Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Bài đáng chú ý - Đối ngoại đi dây và nội lực quốc gia

Đối ngoại đi dây và nội lực quốc gia

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tiếp đón tại Hà Nội, ngày 14/10/2013.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tiếp đón tại Hà Nội, ngày 14/10/2013.

Vũ Đức Khanh, Võ Tấn Huân  -VOA

 

Mặc dù nằm trong khu vực Đông Nam Á nhưng việc Việt Nam không có khả năng giải quyết các vấn đề cốt lõi đe dọa tầm quan trọng của mình trong tương lai.
Trong cuộc gặp hôm 13/10 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường và người đồng nhiệm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố củng cố quan hệ chính trị láng giềng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác thương mại cũng như ngoại giao với mục tiêu thương mại hai chiều dự tính lên đến 60 tỷ USD vào năm 2015.
Đây có thể là một phần trong kế hoạch tấn công mềm của Trung Quốc, với chuyến thăm bắt đầu ở Indonesia và Malaysia hồi đầu tháng cho đến Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tuần trước cùng các chuyến thăm chính thức đến Brunei và Thái Lan.
Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Hà Nội được xem như một bước ngoặt trong quan hệ Việt -Trung; tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa rõ ràng vì nhiều điểm khác biệt vẫn tiếp tục tồn tại giữa hai nước.
Đối ngoại đi dây
Mặc dù mong muốn đi theo mô hình của Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn chưa dồn hết công sức để thực hiện việc này. Nếu dựa quá nhiều vào Trung Quốc thì Hà Nội có thể bị xem là đầu hàng trước Bắc Kinh vì với kinh nghiệm lịch sử thì người dân Việt Nam chưa bao giờ có thiện cảm với người láng giềng phương Bắc.
Đối với các nhà quan sát tại Washington thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ không hề suy giảm ở Việt Nam sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Giữa Việt Nam và Trung Quốc dù sao vẫn còn tồn tại cuộc tranh chấp trên Biển Đông.
Như Việt Nam đã từng làm trong quá khứ, Hà Nội sẽ tiếp tục đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm sử dụng nước này để cân bằng lại nước kia.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và hai nước này có thể được mô tả là gần gũi nhưng lại không mang nhiều hứa hẹn. Nếu không có gì khác hơn ngoài việc bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì Hà Nội sẽ không liều lĩnh nghiên hẳn về Trung Quốc hay Hoa Kỳ, và dường như các lãnh đạo Cộng sản muốn tiếp tục để ngỏ sự lựa chọn này.
Trung Quốc dường như hiểu điều này và đã có kế hoạch gây ảnh hưởng thông qua các mối quan hệ chính trị và thương mại. Về phía Hoa Kỳ, có thể Washington vẫn còn chậm hơn trong cuộc chơi hoặc chưa rõ về phương hướng và những lựa chọn trước mắt.
Ngược lại, rất có thể yếu tố Việt Nam không phải là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, vì thực sự nếu Việt Nam có mang lại lợi ích trong chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á -Thái Bình Dương đi chăng nữa thì Washington cũng đã có nhiều đối tác khác trong khu vực. Đó là chưa kể tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn làm cho Hoa Kỳ lo ngại.
Bằng cách đi dây với Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam có thể tự đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương nhất nếu cả hai nước quyết định các quốc gia Đông Nam Á không phải là ưu tiên trong chính sách của họ.
Đối với Việt Nam, các lãnh đạo Cộng sản tiếp tục giả định rằng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Quan hệ với Trung Quốc sẽ tiếp tục có nhiều biến động nhưng không trở thành thù địch, trong khi Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng không đề ra áp lực nào cụ thể. Việt Nam sẽ tiếp tục chơi ván cờ may rủi.
Tuy nhiên, những giả định này không thể giải quyết mối quan tâm trong nước hiện đang đe dọa sự sống còn của chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiến pháp và nội lực
Các ưu tiên chính của Chính phủ Việt Nam đến nay đã rất rõ ràng. Việt Nam cần tăng trưởng mạnh kinh tế, chống tham nhũng hiệu quả và tạo dựng lại lòng tin của người Việt cả trong lẫn ngoài nước và cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, nếu không có nền tảng Hiến pháp toàn dân, nhà nước pháp trị và pháp luật chuẩn mực thì tất cả tiến trình cải cách kinh tế, chính trị và những nỗ lực phối hợp chống tham nhũng khác vẫn chỉ là những lời nói suông đang trở nên nhàm chán.
Mặc dù Việt Nam đã tăng cường hệ thống pháp luật trong những năm gần đây nhằm thực hiện những cải cách cần thiết và đưa ra biện pháp chống tham nhũng, nhưng hầu như nhiều người đều có chung nhận xét rằng nạn tham nhũng đã gần như trở thành bất trị.
Tham nhũng không phải là vấn đề có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Tham nhũng cần được giải quyết ở nhiều cấp thông qua hệ thống giáo dục, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, trong đó việc cải cách cơ chế độc quyền nhà nước của một đảng sang cơ chế nhà nước pháp quyền của toàn dân là điều tiên quyết.
Tất nhiên điều này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách thật sự ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Nếu Việt Nam tiếp tục vận hành với một chính quyền không phải do dân bầu lên cùng với các quy tắc bất thành văn thì Việt Nam trong tương lai cũng sẽ không khác gì ngày hôm nay. Nếu Chính phủ Việt Nam không thể hoặc không có khả năng lãnh đạo thì tình trạng này cần nhanh chóng được thay đổi.
Giữa lúc Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp, việc trở lại với tinh thần thượng tôn pháp luật là điểm cơ bản và cần thiết hiện nay. Một bản Hiến pháp được nhiều thành phần xã hội tham gia soạn thảo và được nhân dân phúc quyết thông qua sẽ giúp đất nước phát triển ổn định và bền vững.
Nếu như “tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ những nội dung chủ yếu của Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992” như lời tuyên bố của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thì càng nên để toàn dân tham gia soạn thảo và phúc quyết Hiến pháp để chứng minh điều đó.
Một Hiến pháp dân chủ được người dân thông qua chính là một khế ước chứng minh sức mạnh của những người cầm quyền. Nó cũng chính là sức mạnh nội lực của một dân tộc vì chỉ khi điều hành đất nước bằng pháp luật chuẩn mực thì mới có thể tiến tới một xã hội văn minh, công bằng, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Vấn đề quốc nội này thực chất quan trọng hơn vấn đề đối ngoại với Trung Quốc và Hoa Kỳ mà nhiều người cho là quan trọng. Xây dựng nền móng cơ bản này cũng sẽ giúp Việt Nam dễ dàng tạo dựng lòng tin sâu sắc với những đối tác chínhtrị quốc tế tầm cỡ như Ngũ Đại cường quốc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Nếu như các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam không nhận ra hoặc tiếp tục lờ đi những mối quan tâm chính đáng trong mục tiêu phát triển đất nước thì Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau so với các nước lân cận trong khu vực.
Không có một quốc gia nào được cho là mạnh nếu không biết củng cố nội lực quốc gia. Điều này không khó thấy, nhưng nó không được nhiều lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay nhìn nhận một cách đúng mức. Và điều đó một lần nữa đã thể hiện tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, sáng nay, 22/10/2013 qua lời phát biểu báo cáo giải trình của ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992. Báo cáo giải trình này cho biết là bản “Dự thảo” nêu trên, dự trù sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này vào cuối tháng 11 năm nay, sẽ không có gì thay đổi căn bản, và đảng Cộng sản vẫn tiếp tục cố thủ trong lô cốt của điều 4 Hiến pháp 1992.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.  

Quốc hội đa số 'tán thành Hiến pháp'

Ông Phan Trung Lý
Ông Phan Trung Lý đại diện cho Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi giải trình trước Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam được cho là đã ‘tán thành’ hầu hết các nội dung chính của bản Hiến pháp 1992 sửa đổi khi vấn đề này được đưa ra báo cáo và tranh luận tại nghị trường trong hai ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội hiện đang diễn ra.

Thông qua bản Hiến pháp là một trong những nội dung quan trọng nhất trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 13 lần này.

Các đại biểu Quốc hội đã nghe ông Phan Trung Lý, trưởng Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, giải trình về việc tiếp thu ý kiến đóng góp cho Hiến pháp của Quốc hội và của nhân dân hôm 22/10.

Qua ngày hôm sau 23/10, các đại biểu đã thảo luận nhóm về chủ đề này.

‘Tôi tán thành’

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội đại diện cho Hà Nội, được trang mạng VnEconomy trong nước dẫn lời nói trong phiên thảo luận nhóm với các đồng nghiệp của ông rằng ‘nội dung dự thảo về cơ bản đã rất tốt’.

Ông Trọng được dẫn lời cho rằng Hiến pháp lần này chỉ nên sửa những cái gì ‘đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh và tạo được thống nhất cao’ còn cái còn ý kiến khác nhau thì ‘chưa nên sửa’.

“Tôi thấy tất cả nội dung này đã đáp ứng được tư tưởng đó. Tôi tán thành,” ông nói.

Tinh thần ở các buổi thảo luận nhóm về Hiến pháp này được báo chí trong nước mô tả là ‘đa số tán thành’ hoặc ‘không còn nhiều vấn đề lớn gây tranh cãi’.

Tổng bí thư cũng được cho là đã tập trung góp ý về câu chữ của Lời nói đầu trong Dự thảo để sao cho chuẩn xác.

Theo bản ghi do phóng viên báo Thanh niên ghi lại, thì ông Trọng đã đề nghị sửa lại câu ‘Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân...’ vì viết như vậy là ‘bỏ chủ thể nhân dân, chỉ nói Đảng Cộng sản lãnh đạo thôi là không ổn’.

Ông Trọng vốn có thời là chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, vốn nghiên cứu các vấn đề lý thuyết của Đảng.

Ông cũng chỉ ra ý ‘đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước’ có ‘sai sót’ ở chỗ từ năm 1960 chứ không phải đến đổi mới thì Chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng ở miền Bắc.

Ngoài ra, theo ông Trọng thì xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới không thể được xếp ngang hàng nhau.

“Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa,” bản ghi ghi lại lời ông Trọng.

Cho nên ông yêu cầu sửa câu này lại là: ‘đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội”.

Một số vấn đề chính

Bản dự thảo Hiến pháp này chỉ giữ lại 7 trong tổng số 147 điều của Hiến pháp năm 1992 hiện hành và sửa toàn bộ 140 điều còn lại.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Mặc dù là chuyên gia lý luận của Đảng nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt biệt danh là 'Lú'

Do đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nên gọi bản thảo này là Hiến pháp 2013 thay vì như cách gọi hiện nay là Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Trước đó, đọc báo cáo giải trình trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý, trưởng Ban biên tập Hiến pháp nói rằng dự thảo trình Quốc hội xem xét lần này đã ‘phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân’, ‘bám sát cương lĩnh của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Bộ chính trị’.

Theo tường thuật của truyền thông trong nước, ông Lý giải trình một số vấn đề cơ bản như sau:

Về tên nước thì ủy ban sửa Hiến pháp thấy rằng cần giữ lại quốc hiệu hiện nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì ‘nhất quán với con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn’ và ‘đã thân quen với nhân dân ta’.

Về quyền con người thì ủy ban này đồng ý sửa lại là ‘chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật’ thay vì như trước đó là ‘có thể bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp’.

Tuy nhiên, đề xuất lập Hội đồng Hiến pháp để bảo vệ đạo luật gốc này đã không được ủy ban sửa Hiến pháp chấp thuận vì ‘đây là vấn đề mới trong điều kiện nước ta hiện nay’.

Thay vào đó, ủy ban này đề nghị tăng cường trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Ủy ban này cũng cho rằng Hiến pháp cần phải quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước do vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của khu vực nhà nước là ‘rất quan trọng’.

Về việc thu hồi đất, ủy ban này thừa nhận cần quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
(BBC)
 

Hiến pháp sửa đổi : Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình

http://sgtt.vn/Goc-nhin/184350/Dang-chiu-trach-nhiem-ve-su-lanh-dao-cua-minh.html
SGTT.VN – Tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần có quy định Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình, ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) 1992 cho biết trong phiên họp Quốc hội sáng 22.10.
Theo ông Lý, quy định về Đảng trong dự thảo Hiến pháp lần này thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991. Trong đó, trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì vậy, uỷ ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong điều 4 của dự thảo.
Quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi đất
GIỮ NGUYÊN TÊN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Qua xem xét nhiều mặt, ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước.
Ông Phan Trung Lý lưu ý, Hiến pháp hiện hành giao uỷ ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền giám sát Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh. Trên cơ sở giám sát, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng thì uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc giải tán HĐND đó. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về vấn đề này và cho giữ quy định như dự thảo.
Trước các ý kiến khác nhau về các thành phần kinh tế, uỷ ban DTSĐHP thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Vẫn đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, nhưng uỷ ban DTSĐHP nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là uỷ ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Do đó, uỷ ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định hội đồng Hiến pháp vào dự thảo.
Về vấn đề thu hồi đất, ông Phan Trung Lý cho biết, uỷ ban DTSĐHP thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho luật Đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Do việc lấy phiếu tín nhiệm mới được triển khai lần đầu và còn một số vấn đề cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nên có các ý kiến đề nghị chưa quy định vấn đề này trong DTSĐHP. Uỷ ban DTSĐHP tán thành với ý kiến này và thấy rằng, việc không quy định lấy phiếu tín nhiệm trong DTSĐHP cũng không ảnh hưởng đến thẩm quyền Quốc hội quyết định lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Ông Phan Trung Lý, Ủy viên ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 
Tham nhũng: án treo chiếm hơn 30%
Cũng trong sáng nay, chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh đến tình trạng “giơ cao đánh khẽ” với các án tham nhũng.
Trong thời gian hai năm sáu tháng (từ tháng 10.2010 đến tháng 4.2013), riêng viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ bốn vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%). Có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử). Đặc biệt, có vụ án kéo dài sau nhiều năm mới xét xử được (như vụ Hoàng Đình Dung, giám đốc chi nhánh Centrime 3 phạm tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, hành vi phạm tội xảy ra từ 2000 và đến 2012 toà án mới xét xử).
Nhiều vụ án tham nhũng toà án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo với mức án cao, nghiêm minh nhưng khi xét xử phúc thẩm thì toà án cấp trên trong đó có toà phúc thẩm, toà án nhân dân tối cao lại giảm hình phạt, cho các bị cáo hưởng án treo, không bảo đảm tác dụng giáo dục, phòng ngừa và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp. Trong kỳ báo cáo, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỉ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất, nhưng chỉ mới thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỉ đồng, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi.
Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ông Hiện nhấn mạnh, việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng. Chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.
Trước đó, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có bốn người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, bốn trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).
Việt Anh

Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’ qua Viện Khổng Tử ở Việt Nam?

Ý tưởng thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009
Ý tưởng thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009

VOA Tiếng Việt

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rời Hà Nội hôm 15/10, nhưng dư âm của chuyến công du của giới chức từ nước láng giềng phương bắc của Việt Nam vẫn chưa lắng dịu.
Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều trên các trang mạng xã hội những ngày qua là bản thỏa thuận giữa giới chức hai nước về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.
Tin cho hay, ý tưởng thành lập Viện này ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009, nhưng theo nhận định của giới quan sát, những mối căng thẳng ở biển Đông đã làm cho dự án này bị trì hoãn.
Nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra dịu giọng hơn trong chuyến thăm của ông Lý vì theo đánh giá của các chuyên gia, ‘Trung Quốc muốn tỏ ra rằng họ không hiếu chiến’ trong bối cảnh nước này ‘đang bị cô lập trong vấn đề tranh chấp lãnh hải’.
Ngay cả Trung Quốc, thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng đã đạp đổ hoàn toàn cả Khổng học cũng như Nho giáo. Bây giờ họ muốn dựng lại để tạo ảnh hưởng đối với các nước lân bang hay là các nước mà họ muốn gây ảnh hưởng.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã, nhà sử học có nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng Viện Khổng tử là ‘một trong những ý đồ của Bắc Kinh muốn sử dụng ảnh hưởng về văn hóa để thể hiện quyền lực mềm đối với Việt Nam’.
Ông nói: “Ngay cả Trung Quốc, thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng đã đạp đổ hoàn toàn cả Khổng học cũng như Nho giáo. Bây giờ họ muốn dựng lại để tạo ảnh hưởng đối với các nước lân bang hay là các nước mà họ muốn gây ảnh hưởng”.
Báo chí trong nước đưa tin, Viện Khổng Tử ‘giảng dạy tiếng Hoa; đào tạo giáo viên Hoa ngữ; tổ chức thi trình độ tiếng Hoa; chiếu phim Trung Quốc; tư vấn du học; tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị’.
Trong khi đó, blogger Paulo Thành Nguyễn cho rằng Viện Khổng tử là một trong những công cụ để Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’.
Người từng lập cơ sở kinh doanh với ‘cam kết không bán hàng hóa Trung Quốc’ còn nói thêm rằng Trung Quốc đã truyền bá văn hóa của nước này ở Việt Nam ‘qua con đường phim ảnh từ lâu rồi’.
Ông nói: “Đó là một trong những mục đích để thể hiện bá quyền về văn hóa và giải trí. Tất cả đều lồng vào thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến người dân Việt Nam để thông quá đó để rao giảng về văn hóa của họ”.
Đó là một trong những mục đích để thể hiện bá quyền về văn hóa và giải trí. Tất cả đều lồng vào thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến người dân Việt Nam để thông quá đó để rao giảng về văn hóa của họ.
Về tác động của quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam, người được coi là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm, Giáo sư tại Đại học Harvard Joseph Nye từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ‘Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Khổng giáo, trong một thời gian dài’.
‘Ngoài ra, Trung Quốc còn tìm cách truyền bá tư tưởng của mình. Người Trung Quốc cho rằng quá trình thích nghi của Đảng Cộng sản trong khi thực thi nền kinh tế thị trường là điều hấp dẫn đối với Việt Nam’, ông Nye nói.
Theo Tiến sỹ Nhã, sự mở rộng văn hóa của Trung Quốc ‘không phải là hướng có lợi cho Việt Nam’.
Ông nói: “Trung Quốc đã muốn và thể hiện quyền lực mềm trong kinh tế, và theo tôi, Trung Quốc đã khá thành công. Hàng hóa của Trung Quốc tràn lan và sự nhập siêu của Việt Nam thì quá lớn. Như thế theo tôi cũng là một sự lệ thuộc. Chỉ khi nào mình cân bằng được thì lúc đó mình mới thực sự thể hiện sự độc lập, tự chủ của mình”.
Trong một bài viết trên blog của mình, blogger Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Hán – Nôm ở Hà Nội, cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam ‘có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc’.
Để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa.
Nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam – Trung Quốc viết: “Việc tuyên truyền, gây sức ép cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên Việt Nam là quá mạnh. Có những công trình tu bổ hoặc xây mới mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Có hàng loạt các ngôi chùa từ Nam chí Bắc trùng tu, trang trí theo kiểu Trung Quốc”.
“Để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa”, ông Diện viết.
Theo tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc, hiện có khoảng hơn 400 Viện Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ đặt tại các trường đại học trên toàn thế giới, trong đó có cả Mỹ và nhiều nước châu Phi.

Tăng trưởng suy vì tín dụng kiệt

http://sgtt.vn/Kinh-te/184371/Tang-truong-suy-vi-tin-dung-kiet.html
SGTT.VN – Tăng trưởng kinh tế năm 2013 và cả năm 2014 chỉ đâu đó quanh mức 5%, thấp hơn rất nhiều mức tiềm năng 7%. Đó là nhận định của chuyên gia đến từ ngân hàng ANZ, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng 2014” diễn ra hôm qua (22.10), tại Hà Nội.
Tăng trưởng GDP Việt Nam lệ thuộc nhiều vào dòng tín dụng từ ngân hàng. Ảnh: Lê Quang Nhật
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng trưởng thấp, được cả chuyên gia quốc tế và Việt Nam nhận định là tín dụng quá thấp, thậm chí có biểu hiện suy kiệt.
Tăng trưởng dưới mức tiềm năng
Đó là nhận định của ông Glenn B. Maguire, chuyên gia Kinh tế trưởng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngân hàng ANZ về triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2013 của Việt Nam. Cụ thể, ông Glenn B. Maguire dự báo, năm nay, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,1% và sẽ cải thiện trong năm 2014 đạt mức 5,25%, thấp hơn ước tính của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia là 5,3% trong năm 2013; và 5,6 – 5,8% năm 2014. Để quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng (khoảng 7%), Việt Nam cần tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước.
Cơ sở cho nhận định của ANZ, theo ông B. Maguire là tỷ lệ vay nợ trong nền kinh tế Việt Nam cao, trong khi gánh nặng nợ xấu lớn. Để tăng trưởng kinh tế cao hơn nữa, Việt Nam phải cải thiện hoạt động đầu tư, nâng cao hiệu quả phân bổ vốn. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam còn chịu lực cản của một số yếu tố như năng lực cung ứng điện (nhu cầu điện trung bình cho phát triển kinh tế xấp xỉ 5.000MW nhưng trên thực tế khả năng đáp ứng thấp hơn), trong khi thu hút đầu tư vào điện gặp nhiều khó khăn; dự trữ ngoại hối còn mỏng…
Lạm phát cả năm được ANZ dự báo trong biên độ 6 – 8%, do cầu trong nước yếu sẽ giữ cho giá tiêu dùng không tăng trong trung hạn.
Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cần đạt mức 16 – 17%, nền kinh tế mới đạt được sản lượng tiềm năng khoảng 7%. Bởi Việt Nam có tỷ lệ đòn bẩy tài chính lớn, tín dụng quyết định tổng đầu tư xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực tư nhân.
Mặc dù vậy, dự báo về triển vọng kinh tế 2014, ông Nghĩa vẫn đưa ra một bức tranh lạc quan hơn của ANZ, cụ thể: GDP tăng trưởng 5,5 – 5,7%, cơ sở là thâm hụt ngân sách có thể nâng lên 5,3%, giúp nâng tổng vốn đầu tư/GDP tăng từ 29% lên khoảng 33%, trong đó dành chủ yếu vào đầu tư công – những công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; CPI khoảng 7%; tăng trưởng tín dụng 14 – 15%; lãi suất giảm nhẹ và được duy trì ổn định…
Khu vực ngân hàng là mắt xích yếu nhất
Khu vực tài chính vẫn là điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam, theo đánh giá của ANZ, khi cho rằng “khu vực ngân hàng vẫn là mắt xích yếu nhất, trong khi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục rút đi”. Lý giải điều này, ông B. Maguire cho biết, hoạt động cho vay tiếp tục yếu kém, số liệu chính thức ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 7.2013 đạt 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu, theo thông báo của ngân hàng Nhà nước giảm từ 4,65% vào tháng 5 xuống còn 4,46% vào tháng 6. Tuy nhiên, theo ANZ, các tổ chức xếp hạng tín dụng nước ngoài ước tính con số thực phải cao hơn gấp đôi so với ước tính chính thức.
Chung mối lo ngại này, ông Nghĩa cho biết, thị trường tín dụng của chúng ta có dấu hiệu đi xuống cả về giá (lãi suất liên tục giảm và ở mức thấp); khối lượng (giao dịch liên ngân hàng giảm mạnh cả về khối lượng và lãi suất); tăng trưởng tín dụng quá thấp trong một thời gian rất dài… Ông Nghĩa nhận xét: “Tín dụng đang có biểu hiện suy kiệt và nhiệm vụ thúc đẩy tín dụng tăng ở mức hợp lý còn là khó khăn trong trung hạn”.
Cũng theo số liệu từ ANZ, từ 1 – 25.9, tổng số vốn đầu tư gián tiếp rút ra khỏi Việt Nam là 17,4 triệu USD, nâng tổng số luỹ kế dòng vốn đầu tư rút khỏi Việt Nam lên gần 182 triệu USD trong 18 tuần qua. “Chúng tôi dự báo vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục rút ra trong những tháng tới”, ông B. Marguire nói. Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, được ANZ ghi nhận, là dòng vốn đầu tư trực tiếp chín tháng đầu năm đã tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đầu tư 9,3 tỉ USD.
Chia sẻ góc nhìn này, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, phân tích: kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, lãi suất của thị trường thế giới tăng lên làm giảm chênh lệch với lãi suất thị trường Việt Nam, do vậy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam có giảm sút. Mặt khác, các quỹ đóng tại Việt Nam phải đều phải hết hạn trong năm 2013 – 2014, mức độ thoái vốn rất lớn, trong khi việc thành lập quỹ mới chậm, nên có thể suy giảm nhất định dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong giai đoạn tới đây ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, nhìn vào triển vọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chúng tôi tin rằng dòng vốn gián tiếp sẽ sớm quay trở lại”, ông Nghĩa nói và dẫn giải nhận định của nhiều tổ chức tài chính quốc tế: hai thị trường được dòng vốn nhắm đến nhiều nhất là Việt Nam và Philippines, do chính phủ hai nước này rất nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
Thảo Nguyễn

Lãnh đạo Trung Quốc có nắm được sự ủng hộ cho sự thay đổi?

Một đại biểu đại diện một sắc dân thiểu số đến bên trong Đại sảnh đường Nhân dân trong kì họp Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 8 tháng ba năm 2012. (Ảnh: AAP)

Mọi người đang nhìn vào Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhóm kinh tế đang soạn các dự thảo cho một đợt cải cách kinh tế mới sẽ được tung ra tại Hội nghị lần thứ ba của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 18 (ĐCSTQ), triệu tập trong tháng 10 năm 2013.
Các cá nhân thiết kế gói cải cách đều là những chuyên gia kinh tế định hướng thị trường có uy tín cao, và chính quyền trung ương đang phát ra những tín hiệu quyết tâm. Hy vọng đang dấy lên rằng những cải cách sẽ là hệ trọng và cốt lỏi.
Tuy nhiên, vẫn còn hoài nghi về việc liệu các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc có những gì cần có để thực sự thực hiện các cải cách này hay không. Các nhà phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo ngày nay thiếu cái quyền lực như Đặng Tiểu Bình có trong thập niên 1980 khi ông còn là lực đẩy đằng sau những đợt sóng đầu tiên của cải cách thị trường Trung Quốc. Điều này chắc chắn là đúng. Nhưng, quy sự thành công của những cải cách này cho một mình Đặng Tiểu Bình là hiểu chưa đúng hệ thống của Trung Quốc lúc đó. Đặng Tiểu Bình không phải là một nhà độc tài. Ông và các phụ tá cải cách của ông đã xây dựng một chiến lược để đưa các nhóm có thế lực khác nhau vào cuộc.
Nhiều người còn dự đoán rằng các nhóm lợi ích trong hệ thống kinh tế nhà nước chiếm ưu thế hiện tại sẽ ngăn chặn một đợt cải cách thị trường mới. Nhưng các nhóm lợi ích hiện nay – các doanh nghiệp nhà nước, các quan chức tham nhũng và gia đình của họ – có cố thủ nhiều hơn so với các nhóm lợi ích trong nền kinh tế chỉ huy có ở Trung Quốc vào năm 1979 – các nhà hoạch định trung ương, các quan chức chính phủ, ngành công nghiệp nặng – hay không?
Thách thức lớn nhất đối với cải cách kinh tế luôn luôn là thách thức chính trị: Làm thế nào để vượt qua sự phản kháng của các nhóm có thế lực đang hưởng lợi trong hệ thống hiện tại và xây dựng lên nhóm những người ủng hộ cho cải cách?
Loại chiến lược nào Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ áp dụng để tạo ra một liên minh cải cách? Các nhóm có tiềm năng có thể ủng hộ các cải cách là các nhóm nào?
Nơi đầu tiên hợp lý để nhìn vào là khu vực kinh doanh tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đang thất vọng bởi sự thiên vị có hệ thống đối với các công ty nhà nước trong vay vốn ngân hàng và các ưu đãi khác. Trong điều kiện thiếu vắng một thị trường vốn vận hành trong nước và hệ thống pháp luật, các doanh nhân tư nhân phải đầu tư phần lớn nỗ lực của mình trong việc vun quén mối quan hệ với các quan chức chính phủ. Họ cũng tìm cách giảm bớt rủi ro bằng cách chuyển vợ con, và tài sản ra nước ngoài. Nhưng doanh nghiệp tư nhân không có tiếng nói trong Đảng Cộng sản hay chính quyền trung ương Trung Quốc và do đó không thể làm thành đối trọng chính trị đối với khu vực nhà nước nhiều thế lực.
Còn các quan chức tỉnh thành và địa phương thì thế nào? Các quan chức đang điều hành 33 tỉnh của Trung Quốc là một nhóm ủng hộ tiềm năng rất quan trọng ở Trung Quốc – họ tạo thành khối lớn nhất trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Các quan chức tỉnh thành và địa phương đang đứng ở đâu hiện nay? Họ là một nhóm lợi ích trong hiện trạng hay là một nhóm ủng hộ tiềm năng cho một cuộc cải cách mới?
Những cải cách trong thập niện 1980 đã thành công vì Đặng Tiểu Bình và các phụ tá của ông cân đối được sức nặng chính trị của bộ máy hành chính trung ương bằng sức mạnh của các lãnh đạo tỉnh thành trong BCH Trung ương – một chiến lược mà vào thời đó, tôi gọi là ‘chơi con bài các tỉnh’. Họ được sự ủng hộ của các quan chức tỉnh thành bằng cách làm cho việc phân cấp quyết định kinh tế và doanh thu tài chính trở thành một thành tố cốt lỏi của gói cải cách. Phân cấp tạo ra động lực cho chính quyền tỉnh thành và địa phương đẩy mạnh tăng trưởng thông qua thị trường.
Một số quan chức tỉnh thành và địa phương cũng đã được thưởng phần với các đặc khu kinh tế và các chính sách ưu đãi có mục tiêu khác, mà họ và khu vực của họ hưởng lợi rất lớn từ những điều này. Các đặc khu và các cơ hội tiếp cận thị trường chỉ được phân một cách chọn lọc cho một số vùng cụ thể, không phải cho mọi nơi trên cả nước. Khi mà các quan chức địa phương bắt đầu ghen tị với những vùng đã được đối xử đặc biệt, họ ầm ỉ kêu nài để cũng được một số cơ hội thị trường sinh lợi như thế cho chính họ. Theo thời gian chiến lược chơi con bài các tỉnh này đã hình thành một nhóm theo đuôi từ các quan chức tỉnh thành và địa phương ủng hộ cải cách thị trường, nhóm này dần dần lấn áp nhóm lợi ích trong nền kinh tế chỉ huy vốn đã từng rất mạnh mẽ trong bô máy kế hoạch trung ương và các bộ ngành công nghiệp nặng.
Tất nhiên phân cấp tài chính có một nhược điểm nghiêm trọng. Chính quyền trung ương đã trở nên rất túng thiếu bởi vì hầu hết các khoản thu nhập đều để lại ở cấp địa phương. Bắc Kinh thiếu kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới an sinh xã hội và quốc phòng hiện đại mà Trung Quốc đang cần. Để tăng tỉ lệ phần của chính phủ Trung ương trong tổng doanh thu của chính phủ, cải cách tài chính đã được đưa ra vào năm 1994, theo đó chính quyền trung ương và địa phương đã chia sẻ nhau thuế giá trị gia tăng. Trong khi những cải cách này là một điều chỉnh quan trọng và cần thiết để tăng thu nhập trung ương, chúng đã để cho chính quyền địa phương không có một cơ sở thu nhập thích đáng vì đề án chia sẻ thuế này nghiêng mạnh theo hướng có lợi cho chính quyền trung ương.
Sự mất cân bằng này sẽ được giải quyết như thế nào trong các cải cách năm 2013? Chính quyền địa phương phải đối mặt với sự bất cân xứng nghiêm trọng trong thu chi. Họ chịu trách nhiệm chi trả lương hưu, giáo dục và chăm sóc sức khỏe và lo toan các vấn đề môi trường, nhưng không có thu nhập đủ để trả cho những thứ này. Họ cố thích ứng hết sức mình bằng cách dựa vào các nguồn thu từ việc phát triển đất đai- nhiều quan chức địa phương đang kiếm được nhiều tiền cho cá nhân và cho địa phương của họ từ việc phát triển đất đai. Nhưng sự phụ thuộc vào việc phát triển đất đai này là không lành mạnh và méo mó.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã kích thích nền kinh tế bằng cách ra lệnh cho các ngân hàng để mở các chương trình tín dụng cho các dự án địa phương, kết quả là, chính quyền địa phương bắt đầu dựa một lần nữa (như họ đã từng theo hệ thống trước năm 1994) vào một chi phiếu trống từ các ngân hàng địa phương.
Một làn sóng cải cách tài chính mới có thể đề ra các nguồn thu mới cho địa phương như thuế bất động, thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ, và một tỉ lệ chia phần cao hơn trong tổng số thuế giá trị gia tăng. Một cách tiếp cận khác để làm giảm bớt gánh nặng tài chính chính quyền địa phương bằng cách tăng các khoản thanh toán chuyển từ ngân sách trung ương và chuyển trách nhiệm chi trả về giáo dục, y tế, và lương hưu cho Bắc Kinh. Một vấn đề cốt tử khác là liệu các quan chức địa phương có phải lo trả nợ các khoản vay ngân hàng trong quá khứ hay không.
Khi thiết kế gói cải cách, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải suy nghĩ về những gì sẽ tạo nên một chiến lược chính trị có hiệu quả cho cải cách. Loại thay đổi tài chính nào sẽ làm xoay chuyển các quan chức tỉnh thành và địa phương thành một nhóm ủng hộ mạnh mẽ cho việc cải cách thị trường tổng thể?
Chính quyền tỉnh thành và địa phương sẽ đứng ở đâu trong các đề xuất cải cách mới? Họ sẽ thấy các kế hoạch này là một giải pháp tốt hơn so với hiện trạng trong đó họ dựa vào phát triển đất đai và quan hệ nồng ấm với các ngân hàng địa phương không? Hoặc họ sẽ lo lắng rằng những cải cách này sẽ đặt họ trong tình trạng ràng buộc về mặt tài chính chặt chẽ hơn so với tình trạng họ đang đối mặt hiện nay?
Trong điều kiện có không nhiều các nhóm lợi ích khác có thể giúp hình thành một nhóm theo đuôi ủng hộ cải cách để lấn áp các nhóm lợi ích trong hiện trạng, các lãnh đạo trung ương Trung Quốc sẽ không quyết định ‘chơi con bài các tỉnh’ lần nữa chăng?
Susan Shirk là Chủ tịch Chương trình TQ thế kỷ 21 và là Giáo sư về Quan hệ Trung Quốc và Thái Bình Dương Trường Quan hệ quốc tế và Thái Bình Dương, Đại học UC San Diego (UCSD). Bà là tác giả của The Political Logic of Economic Reform in China (Logic chính trị của cải cách kinh tế ở Trung Quốc).

Susan Shirk, Đại học UC San Diego (UCSD)
Huỳnh Phan dịch
Nguồn: East Asia Forum 

Phiếm đàm về Viện Khổng Tử

Trần Nhương blog

Huỳnh Văn Úc
- Này! Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là thỏa thuận về Viện Khổng Tử được đề cập đến trong tuyên bố chung ngày 15/10/2013. Viện này sẽ được thành lập tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Ông Lý Khắc Cường chỉ hoàn thành nốt cái công việc mà ông Tập Cận Bình vào cuối năm 2011 trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc đã đề cập với lãnh đạo Việt Nam. Nhưng mà hay ho gì cái thứ người ta vứt đi hoặc chê bai bây giờ nước mình lại trịnh trọng thành lập. Học Viện Khổng Tử thuộc Trường Đại học McMaster University Canada bị đóng cửa từ tháng 7/2013 sau năm năm hoạt động. Học Viện này bị chỉ trích là được chỉ đạo bởi Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Canada để làm công tác tình báo nhằm chi phối và gây ảnh hưởng tới các quan chức bản xứ. Người Anh cho rằng sự tồn tại của Viện Khổng Tử ở Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE- London School of  Economics and Political Science) là một điều kỳ quặc vì Khổng Tử vốn trọng Nho học và xem khinh buôn bán. Tờ China Daily đưa ra một thống kê cho rằng có 64 Viện Khổng Tử đang hoạt động trong các trường đại học ở Mỹ. Cũng tờ báo này lại mâu thuẩn với chính mình khi đưa ra một thống kê rằng có 81 Viện Khổng Tử ở Mỹ. Năm 2012 có 51 trong số 600 giảng viên người Trung Quốc làm việc trong các Viện này buộc phải về nước vì vi phạm luật di trú của Mỹ. Mà theo tôi Khổng Tử được suy tôn là Vạn thế Sư biểu-Bậc thầy của muôn đời nhưng đâu có phải là con người hoàn hảo.
- Sao anh lại nói ông ấy lại là con người chưa được hoàn hảo?
- Nhân vô thập toàn. Trong sách Luận Ngữ ông ấy viết như thế này về phụ nữ: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nam dưỡng dã: cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” (Duy có nữ tử và tiểu nhân là khó nuôi, gần nó thì nó vô phép, xa nó thì nó oán hận). Khi đem phụ nữ ghép liền với tiểu nhân không hiểu Không Tử có nghĩ đến mẹ mình không?
- Chắc cũng phải có hoàn cảnh cụ thể thế nào ông ấy mới viết câu ấy để lại cho đời sau chứ?
- Có đấy! Khổng Tử sinh năm 551 TCN vào thời Xuân Thu tại làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông). Ông là người có dị tướng: người cao lớn, mặt to và có những vạch như quả dưa, mắt lồi, lỗ mũi rộng, lộ hầu, râu rậm, mồm rộng, răng thưa. Với ngoại hình như vậy ông khó mà lấy được cảm tình của các cô gái. Trong quá trình đi cưa kéo phái nữ chắc phải nhiều lần bị từ chối hay chế nhạo vì vậy chuyện ông có viết một câu không hay về phụ nữ âu cũng là một điều dễ hiểu. Tuy vậy đến năm 19 tuổi Khổng Tử cũng lấy được vợ. Vợ ông là Nguyên Quan thị người nước Tống. Năm 20 tuổi sinh con tên là Bá Ngư. Khổng Tử cả đời đem đám học trò đi du thuyết các nước nhưng chẳng có ai trọng dụng, cuối đời về quê mở lớp dạy học và…ly hôn với vợ, thời ấy gọi là “xuất thê”. Tôi cho rằng đó là một việc làm bất nhân vì trong khi Khổng Tử đi chu du thiên hạ thì Nguyên Quan thị ở nhà chờ chồng, nuôi con và phụng dưỡng tứ thân phụ mẫu, không có lý do gì để ruồng rẫy một người vợ như thế.
- Tôi cũng thấy như vậy. Bát điều mục của Nho giáo viết trong sách Đại Học gồm có: Cách vật-Trí tri-Thành ý-Chánh tâm-Tu thân-Tề gia-Trị quốc-Bình thiên hạ. Điểm lại cuộc đời của Khổng Tử tôi chỉ thấy ông ta làm được mỗi cái việc Tu thân, các việc còn lại là Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ ông ta chẳng làm gì được sất. Vậy thì việc thành lập một Viện Khổng Tử để học tập ông ấy xem ra cũng chỉ là việc làm vô bổ.
- Chẳng qua nó là cái sự đời!
- Sự đời là làm sao?
- Sự đời nó như thế này:
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó tiên sư cha cái sự đời.

Trung Quốc : Dân làng nổi dậy chống thu hồi đất


Xe cảnh sát bị đốt phá tại thị trấn Tấn Trữ (Jinning), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sau vụ nổi dậy của người dân chống thu hồi đất đai, 23/10/2013 (Ảnh : Vi Bác - Trung Quốc)
Xe cảnh sát bị đốt phá tại thị trấn Tấn Trữ (Jinning), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sau vụ nổi dậy của người dân chống thu hồi đất đai, 23/10/2013 (Ảnh : Vi Bác – Trung Quốc)

Anh Vũ -RFI

AFP dẫn nguồn tin báo chí chính thức Trung Quốc cho biết người dân một làng thuộc tỉnh Vân Nam ( tây nam) Trung Quốc bị cưỡng chế thu hồi đất đã nổi dậy chống trả lực lượng công an khi hai người dân bị bắt.
Tân Hoa Xã hôm qua (23/10) loan báo có 27 công an bị thương và hơn 30 xe của chính quyền bị đập phá trong cơn phẫn nộ của những người dân làng.
Khoảng 200 nông dân đã phong tỏa lối vào làng Quảng Tế ngăn không cho công an tới bắt hai dân làng bị tình nghi « giữ người bất hợp pháp và cố tình gây thương tích » . Sự cố lớn đã bùng phát khi công an được điều động tăng cường tới hiện trường.
Nhiều công an đã bị người dân bắt giữ trong làng, nhưng theo Tân Hoa Xã, những người bị bắt đã trốn thoát.
Sau vụ nổi loạn, quan chức chính quyền địa phương đã yêu cầu phải « tôn trọng nguyện vọng của người dân làng liên quan đến việc mua bán đất đai ».
Hai bố con được cho là đại diện cho quyền lợi của những người dân làng bị bắt cũng đã được thả ra trong ngày.
Nguyên nhân của vụ nổi dậy được báo chí khẳng định là do việc thu hồi mua bán đất đai của nông dân.
Theo các chuyên gia, ở Trung Quốc, hàng năm xảy ra tới 90 000 « sự cố đám đông », ngôn từ dùng để chỉ các vụ nổi dậy, biểu tình tập trung, khiếu kiện đông người ở Trung Quốc. Phần đông các vụ này đều xuất phát từ việc cưỡng chế thu hồi, trưng thu đất đai hay đền bù giải phóng mặt bằng bất công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét