Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Được, mất ở siêu dự án Formosa - Kỳ 1: Đột nhập vào lõi dự án “khủng” - Lời nói gió đừng bay

Được, mất ở siêu dự án Formosa - Kỳ 1: Đột nhập vào lõi dự án “khủng”

(Tiền Phong) - Với hơn 3.000 ha đất và mặt nước, tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn gần 28 tỷ USD. Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu mà Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đang đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) được xem là siêu dự án. Hà Tĩnh đang được và mất gì khi tiếp nhận dự án FDI lớn nhất Việt Nam này?
Công nhân làm việc luôn có một người theo dõi từ trên tháp cao
Công nhân làm việc luôn có một người theo dõi từ trên tháp cao
Cuộc di dời, tái định cư thế kỷ

Được khởi công vào tháng 7/2008, Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu của Tập đoàn Formosa đang tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn các tỉnh lân cận.

Điều dễ dàng nhận thấy nhất là sự nhộn nhịp không chỉ trong công trường Formosa mà ngay cả những vùng phụ cận như Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình cũng náo nhiệt không kém.

Bằng chứng là những đoàn xe tải ngày đêm chở nguyên vật liệu nối đuôi nhau ùn ùn đổ về đại công trường Formosa. Hàng trăm doanh nghiệp được thành lập mới nhằm ăn theo dự án, hàng ngàn lao động có công ăn việc làm ổn định… Vùng đất nghèo dưới chân đèo Ngang, từng bị xem “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đang đổi thay từng ngày.

Để có được gần 2.000 ha đất và hơn 1.000 ha mặt nước dành cho dự án, hơn 2.500 hộ dân của 9 xã vùng Nam Kỳ Anh phải di dời để giải phóng mặt bằng. Riêng xã Kỳ Lợi gần như bị xóa trắng để dành đất cho dự án.

Đây được xem là một cuộc đại di dời, tái định cư thế kỷ mà Hà Tĩnh đã rốt ráo thực hiện trong những năm qua và kết quả thật sự ngoạn mục. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích dành cho dự án cơ bản “sạch”, và nhà đầu tư rất hài lòng về việc này.

Theo cam kết của Tập đoàn Formosa, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đầu tư 7,9 tỷ USD, với công suất hơn 7,5 triệu tấn gang thép mỗi năm và năng lực bốc dỡ hàng hóa qua cảng Sơn Dương 30 triệu tấn/năm.

Một trong những chiếc hầm bê tông rộng hàng trăm mét, sâu hàng chục mét
 
Mới đây, Tập đoàn Formosa đề xuất đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất của khu liên hợp gang thép này lên 22,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư lên đến 28 tỷ USD. Hiện, công trường Formosa đang thu hút gần 7.000 chuyên gia, cán bộ, công nhân cả Việt Nam và nước ngoài vào làm việc. Tập đoàn Formosa đã giải ngân hơn 2 tỷ USD cho dự án này.
Dù chưa đi vào hoạt động sản xuất, nhưng Fomosa đã giúp Hà Tĩnh thu ngân sách tăng vọt từng năm, từ hoạt động nhập khẩu thiết bị và các doanh nghiệp phụ trợ. Từ chỗ thu ngân sách ì ạch, chỉ trên dưới 1.000 tỷ đồng mỗi năm, thì năm 2013, Hà Tĩnh thu gần 5.500 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 này đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó công trường Formosa đóng góp hơn 50% tổng thu.

Ngay như Quảng Bình, cũng buộc phải bắt nhịp, ra chủ trương ưu tiên dành đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế Hòn La với những ngành nghề phụ trợ cho dự án Formosa, nhằm đón đầu sự bùng nổ trong tương lai gần.

Đột nhập đại công trường Formosa

Không chỉ những ai đã từng qua lại trên tuyến QL1A, đoạn qua Khu Kinh tế Vũng Áng, mà ngay cả không ít người dân Hà Tĩnh cũng đều chung cảm giác ngạc nhiên về độ hoành tráng, đồ sộ của dự án Formosa. Nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến dự án. Thậm chí, không ít ý kiến quan ngại đến an ninh quốc gia, khi mà Formosa chiếm giữ một vùng đất rộng lớn ở vùng eo thắt của đất nước. 

Mỗi cụm công trình cũng có hàng rào bằng tôn và cổng ra vào được bảo vệ nghiêm ngặt
Ngay cái cách mà Tập đoàn này xây dựng hàng rào cũng khiến người khác phải mắt tròn, mắt dẹt. Cả một vùng đất rộng lớn gần 2.000 ha được xây dựng tường rào bao quanh cao chừng 5m. Khoảng 2/3 chiều cao của tường rào được đổ bê tông cốt sắt, chỉ một ít gạch được xây phía trên cùng của tường rào. 

Bên ngoài là một con kênh nhân tạo rộng chừng 30m, chạy bao quanh hàng rào. Họ đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD để san lấp mặt bằng khu đất dự án. Cát được hút từ biển lên để nâng cao trình toàn bộ mặt bằng bình quân trên 3m, có nơi đến 15m. Người dân không phận sự, chỉ có thể nhìn thấy phía trong hàng rào kia, ngày thì bụi mù, đêm đèn điện sáng trưng như phố.

Để mục sở thị phía trong hàng rào của dự án, nhóm PV Tiền Phong đã trực tiếp đến Văn phòng điều hành Formosa đăng ký làm việc. Cũng như những lần trước, nhân viên phụ trách đối ngoại của dự án kiểm tra giấy tờ, ghi nội dung làm việc vào giấy…

Và cũng câu nói ấy: “Chúng tôi sẽ dịch nội dung này, mail về Đài Loan để ông chủ xem xét trả lời, mong các anh đợi. Lúc nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo qua điện thoại hoặc mail”.

Biết đây là cách thoái thác khéo của Formosa, chúng tôi đành rút lui tìm cách khác. Một anh bạn doanh nghiệp trên địa bàn, chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án nhận lời đưa chúng tôi vào.

Tuy nhiên, xe ô tô chỉ đến được cổng an ninh thứ nhất thì bị ách lại, vì chúng tôi không có thẻ từ cá nhân theo quy định. Anh bạn doanh nghiệp lắc đầu phân bua: “Thông thường muốn vào ra khu dự án, xe có thẻ từ của xe, người có thẻ từ của người do Formosa cấp để qua cửa an ninh. Cứ tưởng quen biết họ cho qua, ai ngờ khó khăn thật”.

Đang bế tắc, chợt nhớ đến anh bạn kỹ sư, hiện làm việc cho nhà thầu Hàn Quốc đang xây dựng một số hạng mục của Formosa. Nghe chúng tôi “cầu cứu” qua điện thoại, anh bạn kỹ sư tặc lưỡi: “Thôi được, tôi sẽ tìm lí do xin nghỉ một buổi, sáng mai vào sớm lấy áo quần, thẻ từ của tôi mà vào, chỉ được một người thôi đó. Trước khi đi là phải ăn no và mang theo ít nhất 2 ổ mì, sữa, nước để chống đói khi lạc đường”.

Thấy chúng tôi có vẻ không tin, anh bạn giải thích: “Các ông không thể tưởng tượng được độ rộng lớn và phức tạp ở công trường này đâu. Hà Nội còn có tên đường mà hỏi, còn ở đây chỉ toàn là những lối đi tạm thời, nhằng nhịt khắp nơi, hai bên bê tông, cốt sắt dựng san sát, đâu đâu cũng thấy na ná giống nhau nên rất khó định hình.

Là người chưa vào công trường Formosa, kiểu gì cũng lạc đường. Nếu may thì gặp khu công nhân người Việt họ còn giúp chỉ đường, còn xui mà gặp khu công nhân người Trung, Hàn… thì chỉ còn nước ăn bánh mì cầm hơi, đợi đến tan ca chiều, đi theo họ mà ra ngoài thôi”.

Trên chiếc xe máy bết đầy bùn đất, với bộ quần áo kỹ sư, chiếc thẻ trên tay, tôi vô tư vượt qua các lớp cổng an ninh của Formosa mà không hề gặp bất cứ sự ngăn trở nào. Đúng là một đại công trường đồ sộ ngoài sức tưởng tượng.

Ngay phía cổng vào là một tổ hợp nhà cao tầng như một thành phố thu nhỏ, với hàng chục tòa nhà từ 5 đến 10 tầng, làm văn phòng điều hành dự án và nơi ăn nghỉ của chuyên gia. Và cũng từ đây, một hệ thống đường ngang, ngõ dọc chằng chịt nối với các cụm tổ hợp của dự án.

Ngay các cụm tổ hợp cũng có hàng rào bằng tôn xanh cao chừng 3m bao quanh, có cổng vào, ra hẳn hoi. Ở mỗi cổng đều có bảo vệ giám sát ngày đêm.

Thực sự khó có thể miêu tả hết độ “khủng” của đại công trường này. Trên những con đường nội bộ chằng chịt, hàng ngàn chiếc xe tải nặng hối hả tung bụi mù trời. Phía trong hàng rào bằng tôn là những công trình đồ sộ, con người lọt thỏm, nhỏ bé giữa muôn vàn bê tông, sắt thép.

Ở đây hầu hết các công trình vẫn chưa thành hình, thành dạng, có chăng là các nhà xưởng lắp ghép từ những thanh thép nặng hàng tấn. Với một người ngoại đạo như tôi, thực sự không thể hình dung được những tổ hợp công trình kia rồi đây sẽ ra sao, công năng của nó là gì.

Không chỉ trên mặt đất, mà ngay dưới lòng đất, người ta cũng xới tung, xây dựng những đường hầm bằng bê tông dài hàng km chạy thẳng ra phía biển, lớn đến mức hai chiếc xe tải nặng có thể chạy bon bon ngược chiều nhau mà không cần giảm tốc độ. Rồi có những chiếc hầm bằng bê tông dày cả mét, rộng hàng trăm mét vuông, sâu hàng chục mét…

Rong ruổi trên chiếc xe máy gần cả buổi sáng, tôi không thể đi hết mặt bằng của đại công trường này. Theo các công nhân Việt Nam, thi công các tổ hợp ở đây chủ yếu là các nhà thầu Việt Nam và Hàn Quốc, còn Trung Quốc chỉ là các nhà thầu phụ.

Các ông chủ rất thích sử dụng lao động Trung Quốc vì họ làm việc chăm chỉ, mỗi người có thể làm việc bằng hai, bằng ba công nhân phổ thông và những công đoạn khó, duy chỉ có họ mới làm được. Điều duy nhất mà các ông chủ không thích ở công nhân Trung Quốc là họ ăn ở rất mất vệ sinh. Ngày trước, Formosa còn cho họ ăn ở tại công trường, nhưng nay thì cấm tiệt, hết ca chiều, những người không phận sự buộc phải ra ngoài.

còn nữa
Không khí ở đây rất nghiêm ngặt. Mặc dù có mặt hàng nghìn công nhân trên công trường, nhưng ai cũng lặng lẽ làm việc cật lực. Ở mỗi cụm công trình, thường có một tháp cao, phía trên túc trực một người theo dõi, giám sát những công nhân ở dưới. Tôi đánh liều trèo lên một tháp canh, lia ánh mắt khắp lượt nhưng không thể nhìn thấy điểm cuối của công trường. Và chiếc ống khói xa tít tắp phía chân trời đã dẫn đường cho tôi thoát khỏi “trận đồ bát quái” của đại công trường Formosa.

Hiệu Minh - Thư của ông Trường Chinh gửi hậu thế

Thưa quí vị

Tôi rời bỏ thế giới này đã được 26 năm, nghĩ mình đã yên nghỉ nơi xa vắng. Nhưng mấy hôm nay, tôi bỗng hắt hơi liên tục. Hóa ra, dân cả nước đang bàn về con đường mang tên Trường Chinh, chính là tên tôi.
Đi làm cách mạng từ nhỏ, tôi luôn coi xây dựng chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu tối thượng, lấy tên Trường Chinh vì nghĩ con đường Mác Lê này sẽ dài vô tận. Qua nửa thế kỷ, giữ rất nhiều chức vụ, từ TBT đến chủ tịch QH, chủ tịch HĐBT, bao nhiêu trọng trách, tới lúc tôi mất, vẫn còn chế độ tem phiếu, dân toàn ăn bo bo nhập từ Liên Xô và Đông Âu, nơi người ta cho bò ăn.

Có lẽ vì thế mà TBT Trọng nói không sai, xây dựng CNXH là một cuộc trường chinh, cả trăm năm chưa chắc đã xong. Nếu quí vị còn nhớ, năm 1934-1935, cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân TQ với 86 ngàn người, từ Giang Tây, đi qua Tây Tạng, vượt 12000km, kéo dài hơn một năm, về tới Diên An chỉ còn 7000 người.

Dường như cái tên Trường Chinh luôn gắn với gian khổ, dài lâu và tìm lối ra rất khó. Phải mất 20 năm với bao nhiêu thất bại, đổ máu, đói khát, tôi mới nghĩ ra từ đổi mới năm 1986.

Khi mất, hậu thế lại lấy tên tôi đặt cho một con đường. Như một định mệnh, đường Trường Chinh ở phía nam Hà Nội lại bẩn thỉu, khói bụi, nhà cửa nhôm nhoam, kiến trúc tạp nham, giao thông hỗn loạn, nhác trông đã thấy gian nan và vất vả.

Đoạn đường này có viện thuốc thú y nên rất nhiều người bán thuốc cho chó mèo. Chỉ cần nhìn các cô bán hàng, phải đeo khẩu trang, cũng đủ hiểu sự ô nhiễm kinh hoàng như thế nào. Mỗi sáng đi làm và chiều vào giờ tan tầm, con đường này luôn kẹt cứng, dân chúng chửi thề, đôi lúc lôi cả tên tôi ra mà réo.

Uốn lượn quanh co. Ảnh: VNN
Mấy hôm nay báo chí lại nhắc đến tên Trường Chinh liên tục, chẳng phải nhớ công lao trong cách mạng, thời cải cách ruộng đất, khoán 10 của Kim Ngọc và sau này là đổi mới. Mà họ lại nhắc đến vì qui hoạch “uốn lượn” con đường mang tên tôi.

Theo qui hoạch ban đầu, con đường này được mở rộng từ ngã tư Sở đến ngã tư Vọng, lẽ ra là một đường thẳng. Thế nhưng khi đi qua đất của Quân chủng Phòng không, Không quân, thì đường đã nắn để tránh nhà quan chức, phần từ hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ.

Theo Sở Qui hoạch Hà Nội, “từ lúc phê duyệt tới nay đã có sư dịch chuyển nhẹ nhàng, tạo ra đường cong mềm mại”. Đọc đoạn này mà tôi không thể nín cười. Từng là người viết nổi tiếng các văn bản chính qui từ thời lập nước VNDCCH, thế mà tôi phải phục cụm từ “đường cong mềm mại”, con cháu bây giờ giỏi thật.

Càng nghĩ càng thấy công cuộc xây dựng XHCN là một cuộc trường chinh thực sự. Có mỗi đoạn đường ngắn, chỉ vì vài chức sắc mà phải thiết kế uốn cong cho hợp với lòng quan. Chế độ XHCN linh hoạt giúp người có quyền thế. Mới hiểu tại sao, nửa thế kỷ đã qua, nhân loại đã đi rất xa, mà ta vẫn đứng, bởi quan chỉ vì quan, quan chẳng vì dân.

Tôi đề nghị thủ đô Hà Nội thay tên con đường này bằng tên của mấy một vài vị từng là anh hùng phi công như Phạm Ngọc Lan, Phạm Thanh Ngân, Phạm Tuân, Nguyễn Đức Soát (ví du: tên đường là Lan Ngân Tân Soát cũng hay) để nhớ về công lao của họ trong chiến tranh chống Mỹ. Nếu các vị chuyển nhà đi cho đường thẳng thì dấu ấn của họ vẫn còn nơi đây.

Nếu như các vị cứ quyết “dùng công lao làm đòn xoay ….cao tốc”, thay vì tên Trường Chinh, hãy gọi đường này là…Đoản Chinh.

Xin cảm ơn sự lưu ý của quí vị.
TT đã ký. 
Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh)

FBHa noi's photo
Có ý kiến cho rằng đường Trường Chinh nên đổi thành đường Ngọc Trinh, tuy không trắng nhưng cong hơn em Ngọc Trinh nhiều và đất ở đây cạp một phát ăn ngay.

Tạp luận: Lời nói gió đừng bay

Ngoảnh lại thời gian,đôi lúc không khỏi giật mình, đã gần 40 năm kể từ ngày đất nước hòa bình thống nhất,cùng đi lên CNXH ! Trên chặng đường lịch sử thật lắm thăng trầm hệ lụy, thật lắm chông gai trắc trở thời hậu chiến. Nào nguy cơ nền kinh tế bao cấp rơi vào khủng hoảng bên bờ vực sụp đổ. Nào Mỹ “cấm vận” bao vây kinh tế, cô lập xứ sở bắt nước Mỹ cường quốc “hạ cờ”. Nào chiến tranh biên giới với hai nước láng giềng hai đầu Nam Bắc. Nào sự kiện “động trời” hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô cũ tan hàng “không một tiếng vang”,VN mất đứt một “điều kiện thuận lợi” nhều mặt. . . Trên chặng đường “những gần bốn mươi năm” ấy, có một lời kêu gọi mang tiếng ” gọi đàn chim Việt” là hòa giải hòa hợp dân tộc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các diễn đàn long trọng nhân các ngày quốc khánh, hay quốc giỗ, nhân năm mới mừng Xuân dân tộc Việt Kiều, nhân hội thảo hội nghị “bán ngoại giao ,bán nội bộ” thảo luận về vấn đề cộng đồng người VN ngoài nước. Và đứng về “cấu trúc công quyền” có hẳn một Ủy Ban ” tương đối đồ sộ” thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách mọi công việc liên quan đến ” cộng đồng người VN ở nước ngoài-một bộ phận không thể tách rời đại gia đình dân tộc”.. .

Thế nhưng có một thực tế chưa vui nếu không muốn nói là đáng buồn; gần bốn mươi năm, lời kêu gọi ấy chưa có tiếng vang hưởng ứng đáng kể, tương ứng trước hết từ hàng triệu gia đình thân nhân của họ ở trong nước và tương ứng với chính họ- khối cộng đồng bốn, năm triệu người Việt giầu tiềm lực kinh tế và trí tuệ ở nước ngoài. Bằng chứng từ suy luận đến . . . thực tiễn là: nếu như tiếng vang của lời kêu gọi đó đã và đang trở thành hiện thực đời sống kinh tế xã hội của đất nước thì chẳng đến nỗi gần bốn mươi năm sau, chỉ một lời “gần như kêu gọi ” “lấp hố sâu hận thù” của ông thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Chủ nhiệm UBNVN ngoài nước, đã khiến cho đó đây công luận cả lề trái lẫn lề phải ồn ồn sôi nổi bàn tán. . . Vì sao lại thế ? Có lẽ nào một lời kêu gọi từ chính thể trong nước mà những gần bốn thế kỷ vẫn ở trong tình trạng gió bay lên trời hay sao ?
http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/vn-concor-recon-onl-solu-pcd-05012013122753.html/000_Hkg8513609-305.jpg/image


Bốn mươi năm, tạm gọi hai thế hệ. Như vậy ở ngoài nước không hiếm gia đình dù chẳng ở chung một nhà nhưng đã là “tứ đại đồng đường ở xứ người ” theo nghĩa bóng… Có lẽ nào không suy nghĩ vì sao gần bốn mươi năm vẫn là lời nói gió bay . . . Gần bốn mươi năm lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc dường như mới dừng ở “xúc cảm tuyên truyền” không được “đảm bảo bằng vàng ròng” là việc thực thi những chính sách ,những điều kiện cụ thể thấu tình đạt lý thiết thân đến đời sống tinh thần và vật chất của Việt Kiều cùng thân nhân của họ. Ví như việc. . . Mọi người đều biết rằng thân nhân của cộng đồng người Việt ở nước ngoài chiếm phần lớn, quá bán, nguyên là cộng đồng những gia đình công chức viên chức binh lính đủ cấp bậc cao thấp khác nhau, có chồng cha anh con cháu vì hoàn cảnh lịch sử và cá nhân khác nhau đã bỏ nước ra đi sau sự kiện 30-4. Giá như sau 30-4 tinh thần “không có bên thua bên thắng; chỉ có người chiến thắng là nhân dân VN” được định hướng tư tưởng, thông suốt quán triệt từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài , không kỳ thị, không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện để những người từng một thời ở phía bên kia dễ dang qua dòng sông chiến tranh chia cắt hận thù “đáo bỉ ngạn” bên này bờ hòa giải hòa hợp dân tộc ,cùng chung tay xây dựng nước non thống nhất hòa bình. . . Giá như hàng vạn bà mẹ của các gia đình có con em cầm súng Mỹ tử trận dù không được vinh danh nhưng cũng không đến nỗi bị hắt hủi. Giá như những người lính Hải quân Sài Gòn vì hòn ngọc chủ quyền quốc gia quốc thể ngoài biển khơi mang tên Hoàng Sa mà buộc phải đổ máu hy sinh mạng sống, sớm được nhìn nhận ở một góc độ công minh nhân bản. Giá như, giá như. . . biết bao nhiêu là cái “giá như” đầy tiếc nuối và xót xa ! Không ai . . ” siêu thiên tài” gì kéo lại được lịch sử gần bốn mươi năm để làm lại từ đầu. Theo lời cổ nhân đã dậy ” muộn còn hơn không”. Chỉ mong sao những lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc từ nay về sau dù nói ít hay nói nhiều, đặc biệt khi đã phát ra từ những diễn đàn long trọng của chính thể, thì sẽ được “đảm bảo bằng vàng ròng chín số chín” là những chính sách cụ thể, quy định cụ thể để người VN ở ngoài nước có đủ mọi điều kiện cần thiết dễ dàng hồi hương thăm nom gia đình, dễ dàng trở về đầu tư xây dựng đất nước bằng tài trí, tài lực, bằng tâm huyết của họ. Và như thế bốn, năm triệu người Việt hiện đang sinh sống ,học hành, làm đủ mọi nghành nghề định cư ở hầu khắp các nước và khu vực trên thế giới ,đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Mỹ và phương Tây dù có mang chính kiến tư tưởng khác nhau đi nữa thì họ cũng thấy mình có quyền ,được quyền chính đáng là yêu nước theo cách của mình, miễn là vì mục tiêu chung của đại gia đình dân tộc VN, vì một nước VN dân giầu nước mạnh ,xã hội công bằng, dân chủ, văn minh !

Mong lắm thay hết thời lời nói gió bay. . . Rồi đây hàng triệu gia đình người VN ở nước ngoài, hàng triệu người VN mang dòng máu Việt ở nước ngoài mỗi khi lo nghĩ về đất nước không chỉ quan tâm thiết thực đến kiều hối ,đến về VN ăn Tết đoàn viên gia đình hay về VN hưởng du lịch giá . . .hời “so với tây” mà cao hơn. . . xa hơn, người ta sẽ thấy đông đảo những bậc thức giả khả kính ,những nhà khoa học, nhà quản trị ,quản lý công nghệ, các giáo sư cây đa cây đề ở các trường đại học danh tiếng, các trung tâm khoa học danh tiếng trên thế giới “gọi nhau” theo chân nhau trở về VN góp phần trí tuệ quý báu của mình cho công cuộc xây dựng một nền kinh tế trí thức,để cuối thập kỷ này nước Việt có cơ may trở thành một nước CNH,HDH, “sánh vai dần dần” với các nước láng giềng Đông Nam Á mà VN hiện vẫn còn “tiềm ẩn” nguy cơ tụt hậu ! Trong bối cảnh các kẻ thù cũ của nước Việt như Pháp ,như Mỹ, như. . . vân vân . . .đều đã từ lâu thành “đối tác” toàn diện, thậm chí “đối tác chiến lược” xây dựng trên cơ sở “lòng tin chiến lược” ;thì có lẽ nào người Việt mình lại không thể ngồi chung một “chiếu” một “bàn” đặng bàn thảo với nhau cách thức hữu hiệu nhất làm sao cho sự nghiệp xây dựng và bảo về nước non gấm vóc mà cha ông để lại thành hiện thực “vững như bàn thạch” “vững như âu vàng” ; dù rằng vì “lý do lịch sử” người Việt mình đã một thời thù hận, chia lìa, ly tán và gần như bỏ lỡ cơ hội ; nên bốn mươi năm sau vẫn phải hò nhau lấp hố hận thù ! Thôi thì nhín về tương lai,nhìn về con cháu muôn đời mai sau mà hành xử, chứ còn biết làm sao! Xin cho những lời nhân lời nghĩa ,những lời vàng lời ngọc tương xứng với tầm kinh bang tế thế hãy lọt tai người ,để lọt tâm người du ở trong hay ngoài nước, đừng để lại lỡ bay lên trời theo gió theo mây trôi nổi vào vô định thời gian . / .
  Đào Dục Tú
  (Blog Bà Đầm Xòe)

Bài đã bị xóa: Đăng cai ASIAD: Lộ thói nói dối, nói bừa của một số quan chức

(Kienthuc.net.vn) - Con số 150 triệu USD chỉ là mồi như ban đầu, là cách nói bừa của một số quan chức Việt. Đến khi quyết làm, chi phí đội lên, lúc đó đâm lao thì phải theo lao.

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 vào năm 2019 nếu tổ chức tại Việt Nam sẽ là cơ hội lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư, khách du lịch, tạo niềm tin trong khu vực, thế giới. Tuy nhiên, với bối cảnh tình hình kinh tế Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, dư luận đang đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục đầu tư cho sự kiện này hay không?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, con số chi phí đầu tư cho ASIAD 18 là 150 triệu USD (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra) đã bị Bộ Tài chính nói rằng không chính xác. Chi phí thực tế sẽ đội lên gấp nhiều lần. Bản thân Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra con số cụ thể là 150 triệu USD những cũng không biết rằng nguồn vốn này sẽ được huy động từ những kênh nào. Bộ này còn đưa ra phương án có thể huy động đến 72% vốn là sự tham gia của xã hội - của các doanh nghiệp. Tất cả những việc này cho thấy rằng, số tiền chi phí dự định cho ASIAD cho đến bây giờ vẫn chưa được tính toán một cách nghiêm túc và sát thực.

Con số 150 triệu USD chi phí đầu tư cho việc đăng cai ASIAD 18 được nhiều chuyên gia cho là quá phi thực tế. Ảnh minh họa.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng, chưa cần tính toán kỹ, chỉ cần nhìn qua cũng có thể biết con số 150 triệu USD (tương đương 3.100 tỷ đồng) đầu tư cho ASIAD 18 là không tưởng. Xem qua chi phí của các lần tổ chức ASIAD tại các quốc gia khác trên thế giới có thể thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, Qatar đã chi 2,8 tỷ USD cho ASIAD năm 2006; Trung Quốc bỏ ra gần 20 tỷ USD xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức ASIAD 2010. Tại ASIAD Incheon 2014, Hàn Quốc cũng đã chi gần 2,9 tỷ USD… Vì ASIAD là Đại hội quy mô cấp châu lục với nhiều môn thể thao Olympic bắt buộc nên Việt Nam muốn đăng cai cần phải xây dựng thêm một loạt cơ sở thi đấu mới như sân xe đạp lòng chảo trong nhà, nhà thi đấu đa năng sức chứa 10.000 chỗ, trường đua ngựa, sân bóng chày, hockey trên cỏ, bóng bầu dục, trường bắn súng, tổ hợp sân tennis, làng vận động viên, trung tâm truyền thông… cùng rất nhiều thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu kèm theo. Những hạng mục này hầu hết đều rất đắt tiền, chẳng hạn môn đua xe đạp lòng chảo trong nhà chỉ tính riêng phần sân đã 200 triệu USD, nhà thi đấu đa năng 100 triệu USD, làng VĐV với 12.000 người cũng có giá 100 triệu USD…

“Như vậy, con số 150 triệu USD là điều quá phi thực tế. Đây chỉ là một con số mồi nhử ban đầu, đến khi quyết làm rồi thì chi phí đội lên, phát sinh ra, có khi gấp 5 gấp 10 lần ban đầu thì lúc đó đâm lao rồi phải theo lao chứ dừng làm sao được nữa”, Tiến sĩ Phong nhận định

Giáo sư Nguyễn Mộng Giao, Hiệu phó Đại học Hùng Vương cũng cho rằng, con số 150 triệu USD là một cách nói dối, trước tiên cứ nói dối, nói bừa đi để đề án được duyệt, sau đó lúc triển khai nếu phát sinh thì kiểu gì chả phải bù vào. Cách nói dối này đã thành bệnh của một số quan chức Việt Nam rồi.

Để đăng cai ASIAD 18, Việt Nam phải xây sân đua xe đạp lòng chảo trong nhà, tốn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng (200 triệu USD), hơn cả con số tổng chi phí ước tính cho ASIAD 18 là 150 triệu USD mà Bộ VH-TT-DL đưa ra.

Nếu tổ chức ASIAD 18 thì chắc chắn mọi khó khăn sẽ đổ lên đầu người dân, và chỉ có lợi cho một số cá nhân. Sẽ có một nhóm cá nhân được hưởng lợi rất nhiều từ việc đăng cai ASIAD 18. Không biết họ có nhận thức được điều này là vô vị, vô nghĩa hay không? Họ biết, nhưng họ sẽ cố gắng làm bằng được, vì cái lợi ích riêng của họ. Ai cũng biết đất nước còn nhiều khó khăn, nghèo đói, chúng ta đang cần đầu tư tiền của, công sức vào rất nhiều thứ khác, chứ không phải chúng ta cần những cái danh hảo.

Tại Việt Nam, các phúc lợi xã hội hạn chế, nền kinh tế vĩ mô chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn, hàng nghìn công ty, doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ người nghèo đói, thất nghiệp còn nhiều… Vì thế, riêng với số tiến dự toán xây cái vòng chảo để đua xe đạp là 4.000 tỷ đồng chỉ để qua một vài lần sử dụng thì có thể xây được hàng trăm cái bệnh viện, hàng trăm cây cầu treo, hàng trăm cái trường học ở các vùng nông thôn… Chăm lo cho đời sống người dân chất lượng hơn là việc làm thiết thực mà Việt Nam cần nghĩ đến vào lúc này.

Đề án đăng cai ASIAD 18 đã được Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT lập ra, đưa lên Bộ VH-TT&DL để xin Chính phủ về mặt chủ trương cho phép Việt Nam nộp đơn lên Hội đồng Olympic châu Á (OCA) ứng cử quyền tổ chức.

Người chấp bút chủ đạo cho đề án và “có công” đưa ASIAD 18 về Việt Nam là ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á – OCA. Ngay sau khi Việt Nam được OCA trao quyền đăng cai ASIAD vào ngày 8/11/2012, báo chí thể thao bắt đầu tiếp cận được nội dung chi tiết của đề án tổ chức của Bộ VH-TT&DL.

Theo đề án, ASIAD 18 năm 2019 gồm 36 môn thi đấu với khoảng 13.000 VĐV và HLV tham dự. Địa điểm tổ chức chính là thành phố Hà Nội và 14 tỉnh thành khác như TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương…

Kế hoạch ban đầu của Đề án không phải là 150 triệu USD (3.000 tỷ đồng) mà là 5.155 tỷ đồng (255 triệu USD) và ngân sách nhà nước góp 4.979 tỷ đồng (96%) được Bộ VH-TT&DL trình sang cho Văn phòng Chính phủ vào đầu năm 2011 để xin đăng cai ASIAD. Đề án này đã bị Bộ Tài chính có công văn phản hồi và ngày 9/4/2011 cho biết 4.979 tỷ đồng từ ngân sách là “gánh nặng với nhà nước”.

Vì Bộ tài chính tỏ ý không đồng tình với việc tổ chức ASIAD bằng ngân sách nhà nước nên Bộ VH-TT&DL phải viết lại đề án. Đến giữa năm 2012, đề án mới của Bộ VH-T&DL giảm số kinh phí tổ xuống còn 3.000 tỷ đồng và ngân sách đóng góp 28%, còn lại 72% là vốn xã hội hóa.
Tỷ lệ vốn xã hội hóa chỉ có 4% theo đề án ban đầu đã được Bộ VH-TT&DL "thổi" lên thành 72% một cách ngoạn mục với quyết tâm kéo bằng được ASIAD 18 về Việt Nam.

Minh Hiếu

Một bài báo đã bị xóa, về trò hề không cười nổi: đăng cai làm Asiad với 150 triệu US $.

Địa chỉ liên kết gốc: Đăng cai ASIAD: Lộ thói nói dối, nói bừa của một số quan chức - kienthuc.net.vn

Đây là bản "cache" địa chỉ của liên kết là: http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache%3A2cZ2WRWFfUYJ%3Akienthuc.net.vn%2Fdiem-nong%2Fdang-cai-asiad-lo-thoi-noi-doi-noi-bua-cua-mot-so-quan-chuc-328455.html+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=vn

Dưới đây ảnh chụp từ bài viết gốc của báo Kiến Thức:

Chia sẻ bài viết này :

Hoàng Đức Doanh - Vật tế Thần


Vật tế Thần

Mấy chục năm cầm quyền
Theo học thuyết cộng sản
Biến thành cuộc mua bán
Tự nguyện làm con tin .

Từ thời đại Lê nin
Theo người ta tranh đấu
Đổ bao nhiêu xương máu
Nay ngẫm lại được gì ?

Lần theo mỗi bước đi
Lúc đòi giành độc lập
Lúc lại muốn sát nhập
Ảo vọng xứ thiên đường.

Uất hận những đau thương
Tiền đồn thời cộng sản
Quân tiên phong nhan nhản
Theo định hướng mơ hồ ...

Cách mạng thật quy mô
Chia ra ba dòng thác
Dựa vào chủ nghĩa Mác
Hạnh phúc là đấu tranh.

Gần thế kỷ tan tành
Vì đấu tranh giai cấp
Học thuyết càng du nhập
Độc lập như rời ra .

Đến nay thì quá đà
Tránh sao khỏi phụ thuộc
Lúc nào cũng cầm đuốc
Soi đường lối, bước đi.

Nay ngẫm lại được gì
Nhân dân cùng đất nước
Nhìn xem mất hay được
Đang tan hoang bộn bề .

Tự biến thành con Dê
Nguyện dâng làm vật tế
Hỡi Quỷ, Thần, Nhân thế
Chứng giám cho nguồn cơn.

Lấy đâu ra tiền đồn
Tiên phong không đến lượt
Hai danh hiệu đều trượt
Chỉ làm Vật tế Thần !

Ngày 09/4/2014
Hoàng Đức Doanh


Hoàng Đức Doanh
(Cựu chiến binh)

Từ nhỏ đến 19 tuổi đi học, lao động tự do. Năm 20 tuổi (1/1966) đi bộ đội, chiến đấu ở Khe sanh (Quảng trị) 1968 – 1969. Năm 1970 – 1972 chiến đấu ở Xiêng khoảng, Sầm nưa (Lào). Năm 1973 chuyển ngành là cán bộ huyện Thanh liêm - Hà nam đến khi nghỉ hưu. Hiện là một dân oan bị cướp đất  và đang sinh sống tại thành phố Phủ lý tỉnh Hà nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét