Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Dân chủ là dân cử, dân bầu

‘Bộ não’ điều khiển biểu tình ở Hồng Kông, qua lời người trong cuộc

Cho đến giờ, chưa ai biết kết quả cuộc biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu cho người dân Hồng Kông vào năm 2017 tới đây có đưa đến kết quả mong muốn không, nhưng cách hành xử của các sinh viên biểu tình trong vòng mười ngày qua đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng rất đẹp.
Nhiều hình ảnh tiêu biểu cho cuộc biểu tình được cho là “tuyệt vời” của các em, được giới truyền thông cả chuyên nghiệp lẫn tự do đưa lên làm tràn ngập các trang mạng xã hội, gồm: cảnh các sinh viên học sinh ngồi ở ngoài đường giúp nhau làm bài tập, dùng bình điện dự trữ charge phones và tablets cho người tham dự, làm thông dịch cho giới truyền thông, phát thức ăn nước uống cho nhau, và thức đến khuya để đi nhặt từng cọng rác nơi giới biểu tình “chiếm đóng.” Thậm chí trong lúc trời đổ mưa tầm tã, sinh viên biểu tình còn cầm dù che cho người cảnh sát đứng đối diện, qua hàng rào cản.

Nhưng chen lẫn giữa những lời khen, những cái lắc đầu khâm phục, là câu hỏi ai cũng phải đặt ra là làm sao sinh viên Hồng Kông lại nhất loạt có cách cư xử lịch sự, đầy tình người như vậy, và làm thế nào mà những nhà lãnh đạo trẻ như Joshua Wong, 17 tuổi, và Alex Chao, 24 tuổi, có thể nhịp nhàng điều động đoàn biểu tình, có lúc lên đến hàng trăm ngàn người như thế, mà không để cho sự đáng tiếc nào xẩy ra?

Bất Tuân Dân Sự, qua lời người trong cuộc

Phần nào giải đáp thắc mắc này, một số báo chí, như tờ South China Morning Post, trang báo mạng Asia News, đề cập đến một tài liệu có tên “Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự” (Manual of Disobedience) được viết bằng hai thứ tiếng Anh và Trung Hoa, do tổ chức Occupy Central soạn, và phân phối vài ngày trước khi chiến dịch biểu tình được phát động.
“Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự” (Manual of Disobedience) do tổ chức Occupy Central soạn, và phân phối vài ngày trước khi chiến dịch biểu tình được phát động. (Hình: Người Việt)
“Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự” (Manual of Disobedience) do tổ chức Occupy Central soạn, và phân phối vài ngày trước khi chiến dịch biểu tình được phát động. (Hình: Người Việt)
Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự dài 8 trang, là một tài liệu hướng dẫn người tham dự từng bước phải làm gì trước và trong khi biểu tình, phải làm gì khi đối diện với cảnh sát và khi bị bắt, nhưng quan trọng hơn, là để họ thấu hiểu triết lý và chiến lược chính yếu của cuộc đấu tranh bất bạo động, mà họ tự nguyện tham dự.
Tình cờ, qua một trang mạng xã hội, phóng viên nhật báo Người Việt liên lạc được với cô Hellen Phạm, một thành viên của Occupy Central, và được cô kể lại những yếu tố đã giúp cho sinh viên Hồng Kông thực hiện được cuộc biểu tình quy mô mà hết sức ôn hòa, trật tự và ngăn nắp vừa qua.

Hellen Phạm (tên đã được đổi theo yêu cầu), năm nay 22 tuổi, cho biết cô sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, có cha mẹ từ Việt Nam đến đây tị nạn vào giữa thập niên 1980s, cho biết bạn trai của cô là một thành viên của tổ chức Occupy Central with Love and Peace.

“Em muốn đi theo anh ấy (bạn trai) tham dự biểu tình, phần vì ủng hộ dân chủ, phần cũng vì tò mò muốn coi họ làm việc ra sao, sau khi thấy họ có cuộc biểu tình vĩ đại với hơn 500,000 người tham dự vào ngày 1 tháng Bảy vừa qua.” Hellen tâm sự.

Hellen cho biết những điều thấy được khiến cô vỡ lẽ ra bạn trai mình và bạn bè của anh không chỉ là những người trẻ có lý tưởng, mà “là những người hiểu rất rõ bí quyết của đấu tranh bất bạo động.”

Nói về vai trò quan trọng của “Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự,” Hellen kể: “Khi em nói với bạn là muốn tham gia phòng trào, anh ấy đưa cho em tập cẩm nang, bảo về đọc kỹ đi trước khi quyết định dấn thân, vì phải hiểu là khi chấp nhận dấn thân thì có thể bị nguy hiểm đến bản thân, và bị dính dáng tới pháp luật.”

“Càng đọc em càng thấy mê Occupy Central.” Hellen nói.

Có nhiều thứ để mê, Hellen dẫn chứng, chẳng hạn như trong phần triết lý, cẩm nang viết:

“Dùng bạo lực để chống bạo lực không chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi, mà cho nhà cầm quyền có lý do để đàn áp, và củng cố địa vị của kẻ độc tài. Bất tuân dân sự là phương pháp dùng thương yêu để thắng hận thù. Người tham gia sẽ phải đối mặt với đau khổ bằng một thái độ cao quý, để thu phục lương tâm của kẻ đàn áp, và giảm thiểu sự thù hận do hành vi tàn bạo gây ra. Quan trọng hơn cả, bất bạo động sẽ thu hút được sự cảm thương của những người bàng quan (công luận), và làm nổi bật sự thiếu chính nghĩa của việc đàn áp có hệ thống của người (chính quyền) sử dụng bạo lực. Sự hy sinh của người đấu tranh là cách hay nhất để làm công chúng thức tỉnh.”

Và: “Chúng ta đấu tranh để chống lại một hệ thống bất công, chứ không chống lại cá nhân. Chúng ta không tiêu diệt hay làm bẽ mặt các nhân viên công lực, thay vào đó, chúng ta phải chiếm được lòng tôn trọng và sự cảm thông của họ. Chúng ta không chỉ cần phải tránh dùng bạo lực để đối đầu, mà còn cần phải tránh để cho lòng thù hận có thể nẩy mầm trong trái tim.”

Hellen cho biết là một sinh viên luật, cô không chỉ “mê” triết lý của phong trào, mà còn để ý đến cách tổ chức Occupy Central.

Cô kể tiếp: ‘Khi em nói là đã hiểu và chấp nhận sự nguy hiểm thì anh ấy bảo em lên trang mạng của Occupy Central để download một đơn có tên là “Letter of Intent” để điền vào.”

‘Letter of Intent’ là một đơn rất ngắn, đòi hỏi người muốn tham gia phải cam kết ba điều: a) đồng ý rằng việc phổ thông đầu phiếu là có lợi cho Hồng Kông, b) thủ tục phổ thông đầu phiếu bầu cử phải được đa số người dân Hồng Kông có ý kiến và đồng ý, và c) hoàn toàn tuân theo quy tắc đấu tranh bất bạo động mà phong trào đề ra.

Cũng qua Letter of Intent, người làm đơn có thể chọn một trong ba cách tham gia:

1. Hỗ trợ vòng ngoài cho những người đi biểu tình, như phân phối thức ăn, làm những việc hậu cần, nhưng không biểu tình, hoặc
2. Tham dự biểu tình, nhưng không tự nguyện bị bắt, và không khức từ quyền có luật sư bào chữa nếu bị bắt, hoặc
3. Tham dự biểu tình, và tự nguyện bị bắt, và khước từ quyền có luật sư bào chữa.

Thật ra thì Occupy Central không phải là phong trào duy nhất có cuốn cẩm nang bất tuân dân sự. Cái hay của phong trào, theo Hellen, nằm ở chỗ ban lãnh đạo rất biết cách “dưỡng quân” và “điều quân.”

Cả đối với những đơn mà người tham dự chọn đi biểu tình, ban tổ chức cũng xét kỹ xem họ có từng bị bắt vì một trong bốn tội như làm tắc nghẽn nơi công cộng, tụ họp không có giấy phép, tụ họp bất hợp pháp, hay gây rối nơi công cộng chưa, vì thường thì vi phạm những tội này lần đầu chỉ bị nộp phạt rồi được thả về, chứ không bị đi vào hồ sơ. Nhưng nếu tái phạm thì có thể sẽ bị tù, vì thế những ai đã từng bị cảnh cáo (vì những tội này) thường được giao trách nhiệm “tình nguyện viên” chuyên lo thực phẩm, dán bích chương, hay làm vệ sinh, v.v… thay vì biểu tình.

“Làm như thế để giảm thiểu tối đa sự nguy hại cho thành viên!” Hellen giải thích.

Hay hơn thế nữa, vẫn theo lời Hellen, người tham gia được khuyến khích sinh hoạt trong những nhóm nhỏ, và rủ thêm từ một đến hai người bạn khác vào phong trào, rồi khi cần biểu tình thì không rủ nhau đi hết, mà cần phải thay phiên nhau biểu tình để phong trào có thể kéo dài.

Trả lời câu hỏi làm sao phong trào có thể điều động được những người bất chợt đến tham gia biểu tình, Hellen nói “thường thì ở mỗi địa điểm, nhờ sinh hoạt với nhau trong nhóm nhỏ, đều có người nhận diện người mới và phát cẩm nang tại chỗ.”

Một đoạn trong cẩm nang đưa ra những lời khuyên chi tiết như trước khi tham dự biểu tình thì viết sẵn một text message trong phôn, ghi rõ tên tuổi địa chỉ, và khi bị bắt thì gửi ngay cho Occupy Central để họ cử luật sư giúp đỡ. Hay khi sắp bị cảnh sát giải tán thì nắm tay nhau nằm hàng loạt xuống đường để bày tỏ sự phản đối, và làm cho việc bắt bớ khó hơn, nhưng nếu có bị còng tay thì “nhũn người ra” để làm giảm thiểu sự đau đớn.

Một đoạn viết: “Trước khi bắt, cảnh sát đầu tiên sẽ hỏi người đó có tự nguyện lên xe cảnh sát không. Nếu người biểu tình tự nguyện, cảnh sát sẽ không dùng vũ lực; nếu người biểu tình không tự nguyện lên xe, cảnh sát sẽ bắt bằng một nhóm bốn người nắm lấy 2 chân và 2 tay người biểu tình bỏ lên xe.”

Đoạn khác giải thích về luật tạm giam, cho biết trước những gì sẽ xẩy ra khi bị đưa về bót, và dặn dò người tham dự nên nói gì và không nên nói gì khi bị đưa về bót cảnh sát.

Ngoài cuốn Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự, cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông vừa qua xem ra còn được sự hỗ trợ tối đa của những người lớn có địa vị trong xã hội.

Chẳng hạn, Hellen cho biết, nhóm lãnh đạo của phong trào được các vị trong giới lập pháp dành cho một số phòng ngay tại tòa nhà của Hội Đồng Lập Pháp (Legislative Council, gọi tắt là Legco), nơi ba nhóm chính của phong trào liên đới với nhau một cách chặt chẽ.

Nhóm Hong Kong Federation of Students, do Alex Chao, 24 tuổi lãnh đạo, chuyên lo việc giao tiếp với chính quyền, và theo tin của tờ South China Morning Post, hiện đang chuẩn bị để hội đàm vào thứ Sáu tuần này.

Nhóm Scholarism, do sinh viên Joshua Wong 17 tuổi lãnh đạo, giữ nhiệm vụ huy động đám đông với một đội ngũ giỏi về các phương tiện truyền thông xã hội, làm việc gần như 24 giờ một ngày. Nhóm Scholarism cũng có trách nhiệm liên lạc và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhóm lợi ích khác, như cựu sinh viên, để “củng cố hàng ngũ.”

Trên nguyên tắc, nhóm Occupy Central, mà thành viên đa số là những người lớn, do ông Benny Tai, giáo sư luật tại University of Hong Kong lãnh đạo, tuy là một tổ chức hỗ trợ, và theo lời một phát ngôn viên của tổ chức, thì “phong trào đòi dân chủ khởi đầu từ các sinh viên,” nhưng cuốn Cẩm Nang Bất Bạo Động, và cách làm việc của họ, cho thấy vai trò của Occupy Central không nhỏ.
© Hà Giang (Người Việt)

Thư gửi các bạn học sinh Hồng Kông: Tối nay nay tôi đã chọn một bên

HK2014Khi ALR hỏi một sinh viên Hoa lục đang du học tại Hồng Kông viết về cuộc Cách mạng Dù, chúng tôi đã không mong đợi nhiều. Những gì nhận được đã làm chúng tôi ngạc nhiên. Nó nổi bật so với những ý kiến, quan điểm hỗn loạn và ồn ào đã được viết về các sự kiện trong tuần vừa qua. Bao giờ cũng thế, trái tim và lòng can đảm có cách thể hiện riêng. Sau đây là bài viết dưới bút danh Yu Xiaobo.

Là một người Hoa lục ở Hồng Kông, tôi luôn cảm nhận được những thành kiến ​và ác cảm đối với mình, nhưng cũng hiểu sự bất lực là nền tảng cho những cảm xúc này. Trong nhiều năm, tôi đã sống với sự khó xử vì bị kẹt giữa hai bên; nhưng tối nay tôi đã chọn một bên. Tối nay tôi ủng hộ các bạn, bởi vì các bạn đang làm những gì tôi không bao giờ dám mơ ước.

Khi tôi mới đến đây, tôi rất ấn tượng bởi ý thức chính trị và dấn thân của các bạn sinh viên Hồng Kông. Những bài viết trên các bức tường dân chủ, những cuộc thảo luận và bài giảng chính trị thường xuyên tại trường đại học cho thấy vai trò quan trọng của các sinh viên trong việc hướng dẫn phát triển xã hội. Tôi thường được hỏi về tình hình chính trị ở Hoa lục và thậm chí về quan điểm của riêng tôi. Tôi thấy các câu hỏi ấy rất khó trả lời, không chỉ vì tình hình quá phức tạp để được giải thích trong một vài từ, mà còn vì sự thiếu hiểu biết của tôi về vấn đề đó. Tuy vậy, tôi biết ơn sự quan tâm và sự chân thành muốn tiếp cận của các bạn. Ngược lại những người Hoa lục chúng tôi, không chỉ chúng tôi ít khi quan tâm đến các vấn đề của Hồng Kông, chúng tôi hầu như không hiểu cả vấn đề của mình. Chỉ phỏng tính, ít hơn một phần mười sinh viên đại học Hoa lục biết một cách chi tiết về thủ tục bầu cử các lãnh đạo của chúng tôi. Nó không nằm ngay cả trong suy nghĩ của chúng tôi để xem xét tính hợp pháp và chính trực của quá trình đó. Chúng tôi không biết rằng mình có thể hỏi, “Chúng tôi muốn gì?”. Tuy vậy, chúng tôi gán cho sự im lặng của mình là “trưởng thành”.

Tối nay, tôi thấy nhiều hơn cả niềm đam mê và sự góp phần. Tôi thấy lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết mà tôi chưa bao giờ được trải nghiệm, và điều đó đã không được nhìn thấy ở Trung Quốc trong một thời gian dài. Khi sự tẩy chay và chiếm giữ bắt đầu, tôi đã không mong đợi rằng nó sẽ tồn tại lâu, nói gì đến chuyện nó sẽ phát triển đến mức độ như vậy. Sau đó, tôi nhìn thấy những dải băng ruy màu vàng trải dài từ các trường đại học đến cả Hồng Kông, không chỉ trên người các sinh viên mà còn các giáo sư, những nguời mới tan sở và những cụ già gầy yếu. Tôi thấy đám đông chống chọi với hơi cay, để rồi từ đó được chứng kiến sự hình thành của một biểu tượng ý nghĩa từ chiếc ô dù bình thường. Tôi thấy các bạn chạy quanh, phân phối thực phẩm và nước uống đến những người mà các bạn thậm chí không quen biết. Tối nay, tôi thấy các bạn trở thành anh chị em.

Tôi tự hỏi, có khi nào tôi nhìn thấy một cảnh như vậy ở quê nhà? Có khi khi nào chúng tôi chung vai sát cánh làm việc bên nhau cho cùng một mục đích, ngoại trừ những kỳ thi tuyển sinh đại học?. Đáng buồn thay, chưa từng một lần trong đời. Có phải tôi hãy tự trách mình vì đã cho rằng sự dũng cảm là ngu xuẩn và can đảm là ngây thơ không?. Một số người khuyên rằng đây không phải là cách để chúng ta đối phó với các sự việc, nhưng nghiêm túc mà nói, chúng ta có bao giờ làm gì để đối phó với bất cứ vấn đề gì? Tôi không thể che giấu sự ganh tị của tôi vì bạn đã có cơ hội để tranh đấu. Ở tuổi hai mươi, tôi là một điển hình của rất nhiều người sẽ là rường cột của xã hội chúng ta – lập lại, chúng tôi không bao giờ biết rằng có một lựa chọn như vậy.

Tôi cũng ấn tượng sâu sắc bởi thái độ bình tĩnh và kỷ luật của các bạn trong cuộc cách mạng này. Trong khu vực bị chiếm đóng, tôi thấy sinh viên đọc bằng ánh sáng của điện thoại di động, nhặt rác và phân loại các vật liệu tái chế. Cẩm nang hoạt động của các bạn đã chỉ tôi rằng: “Tránh khiêu khích bạo lực, nhưng cũng phải tránh để lòng thù hận nảy nở trong trái tim của bạn”; và tôi thấy các biểu ngữ tuyên bố “bình đẳng, khoan dung, tình yêu, và quan tâm.” Để giữ bình tĩnh và hợp lý có lẽ là thái độ khó khăn nhất, đặc biệt đối với những người trẻ đang tức giận. Nhưng các bạn đã học hỏi từ kinh nghiệm trước đây, và các bạn biết đó là vũ khí sắc bén nhất. Tối nay, các bạn đã dạy cho tôi ý nghĩa thực sự của sự trưởng thành.

Bạn của tôi, một nhà hoạt động, đã nói với tôi rằng cô ấy thực sự không nghĩ rằng Phong trào Chiếm Trung Ương Bất Bạo Đông sẽ dẫn đến kết quả mà tất cả chúng ta mong muốn; những gì cô muốn chỉ đơn giản là để tiếng nói của mình được lắng nghe và để nâng cao ý thức, rồi một ngày nào đó sẽ được thành công. Tôi không thể tưởng tượng phải cần bao nhiêu can đảm để tranh đấu cho niềm hy vọng, và chỉ hy vọng mà thôi. Nhưng tôi biết đây là cách đã đưa bạn đi xa như thế này. Chúng ta đang trên đường đến gần mục đích.

Tôi hiểu được nỗi sợ hãi đằng sau sự can đảm của bạn. Nếu bạn không làm bất cứ điều gì bây giờ, thì ngày nào đó bạn sẽ trở thành một người nữa như tôi. Thành thật mà nói, đây cũng chính là nỗi sợ hãi của tôi. Trong một thành phố quá bận rộn và đông đúc, bạn không bỏ cuộc trước áp lực của nó mà phải giữ vững niềm tin vào dân chủ và tự do, vào sức mạnh của quần chúng. Đối với tôi, đây mới chính là sức quyến rũ của Hồng Kông. Tôi không dám nghĩ thành phố này sẽ như thế nào nếu không có những tiếng la khản giọng trên đường phố và những nắm tay giơ cao lên trời.

Ngồi cạnh bạn, tôi biết những đau đớn và tức giận của tôi tại thời điểm này là ít hơn một phần ngàn những gì bạn đã cảm nhận. Chúng ta không thể biết được tình hình có trở nên tốt hơn, hoặc tương lai có trở nên tươi sáng hơn. Tuy nhiên, tôi phải nói với các bạn rằng những gì các bạn có bây giờ – sự can đảm và niềm hy vọng, tinh thần đoàn kết và kỷ luật – là rất quý giá. Bạn không thể tưởng tượng được rằng những người trong các góc tối của thế giới này, bao gồm cả tôi, thèm muốn nó ra sao. Đó là một vinh dự và một phước lành. Hãy giữ nó, cho hy vọng của riêng bạn, và cho cả chúng tôi.

Tôi sát cánh bên bạn tối nay, cho đến bình minh của một nền dân chủ.

Phỏng dịch bởi Đàn Chim Việt

Nguồn: asialiteraryreview.com
(Đàn Chim Việt)

__________________________________________________________________________________

Letter to Hong Kong Students: Tonight I Picked a Side

Yu Xiaobo

When the ALR asked a mainland Chinese student studying in Hong Kong to write a piece about the Umbrella Revolution, we did so without expectations. What we received surprised us. It stood out from the noisy stampede of opinions and perspectives written about the events of the past week. As always, heart and courage have a way of doing just that. The piece, written under a pseudonym, follows.

As a mainlander in Hong Kong, I constantly feel the prejudice and ill will against us but also understand the helplessness that underlies these feelings. For many years, I have lived with the awkwardness of being stuck between two worlds; but tonight I picked a side. Tonight I stand by you, because you are doing what I never dared to dream.

When I first came here, I was impressed by the political awareness and involvement of Hong Kong students. The posts on democracy walls and the frequent political discussions and lectures at the university indicated the major role that students played in leading social development. I was often asked about the political situation on the mainland and even about my own stance. I found the questions very difficult to answer, not only because the situation was too complicated to be explained in a few words, but also because of my ignorance of such issues. Yet I appreciated your concern and your sincerity in reaching out. Looking back at us mainlanders, not only do we seldom care about Hong Kong issues, we barely understand our own. As a rough estimate, fewer than one in ten mainland university students know in any detail the procedure for electing our leaders. It is not even in our mindset to consider the legitimacy and integrity of that process. We don’t know that it’s possible to ask, ‘What do we want?’ Yet we label our silence “maturity”.

Tonight, I saw more than passion and participation. I saw a determination and solidarity that I have never experienced, and that has not been seen in China for a long time. When the boycott and occupation started, I did not expect it to last long, let alone that it would grow to such an extent. Then I saw the yellow ribbons spreading from universities to all of Hong Kong, not only on students but also on professors, on people who’d just got off work and on tottering grandmas. I saw the crowd refuse to be driven away by tear gas, and watched it create a poignant symbol out of an everyday umbrella. I saw you running around, distributing food and drink to people you didn’t even know. Tonight, I saw you become brothers and sisters.

I asked myself, when did I ever see such a scene back home? When did we ever work side by side for the same goal, other than for our college entrance exam? Sadly, not once in my life. Is it for me to be blamed for regarding bravery as foolishness and courage as naïveté? Some say this is just not the way we deal with things, but seriously, how do we ever deal with anything? I cannot hide my jealousy of you for having the opportunity to fight. In my twenties, I am one example of so many who are going to be the hard core of our society – again, we never knew that there is such an option.

I am also deeply impressed by how calm and disciplined you have been during this revolution. In the occupied area, I saw students doing their reading by the light of cell phones, picking up litter and sorting out the recyclables. In your operation guide I read: ‘Avoid physical confrontation, but also avoid developing hatred in your heart’; and I saw the banner declaring “Equality, Tolerance, Love, and Care.” To stay calm and rational may be the hardest act, for angry youths in particular. But you learnt from previous experience, and you know it is the sharpest weapon. Tonight, you taught me the real meaning of maturity.

A friend of mine, an activist, told me that she didn’t really think the Nonviolence Occupy Central Movement would lead to the result we all hoped for; what she wanted was simply to have her voice heard and to raise consciousness, so that one day it would succeed. I cannot imagine how much courage it must take to strive for hope, and hope alone. But I know this is how you have come this far. We are on our way.

I understand the fear behind your courage. If you don’t do anything now, the day will come that you are going to be just another me. Honestly, this is my fear too. In a city so busy and crowded, you don’t give in to its burdens but keep your faith in democracy and liberty, in the power of the masses. To me, this is the fascination of Hong Kong. I don’t dare to think what the city would be like without the hoarse voices on the streets and the fists waving in the air.

Sitting next to you, I know the pain and anger I feel at this moment is less than a thousandth of what you have felt. We cannot know if the situation is getting better, or if the future is getting brighter. Nonetheless, I have to say to you that what you have now – your courage and hope, solidarity and discipline – are so precious. You have no idea how people in the dark corners of the world, me included, covet it. It is an honour and a blessing. Hold on to it, for your own hopes, and for ours too.

I stand by you tonight, till the dawn of democracy.

Tòa án hay… nhà riêng?

Bức ảnh vị luật sư đang hùng biện trong phần tranh tụng với đại diện VKSND duy trì quyền công tố tại tòa đang gây "bão".
Tòa án hay… nhà riêng?
Luật sư Trần Đình triển trình bày, Chủ tọa phiên tòa nghe điện thoại

Cả phòng xử đang chăm chú lắng nghe, trong khi vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa thản nhiên “buôn” bằng điện thoại di động (người chụp cho biết, trong suốt phiên tòa, chủ tọa đã nhiều lần “buôn” như thế).

Bạn đọc cả nước giật mình. Chưa bao giờ người ta thấy một sự xúc phạm công lý, khinh bỉ cả luật sư lẫn đại diện VKSND, khinh bỉ công luận đến thế.

Phiên tòa diễn ra tại trụ sở TAND huyện Phúc Thọ thuộc TP Hà Nội, được mở ra để xét xử vụ án ông Phạm Đình Huy, nguyên phóng viên Báo Xây dựng, bị VKSND huyện Phúc Thọ truy tố về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, được quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự.

Người đang tranh tụng với đại diện VKSND là luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội), tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Người đang thản nhiên buôn điện thoại trên ghế chủ tọa phiên tòa là bà Đặng Thị Bích Loan, thẩm phán TAND huyện Phúc Thọ.

Thông thường, chỉ những khi thư thái trong nhà riêng, thì người ta mới dùng điện thoại để “buôn”, đủ chuyện với bạn bè.

Còn khi trong nhà đang có khách chẳng hạn, thì không những người ta không bao giờ “buôn” điện thoại trước mặt khách, mà có người điện đến, chủ nhà cũng phải cất lời: “Xin lỗi, chị (hay anh, hay tôi…) đang có khách, lát nữa gọi lại”.

Đó là những hành vi tối thiểu của một người có văn hóa.

Nhưng đây là tòa án, là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong hệ thống tư pháp. HĐXX thay mặt Chủ tịch nước để xét xử (vì thế, thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, và mỗi bản án đều được mở đầu bằng câu “Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam”), có quyền đưa ra những phán quyết liên quan đến số phận của mỗi bị cáo.

Theo quy định của pháp luật, thì trước khi mở phiên tòa, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu thật kỹ, thật toàn diện hồ sơ vụ án để xem xét, đánh giá những chứng cứ, lời khai… và những tài liệu khác có trong hồ sơ.

Nhưng tất cả những tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng chưa đủ làm căn cứ để kết tội bị cáo. Mà còn phải căn cứ vào cả một quá trình diễn biến của phiên tòa. Và đặc biệt là trong những lời khai của bị cáo, thì lời khai tại tòa là quan trọng nhất.

Tại tòa, bị cáo có thể phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra, do bị dùng nhục hình để bức cung. Trong phiên tòa, đại diện VKSND là người tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ buộc tội bị cáo. Còn bị cáo hay luật sư của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người gỡ tội.

Trong phần tranh tụng, cả hai bên đều đưa ra những chứng cứ của mình. HĐXX phải hết sức lắng nghe để cân nhắc, đánh giá chứng cứ của mỗi bên. Có như vậy thì việc kết tội, lượng hình mới chính xác, tránh làm oan cho công dân.

Chính vì thế mà khoản 5, điều 3, Thông tư số 01/2014/TT-TC ngày 28/4/2014 của Chánh án TANDTC ban hành về nội quy phiên tòa, đã chỉ rõ rằng “Không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án… ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa”.

Việc bà thẩm phán chủ tọa phiên tòa ngang nhiên vi phạm thông tư trên của Chánh án TANDTC bằng việc vừa “buôn” điện thoại vừa điều khiển phiên tòa, không thèm chú ý đến quan điểm của luật sư, khiến nhiều người xem đặt câu hỏi: Phải chăng là án đã bỏ túi rồi. Luật sư chỉ là “cây cảnh”, nên chẳng cần nghe làm gì. Chỉ cốt “diễn”, hết giờ, tuyên án cho xong mà về?
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)

Cao Huy Huân - Những điều người trẻ nên làm


Việt Nam là cửa ngõ để tiếp cận châu Á tuyệt vời từ hướng Thái Bình Dương. Đã từng có thời Việt Nam là điểm sáng của cả châu Á. Thế nhưng, sau sự kiện lịch sử định mệnh năm 1975, điểm sáng ấy lu mờ dần. Chuyện quá khứ đã là quá khứ, chuyện hiện tại và tương lai sẽ mở ra, và nếu là một người trẻ, hay ít ra là có tư duy trẻ, hy vọng bài viết sau đây sẽ truyền một chút cảm hứng để Việt Nam lại tỏa sáng.
Việt Nam đã và đang gia nhập các tổ chức về tự do kinh tế và thương mại, đồng thời cũng sẽ phải cải cách rất nhiều cho đúng lộ trình đã cam kết. Tất nhiên, trong một thế giới phẳng, không có chuyện ưu tiên ưu ái cho bất kỳ một ai, bất kỳ một quốc gia nào. Và để phát triển, chắc chắn chính phủ Việt Nam sẽ phải cải cách và toàn cầu hóa hơn các chính sách đã ban hành để không bị cả thế giới quay lưng lại. Chắc chắn với tấm gương của Bắc Triều Tiên, Việt Nam sẽ không thể nào dẫm lên vết xe đổ mà biến đất nước thành một thế giới xa lạ với phần lớn thế giới – mà có lẽ cũng đã quá muộn để biến Việt Nam thành một Bắc Triều Tiên thứ hai.
Thêm nữa, chắc chắn chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy rằng chơi với số đông sẽ luôn an toàn và có lợi hơn là co cụm với một hai quốc gia, nhất là khi Trung Quốc từ bạn đã trở thành thù. Vậy nên chúng ta hoàn toàn tin tưởng là dần dần, Việt Nam sẽ bắt đúng nhịp của cả thế giới, và một khi bắt đúng nhịp, sức lan tỏa về tiến bộ kinh tế và văn minh thương mại sẽ nhanh chóng lan đến Việt Nam. Vấn đề là, cần bao lâu để Việt Nam bắt đúng nhịp độ toàn cầu đó? Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố tối quan trọng: con người. Trong bài viết này, với góc nhìn là một người trẻ muốn bày tỏ với người trẻ, tôi xin phép nêu lên chút suy nghĩ của mình về những điều một công dân trẻ nên làm, nên thực hành để phát triển bản thân và đóng góp cho đất nước. Vì vậy, sau đây là những điều một công dân trẻ Việt Nam nên làm và nắm bắt:
    Hãy học ít nhất một ngoại ngữ
Học ngoại ngữ chưa bao giờ là dư thừa đối với sự phát triển của một cá nhân. Thực tế là chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay đã bắt đầu cho học sinh học ngoại ngữ từ bậc tiểu học. Thế nhưng có một vấn đề là, đa phần chúng ta tập trung cho việc học tiếng Anh, mà không phải là một ngoại ngữ khác. Thêm nữa, việc học ngoại ngữ với trẻ em vùng nông thôn gần  như là khó khăn, vì thế, bất cứ khi nào có khả năng, hãy tiếp cận với ngoại ngữ. Không nhất thiết là tiếng Anh, tiếng Pháp hay các ngôn ngữ phổ biến khác. Việt Nam tiếp giáp với Lào, Campuchia, Trung Quốc và nằm trong vùng Đông Nam Á với hệ ngôn ngữ phong phú. Việc giao thương sau này chắc chắn sẽ qua lại với các quốc gia láng giềng thường xuyên, học ngôn ngữ của nước họ cũng là cách tiếp cận nhanh hơn, bên cạnh đó, hệ ngôn ngữ của Việt Nam cũng phát âm gần giống các nước lân cận, việc học ngôn ngữ cũng sẽ dễ dàng hơn.
    Hãy tự đánh giá và nhìn nhận bản thân xem phù hợp với nghề nghiệp nào
Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang diễn ra trên diện rộng của cả đất nước. Cứ thử hỏi 10 em học sinh phổ thông trung học xem sẽ chọn ngành học nào khi vào đại học, chắc chắn đến 7-8 em chọn ngành kinh tế. Quá nhiều sinh viên các ngành kinh tế dẫn đến thừa thãi nhân lực ngành đó và gây ra vấn đề về cân bằng việc – ngành trong phát triển kinh tế quốc gia. Trong khi đó, nhân lực lao động kỹ thuật lại thiếu rất nhiều, thiếu cả về số lượng dẫn đến tình trạng bù đắp qua loa, vì vậy thiếu quá nhiều về chất lượng. Nếu hệ thống giáo dục chưa có tính định hướng rõ ràng cho từng cá nhân, chưa cho thấy thực tế ngành nghề và thực trạng xã hội, chỉ mang tính chung chung và bao quát, thì chính bản thân những người trẻ hãy chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu về xã hội mình đang sống, năng khiếu và tư duy bản thân để chọn ra được ngành nghề phù hợp. Ngành nghề bạn thích, chưa chắc đã thích hợp, vì vậy, ngành nghề thích hợp mới là vấn đề quan trọng. Đừng để chỉ vì chọn sai nghề thích hợp với mình mà bị thế giới đánh giá là năng suất lao động kém, mà thực tế là đã kém ngay từ khi bắt đầu chọn ngành.
    Bỏ thói quen tùy tiện và tư duy đám đông
Thói quen tùy tiện và tư duy đám đông nói đại khái là cứ nghĩ việc đó không phải của mình thì mình không quan tâm làm gì, hoặc một cách khác là việc đó dù mình có thay đổi thì cả xã hội cũng chẳng vì thế mà thay đổi theo. Chính vì những tư duy nhỏ nhặt như vậy mà cả xã hội chẳng bao giờ tiến bộ được. Lấy ví dụ một vài người vứt rác bừa ra đường rồi đổ lỗi là cả xã hội vẫn làm thế, tôi không vứt thì họ cũng vứt, có khá hơn đâu nào. Một người tự giác không vứt rác, việc nhỏ đó sẽ thay đổi dần dần, chúng ta thay đổi chính mình và thay đổi cả thế hệ.
Chúng ta trước tiên hãy suy nghĩ mình là người có giáo dục tốt, có hiểu biết và văn minh. Tập những thói quen chúng ta cho là có ích cho bản thân và cho cộng đồng, hãy hành động VÌ cộng đồng, đừng hành động THEO đám đông.
    Chịu khó xem tin tức và đọc báo thay vì chơi game và xem phim bộ
Đây là thời đại mà công nghệ phát triển liên tục, ngay cả chỉ cần ngồi nhà cũng có thể biết tình hình cả thế giới đang diễn ra như thế nào. Vậy đừng lãng phí tiện ích đó của công nghệ. Hãy chịu khó giảm bớt thời gian chơi game hay xem những bộ phim truyền hình Hàn Quốc sướt mướt để cập nhật tin tức. Chắc chắn, một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra game và phim truyền hình chưa chắc làm bạn tiến bộ, nhưng tin tức có khi đem lại một cơ hội làm giàu. Xem tin tức, cập nhật tình hình, và đối chiếu những cái chúng ta thấy được với xã hội mà chúng ta đang sống sẽ giúp chúng ta mở mang hơn tầm nhìn, không bị bó hẹp bởi giới hạn cộng đồng hay giới hạn của chính phủ.
    Làm đẹp hình ảnh của mình hơn trong mắt người nước ngoài
Hình ảnh người Việt Nam hiện nay đang xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Từ thói ăn cắp vặt, buôn bán hàng lậu,… cho đến lãng phí và bẩn tính, tất cả đều làm cho người nước ngoài cảm thấy người Việt Nam thật đáng xa lánh. Cứ tưởng tượng lúc nhỏ, cha mẹ chúng ta thường không cho chúng ta giao du với những người xấu, thì ở quy mô một đất nước cũng vậy, chẳng ai muốn đến một đất nước mà họ cảm thấy không an toàn cho chính bản thân. Vì vậy hãy tự bản thân mình sử dụng cái quyền tự nhiên là làm đẹp hình ảnh của chính mình trong mắt người khác. Những việc làm đó không hề khó, chỉ là bạn có đủ tư duy và khôn ngoan để hành động hay không. Một cá nhân thay đổi bản thân trước rồi nhiều cá nhân sẽ thay đổi cộng đồng.
Trên đây chỉ là những việc nhỏ mà bản thân tôi nghĩ người trẻ nào cũng có thể làm được. Ngôn từ không thể nào có đủ sức mạnh để chứng minh cho những lời trên đây là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm, nhưng hy vọng là chỉ cần chúng ta thay đổi tư duy trước thì hành động sẽ từ từ thay đổi theo. Mới đây tôi có xem một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình quốc gia hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề theo đúng lộ trình gia nhập WTO, hàng hóa từ các nước vào Việt Nam đánh thuế 0% có làm ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa hay không.
Câu trả lời của bộ trưởng làm tôi rất hài lòng và tin tưởng sẽ có một luồng tư duy mới mẻ. Bộ trưởng cho rằng WTO là sân chơi công bằng, hàng hóa kém chất lượng và giá thành cao cho dù có đến từ nước nào đi chăng nữa cũng sẽ không cạnh tranh được với hàng hóa chất lượng tốt và giá cả phải chăng, và việc sống chết của một doanh nghiệp sẽ được công bằng quyết định bởi người tiêu dùng. Do đó đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải tỉnh táo hơn và sẵn sàng hơn để đối đầu với đợt sóng hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam. Lợi ích trước mắt phải tính từ người tiêu dùng trong nước. Hy vọng câu trả lời của Bộ trưởng sẽ cho thấy rằng chính phủ đang thay đổi tư tưởng, tư duy để đưa đất nước hòa nhịp với toàn cầu.
Cao Huy Huân
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA) 

Bùi Tín - Dân chủ là dân cử, dân bầu

Hàng ngàn sinh viên Hong Kong nắm tay nhau xuống đường đòi dân chủ.
Hàng ngàn sinh viên Hong Kong nắm tay nhau xuống đường đòi dân chủ.
Cuộc xuống đường của đông đảo học sinh và sinh viên Hong Kong là nét đấu tranh nổi bật trong thời gian qua, có tiếng vang rộng lớn trên toàn thế giới. Cuộc đấu tranh bền bỉ sôi nổi của tuổi trẻ Hong Kong khơi dậy niềm cảm hứng của tòan thế giới đối với quyền sống tự do của mỗi con người trên trái đất, bất cứ là trên lục địa nào, thuộc màu da nào.
Bộ máy tuyên truyền đồ sộ, tốn kém của Bắc Kinh và Hà Nội phụ họa nhau theo chung một luận điểm là có 2 nền tự do khác hẳn nhau, thậm chí đối lập nhau: nền tự do của các nước theo nền văn hóa châu Á và nền tự do theo các nước phương Tây. Họ lập luận rằng nền tự do châu Á thiên về trật tự kỷ cương xã hội, đề cao cuộc sống tập thể, trong khi phương Tây thiên về tự do cá nhân ích kỷ, đối lập với những giá trị chung của cộng đồng.
Đây là sự ngụy biện dai dẳng, xuyên tạc sự thật, không còn lừa dối được ai, trước ánh sáng của cuộc sống hàng ngày ở mọi nơi.
Vì sao Trung Quốc phải cam kết tôn trọng nguyên tắc «một nước, 2 chế độ» ở Hong Kong, cam kết thực thi tại đây một cuộc “bầu cử tự do” vào năm 2017? Ngay việc công nhận có 2 chế độ chính trị khác nhau, một ở lục địa, một ở Hong Kong đã cho thấy 2 chế độ ở 2 nơi khác nhau ra sao, đối lập nhau ra sao, một bên là chế độ độc đóan trên lục địa, hòan tòan không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do công đòan, còn ở Hong Kong đã có một chế độ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình hàng trăm năm nay. Nhân dân Hong Kong không bao giờ cam chịu từ bỏ quyền tự do lâu đời đã được thụ hưởng, từ bầu trời tự do chui vào trong lồng, trong cũi, trở về thân phận nô lệ của ngày xưa.
Nhân dân Hong Kong từng sống lâu năm trong môi tường tự do quyết không thể chịu cảnh «phú quý giật lùi», thực hiện vào năm 2017 một cuộc «bầu cử tiền chế theo kiểu ở lục địa, trên thực tế là «đảng chọn dân bầu», qua bộ máy cai trị của đảng CS Trung Quốc đang thống trị lục địa. Bắc Kinh yêu cầu danh sách ứng cử cho chức vụ cao nhất ở Hong Kong sẽ phải được chính phủ trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh xét duyệt thông qua, trước khi đưa ra cho nhân dân bỏ phiếu. Đó là một kiểu «đảng chọn dân bầu» đã thành trò cười cho nhân dân và cho thiên hạ tòan thế giới. Trò cười «dân chủ lộn ngược» ấy đã kéo dài 73 năm ở Liên Xô, chấm dứt sau 45 năm (1945 - 1990) ở Đông Âu, đang kéo dài một cách trâng tráo ở Trung Quốc, Việt Nam trước sự phản đối, phủ nhận của ngày càng đông đảo nhân dân, nhất là của trí thức và tuổi trẻ.
Đã có một số bạn trẻ từ trong nước tìm cách sang ngay Hong Kong để tìm hiểu và học hỏi ở bạn. Ngòai một số blogger tự do có cả nhà báo của báo Thanh Niên thuộc lề phải cũng sang Hong Kong, gửi tin và ảnh về Hà Nội. Đây là một nét tự do ngôn luận hiếm có đáng khích lệ. Đáng mừng hơn nữa là cả một tập thể gồm 22 Hội đòan thực thi quyền tự do dân chủ vốn có để hiệp thương ra tuyên cáo chung hoan nghênh cổ võ cuộc xuống đường của các bạn Hong Kong. Điểm quan trọng của bản tuyên cáo là không những gửi cho bạn bè ở Hng Kong mà còn gửi cho nhân dân nước ta tỏ rõ mong muốn tòan dân ta nhân sự kiện Hong Kong hãy học hỏi kinh nghiệm nóng hổi của bạn nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh cho dân chủ đích thực ở nước ta, chấm dứt kiểu «đảng chọn dân bầu» phản dân chủ đã diễn ra quá lâu rồi. Tuyên cáo chỉ ra tình trạng thê thảm của đất nước về mặt dân chủ.
Bản thân trí thức và tuổi trẻ nước ta đã có một số cuộc xuống đường từ thấp lên cao từ những năm 2008, 2009, rồi phát triển thêm vào những năm 2012, 2013… Đó là những cuộc tập dượt quan trọng. Nỗi e sợ cường quyền đã và đang giảm rõ rệt. Đã có những đồng thuận, quy định chung để duy trì hàng ngũ trật tự, ôn hòa, không bạo động, không cản trở giao thông công cộng, vận động tranh thủ lực lượng công an, vận động sự ủng hộ của cựu chiến binh trong Quân đội nhân dân, thu hút vào hàng ngũ đấu tranh mọi thành phần xã hội, từ trí thức, công nhân, viên chức, dân oan, nhà giáo, nhà báo, nhà luật học, nhà kinh doanh vừa và nhỏ, tiểu thương, tiểu chủ, viên chức, nhà nông, đưa ra những khẩu hiệu thích hợp. Lực lượng đấu tranh đã có kinh nghiệm cô lập, vạch mặt xã hội đen, du côn, lưu manh được công an thuê mướn phá rối hàng ngũ đấu tranh, ghi hình ảnh và lập hồ sơ của chúng. Đã có những bài hát cổ vũ phong trào.
Cuộc xuống đường rộng lớn, bền bỉ, gây ấn tượng lớn ở Hông Kông cho cả thế giới những kinh nghiệm nóng hổi, những bài học quý. Có thể kể ra là tinh thần tự tin, tự lập, tự quản của tuổi trẻ học đường gắn bó với nhau trên tinh thần đấu tranh cho tự do của toàn xã hội, không sợ cường quyền, nắm vững tinh thần bất bạo động, không bị khiêu khích, ôn tồn từ chối bạo lực, bảo vệ lẫn nhau. Đó còn là kinh nghiệm cung cấp những vật dụng cần thiết - nước uống, thức ăn nhẹ, ô dù che mưa nắng, khẩu trang chống hơi cay làm chảy nước mắt, các trạm cấp cứu, có lực lượng dọn dẹp vệ sinh, có các trạm thông tin, có lực lượng hướng dẫn, phiên dịch, giải thích cho người nước ngòai. Đã có những người rất trẻ tham gia lãnh đạo, được phong trào tin cậy và công nhận. Các bạn trẻ vẫn vừa đấu tranh vừa ôn tập bài học, lớp trên giúp đỡ lớp dưới, làm yên lòng các bậc phụ huynh. Có cả một tập tài liệu đúc kết hướng dẫn cuộc bất tuân dân sự trong trật tự và tình thương.
Theo dõi diễn biến của cuộc đấu tranh ở Hong Kong, nhà báo Đoan Trang thích thú xúc động thốt lên: «Một cuộc đấu tranh có văn hóa, hay đẹp không thể chịu được».
Đúng vậy. Dân chủ là dân tự chọn người đại diện cho mình bằng lá phiếu của chính mình, dân tham gia trực tiếp bầu cử, có nghĩa là dân trực tiếp ứng cử, dân đề cử và dân bỏ phiếu, không thể có ai làm thay ở một khâu nào. Đó mới là chính quyền do dân, của dân, vì dân.
Độc đóan đi ngược với dân chủ, là phản dân chủ, không ở đâu có nền dân chủ độc đảng cả.Chế độ cộng sản độc đảng với dân chủ như nước với lửa, không bao giờ có thể dung hòa, chung sống. Lục địa nào, màu da nào cũng cần tự do dân chủ như không khí cần cho cuộc sống. Dân chủ, bình đẳng xã hội là những giá trị phổ quát ở mọi nơi mọi lúc.
Phải chăng việc nhân dân nước ta cần bắt đầu ngay từ lúc này là không công nhận sư lãnh đạo của Bộ Chính trị - ông Vua tâp thể 16 người ngự trị về mọi mặt trên đất nước VN – vì họ không hề được một lá phiếu bầu nào của công dân. Nhân dân ta cũng có đầy đủ lý do để bất tuân đối với Quốc hội hiện tại vì cả 500 đại biểu đều không từ nhân dân mà ra, họ đều được Mặt trận Tổ quốc là tổ chức ngọai vi của đảng CS lựa chọn, được đảng xét duyệt sau lưng nhân dân, rồi bắt ép dân phải bâu, không có sự lựa chọn nào khác, cho nên có đến hơn 90% đại biểu là đảng viên CS, trong khi đảng viên chiếm chưa đến 3% số dân; và cũng cần nói thêm 10% còn lại là nhân sỹ ngoài đảng còn tuân theo đảng hơn cả những đảng viên CS nữa, nghĩa là trên thực tế họ còn «bảo hoàng hơn vua».
Dưới ánh sáng của cao trào dân chủ chân thực lan tràn trên tòan thế giới, từ Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Miến Điện, Hong Kong, cuộc đấu tranh giành lại quyền tự do dân chủ của tòan dân ta nhất định thắng. Chỉ cần nhân dân ta mong muốn và hiểu rõ đó là quyền hợp hiến, hợp pháp và quyền sống tự nhiên chính đáng của con người.
Tuyên cáo của 22 tổ chức dân sự Việt Nam là một văn kiện đề cao yêu cầu chính đáng về bầu cử thật sự dân chủ - dân chọn dân bầu, không cần có ai phải cầm tay chọn giúp người đại diện của mình. Để cho người công dân bàn bạc với nhau trong từng khu vực, quận huyện, tỉnh thành, tìm cho ra người có thực tâm và có thực tầm xứng, đáng thay mặt cho nhân dân, sẽ lọai trừ được vô số kẻ bất tài tham nhũng, những bầy sâu ăn hết của dân, phá tan đất nước, tạo nên một chính quyền trong sạch, có nhân cách và tài năng do tuyển lựa được đúng những nhân tài quý báu đang còn tiềm ẩn.
Đây là bài tóan then chốt cấp bách của nhà nước, của nhân dân đã đến lúc phải giải quyết đúng pháp luật, đúng đạo lý, đúng chân lý của thời đại, vì sự phát triển của đất nước, công bằng của xã hội và hạnh phúc bền vững của tòan dân, ngay khi việc chuẩn bị cho đại hội đảng CS khóa XII và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV đang được đặt ra.
Bùi Tín
08.10.2014
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA) 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét