Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Không có con đường dễ đến dân chủ - Sống hài hòa hay nhu nhược với TQ?

Không có con đường dễ đến dân chủ

Những thứ cần thiết cơ bản là các công dân đích thực, những người bảo vệ tử tế, các thị trường thích hợp và các luật công bằng

Ukraine có thể trở thành một nền dân chủ tự do ổn định? Câu trả lời cho câu hỏi này phải là: có. Ukraine sẽ có trở thành một nền dân chủ tự do ổn định? Câu trả lời cho câu hỏi đó là: chúng ta không biết. Chúng ta biết rằng những nước khác đã đến đích. Nhưng chúng ta cũng biết rằng nền dân chủ bỏ phiếu phổ thông là một cái cây mềm yếu, đặc biệt trong những năm đầu của nó. Những gì đã xảy ra đối với các nền dân chủ non trẻ ở, chẳng hạn, Ai Cập, Thái Lan, Nga và Ukraine nhấn mạnh chân lý đó. Nền dân chủ là mong manh bởi vì nó là một trò chơi phức tạp và, trong những khía cạnh quyết định, không tự nhiên.
Điểm xuất phát của tôi là, chính phủ có trách nhiệm giải trình đối với những người bị cai trị là hình thức duy nhất thích hợp cho những người trưởng thành. Tất cả các hình thức khác của chính phủ coi con người như trẻ con. Trong quá khứ, khi hầu hết người dân còn mù chữ, chủ nghĩa gia trưởng như vậy đã có thể được biện minh. Điều đó không còn đúng nữa. Khi dân cư ngày càng nắm được thông tin hơn, thì các chính phủ coi nhân dân của họ theo cách này sẽ ít có thể được chấp nhận. Tôi kỳ vọng (hoặc hy vọng) rằng, trong dài hạn, điều này sẽ đúng ngay cả với Trung Quốc.
Bằng chứng phù hợp với sự lạc quan này. Theo Polity IV database (cơ sở dữ liệu Chính thể IV), gần như 100 nước bây giờ là các nền dân chủ (ít nhiều chưa hoàn hảo). Con số này bằng hai con số của năm 1990. Trong năm 1800, đã chẳng có nền dân chủ nào. Số của các chế độ chuyên quyền thực sự cũng đã giảm đột ngột, từ khoảng 90 trong năm 1990 xuống khoảng 20 bây giờ. Đáng tiếc, đã có sự gia tăng từ khoảng 20 lên trên 50 về số các chế độ anocracy [giữa autocracy-chuyên quyền và democracy-dân chủ] – các chế độ mà sự cai quản của nó là hết sức bất ổn, không hiệu quả và tham nhũng. Các chế độ như vậy có thể hoặc là các chế độ chuyên quyền đang sụp đổ hoặc các nền dân chủ thất bại. Chúng cũng dễ bị tổn thương đối với việc nổ ra xung đột vũ trang hay chiếm quyền bằng vũ lực.
Thế cột trụ của một nền dân chủ ổn định và thành công là những gì? Câu trả lời ngắn gọn là, một nền dân chủ đòi hỏi một bộ đôi kiềm chế: giữa những người dân và giữa nhân dân và nhà nước. Những sự kiềm chế này dựa vào bốn đặc tính, tất cả bốn đều cần thiết.
Trước nhất, các nền dân chủ cần các công dân. Các công dân không chỉ là những người tham gia vào đời sống công, tuy họ cũng làm việc đó. Trên hết, các công dân chấp nhận rằng sự trung thành của họ đối với các quy trình mà họ chia sẻ phải áp đảo sự trung thành đối với phe chính trị của riêng họ. Các công dân hiểu ý tưởng về một “đối lập trung thành.” Họ chấp nhận tính chính đáng của chính phủ được vận hành bởi và thậm chí cho những đối thủ của họ, tin chắc rằng sẽ có thể đến lượt họ [nắm quyền]. Suy ra, các công dân không sử dụng quá trình chính trị để phá hủy năng lực của các đối thủ của mình để hoạt động một cách yên bình. Họ chấp nhận tính chính đáng của người bất đồng quan điểm và thậm chí sự phản đối om sòm. Họ loại trừ chỉ việc sử dụng vũ lực. Tất nhiên, một số đối thủ là không thể chấp nhận được – trước hết tất cả những người không chấp nhận tính chính đáng của quá trình dân chủ. Một nước thiếu những công dân như vậy bị đầu độc liên miên trên bờ vực của sự tan rã thậm chí nội chiến.
Thứ hai, các nền dân chủ cần những người bảo vệ (guardian), một từ được dùng bởi cố Jane Jacobs trong cuốn sách tuyệt vời của bà, Systems of Survival (Các Hệ thống Sống sót). Những người bảo vệ giữ các vị trí quyền lực chính trị, hành chính, pháp lý hay quân sự. Những gì biến họ thành những người bảo vệ, với tư cách trái với bọn kẻ cướp, là, họ sử dụng vị trí của mình không vì mối lợi vật chất cá nhân, mà phù hợp với các quy tắc khách quan hoặc để ủng hộ quan niệm phúc lợi chung. Viktor Yanukovich, tổng thống bị lật đổ của Ukraina, là một thí dụ tốt về một sự tương phản với điều này mà ta có thể hình dung ra. Thế nhưng những động cơ của ông ta để tìm kiếm quyền lực cũng đã là những động cơ thúc đẩy truyền thống. Suốt lịch sử, quyền lực và sự giàu có đã gắn với nhau. Ý tưởng rằng hai thứ phải tách biệt ra đã và, ở nhiều nơi, vẫn là cách mạng. Ông Yanukovich thay vào đó đã tin vào quyền của ông ta để cướp bóc và bắn. Đó không phải là cơ sở cho tính chính đáng dân chủ.
Thứ ba, các nền dân chủ cần các thị trường. Với các thị trường chúng ta dứt khoát không muốn nói đến sự lạm dụng quyền lực của nhà nước để biến tài sản nhà nước thành của cải tư, như đã xảy ra khắp phần lớn Liên Xô trước đây. Các doanh nhân mà xây dựng vận may của mình trên sự trộm cắp như vậy không hề chính đáng (hợp pháp) hơn các chính trị gia đã giúp đỡ họ.
Các thị trường hoạt động đúng đắn được hỗ trợ bởi một nhà nước hoạt động tốt cung cấp những trụ cột cốt yếu của nền dân chủ ổn định. Thứ nhất, chúng ủng hộ sự thịnh vượng. Một xã hội có khả năng bảo đảm một mức sống tử tế và an toàn phải chăng cũng chắc là một xã hội ổn định. Đây rồi sẽ là một xã hội của các công dân tin cậy lẫn nhau và tin vào tương lai kinh tế của mình. Thứ hai, các thị trường làm lỏng sự liên quan giữa sự thịnh vượng và quyền lực. Chúng là cho có thể cho nhân dân để coi kết quả của các cuộc bầu cử là quan trọng, nhưng không như vấn đề sống chết hoặc cho chính họ hay cho gia đình họ. Điều này hạ nhiệt của chính trị từ cháy bỏng xuống mức có thể chịu được.
Cuối cùng, mặc dù tất cả sự phức tạp này, dẫu thiết yếu, để các hệ thống là hữu hiệu, các nền dân chủ cần các luật được chấp nhận, bao gồm nhất là các luật hiến pháp (cho dù đôi khi không thành văn). Luật, được ban hành và thi hành phù hợp với các thủ tục được chấp nhận, tạo hình các quy tắc của trò chơi chính trị, xã hội và kinh tế. Một nước mà thiếu pháp trị thì liên miên ở trên bờ vực của hỗn loạn hoặc của sự bao ngược – số phận bất hạnh của nước Nga hàng thế kỷ.
Dân chủ như thế là nhiều hơn việc bỏ phiếu rất nhiều. Nó chắc chắn không phải là “một người lớn, một phiếu, một lần”. Nó cũng chẳng phải, xét từ góc độ đó, là “một người lớn, một phiếu gian lận, nhiều lần”. Nó là một mạng lưới phức tạp của các quyền, nghĩa vụ, quyền lực và ràng buộc. Dân chủ hoặc là sự bày tỏ chính trị về các cá nhân tự do hoạt động cùng nhau, hoặc chẳng là gì cả. Những người mà đã thắng một cuộc bầu cử không có quyền làm như họ thích. [Nếu họ là thế thì] Đó không phải là một nền dân chủ thật, mà là chế độ độc tài được bầu.
Những người ngoài có thể giúp một dân tộc trên đường tới dân chủ? Có, họ có thể. Vai trò kinh tế và chính trị hữu ích của EU ở trung và đông Âu đã chứng tỏ điều đó. Có thể hình dung được những bước thụt lùi? Có, Hungary đang cho thấy chính điều đó. Các láng giềng xấu có thể làm tàn lụi những hy vọng? Có, cả điều có cũng có thể.
Quả thực chúng ta đã thấy nhiều thất bại dọc con đường đến dân chủ. Ai Cập là một thất bại nổi bật: nó có thể thiếu quá nhiều điều kiện cần cho thành công. Ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng Ukraina đã tạo ra cơ hội thứ ba của nó từ 1991. Nhưng nước này sẽ cần rất nhiều sự giúp đỡ. Phương tây đã cung cấp sự giúp đỡ như vậy cho những nước khác. Nhưng bản thân nước này cũng cần chuyển sang những quy tắc khá mới của trò chơi xã hội: nó phải sinh ra các công dân thực, những người bảo vệ lương thiện, các thị trường thích hợp và các luật công bằng. Một sự thay đổi cách mạng như vậy là có thể? Tôi không biết. Nhưng một thứ tôi hoàn toàn chắc chắn. Rất đáng thử.
Martin Wolf
Nguyễn Quang A chuyển ngữ
Theo Diễn Đàn Xã hội Dân Sự
martin.wolf@ft.com
Copyright The Financial Times Limited 2014
Theo The Finacial Times

Né tránh một cuộc xâm lăng không thể né tránh

Những ngày gần đây trên một số trang mạng có nhiều bài viết và tin tức làm cho lão già này giật mình thon thót. Đó là những "hành xử" của "nước bạn" khiến cho mọi người Việt Nam có am hiểu chút ít về lịch sử dân tộc tất thảy đều lo lắng. Quốc gia hữu sự thất phu hữu trách. Tôi có là một kẻ thất phu vẫn cảm thấy có trách nhiệm đối với "vần xoay thời cuộc" ảnh hưởng đến mất còn một dân tộc, mà ngày nay người ta đang tìm mọi cách "nâng sức mạnh phần mềm" và "đứng trơ mắt ếch" nhìn người ta gậm nhấp từng phấn đất đai sông biển của ta mà vẫn ngây thơ tin vào "cái tình hữu nghị lâu đời" họ thường rêu rao.

Lịch sử xa xưa thì không dám đề cập mà chỉ nhớ hồi còn bé xíu đi học lớp Đồng Ấu, cô giáo Thu đã nói về Hai Bà Trưng. Chắc chắn Việt Nam thời Hai Bà Trưng không như bây giờ cả về lãnh thổ lẫn quy mô dân số. Hai người đàn bà xuất thân từ "quan lại" (Lạc hầu Lạc tướng) mà đã tổ chức cuộc khởi nghĩa thành công mà nguyên nhân chính là hai bà đã tập hợp được sức mạnh nhân dân. Chính sức mạnh ấy đã làm nên chiến thắng của Hai Bà, được ghi mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Một nước nhỏ và yếu bên cạnh một "anh bạn khổng lồ" lắm mưu nhiều kế, không từ một thủ đoạn thâm độc nào, lúc nào cũng lăm le "nuốt chửng" nước ta, thì "mọi sự bang giao hữu nghị" "sức mạnh mềm" đều tỏ ra vô nghĩa. Một con lợn con đứng trước một con hổ (mặc dù là hổ giấy) phải đối phó ra làm sao đây. Con lợn con có dám bắt tay con hổ hung ác không? Phải có trí khôn như bác thợ cày lập mưu giấu "trí khôn" ở nhà, phải đồng ý cho bác ta trói chặt chú hổ hung dữ vào một gốc cây, rồi về nhà lấy "trí khôn" ra cho bác hổ xem...Câu chuyện kết thúc thế nào, mọi người đã rõ, và các cậu các cô học sinh tiểu học đã rõ.

Tin cho hay, nhiều vùng đất biên giới phía bắc, mặc dù đã được cắm mốc, song vẫn bị "anh bạn" lấn sâu vào phía lãnh thổ Việt Nam. Việc này sờ sờ ra trước mắt, dân có mù đâu mà không hay biết ? Mảnh đất kiên cường trong chống Mỹ, cứu nước vừa qua ở miền Trung, tiêu biểu là Hà Tĩnh và Quảng Trị đã và đang chứng kiến "văn hóa phương Bắc" tìm mọi cách "đồng hóa" dân miền Trung, nhất là ở huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh.

Nhiều người đã phân tích "cái bàn đạp" miền Trung này không khéo trở thành cái bàn đạp xâm lược, chia cắt hai miền Nam Bắc nước ta. Có đến 90% doanh nghiệp lớn nhỏ có vốn đầu tư, có người làm việc của "anh bạn bốn tốt", trong đó có 60% những doanh nghiệp lớn do họ quản lý, khai thác, không chế và đã bắt đầu "làm mưa làm gió". . Đất của mình, sông núi của mình, tức là nhà của mình mà muốn tự do ra vào cũng không được, thế có nghĩa là nhiều vùng đất Hà Tinh, Quảng Trị đã là "tô giới" của họ rồi. Dân Việt Nam thử nghĩ coi, đau không ?

Xưa nay ta nghèo, ta "đánh Mỹ đến cái lai quần cũng đánh" nhưng là ta đánh cho ta, ta đánh để giành lại độc lập tự do cho ta, bảo vệ non sông đất nước ta. Còn bây giờ, họ ngang nhiên dựa vào cái gật đầu bắt buộc (hoặc tự nguyên) của một số người chóp bu, họ chiếm đất ta. Từ đất họ chiếm biển, từ biển họ chiếm đất. Và từ trên không, họ quy định "vùng phòng không" nói toạc ra là họ đang chiếm cả vùng trời của ta. Như thế, không gọi là "xâm lược" thì còn gọi là gì ?

Họ biết thừa nếu huy động hàng triệu quân với binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân ào ạt đánh chiếm nước ta thì bài học tháng 2-1979 còn nóng hổi. Một thời, thế giới này có ai mạnh như Mỹ. Vậy mà đến Việt Nam vẫn phải cuốn cờ. Trong lịch sử, có ai mạnh như quân Nguyên Mông, vẫn bị Trần Hưng Đao và quan quân Nhà Trần vùi sâu xuống sông Bạch Đằng. Bài học xa trong quá khứ cũng như bài học gần chỉ cách đây 35 năm, đã chỉ ra, người Việt Nam muốn có độc lập tự do, hòa bình thống nhất, xây dựng đất nước giầu mạnh thì chỉ có một con đường kiên quyết chiến đấu bằng chính sức mạnh của dân mình, lý tưởng chính nghĩa, được nhân dân thế giới ủng hộ, mới có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ yêu thương. Bất kỳ một lời ve vãn nào, một thủ đoạn gian xảo nào, một đe dọa nào và loại tiền bạc nào cũng không thể lung lạc ý chí chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Đây không phải là những khẩu hiệu mà những người cầm quyền hiện nay hay hô to, mà là một thực tế xương máu.

Đất biên giới bị lấn chiếm, đất nội địa của ta bị Tàu lập làng và rồi sinh con để cái. Một số gái Việt Nam chạy theo đồng tiền làm vợ người Tàu, làm cái cầu cho họ "sang xâm lược nước ta" Và bắt đầu có những vụ người Tàu giết hại trẻ em ở Lạng Sơn (hai thanh niên Tàu cứa cổ đến chết một bé trai ngây thơ 10 tuổi)...và sẽ còn những gì nữa đây?

Còn các loại chất độc được "tiềm ẩn" trong từng cái tăm, đôi đũa, quả cam, cái kẹo, đồ chơi trẻ em, cái đèn lồng, đôi dép nhựa, cái đĩa sứ đựng thức ăn...bán như cho, khắp các gia đình Việt nam đều có để dùng. Họ đang giết chết dân tộc Việt nam bằng thứ văn hóa độc hại, bằng các loại hóa chất, bằng các chất gây ung thư trong đồ dùng hằng ngày, rồi đến một ngày nào đó, từ "thành phố Tam Sa" họ cho tàu chiến, cho đại bác, tên lửa tầm xa...nã vào miền Trung, miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Liệu đến lúc ấy, ta có thể chiến đấu với họ bằng "bốn tốt và 16 chữ vàng" được không?

Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979 (còn kéo dài đến gần 10 năm sau), năm 2009, kỷ niệm 30 năm, họ cho cả nước họ làm rùm beng khuếch trương "chiến thắng" trong khi họ phải "ôm đầu máu" rút chạy về bên kia biên giới. Và nay, sau cái hội nghị Thành Đô, "khôi phục quan hệ láng giếng hữu nghị", họ rỉ tai người nào đó hai bên đều không tổ chức kỷ niệm. Thế là sao? 60.000 đồng bào và chiến sĩ ta hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc mình mà mình không có một nén nhang thắp kỷ niệm. Ôi có lẽ không có cái nhục nào bằng cái nhục này!

Cho nên, bằng thực tế diễn biến của cuộc sống, chúng ta suy nghĩ về tai họa mất nước vào tay xâm lược phương Bắc là nguy cơ càng ngày càng rõ, là mối họa càng ngày càng đậm nét, mà nói cách nào đi chăng nữa, đó vẫn là mối hiểm họa lớn nhất đói với dân tộc ta. Nếu muốn loại bỏ hiểm họa này, thì phía anh bạn láng giếng hãy chứng tỏ bằng hành động : xóa bỏ tư tưởng và chủ nghĩa bành trường không chỉ đối với Việt Nam, tôn trong luật pháp quốc tế và thi hành luật về Biển Đông, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước hiện đang có tranh chấp biển đảo đối vơi Trung Hoa, trao trả vô điều kiện quần đào Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vào Việt Nam đầu tư phát triển kinh tế theo đúng luật đầu tư của Việt Nam và chủ quyền Việt Nam.

.Nếu thiện chí, Trung Quốc hãy làm đi...Nếu cứ "vòng vo" lươn lẹo mãi, chỉ có thể đánh lừa được người chưa ra khỏi bụng me!
Nguyễn Mộng Hoài
Theo blog Quê Choa

Cavenui - Bênh Ukraina nhưng vẫn phải chửi những đứa bênh Ukraina ngẫn

Quan điểm của em về Ukraina rất rõ ràng: tương lai đất nước xinh đẹp này sớm hay muộn cũng sẽ là châu Âu và những hành động can thiệp quân sự của Nga là không biện minh được. Thế nhưng lang thang các diễn đàn tiếng Việt trên mạng, nhiều lúc gặp những người có vẻ như cũng cùng quan điểm đó mà em chỉ muốn phản bác lại họ.

Vì những lời lẽ làm ra vẻ là bênh Ukraina, nhưng bênh ngẫn quá, mà lại nhiều quá, sẽ tạo ra 1 ấn tượng hết sức sai lệch rằng phe bênh Ukraina toàn bọn thiểu năng trí tuệ như thế. Trong không ít cuộc tranh cãi, sự lấn lướt về lý lẽ lại thuộc về phe bênh Nga, không phải vì phe bênh Nga sở hữu chân lý mà vì phe bên kia quá tăm tối.

Chẳng hạn như khi phe thân Nga nói rằng phong trào maidan là phát xít, kèm theo dẫn chứng là ảnh chụp một nhóm cực hữu giơ tay chào kiểu phát xít thì có bác, làm ra vẻ bênh Ukraina lên tiếng cãi lại: “Còn kiểu chào giơ tay như thế thì đâu chỉ phát xít mà thì nhìn tay Le-nin, Stalin, Mao … có giơ tay thế không?”.

Cãi ngu như thế là chuyển phần thắng về lý lẽ sang phe thân Nga rồi vì phe này chỉ cần đẩy thêm mấy cái link tiếng Anh trên mạng về tổ chức Right Sector với đảng cực hữu Svoboda, người quan sát sẽ thấy phe bênh Ukraina cãi rất chày cối, nếu không muốn nói là dối trá.

Trong khi hoàn toàn có thể bác bỏ những luận điệu đả kích từ phe thân Nga một cách đàng hoàng chứ không cần dối trá. Vì phe cực hữu chỉ là 1 trong nhiều lực lượng tham gia vào maidan, phe này không khởi xướng phong trào maidan và tất nhiên không có tư cách đại diện cho maidan. Sinh hoạt chính trị Ukraina khi đi vào quy củ chắc chắn sẽ lại gạt những kẻ cực đoan ra bên lề, trả chúng về với vị trí đích thực của chúng.

Việc cãi vã một cách chày cối, nhảy chuyện nọ xọ chuyện kia của những kẻ bênh Ukraina ngu ngẫn có rất nhiều trên mạng, khiến người yêu Ukraina như em thấy rất khó chịu.

* * *

Còn khi một vị trí thức khả kính ở Ba Lan thả status như thế này: “Mình có một sự liên hệ nhẹ về mối quan hệ giữa Ukraine với Nga và Việt Nam với Trung Quốc, giữa bán đảo Crimie với quần đảo Hoàng Sa, giữa Yanukovich với Lê Chiêu Thống” thì em buộc phải ngờ rằng, vị này giả vờ bênh phương Tây yêu dân chủ tí thôi, thực tâm là facebooking theo đơn đặt hàng từ Trung Quốc, trừ phi vị ấy dốt sử thật.

Vì bán đảo Crimea và quần đảo Hoàng Sa không thể đặt cạnh nhau được.

Bán đảo Crimea được Khrutschev cắt cho nước Ukraina xô viết ở nửa sau thế kỷ XX, trong khi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã bao đời.

Tranh cãi với Trung Quốc chúng ta luôn tìm tư liệu cũ, lục bản đồ xưa, tra sách cổ nọ để khẳng định ông cha ta đã làm chủ Hoàng Sa từ rất lâu rồi. Nay có kẻ hạ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ngang hàng với Crimea-một mảnh đất không thiêng liêng với Ukraina, vì vốn dĩ lịch sử không thuộc về người Ukraina chỉ được cắt về cho Ukraina theo sự ngẫu hứng của 1 lãnh tụ cộng sản. Phép đặt cạnh nhau như vậy là cực kỳ thâm hiểm.

* * *

Trước khả năng Putin sẽ can thiệp quân sự vào Ukraina để bảo vệ người dân Nga, hàng loạt vị trí thức lề trái gào ầm ĩ lên rằng can thiệp vào 1 nước khác để bảo vệ đồng bào mình là 1 hành vi không chấp nhận được.

Ngày xưa Mỹ đã can thiệp vào Panama để bảo vệ kiều dân Mỹ, lật đổ gã độc tài buôn ma túy Noriega. Hành động ấy của Mỹ (tổng thống Bush cha) là hoàn toàn chính đáng.

Giả tưởng một điều không có thật (và không bao giờ mong là có thật) rằng ở Campuchia, những thế lực thù địch với VN giành lợi thế và khơi dậy 1 làn sóng thù địch người Việt, thậm chí thảm sát đồng bào Việt kiều Campuchia ở nhiều nơi thì chúng ta có sôi sục không, có đòi quân đội Việt Nam phải bảo vệ kiều dân Việt Nam không? Câu trả lời theo em là có.

Vấn đề Ukraina thật ra là người Nga chưa hề bị đe dọa (thái độ thù địch với họ của những nhóm cực đoan miền tây là có, nhưng những nhóm này nhỏ và chưa tạo được nguy cơ thật sự đối với cuộc sống của người Nga) cho nên hành động viễn chinh của Nga ở Ukraina trên thực tế không phải để bảo vệ người Nga mà để Nga giành lợi thế, giành ảnh hưởng và can thiệp vào nước có chủ quyền láng giềng. Lên án Nga là lên án ở chỗ ấy, chứ không phải đưa ra 1 lý thuyết mơ hồ láo toét rằng quân đội không bao giờ được bảo vệ đồng bào mình ở ngoài đường biên giới-như cái bọn ngẫn, hoặc được phân công giả vờ ngẫn ấy đang bi bô trên mạng xã hội.
Cavenui
Theo blog Cavenui

Sống hài hòa hay nhu nhược với TQ?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong nghi thức chào đón tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản tại Hà Nội ngày 12 tháng 10 năm 2010. AFP photo
Trong thời gian gần đây, giữa lúc Bắc Kinh ngày càng lấn áp VN về hầu như mọi mặt, nhất là liên quan vấn đề lãnh hải, lãnh thổ, thì phản ứng của phía cầm quyền trong nước bị công luận cáo giác là “ hèn với giặc, ác với dân”. Nhưng vấn đề là cư xử yếu hèn với phương Bắc liệu họ có “tha” cho mình không?

Mong chút tình ‘hữu nghị’?

Nghe tường trình
Trong mối quan hệ Việt-Trung lâu nay, diễn biến bất lợi dồn dập về phía VN có lẽ khiến không ít người liên tưởng tới, cách nay ít lâu, khi lên tiếng trước cử tọa qua diễn văn đáp từ trong buổi lễ nhận chức GS Danh dự trường Đại học Y khoa Hà Nội, giáo sư Thạch Nguyễn, chuyên gia nỗi tiếng về tim mạch của Hoa Kỳ, từng công tác lâu năm tại Á Châu, nhất là ở TQ, có lưu ý rằng “Không phải cứ qụy lụy, hạ mình luồn cúi thì người Trung Quốc sẽ ban thêm cho chút tình ‘hữu nghị’ và cơ hội ‘hợp tác’ đâu”.

Khi đề cập tới dòng lịch sử hàng ngàn năm của VN từng trải qua cảnh “TQ luôn muốn biến đất Nam Việt thành một tỉnh của họ nhưng không thành. Các đoàn quân với binh hùng, tướng mạnh sau những cuộc chinh phục lẫy lừng ở nhiều nơi khác, lúc đến biên cương Việt Nam đều phải khựng lại vì sức kháng cự của dân Việt”, nhà báo tự do Bùi Văn Phú cảnh báo rằng “hiểm họa xâm lăng từ phương bắc thời nào, lúc nào cũng có”. Trận hải chiến đẫm máu ở Hòang Sa hồi năm 74, chiến tranh biên giới Viêt-Trung vào năm 1979 khiến 6 vạn chiến sĩ và thường dân Việt hy sinh, biến cố đẫm máu Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988 là những thí dụ hãy còn nóng bỏng trong dòng lịch sử cận đại VN.




Đối với TQ, chiến lược lâu dài là họ muốn khuất phục VN, muốn chiếm VN. Còn những chiến thuật trước mắt, từng bước từng bước, là họ làm như là họ giúp đỡ, họ quý VN.

-GS Nguyễn Thế Hùng
Có lẽ bối cảnh như vậy khiến nhà báo Hạ Đình Nguyên không khỏi mạnh mẽ báo động – nếu không muốn nói là cáo giác – rằng “ 35 năm trước, Đặng Tiểu Bình đã “dạy Việt Nam một bài học”. Bài học ấy chính là sự ngây thơ tin vào một thứ ý thức hệ không bình thường, ảo tưởng về một thứ ‘tình cảm anh em’ không đúng chỗ”.

Nhà báo Trần Khải than rằng “ thế mới biết, trước giờ Việt Nam vẫn tin vào đàn anh Trung Quốc chỉ là nằm mơ, chỉ là mò trăng đáy nước. Chủ nghĩa xã hội tiêu tùng rồi, chủ nghĩa bành trước Đại Hán vẫn không ngừng vươn xa...!”.

Từ Đà Nẵng, GS Nguyễn Thế Hùng lên tiếng:

“Đối với TQ, chiến lược lâu dài là họ muốn khuất phục VN, muốn chiếm VN. Còn những chiến thuật trước mắt, từng bước từng bước, là họ làm như là họ giúp đỡ, họ quý VN. Nhưng thật ra không phải như thế. Và đối với TQ, họ được đằng chân họ lân đằng đầu. Cho nên giới cầm quyền VN bây giờ không thể cứ chìu theo ý của họ, nhân nhượng họ là họ tha cho đâu. Không phải như vậy. Mà đó là những chiến thuật để Bắc Kinh lấy lòng. Hành động của TQ đối với VN giống như tằm ăn dâu - con tằm ăn lá dâu mình nhìn không thấy đâu, nhưng nó gặm nhấm một tí một tí.Tức là đối với TQ, họ lấn VN hết chỗ này đến chỗ khác.”

Lý do dễ hiểu?

Sinh viên Việt Nam tại Nhật cũng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hôm 25/6/2011. AFP photo
Khi nhận định về vấn đề “VN giữa ý thức hệ và chủ nghĩa quốc gia”, TS Nguyễn Hưng Quốc từ Úc thẳng thừng nêu lên câu hỏi rằng tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại cứ khăng khăng bám víu vào cái ý thức hệ cũ kỹ như vậy để nhắm mắt trước nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc và sẵn sàng đạp vào mặt người dân Việt yêu nước? Và GS Nguyễn Hưng Quốc tìm được “lý do tương đối dễ hiểu”, đó là giới cầm quyền VN “sợ Trung Quốc hơn sợ dân” của mình.

Nhắc tới chuyện hành hạ người yêu nước chống phương Bắc xâm lược, có lẽ nhận xét của GS Tương Lai khi lên tiếng mới đây với Đài ACTD cho thấy rõ điều này:

“Ở đây, nó nói lên thảm cảnh đất nước hiện nay. Cái thời mà Lê Chiêu Thống cầu viện Tôn Sĩ Nghị cũng không nhục nhã như hiện nay. Trước các sức ép, vừa mới thò mồm ra nói được một câu thì sau đó thụt lại, đấy là vấn đề. Đâu phải chỉ là vấn đề chiến tranh biên giới? Ngay như hôm qua về cái án phúc thẩm của Luật sư Lê Quốc Quân, thực ra gần như đã có thỏa thuận và người ta biết rằng Lê Quốc Quân là một trong những người cùng với vài người khác như Điếu Cày…được hứa hẹn sẽ được thả, nhưng cuối cùng có cái sức ép nào đấy buộc chưa thể được và vẫn y án. Đấy là nỗi đau của một đường lối sai lầm và nó khởi sự từ Hội nghị Thành Đô cho đến bây giờ.”




Cái thời mà Lê Chiêu Thống cầu viện Tôn Sĩ Nghị cũng không nhục nhã như hiện nay. Trước các sức ép, vừa mới thò mồm ra nói được một câu thì sau đó thụt lại, đấy là vấn đề.

-GS Tương La
Đặc biệt là kể từ khi Hà Nội bị “sụp bẫy Thành Đô” hồi năm 1991 đến nay, chuyện Trung Nam Hải khống chế xứ đàn em phương Nam xem chừng như ngày càng sâu đậm, khiến GS Nguyễn Thế Hùng không khỏi báo động rằng hiện giờ, một trong những vấn đề quan trọng nhất là Bắc Kinh can thiệp vào nhân sự cấp cao của VN – rất nguy hiểm. Theo GS Nguyễn Thế Hùng, một dân tộc mà bị ngọai bang can thiệp vào nhân sự cấp cao như thế thì cực kỳ nguy hiểm, cộng thêm một trong những nỗi bất hạnh nhất của VN là nằm ở cạnh người đàn anh khổng lồ “4 tốt và 16 chữ vàng” - mà lại nằm ngay trên con đường mà GS Nguyễn Thế Hùng mô tả là Hoa Lục âm mưu “mở mang bờ cõi phải đi ngang qua VN”. GS Nguyễn Thế Hùng nhận thấy:

“Sự bất hạnh đó, ông cha chúng ta từ hàng ngàn năm nay rồi đã biết rằng sống cạnh bên TQ thì một trong những yếu tố thiết yếu là phải đại đòan kết dân tộc. Ví dụ như nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên Mông thì cũng nhờ đại đòan kết dân tộc. Do đó, bất cứ chế độ nào mà muốn tồn tại lâu dài thì, trước hết, là trong ấm thì ngòai mới êm được. Trong ấm tức là phải đại đòan kết dân tộc. Cho nên cái thời Lê Chiêu Thống người ta không ủng hộ. Lê Chiêu thống thần phục, luồn cúi, cầu cứu Tàu. Những hành động đó, hàng ngàn năm, để lại tiếng xấu muôn đời. Do vậy, tôi nghĩ là giới lãnh đạo VN ngày nay, nếu quả thực nhìn xa trông rộng, thì họ phải nghĩ hàng ngàn năm sau đối với dân tộc này: Dân tộc sẽ vinh danh họ hay nguyền rủa họ đời đời như trường hợp Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc…Như thế thì không phải giới cầm quyền VN hiện nay chìu TQ, tỏ ra sợ sệt, làm theo ý họ thì họ tha đâu. Không phải vậy đâu. Cái chiến thuật của Hoa Lục là lần lần túm cổ để rồi nắm yết hầu VN, để sau cùng, VN chết đến nơi!”

Cũng theo dòng lịch sử VN, GS Trần Khuê từ Saigòn nhận thấy giữa VN với TQ xưa nay bao giờ cũng có mâu thuẫn, nhưng các vị vua chúa VN ngày xưa vẫn có chính sách là bên ngoài thì làm mặt hòa hoãn còn trong vẫn kiên quyết giữ vững chủ quyền. GS Trần Khuê nhấn mạnh rằng hòa hoãn chứ “không thể nhu nhược được”, ông nói thêm:

“Tại hội nghị Biển Đông vừa rồi, tôi vẫn nói là VN mềm dẻo chứ không thể mềm nhũn để rồi Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Không thể có cái thái độ nhu nhược, hèn yếu như vậy được. Cho nên, ông đại diện của Đại sứ quán Mỹ hồi ấy hỏi tôi rằng “Thầy nói là đi với Tàu thì mất nước còn đi với Mỹ thì mất đảng. Theo ý thầy thì thế nào?”. Tôi đáp, “Chỉ có đi với nhân dân là không mất cái gì cả. Mà còn được tất cả”. Do đó, tốt hơn hết là giới cầm quyền đi với nhân dân. Đối với TQ, bề ngoài thì mình giữ hòa hiếu thế thôi chứ bên trong thì VN phải luôn luôn cảnh giác, chứ không thể nào hèn yếu với họ được.”

Nếu hèn yếu, thì, như GS Nhật Noboyoshi thường nhắc nhở học giả, viên chức xứ Phù Tang đến hội họp hay công tác ở Bắc Kinh về một ngạn ngữ thông dụng tại chính Hoa Lục, rằng “Nếu bạn xử sự như một con lừa thì đừng ngạc nhiên là hôm nào đó, có người cưỡi trên lưng trên cổ bạn”.

Thanh Quang,
phóng viên RFA

Tưởng Năng Tiến - Tội Nói Thật


Tư duy người cộng sản Việt Nam vẫn lạc hậu trong bối cảnh nhiều chế độ độc tài đã và đang diệt vong.

Nguyễn Ngọc Già

Có hôm, tôi nghe Vũ Thư Hiên chép miệng:

Với người Việt ta, ở tù không phải sự lạ. Thiên hạ gặp nhau thấy ngờ ngợ thì không hỏi quê quán, họ hàng mà hỏi: mình gặp nhau ở trại nào nhỉ?

Ổng nói, rõ ràng, hơi quá. Thế mà vẫn có một nhà văn (khác) chia sẻ hết sức tận tình:

Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ, ở trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”.
Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy. Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ nhiều người đi tù về đến thế? Đất nước lắm người đi tù đến thế?”. ..” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).

Đoạn văn thượng dẫn được viết hồi cuối thế kỷ trước, sau khi tác giả đã trải qua nhiều năm tù vì tội “tuyên truyền phản cách mạng” và “bôi đen chế độ” – theo như lời ông tự thuật:

Hoá hỏi: - Anh là cộng sản à?

- Cả nhà tôi là cộng sản. Là đảng viên. Nhưng tôi thì chưa. Tôi là quần chúng.

- Vì sao anh chưa được kết nạp?

- Đã có lúc tôi phấn đấu, nhưng chưa được vào.

Hoá nhìn hắn từ đầu đến chân. Định nghĩa cái nhìn ấy là: Anh nói thật. Tôi quí anh vì anh nói thật.

- Vì sao anh bị vào đây? Tôi có tò mò quá không?

- Tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng”. -

Ở đây anh em gọi là tội nói sự thực. Đó là một lời khen. Nói sự thực là một việc khó khăn, nguy hiểm. Từ xưa đến nay vẫn thế. Bao giờ cũng là một việc nguy hiểm.
(sđd, trang 58).

Tuy “nguy hiểm” đến thế nhưng người Việt vẫn có nhiều kẻ mạo hiểm đều đều. Nhân vật mới nhất, vừa bị lôi ra toà và kết án tù vào hôm 4 tháng 3 vừa qua (vì tội danh “bôi đen chế độ” hay “nói thật”) cũng là một người cầm viết.


Bản Bản Cáo Trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, đề ngày 17 tháng 12 năm 2013, ghi rõ nhà báo Trương Duy Nhất đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ. .. bôi nhọ lãnh đạo” làm "giảm uy tín, mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân" và “hạ thấp uy tín cá nhân của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ, Chủ Tịch Quốc Hội, làm đến uy tín của Đảng, Nhà Nước, Quốc Hội, Chính Phủ nước CHXHCN Việt Nam.”

Trước sự kiện này blogger Huỳnh Ngọc Chênh có lời bàn (ra) nghe hơi cay đắng:

Sau 7 tháng, một công dân chỉ cầm bút viết blog mà bị bắt giam biệt tích với cả người thân trong gia đình để chịu sự điều tra căng thẳng, để cuối cùng cơ quan điều tra nêu ra một số cáo buộc mà khi đọc vào ai cũng thấy rằng chẳng cần phải bắt bớ, giam cầm, điều tra gì cũng có thể nêu ra được, vì mọi thứ blogger Trương Duy Nhất viết ra đều đường đường chính chính công khai minh bạch trên blog cá nhân của mình.

Blogger Vũ Đông Hà không chỉ cay đắng mà còn. .. cay nghiệt:

Blogger Trương Duy Nhất dứt khoát không phạm tội. 

Cho dù ông có muốn phạm tội cũng dứt khoát ông không thể làm được.

Ông không thể làm giảm uy tín một thứ không có uy tín.

Cá nhân ông không thể làm giảm lòng tin của 90 triệu người vốn đã mất niềm tin.

Ông không thể làm một người không có chiều cao bớt lùn.

Ông chỉ vô tình đóng góp thêm một điều ngoài ý muốn của ông: bản cáo trạng "vì ông mà có" đã thêm một lần nữa chứng minh cái đảng và nhà nước hiện nay là tập hợp của những tên lùn nhưng có ảo tưởng mình rất cao và sẵn sàng tống vào tù những ai đá động đến chữ LÙN.

Cùng lúc, ở lề bên kia, lác đác cũng có vài tiếng anh vỗ tay tán thưởng. Trên Petro Times, ông Bảo Sơn (nào đó) khẳng định:

Vụ án Trương Duy Nhất cũng là một bài học cảnh tỉnh cho một số người hiện nay đang dùng blog để xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ.

Tương tự, trong trang Người Con Yêu Nước cũng có một vị tuy không dám nêu danh nhưng rất lớn tiếng:

Bản cáo trạng đã quá rõ ràng, những bài viết làm chứng cứ vẫn còn được lưu giữ. Chẳng có ai chống Tàu mà lại đi bôi nhọ thể chế, công kích cá nhân, bêu rếu danh dự, nhân phẩm của các cán bộ cấp cao như vậy... Vì vậy truy tố Trương Duy Nhất theo điều 258 là một quyết định đúng đắn để răn đe, trừng trị người phạm tội cũng như bảo vệ sự vững mạnh của thể chế.

Ngôn ngữ và giọng điệu của hai nhân vật (vô danh và ẩn danh) vừa kể khiến tôi nhớ đến vài vị văn nghệ sĩ (tên tuổi) khác đã từng hùng hồn lên tiếng trong chiến dịch đấu tố “nhóm phá hoại Nhân Văn – Giai Phẩm,” từ hơn năm mươi năm trước:

- Huyền Kiêu:

Cuối năm 1956, trong lúc tình hình cách mạng gặp khó khăn, thì một số phần tử xấu trong giới trí thức văn nghệ, tưởng rằng thời cơ “làm ăn béo bở” đã đến, vội vã dương lá cờ rách Nhân văn nhảy lên võ đài, khua môi múa mỏ, với dã tâm, bóp méo, xuyên tạc những khuyết điểm của ta về văn nghệ, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ, và từ địa hạt văn nghệ, lan sang các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, bôi xấu, vu cáo toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng, hòng cản trở bước tiến lên xã hội chủ nghĩa của miền Bắc nước ta...để bôi đen chế độ miền Bắc, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng. 

- Đỗ Nhuận:

Trần Dần dùng ngòi bút viết lên bao thứ bài thơ như “Nhất định thắng”, chuyện “Cò Lấm”, “Lão Rồng”, “Em bé làm văn” v.v…, để bôi đen miền Bắc và con người của chế độ ta...

Năm 1952 anh đi theo đường lối văn nghệ của Đảng và theo kinh nghiệm của đường lối văn nghệ Trung Quốc, nên anh đã có một số sáng tác dùng được; vài năm sau anh nói với tôi rằng: “Không nên theo đường lối Trung Quốc vì như thế là đi đường vòng quanh, phải đi đường thẳng”. 

Đường thẳng là thế nào? Khi anh sang Trung Quốc, anh rất thích cái lý luận của tên phản động Hồ Phong ở Trung Quốc, anh nhập cái tư tưởng phản động của Hồ Phong vào người và ban phát nó cho một số người bạn của anh vì theo anh đó là con đường thẳng. Hồ Phong dùng hình ở mũi dao cắm vào lưng người văn nghệ sĩ để mạt sát và chống lại sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì trong bài thơ “Nhất định thắng” anh cũng dùng hình ảnh “Con dao dựa cùn chém trộm ngang lưng” để vu khống, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam.

Trần Dần sinh năm 1926, Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, Trương Duy Nhất ra đời 20 năm sau nữa. Cả ba đều sống chung trong một môi trường xã hội mà “dối trá” là “phương châm” để sinh tồn. Tuy thế, họ đã lựa chọn một thái độ sống khác:

Phải làm một người chân thật…
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Cái giá để đi trọn đời trên con đường chân thật, tất nhiên, không rẻ. Phùng Quán đã phải trả bằng cả một cuộc đời (cá trộm, rượu chịu, văn chui) cùng với vài “ba chục năm sống trong nơm nớp, nghe tiếng chó sủa lạ cũng giật mình thon thót” – theo lời của Nguyễn Quang Lập. Dù sao, thế vẫn hơn mười lăm năm tù và mười lăm năm quản chế mà Đảng và Nhà Nước đã dành cho Thụy An cùng Nguyễn Hữu Đang – với tội danh. .. gián điệp!

Những hình phạt hay những bản án khắc nghiệt mà chế độ hiện hành đã quen dùng trong mấy chục năm qua – xem ra – không “cảnh tỉnh” và cũng chả “răn đe” được người dân, như mong đợi. Thể chế cũng chả vì thế mà “vững mạnh” hơn, nếu chưa muốn nói là hoàn toàn ngược lại: mỗi ngày một thêm lụn bại và rệu rã!

Nhà đương cuộc Hà Nội không thể bắt giam hết cả ngàn Trương Duy Nhất đang có mặt khắp nơi. Và dù họ có làm được như vậy chăng nữa thì sẽ có hàng chục ngàn Trương Duy Nhất khác sẽ xuất hiện trong những ngày tháng tới.
Tưởng Năng Tiến
Theo blog Tưởng Năng Tiến

Nhật ra trát bắt tiếp viên Vietnam Airlines



Gần phân nửa các vụ ăn cắp hàng hóa tại Nhật dính líu người Việt và cảnh sát ra trát bắt một tiếp viên Vietnam Airlines, một báo có uy tín tại nước này đưa tin.

Mỹ phẩm Shiseido là hàng được ưa chuộng tại Việt Nam.
Báo Sankei của Nhật Bản vào ngày 27/02/2014 đưa hai bài về thực trạng ăn cắp đồ và chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.

 Bài báo đầu tiên cho biết Cục Chống tội Phạm Có Tổ chức thuộc Sở Cảnh sát Tokyo đã ra trát bắt một nữ tiếp viên hàng không của Hãng hàng Không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vì nghi ngờ vận chuyển hàng trộm cắp từ một phụ nữ người Việt khác khoảng 30 tuổi.

Tuy nhiên cảnh sát nói nữ tiếp viên này đã không còn ở Nhật và quá trình điều tra cho thấy tiếp viên này biết đây là hàng trộm cắp và họ tin rằng có nhiều hơn một tiếp viên dính líu.

Vào ngày 03/03/2014, Người phát ngôn Vietnam Airlines nói với BBC rằng Vietnam Airlines chưa nhận được thông báo gì của cảnh sát Nhật về việc này.

Vào tháng 12 năm 2013, một nhóm bốn thanh niên người Việt khoảng 20 tuổi đã ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo và hàng chôm được đã được gửi tới nhà của người phụ nữ khoảng 30 tuổi kể trên qua đường bưu điện.

Người phụ nữ này và bốn thanh niên hiện đã bị bắt giữ




Một lượng lớn hàng ăn cắp đã được các tiếp viên chuyển một cách có tổ chức để bán tại Việt Nam"

Cảnh sát Tokyo
Báo này mô tả kiểu ăn trộm đồ, đa số là hàng mỹ phẩm Shiseido và quần áo hiệu Uniqlo, là đưa nhiều hàng vào vali trong thời gian rất ngắn rồi bỏ chạy. Quá trình điều tra cho thấy người phụ nữ tầm 30 tuổi này chỉ dẫn cụ thể cho nhóm ăn trộm mặt hàng nào để chôm.

Sau đó người phụ nữ này đã chuyển hàng bằng thùng các tông qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita nơi phi hành đoàn ở và nữ tiếp viên Vietnam Airlines đã chuyển đồ từ thùng sang vali.

Cảnh sát cho biết hàng trộm cắp bị phát hiện vẫn còn nguyên nhãn của siêu thị bày bán và lập luận rằng nữ tiếp viên hẳn phải biết đây là hàng ăn cắp.

Cảnh sát cho biết quá trình khâu kiểm tra hải quan nặng về an ninh để theo dõi súng lục và ma túy chứ không nhắm vào quần áo mỹ phẩm nên các tiếp viên đã lợi dụng điểm yếu này để tuồn hàng về nước.

Cảnh sát Tokyo tin rằng một lượng lớn hàng ăn cắp đã được các tiếp viên chuyển một cách có tổ chức để bán tại Việt Nam.

'Thu nhập thêm'

Trộm cắp ở Nhật: '40% là người Việt'
Trong Bấm một bài khác được đăng cùng ngày, báo Sankei cho biết đồ mỹ phẩm Nhật được bán tại khu vực gần trụ sở chính của Vietnam Airlines ở Hà Nội với giá thấp hơn giá tại Nhật và thậm chí nhãn ghi giá bằng tiền yên của Nhật vẫn gắn ở sản phẩm bán tại đây.

Bài báo kể lại vụ một Cơ phó của Vietnam Airlines trước đây từng bị kết án cũng vì dính líu vào việc vận chuyển hàng phi pháp.

Trong phiên xử cách đây 5 năm, Cơ phó này được báo Sankei dẫn lời nói "Ở Vietnam Airlines lương rất thấp và việc phi hành đoàn chuyển hàng trộm cắp để có thu nhập thêm là chuyện thường xảy ra."

Cơ phó này nói tại tòa rằng “Có khả năng đồng nghiệp của ông dính vào đường dây tuồn hàng lậu về nước.”

Bài báo nhận định nếu giới chức Cảnh sát Tokyo nếu không ngưng được hoạt động thông đồng của nhân viên hàng không và vai trò của bên trung gian thì nạn trộm cắp như vậy sẽ chỉ gia tăng mạnh hơn mà thôi.

Hàng hóa Nhật, đặc biệt là mỹ phẩm, được ưa chuộng tại Việt Nam. Nhật xuất khẩu chính thức sang Việt Nam lượng mỹ phẩm tăng 5 lần so với cách đây 10 năm. Giới chức cảnh sát tin rằng đồ chôm được là món lời béo bở cho kẻ cắp.

Một người muốn ẩn danh từ Hà Nội nói với BBC bấy lâu nay nhu cầu mua hàng Nhật với giá rẻ rất cao và rằng việc chuyển hàng về nước, kể cả hợp pháp lẫn phi pháp, là mảng được mô tả là "siêu lợi nhuận".




Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ"

Lê Trường Giang, Người phát ngôn Vietnam Airlines
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật nói số các vụ chôm đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh tại Nhật, từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012.

Riêng sáu tháng đầu năm 2013 đã có 401 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ chôm đồ liên quan tới người nước ngoài nói chung, theo báo Sankei.

Ông Lê Trường Giang được báo  Người Lao Động ngày 28/02 dẫn lời mô tả điều ông gọi là “cho tới nay không có thành viên phi hành đoàn nào của Vietnam Airlines bị tạm giữ để điều tra vụ án mà báo chí Nhật đưa tin’’

“Vietnam Airlines cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu hợp tác điều tra chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản về vụ việc này”,

“Cảnh sát Nhật Bản có thể làm việc trực tiếp với văn phòng Vietnam Airlines ở Nhật Bản hoặc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam hay Interpol”, ông Giang nói thêm.

Ông Giang cũng dẫn chiếu tới vụ Bấm Cơ phó Đặng Xuân Hợp từng bị "tạm giữ để điều tra" nhưng mô tả rằng "Ông Hợp đã được đặc cách điều tra và trả tự do và đã được bay trở lại."

Người phát ngôn Vietnam Airlines được dẫn lời nói rằng “Trong quy chế nội bộ, đoàn bay và đoàn tiếp viên Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ Luật Lao động.”

Mới đây báo Dân Trí có bài với tựa 'Bấm Tại sao ở Nhật dễ...ăn cắp'.

Bài báo của tác giả Anh Đào từ Tokyo có đoạn nói "số liệu báo chí lấy của cảnh sát nói năm 2013, có gần 3.200 người nước ngoài bị bắt vì phạm tội tại Nhật, tăng 133% so với năm trước đó, trong đó đa phần là ăn cắp vặt và móc túi.

"Có báo đưa, rất nhiều trong số này là người nhà mình. Thật buồn!".
(BBC)

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét