Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Trung Quốc đang nuôi mộng bá quyền - Táo quân 2014 chưa ghi hình đã bị 'tuýt còi' - Tướng lãnh Trung Quốc hô hào tiến hành chiến tranh ở Biển Đông

Trung Quốc đang nuôi mộng bá quyền?

Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
Một khái niệm mới – hay một đường lối mới – được ông Tập Cận Bình khởi xướng, quảng bá kể từ khi trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc từ hơn một năm nay là ‘Giấc mơ Trung Hoa’.
Cụm từ này được ông Tập dùng khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 11 năm 2012 và trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng Ba năm 2013 ông lại nhấn mạnh nó. Mới đây, trong thông điệp đầu năm (2014), ông cũng đề cập đến ‘Giấc mơ Trung Hoa’.
Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, ông Tập muốn Trung Quốc tiến hành ‘công cuộc phục hưng vĩ đại’ để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự.
Mơ ước – và quyết tâm biến – đất nước mình giàu mạnh là một điều tốt đẹp, chính đáng và bất cứ lãnh đạo hay người dân của một quốc gia nào cũng muốn có, nên làm.
Nhưng với những động thái khá hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc gần đây – như dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông – một câu hỏi được đặt ra là phải chăng quốc gia này đang ôm ấp giấc mộng bá quyền, bá chủ khu vực?
Cường quốc quân sự

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng trong nhiều năm qua.
Không ai có thể phủ nhận những thành công vượt bậc về kinh tế của Trung Quốc trong những thập niên vừa qua.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1980 với chỉ hơn 189 tỷ đôla (Mỹ), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ bằng 17.4% của Nhật (1087 tỷ) và 6.6% GDP của Mỹ (2863 tỷ).
Nhưng 32 năm sau, với khoảng 8227 tỷ, GDP của Trung Quốc đã vượt qua GDP của Nhật (5960 tỷ) và bằng 50.6% GDP của Mỹ (16245 tỷ). Và mới mức tăng trưởng cao hiện hành, giới dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ thu ngắn cách biệt – và thậm chí có thể vượt qua Mỹ – về GDP trong 15 hay 20 năm tới.
Theo các số liệu mới nhất, Trung Quốc cũng đã – hoặc ít ra trong thời gian ngắn tới sẽ – soán ngôi số một của Mỹ về thương mại.
Trong hai bài phát biểu sau khi được bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ông Tập đều nhấn mạnh việc hiện đại hóa quân đội.
Vì vậy, dù GDP per capita (theo đầu người) của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ – chẳng hạn, theo Ngân hàng thế giới năm 2012, GDP tính theo đầu người của Trung Quốc là 6091 đôla, trong khi đó ở Mỹ là 51749 đôla – giới lãnh đạo và người dân nước này có cơ sở để ‘mơ’ về một Trung Quốc giàu mạnh hay tiến hành một cuộc phục hưng vĩ đại như ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Quốc hội nước này vào ngày 17/03/2013.
Nhưng việc ông Tập khởi xướng ‘một giấc mơ theo cách của người Trung Quốc’ lúc này chắc làm không ít quốc gia khu vực cảm thấy lo lắng vì nhờ những phát triển vượt bậc về kinh tế và đặc biệt qua việc quyết tâm hiện thực hóa ‘giấc mơ’ ấy, ông đang muốn biến Trung Quốc thành ‘một quốc gia hùng mạnh’ với ‘một quân đội hùng mạnh’.
Trong hai bài phát biểu sau khi được bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ông Tập đều nhấn mạnh việc hiện đại hóa quân đội.
Và kể từ khi lên nắm hai chức vụ quan trọng, đầy quền lực ấy, ông đã nhiều lần tới thăm các lực lượng vũ trang và các cơ sở không quân, hải quân của Trung Quốc và thúc giục họ nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng.

TQ đã và đang đầu tư nhiều cho hải quân.
Ước mơ – hay có thể nói, tham vọng – biến Trung Quốc thành một siêu cường về quân sự cũng được thể hiện qua việc Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng ngân sách quốc phòng.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ đôla – lớn hơn GDP của Việt Nam năm 2012 vì theo Ngân hàng thế giới, năm 2012 GDP của Việt Nam chỉ có 155 tỷ đôla.
Dù vẫn còn thua xa Mỹ, Trung Quốc hiện là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Ngân sách của phòng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều chi phí quốc phòng của Nhật, Ấn Độ và Nam Hàn – ba nước Đông Á khác được SIPRI liệt kê vào 15 quốc gia có chi phí quốc phòng lớn nhất – cộng lại.
Sự kiện Trung Quốc vừa thử thành công tên lửa siêu tốc có gắn đầu đạn hạt nhân và có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại được báo chí đưa tin trong những ngày qua cũng là một ví dụ khác về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như tham vọng trở thành cường quốc quân sự của quốc gia này.
Cùng với việc tăng cường và phô trương sức mạnh quân sự, trong thời gian đây Bắc Kinh có những tuyên bố đơn phương và hành động ngang ngược liên quan đến chủ quyền biển đảo làm các nước khu vực thêm quan ngại.
Tham vọng bá chủ?

Hoa Kỳ mới đây điều pháo đài B-52 bay qua vùng nhận dạng phòng không TQ tuyên bố.
Có một thuật ngữ mà giới phân tích, học giả thường dùng để diễn tả thái độ, hành động của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực nói chung và tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông nói riêng trong những năm 1990 là ‘chiến thuật tiến ba bước, lùi hai bước’ (three-steps-forward, two-steps-back strategy).
Theo chiến thuật đó, Bắc Kinh thường thực hiện một hành động khiêu khích, lấn chiếm nào đó trên Biển Hoa Đông và khi các nước khu vực lên tiếng chỉ trích, Trung Quốc tỏ ra hòa giải, nhân nhượng, rút lui. Tuy vậy, thay vì rút lui hoàn toàn ‘ba bước’ họ đã tiến, Trung Quốc chỉ lui lại hai bước.
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh thực hiện chiến thuật đó một phần vì giai đoạn ấy với chủ trương ‘trỗi dậy hòa bình’, họ không muốn cộng đồng quốc tế và đặc biệt các nước trong vùng quan ngại về sự trỗi dậy của mình. Mặt khác, về kinh tế và đặc biệt quân sự, Trung Quốc lúc ấy chưa đủ mạnh để ‘tiến’ hay ‘bành trướng’ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông như họ muốn.
Nhưng khi đã vượt qua các nước khu vực về cả kinh tế lẫn quân sự và đang nuôi mộng trở thành siêu cường, có thể cạnh tranh hay thậm chí vượt qua Mỹ, xem ra Trung Quốc giờ chỉ biết ‘tiến’ và ‘tiến’ nhiều bước và quyết không ‘lùi’ dù Mỹ và các nước khu vực lên tiếng chỉ trích những hành động ấy của họ.
Trung Quốc đã và đang muốn thay đổi trật tự khu vực và công khai phô bày không chỉ giấc mộng bá quyền mà còn cả tham vọng bá chủ khu vực của mình
Cụ thể, trong thời gian gần đây Trung Quốc đã có một loạt tuyên bố rất khiêu khích và những hành động rất ngang ngược nhằm kiểm soát, bành trướng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Chẳng hạn, bất chấp công luận, chỉ trích của các nước khu vực và luật pháp, công ước quốc tế, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra đường lưỡi bò, áp đặt vùng cấm bay và quy định vùng đánh bắt cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước khác như Việt Nam, Philippines, Nhật hoặc khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Qua việc dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền trên các vùng biển ở Đông Á, Trung Quốc đã và đang muốn thay đổi trật tự khu vực và công khai phô bày không chỉ giấc mộng bá quyền mà còn cả tham vọng bá chủ khu vực của mình.
Điều này cũng chứng tỏ rằng trong ‘ước mơ Trung Hoa’, ít hay nhiều có ‘ước mơ’ bá quyền, bá chủ.
‘Ác mộng’ khu vực?

Trước công chúng, lãnh đạo VN-TQ vẫn khẳng định ý nghĩa của ổn định và hòa bình khu vực.
Nếu đúng vậy, ‘Giấc mơ Trung Hoa’ có thể sẽ trở thành ‘ác mộng’ đối với các nước tại Đông Á.
Lịch sử xưa và nay cho thấy rằng khi một quốc gia mới nổi có tham vọng bành trướng, muốn thay đổi trật tự hiện hành – và bất chấp mọi luật pháp, nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đơn phương dùng sức mạnh của mình để thực hiện ý đồ đó – các nước khu vực và có thể cả thế giới rơi vào bất ổn, xung đột, chiến tranh.
Nước Đức dưới thời Adolf Hitler là một ví dụ điển hình. Vì tham vọng ngông cuồng, Hitler đã tiến hành xâm chiếm một loạt nước châu Âu láng giềng và cuối cùng không chỉ đưa châu lục này vào một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu mà còn dẫn đến Thế chiến thứ hai.
Nhưng trường hợp của nước Đức dưới thời Hitler cũng chứng minh rằng dù một quốc gia có mạnh đến đâu nếu bất chấp luật lệ, công ước quốc tế và tiến hành những cuộc bành trướng, xâm lăng phi pháp, phi nghĩa thì cuối cùng cũng bị đánh bại.
Nếu giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc làm theo và làm đúng những gì ông Tập nhìn nhận, không chỉ Trung Quốc mà cả Đông Á sẽ ổn định, phát triển, hòa bình trong những thập niên tới.
Trái lại, như trường hợp của chính nước Đức sau Thế chiến thứ hai cho thấy, nếu biết dùng dùng sức mạnh kinh tế của mình một cách chính đáng, nếu biết coi trọng quyền lợi của các nước giềng, một quốc gia có thể đóng vai trò lãnh đạo một khu vực, giúp khu vực ấy phát triển, ổn định.
Từ một nước bại trận với một nền kinh tế kiệt quệ sau Thế chiến thứ hai, nước Đức đã trở thành nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và trong hơn 60 năm qua – cùng với Pháp – luôn đóng vai trò lãnh đạo trong việc tái thiết đại lục này cũng như trong tiến trình hội nhập, phát triển của cộng đồng chung châu Âu (EU).
Trong thông điệp đầu năm, khi nói đến ‘giấc mơ Trung Hoa’, ông Tập Cận Bình cũng ý thức được rằng có ‘hơn 7 tỷ người đang sống trên địa cầu. Chúng ta cùng đi trong một con thuyền nên cần phải dựa vào nhau để cùng phát triển. Người Trung Quốc chúng ta cần thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, làm khởi sắc dân tộc Trung Hoa, và cũng chúc người dân ở mọi nước biến giấc mơ của họ thành hiện thực’.
“Hung hăng”
Nếu giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc làm theo và làm đúng những gì ông Tập nhìn nhận, không chỉ Trung Quốc mà cả Đông Á sẽ ổn định, phát triển, hòa bình trong những thập niên tới.
Nhưng với những động thái ngang ngược – nếu không muốn nói là hung hăng, trắng trợn – gần đây của Trung Quốc, xem ra mọi chuyện không như ông Tập nói vì chưa nói đến việc tôn trọng ‘giấc mơ’ riêng của các nước khác, Trung Quốc càng ngày càng vi phạm hay cướp đi các quyền lợi rất căn bản, thiết thực, chính đáng của các nước láng giềng được luật pháp quốc tế hiện hành công nhận.
Hơn nữa, chính những hành động của Trung Quốc đã và đang góp phần làm căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước khu vực. Và nếu chúng vẫn được tiếp tục, khu vực Đông Á sẽ rơi vào đối đầu, xung đột.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nghiên cứu viên tại tổ chức Global Policy Institute tại Anh Quốc.

Buồn và lo cho nghề nhặt rác kiếm cơm

Văn Toàn

Một người làm nghề thu rác ở Việt Nam
Để tồn tại trong đời, hàng ngàn người Việt nam hiện tại phải làm những nghề nghiệp quá nguy hại, không những cho bản thân mà ảnh hưởng cả cộng đồng, tập trung nhiều nhất là ở các khu vực đông dân cư, ven thành phố.
Có một nghề không mới nhưng kéo dài dai dẳng, phát sinh trong cuộc sống hàng ngày nếu như không có sự quan tâm đúng mức của chính phủ Việt nam và tiếng nói cộng đồng. Đó là nghề kiếm sống trên bãi rác.
Họ là những con người ngày ngày lầm lũi cúi mặt đào bới, tìm kiếm những thứ gì có thể đổi thành tiền trên “núi rác”.
Họ ăn uống trên rác có ruồi nhặng bu đầy xung quanh, họ dừng bữa ăn dở khi có xe rác đến, tất tả cầm đồ nghề, miệng vẫn còn nhai nhưng chân thì chạy, mong mình là người chọn được nhiều rác “có giá” hơn so với đồng nghiệp.
Hầu hết các bãi rác lớn ngoại ô thành phố từ Bắc vào Nam nước Việt đều có nhiều những người dân quanh khu vực sống nhờ rác thải từ thành phố tập trung về. Thậm chí có những gia đình ở quê thiếu việc làm, không ruộng đất, nhiều năm qua họ dìu dắt nhau đi hết bãi rác này đến bãi rác nọ để hành nghề kiếm cơm từ rác.
Những bãi rác càng lớn càng mang lại cho nhiều người miếng cơm ăn, manh áo mặc, thoát đói nghèo tức thời.
Hàng ngàn người ào ạt nhặt nhạnh ở một bãi rác từ hai giờ sáng, có bãi rác họ đào móc đến tối mịt để đánh đổi sự sống còn hàng ngày cho chính họ, cho gia đình họ.
Cuộc đời, sức khỏe tương lai của họ chắc rằng cái giá phải trả còn lớn hơn nhiều so với những đồng tiền kiếm được từ sống chung cùng rác.Họ vẫn biết độc hại nhưng vì miếng cơm họ đành chấp nhận, làm quen với nước rỉ mùi hôi thối nồng nặc, mùi hóa chất xộc lên tận óc tăng dần theo nhiệt độ ngoài trời.
Nhiều ngàn người đang đánh đổi sức khỏe mình vì sự sống còn đó, chắc họ sẽ không miễn dịch các bệnh do tiếp xúc dài theo năm tháng cùng rác bẩn gây ra. Bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh da liễu, phụ khoa, các bệnh truyền nhiễm khác từ họ sẽ lây lan ra khu vực theo cấp số nhân là điều không tránh khỏi.
Một trong những mầm mống sinh ra dịch bệnh cho cộng đồng là từ đây. Và trong hoàn cảnh Việt nam thực tại, sự quá tải các bệnh viện dành cho người thu nhập thấp chắc chắn có nguyên nhân trên không phải là nhỏ.
Nhiều trường hợp đã chết bệnh vì rác, chết chém vì giành rác, giành quyền làm cai bãi rác. Theo số liệu từ tổ chức khám bệnh miễn phí cho người dân mưu sinh bằng nghề nhặt rác ở bãi Nam Sơn – Sóc sơn – Hà Nội, có kết quả 100% phụ nữ đều mắc bệnh phụ khoa, ung thư vú, viêm nhiễm, bệnh ngoài da… Thậm chí người kiếm sống bằng nghề bới rác ở đây bị cộng đồng khu vực tránh né, nhất là chẳng ai muốn cùng họ nên vợ nên chồng.
Đa số người Việt nam hiện tại thờ ơ với những nguy hại lớn ảnh hưởng xã hội nhưng lại xôn xao, phê phán, quan tâm những chuyện rất nhỏ gần như mặc định xảy ra hàng ngày.
Hệ lụy từ việc sinh nhai trên bãi rác phải trả giá là quá đắt cho những người dân hành nghề trực tiếp và cho người dân khu vực. Việc làm này, nghề này nên phải kết thúc, không để tồn tại vĩnh viễn, cần sự quan tâm từ Chính phủ và được chia sẻ mạnh hơn nữa từ cộng đồng.
Nên chấm dứt sự thật: một lượng rác lớn từ thành phố chở ra bãi rác, rồi sau đó lại có một lượng rác nhỏ hơn nhưng độc hại hơn chở ngược về thành phố. Và không ít hàng giả, hàng nhái, chai lọ, bao bì thực phẩm được tái sử dụng từ những nguồn rác bẩn này.
Giải pháp giải quyết công ăn việc làm cho người dân không thể từ bãi rác. Hơn nữa càng không nên so sánh trên thế giới vẫn còn những nước có người dân sống bằng nghề bới rác như thói quen lập luận đổ lỗi cho đất nước vẫn còn nghèo.
Hiện nay, nhiều nước phát triển sản xuất nhiệt điện từ rác thải. Công nghệ này có nguồn nguyên liệu vô tận.
Các nhà máy này góp phần giải quyết rốt ráo tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đang ngày càng trở nên trầm trọng, đang đe dọa cộng đồng do sự bế tắc, trì trệ, và xây dựng các nhà máy xử lý rác thải thực tế thiếu công suất, ít hiệu quả ở Việt nam.
Việt Nam là nước đang thiếu điện trầm trọng cho những năm tới đây. Nên chăng Chính phủ cần nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất điện từ rác thải của các thành phố, càng không nên quá cân nhắc hiệu quả tài chính thay vì phải xây dựng những nhà máy sử lý rác thải vô thưởng vô phạt.
Việc làm này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vừa khắc phục triệt để ô nhiểm, giảm dịch bệnh, mang lại sức khỏe cho cộng đồng, giảm chi phí vô hình cho nhiều thế hệ phải phòng chữa bệnh vừa đem đến công ăn việc làm chính đáng cho nhiều người lao động.
Trên những bãi rác, thấp thoáng hàng dài bóng người lầm lũi đang cố nhặt thêm ít gạo nuôi gia đình, cho con ăn học.. với tâm trạng ngay ngáy lo âu bãi rác này còn tồn tại được bao lâu khi đã quá đầy!
Bài thể hiện quan điểm riêng của độc giả Văn Toàn, gửi cho BBC từ Hà Nội.

Nghìn người vây trụ sở, giam lỏng chủ tịch xã

Từ đêm qua, người dân bao vây hội trường trụ sở UBND xã Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh), không để ông chủ tịch rời đi nếu không ký biên bản xác nhận công an đánh dân. 14h hôm nay, cán bộ tỉnh về đối thoại, "vòng vây" mới được nới ra.
Trước thông tin một điểm xử lý rác sẽ chuyển về khu vực giữa trang trại và cánh đồng của người dân 4 thôn (Phù Đổng, Vĩnh Phục, Tam Tảo, Xóm Miễu) của xã Phú Lâm, ngày 15/1 một số người đân đến trụ sở xã để phản đối. Họ kiến nghị chuyển sang chỗ khác vì ảnh hưởng đến cuộc sống của 100 hộ, lại nằm cạnh dòng mương tưới tiêu cho 7 thôn.
Bà Nguyễn Thị Hằng (78 tuổi), người trực tiếp tham gia cho hay, trước ý kiến của đông đảo người dân, cán bộ xã giải thích đây là quyết định của huyện. Còn chị Nguyễn Thị Đảm và nhiều người khác bức xúc vì không được thông báo về dự án. Khi thông tin phát trên truyền hình bà mới ngỡ ngàng.
Ông Nguyễn Văn Trứ cho hay: "Khu xử lý rác cách trang trại và chỗ chúng tôi ở chưa đến 50 mét thì người và vật nuôi sống sao được?”. Theo ông, hầu hết hộ dân đang nợ vốn ngân hàng để xây dựng trang trại chăn nuôi, nếu triển khai dự án xử lý rác thải thì công việc của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
hoi-truong-490-1786-1389950662.jpg
Người dân bao vây hội trường xã suốt nhiều tiếng. Ảnh: Viết Tuân
Ngày 16/1, người dân lại đến trụ sở UBND xã Phú Lâm để kiến nghị. Chủ tịch xã Phú Lâm là ông Nguyễn Văn Thắng đang trả lời thì một vài người dùng điện thoại quay lại. Công an xã ngăn cản việc này, nhiều người đã to tiếng, xô xát xảy ra. Cho rằng hai phụ nữ đã bị công an đánh, cả nghìn người tập trung trong sân UBND xã yêu cầu ông chủ tịch ký xác nhận việc dân bị đánh và dừng dự án tại thôn.
Hàng trăm người vây kín hội trường của UBND xã, thức qua đêm để đợi ông Chủ tịch ký vào văn bản. Họ cho hay sẵn sàng “ăn bánh mì, uống nước, sữa” chứ không rời đi. Trong khi đó, loa phát thanh xã do một phụ nữ đọc liên tục yêu cầu người dân giải tán và "trả tự do" cho ông chủ tịch.
"Họ bảo chúng tôi vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi chỉ cần ông chủ tịch xã ký xác nhận. Thậm chí chúng tôi ăn gì cũng đều đưa đồ cho ông ấy", nhiều người dân nói.
14h hôm nay, sau khi Chủ tịch huyện và lãnh đạo cơ quan công an đến xã, Chủ tịch xã đã được giải vây. Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện, xã với dân được tổ chức ngay sau đó tại hội trường - nơi ông Thắng bị giữ chân nhiều tiếng.
Trao đổi với VnExpress, ông Thắng cho hay không lo lắng gì trong thời gian bị giam lỏng. Theo ông, xô xát lúc đó chỉ là giằng co không phải đánh dân.
Một lãnh đạo công an huyện Tiên Du cho biết đã lấy lời khai của hai người được cho là bị công an xã đánh, song họ khẳng định hoàn toàn không có việc này.
17h, tan cuộc đối thoại, không đồng ý với các câu trả lời người dân tiếp tục "quây" chủ tịch xã khiến ông này phải chạy vào một trường học. Ước tính cả nghìn người tập trung, trong đó nhiều người đã quỳ lạy thành hàng ở trước cổng trường, nói trong nước mắt: "Mong ông thương lấy dân". Cán bộ huyện, tỉnh sau cuộc họp cũng không thể ra về được.
Hoàng Việt - Viết Tuân
(VnExpress) 

Táo quân 2014 chưa ghi hình đã bị 'tuýt còi'

Chiều nay (17/1), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã gửi công văn tới Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị về việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung chương trình Gặp nhau Cuối năm – Táo quân 2014 (dự kiến sẽ ghi hình cuối tuần này tại Hà Nội).

Thethaovanhoa.vn trích đăng nội dung công văn này như sau:

“Hàng năm, Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam thường tổ chức dàn dựng, biểu diễn chương trình hài kịch “ Gặp nhau cuối năm – Táo Quân” và ghi hình, phát trên các kênh sóng truyền hình phục vụ khán giả mỗi dịp xuân về. Trong những năm qua, chương trình hài kịch “ Gặp nhau cuối năm – Táo Quân” đã giành được tình cảm nhất định của khán giả, thông qua diễn xuất hài hước, dí dỏm của các nghệ sĩ, chương trình đã mang đến những tiếng cười cho khán giả và góp phần phê phán những mặt hạn chế, tiêu cực trong xã hội.

Công văn của Bộ VHTTDL

Bên cạnh mặt tích cực, chương trình hài kịch “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân” cũng bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục như nghệ sĩ, diễn viên sử dụng động tác diễn xuất, lời thoại “thô tục”, không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; Đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức, thực hiện chương trình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc Trung tâm sản xuất phim truyền hình dàn dựng, tổ chức biểu diễn chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân” theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước, nội dung chương trình phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc để chương trình thực sự trở thành món ăn tinh thần cho khán giả mỗi dịp Tết đến Xuân về”.

Năm ngoái, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2013 cũng bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi công văn yêu cầu giải trình vì thực hiện ghi hình tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội mà không qua thẩm định và cấp giấy phép.

Thethaovanhoa.vn sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến sự việc này.
  (TT&VH) 

Vợ Dương Chí Dũng bị xử đồng phạm hối lộ “ông anh” mật báo?

(Kienthuc.net.vn) - Dương Chí Dũng khai cùng vợ đi gặp "ông anh" mật báo và đưa tiền lót tay, vậy bà Mai Phương có bị xử đồng phạm về tội "đưa hối lộ"?
Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm về hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Chí Dũng có mặt với tư cách là nhân chứng và đã có những lời khai gây chấn động dự luận. Ngoài việc khai "ông anh" mật báo - Thứ trưởng Bộ Công an, thì Dũng đồng thời cho biết "ông anh" đã nhận không ít tiền hối lộ. Trong đó, có tình tiết vợ Dũng là bà Mai Phương đi cùng và có mặt trong một vụ đưa hối lộ 10.000 USD cho "ông anh". 
 
Bản thân bà Phạm Thị Mai Phương, vợ ông Dương Chí Dũng, cũng là nhân chứng trong phiên tòa trên. Bà cũng khai trước tòa rằng ngày 29/4/2012, bà cùng chồng đi thăm vợ chồng "ông anh", lúc đó đang đi nghỉ ở Tuần Châu và đã đưa tiền.
 
 Bà Phạm Thị Mai Phương, vợ ông Dương Chí Dũng, cũng khai trước tòa rằng ngày 29/4/2012, bà cùng chồng đi thăm vợ chồng "ông anh", lúc đó đang đi nghỉ ở Tuần Châu và có đưa tiền.

Nếu lời khai của Dương Chí Dũng là thật thì bà Mai Phương có đồng phạm tội đưa hối lộ?

Theo luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng luật sư Trí Minh, nếu lời khai này là thật thì cần làm rõ mục đích đưa số tiền này để làm gì, có phải là hối lộ, hay đây là khoản tiền thỏa thuận trong một phi vụ làm ăn nào đó được thỏa thuận trước và việc đưa tiền chẳng qua là chia phần. 

Nếu đúng là đưa hối lộ (tức là đưa tiền để người nhận là người có chức vụ làm một việc vì lợi ích của người đưa tiền) mà bà Mai Phương có tham gia vào việc này, thể hiện qua việc cùng bàn bạc và đi cùng để đưa tiền thì bà Mai Phương và cả ông Dũng sẽ bị xử lý về tội "đưa hối lộ" theo Điều 289 Bộ luật Hình sự. 

Nếu bà Mai Phương chỉ đi cùng ông Dũng nhưng không được bàn bạc, không biết ông Dũng đưa tiền về việc gì thì bà sẽ không phải chịu trách nhiệm về tội đưa hối lộ hay bất cứ tội nào khác.

Nếu cơ quan chức năng chứng minh được bà Mai Phương đưa hối lộ theo các luận điểm nêu trên, thì với số tiền hối lộ là 10.000 USD (tương đương 200 triệu đồng), thì bà Mai Phương có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 13 đến 20 năm, theo Khoản 3, Điều 289 Bộ luật Hình sự về tội đưa hối lộ.
 

Tướng lãnh Trung Quốc hô hào tiến hành chiến tranh ở Biển Đông



VOA

Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, một tướng lãnh nổi tiếng của Trung Quốc mới đây đã hô hào cho việc tiến hành chiến tranh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa lúc có tin đồn là trong năm nay Trung Quốc sẽ đánh chiếm một hòn đảo đang do Việt Nam kiểm soát.
Trong cuộc phỏng vấn hồi gần đây trên tờ Tham Khảo Quốc phòng, Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng quân đội nước ông đang có một “cơ hội chiến lược” để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Vị tướng nổi tiếng nhờ chủ trương “Tây Bộ Luận” này cho rằng việc tận dụng và nắm bắt các cơ hội như vậy sẽ giúp quân đội Trung Quốc có được sức mạnh ngang hàng với Hoa Kỳ.
Ông Lưu nói rằng những vùng biên giới mà Trung Quốc từng chiến đấu để giành được đều ổn định và hòa bình hơn, còn những vùng mà Bắc Kinh có thái độ nhún nhường thì có nhiều tranh chấp, căng thẳng.
Phát biểu của Tướng Lưu Á Châu đã gặp phải sự phê phán của một số các nhà phân tích ở Trung Quốc. Những người này cho rằng chủ trương của ông Lưu là “cực đoan”, sai lầm và không phản ánh đường lối chính thức của Trung Quốc.
Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) trích lời ông Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Ma Cao, nói rằng phát biểu của ông Lưu có mục đích bênh vực cho những hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông sau khi Bắc Kinh loan báo thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển này hồi cuối năm ngoái.
Ông Dong nói rằng “Phát biểu của ông Lưu chắc chắn là nhắm tới mục đích làm vui lòng Chủ tịch Tập Cận Bình vì ông Tập cũng cần phải chứng tỏ là việc loan báo vùng phòng không có được sự ủng hộ của quân đội.”
Một chuyên gia hải quân ở Thượng Hải, ông Nghê Lạc Hùng, cũng không tán thành ý kiến là quân đội Trung Quốc cần kinh nghiệm chiến đấu để “thử lửa” của ông Lưu Á Châu.
Ông Nghê nói, “Chiến thắng trong các cuộc chiến với Liên Sô cũ, Việt Nam và Ấn Độ đã không mang lại hòa bình thật sự cho Trung Quốc, mà những cuộc thương thuyết chính trị và ngoại giao sau đó mới nắm giữ vai trò then chốt cho sự ổn định của Trung Quốc trong những thập niên qua.”
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan, ông Dương Niệm Tổ, cho rằng cuộc phỏng vấn của ông Lưu Á Châu nhắm tới việc tăng cường sĩ khí của quân đội và thúc đẩy họ tiến hành các biện pháp cải cách, như đòi hỏi của ông Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012.
Ông Dương cho rằng phát biểu của ông Lưu không có nghĩa là “Bắc Kinh sẽ có hành động quân sự ngay lập tức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, vì điều này không phù hợp với chiến lược quốc phòng và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.”
Lời hô hào của Tướng Lưu Á Châu được đưa trong lúc dư luận Việt Nam đang xôn xao trước những thông tin nói rằng trong năm nay Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo Thị Tứ, một hòn đảo tương đối lớn thuộc quần đảo Trường Sa, đang do Việt Nam kiểm soát.
Hồi đầu năm nay, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc trích lời ông Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia, nói rằng mục tiêu chính của Trung Quốc trong năm 2014 là tăng cường điều mà ông gọi là “sự hiện diện được bình thường hóa” ở Biển Đông.
Nguồn: South China Morning Post / Thanh Nien

Đối lập Cam Bốt kích động tâm lý bài Việt Nam

Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, đảng đối lập.
Tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc chống Việt Nam, sử dụng các luận điệu bài xich Việt Nam trong các cuộc mít tinh : Trong thời gian gần đây, chiêu bài chống Việt Nam càng lúc càng được đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt sử dụng. Tình trạng này có dấu hiệu nghiêm trọng đến mức mà vào hôm qua, 16/01/2014, đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc, có mặt tại Cam Bốt đã phải công khai bày tỏ thái độ quan ngại.
Theo nhật báo Anh ngữ Phnom Penh Post, phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm Cam Bốt, ông Surya Subedi, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Cam Bốt, đã xác định rằng ông đã phải cảnh giác trước những lời lẽ bài Việt Nam được đảng đối lập Cam Bốt sử dụng để động viên tinh thần các ủng hộ viên trong các cuộc tập hợp của phong trào đối lập.
Ông Subedi cho biết thêm là ông đã đích thân nêu lên thái độ quan ngại của ông trong các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc trong khuôn khổ vong công du Cam Bốt của ông, khởi sự ngày 12/01/2014 và kết thúc vào hôm nay, 17/01.
Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc biệt ghi nhận một số vụ tấn công vào các cửa hiệu của người Việt Nam, bên lề cuộc xung đột dữ dội giữa công nhân dệt may Cam Bốt với lực lượng cảnh sát ngày 03/01 vừa qua tại Phnom Penh.
Đối với đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc : « Gieo rắc tư tưởng về tính ưu việt của một chủng tộc, hay phổ biến lòng hận thù dân tộc, kích động tâm lý kỳ thị chủng tộc, cũng như tiến hành hoặc kích động người khác tiến hành các hành vi bạo lực như vậy, nhắm vào mọi chủng tộc hay nhóm người khác màu da hay nguồn gốc dân tộc... đều không có chỗ đứng trong các xã hội dân chủ ».
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền tại Cam Bốt không phải là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về việc Đảng đối lập của ông Sam Rainsy sử dụng các luận điệu bài Việt Nam để thu hút cảm tinh viên. Theo các nhà quan sát, trước và sau cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt vừa qua, đảng Cứu nguy Dân tộc thường xuyên khai thác các chủ đề kích động hận thù đối với Việt Nam, như vấn đề những người Việt nhập cư bất hợp pháp đang sống và làm việc tại Cam Bốt, cũng như các công ty Việt Nam hoạt động tại xứ chùa Tháp, hay những vụ việc bị cho là Việt Nam cướp đất của Cam Bốt…
Vào tháng 12/2013 chẳng hạn, Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt thoạt đầu chỉ trích phe đối lập Cam Bốt là đã sử dụng « ngôn từ có hại » đối với Việt Nam, rồi sau đó, trong một bản báo cáo tiếp theo, đã tố cáo đối lập về việc nêu bật người Việt thành đối tượng cần đả kích.
Theo ghi nhận của nhật báo The Phnom Penh Post, hai lãnh đạo của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt là Sam Rainsy và Kem Sokha chưa phản ứng về lời cáo buộc của đặc sứ Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, trong một bản thông cáo đưa ra ngày 27/08/2013, đảng đối lập Cam Bốt đã khẳng định rằng họ « chống lại các hành vi bạo lực, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và phân biệt đối xử ».
Tuyên bố là như vậy, nhưng trong thực tế lãnh tụ đối lập Sam Rainsy không ngần ngại tuyên truyền chống Việt Nam. Theo ghi nhận vào hôm qua, 16/01/2014, của phóng viên ban tiếng Khmer của đài phát thanh Mỹ VOA, nhân một cuộc tiếp xúc với ủng hộ viên, lãnh đạo phe đối lập Cam Bốt xác định rằng toàn thể đảng Cứu nguy Dân tộc « hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc » trong các đòi hỏi chống lại Việt Nam.
Trong thông điệp truyền tải đến các ủng hộ viện tại các tỉnh Siem Reap, Bantey Meanchey và Battambang, ông Sam Rainsy đã nêu bật quan điểm : « Hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc vì sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ chống lại một cuộc xâm lược của Việt Nam ».
Nhân vật này đã nhắc lại những vấn đề thường được nêu lên để kích động tâm lý bài Việt Nam trong một số thành phần dân chúng Cam Bốt, nào là vấn đề biên giới Cam Bốt-Việt Nam, nào là các hành động bị cho là chiếm đất Cam Bốt, nào là vấn đề người Việt nhập cư bất hợp pháp…
Lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt đã gián tiếp cầu viện Trung Quốc khi cho rằng : « Lợi ích của Trung Quốc song hành với chủ quyền của Cam Bốt… Nếu Việt Nam thành công trong việc nuốt chửng Cam Bốt, Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn và sẽ tạo thêm nhiều vấn đề cho Trung Quốc hơn. Do đó, để bảo vệ lợi ích của mình, Trung Quốc phải bảo vệ Cam Bốt ».
Đối với ông Sam Rainsy, Trung Quốc có thể trở thành cứu tinh của Cam Bốt, giúp nước này « giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị » đang diễn ra và « bảo vệ Cam Bốt chống lại Việt Nam. »

Trọng Nghĩa
Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét