Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Tội bẻ cong luật pháp - Những tội danh kỳ lạ

Những tội danh kỳ lạ

Hôm nay đúng 24 ngày công an Đồng Tháp vẫn giam giữ ba công dân một cách bất hợp pháp tại trại tạm giam tỉnh Đồng Tháp. Ba người đó là bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh và cô Thúy Quỳnh. Mặc Lâm tìm hiểu câu chuyện qua lời kể của người trong cuộc.
Câu chuyện xảy ra vào lúc 11 giờ 30 trưa ngày 11 tháng Hai khi một nhóm bạn hữu và đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển từ Sài Gòn về ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để thăm gia đình anh thì bị công an bao vây tại cầu Nông Trại và bắt giữ đem về trụ sở công an huyện.
Những người ngồi trên xe đã bị công an và an ninh lên xe tấn công bằng gậy gộc, một số bị thương trong đó có bà Bùi Hằng và nhiều đạo hữu Phật Giáo Hòa Hảo.
Chị Bùi Thị Kim Phượng là vợ của anh Nguyễn Bắc Truyển xác nhận việc bà Bùi Thị Minh Hằng bị đánh khi trên đường tới thăm gia đình chị tại Lấp Vò:
Trên đoạn đường đi thì họ bị công an Lấp Vò bắt đánh rất dữ dội trong đó có thầy trụ trì chùa Quang Minh Tự là thầy Võ Văn Thanh Liêm bị đánh và chị Bùi Thị Minh Hằng cũng bị đánh.
-Chị Bùi Thị Kim Phượng
“Tôi được nghe các anh chị ở Sài Gòn kéo xuống trong đó có chị Bùi Thị Minh Hằng và một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cùng với phái đoàn trên Sài Gòn xuống để thăm nhà tôi ở Lấp Vò, Đồng Tháp. Trên đoạn đường đi thì họ bị công an Lấp Vò bắt đánh rất dữ dội trong đó có thầy trụ trì chùa Quang Minh Tự là thầy Võ Văn Thanh Liêm bị đánh và chị Bùi Thị Minh Hằng cũng bị đánh rất dữ dội, có người bị ngất xỉu. Họ bị áp giải về đồn công an Lấp Vò.”
Anh Phạm Nhật Thịnh, một người ngồi chung xe chứng kiến những việc xảy ra và cũng bị bắt về công an huyện Lấp Vò sau đó, anh kể lại:
“Em mến chị Hằng chứ không phải là Phật Giáo Hòa Hảo hay Công giáo. Em là cộng tác viên của Văn phòng Công lý và Hòa bình. Mục đích của em thứ nhất là đi chơi thứ hai là thăm nhà của bà Bắc Truyển. Chị Hằng không có một biểu hiện gì chống lại chính quyền hết. Chị ấy chỉ phản đối lại việc làm của những người công an mặc thường phục đánh đập và giựt đồ của chúng tôi khi phản đối những việc làm đó. Em nhìn thấy chị bị đánh mấy cái vô gáy rồi khi người ta còng tay chị ấy rồi đưa chỉ lên xe người ta cũng còn đánh nữa.”
Có 22 người đã bị bắt trong ngày hôm ấy nhưng 19 người đã được thả chỉ còn lại bà Bùi Minh Hằng, blogger Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh vẫn còn bị giam giữ cho tới hôm nay.

Giam giữ bí mật, tại sao?


Trong 24 ngày bị giam cả ba người đều phản đối việc bắt giữ mình trái phép bằng cách cùng tuyệt thực và tới hôm nay thân nhân của bà Hằng và anh Minh đã cố gằng nhiều lần nhưng đều bị trại tạm giam từ chối không cho gặp mặt.
Chị Bùi Thị Diễm Thúy vợ của anh Nguyễn Văn Minh cũng bị bắt chung với chồng nhưng đã được thả ra cho biết:
“Tôi hỏi nguyên nhân tại sao mà bắt giữ chồng tôi hoài mà không thả, tại sao bắt chung mà thả tôi ra còn chồng tôi thì không thả thì nó nói là trong vòng điều tra bây giờ chưa biết để từ từ người ta điều tra rồi mới cho hay. Nó không cho gặp mặt gì hết trơn.”
Chị Quỳnh Anh con ruột của bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết trường hợp của mẹ:
“Chưa ai được gặp có nghĩa là bây giờ công an huyện Lấp Vò nó một mực nó bảo là đang trong quá trình điều tra nên chưa cho gặp. Sau chín ngày đầu tiên Trung nhà con có xuống yêu cầu nó cấp giấy thì nó cấp cho tờ giấy là thông báo tạm giữ, hôm 25 tháng Hai vừa rồi Trung nhà con lại yêu cầu nó tại sao bây giờ giam giữ quá 9 ngày rồi mà vẫn không có bất cứ một cái gì hết. Thế là nó đưa cho Trung một giấy thông báo tạm giam mà cũng chỉ là thông báo chứ hoàn toàn không có quyết định hay là gì cả.
Sau khi nó đưa chắc nó cũng muốn làm cho kín kẽ nó gửi về cho con một cái thông báo tạm giam. Cả hai lần chỉ là thông báo chứ không có quyết định hay lệnh gì cả.”
Quỳnh Anh kể lại chi tiết những lần thăm mẹ rất khó khăn của gia đình chị:
“Từ hôm mẹ con bị bắt lần đầu tiên con xuống là tuần vừa rồi khi vào đến trại giam thì người ta bảo con là ở đây người ta chỉ có trách nhiệm giam giữ còn muốn thăm thì phải sang công an tỉnh xin giấy vì bên tỉnh người ta thụ lý. Con chạy sang công an tỉnh thì họ bảo là họ chỉ hỗ trợ cho huyện chứ người ta không điều tra vụ này. Thế là bọn con lại xuống huyện Lấp Vò chỗ bắt mẹ con thì người ta cũng không cho vào. Chiều hôm ấy khi con xuống đến nơi thì anh công an trực ban chận con lại từ cửa và có vẻ như đồng chí điều tra viên không muốn gặp con thế là hai vợ chồng con lại về.
May mắn hôm nay con đi thì mặc dù không gặp được mẹ đâu tại vì nó vẫn trả lời là trong quá trình điều tra nên không cho gặp nhưng được cái là con mua đồ gửi vào cho mẹ và tấm hình của con bé và được đồng chí giám thị trại giam cho biết mẹ vẫn còn tuyệt thực chỉ uống nước chứ không ăn uống gì.”

Tội “cản trở giao thông”?

Đối với bà Bùi Minh Hằng có tin công an khép bà vào điều 203 tội gây cản trở giao thông và tội danh này có mức án từ ba tháng đến ba năm tù giam. Anh Phạm Nhật Thịnh làm chứng cho sự gán ghép này, anh nói:
Chưa ai được gặp có nghĩa là bây giờ công an huyện Lấp Vò nó một mực nó bảo là đang trong quá trình điều tra nên chưa cho gặp.
-Chị Quỳnh Anh
“Nếu mà nói “cản trở giao thông” thì chính họ mới là người cản trở giao thông chứ không phải tụi em. Tại vì tụi em đi với tốc độ bình thường và đi hàng một. Khi đến cầu Nông Trại thì họ chặn xe chúng em và cầm gậy gộc đánh chúng em nữa. Họ chặn hai đầu không cho đi và không cho về đó là những điều em nhìn và nghe thấy như vậy chứ hoàn toàn chị Hằng không chống đối mà cũng không cản trở giao thông.”
Riêng anh Nguyễn Văn Minh thì bị quy tội “chống người thi hành công vụ”, chị Bùi Thị Diễm Thúy vợ của anh Minh cho biết:
“Nó thấy chồng con buôn bán được lo cho gia đình và lo thăm nuôi cha và em con trong tù thành ra bây giờ nó bắt. Nó muốn làm cho gia đình con không còn ai lo nữa đặng cho khổ sở không có đồng tiền thì sẽ bỏ đạo, họ đàn áp mình vậy đó chú.”

Chống người thi hành công vụ?

Chị Thúy kể lại chuyện cha ruột của chị là ông Bùi Văn Trung và em ruột là Bùi Văn Thanh cả hai cũng bị cáo buộc tội chống người thi hành công vụ và hiện đang thụ những án tù bất công mà nguyên nhân sâu xa chỉ vỉ họ theo Phật giáo Hòa Hảo:
“Em con thì nó bắt năm 2012 cha con thì nó bắt năm 2013. Nó bắt em con trước, khi nó đang đi bỏ giá. Gia đình con thì có em con nó làm ra tiền nhờ đi bỏ giá mà sống. Mấy tháng sau nó bắt cha con luôn tới hôm nay nó bắt chồng con nữa. Trong gia đình con nó đã bắt như vậy là ba người rồi.
Nó ghép cha con vô tội chống người thi hành công vụ. Thật sự thì cha con đang đi trên đường bị bắt cóc rồi ghép tội chớ cha con hỏng chống gì hết trơn. Em con nó cũng ghép chống người thi hành công vụ luôn. Bây giờ tới chồng con con nghe nói nó cũng ghép chống người thi hành công vụ.
Đã ra tòa rối, cha con thì 4 năm còn em con thì 2 năm rưỡi. Chống cái gì bây giờ mình có gì đâu mà chống? Mình chỉ có A di đà Phật thôi chứ chống gì bây giờ, chú thử nghĩ đi. Tại vì mình là người tu, người Hòa Hảo nó chỉ bắt vì đàn áp tôn giáo mình thôi chứ thật sự không có chuyện gì xảy ra hết.
Trong lần tìm mẹ mới nhất Quỳnh Anh kể lại việc công an trại giam đã khuyến khích chị động viên mẹ khi bà đã tuyệt thực đến ngày thứ 24 chị kể:
“Khi nghe con bảo con muốn viết cho mẹ mấy chữ thì người ta đồng ý ngay và còn bảo là viết thư động viên tinh thần của mẹ. Thế là con gửi tấm hình của cháu mà bà thương nó nhất và mấy chữ mong bà ăn uống gì để giữ sức khỏe đã hai mấy ngày rồi nếu không khi có chuyện gì thì nó lại bảo do mình tuyệt thực.”
Cho tới nay vẫn không ai biết được tình trạng của Nguyễn Thúy Quỳnh người cùng bị bắt với bà Bùi Minh Hằng và Nguyễn Văn Minh. Blogger Thúy Quỳnh thường trú tại Q. 8 và là người gửi hình ảnh bà Bùi Minh Hằng ca bài Việt Nam tôi đâu của Việt Khang trong nhà giam khi cô bị giam chung với bà. Có lẽ vì thế nên công an đã giam giữ cô gái này mà không cần cho biết cô phạm tội gì.

Tội bẻ cong luật pháp

Ngày 18/11/1976, học giả Robert Havemann, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở CHDC Đức, người được coi là cha đẻ tinh thần của cuộc cách mạng hòa bình năm 1989, viết một bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Erich Honecker về việc bạn ông, cũng một nhà bất đồng chính kiến lừng danh, nghệ sĩ Wolf Biermann, bị cấm về nước sau chuyến lưu diễn tại Tây Đức. Havemann từng là bạn tù của Honecker thời Quốc xã, từng viết thư thỉnh cầu Honecker thả một người bất đồng chính kiến khác và được chấp thuận, từng được Honecker che chắn ở một số vụ, và dù đã bị khai trừ khỏi Đảng, cấm giảng dạy, sa thải khỏi trường đại học và Viện Hàn lâm Khoa học, tước mọi chức vụ trong đó có chức đại biểu Quốc hội, ông vẫn coi mình là một người cộng sản.

Bốn ngày sau, 22/11/1976/, tuần tin Spiegel (Tây Đức) đăng bức thư đó. Trong thư, Havemann kêu gọi Honecker cho phép Wolf Biermann được về nước, “trước hết để tránh nhục nhã và thiệt hại cho tất cả chúng ta và uy tín của đất nước ta“, bởi lẽ – nguyên văn: “tất cả những cáo buộc và nghi ngờ rằng Wolf Biermann thù địch với CHDC Đức đều hoàn toàn vô lối. Wolf Biermann đã phê phán, phê phán mạnh mẽ và sắc nhọn. Nhưng những đồng chí ưu tú nhất của chúng ta cũng đã sử dụng vũ khí phê phán mạnh mẽ không khoan nhượng, nhất là khi cần vạch ra những khuyết điểm và nhầm lẫn của chính chúng ta, chẳng phải luôn luôn là như vậy hay sao? Wolf Biermann đã phê phán theo cách đó, phê phán trong tinh thần của người cộng sản. Ai không chịu nổi những lời phê phán ấy là thừa nhận rằng mình không có gì để đáp lại ngoài bạo lực.” Ông phân tích tiếp, với chiến dịch khai trừ Wolf Biermann “các đồng chí đã biến anh ấy thành hình ảnh lí tưởng trong mắt hàng triệu thanh niên Đông Đức. Giờ đây anh ấy là hiện thân của một thứ hi vọng lớn cuối cùng về một chủ nghĩa xã hội mà những thanh niên ấy đã thôi không còn mơ ước.”
Bốn ngày sau, 26/11/1976, Tòa án huyện Fürstenwalde ra lệnh quản thúc Havemann tại gia, vì tội “hoạt động đe dọa đến an ninh và trật tự công cộng“. Nơi ở và toàn bộ gia đình ông bị 200 nhân viên An ninh Quốc gia (Stasi) thay nhau canh gác suốt ngày đêm. Ông bị cấm liên lạc với phóng viên, nhân viên ngoại giao nước ngoài và 70 công dân Đông Đức “có vấn đề” khác. Năm 1979, tòa ra tiếp lệnh khám nhà, tịch thu nhiều tài liệu và đồ đạc, phạt ông một khoản tiền lớn, 10.000 Mark Đông Đức, với tội danh vi phạm Luật Ngoại tệ, vì ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm ở nước ngoài. Đơn kháng án của ông bị bác. Luật sư của ông bị tước quyền hành nghề. Ba năm sau, 1982, Havemann qua đời.
So với ước chừng tổng cộng 250.000 tù nhân chính trị trong vòng 40 năm ở CHDC Đức, những người thậm chí bị tống giam chỉ vì buông một lời nói kháy chính quyền hay Anh Cả Liên Xô, ông Havemann, “kẻ thù số 1 của nhà nước”, với ba năm quản thúc và một khoản tiền phạt có thể coi là còn được luật pháp của đất nước chuyên chính vô sản này nương nhẹ. Song gần hai mươi năm sau khi ông qua đời, 7 thẩm phán và công tố viên của nhà nước Đông Đức đã tham gia vào hai vụ án kết tội ông, đến lượt họ, lại phải ra tòa vì tội Rechtsbeugung: lợi dụng luật pháp, cưỡng đoạt luật pháp, lũng đoạn luật pháp, tha hóa luật pháp, nắn bóp và co giãn luật pháp… để cản trở công lí, nói nôm na là bẻ cong luật pháp.
Một trong những điểm then chốt trong hiệp thương thống nhất giữa hai nhà nước Đức sau Chiến tranh Lạnh là nguyên tắc hòa giải. Không được dùng luật pháp của Tây Đức để phán xử thực tiễn xã hội Đông Đức. Chỉ có thể dùng chính luật pháp của Đông Đức để khôi phục công lí cho những gì đã diễn ra tại đó. Thực tế áp dụng nguyên tắc hòa giải này, sau một phần tư thế kỉ, là một quá trình vô cùng gian nan, đầy tranh cãi, với những câu hỏi còn lại không thể trả lời, những nguyện vọng không thể đáp ứng, những vấn đề khó lòng giải quyết thỏa đáng. Song nó tránh cho nước Đức thống nhất, sau gần nửa thế kỉ chia cắt dân tộc, cảnh hận thù và chia rẽ của “bên thắng cuộc” và kẻ bại trận.
Vụ án xử 7 cán bộ của ngành tư pháp Đông Đức nói trên cho thấy sự phức tạp ấy và là một bài học đáng nghiền ngẫm về tư pháp chính trị. Nó kéo dài gần ba năm, từ 1997 đến 2000. Đầu tiên, Tòa án Tiểu bang Frankfurt/Oder xử cho cả 7 bị cáo trắng án, Viện Công tố kháng nghị. Tiếp theo, Tòa án Tối cao Liên bang ra quyết định hủy bản án, chuyển vụ án về một tòa án tiểu bang khác để xét xử lại. Cuối cùng, Tòa án Tiểu bang Neuruppin, sau 26 phiên tòa, đã kết án 2 trong số 7 người nói trên về tội bẻ cong luật pháp, kết hợp với tội tước đoạt tự do của người khác, liên quan tới lệnh quản thúc Havemann.
Theo kết luận của tòa, hai cán bộ tư pháp của nhà nước Đông Đức này đã biết rõ rằng việc truy tố nhà bất đồng chính kiến Havemann không phải là để thực thi một công lí trên cơ sở xác định sự thật bằng những công cụ của luật pháp, mà trước hết và chủ yếu là để vô hiệu hóa hay triệt tiêu một đối thủ chính trị. Họ đã tham dự với đầy đủ ý thức vào một kịch bản soạn sẵn, được thỏa thuận trước với những cơ quan và cá nhân đứng ngoài ngoài hệ thống tư pháp, với bản án đã định trước ngay từ đầu. Với những bản án bỏ túi và phiên tòa trình diễn đó, họ đã vi phạm chính luật pháp của Đông Đức, nơi nguyên tắc “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” cũng được long trọng ghi trên mặt giấy.
*
Khi nhận lệnh quản thúc, ông Havemann tuyên bố: “Tôi đâu có ý định rời khỏi CHDC Đức, vì mỗi bước đi ở đây là một bước ta có thể chứng kiến chế độ đã và đang đánh mất toàn bộ uy tín, chỉ cần vài sự kiện và cú huých từ bên ngoài là đủ để vứt Bộ Chính trị vào sọt rác.” Mười ba năm sau, Bộ Chính trị Đảng SED quả nhiên biến mất. Cựu Tổng Bí thư Honecker cùng vợ tháo chạy khỏi đất nước, trốn vào Đại sứ quán Chile tại Moskva xin tị nạn chính trị.
Nước Đức mất gần 2 thập niên để giải quyết di sản của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Đông Đức. 374 vụ bẻ cong luật pháp với 618 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó 5 người bị phạt tiền, 176 người bị kết án tù, trong đó có 63 thẩm phán, 56 công tố viên, 5 thẩm phán và công tố viên thuộc tòa án quân sự và 41 nhân viên tư pháp khác. 8 trong số này chịu án tù từ 5 đến 10 năm.
Thật khó hình dung, mười, hai mươi năm, ba mươi năm hay năm mươi năm nữa chúng ta sẽ làm gì với di sản của nền tư pháp Việt Nam hiện tại. Những thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát và các nhân viên tư pháp tham gia các vụ xét xử những người bất đồng chính kiến, mới hôm kia là blogger Trương Duy Nhất, bằng những bản án bỏ túi rồi sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Chúng ta hay tự an ủi rằng họ sẽ phải đứng trước tòa án của lương tâm và tòa án của lịch sử. Song lương tâm thường phán quyết có lợi cho chủ của nó. Còn đợi lịch sử xếp xong lịch xét xử thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết từ lâu.
Tháng 3 6, 2014
Phạm Thị Hoài
© 2014 pro&contra

Khi nào Trung Quốc thực sự thay đổi?

John Sudworth
BBC News, Bắc Kinh
Ông Lý Khắc Cường phát biểu hơn 100 phút nhưng thiếu những thay đổi lớn

Phát biểu khai mạc của thủ tướng Trung Quốc ở Quốc hội được xem giống như diễn văn Tình trạng Liên bang của tổng thống Hoa Kỳ.
Cả hai đều báo cáo về những gì chính quyền đã làm và đề ra kế hoạch cho năm tới.
Và cả hai đều được phát biểu trước các chính trị gia trong phòng họp và trước người dân nói chung.
Dĩ nhiên sự tương đồng cũng chỉ có mức độ.
Các chính trị gia Trung Quốc nói nhiều hơn. Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu trong 105 phút hôm thứ Tư, dài hơn diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi tháng Giêng tròn 40 phút.
Và người Mỹ có thể sẽ điều chỉnh TV nếu trong vài phút đầu tiên họ phải nghe nói tới số hồ chứa nước được gia cố trong năm qua (15.000) hay nhu cầu oxy hóa chất tại đất nước đã giảm (2,9%).
Nhưng điều chắc chắn là cả hai diễn văn đều thiếu những chi tiết về chính sách nhưng lại nhiều thứ dông dài.
Các nhà bình luận chật vật tìm những điều ngạc nhiên hay những câu đắt giá trong diễn văn của tổng thống.
Và đối với phát biểu của thủ tướng Trung Quốc cũng vậy.

Thay đổi thực sự

Nhưng việc thiếu những điều gây ngạc nhiên cũng không ngăn được nhiều nhà quan sát hoan nghênh những nét chung mà ông Lý Khắc Cường nói.
Đó là những điều mà chúng ta đã từng nghe: tự do hóa lãi suất, tiếp tục tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, cải cách luật hộ khẩu hà khắc vốn không cho phép người lao động nhập cư được đối xử như cư dân của các thành phố mà họ sống.

Diễn văn của ông Lý được đọc trước các đại biểu Quốc hội
Ông Lý cũng nhắc lại lời hứa sẽ giải quyết nạn ô nhiễm đang bóp nghẹt các thành phố Trung Quốc.
Và cuối cùng là mức tăng trưởng dự đoán 7,5% cho năm 2014 như nhiều người mong đợi.
Đây là mức giống như năm ngoái và và có lẽ là điều đáng lo ngại vì Trung Quốc vẫn chưa dừng những chi tiêu cơ sở hạ tầng khổng lồ mà họ phải vay tiền để thực hiện.
Bởi vậy có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là sự thiếu vắng những điều ngạc nhiên.
Với hàng loạt những thách thức lớn mà Trung quốc đang đối mặt, người ta tự hỏi khi nào các chính trị gia sẽ công bố những thay đổi thực sự căn bản vốn đáng ra phải có từ lâu.

Người dân Trung Quốc bất lực trước đại họa thực phẩm bẩn

...cc : Ông Bà ta có câu : “Mà tầm Mã – Ngưu tầm Ngưu ” -Đối với  mọi vấn đề vẫn không sai.
Chọn mua thịt vịt tại một chợ ở Chiết Giang, 14/02/2014.
Chọn mua thịt vịt tại một chợ ở Chiết Giang, 14/02/2014.  -REUTERS/William Hong

Thụy My  -RFI

Nhật báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến « Thực phẩm bẩn : Sự ngao ngán của người Trung Quốc ». Từ sữa nhiễm mélamine, bắp cải có formol cho đến thịt có chứa thuốc trừ sâu, những xì-căng-đan thực phẩm liên tục nổ ra tại đất nước bị ám ảnh bởi những hồi ức về nạn đói trước đây. Ngày nay người dân ý thức được rằng thực phẩm bày bán và nạn ô nhiễm đất nông nghiệp gây nguy hại cho sức khỏe của họ.
Sự bất mãn của người dân sâu sắc cho đến nỗi đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn muốn dập tắt những phong trào nổi dậy từ trong trứng nước, đã phải lo ngại. Thế nên an toàn thực phẩm trở thành một trong những ưu tiên của chính quyền trong năm 2014, cùng với việc bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Đành rằng nạn ô nhiễm tại đô thị đang là mối lo hàng đầu, nhưng tình trạng đất nông nghiệp thường đầy thuốc trừ sâu và phân bón, rác công nghiệp, cũng là nguyên nhân đe dọa khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng.
Le Figaro kể ra một danh sách dài để có thể lập nên một thực đơn kinh dị : trứng làm bằng paraffine, há cảo nhiễm thuốc trừ sâu, thịt heo có clenbutérol nấu bằng dầu ống cống, ăn kèm bắp cải có tiêm formol, gạo bằng nhựa và nấm được tẩy trắng bằng thuốc tẩy eau de javel. Kết thúc bữa ăn : tráng miệng với yaourt bằng sữa nhiễm mélamine và dưa hấu bị nổ, nhấm nháp với trà có thuốc sâu. Tất cả những món này đều là hiện thực.
Tờ báo nhắc lại, năm 2008 sữa nhiễm mélamine đã giết hại 6 em bé và gây bệnh cho 300.000 em khác. Nhưng xì-căng-đan này chỉ được tiết lộ sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc để không làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Chất hóa học này được dùng để làm tăng độ đạm một cách giả tạo. Bà chủ của công ty sữa Sanlu đã bị kết án chung thân, nhưng bản án này cũng không ngăn được một xì-căng-đan sữa nhiễm độc mới tại Yili, một nhãn hiệu tên tuổi của Trung Quốc.
Một giáo sư tại Bắc Kinh tâm sự : Hai vợ chồng tôi không muốn có con, vì bị ám ảnh bởi hình ảnh những trẻ sơ sinh dị tật. Chúng tôi cũng không muốn như các bạn bè mình, cuối tuần phải sang Hồng Kông hay tranh thủ những lần du lịch châu Âu để mua sữa bột. Còn mua sữa chất lượng cao tại Trung Quốc thì quá đắt và cũng không bảo đảm.
Những trò phù phép thực phẩm bẩn
Tháng 5/2012 Tân Hoa Xã tiết lộ những người bán bắp cải đã tẩm formol để không bị hư hại khi vận chuyển bằng xe tải không có hệ thống lạnh trong mùa nóng. Formol rẻ tiền, nhưng gây dị ứng và có nguy cơ gây ung thư rất cao. Cung cách này rất phổ biến tại tỉnh Sơn Đông. Còn năm 2010, nhiều người trồng rau đã nhúng nấm vào eau de javel để tẩy trắng.
Năm 2011, công an bắt giữ 32 người sản xuất dầu ăn vớt từ dầu của các nhà hàng thải ra ống cống. Theo ước tính, có đến 10% số dầu ăn tiêu thụ tại Trung Quốc là dầu thải, mang lại món lợi rất lớn. Đến tháng 5/2013, công an phát hiện một mạng lưới buôn lậu thịt quy mô ở Thượng Hải và Giang Tô. Trên 900 người bị bắt giam vì bán thịt chuột cống và chồn giả làm thịt bò và cừu, thu lợi 1,6 triệu đô la.
Các nhà phù thủy này chế ra những món ăn bị tiêm vào những sản phẩm độc hại, ngâm tẩm bằng những dung dịch đáng ngờ đôi khi bằng nước tiểu súc vật. Thịt heo được tiêm borax, một chất được dùng làm thuốc trừ sâu hay bột giặt để giả làm thịt bò, hay chích nước bẩn vào để làm tăng trọng lượng, là những thủ thuật cổ điển.
Về phía nông dân cũng vận dụng nông hóa để có được rau quả to hơn, đẹp mã hơn. Khoảng 45 hecta dưa hấu đã bị nổ tung như những quả bóng vì rải quá nhiều chất forchlorfenuron để kích thích tăng trưởng. Cuối tháng 12/2013 Trung Quốc tổng kết có 3,33 triệu hecta đất nông nghiệp quá ô nhiễm, không thể trồng bất cứ thứ gì. Theo South China Morning Post, ít nhất 70% sông hồ tại Trung Quốc bị công nghiệp làm ô nhiễm, chủ yếu là các nhà máy hóa chất và dệt nhuộm.
Một nhà phát minh ra loại « siêu lúa » có năng suất tăng 20% báo động : « Hooc-môn tăng trưởng thấy khắp nơi. Để nuôi lớn một con heo và giết thịt thông thường phải mất một năm, nhưng tại Trung Quốc thì chỉ cần ba tháng ! Gà thì nuôi có 28 ngày thay vì 6 tháng, còn rau quả cũng tương tự. Hậu quả là thảm họa cho sức khỏe. Vì vậy mà một bé gái mới ba tuổi đã thấy kinh nguyệt, do ăn dâu có hooc-môn do cha mẹ trồng ».
Nuôi được 1,3 tỉ người là một trong những thử thách lớn trong một đất nước đã nhiều lần bị nạn đói hoành hành trong lịch sử. Các lãnh đạo không tìm được phép lạ nào, nên phải trả giá trong lãnh vực an toàn thực phẩm. Một danh hài đã chế giễu : « Nhờ các xì-căng-đan thực phẩm, người Trung Quốc đã tiến bộ vượt bực trong ngành hóa ». Le Figaro kết luận, trong một hệ thống do đảng Cộng sản lãnh đạo, người dân không thể đi xa hơn để tìm kiếm những người có trách nhiệm về thảm họa thực phẩm bẩn.
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, châu Á lo ngại
Cũng về Trung Quốc, nhiều tờ báo chú ý đến việc Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng. Le Figaro và La Croix đều có cùng nhận định, đây lại là một quan ngại mới cho các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.
La Croix cho biết, năm nay Trung Quốc dành đến 95,9 tỉ đô la cho quốc phòng, tăng 12,2% so với năm 2013. Để củng cố vai trò đại cường trên trường quốc tế và tại châu Á, Bắc Kinh không ngừng tăng ngân sách quân sự : năm 2012 tăng 11,2% và năm ngoái đã tăng 10,7%. Ngân sách này đứng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, đứng trên Nga, Ả Rập Xê Út, Anh và Pháp.
Tuy vậy các chuyên gia phương Tây và Nhật Bản đều cho rằng chi quốc phòng thực sự của Bắc Kinh cao hơn con số chính thức rất nhiều, khoảng 98 đến 156 tỉ đô la được dành cho một quân đội đông đảo nhất thế giới với 2,3 triệu quân. Còn nếu chỉ dựa theo số liệu chính thức, cũng đã lớn gấp ba Ân Độ, và cao hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại. Theo báo cáo của International Institute for Strategic Studies công bố vào tháng trước, thậm chí chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington vào năm 2030.
Vì sao các nước láng giềng phải lo ngại ? Người Nhật nêu ra sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Nhật phải tăng ngân sách quốc phòng 5%, còn các nước châu Á khác phải tăng cường hợp tác quân sự và hiệp định an ninh với Mỹ.
Theo La Croix, căng thẳng khu vực không hẳn là động cơ hàng đầu, mà Bắc Kinh muốn có một quân đội xứng đáng với tư cách đại cường kinh tế chính trị, tức « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình. Về vấn đề này, Le Figaro trích nhận xét của chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Lowy ở Sydney cho là những ai tin rằng Tập Cận Bình chỉ tập trung vào kinh tế « đã đánh giá thấp ý định của Trung Quốc trong việc hình thành môi trường chiến lược theo ý mình ».
Lính lê-dương Đức tại Điện Biên Phủ
Liên quan đến Việt Nam, nhật báo Libération có bài viết mang tựa đề « Đông Dương với đoàn quân lê dương Đức ít ai biết đến ». Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, hàng ngàn lính Đức bị bắt tại Pháp đã chấp nhận đi lính lê dương ở thuộc địa. Một nhà nghiên cứu trẻ Pháp đã vẽ lại hành trình của những người bị lãng quên này trong tác phẩm « Kẻ thù hữu dụng », được bài báo trích dẫn.
Trong Thế chiến thứ hai, có đến 2.600 lính Đức « hy sinh vì nước Pháp » ! Đó là các tù binh Đức bị Pháp bắt đã xung phong gia nhập lực lượng lê-dương, và ngay lập tức được gởi sang Đông Dương, trong đó có nhiều lính SS cũ. Tại Điện Biên Phủ, có đến 1.600 lính Đức tham gia chiến đấu, trong đó nhiều người đã thiệt mạng.
Ukraina : Chuẩn bị thanh lọc bộ máy
Nhìn sang Ukraina nơi tình hình đang sôi động, đặc phái viên Libération ở Kiev viết về « Một sự thanh lọc tế nhị » : chỉ nên nhắm đến các đại gia, thẩm phán, nhân viên an ninh…liên can đến tội ác và tham nhũng trong thời kỳ Viktor Ianoukovitch nắm quyền.
Từ khi cuộc nổi dậy thành công, mọi người đều nói đến điều này. Đối với những người biểu tình và chính quyền mới, chỉ truy lùng Ianoukovitch thì không đủ, mà còn phải nhanh chóng thanh lọc bộ máy nhà nước. Cụ thể là những ai ra lệnh và nhắm bắn vào người biểu tình, các dân biểu đã bỏ phiếu cho đạo luật độc đoán hồi tháng Giêng cho phép đàn áp, các quan tòa đã bỏ tù những người phản kháng…
Việc thanh lọc phải nhanh chóng và không nhắm vào cá nhân mà vào những tội ác cụ thể. Tất nhiên cần phải thận trọng, phân biệt những đại biểu đã soạn thảo các luật này với những người phải bỏ phiếu dưới áp lực, hay lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut với lực lượng an ninh nói chung.
Sau khi Ianoukovitch bỏ trốn, những nhóm sáng kiến của Maidan tập hợp nhiều nhân vật uy tín đã cố gắng đưa ra các tiêu chuẩn thanh lọc. Chẳng hạn 100 người giàu nhất Ukraina không thể giữ các chức vụ trong chính quyền mới. Theo chủ tịch ủy ban thanh lọc Egor Sobolev, đang chuẩn bị một dự luật cho Quốc hội, thì : « Việc các doanh nhân giàu có giữ một chức vụ thật ra không có vấn đề gì, nhưng nếu họ làm giàu nhờ chức vụ thì không thể được ».
Phản đối tấn công Crimée trên mạng xã hội Nga
Về phía Nga, thông tín viên của nhật báo Les Echos tại Matxcơva cho biết về « Những tiếng nói chỉ trích điện Kremli tại Nga ». Trên truyền hình nhà nước Nga, tuyên truyền hoạt động ở mức tối đa, nhưng trên internet và những tờ báo tự do, người Nga phản đối việc đổ quân sang Crimée.
« Ông Putin điên rồi ! ». Trên internet, nhiều người Nga không giấu diếm sự bất bình trước các hành động quân sự của Kremli. Một thanh niên Matxcơva thổ lộ : « May quá, từ nhiều năm qua chúng tôi không còn xem tivi nữa ». Những người sử dụng mạng xã hội không còn tin vào tuyên truyền của truyền thông nhà nước.
Les Echos cho biết, giáo sư Andrei Zubov của Viện nghiên cứu quốc tế danh tiếng MGIMO ở Matxcơva còn đi xa hơn khi trên một tờ báo tự do, đã so sánh việc Nga đưa quân vào Crimée với sự kiện Hitler chiếm đóng nước Áo. Ngay lập tức ông đã bị sa thải.

TQ sẽ bắt giữ tàu nước ngoài theo lịch hàng tuần

...cc : Nay mai chắc trên Truyền hình có “Phản đối”.

RFA 06.03.2014

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc theo quy định mới về đánh bắt hải sản của nước này hiện đang bắt giữ tàu nước ngoài trên cơ sở hằng tuần.
Bí thư tỉnh Hải Nam, ông La Bảo Minh cho biết như vừa nêu vào ngày hôm qua, 6/3.
Ông La Bảo Minh cũng cho biết cách thức thực thi lệnh của Trung Quốc mà bị các nước trong khu vực và cả Hoa Kỳ chỉ trích là phía tuần duyên Trung Quốc luôn cố gắng thuyết phục trong ôn hòa với các tàu nước ngoài, yêu cầu ra khỏi lãnh hải khi các tàu này cố tình đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Gần đây, Philippines Quốc và VN lên tiếng cáo buộc tàu tuần duyên Trung Quốc dùng súng phun nước và dùng các các biện pháp khiêu khích khác để xua đuổi các tàu cá của họ khi đang đánh bắt ở khu vực gần các vùng tranh chấp.
Truyền thông Việt Nam cho biết mới hôm ngày 1 tháng 3 vừa qua, một tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc cướp hết ngư cụ và hải sản đánh được sau gần một tháng đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét