“Ăn nhậu vô tội vạ vẫn quyết toán được hết”
"Bất
kể thu ngân sách có vượt vài chục phần trăm so với dự toán, thâm hụt
ngân sách vẫn cứ đều đặn khoảng 5% mỗi năm. Nghĩa là chi ngân sách
cũng phải vượt dự toán vài chục phần trăm. Có vô số ví dụ cho thấy kỷ
luật chi ngân sách ở ta lỏng lẻo đến mức nào" - Ts Vũ Đình Ánh.
VietNamNet giới thiệu phần tiếp bàn tròn "Ngân sách Nhà nước trước áp
lực nợ công" với chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại
VN và Ts Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường -
Giá cả, Bộ Tài chính.
Lập dự toán thấp để được thưởng vì vượt thu cao
Nhà báo Việt Lâm:Đúng
là nhà nghèo thì phải đi vay mượn. Nhưng nếu nhà nghèo mà vung tay quá
trán thì rất đáng lo. Nhiều ĐBQH đã lên tiếng lo ngại về tình trạng
kỷ cương ngân sách lỏng lẻo. Tôi xin trích lời phát biểu của ĐB Trần
Du Lịch: “Tôi không thấy ở đâu sử dụng ngân sách tùy tiện như ở
nước mình, có lần tôi đi thăm một nước vào cuối tháng 12 họ không
mời được cơm vì ngân sách chưa có, còn nước ta thì ăn nhậu vô tội
vạ, thậm chí quyết toán được hết”. Tại sao lại có tình trạng này,
thưa ông?
Ts Vũ Đình Ánh: Là
người làm trong lĩnh vực tài chính gần hai chục năm và quan sát cả cấp
TƯ lẫn địa phương, tôi rất chia sẻ với lo ngại của ĐB Trần Du Lịch về kỷ
luật ngân sách. Không những kỷ luật chi mà cả kỷ luật thu ngân sách của
chúng ta đều có vấn đề.
Chúng ta thường xuyên kêu ca về nạn thất thu ngân sách, trốn lậu thuế.
Nhưng vấn đề ở chỗ người ta thường xây dựng một dự toán thu ngân sách ở
địa phương rất thấp để họ có thể vượt dự toán thu đó. Nhờ khoản
vượt thu này mà họ được thưởng. Nói cách khác, họ cố tình kéo dự toán
thu thấp hơn khả năng đạt được. Thêm vào đó, những địa phương này còn
có dư địa rất lớn để đạt được dự toán cho năm sau. Dư địa này là
khoản thất thu ngân sách và trốn lậu thuế mà các địa phương này
chỉ cần tăng cường kỷ luật thì sẽ thu được rất cao.
Tình trạng bất cập này tạo ra một hiện tượng thú vị. Đó là, thu
ngân sách nhà nước chưa bao giờ là không vượt dự toán, thậm chí có những
năm vượt dự toán trên 30%. Thậm chí nếu bắt những nơi này vượt dự
toán cả 50%, họ vẫn làm được và vẫn còn dư địa để năm sau tiếp
tục vượt thu ngân sách. Rõ ràng kỷ luật thu ngân sách của chúng ta
có vấn đề. Không chỉ về trình độ năng lực mà vấn đề là chúng ta
tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghiêm túc và không
nghiêm túc nộp ngân sách nhà nước.
Điều đáng kinh ngạc là nếu giả định vượt thu ngân sách so với dự toán là
thành tích, nỗ lực của các đơn vị thực thi, hay còn gọi là đơn vị hành
thu theo thuật ngữ chuyên môn, thì tại sao chi ngân sách cũng vượt dự
toán rất nhiều? Bất kể thu ngân sách có vượt vài chục phần trăm so với
dự toán nhưng rốt cuộc thâm hụt ngân sách vẫn cứ đều đặn 4,8-5% GDP
mỗi năm. Nghĩa là chi ngân sách cũng phải vượt dự toán vài chục phần
trăm thì mới cho ra chênh lệch thu chi như vậy.
Ngay từ tổng chi ngân sách chúng ta đã không tuân thủ đúng kỷ cương như vậy. Nếu rà soát đến từng khoản chi cụ thể của từng đơn vị cụ thể, tôi tin chúng ta sẽ phát hiện vô số những ví dụ để thấy kỷ luật chi ngân sách lỏng lẻo đến mức độ nào.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta không thiếu hệ thống để kiểm tra, kiểm soát
chi tiêu công như hệ thống kho bạc nhà nước, hệ thống Kiểm toán trực
thuộc Uỷ ban Thường vụ QH. Vậy tại sao tình trạng thất thoát, lãng phí
các khoản chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên vẫn diễn ra như
các đại biểu QH phải lên tiếng
Vấn đề nằm ở đâu? Tôi cho rằng nó bắt nguồn từ bất cập trong chính việc
xây dựng các định mức về kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các khoản chi
đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên.
Đơn cử một ví dụ: rất nhiều người nói với tôi, khi đi địa phương thì
thông thường địa phương sẽ có một khoản chi lấy từ ngân sách. Nhưng vì
định mức của tôi chỉ được từng này tiền nên tôi không thể ở
khách sạn mà địa phương bố trí. Cho nên nếu tôi đi công tác một
ngày thì họ sẽ phải làm giấy tờ cho tôi đi hai ngày để lấy tiền công tác
phí một ngày dôi ra kia mới đủ trả cho một đêm khách sạn mà địa phương
đã bố trí. Tương tự, định mức công tác phí chỉ đủ tiền cơm, nên nếu tôi
muốn uống bia thì chỉ có cách khai thêm tôi ăn cơm hai lần để lấy một
lần không ăn kia thanh toán cho tiền bia. Còn rất nhiều ví dụ minh hoạ
nữa mà những người thụ hưởng ngân sách có thể nêu ra sinh động hơn
nhiều.
Tóm lại, những chuyện này cuối cùng dẫn đến cái gọi là vô kỷ luật trong
chi ngân sách mà chúng ta ai cũng biết, ai cũng làm nhưng không sao cả.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, Ts Habib Rab và Ts Vũ Đình Ánh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Siết kỷ luật ngân sách bằng cách nào?
Việt Lâm: Trong
bài viết trên VietNamNet của ông Habib Rab, ông có khuyến nghị rằng
dự luật ngân sách nhà nước sửa đổi lần này phải xem xét đến các biện
pháp xiết chặt kỷ luật ngân sách. Theo ông thì có những giải
pháp khả thi nào để siết lại kỷ cương ngân sách của VN?
Ts Habib Rab: Có
nhiều khía cạnh khác nhau trong kỷ luật tài khóa, trong đó có
chất lượng chi tiêu. Nhóm WB cũng đã thực hiện một số nghiên cứu
cho thấy VN đã có kỷ luật chi ngân sách tốt hơn trong một số lĩnh vực,
đảm bảo chi ngân sách sát với dự toán được phê duyệt. Nói cách khác,
chất lượng chi đã cải thiện hơn.
Đối với dự luật ngân sách sửa đổi lần này, chúng tôi khuyến nghị về việc
sử dụng nguồn vượt thu như thế nào. Một là, số vượt thu phải được dùng
để giảm bớt thâm hụt ngân sách.
Hai là, số vượt thu phải đưa vào dự toán ngân sách chung để
quốc hội phê duyệt cho năm sau. Còn trong trường hợp nửa đầu năm chúng
ta thu ngân sách vượt dự toán mà nảy sinh thêm một số nhu cầu hoặc ưu
tiên chi ngân sách thì chính phủ và Quốc hội phải cân nhắc có
một quy trình dự toán ngân sách bổ sung vào giữa năm. Theo đó,
chính phủ và quốc hội sẽ cân nhắc có phê duyệt những khoản chi
bổ sung này hay không.
Ba là, nếu dự toán ngân sách có những thay đổi lớn trong năm thì
cần phải đưa ra các cơ quan lập pháp để phê duyệt. Nếu không,
chúng ta sẽ làm xói mòn trách nhiệm giải trình trước các cơ
quan lập pháp, tức là quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, điều căn bản là làm sao đảm bảo minh bạch trong ngân
sách nhà nước, như ông Ánh đã phân tích. Nói cách khác, các khoản chi
ngân sách cần được báo cáo rõ ràng và truyền đạt thông tin cho công
chúng theo cách mà họ có thể hiểu được để họ có thể chất vấn.
Nói gì thì nói, chính phủ VN đã đạt được nhiều bước tiến về mặt công
khai thông tin so với cách đây 10-15 năm. Giờ đây, khi VN bước vào một
giai đoạn phát triển mới thì mức độ công khai thông tin cho công chúng
cần phải cao hơn nữa.
Ts Vũ Đình Ánh: Những
đề xuất của ông Habib Rab vừa hợp với thông lệ quốc tế, vừa giúp VN
tăng cường kỷ luật ngân sách. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng trên
thực tế VN có làm theo những thông lệ này, nhưng tiếc là chỉ làm một
nửa.
Ví dụ, họ cũng quy định số vượt thu phải tính vào dự toán năm sau. Cụ
thể trong dòng về dự toán cũng như quyết toán có một khoản
gọi là thu kết chuyển, thể hiện khoản vượt thu so với dự toán.
Làm vậy là đúng rồi, nhưng điều đáng nói là người ta bỏ quên mất vế đầu.
Đáng ra, phần vượt thu cần được sử dụng để giảm thâm hụt ngân sách thì
họ lại không làm.
Ý của ông Habib về việc tăng trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và
HĐND các cấp thì VN cũng đang vận động theo hướng tăng quyền lực cho các
cơ quan dân cử. Đây là hướng đi rất đúng đắn, nhưng trên thực tế còn
rất nhiều khó khăn. Trong hơn 10 uỷ ban của QH, chỉ có duy nhất UB Tài
chính – Ngân sách chuyên trách về vấn đề ngân sách. Nhưng không phải tất
cả các thành viên của UB Tài chính – Ngân sách đều am hiểu sâu sắc về
lĩnh vực này, chưa kể rất nhiều đại biểu phải kiêm nhiệm. Thời gian,
sức lực họ giành cho công việc khó khăn, quan trọng là giám sát
điều hành ngân sách không hề dễ dàng. Vậy ai sẽ giúp họ? Chính
là những chuyên viên. Theo tôi được biết, bộ phận giúp việc
quan trọng nhất ở UB Tài chính ngân sách là Vụ Tài chính ngân
sách, hiện có hơn 20 chuyên viên.
Tôi cho rằng với lực lượng như vậy, kết cấu như vậy, việc phối hợp giữa
các cơ quan giám sát dân cử với các cơ quan chính phủ, thậm chí với tổ
chức chính trị –xã hội là đại diện cho nhân dân còn rất lỏng lẻo.
Chúng ta có gần mười cơ quan giám sát, thanh tra của VN, chuyên ngành
và không chuyên ngành trong chừng mực mất định đều đụng chạm đến
kỷ luật ngân sách. Nhưng bởi thiếu một hệ thống thông tin, một
cơ chế phối kết hợp giữa những cơ quan này nên rốt cuộc vừa
chồng chéo, trùng lặp, vừa hiệu quả không cao.
Đấy là một thực tại cần được nhìn nhận. Khi trao thêm quyền lực cho
các cơ quan dân cử để giám sát kỷ luật ngân sách thì chúng ta phải làm
gì để họ thực hiện tốt chức trách. Không thể vì khó làm mà bỏ. Tránh
trường hợp như bây giờ QH đang bàn và lập luận rằng bỏ HĐND cấp quận
huyện vì họ không làm được việc gì cả. Nếu đánh giá thực trạng như hiện
tại thì đúng là họ gần như không làm được gì. Nhưng tại sao chúng ta
không giả định nếu tăng thêm nguồn lực con người, tăng thêm khả
năng trình độ cho họ thì họ sẽ làm tốt vai trò của mình. Đây là
một bài toán nên được bàn bạc một cách sòng phẳng.
Ts Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Lâm: Có
lẽ cũng nhờ độ minh bạch thông tin của Chính phủ về tình hình ngân sách
tốt hơn nên công chúng quan tâm nhiều hơn. Nhưng rõ ràng như Ts Ánh đã
đề cập, vấn đề ngân sách mang tính chuyên môn khá phức tạp, nên không
phải ai cũng hiểu được, ngay cả với các ĐBQH. Muốn họ thực thi được vai
trò giám sát kỷ luật ngân sách thì phải nâng cao năng lực các cơ quan
dân cử, tức là cần nguồn đầu tư hay gì khác, theo anh?
Ts Vũ Đình Ánh: Tôi
hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng chúng ta đã có bước tiến vượt bậc
về độ công khai ngân sách. Thậm chí, chúng ta đưa ra những quy định
rất cụ thể. Ví dụ, cuối năm hoặc đầu năm sau cơ quan tôi dán một
bảng công khai ngân sách. Tôi được biết nhiều UBND phường cũng dán bảng
ngân sách này. Nhưng thú thực, tôi đọc bản công khai ngân sách đó mà
không hiểu gì cả, dù đã có hai thập kỷ nghiên cứu về tài chính. Vậy đối
với những người ít tiếp xúc với tài chính ngân sách thì họ làm sao hiểu
được những bản công khai ngân sách này? Rốt cục, chúng ta đã biến một
thông lệ rất hay trở thành hình thức.
Một cách sòng phẳng, dường như chúng ta mới công khai nhưng chưa minh
bạch. Chẳng hạn, tôi muốn biết tại sao có khoản chi này thì người ta lại
không trả lời tôi. Đây là một câu chuyện lớn về công khai minh bạch của
VN.
Về năng lực của các cơ quan dân cử, tôi cho rằng không có gì đáng quan
ngại bởi đó là đặc thù của VN. ĐBQH của VN đến từ nhiều ngành
nghề khác nhau, họ không phải đại biểu chuyên trách, không phải là những
người cái gì cũng biết và đằng sau họ không có bộ máy khổng lồ
vận hành phục vụ mục tiêu họ là một nghị sỹ quốc hội. Rất
nhiều người là đại biểu kiêm nhiệm. Do đó, chúng ta không thể đòi
hỏi tất cả đại biểu cũng như người dân VN phải thông thạo về
tài chính ngân sách, một vấn đề khá phức tạp.
Vậy thì làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Một mặt hãy tăng số
lượng đại biểu chuyên trách lên. Mặt khác, họ phải có bộ máy giúp
việc. Bộ máy này làm nhiệm vụ thu thập thông tin và phải có đủ trình độ
xử lý những thông tin liên quan đến ngân sách.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này thông qua việc sắp
xếp lại bộ máy tổ chức. Chúng ta có cả một bộ máy đồ sộ gồm các
cơ quan Đảng, chính phủ, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội lớn
như Mặt trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... Gần như
bên chính phủ có gì thì bên các tổ chức chính trị –xã hội có
cái đó. Nếu sắp xếp lại thì thừa sức tổ chức được bộ phận giúp việc
cho các ĐBQH và sau đó là các đại biểu HĐND, đặc biệt là những
người làm chuyên trách để họ nắm vững được và thực thi chức
năng giám sát tối cao đối với vấn đề ngân sách nhà nước một
cách hiệu quả hơn.
Tất nhiên là không thể ngày một ngày hai làm được việc này.
Trong một số cuộc tiếp xúc với các các ĐBQH, khi tôi chia sẻ với họ
những nhận định của tôi về vấn đề ngân sách, khá nhiều người bảo:
Cậu nói hay đấy. Chỉ có điều tôi không biết liệu nhiệm kỳ tới tôi còn
làm ĐBQH nữa hay không? Nên bây giờ tìm hiểu những vấn đề cậu nêu có khi
chẳng để làm gì. Vậy đầu tiên đại biểu cần hiểu được tại sao họ phải
hiểu về ngân sách đã. Khi đó, họ sẽ tự động đi tìm và không thiếu các
kênh để họ tìm hiểu.
Chúng ta đừng lo ngại chuyện tốn kém chi phí để nâng trình độ ĐBQH lên.
Bởi vì đây là sự đầu tư vô giá và thiết yếu cho đất nước hiện nay.
Dân đóng thuế nuôi bộ máy nên có quyền đòi Chính phủ giải trình
Ts. Habib Rab: Có
3 yếu tố chính để xem xét mức độ tiếp cận thông tin về ngân sách
của Quốc hội và công chúng nói chung. Một là công khai thông tin,
tức là cung cấp thông tin cho công chúng về ngân sách. Hai là mức độ
tham gia của người dân vào quản lý ngân sách, nghĩa là họ sử dụng thông
tin như thế nào, phản hồi ra sao về quản lý ngân sách của chính phủ. Ba
là, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Chính phủ sử dụng tiền thuế
của dân để cung cấp các dịch vụ công, do đó, họ phải giải trình trước
dân một cách minh bạch về các chi tiêu của mình.
Quan điểm của chúng tôi là VN đã đạt được những tiến bộ rất
đáng kể trong khía cạnh công khai thông tin. Hiện thông tin về ngân
sách đã công khai khá cụ thể so với trước đây.
Ở khía cạnh thứ hai, chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực và hành động để
tăng mức độ tham gia của người dân. Có thể thấy người dân đã có nhiều
thông tin hơn và họ bắt đầu đặt các câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên, đây
cũng là lĩnh vực cần có những bước tiến nhanh hơn nữa.
Vậy làm thế nào để đạt được những bước tiến nhanh hơn? Ngoài
giải pháp nâng cao năng lực cho các cơ quan dân cử như ông Ánh đã nói,
thì bản thân chính phủ phải có trách nhiệm cải thiện hiệu quả trong trao
đổi, truyền đạt thông tin tới công chúng. Chúng ta cũng biết là tài
liệu ngân sách rất dày và nhiều thuật ngữ phức tạp. Chính phủ phải làm
sao để truyền đạt thông tin theo cách mà công chúng hay Quốc hội
có thể hiểu được. Tất nhiên không phải là theo kiểu đơn giản hoá
hay tầm thường hoá vấn đề.
(còn tiếp)
(VNN)
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - phiên chợ ế ẩm
Mặc dù thị trường chứng khoán có sự khởi sắc tốt trong hai năm qua, sự
hứng khởi này đã hầu như bỏ qua một bên các doanh nghiệp nhà nước đã và
đang được cổ phần hóa.
Thị trường chứng khoán trong 2 năm 2013 và 2014 đã tốt lên rất nhiều,
đặc biệt là năm 2014. Từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng của thị
trường đạt 19% (VN-Index) và 28% (HNX-Index), đưa VN vào top đầu các thị
trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới của năm 2014. Thế
nhưng, nhìn sang “người hàng xóm” là các doanh nghiệp nhà nước đang được
cổ phần hóa và chào bán ra công chúng, câu chuyện lại khác hẳn.
Từ đầu năm đến hết ngày 21 tháng 8 năm nay, nhà nước chỉ thu về được
2,23 nghìn tỷ Đồng từ việc IPO (lần đầu chào bán ra công chúng) 33 công
ty quốc doanh, đạt chưa đến 50% kế hoạch năm. Tới nay đã là giữa tháng
11 và câu chuyện có vẻ không sáng sủa hơn bao nhiêu. Lý do chính của
việc cổ phần hóa và IPO ỳ ạch nằm ở mấy điểm sau đây:
Thứ nhất là nhà nước chỉ IPO một lượng cổ phần rất nhỏ. Nhà đầu tư bên
ngoài chỉ tham gia được quá ít và không tham gia được gì vào chuyện quản
trị điều hành doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Thí dụ công ty Khí
PetroVN khi cổ phần hóa chỉ bán ra ngoài có 3%, VietcomBank cũng chỉ có
23%. Chính vì vậy, dù có mua cổ phần, bản chất các doanh nghiệp này vẫn
là doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư tư nhân không có tiếng nói gì.
Thứ hai, sau khi chào bán, các doanh nghiệp nhà nước đã được IPO cũng
chậm tiến độ lên sàn. Thí dụ SABECO (công ty rượu bia nước giải khát Sài
gòn) đã cổ phần hóa và IPO tới 6 năm nay mà vẫn chưa lên sàn.
VietcomBank cũng phải mất tới 18 tháng mới lên sàn. Trong 33 công ty đã
cổ phần hóa và IPO năm nay, chưa có công ty nào lên sàn tính đến thời
điểm này. Điều này làm tính thanh khoản của các doanh nghiệp nhà nước
sau khi đã cổ phần hóa rất kém. Nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các
doanh nghiệp này không có cách nào khả dĩ để thoái vốn.
Đặt trong bối cảnh giá cổ phiếu niêm yết tăng mạnh như vậy, không ai
muốn “giam” tiền của mình vào các cổ phiếu DNNN nơi mà họ không bán
được, giá cổ phiếu không tăng, và họ cũng không can thiệp được gì vào
việc điều hành. Đây là “đất chết” giải thích lý do tại sao khi IPO, các
doanh nghiệp nhà nước thường kém hấp dẫn.
Điểm quan trọng khác là các nhà đầu tư không thấy được các DNNN sau khi
cổ phần hóa có thay đổi gì so với trước. James Bannan, TGĐ của Quỹ
Frontier Markets Fund (đang quản lý 110 triệu USD) tại Thụy Sĩ cho rằng
“cộng đồng đầu tư còn rất ngờ vực vì chính phủ Việt Nam vẫn tỏ ra chưa
sẵn sàng hiện đại hóa về mặt quản trị các doanh nghiệp này để chúng trở
nên chuyên nghiệp hơn”. Điều này làm cho giá trị doanh nghiệp nhà nước
sau IPO không khác biệt đáng kể so với trước. Nhà đầu tư không thấy được
giá trị khoản đầu tư của họ tăng lên vì “mọi chuyện vẫn như vậy”.
Thực tế này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho nỗ lực của chính phủ Việt Nam
trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa. Đặt trong bối cảnh này, việc phải cổ
phần hóa xong 432 doanh nghiệp vào cuối năm sau (theo đúng lộ trình đã
cam kết) có vẻ như khó khả thi. Đó là chưa kể việc cổ phần hóa và IPO
vội vàng dễ dẫn tới tình trạng chuẩn bị chưa tốt, không có thời gian và
kinh nghiệm để chào bán một cách khôn ngoan, và vì thế nó dễ dẫn tới
tình trạng có đưa ra chợ cũng không bán được hàng như tình hình từ đầu
năm tới nay.
Trần Vinh Dự
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên
blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan
điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Trần Văn Truyền lấy tiền đâu mua nhà, biệt thự?
“Phải xác định rõ việc ông Trần Văn Truyền lấy đâu ra tiền để mua,
xây dựng những ngôi nhà đó? Việc này cơ quan pháp luật bên Chính phủ nên
làm rõ” - Ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện lập pháp QH.
ĐBQH đề nghị phải làm rõ ông Trần Văn Truyền lấy đâu ra tiền để xây, mua nhà biệt thự (Ảnh IT) |
"Bước tiếp theo phải xác định rõ việc ông Trần Văn Truyền lấy đâu ra
tiền để mua, xây dựng những ngôi nhà đó? Việc này cơ quan pháp luật bên
Chính phủ nên làm rõ" - ĐBQH Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện lập pháp
Quốc hội trao đổi với PV Infonet xoay quanh sự sự việc thu hồi tài sản
nhà đất của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bên lề Quốc hội
ngày 24/11.
- Sau nhiều tháng sự việc được báo chí lên tiếng, mới đây Ủy ban Kiểm
tra Trung ương đã công bố những vi phạm và thu hồi tài sản của cựu Tổng
thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Từ sự việc này, ông nhìn nhận đánh
giá thế nào về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước?
- Trong sự việc này, tôi cho rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc
rất kịp thời để đưa ra những kết luận rõ ràng về tài sản của ông
TrầnVăn Truyền. Việc làm này đã góp phần đáp ứng niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên theo tôi, bước tiếp theo phải xác định rõ vấn đề ông Trần Văn
Truyền lấy đâu ra tiền đề mua, xây dựng những ngôi nhà đó? Việc này có
thể cần cơ quan pháp luật bên Chính phủ làm rõ.
- Từ kết quả công bố của Uỷ ban kiểm tra Trung ương cho thấy, không
chỉ cá nhân ông Truyền mà ngay cả người ký cấp tài sản cho ông ấy cũng
sai. Vậy theo ông có phải truy cả trách nhiệm của chính những người cấp
nhà đất cho cựu Tổng thanh tra Chính phủ?
Cũng có thể đây là một dạng hối lộ, do vậy phải truy trách nhiệm của đơn
vị cấp nhà cho ông Truyền. Nếu không thì ít nhất đây cũng là việc cố ý
làm trái, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước.
Nếu cấp nhà cho ông Trần Văn Truyền đúng thì làm gì có chuyện đi thu hồi
lại tài sản. Khi đã thu hồi lại thì rõ ràng làm sai, nên phải truy
trách nhiệm.
Trước hết đây là trách nhiệm của người mua đã không trung thực hoặc tham
lam. Nhưng người cấp sai cũng có trách nhiệm vì đó là tài sản của nhà
nước và họ đã lạm quyền. Những người làm việc đó, theo tôi cần phải xử
lý nghiêm.
- Có tài sản đang được đứng tên con ông Truyền (Trần Hoàng Anh - cán
bộ Cảnh sát giao thông). Tuy nhiên người ta cũng có thể đặt ra câu hỏi:
một cán bộ ăn lương nhà nước như vậy thì lấy đâu ra tiền để sở hữu khối
tài sản đó. Theo ông việc này cơ quan chức năng có cần phải làm rõ?
Đó cũng là việc làm cần thiết vì bất cứ tài sản nào trong diện nghi vấn
phải được điều tra rõ. Mục đích để chứng minh cho được tài sản đó có
chính đáng không.
Con trai ông Truyền cũng là cán bộ, đảng viên nên phải xem việc kê khai
khối tài sản đó như thế nào. Nếu đã kê khai thì nguồn tiền để xây dựng
nó ở đâu mà ra?
ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Ảnh ND) |
- Còn một trường hợp về tài sản cảu Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô
Văn Khánh mà báo chí nêu ra, theo ông có cần phải được làm rõ?
Việc đó chắc người ta đang làm, có thể được bắt đầu từ cấp địa phương,
nếu làm không được thì TW phải làm. Nhưng có điều, việc phân biệt tố
giác thật giả để cơ quan chức năng vào cuộc thì chưa có một đầu mối làm
việc đó. Theo tôi Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham
nhũng nên là đầu mối để xử lý theo hệ thống của mình, hoặc giao cơ quan
điều tra.
Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương hiện nay do Tổng Bí thư
trực tiếp phụ trách nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với bất cứ
ai trong phòng chống tham nhũng. Điều đó cũng có nghĩa là không có ngoại
lệ, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
- Trước kết quả vừa được công bố, phát biểu trên báo chí, ông Vũ Quốc
Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng phải kỷ
luật Đảng đối với cá nhân ông Trần Văn Truyền. Quan điểm của ông về sự
việc này?
Qua kiểm tra của các bên đã thấy hai loại sai phạm của ông Trần Văn
Truyền: Một là liên quan đến tài sản và việc đề bạt cán bộ không hợp lý.
Do vậy việc thực hiện kỷ luật đảng trong trường hợp này là hợp lý.
- Xin cảm ơn ông!
Trao đổi với phóng viên về việc bổ nhiệm hơn 60 chức vụ trước khi về hưu của ông Trần Văn Truyền, ông Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng vấn đề này phải xử lý, vì luật đã quy định trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ hưu, những người giữ chức vụ không được ra các quyết định về công tác tổ chức nhân sự."Quy định đã có như vậy nhưng ông Trần Văn Truyền vẫn làm là sai. Tất nhiên dù quy định như vậy song cũng có ngoại lệ, vẫn có thể được ký đề bạt do nhu cầu cấp bách về công tác cán bộ. Tuy nhiên quy định này cũng dễ bị lợi dụng, bổ nhiệm trong vòng 6 tháng trước khi về hưu.Dù đã nghỉ hưu rồi nhưng là cán bộ, đảng viên thì cũng phải kiểm điểm, kỷ luật nếu vi phạm. Bên cạnh đó, đối với những người được bổ nhiệm vào thời điểm đó thì cũng cần phải rà soát lại. Nếu bổ nhiệm đúng thì không sao, nhưng nếu bổ nhiệm không đúng, ví như không có trong quy hoạch, hoặc không đủ trình độ năng lực…thì phải xem xét lại".
Thành Nam (thực hiện)
(Infonet)
Hãy học cách xin lỗi
Người đứng đầu huyện có thư xin lỗi dân? Chuyện rất bình thường ở các nước khác. Nhưng là chuyện “độc”, “hiếm” ở nước ta. ...
Chị Võ Thị Thu Hương cho biết “cảm thấy lạ” khi nhận được thư xin lỗi do ông bí thư huyện gửi đến. (ẢNH: NG.NAM/tuoitre.vn) |
Ngày 20/11/2014, chị Võ Thị Hương ở thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng, huyện
Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, đã nhận được 35 triệu đồng, là tiền hỗ
trợ GPMB khi chị giao đất cho Nhà nước để mở rộng, nâng cấp quốc lộ I.
Nhưng bức thư mà Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Chỉnh
gửi chị, có nội dung xin lỗi gia đình chị và nhận trách nhiệm vì đã chậm
chỉ đạo giải quyết việc trên, thì vẫn lan truyền rất nhanh trên các
phương tiện thông tin đại chúng, trở thành một “sự kiện”.
Số là gia đình chị Hương đã giao mặt bằng trước thời hạn, và đã được
thưởng 15 triệu đồng. Trong khi chờ xây lại nhà mới, chị đề nghị cơ quan
chức năng hỗ trợ 14 triệu tiền di dời nhà; 18 triệu thuê chỗ ở trong 6
tháng; 3 triệu di dời công tơ điện, nước. Tổng cộng 35 triệu. Xét thấy
đề nghị của gia đình chị là hợp lý, UBND huyện đã chấp nhận.
Tuy nhiên từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2014, số tiền trên vẫn chưa đến
tay chị Hương. Chị khiếu nại. Biết chuyện, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc
Chỉnh đã có bức thư trên “Với trách nhiệm là Bí thư Huyện ủy, tôi thành
thật xin lỗi gia đình chị về sự chậm trễ đáng tiếc này.
Để khắc phục tình trạng đó, tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện
khẩn trương triển khai các nội dung công việc được giao, sớm giải quyết
thấu tình đạt lý những đề nghị của gia đình chị. Xin chị yên tâm”. Thư
đề ngày 13/11. Sau khi nhận thư vài ngày, chị Hương đã nhận được tiền.
Người đứng đầu huyện có thư xin lỗi dân? Chuyện rất bình thường ở các
nước khác. Nhưng là chuyện “độc”, “hiếm” ở nước ta. Thường thường, các
“quan huyện”, “quan tỉnh” của chúng ta đều ngự ở thăm thẳm công đường.
Dân muốn gặp được họ, còn khó hơn cả việc lên giời. Gửi đơn đến họ, kể
cả gửi bằng thư bảo đảm, bưu điện đã trả cuống, ghi rõ “đã phát tận
tay”, cũng đừng mong được hồi âm.
Trong năm, nếu có một vài dịp hiếm hoi được thấy mặt họ, như trong dịp
tiếp xúc cử tri chẳng hạn, có chất vấn, thì cũng chỉ được nghe một câu
đã thành công thức “Đơn chưa đến tay tôi. Để tôi kiểm tra lại chỗ văn
phòng”. Còn chuyện muốn họ xin lỗi vì chậm giải quyết ư? Ông có mơ giữa
ban ngày không đấy? Chính đó là nguyên nhân khiến đơn thư của dân dồn ứ
lại, dẫn đến hàng vạn vụ khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện tập thể.
Mặc kệ người dân khản cổ kêu trời. Mặc kệ hàng ngàn người dân phải lặn
lội từ miền Nam ra tận Hà Nội đưa đơn vượt cấp. 99,64% công chức của ta
vẫn “hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Nền hành chính của ta
vẫn tốt hơn của Mỹ, nếu xét theo tỷ lệ trên. 1 triệu công chức phải kê
khai tài sản, chỉ có 1 người vi phạm. Tất cả đều “trên cả tuyệt vời”.
Trước thực trạng nền hành chính “trên cả tuyệt vời” ai cũng biết đó,
việc ông Nguyễn Ngọc Chỉnh gửi thư xin lỗi một người dân, và quan trọng
hơn là sau khi viết lá thư đó chỉ vài ngày, mọi quyền lợi của người dân
được giải quyết thỏa đáng, đã trở thành một cú “lội ngược dòng”, rất
đáng trân trọng.
Biết sai, biết nhận sai, biết sửa sai, là biết làm Người. Từ việc làm
trên của ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, nên chăng, hãy đưa thêm vào chương trình
cải cách hành chính một nội dung là: Hãy học cách xin lỗi nhân dân.
VŨ HỮU SỰ
(Nông Nghiệp)
“Ghế cao” cộng “văn hóa lùn” = ?
(vì bài này mà GDVN bị phạt 50 triệu, nẫu thật....
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bao-Giao-duc-Viet-Nam-dinh-chinh-bai-Ghe-cao--van-hoa-lun-post152593.gd
Báo Giáo dục Việt Nam cải chính bài "Ghế cao + văn hóa lùn= ?"
Xuân Dương
(GDVN) - Cổ
nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua
sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” vậy thì đất nước sẽ có bao
nhiêu “Ra cát”?
Vụ Chủ tịch tỉnh Nghệ An huy
động toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh vận động người dân tiêu thụ
bia do các nhà máy trong tỉnh sản xuất và vụ chín vị lãnh đạo tỉnh này
động thổ xây ngôi nhà ba gian cấp 4 có thể chưa làm dư luận đủ sốc. Ngày
14/5/2014 thêm một vị Phó Chủ tịch thường trực tỉnh (Quảng nam) ký văn
bản không đúng và “Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành tự
kiểm tra, hủy bỏ nội dung chưa phù hợp tại Công văn số 1747/UBND-KTN;
thông báo kết quả xử lý sau 30 ngày”. [1] Có điều dù sốc thì người ta
vẫn có thể “tạm tha” vì người dân chưa thực sự biết hết năng lực lãnh
đạo của các bác ấy.
Chuyện ông Lê Thanh Cung,
Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD), Bí thư Ban cán
sự Đảng trả lời phỏng vấn mà VTC News đăng tải ngày 29/10/2013 [2] thì
mới thực sự khiến dư luận phải đặt câu hỏi về trình độ cấp Chủ tịch tỉnh
của nước nhà.
Không
biết có phải vì không được “đào tạo bài bản” hay vì nguyên nhân nào
khác mà vị Chủ tịch tỉnh này ngang nhiên khẳng định với báo chí rằng
“tôi là người điều hành Nhà nước”?
Theo
thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Cung trình độ văn
hóa 12/12, không thấy nói ông có bằng lý luận chính trị cao cấp như
thông lệ?
Những người học đại học đều được học
khá kỹ một số môn thuộc lĩnh vực chính trị và đều hiểu bộ máy Nhà nước
được cấu thành bởi ba hệ thống:
1. Hệ thống các cơ quan lập pháp (các cơ quan quyền lực Nhà nước) bao gồm Quốc hội (hoặc Nghị viện) và các hội đồng địa phương.
2. Hệ thống các cơ quan hành pháp (các cơ quan hành chính Nhà nước) bao gồm Chính phủ (hay Nội các), các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các chính quyền địa phương.
3. Hệ thống các cơ quan tư pháp bao gồm các cơ quan xét xử (tòa án) và cơ quan kiểm sát (viện Kiểm sát).
Chủ
tịch một tỉnh nghĩa là đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh, cũng
nghĩa là thuộc hệ thống hành pháp. Khi ông Cung tự cho mình quyền “điều
hành Nhà nước”, nghĩa là ông nắm tất cả lập pháp, hành pháp và tư pháp
không phải chỉ ở Bình Dương mà là toàn bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, thế thì chắc ông phải là “con giời” chứ không phải là con
người.
Nói ông điều hành “toàn bộ nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam” không phải là vu vạ (như ông Cung nói về ông
Dũng “lò vôi”) mà là dựa trên các “đặc trưng cơ bản của Nhà nước”.
Khái
niệm Nhà nước theo thông lệ quốc tế bao gồm bốn đặc trưng cơ bản: nhân
dân (people), lãnh thổ (territory), chủ quyền (sovereignty) và chính phủ
(government).
Nhà nước là chủ thể gắn luôn gắn
với chủ quyền và quyền lực, quyền lực của Nhà nước là tuyệt đối và không
có giới hạn về thời gian, chỉ Nhà nước mới có quyền ban hành luật.
Trong khi đó Chính phủ không có chủ quyền: quyền lực của Chính phủ là do
Hiến pháp quy định, giới hạn trong từng nhiệm kỳ.
Vậy
khi ông Cung tuyên bố ông “là người điều hành Nhà nước” thì có nghĩa là
ông điều hành cả nhân dân, lãnh thổ, chủ quyền và Chính phủ, vậy chắc
ông phải cao hơn cả Quốc hội lẫn Thủ tướng, vậy thì nhân dân phải gọi
ông là “Bệ hạ” mới phải phép?
May mắn là ông mới học lớp 12, nếu ông mua thêm được cái bằng tiến sĩ thì có lẽ ông phải sẽ đòi điều hành cả thiên đình!
Phóng
viên VTC hỏi ông Cung: “Thưa ông, việc ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông lên
Thủ tướng Chính phủ đang gây xôn xao dư luận. Ông có thể cho biết quan
điểm của mình về vụ việc này”, câu trả lời là: “Cái việc Dũng tố cáo tôi
là chuyện của riêng doanh nghiệp”.
Một Chủ tịch
tỉnh trả lời báo chí mà gọi người khác chỉ có tên “Cái việc Dũng tố
cáo…” cho thấy nếu không phải là trả lời VTC, nếu ông đi trên đường Bình
Dương thì tất cả người dân đều sẽ là “con”, là “thằng”, ông là “con
giời” thì còn sợ ai nữa, chỉ có điều những người không học hành như ông
thì lại rất muốn bỏ chữ “ơ” trong từ “giời” mà thay bằng chữ “o”.
Đến những câu trả lời sau thì mới thấy được “văn hóa Chủ tịch tỉnh BD” là như thế nào:
VTC News: Nhưng ông Dũng trước đây từng là Đại biểu Quốc hội?
Ông
Cung: Đại biểu Quốc hội nhưng bị người ta gạt ra mất rồi, chỉ có hơn 1
nhiệm kỳ là người ta cho ra rồi, không còn nữa. Người ta thấy không đủ
tiêu chuẩn nên không đưa ra ứng cử nữa thôi.
VTC News: Ông Dũng cũng có công trạng, đầu tư nhiều cho tỉnh Bình Dương?
Ông
Cung: Ông Dũng sống được cũng nhờ “xương”, “máu” của tỉnh Bình Dương
chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản
như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi.
Xin
gác lại không nói thêm về “văn hóa” của người trả lời VTC News, bởi nói
thêm lại sợ phải dùng các từ thiếu văn hóa. Ở đây chỉ muốn nói đến khía
cạnh “chính trị”. Ông Cung nói: “Người ta thấy không đủ tiêu chuẩn nên
không đưa ra ứng cử nữa thôi”.
Tại sao “Người
ta” lại có quyền không cho người khác ứng cử đại biểu quốc hội”? “Người
ta” ở đây là ai? Chắc chắn không phải là nhân dân, chắc chắn là phải có
thực quyền mới làm được cái việc vượt qua cả Hiến pháp.
Xin
nhắc lại điều 27 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi
trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử
vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật
định”.
Toàn bộ 5 khoản trong điều 3 Luật Bầu cử
đại biểu Quốc hội nói về “Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội” không hề có quy
định nào nói rằng một công dân (không bị tước quyền công dân) lại không
được phép ứng cử đại biểu quốc hội chỉ vì “Người ta không đưa ra ứng
cử”.
Bằng câu nói của mình, ông Cung đã bôi nhọ
nghiêm trọng luật pháp và chủ trương của Đảng về sự tự do, bình đẳng
của công dân trong xã hội dân sự.
Vấn đề không
phải chỉ dừng ở chuyện giữa ông Cung và ông Dũng, vấn đề còn liên quan
đến chủ trương của tỉnh Bình Dương về công ty Becamex Bình Dương mà ông
Cung hết lòng bảo vệ.
Ngày 1/7/2011
Tuanvietnam.net có bài: “Phố người Hoa ở Việt Nam, chính sách hay tầm
nhìn?”, tòa soạn đã đưa vào bài báo một bức ảnh minh họa về “khu phố xây
dựng riêng cho người Hoa” mà lãnh đạo Bình Dương cho phép Becamex thực
hiện. [3]
Đông Đô Đại Phố là khu phố được xây dựng dành riêng cho người Hoa
Khi
Tuầnviệtnam/Vietnamnets đưa tin về sự kiện này, lập tức bị Becamex Bình
Dương phản pháo: “Công ty Becamex IJC "phản đối việc suy diễn những
thông tin về định hướng phát triển dự án theo các hướng khác ngoài hướng
thương mại và dịch vụ vừa kể trên".
Cực chẳng
đã Tuầnviệtnam buộc phải truy cập vào trang web của chủ đầu tư và nhận
được thông tin: “...Đông Đô Đại Phố là dự án khu đô thị thương mại đầu
tiên dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương, được xây dựng trên
tổng diện tích rộng 26ha, với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 nghìn tỉ đồng
chia thành nhiều phân khu chức năng như nhà phố, văn phòng, khách sạn,
nhà hàng, trung tâm thương mại”. [4]
Chủ tịch
tỉnh như thế hèn gì một công ty nhà nước trong tỉnh lại dám khinh nhờn
công luận, kể cả khi Vietnamnet là tờ báo thuộc Bộ Thông tin &
Truyền thông!
Cũng trên VCT News ngày 07/07/2010
còn có bài “Chủ tịch tỉnh Hà Giang thừa nhận 4 ảnh khỏa thân”. Những
ảnh này là do một phụ nữ qua đêm với ông Nguyễn Trường Tô tại một khách
sạn ở Hà Nội chụp bằng điện thoại di động.
Ủy
ban Kiểm tra TƯ đã “đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Tô bằng hình
thức cách hết các chức vụ trong Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền bãi
nhiệm đại biểu HĐND và cách chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bí thư
Tỉnh ủy và giám đốc Công an tỉnh phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc
này một cách nghiêm khắc”. [5]
Cổ nhân có câu
“ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có
hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” kiểu như ông Tô, ông Cung, vậy thì đất nước
sẽ có bao nhiêu “Ra cát”? Phải chăng vì thế mà Tuoitre.vn cho rằng “Ba
Gia cát lượng ngồi với nhau thành một thợ giầy”?
Một
đất nước với những “thợ giầy chủ tịch” như vậy người dân không khổ,
không oan mới là chuyện lạ. Những câu nói của ông Cung xứng đáng được
đưa vào sách kỷ lục guinness bởi sau ông Cung, khi mà người ta đã
“nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì khó mà tìm được người thứ hai. Đến đây
thì chắc bạn đọc sẽ tìm được từ thật chuẩn để thay cho dấu “?” trong tít
bài, người viết tin là như vậy./.
X.D
Nguồn:http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Ghe-cao-cong-van-hoa-lun-post151126.gd
Tài liệu tham khảo:
Tại sao VTV lại tự bôi bẩn mặt mình?
Bắt đầu từ một tin mật báo của một anh chàng là Công Phượng và anh ta
phải khai gian tuổi mới được vào “lò” đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai. Với
mọi người yêu thể thao có ai không vui mừng trước đội tuyển U19 VN
chững chạc, trước sự lóe sáng của Công Phượng và các đồng đội, đá thắng
cả đội Úc và ngang ngửa với đội TQ, sao lại có việc đưa tin trên? Như
vậy chắc phải có một đối thủ coi thành công của Hoàng Anh Gia Lai là
thất bại của chính mình nên mới giật dây việc tố cáo trên.
Cũng như lúc đầu tôi không hiểu sao con điếm Thu Uyên nó lại chống ngoại
cảm điên cuồng đến vậy. Vẫn nghĩ là nó thực tâm chống sự lừa đảo, trục
lợi trên xương máu các anh hùng liệt sĩ, nó sai chỉ vì dốt thôi. Với
khoa học về thế giới hữu hình nó còn ngu như lợn thì với thế giới vô
hình nó ngu như bò cũng là điều bình thường. Nhưng rồi qua việc nó cố
công chứng tỏ sự thật là theo ý nó muốn chứ không phải sự thật như vốn
có, rồi cả bầy đàn chó săn sủa theo ý nó như con Lê Hương Lan Google TL,
thằng Củ Hành, thằng Huân “chó điên”, v.v… thì tôi đã ngờ ngợ về một
động cơ mờ ám phía sau. Rồi tin tức về Công ty Sài Gòn buổi sáng, một
công ty được lập ra liên kết với VTV làm chương trình để ăn tiền tài
trợ, tiền quảng cáo, đã huỵch toẹt ra cái điều gia đình Thu Uyên chiếm
tới 70% cổ phần thì mọi chuyện đã rõ như ban ngày và đúng là “cháy nhà
ra mặt chuột”!
Quay lại vụ Công Phượng, rõ ràng mục tiêu ban đầu là chuyện bôi bẩn
thành quả của ông Đoàn Nguyên Đức, chủ Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng khi giấy
tờ gốc về nhân thân của Công Phượng chứng tỏ không có sự gian dối thì
vụ việc bị đẩy sang hướng khác và chính Công Phượng và gia đình cháu lại
là nạn nhân. Và để chứng tỏ mình đúng, nhân danh đấu tranh cho sự trung
thực của một nền thể thao, ê kíp làm chương trình Chuyển động 24h đã
thể hiện sự bất nhân của mình.
Bản gốc giấy khai sinh, học bạ và nhiều chứng cớ khác, đặc biệt là Công
Phượng có người anh sinh năm 1993 đã chết, chứng tỏ Công Phượng đúng là
sinh năm 1995. Như vậy hoàn toàn không có sự gian dối. Nhưng để chứng tỏ
mình đúng, ekip của VTV đã gộp chung chuyện sai sót trong việc làm giấy
tờ với hành động gian dối trên. Đây là một sự bất nhân vì chuyện sai
sót giấy tờ như gia đình Công Phượng ở nước ta thì vô vàn, vì có thời
đất nước ta khó khăn quá, người ta lo kiếm ăn là chính nên không quan
tâm nhiều chuyện. Như việc để cả những nghĩa trang chôn liệt sĩ dần mất
dấu như chương trình Thu Uyên đã chỉ ra chẳng hạn. Bản chất sự sai sót
về giấy tờ hoàn toàn khác với sự gian dối về tuổi để có thành tích. Hồi
ấy gia đình Công Phượng và các cán bộ địa phương hoàn toàn không thể
biết trước hôm nay Công Phượng đá bóng để mà cố tình sai sót. Vậy mà cả
một đài truyền hình quốc gia liên tiếp làm chương trình với thái độ công
kích một tài năng bóng đá mới chớm nở, khiến chú bé phải kêu lên: “Các
người định giết bố mẹ tôi à?”!
Việc dàn dựng cho Nguyễn Quang Vinh “phê phán” chương trình Chuyển động
24h cũng chứng tỏ là một sự bất nhân. Bất nhân ở chỗ họ biết trước việc
làm đó là sai nhưng vẫn cứ làm để rồi cãi qua cãi lại gây chú ý để câu
khách. Vậy vì mục đích câu khách họ bất chấp hậu quả xảy ra cho người
khác.
Có nét tương đồng giữa Trở về từ ký ức của Thu Uyên và Chuyển động 24h
của Lê Bình. Thu Uyên nhân danh đền ơn đáp nghĩa, chống lừa đảo, chống
trục lợi trên xương máu các liệt sĩ; Lê Bình nhân danh sự trung thực
trong thể thao. Về dư luận? Thu Uyên thì nổi danh là một “người đàn bà
công cộng”. Cách đây mấy hôm tôi được mời đi ăn tiệm, như một lần ông
Nhà văn Bác sĩ đến chơi nhà tự dưng bảo: “Con Thu Uyên nó từng bị đuổi
khỏi VTV vì ngủ với tay Hồ Anh Dũng đấy” thì lần này vị tướng cùng dự
tiệc nói với tôi: “Dư luận về chuyện giai gái mà Đông La viết về cô Thu
Uyên là đúng đấy. Có tay Thượng tá công an nói với tôi nó còn ngủ cả với
một ông phó thủ tướng nữa cơ”. Còn Lê Bình thì nổi danh với câu chửi
được phát trên sóng truyền hình trực tiếp: “Cái bọn điên này”. Nhưng
phải công bằng với Lê Bình, là người thì ai mà không có lúc cáu tiết. Về
hình thức thì tôi thích Lê Bình hơn, đơn giản là vì mắt Lê Bình không
có ám khí như mắt Thu Uyên, nhưng Lê Bình nên mập thêm vài ký, đừng
xương xẩu quá như mấy cô người mẫu ép xác.
Có điều lạ, thằng Củ hành, như một con chó săn rất tích cực cho Thu Uyên
trong vụ cắn các nhà ngoại cảm và cô Vũ Thị Hòa, thì lần này Củ hành
cũng cắn chương trình của Lê Bình rất dữ. Không biết có phải tại “con
gà” Thu Uyên đã “tức tiếng gáy” của Lê Bình chăng? Hay tại Lê Bình đã
hợp tác với một ông nhà văn từng kêu Thu Uyên ăn chặn tiền khi làm việc
cùng?
Với vụ Công Phượng, Lê Bình rõ ràng là không hay rồi nên xin lỗi và rút
kinh nghiệm. Nhưng lỗi so với Thu Uyên thì chưa là gì, vì con này do
tham ác đã vu oan giá họa, gắp lửa bỏ tay người, không chỉ là người vô
tội mà là những người có đại công, đại ân nhân của bao gia đình liệt sĩ
và chính các liệt sĩ.
24-11-2014
ĐÔNG LA
(Blog Đông La)
Ngoại giao phương Tây chú ý nhiều đến nhân quyền VN
|
Nghe bài tường thuật |
Blogger Mẹ Nấm: Ngày 21/11 vừa qua một số nhà hoạt động nhân quyền có buổi gặp gỡ với ông Phó Thủ tướng Đức là ông Sigma Gabriel và các thành viên trong phái đoàn ngoại giao Đức đến Việt nam để tham dự hội nghị châu Á Thái Bình Dương của các doanh nghiệp Đức tổ chức tại Sài gòn. Buổi gặp gỡ này diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ và có rất nhiều vấn đề được đặt ra để trao đổi.
Kính Hòa: Những người được phía Đức mời gồm có những ai?
Blogger Mẹ Nấm: Những người tham gia có doanh nhân Lê Quốc Quyết là em trai của luật sư Lê Quốc Quân, em Nguyễn Trí Dũng là con trai của blogger Điếu Cày, anh Phạm Bá Hải, blogger Huỳnh Thục Vy và em trai là Huỳnh Trọng Hiếu, cùng với tôi.
Kính Hòa: Vấn đề chủ yếu được bàn trong buổi gặp gỡ đó là gì?
Blogger Mẹ Nấm: Bắt đầu buổi gặp thì Ngài Phó Thủ tướng Đức nói là nước Đức xem trọng vấn đề cải thiện nhân quyền, và tình hình nhân quyền ở Việt nam nó quan trọng như là việc hợp tác và phát triển kinh tế, cho nên đó là lý do tại sao họ dành thời gian cho buổi gặp gỡ này, một buổi gặp gỡ chính thức vì báo chí Đức sẽ viết về nó, và cũng trong ngày đó thì buổi sáng thì ông Sigma Gabriel đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt nam để nói về chuyện hợp tác kinh tế.
Khi gặp thì ông ấy lắng nghe câu chuyện của từng người. Vấn đề chủ yếu là họ muốn bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển của xã hội dân sự, tìm ra phương hướng nào mà giới ngoại giao có thể sử dụng để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt nam.
Kính Hòa: Sau khi nghe câu chuyện của những nhà hoạt động xã hội dân sự cũng như nhân quyền Việt nam thì phía Đức, mà cụ thể là ông Phó Thủ tướng có phát biểu gì không, hay là có suy nghĩ gì như chị Như Quỳnh nói, để cải thiện tình hình nhân quyền Việt nam?
Khi tôi bắt đầu câu chuyện của tôi thì mọi người trong khán phòng không thể tin là bên ngoài cái vẻ đẹp đẽ mà VN vẽ ra thì nó vẫn còn có tình trạng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là những người sử dụng mạng xã hội để thể hiện sự bất đồng chính kiến của mình một cách ôn hòa trên Internet
Blogger Mẹ Nấm
Họ nói là cuộc gặp đã cho họ rất nhiều thông tin mà họ nghĩ rằng ở những trường hợp sắp tới nếu phải cần thiết lên tiếng về mặt ngoại giao, để làm áp lực cho việc cải thiện nhân quyền thì họ sẳn sàng. Ngài Phó Thủ tướng Đức có nói là việc sử dụng mạng xã hội để thay đổi xã hội là một phương thức ôn hòa và các quốc gia tiên tiến trên thế giới ủng hộ chuyện đó. Chính vì vậy các công dân Việt nam nên mạnh dạn bước ra khỏi sự sợ hãi của chính mình để tiếp tục bày tỏ chính kiến.
Cũng giống như khi mà mình thảo luận phải làm như thế nào để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt nam, thì cá nhân tôi cũng nói rằng là đương nhiên khi đứng trên mặt ngoại giao thì chính phủ Đức cũng như chính phủ Việt nam đều phải tôn trọng lợi ích quốc gia. Và Việt nam luôn vin vào cái điều đó để bắt những người bất đồng chính kiến vì lý do an ninh quốc gia rất chung chung. Cho nên chúng tôi nói chuyện với các nhà ngoại giao Đức để chỉ ra rằng luật pháp Việt nam đương nhiên là để bảo vệ lợi ích Việt nam và khi Việt nam đã vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì buộc chính phủ Việt nam phải tuân thủ những cái luật, đặc biệt là những cái luật về bảo vệ quyền con người, nó không thể bị suy diễn hay biến tấu theo luật pháp của bất cứ quốc gia nào để hạn chế quyền con người. Chính vì vậy trong buổi gặp đó chúng tôi nói là nếu sau này có những trường hợp bị đàn áp thì chúng tôi mong rằng những người có tham gia buổi gặp cũng như những người có quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt nam có thể vận dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều qui định và chế tài mà Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra để buộc Việt nam cải thiện nhân quyền theo đúng cái lộ trình mà họ nói.
Kính Hòa: Có một điểm thú vị là ông Phó Thủ tướng Đức đã gặp ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bàn chuyện kinh tế hầu như trong cùng một thời điểm mà ông ấy gặp các nhà hoạt động dân sự và nhân quyền ở Việt nam. Liệu nước Đức, một cường quốc ở châu Âu, có tính đến chuyện gây áp lực lên Việt nam trong vấn đề hợp tác kinh tế hay không?
Chúng tôi nói là nếu sau này có những trường hợp bị đàn áp thì chúng tôi mong rằng những người có tham gia buổi gặp cũng như những người có quan tâm đến tình hình nhân quyền VN có thể vận dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều qui định và chế tài mà HĐ nhân quyền LHQ đưa ra để buộc VN cải thiện nhân quyền
Blogger Mẹ Nấm
Bên cạnh đó chính cái việc công khai là một hình thức bảo vệ những người hoạt động nhân quyền được thừa nhận bởi những nhà ngoại giao quốc tế.
Kính Hòa: Những anh chị em hoạt động xã hội dân sự có gặp trở ngại gì không khi đến gặp đoàn chính phủ Đức? Và nếu như hoạt động đó diễn ra suông sẻ thì có phải chăng đây là một bước tiến bộ từ phía chính quyền Việt nam?
Blogger Mẹ Nấm: Những người khác đến buổi gặp như thế nào thì tôi không biết nhưng cá nhân tôi thì thấy là nó không suông sẻ. Trước đó tôi đã bị thu chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe ở công an Khánh Hòa. Sau đó họ dùng rất nhiều thủ thuật để làm mất thời gian cũng như giới hạn quyền tự do đi lại của tôi. Chuyện tôi thoát ra khỏi nhà để đi Hà nội và Sài gòn nó không phải là chuyện dễ dàng. Trước khi gặp ông Phó Thủ tướng Đức thì tôi có gặp ông Đại sứ phụ trách nhân quyền của Hà Lan tại Hà nội, chuyện tôi đi được chuyến đó không dễ dàng chút nào. Thậm chí trước khi rời Hà nội để vào Sài gòn, thì một nhân viên an ninh đến gặp tôi trực tiếp để hỏi là tôi sẽ ở Sài gòn trong bao lâu. Tức là không hề dễ dàng, mà tôi không muốn công bố để những người quan tâm người ta lo lắng.
Kính Hòa: Cám ơn chị Như Quỳnh đã cho đài Á châu Tự do buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Kính Hòa,
phóng viên RFA
Theo RFA
Viện Kiểm sát ND ra cáo trạng truy tố 5 công an đánh chết người
Năm bị cáo nguyên là cán bộ công an bị truy tố |
Vụ Công an tra tấn nghi phạm đến chết ở Phú Yên, hôm nay báo chí Việt Nam đưa tin Viện Kiểm sát Nhân dân
tối cao ra cáo trạng truy tố 6 sĩ quan Công an ở TP Tuy Hòa và tỉnh Phú
Yên phạm tội dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm
trọng, trong đó có thêm người chỉ huy cao nhất là Thượng tá Lê Đức Hoàn,
nguyên Phó trưởng Công an TP.Tuy Hòa.
Vụ việc xảy ra vào ngày 13/5/2012 ông Ngô Thanh Kiều là nghi phạm trong một vụ trộm cắp ở địa phương, bị Công an Tuy Hòa bắt giữ và tra tấn trong lúc hỏi cung làm ông Ngô Thanh Kiều thiệt mạng.
Trước đây trong phiên xử hồi tháng 4/2014, Tòa án Tuy Hòa không truy tố Thượng tá Lê Đức Hoàn và chỉ tuyên án rất nhẹ với 5 sĩ quan công an lien quan. Tuy vậy báo chí cho biết dư luận phản ứng mạnh về việc bao che và Chủ tịch Trương Tấn Sang yêu cầu các cơ quan tố tụng trung ương kiểm tra và chỉ đạo xét xử đúng pháp luật.
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét