Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Bài đáng chú ý - Việt Nam:Tự chuyển hoá là con đường hiện thực và toàn dân cùng thắng

Việt Nam:Tự chuyển hoá là con đường hiện thực và toàn dân cùng thắng

Để trả lời câu hỏi của bạn bè và những ai quan tâm về dự báo đối với tình hình khu vực và đất nước là không phải đơn giản. Tôi đang lựa chọn và sửa lại các bài viết dài và đầy đủ của tôi thời gian vừa qua về câu chuyện rất thời sự này, để góp phần trao đổi sâu hơn với công luận.Tuy nhiên để kịp thời trả lời bạn bè một cách ngắn gọn, tôi có thể tóm tắt mấy ý lớn sau đây.
Về “Tình hình thế giới và khu vực”: Suy nghĩ khái quát của tôi là, Loài người không ngừng tiến hoá, tìm tòi phát triển. Có tìm tòi đúng, cũng có tìm tòi do động cơ sai hoặc chưa thật hợp quy luật vận động của Nhân loại, thì chưa thành công. Sự xuất hiện của Liên Xô và phe XHCN là kết quả của một trong nhiều sự tìm tòi con đường tiến lên đó của Loài người. Liên Xô ra đời đã tạo ra một đòn quyết liệt buộc phải giảm tình trạng bóc lột tàn bạo và làm tan rã hệ thống thuộc địa của tư bản trên thế giới; đã đóng góp rất quan trọng vào việc tránh cho thế giới khỏi hoạ phát xít; đã cùng với nhóm nước XHCN khác tạo ra một thế cân bằng và phản biện rất tích cực với khối TBCN, kích thích sự tự điều chỉnh, sáng tạo tìm tòi con đường đổi mới phát triển vươn lên (theo kiểu tự do cạnh tranh) của khối các nước Phương Tây này. Do thể chế chính trị sai lầm, nên sau khi tận dụng hết tiềm năng kích thích của “sự đổi mới, cách mạng”, xã hội Liên Xô và các nước Đông Âu đã dần dần đi vào suy thoái toàn diện, nhất là khi bắt đầu mở cửa thi đua phát triển trong hoà bình cạnh tranh thị trường với các nước TBCN. Hậu quả là, do suy sụp chính trị xã hội, việc chuyển đổi chở về thể chế Tự do Dân chủ Đa nguyên Đa đảng một cách đột ngột, mất điều khiển đã làm “phân rã” quốc gia siêu cường cộng sản hàng đầu thế giới. Vì vậy, khi đã nằm trong cùng thể chế chính trị hiện đại với các nước Phương Tây, nước Nga và các nước Đông Âu cũ đã phải trả giá đắt cho “học phí” chuyển đổi, vươn lên và ổn định trong thể chế chính trị mới này. Tôi tin rằng, cùng với sự thông minh, sáng tạo không kém các nước Phương Tây, nhưng với một động lực “đổi mới, cách mạng ” mạnh mẽ lần này, nước Nga và khối các nước Đông Âu cũ chắc chắn sẽ từng bước vượt qua mọi trở lực (vẫn còn tiềm ẩn) có thể đuổi kịp những nước TB phương Tây. 
Riêng tại Trung quốc và Việt Nam, sự chuyển đổi thể chế chính trị xã hội do các đảng CS lãnh đạo đã diễn ra một cách từ từ có điều khiển, bắt đầu từ kinh tế. Cách làm đó đã giúp TQ phát triển được mạnh mẽ kinh tế, mà tạm thời vẫn giữ được ổn định chính trị xã hội. Theo tôi, đã thừa nhận và đã chấp nhận cần chuyển đổi kinh tế, thì vì kinh tế là cơ sở nền tảng của xã hội, tất yếu rồi cũng phải chuyển đổi nốt về chính trị văn hoá, không thể cưỡng lại được ! Trên thực tế, theo tôi: tại Việt Nam và Trung Quốc, CN Mác – Lê đã thực sự không còn đóng vai trò chỉ đạo như khi cả phe XHCN còn tồn tại; nền kinh tế đang được các Đảng CS ở đây chỉ đạo đang dần chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường tư bản; nội dung “xây dựng CNXH” thực tế và chủ yếu đã chuyển thành xây dựng Chủ nghĩa tư bản nhà nước với sự hoành hành của các “Nhóm lợi ích” riêng. 
Nền chính trị tại các nước này đang là “ Đầu Ngô – mình Sở”: Tại Việt Nam, trên thực tế đang chuyển về Chủ nghiã Dân tộc đã có từ sau cách mạng tháng 8, 1945 nhưng đã bị biến dạng; tại Trung Quốc, Đảng CS đang xây dựng CNXH mang đặc điểm TQ, nhưng trên thực tế thì xu thế trỗi dậy của Chủ nghĩa bành chướng bá quyền Đại hán đang thắng thế. Song song tồn tại với các nước XHCN chuyển đổi là một loạt nước TBCN cũ và mới, sự phát triển của những nước này mấy năm gần đây vừa được sự kích thích tương hỗ của nước Trung Quốc mới trỗi dậy rất mạnh về kinh tế, vừa bị đe doa ở các mực độ khác nhau do khía cạnh đại bá bành chướng của TQ tạo nên. Chính trong tình hình như vậy mà trên thế giới đã tự phát xúât hiện khái niệm “Trung Quốc và phần còn lại của Thế giới”, một phần lớn là với ý nghĩa rằng, dường như với chính sách chèn ép, lấn át, bành chướng ngày càng cụ thể và tăng lên của TQ, thì các nước còn lại rất tự nhiên họ đã ở trong hoàn cảnh gíông nhau, từ đó xuất hiện nhu cầu liên kết với nhau rõ hơn để tự bảo vệ và cùng nhau tự bảo vệ. Trong tình hình như vậy, các nuớc còn lại trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn, đương nhiên sẽ phải lựa chọn chính sách tương ứng của mình đối với khu vực này. Đến đây tôi tự thây không cần đi sâu thêm ngay, vì tin rằng Loài người vẫn tiến hoá, có thể dích dắc, nhưng chắc chắn vẫn tuân theo quy luật, không thể khác là sự chiến thắng của các quốc gia văn minh và những chiến thắng đó sẽ kéo theo sự tiến bộ của các nước lạc hậu. Tôi đã từng viết rằng, đối với Việt Nam, tình hình thế giới và khu vực vừa tạo ra nguy cơ to, nhưng cũng đồng thời đem đến thời cơ lớn cho Việt Nam mình. Chỉ còn trông chờ vào khả năng đoàn kết tổng hợp nội lực toàn Dân tộc với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng CS VN.
Đối với “Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước” của Việt Nam, tôi cần nói rõ quan điểm của tôi như sau. Tôi thừa nhận răng, sau nhiều năm giao động, trăn chở, tự tôi, tôi đã hình thành được rõ quan điểm đúng đắn và tự tin về Đổi mới đất nước như bây giờ: Đó là, Quá trình tất yếu Dân chủ hoá đất nước nên theo phương án mà tôi gọi là “Chuyển hoá trong hoà bình, ổn định trở về với thể chế chính trị của chính Việt nam đã có trước đây”.
Những năm qua, tồn tại 4, 5 nghịch lý chính sau đây đã làm cho tôi lúng túng, khá phân vân:
  • 1/ Nghịch lý giữa thành tích to lớn của Đảng CS VN trước kia với sai lầm bế tắc mất niềm tin của Dân đối với Đảng CS VN hiện nay;
  • 2/ Nghịch lý giữa mặt mạnh hấp dẫn của Tự do Dân chủ cạnh tranh Đa đảng theo luật pháp nghiêm chỉnh của CNTB với lòng căm thù vẫn còn tồn tại của một bộ phận nhân dân VN đối với TB Pháp và Mỹ do họ gây ra trong chiến tranh VN vừa qua và tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay của khối Tư bản phương Tây;
  • 3/ Nghịch lý giữa lý tưởng XHCN tốt đẹp với sự sụp đổ cả mảng của phe XHCN, với hiện trạng rất tồi tệ trong quản lý kinh tế xã hội “XHCN” hiện thực hiện nay của nước ta;
  • 4/ Nghịch lý giữa “Tình hữu nghị sâu nặng 16 chữ vàng với TQ” với thực tiễn đã và đang diễn ra sự lấn chiến, chèn ép, . . . của TQ đối với VN chúng ta;
  • 5/ Mỹ trước đây dã tâm xâm lược tàn phá nước ta, nay làm sao mà lại có thể đoàn kết, hợp tác chiến lược được với nước này . . .
Nay tôi đã giải toả được tâm tư về những nghịch lý trên, tóm tắt như sau:
Khái quát nhất là, cần chấp nhận và đón nhận thực tế (cả đúng và sai) của sự dích dắc trong phát triển xã hội Loài người. Không nhất thiết cái gì trước đây là đúng, thì bây giờ vẫn đúng, và ngược lại. Ví dụ, Nhật, Mỹ trước đánh ta, thì ta căm thù, nay nếu Nhật Mỹ thực sự hợp tác giúp đỡ ta, thì ta hoan nghênh. Thật đơn giản dễ hiểu!
Về cụ thể, cần giải trình, chứng minh rất dài, nhưng tóm lại có thể như sau:
1/ Tôi đã chứng minh rằng, Hồ Chí Minh đích thực là một chiến sĩ cách mạng và một nhà văn hoá theo chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế “với tình yêu nhân loại bao la như đại dương”, theo đường lối “Lấy dân làm gốc” nên đã chủ trương “Đoàn kết, đại đoàn kết”, “Không gì qúy hơn độc lập tự do” và muốn xây dựng một chế độ Dân chủ Cộng hoà, Đa nguyên, đa đảng. . .Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Việt Nam ra đi mang theo Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, cuối cùng đã tìm được tới Đường lối Tự do, Dân chủ, Cộng hoà, Đa nguyên, Đa đảng cạnh tranh theo luật pháp . . . Cụ thể diễn ra như sau: Sang châu Âu, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu kỹ CNTB và thấy rằng, xã hội TB ở các chính quốc Tự do Dân chủ Công bằng Văn minh hơn hẳn chế độ chính trị ở các thuộc địa. Sang Liên Xô Hồ Chí Minh đã chứng kiến nhiều thành tựu, nhưng cũng thấy những hiện tượng độc tài toàn trị mất dân chủ, thậm chí đàn áp ác độc với người dân, của thể chế chuyên chính vô sản. Người đã thấy rõ sự không ổn, thậm chí bế tắc của thể chế chính trị kiểu “xã hội chủ nghĩa” của Liên Xô và TQ, trong khi, với thể chế chính trị tự do, dân chủ, cạnh tranh chính trị trong hoà bình và luật pháp đầy đủ, thì dù có tạm thời phạm sai lầm, các nước theo thể chế đó họ vẫn ổn định, tự đấu tranh khắc phục và vươn lên được.. .
Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã tự mình “ngộ ra” chân lý: Cái mà Người cần tìm là Cách mạng Dân tộc Dân chủ, chứ không phải là CM vô sản; cái thể chế mà Người cần đem về VN là thể chế “Lấy Dân làm gốc”, Tự do Dân chủ Cộng hoà, Đoàn kết, đại đoàn kết không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái, giầu nghèo . . .chứ không phải chính quyền chuyên chính vô sản kiểu Liên Xô (của Stalin và Mao Trach Đông). Những điều kết luận đó không ai có thể bịa ra, chúng đã được thể hiện chính thức, công khai, bằng giấy trắng mục đen trước toàn thể giới trong những sự kiện quan trọng nhất là Cương lĩnh CM Dân tộc dân chủ (bị Stalin loại trừ); là Tuyên ngôn độc lập 1945 và Hiến pháp 1946; là Chính phủ Liên hiệp và Mặt trận Việt Minh; là đề nghị gia nhập Liên hiệp Pháp, là hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ . . . Chính tôi, và rất nhiều người đã có lúc, có nơi bị những cái không chính thức, hoặc chỉ mang tính giai đoạn, quá độ còn đang dích dắc đi tới nhận thức đúng đắn về lý luận và thực tiễn, hoặc “bí mật” hay sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hoặc bị đồn thổi, xuyên tạc . . .để hiểu sai về bản chất tư tưởng, đường lối Đại đoàn kết, Tự do Dân chủ Cộng hoà Đa nguyên chính trị. . .và đạo đức thực sự của con người Hồ Chí Minh.
2/ Chính vì vậy, sau khi lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng 8, Hồ Chí Minh đã bị Stalin nghi ngờ là “Hồ Chí Minh đã đi theo CN Tư bản”, ngược lại Hồ Chí Minh lại bị Mỹ nghi ngờ là “Hồ Chí Minh vẫn còn là Cộng sản”. Trong khi đó lại bị Tư bản Pháp tham lam gây chiến tranh chiếm VN lần thứ 2. Trong hoàn cảnh như vậy, Mỹ đã giúp Pháp đánh chiếm VN (ngăn chặn CS) , còn Liên xô chỉ công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh và giúp VN chống Pháp, nếu Hồ Chí Minh thực sự chịu đi theo CN Mác – Lê, nhận làm tiền đồn bảo vệ phe XHCN . Vậy là cả hai phe, cố ý và vô tình, đều ép VN phải từ bỏ thể chế Tự do Dân chủ Cộng hoà đã được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt và đã tuyên bố trước thế giới, để chuyển sang thể chế chuyên chính vô sản độc đảng toàn trị nhằm nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô (và sau 1950 là của cả TQ), đồng thời cũng vì đòi hỏi phải vận dụng một cơ chế quân sự tập trung thời chiến (tương đương với chuyên chính vô sản) để chống Pháp và tồn tại !
3/ Tôi khẳng đinh rằng, Hồ Chí Minh, trong thời gian ở Liên Xô, được chứng kiến các hiện tượng độc tài, thậm chí đàn áp hà khắc nhân dân theo kiểu “cứ khác ta là địch”. Người đã thấy rõ sự không ổn của thể chế chuyên chính vô sản kiểu Stalin, nhưng Người đã buộc phải vận dụng sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để có chỗ dựa và điều kiện bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Di chúc của Người nói lên rắng, nếu Người còn sống cho đến lúc thống nhất được đất nước, Ngườì sẽ lãnh đạo nhân dân quay trở lại xây dựng đất nước theo thể chế Tự do Dân chủ Cộng hoà Đa nguyên, Đa đảng, hội nhập quốc tế ngay, có dạng như thời kỳ những năm 45 – 50, chứ không đi theo thể chế
Chuyên chính vô sản kiểu Liên Xô và Mao Trach Đông chệch hướng hoàn toàn như chúng ta đã bị động lao vào.
5/ Đảng ta hiện nay đã thấy rõ nguy cơ bị mất niềm tin của nhân dân, tức là nguy cơ mất vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng CS đối với đất nước, điều đó không chỉ Đảng CS không muốn (vì cái mục đích chung, hoặc vì quyền lợi riêng tư), mà rất nhiều người Việt nam yêu nước, yêu chính nghĩa đã chứng kiến lịch sử hào hùng của dân tộc cũng không muốn chút nào ! Từ cái tổng thể đặc thù đó, tôi nhận định rằng:
  • 1. Đối với Thể chế chính trị của đất nước thì tốt nhất và thuận nhất là, vẫn những con người ấy, vẫn những tổ chức ấy, nhưng, không còn con đường nào khác, cần quyết tâm, quyết liệt và dũng cảm quay trở về thể chế chính trị Dân chủ Cộng hoà Đa nguyên của Hồ Chí Minh và cũng là của chính Đảng CS VN những năm 45 – 50 . . .thế kỷ trước . (Tôi gọi vống lên là “Quay về với Tổ tiên”, ai lý luận chặt chẽ chắc chắn cũng có thể bắt bẻ được). Quay về với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà chính Cụ Hồ và đảng CS VN đã lựa chọn, hoặc gọn hơn chỉ là Việt Nam.
  • 2. Còn Đảng Cộng sản, để tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo cách mạng, và bảo toàn được quyền lợi riêng chính đáng của các đảng viên, thì, cũng không còn con đường nào khác, phải quay trở về với bản chất của chính mình, như đã từng là một đảng cách mạng chân chính vì Dân vì Nước những năm “cách mạng tháng 8” và đấu tranh thống nhất đất nước, đó là: Hy sinh dũng cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân, ba cùng với nhân dân, “không lấy của dân một cái kim sợi chỉ” . . .và dám cạnh tranh công khai hữu nghị với hai đảng bạn: Dân chủ và Cộng hoà. Đảng CS cần anh dũng, đường hoàng chấp nhận cuộc cạnh tranh công khai, minh bạch với các đảng phái khác. Còn nếu vẫn “kiên trì” đường lối cũ (Đảng chủ) như hiện nay, thì sẽ xẩy ra cái điều bất lợi mà chính Trung ương Đảng cũng đã thừa nhận.
  • Vậy là sẽ được cả hai mục tiêu, mục tiêu chung của Nhân dân, Đất nước và mục tiêu riêng là tồn tại và tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo của Đảng, có thể nói đó là yêu cầu, nguyện vọng cũng coi là chính đáng, được lòng dân và cũng đáp ứng mong mỏi của nhiều bạn bè thế giới.
4/ Như vậy, tự tôi đã “giải được mã” của 4,5 cái mâu thuẫn còn khá nặng nề giữa chính mình, giữa rất nhiều các cựu lão thành cách mạng, nhiều những chiến sĩ đã vào sinh ra tử vì nền độc lập và thống nhất nước nhà, nhiều các bà mẹ Việt nam anh hùng, nhiều lãnh đạo đương chức của Đảng và Chính phủ hiện nay . . .với một khối khá đông đảo các tầng lớp khác nhau trong nhân dân (nhân sĩ trí thức yêu nước, các tầng lớp doanh nhân tiên tiến, các thanh thiếu niên sinh viên học sinh, các chiến sĩ quân đôi nhân dân am hiểu thời cuộc, nhiều bà con người Việt ở nước ngoài . . .) và cả rất nhiều các nước bạn bè tiên tiến của nước ta:
Tóm lại, để thực hiện được mục tiêu lớn của Dân tộc Việt Nam: Độc lập, Tự do, Dân chủ, Cộng hoà, (theo kiểu cạnh tranh lành mạnh công khai Đa nguyên Đa đảng) và Hạnh phúc. . ., mà vẫn giữ được vị thế lãnh đạo truyền thống, lịch sử rất xứng đáng của Đảng Cộng sản Việt nam, thì chỉ có một con đường duy nhất là Quay trở về với chính cái thể chế chính trị ban đầu của Việt Nam mình, và cũng là của Đảng CS VN ! (Xin nhắc lại: Khi chiến tranh ngày càng ác liệt, Đảng CS VN đã không sợ hy sinh gian khổ, thời thế đã buộc phải chuyển hoá dần dần sang thể chế tập trung “quân sự” thiếu dân chủ dẫn đến ngày càng mất dân chủ (trở thành Đảng chủ), thậm chí nhiều địa phương còn biến thành độc tài tham nhũng tiêu cực hòan toàn khi chuyển dần sang “Đảng chủ” toàn diện trong môi trường mở cửa xây dựng hoà bình).
5/ Tôi cũng mạo muội dài dòng (có thể là còn khờ khạo “ngây thơ chính trị” ), đã nêu ra nhiều các bước đi “chuyển hoá” như một “kế hoạch” cụ thể để Hoà bình, Ổn đinh, tiếp tục Đổi mới, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc (theo chiến lược chung đã vạch ra dưới thể chế cũ hiện nay) trong khi đó, Đảng CS VN sẽ dũng cảm, anh hùng, từng bước “tự vượt qua chính mình” đưa cả hệ thống đang rất phức tạp rối rắm và suy thoái hiện nay chuyển hoá với một chiến lược mới đột phá về cội nguồi văn hoá tươi sáng của chính Nhân dân và của Đảng CS trước đây.Muốn được như vậy thì Đảng CS VN phải tự giác chịu cái mất duy nhất là mọi đảng viên và cán bộ có chức có quyền sẽ phải tự giảm bớt và phân chia quyền lực, chấp nhận cạnh tranh đa nguyên, từng bước nghiêm túc thực hiện đa đảng, từ bỏ tiêu cực, tham nhũng, giảm hưởng thụ trước nhân dân, chấp nhận công khai minh bạch cạnh tranh, bắt đầu thực sự quay trở về với danh hiệu mà tự mình cho là vinh quang trước đây. “Chỉ đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại” , đây chính là chính sách “khoan hồng” của Nhân dân và của Đảng đối với những đảng viên cán bộ đã sai lầm.
Cũng như nước Nga, Myanma và nhiều nước khác mới phát triển trong đổi mới, trong thể chế mới, chắc chắn Đảng CS VN vẫn tồn tại, mà tôi đã “hồ đồ” nói rằng, chủ yếu rồi cũng vẫn “con cái, cháu chắt các cụ cả” lên nắm quyền (con cái, cháu chắt các cụ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, những bà mẹ VN anh hùng, các cụ công nhân, nông dân, các binh sĩ và trí thức nước nhà . . . .) Chỉ có điều tôi chắc chắn rằng, trong chế độ đa đảng, đảng CS với truyền thống và sức mạnh hiện tại của mình, dù hiện nay có rất nhiều suy thoái khuyết tật (thậm chí có người, có nơi, có lúc đang bị nhân dân nguyền rủa !) nhưng hễ có sức ép của cạnh tranh tử tế, công khai minh bạch theo luật pháp, thì, với truyền thống anh hùng bất khuất, Đảng CS dứt khoát lại nhanh chóng “hồi tỉnh” lại ngay và khẩn trương chỉnh đốn thực sự lại đội ngũ để vươn lên (chứ không “hiền lành, lề mề, kém chiến đấu tính” như đảng CS Nga hiện nay !). Thực tế trong nước đã có một vài đề xuất, phác thảo khá sâu sắc, đầy đủ và toàn diện về một cuộc chuyển hoá hoà bình với những đột phá thích đáng trên tinh thần khái quát mà tôi đã nêu ở trên. Đó là con đường hiện thực đúng đắn nhất của Đất nước và của Đảng Cộng sản VN trong tương lai trước mắt.
Vũ Duy Phú
Viện những vấn đề phát triển (VIDS)
(vids.org.vn)

Trước tác động của Tố Hữu và bộ máy, tâm lý nghề nghiệp ở nhà văn thời nay đã thay đổi

Những bài lý luận mà Tố Hữu viết hay giảng ở các hội nghị văn nghệ thường dài dòng và nhạt nhẽo.
Nhưng với các tư tưởng văn nghệ hết sức đơn giản xúc tích của mình, ông lại có sự tận tâm đáng kính phục, nhờ thế đã đạt được hiệu quả mong muốn.

 Nói cho đúng thì đó không phải là những tư tưởng mà chỉ là những định hướng tâm lý, những phương cách ông áp dụng trong chỉ đạo, để nắm phần hồn của giới văn nghệ.


Như chúng tôi đã trình bày trong bài Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp, có thể tạm tóm tắt cái cách Tố Hữu đã làm ở đây là:

-- Giải phóng người viết khỏi các quan niệm cũ. Không coi viết văn là chuyện nghề nghiệp nghiêm chỉnh. Kích động phần bản năng vốn có của mỗi người, hướng tất cả nghị lực vào việc rút ruột bản thân, mài mãi cái phần năng khiếu ra để tồn tại.

Từ chỗ hữu chiêu, nghề văn giờ đây trở thành một thứ vô chiêu.

-- Luôn luôn thổi vào tai nhà văn niềm tự tin và bất cần. Không cần văn hóa sách vở, không cần bản lĩnh trí thức, chỉ cần là người chiến sĩ có tinh thần phục vụ, tuân thủ sự lãnh đạo của trên, làm theo những bài bản tối thiểu là đủ.

--  Sau khi biến người viết văn thành một thứ cán bộ làm theo chỉ thị mệnh lệnh, đẩy họ vào con đường quan liêu hóa, tranh giành quyền chức giải thưởng. Ban phát cho họ đủ thứ vinh quang hão hiền, để họ mê mẩn đi theo con đường đã được dắt dẫn.

Điều này tác động vào toàn bộ giới viết văn, nhất là lớp người mới bắt đầu cầm bút.

Riêng đối với lớp người đã có sự định hình từ trước 1945, tức văn nghệ tiền chiến, thì cách làm của Tố Hữu tinh vi và sâu sắc hơn.

 -- Bằng phương pháp tự tố khổ tự chỉnh huấn nhen nhóm ở họ mặc cảm có tội: mình có lỗi với quốc gia dân tộc; mình sống quá xa lạ với nhân dân.

 -- Đưa ra những chuẩn mực mới buộc họ phải nhìn nhận những thành tựu cũ như là đáng từ bỏ và cả con người cũ là đáng lên án.

 -- Đồng thời với việc đánh gục tiếng tăm uy thế mà họ vốn có, đưa họ vào môi trường mới, làm theo những chuẩn mực mới. Bên cạnh một số thành tựu không phải là không giá trị, phần nhiều những sáng tác của họ giờ đây sút kém. Nhưng họ vẫn được dành những khích lệ tối đa, khiến nhiều người vô tình trở nên những con rối đắt giá.

 Vậy là, trước áp lực quá mạnh mẽ, những người bắt đầu cầm bút từ trước 1945 -- vốn rất yếu ớt -- phần lớn đã chọn con đường chấp nhận.

Ở một số có sức sống hơn thì xảy ra tình trạng phân thân, sống một đằng viết một nẻo, tức là thích nghi  một cách tiêu cực trước hoàn cảnh.

Đây là một khía cạnh của sự tha hóa, nó là định hướng tâm lý thường thấy của giới trí thức trong hoàn cảnh xã hội có những đột biến mà trong nhận thức họ không tìm được lối thoát thích đáng .

Tôi hy vọng một dịp khác sẽ có thể dừng lại phân tích tác động này của Tố Hữu tới sự hình thành và phát triển  đào tạo lực lượng văn nghệ sau 1945.

Sau đây là một bài viết cũ trong đó tôi đã sơ bộ miêu tả định hướng tâm lý này ở các  văn nghệ sĩ, chủ yếu là ở các nhà văn lớp trước.

Bài viết có tên là Mặc cảm tha hóa phân thân trong tâm lý người cầm bút, in lần đầu trong tạp chí Cửa Việt của Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1991, sau đó đã in lại trong Những kiếp hoa dại 1993.


                                                I

Trong một lá thư viết năm 1988 mà nhiều người được đọc, Chế Lan Viên phản đối tính dự báo của văn học. Đại ý ông bảo nếu căn cứ vào sáng tác trước 1945 thì không ai nghĩ Cách mạng tháng Tám có thể nổ ra. Vậy mà đã có cách mạng. Cái sự kiện có thực ấy đã bác bỏ tất cả.

Tôi nghĩ rằng lúc này đây, vấn đề tính dự báo của văn học không còn là chuyện phải bàn cãi - đã có hàng loạt trường hợp khác minh chứng cho nó. Nhưng nhận xét của Chế Lan Viên vẫn hết sức thú vị ở chỗ nó gợi ý chúng ta nghĩ sang một hướng khác.

Đúng là cuộc Cách mạng của chúng ta là một cuộc cách mạng kỳ lạ.

Tính trong văn học công khai thì gần như không có một dấu hiệu nào dự báo là nó sẽ tới.

Ở một ngòi bút năng động, nhạy cảm như Vũ Trọng Phụng, cách mạng chỉ được biểu hiện qua hình ảnh ông già Hải Vân, một người mà hành tung có quá nhiều chỗ ám muội và thiếu hẳn cái đàng hoàng của người làm việc chính nghĩa.

Tiếp theo Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan định viết Bước đường ngoặt, Bước đường sáng. Nhưng đấy là ý định. Hơn nữa, sau Cách mạng, khi một phần ý định ấy được thực hiện- chúng tôi muốn nói tới các tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư - thì cũng không ai nghĩ là tác giả hiểu cách mạng cả.

Trước 1945, Nam Cao, Tô Hoài là những nhà văn đã có chân trong Văn hoá cứu quốc. Phần công dân của các ông, như thế đã rõ. Nhưng còn về sáng tác, thì người nghệ sĩ trong các ông chín chắn hơn mà cũng là… chậm thức tỉnh hơn.

Đọc các truyện loài vật Tô Hoài tập hợp trong O chuột, người ta thấy cuộc sống có vận động, nhưng chỉ là vận động để đến với già nua, nhạt nhẽo, trống rỗng.

 Còn trong nhiều thiên truyện của Nam Cao, người ta bắt gặp tình trạng tiến thoái lưỡng nan (dilemme): con người hoặc là cam chịu sống mòn, hoặc là trở thành thoái hoá, kỳ dị, khi muốn thay đổi.

Rút lại về căn bản, trước Cách mạng 8-1945, cuộc sống được phản ánh là một cái gì lặp đi lặp lại, ngưng đọng, đẹp ngay trong sự ngưng đọng ấy, như trong thiên truyện của Thạch Lam mà chúng tôi nghĩ là một gợi ý tốt để hiểu thế nào là chủ nghĩa hiện thực: truyện Hai đứa trẻ.

Ấy vậy mà Cách mạng vẫn cứ xảy ra.

 Và khi đã xảy ra, thì "như một lưỡi cày khổng lồ" ( chữ của Nguyễn Đình Thi), xốc lại tất cả, lật tung tất cả, bất kể người ta có dự báo trước hay không.

Vốn là những người có lòng yêu nước, việc phần lớn các nhà văn thế hệ tiền chiến trước sau đều đứng về phía cách mạng, là chuyện tất nhiên.

Nhưng cũng rất dễ hiểu, nếu nói rằng, với tư cách những người hết sức nhạy cảm, lại cũng nhanh chóng nảy sinh trong lòng họ một tình cảm mới: cảm thấy mình có lỗi, mình đã không đến với cách mạng từ chỗ còn trong bóng tối; do đó mình có vẻ "ăn theo", thậm chí đứng trên lập trường mới mà suy xét, thì lúc bấy giờ, sáng tác của mình có hại cho cách mạng nữa.

Đi với dòng đời (tên một bài thơ của Xuân Diệu), mà họ cứ canh cánh bên lòng.

Động có việc gì xảy ra (mà trong cách mạng thì thiếu gì việc xảy ra), là họ lấy mình ra xỉ vả.

Có thể nói, đấy là một thứ chủ đề chủ đạo quán xuyến trong tâm lý hàng loạt người, từ những người lặng lẽ, nín nhịn như Nam Cao, đến những người sôi nổi, dễ bốc dễ say, như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu.

 Cái gì đã chi phối việc Hoài Thanh đến chết cũng không dám nhận đứa con yêu Thi nhân Việt Nam 1932-1941, nếu không phải là cái mặc cảm tội lỗi này?

Còn Chế Lan Viên, một lần bắt gặp cảm giác ấy là ông không bao giờ quên nổi nữa; ông sẵn sàng khai thác nó đến cùng; trong thơ, trong tiểu luận, bất cứ dịp nào nhắc tới nó là ông nhắc bằng được.

- Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì
Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật
Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật
Lạc giữa sao trời, tôi vẫn còn mê

- Tôi như con sông Thương
Chảy lòng mình thương nhớ
Đánh đắm cả thuyền mình
Trong cuộc đời tại chỗ
Như tờ lịch mỏi mòn
Thời gian đến lấp bùn.

Những dòng thơ giống như lời tự đay nghiến, nó cũng là nỗi hối hận về những lỗi lầm không gì tự biện hộ nổi.

Chúng ta thường nghe nói tới cái hoang tưởng của những người có công, họ gán cho mình quá nhiều thành tích, tưởng thiếu mình là thiên hạ chết hết, họ tha hồ phóng to công lao của mình lên, cuộc phiêu lưu cứ thế không biết đâu là cùng.

 Nhưng hoá ra, nỗi hoang tưởng về tội lỗi của chính mình cũng có đường biên dao động gần như vô tận, mà trường hợp Chế Lan Viên ở đây là một thí dụ.

 Nếu ở Xuân Diệu, nhiều lúc ta còn thấy lời tự xỉ vả chỉ được nói ra một cách ngượng nghịu, hình như cực chẳng đã nên phải làm vậy, thậm chí có lúc tính chuyện cãi lại (như khi bàn về Thơ mới, Xuân Diệu đã cãi lại), thì ở Chế Lan Viên lối nghĩ mới thật dứt khoát, các mệnh đề chỉ có một nghĩa và không thể hiểu sang nghĩa khác.

 "Cách mạng làm tôi vui mà làm tôi hơi áy náy: mình đã làm gì để được hưởng cái vui này? Ngỡ như mình dự một bữa tiệc mà không phải tốn công xuống bếp".

 "Chúng tôi vào cách mạng là người cách mạng rồi, nhưng không ngớt làm phiền cho cách mạng".
 "Hình như một tên ăn trộm dễ cải tạo hơn một người thần bí
!".

Từ những nhận định kiểu ấy của Chế Lan Viên, người ta chỉ có thể nghĩ: phải nói văn nghệ có một cái tội tổ tông truyền là xa rời cách mạng. Cả nước thì tiến lên mà người làm văn nghệ thì dừng lại.
Có người sẽ bảo rằng chẳng qua đấy là một cách nói của Chế Lan Viên, ông quen tuyệt đối hoá vấn đề, nói đến cùng, nói cho thật cạn kiệt!

Có điều, mấy chục năm qua, loại ý kiến ấy tự do trình bày, không có ai nói lại lấy nửa lời.

Và những mặc cảm kiểu ấy cứ tha hồ lây truyền từ người nọ sang người kia, từ lớp nhà văn này đến lớp nhà văn khác, như một mạch nghĩ chủ đạo.

Hồi chống Pháp, một lớp nhà văn hình thành. Vũ Tú Nam và Mạc Phi, Hồ Phương và Hữu Mai, Nguyễn Khải và Nguyên Ngọc…

Tiếp đó là các nhà văn lớp chống Mỹ: Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Ngọc Tú, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo…

Ngay từ lúc mới viết văn, họ đã hiểu rằng họ là con đẻ của cách mạng.

 Không một dòng chữ nào của họ được in ra trong xã hội cũ.

 Nhưng mặc cảm tội lỗi, hay suy rộng hơn, mặc cảm về sự kém cỏi của mình, cái đó vẫn cứ như một thứ tình cảm bẩm sinh, không cần tìm mà tự nó đến và nếu không nói ra thì cũng chưa bao giờ họ phủ nhận. Lối biểu hiện của mặc cảm lúc này cũng khá đa dạng.

Ở Nguyễn Khải, đấy là cái dứt khoát muốn đoạn tuyệt với khái niệm nhà văn kiểu cũ, do đó, khái niệm nhà văn nói chung. Trong một bài viết mang trên Con đường dẫn tôi đến nghề văn (1963), Nguyễn Khải nói thẳng ra rằng không thích ai gọi mình là nhà văn, chỉ thích được gọi là người làm công tác văn học (đại khái là một loại cán bộ, mà cán bộ vốn được quan niệm thế nào, chúng ta đều đã biết).

Ở Vũ Thị Thường, nó là ý thức về sự non kém của mình trước những con người gọi là nhân vật tích cực của thời đại. Trong một bài viết, in trên báo Nhân dân 10-8-1975, Vũ Thị Thường viết:

"Ở những xứ sở khác, nhà văn có thể cao hơn nhân vật của anh ta… nhưng ở đây, trên đất nước này, những nhân vật có thật ở ngoài đời lại thường cao hơn người viết (...). Những con người như thế, khi miêu tả về họ, chính là người viết đã phải nâng mình lên, để cố gắng ngang tầm nhân vật".

Nhiều ý nghĩ tương tự như ý nghĩ trên đây của Vũ Thị Thường đã là điều được người cầm bút viết ra, trong các bài tiểu luận và cả trong sáng tác.

Hồi đầu chiến tranh chống Mỹ, khi nhà thơ Xuân Quỳnh viết trong một bài thơ rằng không muốn làm thơ nữa, mà chỉ muốn cầm khẩu súng ra chiến trường, thì chị cũng đã nghĩ trên cái mạch chung mọi người vẫn nghĩ.

      Ở ta không có thói quen lấy người viết văn làm nhân vật chính trong các tiểu thuyết. Nhưng trong một số truyện ngắn, họ cũng đã được nói tới (chẳng hạn, tôi nhớ mấy truờng hợp in ra từ hơn chục năm về trước, trong các tập truyện ngắn Trang 17 của Nhật Tuấn, Mùa hạ cuối cùng của Lưu Quang Vũ). Bấy giờ họ thường hiện ra như những kẻ lười biếng, ích kỷ, vô trách nhiệm với vợ con, mà về chuyên môn thì, ngoài một chút tài hoa, chẳng có điều gì để nói. Tâm lý thích kể xấu giới mình, các đồng nghiệp của mình, chẳng qua cũng là một biến tướng của cái mặc cảm tội lỗi được truyền lại từ các lớp người trước!

                                          II

Có những chữ mà chỉ cần đọc lên là người ta lập tức hình dung ra cung cách sinh hoạt một thời. Một trong những chữ đó, từ khoảng 1985 về trước, vốn rất quen, là đi thực tế.

Đại khái đó là những dịp các nhà văn tổ chức thành từng đoàn đến thâm nhập cơ sở, cùng sinh hoạt và làm việc tại một đơn vị bộ đội, một nhà máy hay một hợp tác xã nào đó; một thời gian sau họ có ngay sáng tác về cái cơ sở mà họ cùng sinh hoạt đó.

Công bằng mà nói những chuyến đi đó có cái phía bổ ích của chúng.

Để ép những cây bút lười biếng, thiếu nghị lực phải làm việc, và để có được những tác phẩm thuộc loại trung bình, đọc được, bám sát ngay được vào một chủ trương cụ thể nào đó, thì phải nói đó là những biện pháp hiệu nghiệm, rất hiệu nghiệm nữa.

 Thế nhưng, đáng lẽ chỉ nên coi đó là một động tác nghề nghiệp, cùng lắm, là những hoạt động có tính cách biểu dương lực lượng về mặt chính trị của cả giới, thì nhiều khi chúng ta lại tuyệt đối hoá ý nghĩa công việc, coi đi thực tế là cái chìa khoá vạn năng mở ra mọi thành tựu sáng tác.

Trong một bài phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Tuân kể rất hay về cái vai trò Tổng Thư ký Hội văn nghệ Việt Nam mà ông đảm nhiệm, hồi chống Pháp:

- Việc chủ yếu của ông Tổng Thư ký là hành quân theo bộ đội hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, đi vào vùng địch hậu với dân quân du kích, đi tuyên truyền chính sách thuế nông nghiệp, đi tham gia phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất.

Tại sao đi thực tế lại trở thành "việc chủ yếu của ông Tổng Thư ký" như vậy? Ở  đây, có nhu cầu của cuộc kháng chiến lúc ấy: cần động viên bộ đội.

Lại có vai trò của một nhận thức máy móc, hiểu sáng tác như một cái gì trực tiếp nảy ra từ thực tế, vậy, theo công thức "gà đẻ trứng vàng", có đi thì mới có viết.

 Nhưng vượt lên trên những lý do cụ thể đó, câu chuyện động viên nhau "đi" còn có ý nghĩa khác: khi tự nguyện đi theo thực tế, đi ồ ạt, ầm ĩ, vừa đi vừa kêu lên cho cả xã hội biết, tức các nhà văn muốn khẳng định mình vốn xa thực tế, và nay đã hiểu rằng đấy là điều không thể tha thứ nổi.

Khi công khai tuyên bố là phải tìm cái đẹp, cái tốt, ở người công nhân, ở người chiến sĩ, có ý nghĩa là người viết văn cảm thấy mình và những người quanh mình hàng ngày sống phù phiếm, vớ vẩn, phải nhờ quần chúng tẩy rửa, thanh lọc để tâm hồn trong trẻo, sạch sẽ hơn. Đi thực tế, do đó, là một cách để từ bỏ tội lỗi, như trên vừa nói.

Hình như đã linh cảm đến điều ấy, cho nên hoạ sĩ Tô Ngọc Vân từ năm 1948 đã viết trên tạp chí Văn nghệ (loại in bằng giấy dó, ra ở Việt  Bắc).

Cái hư truyền rằng nghệ sĩ sống xa quần chúng, một người nói đi, hai người nhắc lại, đã hầu thành một tục truyền, đến nỗi người ta không thể nào nghĩ khác được… Người ta có hiểu chăng: trong xã hội loài người, kẻ nào sống gần đại chúng hơn, ấy là bọn nghệ sĩ. Người nghệ sĩ Việt Nam biết và hiểu Việt Bắc trước kháng chiến từ lâu.

Phải nói ngay rằng khi viết đoạn văn đó, Tô Ngọc Vân không hề có ý muốn tránh việc đi thực tế.
Trong kháng chiến, ông cũng đã đi rất nhiều. Bản thân cái chết của ông trên đường đến Điện Biên Phủ đã chứng minh cho điều đó.

Cái mà Tô Ngọc Vân muốn cãi lại chỉ là cái ý nghĩa người ta muốn gán cho việc "đi" ấy.
 Có điều trong không khí cuồng nhiệt đương thời và lối nghĩ một chiều những năm về sau, ý kiến của Tô Ngọc Vân lọt thỏm đi không một tiếng vang.

 Từ hoà bình lập lại (1954), qua cuộc chống Mỹ, đi thực tế tiếp tục được giải thích như một sự nghiệp có ý nghĩa xã hội lớn lao mà không phải là một động tác nghề nghiệp đơn thuần. Bởi thế mới có chuyện không chỉ các văn nghệ sĩ sống quá sung sướng trước đây cần đi thực tế, mà các cây bút vừa chân ướt chân ráo chuyển từ cơ sở lên các cơ quan sáng tác cũng lo đi thực tế, coi một ngày mình xa thực tế là một ngày hỏng.

Mặc cảm tội lỗi đã trở thành mã di truyền, dù ở những thế hệ sau không có những người bảo vệ và thuyết lý cho nó đầy sức thuyết phục như Chế Lan Viên từng làm với thế hệ tiền chiến.

Dẫu sao, đi thực tế vẫn chỉ là chặng đường đầu tiên. Quyết tâm vượt qua tội lỗi còn phải đuợc thể hiện đầy đủ khi nguời nghệ sĩ ngồi trước bàn sáng tác định huớng cho mình từ nội dung viết (tỉ lệ tiêu cực - tích cực, màu đen và màu hồng, mức độ lạc quan tin tưởng ở cuối tác phẩm), cho tới cách viết.

 Về mặt này, những băn khoăn mà Nam Cao từng ghi lại trong nhật ký Ở rừng, có ý nghĩa tiêu biểu. Gần như lúc nào Nam Cao cũng sợ rằng mình xa quần chúng quá, những cái mình đã viết ra, quần chúng không hiểu. Trong một bài viết mang tên Sáng tác kịp thời để đẩy mạnh tổng động viên,  in trên Văn Nghệ số 5-1950, cũng Nam Cao viết:

Phải thừa nhận rằng những sáng tạo của chúng ta vẫn chưa thật gần gũi với nhân dân. Một phần vì chúng ta chưa đủ thì giờ để hiểu rõ đối tượng. Nhưng một phần nữa cũng vì chúng ta không thực tâm cố gắng trong khi sáng tác, chúng ta vẫn chiều theo ý riêng, tình cảm riêng của chúng ta, chúng ta vẫn sáng tác cho ta (…). Những thứ "truyện không có truyện" tả dài dòng, phân tích theo lối chẻ sợi tóc làm tư, làm sốt ruột công nông, bởi họ là những người hành động chiến đấu thiết thực, chứ không phải là những người chỉ toàn nghĩ lơ mơ, nghĩ viển vông, nghĩ không đâu, nghĩ để chẳng để làm gì cả.

Đây là việc mọi người bàn nhau ở Việt Bắc. Còn ở Khu Năm? Trong một bài viết mang tên Sống còn, đăng ở báo Văn nghệ số 3-12-1993, nhà văn Nguyễn Thành Long nhớ lại việc rèn luyện ngòi bút của mình hồi kháng chiến chống Pháp, với niềm tự hào kín đáo:

Thật là nhọc, nhưng cũng thấy là kỳ công thật, việc chúng tôi, ví dụ, đã rèn luyện bằng cách nhặt những câu chuyện ở địa phương, kể lại bằng miệng, nhìn nét mặt người nghe, xem phản ứng thế nào với từng câu văn. Và, về nhà viết lại để đăng trên báo. Nhưng cốt truyện ngắn không quá một cột.

Sẽ là không đúng sự thật nếu bảo rằng mấy chục năm qua, văn xuôi ta cứ giẫm chân tại chỗ một kiểu như Nam Cao và Nguyễn Thành Long đã nói.

Trong những căn phòng của mình ở Hà Nội sau 1954 và ở thành phố Hồ Chí Minh sau 1975, cuộc sống của nhiều người viết văn đã thay đổi, cách viết của họ cũng thay đổi.

 Nhưng cũng sẽ là sai lầm, nếu như nhắm mắt trước một thực tế rằng cái tinh thần mà Nam Cao, Nguyễn Thành Long nói ở trên vẫn là tinh thần chính quán xuyến trong văn học.

Trong thế đối lập giữa "ta" (người viết) và "họ" (người đọc), "ta" phải hy sinh cho "họ". Có thể theo "họ" mà lên. Nhưng nhất thiết không được vượt trước "họ".

 Nó cũng là cái tinh thần ngự trị ở văn học Xô-viết mà A. Gide mô tả trong cuốn Đi Liên Xô về: "Ngày nay nghệ thuật phải là bình dân, hoặc không phải là nghệ thuật".

(Thời Stalin, cuốn sách của Gide được coi như vu cáo, bôi đen xã hội Xô- viết, nay được dịch ra ở khắp nơi kể cả ở Liên Xô thời “tan băng”, và được xem như là một lời tiên tri xác đáng.)

Ý thức chủ đạo là như vậy. Thành thử những thể nghiệm nếu có chỉ là chuyện dấm dúi, mò mẫm của từng người. Trong hơn bốn chục năm qua, ở ta, các vấn đề nghề nghiệp của người viết văn vẫn thường không được mang ra thảo luận một cách nghiêm chỉnh.

Mặc dù trên lý thuyết, ai cũng bảo nội dung và hình thức đều quan trọng, -- nhưng trong thực tế của giới sáng tác thì vẫn có sự tách rời nội dung và hình thức một cách thật hồn nhiên, để rồi, cái được chú ý hơn hẳn là phần nội dung thiển cận và vụ lợi của tác phẩm.

Sáng tác trở thành một cuộc săn đuổi tuyệt vọng: đuổi theo cuộc đời. Dĩ nhiên không bao giờ nó đuổi kịp. Bao giờ nó cũng thấy mình lạc hậu. Mặc cảm tội lỗi trong từng nghệ sĩ do đó lại thêm một bước củng cố vững chắc.

                                          III

Ở nước nào cũng vậy, một dấu hiệu chứng tỏ xã hội trưởng thành là sự phân công lao động được thúc đẩy mạnh mẽ, đi kèm với nó là sự hình thành tầng lớp trí thức chuyên làm công việc sáng tạo.

 Của cải mà lớp trí thức này giao nộp cho xã hội là những giá trị tinh thần với tất cả sự phong phú đa nghĩa của hai chữ tinh thần.

Trong khi có vẻ sống xa nhân dân thì những gì tốt đẹp mà họ làm ra lại gắn liền với nhân dân. A. P. Tchékhov còn nói trí thức, đó là lương tâm của nhân dân nữa.

Trong số những thành phần làm nên giới trí thức, dĩ nhiên có các văn nghệ sĩ.

 Dù là ở nước Việt Nam thuộc địa trước 1945, trí thức nói chung bị đào tạo theo lối thực dụng, riêng các nhà văn nhiều người lại xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, bản lĩnh trí thức chưa được bồi đắp vững chãi, nhưng ở họ vẫn thường âm thầm một niềm kiêu hãnh chính đáng: họ là những người lao động trong sạch.

Trong khi vật lộn với trường đời để kiểm miếng cơm manh áo nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời họ còn làm được cái việc đáng kể là nói lên nỗi khổ của nhân dân. Mà ý nghĩa sáng tạo trong công việc của họ thì trước sau còn đó, không gì đánh tráo được.

Thành thử, cái mảnh đất đẻ cho mặc cảm tội lỗi nói trên phát triển, suy cho cùng là rất bé nhỏ.

Huống chi, trong thực tế đời sống từ sau 1945 đến nay, vai trò văn nghệ sĩ vẫn có cái phần quan trọng khiến người tỉnh táo không thể không nghĩ tới chuyện sử dụng.

 Để chứng minh rằng cách mạng là sự nghiệp chính nghĩa và tất yếu phải xảy ra, các tài liệu chính thức vẫn viện dẫn rằng cách mạng đã lôi cuốn được những kiện tướng xuất sắc của văn học cũ vào hàng ngũ của mình. Dưới hình thức những đặc ân đã có nhiều sự đền đáp không phải là không đáng kể.

Trước các đặc ân ấy, những Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh… sớm nhận ra ngay và không bao giờ quên khai thác đến cùng.

Còn đối với thế hệ đến sau, từ Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương… cho tới Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật… những vinh quang mà tác phẩm mang lại rõ ràng không phải là nhỏ.

Giống như phụ nữ, không cần kêu to lên, nhưng họ đều hiểu giá trị của mình, hiểu rằng   với cách mạng và chỉ với cách mạng, ngòi bút của mình mới là một thứ tài sản vô giá.

Niềm tự hào đến với từng người hàng ngày, hàng giờ. Niềm tự hào cụ thể như là sờ mó thấy, nó luôn luôn thì thào vào tai người ta rằng thật ra chỉ nó là có thực, chỉ nó mới quan trọng.

Thế thì tại sao người ta vẫn cứ tha thiết tự nhận rằng mình xa thực tế, chưa phản ánh hết cái tốt đẹp của thực tế, vẫn bằng mọi cách kể lể về các tội lỗi của mình, và vẫn ép mình làm đủ việc, sẵn sàng định hướng cả nghề nghiệp mình vào việc giải tội?

 Ở đây trong lúc chưa thể cắt nghĩa đầy đủ, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số giả định về một quá trình tâm lý đã hình thành ở trong người viết văn.

Đúng  là chúng ta đã có một cuộc cách mạng kỳ lạ, một cuộc cách mạng vượt ngoài mọi dự báo. Cuộc cách mạng đó cộng với sự nghiệp đánh giặc cứu nước mấy chục năm tiếp theo, đòi hỏi một sự động viên lực lượng thật lớn.

Trước cuộc biểu dương lực lượng quần chúng kỳ vĩ như vậy, ở người nghệ sĩ dễ nảy sinh cái tâm lý thấy mình quá bé bỏng, và quan trọng hơn, thấy mình quá phiền nhiễu, do đó, như là vô tích sự.
Trước những người dân thường, công nhân, nông dân, cảm giác ban đầu về sự có lỗi của mình là một điều hoàn toàn có thể thông cảm.

Nhưng ngày một ngày hai, mỗi ngày một tí, mỗi người một tí, không ai bảo ai cái tâm lý có thực ấy đã bị tố lên, lại bị kéo quá dài, và đã xảy ra một tình trạng mâu thuẫn. Lúc bấy giờ, trong những người viết văn nảy sinh hai kiểu định hướng tâm lý khá rõ.

Loại thứ nhất, nói một đằng, nghĩ một nẻo, mà không tự biết.

Như  Freud từng lưu ý, quá trình tâm lý ở mỗi cá nhân là một quá trình phức tạp. Người ta không phải bao giờ cũng làm chủ được đời sống nội tâm. Trong một người thường vẫn có những xu thế mâu thuẫn nhau cùng tồn tại, mà người ta không ý thức nổi. Trong khi tiền hậu bất nhất rõ rệt, người ta vẫn tin là mình thành thực, và sự biến hình lặng lẽ xảy ra, một sự biến hình ngoài ý thức.

Trong thực tế, đây là một quá trình có thật đã đến với một số rất đông những người cầm bút: lúc nghe bảo rằng mình có cái tội là xa nhân dân, thì họ rưng rưng cảm động và tin rằng mình xa nhân dân thật. Họ thành tâm muốn sửa chữa.

 Trong khi đó thì ở cõi vô thức của người trí thức, vẫn còn nguyên nỗi tự hào chính đáng.

 Cả hai yếu tố đó "tồn tại hoà bình" bên cạnh nhau, tuỳ lúc mà mặt nọ hay mặt kia nổi lên, chi phối hành động và suy nghĩ của người cầm bút.

Nếu sự phân thân ở loại người nói trên là ngây thơ, vô ý thức, thì ở loại người thứ hai lại là cố tình, hoàn toàn có ý thức.

 Họ không lơ mơ bao giờ hết. Là những người tỉnh táo làm chủ bản thân, chắc chắn họ nhận ra rằng ở mình có mâu thuẫn. Cả cảm giác về tội lỗi lấn niềm tự hào đều được đưa  lên bình diện ý thức. Theo thói quen, họ vẫn nói rằng người viết văn là xa nhân dân, là phải tích cực cải tạo.

Mặt khác trong công việc hàng ngày của mình, họ lại thấy ngay là không phải vậy.

Họ cố ý nói một đằng nghĩ một nẻo, để rồi lúc một mình đối diện với mình, lặng lẽ cười khẩy: Ai khôn hơn mình nào? Ai sống sướng hơn mình nào?

Sự phân thân cố ý chỉ xảy ra ở một số ít nhà văn. Lại nữa, có khi lúc này có ý thức, lúc khác người ta cũng ngây thơ vô ý thức như các đồng nghiệp.

Nhưng bảo rằng tuyệt đối không ai làm việc này có ý thức thì không đúng.

 Có, vẫn có loại người hành động theo sự dẫn dắt của ma quỷ như vậy, và, do kéo dài, nó sẽ là căn bệnh làm cho nhân cách người viết thối rữa tự bên trong, không sao cứu vãn nổi.

Dù có ý thức hay không, những sự phân thân nói trên chính là sự biến đổi theo hướng xấu, một sự làm hỏng, làm biến dạng con người. Khiến họ dần dần đánh mất bản chất của mình.

Trong thực tế đời sống mấy chục năm qua, sự tha hoá của người viết văn được biểu hiện ra thành thiên hình vạn trạng, ở mỗi thế hệ, mỗi lứa tuổi, trong mỗi thời kỳ lịch sử, lại bộc lộ ra một kiểu.

Có người luôn luôn sống trong tâm lý giằng xé hối hận, vừa sống vừa thấy bức xúc không yên, có khi đã bắt tay vào việc rồi, lại không viết tiếp nữa, không sao đủ sức kết thúc tác phẩm như đã dự định.

Có người có ý thức  tổ chức cuộc sống viết văn của mình theo kiểu hai mang, hai mặt, họ cũng thích được tiếng là sắc sảo và thực tế cũng sắc sảo thật, nhưng sau những sáng tác có vẻ đặt vấn đề kiểu đó, lại tung ra những bài phát biểu nhũn như chi chi, xuê xoa dư luận, cốt để khỏi bị lên án và yên thân tiếp tục lối viết sắc sảo của mình.

Nhưng đó còn là những "ca" sang trọng!

Một số khác láu cá hơn mà cũng là thực dụng hơn, cứ nói theo thời thượng, rồi ra sức viết, viết thật nhiều, viết lấy được, chỉ cốt dư luận khen và những người có chức quyền khen, lấy sự khen tụng đó để doạ mọi người, coi là mình đã làm lợi cho cách mạng, còn trong thực tế, sáng tác có công thức, sơ lược, xa lạ với sự thực và đời sống nhân dân chăng nữa, họ cũng chẳng mảy may xúc động.

 Khi mang mặc cảm phạm tội, cố nhiên số đông người viết văn lo viết cho quần chúng dễ hiểu, chẳng bận tâm đi vào những tìm tòi nghiêm túc về nghề nghiệp làm gì.

 Nhưng trong hoàn cảnh phân thân, đôi khi người ta lại lặng lẽ phiêu lưu, âm thầm sa vào một thứ chủ nghĩa hình thức kỳ quái, tìm chữ lạ, đặt câu tuỳ tiện, tự coi như vậy mới là văn chương thật hạt. Đó là một biến chứng hiếm hoi của chủ nghĩa hình thức: chủ nghĩa hình thức ở dạng cùng khốn của nó.

Trong một cuốn tiểu thuyết mang tên Mặt lạ, nhà văn hiện đại Nhật Bản Kobo Abe có nói tới một mô-típ biến hoá điển hình trong xã hội hiện đại: sau khi bị mắc tai nạn, để khỏi trở thành kỳ quái, một nhà khoa học phải thường xuyên mang một mặt nạ để sống.

 Lâu dần, cái mặt nạ đó không gỡ ra nổi, nó mặc nhiên trở thành khuôn mặt thật của người ấy.
Từ chỗ là một phương tiện bảo vệ cho người ta khỏi thế giới bên ngoài, mặt nạ trở thành một sự ràng buộc đối với nhân vật.

Cá nhân ông ta nhân đôi.

 Trong thế thất bại, nhà khoa học đành tự an ủi rằng sự mất mặt không phải là bi kịch của riêng mình, mà là của nhiều người khác.

Mặt nạ ở đây tượng trưng cho sự thích ứng của con người với thế giới và sự đối phó lại của con người trước những thế lực xa lạ nhưng có sức ràng buộc cá nhân một cách nghiệt ngã.

Từ tấn kịch mà K. Abe miêu tả trong cuốn tiểu thuyết trên, chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ về sự tha hoá nói chung và ở mức độ nào đó tâm thế của người viết văn nói riêng: phải chăng nhiều người trong chúng ta ở dạng này hay dạng khác cũng đã rơi vào tấn kịch tương tự mà ta không biết?

Một xu thế phát triển của các nhà văn ở ta là  xu thế quan liêu hoá, với tất cả sự phổ biến rộng rãi và mức độ nặng nề của nó. Quan liêu hoá cũng là một dấu hiệu của bệnh tha hoá. Dù ban đầu hình như xuất phát từ một mục đích tốt đẹp (cần đoàn kết nhau lại trong một tổ chức để cùng làm việc), song nó vẫn dẫn tới một kết cục có hại. Quan liêu hoá sự thật đối nghịch với sự sáng tạo như nước với lửa và cũng là nhân tố phá hoại bản chất cao đẹp của nghề viết văn.

                                           IV

Có một nét tâm lý có thật người ta thường quan sát thấy ở nhiều nghệ sĩ, nhiều người cầm bút trong những năm đất nước khó khăn: đó là sự ráng chịu. Thôi - họ bảo nhau và tự bảo mình - giữa lúc nước sôi lửa bỏng này, hãy phục vụ cái đã! Mai kia cuộc sống khá hơn, tự do và thoải mái hơn, chắc là mình sẽ viết được! Ôi, mình sẽ viết hay lắm, lúc ấy người ta nghĩ thế.

Tuy đất nước chưa hết khó khăn, song dẫu sao, cái ngày mà người nghệ sĩ mong mỏi, ngày đó hôm nay đã tới.

Trước 1986, nằm mơ cũng không thể nghĩ có lúc Nguyễn Khải lại tự bảo rằng mình viết Tầm nhìn xa là bất nhân và giả dối.

Chế Lan Viên đứng ra viết tựa cho Bích Khê, cho Hàn Mặc Tử.

Chẳng những Vũ Trọng Phụng được in lại toàn bộ, mà những cuốn tiểu thuyết chính của Nhất Linh, Khái Hưng cũng được in lại không thiếu cuốn gì.

Nay thì tất cả những việc đó đã xảy ra!

Bởi hiểu không bao giờ có tự do tuyệt đối cả, nên chúng ta hết sức vui mừng với chút tự do hôm nay đã có - quả thật, trước đây mấy năm, có ai mong ước hơn đâu!

Ấy vậy mà nhìn vào đời sống sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học một vài năm nay, phải nói là sự chuyển biến còn rất ỳ ạch.

Sinh khí có thấy ở khu vực văn chương thương mại, nhưng ở đó cũng chưa bao giờ người ta đạt tới sự làm hàng (hàng = tác phẩm) theo quy trình kỹ thuật hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ở khu vực văn chương nghiêm túc, tự do chân chính cũng chỉ mới được khai thác hữu hiệu qua một ít thể nghiệm của các cây bút mới vào nghề.

Còn đang thiếu hẳn những tác phẩm dầy dặn của các cây bút chuyên nghiệp. Giá có loay hoay ngồi viết, một số nhà văn (kể cả những người dẫn đầu nền văn học) cũng vẫn chưa đưa ra được những cái như chính người ta và bạn đọc hằng mong muốn.

Có thể giải thích tình hình trên bằng nhiều cách, nhưng theo chúng tôi ở đây có vai trò của cái hiện tượng mà bài viết này thử tìm cách phác hoạ: sự tha hoá.

Ai cũng biết là nếu có sự tha hoá đó, thì những thay đổi muộn màng mà hoàn cảnh mang lại chỉ rất hạn hẹp.

Phải có những cố gắng vượt bực đến mức như là phải sẵn sàng làm lại mình nữa, người ta mới tận dụng được cái không khí tự do vừa được mở ra cho công việc. Nhưng đó cũng là một khía cạnh thú vị của viết văn nói riêng, của những tìm tòi trí thức nói chung chăng?

A. Camus viết:"Chân lý thì luôn bí mật, tránh né, luôn luôn phải được chinh phục. Tự do thì nguy hiểm, làm chật vật nhưng cũng làm phấn khởi sự sống".

Càng sống càng thấy có thể chia sẻ cái cảm giác đó của Camus một cách đầy đủ.
(Blog Vương Trí Nhàn)

Vụ án xử người dùng Facebook đầu tiên trên thế giới

image
VRNs (24.10.2013) Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xử người sử dụng Facebook vào ngày 29.10.2013 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, số 116Trương Định, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Với sự kiện này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chỉ ra cho ông Mark Zuckeberg biết mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới do ông đang điều hành có nguy cơ trở thành cái bẫy để đưa công dân Việt Nam vào tù.

Facebooker Đinh Nhật Uy đối diện với phiên tòa xét xử theo điều 258 của Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam. Theo bản cáo trạng thì những lý do khởi tố Đinh Nhật Uy hoàn toàn xuất phát từ mạng xã hội Facebook. Trong đó, (trang 3, Bản cáo trạng) liệt kê anh Uy ba tội: Một là có ba bài viết xâm hại Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh của tổ chức này. Tuy nhiên Bản cáo trạng không cho biết qua Facebook, anh Uy đã xâm hại cái gì của hai tập đoàn này? Hai tập đoàn này bị ảnh hưởng xấu về thương hiệu ra sao? Và nhật là hiệu quả kinh doanh giảm như thế nào? Đối tượng và các con số đánh giá dựa trên các cuộc khảo sát, lượng giá về các bài viết của anh Uy trên hai Tập đoàn này đều không có.

image
Thứ hai, một số bình luận của anh Uy ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công an và viễn thông, xâm hại danh dự, uy tín một số cá nhân. Nhưng văn bản này cũng không đưa ra cá nhân nào cụ thể bị xâm hại danh dự, uy tín cũng như sự xâm hại đó được đánh giá theo tiêu chuẩn nào, và ở mức độ nào? Liêu uy tín của lực lượng công an có thực sự bị xâm hại vì một bài viết hay vì chính hành vi vi phạm pháp luật của ngành đang làm cho các công an viên không còn dám hiên ngang nhận mình là công an nhân dân? Về các tập đoàn viễn thông cũng thế.

Thứ ba, văn bản đó nói rằng anh Uy đã liên kết và chia sẻ trên trang facebook của người khác có hại đến trật tự xã hội, ảnh hưởng dấn công an. Nói đến các trang facebook của người khác thì sao lại không đưa ra xem ai là người quản lý trang bị/được anh Uy bình luận liên kết? Họ có thấy những bình luận và liên kết của anh Uy làm cho tình trạng xã hội mất trật tự hay vì thế mà uy tín ngành công an bị giảm không? Chính họ là người ảnh hưởng trực tiếp mà không lên tiếng thì VKS và công an đã hoàn toàn suy diễn thiếu cơ sở.

image
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, trong những ngày này, đang tìm mọi cách để bảo vệ con mình. Bà đã viết thư mời ông chủ của Facebook đến Việt Nam tham dự phiên tòa với tư cách là người “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “258″ của con tôi”. Lá thư nguyên văn như sau:

“Kính gởi Ông Mark Zuckeberg.

image

Chủ trang http://www.facebook.com/
Địa chỉ:1601 Willow Road Mento Park. CA 94025. USA


image
Tôi là Mẹ của Đinh Nhật Uy, người mà ngày 29-10-2013 này sẽ bị ra tòa, và lần đầu tiên vụ án nầy có liên quan tới trang FB của ông.
Vì vậy là 1 người Mẹ tôi xin thay mặt con tôi, mời ông đến dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “258″ của con tôi.

Rất mong sự có mặt của Ông.

Xin chào Ông,

Mẹ Uy Kha”

image
Từ phải sang: Mẹ của Uyên; Kha và chị Dương Thị Tân (vợ cũ của Điếu Cày)

Bà Liên nhắn thêm với mọi người: “P/S: Bà con nào có thể giúp mình dịch sang tiếng Anh, mình xin cảm ơn”.
Theo chúng tôi, ông Mark Zuckeberg nên đến Việt Nam tham dự, hoặc ít ra cần gởi luật sư của công ty Facebook đến tham dự, vì với sự kiện này, có thể Tòa án ở Việt Nam sẽ làm “xâm hại danh dự, uy tín” của đại công ty Facebook. Và từ đó có thể nhiều người Việt Nam sẽ cảm thấy không được bảo vệ an toàn khi sử dụng Facebook để diễn tả tư tưởng theo như các Công ước quốc tế quy định và cả Hiến pháp Việt Nam cam kết bảo vệ nữa. 
Theo Wikipedia, “Facebook là một website mạng xã hội truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành. Người dùng có thể tham gia các mạng lưới được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với người khác. Mọi người cũng có thể kết bạn và gửi tin nhắn cho họ, và cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè biết về chúng. Tên của website nhắc tới những cuốn sổ lưu niệm dùng để ghi tên những thành viên của cộng đồng campus mà một số trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đưa cho các sinh viên mới vào trường, phòng ban, và nhân viên để có thể làm quen với nhau tại khuôn viên trường.
Ông Mark Zuckerberg thành lập Facebook cùng với bạn bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và bạn cùng phòng Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard.

image
Việc đăng ký thành viên website ban đầu chỉ giới hạn cho những sinh viên Harvard, nhưng đã được mở rộng sang các trường đại học khác tại khu vực Boston, Ivy League, và Đại học Stanford. Sau đó nó được mở rộng hơn nữa cho sinh viên thuộc bất kỳ trường đại học nào, rồi đến học sinh phổ thông và cuối cùng là bất cứ ai trên 13 tuổi. Website hiện có khoảng 1 tỉ thành viên tích cực trên khắp thế giới. Với con số ấy, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, vượt mặt MySpace và Twitter”.

image 
Nói về phiên tòa, luật sư Hà Huy Sơn cho biết: “Có lẽ đây là trận mở màn, làm điểm của Chiến dịch “258″ (thay cho chiến dịch 79, 88), ví như Đắc Tô – Tân cảnh. Nếu trận đầu họ thắng lợi, họ sẽ làm tới với các Blogger. Là LS của ĐNU tôi rất cần sự trợ giúp của mọi người quan tâm, nhất là giới LS để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý”.

Thụy Minh

image



Thời đại của sản phẩm miễn phí và cuộc chiến OTT

image
Một trong những chủ điểm “hot” nhất của văn hóa trẻ hiện nay ở Việt Nam là sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng các dịch vụ OTT (over-the-top) trên điện thoại. OTT được hiểu nôm na là các dịch vụ cho phép con người kết nối với nhau qua tin nhắn chữ, hội thoại trực tiếp, và tin nhắn âm thanh. Hầu như bất cứ ai trong giới trẻ có máy tính hay điện thoại thông minh đều sử dụng một số trong các dịch vụ này.

Đây có thể nói là một thành quả vĩ đại của công nghệ. Tác động của nó đối với người dùng là được hưởng các dịch vụ kết nối miễn phí (chỉ cần có internet). Đối với các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, đây có thể nói là một cơn ác mộng. Lý do rất đơn giản là khi người ta có thể nhắn tin (chữ, âm thanh, và hình ảnh) và gọi cho nhau miễn phí thì người ta sẽ không cần đến dịch vụ gửi tin nhắn hay điện đàm truyền thống phải trả phí.

image
Vì thế, có thể nói là không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới đang diễn ra một cuộc chiến cam go giữa các nhà mạng truyền thống và các công ty cung cấp dịch vụ OTT. Trên quy mô toàn cầu, theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ovum, sự gia tăng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến các nhà mạng bị thiệt hại đến 23 tỷ USD doanh thu trong năm 2012, và dự đoán con số này sẽ tăng lên 54 tỷ USD trong năm 2016.

Còn ở Việt Nam, một thông tin gây sốc được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel tiết lộ, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber, thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Vì thế, Báo Đầu tư đã dùng từ rất đúng là “Dịch vụ OTT "đập vỡ nồi cơm” nhà mạng”.

Lịch sử đã thay đổi?

image
Liệu có thể kiếm tiền bằng cách tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt nhất nhì thế giới, khách hàng sử dụng hàng ngày, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, và… hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người?

Nếu như cách đây vài chục năm có ai đặt ra một giả thuyết như vậy thì chắc chắn ngay lập tức sẽ bị coi là người bị bệnh hoang tưởng.

Thế nhưng ngày nay sẽ khó có thể kiếm ra một cư dân đô thị trung lưu nào trên thế giới không sử dụng thư điện tử cá nhân miễn phí như của Google, Yahoo, hay Hotmail, không sử dụng mạng xã hội không thu phí như Facebook, Linkedin, hay Twitter, không lướt các trang tin và giải trí miễn phí trong nước và quốc tế hàng ngày, không sử dụng các phần mềm nhắn tin và hội thoại miễn phí như Viber, Skype, không chơi game miễn phí, không coi Youtube “chùa”…

Các sản phẩm này là một phần cốt lõi của cuộc sống hiện đại. Và chúng mặc nhiên là các sản phẩm miễn phí, tức là khách hàng luôn luôn kỳ vọng chúng miễn phí và không bao giờ nghĩ rằng mình phải trả tiền khi sử dụng. Không những thế, các nhà cung cấp còn phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để đưa ra thị trường các sản phẩm miễn phí tốt nhất.


image
Ở Việt Nam, thời gian gần đây cũng hình thành hàng loạt các công ty công nghệ đi theo hướng này, từ các trang web chia sẻ phim ảnh và âm nhạc, các trang thông tin giải trí, đến mạng xã hội, lưu trữ dữ liệu trên “cloud” (điện toán đám mây), hay OTT. Chỉ riêng trong lĩnh vực OTT (over-the-top), lĩnh vực đang được coi là “hot” nhất hiện nay và là ác mộng của các công ty điện thoại truyền thống, gần đây đã xuất hiện các công ty với nhiều sản phẩm như Zalo (công ty VNG của Việt Nam), Line (Nhật Bản), Kakao Talk (Hàn Quốc), bên cạnh Viber đã có từ khá lâu…

Phải chăng lịch sử đã thay đổi và con người đang bước vào kỷ nguyên xài đồ chùa? Đương nhiên là không phải vậy. Bạn sẽ không thể mua thậm chí một cái bánh mì với giá bằng không trừ khi là doanh nghiệp tặng miễn phí để khuyến mãi. Trong tất cả các mặt truyền thống của cuộc sống, quy luật muôn đời vẫn thế: muốn mua xài thì phải có tiền.

Tại sao miễn phí?

Vậy tại sao các sản phẩm công nghệ nêu trên lại miễn phí? Bí quyết của điều tuyệt vời này nằm ở hai điểm.

Đầu tiên là một nguyên tắc xưa như trái đất của kinh tế học: Doanh nghiệp định giá sản phẩm bằng với chi phí định biên (marginal cost) để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm đó. Trong trường hợp các sản phẩm kể trên, chi phí mà nhà sản xuất phải trả thêm khi có một người dùng mới là gần như bằng không.


image
Lấy thí dụ trường hợp của Viber, phần mềm cho phép người dùng nó có thể gọi cho nhau miễn phí qua điện thoại khắp nơi trên thế giới. Theo tạp chí Fierce Mobile Content, Viber hiện nay có hơn 175 triệu người sử dụng trên toàn cầu, và hiện nay chi phí hoạt động của công ty này là khoảng 200 nghìn USD mỗi tháng. Nói cách khác, chi phí bình quân (average cost) mà Viber phải bỏ ra là khoảng 1,14 xu cho một người dùng. Tuy nhiên, theo kinh tế học, doanh nghiệp không định giá bán theo chi phí bình quân mà định giá theo chi phí định biên. Rõ ràng, giả sử hiện nay Viber đang có đúng 175 triệu người dùng, giả sử có thêm một người dùng nữa cài đặt và sử dụng sản phẩm này thì Viber không mất thêm một xu nào. Nói cách khác, chi phí định biên của Viber là bằng không.
Tuy nhiên, nếu như thế thì những công ty như Viber sẽ không thu được xu nào và sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Sở dĩ các dịch vụ miễn phí này tồn tại, phát triển, và làm giàu cho doanh nghiệp nằm ở mô hình tạo doanh thu theo một kênh khác. Đó là doanh thu từ quảng cáo và các sản phẩm giá trị gia tăng khác

image
Thí dụ, Google là doanh nghiệp lớn nhất thế giới xét về mặt cung cấp các dịch vụ miễn phí cho người dùng. Doanh thu từ quảng cáo theo báo cáo tài chính của hãng này năm 2012 là 43,686 tỷ USD trong khi các doanh thu khác (thí dụ bán thiết bị) chỉ có 2,354 tỷ USD, chiếm chỉ có 5,11% tổng doanh thu của Google. Lợi nhuận ròng (sau thuế) cùng năm của hãng này là 10,737 tỷ USD. Nhờ đó, Google đang được định giá trên sàn giao dịch NASDAQ với trị giá cả công ty là 300 tỷ USD.

Để kiếm tiền được từ quảng cáo, các doanh nghiệp như Google phải có số lượng người dùng đông đảo. Lượng người dùng vì thế trở thành tài sản có khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng có lượng người dùng lớn thì tài sản có khả năng sinh lợi càng cao. Điều này khiến cho việc đầu tư sản xuất và cung cấp các sản phẩm miễn phí để thu hút người dùng cũng chính là đầu tư để hình thành tài sản có khả năng sinh lợi.


image 
Tuy nhiên, có tài sản có khả năng sinh lợi không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tạo ra được doanh thu và lợi nhuận. Để tạo được doanh thu, các doanh nghiệp này cần có các mô hình tạo ra doanh thu thích hợp. Một mô hình thích hợp là mô hình vừa thu tiền được từ các khách hàng có nhu cầu quảng cáo hoặc dịch vụ giá trị gia tăng khác, vừa không làm giảm tiện ích của người dùng sản phẩm. Và việc này không dễ.

Cuộc cách mạng khiến Google trở thành đại gia trong làng công nghệ thế giới hiện nay nằm ở chỗ họ đã tạo ra các sản phẩm quảng cáo cực kỳ thông minh như Adwords và Adsense và cơ chế đấu thầu theo đó người quảng cáo phải cạnh tranh với nhau bằng cách trả giá cao hơn để được quảng cáo qua các hình thức này.

Việc kiếm tiền từ lượng người dùng được gọi chung với cái tên là tiền tệ hóa (monetarize) tài sản là lượng người dùng của doanh nghiệp. Bản thân một doanh nghiệp lão làng như Google nhưng khi mua lại một doanh nghiệp khác có lượng người dùng “khủng” là Youtube, họ cũng mất mấy năm trời trước khi tìm được cách thích hợp để tiền tệ hóa.

Ác mộng kiếm tiền của OTT

Thế nên dễ hiểu là một số công ty trẻ tuổi hơn như Viber (sản phẩm OTT) hiện nay vẫn loay hoay chưa tìm được cách tiền tệ hóa lượng người dùng của mình. Theo tạp chí Mobile World, mới hồi tháng 4 vừa rồi, CEO của Viber là Talmon Marco, công ty này sẽ phải sớm tính đến việc cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng có thu phí để tạo doanh thu.

image
Mặc dù vậy, việc này không dễ dàng vì theo Talmon Marco, “vấn đề với quảng cáo là các điện thoại di động có màn hình nhỏ, và nếu bạn dùng một phần màn hình để quảng cáo thì phần còn lại còn nhỏ nữa, và nhìn không hay tí nào”, vì thế theo Marco, công ty này sẽ không tạo doanh thu qua việc quảng cáo mà “có những cách thông minh hơn để kiếm tiền”.

Marco không cho biết cách khác thông minh hơn là cách nào, nhưng rõ ràng Viber không thể một ngày đẹp trời chuyển sang thu phí người dùng. Nói một cách lịch sự như Marco thì “miễn phí là một thứ cam kết ngay từ ngày đầu với người dùng”. Nhưng bản chất tàn nhẫn hơn là có rất nhiều sản phẩm miễn phí tương tự như Viber và nếu Viber thu phí thì ngay lập tức người dùng sẽ chuyển sang dùng các sản phẩm miễn phí khác.


image
Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp OTT hàng đầu như Zalo hiện đã có lượng người dùng lên tới hơn 4 triệu, tuy nhiên, mô hình để các sản phẩm OTT này sinh lợi thì vẫn chưa có mặc dù chúng tạo ra cơn ác mộng về doanh thu cho các công ty điện thoại truyền thống. Gần đây, sau một thời gian dài đấu tranh, các công ty điện thoại truyền thống trong nước bắt đầu phải chấp nhận thực tế là không thể loại bỏ được các sản phẩm OTT bằng chính sách, vì thế phải tìm cách chung sống với nó. Tuy nhiên, cơ chế nào để hai bên cùng có lợi thì vẫn là một câu hỏi bỏ lửng. Đơn giản vì nếu các sản phẩm OTT trong nước thu phí, người dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm OTT miễn phí của nước ngoài.

Vì thế, Fierce Mobile Content trích lời của Josh Martin thuộc Strategy Analytics, cho rằng “với quá nhiều các lựa chọn thay thế, việc tính phí người dùng có vẻ như bất khả thi và vì thế buộc các doanh nghiệp phải tìm cách khác để tiền tệ hóa, nếu không làm được việc này thì sẽ dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp đang “hoành tráng” (hight-flying) hiện nay sẽ sập tiệm, trừ phi chúng được mua lại bởi các đại công ty muốn sử dụng các sản phẩm này làm sản phẩm bổ trợ miễn phí cho sản phẩm chính của họ.”

Lối thoát “bán mình”

Ý sau của Josh Martin cũng chính là giấc mơ mà hàng triệu hãng công nghệ nhỏ trên khắp thế giới hướng tới. Sau khi có lượng người dùng lớn, các hãng nhỏ sẽ được bán lại cho các đại gia công nghệ cỡ bự. Các thí dụ đầy hấp dẫn như Youtube bán cho Google với giá 1,65 tỷ USD năm 2006, DoubleClick bán cho Google với giá 3,1 tỷ USD năm 2007, Waze bán cho Google với giá xấp xỉ 1 tỷ USD hồi tháng 6, 2013, Instagram bán cho Facebook với giá 1 tỷ USD, hay Face.Com bán cho Facebook với giá 100 triệu USD… là các “giấc mơ Mỹ” điển hình của làng công nghệ thế giới.


image
Đây là một lối thoát danh giá và đặc biệt hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả lối thoát này cũng chỉ là một khung cửa hẹp. Lý do là vì các dịch vụ miễn phí kể trên nằm trong nhóm các ngành công nghiệp bị “nguyền rủa” bởi một nguyên tắc khắc nghiệt là “winner takes all” (được ăn cả ngã về không). Chúng đều là các sản phẩm mang tính cộng đồng, có nghĩa là càng có nhiều người dùng thì giá trị sử dụng đối với một cá nhân càng cao. Kết quả là thị trường chỉ cho phép một sản phẩm tốt nhất, tiện dụng nhất tồn tại và sẽ thải loại tất cả các sản phẩm khác. Các đại gia công nghệ lớn đương nhiên biết được đặc thù này, vì thế khi mua lại các sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ hơn, họ cũng chỉ mua sản phẩm tốt nhất (và vì thế nhiều người dùng nhất), vì không dại gì bỏ tiền mua sản phẩm hạng hai khi mà họ biết ngay từ đầu sẽ thảm bại.

image
Kết cục là cuộc chạy đua này tựa như cuộc chạy đua mà chỉ có một người về nhất được thoát ra khỏi khung cửa hẹp, số còn lại đều tàn lụi trong bóng tối. Vì thế, đây là một cuộc chơi thú vị, nhưng hết sức nghiệt ngã. Dẫu sao, đối với người dùng, bao gồm cả người dùng Việt Nam, dù doanh nghiệp nào thắng, doanh nghiệp nào thua, thì họ cũng đều là người hưởng lợi.

image
Trần Vinh Dự
 

“Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ông Dũng đã bị khởi tố và bắt giữ vì có hành vi tham nhũng.
“Một đồng chí ở doanh nghiệp còn nói phần các anh biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều, khi nói lại vụ Dương Chí Dũng. Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu khi Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng chống tham nhũng năm 2013.

Lòng tin thế nào khi nhiều tập đoàn lớn đều trốn thuế và sai phạm, tiền vốn của nhà nước, tiền thuế của nhân dân giao vào tay các vị các vị cho như đó là mớ giấy tiêu quá đơn giản như vậy, ông Dũng đặt câu hỏi.

Đằng sau những vụ việc đã và đang gây bức xúc dư luận, rất rõ, là nỗi lo về sự an dân. Và bên cạnh pháp luật chưa nghiêm, nguyên nhân từ thể chế cũng đã được đề cập.

Phó chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng băn khoăn, không biết có phải do kinh tế khủng hoảng, cùng đường sinh thủy họa đạo tặc hay không mà tội phạm lại nổi lên như vậy?

Nhận xét về các báo cáo liên quan đến phòng chống tội phạm và tham nhũng, ông Dũng nhìn nhận, dù chưa bao giờ làm mạnh như vậy, nhưng cũng chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này.

"Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm, kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở, đến những nơi trang nghiêm như trường học, bệnh viện… đều có tội phạm cả", ông Dũng sốt ruột.

Vị đại biểu này cũng tỏ rõ sự lo lắng trước tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, nhiều trang web của cơ quan nhà nước cũng bị tấn công, xâm chiếm tên miền.

“Việc phòng chống này chúng ta làm chưa tốt. Việc nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo các cấp ở các cấp, cơ quan, ban ngành như chuyện chè thuốc hàng ngày”, ông Dũng phát biểu.

Bên cạnh đó, tội phạm kinh tế và tham nhũng, theo ông Dũng thì đều “khủng khiếp quá”. Chạm vào chỗ nào là có sai sót chỗ đó.

Đề cập đến các sai phạm ở nhiều tập đoàn lớn, vị đại biểu này cho rằng có nguyên nhân từ luật pháp chưa nghiêm nên tiêu tiền do dân đóng thuế quá đơn giản. Nếu đó là tiền mồ hôi xương máu, tiền cày ruộng, tiền chắt bóp từng bài viết thì không bao giờ dễ dãi như vậy.

Phản ánh tâm trạng cử tri trước tình trạng tham nhũng, ông Dũng quả quyết, nếu không làm quyết liệt 6 vụ án lớn vào cuối năm nay sẽ làm xói mòn niềm tin với cả chế và tội phạm sẽ tiếp tục có đất hoành hành hơn nữa.

Cũng phân tích ở góc độ niềm tin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nhận xét, việc thanh niên đi ăn trộm chó ở địa phương nào bị phát hiện người dân cũng không báo chính quyền mà đốt xe, đánh đập gây hậu quả lớn, đó là biểu hiện mất niềm tin.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa tương xứng hành vi tham nhũng đang diễn ra, thu hồi tài sản đạt tỷ lệ rất thấp làm giảm niềm tin của nhân dân về phòng chống tham nhũng.

Dường như thanh tra nội bộ thì không phát hiện trường hợp tham nhũng nào cả. Tâm lý chung là rất ít phát hiện tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình. Tôi đi giám sát có tỉnh 2 năm rưỡi chỉ phát hiện được có một vụ tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói.

Sốt ruột về tình trạng tham nhũng là tâm trạng chung của đa số đại biểu. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng tham nhũng chưa giảm có nguyên nhân từ người đứng đầu chưa quyết liệt và cả từ thể chế kinh tế còn nhiều kẽ hở.

Nếu không giải quyết tốt khâu thể chế , kéo dài mãi tình trạng địa phương đi xin còn cho là thẩm quyền của Trung ương thì còn nhiều cửa tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình sốt ruột.

Đề cập đến nguyên nhân về trách nhiệm trong phòng chống tội phạm, lấy vụ việc tại trung tâm thẩm mỹ Cát Tường làm ví dụ, ông Quyền cho rằng chẳng có gì khó trong việc quy trách nhiệm.

"Ở đây là trách nhiệm quản lý nhà nước. Sở Y tế trong từng ấy năm, đã thanh tra, kiểm tra chưa? Nếu làm rồi thì đã phát hiện, xử lý vụ việc nào chưa? Chứ không phải đợi đến vụ việc Cát Tường rồi thì mới bắt đầu tổng rà soát. Quản lý nhà nước là trách nhiệm hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, chứ không phải làm theo phong trào như vậy", ông Quyền gay gắt.

Theo đại biểu Quyền, quản lý nhà nước phải chặt chẽ, khi xảy ra một việc là có địa chỉ trách nhiệm luôn, không phải trách nhiệm chung chung, trách nhiệm không khí, rồi người có trách nhiệm thì cứ ngồi yên vị ở vị trí công tác đó mãi. 
(VnEconomy)
 

"Có thể bác sĩ Tường đang che giấu tội ác khác khủng khiếp hơn?"

"Đến thời điểm này nghĩa là sau 10 ngày vất vả tìm kiếm, cơ quan chức năng và gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân của “bác sĩ đồ tể” Nguyễn Mạnh Tường vẫn chưa thể tìm thấy thi thể người phụ nữ xấu số này. Bởi thế, theo nhận định của nhiều người thì lời khai của bác sĩ Tường có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Và, có thể thực tế, thi thể chị Huyền đã được phi tang ở nơi khác, thậm chí bằng hình thức khác dã man hơn..."
Xung quanh vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động dư luận này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS – Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ( Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ) để có cái nhìn đa chiều, khác quan về hành động vấn vẫn được cho là “ngu dốt” này của bác sĩ Tường.

Có thể chị Huyền không chết bởi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM)?

Trao đổi với PV TS- Luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Như báo chí đã đưa tin, lời ban đầu của các bị can về cái chết của chị Huyền chỉ là sai sót trong việc làm PTTM nhưng quan điểm của tôi thì phải đặt ra rất nhiều tình huống để có thể điều tra một cách tổng thể, toàn diện vụ án này.

Nếu chị Huyền chết chỉ do việc đến Thẩm mỹ viện Cát Tường làm thẩm mỹ mà cụ thể là hút mỡ bụng để bơm lên ngực thì trước hết phải có các chuyên gia y tế đánh giá việc đó có dẫn đến tử vong hay không? Ở đây tôi không loại trừ tình huống chị Huyền đến đó và có những mâu thuẫn khác với thẩm mỹ viện này.

Và, những mâu thuẫn này đã có dẫn đến lỡ tay đánh chết, thậm chí cố ý sát hại chị Huyền. Để làm rõ nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của chị Huyền thì cơ quan điều tra phải tạm giữ tất cả những người ở thẩm mỹ viện đó, tách họ ra để có những lời khai và cùng những chứng cứ khác để kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết ấy.
TS – Luật sư Trần Đình Triển Ảnh Internet
 
Theo luật sư Triển, bây giờ, nếu chỉ dựa vào lời khai của bác sĩ Tường là chị Huyền chết do sai sót trong PTTM là chưa đủ “Khi đến thẩm mỹ viện, rất có thể chị Huyền không hài lòng về cách làm ở đây, rồi có lời đe dọa sẽ tố cáo việc làm sai trái ấy khiến họ sợ, rồi dẫn đến xô xát. Tôi thấy chưa thấy ai đặt ra những tình huống, giả thiết này”: luật sư Triển nhận định.

Bác sĩ Tường muốn che giấu tội ác khác khủng khiếp hơn?

Luật sư Triển cũng cho biết, việc tìm mọi cách để che giấu tội phạm của bác sĩ Tường cũng cần phải đặt nhiều nghi ngờ. “Từ trước đến nay mọi người chỉ nghĩ bác sĩ Tường đưa xác chị Huyền đến cầu Thanh Trì rồi ném xuống phi tang. Nhưng theo quy luật mà cha ông đã tổng kết và mang tính khách quan khi xác người bị ném xuống nước là “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, như vậy tính đến thời điểm này xác chị Huyền phải nổi nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được xác.

Việc này phải làm rõ bác sĩ Tường có buộc thêm vậy nặng gì vào bao chưa xác chị Huyền hay không? Giả thiết nữa là xác bị vướng vào vật gì dưới đáy sông, hay bị cát vùi. Cũng có một giả thiết quan trọng nữa là bác sĩ Tường khai không đúng. Phải có giả thiết bác sĩ này không ném xác chị Huyền xuống sống mà phi tang xác ở chỗ khác, thậm chí dã man hơn là chặt nhỏ xác để phi tang ở chỗ khác là sao?”, luật sư Triển đặt nghi vấn.

Theo luật sư Triển, bác sĩ Tường là người có kinh nghiệm, làm nhiều năm trong một bệnh viên lớn của Nhà nước thì việc tiế xúc với cái chết của bệnh nhân là chuyện quá bình thường, nhất là bác sĩ khoa ngoại. Vì thế không thể nói bác sĩ Tường thấy sốc trước cái chết của chị Huyền sau ca phẫu thuật mà có hành động mà nhiều người cho là ngu dốt, dại dột trên.

Theo luật sư Triển, một người có kinh nghiệm như bác sĩ Tường, đặt giả thiết nếu chị Huyền chết do sai sót trong phẫu thuật thật thì đây không phải lỗi cố ý giết người mà đổ lỗi vô ý chết người. Bác sĩ Tường vi phạm quy chế về nghề nghiệp nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vậy. Và, lỗi này thì không có ở mức án nặng.

Bởi thế việc làm bình thường và khôn ngoan của bác sĩ Tường là báo cho người nhà khách hàng, báo cho cơ quan chứ năng đến để khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. “Nhưng Bác sĩ Tường đã ném xác nạn nhân đi phi tang bằng cách gây căm phẫn là ném xác xuống sống Hồng thì đây là tình tiết hét sức tăng nặng, dẫn đến mức án cao. Từ những lập luận trên, với một bác sĩ có kinh nghiệm như bác sĩ Tường thì phải đặt ra những giả thiết là có thể bác sĩ này làm vậy để che giấu tội ác khủng khiếp, tồi tệ hơn”, luật sư Triển phân tích.

Cũng theo luật sư Triển thì việc bác sĩ Tường đã xóa hết hiện trường trước khi đem xác đi phi tang cũng có nhiều điểm đáng xem xét. Luật sư cho rằng: “Tại sao bác sĩ Tường phải xóa hết hiện trường, có phải chỉ đơn giản là để khẳng định chị Huyền không đến đó để làm thẩm mỹ hay không, hay còn những hành vi dã man hơn hoặc tội ác kinh hoàng khác? Nếu là tội cố ý giết người và đưa xác đi phi tang như vậy thì bản án tử hình dành cho bác sĩ Tường là không tránh khói.

Lởn vởn hình ảnh ác thú Nguyễn Đức Nghĩa sau hành động phi tang xác chết của bác sĩ Tường.

Nhiều ngày nay, khi bất lực trong việc tìm kiếm thi thể chị Huyền đã được bác sĩ Tường ném xuống sông Hồng? Trả lời câu hỏi này, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, lời khai của bác sĩ Tường chưa phải là đáng tin cậy. Và, chỉ tìm thi thể của người phụ nữ xấu số này theo lời khai đó là chưa đủ và khó có kết quả.

Luật sư Triển cho rằng có nhiều các để tội phạm phi tang thân thể nạn nhân và ở vụ án này, không chỉ nhiều người đã nghĩ đến cách phi tang của Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ đã ra tay sát hại người yêu rồi xẻ xác nạn nhân phi tang gây chấn động dư luận vài năm trước đây.

“Cái này còn phụ thuộc vào điều tra của cơ quan công an, những nhiều người cũng đã đặt giả thiết, “bác sĩ đồ tể” này đã phi tang xác chị Huyền ở chỗ khác, thậm chí hành động dã man như vụ án Nguyễn Đức nghĩa đó là chặt xác phi tang.

Đặc trường hợp của bác sĩ Tường, nếu không phải là chuyện chị Huyền chết do sơ suất trong phẫu thuật mà chết do những nguyên nhân khác rồi có hành vi dã man như Nguyễn Đức Nghĩa thì cũng không thể thoát được tội tử hình.

Bởi thế, mấu chốt ở đây là phải tìm được thi thể chị Huyền và từ thi thể ấy mọi chuyện mới được làm sáng tỏ. Tôi nghĩ, bác sĩ Tường làm như vậy, thậm chí khai như vậy đề đã có suy tính cả và những suy tính đó theo ông bác sĩ này thì thật khôn ngoan, chứ không “ngu dại” như mọi người nói”: luật sư Triển cho biết.

Việc phi tang xác của bác sĩ Tường là có tính toán kỹ lưỡng chứ không phải……ngu dốt.

Theo luật sư Triển, đến thời điểm này mà chưa tìm thấy thi thể nạn nhân thì việc tìm kiếm có thể sẽ không có kết quả. “Theo tôi, nếu chỉ căn cứ trên lời khai trên. Và như thế hành động của bác sĩ Tường không phải ngu dốt mà có bí ẩn nào ở đây.

Phải điều tra theo hướng khác, điều tra theo hướng bác sĩ Tường đã tính toán kỹ tình huống là cơ quan điều tra không thể tìm thấy xác chị Huyền. Nếu bác sĩ này có thực sự phi tang xác ở sông Hồng thì cơ quan công an cũng không tìm thấy xác chị Huyền ngay lúc này được. Bác sĩ Tường sẽ tính toán kỹ đến bao giờ thì xác sẽ nổi và nổi khi đó thì không còn dấu vết nữa”, luật sư Triển nhận định.

Cũng theo luật sư Triển thì cầu Thanh Trì lúc nào có người qua lại, ngay cả ban đêm, xe cộ đi lại rất nhiều. Bởi thế việc bê một xác chết lên thành cầu ném xuống sống rất dễ bị lộ, người biết tính toán như bác sĩ Tường sẽ không chọn các phi tang xác chị Huyền ở thời điểm này. 
  (GDVN)

Mâu thuẫn quá quắt của Trung Quốc

Hình (Telegraph): Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hình (Telegraph): Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiết lộ những cải tổ kinh tế rộng lớn tại Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba của Đảng vào tháng tới với cuộc công kích thậm tệ vào khu vực nhà nước khổng lồ và bộ máy đỡ đầu của Đảng (có thật không?).

Tuy nhiên ông cũng muốn tăng cường kiểm soát nhà nước độc tài với một đảng và một hệ tư tưởng. Đây là bài tường thuật sáng nay của Hoàng Tương Duy (Wiang Xiangwei) thuộc nhật báo South China Morning Post.

Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển (TTNCPT) đã phổ biến lộ trình của những biện pháp cải tổ. Nó được cứu xét một cách nghiêm chỉnh vì được viết bởi không ai khác ngoài Ông Lưu Vị (Liu Wei), người chủ trương cải tổ và Ông Lưu Hà (Liu He), cánh tay mặt về các vấn đề kinh tế của Chủ Tịch Tập Cận Bình.

Vấn đề là những đề nghị này tránh né / mâu thuẫn với những điều khám phá cốt lõi của phúc trình chung của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Ngân Hàng Thế Giới năm vừa qua. Bản phúc trình này nói rằng Trung Quốc sẽ không thành công khi nhẩy vào giai đoạn phát triển kinh tế kế tiếp và sẽ suy yếu trong cái “bẫy lợi tức trung lưu” ngoại trừ chấp nhận toàn bộ lối suy nghĩ tự do hiện đại. Bản phúc trình không nói dân chủ, nhưng có nghĩa là như vậy.

Bản phúc trình 2012 [của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Ngân Hàng Thế Giới] cảnh báo rằng Trung Quốc gặp rủi ro đụng trần vô hình như Mỹ châu Latin và Trung Đông sau khi sự phát triển tăng vọt trong hai thập niên 1960 và 1970, không được như nhửng nước hiếm hoi thoát ra khỏi [tình trạng đụng trần] như Nhật và Nam Hàn. Bản phúc trình nói “Nếu những quốc gia không thể gia tăng hiệu suất bằng sáng kiến, những quốc gia này sẽ bị rơi vào bẫy. Trung Quốc không phải chịu đựng số phận này.”

Tất cả những lập luận đều được biết đến rõ ràng. Trung Quốc không còn có nhân công rẻ từ nông thôn nữa. Bàn phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển nói rằng, Trung Quốc sẽ phải đối phó với sự thay đổi nhân chủng đáng kể khi tỉ số người già tăng gấp đôi mức của Bắc Âu trong vòng 20 năm.

Bản phúc trình tiếp tục nói rằng Trung Quốc đã gặt hái thành quả của nhân công rẻ và sự phát triển dựa vào đầu tư, xuất cảng và sự tăng trưởng từ giai đoạn chậm tiến. Trung Quốc còn có thể dựa vào kỹ thuật nhập cảng để tiếp tục đẩy mạnh phát triển (Trung hình 10% kể từ khi Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) bắt đầu mở cửa kinh tế vào năm 1978.) Bản phúc trình nói “Trung Quốc đã đi đến một khúc quanh khác của con đường phát triển. Nó đòi hỏi một sự thay đổi chiến lược không kém quan trọng thứ hai.”

Khi tôi tường thuật, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển nói rằng mức phát triển của Trung Quốc sẽ chậm xuống còn 7% vào cuối thập niên này và 5% vào cuối thập niên 2020 ngay cả nếu Trung Quốc cải tổ sâu rộng. Sự trì trệ sẽ xẩy ra nếu Trung Quốc iếp tục bám vào mô hình kinh tế và xã hội kiểm soát bởi nhà nước. Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển nói rằng “Những lực hỗ trợ tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc dần dần tàn lụi. Sự thống trị của chính quyền trong một số lãnh vực chính, một lợi thế trong giai đoạn đầu, trong tương lai rất có thể trở thành hàng rào cản trở sự sáng tạo. Vai trò của khu vực tư nhân rất quan trọng vì sáng kiến về biên giới kỹ thuật khá khác biệt về bản chất so với giai đoạn hậu tiến phải chạy đua để bắt kịp thế giới. Đây không phải là điều mà có thể hoàn thành bằng kế hoạch của chính quyền.

Ông Tập Cập Bình xem ra nghĩ rằng ông có thể loại bỏ một nửa những thứ này, lựa chọn một số cải tổ mà ông nghĩ có thể tạo ra phát triển trong khi xiết chặt báo chí, Internet, khoa học tự do, và làm sống lại phương cách tự phê kiểu Mao để kiểm soát chặt chẽ đảng. Người ta được nhìn thấy rõ ràng những phản ứng Lenin. Cách đối xử một ký giả của tờ báo Quảng Châu Tốc Hành (Gangzhou Express) trong tuần này – buộc phải thốt ra những lời ngớ ngẩn trong một màn thú tội thu hình có công an theo dõi và thủ tục truy tố bị chỉ trích – mang mầu sắc Cách Mạng Văn Hóa nặng nề.

Chắc chắn một cái gì đó phải bị hi sinh: hoặc Đảng từ bỏ kiểm soát xã hội và chánh trị để cho phép sự sáng tạo được phát triển hoặc những cuộc cải tổ sẽ thoái hóa thành những bùa phép vô nghĩa và những lời phát biểu hào nhoáng với nội dung giả tạo, để cho Trung Quốc rơi vào cái “bẫy lợi tức trung lưu”.

Chúng ta đang ở thời điểm mà Trung Quốc phải quyết định. Hãy theo dõi rất sát Hội Nghị Trung Ương Thứ Ba.

China’s impossible contradiction
Ambrose Evans-Pritchard
The Telegraph
28-10-2013
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
© Đàn Chim Việt

Vụ Thiên An Môn là 'tấn công khủng bố'


Cảnh sát Trung Quốc bắt năm nghi phạm và nói vụ đâm xe ở quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10 là "tấn công khủng bố", Tân Hoa Xã loan tin.
Kênh truyền hình Trung ương CCTV thì nói trên mạng Twitter rằng vụ bắt giữ các nghi phạm được thực hiện 10 tiếng đồng hồ sau vụ đâm xe làm năm người thiệt mạng và gần 40 người bị thương ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh.
Chiếc xe đâm vào đám đông trên quảng trường, sau đó bốc cháy.
Báo chí Trung Quốc nói trước đó cảnh sát đã ra thông báo tới các khách sạn ở Bắc Kinh để truy tìm thông tin về hai người từ Tân Cương.
Thông báo cũng nêu chi tiết về một chiếc xe hơi, với bốn biển đăng ký ở Tân Cương.
Tân Hoa Xã cho hay trong số 5 người chết hôm thứ Hai, ba người chết trong xe và hai người là du khách. 38 người khác bị thương.
Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường phía bắc quảng trường phía lối vào Tử Cấm Thành và đóng cửa hai trạm tàu điện ngầm.
Đoàn phóng viên của BBC muốn tiếp cận hiện trường đã bị cảnh sát giữ lại, trong khi các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc bị xóa và các bình luận bị kiểm duyệt.
Vụ việc nghiêm trọng
"Một vụ việc nghiêm trọng xảy ra hôm thứ Hai," thông báo của cảnh sát viết nhưng không nói rõ chi tiết.
Cảnh sát nói hai nghi phạm là người Tân Cương.
Thông báo này nhanh chóng được lưu truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong đó, cảnh sát yêu cầu các khách sạn để ý các vị khách "khả nghi" cũng như xe của họ.
Tờ Hoàn cầu Thời báo nói đã nhận được xác nhận của cảnh sát Bắc Kinh là đúng đã có thông báo như vậy, nhưng không bình luận gì về tính nghiêm trọng của vụ việc.
Tân Cương là nơi người thiểu số Uighur theo đạo Hồi sinh sống.
Một số người Uighur cho rằng Bắc Kinh đàn áp tôn giáo và văn hóa đối với họ, đôi khi cũng đã nổ ra các vụ bạo lực ở Tân Cương.
Trung Quốc thì luôn luôn tuyên bố rằng đã để cho người dân Tân Cương hoàn toàn tự do.
(BBC)
 

Kinh sách của nước Vệ

(Trích Luận ngữ tân thư xủa Phạm Lưu Vũ)
Nghe nói đến viếng nhà có tang thì cơm không được ăn no, rượu không được uống cạn. Về đến nhà rồi thì hết ngày không ca hát, không cười cợt, quần áo phải thay ra, ba ngày không được gần thê thiếp… Người đang có tang thì cả năm không đi dự giỗ chạp, khai trương, cưới hỏi… của bất cứ nhà ai… Chắc không chỉ vì “Lễ“ quy định phải như vậy. Lại nghe nói sinh khí thuộc về dương, tử khí thuộc về âm.
Người thông minh, sáng suốt thuộc về dương, kẻ u mê, lú lẫn thuộc về âm. Người lương thiện, tử tế thuộc về dương, kẻ bất lương, đểu cáng thuộc về âm. Quân tử thuộc về dương, tiểu nhân thuộc về âm. Cả đến thiện, ác; chân, ngụy cũng phân biệt như vậy, thiện thuộc về dương, ác thuộc về âm, v.v… Thánh nhân đặt ra phép cúng tế quỷ thần, quy định “Lễ“ đối xử với người chết chắc không phải vì Thánh nhân mê tín dị đoan. Chính vì sợ sẽ diễn ra cái buổi âm thịnh, dương suy trên cõi trần (gian) này vậy…
 
Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Tử một hôm giảng về Lễ (phép tắc, pháp luật…). Lễ của Ngài bao trùm cả cái nhẽ sinh tử của cuộc đời. Hết “sinh“ rồi đến “tử“.  Riêng “Lễ“ về “tử“ của Ngài thì chung quy chỉ bốn bài sau đây là gồm hết.
Thứ nhất: Có cái chết là sự tiếp tục của những đạo lý lớn trong thiên hạ (“Tử vi Thánh nhân -chết thành Thánh nhân, như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Văn Vương, Chu công …).
Thứ hai: Có cái chết là sự tiếp tục của một sự nghiệp trong đời (“Tử vi hiền nhân -chết thành hiền nhân, như Cơ Tử, Tỷ Can, Tử Văn, Quản Trọng…).
Thứ ba: Có cái chết đơn giản là sự trở về cõi vĩnh hằng (“Tử vi sa trần-chết thành cát bụi, lành như cát bụi, lẽ thường của vạn kiếp sinh linh). Song để đạt được những điều đó, thì tất cả những người chết đều phải được người sống đối xử sao cho đúng với “Lễ“.  Thuận theo Lễ thì cát (gặp được yên ổn). Nghịch theo Lễ thì hung (gặp phải hiểm họa), có khi hậu quả không biết thế nào mà lường được. Cái đó gọi là: “Tử phù đạo tặc“ (cái chết giúp rập cho trộm cướp).
Khổng Tử
Tài tử Hồng Kông Châu Nhuận Phát trong vai Khổng Phu Tử (movie about Confucius)
Giảng đến bài này, Ngài nói: “Bản thân cái chết không có lỗi gì. Chính những kẻ đang sống mới cố tình làm cho cái chết ấy biến thành một hiểm họa trong đời đấy thôi“.  Nói đến đó, Ngài bỗng trầm ngâm, chưa biết phải lấy thí dụ thế nào cho các học trò hiểu thì vừa lúc ấy, gia nhân báo có người muốn xin vào gặp để biếu kinh sách. Khổng Tử mừng rỡ nói:
“May quá! Kẻ mang cái thí dụ sinh động ấy đến vừa kịp lúc, vừa kịp lúc“.
Học trò nhìn nhau ngơ ngác, chưa hiểu Ngài nói thế là có ý gì thì thấy một người ôm một chồng sách khệ nệ bước vào. Người ấy mặt chuột tai lừa, đầu đội mũ cánh chuồn, trang phục cũng ra dáng kẻ sĩ, chỉ tội ánh mắt hết sức u tối. Cẩn thận đặt những cuốn sách mạ vàng lên một chiếc đôn, người ấy bước đến trước mặt Khổng Tử vái dài một cái. Chưa kịp nói gì thì Khổng Tử đã hỏi ngay:
“Tiên sinh từ nước Vệ tới đây có phải không?“.
Người ấy giật nảy mình, trợn mắt kinh ngạc, hỏi:
“Cớ sao Phu Tử lại biết tôi là người nước Vệ?“.
Khổng Tử trả lời:
“Trên người tiên sinh có mùi tử khí. Vì thế mà tôi biết“.
Người đó hoảng sợ rùng mình một cái. Vội vàng hỏi tiếp, giọng có vẻ hơi bất bình:
“Chẳng hay Phu Tử muốn rủa tôi, mong cho tôi chết sớm hay sao? Tôi đường đường đại diện cho kẻ sĩ của cả nước Vệ, còn đang sống khoẻ mạnh, minh mẫn thế này. Tại sao Phu Tử lại bảo tôi có mùi tử khí?“.
Khổng Tử vẫn thản nhiên nói:
“Tất cả người nước Vệ hiện thời đều có mùi tử khí hết. Vì thế, trong nước không ai ngửi ra đấy mà thôi. Khâu (tên tục của Khổng Tử) này nghe nói tử thi thì phải được chôn xuống đất hoặc đốt thành tro bụi. Nếu để quá một tuần (mười ngày), thì âm khí sẽ ám đến phạm vi một thành. Quá trăm ngày, âm khí sẽ càng loang rộng ra, ám đến phạm vi châu, quận… Hôm trước Khâu này xem thiên văn, trông về hướng địa giới nước Vệ, thấy âm khí đã ám đến tận trời, trùm khắp cả bờ cõi. Tất trong nước có tử thi đã để quá ba năm chưa chôn“.
Người đó nghe nói thì sợ toát mồ hôi. Bèn nghĩ lại việc nước mình. Quả vua Vệ là Linh Công chết đã lâu, nhưng đám con cháu chỉ mải lo giành nhau ngôi báu, lại thấy cứ để như thế xem ra còn có cớ mà tha hồ bịp bợm. Vì thế nhất quyết không chịu đem chôn. Thật là những kẻ vì lợi mà sẵn sàng quên cả hiếu. Có biết đâu cái món âm khí ấy nó lại ghê gớm đến thế. Bèn hỏi:
“Vậy bây giờ Phu Tử bảo phải làm thế nào?“.
Khổng Tử nói:
“Lại còn làm thế nào ư? Sở dĩ âm khí đã dâng lên trùm kín cả bờ cõi, bởi nước Vệ của tiên sinh bây giờ, tất cả những gì thuộc về âm đều đang thịnh, tất cả những gì thuộc về dương đều đang suy, danh và thực đều loạn, thật và giả đều lẫn lộn. Điều ấy chỉ có lợi cho bọn ăn cướp mà thôi. Đó chính là thời vận cực thịnh của lũ tiểu nhân và những kẻ chuyên nghề trộm cắp, bịp bợm. Nay người chết thì phải đem chôn, thế thôi. Có điều, đã nhiễm phải âm khí nặng như vậy thì người nước Vệ đời nay tất bị u mê, lại hay trí trá lắm, khó mà tiếp thu được đạo lý. Cứ tiếp diễn mãi như thế này, e rằng thế gian ngày nay không tìm đâu ra một qui tắc nào khả dĩ có thể áp dụng cho người nước Vệ được. Có lẽ phải đợi đến những đời sau may ra…“.
Kẻ sĩ người nước Vệ tất nhiên chẳng đời nào chịu công nhận những điều đó. Bèn hướng cặp mắt u tối về phía Khổng Tử mà cãi:
“Nước Vệ tôi xưa nay rất chú trọng đến việc dạy dân. Những kẻ sĩ danh giá đi lại ngoài đường, ngoài chợ đông như rắc trấu, ai ai cũng có thể làm ra văn chương, thi phú, chính sự được ca tụng hết lời, pháp luật mỗi ngày mỗi đẻ ra những cái mới. Trăm họ yên ổn làm ăn, không ai nói ngược lại cái điều mà kẻ bề trên muốn nghe. Lại có một nền giáo dục hoành tráng, vẫn thường tự đánh giá là cao nhất nhì thiên hạ. Sao Ngài lại bảo người nước Vệ tôi u mê, trí trá, không tiếp thu được đạo lý?“.
Khổng Tử trả lời người kia mà như muốn nói với cả các học trò của mình:
“Dạy học mà không hề thấy dạy cách làm người, chỉ dạy cách làm tiền. Chưa học làm người đã bổ làm quan chỉ vì chạy chọt hoặc là con ông, cháu cha. Thậm chí khối kẻ làm quan rồi mới đi học. Lại còn tha hồ mua bán danh hiệu, quan tước… Thì đó là cái nền giáo dục gì vậy? Dạy dân bằng đức hơn là bằng lệnh. Huống chi nước Vệ bây giờ chỉ ra sức chú trọng đến việc nhồi nhét cho học trò những kiến thức sặc mùi âm khí, dùng bịp bợm làm quốc sách giáo dục, lấy đen làm trắng, lấy không làm có, lấy ác làm thiện… Kẻ trên leo lẻo dối trá không biết ngượng mồm, kẻ dưới uốn mình nịnh hót không biết xấu mặt. Lại tùy tiện đẻ ra cái gọi là pháp luật để lừa mị, cưỡng ép người ta phải công nhận mình. Lại nhân danh trăm họ để thi hành bạo ngược, không cho ai có quyền được nghĩ tới chân lý, không cho phép ai được nói ra sự thật, khiến cho người người u mê, nhà nhà lú lẫn, nhìn gà hóa cuốc, nhìn kẻ cướp hóa người ngay, đánh đồng lưu manh với lương thiện… Từ đó con người sinh ra thói nhịn nhục, đớn hèn, nhất nhất chỉ biết chạy theo của cải, hư danh… Dạy dân như thế thì khác nào ngu dân có chủ ý, ngu dân bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Cái gọi là nền giáo dục ấy càng “hoành tráng“ bao nhiêu thì càng hỏng nặng bấy nhiêu. Làm hỏng một nhà đã phải ăn năn, sám hối. Đằng này lại làm hỏng cả một nước thì tội lỗi để đâu cho hết. Thế mà không gọi là u mê, trí trá thì gọi là cái gì?“.
Kẻ sĩ người nước Vệ kia nghe Khổng Tử thuyết liền một hồi như vậy mà vẫn không cho làm phải, nét mặt vẫn có vẻ ấm ức, không phục. Quả là sự u mê đã ngấm đến tận xương tuỷ. Phải cái tội y đang ở vào địa vị là khách, chẳng lẽ lại cãi nhau mãi với bậc Thánh nhân đã nức tiếng thiên hạ này. Song nghĩ bụng cũng phải cố vớt vát thêm vài câu để giữ thể diện quốc gia. Y bèn chỉ vào đống sách mang theo và nói:
“Phu Tử bảo người nước Vệ tôi hiện toàn những kẻ u mê, trí trá. Vậy sao lại có thể viết ra những cuốn kinh sách, những bộ giáo khoa mạ vàng như thế này được. Chính tôi được sai mang sang đây tặng Phu Tử, để Phu Tử bổ sung vào kho tàng kinh sách của Ngài cho thêm phần phong phú đấy“.
Khổng Tử nghe y nói thì vội vàng dùng một tay kéo vạt áo lên che mặt, tay kia xua lấy xua để mà bảo:

“Mang về ngay đi. Mang về ngay đi. Những thứ gọi là kinh sách với lại giáo khoa gì đó của nước ngài càng nặng mùi âm khí lắm. Nước Lỗ ta từ lâu đã vứt hết vào sọt rác rồi. Không tin ngài cứ ra ngoài bãi rác mà bới thử xem. Hãy tìm trong những mớ giấy lộn ấy, may ra vẫn còn sót một ít đấy“.
Kẻ sĩ người nước Vệ đành tiu nghỉu ôm đống kinh sách của nước mình ra về. Bài giảng của Khổng Tử về “Lễ“ đến đó cũng vừa chấm dứt.
Hôm ấy, trong số các học trò ngồi nghe Khổng Tử nói, có Tử Lộ (Trọng Do) là người cũng không hẳn tin rằng nước Vệ lại hỏng đến mức ấy, bèn quyết chí sang bên đó làm quan một phen xem sao. Tử Lộ những tưởng với đức độ, học vấn và cái dũng của mình, thì có thể cứu được dân chúng nước Vệ thoát khỏi mê muội, gian xảo chăng! Kết quả việc không thành. Tử Lộ chưa kịp thi thố điều gì thì đã bị chết bất đắc kì tử tại ngay chính nước Vệ. Thế mới biết cái thứ âm khí ấy ở nước Vệ quả là rất độc đối với người quân tử. Thương thay! Có lẽ từ câu chuyện trên mà về sau, các nhà chép sử thường ca ngợi nước Lỗ là một nước có “Lễ“ sáng sủa nhất thiên hạ thời bấy giờ chăng?
Phạm Lưu Vũ
(Blog Nguyễn Trọng Tạo )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét