm mà
không phải chấp nhận, không phải tin vào nó đòi hỏi một sự giáo dục rất
lớn. Vậy nếu bạn không có khả năng nhìn được tổng thể, đa chiều ở một sự
kiện mình chưa hiểu thực sự rõ và không muốn để truyền thông dắt mũi,
bạn phải làm gì? Giải pháp đơn giản nhất đó chính là cắt bỏ hoàn toàn
khỏi việc tiêu thụ tin tức.
Tin tức ít có giá trị
Trong số 10 nghìn tin tức bạn đã đọc
trong vòng 12 tháng trở lại đây, hãy thử kể tên điều gì đã thực sự giúp
bạn tư duy tốt hơn, ra quyết định khiến cho cuộc sống của bạn tốt hơn,
sự nghiệp của bạn tốt hơn? “Có đọc có hơn” là một sự lừa mị to lớn. Nếu
bạn là một người thực tế, hãy để kết quả ngoài cuộc sống là câu trả lời
chính xác nhất, chứ đừng là một tư duy đầy cảm tính và phổ biến sau đây :
“Đọc báo không có lợi ở mặt này thì có lợi ở mặt khác, chưa phải bây
giờ thì là sau này”. Như đã nói, con người không lý trí như mình nghĩ,
và thực sự ít người có thể giỏi trong kiểu tư duy được-mất đó. Phần lớn
bạn sẽ rơi vào nhóm những người bị mất hơn là được. Mọi người càng gặp
nhiều khó khăn hơn trong việc tìm ra cái gì thực sự phù hợp cho bản thân
mình, hay lớn hơn là kiểu tư duy của mình có còn phù hợp với xã hội
ngày nay, với thời đại hiện giờ nữa hay không? Các tập đoàn truyền thông
đưa cho bạn một giải pháp giản đơn cho câu hỏi đó : càng cập nhật những
thông tin mới nhất, hiểu biết mới nhất về thế giới sẽ tạo cho bạn một
lợi thế cạnh tranh to lớn so với người khác. Thế nhưng thực sự thì điều
gì phù hợp với con người bạn mới giúp bạn đi đúng hướng, những điều mới
nhất nhưng khiến cho bạn đi lệch khỏi bản chất của bạn chỉ tổ khiến cho
bạn tốn thời gian vô ích. Tin tức không phù hợp chỉ tăng thêm tính bất
lợi cho bạn mà thôi. Càng ít tiêu thụ chúng càng tốt cho bạn hơn.
Tin tức không cho bạn biết được điều gì đang thực sự diễn ra
Các mẩu tin là những cái bong bóng nhỏ nổ
trên bề mặt chứ không cho bạn biết được điều gì đang tạo ra những bong
bóng kia ở sâu bên dưới những gì bạn có thể nhìn thấy. Thu thập những
mẩu dữ kiện đó có thể giúp bạn hiểu cách thế giới vận hành? Đáng buồn là
không phải vậy. Những điều đang vận hành thế giới hay thay đổi thế giới
này là những trào lưu, là những vận động ở dạng ngầm ẩn mà các nhà báo
khó mà có thể phát hiện ra được. Hãy nghĩ về những phát minh đã làm thay
đổi thế giới. Trước khi chúng trở thành sự thật, trở thành một thế lực
khiến giới truyền thông quan tâm đến là cả một thời kỳ dài tích lũy,
nghiên cứu và phát triển trong âm thầm. Bill Gates bắt đầu được báo chí
để mắt khi ông ở tầm tuổi 30, nhưng thực sự ông đã bắt đầu lập trình từ
khi ông 13 tuổi. Nói cách khác một tài năng được thành hình trong lặng
lẽ trong hai chục năm. Sẽ phải đòi hỏi một năng lực siêu phàm thì các
nhà báo mới có thể phát hiện ra được những tài năng, những trào lưu đột
phá đang âm thầm phát triển xung quanh họ. Thêm nữa, đó cũng chẳng phải
việc nhà báo được trả lương phải làm. Báo chí và tin tức sẽ chỉ cho bạn
biết thêm thông tin về những ai đã nổi tiếng, đã thành công mà thôi. Bạn
càng tiêu hóa nhiều mẩu tin tức vụn vặt kiểu đó, bạn càng có ít hiểu
biết về bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Nếu như nhiều thông tin hơn sẽ
dẫn đến thành công cao hơn trong cuộc sống thì chắc hẳn những nhà báo,
những học giả hay những người giao dịch chứng khoán hay những người đọc
tin tức nhiều nói chung sẽ là những người giàu có và quyền lực nhất
trong xã hội. Thực tế thì khác xa như vậy.
Tin tức độc hại đối với cơ thể của bạn.
Nó liên tục kích hoạt hệ viền (limbic
system) thuộc não bộ . Những câu chuyện đáng sợ thúc đẩy việc phát tán
của các dòng của glucocorticoid (cortisol) . Điều này làm nhiễu loạn hệ
thống miễn dịch của bạn và ức chế sự phát tán của các hormone tăng
trưởng . Nói cách khác, cơ thể sẽ gặp phải tình trạng căng thẳng mãn
tính (chronic stress). Các mức độ glucocorticoid cao khiến cho tiêu hóa
trục trặc, xương và tóc gặp trục trặc trong khả năng phát triển và tình
trạng mẫn cảm với bệnh truyền nhiễm. Các tác dụng phụ có thể bao gồm sợ
hãi, hung hăng, và thiếu nhạy cảm.
Tin tức làm tăng nhận thức lỗi.
Tin tức nuôi dưỡng mầm mống của một loại
lỗi nhận thức phổ biến : sự củng cố thành kiến (confirmation bias). Nói
như Warren Buffett: “Những gì con người làm tốt nhất là giải thích tất
cả các thông tin mới làm sao cho các kết luận trước đó của họ vẫn chính
xác.” Tin tức chỉ liên tục khiến bạn tin thêm vào những gì bạn đã biết
trước đó. Điều đó khiến cho bạn trở nên tự tin thái quá, chấp nhận những
rủi ro ngu ngốc và đánh giá sai lệch các cơ hội. Hiện nay trên báo chí
đầy rẫy những suy luận, gán ghép hết sức chủ quan và sai lệch. Nó đôi
khi còn được ngụy trang bằng những gợi ý nho nhỏ, bạn nên suy nghĩ thế
này, nên suy luận thế kia. Các bạn có quen thuộc với những câu chữ suy
luận dạng “Công ty phá sản vì X…” “Thế giới được thay đổi bởi Y…” trong
khi hoàn toàn thiếu những chứng cứ thuyết phục. Tôi đã thực sự chán ngấy
khi đọc những bài báo đưa tin về 1 sự kiện diễn ra ngắn ngủn đi kèm với
1 nhận định đầy chủ quan và nguy hiểm ở cuối bài rồi. Các bạn chắc hẳn
cũng chẳng xa lạ gì với điều kể trên, vậy tại sao vẫn tiếp tay cho chúng
bằng việc tiếp tục đọc những tin tức kiểu đó, những tờ báo kiểu đó?
Tin tức ức chế suy nghĩ
Suy nghĩ đòi hỏi sự tập trung. Muốn tập
trung được bạn cần thời gian không bị gián đoạn. Tin tức được thiết kế
đặc biệt để gây sao nhãng, cản trở việc tư duy của bạn. Tin tức làm cho
tư tưởng của chúng ta trở nên nông cạn. Nhưng tin tức còn tồi tệ hơn cho
khả năng ghi nhớ của bạn. Có hai loại bộ nhớ : ngắn hạn và dài hạn. Khả
năng của bộ nhớ dài hạn (long-range memory) là gần như vô hạn, nhưng bộ
nhớ ngắn hạn (working memory) có giới hạn rất nhỏ. Đường đi từ trí nhớ
ngắn hạn đến trí nhớ dài hạn là một nút thắt cổ chai của quá trình tư
duy, nhưng bất cứ điều gì bạn muốn hiểu và ghi nhớ đều phải đi qua. Bởi
vì tin tức nhồi vào trí nhớ ngắn hạn quá nhiều thông tin, khiến nó trở
nên quá tải, ta sẽ chẳng nhớ và hiểu nổi thông tin nào một cách đầy đủ
và tường tận. Tin tức trực tuyến thậm chí còn tệ hơn. Trong một nghiên
cứu năm 2001, hai học giả Canada cho thấy khả năng hiểu giảm khi số
lượng các siêu liên kết (hyperlink) trong một tài liệu tăng lên. Tại sao
vậy? Bởi vì bất cứ khi nào một liên kết xuất hiện, bộ não của bạn phải
chia sẻ một ít trí năng của mình để phán đoán xem có click hay không.
Nói cách khác báo chí và tin tức là một hệ thống được tạo nên với mục
đích làm phân mảnh và rời rạc sự tập trung cũng như tư duy của bạn : Đọc
mỗi thứ một tí, chỗ này một ít, chỗ kia một tẹo.
Tin tức thay đổi cấu trúc bộ não
Khi đã theo dõi một chủ đề nào đó, ta sẽ
có xu hướng tìm đọc và cập nhật những diễn biến mới của câu chuyện đó.
Hình ảnh một người đăng một post lên Facebook và refresh liên tục để xem
có ai like hay bình luận gì không có quen thuộc với bạn không? Cảm giác
chờ đợi thứ đó gì đó mới kiểu vậy không khác mấy cảm giác khi chúng ta
nghiện thứ gì đó : thuốc lá, rượu, cờ bạc, ma túy… Trước kia các nhà
khoa học nghĩ rằng cấu trúc vật lý của bộ não từ lúc trưởng thành cho
tới lúc chết là không thay đổi , tuy nhiên điều này đã được khẳng định
là không đúng. Bộ não người, kể cả những người trưởng thành đều rất mềm
dẻo và dễ thay đổi. Nơron liên tục cắt đứt các kết nối cũ để hình thành
nên các kết nối với nơron mới và cấu trúc vật lý của bộ não cũng như
thói quen tư duy của chúng ta sẽ thay đổi theo. Càng nghiện thứ gì, thứ
đó lại càng trở thành thói quen ưa thích, cách tư duy ưa thích của chúng
ta. Ngày nay một vấn nạn dễ thấy đó là khả năng mất tập trung và khó
tiêu hóa nổi những bài viết dài. Chỉ sau 5-10 phút đọc là chúng ta không
thể tập trung để đọc tiếp được nữa, trong số đó có cả những người trước
kia đã từng là độc giả trung thành của những quyển sách dày. Cấu trúc
bộ não của họ đơn giản là đã bị thay đổi vì thói quen đọc báo.
Tin tức làm tốn thời gian vô ích
Nếu bạn đọc báo 15 phút mỗi buổi sáng,
bạn sẽ lại tiếp tục tìm kiếm những tờ báo trong 15 phút buổi trưa, và
chốc chốc mỗi 5 phút bạn lại thấy mình lên các tờ báo để tìm kiếm những
thông tin mới. Cuối cùng bạn mất cả đống thời gian để tìm xem có gì mới
hơn trên các tờ báo nữa hay không. Thời đại ngày nay, thông tin không
còn là một thứ thiếu thốn nữa, nhưng sự tập trung thì có. Thông tin là
vô hạn, nhưng thời gian của bạn thì luôn luôn là hữu hạn. Bạn sẽ chẳng
bao giờ tiêu tốn một cách vô trách nhiệm với những thứ quan trọng khác
như tiền bạc, sức khỏe hay danh tiếng của mình. Vậy tại sao lại hành xử
thiếu trách nhiệm như vậy với thời gian và tâm trí đến vậy?
Tin tức giết chết sự sáng tạo.
Cuối cùng, những điều chúng ta đã biết
hạn chế sự sáng tạo của chúng ta. Đây là một lý do khiến các nhà toán
học, nhà văn, nhà soạn nhạc và doanh nhân thường tạo ra các tác phẩm
sáng tạo nhất của họ khi còn trẻ. Bộ não của họ được hưởng một không
gian rộng rãi và không bị chiếm chật ních bởi những thứ vô bổ, điều
chẳng giúp ích gì trong việc kích thích họ sản xuất những ý tưởng mới
lạ. Tôi không biết một tâm trí thật sự sáng tạo nào như nhà văn, nhà
soạn nhạc, nhà toán học, bác sĩ, nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà thiết kế,
kiến trúc sư hoặc họa sĩ mà lại là một người nghiện tin tức. Mặt khác,
tôi biết một loạt các tâm trí độc ác không sáng tạo, những người tiêu
thụ tin tức như thuốc phiện. Nếu bạn muốn đưa ra các giải pháp cũ, hãy
đọc tin tức. Nếu bạn đang tìm kiếm những giải pháp mới, đừng đọc. Xã hội
cần báo chí – nhưng theo một cách khác. Báo chí điều tra luôn luôn là
cần thiết, để phơi bày những sự thật được che dấu mà chúng ta chưa được
biết. Nó cũng đưa cho chúng ta biết về các chính sách mà các tổ chức,
định chế quan trọng của xã hội đang thực thi. Nhưng các mẩu tin ngắn sẽ
chẳng có giá trị gì. Các bài phân tích dài và các cuốn sách chi tiết là
đủ cho chúng ta và một xã hội dân chủ có thể vận hành tốt. Tôi đã trải
qua bốn năm mà không có tin tức, vì vậy tôi có thể nhìn thấy, cảm nhận
và tường thuật những tác động của nó một cách trực tiếp và chân thực.
Tâm trí cũng như cuộc sống của tôi ít gián đoạn hơn, ít lo lắng hơn, suy
nghĩ sâu sắc hơn, nhiều thời gian hơn, nhiều hiểu biết thực tế hơn. Từ
bỏ việc đọc tin tức không phải dễ dàng, nhưng nó đáng giá.
Elnino dịch
Nguồn: The Guardian
Nguồn dịch: http://bookhunterclub.com/tin-tuc-co-hai-cho-ban-tu-bo-thoi-quen-doc-chung-khien-ban-hanh-phuc-hon/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét