Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Tại sao Việt Nam không dám kiện Trung Cộng ra tòa?

Tại sao Việt Nam không dám kiện Trung Cộng ra tòa?

Bài này không nhằm trả lời câu hỏi tại sao cho đến giờ này, sau khi Trung Cộng đã rút gìan khoan Hải Dương 981 về nước ngày 15/07/2014, mà Việt Nam vẫn không dám đưa Trung Cộng ra trước tòa án Quốc tế dù Bác Kinh đã nhiều lần vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông. Đó là trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử của đảng và nhà nước CSVN.

Mục đích bài viết này chỉ tập trung nói về những “sợi dây thòng lọng” của Trung Cộng đã tròng vào cổ lãnh đạo Việt Nam khiến Hà Nội phải nằm im trong qũy đạo của Bắc Kinh.

Những tuyên bố “khua chuông gõ mõ” từ phiá Nhà nước Việt Nam chẳng hạn như câu nói “viển vông” của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp của Chính phủ ngày 16-07-2014 rằng: “Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế” chẳng có nghĩa lý gì đối với Tổng Bí thư-Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình, người đã khẳng định kiên trì lập trường bất di bất dịch “biển của ta, gác lại tranh chấp cùng khai thác” với Việt Nam do lãnh tụ “mở cửa” Đặng Tiểu Bình để lại từ năm 1979.

Thêm chú thích
Lập trường làm chủ hầu hết diện tích 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông mà Trung Hoa gọi là “Nam Hải” (South China Sea)” đã do các chính phủ Trung Hoa từ thời chính phủ Trung Hoa Dân Quốc năm 1948 (Tưởng Giới Thạch) tự vẽ mà không cần chứng minh bằng bản đồ “Đường 11 đọan”, hay còn gọi là “Đường lưỡi bò”. Sang thời Cộng sản Mao Trạch Đông từ 1949 thì Trung Hoa đã tự ý bỏ bớt 2 đọan trong vịnh Bắc Bộ vào năm 1953 mà không có lời giải thích nào.

“Đường 9 đọan” này được giữ cho đến cho đến nửa đầu năm 2014 thì Chính phủ Tập Cận Bình lại công bố “bản đồ dọc” có thêm 1 đọan thành 10 vào ngày 25/06/2014 sau khi Trung Cộng đặt gìan khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 02/5 và rút đi ngày 15/07/2014.

Trong thời gian có khủng hỏang giàn khoan HD-981, rất nhiều chuyên viên, học gỉa Việt Nam trong và ngòai nước, Quốc tế và cựu đảng viên Lãnh đạo đã khuyên nhà nước Việt Nam hãy chộp lấy cơ hội vàng này để kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế.

Rất tiếc Bộ Chính trị đảng CSVN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định mọi việc, vẫn “bình chân như vại”. Theo phân tích của một số chuyên gia, khuynh hướng phải kiên nhẫn chịu đựng và tiếp tục duy trì quan hệ tốt với láng giềng “không thể bỏ được Bắc Kinh”, cầm đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng, chiếm đa số trong tổng số 16 Ủy viên Bộ Chính trị nên Việt Nam nằm im chịu trận.

Vì vậy khi người ta nghe ông Thủ tướng Dũng nói sẽ sử dụng “sức mạnh tổng hợp” để “bảo vệ chủ quyền” mà không thấy đưa ra giải pháp cụ thể nào để thoát lệ thuộc kinh tế vào Trung Cộng thì ai cũng biết ông “chỉ nói cho có nói” hầu tránh mất lòng người hàng xóm dù bất đắc dĩ nhưng “qúa hậu hỹ” với cá nhân ông trong 90% vụ trúng thầu các dự án kinh tế của Việt Nam mà ông đã dành cho các công ty Trung Cộng từ khi lên làm Thủ tướng ngày 27/06/2006.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng biết rõ như thế vì nếu Việt Nam có hành động chống Trung Cộng, dù chỉ bằng “các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế” rất mênh mông thì Trung Cộng sẽ không ngần ngại đưa ra các biện pháp trừng phạt rất tai hại cho Việt Nam.

Bởi vì vào lúc gìan khoan HD 981 đang hoạt động thì báo chí, một số tướng trong Quân đội và nhà bình luận diều hâu của Trung Cộng đã đe dọa sẽ có biện pháp quân sự và kinh tế trừng phạt Việt Nam nếu Hà Nội theo chân Phi Luật Tân kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế.

Lời đe dọa này đã khiến nhà nước Việt Nam không dám coi thường vì sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hòan tòan lệ thuộc vào nguyên liệu và máy móc phải nhập cảng từ Trung Cộng.

Nhưng quan trọng hơn vì lãnh đạo CSVN không đủ bản lĩnh và nghị lực để tìm cách kết thân với các nước có quân sự và nền kinh tế hùng mạnh Tây phương và trong vùng Á châu-Thái Bình Dương, đặc biệt là Hoa Kỳ, để thoát ra khỏi sự khống chế của Bắc Kinh.

ĐE DỌA CHỒNG CHẤT

Thêm vào đó, trước ngày ông Dương Khiết Trì, Quốc vụ viện Trung Cộng đến Hà Nội ngày 18/6/2014 để khuyến cáo các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng-Bộ trường Ngọai giao Phạm Bình Minh về hoạt động của gián khoan HD 981 mà họ Dương nói “hòan tòan nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc” thì Xinhua (Tân Hoa Xã), hãng tin chính thức của Trung Cộng, đã đưa ra “lệnh 4 không” buộc phiá Việt Nam phải làm, đó là:

1) Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).

2) Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).

3) Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải.

4) Không được phá bỏ mối quan hệ Việt-Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Và tại cuộc họp với ông Phạm Bình Minh, ông Dương Trì đã trâng tráo nói, theo tường thuật của Tân Hoa Xã, Xinhua:”Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan.

Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”

Đó là áp lực về chính trị, kinh tế thì lép vế ra sao mà khiến lãnh đạo Việt Nam phải “ngậm tăm”?

Báo Thanh Niên cho biết: “Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013, có 16 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỉ USD trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường mà VN đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 18,64 tỉ USD. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đứng thứ 2 với 3,81 tỉ USD. Tiếp theo là Anh 3,13 tỉ USD, Hồng Kông 3,06 tỉ USD, Campuchia 2,42 tỉ USD, Hà Lan 2,26 tỉ USD, Nhật Bản 2 tỉ USD…

Tuy nhiên, do nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn, tới 23,7 tỉ USD nên đã “nuốt” gần như toàn bộ thành tích xuất siêu từ các thị trường này.” (Thanh Niên, 14/05/2014)

Báo này viết tiếp: “Những tháng đầu năm 2014, tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Tổng cục Hải quan cho biết, quý 1/2014 Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ 4,4 tỉ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng trong quý 1, Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc 4,5 tỉ USD.

Điều đáng nói là, với cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công và xuất khẩu, chúng ta thực ra đang xuất khẩu giùm nước này và phần giá trị gia tăng được hưởng rất ít ỏi.

Theo Tổng cục Hải quan, cả năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 17,95 tỉ USD hàng dệt may, nhưng phải nhập tới 14,81 tỉ USD, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc 5,56 tỉ USD.

Công thức là, Việt Nam nhập nguyên liệu của Trung Quốc về gia công và xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, EU. Ở hoàn cảnh tương tự là điện thoại các loại và linh kiện, Việt Nam xuất được 21,24 tỉ USD cả năm 2013 nhưng phải nhập khẩu 8 tỉ USD, riêng Trung Quốc gần 5,7 tỉ USD…

Không chỉ bán hàng hộ, chúng ta còn tiêu thụ công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2013, Việt Nam nhập từ Trung Quốc tới 36,8 tỉ USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu… Riêng 3 tháng đầu năm, nhóm hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam với tổng trị giá là 1,58 tỉ USD, tăng 29,7%.”

Trước đó, theo báo Dân Trí ngày 18/12/2013 thì: “ Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị Quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020 diễn ra ngày 17/12, Bộ Công thương cho biết, nếu như năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD thì đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD.

Như vậy, sau hơn 10 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng hơn 76 lần. Theo thống kê mới nhất Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 11 vừa rồi, Việt Nam thâm hụt thương mại với thị trường Trung Quốc lên tới hơn 2 tỷ USD.”

TRUNG CỘNG NẮM HẦU BAO VIỆT NAM

Lý do nhập siệu tang nhanh vì tất cả nguyên liệu, máy móc để sản xuất dệt may, giầy dép, hàng điện tử và đồ thông dụng khác đều phải nhập cảng từ Trung Cộng trong khi Việt Nam không tự sản xuất được, kể cả đồ phụ tùng thay thế cũng phải mua từ Trung Cộng.

Trung Cộng cũng đã kiểm soát 90% nền kinh tế của Việt Nam, quan trọng nhất là các nhà máy điện, xi măng, khoáng sản, xây cất đường xá, bến cảng bên cạnh dự án khai thác Bauxite đang sa lầy, giết vốn nghiêm trọng ở Tây Nguyên tại hai Tỉnh Lâm Đồng (Nhà máy Tân Rai) và Dăk Nông (Nhà máy Nhân Cơ).

Tiến sỹ Tô Văn Trường là một trong số chuyên viên đã báo động: “Sau những vật nài xin ưu đãi nhiều thứ kể cả vốn đầu tư, thuế tài nguyên, môi trường…hai dự án bôxit Tây Nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ) đã phải công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ còn nặng nề hơn, dự kiến 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỷ đồng, v.v…

Thực tế bi đát của dự án này là điều có thể thấy trước và không làm ai ngạc nhiên. Nói theo nhà Phật thì “quả báo nhãn tiền” đã có ngay chứ không cần đợi đến kiếp sau.”

Ông cảnh cáo tiếp: “Nguy hiểm hơn, có vẻ như những người quyết định và đang theo đuổi dự án này đã lỡ ngồi trên lưng hổ rồi, nên cứ tiếp tục liều mạng bất chấp cái giá mà nhân dân và đất nước phải trả trong điều kiện nền kinh tế đang suy kiệt hiện nay. Việc cố tình che dấu tội lỗi thường mang lại hậu quả lớn hơn nhiều tội lỗi ban đầu.” (theo VNCOLD, 17/04/14)

Trong khi đó chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Ban quản lý dự án đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) thì nói thẳng: “ Chúng ta phải nói vì sự thật là dù thí điểm nhưng với hai nhà máy, TKV đã “giúp” bổ sung vào nợ công VN hơn 1,2 tỉ USD. Nếu cứ “quyết liệt” làm nốt Nhân Cơ, tổng nợ công sẽ tăng thêm gần 2 tỉ USD. Để trả nợ cho hai dự án thí điểm này, gần 140.000 lao động của TKV, theo tính toán, sẽ phải làm việc cật lực 20 năm may ra mới “xong”.”

(báo Tuổi Trẻ,13/05/2013)

Nhưng tại sao biết là thua lỗ và tương lai rất mù mịt, không kể những tai họa hồ chứa “bùn đỏ” có thể bị vỡ nguy hiệm cho tính mạng và tài sản người dân ở hạ nguồn sông Đồng Nai, mà Việt Nam vẫn cứ lao đầu vào cuộc phiêu lưu?

Lý do vì hai Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (khóa VIII) và Nông Đức Mạnh (hai khoá IX và X) đã không có bản lĩnh chống lại đòi hỏi của Trung Cộng để họ tham gia vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vùng đất chiến lược quốc phòng của Việt Nam.

Sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 167 ngày 01 tháng 11 năm 2007 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.

Hàng ngàn chuyên viên, đảng viên, cựu Lãnh đạo, Tướng lãnh –kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Phó chủ tịch Nước bà Nguyễn Thị Bịnh–, trí thức, văn nghệ sỹ, kể cả Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Địa phận Vinh và người dân trong nước là chính đã gửi thư yêu cầu ngưng hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ vì có hại nhiều hơn lợi kinh tế cho Việt Nam nhưng nhà nước cứ làm.

Đến khi có quặng ở Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) để xuất cảng thì Trung Cộng là khách hàng chính mua hàng của Việt Nam để sử dụng với giá thấp hơn rất nhiều so với tổng số vốn sản xuất ra 1 tấn quặng. Vì khi tính lời lỗ thì Nhà nước không tính tiền phí tổn làm đường, sửa đường, chuyên chở nên thua lỗ đã không tránh được như các chuyên viên đã vạch ra.

ÁP LỰC CHÍNH TRỊ

Trên lĩnh vực chính trị, vì bị ép buộc phải cam kết với Trung Cộng tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 để được nối lại bang giao với Bắc Kinh, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh từ năm 1974 đến 1987, mà Việt Nam không được nhắn đến vụ Trung Cộng chiếm Hòang Sa năm 1974 và cũng phải im luôn, không được nhắc nhở dưới bất cứ hình thức nào, kể cả truy điệu những người Việt Nam đã chết trong 2 cuộc tấn công của Trung Cộng qua biên giới từ năm 1979 đến 1989. Có khỏang 45 ngàn quân và dân 6 tỉnh biên giới đã tử thương, mất tích và bị thương trong cuộc chiến bi thảm này.

Do đó, trong tất cả các cuộc nói chuyện đôi bên về chủ quyền biển đảo Trung Cộng luôn luôn nhắc cho Việt Nam nhớ những điều đã cam kết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng ở Thành Đô năm 1990. Ngoài ra Việt Nam còn ở vào thế yếu khi phải tranh cãi với Trung Cộng về Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng tại hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa.

Mặc dù đã nhiều lần các học gỉa, chuyên viên Việt Nam và báo chí đảng lý luận rằng Công hàm Phạm Văn Đồng “không hề đề cập đến Hòang Sa và Trường Sa”, cũng như Công hàm khi đó của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có tư cách pháp lý thay mặt cho nhà nước thực sự kiểm soát 2 quần đảo này là Việt Nam Cộng hòa ở nam Vỹ tuyến 17 nên bảo ông Phạm Văn Đồng đã thừa nhận quyền chủ quyền của Trung Cộn đối với Hòang Sa và Trường Sa là hòan tòan không có cơ sở pháp lý.

Phiá nhà nước Việt Nam Cộng sản còn lập luận rằng sở dĩ khi Trung Cộng chiếm Hòang Sa năm 1974 mà Hà Nội không có phản ứng nào vì khi đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang ở trong hòan cảnh đặc biệt cần sự giúp đỡ của Trung Cộng và các vũ khí của khối Liên Sô và các nước Cộng sản Đông Âu gửi cho Hà Nội để theo đuổi chiến tranh xâm lăng miền Nam Việt Nam chỉ có thể đến miền Bắc qua lãnh thổ Trung Cộng cho nên nhà nước phải chọn nhu cầu “đánh thắng miền Nam để thống nhất đất nước” làm ưu tiên và cần thiết hơn việc đưa ra lời tuyên bố phản đối Trung Cộng chiếm Hòang Sa của Việt Nam mà chẳng đi đến đâu.

Nhưng lời bào chữa này của CSVN có xuôi tai không và tại sao Nhà nước Việt Nam từng bác bỏ lập luận “do lịch sử để lại của Trung Quốc” mỗi khi họ nói đến chủ quyền của họ trong “Đường lưỡi bò”, đã không kiện Bắc Kinh ra tòa để thách đố Trung Cộng chứng minh bằng các “văn kiện lịch sử” hợp pháp?

Vì vậy mà Trung Cộng đã tự do hành động, tuyên truyền như “múa gậy vườn hoang” tại các diễn đàn trên thế giới, trên báo chí, tài liệu ngọai giao, sách giáo khoa và bản đồ du lịch, giấy Thông hành, v.v…

Tại Hội nghi an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2014,

Phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) đã oang oang cho rằng:” Bản đồ “Đường lưỡi bò” phản ánh 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, và do đó nó có trước Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Từ đó, ông Vương cho rằng khu vực này không phù hợp để áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong khi công ước này ra đời để áp dụng chung cho việc giải quyết mọi tranh chấp mà không hề nêu ra ngoại lệ.” (Tài liệu Bách khoa tòan thư mở).

Còn vụ Tầu tấn công và chiếm 8 đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3/1988 thì sao?

Vẫn theo tiết lộ của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh (sau làm Chủ tịch Nước), người có lập trường thân Trung Cộng, đã ra lệnh cho binh lính bảo vể đảo “không chống lại quân xâm lược Trung Cộng”.

Và khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười cũng “ngậm miệng như hến” không dám quyết liệt chống lại Trung Cộng vì, theo lời một chuyên gia Việt Nam trong vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nói với tôi (Phạm Trần) “vì khi đó đảng CSVN sợ cũng sẽ bị tan rã” như các nước Đông Âu và sau đó là nước Nga Cộng sản nên im luôn để hy vọng sẽ cùng với Trung Cộng tái lập lại Thế giới Cộng sản”, như đã thấy diễn ra ở Hội nghị Thành Đô năm 1990!

Nhận định của vị Giáo sư Đại học chuyên về Chính trị Ngọai giao Thế giới trùng hợp với việc Việt Nam đã “quên luôn” chuyện đem quân lấy lại những nơi bị mất ở Trường Sa, mặc dù Việt Nam gần Trường Sa hơn Trung Cộng đi từ đảo Hải Nam xuống.

Cho đến tháng 9/2014 thì Trung Cộng đã biến đảo Gạc Ma thành một căn cứ quân sự có bến cảng và sân bay ngắn. Trung Cộng cũng đã biến một số bãi đá tranh chấp chiếm được của Việt Nam và Phi Luật Tân thành các đảo nhân tạo để chuẩn bị đưa người, quân đội đến sinh sống và đồn trú hầu xác nhận chủ quhyền và kiểm soát an ninh hàng hải từ Hòang Sa xuống Trương Sa trong chu vi “Đường lươi bò”.

Trong khi đó, tính về số đảo ở Trường Sa thì Việt Nam kiểm soát lối 25, Trung Cộng và Phi Luật Tân bằng nhau từ 7 đến 8 đảo, Mã Lai Á chiếm 4 và Đài Loan làm chủ đảo Ba Bình, lớn nhất trong quần đảo này. Tuy nhiên nói về lực lượng quân sự thì Trung Cộng luôn luôn ở vào thế thượng phong và đang ngày đêm củng cố và khuếch trương những khu vực chiếm đóng.

NƯỚC BỌT NHẠT NHẼO

Trước thái độ hung hăng đe dọa chiếm đóng chủ quyền biển đảo của Việt Nam ngày một lên cao của Bắc Kinh, những người cầm quyền Việt Nam chỉ biết phản đối bằng nước bọt như họ vẫn làm từ trước đến nay

Gần nhất vào ngày 09/09/2014, người phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rằng: “ Theo thông tin xác minh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong các ngày 1 và 14/8 vừa qua, các tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96416 TS và QNg 96674 TS trong khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị một số tàu Trung Quốc khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản.

Nghiêm trọng hơn, ngày 15/8 vừa qua, trong khi đang hoạt động bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96697 TS đã bị hai canô cao su cùng số hiệu 207 của Trung Quốc khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.”

Ông Bình bảo: “Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam” (TTXVN, Thông tấn xã Việt Nam).

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Cộng đã dã man như thế mà từ năm 2005 đã có hàng trăm vụ tầu cá và ngư dân VN bị lính và cảnh sát biển Trung Cộng đán áp đẫm máu, bắt tù chuộc tiền và tịch thu tài sản ở Biển Đông.

Cũng ngạc nhiên là khi Trung Cộng đối xử với Việt Nam như thế thì chưa bao giờ thấy Cảnh sát biển Việt Nam dám bắt tầu cá hay giữ ngư dân Tầu khi họ công khai xâm nhập sâu vào đánh bắt tự do tại các vùng biển Đà Nẵng, Phú Yên, Vũng Tầu, Côn Đảo, An Giang mà chỉ dám khuyên bảo hoặc “xua đuổi hòa bình” ra khỏi khu vực.

Thậm chí đã có một thời gian rất dài cho đến khi xẩy ra vụ gìan khoan HD 981 thì Ban Tuyên Giáo Trung ương mới bật đèn xanh cho báo đài được phép nói trắng ra “tầu Trung Quốc”, thay vì “tầu lạ” hay “tầu nước ngòai” đã tấn công, đánh chìm tầu cá Việt Nam, v.v…

Như vậy thì vì đâu mà Nhà nước CSVN phải chịu áp lực đến xấu hổ, bôi nhọ danh dự của Tổ quốc và xâm hại nhân phẩm của ngư dân Việt Nam như thế?

Có phải trong số Lãnh đạo đã có những người đã được “nuôi ăn cơm Tầu” và nhận lương bằng “đồng Nhân tệ” hàng ngày nên mới sợ hãi đến nhục nhã như vậy?

Hay là như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đảng Lê Hồng Anh, Đặc phái viên của ông Nguyễn Phú Trọng đã sang Bắc Kinh làm việc từ 26 đến 28/8 để “thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Việt của Đảng và Chính phủ Việt Nam “ thì đã đủ chưa để giải thích tại sao “các sợi giây thòng lọng” made in China đã quấn chặt lấy cổ các Lãnh đạo Việt Nam để họ không thể rút đầu ra khỏi lệ thuộc Trung Cộng?
Phạm Trần
(Thông luận) 

Ông Phạm Bình Minh thăm TQ


Ông Phạm Bình Minh tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam tháng Sáu

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự hai sự kiện ở Quảng Tây nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Minh sẽ tham dự Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư-thương mại ASEAN-Trung Quốc (CABIS) tại thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây, từ 14 đến 16/9/.
Trang web chính phủ Việt Nam nói chuyến thăm nhằm thể hiện “chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác, duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, khôi phục các mặt hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại”.

Trang này nói thêm chuyến thăm sẽ “củng cố quan hệ hữu nghị, cùng có lợi với tỉnh Quảng Tây, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc”.

Cuối tháng Tám, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã thăm Trung Quốc.

Một mục đích của chuyến đi, theo Việt Nam, là “duy trì quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
  (BBC)

-Báo cáo láo như bịt mắt đi trong đêm

Nam Nguyên, phóng viên RFA


000_APH2000031307419.jpg
Những phụ nữ làm thuê ở Hà Tây AFP photo
Bộ Lao động Thương binh Xã hội vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cập nhật đầu tháng 9/2014 chỉ có 1,84%, tức ở mức thấp nhất thế giới mà những nước phát triển phương tây nằm mơ cũng không thể có. Con số ảo đầy tính khôi hài này nên được hiểu như thế nào.
Những con số khôi hài …

Trong cuộc phỏng vấn tối 11/9/2014, từ Hà Nội chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định:
Cả cái đất nước như thế này, hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị phá sản trong mấy năm vừa rồi thì làm sao tỷ lệ lao động thất nghiệp chỉ 1,84% được. Các nước như Mỹ, Nhật, Châu Âu nó ở cái số nào chứ làm gì có cái phẩy bao nhiêu. Mình nói như vậy là không biết xấu hổ trong vấn đề báo cáo. Những việc này Nhà nước Việt Nam các vị lãnh đạo nên ngồi suy nghĩ lại đừng đưa ra những con số làm cho cả thế giới người ta cười. Việt Nam cần xem lại vấn đề thông thoáng và trung thực thông tin, chứ còn thông tin như thế thì ai mà nghe cho được.”
VnExpress bản tin trên mạng ngày 10/9/2014 trích lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam mô tả tỷ lệ thất nghiệp 1,84% do Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đưa ra là “lạc quan tếu”. Bà Hoài Thu nói: “không biết người ta định nghĩa thế nào là thất nghiệp. Nhưng thực tế có rất nhiều người thất nghiệp, lúc nào trên đường phố, quán xá cũng đầy người. Nếu người ta có việc làm thì phải ở trong cơ quan, công sở, nhà máy. Nếu tỷ lệ thất nghiệp thấp như ngành Lao động công bố thì người ngồi la cà quán xá, đi đường trong giờ hành chính chắc không đông đến thế.”
Ông Phạm Thành ở Hà Nội, một nhà báo từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước nhận xét về những con số ảo được báo cáo mà trước kia ông gặp hàng ngày khi tác nghiệp báo chí:
Những việc này Nhà nước Việt Nam các vị lãnh đạo nên ngồi suy nghĩ lại đừng đưa ra những con số làm cho cả thế giới người ta cười.
– Chuyên gia Bùi Kiến Thành
“Nó nhờ cơ chế nó lên cho nên nó dốt nát đưa ra con số đó thôi. Bây giờ dân Việt Nam chẳng ai tin con số đó đâu. Trên thực tế ngay trong khu mình cư trú, nếu chịu khó ra chỗ chợ lao động ở trên phố thì thấy dân thất nghiệp ở đó đầy ra. Trước nay ngay những người có bằng cấp đại học mà vẫn thất nghiệp.”
Tờ báo mạng lề trái Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập mô tả câu chuyện tỷ lệ thất nghiệp 1,84% thấp nhất thế giới là bệnh báo cáo láo. Tác giả bài viết trích lời Ông Nguyễn Bá Thanh trưởng Ban Nội chính Trung ương từng gọi là bệnh ‘báo cáo láo thành quen’.
Nhà báo Phạm Thành đặt vấn đề theo cách riêng của ông:
“Xưa nay cộng sản có bao giờ dựa vào sự thật để làm cái gì đâu, đấy là bản chất của họ. Bây giờ mấy ông chóp bu nhìn nhận vấn đề bằng cảm tính nếu muốn đưa ra chủ trương đường lối chính sách gì là theo ý chí của các ông ấy. Khi mà ý chí của các ông ấy phổ biến ra, thì các bộ phận chức năng phải làm sao đưa ra các số liệu cho nó phù hợp ý chí chủ quan của họ, chứ cộng sản nó có bao giờ nó làm trên con số thực đâu.”
Nếu Việt Nam đề ra chính sách chiến lược phát triển mà dựa trên những số liệu ảo thì đất nước có thể sẽ phải chịu nhiều hệ lụy nguy hiểm. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:
“Tất nhiên, mình đưa ra một con số ảo để dựa vào đó làm kế hoạch thì tất cả kế hoạch đều ảo hết thôi. Kế hoạch mà không có con số chính xá thì làm sao mà làm kế hoạch được, vì vậy cho nên chúng ta sống trong thế giới ảo, rồi tự cho mình là ghê gớm lắm. Bởi vậy cho nên có nhiều vấn đề xảy ra, nên kinh tế không có con số chính xác thì làm sao mà làm việc được. Việc này là cả vấn đề, chính sách của nhà nước phải nhìn rõ sự thực, tình hình nó như thế nào. Đừng bịt mắt mà đi trong đêm nguy hiểm lắm, cũng như đang lái xe ban đêm trên đường cao tốc mà tắt đèn đi thì làm sao không gặp sự cố.”
… do bệnh thành tích
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói với chúng tôi là không thể tưởng tượng được từ nhiều thập niên đã qua, cơ quan chức năng của Việt Nam luôn tạo ra những con số hoành tráng và những báo cáo khó tin.
000_Hkg9235495-400.jpg
Giới trẻ VN sử dụng iPhone, iPad tại một quán cà phê vỉa hè Hà Nội năm 2013. AFP photo
“Đối với nền kinh tế quốc dân của bất cứ nước nào, trọng trách lớn nhất của quản lý nhà nước là làm sao tạo công ăn việc làm cho đất nước mình. Vì vậy cho nên vấn đề là thời gian của người lao động không trở lại, không có gì lãng phí hơn là lãng phí thời gian cuộc sống của người lao động trên đất nước của mình. Mình không nhìn rõ vào sự thực chỉ nhìn con số báo cáo như thế rồi mình cho là thành tích này thành tích nọ, vấn đề đó cực kỳ nguy hiểm. Phải xem rõ sự thực nền kinh tế đất nước như thế nào, số người thất nghiệp ra sao, tại làm sao mà thất nghiệp chứ làm gì có con số 1,8% mà không biết ngượng. Riêng tôi tôi lấy làm xấu hổ cho những con số như thế.”
Báo Đất Việt và Dân Trí điện tử ngày 8/9/2014 trích lời PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội biện giải về tỷ lệ thất nghiệp 1,84% mà tổ chức này đưa ra. Theo đó số liệu là do Tổng Cục Thống Kê làm ra và đánh giá thất nghiệp theo tiêu chuẩn chung của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO. Tuy rằng chính ILO thừa nhận cách đánh giá hiện hành không phù hợp với các nước như Việt Nam, vì nền nông nghiệp còn duy trì khối lượng lao động rất lớn. Phó Viện trưởng Nguyễn Bá Ngọc nhấn mạnh rằng, ở các nước công nghiệp phát triển, làm ra làm, thất nghiệp ra thất nghiệp chứ ở Việt Nam là kiểu thất nghiệp nửa vời, không có việc về vẫn tranh thủ làm cái này cái kia.
Tìm hiểu thực trạng Việt Nam, những người không có việc làm vẫn không đói, họ có thể đi câu cá, bắt tép mò cua, làm đủ thứ việc vặt, linh tinh ở khắp nơi và cơ quan chức năng vẫn xem họ là có việc làm? Phải chăng những yếu tố này góp phần tạo nên báo cáo tỷ lệ thất nghiệp 1,84% vừa nêu.
Đáp câu hỏi cách đánh giá thất nghiệp ở phương tây và Việt Nam có gì khác biệt hay không, khi mà nền kinh tế phát triển nhất thế giới là Hoa Kỳ vẫn thường xuyên có tỷ lệ thất nghiệp 6%-7%. Chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu:
Đừng bịt mắt mà đi trong đêm nguy hiểm lắm, cũng như đang lái xe ban đêm trên đường cao tốc mà tắt đèn đi thì làm sao không gặp sự cố.
– Chuyên gia Bùi Kiến Thành
“Hoàn toàn khác biệt, Việt Nam thất nghiệp 1,84% của cái gì, cơ sở để tính phần trăm đó là cái gì? Điều này chúng ta chưa rõ ràng, bình thường như vậy người ta nói thất nghiệp trong toàn số, dân số của mình bao nhiêu, bao nhiêu ở thôn quê, bao nhiêu ở thành thị, bao nhiêu làm nông nghiệp thì phải nói cho rõ. Những người có việc làm là bao nhiêu, những người mất việc làm là bao nhiêu. Chúng ta không làm việc ấy thành ra cơ sở nào nói 1% hay 10%, cơ sở đó chúng ta không rõ ràng. Cơ sở Bộ Lao động đưa ra là cơ sở ảo không phải cơ sở thật.”
Con số thất nghiệp của Việt Nam là 1,84% như công bố của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trở thành một câu chuyện hài mà chính báo chí lề phải của Việt Nam cũng không bỏ qua. Hồi đầu năm 2014, bà  Phạm Thị Hải Chuyền Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng từng báo cáo một con số đẹp, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 1,99%.
Bệnh thành tích thâm căn cố đế, thí dụ những con số không trung thực về mức tăng Tổng sản phẩm nội địa GDP của 63 tỉnh thành khi nhập lại thì thường gấp đôi mức tăng GDP của cả nước. Bệnh thành tích, nói láo ăn tiền, báo cáo láo thành quen rất phổ biến ở Việt Nam đến độ người dân chẳng màng quan tâm. Và có lẽ những con số thống kê bịa đặt không chỉ dừng ở chỗ ‘lạc quan tếu’ như phát biểu của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội về các vấn đề xã hội. Tác hại của nó trong mấy thập niên vừa qua có lẽ không bao giờ có thể tổng kết được.

-Phát triển kinh tế tư nhân: khẩu hiệu suông

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg10094608.jpg
Một cửa hàng bán sỉ bia và nước giải khát tại Hà Nội hôm 8/9/2014.   AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Những đứa con bị hắt hủi?

Nhà nước Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, do vậy mọi nguồn lực vẫn ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân được ví von là phải chịu số phận của những đứa con bị hắt hủi.
Những số liệu về tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam khá mù mờ. Theo Bộ Kế hoạch đầu tư tính đến cuối năm 2013, khoảng 650.000 doanh nghiệp có đăng ký thành lập trên cả nước. Tuy vậy có thể chỉ còn khoảng 360.000 doanh nghiệp hoặc ít hơn đang thực sự còn hoạt động.  Theo Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng phát biểu tại cuộc Hội thảo ngày 9/9/2014 tại Hà Nội, doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam tính đến năm 2012. Nhưng toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 42% tổng nguồn vốn. Tuy bà Hằng không nói ra, nhưng có thể hiểu rằng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 2%-3% tổng lượng doanh nghiệp nhưng lại sử dụng phần vốn lớn hơn của nền kinh tế. Thật không ngạc nhiên khi tường thuật cuộc Hội thảo, SaigonTimes Online đã ví von “Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chỉ là đứa con bị hắt hủi, cho dù Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ.”
Sự phân bổ nguồn lực của Việt Nam rất kém hiệu quả và không hợp lý. Khối kinh tế Nhà nước thì thu hút tới 65% tổng tín dụng, nhưng chỉ sản xuất ra được 28% tổng sản phẩm xã hội.
-TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội từng có nhận định:
“Một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước là phân bố nguồn lực một cách hợp lý, để bảo đảm sự phát triển xã hội và tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng nhìn lại thì thấy sự phân bổ nguồn lực của Việt Nam rất kém hiệu quả và không hợp lý. Khối kinh tế Nhà nước thì thu hút tới 65% tổng tín dụng, nhưng chỉ sản xuất ra được 28% tổng sản phẩm xã hội.”
Trong tư liệu của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, số liệu của Tổng Cục Thống Kê ghi nhận khối kinh tế nhà nước đóng góp tới 34% tổng sản phẩm xã hội là đã gộp luôn cả đóng góp của quốc phòng, của bộ máy hành chính, của thể dục thể thao…
Được biết các số liệu thống kê của cơ quan nhà nước Việt Nam công bố thường có sai biệt lớn với các nguồn độc lập.
Về vấn đề doanh nghiệp tư nhân gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải đóng của hàng loạt trong khi nhà nước vẫn chú trọng ưu tiên khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định:
“Hiện trạng bây giờ những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ không có hiệu quả kinh tế. Chỉ số ICOR tỷ lệ đầu tư đưa ra sản xuất rất là tệ, nhưng mà chúng ta vẫn nói đó là chủ đạo thì làm sao được. Vì vậy tư duy của lãnh đạo nhà nước là phải xem lại quan niệm của mình, trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế là gì. Trong khi đó phần dân doanh tuy gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại thể hiện hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội. Bằng chứng là doanh nghiệp dân doanh đã tạo ra bao nhiêu công việc làm mà nhà nước không làm được…”
000_Hkg9758500-400.jpg
Một chi nhánh Ngân hàng Quân đội (MB Bank) ở Hà Nội hôm 25/4/2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng khu vực kinh tế tư nhân tự bơi một mình, sự tiếp cận tín dụng ngân hàng là cực kỳ khó khăn. Ông nói:
“Chúng tôi cho là không có chính sách ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dân doanh phát triển. Thậm chí có những chuyện hết sức đơn giản, chính sách tiền tệ để tạo nguồn tín dụng cần thiết cho cả nền kinh tế hoạt động chúng ta cũng chưa nắm được…chưa nắm được thể chế cơ bản của chính sách tiền tệ là cái gì… Ngân hàng Nhà nước hiện đương làm gì, có phải là một Ngân hàng Trung ương hay không… Nhà nước có phận sự cung cấp tín dụng đầy đủ cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, dân doanh cũng như quốc doanh không thể nào mà để cho ruộng khô lúa cháy được, cũng không thể nào khi ruộng đang khô như thế mà anh tưới nước nóng vào cho nó chết thêm với lại những loại lãi suất trời ơi đất hỡi… ”

Đối xử không bình đẳng

Trở lại cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 9/9/2014, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng được SaigonTimes Online trích lời đã nhìn nhận: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ dân doanh chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài… nhiều doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội phát triển khi gần đây đã xuất hiện chủ nghĩa thân hữu. Hơn nữa thủ tục hành chính phiền hà vẫn cản trở đối với khu vực kinh tế này…”
Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không giải thích cũng không đưa ra các ví dụ về chủ nghĩa thân hữu cản trở sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Chủ nghĩa thân hữu là bạn bè thân quen thì anh được sự ưu đãi, anh không bạn bè thì tôi quên anh đi. Bạn bè là cái gì, bạn bè là anh có phong bao phong bì cho tôi hay không.
-Bùi Kiến Thành
Có thể hiểu sự tác động của chủ nghĩa thân hữu như thế nào? Chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích:
“Chủ nghĩa thân hữu là bạn bè thân quen thì anh được sự ưu đãi, anh không bạn bè thì tôi quên anh đi. Bạn bè là cái gì, bạn bè là anh có phong bao phong bì cho tôi hay không, chứ không phải bạn bè ngồi đó nói chuyện chơi với nhau được. Nói chung dùng cái từ ngữ để nói chế độ này nó đương ở trong tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Từ thành thị tới thôn quê từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất của vấn đề quản lý nhà nước. Việc này Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rõ từ hai năm nay rồi, vấn đề này nó ảnh hưởng sự sống còn tồn vong của Đảng và của chế độ này. Nghị quyết Trung ương của Bộ Chính trị nói rõ như thế mà chúng ta không làm gì cả, đấy là trách nhiệm của người quản lý nhà nước và quản lý chính trị của đất nước Việt Nam này.”
Theo Ngân hàng Thế giới, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chưa được phát triển theo mức cần phải có và hoạt động với nhiều rào cản. Dù vậy hiện nay doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn có hiệu quả hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước. Thí dụ mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu bổ sung nhiều gấp ba lần so với doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng Thế giới từng kêu gọi Việt Nam xóa bỏ độc quyền tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Nếu được như vậy thì khu vực tư nhân sẽ phát triển mạnh và tạo ra nhiều công việc làm hơn nữa góp phần phát triển đất nước.
Dù Hiến pháp 2013 của Việt Nam tiếp tục nhìn nhận sự chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nhưng việc Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, lại chính là động lực buộc nhà nước cải cách sâu rộng hơn về pháp luật kinh doanh và đầu tư và chịu nhiều áp lực hơn về xóa bỏ độc quyền, đặc quyền, đặc lợi của tổng công ty doanh nghiệp nhà nước.

-‘Họ vẫn dò xét tôi khi ở trong tù’

BBC

Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào, người vừa ra tù sau khi mãn hạn bản án 15 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 của Bộ Luật hình sự thuật lại với BBC về những gì đã xảy ra với ông sau khi ông bị bắt giam và trong suốt thời gian bị cầm tù.
Ra tù hôm thứ Bảy, 13/9/2014, ông Đào nói nói ông bị sút 10 kg và vẫn còn ‘bị choáng’ về mặt tinh thần cũng như ‘hẫng hụt’ về tình cảm sau khi nhận bản án mà ông cho rằng ông không đáng phải nhận mà chỉ phạm lỗi về mặt ‘hành chính’.

Ông Phạm Viết Đào
Blogger Phạm Viết Đào bị kết án 15 tháng tù giam vì ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’.
Blogger nói ông đã bị chính quyền tiếp tục theo dõi chặt chẽ, theo dõi bí mật ở trong tù vì nghi ông ‘là phái viên’ của đài báo nước ngoài’ để thâm nhập, quan sát nhà tù Việt Nam từ bên trong để điều tra, cũng như nghi ông móc nối đưa thông tin ‘từ trong tù ra ngoài’, hoặc ông làm việc cho một cơ quan tổ chức nào đó.

‘Nặng nề, o ép’

Cựu quan chức thanh tra tham nhũng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch than phiền ông đã bị giam cầm trong điều kiện ‘nặng nề’, ‘khắc nghiệt’, bị ‘o ép về mặt tinh thần’ phải trải qua nhiều khó khăn do tuổi tác cao.
Trong cuộc trao đổi với BBC ngay sau khi về với gia đình, ông Đào cho hay ông đã phải ‘nhận lỗi’ và từ chối luật sư bào chữa để làm giảm thời gian và độ nặng của án tù đối với ông, nhưng khẳng định rằng ông không hề phạm tội hình sự, hoặc có mục đích chính trị, hoạt động chống phá, mà chỉ lên tiếng ôn hòa bằng những ‘con chữ’ để đóng góp một ý kiến như một công dân.
Trích dẫn một bài báo của dân biểu Dương Trung Quốc gần đây trong dịp 2/9 năm nay, ông Đào nói Việt Nam vẫn chưa tôn trọng ‘các quyền tự do, dân chủ’ của người dân, mà trong đó có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt.
Cựu tù nhân chính trị sinh năm 1952 cũng so sánh mức án của ông nhận được với mức án của một blogger khác bị bắt cùng thời gian là ông Trương Duy Nhất, và nói ông không thể ‘khăng khăng’ như ông Nhất, vì tuổi tác của ông ‘cao hơn’ và do đó e rằng bị giam lâu trong tù sẽ khó khăn hơn cho tính mạng và sức khỏe của ông.

-HRW quan ngại hoàn cảnh những phụ nữ tranh đấu tại VN

Thanh Trúc, phóng viên RFA

timthumb1-305
Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.  Courtesy vnwhr.net

Bị tước bỏ quyền con người

Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cho biết một trong những mối quan tâm hàng đầu của tổ chức hiện nay vẫn là hoàn cảnh sống khó khăn và bị tước bỏ quyền con người của những người chân yếu tay mềm như bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Phương Uyên, cô Đỗ Thị Minh Hạnh và nhiều người khác nữa.
Trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, ông John Sifton, giám đốc chuyên trách Châu Á của Human Rights Watch, nói rằng những nhà hoạt động ông vừa nhắc tên đều nằm trong hàng ngũ những phụ nữ can trường và cần được nhắc tới:

John Sifton: Human Rights Watch nhìn thấy sự lớn mạnh trong những hoạt động nhằm cổ vũ quyền con người ở Việt Nam, nhiều người đã lên tiếng đòi nhân quyền và cái giá họ phải trả là bị bắt bớ, bị giam tù, bị sách nhiễu.
Nhưng điều đáng chú ý trong phong trào đòi quyền làm người ở Việt Nam là một thành phần đông đảo những phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Họ nắm giữ một vai trò quan trọng trong phong trào hay cộng đồng nhân quyền đó.
Rất nhiều phụ nữ từ dân oan, blogger, người tranh đấu nhân quyền cho đến tranh đấu đòi tự do tín ngưỡng… đang bị giam cầm trong bốn bức tường của nhà tù, những người khác thì bị đanh đập, bị hăm dọa.
-John Sifton
Họ là những người vô cùng can đảm vì họ không chỉ đứng lên đòi nhân quyền cho chồng con và bản thân mà mà còn tranh đấu cho sự công bằng giới tính, chống lại sự phân biệt đối xử đối với người phụ nữ trong xã hội.
Hậu quả là họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như những người đàn ông phải chịu. Rất nhiều phụ nữ từ dân oan, blogger, người tranh đấu nhân quyền cho đến tranh đấu đòi tự do tín ngưỡng… đang bị giam cầm trong bốn bức tường của nhà tù, những người khác thì bị đanh đập, bị hăm dọa , bị sách nhiễu thậm chí bị cấm đi lại.
Và còn một điểm đáng ngưỡng mộ là dù đã vào tù nhưng khi được thả ra thì họ vẫn tiếp tục làm một người tranh đấu nhân quyền. Đó là những phụ nữ can đảm và mạnh mẽ, họ xứng đáng được chúng tối nhắc đến mỗi khi có thể.
Thanh Trúc: Những trường hợp cụ thể nào, mà ông biết, xác minh điều ông vừa trình bày nãy giờ?
John Sifton: Điển hình là bà Dương Thị Tân, vợ của ông Điều Cày Nguyễn Văn Hải. Dù như đã ly dị nhau song khi blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị giam giữ một cách oan sai thì chính bà Dương Thị Tân đã gióng lên tiếng nói mạnh mẽ để tranh đấu cho quyền lợi cũng như sự tự do cho người chồng cũ.
Một thí dụ khác là trường hợp tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ mà vợ ông ta, cũng là một luật sư, đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đòi lại công bằng và tự do cho người bạn đời bất đồng chính kiến của bà.

Ấn tượng với những nhà tranh đấu trẻ

Thanh Trúc: Ông cũng đề cập đến những nhà tranh đấu trẻ như Phương Uyên như Minh Hạnh mà ông cho đó là những tiếng nói tự phát của lương tâm.
20130604_154724-250
Ông John Sifton phát biểu tại Buổi điều trần mang tên “Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp” tại Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 4/6/2013. RFA PHOTO.
John Sifton: Bởi vì điều gây ấn tượng nhất nơi những người trẻ ấy, đặc biệt những thiếu nữ, là làm dấy lên một phong cách hay một phương thức mới trong việc tranh đấu nhân quyền và công bình xã hội. Những người trẻ này họp lại ở công viên, cùng nhau chia sẻ bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền hoặc những tài liệu khác về quyền con người. Họ còn tổ chức những buổi picnic về nhân quyền mà qua đó những cô thiếu nữ trẻ tuổi đóng vai trò tổ chức trọng yếu.
Còn nhớ gần một năm trước đây, vào tháng Mười Một, một số phụ nữ trẻ họp nhau lại và cùng nhau thành lập Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, từ đó tung ra nhiều hoạt động rất ý nghĩa trong đó có phong trào yểm trợ tù nhân lương tâm và gia đình của họ, đặc biệt những gia đình ở những vùng xa vùng sâu. Chưa hết, những người trong Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam này còn mạnh dạn đến những phiên tòa xử tù nhân lương tâm nhằm yểm trợ tinh thần cho họ.
Đó là một trong những xã hội dân sự của phụ nữ mà tôi cho là đáng phục, bởi họ có thể bị bắt, không bị bắt thì bị sách nhiễu bị đe dọa bởi cảnh sát hay công an mặc thường phục hay những kẻ côn đồ chẳng hạn. Ngoài chuyện quyền lợi xã hội bị tước đoạt, họ còn bị coi là người có vấn đề với nhà nước. Họ đã phải trả một giá quá đắt đỏ khi bước vào con đường đối lập như vậy.
Đặc biệt hành pháp ở Washington có thể nói thẳng cùng giới chức ở Hà Nội rằng không thể có một mối bang giao tốt đẹp hơn nếu Việt Nam cố tình đi ngược lại xu hướng căn bản về nhân quyền là những nguyên tắc làm nên giá trị của nước Mỹ.
-John Sifton
Thanh Trúc: Những điều ông vừa trình bày là quan điểm của một tổ chức bên ngoài mà Việt Nam không lý tới. Theo ông, bằng cách nào để Việt Nam thay đổi lập trường là Việt Nam có cách riêng trong hành xử và thực hiện nhân quyền, một vấn đề nội bộ, trong lúc bảo đảm an ninh và trật tự xã hội là điều quan trọng hơn?
John Sifton: Tôi nghĩ rất quan trọng nếu Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU và ASEAN, những chính phủ dân chủ trong ASEAN như Indonesia và Malaysia, tận dụng cơ hội có thể được để nhắc nhở Việt Nam cởi mở hơn trong vấn đề nhân quyền, khuyến khích Việt Nam đừng đàn áp người bất đồng chính kiến mà hãy tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Đặc biệt hành pháp ở Washington có thể nói thẳng cùng giới chức ở Hà Nội rằng không thể có một mối bang giao tốt đẹp hơn nếu Việt Nam cố tình đi ngược lại xu hướng căn bản về nhân quyền là những nguyên tắc làm nên giá trị của nước Mỹ.
Và tôi cũng nghĩ sắp tới sẽ có thêm những phiên tường trình về nhân quyền Việt Nam ở quốc hội Hoa Kỳ, lý do là trong lúc có một số vị thượng nghị sĩ muốn thúc đẩy thương mại Mỹ Việt mà quên đi hồ sơ nhân quyền nghèo nàn của Hà Nội, thì một số vị dân biểu muốn một lần nữa khuyến cáo hành pháp, về điều Hạ Viện Mỹ nhiều lần đề cập tới trước đây, rằng Việt Nam khó thể gia nhập TPP nếu vẫn còn chà đạp nhân quyền và quyền tự do phát biểu của chính người dân trong nước.. Khi có những buổi tường trình kiểu đó tôi nghĩ vấn đề thiếu nhân quyền ở Việt Nam sẽ được đào sâu hơn.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông John Sifton, giám đốc chuyên trách Châu Á của Human Rights Watch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét