Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Bài đáng chú ý - Hiến pháp mới: Cơ hội cuối cho một Quốc hội

Phạm Đỗ Chí - Kinh tế VN mùa thu 2013: những mảng sáng tối

Chưa năm nào có nhiều hội thảo và tranh luận sôi nổi về hiện trạng nền kinh tế như năm nay. Các giới chức và chuyên gia trong chính phủ thì cho là kinh tế Việt Nam đã ổn định khá và đang phục hồi. Vài đại biểu và chuyên gia Quốc Hội thì nhìn thấy “màu xám”, còn vài chuyên gia ngoài chính phủ hay nhiều nhóm dân cư lại vẫn thấy “màu tối”, theo báo chí. Chuyện gì đang xảy ra?
Một nhận định của nhiều người trong kỳ hội thảo mùa thu về Kinh tế[1] mới đây là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và triển vọng trung hạn 2013-15 cũng không mấy sáng sủa vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được triển khai hiệu quả bằng hành động. Riêng trong phát biểu mở đầu, TS Trần Đình Thiên gọi kinh tế VN vẫn đang mò đáy, chứ chưa thoát đáy như vài nhà kinh tế khác lạc quan hơn đã nhận định mới đây.

Thêm một chuyên gia độc lập nhận xét là tình trạng sản xuất trong nền kinh tế VN gần như tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011, tăng trưởng GDP có thể trì trệ hơn và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh hơn các con số chính thức, gây ra các tệ nạn xã hội báo động. Trong khi chính sách tín dụng trong cả nước cũng hoàn toàn nghẽn mạch—một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và vì ngân hàng không muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra).
Nói chung, hoạch định chính sách kinh tế có thể khó khăn hơn nếu không được dựa trên dữ kiện rõ ràng hay chính xác (economic planning without facts), như nhà kinh tế nổi tiếng Kornai đã từng cảnh cáo cho nền kinh tế Hung ga ri thời còn bao cấp.
Bài trình bầy của nhóm nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Fulbright ở Saigon qua Giám đốc Nguyễn Xuân Thành[2], phân tích trong 4 động cơ liên quan đến tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” trục trặc, chỉ có một động cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chạy tốt, và nhận định quan trọng là 3 động cơ nội trục trặc là do bị ảnh hưởng của thể chế kinh tế (khu vực quốc doanh làm chủ đạo), động cơ ngoại chạy tốt do không bị ảnh hưởng hoăc bị ảnh hưởng rất ít của thể chế trong nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP là 13% năm 2000, đến năm 2012 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm lên xấp xỉ 20%; lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở hữu – thu từ sở hữu) của năm 2012 tăng khoảng 25 lần so với năm 2000 và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng tăng xấp xỉ 9 lần.
Điều này làm nổi bật một điều là do đóng góp đáng kể của FDI vào tăng trưởng GDP, thu nhập quốc gia gộp (GNI—gross national income) không tăng nhanh theo cùng mức với GDP, và thu nhập lẫn tiêu thụ nội địa đều yếu dẫn đến mức tổng cầu yếu đã được ghi nhận từ ba năm qua. Từ những lập luân trên phải chăng càng tăng trưởng GDP theo kiểu này thì luồng tiền và của cải của đất nước càng sụt giảm, trong khi FDI càng thu lợi nhờ nhân công và thuê đất rẻ lại tránh được thuế (xem dưới đây)?
Mặt khác, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước phần lớn là do thể chế thì các nhà họach định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi cơ cấu sản xuất và cả nền kinh tế. Việc cải thiện thể chế không chỉ đơn giản là cải cách hành chính hay chống tham nhũng như một số giới kêu gọi, hay là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chính là thiết lập thật sự sân chơi bằng phẳng, minh bạch đối với khu vưc tư nhân và nông nghiệp. Đây chính là nền tảng thiết yếu của chính sách tái cơ cấu kinh tế đang muốn thực hiện bởi chính phủ. Vì nến tảng chưa được thiết lập, việc áp dụng mới bị bế tắc!
Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu tư duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế! Việc đạt được thành tích tăng trưởng cao ngắn hạn mỗi năm thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi 3 động cơ “nội”, theo cách phân tích nói trên của nhóm Fulbright.
Từ nghiên cứu quan trọng của nhóm này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm về những mảng sáng tối, và những lý do đàng sau, của bức tranh kinh tế Việt nam khá phức tạp năm nay với các diễn đạt khác biệt từ những góc nhìn khác nhau.
Cả nền kinh tế nói chung vẫn trong tình trạng tương đối trì trệ của 2 năm trước với mức GDP thực tế chỉ tăng quanh 5% (con số chính thức được coi là lạc quan!). Nhưng phần lớn tăng trưởng được ghi nhận là do nhóm sản xuất FDI . Và đó cũng là lý do cho điểm sáng hiếm hoi của xuất khẩu vẫn tăng khá năm nay. Nhưng với các kỹ thuật chuyển giá để khai lỗ của nhóm doanh nghiệp FDI, đóng góp vào thuế doanh nghiệp của khu vực này gần như rất ít, trong khi các doanh nghiệp tư nhân ngoài FDI và nhà nước thua lỗ nên không thể đóng thuế: thêm một lý do cho thất thu thuế năm nay, ngoài chuyện trì trệ sản xuất.
Ngoài ra do tình trạng suy yếu của sản xuất nói chung, mức nhập siêu 10-12 tỷ USD của các năm trước 2011 đang trở thành xuất siêu, giúp cho cán cân vãng lai và thanh toán tổng thể được thặng dư, và là lý do căn bản làm bớt được áp lực tỷ giá.
Áp lực lên tỷ giá cũng bớt đi do chuyên độc quyền vàng miếng SJC làm bớt nhu cầu nhập lậu vàng. Trong khi NHNN có thể hân hoan với kết quả này, câu hỏi bất cập khác xuất hiện là khối vàng trên 60 tấn do NHNN độc quyền bán ra đã đi đâu? Khoảng 30 tấn được giải thích là cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng trong năm, nhưng còn hơn 30 tấn vàng kia đi đâu? Báo chí xuất hiện thêm loạt bài nói là “tham nhũng ưa chuộng vàng miếng”, làm dấy lên mối lo ngại trước đây về các kênh tẩu thoát của vàng không được mong muốn, một câu hỏi nhức nhối khó trả lời và cần thời gian.
Chuyện bán ra khối vàng quan trọng cùng với việc phát hành 170.000 tỳ đồng trái phiếu chính phủ cũng được coi là hai biện pháp giúp rút bớt khối tiền đồng lưu hành để tránh áp lực lạm phát do việc NHNN mua vào thành công khối dự trữ ngoại hối tăng đến mức kỷ lục 28 tỷ USD, so với sự thất bại năm 2007 do thiếu biện pháp này để trung hòa khối tiền đồng tung ra để mua khoảng 10 tỷ USD do FDI và đầu tư gián tiếp FII mang đến. Câu hỏi đặt ra là tiền lớn đều chui vào vàng và chi tiêu chính phủ, còn đâu “room” cho đầu tư của tư nhân khi bị khu vực chi tiêu chính phủ chèn ép?
Sau hết, sản xuất trì trệ nói chung trên đây cũng gây trở ngại cho mức tổng cầu và hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Do đó, tín dụng mới tăng hơn 6% cuối tháng 10 và cả năm khó đạt mục tiêu tăng 12%, và là nguyên nhân chính giúp giảm áp lực lạm phát.
Về nhu cầu chính sách tương lai trong ngắn hạn, có 2 luồng ý kiến: thứ nhất là kích cầu từ đầu tư công qua nới rộng mức độ bội chi ngân sách và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô. Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm mục đích “thành tích” ngắn hạn, và một vòng xoáy lạm phát – suy trầm bị e ngại sẽ lại tiếp diễn trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách quốc gia (lên 5,3% cho năm nay và năm tới) để dáp ứng việc giải quyết tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này.
Điều gây bức xúc nhất vẫn là chính sách trung hạn: tiếp tục in trái phiếu khoảng 150.000-200.000 tỷ mỗi năm như lối ra cho chính sách tài khóa theo dự kiến hiện tại quả là không ổn cho bức tranh lạm phát và tổng thể. Và không giải quyết được nghẽn mạch tín dụng bằng việc tiếp tục vô thời hạn các biện pháp hành chính hiện nay trong chính sách tiền tệ, thay vì các biện pháp thị trường, do chính NHNN đã khổ công xây dựng trong nhiều năm trước đây mà kinh tế đất nước cũng đã rất quen thuộc-- mới là chuyện quan trọng: liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp tục dẫy chết và guồng máy sản xuất suy đốn thêm?
Nhìn chung, búc tranh kinh tế 2013 có những điểm sáng như xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát giảm dần, được một số nhà kinh tế quen thuộc trong nước ngợi khen, nhưng nghĩ kỹ đều phản ánh những tia sáng le lói khó bền vững, vì chỉ đi ra từ sự kiệt quệ của nền kinh tế tư nhân với hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa hay lỗ nặng hàng tháng. Cạn nguồn thuế, ngân sách không thể kéo dài chuyện in tiền qua phát hành trái phiếu của chính phủ hay của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh. Đây không thể là tình trạng kéo dài thêm được lâu nữa.
Trong phần tóm tắt kết luận hội thảo, một nhân vật hữu trách quan trọng khẳng định là nền kinh tế không hề tê liệt để trả lời thẳng vào nhận xét chuyên gia trên đây, nhưng lại cũng hoàn toàn im lặng về các đề xuất thay đổi thể chế như nêu trên. Thay vào đó, vị này nhấn mạnh về yếu tố phục hồi tăng trưởng cho năm tới, và nêu nhận xét là các chuyên gia đã rõ ràng và đồng thuận trong phần nhận định hiện trạng, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp chính sách phục hồi kinh tế cụ thể. Và hình như đó là bế tắc của khóa hội thảo mùa thu, cũng như của nền kinh tế suốt bốn mùa!
Trước bế tắc đó, phải chăng cần nghĩ đến giải pháp “cuối cùng” như chuyên gia Võ Đại Lược vừa đề nghị với Ủy ban Kinh tế Trung ương là mời IMF trở lại để trợ giúp cả kỹ thuật lẫn tài chính? Kỹ thuật vì họ có cái nhìn khách quan vượt trên được các nhóm lợi ích và có thể giúp tái lập bức tranh tổng thể với số liệu chính xác. Tài chính vì nhu cầu vốn để xóa món nợ xấu ngân hàng cũng như giảm khối nợ công quốc gia khổng lồ (ước tính vượt 100% GDP, gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh) có thể lên đến 40-50 tỷ USD, con số ít ai dám nghĩ đến, nhưng là số dựa vào kinh nghiệm trợ giúp của IMF cho Thái lan và Nam dương.
 Phạm Đỗ Chí
---------------------
[1] Do Ủy ban Kinh tế Quốc Hội tổ chức ở Huế vào hai ngày 26-27/9/2013.
[2] Tóm tắt của TS Bùi Trinh trong một bài viết ngắn chưa xuất bản.
(Viet-studies)

Hiến pháp mới: Cơ hội cuối cho một Quốc hội

Trong bức tâm thư gởi Quốc hội đề ngày 07/11/2013 mang tựa đề « Hiến pháp mới – cơ hội cuối cho một triều đại », nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, chưa bao giờ lòng dân ly tán như hiện thời. Tham nhũng hoành hành, đạo đức tột cùng nhiễu nhương, dân sinh bị các nhóm lợi ích và thân hữu chính trị lũng đoạn siết nghẹt.
Với tư cách cử tri, nhà báo Phạm Chí Dũng kiến nghị dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thảo luận đến cuối năm 2014. Bên cạnh đó còn hình thành tổ chức giám sát độc lập về quá trình thu thập ý kiến người dân. Hiến pháp mới phải bảo đảm các quyền con người một cách thực chất, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cơ chế tam quyền phân lập.
Lá thư được viết cô đọng nhưng đầy xúc cảm trước hiện tình đất nước được đăng trên trang Bauxite đã được nhiều trang mạng khác đăng lại, tạo được những phản hồi ủng hộ rộng rãi.

RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng xung quanh vấn đề này.
RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Trước hết anh có thể cho biết vì sao anh viết tâm thư gởi Quốc hội ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Lý do rất đơn giản, là vì Dự thảo Hiến pháp mới đã gần như không có một nội dung nào thay đổi, so với tất cả những dự thảo từ đầu năm đến nay mặc dù được cho là đã đưa ra, lấy ý kiến rất nhiều - 26 triệu cử tri. Rất nhiều ý kiến đóng góp, và nghe nói tốn đến 300 tới 400 tỉ đồng - đó là người ta đồn đoán. Cuối cùng vẫn gần như không có một nội dung nào mới đưa vào Dự thảo Hiến pháp trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 lần này.
Thậm chí vào đầu kỳ họp thứ 6, tức vào cuối tháng Mười, có một vị đại biểu Quốc hội, là một người dày dạn kinh nghiệm qua ba nhiệm kỳ Quốc hội, khẳng định quả quyết với báo chí là sẽ không nói gì về Hiến pháp nữa. Một lời tán thán đầy ẩn ý và có một cái gì đó khó tả lắm !
Nhưng rõ ràng người ta thất vọng về bản Dự thảo Hiến pháp mới, và nhiều đại biểu khác cũng muốn thốt lên điều đó nhưng có lẽ họ chỉ thốt ở ngoài hành lang thôi, chứ không phải trong phòng họp Quốc hội. Vì chính những nội dung hệ trọng nhất như chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân v.v… đều không có gì thay đổi cả.
Tôi xin đi vào một số nội dung cụ thể. Ví dụ vấn đề kinh tế quốc doanh là chủ đạo là như thế nào ? Từ trước tới giờ vẫn nói là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề này đã từng có lúc được đưa vào thảo luận trong dự thảo, nhưng cho đến nay chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phan Trung Lý đã khẳng định, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh là chuyện đương nhiên. Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đóng góp là không nên cho kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Bởi lẽ vài chục tập đoàn kinh tế nhà nước trong suốt sáu năm suy thoái vừa rồi đã gây ra số lỗ khổng lồ.
Riêng EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), hai tập đoàn này cộng lại đã lỗ lên tới hơn 40.000 tỉ đồng. Lỗ từ đâu ? Từ đầu tư trái ngành, vào bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, và đặc biệt hai lãnh vực đầu cơ là chứng khoán và bất động sản là hai lãnh vực làm tiêu điều nhất cho quốc gia và cho các tập đoàn này. Cũng còn nhiều tập đoàn quốc doanh khác đã đầu tư trái ngành, cũng lỗ đầm đìa. Tất cả những số lỗ đó trút lên đầu người dân đóng thuế.
Ở Việt Nam hiện nay có đến ít nhất là 432 loại lệ phí mà người dân phải cõng trên lưng – đó là con số chính thức mà báo chí thông báo. Ngoài ra còn một số loại lệ phí khác. Petrolimex và EVN đã trút lỗ lên đầu người dân bằng cách tăng giá. Việc đó gọi là « chế độ an sinh » của những tập đoàn quốc doanh. Mà nếu độc quyền quốc doanh như vậy thì còn có ý nghĩa như thế nào đối với việc « kinh tế quốc doanh là chủ đạo » nữa ?
RFI : Đó là trên lãnh vực kinh tế, còn có nhiều vấn đề bất hợp lý khác nữa phải không thưa anh ?
Một vấn đề nữa là Hội đồng Hiến pháp – một cơ chế mới đã được đưa vào Dự thảo để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng cho tới dự thảo mới nhất của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp trình Quốc hội kỳ này lại không còn thấy bất kỳ khái niệm nào về Hội đồng Hiến pháp nữa. Điều đó cho thấy dường như Quốc hội không quan tâm tới Hội đồng Hiến pháp, một Hội đồng gắn liền sát sườn với quyền lợi của Quốc hội, và cũng là quyền lợi của nhân dân. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm, mối quan hệ với nhân dân của Nhà nước, của Chính quyền và của Quốc hội là sơ sài, và có một cái gì đó rất là vô cảm.
Sự vô cảm đó dẫn tới vấn đề sở hữu đất đai kỳ này cũng không được thay đổi gì cả. Vẫn khẳng định đất đai là « sở hữu toàn dân », mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đánh giá là sở hữu đất đai toàn dân hoàn toàn không còn phù hợp với cơ chế vận động thị trường hiện nay. Đặc biệt là những hậu quả ghê gớm gây ra bởi vô số các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị gây ra trong suốt mười mấy năm vừa rồi, bởi chế độ sở hữu toàn dân.
Tính chất « toàn dân » đã làm cho chế độ trưng thu đất trở nên vô tội vạ với giá đền bù rẻ mạt, có thể thấp bằng 1/10 tới 1/20 giá thị trường, gây bất công xã hội ghê gớm và sinh ra hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hàng năm trong dân chúng, tạo ra một tầng lớp dân oan thảm thương.
Do vậy đã có rất nhiều ý kiến đề nghị sở hữu đất đai phải chuyển sang hình thức đa sở hữu. Có nghĩa là vừa sở hữu toàn dân, vừa sở hữu tập thể và có cả sở hữu tư nhân. Và không thể thu hồi đất vô tội vạ, không được thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội. Những dự án loại này đã gây ra bất công lớn nhất, và tình trạng dân oan kéo đi khiếu kiện nhiều nhất trong những năm vừa rồi.
Thông thường, ở những dự án được gọi là phát triển kinh tế xã hội như vậy, chủ đầu tư cấu kết với chính quyền địa phương đền bù giá rẻ mạt cho người dân, bồi thường rất thấp, thu hồi đất vô lối thậm chí cưỡng chế và có thể gây ra chết người. Sau đó chỉ sử dụng khoảng 1/3 diện tích để thực hiện dự án như họ đã mô tả trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, còn lại 2/3 là phân lô bán nền kiếm lời.
Như vậy vô cùng bất hợp lý ! Trong khi đó ngay cả ở Trung Quốc, đất nước đã sinh ra hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ của người dân hàng năm, cũng đã phải có những cải cách nhất định. Từ đầu năm 2013 đến nay, chính Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Trung Quốc đã ra một văn bản yêu cầu các chính quyền địa phương không được thu hồi đất bất hợp lý đối với người dân, và sẵn sàng kỷ luật một số quan chức nào ăn chênh lệch giá đền bù.
Hội nghị trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến đưa ra một số cải cách chế độ sở hữu đất đai. Có nghĩa là đã có một bước cải cách nhất định, giảm bớt tình trạng khiếu kiện về đền bù của người dân, giảm bớt những than phiền, những lời trách oán phẫn uất của người dân.
Đó chính là vấn đề mà Quốc hội Việt Nam kỳ này chưa đáp ứng được, và cả Nhà nước Việt Nam chưa đáp ứng đề nghị chuyển từ sở hữu đất đai toàn dân sang sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.
RFI : Còn về các quyền công dân thì như thế nào ?
Vào tháng Bảy vừa qua chính phủ đã đưa ra một xác quyết là quyền phúc quyết thuộc về nhân dân, liên quan tới việc trưng cầu dân ý, tới một số quyền của người dân. Tuy nhiên sau đó đã không nghe chính phủ nhắc lại điều này, và trong các văn bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội cũng hoàn toàn không có nội dung đó.
Cũng không có việc dân được bầu trực tiếp Chủ tịch nước và Thủ tướng. Đó là một nội dung rất quan trọng, vì điều này liên quan tới phổ thông đầu phiếu – chế độ bầu cử ở những nước dân chủ. Nhưng không làm điều này, không hiểu Việt Nam suy nghĩ và quan niệm khái niệm dân chủ như thế nào !
Một hệ quả khác là những điều mà các nhóm trí thức cũng như người dân quan tâm và đã kiến nghị rất nhiều lần. Từ suốt cuối năm 2011 đến nay Quốc hội bắt đầu xem xét Luật Biểu tình. Nhưng cho đến giờ Dự thảo Hiến pháp vẫn không đề cập tới việc triển khai điều 69 của Hiến pháp năm 1992, là Luật lập hội, Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu Dân ý. Đó là ba luật cực kỳ quan trọng liên quan tới quyền lợi người dân, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào năm 1982.
Ngoài ra, bản chất lực lượng vũ trang vẫn được quy định là « trung với Đảng », cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Nhìn vào thực tế, người ta thấy là lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc – quốc phòng là chính, chứ không phải đi hỗ trợ cho một số chủ đầu tư thi công và thu hồi đất của dân.
Nhưng trong vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng và vụ thu hồi đất ở Bắc Giang chẳng hạn, thấy xuất hiện nhan nhản lực lượng quân sự địa phương. Lúc đó người ta biết là chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã cấu kết với nhau, sử dụng quân đội như một công cụ cùng với công an, cảnh sát để thu hồi đất của dân. Điều đó vô cùng bất hợp lý !
Màu cờ sắc áo, màu xanh yêu thương của quân đội không phải « Vì nhân dân quên mình » nữa, mà họ đang đối đầu với nhân dân. Chính vì vậy, không có lẽ gì Nhà nước bắt quân đội phải « trung với Đảng », mà « trung với Tổ quốc, hiếu với dân » mà thôi.
Cuối cùng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về mặt tổ chức Nhà nước đã không đề cập chút nào tới một cơ chế mà các nước dân chủ phát triển đang thịnh hành, mang đến sự thịnh vượng cho dân chúng. Đó là cơ chế Nhà nước pháp quyền, kèm theo là cơ chế tam quyền phân lập.
Tôi hiểu điều đó rất đơn giản là việc không có Nhà nước pháp quyền gắn liền với việc không thay đổi điều 4 Hiến pháp. Có nghĩa là duy trì cơ chế độc đảng.
Đó là những nội dung mà trong Dự thảo Hiến pháp lần này không có một chút gì thay đổi. Đó cũng là lý do mà tôi nghĩ là tôi chỉ là một trong nhiều triệu người bức xúc về vấn đề này. Tôi nghĩ là phải viết ra bức tâm thư để gởi cho Quốc hội. Không phải quá hy vọng vào sự thay đổi của Quốc hội, mà để cho người dân đọc, người dân hiểu thêm.
Cũng cần nói thêm, khi đưa ra Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì Đảng và Quốc hội luôn tuyên bố là tuyệt đại đa số người dân đã đồng tình với Dự thảo. Thậm chí người đứng đầu Đảng Nguyễn Phú Trọng còn tuyên bố là Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn cả Hiến pháp ! Tuyên bố này đưa ra trước kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa 13.
Nhưng có một thực tế chứng minh hoàn toàn ngược lại. Theo kết quả cuộc khảo sát chỉ số công lý 2012 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cùng với Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, thì 42,4% dân chúng Việt Nam không biết gì về Hiến pháp, hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp ! Số 57,6% còn lại là những người biết Hiến pháp là gì, hoặc đã từng nghe nói tới Hiến pháp, thì trong đó có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý sửa đổi Hiến pháp. Thế thì làm sao có thể nói là tuyệt đại dân chúng đồng tình với bản Dự thảo Hiến pháp mới ?
Đó là một phản đề đối với những gì mà những người đứng đầu Đảng và Quốc hội đã tuyên bố, có nghĩa là họ ít quan tâm tới dân chúng. Tôi cho đó là một sự vô cảm, dắt dây tới những lời tuyên bố sáo rỗng của họ.
RFI : Theo anh, vì sao kỳ này Quốc hội và Nhà nước Việt Nam lại quyết định giữ nguyên bản Hiến pháp ?
Có một số lý do. Lý do mà Quốc hội đưa ra, theo Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, là để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp. Do đó không cần thiết quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp theo như một số góp ý, mà để luật quy định. Có thể nói đây là một cách bao biện rất chung chung, và theo cách nói mà các nhà được gọi là lập pháp của Việt Nam thường đưa ra trước đây, đúng là chỉ có thể nói theo quan điểm « cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp ».
Nhưng nhiều dư luận phản bác lại chuyện này. Họ cho là bản Dự thảo Hiến pháp lần này có thể thực sự là lần cuối cùng. Và quyết định của Đảng ở Hội nghị trung ương 8 vừa rồi là sẽ thông qua Hiến pháp vào tháng 11 này tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, có một cái gì đó rập khuôn từ Trung Quốc về tất cả những nội dung liên quan đến chính trị.
Có một điểm đáng chú ý là Hội nghị trung ương 8 diễn ra trước chuyến đi của Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường đến Hà Nội. Và kỳ họp thứ 6 khóa 13 của Việt Nam lại diễn ra ngay sau đó. Điều này cho thấy có một sự ảnh hưởng nhất định của Trung Quốc đối với Việt Nam – có thể xảy ra lắm chứ !
Vấn đề thứ hai nữa là Hội nghị trung ương 8 của Đảng tháng 10/2012 đã quyết định là không bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng tại hội nghị này, ngược lại với tuyên bố liên tục, ròng rã trong những tháng đầu năm cho tới giữa năm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là cần phải lấy phiếu tín nhiệm đối với các đảng viên cao cấp trong Đảng để xem trọng trách của họ tới đâu, họ đã làm được gì.
Như vậy thực sự vẫn có tư tưởng Đảng trị bao trùm trên tất cả các lãnh vực ở Việt Nam, trong đó Hiến pháp là một trong những điều có thể gọi là « nạn nhân ». « Nạn nhân » đó cũng là hệ quả của não trạng bảo thủ đến mức cực đoan, cho thấy kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo, mặc dù tất cả mọi chuyện đang bê bết như thế này ! Nền kinh tế suy thoái, nợ và nợ xấu tràn ngập, đời sống người dân vô cùng khốn khó. Các tập đoàn lợi ích cũng như các nhóm thân hữu chính trị lũng đoạn, tung hoành.
Kể cả vấn đề thu hồi đất, một vấn đề liên quan sát sườn đến dân sinh và có thể tới an nguy của chính phủ, của Nhà nước Việt Nam, cũng không được sửa đổi một chút nào cả !
Họ đang lo sợ. Họ giữ nguyên Hiến pháp cũng bởi họ đang lo sợ. Họ sợ cái mà họ coi là « diễn biến hòa bình », từ những thế lực phương Tây. Kể cả có một khái niệm mới ở Việt Nam là « diễn biến không hòa bình », không hẳn là từ các « thế lực thù địch » ở nước ngoài, mà chính là từ những nhóm hoạt động dân chủ ở trong nước. Chẳng hạn nhóm Kiến nghị 72 mà vào tháng Giêng năm 2013 đã bắt đầu đưa ra Kiến nghị bảy điểm đề nghị sửa đổi Hiến pháp.
Dư luận cho là cách phản ứng của Nhà nước, của Quốc hội đối với các nhóm dân chủ này là : càng phản ứng thì họ càng giữ nguyên, không thay đổi gì hết ! Các nhóm dân chủ càng đề nghị sửa đổi Hiến pháp bao nhiêu thì Hiến pháp lại càng được giữ nguyên bấy nhiêu.
RFI : Thái độ này sẽ dẫn đến những hậu quả nào ?
Vấn đề đó chắc chắn sẽ sinh ra những hậu quả rất lớn. Kỳ này nếu Hiến pháp được thông qua với một số sửa đổi nào đó – tôi không kỳ vọng là sửa đổi nhiều – nhưng có một số sửa đổi nào đó liên quan đến kinh tế quốc doanh, thu hồi đất như tinh thần của cải cách Trung Quốc tại Hội nghị trung ương 3, thì may ra vẫn còn một chút hy vọng là xã hội không đến nỗi nguy ngập lắm.
Nhưng nếu tình hình như thế này mà Hiến pháp không thay đổi một chút nào cả, có nghĩa là Hiến pháp đã đi ngược lại dòng chảy của lịch sử, và gần như là phủ nhận sự vận động của những điều kiện khách quan, làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế xã hội tôi cho là ít nhất đến vài ba chục năm !
Việc không thay đổi bất kỳ nội dung quan trọng nào của Hiến pháp sẽ tất yếu dẫn tới một logic là tình trạng lobby chính sách, làm sai chính sách sẽ phổ biến. Các nhóm lợi ích, các nhóm thân hữu chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng những chính sách sai lầm để trục lợi. Do đó càng gây ra phản ứng ngày càng mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt, phẫn uất của người dân, và có thể sinh ra hàng loạt cuộc biểu tình như chúng ta đã thấy. Đặc biệt ở các vùng nông thôn miền Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và ngay cả ngoại thành Hà Nội là Dương Nội.
Đó là hậu quả về đối nội. Còn hậu quả về đối ngoại ? Chúng ta biết là Việt Nam đã ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1982, trong đó đề cập tới những quyền lợi cơ bản của người dân, và cũng liên quan tới điều 69 của Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn giáo v.v…Nhưng với Hiến pháp như thế này và cũng không triển khai bất kỳ một luật nào cho biểu tình, trưng cầu dân ý, lập hội…thì có thể nói Việt Nam đã không tuân thủ Công ước.
Ngoài ra còn có một yếu tố mà dư luận cũng đang đặt ra. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu không có gì thay đổi, thì với sự « ưu ái » của một số nước chủ chốt trong TPP trong đó có Mỹ, có thể là đầu năm 2014 hoặc nửa đầu năm 2014, Việt Nam có thể được chấp thuận tham gia làm thành viên TPP. Nhưng điều kiện để tham gia TPP lại không đơn giản lắm.
Trong cuộc gặp tháng 7/2013 giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Sang đã cam kết về một số vấn đề nhân quyền mà Việt Nam sẽ nới rộng hơn theo yêu cầu của Mỹ. Đồng thời TPP cũng có một điều kiện liên quan tới vấn đề nhân quyền như luật lập hội, nghiệp đoàn lao động và tạo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn nhận được những ưu ái. Đó là một điều kiện của TPP, và cũng là một trong những nội dung của Hội nghị trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn xóa bớt đặc quyền đặc lợi của những tập đoàn kinh tế quốc doanh.
Trong khi đó nếu tham gia TPP thì Việt Nam sẽ phải bảo đảm điều đó, có nghĩa là sẽ phải giảm bớt độc quyền, giảm bớt những ưu ái. Nhưng với việc Nhà nước, Quốc hội Việt Nam giữ nguyên Hiến pháp như hiện nay, có nghĩa là sắp tới sẽ không có gì thay đổi. Và nếu không có gì thay đổi về mặt cơ chế quản lý kinh tế, vấn đề độc quyền, kể cả vấn đề nghiệp đoàn lao động, thì làm sao có thể thỏa mãn được những điều kiện để tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ?
Dư luận đang đặt câu hỏi : liệu có một lực lượng nào đó trong nội bộ Đảng không muốn nền kinh tế Việt Nam được tham gia TPP, thành thử không thay đổi gì cả trong Hiến pháp từ nghiệp đoàn, độc quyền, nhân quyền…Không thay đổi thì sẽ rất khó cho Việt Nam tham gia vào TPP. Mà không tham gia được thì không giúp giải quyết một số khó khăn trước mắt của nền kinh tế vốn đang gần như sa chân vào vực thẳm.
Đó là một số vấn đề liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó cũng là lý do khiến tôi viết bức tâm thư vừa rồi.
RFI : Việc bầu trực tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng có vẻ là không tưởng trong giai đoạn hiện nay, và chính quyền cũng có vẻ e dè trước những luật như Luật biểu tình chẳng hạn. Nhưng ít nhất là vấn đề nợ nần của các tập đoàn quốc doanh, cưỡng chế đất đai… đang gây quá nhiều bức xúc. Việt Nam liệu có bỏ qua cơ hội cuối cùng để hội nhập ? Như anh nói lúc nãy, ngay cả đại biểu cũng chán nản không muốn nói tới sửa đổi Hiến pháp nữa, thì một cử tri bình thường viết bức tâm thư như thế này liệu có tác động gì không ?
Tiêu đề bức tâm thư, tôi cho là đã nói rõ ý : « Hiến pháp mới, cơ hội cuối cho một triều đại ». Theo tôi, đây chính là cơ hội cuối cùng. Vì nếu không cải cách, thì với quá nhiều khó khăn, có thể nói là đang sa chân vào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc như hiện nay, chính thể Việt Nam sẽ không có lối ra. Nếu không cải cách Hiến pháp thì sẽ không còn bất kỳ một cơ hội nào nữa.
Kể cả cho dù những tổ chức tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hay Nhật Bản có giúp Việt Nam về kinh tế, và người Mỹ có chấp thuận cho Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương chăng nữa, thì tất cả những cái đó cũng chỉ mang tính chất phụ trợ mà thôi.
Việt Nam sẽ không thể giải quyết vấn đề kinh tế bằng sự thiếu thành tâm về chính trị. Dân cũng đang hỏi Quốc hội làm gì mà năm trăm đại biểu chỉ thực sự có vài ba tiếng nói có giá trị đáng để nghe. Vừa rồi có ai để nói ? Có những đại biểu như Trương Trọng Nghĩa ở TPCHM, Nguyễn Văn Thuyền ở Lâm Đồng và vài ba vị nữa là còn chịu nêu ra thực trạng ngổn ngang của xã hội, mà cũng chỉ nói được một phần thôi.
Còn đa số các đại biểu còn lại rơi vào một trạng thái gần như mơ màng, họ không nói gì cả. Trong những kỳ họp Quốc hội trước người ta cũng đã thống kê là có hàng trăm đại biểu trong vài ba kỳ họp không nói một tiếng nào, không phát biểu một câu nào. Thế thì Quốc hội làm gì, họ làm gì và họ đại diện cho ai ? Họ còn đại diện cho dân hay không ?
Vấn đề đó lại liên quan đến việc chế độ bầu cử trực tiếp đối với Thủ tướng và Chủ tịch nước. Đó là một nhu cầu của người dân. Nhưng dân đâu còn cái quyền bầu trực tiếp nữa. Với những đại biểu Quốc hội không còn mang tính chất đại diện cho dân nữa – người dân nói là họ đang ngủ gật, thì vẫn theo cơ chế cũ thôi. Tức là đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng, và họ bầu theo thiên kiến riêng của họ - chứ không phải theo nhãn quan của người dân, theo tấm lòng, quyền lợi của người dân.
Chính vì điều đó mà tôi không quá hy vọng. Thực ra rất ít hy vọng vào việc viết những bức tâm thư để cho ai đó, lãnh đạo nào đó lắng nghe, và cũng không mấy hy vọng vào chuyện những đại biểu Quốc hội nào đó sẽ chia sẻ, cảm thông với mình. Mà viết ở đây là cho dân đọc, cho dân hiểu. Dân cần đọc, cần hiểu hơn, cần được chia sẻ hơn với nỗi khổ của họ, và từ đó dân trí sẽ được nâng lên. Họ cần phải biết đấu tranh với những gì oan khuất mà họ đã phải chịu.
RFI : Xin rất cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.
Thụy My
(RFI)

Tâm thư của nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng gởi Quốc hội

000_Hkg9116353-305.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang báo cáo tình hình kinh tế, chính trị tại buổi lễ khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội hôm 21/10/2013 AFP photo
  • Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội,
Khi mới nghe Quốc hội phát động góp ý sửa đổi Hiến pháp tôi thật sự vui mừng, hy vọng nhân dân ta sắp có cơ may được quyền góp phần xây dựng một bản Hiến pháp có phần tiến bộ hơn “Hiến pháp 1992”. Nhưng nay, tôi vô cùng thất vọng, vì biết rõ: Bản Hiến pháp Quốc hội sắp buộc phải bỏ phiếu thông qua sẽ chỉ là bản Hiến pháp quan trọng sau cương lĩnh của Đảng theo như xác quyết “4 kiên định” của ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Trung ương 8. Như vậy, bản Hiến pháp sắp phải biểu quyết thông qua sẽ là bản hiến pháp của Đảng, do Đảng, vì Đảng – và như vậy nó sẽ là bản Hiến pháp hợp thức hóa quyền thống trị độc đoán, độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi buộc phải gởi bức tâm thư này đến Quốc hội.

Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội,

Khi nghe có cuộc vận động sửa đổi Hiến pháp tôi vui mừng, hy vọng vì nghĩ rằng:

- Với tuyên bố của ông Phan Trung Lý, Trưởng ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, rằng: “phạm vi góp ý sửa đổi Hiến pháp sẽ không có giới hạn, không có vùng cấm” thì ít nhiều gì bản Hiến pháp mới cũng phải có sửa đổi và sẽ sửa đổi những gì đã và đang là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức và nhất là những gì thuộc quyền tự do dân chủ của nhân dân vốn đã bị tước đoạt, nay ít nhiều gì cũng sẽ phải trả về cho nhân dân. Đó là quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền phúc quyết Hiến pháp và các quyền cơ bản khác mà nhân dân các nước dân chủ trên thế giới đã được thụ hưởng từ lâu.

- Quốc hội phát động sửa đổi Hiến pháp lần này chính là cơ hội phát huy trách nhiêm, trí tuệ toàn dân để xây dựng một bản Hiến phápcủa dân do dân vì dân đích thực. Chính vì có chút kỳ vọng như vậy nên Nhóm “72 nhân sĩ trí thức”, nhóm “Con đường Việt Nam”, Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng với nhiều nhóm yêu nước khác ở trong và ngoài nước đã thành tâm, bất chấp hiểm nguy dấn thân vào cuộc với hơn 16.000 chữ ký hưởng ứng.

Tôi nghĩ rằng: Chỉ khi nào một bản Hiến pháp xuất phát từ thực tâm sửa đổi, thực tâm lắng nghe, quy tụ những ý kiến trút hết ruột gan tâm huyết của các nhóm chính trị xã hội yêu nước thì đó mới sẽ là bản Hiến pháp vì dân vì nước, thực sự đoàn kết toàn dân chống tham nhũng, chống các bệnh tật bẩm sinh đã chuyển sang thời kỳ ung thư di căn do độc tài chính trị, độc quyền kinh tế sinh ra và mới có thể chống lại được hiểm họa xâm lược của bành trướng Bắc Kinh.

Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội,

Sau 38 năm được gọi là độc lập thống nhất, ổn định, phát triển, nhưng kỳ thật đất nước ta đã và đang đang lâm vào tình thế khủng hoảng toàn diện sâu sắc trên tất cả các lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; “nguy cơ tụt hậu” so với các nước vốn là nước nghèo nàn lạc hậu nhất Đông Nam Á, nay không còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực nhục nhã đau buồn; Hiểm họa Việt Nam ta bị mất nước, nhân dân ta trở thành nô lệ cho ngoại bang không còn là âm mưu, thủ đoạn xâm nhập, thôn tính, lũng đoạn kinh tế, chính trị, văn hóa, đe dọa quân sự, v.v. bởi anh bạn láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng”, mà trên thực tế đã và đang diễn ra bằng hành động công khai trắng trợn. Từ lâu, trên lãnh vực địa chánh trị, anh bạn láng giềng 4 tốt đã công khai bày binh bố trận, tạo thế chiến lược bao vây uy hiếp Việt Nam từ Biển Đông cho đến Campuchia, Lào kể cả Myanmar.

Như vậy rõ ràng là, Tổ quốc Việt Nam đang lâm nguy, nhân dân Việt Nam ta đang lâm cảnh sống tủi nhục lầm than bởi thù trong, giặc ngoài.Thù trong chính là bọn lợi dụng thể chế độc tài chính trị, độc quyền kinh tế cấu kết nhau hình thành thế lực quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm, mafia... thao túng, lũng đoạn Đảng, nhà nước, áp bức bóc lột nhân dân, cướp đoạt ruộng đất của nông dân, v.v.; giặc ngoài không ai khác, dĩ nhiên phải điểm tên anh bạn láng giềng 4 tốt. Nhưng, loại đối tượng trong thành phần lãnh đạo chóp bu của Đảng, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đến giờ phút Tổ quốc lâm nguy như hiện nay mà vẫn còn dùng quyền lực thống trị, cầm quyền lèo lái Quốc hội thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần sau cùng theo lập trường “4 kiên định” là thứ lập trường thuộc tàn dư của ý thức hệ Mao-ít thì loại người này cùng với tư tưởng, đường lối của họ không thể nói khác hơn, đó là tư tưởng, đường lối củathế lực cùng hội cùng thuyền với “bạn láng giềng 4 tốt, 16 chữ vàng” và như thế thì dù họ đang đội lốt gì, họ đang đại diện cho ai, thì họ cũng nguy hiểm đáng sợ hơn cả bọn giặc ngoài.

Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội,

Theo suy nghĩ như trên, cho phép tôi gởi đến tất cả quý vị Đại biểu Quốc hội niềm tin và hy vọng cuối cùng, vì: Trong tất cả quý vị, dù hơn 90% đều là những người cộng sản, nhưng tôi vẫn tin trong tình thế Tổ quốc lâm nguy, nhân dân bị đắm chìm trong nước sôi lửa bỏng như hiện nay thì hơn lúc nào hết: Vận mệnh của Tổ quốc, nhân dân sẽ được quyết định ở lá phiếu yêu nước và lương tri con người của tất cả quý vị.

Cũng chính trong tình thế Tổ quốc lâm nguy, lá phiếu của những người Cộng sản tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5, 6 và 7 đã từng bất ngờ đảo ngược tình thế ở phút thứ 89 làm cho âm mưu củng cố lực lượng của phe phái đi theo đường lối “4 kiên định” mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người cầm đầu đã thất bại thảm hại.

Cũng tương tự như thế, tại diễn đàn Quốc hội khóa trước, các Đại biểu Quốc hội dù bị bao vây, gò để ép thông qua dự án đường sắt cao tốc (một dự án khuất tất với mức đầu tư hơn 56 tỷ USD) và mặc dù nhóm lợi ích trong lãnh đạo Đảng, chính phủ, Quốc hội đã toa rập thông qua trước để tạo áp lực, nhưng vì biết rõ âm mưu và để tránh hậu quả con cháu thế hệ đời sau phải gồng lưng trả món nợ kếch xù này, nên bằng lá phiếu yêu nước quý vị Đại biểu Quốc hội đã bấm nút phủ quyết dự án kinh tế đầy khuất tất.

Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội

Kính thưa quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội

Tất cả quý vị đều từng tuyên bố: Tổ quốc, nhân dân trên hết! Vậy thì với tinh thần đó, tôi khẩn thiết bằng lá phiếu yêu nước của mình, quý vị hãy lên tiếng và bấm nút.

1/ Yêu cầu hoãn thời gian thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp vì ý kiến đóng góp của các nhóm chính trị xã hội chưa được phổ biến, tranh luận, phản biện công khai trên các phương tiện truyền thông, cần phải kéo dài thêm thời gian nghiên cứu, tranh luận, phản biện công khai đến cuối năm 2014.

2/ Yêu cầu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dành nhiều thời gian, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại công khai với tất cả các nhóm chính trị xã hội đã nghiêm túc, tâm huyết góp ý sửa đổi Hiến pháp bằng văn thư, tài liệu chính thức đã gởi tới cơ quan công quyền.

3/ Trong trường hợp bị buộc phải ấn nút thông qua cẩu thả lấy được “Bản Hiến pháp 4 kiên định”, “Bản Hiến pháp của Đảng vì Đảng” thì tôi vẫn hy vọng: Quý vị Đại biểu Quốc hội sẽ hành xử lá phiếu với lương tri và trách nhiệm công dân của mình

Xin trân trọng kính chào.

Ngày 10/11/2013

Người gởi tâm thư,

Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng

*Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA

Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc: vui hay buồn?

Ngày 12/11/2013 vừa qua, Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) Liên Hiệp Quốc (LHQ) vời một tỷ lệ rất cao. Thực tình mà nói, căn cứ vào cơ cấu của HĐNQ cũng như các ứng viên cho kỳ này, giới đấu tranh trong và ngoài nước không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhưng dù gì đi chăng nữa đây cũng là một “tin không vui” cho chúng ta, những người yêu chuộng và tôn trọng nhũng giá trị phổ quát của nhân loại. Tuy nhiên, sau những xúc động ban đầu, chúng ta hãy bình tâm xem xét mọi khía cạnh của vấn đề - nhưng từ nhãn quan của 184 nước đã bỏ phiếu cho VN để thấy rằng họ không hoàn toàn “bị lừa bịp” và cũng để thấy rằng con đường chúng ta đang lựa chọn cho dù còn nhiều chông gai nhưng vẫn có những cơ hội, những hy vọng nhất định.
Vài nét về các định chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc 


Ít được nhắc đến như Hội Đồng Bảo An (HĐBA), nhưng Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội (viết tắt là ECOSOC) là một cơ cấu cực kỳ quan trọng của Liên Hiệp Quốc. ECOSOC có nhiệm vụ về các vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Năm 1946, ECOSOC đã thành lập Ủy ban Nhân Quyền (UBNQ) có nhiệm vụ kiểm soát việc tôn trọng các điều khoản đã ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ.

UBNQ gồm 53 thành viên chia thành: châu Âu: 15, châu Phi: 15: châu Mỹ: 11, châu Á: 12. UBNQ nhóm họp hàng năm vào tháng 3, khóa họp kéo dài 6 tuần tại trụ sở ở Genève. Trong khóa họp này, ngoài 3000 đại diện các nước thành viên còn có sự hiện diện của 200 tổ chức phi chính phủ. Đây là điểm hết sức quan trọng, vì qua đó UBNQ muốn lắng nghe tiếng nói khác với các tiếng nói "chính thống".

Khác với HĐBA, các quyết nghị của UBNQ không mang tính ràng buộc nhưng vị thế của UBNQ quan trọng ở chỗ là nó liên quan đến một vấn đề vô cùng nhậy cảm với tất cả các quốc gia, cho dù đó là thành viên hay không của HĐBA, cho dù đó là một cường quốc hay một nước kém phát triển, cho dù đó là một quốc gia trong thời chiến hay thời bình. Đó là vấn đề nhân quyền. Mà nhân quyền (đối tượng của UBNQ) khác chiến tranh (đối tượng của HĐBA) ở chỗ đó là những khái niệm trừu tượng hơn, do con người đặt ra và diễn giải tùy tiện. Chính vì thế nên UBNQ thường xuyên là diễn đàn cực kỳ căng thẳng.

Một trong những phiên họp gay go nhất đã xảy ra vào năm 2001 tại Durban (Nam Phi). Chủ đề của phiên họp là bàn về nạn kỳ thị. Tuy nhiên kỳ thị ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng chứ không đơn thuần là kỳ thị về màu da, về chủng tộc và hơn nữa, vì mang tên là UBNQ nên chắc chắn nội dung cũng sẽ đi đến hoặc xoay quanh vấn đề nhân quyền. Chính vì hiểu theo nghĩa rộng ấy nên phạm vi ảnh hưởng của nó lan toả khắp năm châu và đặc biệt là như vấn đề Tây Tạng và Pháp Luân Công.

Ngay trước ngày khai mạc, "đánh hơi" thấy mũi dùi hướng vào mình, Trung Quốc đã tích cực "đi đêm", vận động hành lang để một mặt triệt tiêu tất cả các hướng tấn công đến từ các hiệp hội như Ân Xá Quốc Tế, Quan sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), đồng thời xúi giục các nước Phi châu cũng nằm trong danh sách bị cáo, các nước Ả Rập nhằm làm "chìm xuống" vấn đề Tây Tạng. Hội nghị Durban được khai mạc trong một không khí cực kỳ căng thẳng. Mặc dù chủ đề của hội nghị đặt trọng tâm vào vấn đề kỳ thị, và mở rộng ra sang các quyền con người, nhưng các nước trong khối Ả Rập đã biến diễn đàn thành một tòa án kết tội Israel. Nhiều quan sát viên, và kể cả bà Tổng Thư Ký Mary Robinson cũng chán nản, bất lực trước tình trạng bát nháo và thô bạo của một số quốc gia Ả Rập và Phi Châu.

Nhiều ngày sau, với sự kiên trì và mềm mỏng của ban chủ tọa cũng nhu của Liên Hiệp Âu Châu, Hội nghị cũng dần tiến đến việc thông qua một số nội dung quan trọng. Đến lúc này Trung Quốc tung ra một đòn mới: kết hợp vói các nước như Burundi, Cuba, Indonesia, Nigeria, Qatar, Myanmar, Sudan, Việt Nam thành một khối được các quan sát viên gọi là "like-minded", tạm dịch là "cùng hội cùng thuyền" hay nói toạc ra là "một băng đảng" vì các nước trên đang nằm trên danh sách đen của UBNQ. Nhóm này chiếm một trọng lượng đáng kể trong nên thao túng hoàn toàn hội nghị, đồng thời dựa trên một nguyên tắc là không được xâm hại đến chủ quyền quốc gia nhằm triệt tiêu mọi mũi dùi nhắm vào họ. và cuối cùng Durban đã không đạt được mục tiêu ban đầu của mình.

Sau thất bại này, bà Mary Robinson từ chức. Đúng ra là bà ta đã thấy sự vô hiệu quả của UBNQ trước sự thao túng của một số quốc gia thành viên, nhưng bà Robinson cố gằng thuyết phục những nước còn lại đưa ra một văn bản đánh dấu cho Hội nghị Durban.

Sự thao túng của nhóm các nước "băng đảng" lên đến đỉnh điểm khi họ đi đêm để loại Mỹ ra khỏi UBNQ trong nhiệm kỳ 2002 và bầu chủ tịch mới là... Libye của Khadafi. Xướng ngôn viên của đài truyền hình A2 của Pháp trong bản tin 20giờ đã thốt lên: "Xin quý thính giả nghe rõ, đây không phải là một trò đùa, nhưng Libye vừa được bầu vào ghế chủ tịch UBNQ LHQ...".
Hội Đồng Nhân Quyền và cuộc họp 12/11/2013.

Được đưa ra từ năm 2006 để thay thế UBNQ làm việc kém hiệu quả, tuy nhiên HĐNQ vẫn duy trì cơ cấu cũ là phân phối số ghế thành viên theo vùng đia dư. TỔng cộng có 5 vùng lãnh thổ chia nhau 47 ghế. Riêng vùng châu Á Thái Bình Dương có 13 ghế. Nhiệm kỳ là 3 năm nhưng hàng năm sẽ bầu lại 1/3 để đảm bảo tính thời sự. Năm 2013 châu Á sẽ bầu lại 4 thành viên. Các ứng viên sẽ được bầu từ Đại Hội ĐỒng LHQ bao gồm 192 nước.

Ngay từ khi các nước nộp đơn ứng viên, nhiều tiếng nói đã nổi lên khi biết đó chính là những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. Trong vùng Á châu là Trung Quốc, Ả Rập Saudi và VN. Bà Peggy Hicks của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) đã than thở "Với sự hiện diện của Nga, Trung Quốc, Ả Rập, Saudi, những người bảo vệ nhân quyền sẽ có nhiều việc phải làm cho năm tới.". Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) gồm 178 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện nhân quyền của Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hà Nội có được ghế tại Hội đồng Nhấn quyền Liên hiệp quốc. Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH nói: “Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi.”. Còn Ông Robertson thuộc Human Rights Watch (HRW) nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc."

Những diẽn biến sau đó chứng tỏ lời thẩm định của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) là có lý: lần lượt Iran được bầu vào Hội đồng về Nữ quyền (CSW), Syrie được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền của UNESCO và Ả Rập Saudi được bầu vào Hội Đồng Bảo An LHQ. Đến cận ngày bầu cử mọi việc đã rõ mười. Trong vùng châu Á Thái Bình Dương, chỉ có 4 ứng viên cho…4 ghế. Sau khi kết quả được công bố, Hillel Neuer, Tổng giám đốc của UN Watch (UNW), một tổ chức phi chính phủ đấu tranh trong lãnh vực nhân quyền đã phải thốt lên: “Đây là một ngày đen tối cho nhân quyền, những kẻ đúng ra phải đứng trước vành móng ngựa thì nay lại chễm chệ trên ghế quan tòa (…) Danh sách ô nhục này gồm Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Cuba, Algerie, Tchad và Việt Nam”.

Những NGO và những người đấu tranh cho nhân quyền quả đã không sai khi cho rằng “ngày hôm nay, nhiều nước gia nhập nó không phải vì họ có thành tích tốt về nhân quyền nhưng lại là những nước vi phạm nhiều nhất. Họ vào chỉ để với mục đích biện hộ cho những thành tích bất hảo của họ”. Và kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 12/11 đã xác định một điều rằng “Một nước được bầu vào HĐNQ không có nghĩa là họ thực sự tôn trọng nhân quyền”. Thiết nghĩ đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho những khoe khoang của Hà Nội rằng đã “đã thành công trong việc tạo được một uy tín lớn trên diễn đàn quốc tế. Điều này cũng thể hiện sự tín nhiệm và ủng hộ của các quốc gia trên thế giới dành cho Việt Nam”.

Tuy nhiên, một thắc mắc không thể không đặt ra là tại sao những “tên đồ tể của nhân quyền” này lại được Đại Hội Đồng LHQ thông qua với một số phiếu cao như vậy? VN được bầu với tỉ lệ 184/192 (vì bầu kín nên không biết 8 nước phản đối hay bỏ phiếu trắng là ai). Ai cũng rõ là các nước trong “danh sách ô nhục” này đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để “đi đêm” trước ngày bỏ phiếu nhưng không lẽ Trung Quốc và Nga lại có thể thao túng và mua chuộc cả thế giới? Muốn trả lời câu hỏi này chúng ta phải lui về thời điểm 12 năm trước, khi hội nghị Durban kết thúc.
Phú quý sinh lễ nghĩa

Việc Libye được bầu vào chức chủ tịch UBNQ hoặc các nước như Trung Quốc, Bahrein, Cuba, Zimbabwe, Sudan và Việt Nam được bầu làm thành viên của UBNQ vào năm 2001 bỗng nhiên tạo cho cộng đồng thế giới tiếp cận với một suy nghĩ mới, một phương cách hoạt động mới. Một mặt họ tìm cách khai tử UBNQ và đến năm 2006 cho ra đời Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) với những mục đích hữu hiệu hóa chức năng của định chế này. Nhưng đìều quan trọng hơn cả là họ điều chỉnh nguyên tắc hoạt động. Kể từ giờ họ tránh tình trạng đối nghịch giữa các thành viên và tìm cách “lôi kéo” các nước “băng đảng” tham gia sâu vào HĐNQ vì theo họ các nước vi phạm nhân quyền luôn luôn phải chứng tỏ mình không hề vi phạm nhân quyền bằng cách (này hay bằng cách khác) tham gia vào các diễn đàn kiểu HĐNQ để thao túng, nhưng việc này lại tạo ra nhiều phản ứng tích cực khác:

- Trước tiên, với tư cách là thành viên, họ khó có quyền từ chối các thanh tra nhân quyền trên lãnh thổ của họ như đã từng làm trong quá khứ, đây là trường hợp của Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Algerie và Việt Nam (cũng lại những khuôn mặt cũ!). 18 chuyên gia của HĐNQ sẽ hoạt động độc lập, khách quan và không chịu bất kỳ sức ép của bất kỳ cơ quan hoặc của chình phủ nào. Một cái khác giữa UBNQ và HĐNQ là định kỳ các thành viên phải tường trình về tình trạng nhân quyền trong nước của mình.

- Sau nữa, với tư cách là thành viên HĐNQ, khi ban hành hoặc kiểm soát các nước khác họ cũng phải ít nhiều e ngại lời chỉ trích của các nước này. Điều này có khả thi hay không cũng chưa ai biết được vì chẳng ai có thể tiên đoán hoặc đo lường phản ứng của các nhóm “băng đảng”. Nhưng khi quyết định dùng “biện pháp mềm” có lẽ cộng đồng thế giới cũng đã nhìn thấy từ các ảnh hưởng tích cực khi thu nhận Trung Quốc, Nga, VN và các nước độc tài vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới khiến cho các nước này suốt ngày phải “đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng”, đồng nghĩa với việc xa rời cái ý thức hệ độc tài và lỗi thời.

- Tuy nhiên điều quan trọng là cơ cấu HĐNQ không có quyền phủ quyết và nếu nhìn vào thành phần 47 nước thành viên thì các nước trong nhóm “băng đảng” vẫn chiếm thiểu số. Bà Peggy Hicks, HRW cũng bày tỏ lạc quan "với việc không có quyền phủ quyết, chúng ta sẽ đạt được nhiều tiến bộ cụ thể”.

Với những ràng buộc này, liệu HĐNQ có thành công hơn UBNQ trong sứ mạng của mình? Liệu định chế này, với những biện pháp “dỗ ngọt” này có thành công trong việc cải thiện được tình trạng đối nghịch hoặc “cải tà quy chánh” được những nước trong “danh sách ô nhục” ? Con đường còn lắm gian truân nhưng có lẽ nó tuỳ thuộc vào nạn nhân chứ không vào các người cầm quyền.

Và cũng chính vì lẽ đó, việc VN được bầu vào HĐNQ sẽ đặt cho những người yêu chuộng tự do những thách thức và những cơ hội mới, đó là chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để cả thế giới thấy khát vọng chính đáng của mình đang bị một chế độ và là thành viên của HĐNQ đàn áp. Những động thái của nhà cầm quyền VN sẽ bị săm soi kỹ hơn và kể từ đây "nhất cử nhất động" của họ cũng được thế giới chú ý kỹ hơn. Phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ như HRW, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), UNW, Freedom House, FIDH… về việc các nước vi phạm nhân quyền trầm trọng như Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, VN, Cuba, Venezuela… cũng đang “hứa hẹn” cho các nước “băng đảng” một tương lai khá “bận rộn”.

Ước mong rằng đảng CSVN nhìn ra được mặt tốt của vấn đề, biết xem đó là một cơ hội chứng tỏ mình thực sự là một quốc gia tiến bộ, vĩnh viễn rời bỏ cái băng đảng chuyên quậy phá ngày xưa, hội nhập thực sự và toàn diện vào cộng đồng thế giới văn minh. Từ bỏ thái độ cao ngạo độc tôn của mình để lắng nghe nguyện vọng của toàn dân.

Đây sẽ là cách tốt đẹp và hữu hiệu nhắt để xây dựng một nước VN thật sự tự do, dân chủ.

Sàigòn, 14/11/2013
Phạm Minh Hoàng
(Dân luận)

Cảnh giác với nhóm lợi ích thân hữu

Doanh nghiệp đưa hối lộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để mong được việc là chuyện không mới. Nhưng cho đến nay, người ta vẫn quen với suy nghĩ theo đó, doanh nghiệp trong quan hệ với người nắm quyền lực công là người đi cầu xin và giữ thế yếu, đưa hối lộ là việc làm bấm bụng, cực chẳng đã trong điều kiện bị quan chức hạch sách, nhũng nhiễu.
Có một cách tiếp cận khác để nhìn nhận bản chất của mối quan hệ giữa hai bên, được Tổng Thanh tra Chính phủ giới thiệu trong cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12. Với cách tiếp cận đó, tham nhũng được cho là kết quả sự câu kết tự nguyện giữa các bên có liên quan để thỏa mãn lẫn nhau về nhu cầu tìm kiếm lợi ích. Từ sự câu kết ấy, hình thành cái gọi là “nhóm lợi ích thân hữu”. Trong khuôn khổ nhóm, bên này chuyển giao cái mình nắm giữ trong tay và được bên kia trông đợi: doanh nghiệp cần một quyết định của nhà chức trách có nội dung thuận lợi cho công việc làm ăn của mình, còn người có quyền ra quyết định thì thích có nhiều tiền; thế là các bên trao đổi một cách đầy tình thân mến và ai cũng vui vẻ, hài lòng.

Có trường hợp doanh nghiệp thật sự đóng vai trò chủ động trong mối quan hệ thông đồng này. Chấp nhận sống chung với tham nhũng, doanh nghiệp không coi đó là một tệ nạn mà chỉ đơn giản là một vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết để công việc kinh doanh được suôn sẻ. Doanh nghiệp xác định việc tiếp cận và tác động vào suy nghĩ của những người giữ những vị trí có quyền ra quyết định là một phần tác nghiệp chuyên môn bình thường, một khâu chính thức trong quy trình tạo ra sản phẩm. Doanh nghiệp đưa hối lộ theo cách người ta thực hiện một hoạt động chuyên nghiệp; số tiền đút lót được coi là một khoản chi phí đầu tư, gọi là chi phí bôi trơn, và được đưa vào giá thành.
Bài bản giao tiếp ấy có thể được áp dụng để trao đổi lợi ích ở mọi cấp độ và trên mọi quy mô, từ một quyết định thuận lợi cho một vụ việc nho nhỏ đến một quyết định quan trọng, liên quan đến một dự án lớn, thậm chí một quyết định mang ý nghĩa chủ trương, chính sách.
Không loại trừ khả năng sự chủ động của doanh nghiệp, nói chung của người có tiền, có thể được đẩy đi thật xa. Chẳng hạn, khi đối diện với những người giữ các vị trí nhất định trong bộ máy, các đại diện của một thế lực kinh tế hùng mạnh mang dáng dấp của người đi chinh phục, người bề trên: họ ban phát cho người này, người nọ đang thực thi phận sự công để nhận lại được sự phục vụ mà họ cần; ai không chịu nhận quà cáp, không hợp tác để giải quyết thỏa đáng yêu cầu của họ thì có thể bị cho ra rìa, thậm chí bị loại khỏi bộ máy. Quyền lực công trong trường hợp này bị khống chế và được lèo lái theo ý chí của người kiểm soát quyền lực của đồng tiền.
Một khi quan hệ công - tư đặc trưng bởi sự chi phối, thao túng của tư nhân, che mờ luôn cả sự quan liêu, cửa quyền của công chức, viên chức thì luật pháp, kỷ cương có nguy cơ bị đẩy lùi, xếp xó và bị thay thế bởi các chuẩn mực ứng xử bất thành văn của thế giới ngầm.
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
(Tuổi trẻ)

Trung Quốc ngăn mua bán cô dâu Việt

Công an Trung Quốc đang ra sức trấn áp nạn mua bán cô dâu Việt Nam khi họ bỗng trở thành chiêu trò khuyến mãi nhân ngày độc thân 11-11.

“Nếu tham gia nhóm hẹn hò đến Việt Nam, chúng tôi sẽ cung cấp ít nhất 300 phụ nữ địa phương để lựa chọn” - nhiều trung tâm môi giới cô dâu Việt trực tuyến đon đả chào mời. Hay những lời quảng cáo của một vài tour du lịch đến Việt Nam để kiếm vợ: “Chúng tôi sẽ đưa bạn đến Việt Nam để tìm thấy tình yêu đích thực”, “Hãy đến Việt Nam vì cô gái không mê xe hơi và nhà cửa”.
 
Trang web 55tuan.com thậm chí còn đưa ra chương trình rút thăm may mắn kéo dài đến ngày 13-11 cho đàn ông độc thân Trung Quốc. Nếu họ chọn một cô dâu Việt Nam, phần thưởng là hoàn lại tiền vé khứ hồi cho người chiến thắng.
 
Ông Hà đưa ra giấy tờ liên quan đến cô vợ chạy trốn Ảnh:MẠNG TÂN AN
Theo giới chức Trung Quốc, cô dâu Việt Nam được giới thanh niên có thu nhập thấp ở nước này nhắm đến. Thời báo Bắc Kinh lý giải phụ nữ Việt Nam “ít đòi hỏi và biết vâng lời” hơn phụ nữ bản xứ. Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Chống buôn người của Bộ Công an Trung Quốc Trần Thạch Cừ nhấn mạnh con người không phải là món hàng để giao dịch, kinh doanh nên tệ nạn nói trên không khác gì hành vi bắt cóc và hôn nhân giả mạo.
Thực tế, những “giao dịch” kể trên thường tiềm ẩn rủi ro vì phần lớn liên quan đến chuyện buôn người. Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh dẫn câu chuyện về một cư dân gốc Bắc Kinh họ Hà. Ông này đã dành 70.000 nhân dân tệ (khoảng 11.494 USD) cho 2 cô dâu Việt. Sau khi nộp 30.000 nhân dân tệ cho trung tâm môi giới, ông Hà đã đến Việt Nam. Tuy nhiên sau một thời gian dài chờ đợi, cô dâu tương lai chẳng thấy đâu mà ông Hà còn bị công ty sa thải vì ở lại Việt Nam quá lâu. Người đàn ông này chỉ còn biết uất ức tố cáo bị “các trung tâm môi giới hôn nhân gài bẫy”.
Huệ Bình

Không thần thánh hóa nghề giáo

'Giáo dục ở Việt Nam dường như là một công cụ định hướng tư tưởng'
Trong xã hội Việt Nam, nghề giáo viên được tôn vinh đặc biệt nhưng nghề giáo viên có thực sự là một nghề cao quý hơn so với các nghề khác?
Con người có nhiều nhu cầu, học tập chỉ là một trong số đó.
Với những nhu cầu khác nhau, sẽ có sự phân công lao động khác nhau, tương ứng với những ngành nghề khác nhau.
Mỗi nghề đều có sự đóng góp riêng, vai trò riêng, không thể so sánh nghề nào tốt hơn hay cần thiết hơn. Nghề giáo viên, xét về bản chất, cũng chỉ là một hình thức tạo ra sản phẩm, hàng hóa, mà ở đây người bán là giáo viên, người mua là học sinh.
Phẩm chất cao quý không thuộc về đặc trưng nghề nghiệp mà thuộc về người làm nghề có trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm có ích, chất lượng tốt cho xã hội.
Một người làm nghề quét rác có trách nhiệm, cũng đáng trân trọng không kém gì một người giáo viên yêu nghề.
Như vậy, nghề giáo viên không phải là một nghề cao quý hơn so với những nghề khác.
Vậy, tại sao nghề giáo viên lại được lí tưởng hóa và tôn vinh ở Việt Nam?
Một lí do được cho rằng nghề giáo viên cao quý hơn các nghề khác bởi quan niệm, đây là nơi giáo dục nhân cách cho con người. Khi đến trường, ngoài việc tiếp thu tri thức, trẻ em sẽ được giáo viên trông nom, dạy bảo thành người.
Nhưng rõ ràng nhân cách không thể chỉ được hình thành trong trường học, mà phần lớn được vun đắp ở trường đời.
Và người thầy cũng không thể là thước đo nhân cách, khi bản thân cũng chỉ là một con người bình thường.
Một điều đáng bàn nữa là, đầu vào của hấu hết các trường sư phạm Việt Nam hiện nay có điểm chuẩn thấp hơn các trường khác.
Đây chính là hệ quả của một nền giáo dục bị chi phối bởi tư tưởng Khổng Tử coi thầy cô là cha mẹ
Tức là người thầy, nếu xét riêng về tri thức, so với mặt bằng chung, ở vị trí không cao.
Lý do nữa, đó là quan niệm, học sinh phải biết ơn và ghi nhớ công ơn người thầy. Đây chính là hệ quả của một nền giáo dục bị chi phối bởi tư tưởng Khổng Tử coi thầy cô là cha mẹ.
Điều này là một sự bất công với các nghề khác. Bất kỳ người làm nghề nào, khi cung cấp một sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ tận tình đều đáng được ghi nhận và trả công xứng đáng, không riêng gì người giáo viên.
Nghề giáo viên ở Việt Nam được gắn mác dạy dỗ nên mặc nhiên cho phép người giáo viên nhận lòng biết ơn của chính đối tượng khách hàng mình đang phục vụ và đã được trả công.
Hơn thế nữa, giáo dục ở Việt Nam dường như đang là một công cụ để quản lý, định hướng tư tưởng đối với thế hệ trẻ. Và có thể chính vì vậy, phải thần thánh hóa những người đứng trên bục giảng để có thể đạt được mục đích này.

Dẫn đến hệ lụy gì?

Vì được lý tưởng hóa nên người giáo viên quên mất vai trò của mình đơn thuần chỉ là người làm nghề mà luôn mang tâm lí của người trên.
Không nhìn học sinh như đối tượng cần được đầu tư mà là đối tượng được ban ơn. Không coi học trò bình đẳng, không coi trọng cái “tôi cá nhân” của học trò.
Dẫn đến duy ý chí, muốn áp đặt, thay đổi, nhào nặn theo ý mình. Từ đó tạo ra những con người thụ động, thiếu sự sáng tạo, thiếu chính kiến, thiếu tư duy độc lập.
Khi đi mua hàng ta có quyền thử và lựa chọn sản phẩm phù hợp. Nhưng với sản phẩm giáo dục việc chọn lựa hoàn toàn không có.
Tại sao vậy?
"Nền giáo dục không coi học sinh như đối tượng cần được đầu tư mà được ban ơn, không coi học trò bình đẳng, không coi trọng cái “tôi cá nhân” của học trò"
Chính bởi quan niệm là nghề cao quý nên giáo dục thiếu sự quan tâm đến nhu cầu của người học. Người thầy truyền đạt những cái mà ông ta cảm thấy cần, chứ không phải cái học sinh thực sự cần.
Nhất là xã hội Việt Nam đánh giá con người qua bằng cấp, ngành giáo dục lại được quyền phân phối sản phẩm bằng cấp.
Tất cả dẫn đến một hệ luỵ: giáo dục đưa ra những sản phẩm bất kể chất lượng có đảm bảo hay không, người mua cũng phải chấp nhận.
Sự lí tưởng hóa quá mức ấy đã trở thành cái gông đeo vào cổ của chính người giáo viên. Họ phải tỏ ra đạo mạo, phải trở thành những điển hình nhân cách, những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, dù muốn dù không.
Và những tác động tiêu cực của cuộc sống đã làm cho hình tượng của người giáo viên trở thành “méo mó” trong chính con mắt những đứa trẻ họ đang dạy dỗ hàng ngày.
Nghịch lí ấy khiến bao nỗ lực đối với “Sự nghiệp trồng người” thành phản tác dụng.
Nếu người Việt Nam không mặc định coi nghề giáo viên cao quý hơn các nghề khác thì Việt Nam sẽ có một nền Công nghiệp Giáo dục theo đúng ý nghĩa.
Hãy nhìn nhận nghề giáo viên đúng bản chất như vốn có. Đó mới là sự tôn vinh công chính nhất.
Hải Lam
Bạn đọc trang BBC Tiếng Việt
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Hải Lam từ TP. HCM. BBC mong nhận được các ý kiến đa dạng về đề tài này cũng như về các chủ đề xã hội, giáo dục.

Cục trưởng vạ miệng vì phát ngôn “tận hưởng cưỡng hiếp”

Thứ Tư, 13/11/2013 18:22

(NLĐO)- Một quan chức cảnh sát cấp cao của Ấn Độ ngày 13-11 đã phải mở lời xin lỗi sau khi vấp phải sự phẫn nộ gay gắt khắp cả nước vì phát ngôn: “Bị cưỡng hiếp, nếu không thể kháng cự thì hãy tận hưởng”!

Cục trưởng Cục Điều tra Ấn Độ (CBI) Ranjit Sinha hôm 12-11 có bài phát biểu khá dài trong hội nghị về các hoạt động cá cược phi pháp và sự cần thiết phải có biện pháp đưa các hoạt động này vào khuôn khổ kiểm soát của pháp luật.


Ông Ranjit Sinha đã lên tiếng xin lỗi và cho rằng phát ngôn của ông đã bị hiểu nhầm. Ảnh: AP


Các đại biểu tham dự hội nghị gật gù đồng ý với những đề xuất thể hiện sự dứt khoát của CBI về việc áp dụng các lệnh cấm đối với nạn cờ bạc, qua bài phát biểu hùng hồn của vị cục trưởng. Song, họ bất ngờ khựng lại khi ông tuyên bố: “Nếu chúng ta không thể thực hiện được lệnh cấm đối với các hoạt động cá cược thì cũng giống như người ta hay nói “Không ngăn được hiếp dâm thì cứ tận hưởng”!

Phát ngôn này lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ khắp Ấn Độ - nơi năm qua chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ chống nạn hiếp dâm sau cái chết thương tâm của nữ sinh viên 23 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở New Delhi.

Hôm 13-11, cục trưởng Sinha đã lên tiếng giải thích phát biểu của ông đã bị hiểu nhầm khi đưa ra khỏi bối cảnh cuộc họp, rằng ông rất tiếc vì sự hiểu nhầm đó đã khiến nhiều phụ nữ tổn thương.

Hiếp dâm hiện là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Ấn Độ. Vì thế, nhiều nhà hoạt động xã hội đã rất giận dữ và đòi ông Sinha phải từ chức. “Không thể chấp nhận được một người giữ trọng trách cao nhất trong các cuộc điều tra hiếp dâm lại có suy nghĩ như vậy. Ông ta nhất định phải bị kiện ra tòa vì sự phỉ báng đó đối với phụ nữ” - nhà hoạt động Karat gay gắt.

Vụ tấn công tình dục nữ sinh viên nói trên xảy ra hồi tháng 12-2012 đã gây ra sự phẫn nộ khắp cả nước, buộc chính phủ Ấn Độ phải thay đổi luật liên quan tới tội cưỡng hiếp. Trong đó, những “yêu râu xanh” tái phạm hoặc gây ra cái chết của nạn nhân phải đối mặt án tử.
Linh San (Theo AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét