Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

-“Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy…” (Tây Hồ Phan Chu Trinh)

Việt Nam không sợ Trung Quốc kiện ngược

Tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5
 "Chúng ta vững về mặt pháp lý, phù hợp với đạo lý lại được sự ủng hộ của quốc tế. Nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng", Phó chủ tịch Hội Luật gia chia sẻ.

Trong cuộc họp báo chiều 25/6, vấn đề khởi kiện Trung Quốc được mổ xẻ với các chuyên gia của Hội Luật gia Việt Nam.


Có ý kiến nêu khả năng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có thể kiện lại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về việc cạnh tranh giữa hai nước, kể cả về vấn đề pháp lý lẫn phi pháp lý?
Ông Lê Minh Tâm (Phó chủ tịch Hội): Công lý là giá trị lớn mà tất cả quốc gia tiến bộ và nhân dân các nước đều hướng tới. Trong trường hợp này, đó là lời cảnh báo, còn chúng ta luôn vững vàng một niềm tin chúng ta có công lý. Không những chúng ta, mà Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế là đại diện của hơn 100 nước thành viên cũng đã lên tiếng ủng hộ việc này. Chúng ta vững về mặt pháp lý, phù hợp với đạo lý lại được sự ủng hộ của quốc tế. Vì thế, chúng tôi tin rằng, nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng. 
Phó chủ tịch Hội Luật gia Lê Minh Tâm
Sau vụ đâm chìm tàu cá ngư dân Đà Nẵng cuối tháng 5, ngư dân có nguyện vọng muốn chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện. Hội Luật gia đã có hỗ trợ gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền (Phó chủ tịch Hội): Hiện, Hội nghề cá Đà Nẵng đã chuyển cho cơ quan ủy quyền khởi kiện về việc này. Về mặt pháp lý, nếu nhận được yêu cầu từ các ngư dân, Hội Luật gia sẽ hỗ trợ. Cái khó nhất trong việc kiện là xác định chủ thể vi phạm trong việc đâm chìm tàu cá. Nếu chúng ta khởi kiện theo tư cách cá nhân của chủ tàu thì quy trình cũng khác với việc kiện giữa hai quốc gia khác nhau. Vì việc này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì có thể kiện lên tòa án của Việt Nam. Các cơ quan tư pháp của Việt Nam hoàn toàn có quyền xử lý việc này.

Liên quan đến những chuẩn bị của Việt Nam về pháp lý khi khởi kiện ra tòa án quốc tế, cách đây ít ngày Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với Tòa trọng tài thường trực (PCA).Ý nghĩa và hiệu quả của việc hợp tác này?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc kiện ra tòa trọng tài quốc tế ở phạm vi giải quyết tranh chấp về kinh tế, còn việc vi phạm chủ quyền biển đảo thì phải kiện ra các tổ chức quốc tế giải quyết về tranh chấp lãnh thổ và quyền con người.

PCA thụ lý vụ kiện của Philipines, Việt Nam cũng tham gia PCA. Ông có thể nói rõ cơ hội để khởi kiện tại tòa này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Tòa trọng tài thường trực quốc tế là một thiết chế để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà Philipines đang sử dụng. Việt Nam đã gia nhập thành viên của PCA và đây chính là bước chuẩn bị từ rất sớm nên nếu thấy cần thiết thì ta cũng có thể mang ra tòa trọng tài này để kiện theo cách của nhiều nước đã làm. Hội Luật gia với hơn 46.000 hội viên yêu nước sẵn sàng cùng nhà nước thực hiện mọi biện pháp để đòi lại chủ quyền. Với tư cách là những người chuyên môn, Hội sẵn sàng dùng hết chức trách làm hết sức mình để chuẩn bị hồ sơ pháp lý, đó cũng là cống hiến chuyên môn của Hội cho đất nước.

Giả sử Việt Nam kiện Trung Quốc, thì dưới góc độ pháp lý, Hội luật gia, Việt Nam nên kiện những hành động cụ thể nào, kiện "đường lưỡi bò", kiện hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép hay hành vi Trung Quốc dùng vũ lực… ?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước hết kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kiện việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu kiện về đường lưỡi bò thì phải thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế, phải thông qua đàm phán đa phương.

Nếu tham mưu cho Chính phủ thì theo ông nên chọn cách nào: Đưa ra cùng vụ kiện của Philippines hay độc lập?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Mỗi cách làm đều có lợi thế và khó khăn riêng, cho đến lúc cần thiết thì chúng tôi sẽ đưa ra tham mưu cho chính phủ phương án thiết thực nhất. Hiện, chúng ta đang áp dụng biện pháp đàm phán hòa bình, đến thời điểm bất đắc dĩ không thể đàm phán thì chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.
 
Vũ Nguyễn/news.zing.vn
Theo Người đô thị

-“Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy…” (Tây Hồ Phan Chu Trinh)

Nguyễn Thượng Long
Vì những hoạt động chống Pháp trong phong trào Duy Tân, tháng 3 – 1908 Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp bắt giữ lần thứ nhất ở Hà Nội rồi chúng mang cụ về Huế và giam ở nhà lao Thừa Phủ. Ngày 04- 4-1908 cụ bị Pháp đầy ra Côn Đảo, lúc đi ngang qua cửa Thượng Tứ cụ đã than lên bốn câu tứ tuyệt vô đề:
“Luy tuy thiết toả xuất Đô Môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.” (PCT)

Rất nhiều bậc túc nho, thức giả đã dịch bài thơ bất hủ này ra quốc ngữ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một người bạn thân thiết của cụ Phan dịch:
“Xiềng gông cà kệ biệt Đô Môn
Khảng khái ngân nga lưỡi vẫn còn.
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn”.
Nhưng… người đời lại nhắc nhiều đến bản dịch của học giả Phan Khôi:
“Mang xiềng nhẹ bước khỏi Đô Môn,
Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn.
Đất nước hãm chìm dân tộc héo,
Làm trai đâu sá thứ Côn Lôn”.
Ai ngờ, gần 200 năm sau ngày ra đời lời than trên, những người đang tranh đấu cho một nền dân chủ đích thực không chỉ cùng nhau nhắc lại những giá trị dang dở của cụ Phan ngày nào như “KHAI DÂN TRÍ – CHẤN DÂN KHÍ – HẬU DÂN SINH” mà còn không quên nhắc lại câu than kể trên của cụ ngày nào. Và nếu cụ Phan đi được đến cùng những dự án chính trị của mình, tôi tin chắc rằng Việt Nam đã tránh được những cuộc chém giết nhau vừa thê thảm, vừa vô nghĩa, sẽ không thể bị các lân bang qua mặt và hôm nay dân tộc Việt Nam đã có một gương mặt khác hẳn, xứng đáng hơn trong khu vực và chắc chắn trong quan hệ với Việt Nam, truyền thông, báo chí Tầu không thể dám lếu láo coi chuyến đi Hà Nội ngày 18/6 vừa qua của Dương Khiết Trì là để “Dậy cho đứa học trò ngỗ nghịch!”, để thúc giục “Những đứa con hoang đàng…trở về nhà ” (Hoàn cầu thời báo).
Với tôi … câu than “Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ…” của cụ Phan xứng tầm là lời cảnh báo cho vận mệnh dân tộc, là lời tiên tri cho tương lai giống nòi. Điều kỳ vĩ là lời than đó, thông điệp đó lại được cụ đưa ra vào những ngày mà chủ nghĩa Mác – Lê – Sit – Mao còn chưa xâm nhập vào được Việt Nam, những ngày mà những người cộng sản Việt Nam đang còn là những cái bóng lẩn khuất trong đêm đen, trà trộn trong đám cùng dân lao khổ, những ngày mà ông giáo Nguyễn Tất Thành chưa thể nghĩ tới việc hơn 30 năm sau, mình lại có thể nhận là cha già dân tộc và đảng của ông tự nhận họ là Mùa Xuân của giống nòi! Dân tộc Việt Nam với những trả quả đớn đau suốt từ ngày đất nước liền một dải đến nay… giờ đem đặt bên câu than ngày nào của cụ Phan, chẳng lẽ lại chẳng nói lên được điều gì?
clip_image002
HD – 981
“Đêm thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,
Ngày xem ống khói cháy đen xì, muốn ra cắn cổ!”
( Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – NĐC)
Hôm nay, sau nhiều ngày Quốc Thổ bị xỉ nhục bởi giàn khoan HD 981 nghễu nghện hạ đặt giữa nhà, cũng là sau nhiều ngày người dân Việt đợi chờ được nghe những xuất ngôn, những thông điệp của người đứng đầu đảng, đứng đầu nhà nước để biết họ sẽ nói gì về biến cố này. Sau nhiều ngày chờ đợi, thật bất ngờ gần đây người dân cả nước mới được nghe ông Trương Tấn Sang nói về hình phạt Tru Di mà tiền nhân dành cho những kẻ mắc tội để hao mòn Quốc Thổ. Không biết khi tung ra những lời còn mạnh hơn cả “Nhát Gươm” không chấp nhận hữu nghị viển vông bay sát đầu quân bành trướng của ông Dũng … liệu ông Sang có nghĩ gì đến những vùng đất, những vùng biển đảo vì công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng mà đã lần lượt vĩnh viễn rơi vào tay giặc Tầu! Ai sẽ bị tru di đây thưa chủ tịch Sang? Tôi nghĩ rằng, vào lúc này… dù ông Sang có nói đâu rồi lại bỏ đấy hệt như ông Nguyễn Tấn Dũng thì cũng còn hơn những vua tập thể khác, hơn hẳn cái cơ quan quyền lực cao sang nhất nước là QH 13, đến phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 vừa rồi, đã ngoảnh mặt đi, hoàn toàn vô cảm trước lời đề nghị của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa để cùng nhau diễn nốt cái game show “Vỗ tay xong tất cả lại về xem World Cup 2014”…công khai vô trách nhiệm với cử tri cả nước khi không dám ra nghị quyết về tình hình Biển Đông ?
clip_image004
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa TP HCM đang đòi QH ra nghị quyết về Biển Đông
Không một người Việt Nam nào dù đang ở trong nước hay vì một lý do nào đó mà đang phải tha hương xứ người có thể nuốt trôi những hiện thực cay đắng này:
Quốc Thổ đã mất 2/3 Thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan, mất bãi Tục Lãm, mất một diện tích đất liền bằng cả tỉnh Thái Bình, mất hàng loạt các cao điểm chiến lược ở Hà Giang, ở Mẫu Sơn, mất Hoàng Sa 1974, mất Gạc Ma 1988, còn mà như mất với Bauxite Tây Nguyên cùng hơn 398374 ha rừng thượng nguồn các tỉnh biên giới bị nhượng bán cho Tầu khai thác tới nhiều chục năm, tương tự với Vũng Áng Hà Tĩnh. Về yếu tố Địa – Chính Trị, thật không ngờ, 2 người bạn chí cốt Lào – CPC sát sạt biên giới phía Tây hình như họ đang đung đưa với người tình Ba Tầu nhiều Đô chứ đâu có mặn nồng gì với Hà Nội! Quay ra bờ đại dương, ta mất phần lớn vịnh Bắc Bộ, nay lại đang có nguy cơ mất nốt cả Biển Đông. Việc xuất hiện ngang nhiên bao làng Tầu, phố Tầu, China town ở ngay giữa các vùng dân cư thành thị của đất nước… như thế vẫn chưa là “Ngũ bề thọ địch!”, “Bốn bên lửa cháy” hay sao? Về đời sống tinh thần, sau nhiều thập kỷ vọng ngoại, theo đuổi những giá trị hư ảo đâu đâu, nay xã hội Việt Nam đạo lý truyền thống đã bị băng hoại ở mức nghiêm trọng, hình ảnh dân tộc bị méo mó, nhân phẩm giống nòi bị hoen ố, cả dân tộc dắt díu nhau cô đơn, lầm lũi dưới bóng cờ “Thập Lục Kim Tự và Tứ Hảo” ba que xỏ lá, cùng hội cùng thuyền với vài ba nhà nước bệnh hoạn để tìm đến cái nơi mà chính ông Nguyễn Phú Trọng TBT đảng gần đây nói: “… đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa?”! Quốc Thổ đang những ngày như thế, dân tộc đang phải thoi thóp sống những ngày như thế… chẳng lẽ vẫn chưa là “Trầm Luân”, chưa là “Hệ Luỵ”.
Những ngày này Trung Quốc, không những không hề có ý định rút giàn khoan HD 981 ra khỏi Biển Đông mà họ lại đang tiếp tục định vị nhiều giàn khoan khác nữa vào vùng biển chủ quyền của chúng ta…, lại to mồm vu Việt Nam là xâm lược, chủ động tấn công Trung Quốc, vi phạm điều này, điều nọ của Luật Quốc Tế! …thì “Quốc Thổ…” là đang “Trầm Luân…”, hay đang “Thăng Tiến…” ? Dân tộc đang sống trong những “Hệ Luỵ” hay “Hanh Thông!”. Nếu vận nước không qua được những ngày cùng cực này, tương lai lá cờ 6 sao sẽ phấp phới bay trên mảnh đất của ông bà là điều không thể không xẩy ra.
Khi đọc được những dòng chữ này, tôi nhận được 3 lời góp ý của 3 người bạn học từ thuở đầu đời. Người thứ nhất, anh là một đại gia: “Già rồi, cất bút, gác kiếm đi, chọn lấy chữ NHÀN mà sống!”. Người thứ hai anh này đã từng là một thủ lĩnh thanh niên, ngày nào là siêu sao chém gió, vậy mà hôm nay, không biết là anh ta nói đùa hay nói thật: “Để có được sự bình an cho con cháu, Moa sẽ mang cờ 6 sao ra đón Hoa quân nhập Việt!”. Người thứ ba, anh là một Bác sĩ tim mạch, một chuyên gia lớn về Thần Học, một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng nhắc tôi: “Hình như lời than bên cửa Thượng Tứ của cụ Phan còn một thông điệp nữa sao không thấy Huynh nhắc đến?”.
Tôi nói với cả 3 người bạn rằng, là người Đa Nguyên tôi ghi nhận tất cả 3 ý kiến và xin được tự bạch: Câu “Nam nhân hà sự phạ Côn Lôn” (Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn) trong lời than của cụ Phan 106 năm về trước là lúc cụ 26 tuổi, cụ muốn gửi tới giới trẻ thông điệp, khi dấn thân tranh đấu phải có dũng khí, kể cả bị tù đầy ở Côn Lôn (Côn Đảo) cũng chẳng xá gì. Giờ đây trang lứa chúng ta đã là U70 rồi mà cũng hô to thông điệp coi mình như thanh niên, tôi e rằng người đời nói chúng ta xạo, đám dư luận viên vô liêm sỉ lại có cớ ném đá, ném đồ dơ bẩn tứ tung. Nhưng, nếu xã hội chúng ta ngày càng đông những trang lứa trẻ ngày càng can đảm vượt qua được mọi nỗi “…hà sự phạ Côn Lôn” hay “…hà sự phạ Hoả Lò” thì đó là hồng phúc dân tộc vẫn còn và tôi vững tin giới trẻ Việt Nam hôm nay sẽ vực dậy được một QUỐC THỔ đang bị tả tơi hao hụt vì ngoại xâm lẫn cả nội xâm và cũng vực dậy được tinh thần của một dân tộc đã quá mệt mỏi vì những hệ luỵ bởi những trầm luân mà họ đã phải chịu đựng./.
Hà Đông những ngày buồn tháng 6 – 2014
N.T.L
Tác giả gửi BVN

Việc làm bất hạnh nhất

 Boxitvn

Nguyễn Thế Hùng
Cuộc sống con người, loài động vật cấp cao nhất trên trái đất, đã trải qua nhiều ngàn năm tồn tại đến nay không ngoài hai nhu cầu: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần.
Với nhu cầu vật chất: Đơn giản nhất là làm sao có cái gì ăn để sống qua ngày rồi đến việc tìm kiếm, chế biến những cái ăn ngày càng ngon, bổ hơn.
Cơ thể con người có nhu cầu cần che chở để có thể sống được, nên cần những vật dụng như quần áo, nhà cửa…; từng bước từ thô sơ, đơn giản, đến phức tạp; ngày càng thẩm mỹ hơn.
Để giúp con người đi lại vui chơi hay buôn bán, các phương tiện đã được phát triển và hoàn thiện không ngừng.

Với nhu cầu tinh thần: các bộ lạc, làng xã, quốc gia đã hình thành, tôn trọng những chuẩn mực mà con người lấy đó làm thước đo tốt xấu; được xã hội tôn vinh hay nguyền rủa với mức độ khác nhau.
Ngày nay, đã có những chuẩn mực về đạo đức, cống hiến nền tảng được mọi người thừa nhận.
Chẳng hạn về chuẩn mực đạo đức làm người; ai ai cũng đều thừa nhận rằng: ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.
Về chuẩn mực tinh thần đóng góp cho xã hội: một người sẽ có công trạng càng lớn nếu đóng góp của họ càng lớn.
Đây là bài học vỡ lòng mà phàm là con người thì ai ai cũng phải biết!
Con người sẽ cảm thấy càng hạnh phúc nếu việc làm của mình không trái với đạo đức và sự cống hiến của mình càng lớn.
Có những việc làm của con người có thể được xem như bất hạnh nhất.
Ví dụ: Việc mình làm có hại cho tổ quốc, dân tộc!
Tại sao việc mình làm có hại cho tổ quốc dân tộc được xem như việc làm bất hạnh nhất?
Mọi người chúng ta đều thừa nhận rằng: đất nước có được là do sự hy sinh, đóng góp của biết bao thế hệ ông cha mới có được như ngày hôm nay; do đó, nếu ai đó không thấy được điều này thì rõ ràng họ không có trí tuệ. Nếu họ có trí tuệ mà vi phạm điều này thì ắt là họ vi phạm điều đạo đức căn bản được mọi người thừa nhận là: “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”.
Một khi điều đạo đức căn bản này bị vi phạm thì không ai còn dám nhận mình là bạn bè với họ; và lại càng không dám nhận mình là người thân với họ!
Lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đã chỉ ra điều đó.
Ai là người dân Việt Nam dám nhận mình là hậu duệ của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc?!
Có những quân mãi quốc cầu vinh hiện nay tuy chưa được sử sách chính thống ghi chép, vì nhiều lý do, nhưng đừng lấy đó làm mừng! Lưới trời lồng lộng! Lịch sử sẽ rất công bằng và các vị không thể trốn thoát được đâu, đừng có ảo tưởng.
Quả thật không có gì bất hạnh hơn, khi những người thân của mình không dám nhận mình là thân nhân của họ và mình bị đất nước đời đời nguyền rủa!
Hãy nhìn gương của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc thì biết đấy!
N.T.H.
Tác giả gửi BVN

VÀI SUY NGHĨ XUNG QUANH “TUYÊN CÁO LẬP TRƯỜNG” CỦA CHINA

[clip_image002%255B3%255D.jpg]   [clip_image004%255B3%255D.jpg]

 Boxitvn

Hoàng Mai
Để phản bác lại lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo nói trên, ngày 09.6.2014, China đã trình lên Liên Hợp quốc (LHQ) tài liệu được gọi là “Tuyên cáo lập trường”. Nội dung của tài liệu này, được TS Tô Văn Trường tóm tắt trong bài viết “Phải kiện nhưng kiện cái gì kiện như thế nào khi nào?” (*), đăng trên Blog Ba Sàm hôm 13.6.2014, như sau:
Những điểm chính trong tài liệu trên:
- Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng in cả trên báo Nhân Dân. (Bản đăng này đã có trên internet)
- Báo nhân dân VN đăng luật về hải phận của Trung Quốc.

- Các phát biểu của ông Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao VN  và một cán bộ khác về Hoàng Sa/ Trường Sa là của Trung Quốc trong cuộc họp ở Hà Nội.
- Bản đồ World Map của Việt Nam (1960) do cục Bản đồ (thuộc Bộ Quốc phòng VN) xuất bản ghi Hoàng Sa /Trường Sa bằng tiếng Tầu và đóng ngoặc là của Trung Quốc.
- Bản đồ năm World Atlas 1972 của Văn phòng Thủ tướng ghi Hoàng Sa/Trường Sa bằng tiếng Trung. (Có in lại trong tạp chí này).
- Sách giáo khoa lớp 9 năm 1974 do Bộ giáo dục xuất bản, ghi Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc (đã được Trung Quốc mới đây chụp và đưa lên internet).
Và họ lý luận là cho đến 1974, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc. Với những tài liệu như thế thì khó lòng bác bỏ được họ về lập trường của VNDCCH.  Ngoài ra có thể có những tài liệu quan trọng khác mà Trung Quốc chưa đưa ra.
Theo nội dung trên đây, bản “Tuyên cáo lập trường” của China gồm 6 nội dung. Với nội dung đầu (Công hàm Phạm Văn Đồng) thì đã có nhiều bài viết phân tích…; các nội dung thứ hai và thứ ba, mặc dù chưa thấy ai đề cập, nhưng nó là kết quả từ “Công hàm Phạm Văn Đồng”. Bài viết này, người viết muốn làm rõ hơn mưu đồ của China, qua đó cho thấy sự tính toán của Mao Trạch Đông, và đồng sự của ông ta, so với Việt Nam với những con người có phần ngây thơ, do tầm văn hóa còn quá thấp, bị Bắc Kinh lừa bịp; và cũng không thiếu những cá nhân thủ đoạn, thậm chí đang tâm bán nước.
1. Như chúng ta đều biết, miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn trước 1975, mọi thứ gần như phụ thuộc vào sự viện trợ từ Liên Xô và China. Đơn giản nhất như là cái kim khâu, cuộn chỉ, rồi đến bút máy, xe đạp… Việc in ấn các tài liệu, đặc biệt là tài liệu quốc phòng, chủ yếu do China đảm nhận.
Người Việt chẳng ngạc nhiên gì về các loại bản đồ do miền Bắc sử dụng ngày đó được in bằng tiếng Trung. Bằng chứng là, trên Internet còn lưu lại ảnh của một chuyên gia China, do Bắc Kinh cử sang để giúp Chính phủ VNDCCH để sản xuất và in ấn bản đồ vào năm những năm 1960. Tấm ảnh dưới đây nói lên tất cả (chắc chắn rằng, hồ sơ lưu trữ trong các Bộ ngành của Việt Nam sẽ còn nhiều tài liệu khác nữa liên quan đến chuyên gia China trên nhiều lĩnh vực khác nhau).
clip_image002
clip_image004
Chuyên gia Trương Hồng Niên, quốc tịch China được “phái sang giúp Chính phủ VNDCCH làm việc tại Cục đo đạc và bản đồ, thuộc Phủ Thủ tướng, nơi sản xuất ra bản đồ mà China dùng để bảo vệ ý kiến của họ.
Nguồn ảnh: facebook.com
Như vậy, để phục vụ cho mưu đồ đã toan tính từ trước, Bắc Kinh đã không từ một thủ đoạn nào để thực hiện. Sự tiếc nuối có chăng là, do trình độ của các quan chức miền Bắc ngày đó quá kém, trong khi ông Hồ Chí Minh, với uy tín bao trùm đã chặn tất cả các ý kiến khác của những người có tinh thần dân tộc. Và những sai lầm có lẽ xuất phát từ sự độc đoán của một vài cá nhân ngày đó.
2. Có lẽ, không riêng gì trong lĩnh vực xuất bản. Mọi lĩnh vực khác của đời sống, kinh tế, xã hội, giáo dục đào tạo… đều rập khuôn theo mô hình China. Cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất, được cho là “long trời lở đất” chỉ là một ví dụ điển hình vì sự tàn bạo, đẫm máu và sai lầm… Mặt khác, do đã coi Hoàng Sa, Trường Sa là của China (công hàm Phạm Văn Đồng), cho nên, trong sách giáo dục miền Bắc trước năm 1975 không nói đến hai quần đảo này. Điều này hoàn toàn ngược lại với miền Nam.
Ngoài ra, nếu như đồng tiền bên China có mỗi hình Mao Trạch Đông, thì đồng tiền thời VNDCCH ở miền Bắc, cũng chỉ có mỗi hình ông Hồ Chí Minh. Trong khi tiền giấy của VNCH có các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Người Việt hôm nay đủ tỉnh táo để nhìn lại một giai đoạn lịch sử đầy sai lầm khi đi theo China và mang tai họa về cho Dân tộc, mà đến hôm nay vẫn chưa thể thoát ra được.
Như vậy, việc Bắc Kinh đưa ra dẫn chứng bản đồ do VNDCCH xuất bản những năm 1960-1970, có ghi Tây Sa, Nam Sa… thực ra là do China xuất bản. Khi Bắc Kinh đã vứt bỏ mặt nạ ra ngoài, để lộ chân tướng là kẻ xâm lược, tráo trở…; thì những người cộng sản ở Việt Nam hiện nay, cho dù có cuồng tín về học thuyết Mác – Lê nin đi chăng nữa, thì cũng đã đến lúc vứt bỏ “4 tốt và 16 chữ vàng”, để thể hiện là người còn có nhận thức. Nếu không đã tự đặt mình vào hàng ngũ là những tên bán nước.
(*) ABS
25.6.2014
H.M
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét