Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

'Họ không thể giết hết chúng ta' - "They can't kill us all"

'Họ không thể giết hết chúng ta'

Nơ vàng trở thành biểu tượng của biểu tình tại Hong Kong
Giữa trung tâm thương mại Hong Kong, một khẩu hiệu thật lớn đến năm thước mỗi bề được hằng trăm bạn trẻ giương cao "They can't kill us all" (Họ không thể giết hết chúng ta).
Các bạn trẻ cũng thường xuyên hô vang "Họ không thể giết hết chúng ta" để nói lên quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Hong Kong một lãnh thổ thuộc Anh Quốc từ năm 1842 đã chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997 với quy định dân chúng Hong Kong được hưởng quy chế tự trị ít nhất 50 năm hay đến năm 2047.
Trong vòng 150 dưới sự quản lý của người ngọai quốc, người dân Hong Kong được cho là chỉ biết kiếm tiền, chỉ sống vì tiền và ở đây tiền là tất cả. Nay đã đổi khác.
Con ông cháu cha
Đầu năm 1989, khi đang học Cao Học tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc (Australian National University), tôi có dịp đã tiếp xúc với những sinh viên từ Trung Quốc ra hải ngọai để vận động cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, sau đó tôi đã giúp họ rất nhiều trong việc tổ chức biểu tình và ngọai vận nên cũng rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu.
Những người đứng đầu vận động đều thuộc thành phần “con ông cháu cha cộng sản” nên rất tự tin sẽ không bị đảng Cộng sản “tắm máu”. Điều này tôi đã công khai không tin ngay khi họ đưa ra chương trình.
Sau này mới biết chính con của Đại Sứ Trung Quốc tại Úc lúc ấy đã bị chết (mà không lấy được xác) tại Thiên An Môn.
Họ có tổ chức, có sửa sọan, có các thành phần từ Bộ Chính Trị hỗ trợ, rất ôn hòa, bất bạo động, biết chinh phục binh lính Trung Quốc…, nhưng vì quá lý tưởng và quá chủ quan nên đã thất bại.
Thành phần lãnh đạo sinh viên có thể cũng đã đánh giá sai sự hỗ trợ của những quốc gia Tây Phương, nên không vận động đúng mức.
Cùng lắm khi quân đội nổ súng thì ông Thủ tướng Úc Bob Hawke lúc bấy giờ chỉ rơi vài giọt nước mắt (khóc) và loan báo Úc sẽ nhận các sinh viên đang học tại Úc và sinh viên đã biểu tình tại Thiên An Môn nếu họ muốn xin tị nạn.
Thời điểm đã khác, hòan cảnh đã khác, địa điểm cũng khác và nhất là những người lãnh đạo đã khác nên xin chia sẻ một số nhận xét trong cuộc vận động lần này.
Quyền lợi và quyền lực
Đầu tiên là giới trẻ Hong Kong có nhận thức về chính trị hiểu rõ quyền lợi và quyền lực của họ khi dấn thân đấu tranh.
Một sinh viên Hong Kong cho báo chí biết, cô và gia đình rất sợ bị bắn chết như đã xảy ra tại Thiên An Môn nhưng không phải vì sợ mà cô sẽ phải hy sinh quyền được ứng cử và bầu cử tự do.
Chính vì sự sợ hãi khi cảnh sát tấn công các bạn trẻ đã giương cao và thường xuyên hô vang khẩu hiệu "Họ không thể giết hết chúng ta". Đó là một cách để các bạn duy trì trật tự và quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Các bạn trẻ rành công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo mạng xã hội như một phương tiện truyền thông chính yếu. Họ biết sử dụng các thiết bị mới nhất nên ngay cả việc cắt mạng hay cúp điện vẫn không bị ảnh hưởng.
Mỗi bạn trẻ đã trở thành một chiến sĩ thông tin cho nhau vì thế mặc dù bị tấn công họ đã chủ động được tình hình cho đến khi cảnh sát phải rút lui.
Mặc dù rất mệt mỏi có người cho biết đã ít ăn ít ngủ cả tuần nhưng tất cả luôn giữ trật tự hàng ngũ.
Dự tính trước cảnh sát sẽ xịt hơi cay và bắn lựu đạn cay các bạn đã sửa sọan áo mưa, đồ che mũi, khăn và nước. Khi cảnh sát bắn nước vào tất cả các bạn đã đồng lọat nằm xuống để tránh và lại ngồi dậy tiếp tục đấu tranh.
Các hình ảnh vừa đẹp vừa khí thế của các bạn đã được truyền đi tòan thế giới.
Thông tin cũng đã nhanh chóng tạo thành nhều cuộc biểu tình nhỏ ở các khu vực khác. Hằng ngàn người phong tỏa một con đường chính băng qua vịnh ở Mongkok, hằng ngàn người biểu tình ở Causeway buộc cảnh sát phải chia lực lượng và cuối cùng phải rút lui.
Về phía cảnh sát Hong Kong xem ra họ đã phải gượng gạo thi hành lệnh từ Bắc Kinh nhưng rất chuyên môn và không có những cảnh đánh người biểu tình như vẫn xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.
Một đặc điểm khác với các cuộc biểu tình tại Việt Nam là thay vì tập trung vào buổi sáng, tại Hong Kong tập trung vào buổi chiều tối như vậy sẽ có thêm người tham dự sau giờ làm. Nhiều người tham dự biểu tình không khác gì đi thăm khu phố trung ương.
Các hình ảnh về cung cấp lương thực và thức uống cho thấy mặc dù tự phát đòan biểu tình đã sinh họat trong tổ chức và có phân công công việc một cách rõ ràng.
Một hình ảnh khác đáng học hỏi là những người biểu tình luôn thu dọn vệ sinh các khu vực biểu tình và đưa ra trước công chúng nhiều khẩu hiệu xin lỗi đã làm cản trở giao thông hay cản trở công việc giao dịch.
Dù kiên quyết đấu tranh các bạn trẻ không lạc quan quá mức để tin rằng sẽ làm thay đổi quyết định của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng không phải vì thế mà họ không dấn thân cho nền dân chủ thật sự tại Hong Kong.
 
Người Hong Kong tiếp tục biểu tình đòi dân chủ
Thế giới hướng về
Tại tiểu bang Victoria mấy hôm nay, hàng trăm sinh viên học sinh đã tụ tập trước Thư Viện thành phố Melbourne để tỏ lòng ủng hộ tinh thần đấu tranh của người dân Hong Kong.
Tại Úc châu, ông Võ Trí Dũng chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc Châu cũng vừa đưa ra một Thông Báo Báo Chí:
“Thể chế cộng sản đã lấy đi tự do và dân chủ Việt Nam, vì thế chúng tôi rất đồng cảm với lập trường cương quyết của người Hong Kong. Người Hong Kong không thể cho phép nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh cướp đi quyền tự quyết của họ. Vì đó là khởi đầu để họ phải mất đi các quyền khác rồi mất đi tự do.”
Ông cho biết Cộng Đồng kêu gọi thế giới lên tiếng và đứng về phía của người dân Hồng Kông để tránh một cuộc đổ máu như đã xảy ra tại Thiên An Môn.
Ông kêu gọi người Việt ngày 1-10-2014 mặc áo vàng hay thắt nơ vàng để chứng tỏ sự đòan kết ủng hộ người dân và những người biểu tình tại Hong Kong.
Hai khẩu hiệu khác được sử dụng rộng rãi trong cuộc biểu tình là "Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc" (Down with the Chinese Communist Party) và "Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu!" (We want universal suffrage).
Thứ tư 1-10-2014 đã có hàng vạn người đổ về khu trung tâm và nếu không đạt được đòi hỏi người dân Hồng Kong sẽ tiếp tục đấu tranh, nền dân chủ Hong Kong sẽ mãi gắn liền với nền dân chủ tòan thế giới.
Nguyễn Quang Duy 
Gửi tới BBC từ Úc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Canberra, Úc.
(BBC)

Tập Cận Bình có thể là nhà cai trị cộng sản cuối cùng của Trung Quốc

Tại thời điểm này, Trung Quốc không thể đàm phán cũng không thể đàn áp cuộc biểu tình đang diễn ra.
http://img.giaoduc.net.vn/w500/Uploaded/doanphuc/2014_06_28/tapcanbinh.jpg

Cuộc biểu tình khổng lồ bóp nghẹt Hồng Kông trong nhiều ngày qua có những ý nghĩa vượt xa giới hạn của khu vực hành chính đặc biệt hơn 7 triệu người này. Với việc bác bỏ kế hoạch chỉ cho phép mộtcuộc bầu cử giả tạo người giám đốc điều hành Hồng Kông tiếp theo của Bắc Kinh, với việc huy động hàng chục ngàn người xuống đường trong vài ngày hành động, và với việc đưa ra được một biểu tượng hòa bình của sức đề kháng và kiềm chế (hình ảnh chiếc ô dù) trước mặt các phản ứng khiêu khích thái quá của cảnh sát, cuộc biểu tình do giới trẻ dẫn đầu đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng nhất với quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ sau vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn cách đây 25 năm.
Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông. Kể từ khi trở về với chủ quyền của Trung Quốc sau ách thống trị thực dân Anh vào năm 1997, Hồng Kông đã được hưởng quyền tự trị, tự do dân sự đáng kể theo nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống." Trong 17 năm qua, Hồng Kông đã kiên nhẫn chờ đợi Bắc Kinh thực hiện lời hứa về "tiến độ dần dần và trật tự"của Luật cơ bản trong "việc lựa chọn Giám đốc điều hành bằng phổ thông đầu phiếu theo đề nghị của một ủy ban đề cử phù hợp với các thủ tục dân chủ." Khi Bắc Kinh công bố rằng Hồng Kông "chưa sẵn sàng "cho cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2004 để bầu Giám đốc điều hành vào năm 2007, hoặc cơ quan lập pháp vào năm 2008, nhiều người Hồng Kông đã cay đắng thất vọng. Nhưng mọi người đã cố chờ đợi hy vọng cho năm 2012 hoặc chậm nhất là năm 2017.
Cuộc bùng nổ của sự phẫn nộ gần đây đã được thúc đẩy bởi quyết định muốn trì hoãn vô thời hạn ước mơ dân chủ tự quản ở Hồng Kông của Bắc Kinh, được công bố vào cuối tháng Tám. Hiện lãnh đạo Trung Quốc đã đưa lời giải thích theo phong cách Iran về "phổ thông đầu phiếu": tất cả mọi người có thể bỏ phiếu, nhưng chỉ dành cho các ứng cử viên đã được các nhà lãnh đạo phê duyệt. Thay vì "một quốc gia, hai hệ thống," Hồng Kông giờ là "một quốc gia, một chế độ chuyên chế," với sự gia tăng tập trung quyền lực về kinh tế và thu hẹp các phương tiện truyền thông, tự do học thuật.
Những người biểu tình Hồng Kông trẻ tuổi lo lắng về kinh tế, nhưng sự phẫn nộ về chính trị của họ còn hơn cả thế. Nhiều người,như Joshua Wong, nhà lãnh đạo sinh viên 17 tuổi, sinh ra sau cuộc bàn giao (Hồng Kông), lớn lên trong một xã hội thịnh vượng, cởi mở và sôi động tính dân sự. Họ lớn lên với tweeting và texting, xem dân chủ và tự quản là điều tự nhiên và là lời hứa có tính hiến định đối với mình. Nhiều người Hồng Kông lớn tuổi nhớ thời chế độ thực dân, và trân trọng các quyền tự do dân sự, các quy định pháp luật mà giờ đây đang bị xói mòn dưới sự kiểm soát chính trị và kinh tế kéo dài của Bắc Kinh. Không ai có thể biết bao nhiêu phần trăm dân số Hồng Kông sẽ sẵn sàng mạo hiểm nền thịnh vượng để tạo áp lực đến tận cùng cho các đòi hỏi dân chủ. Tuy nhiên, việc hàng trăm ngàn người biểu tình và những người thiện cảm đã cho thấy hành động không khoan nhượng chính trị của Bắc Kinh là mối đe dọa cho tương lai của Hồng Kông.
Đây là một cuộc khủng hoảng lẽ ra có thể tránh được. Trong những năm qua, nhiều ý tưởng sáng tạo đã từng có để thực hiện một "tiến độ dần dần và trật tự" đến dân chủ. Lẽ ra, lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc đã nên đàm phán với các nhà dân chủ ôn hòa Hồng Kông để từng bước mở rộng phạm vi của các ứng cử viên được phép tranh cử trong chức vụ Giám đốc điều hành, và di chuyển theo từng giai đoạn đến một cơ quan lập pháp hoàn toàn do trực tiếp đầu phiếu (30 trong 70 thành viên lập pháp hiện nay được bầu theo khu vực bầu cử giới hạn). Thỏa hiệp chính trị có thể tạo nên một phần đa số phổ biến chấp nhận sự tiến bộ phù hợp. Thay vì thế, những gì Hồng Kông có được không phải là các đàm phán, tiến bộ, mà là một áp đặt độc tài với lớp nguỵ trang qua loa của chủ quyền phổ biến.
Thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh là không chỉ đối với Hồng Kông, và cũng không phải chỉ với các cuộc biểu tìnhhiện nay. Đây là một cuộc đấu tranh cho tương lai của bản thân Trung Quốc. Chủ tịch Tập và các ông chủ của đảng đang héo hon với nỗi lo sợ rằng họ sẽ gặp số phận như Mikhail Gorbachev nếu không duy trì chặt chẽ, kiểm soát chính trị tập trung. Tập sẽ theo đuổi cải cách kinh tế. Ông ta sẽ cố gắng gột rửa một đảng và nhà nước tham nhũng trắng trợn (đồng thời cũng thanh trừng các đối thủ của mình trên đường đi). Tuy nhiên, cải cách chính trị, ngay cả là các thảo luận (rao giảng, tweeting) về các khái niệm như "giá trị phổ quát", "tự do ngôn luận", "xã hội dân sự" và "độc lập tư pháp đã bị loạibỏ
Trung Quốc đang thay đổi nhanh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cấp kỳ. Một xã hội dân sự cùng một thành phần kinhdoanh có đầu óc độc lập hơn đang dần tăng lên. Dân chúng hiện đang tranh luận về các vấn đề ấy thông qua phương tiện truyền thông xã hội, thậm chí ngay dưới sự kiểm soát của nhà nước. Tầng lớp trung lưu đang đi du lịch ra nước ngoài và được tiếp xúc với những ý tưởng dân chủ và tự do vốn nguy hiểm nhất là ở Đài Loan và Hồng Kông. Trớ trêu thay, trong tuần nàykhi Trung Quốc nghỉ lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh của mình (và là kỷ niệm 65 năm cuộcCách mạng Cộng sản ở Trung Quốc), nhiều người Trung Quốc lục địa đi nghỉ mát ở Hồng Kông đột nhiên được chứng kiến một hình thức cách mạng rất khác.
Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện đang kẹt trong cái bẫy của chính họ. Nếu tàn bạo đàn áp các cuộc biểu tình quần chúng, như từng làm trong một phần tư thế kỷ trước, họ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến tính hợp pháp quốc tế, phá hỏng mối quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan, và tiêudiệt cơ cấu dân sự của Hồng Kông. Nếu họ làm được những gì nên làm vài tháng trước đây - đàm phán – mà họ từng sợ sẽ bị xem là đầu hàng trước áp lực quần chúng, khiến sẽ khơi dậy thêm các chống đối trong một đất nước có hàng trăm cuộc biểu tình ở cấp địa phương nổ ra hàng ngày. Vì vậy, có lẽ họ sẽ chờ đợi, hy vọng các cuộc biểu tình sẽ tàn đi, trong khi vẫn giữ cái lựa chọn của việc sẽ liệng bỏ viên Giám đốc điều hành hiện tại, CY Leung vào thùng rác như một con dê tế thần.
Nếu các cuộc biểu tình vẫn tồn tại vàphát triển, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khủng khiếp, và họ cũng có thể lặp lại sai lầm bi thảm của năm 1989 Tuy nhiên,đây không phải là Trung Quốc của 25 năm trước. Tập Cận Bình có thể sẽ không còn có thể loại bỏ một xã hội dân sự đang nổi lên như vua Canute đã không thể điều khiển cơn thủy triều hạ xuống. Nhưng than ôi, vua Canute thì hiểu được các giới hạn tự nhiên đối với quyền lực của mình. Còn Tập Cận Bình có lẽ không được như thế, và đây là lý do tại sao ông cũng có thể là người cai trị cộng sản cuối cùng của Trung Quốc.
Larry Diamond - Times
Lê Quốc Tuấn dịch Việt ngữ
(FB. Lê Quốc Tuấn)

AFR Dân Nguyễn - Hong Kong ngày ấy, bây giờ…

“Our today is your tomorrow”!... (Hôm nay của chúng tôi, là ngày mai của quý vị!...).

Đó là một trong các khẩu hiệu mà thuyền nhân VN từng hô vang trong các trung tâm giam giữ tại Hong Kong hơn 20 năm về trước. Chẳng phải là một lời nguyền, cho dù những gì đang diễn ra những ngày này tại lãnh thổ Hong Kong (HK) đúng như cái khẩu hiệu kia cảnh báo. Đơn giản là thuyền nhân VN biết rằng sau năm 1997, lãnh thổ này bị trao trả về cho cộng sản Trung Quốc, thì sớm muộn, người dân HK cũng phải đối mặt với những vấn đề về dân chủ, nhân quyền…
Hàng nghìn sinh viên từ 24 trường đại học, cao đẳng tại Hồng Kông tham gia biểu tình. ảnh Diễn đàn doanh nghiệp

Những ngày đầu tháng 6 năm 1989.

Dòng xe ken kín đường phố Kowloon, còi bấm inh ỏi. Khi những chiếc xe chạy qua khu trại Shamsuipoo, những người trên xe đưa hai ngón tay hình chữ V về phía những con người từ xứ lạ đang ngơ ngác không hiểu điều gì diễn ra ngoài kia…

Đó là cuộc biểu tình của nhân dân HK ủng hộ cuộc đấu tranh của sinh viên Trung Quốc và phản đối cuộc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn. Hình ảnh người đàn ông mảnh mai mặc áo trắng tay không tấc sắt đứng chặn xe tăng của Quân giải phóng  nhân dân Trung Quốc được bình chọn là tấm ảnh đẹp nhất trong năm đó. Ngoài hình ảnh ấn tượng nhất đó, còn một hình ảnh đáng nhớ nữa được lưu vào “phần mềm Dân Chủ”, đó là hình ảnh xe tăng giày xéo người biểu tình, và máu loang bầm tím nhuộm đỏ quảng trường Thiên An Môn.

Rất nhiều sinh viên HK đang tham gia biểu tình hôm nay chỉ được biết tới sự kiện bi thương này từ lời kể cha mẹ, hay search trên mạng, vì khi sự kiện Thiên An Môn diễn ra, rất lâu sau những sinh viên này mới cất tiếng khóc chào đời…

Khi những con người VN khát khao tự do, vẫy chào các cây cột điện, để băng mình vào đêm tối, liều mình vật lộn với sóng biển đêm, là lúc họ mơ về HK, sứ sở của hứa hẹn những giấc mơ. Những thập niên 70, 80 thế kỷ trước, rất ít người VN biết đến vùng lãnh thổ này. Nhưng ai được biết đến sứ sở này qua những quyển họa báo, với những tòa nhà cao tầng, lung linh ánh sáng, tưởng như  chốn thiên đàng. Họ nhìn những tòa nhà, những đường phố lung linh đèn như sao sa không hề chớp mắt…

Lãnh thổ HK là một thương trường của thế giới. Nó phát triển nhanh và đạt tới sự thịnh vượng nhất nhì châu Á bởi hai lẽ: Từng là thuộc địa của một quốc gia văn minh bậc nhất hành tinh, hưởng trọn vẹn một nền dân chủ sâu rộng trong nhiều thập kỷ. Mặt khác cộng đồng dân cư là người Hoa, một sắc dân cần cù đoàn kết, trung thực, ghét trộm cắp và giỏi kinh doanh. Không riêng gì kinh doanh, có thể nói người Hoa giỏi tất cả các lĩnh vực…

Khi đặt chân tới “thiên đàng” này, ngỡ ngàng đầu tiên mà tôi có là khi tôi thấy cộng đồng dân cư ở đây là người Hoa (mà khi ở VN người ta vẫn gọi là “người Việt gốc tre”, có phần hơi kỳ thị); bởi vì trước đó tôi cứ ngỡ dân nơi đây phải là sắc dân khác. Thế rồi câu hỏi lẩn thẩn cứ vẩn vơ trong đầu tôi: Tại sao là người Hoa mà họ lại may mắn thế. Sao họ sướng thế. Cũng là người Hoa, nhưng ở bên Đại Lục chạy sang đây, lập tức bị bắt nhốt biệt lập, chờ ngày trả về cho Trung Quốc, mà không được hưởng quy chế thanh lọc chờ tái định cư như người Việt. Tôi lại lẩn thẩn đặt câu hỏi mà không thể trả lời: Tại sao cùng là người Hoa, mà hai kiếp người hoàn toàn trái ngược…

Khi những thuyền nhân VN đầu tiên cập bến HK, (khoảng những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, sau “sự kiện người Hoa”), thì lãnh thổ này đã đạt sự thịnh vượng chỉ đứng sau Nhật Bản. Về chuyện có thật mà ít người tin, ấy là khi người dân HK chuyển nhà, đồ dùng của họ, nhất là đồ điện còn tốt, đắt tiền bị bỏ lại. Thậm chí họ còn mất tiền thuê người dọn đồ như quạt điện, TV, tủ lạnh, bếp ga…ra bãi rác. Họ chỉ sách va-li ra khỏi nhà. Ngay nhiều người tỵ nạn khi có số bay đi định cư tại một nước thứ ba, giàu có kể như Canada, hay một nước châu Âu…cũng tranh thủ mua một số đồ từ HK để dùng sau này. Hàng “Pố Lồ”, (Hàng second hand, tức hàng đã qua sử dụng), nhiều thứ còn đẹp, còn tốt như hàng mới, nhưng bán rẻ như cho không, chỉ có tại HK và Nhật Bản. Những chuyến “buôn lậu” từ những đống rác này từ HK hay Nhật Bản đã khiến các tay thủy thủ VN một thời trở nên các “đại gia”, khiến người ta phát thèm…

Đã giàu có thịnh vượng thì phải văn minh, không muốn cũng không được! Các cụ ta từ xa xưa chẳng nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” là vậy. HK không chỉ giàu có, họ còn nhân văn. Giáo dục, y tế là những lĩnh vực mà người dân nơi đây tự hào. Người ta khó có thể tìm nơi nào khác hài lòng hơn trong việc học hành hay chăm sóc sức khỏe cho con cái và bản thân. Những trận đâm chém nhau giữa cộng đồng người Việt trong các trại cấm đã cung cấp khá nhiều việc cho các bệnh viện lớn nhỏ của HK. Những ca cấp cứu người Việt bằng trực thăng từ các trại ngoài đảo trong những trận đâm chém, được cứu sống mà ít người Việt nào tin được. “Chỉ cần chúng mày đừng đâm vào tim(!)”. Một bác sỹ HK đã nói vậy với người Việt. Có những nạn nhân bị đâm vài chục nhát, gần như nát cả cơ thể, nhát đâm nào cũng hiểm. Vậy mà chỉ sau hai ba tuần, nạn nhân đó đã xuất viện, “trở về Suriento” hồng hào hơn lúc còn ở VN với vợ con hay gia đình!... Có việc đó bởi có ba điều: Nền y khoa tân tiến với nhiều máy móc tối tân; sự cứu người vô tư, bất kể người đó là ai, cứu người như cứu hỏa, vì “thầy thuốc như mẹ hiền” (có lẽ thời gian ngắn ông HCM ở HK đã kịp dạy cho thầy thuốc HK “Lương y như từ mẫu”, nên giờ thuyền nhân VN mới được hưởng lợi!); và tính nhân đạo  của cả xã hội HK. Bản thân người viết bài này từng là một thuyền nhân trong trại cấm HK 8 năm. Một lần trong lúc lau rửa nhà, bị nước xà phòng bắn vào mắt, tôi thấy xót bên trong, nên đến clinic (trạm xá) trong trại khám. Thấy mắt tôi đỏ, và nghe tôi trình bày, nhân viên y tế đã gọi xe cấp cứu. Một xe Emergency 16 chỗ chỉ chở mình tôi, dông thẳng về bệnh viện trung tâm HK. Vào viện mắt lớn nhất, tôi được dẫn qua 5, 6 phòng khám. Bác sỹ nào cũng ân cần, tỷ mỷ khám, dù họ biết tôi là thuyền nhân VN, một kẻ trong số hàng trăm nghìn đang ngày đêm là gáng nặng cho xứ sở này… Sau đó về trại, tôi được bác sỹ căn dặn và cho thuốc. Đến ngày tái khám, loa trại réo số thẻ tôi nhiều lần tôi cũng không lên, vì thấy mắt mình đã khỏi. Gọi loa không kết quả, nhân viên y tế xuống tận phòng tìm gặp tôi. Khi biết tôi không muốn đi, nhân viên y tế khuyên mãi không được, cuối cùng đành nói với tôi: Mày không đi tái khám thì ký vào đây. Sau này mắt có sao đừng trách ai… Lần khác con trai tôi bị bệnh thoát vị từ VN, khi sang HK đi khám, bác sỹ cho giấy hẹn một năm sau đi mổ. Tôi ngỡ họ ghi nhầm thời gian. Họ không muốn nghe tôi hỏi hay thắc mắc, xua tay bắt tôi về trại để họ còn khám cho các bệnh nhân khác. Tôi hậm hực về phòng. Rồi đúng một năm sau họ réo trên loa số thẻ con trai tôi lên nhập viện đi mổ…Tôi đã quên béng, nhưng nhân viên y tế thì không!...
 Nói ra đôi điều về những gì tôi biết, hay cảm nhận về vùng lãnh thổ này, thật quá sơ sài. Hôm nay, những ngày này nhìn cuộc đấu tranh của HS, SV và nhân dân HK đòi dân chủ, tôi thấy nao nao, không nén nổi tiếng thở dài. Tôi bỗng liên hệ tới Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông của người Miền Nam, cũng là của người VN, mà ngậm ngùi nuối nhớ. Người Sài Gòn đã không thể xuống đường biểu tình vào cái thời khắc chiếc xe tăng made in China húc đổ cánh cổng dinh tổng thống, như dân HK đang làm hôm nay. Phải chăng dân trí người SG thấp hơn dân trí người HK? Hay người SG không cần dân chủ? Hay người SG nóng lòng, mơ ước được rước các chú bộ đội giải phóng từ rừng rú về tiếp quản? Hay người SG muốn sống với “bộ đội cụ Hồ” hơn với cảnh sát quốc gia? Hay vì người SG chưa được sống lâu với “tư bản giãy chết” hàng thế kỷ như dân HK, nên chưa ngấm mùi tư bản!? Không. Chắc chắn là không.

Người SG không xuống đường đòi dân chủ bởi vừa trải qua một cú quá shock, chứng kiến sự tháo chạy của đồng minh, sự tan rã nhanh chóng đến thảm hại của quân lực VNCH, và…có thể là cs VN quá thủ đoạn, quá tàn bạo…mà cũng có thể gồm tất cả những tác nhân đó cộng lại.

 Nhìn những cảnh sát HK hôm nay, tôi dám chắc đó không thể là cảnh sát Hoàng Gia khi xưa, những người thực sự gìn giữ an ninh cho lãnh thổ này được bình yên, thịnh vượng.

Ngay nhìn sắc phục thôi đã khác nhiều lắm rồi. Cảnh sát Hoàng Gia HK xưa, trước 1997 mặc bộ uniform màu xanh rêu thẫm, phẳng phiu, nai nịt gọn gàng. Họ, tất thảy trông béo tốt, khỏe mạnh, nhưng mặt lại rất hiền. Hiền tới mức khi đi tuần tra, gặp rebels (kẻ nổi loạn) trong các trại cấm phá rào tràn ra ngoài trong cuộc đốt phá trại White Head, họ không bắn, thậm chí còn bỏ cả ô tô chạy trốn. (Hệt cảnh những nhà nghiên cứu chạy trốn chú tê giác hay chú sư tử trong vườn quốc gia ở Phi châu, trong khi tay họ cầm súng. Họ không muốn làm tổn thương tới chúng, mà đành chấp nhận nguy hiểm).Tôi dám chắc, nếu cảnh sát bị tấn công, họ có quyền nổ súng. Và chỉ cần hạ gục hai hay ba kẻ nổi loạn, số còn lại sẽ bỏ chạy thục mạng. Tâm lý bầy đàn sẽ bộc lộ điểm yếu tức thì… Tuy nhiên, cảnh sát Hoàng Gia đã không hành động như vậy. Họ lui một quãng xa, nhìn những kẻ nổi loạn đốt xe của mình cháy ngùn ngụt…Có lẽ họ coi những thuyền nhân như những giống người thấp hèn ngu muội đáng thương, đáng được cảm thông, được che chở, hơn đáng trách, đáng đối đầu. Họ sẵn sàng thí chiếc xe, thậm chí thí cả danh dự, uy tính lẫy lừng của cảnh sát Hoàng Gia. Và có lẽ trên hết, họ ý thức sâu sắc mạng sống con người là vô giá, dù người đó là ai, từ đâu đến…Sứ sở văn minh rèn tập cho con người ta những suy nghĩ như vậy. Họ không thèm sài cái bảo bối “Chống người thi hành công vụ”.

Cảnh sát HK hôm nay- những người đang bắn hơi cay vào các sinh viên học sinh trong đoàn người biểu tình, nhìn họ ăn mặc nhầu nhĩ, ốm o, một số ảnh cận cảnh cho thấy khuôn mặt họ khiến tôi càng nghi ngờ hơn. Không lẽ họ được đưa từ Đại Lục sang? Điều đó là khó tin; Nhưng nếu họ chính là người HK, là citizen của lãnh thổ văn minh này, lại càng khó tin hơn. Có lẽ nào nền dân chủ của Anh QUốc  chưa hay không thể ngấm vào máu họ? Có lẽ nào trong 17 năm qua, kể từ ngày CS Trung Quốc lấy lại xứ sở này, đã kịp nhào nặn một lớp người phản dân chủ, phản nền văn minh mà phải mất hàng thế kỷ người ta mới có được!?. Tôi lại liên tưởng tới thành tích làm “tụt hậu hóa “Hòn Ngọc Viễn Đông” của CS VN, khiến những tp Bankok, Singapore, Cuala Lăm pơ “cho ăn khói” mà không cánh gì bám kịp bây giờ, chứ đừng nói vượt lên lấy lại vị trí quán quân từ “thời Mỹ Ngụy”!...

 “Viva freedom”. “Tả tảo cảnh sát sạt suỳn mần”. “Never go back to the Red”… Tự do muôn năm. Đả đảo cảnh sát đàn áp thuyền nhân. Thà chết không về với cộng sản VN… là những khẩu hiệu mà thuyền nhân trong các trại từng hô vang. Khẩu hiệu Ta, Tây, Tàu đủ cả. Cả tuyệt thực… nhằm đòi cho được công nhận là tỵ nạn để đi định cư nước thứ ba.

Nhớ lắm những trận cảnh sát HK bắn lựu đạn cay vào trong trại. Đàn bà, trẻ con khóc như ri. Đàn ông khỏe mạnh được giao nhiệm vụ chuẩn bị khăn ướt trùm lên quả đạn cay khi nó vừa bắn vào chưa kịp xì khói. Rồi khi đạn cay bắn cấp tập, khiến không thể làm gì khác là mạnh ai nấy chui rúc vào bất cứ đâu. Sở dĩ đàn bà con nít và hết thảy bị nếm mùi cay của thứ tear gas chẳng hề dễ chịu chút nào, cũng bởi đánh nhau, đâm chém liên miên. Được nuôi ăn mà không cả ngồi yên, còn gây sự…

Dù từng bị nếm trải nhiều lần khói cay của cảnh sát HK khi xưa, nhưng tôi không hề căm hận hay oán trách họ. Nhìn cảnh sát HK hôm nay, cũng bắn hơi cay, nhưng mục đích là khác. Tôi nhớ và nuối tiếc cho lãnh thổ HK đã không còn giữ được lực lượng cảnh sát Hoàng Gia đáng tự hào của họ.

Người SG đã không còn có chỗ để mà ra đi, để mà tầm trú, vì thế giới dường như đã quá mệt mỏi với dòng người tỵ nạn VN. Người SG đã buộc phải “Sống chung với lũ”…

Thế còn Hong Kong?
AFR Dân Nguyễn
  Oct/1st/2014
  (Quê Choa)

Bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải

LTS: Mới đây, tại diễn đàn Kinh tế mùa xuân do uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Trương Ðình Tuyển, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại, cho rằng “đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”. Ông Tuyển đưa ra nhận định “thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân sự” trong bối cảnh các diễn giả đang bàn thảo về cải cách thể chế, mở đường tiếp tục phát triển.
Bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải
  PGS.TS Ðặng Ngọc Dinh
                                                             
Phóng viên Người Ðô Thị trò chuyện với PGS.TS Ðặng Ngọc Dinh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhằm tìm hiểu rõ hơn tính chất và vai trò của xã hội dân sự (XHDS) trong bối cảnh hiện nay. 
 Năm 2006, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông nói “Ðừng sợ xã hội dân sự”. Tám năm qua, xã hội dân sự của chúng ta đã phát triển hay thụt lùi và tác động của nó đối với sự phát triển chung hiện ra sao, thưa ông?
Trước hết, ta cần nhắc lại một vài khái niệm: XHDS là các tổ chức xã hội nằm ở khu vực ngoài nhà nước, ngoài gia đình và ngoài doanh nghiệp, ở đó người dân tự nguyện kết nối với nhau vì những quyền lợi chung. Một thành phần quan trọng của XHDS là các hội, hiệp hội, các tổ chức tự nguyện trong dân chúng, từ làng xóm đến đô thị, mang tính chất liên kết cộng đồng.
Một xã hội muốn phát triển bền vững, cần được vận hành theo một thể chế dựa trên “chiếc kiềng” ba chân: nhà nước, thị trường và XHDS. Nhà nước vận hành theo luật pháp; thị trường theo lợi nhuận; còn XHDS vận hành theo sự liên kết tự nguyện và dựa trên đạo lý, nhân văn.
Ở Việt Nam đã và đang tồn tại XHDS, mà điển hình là các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức dựa trên cộng đồng (CBOs). Tuy nhiên, có câu hỏi thường đặt ra là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng (hội Nông dân, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh…) ở Việt Nam có thuộc XHDS không?
Theo định nghĩa trên đây thì câu trả lời có thể là các tổ chức này có tính chất đặc biệt: vừa mang tính XHDS (tính xã hội: liên kết người dân, phản ánh nguyện vọng người dân), vừa mang tính chính trị (đặt nặng chức năng “vận động” người dân thực thi các chính sách của nhà nước).
Với cách hiểu như trên, XHDS ở Việt Nam đã có những bước phát triển trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động thực tiễn và có tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội. Ngoài những hoạt động thường xuyên và tích cực của các tổ chức NGO, đặc biệt là các NGO thuộc liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), một vài dự án phát triển như “Thúc đẩy sự tương tác hiệu quả giữa Quốc hội và tổ chức xã hội” nhằm góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của các cơ chế tương tác giữa tổ chức xã hội và Quốc hội, hoặc dự án “Con đường tham gia” (2011) nhằm nâng cao năng lực và vị trí của XHDS trong cung cấp các dịch vụ chống căn bệnh HIV tại cộng đồng…
Tuy nhiên, có một hiện trạng là trong những năm gần đây, nếu hoạt động của XHDS ở nước ta có phong phú, tích cực hơn, thì ở khía cạnh “thể chế” lại chưa đạt được những tiến bộ tương ứng. Luật về hội (một thành phần cơ bản của XHDS) vẫn chưa được ban hành.
Khi ông đặt vấn đề “đừng sợ”, nghĩa là đã có những lo sợ, mà sự phát triển của xã hội dân sự thì có tính quy luật. Vì sao chúng ta lại sợ một “quy luật”? Làm thế nào để hoá giải nỗi sợ này?
Đến nay, ở Việt Nam, trên các văn bản chính thống (của các cơ quan nhà nước và truyền thông quốc gia) XHDS hình như vẫn là vấn đề “nhạy cảm”, chưa được bàn luận một cách cởi mở. Đó là do còn nghi ngại về vai trò và mối quan hệ giữa XHDS và nhà nước. XHDS có thể hoạt động với vai trò thể hiện trong một “dãy” các vị trí từ (1) đến (6) (theo nhà nghiên cứu Hannah 2003).
Trong đó: (1) là vị trí mà XHDS gần như là một tổ chức nhà nước, vận động người dân thực thi các chính sách của nhà nước” (vì vậy ở vị trí này XHDS được gọi là “cánh tay nối dài” hoặc “cái bóng” của nhà nước); (2) Vận động chính sách: XHDS hoạt động để chính sách được hoàn thiện và thực thi hiệu quả; (3) Vận động “hành lang” (lobby), XHDS cố gắng hoạt động nhằm thay đổi chính sách theo chiều hướng có lợi cho người dân; (4) Giám sát, ở vị trí này XHDS tiến hành những hoạt động giám sát việc thực thi chính sách, phản biện chính sách, chống tham nhũng trong xã hội.
Đây là vị trí thể hiện vai trò XHDS một cách tích cực nhất, tác động hiệu quả nhất của XHDS đến xã hội. Tiếp theo (5) và (6) là hai vị trí mà nhà nước coi là XHDS mang tính tiêu cực, và không khuyến khích, trong đó (5): vai trò của XHDS trong chức năng đối lập (ngôn luận trái chiều, những chỉ trích của công chúng về chính sách); và (6): vai trò của XHDS thể hiện trong việc vận động công chúng kháng cự lại chế độ (bất tuân chính quyền).
Người dân không bao giờ muốn “chỉ trích”, “bất tuân chính quyền” vì bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải, mang tính nhân văn, đạo đức. Qua dãy các vị trí của XHDS và mối quan hệ với nhà nước nêu trên đây, hoàn toàn hiểu được tại sao chính quyền chưa vượt qua được “nỗi sợ” XHDS, lo rằng XHDS chỉ là hoạt động ở vị trí (5) và (6)! Tuy nhiên, nên thấy rằng, người dân không bao giờ muốn “chỉ trích”, “bất tuân chính quyền” vì bản chất của XHDS là đối thoại, hoá giải, mang tính nhân văn, đạo đức.
Dù có “thừa nhận” hay không thì XHDS vẫn đang tồn tại dưới dạng này hay dạng khác. Có lẽ vấn đề “thừa nhận” mà ông Tuyển đặt ra liên quan đến khuôn khổ pháp luật, làm nhiều người nghĩ đến dự án luật về hội dang dở mười mấy năm qua hay nhu cầu bức thiết về một luật biểu tình chưa được đáp ứng. Theo ông, vấn đề “thừa nhận” nên được hiểu và hành động như thế nào? Tác động đối với xã hội nói chung và với bản thân XHDS nói riêng nếu chúng ta thừa nhận hay không thừa nhận?
Tất nhiên, sự “thừa nhận” tốt nhất, tối ưu là thông qua thể chế (ban hành luật về hội), khi đó sẽ rất thuận lợi và “song phẳng” cho hoạt động của XHDS; trong đó, nhà nước quy định pháp luật rõ ràng để XHDS tuân thủ; XHDS giám sát để nhà nước không bị mua chuộc bởi thị trường, và khuyến khích thị trường mang tính xã hội, nhân bản.
Một khi hoạt động của XHDS được thể chế hoá, nhà nước và xã hội sẽ khai thác được những mặt tích cực của XHDS (vị trí 1, 2, 3, 4 đã trình bày) và khắc phục, hạn chế hoặc loại bỏ những mặt tiêu cực của XHDS (vị trí 5 và 6).
Để thúc đẩy quá trình “thừa nhận” XHDS bằng thể chế, những hoạt động từ nghiên cứu, đào tạo đến thực tiễn cần xúc tiến nhiều hơn, nhằm phân tích những măt tích cực/tiêu cực của XHDS (đặc biệt những mặt tích cực trong bối cảnh Việt Nam, một quốc gia có truyền thống liên kết, hỗ trợ, “đùm bọc” trong người dân, từ làng quê đến đô thị); tiến hành nhiều hơn những hoạt động của XHDS theo các vị trí (1) đến (4), từ góp phần xoá nghèo, hoàn thiện chính sách, đến giám sát, phản biện xã hội.
 Lê Vy thực hiện 
Xã hội công dân là tất yếu
… Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất những khuyến nghị sau:
“Thứ nhất là, cần phải thiết lập đồng bộ ba yếu tố kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội công dân ở nước ta. Hiện nay chúng ta đang xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; và tất yếu cũng phải xây dựng xã hội công dân của nhân dân… Trong di sản lý luận của C.Mác: xã hội công dân là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử.
Xã hội công dân là lĩnh vực đời sống xã hội được tổ chức một cách tự nguyên, tự chủ và tự quyết, độc lập với nhà nước và được ràng buộc bởi những quy định hoặc hệ thống luật lệ chung. Xã hội công dân là môi trường thực hiện dân chủ, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia vào đời sống xã hội và củng cố, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Xã hội công dân được hình thành và phát triển còn hỗ trợ, phối hợp với nhà nước thực hiện những chức năng xã hội mà nhà nước không làm được hoặc thực hiện không có hiệu quả. Mặt khác, nó lại phản biện, giám sát nhà nước, hạn chế sự lạm quyền, chuyên quyền của nhà nước.
Để hình thành xã hội công dân, trước hết cần xác định rõ phạm vi quyền lực, chức năng của nhà nước, phạm vi các quyền tự do cá nhân, còn khoảng trống giữa cá nhân và nhà nước chính là phạm vi của xã hội công dân. Những năm trước đây chúng ta đã thiết lập hệ thống chính trị mà quyền lực của Đảng và Nhà nước dường như bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, ngay cả trong lĩnh vực đoàn thể nhân dân (phi nhà nước) cũng mang tính chất hành chính nhà nước, còn cá nhân thì mờ nhạt đi, gần như hoà tan trong cộng đồng xã hội…
Để hình thành xã hội công dân, cần khuyến khích phát triển các hội, các đoàn thể tự nguyện, tự chủ, tự quản, đảm nhận những chức năng xã hội như: từ thiện, nhân đạo; giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nâng cao nghề nghiệp; đảm bảo môi sinh, môi trường, an ninh xã hội…; khôi phục những mặt tích cực của các thiết chế tự quản truyền thống như thiết chế làng xã, phường hội… Nhưng quan trọng là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân… Khắc phục tính chất hành chính nhà nước của các tổ chức này và nhằm nâng cao tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự quyết trong tổ chức và hoạt động…”.
 (Trích khuyến nghị trong đề tài nghiên cứu “Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới”,  do TS. Tô Huy Rứa làm chủ biên, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia 2008)
 (Người Đô Thị)

Chivas USA ra sao sau khi về tay con rể Nguyễn Tấn Dũng

LOS ANGELES (NV) - Như báo Người Việt đã loan, đội bóng câu lạc bộ Chivas USA của giải vô địch bóng tròn nhà nghề MLS Hoa Kỳ, sẽ chính thức có nhóm chủ nhân mới, mua lại từ MLS, với giá ít nhất $100 triệu.



Ðội bóng Chivas USA (hàng phải) ra sân trong một trận đấu tại StubHub Center, Carson, California. (Hình: Yahoo/Sports)
 
Nhóm chủ nhân mới này gồm có, Henry Nguyễn (tức Nguyễn Bảo Hoàng) con rể của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, có cổ phần nhiều nhất; Guber là nhà sản xuất Hollywood và đồng chủ nhân của đội bóng baseball Los Angeles Dodgers và Golden State Warriors; Vincent Tan, người Malaysia, chủ nhân đội bóng tròn Cardiff City, vừa bị rớt hạng từ Premier League trong mùa vừa qua; và Penn là cựu giám đốc điều hành NBA đồng thời là chuyên viên phân tích từng làm việc với hệ thống truyền hình thể thao ESPN.

Số tiền $100 triệu mà nhóm bốn chủ nhân mới bỏ ra, chỉ là mua lại thương hiệu đội bóng Chivas USA.

Theo điều khoản trong hợp đồng được tiết lộ, sau khi mua lại, Chivas USA sẽ tạm ngưng hoạt động trong thời gian ít nhất hai năm để được tái xây dựng trở lại với tên tuổi mới cùng với sân vận động mới.

Vấn đề vẫn chưa được biết rõ là theo điều lệ của MLS, mỗi đội bóng mới gia nhập sẽ phải đóng một số tiền lệ phí (có thể được gọi là tiền ký quỹ) để được thi đấu, như đội tân binh trong mùa bóng MLS 2015, New York City FC, đã đóng số tiền phí kỷ lục $100 triệu.

Vậy trong trường hợp của đội bóng mới Chivas USA có phải đóng số tiền này không vẫn chưa được rõ ràng. Nếu nhóm chủ nhân mới của Chivas USA phải đóng thêm tiền lệ phí này chắc chắn số tiền sẽ lớn hơn con số $100 triệu rất nhiều, không kể tiền xây dựng sân mới...

Cũng theo những nguồn tin thân cận của tạp chí thể thao SI cho biết có hai địa điểm được nhóm chủ nhân này quan tâm xây dựng sân vận động mới là ở khu thương mại Los Angeles (không xa Staples Center) và gần trường đua Hollywood Park. Một địa điểm khác cũng có thể được chọn là gần Los Angeles Sports Arena.

Ngoài ra vấn đề tồn tại khác là tình trạng các cầu thủ hiện nay thi đấu cho đội Chivas USA cũng như các cầu thủ trong học viện đào tạo của đội này sẽ ra sao?

Có thể có sự can thiệp của MLS để giải quyết bằng việc cho các đội bóng khác trong MLS được chọn lựa theo thể thức draft (chọn cầu thủ từ các đội bóng của MLS).

Trong năm 2002, đã có hai lần chọn cầu thủ khác nhau tiếp theo sau việc hai đội bóng Tampa Bay Mutiny và Miami Fusion bỏ cuộc chơi. Bấy giờ 10 đội còn lại, mỗi đội có thể được chọn nhiều nhất bốn cầu thủ qua hình thức SuperDraft. Và điều không rõ là nếu việc chọn cầu thủ diễn ra, có ảnh hưởng đến hai đội bóng mới là New York City FC và Orlando City hay không.

Ðược biết, Chivas USA là đội bóng anh em của đội C.D. Guadalajara nổi tiếng tại Mexico. Ðặt bản doanh tại thành phố Carson, khu vực ngoại ô của Los Angeles, bắt đầu tham dự giải Major League Soccer (MLS) từ năm 2004, trở thành đội thứ 11 của giải này. Chivas USA mượn sân StubHub Center ở Carson làm sân nhà, cùng sân với đội Los Angeles Galaxy.

Chủ nhân ban đầu của Chivas USA là ông Jorge Vergara (cũng là chủ nhân của đội C.D. Guadalajara). Do thành tích thi đấu kém trong những mùa bóng vừa qua, khiến cho số lượng khán giả ngày càng ít ỏi nên ông Jorge Vergara không kham nổi phải buông tay và trong đầu năm 2014, giới lãnh đạo MLS đã mua lại đội này.

Logo đội bóng Chivas USA.

Chơi cùng sân nhà nhưng Chivas USA từ bấy lâu nay chỉ được xem như là cái bóng của đối thủ Los Angeles Galaxy. Mùa này, trong 30 trận thi đấu, Chivas USA chỉ thắng 6, hòa 6 và thua đến 18 trận.

Sẽ có cầu thủ từ Việt Nam sang tham dự MLS? 
 
Dù muốn hay không việc ông Henry Nguyễn chiếm đa số cổ phần trong nhóm chủ nhân mới của đội Chivas USA khiến cho nhiều người liên tưởng đến sự kiện trong tương lai là sẽ có một số cầu thủ đủ điều kiện có cơ hội sang Mỹ chơi cho đội bóng này.

Chẳng hạn như trường hợp trong quá khứ, khi cựu Thủ Tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từng mua lại một đội bóng chơi giải Premier League ở Anh, rồi đưa ba cầu thủ Thái sang đá đội này. Tiếc rằng ông Thaksin sau thời gian ngắn đã bán lại cổ phần của mình nên cả ba cầu thủ Thái Lan này không có cơ hội ra sân.

Ðặc biệt lứa cầu thủ đội tuyển U19 Việt Nam mà phần lớn xuất thân từ học viện GMG - Hoàng Anh Gia Lai Arsenal của ông bầu Ðoàn Nguyên Ðức. Mục đích của học viện này là đào tạo cầu thủ sau này có thể thi đấu cho các đội bóng ở nước ngoài từ Châu Âu đến Châu Á như Nhật, Nam Hàn...

Vì thế việc ông Henry Nguyễn mua đội bóng rất có thể - dù chỉ là dự đoán - liên hệ đến sự hỗ trợ hoặc đóng góp đằng sau của ông Ðoàn Nguyễn Ðức nếu không nói thêm là có thể có một vài nhân vật giàu có tiếng tăm trong giới thể thao Việt Nam khác nữa.

Việc lứa cầu thủ đội tuyển U19 Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Ðông Triều, Duy Mạnh...nếu phát triển kỹ thuật và thể lực được thuận lợi và thành công thì việc chơi cho bất kỳ đội bóng nào tại giải MLS Hoa Kỳ cũng là điều bình thường.

Ðiển hình là trường hợp cầu thủ Mỹ gốc Việt 100% Lee Nguyễn (Nguyễn Thế Anh), từng thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai, rồi đến Bình Dương sau đó trở lại Mỹ chơi cho đội bóng New England kể từ mùa bóng 2012 đến nay và hiện trở thành một trong năm cầu thủ được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trong năm 2014.

Lee Nguyễn khi còn thi đấu cho đội Bình Dương, từng gia nhập quốc tịch Việt Nam với ý định sẽ thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam nhưng sau đó bị VFF thời điểm này tảng lờ nên đành rút về lại Hoa Kỳ.

Hơn nữa cần nói thêm việc có một chủ nhân đội bóng là người Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho việc đem một số cầu thủ đủ điều kiện từ Việt Nam sang chơi cho MLS, Hoa Kỳ.

Qua những nhận xét và dự đoán nói trên, có thể nói mọi việc đều có thể xảy ra và dĩ nhiên, việc ông Henry Nguyễn góp tiền mua đội bóng Chivas USA cũng nằm trong mục đích đầu tư, đánh bóng tên tuổi và thương hiệu của mình.
(Người Việt)

Ba viên chức Nhật Bản nhận tội hối lộ quan chức Việt Nam

TOKYO (NV) .- Ba viên chức cao cấp của công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã nhận tội hối lộ cho các quan chức nhà nước CSVN, Indonesia và Uzbekistan để được ưu tiên giành hợp đồng.
Theo hãng tin Kyodo News hôm Thứ Tư 1/10/2014, ông Tamio Kakinuma (cựu Chủ tịch JTC, 65 tuổi), cựu giám đốc JTC, Tatsuro Wada (67 tuổi) và cựu cố vấn JTC là Koji Ikeda (58 tuổi) đã nhận tội trong phiên xét xử đầu tiên về vụ làm ăn bất hợp pháp này tại một tòa án ở thủ đô Tokyo.
Trong bản tuyên bố mở đầu phiên tòa, các công tố viên nói rằng các viên chức địa phương của các nước nói trên đã vòi viên chức JTC phải hối lộ mới có hợp đồng và rằng các bị cáo kể trên vẫn tiếp tục đưa hối lộ dù số tiền mặt bất minh đó đã bị viên chức sở thuế chính phủ Nhật khám phá hồi năm ngoái. Việc này đã làm cho công ty JTC lục đục trong nội bộ.

Lúc ban đầu khi tin tức bị báo Yomiuri Shimbun xì ra ngày 21/3/2014, số tiền hối lộ cho các quan chức Cục Đường Sắt CSVN là khoảng 80 triệu yen hay gần $800,000. Nhưng trong bản tin ngày 1/10/2014, công tố viên nói rằng số tiền hối lộ cho một số quan chức Cục Đường Sắt CSVN là khoảng 70 triệu yen hay khoảng $640,000 trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2009 đến năm 2014.
Cơ quan thuế vụ Nhật Bản đã khám phá ra vụ hối lộ này từ Tháng Tư 2013 và buộc JTC phải nộp các khoản thuế còn thiếu nhưng mãi một năm sau công chúng mới biến đến vụ việc.
Báo chí Nhật đưa tin dẫn đến các cuộc điều tra nội bộ của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN. Bộ này ngày 27/3/2014 thành lập “tổ kiểm tra xác minh nghi án hối lộ 80 triệu yen của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.”
Ban đầu, các ông cầm đầu Cục Đường Sắt CSVN viết bản tường trình trả lời các ông quan thanh tra của ngành đường sắt quốc doanh rằng họ cam đoan “không dính líu đến tiêu cực cũng như tiếp tay cho hành vi hối lộ, nhận tiền của JTC”.
Qua các cuộc họp với phía Nhật và bị thông báo cắt viện trợ, nhà cầm quyền Việt Nam đã miễn cưỡng tống giam Trần Văn Lục, giám đốc ban quản lý dự án đường sắt của Tổng Công Ty Đường Sắt, sau đó bắt thêm một số người khác gồm cả phó tổng giám đốc Trần Quốc Đông, và ba viên chức cao cấp của Ban quản lý các dự án đường sắt là Phạm Quang Duy, Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái. Tổng cộng có 6 người hiện đang bị giam giữ, chờ xem phía Nhật kết án các viên chức ở JTC ra sao rồi mới tính.
Trước những chỉ trích của chính phủ Nhật về tình trạng tham nhũng, vòi vĩnh hối lộ của các chức sắc, chế độ Hà Nội đã nhiều lần thề thốt “coi trọng và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật Bản”. Nhưng vụ việc xảy ra ở Tổng Công Ty Đường Sắt quốc doanh không phải là lần đầu tiên và không phải lần đầu tiên Hà Nội thề thốt như thế.
Vụ tai tiếng ăn hối lộ của nhà thầu tư vấn Nhật PCI xây dựng dự án xa lộ Đông Tây ở Sài Gòn số tiền khoảng $820,000 hồi năm 2008 đã đem hai ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả vào tù. Hai ông này cũng chỉ bị truy tố khi chính phủ Nhật loan báo ngừng giải ngân cho các dự án đang thực hiện dở dang với ODA của Nhật.
Ngày 2/6/2014, Chính phủ Nhật Bản thông báo tạm đình chỉ cấp mới vốn vay ODA để tập trung giải quyết vụ việc Công ty Tư vấn xây dựng đường sắt Công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) (có trụ sở ở Tokyo) hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam. Đại diện hai nước đã mở cuộc họp về phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của Nhật Bản hôm 24/6/2014.
Để nối lại việc tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng cho Việt Nam, chính phủ Nhật buộc Hà Nội phải đưa ra giải pháp phòng chống tham nhũng mới, áp dụng cho tất cả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.
Luật chống cạnh tranh không bình đẳng có từ năm 1993 của nước Nhật cấm cung cấp tiền hoặc bổng lộc cho các quan chức nước ngoài. Nếu vi phạm sẽ bị kết án đến 5 năm tù và tiền phạt 5 triệu yen (khoảng $45,000), theo hãng tin Kyodo.
(Người Việt)

VN 'cần đổi thể chế' để mua vũ khí?

 
Bộ trưởng Ngoại giao VN nói về quan hệ Mỹ - Việt tại Asia Society, New York hôm 24/9
Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh tới Hoa Kỳ, một báo Mỹ viết về khả năng giải quyết vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu nước này 'cải tổ thể chế'.
Nhưng điều được cho là gắn kết và thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt là cách nhìn chiến lược về an ninh khu vực.
Bài của John Grady trên trang USNI hôm 1/10/2014 trích lời ông Chris Borse, cố vấn an ninh quốc gia cho Thượng nghị sỹ John McCain nói rằng:
"Quyền lợi chiến lược trực tiếp của hai nước là an ninh hàng hải,"
Bài báo cũng trích lời ông Borse cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với bên Hành pháp để thông qua nghị quyết bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu Việt Nam "chứng tỏ cho thấy thay đổi về cơ chế" và ý chí "xóa bỏ việc sử dùng quyền lực tùy tiện" chống lại các nhà bất đồng chính kiến.
Nhu cầu cải cách hệ thống tư pháp cũng là một trong những yêu cầu Hoa Kỳ đặt ra với Việt Nam.
Việt Nam cần chứng tỏ cho thấy thay đổi về cơ chế và có ý chí xóa bỏ việc sử dùng quyền lực tùy tiện chống lại các nhà bất đồng chính kiến
Bài báo cũng nhắc lại lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Viện nghiên cứu CSIS hôm thứ Tư ở Washington DC rằng "Chưa có hai quốc gia nào nỗ lực hơn Hoa Kỳ và Việt Nam để khắc phục các khác biệt".
Nhắc lại các ưu điểm của Việt Bam và quan hệ ngày càng tiến triển với Hoa Kỳ kể từ khi quan hệ ngoại giao song phương được thiết lập năm 1995, ông Phạm Bình Minh cũng nói các ký kết với Mỹ "không làm tổn hại quan hệ của Việt Nam với các nước khác, gồm cả Trung Quốc", theo bài báo.
Tác giả John Grady cũng đưa tin rằng theo giới quan sát tại Mỹ, việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không phụ thuộc vào chuyệ̉n 'một đổi một' về con số cụ thể bao nhiêu nhà bất đồng chính kiến được Hà Nội thả, hay bao nhiêu vũ khí sẽ được bán, mà vào tiến triển chung về nhân quyền.
Ông Phạm Bình Minh dự kiến có cuộc hội đàm với ông John Kerry
Trong chuyến thăm từ cuối tháng 9 sang Bắc Mỹ, ông Phạm Bình Minh đã nói nước ông "hoan nghênh các bước đi của Mỹ tiến tới chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam", theo các báo Việt Nam.
Hôm 24/9, ông đã đọc diễn văn tại Asia Society nói về các nét chính trong quan hệ Mỹ - Việt và mở đầu cuộc vận động nhằm để Washington bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Sau khi phát biểu tại Liên hiệp quốc hôm 27/9 ở New York và có các cuộc họp cao cấp, ông Phạm Bình Minh thăm Canada.
Ông đã trở lại Washington DC, Hoa Kỳ, nơi ông dự kiến có hội đàm với người tương nhiệm Mỹ John Kerry vào tuần này.
(BBC)

VN kêu gọi Bắc Hàn từ bỏ hạt nhân

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam đã hòa giọng cùng nữ Tổng thống Park Geun-hye của Nam Hàn kêu gọi Bắc Hàn thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân, hãng tin Yonhap dẫn thông cáo chung được đưa ra sau cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo cho biết.
Ông Trọng đang có chuyến thăm chính thức Seoul từ ngày 1 đến ngày 4/10.
Ngoài ra hai nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc đàm phán thỏa thuận tự do thương mại trong năm nay.

‘Không thể dung thứ’
Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm vào thứ Năm ngày 2/10, bà Park nói và bà và ông Trọng cùng chia sẻ quan điểm rằng ‘việc Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không thể dung thứ’, cũng theo Yonhap.
Văn phòng của bà Park nói rằng lời kêu gọi của ông Trọng và bà Park sẽ gửi đi ‘một thông điệp mạnh mẽ’ đến với Bắc Hàn.
Hà Nội có quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950.
Trước đó, ông Trọng đã trả lời phỏng vấn của hãng Yonhap trước thềm chuyến thăm rằng Việt Nam ‘trong khả năng có thể, sẵn sàng tham gia, tích cực đóng góp xây dựng vào quá trình cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên’.
“Là một dân tộc đã trải qua và từng chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, bị chia cắt, hơn ai hết nhân dân Việt Nam thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ nguyện vọng chính đáng, thiết tha của nhân dân hai miền Triều Tiên về hòa bình thống nhất đất nước,” ông Trọng nói.
Sau cuộc hội đàm Ông Trọng và bà Park đã chứng kiến các quan chức hai nước ký kết bản ghi nhớ hợp tác tài chính trị giá 12 tỷ đô la Mỹ – một động thái mà Seoul cho rằng sẽ giúp các công ty Nam Hàn giành được những dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Việt Nam.
Hãng tin Yonhap cho biết các công ty Nam Hàn đang hy vọng giành được bốn dự án lớn về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, trong đó có dự án xây dựng đường sắt giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang trị giá 7,1 tỷ đô la Mỹ.
“Hai nhà lãnh đạo chúng tôi nhất trí rằng sự tham gia của các công ty Hàn Quốc trong các dự án hạ tầng lớn sẽ đóng góp vào sự phá triển kinh tế của hai nước,” bà Park được dẫn lời nói trong cuộc họp báo chung với ông Trọng.
21 phát đại bác
Hàn Quốc đã giành cho ông Trọng sự đón tiếp trọng thị
Trước đó, nước chủ nhà đã bắn 21 phát đại bác chào mừng khi ông Trọng đến sân bay của họ, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín của Nam Hàn với kim ngạch hai chiều đạt 28,2 tỷ đô la Mỹ trong năm 2013, theo số liệu thống kê chính thức.
Còn Nam Hàn hiện là nhà đầu tư thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì Tổng bí thư Trọng và Tổng thống Park đã ‘trao đổi về các giải pháp lớn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước.
Trong các giải pháp đó có tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả của các cơ chế đối thoại chiến lược, đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng...
Bà Park Geun-hye nói với ông Trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư và hoạt động ở Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng, giao thông, tài chính, ngân hàng..
Bà cũng hứa chính phủ của bà sẽ hỗ trợ các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Đây là lần thứ hai ông Trọng đi thăm Nam Hàn. Lần trước là vào năm 2008 khi ông Trọng còn là Chủ tịch Quốc hội.
(BBC) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét