Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Bài đáng chú ý - Hiến Pháp mới: lãng nhách, giáo điều, lạc hậu - Lãnh đạo và quản trị & Ba mũi tiến công của Trung Quốc

Hiến Pháp mới: lãng nhách, giáo điều, lạc hậu

“…khi quyết định viết trong Hiến pháp rõ ràng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạothì từ ông Trọng đến ông Hùng và cả 498 Đại biểu Quốc hội còn lại của Quốc hội đã biết là Việt Nam sẽ “không được Mỹ” và các nước khác nhìn nhận có ‘nền kinh tế thị trường’…”


Quôc Hội Cộng sản Việt Nam dự kiến biểu quyết Hiến pháp sửa đổi 1992 vào ngày 28/11, sau 2 đợt  “được gọi là lấy ý kiến tòan dân” từ 2/1 đến 30/9/2013, 2 kỳ họp Quốc hội và hàng chục  hội nghị, hội thảo, tọa đàm từ trung ương xuống địa phương tốn phí không biết bao nhiêu tiền của dân.
Tuy nhiên tất cả những kỳ vọng vào một thời cơ vàng cho đất nước thăng hoa, dân trí mở mang tiến lên cùng các dân tộc văn minh đã tiêu tan trong chớp mắt, bị chết non ngay khi chưa thành hình bởi một thiểu số lãnh đạo bảo thủ, có quyền sinh sát tuyệt đối và tham vọng quyền bính do Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cầm đầu.
Hiến pháp mới vẫn có 11 chương nhưng chỉ còn lại 120 điều, thay vì 124 so với dự thảo ban đầu.
Về cơ bản, đảng Cộng sản  đã thành công “hiến pháp hóa” Cương lĩnh “XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (BỔ SUNG,  PHÁT TRIỂN NĂM 2011)”, căn cứ theo báo cáo của ông Nguyễn Sinh Hùng gửi các Đại biểu Quốc hội : “Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

Tuy nhiên ông Chủ tịch Quốc hội đã nói “quá lời” khi cho rằng những chỉnh sửa đã “phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.  Đúng ra ông phải thêm cụm từ “theo đảng” sau “nhân dân” thì mới đúng sự thật.  Bởi vì ông đã bỏ quên hàng trăm ngàn (nếu không phải là con số triệu) “ý kiến trái chiều” gửi về Ủy ban Sọan thảo hay được trình bày hàng hà sa số trên các diễn đàn không thuộc nhà nước (hay còn được gọi là các báo Lề Dân) không được ông công bố cho dân biềt.
Ông Hùng cũng quên luôn những “kiến nghị” không chấp nhận quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn của của đảng CSVN do hàng triệu người dân là Trí thức (Kiến nghị 72), tín đồ Công giáo, Phật giáo (Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Tin Lành, các Công dân tự do đã gửi về  Ủy ban và Quốc hội.
Hơn nữa, khi Hiến pháp là bộ luật cao nhất của toàn dân màchỉ nhằm “bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và các Nghị quyết, kết luận của Trung ương đảng và Bộ Chính trị thì nó là của riêng đảng và để phục vụ cho quyền lợi của các phe nhóm trong đảng, không còn là của dân và vì dân nữa.

Mặt khác, khi Hiến pháp mới vẫn còn “nặng mùi” phân chia giai cấp theo lề lối Cộng sản như viết trong khòan 2 Điều 2 : “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”là không thành khẩn với 3 thành phần bị “thiệt thòi nhất” trong xã hội.
Từ bao nhiêu năm rồi mà những người sọan thảo Hiến pháp mới vẫn chưa thành tâm nhìn nhận đảng đã lợi dụng và bóc lột sức lao động đến tận xương tủy của công nhân, nông dân và trí thức để nuôi béo một thiểu số lãnh đạo?
 
Đã có bao giờ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải chịu bữa no, bữa đói như 3 thành phần bất hạnh này của xã hội chưamà ông lại bảo rằng: “Quy định như vậy là phù hợp với Cương lĩnh và các văn kiện chính trị khác của Đảng khi xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta” ?
Vậy ra đói, no mặc ai, miễn là ta cứ “kiên định” như thế cho “ăn khớp” với nhau trong chuỗi giây xích cầm quyền từ đảng sang Hiến pháp?
Viết và chủ trương như thế còn là “kỳ thị” vì không phải tất cả ngót 90 triệu người dân Việt Nam đều nằm trong ba thành phần này. Có bao nhiêu chục triệu người miền Nam “thua trận” đã không tìm được công ăn việc làm và  con em họ đã bị lọai ra khỏi tất cả các thang bậc trong xã hội? Có bao nhiêu triệu nông dân không có ruộng cày và bao nhiêu triệu người dân không có công ăn việc làm thì sẽ được đảng cho nằm chỗ nào trong Hiến pháp mới?

Từ điều 4 đến cương lĩnh

Chủ tịch Ủy ban sọan thảo Nguyễn Sinh Hùng cũng báo cáo rằng: “Qua tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo”.

(1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.)

Một lần nữa, ông Hùng không nói đúng sự thật vì ông không trưng được bằng cớ bằng con số để chứng minh đã có “tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân”  tán thành việc ghi quyền lãnh đạo tuyệt đối và đương nhiên của đảng trong Hiến pháp.
 
Nếu không phải là “tự biên, tự diễn” thì làm sao người dân nước ngoài không khỏi thắc mắc và nghi vấn: Bằng cách nào mà đảng CSVN được lãnh đạo mà không phải qua bầu cử?

Nhưng ông Hùng đã giải thích êm ru như thế này với các Đại biểu: “Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001)); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước.”

Nói như thế là “rập khuôn như máy nói” phát ra từ nội dung Cương lĩnh “XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (BỔ SUNG,  PHÁT TRIỂN NĂM 2011)”.

Hãy đọc trong Cương lĩnh xem có khác gì với nội dung Hiến pháp :

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo..”
---
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”
---
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội…. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Vẫn muốn chủ đạo kinh tế

Về chủ trương kinh tế “giở giăng giở đèn” lập lờ “cáo mặc áo mèo” “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tưởng như đã hy vọng sẽ có cơ hội vươn lên khi hết còn Nhà nước “chủ đạo”. Nào ngờ, sau Kỳ họp thứ 5 và ít nhất 3 lần sửa đổi, ý tưởng ban đầu bị “ai đó” quay ngược cổ “không cho đổi mới” nữa.

Lý do nhiều Đại biểu Quốc hội và giới kinh tế, chuyên gia chống “kinh tế nhà nước chủ đạo” vì thực tế đã chứng minh hầu hết các Doanh nghiệp nhà nước, đấu tàu của kinh tế chính phủ, đều làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất và là nguyên nhân kìm hãm phát triển, mặc dù đã được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi của nhà nước để cạnh tranh bất chính với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng điển hình như hai Tổng công ty Vinashin và Vinalines đã làm thiệt hại nhiều trăm ngàn tỷ bạc đến nay vẫn chưa trả hết nợ.
 
Do đó, giới Kinh tế và nhiều Đại biểu Quốc hội đã tán thành nội dung ghi trongĐiều 54 của “Dự thảo nguyên thủy” viết rằng :

1. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.” 

 
Nhưng đến kỳ họp 6, khai mạc hôm 21/10/2013 thì Ban sọan thảo lại “quay ngược kim đồng hồ” để trở lại với tư duy kinh tế “cực kỳ bảo thủ” khi đệ trình Bản sửa đổi với Điều 51mới viết nguyên văn:
1.“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”
Chủ tịch Ủy ban sọan thảo Nguyễn Sinh Hùng giải thích sự thay đổi này : “Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”.
 
Trước đó, vào sáng ngày 28/9/2013, theo báo Tuổi Trẻ thì trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (TP Hà Nội), ông Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tuyệt đại đa số đang tán thành với phương án khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, vì chúng ta đang xây dựng CNXH, kinh tế nhà nước đang có yếu kém, đang có “bệnh tật” nhưng không phải là chủ đạo thì sẽ ra sao?”

Không biết ý kiến của ông Trọng đã ảnh hưởng đến Ủy ban sọan thảo Hiến pháp ra sao, nhưng điều 51 (mới) đã phản ảnh đúng ý nghĩ của ông ta!

Điều này cũng đã phản ảnh  đúng như nội dung của bản Cương Lĩnh, theo đó: “ Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tuy nhiên, khi quyết định viết trong Hiến pháp rõ ràng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạothì từ ông Trọng đến ông Hùng và cả 498 Đại biểu Quốc hội còn lại của Quốc hội đã biết là Việt Nam sẽ “không được Mỹ” và các nước khác nhìn nhận có “nền kinh tế thị trường”, như Việt Nam vẫn mong được Hoa Thịnh Đốn và các nước khác công nhận.
Và chừng nào Việt Nam chưa được nhìn nhận có “nền kinh tế thị trường”, tức là chưa hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn có “kinh tế tự do, bình đẳng và công bằng” theo các quy định của Quốc tế thì chừng đó kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trên thị trường cạnh tranh với các nước khác.
Để cho khối Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai “chủ đạo” nền kinh tế thì hàng hoá Việt Nam còn tiếp tục chịu thiệt về chế độ thuế khoá khi xuất khẩu.

Việt Nam cũng sẽ gặp không ít trở ngại để được cứu xét cho gia nhậpHiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-PacificPartnership,TPP) đang thương thuyết với Hoa Kỳ và một số các nước có nền kinh tế tự do vì quá khứ “làm ăn bất bình đẳng” của các Doanh nghiệp nhà nước, mũi nhọn của nền kinh tế “chủ đạo” của Việt Nam đã chứng minh đi ngược lại các định hướng của TPP.
Nhưng nếu chỉ vì “trung thành” với lý tưởng Cộng sản trá hình “xã hội chủ nghĩa” để kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin đến cuối đời cho “đẹp lòng” nhau thì Hiến Pháp mới sẽ rất lãng nhách, giáo điều và lạc hậu.

Nếu đem cả ba “cái ung”  này cộng lại thì sẽ tìm thấy trong lời giải trình của Ủy ban sọan thảo lý do tại sao Quốc hội không muốn thấy sự hình thành của  một Hội đồng Hiến pháp bên cạnh cơ quan lập pháp.

Ông Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tại Kỳ họp thứ 5, kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu thì bên cạnh các ý kiến tán thành với phương án 2 thành lập Hội đồng Hiến pháp , đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không thành lập Hội đồng Hiến pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo”.

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Việt Nam nằm trong tay Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước.

Trong các cuộc thảo luận, nhiều trí thức và chuyên gia Hiến pháp nhiệt liệt ủng hộ việc thành lập Hội đồng Hiến pháp vì cơ quan này, khi được hoạt động độc lập và có thực quyền với các chuyên viên Luật pháp và Hiến pháp, sẽ giúp cho việc thì hành Hiến pháp hòan chỉnh hơn và ngăn chặn được tình trạng vi phạm và lạm dụng Hiến pháp của các thế lực chính trị.
Giờ đây, theo đề nghị của Ủy ban sọan thảo, Hội đồng Hiến pháp không còn được viết vào Hiến pháp mới để cho Quốc hội và Nhà nước tiếp tục “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong việc chấp hành bộ Luật cao nhất của quốc gia thì tương lai chắc chắn sẽ bi hài hơn nhiều.
 
10/2013
Phạm Trần
(Thông luận)

Lê Diễn Đức - Ba mũi tiến công của Trung Quốc


Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng sáu năm 2013 (AFP photo)

Dường như cuộc Bắc thuộc hoá ngày càng nhích dần vào đúng quỹ đạo mà Bắc Kinh mong muốn.

Chúng ta thử điểm qua một số nét chính trong cuộc xâm lược mềm không tiếng súng của Trung Quốc, với sự nhân nhượng, thụ động tiếp tay để trục lợi của tập đoàn lãnh đạo Ba Đình.

Trên đất liền

Trước hết, gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn, trong đó có 264 ngàn ha thuộc 10 tỉnh biên giới xung yếu đã được giao cho người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê với thời hạn 50 năm!

Đến mức Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã công bố lá thư về việc 10 tỉnh trong nước "đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305.3534 héc ta, trong đó Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264.000 héc ta ; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới".

Hai vị tướng đã vạch rõ rằng, "đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia" và "mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn".

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã khoanh vùng, cấm người Việt bén mảng, tha hồ tự tung tự tác. Thử hỏi ai biết họ làm gì trong những khu rừng mênh mông ấy?

Ngoài nguy cơ về an ninh quốc phòng, về môi trường cũng đã được thực tế chứng minh qua mấy mùa mưa lũ gần đây. Tình trạng phá rừng đầu nguồn và khai thác khoáng sản bừa bãi bằng hình thức khai thác man rợ, được nhà chức trách địa phương dung túng hoặc thậm chí ăn chia, là hai nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa lũ bùn đất.

Điểm thứ hai cực kỳ nghiêm trọng là, bằng chiêu bài giá rẻ để đấu thầu, Trung Quốc đã chiếm tới 90% tổng thầu các dự án kinh tế quốc gia quan trọng nhất.

Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong 20 năm qua chỉ tương đương 1,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI, nhưng tới hơn 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất... của Việt Nam, đều do Trung Quốc đảm nhiệm theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp máy móc và xây dựng).

Theo con số của Bộ Công thương tháng Bảy năm 2009, có 30 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia làm tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án ở Việt Nam. “41 dự án này đều là dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng”, trong số này có 12 dự án về điện lực, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ.

Thắng thầu, các công ty Trung Quốc mang vào Việt Nam trang thiết bị, may móc, nguyên liệu dẫn đến tình trạng gia tăng nhập siêu. Tám tháng đầu năm 2013 Việt Nam đã nhập siêu của Trung Quốc gần 15 tỷ đô la, trong khi vào năm 2002 chỉ 1,5 tỷ đô la và xu hướng không hề giảm. Sự phụ thuộc phụ tùng thay thế và bảo trì kỹ thuật còn tiếp diễn trong nhiều thập niên nữa.

000_Hkg8650239-250.jpg
Những người biểu tình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 02 tháng 6 năm 2013. AFP photo

“Mặt khác, những dự án sử dụng nhà thầu EPC Trung Quốc không tránh khỏi thực trạng hàng nghìn lao động thủ công Trung Quốc tới làm việc tại công trường gây ảnh hưởng và mất đi cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề của công nhân Việt Nam”, tờ Dân Trí 24/06/2009 viết.

Ðiều đáng chú ý hơn là Việt Nam trở thành bãi rác để Trung Quốc đổ công nghệ lạc hậu, lỗi thời, nhiều thứ đã đã bị loại bỏ tại nước họ.

Ngoài đường chính ngạch, hàng hoá có hoá chất độc hại cũng tràn ngập thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch, gây tác hại lâu dài về sức khoẻ và duy trì nòi giống. Do việc sử dụng chất độc hại trong thực phẩm, người Việt đang có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới, với 75 ngàn người chết mỗi năm, theo số liệu của Viện Phòng Chống Ung Thư Việt Nam hồi tháng 1/2013.

Một điểm nữa là, tình trạng người Trung Quốc đổ qua Việt Nam làm việc, sinh sống bất hợp trở thành phổ biến.

Họ xuất hiện khắp ba miền, ở Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh,... và tất cả những nơi nào có các dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc. Đội quân hàng chục ngàn người này hầu như không chịu sự quản lý của nhà chức trách, họ kết bè nhóm, gây lộn, quấy rối người dân xung quanh. Có thể nói không gì khác hơn là nuôi ong tay áo.

Dưới biển

Năm 1974, lợi dụng tình thế khó xử của nhà nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc đã cho quân tấn công chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, lúc bây giờ chịu sự cai quản của Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1988, Trung Quốc lại nổ súng xấm chiếm một phần quần đảo Trường Sa (đảo Gạc Ma).

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã biến đổi Hoàng-Trường Sa thành khu vực hành chính Tam Sa, xây dựng đường bay quân sự, đưa người tới cư ngụ, du lịch... Ngư dân Việt Nam đánh cá trên khu vực biển quanh Hoàng Sa - Trường Sa luôn luôn bị khiêu khích, bắt giữ, đánh đập và cướp bóc tài sản. Tàu nghiên cứu khoa học của Việt Nam bị cắt cáp. Chính sách xem biển Đông là của mình bằng lưỡi bò chín đoạn được Trung Quốc ngang nhiên áp đặt. Không chỉ với Việt Nam mà con cả với những nước khác như Philippines.

Sự quả quyết trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, phản ứng của Philippines bằng việc kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế và cái nhìn chẳng mấy thiện cảm của cộng đồng thế giới nói chung, đã khiến Bắc Kinh thay đổi ứng xử.
Chính vì thế mà có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13 đến 15/10 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Công du Việt Nam, Lý Khắc Cường kết thúc chuyến đi con thoi này sau khi dự hội nghị Đông Á ở Brunei và thăm chính thức Thái Lan.

Tại Việt Nam , ông Lý đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cũng gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Hai nước đã ra tuyên bố chung 10 điểm về Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung, trong đó những điểm hợp tác về kinh tế, đặc biệt trên những vùng biển chồng lấn sẽ cùng hợp tác khai thác.

Với sự thoả thuận của tập đoàn lãnh đạo Việt Nam, việc khai thác chung trên biển (đánh cá, dầu khí...) sẽ là cách hợp thức hoá dễ dàng nhất sự hiện diện của Trung Quốc trên những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chưa kể, với trình độ kỹ thuật cao hơn của phía Trung Quốc, sự chung chạ này chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc mà thôi. Từ vị trí hung hăng gây hấn, lấy của người làm của mình, bây giờ được chuyển qua tư thế cùng được chia chác hưởng lộc, thật chẳng còn gì bằng nữa!

Mặt trận văn hoá

000_Hkg8686356-250.jpg
Cuộc triển lãm thương mại các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội hôm 12/6/2013. AFP photo

Từ nhiều năm nay, những trong ngôn ngữ Việt Nam, những ngôn từ bất lợi cho Trung Quốc đều bị các phương tiện báo chí truyền thông nhà nước né tránh. Thay "Trung Quốc" bằng từ "lạ", "nước ngoài", thậm chí kẻ thù của hai Bà Trưng cũng không được nêu tên đích danh trong sách giáo khoa dành cho trẻ em.

Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trung-Việt Thủy Khẩu, Long Châu một phái đoàn Việt Nam đã đặt vòng hoa tưởng nhớ lính Trung Quốc chết trận năm 1979.

Báo “Hà Nội Mới” ngày 19/09/2008 đăng bài dịch ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc trong cuộc tấn công Việt Nam hồi 1979, người đã từng chặt đầu thường dân ở thôn Tổng Chúc, cho quân tàn phá thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn.

Cuốn sách “Ma Chiến Hữu” của Mạc Ngôn ca ngợi "người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng Hai năm 1979” được Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành với những quảng bá ồn ào. Blogger "Người buôn gió" gọi đây là "một sự khốn nạn trong nền văn hóa Việt Nam hiện nay", đồng thời nguyền rủa ông Trần Trung Hỷ, người dịch "Ma chiến hữu" từ nguyên tác "Chiến hữu trùng phùng".

Các sách viết về nhà cải cách Đặng Tiểu Bình, kẻ đã "dạy cho Việt Nam một bài học" năm 1979, cũng được bầy bán công khai tại Việt Nam.

Trong năm 2011, tỉnh Lào Cai đã đổi ngày tái lập tỉnh từ 10/10 sang ngày 1/10 trùng với quốc khánh Trung Quốc và căng đèn lồng sặc sỡ đón chào.

Cũng tương tự, trước đó, đại lễ Nghìn năm Thăng Long cũng được chuyển đổi từ ngày 10/10/2010 qua ngày 1/10. Trong dịp này người ta còn có ý định ra mắt bộ phim 19 tập "Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long" do Cận Đức Mậu, người Trung Quốc làm Tổng đạo diễn, dường như được quay hoàn toàn (70%) trên đất Trung Quốc. Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Nguyễn Đắc Xuân cho đây là một sự lệ thuộc văn hóa Trung Quốc và ông nói “Cần cho bộ phim vào trong kho, để đánh dấu rằng trong điện ảnh Việt Nam đã từng có một sự kiện ngu dốt đến như vậy".

Tuyên bố chung Việt-Trung trong chuyến công du của Lý Khắc Cường đề cập tới việc xây dựng Viện Khổng Tử tại Hà Nội. Với cái đà tiếp tay của nhà cầm quyền phổ cập văn hoá Trung Hoa như đã nói ở trên, Viện Khổng Tử có mặt ở Hà Nội là một thách thức rất đáng quan tâm. Nó là mũi công kích có công lực nặng nhất trong việc xâm nhập văn hoá Trung Hoa vào đời sống xã hội Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ một ngàn năm Bắc thuộc. Cuộc xâm lược mềm này sẽ gây tác hại to lớn, bởi vì khắc phục các hậu quả văn hoá phải mất nhiều thế hệ.

Kết luận

Chi phối và khuynh loát kinh tế trên đất liền, xâm chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa như một việc đã rồi, lấn chiếm dần các vùng lãnh hải, nắm thế thượng phong trong hợp tác khai thác tài nguyên biển, và xâm nhập văn hoá, là chiến lược nắm trọn Việt Nam không cần tiếng súng.

Cuộc Bắc thuộc hoá tiếp theo đang êm thắm diễn ra bởi những mưu mô gian ngoan, xảo quyệt nhất của Bắc Kinh, trong sự "cõng rắn cắn gà nhà" của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội!

*Bài viết trích từ trang blog Lê Diễn Đức. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA.

Lê Diễn Đức
2013-10-24
(RFA)

Nguyễn Hưng Quốc - Lãnh đạo và quản trị


24.10.2013
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 và Quận 3 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 10 vừa rồi, để biện bạch cho những thất bại trong nỗ lực chống tham nhũng của đảng cầm quyền cũng như của bản thân mình, Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, giải thích:

“Với tư cách của tôi là một đồng chí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước thì phải tham gia chủ trương chính sách. Cái đó dứt khoát rồi, phải làm, rất tích cực; nhưng không thể làm trực tiếp được, tôi không thể thay quyền điều tra được. Cái gì tôi phát hiện, về tôi kêu mấy ông chức năng, giao ngay. Tôi theo dõi, chứ không thể bỏ qua được. Làm sao với cương vị tôi mà dẫn quân đi làm điều tra được. Anh đội trưởng đội điều tra quận làm được, chứ tôi không làm được việc đó đâu, phải đôn đốc anh em thôi.”

Đúng là với cương vị Chủ tịch nước, không thể đóng vai trò của một đội trưởng đội tuần tra quận để theo dõi, phát hiện và bắt bớ những người tham nhũng được. Không ai chối cãi điều đó cả. Tuy nhiên, có phải vì vậy mà ông có thể thoái thác trách nhiệm của mình với tư cách một trong vài người lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước không?

Nhớ, trong mấy năm vừa qua, ở Úc, Liên đảng đối lập không ngừng chỉ trích chính phủ Lao Động là đã thất bại trong việc ngăn chận làn sóng di dân bất hợp pháp tràn vào lãnh thổ của họ, chủ yếu trên các chiếc tàu xuất phát từ Indonesia. Năm 2012, có cả thảy 17.000 người đến Úc bằng đường biển như thế (trong đó có khoảng 6.500 người Sri Lanka và một số người Việt Nam).

Những người vượt biên đến Úc thành công: Chính phủ bị phê phán. Một số tàu vượt biên bị đắm khiến nhiều người tị nạn (hoặc di dân lậu, tuỳ cách gọi) chết đuối: Chính phủ càng bị phê phán. Không những đảng đối lập phê phán. Một số khá đông dân chúng Úc cũng phê phán chính phủ kịch liệt. Hậu quả: Trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 vừa qua, đảng Lao Động mất chính quyền.

Trước những sự phê phán ấy, Thủ tướng Lao Động lúc ấy, bà Julia Gillard, cũng như Bộ trưởng Di trú Chris Bowen, tìm đủ mọi cách để biện hộ. Tuy nhiên, không có lời biện hộ nào giống Trương Tấn Sang cả. Không ai nói, chẳng hạn, họ không thể đóng vai các chủ tàu ở Indonesia để từ chối việc chở người di dân lậu sang Úc hoặc họ cũng không thể đóng vai các thuyền trưởng các đội tuần duyên để hoặc buộc các tàu vượt biên ấy không được nhập vào lãnh hải Úc hoặc kịp thời cứu vớt những tàu bị đắm. Không. Bất chấp việc các nhân viên thừa hành làm việc ra sao, lỗi vẫn thuộc về giới lãnh đạo cao nhất trong chính phủ.

Một ví dụ khác: Năm 2009, chính phủ Lao Động do Thủ tướng Kevin Rudd đứng đầu bỏ ra 3.7 tỉ Úc kim tài trợ cho việc lắp đặt các tấm cách nhiệt cho mọi ngôi nhà ở Úc. Chính phủ giải thích: Về phương diện khoa học, khi các tấm cách nhiệt ấy được lắp đặt trên trần nhà, nhiệt độ trong nhà sẽ ổn định hơn, nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ sẽ giảm thiểu, mức độ tiêu dùng điện năng sẽ bớt lại; kết quả là, về phương diện môi trường, số lượng chất thải gây ra hiệu ứng nhà kính sẽ hạ xuống. Hơn nữa, về phương diện kinh tế, với chính sách ấy, người dân Úc sẽ có thêm công ăn việc làm, kỹ nghệ sản xuất các thiết bị cách nhiệt sẽ tiếp tục phát triển: Tất cả đều giúp Úc thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế toàn cầu lúc ấy.

Trên lý thuyết, chính sách như vậy rất hay. Trên thực tế, lợi ích cũng rất rõ: Một, mỗi gia đình đều nhận được khoảng 1.200 Úc kim để lắp đặt các tấm cách nhiệt và, hai,  Úc trở thành một nước phát triển hiếm hoi thoát khỏi cuộc suy thoái từng làm điêu đứng rất nhiều nước, kể cả Mỹ.

Tuy nhiên, bỗng dưng lại xuất hiện một vấn đề: Vì được tiến hành gấp rút, một số công nhân không được chuẩn bị đủ về kỹ thuật và kỹ năng, việc lắp đặt đôi lúc quá cẩu thả, hậu quả là, có bốn công nhân bị điện giật chết và có 200 vụ cháy nhà trên khắp nước Úc.

Trước những tai nạn ấy, dân chúng quay sang phản đối chính phủ dữ dội. Thủ tướng Kevin Rudd và Bộ trưởng Môi trường Peter Garret chỉ biết xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi. Không ai biện hộ là họ không thể đóng vai các đội trưởng đội kỹ thuật lắp đặt để tiến hành công việc một cách an toàn hơn. Không. Bất kể vì lý do gì, trách nhiệm đối với các tai nạn ấy vẫn thuộc về chính phủ, cụ thể là những người đứng đầu chính phủ.

Trong trường hợp thứ nhất, người ta cho lỗi của chính phủ Lao Động là ở chính sách: Một mặt, chính phủ không cứng rắn đủ để làm nản chí và nản lòng những người tị nạn (hoặc di dân lậu) muốn sang Úc; mặt khác, họ cũng không có chính sách ngoại giao có hiệu quả với các nước láng giềng, đặc biệt là Indonesia, để chính quyền các nước ấy tích cực hơn nữa trong việc ngăn chận các tổ chức vượt biên bất hợp pháp cũng như việc bán thuyền và bán bãi trên đất nước họ. Trong trường hợp thứ hai, chính phủ mắc lỗi ở khâu thực hiện chính sách, cụ thể là khâu quản lý: tiến hành chính sách một cách hấp tấp, vội vã trước khi chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật và kỹ năng cần thiết cũng như thiếu cảnh giác trong việc kiểm tra về kỹ thuật lắp đặt các tấm cách nhiệt.

Trở lại với trường hợp của Việt Nam. Dường như nhiều người, ngay cả những người thuộc giới lãnh đạo, cho công việc lãnh đạo chỉ khoanh tròn trong phạm vi chính sách. Đã đành chính sách chiếm một vị trí quan trọng, có khi là quan trọng nhất trong nghệ thuật lãnh đạo. Nhưng bên cạnh chính sách, các nhà lãnh đạo cần một tài năng khác nữa: tài quản trị (governance). Có thể nói nghệ thuật lãnh đạo bao gồm hai khía cạnh chính: chính sách và quản trị. Có chính sách tốt: chưa đủ. Cần có khả năng quản trị để các chính sách đúng và hay ấy được thực hiện như ý muốn.

Lâu nay, hầu như mọi người đều thấy rõ là giới lãnh đạo Việt Nam không có khả năng hoạch định các chính sách rõ ràng đối với những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Trước nguy cơ xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải và âm mưu lũng đoạn kinh tế cũng như văn hóa Việt Nam của Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn loanh quanh với những ứng phó vụn vặt và bất nhất. Trước những suy thoái về mọi mặt, từ kinh tế đến xã hội, giáo dục và đạo đức, giới lãnh đạo vẫn chỉ nói suông. Trước nạn tham nhũng đang hoành hành và tàn phá đất nước, giới lãnh đạo vẫn không hề đưa ra được một chính sách nào đàng hoàng và có tính khả thi.

Thiếu chính sách, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng thiếu cả khả năng quản trị. Nói đến khả năng quản trị là nói đến việc xây dựng cơ chế và hoạch định tiến trình thực thi chính sách. Cơ chế và tiến trình ấy bao gồm cả việc cai trị (rule), quản lý (management) và kiểm soát (control). Cả ba công việc này, để có hiệu quả, cần có ba điều kiện chính: tính khả kiểm (accountability), sự minh bạch (transparency) và sự linh hoạt. Thiếu hai điều kiện đầu, người ta không thể làm việc hiệu quả, hơn nữa, không thể biết là mình làm việc không hiệu quả, hoặc nếu biết, không thể biết nguyên nhân của cái không-hiệu-quả ấy nằm ở đâu để sửa chữa. Có hai điều kiện ấy, nhưng nếu bộ máy quá nặng nề, cồng kềnh và cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt, người ta cũng không thể đối phó với các tình thế và khó khăn bất ngờ được.

Khi có cả ba điều kiện nói trên, guồng máy cai trị, quản lý và kiểm soát sẽ tự vận động và tự điều chỉnh, không cần những người lãnh đạo cấp cao nhất phải bận tâm để mắt theo dõi đến từng chi tiết.

Ông Trương Tấn Sang không cần phải đóng vai đội trưởng đội tuần tra tham nhũng nhưng nếu ông có khả năng quản trị tốt, ông sẽ xây dựng được những cơ chế và tiến trình chống tham nhũng tốt để mọi nhân viên chống tham nhũng phải làm việc nghiêm túc; nếu không, họ sẽ bị kỷ luật hoặc bị thay thế. Đó là điều ở Tây phương người ta đều làm được. Bởi vậy, việc một hay vài đội trưởng đội tuần tra tham nhũng bất lực có thể là lỗi cá nhân của họ: Lỗi cá nhân, trách nhiệm cũng thuộc về cá nhân; nhưng việc tất cả hoặc, nhẹ nhàng hơn, hầu hết các đội trưởng đội tuần tra đều bất lực thì lại phải được xem là lỗi ở quản trị: Lỗi quản trị, trách nhiệm thuộc về giới lãnh đạo.

Thiếu khả năng hoạch định chính sách và cũng thiếu cả khả năng quản trị, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay làm được gì? Theo hai nhà nghiên cứu về Việt Nam, Adam Fforde và Jorg Wischermann, họ chỉ biết cai trị (rule)! (1) Cai trị là hình thức thao tác quyền lực xưa cũ nhất của nhân loại: chỉ dùng quyền lực để bảo vệ quyền lực bằng cách bắt buộc mọi người làm theo ý mình. Vậy thôi.

***
Chú thích:
1. Theo Jorg Wischermann (2010), “Civil Society Action and Governance in Vietnam: Selected Findings from an Empirical Survey” in trên Journal of Current Southeast Asian Affairs, 29, 2, trang 3-40. Trong bài này Wischermann có dẫn ý kiến của Adam FForde: “The Party continues, at roots, to rule rather than govern” (Fforde 2005: 1).
  * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Vụ án xét lại chống đảng, phần 4 - Những người che mắt lịch sử

ldt-305.jpg
Hàng ngồi từ trái sang: Ông Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười.
File photo
Trong tập hai của Bên Thắng Cuộc mang tên Quyền Bính, trong chương “Tướng Giáp”, Huy Đức ghi lại lời kể của Trần Quỳnh, trợ lý Lê Duẩn nói về thành phần bị bắt thời gian này: “Những người không tán thành đường lối chống xét lại của Đảng, một số cán bộ cao cấp và trung cấp theo học ở trường Đảng cao cấp Liên Xô và trường quân sự cao cấp Liên Xô bàn kế hoạch chống lại đường lối của Đảng. Họ lập một nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc thay đổi Bộ Chính trị làm mục tiêu. Họ nhắm vào những người không đồng tình với Nghị quyết 9, trước hết là những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những ủy viên trong Trung ương”.

Thật ra đây chỉ là một mối nhỏ trong guồng chỉ rất lớn của vụ án chính trị nổi tiếng này. Những người bị bắt, bị lưu đày sau gần 50 năm vẫn chưa bao giờ được chính quyền chứng minh hành vi kết tội của họ đối với người bị bắt. Hầu hết nạn nhân của vụ án là người yêu chuộng sự đổi mới hợp lý khi chủ nghĩa tôn sùng cá nhân bị chỉ trích tại Liên Xô cũng chính là lúc Lê Duẩn, Lê Đức Thọ muốn củng cố địa vị của họ bằng sức mạnh theo kiểu Mao Trạch Đông chủ trương.
Nghị quyết 9, sự kết giao nguy hiểm
Nghị quyết 9 cho thấy khuynh hướng theo Trung Quốc và ai không đồng tình với khuynh hướng này thì bị thanh trừng. Quyền lực sẽ bị lu mờ nếu hào quang của Tướng Giáp vẫn còn tỏa sáng trên sân khấu chính trị Việt Nam khiến bằng mọi cách phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ phải thực hiện cho được sự ám toán ông qua một vụ án chính trị là cách hay nhất.

Ông Hoàng Minh Chính bị bắt đầu tiên, vợ của ông là bà Lê Hồng Ngọc kể lại nỗi gian truân trong thời gian ấy:

Đang làm người lãnh đạo tập đoàn thanh niên được đảng tín nhiệm đưa đi học nước ngoài rồi về sẽ cho chức nọ chức kia. Anh tưởng là anh nói như vậy để giúp đảng nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được gì hết mà còn bị tù tội. Thời kỳ đó gian khổ lắm vì mang trên đầu các chữ phản: phản Tổ quốc, phản nhân dân, phản đảng. Gia đình chúng tôi ở bên ngoài thì bị mọi người xa lánh, không ai đến, không ai dám hỏi thăm. Bản thân anh thì hoàn toàn là biệt lập vì cái tội như thế nên cũng nhiều nỗi đau khổ lắm.

Những người vợ

Là vợ của một người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh bà Phạm Thị Tề không thể chịu đựng nỗi sự im lặng của người từng được gia đình mình phục vụ. Nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại thái độ gan góc của mẹ mình khi không chịu vào Phủ Chủ tịch đề nhờ sự can thiệp của ông Hồ Chí Minh:
IMG-2447-250.jpg
Nhà văn Vũ Thư Hiên và Blogger Người Buôn Gió tại Paris, ảnh chụp năm 2010. Courtesy Blog Người Buôn Gió.
“Không! Mặc dù bà cụ tôi là người gần gũi ông Hồ Chí Minh ngày xưa. Lúc ông ấy mới về Hà Nội thì ông ấy rất ốm. Ông ấy lúc bấy giờ bị lao phổi, ngoài thuốc chữa thì bà cụ tôi phải nấu thức ăn bổ dưỡng để cận vệ mang vào cho ông ấy. Thế nhưng khi đã bắt ông cụ tôi thì bà bảo cái người đó không còn tin được nữa thế nên bà cụ tôi không liên hệ. Sau này tôi gặp ông Hoàng Quốc Thịnh, lúc ấy là Bộ trưởng Ngoại thương ông ấy nói có một lần ông ấy vào báo cáo với ông Hồ Chí Minh vào giai đoạn ông cụ tôi bị bắt, ông hỏi là tai sao lại bắt những người như anh Huỳnh, cả cuộc đời theo cách mạng như thế? Thì ông ấy (HCM) tỏ vẻ ngạc nhiên hay đóng kịch như là: Tại sao bắt anh Huỳnh? Sao lại bắt?... đại khái như thế? Đấy là lời ông Hoàng Quốc Thịnh nói với tôi.”

Những người đàn bà không bị bắt còn khổ sở hơn chồng của họ. Bà Lê Hồng Ngọc kể lại chuyện ba người đàn bà vợ của các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh và Đặng Kim Giang:

Gia đình rất là gian nan khổ sở. Về mặt kinh tế thì không nói cũng biết rồi, vật chất có gì ngoài củ sắn đâu cho nên tất cả những tem phiếu có được đều giữ lại bù đắp cho anh ấy. Thăm nuôi tiếp tế thì rất lâu mới được đi một lần. Trong tình cảnh ấy tôi nghĩ là rất nhiều chị em như tôi như bà Vũ Đình Huỳnh, bà Đặng Kim Giang. Ba chị em hay đi với nhau lắm. Chúng tôi lên tận trên trại Bất Bạt, trên ấy xa xôi lắm. Họ đánh kẻng mới được đi vào, vào thăm mấy tiếng thì phải đi về.

Theo thư gửi cho nhiều cơ quan chính quyền vào năm 1994, bà Phạm Thị Tề nhắc lại sau Đại hội VI của Đảng, chồng bà là ông Vũ Đình Huỳnh lúc ấy đã được thả ra, có thư gửi tới nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, một lần nữa yêu cầu ông Linh đưa vụ này ra ánh sáng. Thế nhưng không riêng gì ông Huỳnh mà tất cả những người bị bắt hay đã chết, yêu cầu chính đáng ấy không bao giờ được giải quyết.

Sự im lặng đồng lõa

Ông Lê Hồng Hà một trong những nạn nhân của vụ án cho biết:

Những năm sau này, từ năm 90-91 trở đi họ bắt đầu thấy một số các vấn đề không thỏa đáng. Thế thì họ có giải quyết theo kiểu những người bị tù nhiều năm thì tha rồi. Một số các người bị thiệt hại quyền lợi thì được cho khôi phục lại quyền lợi. Ví dụ một số những ông như Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Minh Chính thì người ta khôi phục lại mức lương khá khá hơn thôi. Tuy nhiên họ cũng không tuyên bố là sửa sai. Họ sửa nhưng không tuyên bố.

Ông Hoàng Minh Chính, người trực tiếp mang tinh thần xét lại từ Liên Xô về Việt Nam xứng đáng là người tiên phong vì đã đề nghị đảng cộng sản Việt Nam thay đổi phương hướng trong chính sách của mình nhưng ông đã phải trả một giá rất đắt cho ý tưởng này. Theo lời thuật lại của vợ ông là bà Lê Hồng Ngọc, tên thật Nguyễn Thị Thanh Yến cho biết chồng bà gia nhập đảng cộng sản rất sớm, vào năm 19 tuổi. Người ký giấy giới thiệu cho ông vào đảng là Lê Đức Thọ và cũng chính ông này ký lệnh bắt giam Hoàng Minh Chính vào năm 1967.

Ông bị tù cả thảy 11 năm và 9 năm quản chế, khởi đầu từ 1967 kéo dài đến năm 1990.

Hoàng Minh Chính mất ngày 7 tháng 2 năm 2008. Nói về vụ yêu cầu xét xử những bản án oan sai, trước đó trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do ông nói:

“Từ trước tới nay tất cả những cái đơn kiện của công dân thực ra họ có trả lời đâu? Mà ở trong nước người ta thường dọi là ‘kiện củ khoai’. Vấn đề này khi kiện thì đối với phương diện pháp lý nói lên rằng có những vu khống như thế và tôi yêu cầu tòa án Việt Nam phải đưa vụ án này ra xét xử. Đấy là nguyên tắc về pháp lý nhưng tin tưởng thì tôi không hề tin tưởng bởi vì từ trước tới nay họ đều im lặng hết.”

Vụ án xét lại chống đảng có thể là vụ án chính trị cuối cùng và lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam tuy nhiên nó sẽ chẳng bao giờ biến mất hay lãng quên bởi sự lẫn trốn trách nhiệm của những nhân vật cao cấp nhất trong đảng qua nhiều đời Tổng bí thư. Minh oan và trả lại sự thật cho các nạn nhân của vụ án là việc làm hoàn toàn có lợi cho đảng.

Mặc dù nếu công khai những sự kiện này ra thì rất nhiều khuôn mặt đang đứng phía sau hậu trường chính trị khó thoát khỏi sự truy cứu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, tuy nhiên việc làm này sẽ giúp Đảng cộng sản được tiếng là dũng cảm, dám nhận trách nhiệm trước dân chúng để bắt đầu một giai đoạn mới hòa nhập vào dòng chảy dân chủ thật sự với  thế giới.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-24

Người H’mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp đưa ra khỏi thủ đô


Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp buộc phải rời nhà thờ ra đi trong đêm mưa. (Photos blog Nguyen Tuong Thuy)

Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện cả tháng rồi vào đêm ngày 23 tháng 10 bị lực lượng chức năng trấn áp giải tán và đưa đi khỏi thủ đô.

Vây ráp trong đêm đưa đi

Thông tin truyền tải trên mạng Internet trong những ngày qua cho biết có một nhóm đồng bào người H’mông mấy chục người từ 4 tỉnh phía Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang xuống Hà Nội khiếu kiện phải sống vật vạ tại Vườn hoa Mai Xuân Thưởng như những dân oan các tỉnh khác lâu nay phải bám trụ tại đó để tiếp tục khiếu kiện.

Một số người hảo tâm tại Hà Nội đã đến giúp đỡ cho họ trong suốt những ngày qua.

Thế nhưng đến đêm 23 tháng 10, lực lượng chức năng đã đến và đưa họ đi.

Một phụ nữ trong đoàn khi đang trên xe mà không biết bị đưa đi đâu, trả lời qua điện thoại kể lại chuyện bị bắt đưa đi như sau:

Người ta đến đánh, dùng roi điện giật bà con. Họ là công an thành phố kết hợp với công an trên tỉnh, họ có người mặc sắc phục, có người không. Bà con cầm tay nhau, những người bên trong thoát, nhưng phía ngoài lăn ra đất hết. Họ lôi ra xe buýt, đưa về đàn áp tại chỗ tiếp công dân. Sau đó đưa lên xe về Cao Bằng, có ba xe. Khi lên xe, tôi thấy một người nằm tại đống rác là các chiếu mà bà con Hà Nội cho dùng tạm, người đó không còn tính mạng nữa rồi!
Người ta đến đánh, dùng roi điện giật bà con. Họ là công an thành, công an trên tỉnh, họ có người mặc sắc phục, có người không. Bà con cầm tay nhau, những người bên trong thoát, nhưng phía ngoài lăn ra đất hết..Khi lên xe, tôi thấy một người nằm tại đống rác...người đó không còn tính mạng nữa rồi!
Một phụ nữ H'mong
Blogger Lê Thiện Nhân tại Hà Nội, người hay tin số người H’Mong bị đưa đi đã đến và kể lại những điều chứng kiến vào tối 23 tháng 10 như sau:

Khi nghe tin, tôi sang vườn hoa Mai Xuân Thưởng, lúc đó họ đã dọn hết đồ đạc của bà con quăng lên xe và đưa đi đâu không biết. Còn bà còn thì họ đưa về số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Khi chúng tôi xuống, công an giăng barrier- hàng rào sắt chặn hai đầu phố Ngô Thì Nhậm không cho ai ra vào cả. Một bà con bên trong báo qua điện thoại nói họ đưa bà con lên ba xe Cao Bằng chở đi đường khác. Khi tiếp cận gần nhất khoảng 50 mét, chúng tôi chỉ thấy ba xe nữa chở bà con đi Cao Bằng. Họ bủa vây rất kỹ không thể có thêm thông tin gì. Người đưa tin ra thì sự quan sát không tốt, lời nói cũng khó nghe.

Một số người  H'Mong bị đánh hôm 15/10, ông Dương Văn Phùng và cháu Hoàng Thị Vàng được đưa vào điều trị tại bệnh viện quận Hà Đông. Photos Blog Nguyen Tuong Thuy
Một số người H'Mong bị đánh hôm 15/10, ông Dương Văn Phùng (ảnh trên) và cháu Hoàng Thị Vàng được đưa vào điều trị tại bệnh viện quận Hà Đông. Photos Blog Nguyen Tuong Thuy

Lý do khiếu kiện

Chị phụ nữ người H’Mong cho biết lại lý do vì sao họ phải về Hà Nội khiếu kiện:
Bà con H’mong chúng tôi thời xa xưa khi ông bà chết phải treo xác trên nhà bảy ngày, bảy đêm; rồi phải giết trâu, giết bò cúng ma. Khổ quá, nên đến năm 1989 có anh Dương Văn Minh đứng lên dạy bảo bà con chúng tôi hết thế kỷ rồi phải bỏ ma, hướng về Chúa Trời thôi. Phải bỏ kèn, bỏ trống, chết phải bỏ kèn trống…Lấy Thập Ác để tiễn đưa linh hồn. Bà con đã thay đổi được 25 năm và có cuộc sống văn minh. Đến năm 2007, bà con dựng một nhà nhỏ chừng 2 mét vuông để đồ tang lễ, khi có người mất đem ra sử dụng. Nhưng người ta bảo làm thế là trái pháp luật và bắt bà con chúng tôi phải trở về phong tục cổ hủ, lạc hậu ngày xưa. Chúng tôi không đồng ý nên họ dùng lực lượng đến cưỡng chế, đánh đập bà con, nhà cửa tan nát.
Họ không treo xác chết trong nhà nữa theo phong tục của người H’mong, bây giờ họ làm một xe dạng nhà mồ để xác và đưa ra xa nơi ở. Chính quyền địa phương không cho phép mà bắt người dân tộc H’mong phải theo phong tục cổ hũ ngày xưa.
Blogger Lê Thiện Nhân
Blogger Lê Thiện Nhân, người tiếp xúc với số người H’mong trong thời gian ở Hà Nội nói lại điều được chính những người đi khiếu kiện cho biết:

Nguyên nhân khiếu kiện là họ muốn thay đổi, có nếp sống mới. Một bác lớn tuổi hướng dẫn họ không treo xác chết trong nhà nữa theo phong tục của người H’mong, bây giờ họ làm một xe dạng nhà mồ để xác và đưa ra xa nơi ở. Chính quyền địa phương không cho phép mà bắt người dân tộc H’mong phải theo phong tục cổ hũ ngày xưa. Chúng tôi không biết vì sao chính quyền lại không cho người dân tộc H’mong thực hiện điều đó; nhưng theo suy đoán thì đây là một trong những biện pháp nhằm ngu dân của họ. Theo đơn của bà con Cao Bằng họ ghi rõ lẽ ra phải cho phép thực hiện những điều theo nếp sống mới, thế nhưng lại không cho. Thay vì giải quyết cho người dân, thì họ lại đàn áp và phá những nhà mồ đó của bà con.

Nguyện vọng người dân

Người phụ nữ H’Mong cho biết nguyện vọng của họ:

Nguyện vọng của bà con được sống tự do, cuộc đời xã hội văn minh. Điều nữa là mong Đảng, Nhà nước trả lại công bằng và tiếng tăm cho anh Dương Văn Minh.

Blogger Lê Thiện Nhân bày tỏ quan ngại số người dân tộc H’Mông bị đưa đi như thế khi về quê nhà sẽ bị sự đàn áp từ chính quyền địa phương:

Chúng tôi rất lo ngại khi về lại địa phương họ lại dùng những biện pháp vũ lực để hành hung bà con. Bà con người H’mong ở Cao Bằng có nói chuyện là chính quyền họ không đồng ý cho bà con làm mồ của người chết, họ xông vào đánh rất dữ, họ đe dọa nếu xuống Hà Nội và quay lại sẽ bị đánh tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không có phương án nào cả.

Một thông tin chưa được kiểm chứng là trong đợt truy quét đưa người H’Mong đi vào tối ngày 23 tháng 10, có người bị đánh đến ngất đi và có thể đã tử vong.
Tuy nhiên mọi sự tiếp cận số người H’mong về Hà Nội khiếu kiện đều bị lực lượng chức năng chặn lại, các phương tiện liên lạc với họ đều rất khó khăn.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-10-24
 

Phùng Hoài Ngọc - Tản mạn về Khổng Tử và Viện Khổng Tử sắp mở ở Việt Nam

Suốt gần ngàn năm qua trong nhiều hoàn cảnh bị cai trị trực tiếp mà người Việt học Khổng tử vẫn không bị Hán hoá, bây giờ có cần phải lo lắng một cái Viện Khổng tử chăng?
Ngày xưa người Việt học Hán ngữ và Khổng tử vì không thể không học. Tuy nhiên thời ấy các cụ nhất định phiên âm Hán ngữ ra âm Hán-Việt để xài, quyết không học nguyên vẹn tiếng Hoa, nhằm giữ vững tự chủ tự lập, tránh khỏi bị đồng hoá.
Khi thấy chữ Hán không đủ phục vụ nhu cầu cần thiết, các cụ soạn ra chữ Nôm để ghi âm nốt một phần tiếng Việt cho đủ dùng.
Tìm hiểu vai trò của Khổng tử ở Trung Quốc và Việt Nam, tưởng chúng ta cũng nên điểm qua vài nét về Khổng học.
Khổng tử sống vào cuối thời Xuân thu (sinh 551 trước CN, mất 479 tr CN) .

Thời Xuân thu (770 – 455 tr.CN) xã hội Trung Hoa đang bước vào giai đoạn sơ kỳ phong kiến. Thể chế xã hội chia hai bậc cai trị chính thức: hoàng đế 帝 và chư hầu 侯. Hoàng đế nhà Chu ngày càng tỏ ra không đủ sức cai quản lãnh thổ ngày càng rộng lớn với cả trăm nước chư hầu (chư 诸: các, số nhiều). Đã vậy còn nảy sinh một bậc chen giữa là “vương 王”, có lúc lên tới 14 vị (còn dùng chữ bá 伯 không chính thức kèm với vương王,bá tức là “bác”, anh của cha, nhưng giữ quyền cao hơn cha, tức là lạm quyền. Vậy người dân mới bực mình dùng chữ “bá” với ý mỉa mai, bực bội như bá đạo, bá quyền, bá chiếm…Bá vương lấn lướt tung hoành bất chấp hoàng đế. Dân chúng chịu một cổ ba tròng. Đây là giai đoạn loạn lạc, đời sống bất an do các chư hầu đua nhau “tranh bá đồ vương”, họ vơ vét của cải thuế khoá, tuyển lính để chứng tỏ lực lượng mình hùng hậu, nhằm tham dự các đại hội chư hầu bầu chọn “bá vương”. Nếu đạt được tước “vương” thì sẽ tiếp tục lôi kéo chư hầu và bá vương khác, nhắm cái đích cuối cùng là tranh “đế”. Trong hoàn cảnh như vậy, kẻ sĩ hay võ sĩ thấy cần phải chọn đúng minh chúa mà theo (làm chính trị thời ấy như đánh bạc). Đất nước bất an thì lòng người cũng ly tán, lối sống bừa bãi, tệ nạn xã hội phát triển, chả biết đâu là chuẩn mực văn minh…
Trong bối cảnh ấy, nhiều trí thức học giả thấy cần phát huy vai trò của mình để vãn hồi trật tự, sao cho giữ được cuộc sống thanh bình an lạc ngày xưa. Lão Tử đưa ra học thuyết “Đạo đức kinh” (kinh: đường mòn, vạch sẵn mà đi) không ngoài mục đích trên… Kế đến nhà giáo Khổng tử xuất hiện. Tuy làm quan cho vua Lỗ, tham mưu cho một ông vua, Khổng tử lại không được nhà vua tin cậy nên ông thấy cần phải biên soạn bài giảng mở lớp dạy học, phổ biến tư tưởng cho mọi người. Ông lại chọn một số môn đệ cùng đi qua nhiều nước chư hầu khác thuyết giảng. Nói chung tư tưởng của ông chỉ được các vua hầu khen chứ không sử dụng…Khổng tử nêu gương các minh chúa tiền nhân từ giai đoạn đầu nhà Chu trở về trước (đến các vua truyền thuyết Nghiêu -Thuấn- Vũ) làm điểm xuất phát cho học thuyết. Hạt nhân của Khổng học là chữ “Lễ”, từ đó học thuyết được phát triển khá phong phú, toàn diện.
Trước khi soạn bài giảng, ông sưu tầm tài liệu và biên soạn thành sách. Do khiêm tốn ông đều nói rằng “cổ nhân dạy”, thực ra đó là tư duy của chính ông, chiêm nghiệm của chính mình về thời cuộc. Điều đặc biệt là cách hành xử của ông trong cuộc sống thường nhật, ông giảng bài làm sao thì thực hành đúng như vậy.
Bộ sách Khổng tử gồm: Ngũ kinh có 5 sách: Kinh Lễ, Kinh Thượng thư, Kinh Xuân thu, Kinh thi và Kinh Dịch. Tứ thư có 4 sách: Đại học, Trung dung, Luận ngữ (bài giảng của ông và có phần học trò phát triển) và Mạnh tử thư là trước tác của Mạnh tử (385–303 tr.CN, Mạnh tử ra đời sau Khổng tử gần một trăm năm) tập trung vào đối tượng vua chúa để khuyên răn, được coi là phát triển sâu sắc tư tưởng của Khổng tử. Do đó đời sau gọi đầy đủ là học thuyết Khổng-Mạnh, nhưng nếu gọi vắn tắt là “Khổng học” cũng không sai mấy và được chấp nhận. .. Đến thời nhà Hán (203 tr.CN– 220) sau khi thống nhất giang sơn, họ Lưu chủ yếu đã xoá bỏ hai cấp “bá vương” và “chư hầu” để xây dựng chế độ phong kiến quân chủ tập trung (quy trọn vào chữ “đế”), họ bắt đầu vận dụng học thuyết Khổng tử làm nền tảng giáo dục, từ đó kéo dài suốt gần hai ngàn năm, tạm tính đến 1911.
Sách Khổng tử ngày nay chỉ thấy có ba cuốn còn ít nhiều giá trị là Luận ngữ, Kinh thi và Kinh Dịch. Người Việt đã từng biên dịch phát hành nhiều lần, nhà nho Viêt Nam có đủ khả năng truyền bá những gì cần thiết về Khổng học cho hậu sinh.
Ngày nay, các nước mở tung cửa tri thức cho con người lựa chọn. Chúng ta có cần phải lo lắng một cái Viện nhỏ đặt trong một cái trường đại học không thuộc hàng đầu ở Hà Nội không ? Người ta chỉ ngạc nhiên vì sao phải cần hai Thủ tướng mới ký kết được một cái văn bản nho nhỏ ấy đặt trong “Tuyên bố chung” ? Thay vì chỉ cần hai Bộ giáo dục hay Bộ văn hoá, thậm chỉ hai trường đại học ký kết với nhau cũng được. Còn một điều lạ nữa: viện Khổng tử không dám tự nhiên tồn tại độc lập ngoài mặt tiền, mà chịu nép mình vào trong khuôn viên một trường đại học cỡ trung bình ở Hà Nội (Đại học Hà Nội nguyên là trường Cao đẳng SP Hà Nội mới nâng cấp). Có lẽ họ còn e dè, nghe ngóng tình hình và thái độ phản ứng mặn hay nhạt của dân Hà Nội, dân Việt Nam chăng ?
Khổng học đã lặn sâu vào nền văn hoá Việt với nhiều mức độ, trên nhiều lớp người khác nhau. Nhiều lần tôi ngẫu nhiên tiếp xúc mấy cụ già không biết chữ, nói chuyện đời, các cụ bật ra những câu văn Khổng tử khiến tôi giật mình. Sau đoán rằng các cụ “học Luận ngữ” qua một số tích chèo, tuồng đồ và cải lương hay qua chuyện trò khi nhâm nhi rượu trà với các cụ đồ nho làng…
Bàn về vai trò của một học thuyết trong lịch sử.
Sáng lập và chủ trương một học thuyết là nhu cầu khát vọng của nhà trí thức. Khi họ viết ra, hầu như chỉ muốn giãi bày với thiên hạ, họ không hình dung được về sau thiên hạ sẽ sử dụng ra sao. Việc sử dụng học thuyết trong một chế độ cai trị bạo ngược vô pháp vô thiên lại là việc khác. Một chế độ độc tài toàn trị trong lịch sử loài người từ thời xưa đến nay vẫn ưa dùng một học thuyết (nào đó) để làm bình phong, làm ngọn cờ.. Thành ngữ thời phong kiến nói “Ngoại nho nội pháp” (ngoài miệng nói nho giáo trọng chữ Nhân, thực tế coi trọng dùng Pháp gia tức hình phạ. Bao nhiêu chế độ độc tài đều dùng hai lực lượng tay trái- tay phải này: Ban tuyên truyền mị dân rao giảng học thuyết (có biên tập, cắt xén) và “Công cụ vũ lực đàn áp khủng bố” mỗi khi mị dân bất thành (mị: làm cho si mê vì nịnh khéo, làm cho ngủ say).
Tô đã từng đọc thấy một số bài báo của một số ít người, thậm chí của một số học giả nho học có tiếng ở Việt Nam, phê phán Nho học rất nặng nề. Rằng Nho giáo kìm hãm đất nước Trung Quốc và Việt Nam vào vòng lạc hậu lâu dài, rằng Khổng học trở thành công cụ cho giai cấp phong kiến thống trị đè nén áp bức nhân dân. v.v… Tôi nghĩ, nhà thống trị họ muốn làm gì thì làm, quen thói bá đạo bá quyền, họ chỉ cần học thuyết để mị dân thôi. Họ hiểu đúng đắn hay sai lạc học thuyết ấy cũng chẳng sao. Họ vận dụng hay xếp xó cũng không sao. Họ cũng lập ra Viện, Khoa triết học này nọ nghiên cứu học thuyết ông A, ông B hoặc là ghép bừa bãi hai ông thành học thuyết A-B nhưng chẳng thực hành được gì đáng kể nếu chưa nói là đã thực hành sai be bét. Khi thấy học thuyết A-B mất giá thì họ đẻ ra Tư tưởng C, họ ghép lung tung cho có như một bức bình phong nham nhở, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng bi quan than thở rằng “chính trị”ở xứ ta là một “món lẩu thập cẩm” quả không sai.
Chúng ta biết rằng đến thế kỷ 18, phương Tây mới trỗi dậy, vượt qua mặt phương Đông nhờ các thành tựu khoa học kỹ thuật và tư tưởng cộng hoà, và tất nhiên không thể thiếu vai trò các nhà lập thuyết. Như vậy, trước đó phương Đông chúng ta có cái khoa học xã hội – nhân văn nào hay hơn Khổng học đâu? Lỗi là ở các giai cấp thống trị phương Đông không mở mang giao thương với phương Tây sớm hơn, chứ đâu phải lỗi tại Khổng tử khiến cho chế độ phong kiến TQ trì kéo 2000 năm, Việt Nam non 1000 năm !
Văn Miếu- Quốc tử giám nghìn năm trầm mặc ở giữa thủ đô Thăng Long- Hà Nội, dân chúng và trí thức chẳng hề phàn nàn (họ chỉ phàn nàn cái bức tượng một ông Tây đứng giơ tay chỉ trỏ ở một vườn hoa gần bờ Hồ Hoàn Kiếm vài chục năm qua mà đặt thơ lục bát giễu nhại chơi). Người Việt Nam, kể cả nhà nước ngày nay vẫn tự hào về Văn Miếu- Quốc tử giám, coi đó như biểu tượng văn hoá nghìn năm của mình, cái cổng vào là Khuê văn các (bên trong cổng chính) được chọn là biểu tượng logo Hà Nội, hễ có khách quốc tế thì thế nào cũng dẫn họ đến đó chiêm ngưỡng. Tôi chưa biết một quan điểm nào phê phán quần thể kiến trúc đó.
Liên hệ đến Karl Marx, dù ông là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản (theo cách nhìn của những người cộng sản), nhưng nước Anh tư bản thâm niên cổ thụ vẫn tôn trọng ông trong công viên nghĩa trang Highgate với mộ phần cả gia đỉnh và tượng đài Marx trang nghiêm ở đó. Có thể, người ta coi ông là nhà phản biện vĩ đại không tự nguyện, vô hình trung giúp chủ nghiã tư bản tự cải thiện mình. Có thể, người ta gạn đục khơi trong, chọn ra được những trước tác triết học của Marx có ích cho tư duy nhân loại. Họ chỉ không cần kỷ niệm cái giải pháp thất bại thảm hại đầy hệ luỵ của ông là “dùng bạo lực chuyên chính vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản” mà thôi.
Viện Khổng tử, vì thế chỉ là cây cầu truyền bá ngôn ngữ, văn hoá nói chung, đại thể như một “Trung tâm văn hoá Trung Hoa”. Giả sử không có Viện đó thì hiện nay ở nước ta vẫn lai rai nghiên cứu học tập ngôn ngữ và văn hoá TQ (trong đó có Khổng học), tuỳ theo đa dạng nhu cầu của nhân dân và nhà nước…
Một người bạn đồng nghiệp góp bàn chí lý rằng: Người ta không sợ ông Khổng, hay cái Viện Khổng tử, mà người ta sợ cái kẻ (cả phía TQ lẫn phía VN) đang muốn lợi dụng Khổng giáo cho mục đích riêng họ. Và Khổng giáo cùng Viện Khổng tử bị lên án là vì (vô tình) trở thành công cụ cho những kẻ này. Đạo Khổng có những nội dung bất cập, đồng thời có nhiều điểm hay, nhưng chắc chắn nó chưa đầy đủ. Trong khi người dân VN còn đang rất thiếu hiểu biết về tự do, dân chủ, pháp quyền (những khái niệm xa lạ với Khổng giáo) mà nhà nước không những đã không tạo điều kiện để làm tăng sự hiểu biết của người dân về những vấn đề trên, lại đi lo vun đắp cái tinh thần Khổng giáo, là điều mà truyền thống VN cũng đã thấm nhuần lắm rồi, lại xuất phát từ chủ trương của một anh thực dân (mới nổi lên) là TQ, thì việc ấy chẳng phải cũng đáng lo lắm sao ?
Do đó tôi nghĩ rằng chẳng cần phải lo ngại Viện Khổng tử sắp mở ở Việt Nam nhưng chúng ta vẫn thường xuyên nâng cao cảnh giác.
Mời đọc tham khảo (trích bài viết của tác giả Huỳnh Văn Út trên Trần Nhương blog):
“Viện Khổng Tử thuộc Trường Đại học McMaster University Canada bị đóng cửa từ tháng 7/2013 sau năm năm hoạt động. Học viện này bị chỉ trích là được chỉ đạo bởi Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Canada để làm công tác tình báo nhằm chi phối và gây ảnh hưởng tới các quan chức bản xứ. Người Anh cho rằng sự tồn tại của Viện Khổng Tử ở Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE- London School of Economics and Political Science) là một điều kỳ quặc vì Khổng Tử vốn trọng Nho học và xem khinh buôn bán. Tờ China Daily đưa ra một thống kê cho rằng có 64 Viện Khổng Tử đang hoạt động trong các trường đại học ở Mỹ (Cũng tờ báo này lại mâu thuẩn khi đưa ra một thống kê rằng có 81 Viện Khổng Tử ở Mỹ). Năm 2012 có 51 trong số 600 giảng viên người Trung Quốc làm việc trong các Viện này buộc phải về nước vì vi phạm luật di trú của Mỹ”.
Thế đấy, Viện Khổng tử sắp mở, hàng ngàn lao động TQ bất hợp pháp đang tồn tại trên đất VN, phim Tàu bá chiếm hầu hết đài truyền hình trung ương và địa phương suốt ngày đêm, cái nào cũng đáng ngại cả.
Phùng Hoài Ngọc
(Giang Nam Lãng Tử ) 

Đồng Nhân - Voi chui lọt lỗ kim

Vụ việc ở thẩm mỹ Cát Tường (Hà Nội) là câu chuyện của pháp luật hình sự và có lẽ người ta sẽ còn phải bàn luận nhiều về việc này như một cảnh báo các nền tảng xã hội bị bào mòn. Nhưng điều khiến dư luận không khỏi bức xúc lúc này, đó là công tác quản lý địa bàn, quản lý chuyên ngành, sao luôn để lọt lưới những thủ phạm hoạt động chui.

Đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng tương tự; và sau mỗi vụ động trời bệnh nhân chết ở phòng thẩm mỹ, trẻ tử vong ở lớp mầm non, câu trả lời quen thuộc của cơ quan quản lý luôn là: cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động không được cấp phép. Và coi đó như xong trách nhiệm của quản lý nhà nước.
Theo cung cấp của cơ quan công an thì thẩm mỹ Cát Tường đã hoạt động được hơn 6 tháng cho đến ngày xảy ra chuyện. Nhà mặt phố to, biển hiệu bắt mắt, website quảng cáo rầm rộ thế mà quan chức Sở Y tế Hà Nội bảo là không biết. Lại còn chính quyền sở tại, với đủ bộ máy từ công an, thanh tra, an ninh trật tự, thử hỏi họ đã làm gì với tiền thuế mà dân vẫn đóng để nuôi bộ máy hành chính. 
Thực ra, sẽ không một ai (chí ít là công dân ở thủ đô, nơi mà một bà bán trà đá vỉa hè cũng phải nộp ít nhất 4 loại lệ phí mỗi tháng) có thể tin rằng, trong suốt thời gian hoạt động của một cơ sở kinh doanh lĩnh vực vốn “nhạy cảm” như thẩm mỹ Cát Tường lại không có cơ quan nào đến thăm hỏi về thủ tục pháp lý. Chỉ có thể lý giải rằng, đã có những khoản phí khác, khiến con voi chui lọt lỗ kim.
Ngành nào cũng có thanh tra, đơn vị nào cũng có kế hoạch thanh, kiểm tra hằng tháng, hằng năm. Thậm chí, đã từng có nhiều đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp lên tiếng than phiền về việc bị “thăm hỏi” quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Thế nhưng, hầu hết các vi phạm, sai phạm, các vụ tham nhũng lớn đều không phải do thanh tra, kiểm tra phát hiện, phanh phui. Các chiến dịch thanh, kiểm tra, ra quân ngành nào cũng làm, nhưng chưa bao giờ người dân tin tưởng vào các hoạt động phong trào ấy. Chuyện mỗi khi quản lý thị trường “ra quân” thì hàng lậu biến đâu hết hoặc khi cơ quan y tế đi kiểm tra, mọi thực phẩm đều trở nên có xuất xứ đàng hoàng, mọi phòng khám sạch bóng bác sĩ Trung Quốc làm chui là một thực tế khiến cho người dân không chỉ lo lắng mà dẫn đến mất lòng tin. 
Các cá nhân vi phạm pháp luật đều phải chịu sự thi hành pháp luật, nhưng trong những sai phạm ấy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc đã để cho những "con voi" sai phạm chui lọt "lỗ kim" quản lý. 
Cần một lần làm rõ tới cùng có hay không sự dung túng, bao che của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm đối với các cơ sở, dịch vụ không  phép, trái phép. Bởi nếu không làm sáng tỏ và xử lý tới cùng trách nhiệm đó thì sẽ còn nhiều người dân phải trả giá bằng sức khỏe, mạng sống. Trên hết, đó là cảm giác mất an toàn, mất lòng tin vào bộ máy chính quyền của người dân.
  Đồng Nhân
 

Alan Phan - Đi tìm nguồn cội

Đêm qua, tôi vẫn còn mơ màng giữa tỉnh và thức vì chưa quen với múi giờ mới của xứ Mỹ vừa quay lại. Bỗng giật mình vì comment của một bạn đọc,” Người mà không biết nguồn cội của mình thì không phải là con người.” Tôi khá quen với những tuyên bố quá khích của đủ loại nhân vật, đen đỏ tím vàng; nhưng vẫn sốc với những suy nghĩ…ngoài hành tinh của “một bộ phận không nhỏ”. Trước đó, anh bạn doanh nhân Nguyễn Văn Đực còn cả quyết là ngay cả ông già Alan vẫn muốn “rụng về cội” huống gì các bạn khác.

Tôi không biết sự nhắc nhở liên tục các khúc ruột ngàn dặm về “nguồn cội” này có liên quan gì đến số lượng kiều hối gần 12 tỷ USD năm nay? Nhưng nếu có một cụm từ bị lợi dụng thường xuyên trong lịch sử, đó là “tổ quốc, đất nước, dân tộc, quê hương…và nhẹ nhàng hơn, “nguồn cội”.

Tôi còn nhớ những ngày đầu tị nạn của 1975, nghèo khổ chạy khắp nơi tìm một chiếc xe cũ cho gia đình. Qua lời giới thiệu của TV, rồi bạn bè, chúng tôi chạy lên tận Rose Bowl ở Pasadena, dự buổi đấu giá xe dành cho dân nghèo. Tay chủ xị áo quần hình Cờ Hoa bảnh bao, văn chương hoa mỹ, bắt mọi người phải làm lễ chào cờ, rồi ca bài America the Beautiful, do cô con gái xinh đẹp dẫn dạo (không biết có là con gái thực không?). Sau đó là những màn thủ thuật bịp bợm với giá cả còn cao hơn cả giá các xe ở Beverly Hills. Ngay cả dân nghèo tứ xứ cũng bị vài anh chị Mỹ trắng giàu có tìm cách móc túi. Từ đó, hễ làm ăn buôn bán mà dính vào …”tổ quốc” thì tôi chỉ ôm quần mà chạy.

Ngay cả triết thuyết “tam vô” (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản cũng không ngăn Mao Trạch Đông mô tả cuộc cách mạng của mình là mang bản chất cốt lõi của dân tộc Trung Quốc. Vào thời Trung Cổ, dân du mục của Âu Châu (gypsies) bị các giáo sĩ Thiên Chúa thiêu sống vì họ không có “nguồn cội” (thuộc dòng giõi của quỷ). Gần đây hơn, cả triệu dân Do Thái cũng bị Đức Quốc Xã cho vào lò nướng vì nguồn cội …hơi khác người.

Khi dính đến quyền lợi hay quyền lực, cách dễ nhất để tranh đoạt chiến thắng là chụp một chiếc mũ to tướng lên đầu đối thủ, danh từ sử dụng càng to càng khó hiểu, càng hiệu lực. Dân thì chỉ khôn hơn lợn có vài bậc, nên rất nhất trí với các quan. Điều quan trọng là phải luôn coi phe nhóm mình là biểu tượng duy nhất của “tổ quốc, đất nước, dân tộc…gì đó, không ai có quyền bàn ra tán vào, ngay cả khi vài thủ hạ cao cấp có…hộ chiếu và tổ tiên …người Hán.

Nhưng khi ngồi chém gió với một số các “bộ phận không nhỏ” này, chính tôi cũng không yên ổn lắm với câu chuyện về nguồn cội của mình hay mọi người.

Nếu suy nguồn cội của tất cả loài người từ nguyên thuỷ, chúng ta đều bắt đầu bằng vài nguyên tử atom lạc lõng đâu ngoài vũ trụ. Cách đây trăm ngàn năm, thì nhân loại chỉ là một nhúm nhỏ cư dân tụ tập ngoài thềm lục địa Phi Châu, có chung tù trưởng, thầy pháp, công an và dân đen. Cách đây 10 ngàn năm, khi các bộ lạc đông đúc hơn và phải rời Phi Châu đi về Âu Á kiếm ăn, thì phần lớn gia đình di cư bên nhau để sống còn. Một giả thuyết là có khi ông tổ nội của Tưởng Giới Thạch có thể là tình nhân của ông tổ nội Đặng Tiểu Bình? (một học giả vừa xác định là hôn nhân đồng tính phát sinh từ 12 ngàn năm trước).

Cách đây 5 ngàn năm thì nguồn cội của dân tộc Việt là các khu dân cư dọc theo bờ sông Dương Tử; rồi trôi dạt về châu thổ sông Hồng. Dĩ nhiên, tôi không là một sử gia, nên rất mù mờ về lai lịch, nguồn cội của mọi người; nhưng tôi tin là nếu nhìn tất cả dưới lăng kính lâu dài của lịch sử; thì tất cả dân Việt, dân Tàu, dân Hàn, dân Ấn, dân Pháp…đều đã từng ăn mằm với nhau rất thắm thiết.

Rồi bây giờ, vì những biến động của lịch sử hình thành từ các xung đột quyền lợi, chúng ta phải phân loại nguồn cội và đối nhau như kẻ thù? Ngay cả khi ta cùng một tổ tiên, nhưng nếu có vài lãnh tụ nhanh tay cướp “bằng khoán” của đất nước, dân tộc…thì phần dân số còn lại phải nghe theo lệnh ban phát từ…nghị quyết của một thiểu số???

Chúng ta được “lệnh” là phải yêu tổ quốc qua bệ thờ của các lãnh tụ đã “hy sinh” cho hạnh phúc người dân. Cũng OK đi, dù cái chữ hạnh phúc này rất khó nuốt. Tuy nhiên, theo nhà thơ tư tưởng đỉnh cao Tố Hữu thì “thương cha thương một, thương ông (Stalin) thương mười”. Do đó, mỗi năm, cu Tèo nhà tôi có phải lên Google tìm bản đồ mộ của ngài Stalin để qua Nga khóc cho cái nguồn cội “vịt què” của mình? Hay là vì bác Chế Lan Viên có dặn là “bác Hồ ta đó chính là bác Mao” thì thị Hĩm nên xin visa chạy lên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh để khóc thương cho một người cha chung của dân tộc?

Suy ngẫm thêm về các dân tộc khác, tôi thấy cũng có nhiều quan điểm và hành xử tương phản nhau. Dân Do Thái lang thang khắp thế giới cả ngàn năm, chịu nhiều bạc đãi, mà không quan tâm lắm về nguồn cội của mình. Cho đến Thế Chiến 2 khi bị Đức Quốc Xã giết hại trong sự kiện gọi là Holocaust. Sau chiến tranh, họ về Palestine dựng nên quốc gia Israel và dân Do Thái khắp thế giới dồn tiền bạc và sức mạnh chính trị với lời thề là “never again” (không bao giờ sẽ có một holocaust thứ hai).

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người Mỹ gốc Do Thái, chúng ta có thể thấy rõ là họ không ưa dân Israeli lắm. Sau bức màn PR, họ nghĩ cư dân của Israel là những anh chị không có văn hóa, ngạo mạn, tham lam và ích kỷ. Nhưng họ vẫn lobby mạnh cho mọi viện trợ quân sự, kinh tế cho Israel vì đây là “nguồn cội” (vả lại tiền của Âu Mỹ là tiền thuế chung của dân, một nguồn OPM lý tưởng).

Trong khi đó, nếu hỏi một gười gốc Ireland hay Poland ở Mỹ, tôi chắc chắn là họ sẽ hãnh diện tuyên bố họ là dân Mỹ, dù không dấu giếm gì gốc Irish hay Polish của họ. Nguồn cội không bao giờ là một đề tài.

Còn nếu “nguồn cội” là giải giang sơn gấm vóc, tiền rừng bạc biển mà tiền nhân đã dầy công vun đắp thì không gì quý hơn là dựng tượng các công thần đã hết sức phá rừng mấy chục năm nay, trồng cao su, xây thủy điện, bán gỗ nguyên sinh…đem cho con cháu chúng ta vài trận lụt kinh hoàng mỗi năm…để học kinh nghiệm. Còn các em trẻ đang vui đùa dưới dòng sông Thị Vải, thân thể đã được công ty bột ngọt Vedan tiêm không biết bao nhiêu là liều vắc xin ung thư miễn phí? Yêu nguồn cội đến thế thì thôi.

Trên hết, trí tuệ của vài ba thế hệ Việt đã được khai phá tận tình với nền giáo dục ưu việt mà chỉ Cu Ba hay Triều Tiên mới bắt kịp. Đây là điểm sáng ngàn đời của chúng ta, xây dựng vững bền một bức tường dân trí kiên định không đời nào địch có thể xuyên thấu.

Còn nếu theo suy ngẫm của tôi, quê hương nguồn cội…là những ký ức tuyệt vời của những ngày mới lớn, khi tâm hồn còn tinh khôi áo mới, thì cái đẹp chân thiện trong tâm linh đó làm sao mà mất được để cần ai phải bảo vệ hay tôi phải đóng thuế? Cái trí tuệ mà tôi đã tự do vun đắp qua đủ mọi sách vở và trải nghiệm có cần ai phải làm “giáo trình” theo lề trái, lề phải? Những món ăn nuôi lớn khôn tôi là những món nợ chịu ơn từ chục ngàn người khắp thế giới, đâu phải chỉ vài lon bo bo viện trợ từ mẫu quốc?

Nói thế, nhưng tại sao trong những đêm chờ sáng cho quê hương, lòng ông già xa xứ vẫn bùi ngùi khi nhìn thấy bức hình bà mẹ Việt còng lưng quảy gánh dưới mưa? Vẫn đau buốt khi nghĩ về những đạo quân bán vé số khắp nước sau vài thế kỷ của “hạnh phúc”? Vẫn thuơng xót cho những đám trẻ không thể có tương lai trong một nền giáo dục què quặt? Nguồn cội còn đồng nghĩa với một tiếng thở dài?

Alan Phan

Sao vụ bầu Kiên, Dương Chí Dũng để lâu?


Đề cập tái cơ cấu ngân hàng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thúc giục xử lý những vụ việc nổi cộm đã khởi tố từ lâu như vụ bầu Kiên để niềm tin của dân đối với hệ thống ngân hàng không bị giảm sút.
Thảo luận ở tổ đại biểu QH về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10, Phó Chủ tịch nước phản ánh ý kiến cử tri khi thấy vụ việc như bầu Kiên, Dương Chí Dũng khởi tố đã lâu nhưng nay “trầm lắng”, xét xử chậm trễ.
Từ vụ việc điển hình, bà thúc giục đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngân hàng với trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại.
Nội dung trên được Phó Chủ tịch nước lưu ý khi đánh giá các bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015).
Còn hồng
“Thành tích đậm hơn nguyên nhân, hạn chế”, “hơi hồng”, “còn màu hồng”… cũng là nhận định của không ít ĐBQH về các bản báo cáo của Chính phủ với những đánh giá được cho là chưa tận tường những khó khăn, thách thức đang hiện diện của nền kinh tế.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói: “Đánh giá của Chính phủ hơi hồng. Chúng ta cần lạc quan, nhưng phải thấy hết được khó khăn. Chỉ khi nào con người thấy cơ thể mình mắc bệnh như thế nào thì mới tìm được phương cách chữa bệnh đó. Những con số nói lên nhiều điều. Có những con số tôi hết sức băn khoăn".
Theo Chính phủ, GDP đạt 5,4% nhưng thất thu ngân sách lại khoảng 63 nghìn tỉ đồng. Theo nghị quyết QH, chỉ thiếu 0,1% về GDP tăng trưởng nhưng lại hụt thu lớn đến như vậy. Con số này có sự mâu thuẫn. Cần rà soát lại cả CPI, GDP vì những con số nếu đưa ra chưa rà soát hết sẽ làm sai lệch đánh giá.
Từ góc độ doanh nghiệp, ĐB Nguyệt Hường chia sẻ : “Xin được phân tích hàng tồn kho giảm, nhưng thực chất là gì? Có phải do sức mua tăng lên? Thực ra là do doanh nghiệp phải giảm giá để bán hàng. Do năng lực sản xuất và quy mô sản xuất bị thu hẹp, họ không sản xuất nữa nên hàng tồn kho được giải phóng. Do đó kết quả không phải là tích cực”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh đồng tình báo cáo của Chính phủ phần tốt đẹp vẫn nhiều hơn. Trong khi “đọc báo cáo thấy tình hình không thể không tăng tiếng nói để thức tỉnh…Cần phải nói thẳng, nói thật vào thời điểm khó khăn. Chứ không thể đang khó khăn thì nói ít thôi không dư luận thấy bức tranh đen tối”.
Trong khi đó, ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng kinh tế - xã hội 2013 có những điểm sáng. Trong đó có nỗ lực chuyển hướng chính sách từ mục tiêu tăng trưởng cao sang tăng trưởng ổn định.
“Nếu chần chừ trong chuyển hướng, xác định mục tiêu thì chưa biết thế nào, bất ổn vĩ mô gây tác hại nghiêm trọng. Đây có thể coi là thành tựu. Kiểm soát lạm phát từ gần 19% năm vừa rồi xuống mức 1 con số (dưới 10%) cũng là thành công, trong khi thế giới nghĩ rằng 12-13% đã là thành công” - ông lấy ví dụ.
Tái cơ cấu - tiền đâu?
Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công và DNNN chưa thực hiện được nhiều là ý kiến của không ít ĐBQH.
ĐB Đinh Xuân Thảo kể: “Cũng phải chia sẻ với các công ty, tập đoàn là khó, chưa chuyển được. Muốn tái cơ cấu cần một lượng tiền lớn Nhưng thực tế không có. Các ĐBQH có ai nói gì về việc này đâu, thì làm sao có nguồn lực để tái cơ cấu? Từ đầu tư chiều rộng đến chiều sâu về máy móc, thiết bị cần có lượng tiền lớn”.
ĐB Nguyễn Thanh Hải đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với 17 tập đoàn đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, bà lo lắng về nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu không nhiều, đề xuất Chính phủ không nên “dàn hàng ngang” để tái cơ cấu mà chọn các mũi nhọn để thực hiện.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì băn khoăn về những dự án thực hiện tái cơ cấu.
"Tôi lắm lúc không hiểu tại sao có thời gian bung ra hàng loạt dự án. Chủ đầu tư có nhiều dự án nhưng không triển khai, không nhân công, rồi đắp chiếu dự án. Đất nước nghèo, dự án khơi khơi, đầu tư mấy chục tỷ, dừng một cái, tất cả xuống cấp. Công nhân không việc, máy móc đắp chiếu. Hậu quả bung ra dự án nhưng chưa kiểm điểm rõ nguyên nhân tại sao có tình trạng bung ra dự án không quy hoạch như thế?”.
Bà kiến nghị, trong tái cơ cấu DNNN, cần sớm công bố những ngành, lĩnh vực nào cần bao nhiêu DNNN. Phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phát triển nhanh, thúc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) kiến nghị Chính phủ có biện pháp xử lý riêng những tổ chức tín dụng yếu kém để kiên quyết xử lý nợ xấu, bảo đảm tính an toàn cho hệ thống ngân hàng.
L.Thư - T.Lâm - C.Quyên - Ảnh: L.A.Dũng
(VNN) 

Những lãnh đạo Ngân hàng bị bắt dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình không phải là một gương mặt may mắn với giới tài chính ngân hàng

Hơn 2 năm kể từ ngày ông Bình lên nắm quyền, rất nhiều lãnh đạo cao cấp cho tới lãnh đạo chi nhánh của ngân hàng đã bị bắt, khởi tố vì có các dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay, gây tổn thất số tiền lớn.

Có lẽ chưa bao giờ chuyện bắt bớ các sếp ngân hàng diễn ra nhiều như hiện nay. 
Dưới đây là một số những vụ bắt giữ lớn tiêu biểu dưới thời thống đốc Bình:
Thành viên "Hội đồng sáng lập" ACB Nguyễn Đức Kiên
ACB có lẽ là ngân hàng có nhiều lãnh đạo cao cấp nhất bị bắt dưới thời Thống đốc Bình.
 
Trong đó vụ ông Nguyễn Đức Kiên (Biệt danh: bầu Kiên) bị bắt ngày 20/8/2012 đã tạo ra đợt rúng động mạnh trong thị trường tài chính.
 
Ông Kiên bị bắt vì kinh doanh trái phép, sau đó bị truy tố thêm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,...
Thị trường tài chính lập tức chao đảo sau vụ bắt giữ này. Thị trường chứng khoán nhanh chóng bốc hơi 1,7 tỉ USD trong 3 ngày sau khi bầu Kiên bị bắt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sàn đồng loạt. Trong đó cổ phiếu của ngân hàng ACB, EximBank, Sacombank (liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới bầu Kiên) đều giảm sàn và dư mua hàng triệu cổ phiếu.
Dù sau đó, các ngân hàng đều phủ nhận mức độ liên quan của mình tới bầu Kiên nhưng vụ bắt bớ này vẫn là vụ việc có ảnh hưởng  lớn nhất tới toàn hệ thống ngân hàng dưới thời thống đốc Bình cho tới thời điểm này.
Chủ tịch và hai thành viên HĐQT ACB
Nhóm lãnh đạo khác của ACB bị bắt cũng khiến hệ thống ngân hàng giật mình. Hơn 1 tháng sau ngày bầu Kiên bị bắt, ngày 27/9/2012 cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố 4 cựu lãnh đạo của ACB là ông Trần Xuân Giá, ông Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB; ông Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB và ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

4 cựu lãnh đạo bị khởi tố với tội danh cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, liên quan tới vụ việc của siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như.

Trong 4 cựu lãnh đạo của ACB, ông Trần Xuân Giá từng là lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ. Ông Giá là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 1997-2002. Rời cương vị này, ông làm cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục. 

Ông Giá gia nhập ACB từ tháng 11/2006, một tháng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Tháng 3/2008, ACB thông báo Đại hội cổ đông đã bầu cựu bộ trưởng làm Chủ tịch HĐQT.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân
Một ngân hàng quốc doanh lớn có khá nhiều lãnh đạo bị bắt trong thời gian thống đốc Bình nắm quyền là Agribank.

Ngày 23/1/2013, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang công bố thông tin Cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Tân - Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.

Cơ quan điều tra tình nghi Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn đầu tư đã không thẩm định đúng tình hình dự án, dẫn đến nguy cơ mất vốn. Đồng thời trong việc cho vay này, ông Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát thực hiện.

Ngoài ông Tân, nhiều cái tên khác như bà Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi), nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Long (Phó Giám đốc phụ trách tín dụng Agribank chi nhánh 3), và rất nhiều lãnh đạo chi nhánh khác của Agribank đã bị bắt.
Phó Giám đốc Chi nhánh TechcomBank
Tháng 12/2011, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế đã khởi tố 5 cán bộ của Techcombank gồm bà Trịnh Thị Thu Hà (nguyên phó giám đốc kiêm trưởng phòng dịch vụ khách hàng Techcombank chi nhánh TP HCM), Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên phó giám đốc kiêm trưởng phòng doanh nghiệp), Nguyễn Nam Huân (nguyên chuyên viên khách hàng), Bùi Văn Hào, Nguyễn Thị Thành (cán bộ kho quỹ).

Theo Cục điều tram bà Hà đã không thực hiện đúng các quy định về kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo, cấp chứng thư bảo lãnh và giải chấp thẻ cào cầm cố trong việc cho các Công ty TNHH Long Quân, Mê Kông và Mê Kông 79 vay tiền, gây thiệt hại hàng tỉ đồng của Tecombank TP.HCM.

Ngày 9/1/2012, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã khẩn cấp với bà Hà
Phó Tổng giám đốc SeA Bank
Ngày 3/12/2012, Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án Nguyễn Thị Hương Giang (39 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SeABank, kiêm giám đốc chi nhánh Hai Bà Trưng) lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Bà Giang bị cơ quan điều tra cáo buộc có hành vi tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. 
Tổng giá trị số chứng thư bảo lãnh đã được phát hành lên tới trên 310 tỷ đồng, đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục. Đặc biệt, các bảo lãnh này đều không có tài sản đảm bảo.
Giám đốc VietinBank Trà Vinh
Ngày 5/8/2013, TAND tỉnh Trà Vinh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh tỉnh Trà Vinh.

Có 9 bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên của Vietinbank Trà Vinh, gồm: Nguyên giám đốc Ngô Công Bình, 2 nguyên phó giám đốc là Ngô Thị Thanh Vân và Lâm Hoàng Phong;  3 nguyên phó phòng kế toàn là Trần Thị Hạnh Dung, Trang Thị Ngọc Minh và Phạm Thị Hồng; Nguyễn Thị Ngọc Hà (nguyên thủ quỹ), Lê Thị Thu Vân (nguyên giao dịch viên) và Nguyễn Thị Phương Thảo (nguyên kế toán) cùng bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Riêng 2 bị cáo Bình và Vân bị truy tố thêm tội tham ô tài sản.

Tại tòa, nguyên GĐ Ngô Công Bình và 2 PGĐ Lâm Hoàng Phong, Ngô Thị Thanh Vân khai, có chủ trương dùng số tiền kê khống khen thưởng cán bộ nhân viên để biếu cho lãnh đạo Vietinbank.
Giám đốc SGD LienVietPost Bank và Giám đốc Chi nhánh VDB
Ngày 7/9/2013, ông Đỗ Hùng Sở, giám đốc Sở Giao dịch Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã bị  khởi tố, bắt tạm giam. Cùng ngày, cơ quan điều tra đến trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng triển khai quyết định khởi tố, bắt tạm giam giám đốc Nguyễn Thế Thắng và phó giám đốc Nguyễn Văn Xem.

Lãnh đạo chi nhánh 2 ngân hàng trên bị bắt vì đã xét duyệt cho Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam vay khoản tiền khá lớn.
 Sau thời gian làm ăn thua lỗ, giám đốc Phương Nam đã trốn sang Mỹ, bỏ lại khoản nợ 1.600 tỷ đồng. Trong đó, VDB chi nhánh Sóc Trăng phải gánh khoản nợ 341 tỷ đồng, sở Giao dịch tỉnh Hậu Giang LienVietPostBank gánh khoản nợ 328 tỷ đồng.
Ngân hàng phát triển Đồng Bằng Sông Cửu Long
Chiều 25/4/2013, ông Nguyễn Hữu Quang (38 tuổi, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch huyện Lấp Vò thuộc Ngân hàng phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) - chi nhánh tỉnh Đồng Tháp) đã bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên án chung thân về 3 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thiện Nhơn (nguyên cán bộ tín dụng Phòng giao dịch và là anh em chú bác ruột với Quang), bị tuyên phạt 14 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến năm 2011, lợi dụng vị trí công tác là Giám đốc Phòng giao dịch huyện Lấp Vò thuộc Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL, Nguyễn Hữu Quang đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối vay tiền nhiều người dân ở huyện Lấp Vò, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và An Giang với mục đích cho vay đáo hạn nhưng thực chất trả tiền nợ gốc và lãi cho những chủ nợ cũ, chiếm đoạt trên 47 tỉ đồng.
Trần Dũng
(TTVN)
 

Nguyễn Mộng Hoài - Suy thoái toàn dân, bức xúc toàn dân, chỉ người dân chịu thiệt

Gần đây, trên các phương tiện thông tin tầm cỡ của Nhà nước, nằm trong phạm trù "báo chí quốc doanh", ít nhiều có đề cập những suy thoái, tiêu cực, quan liêu, tham nhũng...ở một số linh vực quốc gia. nhiều khi nghe có cảm giác như là "suy thoái toàn diện" dẫn đến toàn dân bức xúc, nhưng người chịu thiệt thòi nhiều nhất, nặng nề nhất lại là người dân, nhất là "đám dân đen !"
Điều đó khiến chúng tôi, những người cao tuổi bình thường đã có một thời gian cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc "xã hội chủ nghĩa" và thống nhất nước nhà, phải suy nghĩ rất nhiều. Thời gian cứ trôi nhanh không chờ đợi bất cứ ai, bất cứ sự kiện nào. Cũng bằng ấy thời gian, xây dựng đất nước trong hòa bình, một số nước hiện là bầu bạn của ta đã có những bước tiến rất mạnh mẽ và toàn diện, dân chúng của họ được cải thiện thật sự, đời sống chính trị, xã hội hòa nhập với xu thế thế giới và thời đại. Họ có nhiều đảng chính trị cùng tồn tại cùng phát triển và "cạnh tranh" với nhau nhằm mục đích đưa đất nước của họ tiến lên kịp và vượt xu thế thời đại. Điều này, ai quan tâm đến phát triển thế giới đều thấy rõ, chắc không cần nhắc lại. Còn tại nước ta, hết năm 2013 này là đã trọn 38 năm kể từ khi đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối, nhưng chưa thật sự thống nhất về mọi mặt, vẫn còn nhiều vấn đề chưa hòa hợp dân tộc, do đó chưa có điều kiện phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Một tác giả viết bài trên "Quê choa" băn khoăn rằng, xây dựng "Tượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng" tốn hết hơn 400 tỷ đồng (chưa xong) nhưng cũng chỉ là "tiêu biểu tinh thần cho Bên Thắng Cuộc" chứ không thể làm thanh thản tinh thần của những người ở phía bên kia, một thời là đối địch với "bên này". Chuyện này, chắc còn có nhiều ý kiến sâu sắc hơn, toàn diện hơn.

Trở lại với "suy thoái toàn diện", mà mỗi khi thông tin được loan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy càng lo lắng bội phần, dường như không thể ăn ngon ngủ yên, tức là chưa thật sự yên tâm với đà tiến triển của đất nước, của nhân dân. Như ông Tư Sang, chủ tịch nước có lần đã nói, sau một thời gian phát triển đầy hưng phấn, mọi mặt trên đất nước ta đang trượt dài xuống dốc. Và như ông Cả Trọng có lần cũng đã nói: "nhìn vào đâu cũng có tiêu cực, cũng có suy thoái' Còn bà "Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì "kiểm điểm đi kiểm điểm lại hóa ra là "chúng mình" (vì người ta "ăn" không từ một cái gì cả !"). Tôi đã được học bốn năm lý luận chủ nghĩa Mac-Leenin, hiểu khá rõ thế nào là bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, tôi không bao giờ phủ nhận những thành tựu mà nhân dân ta phải đổi bằng núi xương sông máu mới có được, song những người cầm lái "vĩ đại" của đất nước không bảo thủ, không giáo điều, biết đi theo xu thế thời đại, tổ chức tốt lực lượng, huy động sức mạnh toàn dân trên cơ sở hòa hợp dân tộc một cách chân thành và thật sự thì với thời gian gần 40 năm, nhân dân ta vốn thông minh, cần cù chịu khó, chắc chắn không để cho tham nhũng, quan liêu, hách dịch như một căn bệnh trầm kha lây lan bám rễ trong "một bộ phận không nhỏ", nhiều mặt đã trở thành thâm căn cố đế, không thuốc nào trị được nữa rồi, dẫn đến nhưng suy thoái toàn diện. Tôi xin phép không bàn nhiều về chính trị và chế độ chính trị. Điều này dễ thấy và nó biểu hiện ra từ tư tưởng đến tổ chức, đến hệ thống, mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra một cách thẳng thắn (nhưng sau một năm thi hành nghị quyết, hầu như mọi việc lại trở về điểm xuất phát). Và như có người đã vạch ra: "một bộ phận không nhỏ tham nhũng, suy thoái chính trị tư tưởng, lối sống, đạo đức...làm xói mòn lòng tin của dân chúng, sẽ "tự mất" chứ khỏi cần đến Ban này, Bộ nọ chỉ đạo nữa. Còn về kinh tế, từ ba bốn năm nay, chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Công nghiệp nói chung, trong đó có "kinh tế quốc doanh là chủ đạo" thì đã làm thất thoái hơn 1 triệu một trăm nghìn tỷ đồng, nhiều cơ sở tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ nặng, tăng nợ xấu, đã và đang có nguy cơ tan rã, trong khi chưa kịp phát huy được tác dụng của "kinh tế chủ đạo". Sau đổi mới, một loạt chính sách được đề ra phần nào đã kích thích "ai giỏi nghề gì làm nghề ấy" khuyến khích một phần phát triển kinh tế tư nhân, và kết quả của nó có nhiều khởi sắc. Nhưng chính cái đầu tàu là kinh tế quốc doanh đổ vỡ, xập xệ, thua lỗ...đã kéo theo cả một nền công nghiệp bao gồm hàng chục vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ đổ vỡ theo, hàng vạn hàng vạn công nhân nhân viên thất nghiệp, tức là dồn khó khăn cho dân. Người ta bắt buộc hằng ngày phải ăn, hít thở không khí để sống, nay mất việc, khó khăn quá chứng, không giống như các nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị cầm quyền vẫn ung dung, và 30% công chức, viên chức, "sáng vác ô đi tối vác về" chỉ tốn tiền thuế của dân mà thôi.
Người ta, trong suy thoái kinh tế đã tổng kết chỉ còn "bác nông dân sản xuất nông nghiệp (bao gồm lầm nghiệp, thủy hải sản, làm muối) là có cái chân đứng vững, thậm chí còn có thể là "cứu cánh" cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, nông nghiệp nhờ giải tán hợp tác xã cả làng, nhờ có một số chính sách khoán phù hợp, chúng ta đã có thể mỗi năm cho ra 45 triệu tấn thóc, trong đó xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, cơ bản bảo đảm an toàn lương thực nội địa. Tất nhiên, do bị thiên tai bão lũ, một bộ phận nông dân, hay nhân dân sống ở nông thôn hững chịu thiên tai đã bị cơ cực vì mất nhà mất cửa, thiếu đói nghiêm trọng. Tuy thế, nhìn một cách tổng thể thì trong nông nghiệp vẫn mắc cái "yếu kém" là bảo thủ và trì trệ, nông dân chủ thể chính sản xuất ra các sả phẩm nông nghiệp, nhưng chính họ lại không được làm chủ sản phẩm của mình kể cả tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu, dân đến "được mùa rớt giá", đầu vào bao giờ cũng cao, và đầu ra thì bị trăm thứ dìm giá, nhà nước không "đỡ" họ được bào nhiêu. Vì vậy, đáng lẽ nông dân phải là người yêu quý ruộng đất nhất để sản xuất thì lại có một bộ phận chán ruộng đi ra thành phố tham gia vào các "chợ người". Xây dựng "nông thôn mới" là một chủ trương đúng nhưng chưa hợp lòng dân, lợi dụng nó, nhiều nơi ra sức "bổ bán" lợi dụng thu hút tiền của của dân vượt quá sức chịu đựng của họ. Chúng ta điểm qua hai ngành chính là công nghiệp và nông nghiệp, còn có thì giờ thì nắm qua các ngành khác một chút cũng đủ thấy rợn người. Tài chính ngân hàng thì nhiều tiêu cực, xập xệ, thua lỗ...nhưng lương của họ lại rất cao. Thương nghiệp hô mãi "đưa hàng về nông thôn" nhưng thực chất chỉ là những cuộc đùn hàng thừa ế về cho nông dân và người dân cư trú ở nông thôn mà thôi. Thị trường Việt Nam bấy lâu đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng của nước bạn Trung Hoa rồi, trong đó không thiếu những loại hàng độc hại, chất lượng kém. Bây giờ, nhất là các tỉnh phía bắc, không nhà nào không có đồ dùng Trung Quốc, trong khi rất nhiều loại hàng tiêu dùng ta thừa sức sản xuất với chất lượng cao hơn nhiều. Nhân dân ta từ trước đến nay tin và biết ơn ngành y tế và những thày thuốc có tâm có đức, song càng ngày càng thấy trong ngành ý tế, xuất hiện khá nhiều "thất đức", thày thuốc không như mẹ hiền nữa mà trở thành "những mụ phù thủy" trọng tiền hơn trọng tính mạng người dân, coi tính mạng người bệnh không bằng con tôm con tép. Bác sĩ mổ "Thẩm Mỹ Viện" làm chết người rồi phi tang xác khách hàng xuống sông Hồng. Bảo hiểm y tế là một hoạt động có tính pháp lý chi trả đỡ một phần tốn kém cho người bệnh, nhất là đối với người bệnh hiểm nghèo chi phí ý tế cao vượt quá khả năng chịu đựng của họ. Nhưng y tế và bảo hiểm đã thông lưng với nhau nặn bóp người bệnh đủ mọi hình thức, gây nên tâm lý rất sợ phải đi bệnh viện. Giáo dục cũng có những trì trệ ghê gớm, mục đích giáo dục không rõ ràng, "thương mại hóa" giáo dục, mua chữ, mua bằng cấp, đút lót, hối lộ, làm méo mó rất nhiều hình ảnh thày giáo cô giáo vốn là một ngành được xã hội tôn quý từ xưa đến nay trở nên méo mó. Băng nghị quyết 8 của trung ương liệu có thay đổi căn bản được ngành giáo dục nước ta không ? Văn hóa cũng có nhiều vấn đề, mà đáng lẽ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thì phải là một nền văn hóa tiên tiến, thực chất đậm đà bản sắc dân tộc, chứ không phải là các hoạt động văn hóa "rối tinh tít mù" như hiện nay. Ca sĩ thì chủ yếu xây nhà lầu đắt tiền, nghệ sĩ thì không đủ ăn. Sân khấu, điện ảnh chủ yếu "bỏ vào kho" là chính. Bông sen vàng bông sen bạc, cánh diều vàng cánh diều bạc cũng bay đi đâu hoặc chấm xong thì cất đi. Hội nhà văn có đến 2000 hội viên, nhưng nhiều năm qua chưa có tác phẩm văn chương nào đạt mức tầm cỡ quốc gia cả. Hội Nhà báo đông đên 17.000 hội viên, nhưng chỉ làm mỗi việc nói theo tuyên huấn mà thôi. Thậm chí dân bây giờ ít chịu nghe đài, xem TV, và không có tiền mua báo. Các báo lớn mua bằng ngân sách Đảng và ngân sách Nhà nước phát không cho cán bộ lãnh đạo từ cơ sở chủ yếu là "đút vào ngăn kéo" vì không có thì giờ đọc !
Nhiều văn bản có tính chất pháp quy Nhà nước chưa ban hành đã bị phản đối như một số quy định của ngành giao thông, của công an về chứng minh thư...
Từ những suy thoái toàn diện ấy dẫn đến nhiều bức xúc trong xã hội mà người ta cố tô hồng nó lên để tự ru ngủ mình. Chưa thời kỳ nào đất nước lại bị băng hoại đạo đức đến như vậy. Ngoài "bộ phận không nhỏ" suy thoái chính trị đạo đức, tham nhũng, lãng phí quan liêu ức hiếp dân, còn có một loại không chức quyền nhưng ỷ thế "con ông cháu cha" vênh váo làm càn thậm chí hơn cả xã hội đen. Chưa bao giờ xã hội ta lại có nhiều người xin đi làm "cu ly" cho nước ngoài với cái danh "xuất khẩu lao động". Thời kỳ cai trị khắt khe nhất của thực dân đế quốc cũng không đến nỗi có nhiều gái làm tiền như bây giờ. Rồi chuyện tình công sở, chuyện đa thê, chuyện bồ bịch dường như là "tiêu chuẩn" quan trọng của "sếp" lớn nhỏ. Khoảng cách giầu nghèo ngày càng xa, càng sâu. Càng xóa đói giảm nghèo, thì càng có một tầng lớp, chủ yếu là đội ngũ lãnh đạo giầu lên rất nhanh, ăn chơi trác táng, hơn cả "giai cấp quý tộc" ngày xưa. Cái trước mắt, mọi người dân đều thấy là làm cán bộ từ thôn xóm, từ đường phố trở lên đều chóng giấu, trên nữa thì thỏa chí nhà lầu xe hơi, lương lậu tiền tỷ, trong khi công nhân lao động vẫn với đồng lương không đủ sống.
Trong khi đó, dân ngưỡng vọng nhiều vào Quốc hội sẽ có nhận thức mới, quyết định mới, thông qua một bàn Hiến pháp theo xu hướng tiến bộ của thời đại của thế giới, nhưng xem ra bị cụt hứng. Đất đai vẫn do "ông toàn dân" làm chủ sở hữu, còn là nguyên nhân sinh ra không biết bao nhiêu chuyện rắc rối, bức xúc, dẫn đến chết người, đổ máu vì đất đai. Chị Hoài Hương ở Lâm Đồng kiên trì khiếu nại về đất đại của mình ròng rã 17 năm, cuối cùng có kết luận của Thanh tra Chính phủ thừa nhận quyền chính đáng của chị nhưng cấp chính quyền cơ sở vẫn lăm le làm cưỡng chế. Chị chỉ còn biết khóc than, chứ còn biết làm sao bây giờ ?
Tôi hiểu lời "huấn thị" của Bác Cả Trọng rằng sờ đến đâu cũng có tiêu cực suy thoái, theo một chiều hướng khác, sờ đến đâu cũng có người dân bị thiệt thòi. Công nhân trực tiếp lao động bị coi như là cu ly, nông dân không thiết tha với ruồng đất và sản xuất vì "được mùa rớt giá" trong khi giá các loại vật tư, điện, xăng dầu chỉ thấy có tăng chứ chưa bao giờ có giảm. Nhóm lợi ích ở đâu mà nhan nhản như thế. Đảng lãnh đạo toàn diện, tại sao không diệt được tham nhũng, không dẹp được các nhóm lợi ích, không khử được các "xã hội đen" tạo điều kiện cho toàn xã hội rực rỡ một mầu đỏ phơi phới tiến lên. Tại sao, dân ta lai vừa phải chịu thiên tai ác liệt thậm chí khốc liệt mà còn phải bị "nhân tai" cũng không kém phấn tàn ác ?
Mỗi kỳ họp Quốc hội kéo dài từ một tháng đến hơn 40 ngày, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, liệu có quyết sách gì sáng sủa hơn, mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân hay không? Bao giờ thì ta bớt được, thuyên giảm được cái "bệnh họp" ghê gớm này ?
Nguyễn Mộng Hoài
(Quê Choa)

Vực dậy suy thoái đạo đức đang làm mất cả thế hệ

Thảo luận ở tổ ngày 24/10 về kinh tế - xã hội, các ĐBQH đặc biệt lo lắng tình trạng suy thoái đạo đức xã hội.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an (ĐBQH Hà Nội) cho biết tác động của suy thoái kinh tế đối với vấn đề an ninh hiện đang phức tạp.
thẩm mỹ viện, suy thoái đạo đức, tội phạm
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an: Tác động của suy thoái kinh tế đối với vấn đề an ninh hiện đang phức tạp
Biểu hiện của tình trạng này là tỷ lệ người phạm tội không có việc làm hoặc có cuộc sống không ổn định đang gia tăng, tội phạm trẻ hóa nhanh chóng (trước khoảng 16 tuổi nhưng nay thậm chí có đối tượng 13 tuổi đã phạm tội nặng).

Lấy vụ việc chủ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác khách hàng xuống sông Hồng làm ví dụ, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng sự việc cho thấy vấn đề suy thoái, tha hóa đạo đức xã hội đã đến tột cùng, bởi một con người được đào tạo, làm việc trong những môi trường như vậy, một môi trường của lòng nhân ái mà lại có thể có một hành động không thể chấp nhận được.

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP HCM) thì nêu thực trạng người dân rất bức xúc khi đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng và đây là một trong những vấn đề nóng nhất trong các buổi tiếp xúc cử tri.

Ông Thiện dẫn chứng: Tội phạm giết người ngày càng man rợ, diễn ra trong gia đình, sẵn sàng giết người thân, người trong cộng đồng, từ đó tạo thành một xã hội bất an. Tội phạm kinh tế thâm nhập vào làm hàng gian, hàng giả, an toàn thực phẩm … dẫn đến coi thường tính mạng người dân.

Từ đây, ông chỉ rõ mối nguy do suy thoái đạo đức gây ra: “Chúng ta có thể vực dậy kinh tế suy thoái trong 3 năm hoặc 5 năm nhưng vực dậy suy thoái đạo đức xã hội chắc phải mất cả một thế hệ”.

Theo ông, nguyên nhân không chỉ là sự giáo dục, tuyên truyền mà một phần từ kỷ cương, phép nước chưa nghiêm.

Chưa có giải pháp

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến băn khoăn, hiện chưa có giải pháp chống suy thoái đạo đức xã hội.

thẩm mỹ viện, suy thoái đạo đức, tội phạm
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm
Điều này có lẽ đã thể hiện ngay trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa được trình bày trước QH trong phiên khai mạc.

Đọc báo cáo này, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đánh giá những nội dung về văn hóa xã hội chiếm một phần hết sức khiêm tốn so với kinh tế.

“Do quan điểm chúng ta không đề cao phần này, chúng ta coi nó không quan trọng hay trình độ của chúng ta hạn chế không thể nào tổng kết được trong lĩnh vực này chứ tôi nghĩ trong lĩnh vực này có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét”, bà Lan cho hay.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói “lòng dân bây giờ bất ổn trên nhiều góc độ. Những cái không công bằng, không minh bạch trong chính sách làm cho người dân không tin tưởng”.

“Vậy nhưng báo cáo của Chính phủ lại đánh giá “trong nước tình hình chính trị - xã hội ổn định”. Đánh giá một câu chung như thế đúng nhưng nếu không thấy những yếu tố bất ổn ở trong lòng cái ổn định đó thì giống như chúng ta ngủ mê”, bà Tâm nhấn mạnh.

C.Quyên - T.Lâm - X.Linh - Ảnh: L.A.Dũng

(VNN) 

Nguyễn Cao Kỳ Duyên - “Văn hóa Tây thiên về khuyến khích còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Nguyễn Ngọc Ngạn trong một lần dẫn chương trình
Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Nguyễn Ngọc Ngạn trong một lần dẫn chương trình
Anh Ngạn có lần nói với tôi về sự khác biệt giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Việt Nam, “Văn hóa Tây thiên về khuyến khích còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích”. Câu nói này tôi nghe qua rồi bỏ ngoài tai vì thật sư tôi và những bạn bè sống và lớn lên ở hải ngoại có bao giờ thực thụ đươc trải nghiệm văn hóa Việt Nam đâu? Bên ngoài chúng tôi là người Việt nhưng bên trong, từ cách suy nghĩ đến cách ứng xử thì phải nói chúng tôi hoàn toàn là những đứa Mỹ con. Thế hệ Việt Kiều nửa nạc nữa mỡ như tôi thường được gọi đùa là “banana” (quả chuối) vì ở ngoài vàng nhưng ở trong lại trắng.

Cho đến gần đây qua mạng lưới mở rộng và kết hợp của Facebook, tôi mới nếm thử mùi vị của “văn hóa chỉ trích” này. Tôi đã bị không phải một lần mà bao nhiều lần, hầu như mỗi khi tôi post hình đi nghỉ mát, đi chơi, đi ăn hoặc những món ăn lạ (như bao nhiều triệu người khác trên FB) thì y rằng cũng có vài người hằn học comment “Sao không để tiền đi làm từ thiện?”, “Có biết là bao nhiều người đang đói khổ không?” Tôi “phiên dịch” như vậy nghe cho lịch sự chứ thật ra có nhiều câu nghe không được ngọt ngào như vậy đâu (chẳn hạn như câu này của “Kimlien Kimlien Con.me nay. Suot ngay dj ngj .mat voi an uog. Mjen trug dg bj bao lu kja. Do vo tam” ).

Wow…một người không hề biết tôi và cũng không biết là tôi có cho cứu trợ cho miên Trung không đã vội kết án một cách gay gắt. Thật ra tôi có làm từ thiện và có cho từ thiện khá đều đặn nhưng tôi ít nói ra. Không nói nhưng bị thiên hạ chỉ trích quá, lâu lâu tôi cũng phải “xì” ra cho những người như KimLien biết “Dạ thưa Bác em cũng có cho từ thiện chứ không đến nỗi vô tâm như Bác nghĩ.” Nhưng vừa hé ra thì lại gặp những người như “Trongtai Nguyen Da lam viec tot thi khong can ai biet.noi ra roi chang de lam chi” hoặc “Lam Truc Huynh Da co long lam tu thien thi nen am tham lam,ko nen pho truong cho moi nguoi deu biet.”

Đúng là làm cũng chết, không làm cũng chết (cười khổ). Ở ngoại quốc thì hoàn toàn khác hẳn. Điển hình là cô tài tử Angelina Jolie (thần tượng của tôi). Cô làm bao nhiêu việc thiện và đi đến đâu thì cũng có thông tin báo chí. Một trong những sứ mạng lớn của cô lồng trong các công tác từ thiện là cho thế giới biết đến và chú ý vào những việc cô đang quan tâm. Sau một chuyến viếng thăm của cô thì những tổ chức từ thiện đó thường nhận được rất nhiều nguồn cứu trợ. Những ngôi sao quốc tế thường có những tổ chức từ thiện mà họ ủng hộ và ngược lại những tổ chức này rất mong họ dùng tiếng tăm, tên tuổi của họ để gây sự chú ý. Đó là một việc tốt. Tại sao người Việt mình cứ cho rằng “đi làm từ thiện phải âm thầm”? Tôi có thể âm thầm cho một số tiền cá nhân rất nhỏ nhưng nếu tôi “phô trương” để trăm ngàn người biết đến và cho thêm thì tại sao không?

Rồi sau những chuyến làm từ thiện báo chí lại đang tin “Angelina Jolie và Brad Pitt mới mua lâu đài bao nhiêu triệu ở Paris” tôi chẳng thấy người nào lên án “Tại sao ở Phi Châu bao nhiêu người chết đói, cô mới đi làm từ thiện mà bây giờ lại tiêu xài như vậy?” (Cũng có thể vì KimLien KimLien không biết FB của Angelina Jolie để cho người đàn bà “Đại Vô Tâm” này vài lời vàng ngọc?)

Nói chung là văn hóa ngoại quốc khi làm điều gì tốt đều được khen ngợi khuyến khích. Còn văn hóa mình thì ngồi rình để chỉ trích. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ nhất là đối với lớp trẻ ngày nay để xã hội càng ngày càng tốt đẹp và tích cực hơn. (Facebook Nguyễn Cao Kỳ Duyên)
 

Báo Petrotimes kêu gọi bộ trưởng Y tế từ chức

(PetroTimes) - Vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người rồi ném xác xuống sông đang khiến dư luận hết sức bức xúc. Vụ việc này cộng với hàng loạt vụ việc “tai nạn nghề nghiệp” trong ngành y tế khiến mọi người không thể không nói đến vấn đề y đức trong ngành y tế hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Ở đâu cũng có người xấu người tốt, trong ngành y tế cũng vậy, bên cạnh rất nhiều những bác sĩ, y tá, hộ lý đang hết lòng vì người bệnh thì cũng có những người lợi dụng nghề nghiệp của mình để kiếm chác. Ngành nghề nào bây giờ trong xã hội cũng có những loại người như vậy.

Nhưng, qua vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường thì lại thấy một điều rằng, lãnh đạo Bộ Y tế đã “trút” tội này cho Sở Y tế Hà Nội, rồi sở lại đổ cho quận… thế là cứ “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Và rồi, có lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về việc này cả.

Nói chuyện Sở Y tế Hà Nội, phòng Y tế quận không biết một thẩm mỹ viện hành nghề chui, trái chức năng như vậy… trẻ con không nghe được. Ai cũng thấy một thực tế rằng, bất cứ một cửa hàng kinh doanh nào mới ra đời thì lập tức sẽ có người đến “hỏi thăm”. Một người dân đổ vài thúng cát, vài trăm viên gạch ra đường là lập tức có thanh tra xây dựng của phường, quận xuống “hỏi han”, kiểm tra các loại giấy tờ thủ tục… Có thể nói không có một cái gì có thể qua mắt được các cơ quan chức năng.

Vấn đề là họ có làm theo đúng quy luật của pháp luật hay không mà thôi.

Nơi nào biết nói, biết hiểu “vấn đề đầu tiên” là tiền đâu thì sẽ thoát. Thủ tục chưa hoàn thành thì cứ làm xong đi rồi giải quyết sau; hoặc phạt cho tồn tại… nghĩa là những người có trách nhiệm quản lý họ sẽ nghĩ ra đủ mọi kế, mọi mưu để “thông cảm” với đương sự.

Thế rồi đến khi có việc xảy ra thì họ lấp liếm nói rằng không đủ người theo dõi, kiểm tra… hoặc cấp nọ đổ cấp kia.

Thẩm mỹ viện Cát Tường đã hành nghề mấy tháng nay, không thể không nói các cơ quan quản lý không biết. Họ biết hết đấy, nhưng họ cũng hiểu rất rõ chỗ nào cần phải “triệt” và chỗ nào cần phải “để”.

Để chấm dứt tình trạng “tít mù nó lại vòng quanh” như thế này, có lẽ chỉ cần một biện pháp rất đơn giản đó là cách chức ngay Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Trưởng phòng Y tế quận. Bởi vì sinh ra các vị để các vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình mà các vị lại không biết thì để các vị làm gì. Còn nếu cao hơn nữa, và nếu như bà Bộ trưởng Bộ Y tế có tự trọng hơn nữa thì nên từ chức.

Chúng ta cũng nên học nước ngoài, khi một vụ việc nghiệm trọng xảy ra, bộ trưởng sẵn sàng từ chức ngay. Còn ở chúng ta, văn hóa từ chức xem ra quá xa lạ đối với rất nhiều quan chức. Tất nhiên chúng ta cũng thông cảm rằng, để leo lên được chức nọ chức kia thì họ đã phải phấn đấu bền bỉ rất lâu. Nhưng nếu như cứ hành xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý” thế này thì sẽ chẳng bao giờ có ai chịu trách nhiệm cả, và chắc chắn những vụ như kiểu “ông Cát Tường” hoặc các vụ tiêm nhầm thuốc, vô trách nhiệm gây chết người như thời gian qua sẽ còn nhiều.

Nếu như không dám cách chức, không dám từ chức và cứ lấp liếm tìm cách đổ tội cho những nguyên nhân hoàn cảnh khách quan thì không bao giờ ngăn được nạn tiêu cực và không chỉ riêng ở ngành y tế mà còn ở rất nhiều ngành nghề khác.
Như Thổ
(PetroTimes)

“Mau với chứ…” Ban Nội chính và bác Nguyễn Bá Thanh ơi!


Tham nhũng đang diễn ra từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút ở mọi cấp, mọi nơi. Vì vậy, sự chậm trễ có khi chỉ một giờ, một phút thôi là đã có không biết bao nhiêu tiền của nước, của dân rơi vào túi lũ quan tham. “Mau với chứ…!”, Ban Nội chính và bác Thanh ơi!
Có lẽ tham nhũng là một đề tài luôn làm nóng nghị trường bởi sự phong phú, dai dẳng và bức xúc đến khó chịu. Nó phong phú và dai dẳng đến mức tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 27/9 trước thềm kỳ họp Quốc hội vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên: "về tham nhũng tôi có thể nói hàng mấy tiếng đồng hồ".
Nó khó chịu đến mức cũng chính Tổng bí thư phải thốt lên: "Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu".
Cách đây ít lâu, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngậm ngùi: “Người ta “ăn” của dân không từ một cái gì!”.
Tiếp xúc với cử tri Hải Phòng, nói về việc tham nhũng mua nhà cho bồ nhí của ông Dương Chí Dũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất bức xúc: Có cán bộ “tham nhũng hàng triệu đôla để mua nhà cho bạn gái” là điều rất đau xót!
Trong bản Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm”.
Đánh giá về công tác này, UB Tư pháp Quốc hội cũng cho rằng tỷ lệ số vụ việc tham nhũng phát hiện thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp, việc người dân đi tố cáo tham nhũng là rất ít. Đây là điều mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng đặt câu hỏi “hay người ta chán rồi”.
Còn ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho biết: “điều quan trọng nhất vẫn thiếu là chưa chỉ rõ được địa chỉ của tham nhũng”…
Nói chuyện tham nhũng ở ta, có lẽ nói cả tuần, cả tháng cũng không hết.
Gần đây, không hiểu vì sao mỗi lần nhắc đến tham nhũng là mình luôn nhớ đến Ban Nội chính Trung ương và bác Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh.
Thế là đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày Ban Nội chính Trung ương được thành lập với nhiệm vụ quan trọng nhất là phòng chống tham nhũng.
Những ngày đó, tin ông Thanh, một con người được đánh giá là thẳng thắn, bộc trực, dám nghĩ dám làm và đã làm là làm tới nơi, tới chốn trở thành một trong số những người lính tiên phong của mặt trận chống giặc nội xâm đã làm nức lòng nhân dân cả nước.
Đã có hàng vạn bạn đọc khắp nơi gửi thư về tòa soạn Dân trí bày tỏ niềm tin tưởng và hi vọng.
Bản thân ông Thanh cũng rất hồ hởi với công việc mới. Ông nhiều lần nhắc đến những từ rất khẩn trương như “hốt liền”, “làm tới”…
Tại hội nghị “Công tác quản lý đầu tư xây dựng” diễn ra ở Đà Nẵng ngày 10.1, ông Nguyễn Bá Thanh nói rất quyết liệt: “Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, hốt liền, không nói nhiều”.
Gần đây, không hiểu vì sao tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 11/9, Trưởng ban Thanh lại tâm sự: “Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế. Năm 2013 còn mấy tháng nữa làm sao mà làm cho kịp”.
Cũng biết rằng công cuộc phòng chống tham nhũng “còn rất khó khăn chứ không phải ngày một ngày hai” và đành rằng “Hà Nội không vội được đâu” như lời ông từng tâm sự vui nhưng cũng không còn chần chừ được nữa.
Tham nhũng đang diễn ra từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút và ở mọi cấp, mọi nơi. Vì vậy, sự chậm trễ chỉ cần một giờ, một phút là đã có không biết bao nhiêu tiền của nước của dân rơi vào túi lũ quan tham.
Nhân dân đang từng giờ, từng phút chờ đợi Ban Nội chính và Trưởng ban Thanh.
“Mau với chứ… - Thơ Xuân Diệu”, Ban Nội chính và bác Thanh ơi!
Bùi Hoàng Tám
(Dân trí)

Sự vắng mặt của Obama tại châu Á sẽ tác động thế nào tới tình hình chung?

Sự vắng mặt của Tổng thống Obama vào phút cuối tại Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC ở Bali, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN–Hoa Kỳ và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bandar Seri Begawan và các chuyến thăm song phương đến Malaysia và Philippines đã thể hiện những hạn chế hiện tại của Washington trong chính sách “tái cân bằng” hoặc “trục châu Á”.

Thêm nữa, việc này cũng mang lại cơ hội để Trung Quốc khẳng định thêm vị thế của mình khi sự hiện diện của Hoa Kỳ tại “sân sau của Trung Quốc” về lâu dài không được đảm bảo. Tuy các nước Đông Á không hề muốn điều này giữa lúc khả năng Trung Quốc mở rộng sự bành trướng, gia tăng các hành động “bành trướng sức mạnh” ngày càng tăng cao, không chỉ ở Đông Á mà còn mang tính toàn cầu.

Kerry-Putin APEC 2013
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị APEC 2013. Ảnh: EPA
Điều đầu tiên, ông Obama đã mất đi cơ hội để khẳng định tiếng nói của mình trước đại diện của các hãng truyền thông để từ đó thông qua cho người dân Mỹ thấy tầm quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Á. Bên cạnh đó, khu vực Đông Á cũng đã mất đi cơ hội hợp tác, đàm thoại với thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và Nga – những nước có mối quan hệ ngoại giao khá tốt với ông Hoa Kỳ. Sự hiện diện của các nhà lãnh đạo này ở Bali và Brunei cùng với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ được coi là trung tâm của sự chú ý đối với các phương tiện truyền thông quốc tế.

Quan trọng hơn, việc hủy bỏ chuyến đi của ông Obama tới bờ bên này của thế giới làm gia tăng nghi ngờ về độ tin cậy trong các cam kết và ý định của Hoa Kỳ – những cam kết mà rất nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào nó. Nó đã cho thấy một điều, mọi cam kết và ý định gần như đã được khẳng định phụ thuộc phần lớn vào thể chế, tình hình chính trị tại Hoa Kỳ và sự phát triển của các nước trong khu vực –  ít nhất trong thời điểm hiện tại – đang hỗn loạn hơn cả khu vực Đông Á (đặc biệt là khu vực Trung Đông).

Mặc dù việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường xuất hiện trong các hội nghị quốc tế cùng với các chuyến thăm đến các nước lân cận được lên kế hoạch rất lâu trước đó, nhưng giới truyền thông vẫn hi vọng và tin rằng các chuyến viếng thăm của hai nhà lãnh đạo này được xem như một phản ứng trực tiếp hướng tới sự vắng mặt của Tổng thống Obama. Ít nhất là trong thời điểm quan trọng này và thực sự thì Trung Quốc cũng đang làm như vậy.

Đối với các nước trong khu vực, sự vắng mặt của ông Obama cuối cùng cũng sẽ bị lãng quên, như lần mà Bill Clinton vắng mặt tại cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC và những hành động của Phó Thủ tướng Al Gore tại Kuala Lumpur cách đây 15 năm. Về tác động lâu dài, sự vắng mặt này sẽ không mang lại hậu quả lớn và sẽ chóng tàn, và các nhà lãnh đạo các bên liên quan cũng sẽ nghĩ như vậy – mặc dù họ ngầm hiểu bên trong mọi chuyện đang diễn biến thế nào.

Tuy nhiên, sự kiện này chưa hề diễn ra và khá là không bình thường ở khu vực Đông Nam Á và trong mối quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ. Sự kiện này cũng là điều không bình thường đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, mặc dù còn quá sớm để nói lên điều gì nhưng sự vắng mặt của ông Obama cũng có thể làm xuất hiện các bước ngoặt quan trọng trong thời gian sắp tới.

Rodolfo C. Severino, ISEAS/EAF 
Huệ Đăng chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là ai?

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Phan Thị Bích Hằng, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình, hiện đang sinh sống ở Hà Nội, là nhà ngoại cảm nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Xung quanh nhà ngoại cảm này hiện đang có nhiều thông tin trái chiều nhau.
Phan Thị Bích Hằng sinh ngày 15/2/1972, ở Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Bích Hằng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Từ năm 1999 đến nay Bích Hằng công tác tại Trường ĐH Quản trị Kinh doanh Hà Nội. Phan Thị Bích Hằng cũng là một trong những cán bộ của bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Có nền tảng là một gia đình gia giáo, cuộc đời của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sẽ êm ả trôi đi nếu như không có một biến cố lớn khiến người phụ nữ này đã trở nên nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Hầu hết các nhà ngoại cảm đều nói rằng họ phát hiện khả năng của mình sau một biến cố rất lớn nào đó trong cuộc đời. Có người bị ốm gần chết, có người bị tai nạn suýt chết, thậm chí đã bị “chết lâm sàng” và riêng Bích Hằng thì bị chó dại cắn và rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”.
Theo báo Công an nhân dân, vào mùa hè năm 1990, Bích Hằng và một người bạn cùng bị một con chó dại cắn, bạn gái của cô sau đó đã chết. Hằng được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, song tất cả đều bất lực. Một thầy lang đã chữa cho cô bằng bài thuốc của ông, sau một đợt lên cơn dại Hằng tỉnh lại và khỏi bệnh.
Sau đó, khi đã khỏe mạnh hẳn, Phan Thị Bích Hằng đã dần dần phát hiện năng lực được cho là kỳ lạ của mình.
Một trong những trường hợp được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất là việc Bích Hằng đã tìm mộ cô em gái của giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Loạt bài dài kỳ này được giới thiệu trên báo Công an nhân dân vào năm 2007. Em gái của giáo sư Phương tên là Vũ Thị Kính (SN 1929), chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng một thời. Tháng 6/1950, trong trận càn quét, địch đã bắt được bà. Sau khi tra tấn dã man, chúng đã ra tay giết hại nữ du kích quả cảm này.
Nhờ năng lực ngoại cảm của mình, Phan Thị Bích Hằng đã thông qua một tấm ảnh của bà Kính để “trò chuyện” từ đó hỏi thông tin về phần mộ của bà. Phan Thị Bích Hằng đã giúp gia đình giáo sư Phương tìm lại phần mộ của cô em gái sau hàng chục năm trời gia đình đi tìm mà không có kết quả.
Ngoài ra, Phan Thị Bích Hằng cũng được biết đến qua việc tìm mộ tướng công Hoàng Công Chất. Tháng 3/2007, trên tờ An ninh thế giới đăng bài “Tìm những linh hồn ở K’Nác” nhắc đến thành công của Bích Hằng trong việc ngoại cảm tìm thấy 400 thi thể liệt sĩ ở cánh rừng K"Nác, huyện K"Bang, tỉnh Gia Lai.
Đã có một thời gian, tên tuổi của người phụ nữ đặc biệt này liên quan đến hàng loạt tin đồn về “số phận” của cầu Bãi Cháy, cầu Thăng Long rồi Long Biên... Tin đồn còn khẳng định Phan Thị Bích Hằng đã bị bắt giữ ngay sau khi có những phát ngôn gây sốc. Câu chuyện này càng khiến dư luận tò mò khi cho rằng, chính nhà ngoại cảm Bích Hằng tuyên bố sẽ chịu ngồi tù đến hết đời nếu chị dự báo sai. Những tin đồn lan truyền với tốc độ chóng mặt, qua mỗi làng quê câu chuyện càng được thêu dệt, trở nên ly kỳ hơn.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã không giấu nổi bức xúc với những tin đồn trên. Chị khẳng định chưa bao giờ đưa ra phán đoán nào như thế và cho biết từ trước đến nay, chị chỉ có một công việc duy nhất là đi tìm mộ.
Sau tin đồn về số phận những cây cầu, Bích Hằng lại dính vào một vụ lùm xùm khác là dự đoán sai vị trí của chiếc xe khách bị cuốn trôi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong đợt lũ lụt lịch sử năm ngoái. Trước đó, để hỗ trợ thêm cho công cuộc tìm kiếm, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã liên lạc nhờ sự giúp đỡ của hai nhà ngoại cảm là Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên.
Trên tờ Tiền phong ngày 20/10/2010 có trích dẫn lời ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh rằng, các nhà ngoại cảm (Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên) cho biết: Vị trí xe bị nạn cách cầu Bến Thuỷ trong vòng bán kính 1,2 km về phía hạ lưu (thuộc vị trí xã Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, vị trí chiếc xe khi được vớt lên hoàn toàn khác, cách cầu Bến Thủy khoảng 3km chứ không phải 1,2km về phía hạ lưu cầu Bến Thủy như các nhà ngoại cảm đoán.
Từ vụ việc này, dư luận lại dấy lên nghi ngờ: Phải chăng Phan Thị Bích Hằng đã mất khả năng? Thậm chí trên nhiều diễn đàn mạng còn cho rằng, Bích Hằng đã mất khả năng từ khi sinh con thứ hai!
Gần đây nhất trên tờ Pháp luật Việt Nam cũng đăng tải những ý kiến nghi ngờ năng lực của một số nhà ngoại cảm nổi tiTháng 10 năm 2013, trong một chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài Truyền hình Việt Nam, có phóng sự nói rằng tất cả các mẫu vật được Viện Pháp y Quân đội giám định lấy từ một số hài cốt mà Bích Hằng tìm được đều là giả mạo hoàn toàn. Qua đó, VTV khẳng định Bích Hằng đã "gian trá" và "thất đức"ếng trong đó có Phan Thị Bích Hằng. Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ và người có công đã dẫn chứng về trường hợp liệt sĩ Lê Tiến Hệ, gia đình sinh sống tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Gia đình liệt sĩ Hệ đã cậy nhờ nhà ngoại cảm Bích Hằng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm. Qua áp vong, nhà ngoại cảm Bích Hằng cho gia đình biết mộ liệt sĩ Hệ đang ở Kon Tum.
Tuy nhiên, giấy báo tử của liệt sĩ này lại cho biết anh không hy sinh ở Kon Tum! Sau đó, gia đình liệt sĩ Hệ đã đưa mẫu hài cốt thu được ở Kon Tum tìm thấy bằng phương pháp ngoại cảm đi xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy nhà ngoại cảm đã đoán sai.
Giữa lúc những lời thị phi về khả năng tìm mộ của chị lên cao và hồ sơ nhờ tìm mộ còn xếp đầy ở nhà, Phan Thị Bích Hằng lại đột ngột tuyên bố giải nghệ và chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác là kinh doanh bất động sản. Trên VTC News, Phan Thị Bích Hằng đưa ra rất nhiều lý do cho việc giải nghệ này như: sức khỏe không đảm bảo, muốn dành thời gian cho việc học hành và gia đình… tuy nhiên, độc giả thì không thể không đặt dấu hỏi.
Báo Lao động online ngày 30/10/2010 dẫn ý kiến của bạn đọc Trần Hoàng Châu Phố (TP.HCM) cho rằng: “Đây là việc riêng của cá nhân nhà ngoại cảm. Báo chí đăng thông tin này sẽ “vô tình” tạo tâm lý đối với những người có nhu cầu tìm mộ và tìm đến nhà ngoại cảm ngày một đông hơn. Đại loại lời tuyên bố “tạm ngừng” này cũng giống như một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay có những lời “tuyên bố” gây sốc trong dư luận hoặc tạo những scandal để đánh bóng tên tuổi của mình”.
Tuyên bố giải nghệ của Phan Thị Bích Hằng còn khiến dư luận “đoán già đoán non” liệu có phải Bích Hằng đã thực sự bị mất năng lực nên mới tuyên bố giải nghệ? Thực hư của tin đồn này khó ai có thể kiểm chứng nhưng điều chắc chắn rằng, sau những sự cố trên, niềm tin của dư luận đối với nhà ngoại cảm đã có phần bị lung lay.
Bởi vậy, thiết nghĩ, thân nhân liệt sĩ cũng cần lưu ý lời khuyến cáo của bà Ngô Thị Thúy Hằng: “Không nên bỏ qua khâu giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ tìm thấy theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm".
Gần đây, Phan Thị Bích Hằng lại quay trở lại tìm mộ liệt sĩ.
Tháng 10/2013, trong một chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài Truyền hình Việt Nam, có phóng sự nói rằng tất cả các mẫu vật được Viện Pháp y Quân đội giám định lấy từ một số hài cốt mà Bích Hằng tìm được đều là giả mạo hoàn toàn.
Qua đó, VTV khẳng định các nhà ngoại cảm đã "gian trá" và "thất đức".
Nguồn: Vietnamnet/ Wikipedia
 

Ông Gaddafi đang ẩn náu ở Guinea Xích đạo?

Khi những nguồn tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên báo Iran cho rằng, cố lãnh đạo Libya Gaddafi thực ra vẫn còn sống thì mọi đồn đoán lại dậy lên rằng, có thể ông này đang ấn nấp ở Guinea.
Tại sao lại là Guinea? Giới thạo tin đã trích dẫn nguồn tư liệu cho rằng, trước đó Chính phủ Anh dưới thời của cựu Thủ tướng Tony Blair đã đặt ra kế hoạch để đưa ông Gaddafi ra khỏi Libya và cho phép ông này sống những ngày còn lại ở một quốc gia châu Phi để tránh bàn tay của luật pháp quốc tế.
Tờ báo Anh Daily Mail cho rằng, MI6 (cơ quan Tình báo Anh) lúc đó đã chọn Guinea Xích đạo là điểm đến cho ông Gaddafi. Kế hoạch này được coi là một cách để chấm dứt sự tàn phá, giết chóc trong cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi và sau đó là cuộc tấn công của các lực lượng NATO, trong đó có Anh, vào năm 2011.

Ông Gaddafi.

Trong khi chiến sự diễn ra ác liệt ở Libya, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Anh lúc đó, ông Andrew Mitchell, dự cuộc họp của Liên minh châu Phi ở Guinea Xích đạo hồi tháng 6.2011 để kết nối với chính quyền, tìm cách kêu gọi sự ủng hộ chính sách can thiệp của Anh vào Libya.
Tuy nhiên sau đó, sự việc được biết đến rằng: “Ông Gaddafi cùng đoàn tùy tùng đi trên 50 chiếc xe, đang trên đường bỏ trốn sang Niger thì bị thì bị máy bay Pháp đánh bom, rồi bị quân nổi dậy vây bắt. Sau đó, ông Gaddafi bị hành hạ và bắn chết”.
Đoạn video quay cảnh giết ông Gaddafi sau đó cũng được đăng tải rộng rãi trên mạng. Đó là ngày 20.10.2011.
Hai năm sau ngày ông Gaddafi bị lật đổ và giết chết, truyền thông lại rộ lên thông tin, ông Gaddafi vẫn còn sống ở một nơi bí mật bên ngoài Libya. Nguồn tin bắt đầu từ báo chí của Iran, sau đó được trang mạng "World Bulletin" của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22.10.2013 dẫn lại.
Bài báo của tác giả Abu Asad Abu Ghayla đăng trên tờ Al – Masri Al- Yawm cho biết, cái chết của ông Gaddafi là một trò lừa bịp. Theo bài báo này, sau khi bị cụt một chân trong một cuộc oanh kích của NATO, ông Gaddafi đã đi đến một nước láng giềng để điều trị và hiện đang sống một cuộc sống bí mật. Bài báo cũng cho rằng các đoạn video cho thấy những khoảnh khắc cuối cùng của ông Gaddafi trước khi qua đời đã được tạo dựng.
Trước nguồn tin mới nhất này, dư luận đã liên tưởng đến ý định giải cứu ông Gaddafi năm xưa của Tình báo Anh. Hiện tất cả nguồn tin này đều chưa được kiểm chứng và đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin ông Gaddafi còn sống.
Chính quyền Libya hiện thời cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin nói trên.
(Dân Việt)

Nổ lớn ở đại lý gas tại quận Tân Bình


Khoảng 7 giờ 20 phút sáng nay, 25.10, tại đại lý gas, bếp gas Anh Khôi ở số 998 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM xảy ra nhiều tiếng nổ lớn.
Thông tin ban đầu, trong nhà có ba người bị thương được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Căn nhà ba tầng rạn nứt, vỡ toác. Giao thông tại khu vực hiện trường đang hỗn loạn, hiện cảnh sát đang cố gắng điều tiết giao thông.
Chị Nguyễn Thị Lượm, chủ đại lý gas Anh Khôi cho biết anh Lê Công Hưng và vợ là Mạc Ngọc Lan bị phỏng được đưa vào Bệnh viện Tân Phú cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Tài bị ngộp khói được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Lực lượng phòng cháy chữa cháy quận 11 điều 6 xe phòng cháy chữa cháy và hàng chục chiến sĩ cảnh sát cứu hỏa đến hiện trường.
Tại tầng 1 và tầng 2, hàng chục bình gas nhiều loại cháy đen.
Sự cố cháy nổ bắt đầu xảy ra ở tầng trệt rồi bùng lên các tầng khác cháy lan ra. Nguyên nhân ban đầu nghi do nổ gas. Nếu lực lượng phòng cháy chữa cháy quận 11 không đến kịp thời thì căn nhà sẽ cháy lớn và lan sang các căn nhà cạnh bên.
Minh Phương
(Một thế giới) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét