Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Lãnh đạo sinh viên Hong Kong đồng ý đàm phán với chính phủ

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Lãnh đạo sinh viên Hong Kong đồng ý đàm phán với chính phủ

Các sinh viên xuống đường nắm tay để lập một hàng rào người trước tòa nhà chính phủ, 3/10/14 
Các sinh viên xuống đường nắm tay để lập một hàng rào người trước tòa nhà chính phủ, 3/10/14

Các lãnh đạo sinh viên đang dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong đã đồng ý tham gia đàm phán với chính phủ ủng hộ Bắc Kinh nhằm làm dịu bớt cuộc khủng hoảng đã khiến phần lớn thành phố đang trong tình trạng bế tắc.
Thỏa thuận được loan báo vào sáng sớm thứ Sáu chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi trưởng đặc khu hành chánh Hong Kong đề nghị gặp những người dẫn đầu cuộc biểu tình. Tuy nhiên, trong khi đưa ra đề nghị này, ông Lương Chấn Anh, từ chối thỏa mản một yêu sách then chốt của sinh viên là ông phải từ chức.
Các lãnh đạo sinh viên đe dọa sẽ tràn vào chiếm các văn phòng chính phủ nếu ông Lương không từ chức theo yêu cầu của họ. Tuy nhiên trong khi hạn chót sinh viên đưa ra đã trôi qua, không có tin xảy ra bạo động gần các văn phòng, hiện đang bị đám đông sinh viên vây kín đồng thời cảnh sát canh gác dày đặc.
Nhóm ủng hộ dân chủ Chiếm Trung Tâm hoan nghênh thỏa thuận này và nói rằng các nhà lãnh đạo “hy vọng cuộc đàm phán có thể là một bước ngoặt cho tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.” Tuy nhiên, nhóm Chiếm Trung Tâm, cũng như các nhóm sinh viên khác có liên quan trong vụ bế tắc này, cũng yêu cầu ông Lương từ chức. 
(VOA)

Hiệu Minh - Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói chuyện tại nhà R

BT PBM nói chuyện tại nhà R. Ảnh: HM
BT PBM nói chuyện tại nhà R. Ảnh: HM
                                                 
Ngày 1-10-2014, Bộ trưởng Phạm Bình Minh (BT PBM) đã đến Washington DC, thăm chính thức Hoa Kỳ. Tuần trước, ông đến dự và phát biểu tại UN, sau đó thăm Canada 2 ngày, và quay lại Mỹ.
BT từng có buổi nói chuyện rất thành công tại Hiệp hội Châu Á tại New York tuần trước. Sáng qua 1/10, BT PBM tới Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic International Studies – CSIS).
Video clip mà BT PBM phát biểu có thể xem tại đây. Hoặc trên YouTube. Bài nói chuyện tại Hiệp hội Châu Á có trong Clip tại đây.
Nói không qua phiên dịch tại những nơi như thế này là thách thức lớn đối với nhiều lãnh đạo quốc gia mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Bộ trưởng PBM đã chứng tỏ Kevin Rudd không quá lời khi nói ông là “one of the most skilled diplomats of all Asia – một trong những nhà ngoại giao kinh nghiệm nhất châu Á.”
We can not change the history but we can change the future – Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể thay đổi tương lai, khi BT kết luận bài phát biểu về quan hệ Việt Mỹ trải qua 20 năm hòa bình và trước đó là 20 năm chiến tranh tàn khốc. Quan hệ kinh tế, chính trị, và cụ thể từng cá nhân giữa hai dân tộc sẽ bàn thảo trong các cuộc tiếp xúc.
Câu hỏi đầu tiên do một phóng viên từ Thượng Hải (Trung Quốc) hỏi về quan hệ Việt Mỹ ảnh hưởng ra sao tới Trung Quốc và xung đột biển Đông. Vẻ mặt Bộ trưởng lại mang hình viên đạn như lúc gặp Vương Nghị. Xem phút thứ 15.
Anh thứ 2 hỏi về quan hệ với Nga, nghe tiếng Anh biết ngay là dân Ivan. Được hỏi về Cam Ranh… BT nói đó không phải là căn cứ quân sự.
Nhiều câu hỏi liên quan đến biển Đông. Khi hỏi về đường chín đoạn, BT PBM thẳng thắn “Nine dotted line is groundless.” Cách trả lời rõ ràng, không né tránh khá thuyết phục.
Điều rất lạ, có hai anh bạn “vĩ đại” Nga và Trung Quốc, từng giúp mình chống Mỹ, nay lại quay sang hỏi VN về quan hệ đặc biệt Việt Mỹ, có cảm giác họ bị đặt ngoài lề.
Buổi chiều BT PBM có cuộc gặp với nhân viên ĐSQ VN tại Mỹ và một số khách mời trong đó có TBT Cua Times, cũng tên là…Minh. Lần đầu hai ông Minh đối diện trong gang tấc, thậm chí còn bắt tay và chụp ảnh chung, cười rất tươi. Trong đời, tôi chỉ chụp với hai người nổi tiếng, ké được một ảnh với cụ Võ Nguyên Giáp (1981?) khi ông thăm Viện Tin học, và hôm qua với Bộ trưởng Minh.
Khi giới thiệu vị khách đặc biệt, đại sứ Nguyễn Quốc Cường bỏ thời gian giải thích tại sao hôm nay BT PBM mới “được phép đi Mỹ” như giới bloggers từng tung tin. Ông nói, cuộc gặp với John Kerry đã lên kế hoạch từ rất lâu, nhưng do cả hai bên khó xếp lịch, lúc thì Kerry bận, khi tìm được thời gian rảnh, BT PBM lại mắc việc khác.

ĐS Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: HM
ĐS Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: HM
Hơn nữa vụ giàn khoan của Trung Quốc vào biển Đông hồi tháng 5 nên trong nước cần bên ngoại giao phải làm rất mạnh. Vì thế BT phải ở nhà, giải quyết xong xuôi, thăm cả TQ rồi mới sang Mỹ. Ý ông bảo, không trong cuộc thì không biết, cánh blogger phát biểu lung tung làm ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Mỹ-Trung.
Theo cách hiểu của Cua Times, nếu sang Hoa Kỳ lúc đó, có thể không thuận lợi bằng lúc này. Khi sóng yên biển lặng, điều cần nói với TQ đã nói rồi “vẫn là đối tác chiến lược, là nước XHCN”, vẫn ba không, mình bơi thuyền thúng sang Mỹ thành thơi hơn. TQ đang quấy ở biển Đông mà ta sang Mỹ ngang bằng thách thức người ta. Đấy là Cua Times đoán thế. :razz:
Trong cuộc nói chuyện ngắn 30 phút, BT PBM nói chuyện không cần phao, các số liệu nhớ khá chính xác, giọng ấm và rõ ràng, dễ nghe. Nhắc đến 40 cuộc trao đổi, BT ngầm giễu “nước mình gọi là 40 cuộc giao thiệp với TQ”.
Nghe xong cuộc nói chuyện, kể cả trả lời, một bác Việt kiều nhận xét, đây là buổi thành công nhất từ xưa tới nay tại nhà R. (Tòa ĐS VN tại DC).
Mình từng nghe cụ Phan Văn Khải. Hôm cụ đến bị jet lag, hồi đó hơn 70 rồi (2007), họp cả ngày, được Bush tiếp, lại dùng phao đọc từng chữ, nên cụ mệt. Tới sứ quán đã muộn cả tiếng, cụ lả người, nhưng vẫn cố gắng xuống bắt tay một số bà con. Lên bục nói được ba câu, chào bà con, chào anh chị em trong sq… xin lỗi và đẩy micro cho bác Vũ Khoan, khi đó là PTT.
Năm sau đến bác Nguyễn Tấn Dũng, bà con đến nghe ở khách sạn 5 sao. SQ cũng trừ hao giờ cao su, đợi từ 5 giờ, tới 6:30 bác Dũng mới tới. Nhưng bác Dũng khỏe mạnh nhanh nhẹn, lên thẳng bục, giơ tay chào khách theo kiểu lãnh tụ. Rồi bác ào ào 1 tiếng liền, về tiến triển kinh tế Việt Mỹ, sắp mua 10 cái Boeing, bao nhiêu hợp đồng sẽ ký. Đại loại đọc báo và nghe bác Dũng không khác nhau là mấy. Nói xong bác vẫy chào mọi người rồi đi rất nhanh vào hậu trường, nhiều người định chụp ảnh chung nhưng bác ý bận.
Rồi đến bác Trương Tấn Sang hồi năm ngoái 7-2013. Bác Sang nói chung chung rất hay, giọng cũng sang sảng, nhưng cụ thể như thế nào, bác ít nói. Bác làm chủ tịch nước rất đúng người đúng việc.
BT PBM khi nói về Trung Quốc khá sòng phẳng, có nhắc đến tầu thuyền VN ra đương đầu với tầu chiến TQ, dù không đánh nhau, nhưng VN tỏ ra kiên nhẫn mới không đổ máu. Có phối hợp ngoại giao, quân sự, dư luận, đưa cả báo chí quốc tế ra thăm giàn khoan. BT có nhắc chi tiết TQ mang giàn khoan cách đảo Tri Tôn hơn chục hải lý. Nếu khoan được dầu ở đó, họ đòi 200 hải lý nữa thì biên giới biển của Trung Quốc vào tới Quảng Nam.
Như vậy mình phải khôn khéo, đấu tranh cho họ rút đi, nhiều thách thức không hề đơn giản. Cuối cùng họ rút thật, chả hiểu do bão mạnh hay bão dư luận hay do lý do gì mà BT Minh không muốn nói thêm.
Có chi tiết buồn cười là BT đang thao thao về TQ, chủ đề có vẻ tủ của nhà ngoại giao, người nghe cũng chăm chú, bỗng cái micro đổ xuống bàn, gây một tiếng ùm rất to như bom nổ trong loa, làm cả hội trường giật thót mình. Trong khi nói về kinh tế, tình hình trong nước, micro chẳng sao cả.
Tuy nhiên, BT rất nhanh trí và đùa, nói đến Trung Quốc nên “nó” thế đấy, làm hội trường cười ồ, chứng tỏ nhà ngoại giao này biết phản ứng trước các tình huống bất ngờ.
Bà con hỏi về tôn giáo và nhân quyền. Ảnh: HM
Bà con hỏi về tôn giáo và nhân quyền. Ảnh: HM
Về phần trao đổi, bà con tranh nhau hỏi và cảm ơn BT PBM, khen nhiều. Có một bác hỏi nhưng thực chất là trình bày về lịch sử loài người, người Trung Quốc không có nguồn gốc mà từ Ấn Độ. 15 phút liền mà chưa biết bác định hỏi gì, dài lê thê. Bác này ở Mỹ mấy chục năm nhưng vẫn còn thói quen dài dòng văn tự. Bao nhiêu người định nhắc nhở, nhưng vì lịch sự nên đành thở dài.
Một chị hỏi về nhân quyền, BT chỉ trả lời theo báo. Đó là giá trị phổ quát, nhưng áp dụng cho mỗi quốc gia, vùng miền, thì có khác nhau. Mỹ và Việt Nam luôn có các cuộc trao đổi để nhằm hiểu biết lẫn nhau. Ai cũng biết là không thể đi xa hơn.
Bộ trưởng Minh nghe câu hỏi, ghi chép, kể cả tên từng người, rồi trả lời, không bỏ sót câu nào. Có luật sư Lai giới thiệu người Nam Định, Bộ trưởng Minh khi trả lời cũng đùa “Tôi cũng người Nam Định” làm hội trường rất vui. Sau đó Đại sứ Cường cũng nói, ông là người Nam Định, nếu thêm anh Cua ở Ninh Bình, gần Nam Định, thì dân Hà Nam Ninh hơi bị đông. :razz:
Nói chung đây là cuộc gặp khá thành công vì người nghe tận mắt chứng kiến vị BT Ngoại giao nói chuyện, trả lời, kể cả xử lý cái miro đổ.
Cuối cùng có màn tặng ĐSQ VN tại Mỹ huân chương Lao động do công lao đóng góp của tòa đại sứ trong nhiều năm qua.
Cũng phải thừa nhận, nhiệm kỳ của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường để lại ấn tượng tốt đẹp, quan hệ Việt Mỹ và bang giao quốc tế thay đổi ngày một tốt hơn. Vị đại sứ lên CNN trả lời phỏng vấn, phu nhân đại sứ tham gia các công tác ngoại giao phụ trợ, trao đổi tiếng Anh nhuần nhuyễn, tổ chức 20 năm bình thường quan hệ Việt Mỹ tại đồi Capitol, và nhiều sự kiện khác.
Hôm trước, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường có đến WB ăn trưa với khoảng 20 anh chị em làm việc trong WB, IMF, IFC và NGOs, phu nhân đại sứ Hoàng Minh Hà có nhận xét nhiều bạn trẻ và tài năng. TBT Cua Times có nói, đất nước mình có rất nhiều bạn trẻ tự tin làm việc tại các tổ chức có uy tín lớn, gần hai triệu người gốc Việt tại Mỹ, đó là một nguồn chất xám cho nước nhà. Vấn đề sử dụng như thế nào, ngoài nỗ lực của bản thân từng người, đại diện ngoại giao tại các nước cần đóng một vai trò như thế nào để hướng họ về tổ quốc.
Trong buổi nói chuyện của BT PBM, Cua Times định nói mỗi câu này, nhưng vì câu hỏi quá nhiều, nên mình viết lên blog. Nghe nói BT đọc bài “Phản hồi về phát biểu của BT PBM” trên Hiệu Minh blog, hy vọng, BT sẽ đọc cả bài này.
Có chi tiết thú vị, Hoa Kỳ mời cả hai bộ trưởng ngoại giao của VN và TQ cùng một thời điểm thăm Washington DC. Ngày 1-10, hai ông Kerry và Vương Nghị trong một cuộc họp báo đã đối nhau chan chát về vấn đề Hong Kong.
Khi viết bài này, chưa biết kết quả hội đàm John Kerry – Phạm Bình Minh ra sao. Nhưng trong họp báo thế nào cũng có đoạn về tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. BT “nhà mềnh” lại có câu trả lời trong túi “giá trị phổ quát nhưng vùng, miền, quốc gia lại khác nhau”.
Thuyền thúng tiếp tục ra khơi.
HM. 3-10-2014

Giới thiệu khách. Ảnh: HM

                                                              Giới thiệu khách. Ảnh: HM
Nhà R kín chỗ. Ảnh: HM

                                                                     Nhà R kín chỗ. Ảnh: HM
Chăm chú nghe. Ảnh: HM

                                                                Chăm chú nghe. Ảnh: HM
Đồng hương hỏi. Ảnh: HM

                                                              Đồng hương hỏi. Ảnh: HM
Tặng huân chương Lao động cho SQ VN tại DC. Ảnh: HM

                                Tặng huân chương Lao động cho SQ VN tại DC. Ảnh: HM
Chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: HM

                                                              Chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: HM
Giới thiệu nguồn gốc người Việt. Ảnh: HM

                                                    Giới thiệu nguồn gốc người Việt. Ảnh: HM
Chụp kỷ niệm. Ảnh: HM

                                                            Chụp kỷ niệm. Ảnh: HM

Tìn giờ chót, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry phát biểu với báo giới.

http://bcove.me/nudwtpuj

Nhờ bác nào dịch hộ
http://www.state.gov/secretary/remarks/2014/10/232464.htm

SECRETARY KERRY: Thank you. Well, good morning, everybody. It’s my distinct pleasure to welcome the Deputy Prime Minister and Foreign Minister Pham Binh Minh, who I have known for many, many years. I first met him when he was a student in Boston at Tufts University, Fletcher, and we’ve seen each other many times since in my journeys to Vietnam and in his work over here.
It’s fair to say that in the first year of our comprehensive partnership, we have now made significant progress on the civilian 123 nuclear program, on the Proliferation Security Agreement, as well as on economic and other issues that are important to both of our countries.
And we still have things that we’re working on. One of the things that we want to try to conclude is the Trans-Pacific Partnership trade agreement, and Vietnam is working very hard with us in order to be able to do that. We continue to talk about issues in the bilateral relationship – human rights, economic development, private company ability to be able to do business. These are all important things. And I look forward to a good discussion today, and I’m delighted to welcome Pham Binh Minh here to have this dialogue.
Thank you. Thank you, sir.
DEPUTY PRIME MINISTER MINH: Thank you very much.
SECRETARY KERRY: Want to say anything?
DEPUTY PRIME MINISTER MINH: Good morning. Thank you, Mr. Secretary, for inviting me to visit officially the United States. Since the establishment of the comprehensive partnership, we have recorded many achievements in all fields – economic, political, security, defense, and other areas.
So I come to United States today to meet and to work with U.S. colleagues to review the bilateral relations 
between the two countries. I’m looking forward to have the fruitful discussions on bilateral issues, how to deepen our relation, and also discuss the regional and international issues of our mutual interest. Thank you.
SECRETARY KERRY: Thank you, sir, very much. Thank you. Thank you all very much.
DEPUTY PRIME MINISTER MINH: Thank you.
===============
Tham khảo video giới thiệu Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc
(Blog Hiệu Minh)

Nguyễn Thế Duyên: Tản mạn về dân chủ

Đập tan âm mưu diễn biến hòa bìnhĐôi lời: Một bài viết có nhiều quan điểm gây tranh cãi và ngộ nhận. Tác giả viết: “Các vị khoác cho mình cái áo ‘Dân chủ’ nhưng khi các vị đòi những người cộng sản phải từ bỏ chủ nghĩa Mác là lúc các vị trở thành những người phản dân chủ. Trong những quyền tự do phổ quát được những người dân chủ chân chính thừa nhận có quyền ‘Tự do tư tưởng’. Vậy xin hỏi sao các vị lại tước bỏ đi cái quyền tự do cơ bản ấy của người khác?“.

Những lời kêu gọi từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lenin, là kêu gọi những người lãnh đạo đất nước, không nên bắt cả dân tộc đi theo chủ nghĩa Mác – LêNin như họ ghi trong điều 4 Hiến pháp. Cá nhân những người cộng sản có quyền đi theo bất cứ chủ nghĩa mà họ muốn, nhưng với vai trò lãnh đạo, họ không nên mang một chủ thuyết nào đó áp đặt lên cả dân tộc, nếu không hỏi qua ý kiến của người dân qua hình thức trưng cầu dân ý.

Trong bài còn nhiều quan điểm dễ gây ngộ nhận và tranh cãi. Tuy nhiên, do đây là diễn đàn thông tin đa chiều, nên xin được đăng bài viết này để độc giả có thêm thông tin về một cái nhìn khác về dân chủ.

—–

Nguyễn Thế Duyên

01-10-2014

Nhà tôi có bốn người, hai vợ chồng tôi và hai đứa con. Cách đây mười năm tôi quyết định sửa nhà, các con tôi góp ý rất hăng, chúng muốn đập nhà đi xây mới nhưng tôi không đồng ý. Thằng con lớn bảo tôi.

- Sao bố gia trưởng thế?

Tôi cười bảo nó.

- Anh bảo tôi gia trưởng hả? Được thôi! Sửa nhà hết một trăm triệu. Đập đi xây mới như ý các anh hết ba trăm triệu. Anh đưa ba trăm triệu ra đây tôi sẽ theo ý các anh.

Thằng con tôi im mất. Tôi khoái chí bảo nó.

- Anh học mãi về duy vật biện chứng rồi mà anh chẳng hiểu gì về nó cả. Tôi khoái nhất ông Mác về cái lý thuyết này.

Ấy thế nhưng ở nhà tôi có một nhân vật chẳng bao giờ tuân theo cái “Duy vật biện chứng” của ông Mác cả nhưng lại cứ luôn đúng và tôi cứ phải buộc phải nghe theo đấy chính là vợ tôi. Cách đây năm năm, thằng cả nhà tôi lấy vợ. Cu cậu thích hoành tráng muốn tôi thuê cho anh ta một cái xe Mẹc để đi đón dâu. Tôi bèn áp dụng ngay phép duy vật biện chứng của cụ Mác.

- OK! Anh đưa cho tôi năm triệu tôi đi thuê cho .

- Con mà có năm triệu thì việc gì con phải nói với bố!

Tôi cười đứng dậy với lên giá sách lấy cuốn “Duy vật biện chứng” Đưa cho nó. Ồng con tức điên nhưng chẳng làm được gì bèn đưa mắt nhìn vợ tôi cầu cứu, thế là phép “ Phản duy vật biện chứng “ Lên tiếng.

- Thôi mà anh! Cả đời mới cưới vợ một lần. Anh thuê cho nó cũng được.

Tôi nhăn nhó.

- Đi làm mấy năm giời mỗi tháng đưa tiền cơm được hai triệu mà cái gì cũng muốn. Nó thì muốn cả ông trời. Nếu là cưới em thì không phải là một mà hai cái Mẹc anh cũng thuê. Hay là ta cưới lại đi.

Tôi láu lỉnh, nịnh vợ, đánh trống lảng để thoát thân. Không ngờ vợ tôi cười rất tươi.

- Ngày xưa, khi đón dâu, anh đón em bằng xe công nông đúng không? –Tôi gật đầu . “Phép phản duy vật biện chứng” bèn nói tiếp. –Vậy là anh còn nợ em một chuyến xe Mẹc đón dâu. Tiền ấy là của em, bây giờ em cho nó.

Ôi! Quá “ biện chứng” Thế là tôi phải tòi tiền.

Năm nay gia đình tôi lại đặt vấn đề xây nhà. Ông cả nhà tôi đề nghị tôi họp gia đình lại để bàn bạc. “Thì họp” Tôi nghĩ thầm trong đầu “ Họp cho các ông các bà thấy mình được tôn trọng, được dân chủ, chứ tiếng nói của các ông các bà thì có trọng lượng quái gì đâu. Rách việc”

Tối hôm họp gia đình, việc đầu tiên là thằng trưởng trịnh trọng đưa lại tôi cuốn sách “Phép duy vật biện chứng”. Nó bảo.

- Cám ơn bố. Bây giờ con đã hiểu thế nào là “Duy vật biện chứng” Rồi. Con xin gửi lại bố cuốn sách này.

Rồi nó quay sang bảo với “Phản duy vật biện chứng” của nó.

- Em đưa cho bố đi.

Con vợ nó mở túi xách lấy ra một bọc tiền to đùng đưa cho tôi

- Thưa bố đây là tiền chúng con đóng góp với bố để xây nhà. Vợ chồng con chỉ có gìà nửa số này thôi. Còn lại là tiền của chú hai nhà mình.

Lúc ấy thằng thứ hai mới mở cặp lấy ra một tập bản vẽ đưa cho tôi.

- Thưa bố đây là bản vẽ ngôi nhà mà con đã thuê thiết kế.

Tôi ngơ ngẩn nhìn bọc tiền và tập bản vẽ rồi quay sang hỏi vợ.

- Này em! Nhà mình đa đảng từ bao giờ thế?

*

* *

Tôi đưa một mẩu chuyện nhỏ này vào đây cốt để mọi người có một cái nhìn trực quan về dân chủ. Thực ra tôi cho rằng trong chúng ta không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ hai từ rất đơn giản này. Thậm chí có người hiểu một cách rất ngây thơ là : Cứ đa đảng là dân chủ

Điều này chưa thực sự chính xác. Có rất nhiều nước đa đảng nhưng lại không dân chủ. Ví dụ như Trung quốc. Trung quốc không phải chỉ có đảng cộng sản mà còn một vài đảng nữa. Có người sẽ phản biện lại : Ở Trung Quốc các đảng ấy chỉ là đảng bánh vẽ thực chất là do đảng cộng sản trung quốc dựng lên. Có lẽ là như thế ( Tôi không nắm được nội tình các đảng ấy nên không dám nói liều), Vậy thì xin hỏi “Ai cập ?Kazakhstan có phải là nước dân chủ không dù cho họ cũng đa đảng?Vậy nên trước tiên ta cần phải định nghĩa thế nào là dân chủ cái đã.

Vì đây không phải là công trình nghiên cứu nên tôi sẽ trình bày với các bạn theo kiểu “Truyền hình! Thật là đơn giản”. Một quốc gia được công nhận là Dân chủ khi nó hội tụ đủ hai yếu tố.

- Thứ nhất : Về chính trị là một quốc gia đa đảng, đa nguyên

- Thứ hai về nhân quyền: Những quyền tự do phổ quát của con người như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí v….v… được hiến pháp công nhận và được bảo đảmthực thi trong thực tế xã hội.

Cụm từ “Được đảm bảo thực thi trong thực tế xã hội” là rất quan trọng vì rằng hầu như hiến pháp của quốc gia nào cũng công nhận những quyền phổ quát này nhưng trong thực tế không phải quốc gia nào cũng thực thi nó.

Hai điều này là độc lập đối với nhau nhưng lại có một mối quan hệ với nhau rất khăng khít. Nếu chỉ có một đảng, lập tức đảng đó sẽ bóp chết những quyền tự do cơ bản của dân chúng. Ngược lại,khi dân chúng đã có thói quen về quyền cơ bản của mình thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận độc đảng.

Dân chủ hiểu nôm na nghĩa là dân làm chủ , bằng cách bỏ phiếu họ chọn ra người thay mặt mình để quản lý xã hội. “ Nói chọn ra” đồng nghĩa với phải có nhiều người thì anh mới chọn được. Không thể nói theo cái kiểu “Đấy! có mình tôi đấy, các vị cứ thoải mái lựa chọn”.

Trước tiên ta hãy nói về từ “Đảng” trong từ đa đảng. Ta nên hiểu cái từ đảng thế nào đây cho đúng với bản chất của nó.

Tôi cho rằng : Đảng là tập hợp của những người có cùng lợi ích và cùng nhau hoạt động dưới một tôn chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Điều này thì ai cũng hiểu . Nhưng khuất sau cái ấy nó lại là một vấn đề khác mà đó mới là cơ bản. Cái “ Lợi ích” ấy là cái gì? Nó là cái khối tài sản mà đảng viên của đảng đó nắm giữ. Vì vậy ta có thể nói một cách khác đi: Đảng là một tổ chức đại diện cho một khối lượng tài sản nhất định trong xã hội cùng hoạt động dưới cùng một tiêu chí.

Thực ra “Đảng” và “Hội” là giống nhau, chỉ khác nhau ở mức độ. Chỉ khi nào cái “ Khối tài sản” ấy đủ lớn đến độ có đủ sức mạnh ảnh hưởng đến toàn thể dân chúng trong một đất nước thì khi đó nó mới có thể đặt chân vào chính trường và lúc đó mới gọi là “Đảng” còn không chỉ là “Hội” .

Vậy nên khi nói đảng A mạnh hơn đảng B thì thực chất của nó là tiềm lực tài chính của đảng A lớn hơn tiềm lực tài chính của đảng B. Các nhà chính trị thường cố dấu diếm tránh nói đến điều này nhưng bản chất của vấn đề nó là như vậy. Và dân chúng sẽ ủng hộ cho đảng nào có thể làm cho cuộc sống của mình tốt hơn. ( Thực ra dân chúng ủng hộ một đảng nào là một vấn đề phức tạp nó phụ thuộc vào chiến lược tranh cử, thói quen văn hóa và nhất là vào niềm tin tôn giáo. Nhưng chắc chắn họ chỉ ủng hộ những đảng có thể làm đời sống của họ tốt lên. Nhưng vì nó không nằm trong vấn đề chính của bài viết này nên tôi chỉ dừng lại ở đây mà không đi sâu vào). Khi một đảng thắng cử nắm chính quyền thì họ sẽ đề ra những chính sách sao cho những đảng viên của đảng ấy có lợi ích nhất. Tuy nhiên để có thể lấy được lá phiếu của cử tri cho lần bầu cử sau họ bược phải nghĩ đến quyền lợi của đại đa số dân chúng.

Một chính sách đúng, Thậm chí là rất hay nữa, cũng không thể thay đổi được xã hội nếu như cái tiềm lực tài chính của đảng ấy quá nhỏ bé. Các cụ nhà ta có một câu rất hay để nói rõ điều này “Buôn tài không bằng dài vốn”.

Điều này lý giải tại sao đảng cộng sản Mĩ, Pháp dù có từ rất lâu nhưng chưa bao giờ nắm được chính quyền. Và nó cũng chỉ ra cái nguyên nhân tại sao có những nước đa đảng nhưng lại không phải là một nước dân chủ. Chỉ khi nào tiềm lực tài chính mà đảng đối lập nắm giữ tương đương với tiềm lực tài chính mà đảng cầm quyền nắm giữ ( Mạnh ngang nhau) thì quá trình chuyển giao quyền lực giữa hai đảng sau bầu cử mới diễn ra một cách êm thấm còn như vì một lý do nào đó ( Ví dụ do tình cảm tôn giáo như ở Ai cập hoặc Angiery chẳng hạn) mà đảng đối lập yếu hơn rất nhiều so với đảng cầm quyền mà thắng cử thì gần như chắc chắn chẳng bao giờ có chuyện đảng cầm quyền chịu giao chính quyền cho đảng đối lập và bất ổn hoặc nội chiến sẽ xảy ra. Có rất nhiều những ví dụ trên thế giới minh chứng cho điều này.

Chính Mác cũng đã từng nói: Không bao giờ giai cấp thống trị lại tình nguyện giơ hai tay dâng chính quyền cho lực lượng cách mạng. Điều này là chân lý cho mọi giai cấp, mọi đất nước trên thế giới.

Quay trở lại với tình hình nước ta, nếu gộp tất cả khối tài sản của mọi nhà đầu tư tư nhân của nước ta lại (Tất nhiên không tính đến các nhà đầu tư nước ngoài) liệu có bằng 10% tổng khối lượng tài sản mà đảng cộng sản hiện đang nắm giữ hay không? Với một tương quan như vậy mà chúng ta đòi đa đảng vào lúc này thì quả thật chúng ta là những người ngớ ngẩn.

Linh mục Nguyễn Văn Lý đã rất sáng suốt khi ông trả lời đài BBC.

Nhưng tôi nghĩ quan trọng là phải nghiêm túc suy nghĩ, công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx – Lenin, có đường hướng sát thực tế để người ta nhìn vào mà hy vọng rằng con đường ấy, tổ chức ấy sẽ làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines. Nếu chúng ta ảo tưởng thì sẽ thất bại.

Bao nhiêu người có tâm huyết, muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào? Nếu thay đổi mà tình hình xấu hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, thì thà cứ để yên cho Đảng Cộng sản đang còn giúp cho Việt Nam cũng có một vị trí trong cộng đồng Asean.

Chính ông cũng nhìn ra vấn đề : Hiện nay chưa thể có một đảng nào đủ mạnh để có thể đòi chia sẻ quyền lãnh đạo với đảng cộng sản. Biết là không thể được nhưng chúng ta vẫn cứ lao đầu vào cái điều kị nhất của chế độ độc đảng để rồi bị bắt bớ, bị tù đầy trong khi lực lượng dân chủ còn đang rất yếu ớt, đầy nghi kị và chia rẽ liệu đấy có phải là một điều khôn ngoan?

Tôi cho rằng chúng ta phải chờ đợi. Kinh tế tư nhân sẽ ngày càng phát triển nó là một đồ thị luôn có xu hướng đi lên còn kinh tế nhà nước ngược lại là một đồ thị có xu hướng đi xuống (Không riêng gì ở Việt Nam đâu, các quốc gia, nước nào cũng có những xí nghiệp nằm dưới sự quản lý của nhà nước do nhu cầu về an ninh hoặc công ích nhưng các xí nghiệp ấy luôn luôn làm ăn kém hơn nhiều so với các xí nghiệp tư nhân. Cha chung không ai khóc hình như là quy luật của môn đời). Tại lân cận điểm giao nhau của hai đồ thị này thì dù có muốn đảng cộng sản cũng không thể ngăn được các đảng đối lập ra đời.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ việc khoanh tay rung đùi ngồi đợi. Những người dân chủ còn rất nhiều việc phải làm. Dân chủ, nhân quyền là điều mọi quốc gia nước nào cũng có vấn đề kể cả những nước luôn tìm cách xuất khẩu dân chủ. Và dân chúng của những nước ấy vẫn phải đang tiếp tục đấu tranh.

Đa đảng chỉ là một trong những tiêu chí trên con đường dân chủ. Còn rất nhiều quyền nữa mà những quyền này là nhưng quyền phổ quát được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình , tự do học thuật , quyền tự chủ đại học hay quyền sở hữu ruộng đất. Những quyền này trực tiếp ảnh hưởng đến đại đa số dân chúng nên một mặt nó dễ dàng được đông đảo dân chúng ủng hộ. Mặt khác nó còn chuẩn bị cho dân chúng một thứ mà như ông Nguyễn Hưng Quốc có nói đến đó là “Văn hóa dân chủ”. Dân chúng của chúng ta thực lòng mà nói chưa có thứ văn hóa này. Cứ nhìn vào cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Bình Dương thì ta thấy ngay điều này.

Những thứ tự do tưởng như là nhỏ này nhưng thực ra nó lại không hề nhỏ khi dân chúng được thụ hưởng. Khi được thụ hưởng nó, cái khát vọng dân chủ và tự do trong dân chúng sẽ bốc cháy giúp cho con người vượt qua nỗi sợ hãi cường quyền. Về phần nhà nước, cũng dễ dàng chấp nhận hơn, nếu không cũng khó lòng trấn áp mạnh tay khi mà dân chúng chỉ đòi hỏi những thứ có tính phổ quát mà cả thế giới đã thừa nhận.

Dân chủ, theo tôi nó không phải là một cánh cửa có thể mở toang ra một cách tức thì để tràn ra dân chúng. Dân chủ cũng cần có những cơ sở hạ tầng của nó. Khi thiếu vắng đi những cơ sở hạ tầng này thì dân chủ có mở ra cũng không thể nào thực thi được. Tôi lấy ví dụ dễ thấy nhất . Hiện nay chúng ta đang đòi “Quyền im lặng”. Tất nhiên đây là một quyền rất chính đáng không ai có thể phủ nhận, thế nhưng theo công bố của hội luật gia việt nam, chúng ta hiện nay chỉ có 8000 luật sư và cũng theo báo cáo của tòa án nhân dân tối cao trong 10 tháng đầu năm 2014 ngành tòa án đã giải quyết 286.614 vụ án đạt tỷ lệ 76,3% nghĩa là trong 10 tháng đầu năm 2014 chúng ta có 377.123 vụ án. Thử hỏi chúng ta đào đâu ra luật sư để thực thi cái “Quyền im lặng” này?

Nền dân chủ được hình thành từ rất sớm trong xã hội loài người (năm 508 TCN). Nhưng từ đó đến nay, cái nền dân chủ ấy đã không ít lần bị các thể chế chính trị khác đánh bại trên khắp thế giới. Một câu hỏi đặt ra là “Tại sao một thể chế có thể làm cho một đất nước cường thịnh lên lại bị một thể chế chính trị khác lạc hậu hơn đánh bại?” Chúng ta phải trả lời được câu hỏi này để từ đó nhìn lại phong trào dân chủ hiện nay của việt nam để tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra, vì rằng chúng ta nên nhớ , mỗi khi nền dân chủ bị đánh bại là một lần sinh mạng của hàng nghìn , thậm chí hàng vạn con người bị chôn theo. Xin nhìn lại cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu, cuộc đảo chính của Pinoche tại Chi lê, cuộc lật đổ nền dân chủ của Hile năm 1933 tại Đức.

Tôi cho rằng nền dân chủ mà mọi người đang theo đuổi là một thể chế tiến bộ, nhưng hỏi rằng nó đã hoàn hảo chưa? Thì phải nói rằng nó chưa hoàn hảo. Trong nó vẫn tiềm ẩn rất nhiều những mặt tiêu cực. Trong một xã hội có đủ điều kiện thì mặt tích cực của thể chế này sẽ phát huy tối đa các ưu điểm của nó nhưng ngược lại, trong một xã hội chưa có đủ các yếu tố cần thiết thì mặt tiêu cực của nó lại phát huy hết công suất và khi đó nó sẽ bị đánh bại.

Vậy nên dân chủ cần phải có một lộ trình, một thứ tự ưu tiên cái nào dễ chúng ta đòi trước, cái nào khó chúng ta đòi sau chứ không thể cứ đòi bừa đi như mấy ông dân chủ ở hải ngoại mà hình như Người Buôn Gió đã phải kêu lên “Xin đừng đòi dân chủ bằng máu của người khác”. Nhân nói đến mấy ông dân chủ hải ngoại tôi cũng phải nói thật rằng rất nhiều ông không có trí thức. Nhiều khi các ông đòi hỏi vào những điều đại kị của chế độ nhưng thực chất điều các ông ấy đòi hỏi lại rất vô nghĩa. Ví dụ các ông hải ngoại đòi “Quân đội, công an chỉ trung thành với đất nước chứ không phải là với đảng” thoạt nghe thì rất hay, có vẻ nhiều chất tri thức, nhưng chỉ cần đặt ra một câu hỏi “Khi mà chế độ đa Đảng hình thành thì sao?” thì ta sẽ nhận ra ngay cái đòi hỏi của các ông chẳng có một chút ý nghĩa gì vì rằng, khi ấy, điều các ông đòi hỏi tự nó sẽ tan biến. Chắc tôi không cần phải giải thích tại sao.

Xin trích dẫn ra đây phát biểu của một đại biểu quân đội trong đại hội đảng cuối cùng của đảng cộng sản Ba Lan khi đảng ấy tuyên bố giải tán (Quân đội nước này cũng thề trung thành với đảng cộng sản như quân đội ta):

“Hôm nay chấm dứt hoạt động của Đảng trong quân đội, với tư cách những người lính, chúng tôi hy vọng rằng, từ nay quân đội sẽ không ủng hộ bất cứ một đảng phái chính trị nào, không trung thành với bất cứ tư tưởng của đảng phái nào. Quân đội chỉ trung thành với nhân dân và tổ quốc” (vỗ tay).

Điều đòi hỏi này là vô ích nhưng nó lại dính đến điều đại kị của chế độ nên chế độ sẽ lập tức phản ứng thế là vô hình dung cái đòi hỏi vô nghĩa ấy lại biến thành một vật cản trở tiến trình dân chủ.

Và điều này nữa, các vị đòi những người cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Mác. Thật hết sức vô lý. Nó vô lý ở hai điểm:

Thứ nhất—Các vị hiểu gì về chủ nghĩa Mác? Tôi đã đọc những bài kêu gào của các vị nhưng chưa thấy một vị nào chỉ ra nổi chủ nghĩa Mác sai ở đâu. Các vị chỉ lấy duy nhất sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa làm bằng chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác. Điều đó là hết sức phiến diện. Ta phải đặt ra một câu hỏi “Mác sai hay các học trò của Mác sai?”. Một học sinh giải sai một bài toán vậy ta có thể kết luận là các định lý toán học là sai được không? Có một vị nói ông nọ ông kia đã phản biện lại Mác nhưng xin hỏi vị ấy đã đọc quyển sách phản biện ấy chưa hay chỉ là một kẻ “Nghe nói…” . Khi phê phán một điều gì ta cần phải bỏ thời gian, công sức đọc để hiểu rõ về điều đó đã rồi hãy lên tiếng.

Với tôi, một người không cộng sản, nhưng tôi vẫn cho rằng mặc dù còn những thiếu sót cần phải bàn nhưng về cơ bản Mác không sai. Những học trò của Mác đã làm méo mó chủ nghĩa Mác và người đầu tiên làm méo mó chủ nghĩa Mác lại chính là người học trò xuất sắc nhất của ông đó là Lê nin. Nếu bỏ qua cái điều “Giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất lãnh đạo cách mạng” mà Mác đã từng khẳng định (Điều này thì có thể là Mác sai) thì ta nên nhớ rằng Mác đã từng nói “Chủ nghĩa xã hội là bước tiếp sau của chủ nghĩa tư bản”, ông không hề tuyên bố “Bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hôi.” Câu đó là của Nê nin.

Nếu nhìn vào hệ thống an sinh xã hội và sắc thuế thu nhập cá nhân đánh vào những tầng lớp giàu có của các nước tư bản phát triển và nhìn vào sự hình thành tổ chức liên hợp quốc rồi so sánh nó với những điều Mác tiên đoán về chủ nghĩa xã hội ta sẽ thấy hình như thấp thoáng đâu đó những nét tương đồng dù rằng vẫn còn rất mờ nhạt

Thứ hai: Các vị khoác cho mình cái áo “Dân chủ” nhưng khi các vị đòi những người cộng sản phải từ bỏ chủ nghĩa Mác là lúc các vị trở thành những người phản dân chủ. Trong những quyền tự do phổ quát được những người dân chủ chân chính thừa nhận có quyền “Tự do tư tưởng”. Vậy xin hỏi sao các vị lại tước bỏ đi cái quyền tự do cơ bản ấy của người khác? Và như vậy các vị còn là những nhà “Dân chủ” thực sự? Hay các vị chỉ là những kẻ hận thù đội lốt dân chủ? Và xin nhớ cho “Dân chủ” không có chỗ cho thù hận. Những kẻ vì thù hận mà muốn làm “Cách mạng” thì nếu có thể nắm được chính quyền, kẻ đó sẽ ngay lập tức trở thành một kẻ độc tài.

Các vị chỉ nhìn thấy từ đa đảng mà lại quên mất từ đa nguyên trong hai từ “Dân chủ”. Nền dân chủ thực sự chấp nhận mọi hệ tư tưởng mà các đảng phái theo đuổi. Có thể cực hữu, có thể cực tả, có thể là cộng sản, có thể là tôn giáo miễn là hệ tư tưởng ấy không làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của các cộng đồng xã hội khác.

Và còn một câu hỏi cuối cùng tôi muốn hỏi các nhà dân chủ hải ngoại “Liệu cái thứ dân chủ mà các vị muốn lập nên tại đất nước này có phải là một hình mẫu hoàn hảo? Và nếu nó là một hình mẫu hoàn hảo thì tại sao dân chúng các nước Trung Đông lại ghét Mĩ đến thế? Mặc dù vùng Trung Đông đã tiếp xúc với nền dân chủ từ rất lâu rồi?”

Dân chủ có những đặc trưng nhưng không có hình mẫu. Tùy theo đặc điểm văn hóa và điều kiện hình thành mà nó có những sắc thái riêng của từng nước. Nhiều thứ có thể nhập khẩu riêng dân chủ thì không! Hãy nhìn vào I-Rắc, Afghanistan, Ucraina ta sẽ thấy cái hậu quả thảm khốc của các nền dân chủ nhập khẩu.

Xin tặng các nhà dân chủ chân chính một câu nói của một người cộng sản.

Hỡi những người ta hằng yêu mến, Hãy cảnh giác!
Hà nội 1-10-2014
Nguyễn Thế Duyên
Ghi chú: Tôi! Tác giả của bài viết này không phải là đảng viên cộng sản và chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ gì dù là nhỏ nhất của chế độ.

Thông điệp Mỹ-Ấn gởi Trung Quốc : Đừng khuấy động Biển Đông

media 
Tổng thống Obama tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, ngày 30/09/2014. Reuters
Bắc Kinh từng hy vọng là do những bất đồng căn bản, Ấn Độ sẽ không liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ trong lãnh vực an ninh chiến lược. Hy vọng này như đã tan biến sau chuyến công du nước Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc. Trong bản thông cáo chung Mỹ Ấn, công bố hôm 30/09/2014 sau cuộc họp thượng đỉnh Obama-Modi, hai bên đã xác nhận rất nhiều điểm tương đồng chiến lược, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải, cụ thể là tại Biển Đông, một lời nhắn nhủ rõ ràng đối với Trung Quốc.
Điểm thu hút sự chú ý đầu tiên khi xem xét bản thông cáo chung Mỹ-Ấn vốn rất dài, là mối quan tâm rất lớn của hai nhà lãnh đạo đến quan hệ hợp tác trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Yếu tố có thể nói là nổi bật là cả hai bên đã nêu đích danh Biển Đông là một khu vực đang gây quan ngại.
Trong phần nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực đã được hai bên thảo luận, hai ông Barack Obama và Narendra Modi đã xác nhận là cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều cho rằng cần phải bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Cần bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không, « đặc biệt ở Biển Đông »
Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo đã : « Bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải đang gia tăng, và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh hàng hải và bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông ».
Theo bản thông cáo chung, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ đã « kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa dùng võ lực trong việc thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền…, kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Chuyên gia phân tích Ankit Panka, trên báo mạng The Diplomat số ra hôm nay, 02/10/2014, đã nhận xét một cách chính xác rằng với bản Thông cáo chung Mỹ-Ấn này, đây là lần đầu tiên cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ cùng nhau tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Ankit Panka, điều này cũng dễ hiểu vì từ khi Thủ tướng Modi lên cầm quyền ở New Delhi, Ấn Độ luôn luôn nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Quyết tâm dấn thân vào Biển Đông cũng được New Delhi thường xuyên khẳng định, mà ví dụ gần đây nhất là bản Thông cáo chung ký kết giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee với đối tác Việt Nam.
Theo chuyên gia Ankit Panka, dù không được nêu tên, nhưng đối tượng được kêu gọi chính là Trung Quốc. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, nước này thường xuyên bị tố cáo là đã có những động thái quyết đoán, thô bạo, bất chấp luật quốc tế, để ép buộc các nước tranh chấp khác tại Biển Đông là phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Mỹ-Ấn quyết định tăng cường hợp tác song phương và tay ba với Nhật
Không chỉ kêu gọi suông, hai lãnh đạo Mỹ-Ấn còn quyết định tăng cường hợp tác để bảo đảm tốt quyền tự do hàng hải. Bản Thông cáo chung đúc kết cuộc thảo luận Obama-Modi nêu rõ :
« Các lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh trên biển để đảm bảo quyền tự do hàng hải và quyền vận chuyển đường biển và giao thương hợp pháp mà không bị cản trở, theo các nguyên tắc được chấp nhận của luật pháp quốc tế ».
Một cách cụ thể hơn, để đạt được mục tiêu trên, Mỹ và Ấn Độ sẽ xem xét khả năng tăng cường năng lực của Hải quân Ấn Độ về mặt công nghệ, đồng thời nâng cấp các cuộc tập trận song phương Malabar hiện hữu.
Trong một động thái dứt khoát sẽ làm cho Trung Quốc không vui, hai ông Obama và Modi đã nhất trí là sẽ nâng cấp cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Ấn-Nhật. Cuộc đối thoại tay ba này sắp tới đây có thể được nâng lên cấp Ngoại trưởng.
Trọng Nghĩa
(RFI)

Sắp làm bác sĩ nhưng không biết ruột thừa ở đâu

PN - Chưa bao giờ người học có thể dễ dàng trở thành dược sĩ, y sĩ… như thời điểm này. Thí sinh thi đại học có điểm thi thấp hơn điểm sàn, thậm chí… không cần thi cũng được gọi trúng tuyển vào các ngành khoa học liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Tha hồ “hốt” thí sinh

Mới đây, hàng chục học viên tốt nghiệp lớp TCCN Dược của ĐH Nguyễn Tất Thành dù không tham gia kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi liên thông nhưng vẫn được nhà trường cấp giấy báo trúng tuyển vào học liên thông lên ĐH ngành này. Trong đó, hơn mười người đã làm thủ tục nhập học. Dù nhà trường lý giải là do sơ suất của nhân viên tuyển sinh, nhưng sự việc trên cho thấy sự dễ dãi trong tuyển sinh ngành y dược, đặc biệt ở các trường ngoài công lập.

Trường Đại học Y Dược TP.HCM là trường có điểm đầu vào rất gắt gao

Gần đây, các trường ĐH, CĐ, TC ngoài công lập đua nhau tuyển sinh các ngành khoa học sức khỏe từ điều dưỡng, y sĩ đến dược sĩ với mức điểm bằng điểm sàn do Bộ GD - ĐT đưa ra, thậm chí thấp hơn; mặc cho các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo hệ quả của sự dễ dãi nói trên sẽ khiến nguồn nhân lực ngành y ngày càng xuống cấp.

Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học ở khối B với điểm chuẩn bằng điểm sàn, riêng ngành dược khối A cũng lấy bằng điểm sàn là 13 điểm, khối B khá hơn với 16 điểm. Trường ĐH Võ Trường Toản ở tỉnh Hậu Giang đang thông báo tuyển sinh ngành dược khối A, B với mức điểm bằng điểm sàn. Ngành y đa khoa của Trường ĐH Võ Trường Toản tuyển sinh khối B với điểm tuyển cũng chỉ bằng sàn…

Thống kê cho thấy, tại TP.HCM có 27 cơ sở đào tạo nhóm ngành y dược, trong đó có tới 22 trường ngoài công lập. Có khoảng 70% sinh viên đến từ các tỉnh đang theo học nhóm ngành y dược. Trước số lượng ra trường ồ ạt với đủ thượng vàng hạ cám của nguồn nhân lực mới, sự cạnh tranh tìm chỗ làm trong ngành y tế trở nên căng thẳng.

Một chuyên viên tuyển sinh lý giải: “Cách đây vài năm, hễ trường nào có nhóm ngành y dược là trường đó dễ dàng tuyển sinh, kể cả bậc TC khó tuyển sinh thì chỉ cần có ngành điều dưỡng, cũng tha hồ “hốt” thí sinh. Vì vậy, đã xuất hiện “trào lưu” các trường đua nhau xin mở ngành y dược để đào tạo”.

Tại tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Lạc Hồng cũng tuyển sinh ngành dược ở khối A, B với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn. Năm 2014, nhanh chóng nắm bắt lợi thế tuyển sinh của ngành dược, một trường ĐH mới thành lập là Trường ĐH Công nghệ miền Đông, “hàng xóm” với Trường ĐH Lạc Hồng, cũng cấp tập tuyển sinh ngành này với mức xét tuyển gây “choáng”: chỉ từ 9,5 - 13 điểm, tùy theo khu vực và đối tượng ưu tiên.

Tương tự, Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ra thông báo xét tuyển bổ sung hai ngành dược, điều dưỡng với mức điểm nhận hồ sơ từ 11,5-13 điểm tùy khu vực. Ở bậc CĐ, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật miền Nam, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Bách Việt… cũng tuyển sinh ngành điều dưỡng, dược sĩ với mức điểm trúng tuyển chỉ bằng sàn, nếu có điểm ưu tiên khu vực, chỉ cần trung bình 3-4 điểm/môn đã đủ điều kiện vào học. Trong khi, điều kiện tối thiểu để một thí sinh đậu vào ngành dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2014 là phải từ 25 điểm trở lên.

Hỏi đến đâu ngơ ngác đến đó!

Các bác sĩ của nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM vẫn than thở về tình trạng sinh viên ngành y khi thực tập không biết đặt nội khí quản cho người bệnh, có cả trường hợp không biết ruột thừa ở đâu, đo huyết áp năm bảy lần mới được, lấy ven cho bệnh nhân trật lên trật xuống...

Dược sĩ N.P.H.H. (chủ một công ty dược, có hai nhà thuốc tại Q.4 và Q. Bình Thạnh) cho biết, rất nhiều học viên TC ngành dược tới gặp bà xin việc làm thêm, nhưng khi được hỏi vài điều cơ bản về dược lý, vài tên gốc thuốc thông dụng thì họ ngơ ngác.


Một tiết thực hành của sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Trần Huy

Chị L.H.P. (ngụ đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú) kể, khi chị đi mua thuốc bổ dành cho bà bầu, được nhân viên bán thuốc trẻ của một tiệm thuốc tây ở chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) tư vấn cần phải uống viên đa sinh tố Obimin Plus. Chị P. cẩn thận hỏi thuốc uống trước hay sau ăn, sáng hay chiều, cô bán thuốc cho biết thuốc bổ nên uống lúc nào cũng được. Báo hại chị một lần ngất xỉu tại nơi làm việc vì những cơn đau bụng khủng khiếp như… đau đẻ. Sau trận đau bụng đó, chị P. tìm hiểu và phát hiện: loại thuốc này không được uống khi đang đói vì có thể gây xuất huyết dạ dày.
GS-TS Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm Khoa Y ĐHQG TP.HCM kết luận ngắn gọn: “Việc đào tạo tràn lan như hiện nay là không ổn!”.

Trước tình trạng “thả nổi” đào tạo nhóm ngành y dược, một vị PGS-TS, từng là trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo: y dược là nhóm ngành đặc thù, do đó không thể đào tạo đại trà như các ngành nghề khác, nếu không sẽ để lại hậu quả nặng nề trong tương lai. Cần có quy trình đào tạo nghiêm ngặt, cơ sở vật chất đúng tầm và giảng viên có chuyên môn. Với đầu vào thấp như nhiều trường ngoài công lập đang tuyển sinh, rất khó để cho ra nhân lực lành nghề và đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, có rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ở các địa phương gửi về đào tạo, học hơn 10 năm vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp.

Tương tự, PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: chỉ cần nhìn “đầu vào” và cách thức tuyển sinh của một số trường thời gian qua có thể nhận thấy “đầu ra” ra sao. Y dược là một ngành đặc thù, nên khi tuyển sinh đại học thường ở các trường chính quy người ta lấy điểm đầu vào rất cao, phải là những người có học lực giỏi mới có khả năng trúng tuyển. Trong khi đó, một số trường thông báo tuyển sinh hệ TC, CĐ chỉ cần xét tuyển theo hồ sơ tốt nghiệp cấp III hoặc điểm sàn và gần như cứ nộp hồ sơ là đậu. Ngành y dược đã có thêm quy định về thâm niên khi liên thông, là ngoài việc thi tuyển thì điều kiện mà thí sinh muốn học liên thông cần phải có thâm niên làm việc. Tuy nhiên, hiện nay nhóm ngành y dược ở các trường ngoài công lập gần như không cần điều kiện này.

Không phải bây giờ các cơ quan quản lý mới nhìn thấy vấn đề này. Kết thúc mùa tuyển sinh 2013, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD - ĐT về thực tế có rất nhiều trường ngoài công lập, kể cả trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực ngành y tế. Bộ Y tế kiến nghị Bộ GD - ĐT giao chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành y dược cho các trường ngoài công lập cần căn cứ vào năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Bộ Y tế cũng khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với ngành điều dưỡng, dược sĩ và kiến nghị Bộ GD - ĐT hạn chế giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ngoài công lập. Thế nhưng, bức tranh tuyển sinh nhóm ngành y dược ở mùa tuyển sinh 2014 vẫn không mấy sáng sủa.
TIẾN ĐẠT - TIÊU HÀ
(Phụ nữ Thành phố)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét