Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Bài viết đáng chú ý

Cứu hộ hình thức, cứu trợ đểu ở miền Trung

Diễn tập cứu hộ
Diễn tập cứu hộ. RFA
Nghe bài này

Mùa Đông miền Trung với những trận lụt kinh người, nhà trôi, người trôi, súc vật lổn ngổn trong dòng nước… Mùa Đông miền Trung với hàng hàng lớp lớp nỗi lo của nông dân nghèo cùng căn nhà tạm bợ, yếu ớt trước những tin áp thấp nhiệt đới, trước những trận bão quăng quật và ngốn nuốt tài sản dân nghèo vào bụng gió… Mùa Đông miền Trung với đời sống đôi khi phải chìa tay đợi ai đó cứu trợ. Và những phần quà cứu trợ bị cắt xén, những trò diễn tập cứu hộ hình thức.

Cũng như nhiều mùa Đông trước, năm nay, chương trình thực tập cứu hộ ở các xã ven biển và đồng bằng miền Trung diễn ra tương đối trễ, khi nghe tin bão số 10 đang tiến vào đất liền, trò diễn tập lại tái hiện. Cũng loa kèn, hò reo, cũng hô xung phong và báo cáo thành tích như mọi năm.

Một người làm trong ban diễn tập cứu hộ ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đã buồn rầu kể với chúng tôi, ông thấy mọi thứ diễn ra trông giống như trò hề rẻ tiền.

Thường thì một nhóm khoảng chừng hai chục người, có người dẫn đầu là trưởng ban an ninh thôn hoặc trưởng chi hội phụ nữ xã, thôn, những người này được kêu gọi đi tập huấn chương trình cứu hộ bằng lời hứa sẽ trả công mỗi người từ 60 - 100 ngàn đồng cho mỗi buỗi tập huấn và cấp cho một áo phao trong thời gian tập huấn. Xong buổi tập huấn thì trở về nhà, trả lại mọi thứ và nhận tiền, trưởng nhóm báo cáo thành tích lên bên trên là xem như xong.
Trên bến sông nhựng ngày nước lũ. RFA
Trên bến sông nhựng ngày nước lũ. RFA
Nhưng năm nào mà chẳng thế, cứ thực tập đủ chuyện nhưng đến khi có bão lụt thì phần ai nấy lo. Thậm chí, trong đội cứu hộ có cả người chống nạn. Những người này đi theo chủ yếu để lấy ngày công chứ cứu được ai
Một người dân ở Mộ Đức, Quảng Ngãi tên Hứa đã phàn nàn là ông thấy hết sức phiền toái và khôi hài khi đang ngủ trưa thì có một đoàn mặc áo in logo chữ thập đỏ đến nhà đánh thức ông dậy và sau đó tỏ ra xuống nước khi ông nổi nóng. Một người đứng đầu trong nhóm giới thiệu với ông họ là đoàn cứu hộ đi tập sự, bây giờ họ hỏi ông có cần họ giúp cứu hộp trong mưa bão hay không. Ông Hứa cám ơn họ và nhận lời, sau đó, người này nói nếu đồng ý thì vui lòng gọi người trong nhà dậy để những người tập sự khiêng lên gác và bấm giờ thử tốn bao nhiêu thời gian.

Ông Hứa cám ơn và nói rằng mẹ của ông đã gần trăm tuổi, đang nghỉ trưa, không thể gọi dậy được, vì người già rất ngại tự dưng bị ai đó bất ngờ bồng xốc đưa đi đâu đó, trừ khi quá cần thiết. Tốt nhất là cho ông xin số điện thoại và khi nào có sự cố, ông sẽ gọi cứu hộ. Những người này nói rằng họ cần phải báo cáo kết quả nên rất mong ông cộng tác. Thấy không xong, ông Hứa nói họ cứ việc báo cáo là đã thực hiện xong công việc, khi nào cần thì ông gọi.

Nghe ông Hứa nói thế, người trưởng ban vui vẻ bắt tay, cám ơn gia đình và khi vừa bước ra tới cửa, ông ta không quên rút điện thoại gọi ngay cho trung tâm cứu hộ để báo cáo là đã thực hiện xong, kết quả rất tốt, tốn hết 8 phút. Và đương nhiên là ông trưởng ban đó chẳng để lại số điện thoại cho ông Hứa. Sau đó, họ ra ngoài cái ao nhỏ ngoài đám ruộng gần nhà ông để thả ghe xuống và thực tập vớt người bỏ lên ghe, tiếng hô vang khắp xóm, vỗ tay rào rào… Nhưng đối tượng họ đang thực tập là một cây chuối sứ nổi trên mặt nước.

Kể đến đây, ông Hứa lắc đầu chán nản, nói rằng ông thấy trong số những người đi thực tập có cả hàng xóm của ông, họ cũng có vẻ hăng hái, xông xáo lắm. Nhưng năm nào mà chẳng thế, cứ thực tập đủ chuyện nhưng đến khi có bão lụt thì phần ai nấy lo. Thậm chí, trong đội cứu hộ có cả người chống nạn. Những người này đi theo chủ yếu để lấy ngày công chứ cứu được ai.
Vùng quê ngập lụt. RFA
Vùng quê ngập lụt. RFA
Thuyền cứu hộ xuất hiện, họ chạy rất nhanh, bắt loa kêu bà con nên làm thứ này nên làm thứ kia, đủ các thứ. Mỗi lần họ rồ ga thì nước nổi sóng. Đến lần rồ ga thứ tư của họ thì sóng cuốn sập chái hiên có treo lồng gà nhà bà. Tài sản duy nhất còn lại của bà xem như đổ biển
Từ cứu hộ dỏm đến cứu trợ đểu
Đó là chuyện diễn ra trước thiên tai, trong lúc thiên tai, suốt nhiều năm nay, người dân cũng trơ trọi, cô đơn đối diện với nó, hiếm có nhóm cứu hộ nào xuất hiện. Bà Nết, người Đức Phổ, Quảng Ngãi, than thở với chúng tôi rằng bà rất sợ mỗi khi có lụt mà xuất hiện thêm các đội cứu hộ, thà đừng có họ còn hay hơn. Vì năm 2009, nhà bà bị lụt ngậm, mọi thứ vật dụng không kịp dọn hầu như trôi sạch, chỉ còn một chiếc lồng chứa hai mươi con gà nằm treo tòng teng trên ngọn chái củi. Nước đang lên, bỗng dưng có thuyền cứu hộ xuất hiện, họ chạy rất nhanh, bắt loa kêu bà con nên làm thứ này nên làm thứ kia, đủ các thứ. Mỗi lần họ rồ ga thì nước nổi sóng. Đến lần rồ ga thứ tư của họ thì sóng cuốn sập chái hiên có treo lồng gà nhà bà. Tài sản duy nhất còn lại của bà xem như đổ biển. Bà chỉ biết ngồi thu lu trên gác mà khóc.
Sau thiên tai, vấn đề cứu trợ cũng gây nhức nhối không kém. Các loại hàng giả, hàng đểu thi nhau tuồn vào khu vực thiên tai. Một người có quá trình làm cứu trợ khá lâu năm, đại diện cho một nhóm cứu trợ tự phát, không liên quan đến nhà nước, yêu cầu giấu tên, kể với chúng tôi là ông thật sự kinh hãi cho cái gọi là cứu trợ nhân đạo ở Việt Nam. Mỗi lần dân miền Trung gặp nạn cũng là mỗi lần cơ hội cho các công ty. Một công ty nào đó đang trốn thuế chẳng hạn, khi nghe thiên tai, liền lên kế hoạch đứng ra cứu trợ. Họ liên kết với các kho gạo, các hãng mì ăn liền để mua hàng loại dỏm, hết hạn sử dụng, sau đó căng băng rôn, biểu ngữ, dắt theo đài truyền hình, báo chí, về tổ chức phát cứu trợ rình rang.
Một công ty nào đó đang trốn thuế chẳng hạn, khi nghe thiên tai, liền lên kế hoạch đứng ra cứu trợ. Họ liên kết với các kho gạo, các hãng mì ăn liền để mua hàng loại dỏm, hết hạn sử dụng, sau đó căng băng rôn, biểu ngữ, dắt theo đài truyền hình, báo chí, về tổ chức phát cứu trợ rình rang
Sau đó, đài báo đưa tin, khen ngợi tinh thần lá lành đùm lá rách của họ, vô hình trung, chỉ cần tốn ít tiền nhưng được lăng xê, quảng cáo rùm beng, tên tuổi công ty được đánh bóng. Nhưng phần quà của bà con thì có khi chẳng dùng được vì quá hạn sử dụng hoặc chất lượng quá kém. Đó là chưa kể đến chuyện nhân viên cứu trợ đã cắt xén khá nhiều trong quá trình mang quà đến với dân nghèo. Thêm nữa, những nhân viên, công chức bán chuyên trách ở các địa phương cũng là tấm lưới lọc quà cứu trợ hiệu năng nhất.

Một nông dân tên Niềm, ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đã bức xúc kể với chúng tôi rằng trong trận lụt năm 1999, 2009 và 2010, ông luôn có tên trong danh sách nhận quà cứu trợ nhưng chưa bao giờ thấy quà. Có nhiều lần, đoàn cứu trợ về, các nhân viên  bán chuyên trách của xã chạy hớt ha hớt hải về nhà kêu người bà con lên đứng xếp hàng nhận quà. Nhận xong quà, đoàn cứu trợ vừa quay đi thì các nhân viên bán chuyên trách đứng ra thu lại toàn bộ số quà, trả cho mỗi người dân 20 ngàn đồng tiền công. Sau đó mang quà vào kho cất kĩ. Số quà này sau đó đi về đâu, dân không biết được.

Mãi cho đến năm 2010, do quá bực tức, nghe có đoàn cứu trợ về, ông Niềm chạy lên ủy ban xã, đứng la hét đủ thứ, thấy vậy, họ gọi ông vào nhận một suất quà rồi cho ra về. Mọi phần quà khác cũng chỉ im lặng. Nếu dân có hỏi, họ sẽ trả lời rằng số quà được thu về để điều tiết, hợp với tình hình chung.

Và không riêng gì ở xã ông Niềm có hiện tượng xấu này. Dường như năm nào có lũ lụt, thiên tai, năm đó miền Trung lại dậy sóng bởi sự bất mãn của nhân dân trong vấn đề bị cán bộ nhà nước ăn chặn cứu trợ tàn bạo. Một năm như mọi năm, không có gì thay đổi trong miền Trung nghèo khổ này!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-10-02 
  (RFA)

Trương Ba Không - Tôi đi dự tòa xử Lê Quốc Quân trốn thuế

Vốn là người có dính dáng chút kinh doanh nên tôi quan tâm tới vụ án trốn thuế của công ty tư nhân do Luật sư Lê Quốc Quân làm chủ.

Tối 1/10/2013 VTV thông tin dài như một bản luận tội thông báo 8 giờ 2/10/2013, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử vụ này. Vì vậy tôi cố gắng đi ngủ sớm để lấy sức ngày mai còn “đi” xem xét xử “công khai”. Kinh nghiệm cho hay, những vụ án kiểu này chỉ có “đi” chứ làm gì được “ngồi” xem dù bảo “công khai”.

Đêm, giấc ngủ không bình yên trong tiếng chó sủa lạ hơn thường ngày và mấy cuộc điện thoại đổ vào lúc đồng hồ đã chỉ gần 4 giờ sáng.

7 giờ ngày 2/10/2013, tôi thoát ra khỏi nhà trọ đi vào nội thành.

Phố đã giăng dây và sai nha đứng đầy nhóc các lối dẫn vào cổng tòa án nhân dân thành phố. Ừ thì công khai đó. Khi lòng dân bất an, đầy đường những dân hư xấu trong khi ta là người chính nghĩa đầy mình, lẽ phải là ta, công lý là ta, yêu thương dân như cha mẹ là ta thì tôi chẳng mong gì ở cái nền cai trị này mà chỉ mong mỗi một điều: Minh tường. Minh tường với vụ án này là cứ xử công khai, phát phiếu thăm dò xem có bao nhiêu người dân có nhu cầu cần xem để học tập, để suy ngẫm, để hiểu bản chất tốt đẹp của chính thể thì từ đó mà liệu chọn khán phòng phù hợp. Dân đến, dân nghe các công tố viên buộc tội, nghe ông quan tòa cho tranh luận, cho kẻ có tội cãi xem có cãi đường nào rồi từ đó mà luận hình thì thử hỏi ai không cứng lưỡi, sáng óc mà tâm phục, khẩu phục. Đằng này, nhốn nháo cả một thành phố với dây nhợ và biết bao sai nha có sắc phục và không sắc phục mà bằng con mắt tinh tường người ta đoán cứ 1 người dân muốn đi xem thì cũng có không dưới một ông bà sai nha theo gọt, ngăn trở. Lại cứ bảo rằng, làm thế để bảo vệ luật pháp vì sợ những thế lực thù địch nó lợi dụng. Nhưng tôi thì tôi chẳng tin bởi với số đông áp đảo như thế thì việc ngồi kèm nhau trong tòa giữa dân và sai nha, tôi đố dám thế lực nào mà dở trò được đấy ngoài việc nghe ông Tòa sấm truyền.


Loay hoay một vòng, tôi mới gửi được xe sau bệnh viện Việt Đức đoạn Quán Sứ - Hàng Bông.

Tôi lững thững đi về phía tòa án.

Vườn hoa Thợ Nhuộm. Tôi chạm trán anh Cường một người tiếng tăm của công an Hoàn Kiếm trong các vụ bắt bớ biểu tình chống Trung Quốc. Tôi thoáng nghe anh nói với một nhân viên của mình khi tôi đi qua.

Tôi lại gặp anh VT. Hai năm trước quen anh ở Bờ Hồ. Anh kiệm lời, khiêm nhường và không phải loại người hung hăng, kích động. Anh xuống đường chỉ vì anh yêu Tổ Quốc như yêu máu thịt mình thôi. Nhưng giờ đây anh đã thành dân oan mất đất trong một vụ cưỡng chế. Anh đi biêng biêng, ngơ ngác như một người tâm thần lạc chốn trần gian. Cứ nhớ hình ảnh con người hiền lành của 2 năm trước giờ tiều tụy như thế này tôi không khỏi xót xa. Ừ thì cứ cho là cưỡng chế đúng đi để phục vụ lợi ích công cộng nhưng một xã hội tốt đẹp thế nào nếu để một người dân hiền lành vô tội giờ thành một kẻ tâm thần này?

Vòng về đầu phố Quang Trung, tôi gặp ở đó mấy người bạn: Hoàng Dũng cdvn, anh Kim Môn, bác Lê Hùng, Ngô Duy Quyền và Hữu Khiêm. Chúng tôi chưa kịp chào nhau thì đã được các sai nha mẫn cán xua đuổi như tà ma.

Người đàn ông đi qua đường tạt vào nói: - Xã hội loạn mẹ nó rồi. Chẳng biết xét xử cái gì mà ngăn đường đến vỡ thành phố mất rồi. Còn đằng Lê Duẩn kia, tắc đường cả cây số vì có biểu tình ngăn không cho dân đến tòa xem. Loạn rồi, quang minh chính đại thì cứ cho họ vào xem có làm được gì không, sao mà cứ phải xử giấm, xử giúi cho loạn cả lên.

Tôi kéo Khiêm đi về phố Lê Duẩn. Con phố được chặn xe từ ngã ba Lê Duẩn – Trần Nhân Tông cho đến ngã tư hầm chui Kim Liên. Họ ngăn đường vì đoàn người muốn tới tòa đi từ nhà thờ Thái Hà qua đó thì bị giam cứng lại. Trời nắng. Đoàn người như bị luộc dưới mặt đường nhựa nóng bỏng khi biết chẳng thể tới tòa nhìn người bạn mình được thì họ đành rủ nhau về bên Chúa mà cất tiếng cầu nguyện. Nhưng họ đi đâu cho được với hàng rào vô cảm kia bởi trong đầu hàng rào ấy họ đâu là người dân mà chỉ là kẻ quấy rối công cộng nên họ bị đối xử hết sức lạnh lùng. Đoàn người đi trong tuyệt vọng vào phố Hồ Ba Mẫu rẽ qua con ngõ nhỏ sang phố Xã Đàn mới để về nhà thờ Thái Hà. Nhưng đâu thoát khi hàng lũ sai nha đã nhanh chân chặn đầu lao một xe oto vào con ngõ nhỏ chặn vây họ. Không còn đường nào khác, chị Bùi Hằng và Thúy Nga đã lớn tiếng chửi rủa họ không tiếc lời. Tôi không phải người thích ủng hộ sự cãi cọ kiểu mày ba que thì tao sẽ bảy que nhưng quả thật buồn làm sao cho một chính thể khi mà người dân nói mãi với họ bằng đơn từ, kính thưa kính gửi không xong thì lạ thay dăm cơn hăng tiết của mấy bà nạ dòng lại khiến họ cúi mặt mà đẩy xe, nhường chỗ cho đoàn người đi về với Chúa!

Quần chúng tự phát chỉ muốn Déo với ĐM quần chúng khác. Ô hô văn minh Đảng ta!


Phố Xã Đàn. Mấy quần chúng ưu tú tự phát hung hăng định đớp cái con Nga Thúy từ Hà Nam lên. Thế là lại chửi nhau rồi. Ừ thì thôi, cái con mẹ Bùi Hằng hay Thúy Nga là loại phản động biến chất nên họ cứ chói tai với mấy từ: tà quyền, cha tiên sư bố đảng đểu chứ ai đời Đảng ta là đạo đức, Đảng ta là văn minh mà chẳng hiểu sao lại giác ngộ để những quần chúng tự phát kia thấm nhuần những cú Đéo, ĐM mày mà văng ra giữa thanh thiên bạch nhật thế?!

Đàn Xã Tắc. Đám sai nha quyết dồn vào hòng nuốt chửng nhóm người yêu Lê Quốc Quân giữa cái nắng nóng ong ong mùa thu đất Bắc vốn hay đỏng đảnh. Tôi im lặng chọn một góc trên bậc tam cấp của một nhà dân đứng bấm 1 kiểu ảnh cảnh chẳng khác gì phim thế giới động vật mà tivi vẫn hay chiếu: Đàn trâu bị lũ sói hung hăng xiết chặt dần vòng vây.

Người đàn ông không mặc sắc phục bảo với 2 cậu cảnh sát trẻ: - Cháu xem dẹp cái máy quay của thằng già già kia đi kìa!

2 cậu cảnh sát trẻ tiến đến người đàn ông đứng gần tôi đang quay phim định vồ cướp lấy nhưng khó quá vì cả đám người cùng quây lại và hỏi họ lý do gì để cướp máy người dân trong khi đội quân an ninh đi theo có cả mấy chục máy quay dí vào tận sát mặt từng con người chúng tôi?

Đuối lý, họ lờ đi. Người đàn ông mặc thường phục càu nhàu: -Đm, không bắt thì không được mà bắt thì chẳng loáng cái đầy hình trên mạng à, rồi lại nói làm ăn dở có thế mà không biết bịt cho kín.

Định giở trò bắt người ở Xã Đàn. Nhưng không hiểu sao phút chót lại thôi!
Trời vẫn nắng quá. Vòng vây cứ xiết mãi thêm ngột ngạt. Nhưng bỗng một cuộc điện thoại thế là những con người tội nghiệp có cơ hội về được bên Chúa sau những phút giây tưởng như sắp bị ăn thịt giữa thanh thiên bạch nhật.

14 giờ. Tôi và mấy người đi xe buyt về ngồi ở điểm dừng xe buýt trước Hỏa Lò. Xe cộ và dòng người vẫn đi lại bình yên nhưng 14 giờ 15 thì mọi ngả dẫn vào tòa lại được phong tỏa. Con phố Hai Bà Trưng loáng cái chỉ còn trơ lại 5 chúng tôi giữa hàng mấy chục con mắt nhìn của anh xe ôm, cậu nghệ sỹ chụp ảnh nhưng họ chẳng thể đuổi được chúng tôi đi vì chúng tôi đang ngồi như những người đợi xe buýt mà xe thì giờ này bị chính họ bẻ lái rẽ rồi. Phòng khám Ung Bướu bên kia đường cũng bị buộc phải hạ cửa cuốn xuống để bệnh nhân không nhìn được ra đường. Đối diện ngay chính cổng tòa là mấy chị phụ nữ đến từ miền Nam vẳng lại phía chúng tôi tiếng đôi co của họ với đám sai nha mẫn cán. Ô hô, xử công khai là đây sao?

16 giờ 10. Xe chuyên dụng chở phạm nhân chạy ra từ phố Hỏa Lò, dây căng hạ xuống, phố lại đầy người qua lại nhưng các sai nha vẫn chật cứng trước tòa. Ở đó, có đám người thân của anh Lê Quốc Quân đang rơm rớm nước mắt và hô đả đảo một phiên tòa vô nhân đạo. Đám người hô đến lạc giọng nhưng đối lại tôi chỉ thấy những bộ mặt dửng dưng của những con người chỉ biết lấy sự im lặng đến vô nhân.

Diễu hành biểu thị tình cảm với Lê Quốc Quân
Đoàn người bất lực, họ kêu lên những tiếng kêu tuyệt vọng rồi không biết làm gì nữa họ đành lầm lũi đi về phía Chúa để hằng tìm lại chút bình yên cho cuộc sống quá đỗi bất công này.

Tôi đi theo họ cho đến khi họ bước khuất vào trong giáo đường rồi vội vã ra về. Tôi cũng nhỏ bé như họ thậm chí còn nhỏ bé hơn nên chẳng biết làm được gì cho họ lúc này cả.

Tôi lặng lẽ lấy xe.

Có tin nhắn báo từ một đứa em: - Em suýt bị bắt lén nhưng đã thoát được.

Bất giác tôi thở dài. Ôi cuộc sống!
 
Trương Ba Không (Trương Văn Dũng)

Blogger – Tù nhân chính trị tại Việt Nam

“Đảng Cộng sản Việt Nam ranh mãnh, khôn ngoan – Họ không xem việc giết và bỏ tù (người bất đồng chính kiến)  là những giải pháp tốt nhất (nhưng) là các phương sách cuối cùng. Nhờ đó họ có thể nắm giữ quyền lực lâu hơn.”

HÀ NỘI (AFP ) – Bị bí mật chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị biệt giam, gia đình bị quấy rối liên tục – những blogger hoạt động của Việt Nam nói họ bị đối xử như kẻ khủng bố quốc tế.

Trong khi chính quyền khẳng định không có tù nhân chính trị ở Việt Nam – và do đó sẽ không bình luận về việc này– những tổ chức nhân quyền ước tính hàng trăm người hoạt động đang bị giam giữ vì lên tiếng chống chế độ cộng sản độc đảng, gồm ít nhất 46 người bị bỏ tù năm nay.

Các người hoạt động nói điều kiện trong tù đã không thoải mái cho tội phạm thường, tù nhân lương tâm còn phải chịu đựng những đối xử khắc nghiệt trong tù.

Nhà tù Việt Nam có một khu giam riêng biệt cho tù nhân chính trị trong đó “chuyện gì cũng có thể xảy ra và không ai biết”, ông Nguyễn Trí Dũng, con trai của blogger Điếu Cày, người đang thọ án tù 12 năm vì “tuyên truyền” chống nhà nước.

Như nhiều những người bất đồng chính kiến khác, Điếu Cày – tên thật là Nguyễn Văn Hải – không nhận tội.

Nay người thân của ông tin rằng ông đang bị trừng phạt trong nhà tù vì thách thức này.

Kể từ khi bị giam từ năm 2008 khi bị cáo buộc là trốn thuế, Điếu Cày đã bị chuyển qua 10 nhà giam khác nhau, gia đình ông cho biết, và họ không bao giờ được thông báo trước.

Là người bất đồng chính kiến bị mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc đến, đang bị liên tục áp lực để nhận tội cũng như bị hạn chế thăm nuôi, người thân của ông Hải cho hay.

Con ông Điếu Cày nói với AFP chính ông cũng đã liên tiếp bị nhà chức trách giam giữ – dưới 24 giờ – để làm gián đoạn việc học và khiến ông không thể đi thi.

Dùng những cáo buộc mơ hồ, những vi phạm hành chính là một cách để nhà chức trách cảnh báo những người hoạt động phải chấm dứt chiến dịch của họ, các chuyên gia nói.

Một blogger nổi tiếng khác, luật sư Thiên chúa giáo Lê Quốc Quân, sắp ra tòa vào thứ Tư tới đây vì “tội trốn thuế”.
Một người mặc  T-shirt đòi thả người hoạt động dân chủ Lê Quốc Quân trong một buổi lễ ở nhà thờ tại VN (July 7, 2013) Nguồn: AFP/FILE
Một người mặc T-shirt đòi thả người hoạt động dân chủ Lê Quốc Quân trong một buổi lễ ở nhà thờ tại VN (July 7, 2013) Nguồn: AFP/FILE
Tội của ông Lê Quốc Quân là tội một người phê bình chính phủ Việt Nam có hiệu quả, tổ chức Human Rights Watch (HRW) ở New York cho biết, và yêu cầu trả tự do cho Ls Quân.

Trong tù, chính quyền Việt Nam luôn luôn khắc nghiệt với tù nhân không nhận tội, một người hoạt động người đã bị năm năm tù cho biết.

“Họ sợ những tù nhân lương tâm sẽ ảnh hưởng tù nhân khác và gây ra vấn đề,” ông nói.

Tù nhân hình sự và tù chính trị bị giam riêng và đối xử lý rất khác nhau, ông nói tiếp với điều kiện AFP phải giữ kín dah tính.

“Tù hình sự Việt Nam có thể mua bất cứ cái gì họ muốn – thực phẩm, thuốc lá, ma túy,” ông nói, nhưng tù nhân chính trị bị từ chối ngay cả sách hoặc giấy viết và bị biệt giam.

Chính quyền độc tài của Việt Nam không cho phép (quốc tế có) các cuộc kiểm tra độc lập ở nhà tù.

Nhưng giới chuyên gia cho tù tiện biệt giam – một biện pháp dùng làm áp lực với tù nhân chính trị – có thể coi là tra tấn theo Công ước chống tra tấn (CAT), mà Việt Nam cho biết sẽ phê chuẩn trong năm nay.

“Theo những thông tin chúng tôi đã nhận được thì quyết định biệt giam một người nào đó bị đó chỉ là những quyết định rất tuỳ tiện của cai tù,” Phil Robertson Phó Giám đốc Châu Á của HRW nói.

‘Cô lập người hoạt động’

Những cựu tù nhân chính trị và người thân của họ qua phỏng vấn của AFP đã mô tả sự sách nhiễu dữ dội với gia đình tù nhân cũng như áp lực bạn bè để cắt liên lạc hay từ chối không cấp giấy phép kinh doanh cần có để kiếm sống.

Những trấn áp này nhằm “cô lập những người hoạt động chính trị… và đe doạ gia đình, bạn bè của họ,” những người nhà hoạt động đã bị giam trước đây cho biết.

“Họ tìm đủ cách để kiểm soát hoặc làm mất uy tín (những người hoạt động ),” họ nói.

Áp lực lên gia đình và bạn bè của những người bất đồng chính kiến khiến người tù chính trị ở Việt Nam bị cô lập, mất giao tiếp với cuộc sống bình thường của người Việt Nam – thường khiến cho họ quyết tâm hơn.

“Người khó trị là những người sẵng sàng có lập trường và sau đó bị khai trừ và điều đó làm cho họ lại càng cương quyết,” Bill Hayton, tác giả cuốn “Rising Dragon”, người bị cấm nhập cản Việt Nam, cho biết.

Phản ứng thái quá của nhà chức trách là phản tác dụng, Hoàng Nguyễn, một sinh viên Việt Nam sống lưu vong tại Hoa Kỳ cho biết.

Gia đình (những người hoạt động) hiểu rất nhiều về bản chất của chế độ chính trị,” cô nói thêm, nhiều người thân đó đã tự trở thành người bất đồng chính kiến.”

Hoàng Nguyễn, có hôn phu đã bị bắt giam vào năm 2010, cho biết lãnh sự quán Việt Nam tại Washington từ chối gia hạn hộ chiếu trừ khi cô hứa sẽ từ bỏ “hoạt động bất đồng chính kiến” của mình.

Chiến đấu từ sau cửa nhà tù

Cô từ chối và gần đây đã được cấp giấy tị nạn chính trị.

Một “kẻ thù của Internet” là nhãn hiệu tổ chức Phóng viên Không Biên giới gắn tặng Việt Nam; Việt Nam cấm các phương tiện truyền thông tư nhân hoạt động và tất cả các tờ báo chí, đài phát thanh và kênh truyền hình đều là của nhà nước.

Dù vậy, phương tiện truyền thông Internet và mạng xã hội đang thay đổi bản chất của cuộc chiến.

Facebook nhưng thỉnh thoảng bị chặn nhưng rất phổ biến với người Việt Nam.

“Kết nối mạng xã hội và thêm nhiều mạng lưới hoạt động rộng lớn hơn cũng như với những người hoạt động có kinh nghiệm đã đưa được những tiếng nói trong nhà tù ra thế giới bên ngoài,” ông Robertson nói.

Tháng Sáu vừa qua, sau khi nhà chức trách chính thức từ chối trả mời đơn khiếu nại và đinh đưa ông đi biệt giam trong ba tháng, Điếu Cày Bắt bắt đầu tuyệt thực.

“Ba tôi đang cố gắng thắp sáng số phận thực sự của tù nhân chính trị của Việt Nam, trước đến nay vẫn nằm trong bóng tối,” côn ông Điếu Cày nói.

Trong tháng Năm, một trường hợp khác, người tù vì hoạt động Cù Huy Hà Vũ – con trai của một nhân vật lãnh đạo cách mạng – cũng từ chối không ăn trong 25 ngày.

Sau cùng, cả hai người tù đã ngừng tuyệt thực sau khi được nhượng bộ – đây là một chiến thuật xem như là một phần của chiến lược của giới lãnh đạo cộng sản dùng để quản lý những bất đồng chính kiến.

“Trung Quốc và Liên Xô tàn nhẫn thanh trừng, giết chết, và đưa nhiều người đối lập đi sống lưu vong,” cựu tù nhân chính trị cho hay.

“Đảng Cộng sản Việt Nam ranh mãnh, khôn ngoan – Họ không xem việc giết hết và bỏ tù là những giải pháp tốt nhất (nhưng) các phương sách cuối cùng Nhờ đó họ có thể năm giữ quyền lực lâu hơn.”


Nguồn:Bloggers behind bars: Vietnam’s war on dissent. By Catherine BARTON. Published October 01, 2013. AFP.
  © 2013 DCVOnline
 

Quan hệ Việt–Mỹ gây chú ý sau phiên xét xử blogger ở Hà Nội

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra bản tuyên bố chỉ trích quyết phiên xét xử luật sư Lê Quốc Quân

Mối quan hệ vốn đang dần ấm lên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa trở nên lãnh đạm sau tòa án tại Hà Nội kết án một luật sư nhân quyền nổi tiếng từng được đào tạo ở Mỹ. Luật sư Lê Quốc Quân cũng là một trong những blogger được nhiều người biết đến, vừa bị tòa kết án 30 tháng tù giam với tội trốn thuế – cáo buộc mà dư luận cho rằng mang nhiều động cơ chính trị.

Luật sư Lê Quốc Quân tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 2 tháng Mười, 2013. Ảnh: AP
Luật sư Lê Quốc Quân tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 2 tháng Mười, 2013. Ảnh: AP
Hai nước cựu thù gần đây đã phát triển mạnh mẽ hơn với các mối quan hệ thương mại và quân sự ngày càng gia tăng mà đỉnh cao là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Tòa Bạch Ốc gặp Tổng thống Barack Obama hồi tháng Bảy vừa qua. Nhưng vấn đề nhân quyền tiếp tục làm suy yếu triển vọng phát triển giữa hai nước, trong khi đó Hoa Kỳ đặc biệt chú ý đến trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân – nhà hoạt động nhân quyền 42 tuổi vừa bị Hà Nội kết án hôm thứ Tư.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố sau khi phiên tòa kết thúc, cáo buộc Việt Nam sử dụng các luật thuế cho các vụ án chính trị và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị khác.

“Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại”, bản tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa”.

Ông Quân tiếp tục giữ quan điểm cho rằng ông vô tội suốt quá trình tố tụng kéo dài nửa ngày dài, và mô tả ông là nạn nhân của “hành động chính trị” trong phiên tòa trước khi video và âm thanh ở phòng kế bên dành cho phóng viên và các nhà ngoại giao bị cắt.

“Nếu phiên tòa này có công lý thì trả tự do cho tôi”, ông nói.

Thẩm phán Lê Thị Hợp nói rằng ông Quân bị kết tội vì trốn thanh toán tiền thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 30.000 USD liên quan đến các hợp đồng tư vấn mà ông làm tại Hà Nội. Ông đã bị bắt hồi cuối tháng Mười hai năm ngoái khi đưa con gái ông đến trường, vài ngày sau khi ông đăng một bài viết trên blog của mình chỉ trích sự độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết thân chủ của ông sẽ kháng cáo bản án này.

“Bản thân tôi thấy rằng các bằng chứng mà các công tố viên trình bày là không thực sự thuyết phục”, ông Sơn nói.

Quan chức chính phủ Việt Nam đã không có thể liên lạc được để đưa ra lời bình luận.

Đối với Hoa Kỳ và các chính phủ nước ngoài khác, ông Quân đã trở thành biểu tượng về số phận của nhiều người bất đồng chính kiến ​​khác tại Việt Nam, và chính quyền Việt Nam trở nên cảnh giác hơn về phiên tòa hôm thứ Tư vì lo ngại những người ủng hộ ông Quân sẽ tụ tập biểu tình phản đối phiên tòa. An ninh trong khu vực đã được thắt chặt với hàng trăm công an giữa lúc những người ủng hộ ông Quân tụ tập tại một nhà thờ Công giáo gần đó cầu nguyện cho công lý.

Ít nhất 46 nhà hoạt động, trong đó có nhiều blogger, đã bị bỏ tù trong năm nay vì chỉ trích sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Con số này còn nhiều hơn cả tổng số của năm 2012. Phóng viên Không Biên giới trong tháng Bảy cho biết rằng Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các blogger đã bị bắt giữ. Một số người khác cũng đã từng bị chính quyền cáo buộc về tội trốn thuế trong đó có ông Nguyễn Văn Hải, còn được biết đến với bút danh nổi tiếng là Điếu Cày. Ông Hải đã bị chính quyền Việt Nam cáo buộc tội trốn thuế hồi năm 2008.

Các cuộc đàn áp cho thấy các lãnh đạo độc tài tại Việt Nam đang lo ngại rất nhiều về Internet ở nước này. Số liệu về người sử dụng Internet đang ngày càng gia tăng, trong đó hơn một phần ba người dân tại đây truy cập vào mạng mỗi ngày – một tỷ lệ cao hơn so với Indonesia hoặc Thái Lan. Những người bất đồng chính kiến hiện ​​đang tận dụng diễn đàn này để chỉ trích Việt Nam thiếu các quyền dân sự cũng như sự quản lý yếu kém của chính phủ đối với nền kinh tế.

Riêng ông Quân đã có một số bài nhạy cảm hơn. Ông đã bình luận về các chủ đề mà không được truyền thông nhà nước nhắc đến, kể cả vấn đề nhân quyền và chính trị.

Năm 2007, ông đã bị bắt sau khi trở về từ một khóa học bổng tại Hoa Kỳ do Natioal Endowment for Democracy bảo trợ. Sau đó Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain và cựu Ngoại trưởng Madeline Albright đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông. Tổ chức Ân xá Quốc tế sau đó tuyên bố ông Quân là một tù nhân lương tâm và ông đã được trả tự do ba tháng sau đó.

Hồi năm 2011, ông Quân đã từng bị giam giữ trong một thời hạn ngắn vì nỗ lực tham gia các phiên tòa của các nhân vật bất đồng chính kiến ​​khác, và từ đó ông nhiều lần bị chính quyền Việt Nam tổ chức các chiến dịch dọa dẫm bạo lực chống lại ông và những người ủng hộ ông.

James Hookway,
WSJ
Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 © 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Kami - "Diễn đàn Xã hội Dân sự": Tổ chức hay Diễn đàn?

Được biết 0h00 ngày 23.9.2013 "TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị" (Tuyên bố 23.9) của 130 vị nhân sĩ và trí thức yêu nước trong và ngoài nước ký tên (đợt đầu) đã ra đời. Và sau 06 đợt đã có tổng số khoảng 800 người đã ký tên ủng hộ bản tuyên bố này. Số lượng này cho thấy cuộc vận động lần này của những người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự", một diễn đàn với mục đích nhằm trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa cũng không tạo ra được sức thu hút đáng kể lẽ ra nó sẽ phải có.

Đây là chủ trương đúng đắn, đáng mừng. Đặc biệt là phù hợp với xu hướng chung của thế giới tiến bộ, mà chính trị xã hội dựa theo công thức Nhà nước Pháp quyền - Xã hội Dân sự - Kinh tế thị trường. Nhưng quan trọng nhất một vấn đề nghiêm túc và quan trọng như thế, thì những người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự" cần phải được suy tính một cách thấu đáo để có các quyết định đúng đắn giúp cho "Diễn đàn Xã hội Dân sự" phát huy tính hiệu quả trong hoạt động của mình. Đó là phải làm sao để ý chí của những người ký tên ủng hộ trở thành những hành động được thể hiện trong cuộc sống, chứ đừng để ký tên rồi kết cục lại giống như các vụ việc khác. Đó là nguyên nhân mà "Diễn đàn Xã hội Dân sự" cần phải là một tổ chức Xã hội Dân sự hoàn chỉnh và thực thụ? Nếu xem kỹ Bản Tuyên bố 23.9", đặc biệt là mục đích của nó là "nhằm trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa" thì dễ khiến người ta cho rằng nó cũng chẳng có cái gì mới mẻ nếu so với các diễn đàn (forum) chính trị khác, có khác thì chỉ khác ở cái tên. Vì khái niệm "Diễn đàn trực tuyến, hay được gọi là forum, là nơi để cho người dùng Internet trao đổi thảo luận. Phương thức thường được dùng trong diễn đàn trực tuyến là người đầu tiên gửi lên một chủ đề (topic, thread) trong một đề mục (category, forum) và sau đó những người tiếp theo sẽ viết những bài góp ý, thảo luận lên để trao đổi xung quanh chủ đề đó.". Trên thực tế hình thức diễn đàn (forum) cũng đã bắt đầu lạc hậu, nhất là khi các mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter... trở nên phổ biến và trở thành nhu cầu của một bộ phận những người sử dụng internet ở Việt nam. Đồng thời việc trao đổi các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa cũng đã có quá nhiều địa chỉ websit, diễn đàn... tiếng Việt còn tồn tại hay đã biến mất từng tồn tại hơn chục năm trước đây.

Nói như vậy không phải là chuyện bàn lùi. Tôi không tin những người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự" suy nghĩ ngắn như vậy, và chắc chắn họ không chỉ muốn những người ký tên ủng hộ "TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị" có cái đặc quyền là thành viên khi tham gia Diễn đàn này. Có lẽ rằng những người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự" có chủ ý nhằm để thành lập một tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện. Để tạo nên cơ sở của một tổ chức xã hội tự vận hành, hoàn toàn khác với các cấu trúc quyền lực của nhà nước mà ta thường hiểu dưới nghĩa Xã hội Dân sự. Điều này chúng ta đã thấy ở Công đoàn Ðoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô hay Phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp khắc v.v... trước đây (!?). Và trang Diễn đàn "Xã hội Dân sự" ngoài mục đích là trang website chính thức của tổ chức có tên "Diễn đàn Xã hội Dân sự", và sẽ là một bước đệm để làm giai đoạn chuyển tiếp khi điều kiện cho phép tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Vậy điều kiện đó ở đây là gì và điều kiện đó đang nằm ở đâu? Phải chăng đó là sự cho phép công nhận của chính quyền hay vì chưa thoát ra khỏi nỗi sợ hãi?

Đánh giá về sự ra đời của "Diễn đàn Xã hội Dân sự", nhà báo Lê Diễn Đức trên trang facebook cá nhân có viết rằng " Đây là một điều ảo tưởng. Thể chế độc tài toàn trị là thể chế độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thể chế này không bao giờ tự nguyện chia sẻ quyền lực khi còn ở thế mạnh. Khi và chỉ khi bị áp lực tranh đấu quyết liệt, đông đảo và rộng khắp của toàn dân, thậm chí đổ máu, với ước nguyện thay đổi hệ thống chính trị, thì chế độ này may ra mới ngồi vào bàn thương lượng, nhượng bộ, hoặc phải chấp nhận các yêu sách của quần chúng. Diễn đàn Xã hội Dân sự, thật khó mà có thể góp phần chuyển đổi thể chế toàn trị này qua dân chủ một cách ôn hoà "bằng trao đổi và tập hợp các ý kiến". Ít ra ở Miến Điện cũng đã có hàng ngàn người bị dìm trong bể máu, phong trào đối lập phát triển, cộng với áp lực quốc tế, thì tướng Thein Sein mới buộc phải chấp nhận có chân các đại biểu của đảng của bà Aung San Suu Kyi trong quốc hội. Tiến trình chuyển hoá ôn hoà bắt đầu từ đây, nhưng vẫn còn đầy những thận trọng và gian nan."

Tôi đồng tình với ý kiến của nhà báo Lê Diễn Đức, nếu như "Diễn đàn Xã hội Dân sự" chỉ là một diễn đàn có trang thông tin điện tử là nơi bày tỏ ý kiến của các tổ chức, các nhóm, các cá nhân cùng theo đuổi mục đích nêu trên. Nhưng ngược lại "Diễn đàn Xã hội Dân sự" là một tổ chức Xã hội Dân sự hoàn hảo thì đây là một lựa chọn thông minh. Với điều kiện những người chủ trương thành lập không được tránh né hai chữ tổ chức. Vì đó là lý do và là điều quan trọng nhất là cần phải có một tổ chức hạt nhân làm tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của Xã hội Dân sự ở Việt nam được hình thành một cách bài bản. Theo định nghĩa thì "Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,...thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình". Các tổ chức Xã hội Dân sự có đặc tính chung là các tổ chức hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối của Nhà nước và chỉ khi đó thì các tổ chức Xã hội Dân sự mới có thể hoạt động một cách hiệu quả mà không bị nhà nước kìm chế. Hiện nay ở Việt nam, các tổ chức Xã hội Dân sự hoạt động hợp pháp được biết đến đó là các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tuy vậy, các hoạt động của các tổ chức NGO này thường bị giám sát chặt chẽ của nhà nước. Bên cạnh đó người ta còn biết đến các tổ chức mang màu sắc của các tổ chức Xã hội Dân sự trên mạng internet, như nhóm 72, nhóm công dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, Câu lạc bộ No-U... Cho dù các nhóm này chưa được tổ chức một cách quy củ và có các hoạt động cần phải có, nhưng ít nhiều nó cũng đã tạo nên các ảnh hưởng nhất định đối với chính quyền. Một điểm cũng cần phải nhắc đến là các tổ chức Xã hội Dân sự không có mục tiêu tranh giành quyền lực với các chính đảng cầm quyền, nhưng nó sẽ là điểm tựa cũng như nền tảng để ủng hộ cho một chính đảng hay tổ chức chính trị có chung mục tiêu và chủ trương khi cần thiết. Và thành viên của các tổ chức Xã hội Dân sự, khác hẳn với đảng viên hay hội viên của các chính đảng, các tổ chức chinh trị, đó là ngoài một số nhân vật chủ chốt chịu trách nhiệm đối với tổ chức thì những thành viên chỉ đóng vai trò các ủng hộ viên của tổ chức. Họ hầu như không chịu bất cứ ràng buộc gì đối với tổ chức ngoài sự tình nguyện, để đóng vai trò cá nhân của mình thông qua các tổ chức Xã hội Dân sự để thúc đẩy cơ chế kiểm soát và điều chỉnh đối với hệ thống nhà nước. Do đó trong thể chế dân chủ nghị viện thì các tổ chức Xã hội Dân sự sẽ không bao giờ xuất hiện trong nghị trường, mà nếu có thì sự xuất hiện của các lãnh tụ của tổ chức Xã hội Dân sự thì sẽ dưới màu áo của một đảng chính trị khác. Vai trò quan trọng nhất của tổ chức Xã hội Dân là sự thể hiện thông qua các hoạt động của nền chính trị "đường phố" để tạo áp lực. Đây là yếu tố lý luận cần nhấn mạnh, để tạm coi là có thể tạo sự an toàn trong thể chế toàn trị ở Việt nam.

Một tổ chức Xã hội Dân sự cũng là một hình thức Hội đoàn, nhưng phạm vi bao phủ của nó rộng rãi hơn và điều cốt yếu nó là mang tính tập hợp thành viên tham gia các hoạt động cụ thể trên cơ sở tự nguyện. Nhiều người vẫn cho rằng tính nguy hiểm của một tổ chức Xã hội Dân sự sẽ ít hơn so với các chính đảng hay các tổ chức chính trị khác. Tuy vậy đảng CSVN thì họ luôn coi rằng "“Xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình". Vì theo họ "Xã hội dân sự là gì, đây có phải là một trong các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng thành công ở Ðông Âu, Trung Ðông, Bắc Phi, và hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?". Nói như thế để lường trước và nhận thấy sự thật, không được tránh né.

Do đó, "Diễn đàn Xã hội Dân sự" phải là một tổ chức phi lợi nhuận, do những người cụ thể ở trong hay ngoài nước lãnh đạo và chịu trách nhiệm. Nguồn tài chính cho "Diễn đàn Xã hội Dân sự" là các khoản thu từ các ủng hộ viên và các nhà hảo tâm. Một điều quan trọng là, tổ chức này cần phải có là biểu tượng hay biểu trưng của mình để các ủng hộ viên thông qua việc trưng biểu tượng này để bày tỏ ủng hộ của mình đối với các hoạt động của tổ chức phát động. Chứ không thể kiểu chung chung, để những người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự" ẩn mình trong danh sách những người ký tên vào Tuyên bố 23.9 như hiện nay, theo lối cả làng nhận tội đánh chết hai kẻ trộm chó ở Bắc giang. Đã xác định làm chính trị thì cần phải có đầy đủ mọi tố chất, trước hết phải là lòng dũng cảm. Chắc chắn nhóm chủ trương khởi xướng Tuyên bố 23.9 đã có danh sách một ban lãnh đạo lâm thời của tổ chức này, song vì nhiều lý do mà họ chưa công bố. Điều đó cũng khiến cho uy tín và sự thu hút của tổ chức này đã và đang có nhiều hạn chế nhất định trong việc thu hút lực lượng ủng hộ. Cứ thử tưởng tượng rằng, tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" có một bộ chỉ huy với các nhân vật có tên tuổi trong và ngoài nước và có số lượng ủng hộ viên khoảng một vạn người. Đồng thời có sự thống nhất hành động với các tổ chức và nhóm khác dã có như Hội đồng Giám mục, nhóm các chức sắc tôn giáo, nhóm công dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, Câu lạc bộ NoU, v.v... hoặc của nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước mang tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ thì cái gì cũng đều rất có thể.

Ở đây phải coi là vấn đề nghiêm túc, là vấn đề lập Hội. Cho dù trên thực tế pháp luật ở Việt nam không cho phép, nhưng văn bản Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt nam năm 1992 có thừa nhận. Có nghĩa rằng việc làm đó không trái pháp luật mà là do pháp luật chưa có hay vi hiến. Lỗi đó hoàn toàn thuộc về nhà nước và chính quyền. Do đó vấn đề đặt ra ở đây là bước tiếp theo "Diễn đàn Xã hội Dân sự" sẽ phải thực hiện vai trò liên kết mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình trong vấn đề lập Hội. Thử hỏi vấn đề này các vị nhân sị và trí thức yêu nước khả kính đã ký tên không làm thì ai sẽ làm? Và chắc chắn rằng họ thừa kiến thức, khả năng thực hiện được điều đó.

Được biết những vị tham gia ký tên ủng hộ Tuyên bố 23.9 hầu hết là khách quen của hàng loạt các Kiến nghị, Tuyên bố... của các vị nhân sĩ và trí thức yêu nước trong và ngoài nước trong thời gian qua. Do vậy, cũng như con rắn phải có đầu, một tổ chức Xã hội Dân sự phải có những người lãnh đạo cụ thể. Đây không chỉ là đòi hỏi của thời cuộc mà nó còn là trách nhiệm của tổ chức này. Chỉ có thể như thế thì tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" mới trả lời được điều thắc mắc của không ít người quan tâm đến tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" và sẽ có nhiều người ký tên tham gia và ủng hộ. Quan trọng hơn nó sẽ hình thành và phát triển để trở thành tổ chức trọng tâm của Xã hội Dân sự, có khả năng làm đối trọng và góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của Việt nam từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa

Việc thành lập tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự", để thực hiện vai trò một tổ chức Xã hội Dân sự nhằm giải quyết và thúc đẩy mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình. Đây là vấn đề lớn, đúng trọng tâm nó khác hẳn với Kiến nghị Bauxite, Đường sắt cao tốc... hay Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 trong thời gian vừa qua. Đó là sẽ không dừng lại ở việc tham gia ký tên ủng hộ mà là các hoạt động cụ thể do tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" khởi xướng. Việc này cũng tương tự như việc thành lập tố chức Con đường Việt nam, Mạng lưới blogger Việt nam v.v... nhưng nó ở một tầm mức và cấp độ cao hơn nhiều. Do vậy cần phải được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và chắc từng bước. Điều quan trọng là phải chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo dự bị để sẵn sàng kế tiếp nhiệm vụ của tổ chức này.

Từng bước, từng bước... đi vững chắc, chắc chắn sẽ đi tới thành công.

Ngày 01 tháng 10 năm 2013
© Kami

Phạm Thị Hoài - Lời thề

Thủ tướng Việt Nam – và những người viết cho ông bài diễn văn vừa đọc ngày 27-9 trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc – có lẽ đã rất đắc ý với câu trích dẫn “Một người vì tất cả, tất cả vì một người”.

Mang lời thề sống chết vì nhau của ba chàng ngự lâm trong một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp Pháp lấy bối cảnh là thế kỉ 17 để rọi sáng phương châm cộng tác phát triển của thế giới hôm nay, xin lỗi, là chệch hơi nhiều nốt. Tất nhiên trong thế giới hôm nay câu đó vẫn dùng tốt – và dùng nhàm – đặc biệt trong phim mafia rẻ tiền, trên sân cỏ và bên bàn nhậu, nhưng tưởng rằng nó sẽ đóng đinh ấn tượng cho một cử tọa chính trị quốc tế thì trong trường hợp đáng thông cảm nhất, đó là bệnh tưởng bở ở văn chương.

Tôi để ý, cùng với những chiếc cà-vạt ngày càng nhiều mầu[1], các bài diễn văn xuất khẩu của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng ngày càng văn vẻ. Chúng còn lâu mới biến người đứng đầu chính phủ Việt Nam thành một nhà hùng biện. Ông vẫn liên tục vấp trên những dòng chữ mà người ta thấy rõ là không tuôn ra từ chính ông: ngôn từ đang phát ra và ông chẳng có gì thuộc về nhau, mỗi bên đi một ngả như người dưng nước lã; thậm chí người ta còn phải lo rằng ông bị biến thành trò cười trên truyền thông nước ngoài[2]. Chúng cũng không hóa phép biến một chính khách chải chuốt tỉnh lẻ thành một ngôi sao trên chính trường quốc tế, Thủ tướng Việt Nam có diện cà-vạt đính kim cương và trích dẫn Shakespeare thì cũng chỉ cao bằng đúng tầm bệ đỡ của quốc gia mà ông đại diện. Nhưng phải thừa nhận rằng những bài diễn văn ấy đỡ “phô” hơn, thậm chí dễ chịu hơn hẳn, và khác xa những diễn văn nội địa của chính ông và các nhà lãnh đạo ở trong nước. Khác từ cách hành văn khác đi.

Một câu văn chính trị chuẩn trong tiếng Việt hiện đại là một thiết kế gợi nhớ đến những dàn giáo trùng trùng lớp lớp. Nó có thể mở đầu như sau: “Thực hiện Nghị định A, nâng cao quyết tâm B, phát huy thế mạnh C, kiên quyết khắc phục yếu kém D, chủ động nắm bắt thời cơ Đ, tăng cường quản lí E, đề cao tinh thần F, thắt chặt G, củng cố H…” Sau hàng ngàn cụm vị ngữ nối tiếp nhau xông lên ấy, chủ ngữ cũng xuất hiện, chẳng hạn “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta“, để ngay sau đó chủ ngữ siêu nhân ấy sẽ thực hiện hàng vạn hành vi phức tạp trong cùng một câu, có thể như sau: “khai thác các lợi thế I, xây dựng vững chắc K, chỉnh đốn toàn diện L, phát triển sự nghiệp M, phát huy những mặt tích cực N, hạn chế những tiêu cực O, hoàn thiện và mở rộng P, đào sâu và đẩy mạnh Q, tích cực triển khai R, quyết liệt thực hiện S…”[3] Có người giải thích cho tôi rằng những dàn giáo chóng mặt này không xuất hiện trong các diễn văn xuất khẩu của Thủ tướng, đơn giản vì lí do dịch thuật. Tôi không thấy việc dịch những quái vật tiếng Việt ấy sang một ngôn ngữ quốc tế là bất khả, song tác động của loại diễn văn dàn giáo đó như thế nào, chính ông Thủ tướng và nhóm ghostwriter của ông biết hơn ai hết. Chính trị không phải chỉ là nói gì, mà nói như thế nào. Chính trị còn là phong cách.

Người ta nói đến Abenomics của Thủ tướng Nhật Abe Shinzō, Likonomics của Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (Lí Khắc Cường) như những chương trình cải cách sâu rộng hai nền kinh tế quốc dân này. Tôi nghĩ Thủ tướng Việt Nam cũng có thể cống hiến một khái niệm, Duconomics, mà nội dung là duy trì một nền kinh tế bí hiểm ở trong nước kết hợp với phong cách cà-vạt diêm dúa và diễn văn xuất khẩu bay bướm ở nước ngoài.

Trở lại với chuyện lời thề. Trái với dư luận dai dẳng và đôi khi sốt hầm hập về tranh chấp ở tam giác thượng tầng chính trị Việt Nam, càng ngày tôi càng có cảm giác rằng bộ ba ngự lâm Nguyễn Tấn Dũng – Trương Tấn Sang – Nguyễn Phú Trọng là một khối bền vững, cùng sống, cùng chết và cùng hết lòng phụng sự chiếc ngai vàng của Đảng theo một phân công lao động hoàn hảo. Trong khi người đứng đầu chính phủ đánh bóng một bộ mặt Việt Nam văn minh, hội nhập, tân thời thì ông trùm Đảng mài vũ khí giáo điều và vị Chủ tịch Nước làm chiếc đồng hồ quả lắc, để thỉnh thoảng phát ra thậm chí vài tín hiệu như thể chúng ta đang ở những phút cuối cùng trong đêm trước của một cuộc cách mạng đầy mong đợi.

“Một người vì tất cả, tất cả vì một người”, lời thề ngự lâm như một trích dẫn dở ở bục Liên Hiệp Quốc là thực tế không cần trích dẫn tại chóp bu quyền lực chính trị Việt Nam.

Đệ tử cà-vạt số một của Thủ tướng chắc chắn là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đệ tử cà-vạt số hai có thể là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

[2] Mấy ngày trước trên kênh truyền hình Pháp Canal+, khán giả có thể thưởng thức xuất diễn của Thủ tướng Việt Nam khi ông ”trở lại thăm nước Pháp ở Châu Âu và trên thế giới“.

[3] Hiến pháp Việt Nam, văn bản chính trị tối cao của quốc gia, là chỗ lí tưởng để trưng bày những mẫu văn dàn giáo như vậy. Ví dụ: “Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.” (Điều 62.1. Dự thảo sửa đổi 2013)
Phạm Thị Hoài

Nghiêm Hoa - Chính sách "đẻ non" nếu không có công chúng làm "bà đỡ"

Đầu tiên tôi rất cảm ơn hai anh Đặng Hoàng Giang và Đặng Ngọc Quang đã có những ý kiến trao đổi thẳng thắn, một cuộc trao đổi thẳng thắn và có ích chính là điều tôi mong đợi ở các đồng nghiệp làm phát triển khi viết ra một ý kiến cá nhân (thực ra là một bài viết chia làm hai phần) mà Diễn Ngôn đã đăng. Phần sau đó trong bài viết này, tôi sẽ nói về ba điểm tôi đồng ý, và liền đó là ba điểm tôi chưa đồng ý với cách nhìn mà tôi nghĩ là anh Đặng Hoàng Giang thể hiện qua bài viết “Trả lại sự công chính cho lobby và NGOs”. Tôi cũng cảm ơn anh Đặng Hoàng Giang đã đưa ra những ví dụ cụ thể mà tôi sẽ tiếp tục sử dụng lại trong bài viết này để minh họa cho luận điểm của mình. Tôi rất tiếc không thể đối thoại với từng điểm trong 12 điểm của anh Đặng Ngọc Quang vì tôi bắt tay vào viết bài này trước khi đọc được bài viết của anh, nhưng hy vọng bài viết này có thể có một vài điểm anh quan tâm.

Câu hỏi dành cho NGO Việt Nam

Trước hết, tôi muốn nói với Ban biên tập của Diễn Ngôn và các bạn đọc hai bài viết trước của tôi. Bài viết đầu tiên của tôi được tôi đặt tên là “Vận động hướng nào: câu hỏi cho các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam”, còn “Vận động chính sách hay đi đêm chính sách” là tít của Diễn Ngôn đặt. Như vậy câu hỏi tôi muốn đặt ra cho cuộc thảo luận này, không phải là lựa chọn giữa “vận động chính sách” hay “đi đêm chính sách” như một số bạn có thể hiểu. Câu hỏi của tôi thực sự là những hướng có thể đi trong quá trình vận động của NGO là gì thay vì chỉ chăm chăm vào chính sách? Tương tự, ở bài viết thứ hai, tiêu đề tôi đặt là “Quyền lực của Niềm tin: Vận động cho sự đồng thuận tự nguyện” và Diễn Ngôn đặt tít lại là "vận động công chúng, NGO làm việc đúng". Diễn Ngôn có quyền biên tập, và tôi có quyền bảo lưu “tuyên ngôn” của mình, hy vọng Diễn Ngôn sẽ có một chính sách công khai về việc biên tập để hóa giải những cú sốc không đáng có, cho dù Diễn Ngôn có nói Ban biên tập giữ quyền đặt tít theo chuẩn phổ biến, ví dụ như của The New York Times.

Câu trả lời với anh Đặng Hoàng Giang

Về bài viết của anh Đặng Hoàng Giang, tôi tán thành và tâm đắc ở ba điểm. Thứ nhất, về quan niệm phạm vi của “vận động”; thứ hai, về mối quan hệ giữa các bên trong tiến trình vận động; và thứ ba, về quan hệ giữa mô hình lý thuyết và vận dụng nó trong thực tế. Nhưng trong cách anh Đặng Hoàng Giang nhìn nhận lập luận của tôi và trình bày lập luận của anh, có một số điểm tôi có suy nghĩ khác và sẽ trao đổi lại ngay bên dưới ba điểm lớn này.

Ở điểm đầu tiên, anh Đặng Hoàng Giang nhắc đến quan niệm về vận động (“vận động (advocacy) được hiểu là tập hợp các hoạt động khác nhau nhằm phổ biến thông tin tới các bên liên quan (stake holders) để gây dựng hỗ trợ cho một mục đích nào đó… trong đó có hoạt động đối thoại với chính quyền”). Quan niệm này rất tương đồng với quan niệm tôi trình bày trong bài viết thứ nhất của mình, ở đó tôi nói rằng cần hiểu “vận động” vượt ra ngoài phạm vi “vận động chính sách”, hoặc đúng hơn cần đặt chính sách trong mối quan hệ rộng lớn với công chúng chứ không chỉ tập trung vào mối quan hệ với nhà hoạch định chính sách. Tôi đồng ý với anh rằng không có “một công chúng”, và người vận động cần lần lượt thuyết phục được từng nhóm trong “công chúng” cho đến khi họ được cán cân quyền lực. Cũng với quan niệm này, tôi trình bày rằng nếu coi vận động là vận động chính sách, và chỉ số thành công là thay đổi chính sách thì đã thu hẹp phạm vi hoạt động và chưa có hiệu quả. Về ví dụ, anh Đặng Hoàng Giang nhắc đến trường hợp vận động thành công cho quy định đội mũ bảo hiểm, và vấn đề năng lượng, với quan niệm rằng người vận động chỉ cần tập trung vào người ra quyết sách, hoặc cuộc thảo luận chính sách nên gói gọn trong phạm vi các chuyên gia kỹ thuật hiểu biết vấn đề. Tôi thấy đây là hai ví dụ rất điển hình và sẽ phân tích chính hai ví dụ này để minh họa cho lập luận của mình, rằng nếu chỉ vận động chính sách tập trung vào người hoạch định chính sách và nội dung chính sách thì chưa đủ, cần phải có vận động công chúng/xã hội.

Chúng ta đã có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ lâu, nhưng thực tế bao nhiêu người trong chúng ta đang thực sự đội một chiếc mũ bảo hiểm đúng nghĩa, và vui vẻ tự nguyện với việc đội nó, và đã có bao nhiêu trường hợp thường dân bị người thừa hành công vụ truy đuổi đến mất mạng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm? Tại sao lại thế? Đồng ý rằng việc thực hiện một chính sách cần có lộ trình, nhưng lộ trình đó nên bắt đầu từ việc các bên liên quan được chuẩn bị tốt để xuất phát, thay vì chỉ có nhà hoạch định chính sách được lobby để đi đầu mà không có sự chuẩn bị với người thực hiện (cả người thi hành lẫn người tuân thủ) sẽ dẫn đến tình trạng chính sách “đẻ non” vì không có công chúng là bà đỡ. Chính sách đẻ non mà không được công chúng “phục”, trong một xã hội phải nói là luật pháp chưa nghiêm minh như ở Việt Nam, thì từ bất phục sẽ dẫn đến bất tuân trong thực tế, hoặc nảy sinh những biện pháp cưỡng chế gây thiệt hại như ở trường hợp cảnh sát giao thông truy đuổi người không đội mũ bảo hiểm khiến người ta thiệt mạng. Cái giá phải trả là quá đắt cho cả hai phía.

Ở ví dụ sau, về vận động cho năng lượng bền vững (tạm gọi là các vấn đề kỹ thuật phức tạp, năng lượng nguyên tử cũng là một vấn đề như vậy). Nhiều người cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật khó hiểu nên việc trao đổi cân nhắc chỉ nên diễn ra trong phạm vi những người chuyên nghiệp và các chuyên gia. Tôi trộm nghĩ rằng quan niệm như vậy là hơi coi thường trình độ, cũng như quyền lợi của người dân bình thường. Xét cho cùng, một phụ nữ làm nội trợ như tôi có thể không hiểu các chi tiết kỹ thuật hay cấu tạo, vận hành của các dạng năng lượng bền vững hay năng lượng nguyên tử, nhưng rõ ràng cuộc sống của tôi có thể bị ảnh hưởng từ một quyết sách có hay không của nhà hoạch định chính sách. Tôi, một phụ nữ làm nội trợ, có quyền được giải thích ở mức độ dễ hiểu nhất những ảnh hưởng của một quyết sách của một vấn đề “kỹ thuật cao” như năng lượng (cả tích cực và tiêu cực) đối với tôi và gia đình tôi có thể là gì, và có quyền nói ủng hộ hay không ủng hộ một quyết sách như vậy. Tôi nghĩ rằng, với các NGO và những người quan tâm đến sự phát triển lành mạnh của một xã hội, điều họ cần lo không phải là những nhà hoạch định chính sách thiết tha với vấn đề họ cần vận động đến mức nào, mà thực sự là những người dân bình thường có quan tâm đến vấn đề đó đến mức nào.

Như vậy, ở những cuộc thảo luận mà chính sách mang tính tiên phong, muốn định hướng xã hội thay đổi tích cực hơn như đội mũ bảo hiểm, hay mang tính kỹ thuật cao, như năng lượng, công chúng vẫn có quyền được biết, và tôi đề nghị rằng nhiệm vụ của NGO là vận động cho quyền được biết đó của công chúng. Đó là chưa kể, nếu NGO vẫn muốn lobby kín đáo với các nhà hoạch định chính sách trong những trường hợp này, tôi e là các NGO không thể nào địch được với những người môi giới công nghệ, và những công ty công nghệ đang muốn bắt tay với nhà hoạch định chính sách để ký những hợp đồng khổng lồ. Vì thế, ở bài viết thứ nhất, tôi cho rằng việc lựa chọn lobby là chiến thuật chủ đạo sẽ khiến NGO tự đẩy mình vào thế yếu, và tác dụng của việc lobby là không bền vững.

Thứ hai, tôi nghĩ anh Đặng Hoàng Giang đồng ý với tôi ở điểm cần mở rộng chiều kích của công việc vận động khi anh nói về “lobby trực tiếp” và “lobby gián tiếp” và khi anh viết “việc vận động không phải là cuộc chiến giữa hai bên, một bên là công chúng, bên kia là chính quyền.…Tất cả đều là các tổ chức XHDS cả. Người thành công sẽ là người sử dụng khéo léo cả bốn ô vuông.” (“Bốn ô vuông”: kín đáo/công khai, đối đầu/hợp tác) Tôi xin được trình bày bốn ô vuông khác hơi khác:

Tôi muốn nói một điều nữa hơi ngoài lề, mặc dù chúng ta hay phủ định lý thuyết và thích lấy thực tiễn chứng minh, NGO Việt Nam mang một nỗi khổ bị dán nhãn vào các mô hình. Mô hình hóa kiểu “ba trụ cột của xã hội” trong đó “xã hội dân sự” cần độc lập khỏi “nhà nước” và “doanh nghiệp” chính là thứ lý thuyết chia rẽ “tổ chức xã hội dân sự” và làm các NGO ở Việt Nam khốn khổ vì kèm theo cái nhãn “xã hội dân sự”, sự mù mờ về mặt lý luận tạo ra một tham chiếu đầy sự nghi kỵ. Trong khi đó nếu lấy nền tảng giá trị làm chuẩn mực và yêu cầu tất cả các thiết chế phải hành xử trên cơ sở tôn trọng những giá trị đó, đồng thời khuyến khích những cách tiếp cận khác nhau trên cùng nền tảng và mục đích giá trị, hẳn đã có một cách nhìn thân thiện hơn.
Về khái niệm lobby, tôi không đồng ý với anh Đặng Hoàng Giang ở điểm anh cho rằng có thể coi vận động công chúng là “lobby gián tiếp”, về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên tranh luận về ngôn ngữ thường không hiệu quả, tôi chỉ thấy ít nhất là trong ví dụ về vận động bảo vệ thú cưng, anh đồng ý với tôi về việc có hai hướng đi: vận động người hoạch định chính sách và vận động công chúng. Với ví dụ này, tôi cho rằng một chế tài để bảo vệ thú cưng sẽ không bao giờ ra đời nếu không có một quá trình vận động công chúng. Thậm chí nếu có ra đời cũng sẽ chết yểu hoặc bị chế giễu. Hẳn mọi người còn nhớ quy định đăng ký và đeo số cho chó ở Hà Nội đã thành chuyện tiếu lâm như thế nào, mặc dù đây có thể coi là một công cụ chính sách tiến bộ nếu xét trên quan điểm của những người yêu chó.
Điểm thứ hai, trong bài viết thứ hai của tôi, tôi quan niệm rằng vận động công chúng không phải là sự đối đầu. Ngược lại, vận động công chúng giúp tạo ra điều mà chúng ta thường gọi là sự đồng thuận (dù chỉ là của số đông) giúp xoay chuyển những trở lực của sự phát triển. Không có sự đồng thuận đó, những người làm NGO đi vận động chính sách chỉ như con kiến leo cành đa. NGO phải bước ra công chúng và tự định danh mình một cách công chính, không một chính sách nào có thể đem lại cho họ sự công chính đó, cũng như không cá nhân nào có thể tước đoạt sự công chính của họ, nhất là chỉ bằng một bài viết nên anh Đặng Hoàng Giang chắc không cần phải đòi lại. Tôi cũng ngạc nhiên là bài viết của mình có thể được hiểu một cách đối đầu như một sự “kết tội” hay “tước đoạt” đối với NGO. Nó làm tôi nghĩ đến một cô bạn Trung Quốc tôi ở cùng vài tuần nay. Cô ấy nói rằng ở Trung Quốc, khi có người lạ tiếp cận mình, phản ứng đầu tiên của một người Trung Quốc bình thường là nghi ngờ người lạ kia có ý đồ xấu. Thật buồn, cô ấy nói, là người Trung Quốc đã mất lòng tin ở nhau đến thế nên nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Câu chuyện này tôi thấy rất đáng suy nghĩ cho những cuộc tranh luận/thảo luận hay vận động ở Việt Nam nếu như có ai đó thấy có một sự công chính cần được trả lại.
Điểm thứ ba và cuối cùng, tôi cũng đồng ý với một số phản hồi của các đồng nghiệp khác, là thực tế công việc của các NGOs và môi trường công việc của họ phức tạp hơn bất kỳ một mô hình hoặc một cuộc thảo luận lý thuyết nào. Tôi rụt rè cho rằng các NGO Việt Nam nên khám phá nhiều hơn tất cả bốn ô vuông Đặng Hoàng Giang nêu ra, và khám phá cả những lăng kính khác trong đó không có ô vuông nào dán nhãn “đối đầu”. Trong quá trình khám phá ấy, tôi đề  nghị rằng những người nào dám đặt chân ra trước cần nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, vì dù  thành công hay thất bại, họ cũng là những người mở đường.
Với ba điểm này, và cũng như những gì đã trình bày ở bài viết trước của mình, quan niệm của tôi là một góc nhìn chứ không kỳ vọng nêu lên toàn cảnh. Có những góc nhìn khác sẽ giúp cho bức tranh toàn cảnh được đầy đủ hơn. Trên bức tranh đó, tôi xin phép được nhắc lại câu hỏi ban đầu của mình: Vận động về hướng nào? Có thể các đồng nghiệp đi trước tôi 10 hoặc 20 năm đã có những phương án rất hiệu quả từ trước đến nay, nhưng tôi vẫn hy vọng mình đã đặt ra một câu hỏi có ích cho chặng đường trước mắt của tất cả chúng ta. Một câu hỏi nữa tôi cũng mong cộng đồng những người làm phát triển Việt Nam suy nghĩ, đó là trên cái dải tần vận động nhiều cung bậc nhiều rủi ro kia, một tổ chức có thể bao sân hay không? Mặt khác, mặc dù tổ chức của bạn có thể chọn vị trí trung vệ, và chơi giỏi ở vị trí đó, liệu có “đội bóng một người” nào sẽ thắng đến trận chung kết mà không cần hàng tiền đạo? Và liệu có đội bóng nào tận hưởng chiến thắng vẻ vang được trọn vẹn nếu thiếu đi sự rung động của đông đảo người hâm mộ với một lối chơi đẹp?
Nghiêm Hoa 
 (Diễn ngôn)
 

Chuyên gia: Nợ xấu của Việt Nam rất bất định


Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Dominic Mellor đã dành phần lớn thời gian để cảnh báo về vấn đề nợ xấu trong buổi công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2013 vào ngày 2-10. TBKTSG Online lược ghi ý kiến của ông.
ADB tỏ ra rất quan ngại với vấn đề nợ xấu, song phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có vẻ lạc quan. Báo cáo của NHNN cho rằng tỷ lệ nợ xấu chỉ vào khoảng 4,6% tổng dư nợ, tương đương 139 ngàn tỉ đồng. Căn cứ vào mức trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) đến nay là 90.000 tỉ đồng, thì việc đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% không còn là vấn đề. Ông bình luận như thế nào?
- Ông Dominic Mellor: Tôi nghĩ bản thân NHNN đã thừa nhận tỷ lệ nợ xấu 4,6% chỉ là con số báo cáo mà thôi. Vì thế, con số này mà giảm xuống 3% không phải xa. Với mức dự phòng rủi ro của các ngân hàng thì họ có thể xử lý được 1,6% này. Tuy nhiên, trong Thông tư 02, NHNN yêu cầu áp dụng quy định kế toán mới, phân loại nợ và trích lập dự phòng mới. Nếu áp dụng thông tư 02 thì mức nợ xấu sẽ lên cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, các NHTM lại đang nợ lẫn nhau làm cho con số nợ xấu tăng lên nhiều.
Hơn nữa, theo quy định, các NHTM được quyền tự quyết định các khoản vay. Với các khoản vay quá hạn 1 tháng, họ sẽ vẫn coi là tài sản tốt, chứ không phải nợ xấu vì sợ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không có kế hoạch kinh doanh, thì theo Thông tư 02, các khoản nợ này phải được xác định là xấu.
Ông Dominic Mellor
Bên cạnh đó, hầu hết các khoản vay được đảm bảo bằng các tài sản như nhà và đất. Nhưng bất động sản đã đóng băng vài năm nay rồi. Giá các tài sản đảm bảo giảm cũng làm cho con số trích lập dự phòng không thể cao như thế đâu, mà sẽ thấp hơn.
Tóm lại, con số nợ xấu được đưa ra là bất định và không chắc chắn. Giá trị của trích lập dự phòng của các ngân hàng cũng không chắc chắn vì nó dựa trên các tài sản mà giá trị đã bị giảm nhiều so với giá trị sổ sách. Đây là vấn đề.

Trong bối cảnh đó, ông bình luận như thế nào về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đến cuối năm nay, từ mức 6% đến cuối tháng 9 vừa qua?
- Tăng trưởng tín dụng cũng rất thấp trong 9 tháng đầu năm nay so với chỉ tiêu 12%. Để đạt được chỉ tiêu thì tín dụng phải tăng trưởng rất mạnh trong quí 4-2013.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc với các ngân hàng thương mại lớn thì họ cho biết rất khó để tìm được các đối tượng có thể cho vay, nên tín dụng mới thấp. Bên cạnh đó, bảng kế toán của các ngân hàng cũng rất yếu, nên các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là là không thể tăng trưởng tín dụng nhanh trong những tháng cuối năm. Năm ngoái cũng đã tương tự, thấp đầu năm và nhanh cuối năm.
Gần đây Thủ tướng nói rằng tỷ lệ nợ xấu khoảng 7%, ADB bình luận như thế nào?
- Chúng tôi không biết về tỷ lệ 7% này. Nhiều tổ chức quốc tế còn nói tới 15-16%. Tỷ lệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu các NHTM áp dụng Thông tư 02 thì sẽ có thông tin nợ xấu rõ ràng hơn.
Các NHTM nói là có nhiều tài sản đảm bảo cho các khoản nợ. Nhưng giá trị tài sản này đã giảm rất nhiều so với sổ sách. Hơn nữa, một số khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo. Vinashin vay mà không có tài sản thế chấp và tài sản đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng tương tự như vậy. Chúng ta có thể làm gì được với những khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo? Vì thế, chúng tôi cho rằng, cần phải tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Việc giải quyết nợ xấu luôn song hành với tái cơ cấu doanh nghiệp. Chính phủ phải có những sáng kiến mạnh mẽ để tái cơ cấu doanh nghiệp, song song với giải quyết nợ xấu.

Ông bình luận như thế nào về vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu?
- Với các khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo, và doanh nghiệp đã chết thì VAMC không thể làm gì. Việc thực hiện nhiệm vụ của VAMC còn cần rất nhiều hành lang pháp lý và chính sách phù hợp. Chẳng hạn, việc xử lý các tài sản thế chấp là bất động sản. Nếu doanh nghiệp phá sản thì phải trả đất cho Nhà nước, trong khi đất đó đã được dùng để thế chấp ở ngân hàng. Vậy làm sao VAMC xử lý được. Điều này liên quan đến Luật Đất đai.
Hơn nữa, phải có cơ chế rõ ràng để biết tài sản được định giá như thế nào, có sát với giá thị trường không. Nếu không, nhà đầu tư không đủ dũng cảm để mua nợ xấu.
Tư Hoàng lược ghi 
(TBKTSG Online)

Đọc tiểu thuyết Đại gia: Đại gia bất lương, con đẻ của kinh tế thị trường định hướng XHCN

(Đọc tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn, NXB Lao Động 2013)
Những từ ngữ đang có tần số sử dụng cao trong xã hội Việt Nam hôm nay như “nhóm lợi ích”, “đảng Cộng sản”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”… không một lần được nhắc đến trong suốt hai tập sách, mỗi tập gần 600 trang nhưng Đại gia chính là tiểu thuyết viết về sự hoành hành, tác yêu tác quái của nhóm lợi ích bất lương trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng phải do đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo. Để bảo vệ sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản, luật pháp đã tước đoạt những quyền chính đáng của người dân, tạo ra khoảng chân không pháp luật cho thế lực đồng tiền của các đại gia tự do cấu kết với thế lực Nhà nước của chính trị mặc sức cướp bóc nguồn sống của dân, bòn rút tài nguyên đất nước.
Mỗi tập Đại gia viết về một phi vụ cướp bóc này. Tập một, Tam giác ngầm, nhóm lợi ích cướp 500 hecta đất dày đặc mộ cổ và di tích lịch sử của dân thủ đô trong dự án Hà Vọng để đại gia Tấn Đạt thực hiện tham vọng Vua cao ốc. Tập hai, Quyền lực đen bòn rút tài nguyên đất nước trong các dự án khai thác vàng ở vùng núi Yên Ngạc, ở đảo Phúc Tinh.
Tam giác ngầm đó là một tam giác thực và một tam giác ảo. Ba nhân vật trung tâm của tập một tạo nên tam giác thực, trong đó đỉnh của tam giác là quyền lực Nhà nước, là Lê Đức. Hai chân đế là hai thế lực đồng tiền, hai đại gia, Lê Vượng và Tấn Đạt. Ba đường dây, ba dòng chảy ngầm Quyền – Tiền – Tình lại tạo nên một tam giác ảo, trong đó đỉnh của tam giác vẫn là Quyền lực Nhà nước và hai chân đế là Tiền và Tình.
Bị tước quyền công dân cơ bản nhất là quyền bầu chọn lãnh đạo Nhà nước và xã hội, người dân không có một chút quyền nhỏ nhoi nào với chính trường. Về hình thức, các quan chức cấp cao trong đảng do đại hội đảng bầu và các quan chức cấp cao Nhà nước do Quốc hội bầu nhưng thực chất từ quan chức trong đảng đến quan chức Nhà nước đều do các cụ lớn sắp đặt trong bóng tối hoàn toàn từ tình cảm cá nhân của các cụ. Không phải là những công dân ưu tú được người dân tín nhiệm, quan chức cấp cao chỉ là những kẻ bợ đỡ, xu nịnh, chạy chức chạy quyền được lòng các cụ lớn. Do đó quan chức từ to đến nhỏ đều không có năng lực làm việc và không có một chút khát vọng làm việc vì lợi ích của dân, của nước mà chỉ vì lợi ích cá nhân và vì tình cảm cá nhân. Và sự nghiệp kinh doanh của các đại gia trước hết là sự nghiệp kinh doanh tình cảm cá nhân này.
Các quan chức cấp cao từ cụ lớn đã về vườn đến người đang tại chức mà các đại gia cần kinh doanh tình cảm đều trở thành “đàn voi” để các đại gia chăn dắt. Đó là “công nghệ chăn voi” của đại gia Tấn Đạt: “Có lẽ ở đất nước này, chưa một ai từng nghĩ đến “công nghệ chăn voi” hoàn hảo như vậy… Tấn Đạt không chỉ thuộc tên, tuổi, địa chỉ từng người mà anh còn nắm được cả từng sở thích, từng thói quen. Với mỗi người, Tấn Đạt đưa ra một phác đồ “chăn dắt” riêng. Kẻ thích tiền thì cho tiền. Kẻ thích chức tước thì chạy chức tước. Kẻ tích gái thì dắt gái… ” (Tập I, trang 57)
“Công nghệ chăn voi” đưa Tấn Đạt đến với má mì Vân Chi: “Đã mấy năm nay Vân Chi trở thành một cơ sở cung cấp gái trinh cho nhiều đường dây “chăn voi” mà nhiều nhất là cho Tấn Đạt” (I, 46). “Theo gợi ý của Tấn Đạt, Vân Chi đã kiến tạo những đường dây săn gái, xây dựng trung tâm huấn luyện gái làm tiền, trung tâm y học chuyên làm giả màng trinh” (I, 102) Ngưu tầm ngưu, dần dần Vân Chi trở thành người tình rồi thành vợ Tấn Đạt.
Quyền – Tiền – Tình làm nên tiểu thuyết Đại gia nên nhân vật đầu tiên xuất hiện trong Đại gia và luôn có mặt bên cạnh đỉnh quyền lực trong suốt hai tập Đại gia là một gái gọi cao cấp, một á hậu, một diễn viên, một MC đình đám, Thu Quỳnh. Và sự kiện mở đầu cho tiểu thuyết Đại gia là sự kiện đại gia Tấn Đạt cống nạp người đẹp gái gọi Thu Quỳnh cho Lê Đức, con voi bự nhất, một đỉnh quyền lực trong tam giác Quyền – Tiền – Tình.
Đại gia không một lần nhắc đến chức danh của Lê Đức nhưng với vị thế điều hành cả nền kinh tế đất nước, với quyền uy thâu tóm các ngành, các bộ, đứng đầu cả bộ máy quản lí đất nước, đưa ra mọi quyết định trong các hoạt động kinh tế nhà nước thì đó chính là quyền lực của một Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ là một anh cán bộ đoàn và anh cán bộ đoàn cấp cơ sở Lê Đức tự biết mình là “chưa bao giờ là người kiên nghị, liêm khiết…, chưa bao giờ có ý định phải liêm khiết” (I,78). Chỉ với triết lí: “chính trị là sự khéo léo…, chính trị còn là phe cánh…, chính trị cũng cần tính kiên nhẫn và sự nô lệ” (I,78), đã cho Lê Đức biết xử thế “Cứ chỗ nào có các ông to tụ họp là Lê Đức nhào tới, tìm cách gặp mặt và gây ấn tượng rồi lân la làm quen” (I.79). Từ đó con đường thăng tiến mở ra trước Lê Đức: “Lê Đức gặp được “ô”, lên như diều gặp gió. Mấy ông lớn cứ lên đến đâu thì kéo Lê Đức lên đến đó” (I, 79). Lại thêm của cải vợ chồng Lê Đức vơ vét được khi vào tiếp quản Sài Gòn sau cuộc chiến tranh Nam – Bắc kết thúc đã tạo cho Lê Đức có thêm sức tăng tốc: “Lê Đức cùng với Ngần đã dùng các mối quan hệ hiện có, sục vào biệt thự các ông lớn của chế độ cũ vừa di tản, họ đưa vào túi riêng đến cả hàng ki lô kim cương, hồng ngọc… Từ đó ông trở nên giàu có và có tiền trang trải cho con đường thăng quan tiến chức của mình” (I, 79).
Người dân không có quyền dùng lá phiếu bầu chọn quyền lực Nhà nước, người dân không được kiểm soát quyền lực Nhà nước thì con đường bất chính đi đến quyền lực như Lê Dức không phải là cá biệt. “Suốt một thời, người ta đôn lên những kẻ thất học, những kẻ thủ đoạn, những kẻ ươn hèn, hẹp hòi. Và lạ nữa, cả một đội ngũ như vậy lại đều giỏi ở một điểm là bòn rút tiền trong công quỹ và tất cả đều giàu. Những thằng ngu có quyền chức, bây giờ lại còn giàu nữa thì khủng khiếp như thế nào. Xã hội rối ren, xuống dốc là vì thế. (I,144).
Những quan chức đó, “những thằng ngu có quyền chức” “chưa bao giờ là người kiên nghị, liêm khiết” đó trở thành bầy voi cho các đại gia nhiều tiền, lắm mưu ma chước quỉ chăn dắt và sai khiến cũng là tất yếu.
Chăn dắt và sai khiến bằng gái. Theo lệnh của Tấn Đạt, Vân Chi đưa người đẹp gái gọi Quỳnh đến cống nạp cho Lê Đức ở ngôi biệt thự vắng với lời dặn: “Lão này là sếp. Phải làm cho lão mê man, điên đảo và thuyết phục lão kí cho cái giấy phép đầu tư khu đô thị. Hàng chục ngàn tỉ đồng sẽ lọt vào tay khách hàng của chúng ta” (I, 18). Ngay lần gặp đầu, con người Lê Đức đã sập bẫy tình đại gia Tấn Đạt và quyền lực Lê Đức đã mềm nhũn trong vòng tay người đẹp gái gọi: “Quỳnh luồn những ngón tay thon thả mềm mại vào trong làn áo, mân mê phía trước ngực và bụng Lê Đức, còn tay kia quàng qua cổ ông. Lê Đức phút chốc trở nên đờ đẫn… Họ đưa nhau vào buồng ngủ và lăn lộn như một đôi tình nhân thực thụ xa cách đã lâu ngày” (I, 33).
Chăn dắt và sai khiến bằng cả tập dày tiền tươi. Hai đại gia Lê Vượng và Tấn Đạt mang quà đến gặp Lê Đức: “Bên trong gói quà là ba trăm ngàn đô la” (I, 98). Chăn dắt và sai khiến bằng lợi nhuận khổng lồ ăn chia từ các dự án. Lê Vượng bảo Tấn Đạt: “Cậu làm việc với Lê Đức xem thế lực của ông ta sẽ ăn chia bao nhiêu phần trăm lợi nhuận từ dự án này” (I, 43). Tấn Đạt, tổng giám đốc tập đoàn Đại Á gặp Lê Đức bàn phía Lê Đức lập công ty An Hưng liên danh với Đại Á trong dự án Hà Vọng để có cớ ăn chia lợi nhuận: “Chúng em tha thiết mong anh cho người tham gia dự án này… người của các anh sẽ tham gia ba mươi phần trăm”. Lê Đức thẳng thừng ngã giá: “Bên Đại Á sẽ hợp lí hóa tất cả giấy tờ, sao cho An Hưng có cổ phần trong dự án này mà không phải bỏ ra một lượng tiền tương ứng… Tôi sẽ kí ngay khi thủ tục liên danh ấy được tiến hành” (I, 126). Dự án khai thác vàng ở Yên Ngạc chỉ là dự án phụ cũng cho lợi nhuận “khoảng bốn ngàn tỉ tiền lãi. Một phần trong số đó sẽ được chi cho Lê Đức” (II, 333). Khai thác vàng ở đảo Phúc Tinh mới là dự án chính, lớn gấp bội thì phần của Lê Đức phải lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ tiền lợi nhuận.
Con người khác con vật ở chỗ con người không chỉ sống cho riêng mình. Con vật chỉ có hình hài sinh vật và nó chỉ biết sống vì cái hình hài sinh vật đó, chỉ biết kiếm miếng ăn nuôi cái hình hài sinh vật đó. Con người cùng với hình hài sinh vật còn có hình hài xã hội, còn có con người xã hội, con người văn hóa. Chính con người xã hội, con người văn hóa mới quyết định tầm vóc của một con người. Con người chỉ thực sự là người khi biết sống vì lí tưởng xã hội, làm được những việc có ích cho xã hội. Vị trí xã hội càng cao thì lí tưởng xã hội càng phải lớn.
Nhưng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải duy trì sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản đã tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người dân, tước đoạt phần con người xã hội của người dân. Người dân chỉ còn phần con người sinh vật, chỉ còn là bầy cừu cam chịu dưới sự chăn dắt của Nhà nước Cộng sản. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại tạo điều kiện tốt nhất cho những kẻ có quyền và có tiền phát triển tối đa con người sinh vật và giết chết con người xã hội trong họ. Con người sinh vật là chủ thể trong Đại Gia. Ít ỏi con người xã hội lạc lõng trong đó liền bị loại bỏ hoặc phải tự loại bỏ. Đại Gia là tiểu thuyết về số phận những con người sinh vật tội lỗi và đáng thương đó, là tấn bi kịch về một thời, một thể chế súc vật hóa con người! Vị trí xã hội càng cao thì súc vật hóa càng nhiều, bị kịch càng lớn.
Trong Đại gia, kẻ quyền cao chức trọng, có kẻ hầu người hạ, được kẻ săn người đón, được cung phụng đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống, kẻ có quyền uy lớn nhất tưởng là Người nhất lại là kẻ bị súc vật hóa lớn nhất. Với trọng trách là người đứng đầu cả bộ máy hành chính của đất nước, quản lí cả xã hội, được quyền sử dụng đồng vốn của đất nước, quyết định những dự án xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, con người xã hội ở vị trí đó là chăm lo cuộc sống cho người dân cả nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, tạo ra sự phồn vinh cho đất nước và làm rạng danh cả dân tộc. Đường đường phương diện quốc gia như vậy nhưng Lê Đức bận rộn tối ngày chỉ quanh quẩn mấy việc: Đi từ cuộc gặp này đến cuộc gặp khác với các đại gia Lê Vượng, Tấn Đạt, Đặng Quý, Thế Mạc… , bàn mưu tính kế với họ, nghe đề xuất của họ, thỏa mãn những đòi hỏi của họ. Đi từ phòng VIP nhà hàng Thiên Tuế, King Caphê về biệt thự vắng vẻ nơi người đẹp gái gọi Quỳnh đang mong. Lo chống đỡ với những phe phái đối địch. Lấy lòng những cụ lớn để được giữ ghế thêm nhiệm kì tiếp sau. Lo chạy tội cho thằng con bắn chết người.
Lưng vốn của Nhà nước có được từ đồng tiền thuế mồ hôi và máu của dân được Lê Đức dồn cho những doanh nghiệp Nhà nước do những đàn em thân tín nắm giữ. Tướng nào quân nấy, đàn anh ăn tàn phá hại, đàn em tội gì không ăn, không phá. Được đàn anh rót tiền cấp vốn, đàn em liền mang tiền đi mua sắm vô tội vạ chỉ để hưởng hoa hồng và ăn chênh lệch giá: “Khi liên kết mua lại các con tàu cũ… đã tìm cách nâng giá thành… chia nhau hàng chục triệu đô la” (II, 329). Điều hành cả nền kinh tế và nắm giữ những ngành kinh tế lớn của đất nước là những kẻ như vậy nên hàng loạt doanh nghiệp trong tay họ thua lỗ, phá sản. Nền kinh tế đất nước khủng hoảng triền miên, không sao gượng dậy nổi.
Đàn em làm ăn khấm khá như Tấn Đạt, ông chủ Đại Á phải cống nạp cho Lê Đức đã đành. Những đàn em làm ăn lụn bại như Đặng Quý, ông chủ Oseanship phá sản cũng phải mang cả ca tap tiền đến kêu xin Lê Đức che đỡ cho. Các bà vợ quan chức bao giờ cũng là những người nhận những khoản tiền tội lỗi, mờ ám nhưng rất đậm đó. Chán ông chồng già, bà Ngần béo tròn vợ Lê Đức đã bỏ ông, lặng lẽ đưa thằng con phạm tội giết người trốn ra nước ngoài, bà đưa luôn cả gã lái xe trẻ trung vâm váp đi theo phục vụ đời sống tình dục cho bà. Gái gọi Quỳnh liền thế chỗ bà Ngần bỏ lại. “Đặng Quý trao cho Quỳnh chiếc ca táp màu đen đựng toàn đô la: Chúng tôi có chút quà xin biếu anh chị. Đây chỉ là chút xíu để chị mua sắm cho vui” (II, 165).
Một thể chế chỉ sử dụng con người sinh vật và tạo điều kiện tốt nhất cho phần sinh vật trong con người phát triển thì con người xã hội, con người văn hóa làm gì có chỗ đứng trong thể chế đó. Không có năng lực làm việc nên người cộng sự gần gũi nhất, chánh văn phòng của Lê Đức phải là người thực sự có năng lực làm việc. Nhưng người có năng lực thực sự đều là những người trung thực, có nhân cách, đều là những con người xã hội. Con người xã hội thì không thể chấp nhận một kẻ chỉ có con người sinh vật như Lê Đức.
Chánh văn phòng Phạm Khắc viện cớ sức khỏe kém xin về hưu và viết cho Lê Đức những điều day dứt của một con người xã hội: “Chúng ta chẳng có năng lực nhưng vẫn ngồi trên những ngôi cao bắt cả xã hội cung phụng… Chúng ta trục lợi trên chính danh vị của mình. Giữa một cuộc khủng hoảng lớn, do những chính sách kinh tế và sự yếu kém trong điều hành, nhưng chúng ta đang tìm cách đổ lỗi cho nhau, bưng bít thông tin, lèo lái và cơ hội, chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Người dân bây giờ xem những người có chức có quyền là bọn sâu mọt… Mỗi người làm quan, phía sau là các công ty nhà, là cả bộ sậu của những kẻ nịnh bợ, kiếm chác, những con cáo mượn oai hùm… Làm dự án nào, ký quyết định nào cũng đều tính đến lợi ích của phe phái mình, cá nhân mình… Chúng ta đã coi thường lợi ích của nhân dân, lợi ích toàn cục, làm tay sai cho những kẻ tư bản ngày xưa chúng ta đổ máu để đuổi chúng đi, làm tay sai cho những trọc phú làm giàu trên xương máu nhân dân…”
Cái chết bí ẩn đến với chánh văn phòng Phạm Khắc khi Phạm Khắc vừa rời bỏ Lê Đức. Còn chánh văn phòng Trần Anh kế nhiệm Phạm Khắc thì phải tự tìm đến cái chết sau khi gửi đơn tố cáo những tội lỗi của Lê Đức. Một thể chế tước đoạt cả quyền con người là đã giết chết phẩm chất người trong mọi người dân thì những ai đã có phẩm chất người đều phải nhận những cái chết bi thảm khác nhau.
Xã hội trong Đại gi là xã hội tồn tại bằng bạo lực, bạo lực Nhà nước và bạo lực đồng tiền. Bạo lực Nhà nước cướp đất sống của dân. Bạo lực đồng tiền lại xé toạc mọi văn bản pháp luật. Người dân không còn biết bấu víu, kêu cầu vào đâu, đành trần trụi giữa bạo lực lạnh lùng, tàn nhẫn. Mạnh được, yếu thua. Bạo lực Nhà nước và bạo lực đồng tiền đã thắng và nhân dân đã thua, đạo lí xã hội, đạo lí làm người đã thua, đã mất. Đạo lí xã hội, đạo lí làm người không còn nên tất cả các gia đình trong Đại gia đều tan vỡ và không ai có hạnh phúc. Cả kẻ quyền uy, giầu sang sống trên vàng bạc cũng không có hạnh phúc.
Không chấp nhận cách làm giàu tàn bạo, không có trái tim con người của Tấn Đạt, Nguyệt Thanh, người vợ của tình yêu thời sinh viên trong sáng đã rời bỏ Tấn Đạt dẫn đứa con gái ra đi. Mèo mả gà đồng gặp nhau, đại gia Tấn Đạt lấy má mì Vân Chi và đứa con của Tấn Đạt còn trong bụng Vân Chi là một thai nhi không có tim! Đứa con không tim, Tấn Đạt có sống trong ngôi nhà vàng thì cuộc đời cũng là địa ngục, đâu có hạnh phúc. Đó là nhân quả. Nhân quả là triết lí của mọi tôn giáo. Nhân quả cũng là triết lí của cuộc đời.
Quyền – Tiền – Tình là ba tầng địa chất, ba mạch vỉa quặng, ba tuyến truyện được khai thác trong Đại Gia. Quyền – Tiền được người viết khai thác khá đầy đủ và lí giải khá thấu đáo, thuyết phục. Tình là mạch vỉa khá dày dặn, lại rất cuộc đời, tưởng sẽ được khai thác tương xứng nhưng đã bị xem nhẹ, lướt qua đáng tiếc, là phần yếu của Đại gia.
Tình dục của con người sinh vật. Tình yêu của con người xã hội. Trong Đại gia có rất nhiều cặp tình dục, tình yêu bộc lộ tính người, tính vật. Tấn Đạt – Nguyệt Thanh. Tấn Đạt – Vân Chi. Lê Đức – Ngần. Lê Đức – Quỳnh. Ngần – Phi (gã lái xe của bà Ngần). Lư – Hoa. Trình – Lee Min Young . . . Những kẻ chỉ có con người sinh vật đã được chứng minh bằng sự tàn bạo, mất tính người với đồng loại lại được chứng minh bằng đời sống tình dục của con người sinh vật càng được khắc họa thêm, càng có thêm chiều sâu tính cách nhưng Đại gia đã bỏ qua sự khắc họa, bỏ mất chiều sâu tính cách này.
Lê Đức – Ngần là cặp vợ chồng vật chất, thân xác. Khi thân xác Lê Đức vô dụng với bà Ngần béo tốt ở tuổi hồi xuân, bà phải lấy thân xác của anh lái xe tên Phi trẻ trung thay thế. Nhưng chỉ đến khi Phi được bà Ngần lôi đi theo trong cuộc chạy trốn ra nước ngoài, người đọc mới biết về sự tan vỡ của gia đình Lê Đức, mới biết thoáng qua về mối quan hệ hoàn toàn bản năng, sinh vật Ngần – Phi. Một cơ hội để khắc họa con người sinh vật, khắc họa tính cách hoang dã của một nhân vật quan trọng trong Đại gia đã bị bỏ qua. Một cơ hội để lí giải về sự tan vỡ của gia đình, về sự vô nghĩa của cuộc sống chỉ biết có vật chất đã bị bỏ qua.
Những cuộc tình trong Đại gia đáng ra là chỗ sự sống động của cuộc đời tươi xanh tràn vào sau những lạnh lùng, nghiệt ngã, còn mất của Quyền – Tiền, lại là những trang viết khá khô khan, nhạt nhòa, hời hợt thường được kể vắn tắt bằng suy diễn, cảm nghĩ chứ không phải bằng trực tả làm mất đi vẻ tươi tắn của cuộc sống, sự chân thực của cuộc đời. Cuộc tình Lê Đức – Quỳnh được trích dẫn ở phần trên khi ngay trong lần đầu gặp Quỳnh, Lê Đức đã sập bẫy tình của Tấn Đạt là một dẫn chứng. Cuộc tình nào trong Đại gia cũng chỉ đại khái, qua loa như vậy.
Người đọc nhận biết ngay vụ việc Tấn Đạt chiếm 500 hecta đất làm dự án khu đô thị Hà Vọng chính là vụ việc 500 hecta đất của người dân Văn Giang, Hưng Yên bị chiếm đoạt trong dự án Ecopark ở ngoài đời, vụ đổ bể thảm hại của dự án Oceanship trong Đại Gia chính là vụ Vinashin chấn động ở ngoài đời. Vì thế người đọc cũng biết rõ con người sinh vật Lê Đức trong Đại gia là ai ở ngoài đời.
Những vấn đề Đại gia đặt ra chính là những vấn đề của xã hội Việt Nam hôm nay, một xã hội đầy bạo lực, mất tính người. Nêu thực trạng xã hội, Đại gia còn lí giải nguyên nhân của thực trạng đó. Một thế lực đứng trên pháp luật đang thao túng xã hội Việt Nam. Thế lực đó không biết đến quyền con người, không biết đến những giá trị làm người của người dân mà chỉ biết có sự độc quyền thống trị xã hội của đảng cầm quyền. Nhưng khốn khổ thay, thế lực đứng trên cả pháp luật đó lại bị đồng tiền tội ác của những đại gia bất lương sai khiến, lại phải cúi đầu để cho những đại gia bất lương chăn dắt.
Phạm Đình Trọng
(BVN)

Thêm một kỷ lục của sự lố lăng

http://images.yume.vn/blog/201208/09/1344506458_Tu%20trai%20qua,%20nha%20van%20Vo%20Thi%20Xuan%20Ha,%20nha%20tho%20Huu%20Thinh,%20tac%20gia%20Hoang%20Quang%20Thuan,%20PGS.TS%20Nguyen%20Huu%20Son.jpg
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn - Đơn vị tổ chức Hội thảo cùng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HVNVN, GS.TS Hoàng Quang Thuận, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Vài mẩu tin về một vụ cấp "bằng tiến sĩ danh dự" mới đây

Người ta có thể tưởng là sự lố lăng của các "nhân vật của công chúng" ở ta, thường thì rất lớn nhưng cũng có giới hạn. Nhưng không, hai nguyên uỷ viên bộ chính trị, một nguyên bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông, một đương kim uỷ viên trung ương đảng, một thứ trưởng ngoại giao tại chức, một "viện sĩ", một "PGS.TS", đương kim Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội, vân vân, vừa chứng minh là kỷ lục của sự lố lăng và ngu dốt rất có thể được vượt qua. Động lực lớn nhất dĩ nhiên là sự hám danh.

Danh sách (và cả danh tính của các nhân vật kể trên nữa) dài hơn thế, xin mời bạn đọc vào xem một vụ cấp bằng "tiến sĩ danh dự" độc nhất vô nhị trên thế giới, ở mấy địa chỉ tiêu biểu dưới đây (toàn báo chí có môn bài cả đấy):

http://nguyentandung.org/dai-hoc-ky-luc-the-gioi-ton-vinh-gia-tri-noi-dung-cuon-sach-thi-van-yen-tu.html

http://www.cand.com.vn/vi-VN/toiphama-z/2013/3/209884.cand

http://www.gdtd.vn/channel/2776/201309/tho-thien-nui-thieng-yen-tu-lay-dong-dh-ky-luc-the-gioi-1973025/

http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/trao-11-bang-tien-si-danh-du-cua-dai-hoc-ky-luc-gia-the-gioi.html

Nếu bạn muốn biết thêm về cái gọi là ""Đại học Kỷ lục Thế giới" ấy là gì, bạn đành phải rời các báo "lề phải" vậy, nhưng cũng không cần qua đường đâu, bạn chỉ cần tìm đến bản Tin không lề này là đủ. Nhưng đó là một trang Facebook, nếu không vào được bạn cũng có thể tới thăm blog của Tễu (tức TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diệu).

Còn nếu bạn muốn biết thêm nữa về nhân vật chính của đợt "vinh danh" này, người từng, cách đây hơn một năm rồi, là "ứng cử viên vào giải Nobel văn chương", chúng tôi xin chép lại đây địa chỉ của hai trong số rất nhiều bài viết lúc đó : một của Mặc Lâm trên đài RFA, và một của GS Nguyễn Huệ Chi trên báo Văn hoá Nghệ An.
Xin mời bạn.
 

Bình Ðịnh: Người Trung Quốc tìm mua nấm cực độc

Sau những cuộc săn tìm đỉa, ốc bươu vàng, nay lại đến nấm độc, đang là loại hàng mà người dân sinh sống tại các vùng cao nguyên đổ xô đi tìm để bán cho thương lái Trung Quốc.

Ðây là loại nấm cực độc có thể khiến họ bị nhiễm độc và mất mạng trên đường đi.

Bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, từ đầu năm 2013, cuộc săn lùng nấm độc có tên gọi là “nấm hòm” đang thu hút hàng trăm cư dân xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh để bán cho các thương lái người Trung Quốc.



Nấm cực độc có thể gây chết người. (Hình: baobinhdinh.com.vn)

Nhiều cư dân địa phương cho biết, thương lái Trung Quốc nói “muốn mua số lượng lớn nấm hòm để làm thuốc chữa bệnh,” với giá lên đến 15,000-20,000 đồng/kg, tương đương 1 đô. Gần đây, những người này còn nâng giá mua lên 30,000 đồng, tương đương 1.5 đô một ký vì nấm đang dần cạn kiệt.
Những người làm nghề hái nấm còn khoe rằng thương lái Trung Quốc làm ăn rất sòng phẳng, uy tín, “tiền trao cháo múc,” nên người này rủ người kia, người nọ theo người kia đổ xô đi tìm nấm độc. Tại một số xã ở huyện An Lão, gần như nhà nào cũng có người lên rừng hái nấm.
Ông N.T.L, 28 tuổi, người hái nấm lâu năm cho biết, vì mọi người đổ xô đi tìm hái nên nấm hòm dần dần biến mất. Ông nói, “Bây giờ phải chịu khó đi sâu vào rừng mới tìm thấy. Tôi có dọ hỏi xem họ thu mua để làm gì, thì họ chỉ trả lời để làm thuốc chữa bệnh.” Ông này cho rằng, nếu chịu khó lặn lội rừng sâu, mỗi tháng một người có thể kiếm được 1 triệu đồng, tương đương 50 đôla.

Một thanh niên người Bana tên H.V.B, 34 tuổi cho biết thêm, người hái nấm thường hoạt động lén lút vì nhân viên kiểm lâm được lệnh bắt bớ, tịch thu nấm hái “chui.”
Theo báo Tin Tức, không chỉ người dân xã An Toàn hái nấm độc, mà các xã lân cận như An Nghĩa, An Hòa cũng có nhiều gia đình đưa người tham gia “đoàn quân” hái nấm độc. Người dân huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi và huyện An Khê, tỉnh Gia Lai cũng tìm đến những cánh rừng ở xã An Toàn để săn tìm nấm độc.
Một số cư dân còn kể thêm, nấm hòm có mùi rất khó chịu. Ngửi thử loại nấm này, chỉ vài phút sau thì cơ thể choáng váng, đầu óc quay cuồng như người bị trúng gió độc. Một người dân sống ở xã An Toàn cho biết, nấm hòm từ xưa đã nổi tiếng là “sát thủ giấu mặt.”
Ông này nói rằng, không ai trong vùng mà không biết sự nguy hiểm của loại nấm này. Theo ông, một người lớn chỉ cần ăn phải một miếng rất nhỏ thì có thể tử vong. Ðặc biệt là nấm được phơi khô, chất độc trong nấm càng phát ra nhiều. Nhiều người nghi ngại tin nói rằng thương lái Trung Quốc mua nấm hòm về làm thuốc chữa bệnh. Tuy vậy, cứ nghe bán được tiền thì nhiều người đổ xô vào rừng hái nấm độc để bán.
Một chủ đại lý huyện Hoài Nhơn chuyên thu mua nấm độc cho biết, bà mua lại nấm từ những người dân vào rừng hái rồi bán lại cho thương lái ở các tỉnh phía Bắc để chuyển sang Trung Quốc. Bà thú nhận kiếm lời được từ 10-20% giá mua tận gốc.
Ông Nguyễn Xuân Ðào, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã An Toàn cho hay, xã có gần 800 dân đều vào rừng săn lùng nấm hòm. Ông nói, chính quyền địa phương đã có biện pháp giải thích và ngăn chặn, vì điều này không những gây nguy hiểm đến tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên dù tuyên bố cấm ngặt nhưng chính quyền cũng đành bó tay vì người dân bất chấp, tiếp tục đua nhau vào rừng.
(Người Việt)

Một phiên vào 'chợ' luận văn

Để nâng bậc giảng viên, T.M.N, trợ giảng tại một trường đại học dân lập phải nâng học hàm. Sau hai năm theo học thạc sỹ tại trường Đại học Văn hóa TPHCM, cửa ải cuối cùng để có tấm bằng là một bài luận văn. Thế nhưng việc này có lẽ quá khó với N. và giải pháp cuối cùng của anh là vào “chợ” luận văn thuê viết với giá 5 triệu đồng.
Viết luận văn phải qua nhiều “cửa ải”. Ảnh: minh Họa
Viết luận văn phải qua nhiều “cửa ải”. Ảnh: minh Họa.
Theo N, chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng để có một luận văn cử nhân, 5 triệu cho luận văn thạc sỹ và 15 triệu cho luận văn tiến sỹ.
“Chợ” luận văn
Theo giới thiệu của N, chúng tôi gọi vào số 0936998xxx thuê viết một luận văn tiến sỹ ngành văn học, người đàn ông kia giới thiệu tên Chinh. Chinh cho biết: “Chúng tôi cũng đang nhận viết một luận văn tiến sỹ ngành kinh tế. Để công việc được thuận lợi, bạn vui lòng thống nhất lại một số nội dung như cung cấp tên đề tài, nếu là tiến sỹ thì bạn nên lấy từ hai đến ba đề tài để tôi cho người viết. Sau đó bạn thấy cái nào phù hợp bạn chọn đề tài đó. Ngoài ra, bạn cho thời gian hoàn thành và nội dung yêu cầu ở từng mục của bạn. Từ đó tôi sẽ căn cứ và đưa ra mức phí sao cho phù hợp với cả hai bên”.
Nhằm giúp khách có thêm lựa chọn về giá cả và chất lượng cho luận án tiến sỹ, N. gửi cho tôi một số trang mạng chuyên nhận viết luận án tiến sỹ thuê: “Bạn cứ vào các trang đó mà tham khảo thêm, vì viết luận văn tiến sỹ không đơn giản như luận văn thạc sỹ đâu. Bởi hội đồng xét duyệt luận văn tiến sỹ có rất nhiều cửa, cũng như một năm mỗi giáo sư chỉ nhận xét duyệt một tới hai đề tài”- N. nói.
Không khó để có thể thuê viết luận văn trên các website
Không khó để có thể thuê viết luận văn trên các website .
Dạo quanh các website như choluanvan.net, luanvan.net, thuvienluanvan.com… tất cả đều đăng tải thông tin nhận viết luận văn thạc sỹ, tiến sỹ với mức giá khác nhau, nhưng đều đưa ra cam kết đảm bảo về số liệu, dẫn chứng và đặc biệt không trùng với bất cứ luận văn cùng đề tài nào đã được viết.
Liên lạc với số điện thoại 01285817xxx trên trang luanvanaz.com của một người tên Luân, chúng tôi được người đàn ông này cho biết: “Do đề tài bạn yêu cầu là tiến sỹ nên giá sẽ là 15 triệu đồng. Tên đề tài bạn sẽ phải chọn, còn nếu mua luôn đề tài bên mình là 20 triệu đồng. Nếu đồng ý sẽ giao dịch qua email clbluanvan@yahoo.com. Bạn gửi đề tài và yêu cầu vào đó để mình cân nhắc, còn tiền thì đưa trước 50% vào tài khoản của mình. Số còn lại khi nào bảo vệ thành công sẽ đưa hết cộng với một khoản thưởng thêm”.
Tôi thắc mắc: “Ngộ nhỡ khi chuyển 50% tiền công rồi các ông chuồn êm thì sao”? Luân nói: “Tụi em làm ăn lâu dài mà anh” (?!).
Chúng tôi liên lạc lại với Chinh và đồng ý mức phí cũng như yêu cầu của anh ta, Chinh phán luôn: “Bạn sáng suốt đó, vì thời buổi này ai còn ngồi một chỗ mà viết luận văn nữa. Hằng ngày tôi nhận vài cái đề tài cử nhân, thạc sỹ là chuyện thường. Thời gian để bạn ngồi loay hoay trong vài tháng để đẻ ra luận án thì nên tìm việc khác kiếm tiền. Dùng một phần tiền đó bỏ ra thuê viết, vừa đỡ mệt đầu óc lại bài bản, chuyên nghiệp hơn”.
Sau khi gửi hai đề tài luận án tiến sỹ cho Chinh qua email, Chinh hồi âm và đảm bảo trong vòng 15 ngày sẽ hoàn thành. Và như thỏa thuận chúng tôi phải gửi cho Chinh trước 50% số tiền làm luận án vào tài khoản BIDV: 323100000xxxx chủ tài khoản mang tên Nguyễn Văn Chinh, chi nhánh Hải Phòng. Thắc mắc về việc sao ở Sài Gòn mà lại mở tài khoản ở Hải Phòng, Chinh giải thích: “Quê gốc mình ở Hải Phòng, mình vào học Sài Gòn học đại học”.
Chúng tôi không chấp nhận gửi tiền vào tài khoản mà muốn gặp trực tiếp để đưa tiền cũng như thảo luận một số vấn đề trong đề tài, Chinh đồng ý gặp tại một quán cà phê trên đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận. Nhưng người tới gặp lại giới thiệu mình chỉ là một thành viên trong ê-kíp viết luận văn thuê cho Chinh.
Người thanh niên giới thiệu tên Thanh, mới tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Thanh cho biết đơn hàng viết luận văn thuê mà nhóm Thanh làm chủ yếu là luận văn tốt nghiệp đại học, thạc sỹ chứ tiến sỹ thì khá hiếm. Những đơn viết thuê dù cử nhân hay tiến sỹ sẽ được Chinh giao cho nhóm làm. Tất cả các luận văn này sẽ được các thành viên nhặt nhạnh, khai thác tư liệu từ nhiều nguồn. Sau đó lắp ghép và tút tát hoàn chỉnh rất bài bản và chuyên nghiệp.
“Cái nghề này đòi hỏi phải kiên nhẫn và tỉ mỉ lắm. Trong câu lạc bộ của tụi em hầu như đều mới tốt nghiệp cử nhân thôi, chỉ có mỗi anh Chinh đang học thạc sỹ ngành luật. Nếu chịu khó nhận đề tài làm thì mỗi tháng cũng kiếm được mười triệu. Múc óc ra bán, khổ lắm anh ạ” - Thanh nói.
Cũng theo Thanh thì nguồn nguyên liệu luận văn mẫu được nhóm lấy trên mạng, hoặc mua từ những quán bán đĩa nhạc, photo tại cổng các trường đại học rồi về lọc ra. Loại nào cho ngành kinh tế, loại nào cho ngành luật… Sau khi hoàn thành việc xào luận văn, nhóm của Thanh còn cung cấp phụ lục nguồn dẫn thông tin để người thuê viết biết khi bảo vệ luận văn họ không gặp khó với những phản biện của hội đồng.
“Nhiều khi gặp phải mấy ông không biết gì, mình còn phải đi cùng rồi dạy họ phản biện cũng như chuẩn bị trước những câu hỏi của hội đồng để tới khi hội đồng có hỏi thì biết đường mà nói cho khớp, chứ không là bể mánh ngay. Được cái giáo viên hướng dẫn hay hội đồng xét duyệt của các trường đều rất dễ. Mỗi khóa bảo vệ luận văn đều từng đó thành viên trong hội đồng nên việc phát hiện đề tài luận văn xào là rất khó”, Thanh nói.
“Muốn xuôi chèo phải cần tiểu xảo”
Chinh yêu cầu toàn bộ giao dịch chỉ cần liên hệ qua email
Chinh yêu cầu toàn bộ giao dịch chỉ cần liên hệ qua email.
Anh T.Q.T mới bảo vệ thành công thạc sỹ ngành văn hóa học tại một trường đại học ở Sài Gòn. T. cũng là một khách hàng quen của Luân vì hầu hết luận văn hay tiểu luận của T. đều đặt hàng Luân viết. T. rút ra kết luận: “Dù đề tài là thuê viết nhưng muốn qua cũng cần có tiểu xảo”. 
“Sau khi luận văn có trong tay rồi, việc đứng trước hội đồng là cửa ải cuối cùng nên cần hết sức cẩn thận.”, T. truyền kinh nghiệm. “Bởi mỗi thành viên trong hội đồng sẽ hỏi một câu, vì vậy để đảm bảo trót lọt thì ngay lúc nhận đề tài, mình phải hỏi đứa viết luận văn cho mình những cái cần thiết và thật chi tiết về số liệu hay những tính toán cho tương lai của vấn đề đó. Riêng với ngành kinh tế hay xã hội học thì tự mình cần chuẩn bị thêm số liệu thực tế mới nhất, bởi người viết thuê luận văn nhiều khi lấy số liệu tầm bậy và số liệu cũ nhét vào thôi. Còn nếu gặp thầy cô đưa ra câu hỏi khó mà mình chưa nắm được thì tốt nhất nên chuẩn bị những lý do thuyết phục, tránh kiểu à uôm nói cho qua”. Các tiểu xảo được giới viết thuê đúc rút thành cẩm nang và gọi bằng mĩ từ là các kỹ năng qua cửa ải.

Gia Huy
(Tiền phong)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét