Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Mọi thứ quá loạn rồi, không sửa chữa kịp nữa - "Tiền nhà nước", "ngân sách nhà nước" thực ra là "tiền của dân"

Kami - Cần tôn trọng quyết định của TS. Cù Huy Hà Vũ

"Đây là một thất bại và mất mát của phong trào Dân chủ và những người dân đang khao khát tự do. Chúng ta đã không đủ sức mạnh để buộc chính quyền thả tự do cho Tiến sĩ Vũ tại Việt Nam. Để ông tiếp tục đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Và là một thành công của chính quyền CS, bởi họ đã đạt được 2 mục tiêu: Đáp ứng đòi hỏi của quốc tế và trục xuất được một người kiên cường đấu tranh đòi đa đảng.".

Trong những ngày gần đây tin TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do và đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên về phía báo chí chính thống của Việt Nam cho tới nay hoàn toàn im lặng trước sự kiện này. Đây có thể coi là một lùi bước của chính quyền Việt nam đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ, cho dù vì bất kỳ lý do nào.

Tuy nhiên, tin TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do và đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh ngày 7.4.2014 là một tin được coi là bí ẩn, đặc biệt là về nguyên nhân sâu xa mà phía Việt nam đã phóng thích ông từ trại giam ra thẳng phi trường để xuất cảnh qua Hoa kỳ. Còn nhớ cách đây không lâu tin này đã được loan tải trên truyền hình của nhà nước Việt nam, khi một quan chức chính quyền Việt nam cho hay phía Việt nam đang làm thủ tục cho ông Cù Huy Hà Vũ xuất cảnh đi Hoa kỳ chữa bệnh theo nguyện vọng cá nhân. Song vào lúc ấy kể cả những người thân nhất của ông Cù Huy Hà Vũ cũng không xác nhận tin này là có cơ sở. Cho đến ngày 07.4.2014 một số cơ quan truyền thông Việt ngữ có loan tải tin này, song ban đầu họ cũng không khẳng định là tin chính thức, mà các thông tin khi đưa ra theo họ nguồn tin đến từ dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa kỳ.

TS. Cù Huy Hà Vũ trở nên nổi tiếng sau một loạt các việc làm nhằm bảo vệ công lý và các vấn đề tư pháp đã gây xôn xao dư luận. Đó là các vụ kiện các cơ quan và cá nhân các lãnh đạo mà theo ông là vi phạm luật pháp Việt nam, như dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, dự án tái dựng đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch, đặc biệt ông được dư luận chú ý đến sau khi đệ đơn kiện thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxite ở Tây nguyên và về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với Hiến pháp và pháp luật. Và kết quả cuối cùng là ông đã bị bắt từ ngày 5 tháng 11 năm 2010 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 – Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý trong đó việc kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của ông bị cho là hành vi vu khống lãnh đạo. Dư luận xã hội cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến ông bị bắt và bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế tại một phiên xét xử vội vã và đầy khuất tất vào tháng 4 năm 2011.

TS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà, cùng cô Jenifer L Neidhart de Ortiz, đặc trách nhân quyền của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặt chân xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014. Courtesy BPSOS

Việc trả tự do trước thời hạn hơn 3 năm rưỡi đối với TS. Luật Cù Huy Hà Vũ được nhiều ý kiến cho rằng đó là sự đánh đổi của chính quyền Việt nam trong vấn đề Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP). Điều này khá phù hợp với việc phía chính quyền trả tự do cho thầy giáo Đinh Đăng Định và tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, người đã thụ án tới 37 năm trong nhà tù của chính quyền cộng sản. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng sự việc này xảy ra trong bối cảnh sự thừa nhận những thất bại ban đầu của Dự án khai thác bauxite trên báo chí trong thời gian gần đây, phải chăng là một sự thừa nhận chính thức rằng chính quyền đã sai khi kết án oan sai đối với công dân Cù Huy Hà Vũ? Nhưng dù gì đi chăng nữa thì đây cũng là một sự thắng lợi của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam và cũng là một sự nhượng bộ của chính quyền.




"Bản thân tôi khi đang ở tù, an ninh nhiều lần hỏi, gợi ý thả tự do cho tôi đi nước ngoài, nhưng tôi không chấp nhận. Ngay cả hiện tại, mỗi lần làm việc với họ, họ đều bảo tôi sao không đi định cư để đỡ làm phiền họ. Nhưng tôi luôn nói với họ rằng: Những người dân Việt Nam đang khao khát tự do, dân chủ mới cần đến tôi, còn nước Mỹ đã có tự do, dân chủ hàng trăm năm rồi. Tôi sang đó sẽ thành người vô dụng".

Luật sư Nguyễn Văn Đài
Tuy nhiên, xung quanh việc TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do và đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh vừa qua dư luận cũng có những quan điểm khác nhau. Trên FB của mình, Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định rằng: "Đây là một thất bại và mất mát của phong trào Dân chủ và những người dân đang khao khát tự do. Chúng ta đã không đủ sức mạnh để buộc chính quyền thả tự do cho Tiến sĩ Vũ tại Việt Nam. Để ông tiếp tục đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Và là một thành công của chính quyền CS, bởi họ đã đạt được 2 mục tiêu: Đáp ứng đòi hỏi của quốc tế và trục xuất được một người kiên cường đấu tranh đòi đa đảng.". Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài chính quyền Cộng sản luôn luôn muốn những người bất đồng chính kiến với họ đi khỏi Việt Nam. Để họ được tự do cai trị hay áp bức nhân dân theo ý thích của họ. Hãy nghe ông tâm sự: "Bản thân tôi khi đang ở tù, an ninh nhiều lần hỏi, gợi ý thả tự do cho tôi đi nước ngoài, nhưng tôi không chấp nhận. Ngay cả hiện tại, mỗi lần làm việc với họ, họ đều bảo tôi sao không đi định cư để đỡ làm phiền họ. Nhưng tôi luôn nói với họ rằng: Những người dân Việt Nam đang khao khát tự do, dân chủ mới cần đến tôi, còn nước Mỹ đã có tự do, dân chủ hàng trăm năm rồi. Tôi sang đó sẽ thành người vô dụng".

Những tâm tư, bộc bạch của LS. Nguyễn Văn Đài thật là đáng quý và đáng trân trọng, song đáng chú ý đã đã có không ít người tỏ sự thất vọng trước việc TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã chấp nhận đi thẳng từ nhà tù ra sân bay Nội bài đến Hoa kỳ để tỵ nạn chính trị. Mà theo họ đó là việc chấp nhận ra đi khi biết rằng không có cơ hội quay trở lại Việt nam, đó là hành động đồng nghĩa với sự chấp nhận thoái lui, lùi bước của TS. Cù Huy Hà Vũ trên con đường tranh đấu của ông.

Thực ra luồng quan điểm này không chỉ mới phát sinh sau khi TS. Cù Huy Hà Vũ đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh trong lần này, mà nó đã có từ lâu đối với tất cả những nhà đấu tranh dân chủ khác khi họ tự dành cho mình sự lựa chọn để ra đi tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác. Và họ luôn bị mang tiếng khi bị gán cho là thoái lui, đầu hàng... để lo cho bản thân mình và gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi xứ người. Mà ít người không biết rằng việc bỏ nước ra đi của các nhà đấu tranh dân chủ, các cựu tù nhân lương tâm là việc bất đắc dĩ mà họ buộc lòng phải chấp nhận, khi cuộc sống của họ và của gia đình họ bị chèn ép gây khó dễ từ phía chính quyền trong công việc làm ăn, việc cư trú, việc học hành của con cái v.v... Trong điều kiện họ không còn một sự lựa chọn tốt hơn cho mình, mà tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác là lựa chọn khả dĩ nhất. Phải hiểu, đối với những người quyết định bỏ nước ra đi điều mà họ chấp nhận lớn nhất là ra đi sẽ không có ngày trở lại, đó là chưa nói đến biết bao rủi ro đang rình rập và chờ đón họ trên con đường đó. Và mọi người càng không biết rằng việc những người ở lứa tuổi như họ chấp nhận việc đưa cả gia đình vợ con đi định cư ở một bờ bến mới, trong khi không biết tương lai sẽ thế nào và cảm giác hụt hẫng của họ sẽ ra sao?

Nên hiểu "xảy nhà ra thất nghiệp", nước Mỹ, nước Úc... hay các quốc gia khác không phải là thiên đường dành cho những người tay trắng như họ. Nhất là khi rào cản lớn nhất đối với họ là vấn đề ngôn ngữ, khi họ và những người trong gia đình phải bắt đầu bằng các bài học vỡ lòng. Rồi thì công ăn, việc làm của họ sẽ ra sao chứ chưa nói đến muôn vàn các khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng nơi mới đến định cư. Sự trợ giúp ban đầu của chính quyền nước sở tại hay sự giúp đỡ của bạn bè, người thân trong cộng đồng xã hội mới đến sẽ nhanh chóng hết đi. Thay vào đó, khi ấy những người như họ phải một mình tự thân vận động để mưu sinh và vật lộn với cuộc sống để tồn tại, nhất là trong một mặt bằng xã hội nhu cầu cần thiết cho cuộc sống khá cao thì càng đòi hỏi họ phải có nỗ lực nhiều hơn. Chúng ta cần phải hiểu đó là lý do vì sao đã có đến 90% trong số những nhà đấu tranh dân chủ, các nhân vật bất đồng chính kiến đã bỏ cuộc sau khi đi định cư ở các quốc gia khác. Và đây cũng là lý do khiến không ít người đã nghi ngờ về động cơ của những nhà tranh đấu cho dân chủ ở Việt nam khi lựa chọn ra đi tỵ nạn ở một quốc gia khác. Tất cả cũng vì vấn đề thời gian và sức lực của họ không cho phép họ thực hiện những điều họ mong muốn. Đã có không ít người đấu tranh dân chủ phải bộc lộ những khó khăn ngoài sự tưởng tượng mà trước đây họ không lường hết khi quyết định đi tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác. Mà theo họ, ví dụ việc gọi điện thoại từ Việt nam sang Hoa kỳ của họ trước đây khi ở Việt nam nhiều khi còn dễ dàng hơn khi họ muốn gọi điện thoại từ tiểu bang này sang tiểu bang khác khi định cư ở Hoa kỳ. Hoặc muốn gặp mặt bè bạn để làm một công việc chung gì thì tất cả đều phải nghỉ việc, đó là điều ngay khi ở Việt nam họ cũng chưa từng gặp v.v... Đây là những sự thật mà ít người trong số chúng ta ngờ tới.

Mọi người sinh ra đều có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam cũng vậy, họ cũng có quyền lựa chọn cho mình và gia đình một cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn. Ít nhất họ là những người đã từng chấp nhận hy sinh để tranh đấu cho một đất nước Việt nam tốt đẹp hơn và cái giá phải trả của họ là những năm tháng tù đầy. Chúng ta không có bất cứ quyền gì để buộc họ ở lại để tiếp tục tranh đấu, và càng không có quyền coi họ là những người bỏ cuộc hay thoái lui. Vì thử nghĩ xem trong số chúng ta đã có mấy người đã làm được những gì như họ đã từng làm hay chưa?

Cũng có những ý kiến cho rằng TS. Luật Cù Huy Hà Vũ không chỉ gặp những khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống nơi mới đến, mà sẽ còn gặp không ít khó khăn khi hòa nhập cộng đồng người Việt nam ở Hoa kỳ, nơi có nhiều người chống cộng còn mang nặng hận thù quốc - cộng. Cũng vì bản thân ông là con cái của một trong những công thần của chế độ cộng sản, và là người gần gũi với các lãnh tụ cộng sản. Và những người đó họ còn cho rằng đây là một trong những âm mưu có tính toán để hành hạ TS. Luật Cù Huy Hà Vũ về mặt tinh thần của chính quyền cộng sản sau khi ông đi định cư ở Hoa kỳ. Nhận xét này cũng là điều đáng quan tâm và là một trong những thử thách không nhỏ của TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và những người trong gia đình trong thời gian định cư tại Hoa kỳ.

TS. Cù Huy Hà Vũ đã cống hiến và hy sinh quá nhiều trong công cuộc đấu tranh nhằm thiết lập một nhà nước pháp quyền, trong đó luật pháp phải được thượng tôn và bất khả xâm phạm ở Việt nam. Và việc ông quyết định cho mình đi chữa bệnh dài hạn ở Hoa kỳ, dẫu phần nào không có lợi cho phong trào đấu tranh cho dân chủ bằng việc ông có mặt ở trong nước như nhiều ý kiến đã nêu. Nhưng những quyết định của ông, do ông và vì ông trước mắt xứng đáng được tôn trọng và chúng ta không có quyền ngăn cản hay thất vọng về việc đó. Riêng cá nhân tôi khi xem hình ảnh TS. Cù Hùy Hà Vũ và vợ tại sân bay Dulles, Washington DC (ảnh). Trên gương mặt ông tôi thấy có sự vững vàng của một con người có nghĩa khí và bản thân tôi có một niềm tin rằng ông sẽ là trong số 10% những nhà đấu tranh dân chủ đi tỵ nạn ở Hoa kỳ sẽ tiếp tục sứ mệnh tranh đấu của ông đang còn dở dang. Và chắc chắn rằng ông sẽ không bỏ cuộc, vì tôi tin rằng một người hội đủ các yếu tố cần có như TS. Cù Hùy Hà Vũ sẽ không dễ mà tự bỏ cuộc chơi.

Xin chúc TS. Cù Huy Hà Vũ sẽ toại nguyện với những gì ông đã ấp ủ!
Ngày 09 tháng 04 năm 2014
© Kami
(Kami Blog's)

HRW: 'TS Hà Vũ phải lưu vong'

Ông Hà Vũ từng được truyền hình công an và VTV làm 'phóng sự' trong tù.

Một số tổ chức quốc tế đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân đằng sau việc Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ được chính quyền Việt Nam thả khỏi tù và sang Hoa Kỳ 'chữa bệnh'.

Tuy nhiên có ý kiến đặt lại nói là ông Cù Huy Hà Vũ đã bị 'đưa đi lưu vong' (exile) chứ không phải được ra nước ngoài chạy chữa bệnh nặng.

Hôm 08/4/2014, ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) bình luận với BBC việc ông TS Hà Vũ được đưa thẳng từ trại giam ra sân bay sang Mỹ.

Ông Adams nói đây là 'tin vui' nhưng lại cũng là một việc 'đáng buồn', không 'công bằng' đối với ông Hà Vũ và sự nghiệp tranh đấu cho cải tổ thể chế, chính trị ôn hòa mà nhà hoạt động này lâu nay theo đuổi.

Bấm vào để nghe bài tường thuật
Ông Adams nói: "Hiện nay, ông Cù Huy Hà Vũ đã có mặt ở Washington DC, chúng tôi hài lòng về điều này, nhưng đồng thời đây là một ngày rất buồn cho Việt Nam, bởi vì đây là một nhà hoạt động chủ chốt của Việt Nam là người đã luôn kêu gọi một cuộc cải tổ chính trị hòa bình cho thể chế ở Việt Nam và bây giờ ông ấy đã bị bắt buộc phải rời khỏi đất nước,

"Việt Nam đang cần những người như ông Hà Vũ, ở Việt Nam ông ấy có thể làm việc để nỗ lực tạo ra một xã hội dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người và nay ông ấy phải sống lưu vong, và điều này không công bằng cho ông ấy và gia đình của ông ấy và cả đất nước, bởi vì ông ấy đã không làm gì sai trái."

'Chữa bệnh hay trục xuất?'


Trước câu hỏi liệu việc ông Vũ được đưa ra nước ngoài 'chữa bệnh' là lý do thực sự và duy nhất hay đâu là lý do thực, ông Adams bình luận:

"Chúng tôi hiểu rằng ông Cù Huy Hà Vũ có vấn đề về sức khỏe, nhưng đồng thời ông ấy không bao giờ nên bị bỏ tù, và ông ấy lẽ ra phải được trao trả tự do và ra khỏi tù từ sớm hơn để được chạy chữa, thật là một điều đáng hổ thẹn cho chính phủ Việt Nam khi mà ông ấy phải ‘tới Mỹ để chữa bệnh’ ngay khi là một tù nhân chính trị,




Việt Nam đang cần những người như ông Hà Vũ, ở Việt Nam ông ấy có thể làm việc để nỗ lực tạo ra một xã hội dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người và nay ông ấy phải sống lưu vong, và điều này không công bằng cho ông ấy và gia đình của ông ấy và cả đất nước."

Brad Adams, Human Rights Watch
"Dù là lý do được đưa ra là ‘chữa bệnh’ đi chăng nữa thì chúng tôi cũng tin rằng đó là lý do không thích hợp, theo quan điểm của chúng tôi, ông Hà Vũ đã bị tống đi lưu vong hơn là vì ly’ do sức khỏe.

Trước câu hỏi liệu trong tình huống ông Vũ có bệnh nan y hoặc suy sụp sức khỏe nguy ngập, đây là một hành động 'nhân đạo' của nhà chức trách hay không, ông Adams nói thêm:

"Chính phủ không muốn ông ấy chết ở trong tù vì đây là điều mà sẽ gây cho họ nhiều khó khăn, thế nên họ đã ‘thả ông ta’ và cho ông ta thẳng lên máy bay.

"Ông ấy có thể có những kháng cự nào đó về điều kiện ra tù, nhưng người ta có thể làm gì được khi đang bị bệnh tật mà lại thiếu các thiết bị chăm sóc và vẫn còn những bốn năm nữa ở trong tù."

'Vẫn cần ông Vũ ở trong nước'


Theo Giám đốc châu Á của Human Rights Watch, ông Hà Vũ đã thu hút được sự chú ý, theo dõi, ủng hộ của khá đông đảo các tầng lớp trong xã hội và là một nhân vật có ảnh hưởng lớn khi mà ngay sau khi ông bị bắt, hàng loạt kiến nghị đòi phóng thích ông đã được các giới như cựu quan chức, nghệ sỹ, nhà giáo, giáo sư đại học, nhà khoa học, nhà báo, giáo sỹ, công nhân, nông dân... ký tên.

Ông Cù Huy Hà Vũ được đánh giá là một nhà hoạt động có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam.
Ông Adams nói: "Ông ấy đã có sự ủng hộ của đông đảo và rộng rãi trong quần chúng, tôi nghĩ nếu Việt Nam là một quốc gia tự do, người ta có thể tưởng tượng ông ấy có thể trở thành một nhà lãnh đạo hay một ứng viên tranh cử thành công, thay vì là bị ứng xử và bị coi là một tội phạm, chỉ vì ông ấy có một quan điểm chính trị khác biệt,

"Do đó, đó là một ngày tồi tệ cho Việt Nam khi một trong những người có tài năng như vậy đã bị buộc phải rời khỏi đất nước."

Về câu hỏi phải chăng nhà cầm quyền muốn đưa ông Vũ ra khỏi Việt Nam càng xa càng tốt để ông có thể giảm khả năng, phạm vi ảnh hưởng, hoặc thậm chí trở nên 'im lặng' như một số nhà hoạt động Việt Nam trước đây sau khi ra hải ngoại, đại diện Human Rights Watch đáp:

"Có một thực tế là nhiều nhà hoạt động sau khi ra nước ngoài đã bị đụng độ và thậm chí bị nhiều nhóm tranh đấu dân chủ khác ở hải ngoại tấn công và đây là điều đáng tiếc,

"Chúng tôi đã nói chuyện với một số các nhà hoạt động Việt Nam bị lưu đầy, trục xuất, là những người đã cố gắng tiếp tục tập trung các nỗ lực của họ tranh đấu cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam khi đã ra nước ngoài, nhưng đã gặp các trở ngại như vậy. Hy vọng là ông ấy sẽ tránh được vấn đề như thế."
'Thách thức và cơ hội ở hải ngoại'

Khi được hỏi về việc nếu ông Hà Vũ vẫn muốn tiếp tục vận động, hoạt động cho cải cách chính trị, thể chế ở Việt Nam, mà ông không được chính quyền cho về nước, thì liệu ông Vũ có thể làm được gì từ bên ngoài Việt Nam, ông Adams nêu quan điểm:

"Ngày nay mạng Internet có thể cho phép người ta sống ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục có những tác động, ảnh hưởng ở trong nước, để những điều mà họ viết ra có thể được truyền bá đi, được phát trên truyền thông hay là được người khác đọc và theo dõi."

Thế nhưng, đại diện Human Rights Watch từ London cũng cảnh báo một số khó khăn mà ông Vũ có thể đương đầu với tư cách một nhà hoạt động khi đã ra hải ngoại.




Những năm gần đây, con số các vụ bắt bớ và các vụ xử các nhà hoạt động đã tăng chóng mặt và có thể nhà cầm quyền Việt Nam muốn giảm một số áp lực trong vấn đề này bằng cách thả tự do cho ông Hà Vũ và bằng việc cố tỏ ra rằng họ cũng linh hoạt"

Olof Blomqvist, Ân xá Quốc tế
Ông Adams nói: "Một vấn đề khác làm cho nhiều người phải lo toan là phải lo liệu cuộc sống, chi phí cuộc sống ở Mỹ cũng có thể là một áp lực,

"Do đó, nếu ông ấy có thời gian để cống hiến cho các hoạt động tranh đấu của ông ấy thì tôi nghĩ ông ấy vẫn có thể là một người có ảnh hưởng dù ở trên đất Mỹ."

Về thời điểm thả ông Vũ của chính quyền Việt Nam, ông Adams bình luận:

"Tôi nghĩ là trong những năm gần đây, con số các vụ bắt bớ và các vụ xử các nhà hoạt động đã tăng chóng mặt và có thể nhà cầm quyền Việt Nam muốn giảm một số áp lực trong vấn đề này,

"Bằng cách thả tự do cho ông Hà Vũ và bằng việc cố tỏ ra rằng họ cũng linh hoạt, nó cũng có thể vì sức khỏe của ông ấy, có thể họ thực sự lo lắng rằng sức khỏe của ông ấy có thể giảm sút và ông ấy có thể qua đời trong tù."

'Lẽ ra phải thả sớm hơn'


Hôm thứ Ba, BBC cũng trao đổi với đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương để tìm hiểu động cơ và hệ quả của việc ông Hà Vũ được đưa sang Hoa Kỳ.

Đại diện Ân xá Quốc tế nói lẽ ra TS Cù Huy Hà Vũ phải được thả sớm hơn.
Từ London, ông Olof Blomqvist, phát ngôn nhân của tổ chức này nói:

"Chúng tôi đang tìm cách tìm hiểu có thỏa thuận gì đằng sau vụ chính quyền Việt Nam thả ông Cù Huy Hà Vũ. Tất nhiên chúng ta luôn luôn vui mừng mỗi khi một tù nhân lương tâm như trường hợp ông Hà Vũ được thả,

"Mặc dù ông đã bị bắt giam, xử tù chẳng vì l‎ý do gì ngoài viêc ông đã thực hiện quyền tự do thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, môt vụ án đã làm dấy lên sự quan ngại sâu sắc về công lý ở Việt Nam, chúng tôi hài lòng vì ông Hà Vũ đã được trao trả tự do.

"Tuy nhiên viêc trao trả tự do này lẽ ra phải được thực hiện từ sớm hơn rất nhiều, và Việt Nam tiếp tục phải thay đổi cơ chế để tiếp tục trao trả tự do sớm hơn nữa cho các tù nhân chính trị và lương tâm ở Việt Nam, trong bối cảnh mà chúng tôi thấy tiếp tục diễn ra các vụ bắt bớ."

'Tiếp tục các áp lực quốc tế'

Khi được vấn ý về việc cộng đồng quốc tế liệu sẽ dừng lại các động thái, áp lực của mình đối với Việt Nam về cải cách chính trị, cải thiện tình trạng nhân quyền và thả tự do vô điều kiện cho ít nhất vài trăm tù nhân chính trị và lương tâm khác còn đang bị giam giữ, xét xử hay không, kể cả chịu quản chế, sau khi ông Vũ ra tù, ông Blomqvist nói:

"Tôi nghĩ việc cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì các áp lực đối với Việt Nam, không để cho việc đàn áp tự do ngôn luận tiếp diễn, là rất quan trọng,

"Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải được các chính phủ trên thế giới nói cho biết rằng tự do ngôn luận và biểu đạt là một quyền con người cơ bản, và Việt Nam phải tôn trọng điều này,




Cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, có một số các bước đi hữu hạn đã diễn ra, nhưng giới chức Việt Nam tiếp cục cần phải được nhắc nhở, cảnh báo rằng xâm phạm các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế"

Phát ngôn nhân Amnesty International
"Chúng tôi ghi nhận rằng rất nhiều trường hợp trong đó không chỉ có nhiều các bloggers, các nhà hoạt động chính trị mà cả các nhạc sỹ cũng bị bắt giam, bỏ tù chỉ vì họ đã biểu đạt ôn hòa quan điểm của họ,

"Dựa trên thực tế những gì đã đang diễn ra ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, có một số các bước đi hữu hạn đã diễn ra, nhưng giới chức Việt Nam tiếp cục cần phải được nhắc nhở, cảnh báo rằng xâm phạm các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế," phát ngôn nhân của Ân xá Quốc tế nói với BBC.

'Khả năng được hồi hương'

Hôm 09/4, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội nói với BBC, ông tin rằng ông Cù Huy Hà Vũ khó có thể quay trở lại Việt Nam trong ngắn hạn, tuy bày tỏ hy vọng ông Vũ có thể có cơ hội đó trong tương lai.

Ông nói: "Theo kinh nghiệm những trường hợp đã được đi theo như vậy chữa bệnh, hoặc đi định cư hẳn, thì khả năng quay trở lại Việt Nam rất khó, gần như là không thể, thế nhưng tình hình chính trị Việt Nam trong vòng một vài năm tới tôi cho rằng có thể thay đổi,

"Và khi đó thì tôi tin anh Cù Huy Hà Vũ sẽ có thể có cơ hội quay trở lại Việt Nam với một vị thế khác so với vị thế hiện nay."





Khả năng quay trở lại Việt Nam rất khó, gần như là không thể, thế nhưng tình hình chính trị Việt Nam trong vòng một vài năm tới tôi cho rằng có thể thay đổi và khi đó thì tôi tin anh Cù Huy Hà Vũ sẽ có thể có cơ hội quay trở lại Việt Nam với một vị thế khác so với vị thế hiện nay"

LS Nguyễn Văn Đài (thứ ba, hàng đầu, trái sang)
Luật sư Đài cho hay cách đây hơn 1 tháng rưỡi, ông và một số 'bè bạn' của ông đã được luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của TS Hà Vũ, cho biết trước về khả năng ông Vũ sẽ đi Mỹ.

Theo ông Đài, người cũng từng là tù nhân chính trị, bị kết án và phải ngồi tù trong bốn năm, thì điều kiện chăm sóc sức khỏe ở trong tù không tốt và không phù hợp với sức khỏe của ông Vũ, người bị một số căn bệnh như 'tim bẩm sinh, máu nhiễm mỡ và huyết áp cao."

Tuy nhiên, theo ông Đài, chắc chắn cộng đồng quốc tế đã có các tác động nhất định trong việc ông Hà Vũ được thả ra tù, trong đó Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Úc, là các bên đã luôn luôn thúc giục chính quyền Việt Nam lâu nay.
'Và kỳ vọng trong nước'

Hôm thứ Ba, một số nhà hoạt động ở Việt Nam cũng nói với BBC, họ tin rằng các nỗ lực trong và ngoài nước, khu vực và quốc tế cần tiếp tục được tiến hành và thúc đẩy để gây áp lực cho Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền, đẩy mạnh lộ trình trao trả các tù chính trị và tù nhân lương tâm, cũng như chấm dứt việc bắt bớ các nhà hoạt động ôn hòa.

Từ Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nêu quan điểm về việc nên hay không tiếp tục các nỗ lực này. Ông nói:





Một Cù Huy Hà Vũ được thả, nhưng còn rất nhiều tù nhân lương tâm khác, anh Điếu Cày chẳng hạn, và rất nhiều người khác nữa. Và tôi hy vọng sau sự kiện thả Cù Huy Hà Vũ, thì khát vọng của nhân dân là những người tù lương tâm khác cũng sẽ được tự do"

GS Tương Lai
"Quá nên chứ không phải là nên hay không nên, quá nên, và thứ hai, một Cù Huy Hà Vũ được thả, nhưng còn rất nhiều tù nhân lương tâm khác, anh Điếu Cày chẳng hạn, và rất nhiều người khác nữa,

"Và tôi hy vọng sau sự kiện thả Cù Huy Hà Vũ, thì khát vọng của nhân dân là những người tù lương tâm khác cũng sẽ được tự do."

Cũng hôm 08/4, từ Hà Nội, thành viên tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC:

"Tôi nghĩ rằng có lẽ nhà nước họ tính toán thả riêng anh Cù Huy Hà Vũ là có sự lựa chọn, thế nhưng về phía những người đấu tranh, những người hoạt động dân chủ, những người đòi hỏi những quyền tự do của con người (như) chúng tôi,

"Chắc chắn việc đấu tranh cho những tù nhân lương tâm, những người vẫn còn trong vòng quản chế, đấu tranh cho họ những quyền dân sự ấy là chúng tối sẽ phải tiếp tục làm," blogger Lân Thắng nêu quan điểm.

Trước đó, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do nói với BBC đã đến lúc quốc tế yêu cầu Việt Nam cung cấp danh sách đầy đủ các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những người bị xét xử hay không, những người bị quản chế, đóng cửa các trại lao cải dưới hình thức 'phục hồi nhân phẩm'.

Ông cũng nói Việt Nam cần cho quốc tế biết lộ trình thả hết tù nhân và những người bị giam giữ vì đã lên tiếng, đấu tranh ôn hòa vì tự do và nhân quyền ở nước này.
Theo BBC

Người Buôn Gió - Cù Huy Hà Vũ đấu tranh để được đi Mỹ?

Mình bắt đầu dao động khi viết, thường thì mình viết trước khi dư luận dấy lên. Nếu viết muộn hơn thì nhìn hai hay ba trường phái dư luận thì sẽ chẳng biết viết thế nào.

TS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà vui vẽ sung sướng khi đặt chân xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014
Đầu tiên mình định viết chuyện Cù Huy Hà Vũ béo tốt, được sung suớng sang Mỹ, đấu tranh cơ hội... nhưng thấy không ổn. Vì nói ông Vũ đi Mỹ thì bản thân mình cũng tếch mẹ sang Châu Âu. Khác gì nhau, có khác là ông Vũ còn chịu mấy năm tù. Chứ mình đã nhằm nhò gì đâu mà đã biến rồi.
Mình định bênh ông Vũ, nhưng lại nghĩ, ôi trời, mình bênh ông ấy khác nào mình bênh mình. Cũng hoàn cảnh na ná thế. Bênh ông ấy quá là bào chữa cho mình.
Thế là định sẽ viết không bênh không chê. Kiểu dạng cao thủ tọa sơn quan nhìn hổ đấu. Xong rồi thấy tàn tàn cuộc khẩu chiến. Phe nào mạnh thì nương theo. Nếu hai phe giằng co làm một bài trung trung chả mất lòng ai, bên này đúng một tí, bên kia đúng một tí... hai bên lúc mệt mỏi đều gật gù... ừ cái thằng này viết đúng, viết có tình, có lý...
Nhưng nghĩ cho cùng thì mình có đéo gì mà phải mất, bất quá thì lại vẫn là thằng lưu manh, cơ hội, vô học. Việc gì mà phải gò theo thiên hạ. Sống cư xử có thể lừa được người, chứ viết mà lừa được người, nhất là thời bây giờ khó lắm.
Cho nên cứ nghĩ sao viết vậy.
Một số bạn cho rằng CHHV đấu tranh để được đi Mỹ. Trong khi chính các bạn nhìn nhận rằng có nhiều con cái quan chức CS hiện đang ở bên Mỹ. Thậm chí cỡ làng nhàng như Beo Hồng cũng có con đi Mỹ, định cư tại Mỹ mà chị Beo chả sứt mẹ cọng lông l... nào trong nhà tù.
Vậy thì một con bộ trưởng cộng sản, hàng khai quốc công thần, nhà biệt thự hai mặt phố lớn nhất trung tâm Hà Nội. Không cần làm ăn chỉ cần cho thuê cửa hàng tháng cũng dăm bảy nghìn đô như CHHV... tính đi Mỹ làm gì. Sao anh ta không chọn cách yên ấm như bao quan chức cộng sản khác. Ông ta có tiền, ông ta nương theo cộng sản cũng sẽ có quyền. Anh ta sẽ đi êm thấm theo cái cách mà nhiều quan chức cộng sản khác đã làm. Ông ta chọn cái giá 7 năm tù, ngồi hết nửa thời gian rồi mới đi sang Mỹ để hưởng "sung sướng" như một số bạn nghĩ?
Nếu toan tính được như thế, có nghĩa ông ta tính phản đối Bau Xít, kiện thủ tướng... rồi sẽ bị bắt đi tù. Mỹ sẽ cứu ông ta và gia đình sang Mỹ... một khi đã toan tính được lâu dài như thế thì cớ gì ông không toan tính con đường xuất ngoại êm ả hơn. Đó là cứ cắp ô đi cắp ô về, Đảng nói sao nghe vậy. Con dòng cháu giống, có tiền lại khôn biết tính xa thế thì lo gì không có cửa xuất ngoại.
Cho nên nói việc CHHV đấu tranh để ngồi tù, rồi quốc tế quan tâm, rồi để được xuất ngoại là chuyện hoang đường với thực tế.
Còn chuyện ông Vũ sẽ đấu tranh thế nào thì khó mà nói được, bản tính ông ấy ai gặp thì biết. Ông Vũ ngạo mạn, bốc đồng, thích gì là làm nấy. Cũng không nên hy vọng gì nhiều, có ông ấy thì thêm phần sinh động cho cuộc đấu tranh, không có cũng chẳng sao. Nhìn lại thì cũng khó có ai mà một mình khuấy động tưng bừng như ông ấy đã làm một thời. Giờ có tắt lịm thì cũng chả chết ai, có khi là còn là cơ hội để những người đấu tranh khác được chú ý quan tâm hơn.
Tôi viết khá nhiều bài bênh vực cho ông Vũ khi ông ở trong tù. Giờ với tôi thì thời gian lại dành cho những người tù khác. Như thế chẳng phải là hơn sao? Ông ấy có làm gì hay không làm gì thì dù sao ông ấy cũng đã ra khỏi nhà tù. Bởi thế khi nghe tin ông Vũ ra tù, tôi chỉ chia sẻ trên stt với câu bình luận:
- Hy vọng sắp đến là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).
Tất nhiên là ngoài anh Hải ra còn nhiều người khác cần quan tâm đến họ.
Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn Gió

TS. Cù Huy Hà Vũ (đã từng) tin mình sẽ thắng kiện

TS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà vui vẽ sung sướng khi đặt chân xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014
Chiều 7/4 (giờ Washington D.C.), TS. luật, tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ cùng vợ là luật sư Dương Hà đã đến Mỹ, sau khi ông Vũ được trả tự do và đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay (giống trường hợp của bà Trần Khải Thanh Thủy năm 2011). Sự ra đi của cả ông Vũ lẫn bà Thủy đều được phía Việt Nam giải thích là do “nhà nước tạo điều kiện cho đi Mỹ chữa bệnh”; tuy nhiên, có lẽ chúng ta đều hiểu rằng đây chỉ là một cách nói giảm, nói tránh cụm từ “tị nạn chính trị”, để cả hai bên đều thấy hài lòng – Việt Nam đỡ mất mặt, mà Mỹ cũng chẳng thiệt gì.

Nhân sự kiện này, xin đăng lại loạt bài phỏng vấn ông Cù Huy Hà Vũ vào mùa hè 2009, sau khi ông Vũ đệ đơn kiện Thủ tướng, góp phần tạo nên giai đoạn “cao trào chống bauxite” ở Việt Nam.

Loạt bài được đăng tải trên tờ Nhịp Cầu Thế Giới (tạp chí tin tức-văn hóa của cộng đồng người Việt ở Hungary), khi tôi đang là phóng viên của VietNamNet. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh của Nhịp Cầu Thế Giới cho rằng: “Trong "sự nghiệp" biên tập của mình, đây là loại bài trước khi đăng mình phải suy nghĩ và cân nhắc nhiều nhất từng câu chữ và hình thức thể hiện, sao cho nó vừa phản ánh tối đa sự thực, vừa tránh được sự chụp mũ rất thường thấy...”.

Còn với cá nhân tôi, đây là một trong những bài đánh dấu chấm dứt sự ngây thơ về chính trị của tôi: Khi ấy, tôi ngây thơ đến mức nghĩ rằng một phóng viên “lề phải” có thể đi phỏng vấn và viết về sự kiện “Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng”, rằng những bài viết như thế có thể được đăng tải, và cũng là điều bình thường nếu, khi bài không được đăng, phóng viên có thể gửi nó cho một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài.

Kỳ 1: KHÔNG PHẢI AI CŨNG KIỆN ĐƯỢC THỦ TƯỚNG

Ảnh không rõ nguồn.
Lời người viết: Khiếu kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố sẽ đưa đơn lên Tòa án Tối cao, và mới đây lại vừa khiếu nại Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về thông báo “anh Cù Huy Hà Vũ không phải luật sư”, những việc ông Vũ làm đang gây đủ tâm trạng cho dư luận trong và ngoài nước: ngạc nhiên, thắc mắc khó hiểu, thích thú, khâm phục, nghi ngờ và khó chịu.

Hy vọng cuộc phỏng vấn sau đây (kéo dài ba giờ đồng hồ) với TS. luật Cù Huy Hà Vũ có thể giải đáp phần nào những điều mà phần đông dư luận còn thắc mắc trong vụ “Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng”.

Cuộc trò chuyện diễn ra tại Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), sáng 30-6. Văn phòng gọn gàng, không quá xa hoa sang trọng, cũng không bình dân nhếch nhác. Bên ngoài, trên cả cổng chính quay ra đường Điện Biên Phủ lẫn cổng hậu trên đường Trần Phú, đều treo tấm biển vàng rực kẻ chữ đỏ nổi bật, mang phong cách… khẩu hiệu rõ nét. Lúc phóng viên đến, văn phòng đang nhộn nhịp khách ra vào. Trên tường treo vài bức tranh do ông Cù Huy Hà Vũ vẽ, trong đó có ký họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khá đẹp.

Chủ nhà – TS. luật Cù Huy Hà Vũ – là một người đàn ông mập mạp, hơi thấp, tiếp phóng viên rất vồn vã cởi mở. Trên gương mặt ông vẫn phảng phất nhiều nét của thân phụ - nhà thơ quá cố Cù Huy Cận. Ông nói nhiều và nói to, phong thái tự tin toát lên rõ rệt.

Trong giới luật sư và luật học, Cù Huy Hà Vũ là một gương mặt nổi đình đám với nhiều vụ việc mang tính chất scandal, đến mức nhiều người nghĩ tới ông là nghĩ tới một nhân vật có “tiền sử” đi kiện các cơ quan chính phủ và làm những việc “chẳng giống ai”. Có thể kể tới vài vụ “Cù Huy Hà Vũ đáo tụng đình” điển hình như sau:

• Năm 2005, phản đối quan điểm cho rằng di tích đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) gắn với việc Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long.

• Năm 2005, khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh.

• Năm 2006, nộp đơn tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin (không được Thủ tướng lựa chọn vì lý do “đã có quy hoạch cán bộ từ trước”).

• Năm 2006, kiện album “Chat với Mozart” của ca sĩ Mỹ Linh xâm phạm bản quyền tác giả.

• Năm 2007, kiện Bộ Văn hóa - Thông tin về Quyết định của Bộ thành lập Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu, đòi bồi thường 100 triệu đồng thiệt hại tinh thần.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn với TS. luật Cù Huy Hà Vũ. Trong cuộc trao đổi này, phóng viên và ông Hà Vũ nhiều lần phải ngắt lời nhau để hỏi, nhắc nhau trở lại các trọng tâm và để trình bày quan điểm của mình.

* * *

- Việc một công dân đâm đơn kiện Thủ tướng, theo tôi, đòi hỏi công dân đó phải có hiểu biết về luật pháp, nếu ở nước ngoài, có lẽ còn phải thuê luật sư tư vấn vì bị đơn trong trường hợp này thật đặc biệt. Đối với ông - một tiến sĩ luật, tất nhiên có kiến thức luật sâu rộng - ông mất bao lâu để thảo lá đơn này?

- Hai ngày, tính từ lúc tôi bắt đầu có ý định kiện, ngày 9-6, cho tới khi tôi gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ngày 11-6. Mọi việc đều diễn ra trong thời gian Quốc hội họp.

- Ý định kiện Thủ tướng đã đến với ông như thế nào?

- Ý định kiện Thủ tướng nảy sinh sau khi tôi đọc báo đưa tin về kỳ họp Quốc hội, có một số đại biểu lên tiếng chất vấn Chính phủ về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Thực ra, kiện Thủ tướng đối với tôi là cực chẳng đã. Tôi đã từng hy vọng Chính phủ và Thủ tướng sẽ dừng việc khai thác bauxite tại Tấy Nguyên. Nhưng chúng ta đều đã chứng kiến việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ba lá thư về chuyện bauxite, không một lá thư nào có hồi âm. Việc hàng nghìn trí thức ký tên vào bản kiến nghị gửi Quốc hội cũng vậy, không hề có phản hồi. Văn bản trả lời của Ủy ban Pháp luật Quốc hội còn đề nhầm tên GS Nguyễn Huệ Chi thành GS Nguyễn Thị Huệ, thì đủ thấy người ta coi thường mình đến thế nào.

Cho nên ngay lúc thấy các đại biểu chất vấn tại Quốc hội, tôi đã tự nhủ “thế này thì nguy quá”. Tôi thấy trước rằng việc chất vấn sẽ không đi đến đâu, Quốc hội nếu có tâm huyết thì cũng không thể hủy các dự án này nếu như cái gốc của các dự án là Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025, (sau đây gọi tắt là Quyết định 167 – NV) vẫn còn đó. Thế rồi tôi nghĩ, lập pháp không mang lại hiệu quả thì tôi “chơi” tư pháp, và phải “chơi” ngay, không đợi kết thúc chất vấn.

- Cù Huy Hà Vũ lâu nay cũng là một cái tên “nổi” trong nhiều trường hợp khác nhau. Một số người vẫn thắc mắc, chưa hiểu động cơ gì đứng sau việc ông là công dân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử kiện Thủ tướng Chính phủ. Họ cho rằng ông làm thế để lại một lần nữa “chơi nổi”. Sự thực thì mục đích của ông khi kiện Thủ tướng là gì?

- Tôi xin phép được dành thời gian nói hơi nhiều một chút, về gia cảnh và danh tiếng của bản thân, để chứng minh rằng tôi về mặt vật chất cũng như danh tiếng đều đã có thừa rồi. Tôi sinh ra trong gia đình dòng dõi về cả nghệ thuật lẫn chính trị. Ông nội tôi là Cù Huy Chương, từng làm chủ tịch xã thời Xô-viết Nghệ Tĩnh. Bố đẻ tôi là nhà thơ Cù Huy Cận. Bố nuôi, bác ruột tôi là nhà thơ Xuân Diệu…

Ông Cù Huy Hà Vũ trực họa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đến đây ông Cù Huy Hà Vũ dành khá nhiều thời gian để nói về dòng dõi gia đình và các thành công ông đã đạt được. Thân phụ ông là nhà thơ Cù Huy Cận (1919-2005), một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của phong trào Thơ Mới, một bộ trưởng (Bộ trưởng Canh Nông) trong Chính phủ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và một số nhân vật khác, ông Cù Huy Cận đã là một trong những người đầu tiên ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Ông Cù Huy Hà Vũ nói thêm rằng bản thân ông cũng tự tạo được danh tiếng cho mình chứ không dựa vào vị thế của gia đình. Ông có bằng Thạc sĩ Văn chương của Pháp, bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, sở trường là thể loại ký họa chân dung, hiện đang nắm giữ một bộ sưu tập chân dung các nhân vật nổi tiếng trên chính trường Việt Nam do ông ký họa, trong đó có hai bức vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đại tướng khen “Cù Huy Hà Vũ là người duy nhất trực họa tôi thành công”” – ông Vũ nói.

Ông cho biết cũng có nghiên cứu sử và từng chiến thắng trong vụ kiện bảo vệ di sản văn hóa đồi Vọng Cảnh, Đài Âm hồn (Huế), đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Hà Nội).

Ở lĩnh vực văn học, ông nói đã viết bài phát hiện nhà văn Trần Tiêu (em ruột nhà văn Khái Hưng, ông nội của diễn viên Trần Lực) không phải là thành viên Tự lực Văn đoàn. Mọi người biết nhiều hơn đến ông trong vụ kiện hy hữu giữa hai nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn. Ở phiên phúc thẩm, bên nguyên thua kiện nhưng đại diện nguyên đơn Cù Huy Hà Vũ vẫn tươi cười rất hữu hảo với bên bị giữa chốn pháp đình.


- Trở lại câu chuyện kiện Thủ tướng, ông vẫn khẳng định đây không phải là trò “chơi trội” hay nhằm mục đích thu hút sự chú ý của dư luận tới Cù Huy Hà Vũ?

- Tôi xin nói là nếu là người cơ hội, thích PR, thì tôi đã có thể nhảy lên như con choi choi để phản đối chủ trương khai thác bauxite ngay từ đầu rồi. Đằng này tôi chờ đến khi ba lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiến nghị của hàng nghìn trí thức, đều đã gần như bị bỏ ngoài tai, bao nhiêu người nản rồi, tôi mới vào cuộc, tất nhiên bằng “sở trường” của tôi là pháp luật. Vụ đồi Vọng Cảnh năm 2005 cũng thế, mọi người thất bại hết rồi, không còn hy vọng gì nữa, tôi mới tham gia đấy chứ. Không phải cái gì tôi cũng đâm đơn kiện, cái gì khó, có khả năng bế tắc, tôi mới làm.

- Vâng, tuy nhiên việc nào khó tới mức không thể thực hiện thì chắc không ai dại gì lao vào. Còn ông thì, theo như ông nói, đến thời điểm bao nhiêu người nản rồi, ông mới vào cuộc. Có phải bởi vì ông tự tin rằng, vụ việc khó nhưng chắc chắn ông sẽ làm được?

- Tôi chắc chắn. Vì thứ nhất, tôi rất hiểu toàn bộ Ban Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nên nhớ tôi là con dòng cháu giống của một người từng làm công tác nội chính. Nói cách khác, tôi là con nhà “nòi” chính trị nên kiện Thủ tướng – một hành vi chính trị theo nghĩa nào đó – là rất thích hợp với tôi.

Thứ hai, tôi dựa trên luật pháp và tôi đúng về mặt luật pháp.

Thứ ba, tôi có cái tâm, tôi có chính nghĩa. Nói cho đúng, tôi chỉ làm cái việc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng nghìn người ký Kiến nghị đã và đang làm là yêu cầu Nhà nước chấm dứt việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên chí ít vào thời điểm này, do những hiểm họa khôn lường đối với đất nước mà nó mang lại.

Và thứ tư, rất quan trọng, tôi có cái uy. Nếu không cần uy thì chẳng nhẽ đến anh xe ôm ngoài đường kia cũng kiện được Thủ tướng à?

Tóm lại, tôi cho cách chống những gì đang diễn ra trong vụ khai thác bauxite của tôi sẽ là một biện pháp hiệu quả, sau khi một số biện pháp khác không thành công.

- Hàng ngày, văn phòng tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn kiện ở tòa án chắc cũng đầy đơn mới. Ông làm cách nào để lá đơn của ông không những không bị chìm giữa các đơn khác, mà còn được dư luận chú ý đến thế?

- Tôi xác định đây là một vụ kiện liên quan đến lợi ích của cả cộng đồng vì các vấn đề như môi trường, quốc phòng, di sản văn hóa, càng nhiều người biết càng tốt, nên ngay sau khi gửi đơn tới Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, tôi đã gửi bản photo đơn gốc đến một số tờ báo lớn trong nước: "VietNamNet", "Tuổi Trẻ", "VnExpress", "Dân Trí", "Tiền Phong"… Sau đó, RFI (Radio France Internationale – Đài Phát thanh Quốc tế Pháp) là cơ quan truyền thông đầu tiên gọi điện phỏng vấn tôi dù tôi không có liên hệ với họ, rồi đến các báo khác ở nước ngoài.
Đoan Trang
Theo blog Đoan Trang

Nguồn: TS. Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện - Nhịp Cầu Thế Giới

Mọi thứ quá loạn rồi, không sửa chữa kịp nữa

Nguyễn Thân Thảo Thành nhận mức án cao nhất là 5 năm tù

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa lên tiếng yêu cầu cơ quan tư pháp xử lý nghiêm vụ án 5 công an viên "dùng nhục hình gây tử vong" theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên chỉ đạo này của ông Sang nhận được nhiều phản ứng khác nhau.
5 cựu sỹ quan công an đã nhận các mức án từ 5 năm tù đến 1 năm án treo vì về tội ‘Dùng nhục hình’ vì đã dùng dùi cui đánh vào đầu nghi phạm Ngô Thanh Kiều đến chết trong một phiên tòa cuối tuần trước tại thành phố Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên.

Bản án này đã gây phẫn nộ cho dư luận trong nước vốn cho là ‘quá nhẹ’.
‘Áp lực để làm đúng’

Chủ tịch Sang được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ‘yêu cầu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo chủ tịch nước kết quả’.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải, người theo dõi chặt chẽ vụ án này, nói việc ông Sang lên tiếng cũng ‘hợp lý’.

Theo luật sư Hải giải thích thì ông Sang, mặc dù đứng đầu hành pháp, nhưng đồng thời cũng là trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và ‘có vai trò nhất định’ trong việc bổ nhiệm các thẩm phán.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Với lại, công văn chỉ đạo của ông Sang, theo ông Hải, chỉ mang tính ‘chung chung’.

“Đây là thông lệ chưa hay lắm ở Việt Nam. Các cơ quan chưa thật sự độc lập,” ông Hải nói, “Nhưng có thể chấp nhận được.”

“Tính độc lập của các tòa án ở Việt Nam chỉ tương đối thôi. Địa phương tìm cách xét xử theo hướng có lợi cho công an nhưng mà có chủ tịch nước chỉ đạo rồi thì họ phải tìm cách xem xét lại,” ông nói.

Luật sư Hải nói thẩm phán trong phiên tòa nào cũng có thể có áp lực, có thể từ dư luận của quần chúng, từ ý kiến của các luật sư hay các vị đại biểu Quốc hội.

“Thẩm phán có bản lĩnh là biết có áp lực đó nhưng vẫn xử đúng luật.”

“Thẩm phán tòa án địa phương chịu áp lực từ phía công an sở tại, chính quyền địa phương lớn hơn so với áp lực từ dư luận nên họ nghiêng về phía công an Tuy Hòa,” ông nói.

Nhưng với chỉ đạo mới của chủ tịch nước thì theo ông Hải tòa án phúc thẩm vụ án này sẽ ‘không có áp lực để làm sai nhưng có áp lực phải làm đúng’.
Kẻ khen người chê

Chỉ đạo này của Chủ tịch Trương Tấn Sang lại nhận được nhiều ý kiến khác nhau trên trang Facebook của BBC Việt ngữ.

“Đây đúng là người vì dân. Hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,” một bạn đọc có tên là Anh Một viết.

“Chính Trương Tấn Sang làm vậy mới là giải toả áp lực cho chánh án Tuy Hòa,” Son Pham bình luận.

Binh Nguyen nói: “Độc lập hay không độc lập tôi không biết nhưng cả hệ thống tôi còn hi vọng vào mỗi bác Sang nữa thôi!”
"Dưới góc nhìn của một chính thể có tam quyền phân lập, thì sự chỉ đạo của ông chủ tịch nước là vi phạm Hiến pháp. Có thể người ta sẽ cho rằng ông chủ tịch nước đã lấy cái sai này để sửa một cái sai khác. Tuy vậy, cái sai ít vẫn đỡ hơn cái sai nhiều." - Kiệt Phan viết trên Facebook BBC Việt ngữ
Tuy nhiên cũng có ý kiến không đồng tình.

“Tòa án thì phải làm theo luật pháp, làm độc lập không bị ảnh hưởng của ai, chứ chỉ đạo này chỉ đạo này nọ, chủ tịch nước đứng trên Hiến pháp à, có chỉ đạo hết được không? Nếu chỉ đạo đó có ý bao che thì sao? Ai chịu trách nhiệm?” một công dân mạng có tên Duy Tân viết.

Một người khác có tên Kiệt Phan phản bác: “Dưới góc nhìn của một chính thể có tam quyền phân lập, thì sự chỉ đạo của ông chủ tịch nước là vi phạm Hiến pháp. Tuy nhiên ở chính thể cộng sản thì tam quyền không có phân lập, chỉ có phân công và thống nhất lãnh đạo. Có thể người ta sẽ cho rằng ông chủ tịch nước đã lấy cái sai này để sửa một cái sai khác. Tuy vậy, cái sai ít vẫn đỡ hơn cái sai nhiều .

Duc Pham thì cho rằng đây là chiêu PR, tức đánh bóng tên tuổi, của ông Sang.

Một số người còn bày tỏ không tin tưởng vào chỉ đạo của ông Sang.

“Loạn cả lên thì mong chờ chuẩn gì cho tư pháp đây? Nhưng cho dù ngài chủ tịch có can thiệp nhiều nhiều hơn thì cũng không đủ vì mọi thứ quá loạn rồi, không sửa chữa kịp nữa,” Ngoi Le viết.
  (BBC)

"Tiền nhà nước", "ngân sách nhà nước" thực ra là "tiền của dân"

Người dân Hoa Kỳ biểu tình với dòng chữ: "Không chi tiền cho Wall Street và chiến tranh nữa. Đòi hỏi có công ăn việc làm và thu nhập cho người nghèo!"
“Tiền nhà nước”, “ngân sách nhà nước”, “tiền của thành phố”, “tiền của tỉnh”, “tiền của địa phương”… Vẫn nghe quen và thấy hàng ngày những cụm từ này. Tuy nhiên, Nhà nước làm quái gì có tiền? Thành phố làm khỉ gì có tiền? Địa phương làm cóc khô gì có tiền? Một cách chính xác, phải nói là tiền của dân, tiền thuế của dân… Nói khác đi, tiền trong “ngân sách nhà nước” nói chung đều có nguồn gốc từ tiền thuế của dân cả. Và do đó, mọi chi phí cho cộng đồng, xã hội… đều bắt đầu bằng việc nhà nước thay mặt dân lấy tiền của dân để lo cho dân. Ý thức này ở các nước được thể hiện rất rõ khi người ta đề cập đến vấn đề chi phí.

* The U.S. wars in Afghanistan and Iraq will cost taxpayers $4 trillion to $6 trillion… (Các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan sẽ khiến người đóng thuế bị thiệt hại từ 4 ngàn tỉ USD đến 6 ngàn tỉ USD…)...

* U.S. taxpayers spent nearly $16 million to fly the Obamas to, from and around Hawaii and Africa… The total for the Africa and Honolulu vacations cost taxpayers some $15,885,585.30 for flight expenses alone… (Người đóng thuế Mỹ đã phải chi gần 16 triệu USD để trang trải cho chuyến đi lẫn về của gia đình Obama đến Hawaii và châu Phi… Tổng chi phí các chuyến nghỉ mát châu Phi và Honolulu (của gia đình Obama) khiến người đóng thuế tốn khoảng 15.885.585,30 USD chỉ nội cho chi phí bay…)…

Ngay cả những chuyện khá nhỏ nhặt nhưng đụng đến tiền, người ta cũng nói rõ đó là tiền thuế của dân. Chẳng hạn vụ Sở cảnh sát Santa Fe mới đây đã cử một đoàn xe môtô cảnh sát để hộ tống một đoàn xe hơi hạng sang đi ngang địa phương họ vào ngày 28-3. Tờ Santa Fe New Mexican lôi ra liền: “A group of high rollers who passed through Santa Fe in expensive cars last month avoided the normal hassles of traffic, courtesy of taxpayers”. Tờ báo trên nói, cái chuyện bao đồng này đã làm người đóng thuế mất lãng xẹt 4.605 USD!... Tương tự, nạn trộm dây đồng tại Texas cũng bị “tính” vào tiền túi của dân, “làm thiệt hại người đóng thuế khoảng 40.000 USD” (“They probably got about $1,000 worth of copper wiring out of all this, but they caused about $40,000 in damage that we and the taxpayers of Texas have to pony up”).

Còn nữa, ngay việc Walmart trả lương thấp cũng làm… thiệt hại người đóng thuế nốt! Tại sao? Vì lương thấp nên nhân viên Walmart phải sống bằng tem phiếu thực phẩm cũng như các chương trình trợ giúp người nghèo khác của chính phủ (“Walmart wages are so low that many of its workers rely on food stamps and other government aid programs to fulfill their basic needs, a reality that could cost taxpayers”)…

Nói tóm lại, cái gì người ta cũng qui vào túi tiền người đóng thuế (taxpayer). Cách nói đó nó nhắc giới hữu trách rằng mọi chi tiêu đều cần phải cân nhắc. Tiền của dân, của những người làm lụng và đóng thuế cho nhà nước, không thể được dùng bừa! Còn nhớ, hồi Washington giải cứu Wall Street nhằm không để cho con thuyền kinh tế Mỹ đắm chìm vào năm 2008, dư luận Mỹ tỏ ra rất phẫn nộ. Họ nói rằng Chính phủ không thể lấy tiền thuế của họ để lo cho các ông trùm tư bản…
  Mạnh Kim
  (FB. Mạnh Kim)
 

Ðài Loan: Sinh viên thắng chính quyền


Sinh viên Ðài Loan đã thành công. Sau khi chiếm trụ sở Quốc Hội ba tuần lễ, chính quyền đã chịu nhượng bộ. Chủ tịch Viện Lập Pháp (Quốc Hội) chấp nhận ngưng thảo luận về hiệp định trao đổi “phục vụ mậu dịch” với Trung Cộng. Ông Vương Kim Bình (王金平) nói sau khi có một đạo luật thiết lập một cơ cấu giám sát việc giao thương giữa hai nước Trung Hoa mới bàn tiếp về bản hiệp định mà chính phủ đã ký với chính phủ Trung Hoa lục địa từ năm ngoái. Viện Lập Pháp sẽ bàn một dự luật trong đó sẽ buộc chính quyền phải tham khảo ý kiến của các đại biểu quốc hội và dân chúng “trước khi” ký bất cứ một hiệp định nào với chính phủ Bắc Kinh.

Sinh viên Ðài Loan thắng lớn trong cuộc đấu tranh đòi chính quyền phải “minh bạch, công khai.” Ðó là mục tiêu họ đưa ra từ khi phát động cuộc đấu tranh. Tổng Thống Mã Anh Cửu (馬英九) thuộc Quốc Dân Ðảng, mà đảng của ông cũng chiếm đa số trong viện lập pháp; cho nên họ tưởng rằng sau khi ký bản hiệp ước mậu dịch với Trung Cộng, Quốc Hội sẽ thông qua nhanh chóng. Họ không ngờ phong trào sinh viên tranh đấu cho dân chủ ở Ðài Loan vẫn giữ được truyền thống sau gần 30 năm.

Ngày 18 Tháng Ba, 2014, sau khi một đại biểu thuộc Quốc Dân Ðảng cho các nhà báo bước rằng hai ủy ban trong Quốc Hội đã nhanh chóng đồng ý đưa bản hiệp định ra trước Quốc Hội để thông qua, trong vòng 30 giây đồng hồ, 60 sinh viên tới trụ sở Viện Lập Pháp yêu cầu ngưng thảo luận bản hiệp định! Họ không chịu ra khỏi tòa nhà Quốc Hội trước khi yêu cầu này được chấp thuận. Phong trào sinh viên được dân chúng ủng hộ, nhờ báo chí, truyền thông loan tin đầy đủ, vì những vấn đề mà các sinh viên nêu ra cũng là những điều lo lắng của nhiều người.

Kể từ khi Ðài Loan và Trung Quốc giao thương, dân Ðài Loan được lợi nhờ bán được những hàng hóa có giá trị cao do họ sản xuất trong khi mua lại những thứ hàng rẻ tiền sản xuất ở lục địa, một phần cũng do các doanh nhân Ðài Loan đầu tư vào Trung Quốc để kiếm lợi dễ dàng hơn. Bản hiệp định ký năm ngoái mở cửa cho các cuộc trao đổi về dịch vụ. Các sinh viên chiếm trụ sở Quốc Hội nói rõ rằng họ không chống lại giao thương với lục địa. Nhưng họ muốn dân chúng được đóng góp ý kiến vào bản hiệp định; vì việc mở cửa thị trường giữa Ðài Loan và lục đại sẽ chỉ mang lời cho các đại công ty, còn các xí nghiệp cỡ trung và nhỏ bị người lục địa cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Khi các xí nghiệp trung và nhỏ bị loại bỏ thì dân sẽ thất nghiệp nhiều hơn. Ngoài ra, khi nền kinh tế hai bên liên hệ chặt chẽ, Cộng sản Trung Hoa có thể lợi dụng gây áp lực dễ dàng hơn, nếp sống dân chủ tự do ở Ðài Loan cũng bị đe dọa.

Ðài Loan xuất cảng 43% hàng hóa sang Trung Quốc và Hồng Kông, so với 11.5% bán sang Mỹ. Người Ðài Loan đầu tư 80% sang Trung Quốc, chỉ có 20% đi nơi khác. Số du khách từ lục địa nay đã cao hàng đầu, hơn số du khách Nhật. Số chuyến bay trực tiếp sang lục địa lên tới 558 chuyến mỗi tuần.

Dư luận giới truyền thông và dân chúng Ðài Loan tỏ ra đồng ý với các sinh viên khiến chính quyền không dám đàn áp, để cho các sinh viên chiếm trụ sở Quốc Hội trong ba tuần qua.

Phong trào sinh viên tranh đấu năm nay mang tên Hoa Hướng Dương, gợi lại những cuộc biểu tình tranh đấu trước đây 24 năm mang tên Dã Bách Hợp (hoa Huệ). Năm 1990, mấy chục ngàn sinh viên Ðại Học Quốc Lập Ðài Loan biểu tình đòi thay đổi Hiến Pháp để cho dân chúng được trực tiếp bầu tổng thống và bầu lại các đại biểu Quốc Hội để thay thế hết những đại biểu Quốc Dân Ðảng vẫn được lưu nhiệm vì họ được bầu lên trong lục địa, trước khi Quốc Dân Ðảng thua trận phải rút ra Ðài Loan. Sau những cuộc biểu tình từ ngày 16 đến ngày 22 Tháng Ba, cuối cùng Tổng Thống Lý Ðăng Huy đã đồng ý tiến hành việc tu chính Hiến Pháp. Sáu năm sau, chính ông được dân bầu thêm một nhiệm kỳ nữa. Phong trào Dã Bách Hợp là một khúc quanh lớn trong quá trình dân chủ hóa Ðài Loan.

Năm nay, cuộc tranh đấu của sinh viên Ðài Loan được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ hơn 24 năm trước, nhờ báo chí tự do. Một cuộc nghiên cứu do một đài truyền hình thân cận với Quốc Dân Ðảng cho biết một nửa dân chúng ủng hộ các sinh viên, chỉ có một phần năm ủng hộ bản hiệp định mà chính quyền đã ký. Chủ Nhật trước, dân chúng biểu tình tại thủ đô Ðài Bắc ủng hộ các sinh viên, cuộc biểu tình đông từ 116,000 người (theo cảnh sát báo cáo) đến 500,000 (theo các sinh viên). Ðó là lý do khiến chính quyền Quốc Dân Ðảng phải lùi bước.

Báo chí và dân chúng Ðài Loan cảm phục các sinh viên biểu tình cũng vì họ tỏ ra rất kỷ luật. Trong ngày đầu tiên sinh viên chiếm Viện Lập Pháp, một số người đã leo lên bàn, lục lọi bàn giấy của các đại biểu, và đem bia ra uống. Hai sinh viên Lâm Phi Phàm (Lin Fei-Fan, 林飛帆) và Trần Vi Ðình (Chen Wei-ting, 陳為廷) đã cảnh cáo các bạn rằng các ống kính máy ảnh và ti vi đang chiếu hình ảnh của họ cho đồng bào khắp nơi coi. Sau đó, hai sinh viên này đã chỉnh đốn và thiết lập các quy tắc cư xử. Số sinh viên đến tham dự đông hơn, họ tự đi mua thêm thùng rác đem vào Quốc Hội, đặt ban cứu thương, ban thực phẩm, vân vân. Ðể biểu lộ tinh thần minh bạch, công khai, họ đặt thêm máy quay phim khắp tòa nhà Quốc Hội để ai cũng có thể nhìn thấy các sinh hoạt bên trong. Bên ngoài trụ sở, các sinh viên đứng ra điều khiển lưu thông để người đi làm khỏi bị kẹt xe.

Trong thời gian sinh viên đang chiếm trụ sở Quốc Hội, một trang facebook đã cho coi hình ảnh những du khách từ lục địa qua Ðài Loan. Các ông này chỉ mặc quần lót trắng trên bãi biển Khẩn Ðinh Kenting (墾丁) đứng giữa đám đông người đi nghỉ trong dịp lễ Thanh Minh. Trong hai ngày có hơn 15,000 người vào trang này, phê phán hành vi bất lịch sự này; có người còn lo rằng du khách ngoại quốc sẽ chê cười người Ðài Loan và không muốn tới nữa.

Lâm Phi Phàm, 25 tuổi, từ Ðài Nam lên học Ðại Học Quốc Lập lấy bằng cao học (thạc sĩ) chính trị học. Năm 2008, anh đã dự một biểu tình chống chuyến đi của một quan chức Trung Cộng đến Ðài Loan. Trần Vi Ðình đã tham dự các cuộc tranh đấu cho quyền lợi người lao động cũng như các thổ dân Ðài Loan. Hai người được coi là thủ lãnh trong suốt thời gian biểu tình. Họ duy trì được kỷ luật trong đám sinh viên và trình bày lập trường một cách sáng sủa cho giới truyền thông. Một sinh viên được bầu làm phát ngôn viên cho sinh viên biểu tình là cô Lại Phẩm Hảo (Lai Pin-yu, 賴品妤). Cô sinh viên năm thứ nhất Luật khoa đã lên ti vi tranh luận với các đại biểu Quốc Hội về lập trường của sinh viên. Cô tố cáo chính quyền cai trị theo lối bí mật như trong một cái hộp kín, trong khi sinh viên đòi hỏi nền dân chủ phải minh bạch công khai.

Ðài Loan đã được dân chủ hóa từ năm 1984, khi ông Tưởng Kinh Quốc làm tổng thống. Ông đã trả tự do cho các tù nhân chính trị, cho phép đảng đối lập được hoạt động, và báo chí được tự do hơn. Ðến năm 1991, các nền tảng dân chủ mới được chính thức hóa khi người kế vị là Lý Ðăng Huy thắng thế trước các người bảo thủ trong Quốc Dân Ðảng. Tuy đã được dân chủ hóa gần 30 năm, các chính trị gia vẫn chưa bỏ được thói quen mị dân chỉ để kiếm phiếu; trong khi họ phục vụ các nhóm quyền lợi riêng biệt, đặc biệt là các đại công ty. Phong trào sinh viên tranh đấu năm nay đã buộc Quốc Dân Ðảng. Họ đã từng thất cử, để ghế tổng thống lọt vào tay đảng Dân Tiến đối lập.

Cơ chế dân chủ ở Ðài Loan đã đạt được một bước tiến mới nhờ các sinh viên biểu tình tranh đấu. Một nền dân chủ thành hình khi người ta có một bản hiến pháp mới. Nhưng các nhà chính trị có thể lợi dụng cơ chế dân chủ, quyết định các đạo luật hay hiệp ước mà người dân không được biết chi tiết, không được hỏi ý kiến. Chính vì vậy nền dân chủ cần phải được hỗ trợ bởi một xã hội công dân năng động. Các tổ chức tư của xã hội công dân đáp ứng các nhu cầu của từng nhóm công dân, là nền móng của chế độ tự do dân chủ. Phong trào sinh viên là một thành phần trong đó, và là thành phần quan trọng nhất trong những lúc xã hội đang biến chuyển. Ðây là một bài học cho các sinh viên và dân chúng ở những nước còn đang tranh đấu đòi dân chủ hóa, như Trung Quốc hay Việt Nam.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

'Trùm bất động sản' Đà Nẵng bị điều tra


Ông Nguyễn Văn Tiến đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nhiều năm qua

Ông Phan Văn Anh Vũ, một doanh nhân bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng, bị tố cáo đã chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.

Ông Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng 79, là người từng bị nêu tên trong bản kết luận điều tra của Thanh tra Chính phủ về sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai tại Đà Nẵng gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng hồi năm ngoái.

Một nguồn thạo tin từ trong nước nói với BBC rằng tổng số tiền bị chiếm đoạt "trên thực tế có thể lớn hơn".

"Những người đứng ra tố cáo là những người bị chiếm đoạt nhiều tiền. Có những người khác cũng bị ông Vũ làm cho mất tiền, nhưng họ yếu thế hơn nên vẫn chưa lên tiếng", người này nói.

Trong đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tiến được báo Thanh tra dẫn lại ngày 5/4, ông Vũ nhận mình đang sở hữu hai lô đất từ công ty Sudico mà công ty ATS của ông Tiến muốn mua lại với giá 50 tỷ đồng.

Vào ngày 12/3/2011, theo thỏa thuận với ông Tiến, ông Vũ đã viết giấy đề nghị công ty Sudico chuyển người đứng tên trong hợp đồng sang cho ông Tiến.

Tuy nhiên, trong giấy đề nghị này, ông Vũ lại đứng dưới một tên khác là Phan Văn Anh Quốc.

Ông Vũ đã nói với ông Tiến rằng Quốc và Vũ đều là tên của một người, đơn tố cáo của ông Tiến viết.

Ngày 6/5/2011, công ty của ông Tiến chuyển vào tài khoản của ông Vũ số tiền 30 tỷ đồng và yêu cầu được nhận bản gốc của giấy đề nghị và hợp đồng chuyển nhượng hôm 12/3/2011 trước khi chuyển khoản 20 tỷ đồng còn lại.

Tuy nhiên, những yêu cầu này đã không được đáp ứng. Số tiền mà ông Tiến đã chuyển cho ông Vũ cũng không được hoàn lại.

Báo Thanh Tra dẫn lời ông Tiến nói từ đầu tháng Một năm 2012, ông đã nhiều lần gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nhưng vẫn không được giải quyết.

Báo này cũng dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết đã nhận được đơn tố cáo của ông Tiến và đã chỉ đạo phòng PC46 xử lý.

Tuy nhiên ông Sơn cũng cho biết "bước đầu kết luận, đây là vụ việc dân sự".

Ông Phan Văn Anh Vũ, còn được biết đến với biệt danh 'Vũ nhôm', là người "có quan hệ rộng rãi với giới chức cao cấp ở Đà Nẵng', nguồn tin của BBC cho biết.
Thanh tra Chính phủ nêu tên 
 

Kết luận của Thanh tra chính phủ về sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng trong quản lý và sử dụng đất đai không nhắc tên ông Nguyễn Bá Thanh

Ngày17/1 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ đã công bố bản kết luận điều tra về sai phạm trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng gây thát thoát hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó có đề cập đến trường hợp khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng mà ông Vũ bị cho là có liên quan:

"Năm 2006, UBND TP Đà Nẵng đã chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc," bản kết luận điều tra viết.

"Hai người này không triển khai dự án mà ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ để chuyển nhượng, thu lời trên 495 tỉ đồng."

"Năm 2009, khu đất này lại được chuyển nhượng tiếp và đến giờ vẫn bị bỏ trống."

Ngày 19/1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến có công văn phản hồi chính thức về trường hợp của ông Vũ:

"Chúng tôi xin nói rõ, ông Phan Văn Anh Vũ là người đứng ra chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Hải, bà Ngọc theo hợp đồng uỷ quyền chứ không phải là người nhận chuyển nhượng đất của ông Hải, bà Ngọc. Còn ông Phạm Đăng Quan chính là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang."

"Như vậy giữa công ty này với cá nhân ông Quan là một."

"Điều này cho thấy đơn giá chuyển nhượng QSDĐ giữa tổ chức và cá nhân này không phải là giá thị trường trong điều kiện bình thường."

"Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các cá nhân, tổ chức nêu trên là quan hệ dân sự giữa các bên, được cơ quan công chứng chứng thực hợp đồng, trước bạ sang tên theo quy định của pháp luật. Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của UBND Thành phố."

Bản kết luận thanh tra sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng trong quản lý và sử dụng đất đai giai đoạn 2003-2011 không nhắc tên ông Nguyễn Bá Thanh, người vào thời điểm đó đang giữ chức Chủ tịch UBND thành phố và sau đó là Bí thư tỉnh ủy.

Thời điểm công bố kết luận điều tra cũng trùng với thời điểm ông Nguyễn Bá Thanh vừa được chuyển ra Hà Nội để đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cơ quan được cho là 'tai mắt' của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng.

Bản kết luận điều tra của Thanh tra Chính phủ được công bố một tuần sau khi ông Thanh có tuyên bố gây chú về chống tham nhũng.

Phát biểu trong cuộc họp do Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/1/2013, ông Thanh nói "sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều" đối với những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng."
 
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét