“Làm cho các cháu vui mắt, đỡ tủi thôi…”
Khác hẳn không khí rộn ràng đón trung thu chiều 14 âm lịch ở mỗi con phố, tại thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội) – nơi nhiều CNLĐ trọ – lại lặng lẽ hơn cả ngày thường. Phòng trọ của chị Nguyễn Thị Nga – CN Cty TNHH Hoya Glass Disk Vietnam (100% vốn của Nhật, chuyên SXKD phần mềm máy tính) – không có sự hiện diện nào của trung thu, ngoài cái trống nhỏ chị mua cho con trai giá 15.000đ. Những đồ chơi còn lại của cháu là… vỏ chai nước, vỏ tuýp C sủi.

Chị Nga nói: Hôm trước, CĐ Cty phát cho mỗi CN một hộp bánh trung thu để mang về cho con. Mấy chị em rủ nhau ra chợ mua ít bánh kẹo, bim bim, trái cây để tổ chức Tết Trung thu cho các con ở chung dãy trọ. Làm cho các cháu vui mắt, đỡ tủi thôi, chứ so sao được với Tết Trung thu của con em ở các khu phố.
 Buổi đón Tết Trung thu của con em CNLĐ tại KCN-CX Hà Nội dù đơn sơ nhưng vẫn là mơ ước của rất nhiều con công nhân các KCN-KCX khác.  
Tranh thủ chiều chủ nhật, chị Hà – CN Cty Tân Hoàng Gia (huyện Hóc Môn) – đưa con trai 6 tuổi đi dạo một vòng. Ghé vào tiệm bánh trung thu “Mua một tặng hai”, chị mua một cặp bánh, được tặng thêm một cặp. Chị thỏ thẻ: “Vậy là xong trung thu. Có lồng đèn, có bánh, tối nay cho con phá cỗ cho bằng bạn bằng bè”.
Tiền nhà chưa có đóng, nói gì đến trung thu
“Mấy hôm nay, gia đình đang điêu đứng vì không biết xoay tiền đâu để đóng tiền nhà, tiền ăn chẳng có nữa, chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến trung thu” – chị Sương – CN SMY Việt Nam (huyện Hóc Môn) – thở dài. Chị Sương và hơn 150 CN khác bị giám đốc nợ 2 tháng lương, giám đốc chỉ “xin lỗi” và biến mất. Mấy hôm nay, cả Cty nhốn nháo tìm giám đốc, “thấy bố mẹ nháo nhác đi đòi nợ, mấy đứa con chẳng dám ho he một tiếng hay nhắc về trung thu gì, nghĩ thương con lắm, nhưng biết làm sao được đây”- anh Hậu – CN Cty SMY Việt Nam – thở dài.
Tết Trung thu của con em CNLĐ tại KCN-KCX Hà Nội. 
Với chị Hà Thị Thắng (SN 1989), CN Cty TNHH Panasonic Home Appliances VN (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội), con mới được 10 tháng tuổi, hết thời gian nghỉ sinh, phải nhờ mẹ đẻ ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) ra trông để chị đi làm với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng (chế độ của người nuôi con nhỏ). Tiền thuê nhà trọ, tiền điện, nước mỗi tháng “ngốn” hết già nửa số lương của chị, phần lương còn lại chỉ đủ mua sữa cho con. Mọi sinh hoạt khác trông chờ vào chồng – đang làm ở Phú Thọ – gửi về. “Tết Trung thu ư? Tôi “cắn răng” mua cho cháu cái đèn lồng có nhạc trị giá 30.000đ; Cty cũng cho mỗi người một hộp bánh, nhưng cháu còn bé quá, chưa biết chơi cũng chưa biết ăn bánh” – chị Thắng nói. Mẹ chị ngậm ngùi: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ phải theo mẹ ở trọ nên mới khổ thế này. Chứ cứ như ở quê tôi còn nghèo là thế, nhưng tổ chức trung thu cho các cháu trong thôn vui lắm, bánh kẹo, hoa quả, đèn sao, phá cỗ, hát múa tưng bừng”.
Có những đốm sáng ấm áp
Đó là những đêm hội Trung thu được tổ chức CĐ kết hợp với ban GĐ Cty tổ chức cho con CN. Các cháu được tặng lồng đèn, bánh trung thu, xem múa lân… Ông Trần Công Khanh – Chủ tịch CĐ các KCN-KCX TPHCM – cho biết, CĐ khu tổ chức tặng quà trung thu cho con em CN ở 3 khu là Linh Trung, Tân Tạo, Hiệp Phước với 1.100 suất gồm bánh trung thu và đèn lồng. Chương trình có xiếc, văn nghệ, múa lân… “Đây là một chương trình thường niên được CĐ tổ chức dành cho con em CN có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều Cty cũng tổ chức họp mặt, tặng quà cho con CN. Phần quà không lớn nhưng đó là sự sẻ chia với con em CN” – ông Khanh nói.
Tối 14.8 âm lịch, LĐLĐ Q.6 đã vận động một DN đóng góp 2/3 kinh phí, cùng với CĐ tổ chức “Đêm hội trăng rằm” lần đầu tiên cho con CN ở DN đó. “Khi thấy những đứa trẻ con CN vui mừng khi được xem chú Cuội, chị Hằng, xem múa lân, cùng phá cỗ, chủ DN đã chủ động đề nghị với mình năm sau làm tiếp, họ sẽ tăng kinh phí lên. Nhận được sự đồng thuận như vậy, những người làm CĐ như mình rất vui” – bà Phan Thị Lan – Chủ tịch LĐLĐ Q.6, TPHCM – chia sẻ.
Ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội – cho biết: Cũng như mọi năm, trung thu này, CĐ các KCN tổ chức trung thu sớm cho 130 cháu là con CNLĐ ở nhà trẻ thuộc KCN Bắc Thăng Long. Buổi lễ diễn ra tại nhà sinh hoạt văn hóa CN (khu nhà ở CN Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), các cháu được bày cỗ, liên hoan văn nghệ, phá cỗ và chia quà . Ngoài ra, năm nào cũng vậy, cứ trước Tết Trung thu, CĐ các KCN đều có văn bản chỉ đạo các CĐCS tập trung lo cho các cháu. Có thể nói, 100% DN đều có quà cho các gia đình CNLĐ; một vài DN, tùy vào điều kiện của mình, có năm còn tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp CĐ tại các KCN Hà Nội.
Như lời của một nữ CNLĐ mà chúng tôi gặp trong ngày 14.8 âm lịch thì “Đầu tắt mặt tối cả ngày ở xưởng, nhiều khi mình chẳng nhớ tới Trung thu nữa, có khi con thỏ thẻ bảo mẹ ơi mua đèn lồng, thì mình mới giật mình, khi đó mùa Trung thu cũng sắp hết rồi”.

Mộng mị, Ảo Tưởng và Thực tế

(Bài viết nhân đọc bài “Nói chút về “Mộng mị dân chủ”” (MMDC) của Liên Sơn trên Việt Nam Thời Báo)
(VNTB) - Hai chữ “Mộng Mị” khiến tôi liên tưởng ngay đến hai chữ “Ảo vọng” (Illusion), theo tiếng Đức có nghĩa tự đánh lừa mình bằng những mơ mộng không thực tế, hay theo đuổi những giấc mơ khó thực hiện được.
Trong năm 2013 , báo chí Đức đã đăng loạt bài “Kommunismus Geschichte einer Illusion” (Chủ nghĩa Cộng sản, một quá trình Lịch sử của Ảo tưởng). Qua những bài viết bắt đầu từ giai đoạn ra đời của Chủ nghĩa CS cho đến khi CNCS thất bại gần như hoàn toàn trên thế giới, loạt bài đã cho thấy, những người đi theo Chủ nghĩa Cộng Sản đã chạy theo một Ảo tưởng.

"Chúng ta sẽ chiến thắng bởi vì chúng ta không hiểu chính trị". Wael Ghonim một trong những người lãnh đạo cuộc Cách mạng 2.0 ở Ai Cập phát biểu.

Bài viết “Mộng Mị dân chủ” phải chăng là một bài nói đến những Ảo tưởng của phe Dân Chủ hiện nay tại Việt Nam ?
Hay bài viết đã lên tiếng cảnh giác những giấc mơ không thực tế của những nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam ?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý bài viết qua các điểm tác giả đã nêu để xem đúng sai như thế nào.
Sự tôn sùng thái quá cá nhân
“Không ít cá nhân trong lẫn ngoài nước khi tham gia vào tiến trình chống độc quyền/ lạm quyền của chế độ ở Việt Nam thường hay mắc bệnh phong danh hiệu/ thần thánh hóa cá nhân: Bùi Thị Minh Hằng (Bùi Hằng) là biểu tượng dân chủ; Phương Uyên là anh thư thời đại; Đỗ Thị Minh Hạnh cánh chim báo bão; Cù Huy Hà Vũ biểu tượng đấu tranh dân chủ…( Trích bài MMDC)
Bệnh tôn sùng thái quá cá nhân thường xuất hiện dưới chế độ Cộng sản hay chế độ độc tài, bạo chúa với những danh từ tôn xưng, tung hô như : Thánh thượng vạn tuế, Lảnh tụ vĩ đại, bậc Anh minh cái thế, đấng Minh chủ toàn năng vv và vv…
Ở xã hội con người thật sự có bình đẳng, ngay cả một vị thủ tướng hay tổng thống tài ba cũng không được tung hô như thế, mà thường được đối xử như người công dân . Ví dụ khi đi công vụ, cùng ăn trưa trong căng tin, họ cũng có thể đứng xếp hàng như những người cùng đoàn, để chờ đến phiên mình lấy thức ăn, nếu như họ không có những cuộc hẹn khẩn cấp đang chờ. Khi nhắc đến tên họ trên bản tin đưa hàng ngày báo chí, giới truyền thông chỉ ghi giản dị: Thủ tướng A, Tổng thống B, chứ không ghi Thủ tướng anh thư Angela Merkel…, Tổng thống anh minh Obama…vv…và vv…
Nhưng trong một quyển sách, khi viết về tiểu sử một tổng thống hay một nhà khoa học, tác giả quyển sách có thể ghi câu khen họ là bậc anh minh sáng suốt, bậc tài năng vv và vv.
Như thế, cho thấy hiện nay, giới “Truyền thông Lề trái” có hiện tượng đánh lẫn giữa cách tôn xưng và lời khen ngợi.
Khi viết bài, viết sách về Bùi Thị Minh Hằng (Bùi Hằng), Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh… có thể ghi câu khen, đó là những Anh thư thời đại. Nhưng nếu dùng các từ “Anh Thư Thời đại” dưới hình thức tôn xưng, trước danh từ riêng, trong tin tức hay câu nói hàng ngày, thì chẳng khác nào phe Lề phải dùng các từ: Bác Hồ vĩ đại của chúng ta, Diva âm nhạc X của chúng ta… trong sinh hoạt thường ngày xã hội.
“Bùi Thị Minh Hằng là một biểu tượng cho sức mạnh đấu tranh của phụ nữ ở tầng lớp bình dân” đối với nhiều người là một nhận định khách quan, đáng trân trọng, nhất là với những thành phần đang dấn thân tranh đấu, nhưng với tác giả Liên Sơn, cũng bị đặt thành vấn đề qua câu hỏi bâng quơ: “…tầng lớp bình dân gồm những ai, và bao nhiêu người coi chị Bùi Hằng là biểu tượng?”( Trích bài MMDC)
Thực tế giới bình dân thường chọn biểu tượng hay tấm gương để họ noi theo ở giới họ thấy có khả năng cao hơn họ, như những người xuất thân từ giới trí thức chẳng hạn.
Ý kiến cho chị Bùi Thị Minh Hằng là biểu tượng đấu tranh của giới bình dân có thể xuất phát từ cách nhìn của giới tự cho mình là “trí thức”, “sang trọng” và thấy người khác là “bình dân”?
Nếu thế, đây không hẳn là cách nhìn “trân trọng”, mà là lối nhìn có tính “phân biệt giai cấp”.
Hiểu sai lệch hoặc đánh giá thấp chính quyền hiện tại
Việc hiểu sai lệch hay đánh giá thấp chính quyền theo bài viết MMDC của tác giả Liên Sơn được biểu hiện rõ qua việc nhóm Lề trái hiểu sai nguyên nhân nhà nước thả tù nhân chính trị, hay phê phán sai cách bố trí canh phòng an ninh của nhà cầm quyền trước các phiên xử án tù nhân chính trị.
“việc thả người không hẳn là bị gây áp lực mà chính quyền thừa hiểu giá trị và biết định giá được những người sau khi được ra khỏi tù sẽ làm được gì và ở tại đâu ,giữ chặt chế độ mà thôi. …” (Trích bài MMDC)
Thực tế nếu không là người ở bên trong cuộc, sẽ khó khẳng định việc thả tù nhân từ lý do nào.
Có lẽ nào tất cả các trường hợp thả tù nhân đều có lý do giống nhau ? Hay đúng hơn , mỗi trường hợp, tùy thời điểm và tùy vào từng cá nhân tù nhân các nguyên nhân thả người sẽ khác nhau.
Việc nhà cầm quyền thả tù nhân chính trị gần đây đông hơn và bất ngờ so với những năm tháng khắt khe vừa qua khiến chúng ta cần đặt câu hỏi:
Đối với một nhà nước theo thể chế độc tài, toàn trị, không cần tôn trọng bất cứ ý kiến của dân trong nước hay không cần để ý lắm áp lực hải ngoại, việc thả tù nhân có phải là một nhượng bộ hay là một chánh sách an dân, củng cố địa vị cai trị của Đảng CSVN?
Chính quyền (Cộng sản) đang sợ hãi?
Xin tóm tắt ý bài viết MMDC ở phần này:
“Nhóm hoạt động dân chủ đã sai khi bảo nhà cầm quyền đang sợ phe nhóm dân chủ hay cá nhân hoạt động dân chủ nào đó, thực tế họ chỉ sợ khi nhóm phản kháng đã lớn mạnh đến mức nào đó, để trở thành Lực lượng đối lập. Lực lượng đối lập đó đạt được theo câu: “Mà lực lượng đối lập đó chỉ hình thành khi tình trạng niềm tin tập trung (thông qua các tổ chức đối lập) của người dân đã đạt mức 5% dân số” ( Trích bài MMDC).
Theo ý này, nhà cầm quyền chỉ sợ khi Lực lượng đối lập đạt khoảng 5% của 90 triệu dân là khoảng 4 triệu người ?
Trong lịch sử Việt Nam, có thời kỳ toàn thể dân Việt bị đô hộ ngàn năm dưới ách thống trị của Tàu. Dù ngay từ đầu dân cả nước Việt đều biết đang bị đô hộ và muốn phản kháng nhưng vẫn để gần trăm năm trôi qua. Cho đến khi một nhóm khởi nghĩa Lam Sơn hay một Bà Trưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa kêu gọi đánh đổ ách cai trị của giặc Tàu.
Từ đó, ý nhà cầm quyền không sợ một cá nhân hay một nhóm phản kháng nhỏ là không đúng, vì từ cá nhân, tổ chức nhỏ mới có khả năng lan rộng ra cả nước.
Cũng cần phân biệt nhà cầm quyền khác với chính quyền. Chính quyền là do dân bầu lên hợp pháp. Nhà cầm quyền có quyền lực từ chuyện cướp quyền bất hợp pháp hay duy trì quyền lực bất hợp pháp qua thể chế độc tài.
Chính quyền được dân ủng hộ từ lá phiếu do dân bầu lên.
Nhà cầm quyền độc tài không được dân ủng hộ, nhưng một nước có thể sống trong chế độ độc tài hàng trăm năm, nếu không có nhóm phản kháng đứng lên kêu gọi công khai giành lại chính quyền.
Cuộc cách mạng – mạng xã hội
“Họ tưởng họ có trong tay một vũ khí để đánh phá chế độ, khiến chế độ lùi bước. Nhưng thực ra, mạng xã hội vẫn chỉ là phương tiện truyền tải không hơn không kém. Nếu nâng lên thành các blog chính trị thì nó trở thành một vũ khí tuyên truyền ở một mặt trận riêng biệt chứ không phải là khởi nguồn hay là nơi diễn ra cuộc cách mạng 2.0!” …( Trích bài MMDC)
Vào năm 2011, cách đây 3 năm tôi đã dịch bài “Cuộc cách mạng chưa hề có”
Bài “Cuộc cách mạng chưa hề có” cho thấy, những ý tin vào Cách mạng đổi mới chế độ có thể xảy ra từ Cuộc cách mạng mạng xã hội hay mạng Internet chỉ là những ảo tưởng, thậm chí tác giả bài viết còn gọi đó là những “Vọng tưởng” ( Delusion - Vọng tưởng ở đây có thể hiểu là ý tưởng ngông cuồng, vô hy vọng để thành hiện thực ).
Không thể bỏ qua tính truyền thông nhanh và lan rất rộng trong xã hội khiến mạng Internet là phương tiện cần thiết khó bỏ qua trong liên lạc, thông tin, quảng cáo.
Đối với Việt Nam, nhiều người đã tưởng Internet là nơi để tìm thấy Sự Thật của Quê Hương và thay đổi được xã hội Việt Nam, một xã hội dù “mở cửa” đã lâu, nhưng thực tế vẫn còn “khép kín” hay có “rào cản” trong việc truyền thông tin tức thời sự đến người dân cả nước.
Thuở ấy, mạng xã hội đang bùng nổ ở Việt Nam, và lên đỉnh điểm qua tin thông báo từ Facebook về các cuộc xuống đường biểu tình ở Hà Nội vào năm 2011.
Lúc đó tôi đã ngần ngại khi đưa bài viết “Cuộc cách mạng chưa hề có’ lên trang Blog của mình, do niềm hy vọng vào sự đổi mới xã hội VN qua Internet và Facebook cũng đã phất phới trong lòng tôi, qua những hình ảnh truyền đi liên tiếp trên FB về hơn 11 cuộc biểu tình ở VN trong 2011.
Và các Blogger “lề trái” xuất hiện ngày càng đông, lôi cuốn đông người vào ủng hộ và bày tỏ ý kiến VN cần đổi mới.
(không biết chính xác con số các cuộc biểu tình vào 2011 ở VN là bao nhiêu )
Nhưng chỉ sau 2 năm, đến 2013, tôi thấy khó có một đổi mới nào tại Việt Nam qua Facebook hay mạng Internet .
Từ những người được gọi là Nhà hoạt động Dân chủ với Status 5.000 bạn kết nối trong FB, tôi nhận thấy phần lớn họ chỉ có được Lực lượng ủng hộ ‘ảo”.
Vì ngay khi họ bị đánh, bị bắt bỏ tù giam, trong nhiều trường hợp họ không hề nhận Like ủng hộ của quá 500 người kết bạn, dù một cái Like rất dễ bấm trong vòng 1 giây, đừng nói chi đến phản ứng ủng hộ mạnh hơn như xuống đường biểu tình.
Họ không là những “Hiệp sĩ chém gió” trên mạng FB vì họ có những hoạt động đối kháng trong xã hội thực tế và phải chịu nhiều áp lực, thậm chí bị đàn áp dã man từ nhà cầm quyền.
Nhưng Facebook không giúp họ tăng thêm số người ủng hộ trong xã hội thực tế, và cũng không tăng số người ủng hộ “ảo” trên Facebook bao nhiêu theo thời gian, có chăng là giảm đi?
Điều này giải thích phần nào, sau bao năm tháng, những Nhà dân chủ nhận ủng hộ đông đảo trên mạng FB đã không tạo được Nhóm đối kháng lớn mạnh ngoài đời, trong khi mạng Internet VN có hàng triệu người vào xem tin tức thường xuyên.
Nếu khi bị áp bức, thay vì vào Facebook kêu gọi cầu cứu, họ đi qua nhà người hàng xóm ngay cạnh nhà hay đến các nhà bà con, bạn bè hô hào cùng nhau xuống đường biểu tình phản kháng, có lẽ sẽ tác động đến sự thay đổi cách đối xử của nhà cầm quyền hơn là vào FB đưa hình ảnh và báo động lên mạng “ảo”?
Nhóm Blogger , những người phanh phui Sự Thật của Đảng và nhà cầm quyền bị bắt bỏ tù nhiều hơn, qua các bài viết có tác động đến tính phản kháng của người dân. Nhưng vẫn không tạo nên đổi mới, một khi những hành động phản kháng đã bị dập tắt ngay khi còn trứng nước.
Có câu hỏi :
Nếu xưa kia xã hội Việt Nam đã có Internet và Facebook , Đảng CS VN đã không thành công vì Sự thật sẽ được đưa lên Mạng Internet ?
Xin trả lời, chưa chắc đã thế.
Sự Thật trong đời sống hằng ngày, khi có người phanh phui đưa lên mạng Internet, nó đã trở thành tin tức trên Mạng và đã dính liền với tính cách “ảo’ của Mạng .
Một người dân sống ngay trong thành phố đang bị nhiễm độc vì quặng bô xít, có thể đọc tin trên mạng Internet về nơi mình ở bị ô nhiễm. Hay cả nước có thể đọc tin trên mạng Internet là Việt Nam đang sắp sửa lệ thuộc Tàu, một người đọc tin trên Facebook thấy người hàng xóm bị công an đánh đập.
Nhưng trước những tin tức như thế họ khó có phản ứng cụ thể , nếu như không có người nào đó, hay một nhóm nào đó, có tổ chức với mục tiêu , tôn chỉ rõ ràng đến hô hào, nắm tay họ cùng xuống đường biểu tình phản đối.
Cảm giác lẻ loi, đơn độc cũng khiến họ dễ chùng bước ngay từ đầu.
Từ đó những tin tức, hình ảnh trên mạng Web có thể gây phẫn nộ nhưng không đưa đến hành động cụ thể .
Bên cạnh đó rõ rệt hơn , nhưng ít người nhận ra tác động ngược của những cảnh dân bị đàn áp dã man khi đưa lên mạng là thay gì dẫn đến hành động cụ thể, lại gây cảm giác sợ hãi và nhụt chí phản kháng . 
Có thể nói , nếu không có mạng Internet đưa hình ảnh, phim chiếu có âm thanh với những cảnh trấn áp dã man, người ta đã có thể dấn thân vô tư vì ít sợ hãi hơn?
Mạng Internet cũng là công cụ ru ngủ dân chúng rất có hiệu quả và dễ dàng của nhà cầm quyền . Chỉ cần tung lên mạng Web thật nhiều phim gây cấn, phim chưởng, phim sex đã có thể ru ngủ đông đảo thanh niên, nhóm có sức phản kháng mạnh.
Thanh niên dễ tìm đến những mục giải trí thư giản trên Web hơn những trang thời sự, chính trị gây nhức đầu mất ngủ.
Những trang mạng đưa tin thời trang , hình cảnh sống giàu sang của một số người mẫu chân dài và ca sĩ nổi tiếng vv.. đã tạo nên gương mặt phồn hoa giả tạo của xã hội.
Cho dù người dân đang sống trong cảnh nghèo nàn, họ vẫn được xoa dịu bằng những mơ ước về những cảnh giàu sang họ thấy đầy rẫy trên báo hay mạng Web.
Nếu khi xưa cán bộ CS nằm vùng , thay vì đến tận từ nhà trên khắp các vùng thôn xóm Việt Nam vận động tuyên truyền, kích động ý thức phản kháng của dân chúng với khẩu hiệu “đánh đổ Mỹ Ngụy” mà chỉ lên mạng Intenet “chém gió”, hay hô hào tuyên truyền trên mạng, thì chưa chắc người dân đã theo ủng hộ họ để đưa họ lên nắm quyền.
Ở đây, hy vọng vào Cách mạng mạng xã hội có thể thay đổi chế độ cũng giống ngồi thả những con bồ câu đưa tin và mong tin tức sẽ tạo hành động ở người nhận tin, mà không nhìn ra phần lớn những bồ câu đưa tin của mình đã trở thành món mồi ngon trên bàn nhậu của những người nhận tin.
Có thể chấm dứt bài viết bằng câu kết của bài dịch đã có 3 năm trước :
Chỉ có Cuộc cách mạng của con người, do từ những người muốn tự giải thoát mình.
Dương Hoàng Dung
Munich,04.09.2014
(Việt nam Thời báo)

ISIS vượt qua al-Qaeda


Chống khủng bố khác với chiến tranh. Nếu không tính xa, có thể lại thúc đẩy phong trào khủng bố lan rộng hơn. Chém một con rắn, từ vũng máu lại ngoi lên con rắn khác; có khi xuất hiện một con trăn lớn.

Khi Saddam Hussein còn nắm quyền, tổ chức Al-Qaeda không thể hoạt động tại Iraq. Hussein cấm, vì lo Osama bin Laden giành lấy địa vị lãnh đạo dân Á Rập chống Tây phương. Sau khi quân Mỹ lật đổ Hussein và treo cổ ông ta, Al-Qaeda mới bắt đầu xuất hiện, họ tuyển mộ được một giáo sĩ trẻ cực đoan tên là Abu Bakr al-Baghdadi. 

Năm 2011, chính phủ Mỹ hạ sát bin Laden; từ đó Abu Bakr al-Baghdadi thành một lãnh tụ nổi bật, bành trướng, giành ảnh hưởng với người kế vị bin Laden, Bác Sĩ Ayman al-Zawahiri. Tháng Tư năm 2014, al-Zawahiri chính thức khai trừ al-Baghdadi. Nhưng al-Baghdadi không quan tâm, vì ông ta bây giờ đã quá mạnh, chiếm cả một vùng đất rộng 90,000 cây số vuông phần lớn là sa mạc, lớn bằng nước Jordan, trên hai nước Iraq và Syria. Ông ta tuyên bố thành lập Quốc Gia Hồi Giáo (Islamic State, IS, hoặc ISIS theo tên cũ). Nhưng al-Baghdadi không lập một “quốc gia” theo nghĩa thông thường, mà nuôi tham vọng cầm đầu một “ca-li-phát” bao trùm toàn thể các tín đồ Hồi Giáo trên thế giới, tự xưng “ca-líp.” Khi còn sống bin Laden vẫn cảnh cáo al-Baghdadi phải bỏ ý định lập ca-li-phát. Bây giờ al-Baghdadi đang thu hút các nhóm al-Qaeda rải rác khắp nơi, thế lực lớn hơn bin Laden lúc còn sống rất nhiều, họ gọi vị giáo sĩ ngoài 50 tuổi là Caliph Ibrahim. Tổng Thống Mỹ Barack Obama mới kêu gọi các đồng minh hợp lực tiêu diệt ISIS. Chính phủ các nước Á Rập khác cũng lo lắng, quốc vương Jordan đã tới hội nghị các nước NATO khẩn thiết kêu gọi giúp trừ đại họa này. Vì nó lớn lên nhanh chóng, với những tín đồ cuồng nhiệt.

Trong tuần trước, tình báo Mỹ mới cho các nhà báo nghe tóm tắt về sự phát triển của ISIS. Năm 2010, họ có khoảng 1,500 quân, đầu năm nay con số lên tới 10,000. Họ vận động các mạng thông tin xã hội như Twitter, dùng tiếng Á Rập, tiếng Anh, tiếng Ðức, tiếng Nga, tiếng Indonesia, và nhiều ngôn ngữ khác. Trong các trại huấn luyện ở vùng biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, hàng ngàn thanh niên Hồi Giáo được tập quân sự, rồi trở về nước họ thành lập các tổ chiến đấu ở Châu Âu, Châu Á và cả nước Mỹ. Chung quanh lãnh tụ al-Baghdadi là những đồng chí đã từng ngồi tù với ông ta, “tốt nghiệp” từ trại giam Bucca của quân Mỹ, có lúc giữ 20,000 người Iraq. Hai phụ tá quân sự mang bí danh Abu Ali al-Anbari và Ahmed Abdullah al-Hiyali, là cựu tướng lãnh, đều bị giải ngũ cùng toàn thể quân đội Iraq khi Saddam Hussein bị lật đổ. 

Với tổ chức chặt chẽ, hành động tàn nhẫn, và khích động được niềm tin cuồng tín, al-Baghdadi hơn hẳn bin Laden ngày xưa; công khai chiếm các thành phố, các mỏ dầu, đập nước, tại mỗi nơi đặt hệ thống cai trị dùng người địa phương. Nhóm al-Qaeda chưa bao giờ chiếm được một lãnh thổ như vậy. Cho nên ISIS đã kích thích và lôi cuốn giới trẻ quá khích mạnh hơn, đông hơn, al-Qaeda bị lu mờ.

Trong tuần này, người kế vị bin Laden, Ayman al-Zawahiri đã đưa lên Facebook một bài kêu gọi người Hồi Giáo hãy nổi lên ở Ấn Ðộ, Pakistan và vùng Nam Châu Á. Ðây là một cố gắng cố chứng tỏ al-Qaeda vẫn còn sống; bảo vệ các môn đồ al-Qaeda cũ trước khi họ bỏ sang hàng ngũ ISIS. Hai tổ chức Hồi Giáo cực đoan đang tranh giành ảnh hưởng. Trong bài thuyết giáo dài 55 phút, al-Zawahiri báo tin đã thành lập một chi nhánh, Qaedat al-Jihad, do Asim Umar lãnh đạo, với mục đích cuối cùng là áp dụng Giáo luật Sharia của Ðấng Allah trên toàn lục địa Nam Á. Nghĩa là ngoài xứ Pakistan theo Hồi Giáo, họ muốn lôi kéo cả 150 triệu người đồng đạo trong nước Ấn Ðộ. al-Zawahiri nói rằng những biên giới quốc gia do thực dân Anh áp đặt là vô nghĩa, khi chia cắt thành các nước Pakistan, Bangladesh, Ấn Ðộ và Myanmar. Ý kiến này lập lại chủ trương của al-Baghdadi, vì ISIS đã xóa nhòa biên giới giữa Iraq và Syria, cũng do Pháp và Anh chia phần từ đầu thế kỷ 20.

Nhưng tàn quân al-Qaeda khó cạnh tranh với ISIS. Lục địa Nam Á không phải là trung tâm của thế giới Hồi Giáo; chỉ có vùng Trung Ðông mới đóng được vai trò này. Mà ngay tại Ấn Ðộ phong trào ISIS đã xâm nhập rồi. Tại tiểu bang Tamil Nadu, cảnh sát đã bắt một giáo sĩ sau khi ông đưa lên mạng bức hình mấy chục thanh niên mặc T-shirt mang trên ngực bốn chữ ISIS. Kể từ khi quân ISIS chiếm được thành phố đầu tiên, Mosul ở Iraq, trong vòng ba tháng ISIS đã bành trướng trên lục địa này, chiêu dụ được nhiều hơn số người mà al-Qaeda đã cố gắng tuyển mộ trong 26 năm qua; từ khi bin Laden thành lập tổ chức này ở Pakistan năm 1988. ISIS phổ biến những tài liệu tuyên truyền bằng ít nhất ba ngôn ngữ lớn trong vùng: Tiếng Urdu, Hindi và Tamil. Tuần trước, một thanh niên gốc Ấn Ðộ theo ISIS bị tử trận, khi Mỹ bỏ bom tại Iraq. Trong túi cậu sinh viên kỹ sư 22 tuổi còn lá thư viết cho bố mẹ, báo tin mình đã đi theo lý tưởng!

Giới chức an ninh Anh quốc cho biết có khoảng 500 công dân của nữ hoàng hoạt động trong ISIS tại Syria. Pháp có khoảng 700 công dân theo ISIS. Chính phủ Australia đoán có 150 công dân Úc theo họ, nhưng có thể lên tới 250 người. Mỹ công nhận có hơn chục công dân tham gia, hai người mới chết gần đây khi quân ISIS đụng trận ở Iraq. Indonesia biết các nhóm ISIS đang hoạt động tại các thành phố Jakarta, Surakarta và nơi khác; họ đã báo trước sẽ phá hủy khu đền Phật giáo cổ Borobudur, như Taliban đã phá các tượng Phật cổ tại Bamiyan, Afghanistan năm 2001. Ở Malaysia, cảnh sát cho biết các nhóm ISIS chuẩn bị tấn công các quán rượu, tiệm khiêu vũ, vì trái luật Hồi Giáo.
Abu Bakr al-Baghdadi đang đe dọa các nước Á Rập như Saudi Arabia, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon sau khi đã chiếm đất thuộc Iraq và Syria. Tại các nước này, ông ta sử dụng phương pháp cố hữu của các đảng cộng sản: Khích động bằng lý tưởng, đe dọa bằng bạo lực, những thủ lãnh al-Qaeda cũ được chọn lựa: Hoặc gia nhập ISIS hoặc chết. Sức mạnh của ISIS là do vừa khủng bố vừa dùng quân đội, và khác với các lãnh tụ al-Qaeda, họ chiếm đất công khai chứ không sống trong bóng tối. Cũng như các đảng cộng sản thời sơ khai, họ tống tiền các nhà giầu, các ngân hàng, mỏ dầu, để gây quỹ chứ không như al-Qaeda chỉ dùng tài sản của Osama bin Laden. Cũng theo lối cộng sản, khi mới tách khỏi al-Qaeda, al Baghdadi đã tổ chức cuộc ám sát tất cả những thủ lãnh al-Qaeda nào không chịu theo mình.

Theo tin tình báo Mỹ, từ Tháng Bảy năm 2014, sau khi chiếm mấy thành phố ở Iraq, thế lực ISIS lên cao, họ đã tuyển mộ được thêm 6,000 quân, trong đó có 5,000 người Syria. Trong khi đó, các nước Tây phương còn chưa muốn đánh vào quân ISIS tại Syria vì không muốn trở thành đồng minh của nhà độc tài Assad. Những nhóm chống Assad mà thân Tây phương thì quá yếu.

Trong lịch sử thế giới, chiến tranh ý thức hệ, còn gọi là thánh chiến, đã bắt đầu từ thời Giáo chủ Muhammed. Trước đó, các cuộc chiến tranh thường chỉ do nhu cầu cướp của cải hoặc tham vọng đế quốc thúc đẩy. Sau các đạo quân Hồi Giáo vào thế kỷ thứ bảy là những đạo quân do Napoléon dẫn đầu, lật đổ vua chúa, hô hào giải phóng các dân tộc, kế thừa cách mạng Pháp 1789. Rút kinh nghiệm chiến tranh Napoléon, lý thuyết gia Clausewitz đã kết luận rằng chiến tranh cũng là chính trị, làm chính trị bằng bạo lực. Quan niệm này được Mao Trạch Ðông nhắc lại, với khẩu hiệu “súng đẻ ra chính quyền.”

Chính quyền Obama đang đứng trước lựa chọn: Bỏ bom quân ISIS tại Syria hay vẫn chỉ tự giới hạn trong lãnh thổ Iraq? Tuần trước, một nhà báo đặt câu hỏi, liệu có thể diệt trừ quân ISIS tại Iraq hay không nếu không đánh sang Syria? Vị sĩ quan tình báo Mỹ thú nhận rằng từ năm 1945 đến nay, không có cách nào tiêu diệt được một phong trào du kích với căn cứ trên nhiều quốc gia; chắc hẳn do kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam!

Trên nhật báo Wall Street Journal, Nghị Sĩ Joseph Lieberman đã viết một bài giải thích rằng ông Obama có thể đánh vào Syria mà không cần xin Quốc Hội Mỹ đồng ý. Ông nói rằng Hiến Pháp Mỹ trao “quyền tuyên chiến” cho Quốc Hội, nhưng không hề cấm các vị tổng thống quyền sử dụng binh lực. Quốc Hội Mỹ thực sự chỉ “tuyên chiến” có bốn lần, lần chót là Chiến Tranh Thứ Hai. Biện pháp duy nhất mà Quốc Hội có thể làm để giới hạn quyền của tổng thống, là cắt ngân sách chi dùng cho chiến tranh, như họ đã làm năm 1974, sau khi quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Năm 1999, một số đại biểu Quốc Hội Mỹ đã kiện trước tòa án liên bang, yêu cầu cấm Tổng Thống Bill Clinton không được cho thả bom tại Serbia, vì trái với Hiến Pháp và luật pháp. Nhưng tòa án đã từ chối thụ lý, và các dân biểu chịu thua.

Những lý luận của ông Joseph Lieberman, đăng trên một nhật báo có khuynh hướng Cộng Hòa, có thể là cách dò đường, chuẩn bị dư luận cho vị tổng thống Dân Chủ hành động tại Syria. Nước Mỹ đã đặt chân vào Iraq năm 2003, một điều mà cựu Tổng Thống Goerge W.H. Bush đã tránh làm năm 1991. Từ khi Mỹ dấn thân vào Iraq, cục diện trong vùng ngày càng phức tạp và rối loạn hơn. Ông Obama cần rút kinh nghiệm đó, để khỏi tốn người, hại của. 

Trong lịch sử, các cường quốc chỉ có thể can thiệp và ảnh hưởng cục diện vùng Trung Ðông trong một giai đoạn ngắn. Không nước nào có thể thay đổi những xung đột căn bản trong vùng này, giữa các giáo phái và các sắc dân. Chỉ có các chính phủ ở Trung Ðông, cùng thuộc giống Á Rập, cùng theo Hồi Giáo, mới có thể giải quyết được toàn diện và lâu dài; nếu họ có thể ngồi lại với nhau. 
Ngô Nhân Dụng
(Diễn Đàn Thế kỷ)