Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Vụ dùng nhục hình: Nhiều điểm cần phải xét lại - Tiết lộ về lợi nhuận khủng khiếp của cựu tiếp viên

Vụ dùng nhục hình: Nhiều điểm cần phải xét lại

Vụ án 5 cán bộ công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều vừa được đưa ra xét xử. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trao đổi với Tuần Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, “kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng có nhiều dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, mức hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội”.
Bà Lê Thị Nga phân tích cụ thể bảy vấn đề quanh vụ việc này.
Tại thời điểm hiện nay, dù chưa có trong tay Bản án sơ thẩm, nhưng qua theo dõi thông tin trên báo chí, trao đổi với một số người tham gia tố tụng và một số người có thẩm quyền ở địa phương trực tiếp theo dõi phiên tòa, đối chiếu với các quy định của pháp luật, chúng tôi thấy nhiều bức xúc của dư luận cử tri là có căn cứ.
Kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng và nhất là cáo trạng, diễn biến tại phiên tòa, nội dung tuyên án sơ thẩm của TAND Thành phố Tuy Hòa có nhiều dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, mức hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; thẩm quyền truy tố, xét xử chưa hợp lý.
nhục hình, công an, tòa án, tội phạm, xét xử
Thân nhân nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa. Ảnh: VietNamNet
Về những dấu hiệu của việc bỏ lọt người, lọt tội
Có căn cứ rõ ràng của việc những người có thẩm quyền của Công an Tuy Hòa đã bắt, giữ người trái pháp luật - Điều 123 BLHS (bắt người không có lệnh, bắt vào ban đêm không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp, quả tang,  bắt truy nã). Tội phạm đã hoàn thành, không có căn cứ pháp lý để khẳng định "chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự" như kết luận của VSKND và TAND Thành phố Tuy Hòa. Về trách nhiệm, ông Lê Đức Hoàn - Phó Trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo chuyên án 312T và những cán bộ tham gia vào việc bắt anh Kiều phải bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Với trách nhiệm là Phó trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa - Trưởng Ban chuyên án, trực tiếp phân công cán bộ cấp dưới thực hiện nhiệm vụ điều tra nhưng ông Hoàn không quản lý, giám sát, kiểm tra cán bộ điều tra để xẩy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người, hành vi này có đủ dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 285 BLHS). Việc VKSND, TAND Thành phố Tuy Hòa đánh giá hành vi này "chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự" là thiếu căn cứ.
Ngoài ra, có thông tin cho biết ông Hoàn là người chỉ đạo toàn bộ chuyên án, có mặt tại phòng xét hỏi nhưng không ngăn cản việc dùng nhục hình, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu thông tin này được kiểm chứng là đúng thì ông Hoàn còn có dấu hiệu đồng phạm của  tội "Dùng nhục hình".
Các nội dung này cần được kiểm tra, làm rõ.
Về việc xác định tội danh
Các thông tin cho biết anh Ngô Thanh Kiều bị bắt từ 3h sáng ngày 15/3/2013, bị bỏ đói (xét nghiệm tử thi không có thức ăn trong dạ dày), bị các cán bộ công an dùng dùi cui đánh với 72 vết thương trên người dẫn đến tử vong. Các tội danh cần được đặt ra để xem xét có thể là: Giết người; Cố ý gây thương tích; Cố ý gây thương tích trong thi hành công vụ; Dùng nhục hình.
Dư luận cử tri, các thẩm phán, luật sư và các chuyên gia luật có nhiều kiến nghị cho rằng: việc xác định tội danh như tuyên án của TAND Thành phố Tuy Hòa là chưa chính xác. Chúng tôi đề nghị cơ quan tố tụng cần phải phân tích kỹ hành vi của các bị cáo, căn cứ vào Bộ luật hình sự để xác định đúng tội danh. Đặc biệt lưu ý là trong trường hợp này, có nhiều căn cứ cho thấy việc bắt anh Kiều là trái pháp luật và anh Kiều chưa bị khởi tố bị can.
Theo pháp luật hiện hành, đối với cơ quan tố tụng, hoạt động tiền tố tụng có thể được bắt đầu từ giai đoạn xử lý tin báo, nhưng đối với công dân, lúc này anh Kiều vẫn là công dân bình thường, hoạt động điều tra tố tụng chưa có hiệu lực đối với người chưa có quyết định khởi tố bị can, đó mới chỉ là hoạt động xác minh.
Trong khi đó, tội "Dùng nhục hình" chỉ áp dụng đối với chủ thể đặc biệt là người có thẩm quyền được giao, được phân công nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây là điểm mà cơ quan tố tụng cần hết sức lưu ý khi xác định hành vi của các cán bộ công an trên có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội "Dùng nhục hình" hay không?
Đáng lưu ý là, theo thông tin cho biết: hiện hồ sơ và lời khai tại phiên tòa cũng cho thấy: không có sự phân công bằng văn bản các cán bộ công an trên thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh đối với anh Kiều, do đó cần làm rõ các cán bộ này có phải là người thực hiện công vụ không? Bản án chưa thuyết phục được công luận về điểm này. Cấp phúc thẩm cần phải kiểm tra, xác định rõ.
Có hay không có đồng phạm trong việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Qua phản ánh cho thấy: nội dung tuyên án chưa đánh giá một cách khách quan và chính xác có hay không có đồng phạm trong việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến việc xác định khung hình phạt và mức án tuyên cho các bị cáo thiếu thuyết phục.
Thông tin cho biết: duy nhất bị cáo Thành bị truy tố ở Khoản 3 Điều 298 (phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng), còn các bị cáo khác chỉ bị truy tố ở khoản 1 với mức hình phạt nhẹ. Nếu xác định có đồng phạm thì tất cả những bị cáo này đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả cuối cùng là gây chết người và đều phải bị truy tố ở khoản 3 Điều 298 BLHS, chỉ có thể cá thể hóa hình phạt qua xác định vai trò của các bị cáo.
Nhưng theo nội dung cáo trạng và nội dung tuyên án được phản ánh thì hành vi của bị cáo Thành và hành vi của các bị cáo khác được xác định như những hành vi phạm tội độc lập, mỗi bị cáo hành động độc lập và chịu trách nhiệm về riêng hành vi của mình.
Điều này là chưa thuyết phục. Bởi sẽ là bất hợp lý khi bắt một người vào trụ sở Công an Thành phố Tuy Hòa - một cơ quan công quyền, sau đó từng cán bộ công an một, mỗi người dùng dùi cui đánh nhiều cái vào người anh Kiều lên đến tổng thể 72 vết thương cho đến chết nhưng không có đồng phạm. Việc xác định có hay không có đồng phạm sẽ ảnh hưởng lớn đến xác định khung hình phạt của từng bị cáo. Vấn đề này cần phải làm rõ.
Đối với 5 cán bộ công an, cần phải xác định rõ người nào được giao nhiệm vụ xác minh vụ án (lưu ý việc giao  này phải theo đúng trình tự thủ tục quy định). Nếu những người không có chức trách, nhiệm vụ mà tự ý vào đánh anh Kiều thì phải xác định rõ tội danh là "Giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích" chứ không thể là tội "Dùng nhục hình" - tội gắn với chủ thể đặc biệt là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra.
Về mức hình phạt đối với các bị cáo
Bà Lê Thị Nga cho hay, bà đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo cơ quan hữu quan (Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC) đề nghị chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền.
Kiến nghị cũng đã được gửi đến ông Nguyễn Xuân Phúc -Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban nội chính Trung ương; Bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để biết và xử lý theo thẩm quyền.
Cả phía gia đình bị hại và dư luận cho rằng, với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của các bị cáo, tác động đối với dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với hoạt động tư pháp và uy tín của Nhà nước thì các mức án đã tuyên là nhẹ, thiếu nghiêm minh (bị cáo Thành chỉ bị tuyên ở mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 3 Điều 298 BLHS, 1 bị cáo bị phạt 2 năm tù, 1 bị cáo bị phạt 1 năm 6 tháng tù và hai bị cáo được cho hưởng án treo).
Cần phải kiểm sát bản án để xác định tính đúng đắn của các mức hình phạt đã tuyên.
Về giám định pháp y
Theo thông tin cho biết: Anh Kiều bị 72 vết thương tích. Kết quả giám định cho thấy: Phần lớn các cơ quan nội tạng bị tổn thương như não, tim, phổi, gan, thận, dạ dày, ruột non, ruột già, tinh hoàn... bị xung huyết, xung huyết các tạng cấp tính và phù não cấp. Nhưng nguyên nhân chết lại được cơ quan giám định pháp y xác định là do chấn thương sọ não.
Nhiều ý kiến cho rằng: Kết luận nguyên nhân chết như vậy là có dấu hiệu chưa chính xác, ảnh hưởng đến việc xác định tội danh của các bị cáo, gây bất bình cho gia đình bị hại và công luận. Chúng tôi đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ tình tiết này, nếu có căn cứ nghi ngờ tính chính xác của Kết luận giám định thì cần thiết phải trưng cầu giám định lại ở cơ quan giám định khác theo quy định.
Về thẩm quyền xử lý vụ án
Với nội dung quyết định khởi tố của vụ án thì việc Cơ quan điều tra của VKSNDTC tiến  hành điều tra là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, đến giai đoạn truy tố và xét xử, do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ án, nên việc để VKSND và TAND Thành phố Tuy Hòa truy tố và xét xử là không hợp lý.
Để đảm bảo khách quan cho hoạt động xét xử, trong trường hợp này, TAND tỉnh Phú Yên cần căn cứ khoản 2 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự lấy vụ án lên để xét xử.
Về thủ tục tố tụng
Tại phiên tòa và trên báo chí, các luật sư cho rằng việc xét xử có nhiều dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng. Điều này cần được VKSND kiểm sát theo thẩm quyền để đảm bảo tính đúng đắn và nghiêm minh của pháp luật.
Như vậy, rõ ràng, kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án trên có tác động lớn đến dư luận xã hội, gây phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để đảm bảo pháp luật được chấp hành công bằng và nghiêm minh, góp phần khôi phục và củng cố lòng tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, chúng tôi kiến nghị: Vụ án này cần phải được sớm kháng nghị theo trình tự phúc thẩm để làm sáng tỏ các nội dung nêu trên và có câu trả lời thỏa đáng cho công luận.
Hồng Ngọc 
(Tuần VN) 

Chuyện gì sau việc phóng thích Cù Huy Hà Vũ?

Ts. Cù Huy Hà Vũ, Ls. Nguyễn Thị Dương Hà và Cô Jenifer L Neidhart de Ortiz, đặc trách nhân quyền ở Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, tại phi trường Dulles International Airport ngày 7.4.2014

Còn nhớ trước ngày 4/4/2011, ngày toà sơ thẩm xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, tôi đã viết bài về anh và trên facebook kêu gọi mọi người tới tham dự phiên toà.

Những người tới toà hôm ấy khá đông, có nhiều anh chị em từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Công an, an ninh dày đặc đã ngăn cản và bắt giữ nhiều người, trong đó có bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân.

Phiên toà diễn ra nhanh chóng, cẩu thả, được xử theo phương án bỏ túi và tuyên án Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù và 3 năm quản chế.

Phiên toà đã bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Đài truyền hình VTV cũng làm một phóng sự bêu xấu anh, nhưng ngay sau đó đã bị dư luận vạch trần là bôi bác, dối trá, lừa bịp.

Nhà giáo Phạm Toàn nói “đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục”. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, “Một phiên tòa làm mất thể diện quốc gia”. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì nhận định “Đã có quá nhiều lời chê trách, bực bội, thậm chí chửi bới đốp chát về một phiên tòa gọi bằng công khai mà chẳng ra công khai, gọi bằng dân chủ mà chẳng ra dân chủ, được trình diễn ngay giữa một Thủ đô bắt buộc phải có cách ứng xử văn hóa thế mà rõ là thiếu văn hóa thậm tệ”.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh "nghe các đài và  bản tin điện tử của rất nhiều nước chỉ trích Việt Nam mạnh quá" đã "cảm thấy xấu hổ!”. Còn Giáo sư Ngô Bảo Châu phải chua chát nói rằng, “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.

Thế nhưng phiên toà phúc thẩm ngày 2/08/2011, đúng như dự đoán, vẫn giữ y án.

Đã có thư kiến nghị được ký kết bởi hàng ngàn trí thức, đồng bào trong và ngoài nước gửi các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và nhà nước CHXHCN Việt Nam, đòi trả tự do cho anh. Bản kiến nghị là một minh chứng rõ ràng rằng, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không có tội.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã được Tổ chức Ân xá Quốc tế công nhận là tù nhân lương tâm. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho anh vì cho rằng việc bắt và kết án anh là trái với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Việc kiện Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một việc làm chưa có tiền lệ, đã cho thấy sự đúng đắn và chính xác. Dự án Bauxite Tây Nguyên càng ngày càng bộc lộ sự vội vã, bê bối, chạy theo lợi ích nhóm, thiếu sự tinh toán kỹ lưỡng, lâu dài, mức lỗ có thể tới năm 2020, chưa kể tác hại tới môi sinh và nguy cơ về an ninh quốc phòng.

Kể từ lúc anh bị bắt ngày 5/11/2010 tại khách sạn với một lý do khôi hài và lố bịch vì "hai bao cao su đã qua sử dụng" đến ngày anh được trả tự do, ngày 6 tháng 4 năm 2014, là gần ba năm rưỡi, có nghĩa rằng anh được ra trước thời hạn một nửa thời gian, không phải do đặc xá mà đi Mỹ chữa bệnh.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và ngay lập tức bị phóng thích qua Mỹ, không là ngoại lệ. Trong giai đoạn gần đây đã có các trường hơp tương tự như ông Đoàn Viết Hoạt hay bà Trần Khải Thanh Thuỷ.

Ông Đoàn Viết Hoạt, sau 5 năm thi hành án phạt tù, đã đệ đơn lên Chính phủ Việt Nam xin ra tù trước thời hạn để xuất cảnh đi Mỹ đoàn tụ gia đình và tự nguyện cam kết từ bỏ mọi hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam. Được nhà cầm quyền chấp nhận, ông được đặc xá tha tù trước thời hạn và qua Mỹ ngày 01/09/1998. Tuy nhiên khi đã định cư ở Mỹ, ông Hoạt đã hành động khác.

Bà Trần Khải Thanh Thuỷ là thành viên của Đảng Việt Tân, được Việt Tân bảo lãnh và sang tới San Fransisco tại phi trường đuợc đón tiếp nồng nhiệt.

Có nhiều thứ khó lý giải. Lý do đưa ra, được dư luận và truyền thông nói tới là đi chữa bệnh, cũng không thuyết phục. Bởi vì Cù Huy Hà Vũ có vấn đề về tim và huyết áp cao nhưng thực sự chưa ở mức nghiêm trọng bằng những tù nhân lương tâm khác như linh mục Nguyễn Văn Lý, Tạ Phong Tần hay Đỗ Thị Minh Hạnh.

Phóng thích vào ban đêm (chủ nhật 6 tháng Tư) rồi đẩy ngay lập tức qua Mỹ, không một lời tạm biệt nơi cố hương, lặng lẽ, là thể hiện một hành động thiếu minh bạch, mờ ám. Thông tin Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và tới Mỹ cũng được đưa ra từ dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

Một điều khác thường là không một thân hữu, bạn bè nào ra đón ở phi trường tại Washington DC, còn các cơ quan truyền thông như RFA hay VOA cũng chỉ nghe xác nhận qua giới thẩm quyền.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tới Mỹ cũng lặng yên như việc phóng thích. Chưa gặp bất kỳ ai, chưa gặp các cơ quan báo chí truyền thông, một điều hiếm hoi, trong khi được biết Cù Huy Hà Vũ chuẩn bị gặp mặt Bộ Ngoại giao và các nhà hành pháp Mỹ. Lý do phong thích thật sự đều bị tiết kiệm tối đa, từ phía Mỹ cũng như phía Việt Nam.

Rõ ràng, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chinh kiến nổi tiếng, với nhân thân đặc biệt của mình, rất có thể đã được Mỹ chọn làm con bài trong toàn cuộc chơi và mặc cả.

Hiệp ước Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP? Rất có thể. Dự luật về Nhân quyền chế tài các nhân vật cộng sản Việt Nam của dân biểu Ed Royce? Rất có thể!

Trong tất cả sự thể nêu trên cho thấy cuộc ra đi của Cù HUy Hà Vũ là một sự thoả thuận, hay đúng hơn là một sự mặc cả, một bên là nhà cầm quyên Việt Nam, một bên là gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một bên thứ ba là chính phủ Mỹ.

Lý do đi chữa bệnh chẳng qua là để cứu vãn sự sĩ diện và làm mát mặt cho nhà cầm quyền Việt Nam, chẳng hề có chủ nghĩa nhân đạo gì ở đây. Thực chất, nhà cầm quyền trả tự do cho anh là đã thừa nhận anh vô tội.

Nếu mà chỉ đi chữa bệnh thì bệnh khỏi thì phải trở về Việt Nam (cơ hội này rất khó), nên có thể còn có sự cam kết khác của gia đình Cù Huy Hà Vũ - đó là là sự im lặng. Nhưng liệu một người như Tiến sĩ Vũ có thể im lặng mãi?

Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ủng hộ những tiếng nói và việc làm của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhưng khó có thể giang vòng tay ấm áp cho một người vẫn ngưỡng mộ ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp. Do đó, đất Mỹ không phải là nơi mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có thể phát huy được con đường tranh đấu của mình.

Dù sao thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã vì lên tiếng nói cho công bằng, lẽ phải của xã hội mà đã phải chịu hoàn cảnh tù ngục ba năm rưỡi. Kể cả việc anh chấp nhận đi chữa bệnh, từ bỏ cuộc tranh đấu, thì cũng không có gì đáng trách. Mỗi một giai đoạn, con người đóng góp một việc trong sức lực của mình. Cám ơn anh những điều anh đã làm. Chúc anh an lành trong những ngày điều trị bệnh trên đất Mỹ.

Trên trang Facebook chị Phuong Dang Bich viết một status rằng, không phải Tổ quốc và nhân dân đã xoá án cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, như anh tuyên bố sau phiên toà, mà chính phủ Mỹ là người xoá án cho anh!

Một cái gì đó có vẻ xót xa, nhưng có lẽ là như vậy!
© Lê Diễn Đức
(RFA Blog's)

An Thanh Lương - Thư ngỏ gửi các tướng lĩnh PK-KQ

duong-truong-chinh-3

Kính gửi các Ông: Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan

Đại tá Nguyễn Tâm Trinh

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân

Trung tướng Phạm Tuân

Đại tá Nguyễn Tiến Sâm – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT

Trung tướng Nguyễn Đức Soát

Sở dĩ tôi phải ghi rõ tên và chức vụ của các vị mà hầu hết đã hồi hưu vì trong bài phỏng vấn của báo Tiền Phong (ngày 8/4/2014) với Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan và Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, chẳng biết có phải đại diện cho các vị hay không nhưng đã có nhắc đến tên các vị.

Tôi biết các vị đều là sĩ quan cao cấp của quân chúng phòng không – không quân, những người đã có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Tôi cũng hiểu khi các vị bước chân lên máy bay và bay vút lên bầu trời tức là các vị đã tự giác đảm nhận sứ mệnh của một cảm tử quân, vì thế các vị đều xứng đáng là những anh hùng của lực lượng vũ trang . Nhiều bạn bè đồng chí của các vị đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, đã không có may mắn được quân đội “chia sẻ” lợi ích để có nhà cao cửa rộng như các vị hôm nay.

Sân bay Bạch Mai là đại bản doanh của quân chủng Phòng không- Không quân, nên từ sau khi hòa bình thống nhất đất nước , bộ đội, thôi thì không biết ai quyết định nên cứ gọi chung chung như vậy đã xẻ cái sân bay oanh liệt một thời này để xây dựng trụ sở, nhà bảo tàng và chia cho các hộ gia đình xây cất nhà cửa, hình thành nên các phố “nhà binh” như Lê Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Văn Thái…(chả biết gia đình ông Xuân có được căn hộ nào trên con phố mang tên ông )

Riêng các sĩ quan cao cấp thì được cấp đất đủ xây dựng biệt thự trên con phố chính là đường Trường Chinh

Hồi đó, đã hơn hai chục năm rồi, mỗi khi đi qua con đường  Tàu bay này, chúng tôi vẫn trầm trồ chỉ trỏ nhà này của tướng này, nhà này của tướng kia với một sự “thán phục”

Nhưng rồi cái gì đến sẽ phải đến. Hà Nội đã xây cầu Vĩnh Tuy, con đường vành đai II phải mở rộng, và thế là chuyện giải tỏa đã đụng đến nhà các quan chức quân đội và cũng như người dân thôi, các ông đã nhảy dựng lên bám vào quá khứ huy hoàng của mình.

Báo chí đưa tin “né nhà quan, bẻ cong đường Trường Chinh” . Có lẽ coi mình không phải là quan nên khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong , tướng anh hùng Phạm Ngọc Lan đã bức xúc “ Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời , chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức”

Xin tướng Lan hãy bình tĩnh. Lúc lái máy bay, ông mới chỉ là một phi công, một đại úy làm theo lệnh cấp trên. Bộ máy đầu não phải to và quan trọng hơn nhiều . Đó là những tướng lĩnh ở Bộ quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, là Quân ủy Trung ương, là Bộ Chính trị.

Các ông lấy lí do nhà các ông có trước quy hoạch mở rộng đường có sau nên phải chấp nhận đường có hình cái “ghi đông xe đạp”, nhìn trên bản đồ thì đúng là như vậy. Tôi thật phục anh nào so sánh hình tượng con đường bị nắn cong với cái ghi đông xe đạp, cũng như báo Tiền phong đã giật tít một bài báo nữa cũng rất hình tượng: Hãy “uốn” lợi ích cá nhân để đường Trường Chinh được thẳng”

Quá đúng và quá chuẩn! Khi các vị tướng bị giải tỏa dù chỉ một phần năm chiều sâu của ngôi nhà như tướng Phạm Ngọc Lan mà ông đã nổi đóa lên thì không biết ông có thông cảm với người nông dân ở Dương Nội, ở Văn Giang và rất nhiều nơi trên đất nước này bị tước đoạt hết ruộng đất , tước đoạt hết quyền được sống và gắn bó với mảnh đất của cha ông, mảnh đất mà bao thế hệ người Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh đời mình để thực hiện khẩu hiệu”người cày có ruộng” hay không.

Sắp đến tháng 5 lịch sử, tôi bỗng nhớ đến chiến công của các chiến sĩ biệt động Hà Nội đánh bom cảm tử phá hủy hàng chục máy bay của Pháp ở sân bay Bạch Mai ( lúc đó ta chưa có không quân) để phối thuộc chiến đấu với bộ đội chủ lực đang bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ. Những chiến sĩ biệt động đặc công đó ai còn ai mất, và nếu còn, liệu có ai kể công và được phân đất xây biệt thự như các vị tướng tá quân chủng phòng không – không  quân sinh sau đẻ muộn hay không? Chính họ đã hy sinh xương máu góp phần giải phóng thủ đô, và từ đó các vị mới có cơ hội tiếp cận sân bay Bạch Mai, rồi biến nó thành tài sản riêng của quân đội và xẻ thịt nó không thương tiếc. Nay thì còn đâu cái hình hài của sân bay Bạch Mai nữa?

Mà không chỉ có sân bay Bạch Mai, bộ đội đi đến đâu là chiếm đất đến đấy. Hà Nội chưa là gì so với đất đai nhà cửa quân đội chiếm dụng ở Sài Gòn. Chính quyền Hà Nội và các thành phố bó tay trước lực lượng vũ trang. Ngay như Hòang thành Thăng Long, sau rất nhiều năm tranh đấu cuối cùng Bộ Quốc phòng mới chịu nhả di tích lịch sử thế giới này cho Hà Nội quản lý. Và người dân mới có điều kiện tham quan nơi xưa kia các vua chúa đã từng ở .Thế đó. Vậy nên sự phản ứng của Thiếu tướng Lan, của Đại tá Trinh cũng là điều dễ hiểu!

Chỉ xin các vị hãy nghĩ đến tòan cục mà hy sinh chút lợi ích cá nhân để phục vụ cái quyền lợi chung của xã hội . Nếu cứ lập luận “nhà tôi có trước, cầu vượt của các ông có sau” thì biết bao nông dân cũng sẽ kêu lên đình chùa mồ mả cha ông chúng tôi có trước đường các ông bây giờ mới vẽ ra. Thế thì đất nước này loạn to. Các vị lại lập luận hãy lấy vào đất của công tức là đất của quân chủng mà né nhà chúng tôi ra. Ôi sao các vị khôn thế ! . Các vị hãy suy nghĩ cho kĩ về cái tít của một bài báo : Hãy “uốn” lợi ích cá nhân để đường Trường Chinh được thẳng!

Đau lắm thay , nếu còn có lương tri !

Hãy thử hỏi, vì uốn cong con đường hình chiếc ghi đông xe đạp thì ngay giữa Hà Nội sẽ xuất hiện một điểm đen giao thông . Tai nạn chết người có thể xảy ra . Mà người Hà Nội mê tín sẽ xây miếu thờ người chết oan uổng ngay trước của biệt thự của các vị thì không biết các vị  sẽ nghĩ sao mỗi khi từ nhà bước ra đường ?
An Thanh Lương
  (Blog Lương Khấu Lão)

Thực phẩm gia súc

Việc chửi bới nhau giữa người với người trong khi ăn có lẽ xuất hiện từ khi con người biết … ăn, nghĩa là từ cái thời mò cua bắt ốc săn thú trong hang động con người đã giành giật miếng ăn để sống. Tính cách ấy xã hội hôm nay có một từ rất hay là “bầy đàn”. Nó minh họa đầy đủ cộng đồng của người tiền sử, hợp lại thành bầy đàn để sống còn và cho tới vài triệu năm sau tính chất bầy đàn ấy được dùng để ám chỉ những hành vi của thời kỳ hang động và dĩ nhiên không ai chấp nhận trong xã hội ngày nay.
Ăn để sống được con người thực hành triệt để là quy luật của tạo hóa, nhưng sống để ăn thì hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người, mỗi cộng động xã hội, thậm chí mỗi nước.
“Sống để ăn” nói lên được cá tính của từng người. Ăn ngon là nhu cầu cao nhất của con người và nhu cầu ấy không thể bàn cãi. Tuy nhiên nếu cái “ngon” phải được đánh đổi bằng giá trị cao hơn món ăn, như tiền: khi quá mắc, như vị trí ăn: quá dơ bẩn, như không gian ăn: tối tăm, ẩm thấp hay ồn ào quá mức chịu đựng, hay tệ hơn, thái độ phục vụ: phải đánh đổi bằng cả giá trị con người thì dù ngon cách mấy cũng khó có ai chấp nhận.
http://dantri21.vcmedia.vn/7iS0Ym1SbbOoTsWhJi/Image/2013/09/chuikhach-14d91.jpg

Vậy mà tại Hà Nội, nơi rất nhiều người muốn được gọi là Tràng An, cái nôi văn hóa của cả nước lại đang có hàng ngàn người chấp nhận những yếu tố tiêu cực để được ăn ngon. Ngon bất kể lời ăn tiếng nói của người bán món ăn ấy công khai xem họ là những con lừa, hay tệ hơn, những con heo thèm ăn bất kể cái chuồng của nó dơ tới mức nào qua miệng lưỡi của người bán. Gọi họ là heo, họ cười. Gọi họ là nỡm, họ cười miễn sao có ăn, thỏa mãn tuyến nước bọt đang chực trào ra khi nghe mùi bún chửi, cháo mắng, ốc lắm mồm…
Thực phẩm là thức ăn nói chung, nhưng cách ăn như vậy phải gọi đích danh là “gia súc”.
Người này ăn bị chửi về kể lại với người khác toàn bộ câu chuyện để rồi kết thúc bằng một cái lắc đầu tiếc rẻ: “nhưng sao mà món ăn của họ ngon thế!” Câu tiếc rẻ ấy kéo theo sự tò mò cho người nghe và không chóng thì chầy người nghe ấy nếu không ý thức được thức ăn ấy chỉ nên dành cho gia súc cũng tự nguyện làm theo trong một ngày nào đó khi chữ “ngon” cứ văng vẳng bên tai. Và một cộng đồng nói, nghe, bắt chước, làm theo hình thành. Hình thành dưới phạm trù “bầy đàn” đúng nghĩa.
Có người cho rằng thói quen này phát xuất từ thời xin cho của hợp tác xã và nói rộng ra từ thời bao cấp, khi tem phiếu còn thống trị phân nửa đất nước. Nói thế chỉ đúng một phần và với một số rất ít, chỉ những người già, trực tiếp sống trong thời kỳ ấy còn người trẻ hơn, sinh ra sau khi chế độ tem phiếu đã tuyệt chủng thì lập luận này không thể tồn tại.
Chỉ có thể giải thích: Họ là những người còn nguyên cá tính bầy đàn, chỗ nào có món ăn được đồn đãi là ngon thì họ tìm đến bất kể giá nào.
Hai nữa, họ muốn chứng tỏ mình biết thưởng thức món ăn để khi có ai hỏi thì sẽ hãnh diện mà nói rằng tôi đã từng ăn ở đó và cũng không quên lên án kẻ bắt họ ăn luôn những thứ nhơ bẩn từ mồm của người bán.
Tâm lý ấy phát xuất từ nghèo khó chỉ một bước đổi đời. Thăm thẳm trong tận cùng ký ức của họ một sự ức chế thiếu ăn nặng nề nằm sâu trong huyết quản. Họ phải ăn để bù lại tháng ngày trước đó cả gia đình không được ăn. Ăn để trả thù và ăn để khẳng định đẳng cấp. Bất hạnh một nỗi, lỗ hổng nhân cách mà xã hội tạo ra trong nhiều chục năm không thể kéo những người háo ăn ấy về lại bản chất căn bản của con người: sự giận dữ cần thiết khi ai đó làm mình xấu hỗ.
Để tránh khỏi phải xấu hỗ nhưng vẫn được ăn là một bài báo dạy những người háo ăn này. Với cái tựa “Bí kíp ăn ngon mà không bị lườm, chửi, xếp hàng ở Hà Nội”
Không còn một ê chề nào lớn hơn như thế. Nó làm người đàng hoàng thấy như bị tát vào mặt. Nó tương tự như: Bí kíp tránh bị bắt quả tang khi hiếp dâm, bí kíp nghe người khác chửi mà vẫn vui vẻ, bí kíp ăn mặn nhưng không khát nước…những cái gọi là bí kíp ấy đang hô hào cho lớp trẻ tiếp tục tới những chỗ bún quát, cháo chửi, ốc lắm mồm hóng mõm lên chờ chủ quán phân phát thực phẩm rất ư là gia súc.
Những bí kíp ấy là gì: đổi sẵn bạc lẻ khi ăn kem Trang Tiền. Khi tới Ốc lắm mồm Hồ Đắc Di không mở mồm đòi hỏi chi nhiều. Tránh xếp hàng tại phở Bát Đàn bằng cách ngồi quán cà phê bên cạnh rồi bỏ thêm 5 ngàn để quán cà phê mua phở giúp.
Những thứ gọi là bí kíp ấy làm người ta thắc mắc sao lại có loại phóng viên như thế nhỉ? Hay là vì quá muốn dân Hà Nội làm người Tràng An nên tờ báo phải huy động một bài viết non nớt và đậm mùi như thế?
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Trời ạ! Câu ca dao này có gì hay mà mọi người cứ lấy ra bơm cho nhau mãi thế?
“Chẳng thơm”: thì ông cha ta đã xác định nó chỉ là hoa giấy, hoa giả nhưng lại dựa vào hoa nhài để thơm lây, một câu ca dao thấm thía đến mức lạnh lùng.
“Dẫu không thanh lịch”: đấy, anh chị là dân tứ chiếng tụ về, là giai cấp công nhân nghèo xác xơ, là tiện dân buôn tần bán tảo nhưng anh chị là người Hà Nội thì cũng chẳng sao, cứ lấy hai chữ Tràng An ra mà che mặt lại. Che lại cho thơm hai tiếng Tràng An vốn xuất phát từ Tầu.
Viết tới đây tôi lại thấy may cho mình. Trên tấm chứng minh nhân dân nơi sinh không ghi chữ Tràng An, nếu không chắc lại xin ra khỏi cái quốc tịch Hà Nội.
Cánh có
(RFA Blog's)

Tiết lộ về lợi nhuận khủng khiếp của cựu tiếp viên

Bị thách thức bởi các tay buôn nguyên kiện kết nối săn hàng với người Việt ở Mỹ, đội "cửu vạn trên không" tập trung buôn hàng ăn cắp, hàng trôi nổi ở các nước Châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
tiếp viên hàng không, cửu vạn, buôn lậu, tiêu thụ hàng ăn cắp
Một góc phố kinh doanh hàng xách tay thuộc dạng đắt đỏ nhất TP.HCM: Phố Tôn Thất Đạm, Q.1 với trên 60 ki ốt chuyên thu gom hàng xách tay của các tiếp viên, đầu nậu.
Một vốn bốn lời

Có thể nói hàng hóa xách tay từ Nhật đang được ưa chuộng nhất bởi đây là quốc gia có chế độ đánh giá rất chuẩn về dinh dưỡng, thực phẩm - mỹ phẩm trước khi cho phép lưu thông. "Hàng về bao nhiêu cũng hết", một tay buôn ở chợ Tôn Thất Đạm hả hê cho biết khi block thuốc kháng viêm của một công ty dược Nhật mà chúng tôi đặt mua bị tăng giá 20.000 đồng/vỉ, do chợ khan hàng.
Theo nhận định của một nam tiếp viên hàng không, sở dĩ cánh tiếp viên bất chấp nguy hiểm vẫn quyết mang bằng được hàng không rõ nguồn gốc về VN tiêu thụ vì lợi nhuận khủng hơn hẳn các nhóm hàng thông thường. Đây cũng là một chương mới trong hành trình khuân vác, vận chuyển hàng lậu vào thị trường VN của các tiếp viên. Họ chấp nhận cuộc chơi, rủi ro khi thu mua hàng không rõ nguồn gốc tại nước bạn vì giá trị lợi nhuận cao. Trong khi giá thu mua một thỏi son môi Nhật (được dân ăn cắp bán lại) tại Nhật chỉ dao động từ 200-350.000 đồng (1000-1300 yen) về đến VN lập tức có mức giá trên 1,5 triệu đồng/thỏi.

tiếp viên hàng không, cửu vạn, buôn lậu, tiêu thụ hàng ăn cắp
Hàng Nhật hút khách là động cơ khiến nhiều tiếp viên lao vào tuồn hàng về nước.

Uy tín của nhóm sản phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng chất lượng ở thị trường Nhật cũng luôn hấp dẫn đầu nậu. Do vậy tiếp viên thường nhận nhiều đơn hàng khủng để lao vào thu gom, bất chấp luật pháp, thủ đoạn. Đơn cử một cái khăn tắm (có khả năng che nắng, chuyển nhiệt, giãn nỡ khi ngâm nước) tại Nhật có mức giá 300-600 yen (tương đương 60.000 - 120.000 đồng), khi về đến VN, giá lên đến 250.000 đồng. Nhưng nếu mua hàng trôi nổi, trộm cắp, giá gom tại Nhật chỉ dừng ở mức 10.000 đồng. Đắt đỏ nhất chính là các dòng mỹ phẩm như son môi, phấn nền...
Các dòng ống kính máy ảnh cao cấp của hãng điện tử Sony, khi về VN giá tăng gần gấp ba, thu hút giới tiếp viên hàng không lao vào đường buôn. Khi nguồn hàng thiếu, họ không ngần ngại đặt người Việt đang sống tại Nhật đi thu mua dùm, gặt luôn cả hàng ăn cắp cũng do chính người Châu Á tại Nhật (có cả nhóm người Việt) để thu lợi nhuận cao nhất có thể.

tiếp viên hàng không, cửu vạn, buôn lậu, tiêu thụ hàng ăn cắp
Đến cả khăn lạnh giãn nở cũng được tha về bán lại.

Các sản phẩm khăn lạnh, mặt nạ toả nhiệt hút mụn cám, miếng dán chống viêm, giảm đau cơ, kem chống nắng... nếu thu mua theo đường hàng ăn cắp cũng rẻ đến bất ngờ nên lợi nhuận mà thương lái chi lại cho người vận chuyển cũng cao ngất ngưởng, góp phần cổ xuý cho những tiếp viên tha hoá, biến chất bất chấp hệ luỵ lao vào thu gom hàng.
Chiêu ngụy trang giấu hàng và lọt cửa an ninh
Trao đổi với báo chí, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng cục hàng không VN cho biết sự việc tiếp viên hàng không Việt Nam cùng tổ bay bị bắt, di lý sang Nhật điều tra vì vận chuyển hàng ăn cắp "chỉ mang tính cá nhân". Thế nhưng, nếu chiếu theo quy trình kiểm tra gắt gao tại ga đến của sân bay, việc tiếp viên buôn lậu, tuồn hàng ăn cắp về VN tiêu thụ một cách có hệ thống có dừng lại ở trách nhiệm cá nhân? Nó không còn là một sự cố, khi những hành vi tuồn hàng trái phép đã đang diễn ra công khai, từ lâu, góp phần làm hoen ố hình ảnh của quốc gia.
Một nữ tiếp viên chuyên mặt hàng mỹ phẩm trị mụn (ảnh) cho hay, thu gom sản phẩm không khó vì đa số đã được người VN "ở bển kết nối". Sau khi gom đủ, hàng sẽ được tập kết tại khách sạn nơi đoàn bay đóng quân. Hàng sẽ được tiếp viên ngụy trang sao để qua được trạm kiểm soát an ninh, lên máy bay trót lọt.
Vì tiếp viên chỉ giới hạn khối lượng vali, trong khi trọng lượng không bị kiểm tra nên những tiếp viên có tay nghề cao thường chẻ hàng rất xuất sắc để đạt được số lượng hàng vác về nước được nhiều nhất. Các mặt hàng son môi, mỹ phẩm dưỡng da, chất tẩy trang điểm được chẻ nhỏ, nhét khéo vào vài bộ hàng hiệu đã được cuốn tròn tinh tế.
Hàng về đến sân bay VN, tuy đoàn bay có lối ra riêng và theo quy trình họ vẫn phải đi qua máy soi chiếu. Thế nhưng đối với giới tiếp viên chuyên đánh hàng lậu như TC, MT, HV... thì đó là chuyện nhỏ. Bởi đơn giản đây là một hoạt động có hệ thống, lại quả hẳn hoi, các cô nàng tiếp viên xinh đẹp vừa vội quấn áo dài vừa thoăn thoắt đẩy hàng ra như ở chốn không người.
Trao đổi với chúng tôi, chị A, một người có kinh nghiệm về máy soi chiếu hải quan cho hay: "Gặp sự cố, họ thường nói không biết valy chứa hàng lậu, hàng không phép, hàng vượt mức cho phép... Nhưng sự thật trong thâm tâm, chúng tôi biết rõ. Thậm chí chỉ ngồi sau máy chiếu, chúng tôi còn định được cả số lượng mỗi nhóm hàng mà dân buôn mượn tay tiếp viên tuồn về".
Chính sự lại quả, ơn nghĩa cùng các mối quan hệ lằng nhằng như thế, đã góp phần đẩy các tiếp viên, phi hành đoàn bất chấp, tuồn hàng ngày một bạo tay. Mà đỉnh điểm là nhóm hàng ăn cắp, họ cũng thu gom miễn là mang lại lợi nhuận cao.
Phát biểu của ông Cục trưởng liệu đã đủ và đúng để thuyết phục, khi mà bất chấp quy trình kiểm tra chặt chẽ như công bố, nhưng vẫn xảy ra kẽ hở kinh ngạc như thế? Nếu không có kẽ hở này, liệu giới tiếp viên có dám làm càn, bất chấp dư luận, coi thường hình ảnh cơ quan chủ quản để chăm chỉ tuồn hàng về VN?
Đinh Quý Anh
(còn tiếp): Đại diện của VietNam Airlines nói gì về hiện tượng này?
(Tuần VN)

World Bank không cho Việt Nam vay tiền xây sân vận động phục vụ ASIAD 18


(TNO) Ngày 7.4, tại Hà Nội, trong lễ công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương, lãnh đạo cao cấp của World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam (VN) đã khẳng định sẽ không cho VN vay tiền xây sân vận động phục vụ ASIAD 18.
Khi được báo chí VN đặt câu hỏi về việc liệu World Bank có cho VN vay tiền để xây dựng các công trình phục vụ ASIAD 18 năm 2019 hay không, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia World Bank tại VN nói: “Chắc chắn, chúng tôi sẽ không cho VN vay tiền để xây sân vận động. Vai trò của chúng tôi không phải ở chỗ ấy.
Và tôi cũng nghĩ rằng, chắc chắn Chính phủ Việt Nam cũng không đề nghị World Bank vay tiền để xây dựng sân vận động cho ASIAD.
Tại VN đang có nhiều ý kiến tranh cãi về điều này nhưng người ngoài cuộc như chúng tôi không muốn bình luận sâu thêm”.
Bà Kwakwa nói tiếp: “Tôi cho rằng, Chính phủ VN sẽ đưa ra quyết định đúng nhất. Các bạn là báo chí, thay mặt cho người dân và nếu các bạn không thích VN đăng cai vì các khó khăn, thì các bạn cũng nên lên tiếng. Nhưng World Bank sẽ không cho vay để làm ASIAD”.
Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đăng cai ASIAD 18.
Tuần trước, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Sau khi có phương án nếu thấy khả thi, đảm bảo thì Thủ tướng mới đồng ý cho đăng cai, còn không thì ta không làm. Tôi yêu cầu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Hoàng Tuấn Anh xem lại để báo cáo lại cho chặt chẽ”.
Khôi Nguyên
(Thanh niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét